“Văn hóa giao thông” của Việt Nam, đặc biệt miền Nam Việt Nam sau năm 1975, cũng như mọi thứ “văn hóa” khác, tất cả đều ảnh hưởng sâu đậm cái gọi là “văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Cái khó là, bây giờ, nếu có ai (cắc cớ) biểu định nghĩa thế nào là “văn hóa xã hội chủ nghĩa”? Tui chịu thua. Bó tay thôi. Bởi vì “văn hóa XHCN” ở Việt Nam, trên thực tế mỗi nơi mỗi khác. Còn về “tiêu chí” hay “nội hàm” của văn hóa thì mỗi lúc, mỗi thời kỳ người ta diễn giải “văn hóa” một cách khác nhau, đôi khi đối nghịch với nhau.
Trong thành phố nhan nhản những “khu phố văn hóa”. Các khu phố này giống nhau cái gì và khác nhau cái gì (về văn hóa)? Đi vào trong xem thử “bản chất văn hóa” của từng khu phố, ta thấy gì? Phố nào cũng giống nhau ở chỗ nhếch nhác, rác rưới, bẩn thỉu, ồn ào, rách rưới… Ngoại lệ những lá cờ, những tấm biểu ngữ đỏ tươi phất phới ở trên là “vui vẻ”.
Văn hóa là lá cờ, là tấm biểu ngữ hay là thực trạng khốn cùng của người dân, những người sinh sống trong các hẻm nhỏ?
Về “nội hàm” văn hóa. Lâu lâu ta đọc báo thấy lời kêu gọi (hay thúc giục) các phong trào “xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong thời kỳ x, y, z…”. Xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa mới trong thời kỳ hội nhập, trong thời kỳ đổi mới, trong thời kỳ kinh tế thị trường định hướng XHCN…
Văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng XHCN rõ ràng là thứ đổi màu, giống con kỳ nhông. Lúc trước “thời kỳ quá độ lên XHCN” tiêu chuẩn văn hóa phải là “đỏ”, càng đỏ càng “giác ngộ”. Thời kỳ “đổi mới”, văn hóa lúc đỏ lúc xanh, kiểu cá lia thia thua trận đổi màu “sọc dưa”. Thời kỳ bây giờ, văn hóa là gì, đố ai biết.
Văn hóa là “sản phẩm” phát sinh từ những con người cùng hấp thụ những “giá trị nền tảng” bất biến, trong một nền văn minh, trong một xã hội. Các giá trị nền tảng có thể là các tín điều tôn giáo, chính trị, kinh tế hay xã hội (từ bi, hỉ xả, yêu thương đồng loại, tình liên đới, tình bạn, tình cha con, chồng vợ, tôn thờ công lý, yêu chuộng tự do, tinh thần trọng luật, tinh thần đề cao cái đẹp “chân, thiện mỹ”, đề cao quyền con người v.v…). Văn hóa, vì vậy có tính “khai phóng”, trên căn bản những tín điều “bất biến”.
Các “giá trị nền tảng” xây dựng lên một cộng đồng xã hội, một quốc gia lúc đen, lúc trắng, kiểu Việt Nam bây giờ, thì làm gì có “văn hóa”?
Văn hóa giao thông của Việt Nam, nói ra bà con đừng buồn, theo tôi 90% người Việt Nam không có văn hóa giao thông. 90% người Việt Nam không biết lái xe!
Thật vậy, biết lái xe trước hết là phải biết “luật về giao thông”. Anh lái hay cách mấy, nhưng anh bất chấp luật lệ, hiển nhiên anh không biết lái xe. “Luồn lách” có thể là một cách sống nhưng không thể là văn hóa giao thông. Đâu phải thấy có chỗ trống là anh đút xe vào được đâu? Ai cũng tranh đi trước, tranh tiện lợi, muốn “tay trên”… thì đường xá ùn tắc thôi.
Tôi dám khẳng định là tài xế Việt Nam, nếu qua một xứ bất kỳ, kiểu Thái Lan hay Mã Lai (nói chi các quốc gia Âu, Mỹ), nếu họ lái theo “kiểu Việt Nam” của họ, chỉ 30 phút là họ bị cảnh sát tước bằng lái.
Bằng lái Việt Nam là “bằng quốc tế”.
Các bạn phải hình dung rằng chiếc xe của bạn đang lái, nếu lái đúng luật, thì nó là một phương tiện giao thông. Nhưng khi bạn phạm luật, thì chiếc xe của bạn có thể trở thành “phương tiện giúp cho bạn giết người”.
Trên đường cao tốc (trên hai làn xe), luật buộc mọi phương tiện giao thông, nhứt là xe tải, xe khách (không chạy quá 80 km giờ) phải đi bên làn phải.
Luật cấm, không cho phép bạn vượt (qua mặt) xe khác từ bên làn phải. Luật qui định bạn chỉ được phép qua mặt bên làn trái.
Trong thành phố, khi đèn đỏ, mọi phương tiện giao thông phải ngừng ở vạch trắng đúng qui định. Người bộ hành qua đường có “quyền tuyệt đối” trong thời gian đèn xanh dành họ qua đường, trên lề vạch trắng dành riêng cho họ. Mọi phương tiện xe cộ nào “chồm chồm” rú ga nhít lên, như muốn đe dọa người bộ hành, người tài xế này có thể bị truy tố về tội “sử dụng phương tiện giao thông đe dọa tính mạng người khác”. Nói chi những bạn chạy xe gắn máy trên lề dành riêng cho bộ hành.
Đâu phải anh có xe đẹp thì anh có quyền rú ga, lấn đường, gây nguy hiểm cho người khác?
Chuyện có thật bên Mỹ. Một người phụ nữ Việt Nam ở trong nhà, đang cầm dao băm thịt (hay để làm chuyện chi đó) trong bếp. Tình cờ vì một lý do nào đó cảnh sát khám nhà. Người phụ nữ kia nói chuyện với cảnh sát với tư thế cầm dao “giá giá” nhân viên công lực. Viên cảnh sát rút súng và bắn chết tại chỗ người phụ nữ kia. Bởi vì người cảnh sát này cho rằng cái cách cầm dao của người phụ nữ kia là hành vi đe dọa tính mạng của anh ta. Quyền tự vệ chính đáng.
Vì vậy, tôi thành thật khuyên quí vị hay có thói quen đến đèn đỏ mà không chịu ngừng hẳn ở vạch trắng, hành vi nhấn ga, cho xe chồm chồm nhích lên, nhích xuống, có thể xem là hành vi đe dọa bộ hành. Trường hợp này khá giống vụ người phụ nữ bị cảnh sát bắn chết. Chiếc xe không còn là phương tiện giao thông mà nó trở thành vũ khí đe dọa, hay chuẩn bị giết người. Người phạm tội này có thể bị tịch thu phương tiện giao thông, bị tước bằng lái và còn có thể bị truy tố hình sự, gỡ nhiều cuốn lịch.
Theo tôi, văn hóa giao thông của Việt Nam (hay của Nga, các xứ Đông Âu…) có ảnh hưởng từ lối sống “luồn lách” của con người dưới các chế độ độc tài. Các xứ Đông Âu, gần đèn thì sáng, vấn đề giao thông không còn là chuyện nhức đầu.
Giao thông Việt Nam, khi mà văn hóa luồn lách còn tồn tại, khi mà cảnh sát giao thông hoặc còn “a ma tơ”, không biết luật giao thông, hoặc không lo làm cảnh sát bảo vệ trật tự mà chỉ muốn trấn lột kiếm tiền, thì tình trạng giao thông của Việt Nam cũng mịt mờ như văn hóa XHCN.