Saturday, February 25, 2017

Chết trong đồn công an bao giờ được nhận xác?

 Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-02-24  
Bà Nguyễn Thị Ái đầm đìa nước mắt ôm di ảnh con trai, anh Phạm Ngọc Nhung.
 Bà Nguyễn Thị Ái đầm đìa nước mắt ôm di ảnh con trai, anh Phạm Ngọc Nhung. RFA photo
Những ngày vừa qua trên các trang mạng xã hội, hình ảnh một bà mẹ ôm di ảnh của con trai bị chết trong đồn công an, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ vì những lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng liên quan cái chết khuất tất của con bà chỉ được hồi đáp bằng sự im lặng.
Chết không báo gia đình
“Cháu bị bắt ngày 15 tháng 1 năm 2017. Khi bị bắt thì con trai tôi đang khỏe mạnh mà 2 ngày sau bị chết trong đồn công an.”
Bà Nguyễn Thị Ái kể về cái chết của người con trai duy nhất, Phạm Ngọc Nhung, 26 tuổi, nhân viên kỹ thuật của trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, như thế. Bà Ái nói trong nước mắt rằng bà nhận được tin dữ từ Công an Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1 thông báo vào ngày 18 tháng 1 năm 2017.
Anh Phạm Ngọc Nhung bị bắt giữ tại đồn Công an Phường Cầu Ông Lãnh vào sáng ngày 15 tháng 1, do bị tình nghi về tội đánh nhau với người khác. Đến sáng hôm sau, anh Nhung bị nôn mửa và tiểu ra quần và ngất xỉu. Người bị bắt giữ cùng vụ việc, tên Lâm, đập cửa phòng giam kêu cứu và anh Nhung được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Sài Gòn. Sau đó, anh Nhung được chuyển qua Bệnh viện 115 và tử vong lúc 22 giờ 50 phút, tối 16 tháng 1.
Cháu bị bắt ngày 15 tháng 1 năm 2017. Khi bị bắt thì con trai tôi đang khỏe mạnh mà 2 ngày sau bị chết trong đồn công an.
- Bà Nguyễn Thị Ái
“Anh em thân hữu cùng các thầy cô với nhà trường đi tìm thì 4 ngày sau công an mới bảo là con tôi bị chết rồi. Người ta đã đem ra nhà xác mổ rồi. Người ta bảo con trai tôi bị chấn thương sọ não.”
Bà Ái được Đại úy Trần Đình Huy cho biết anh Nhung bị chấn thương sọ não do té ngã. Mẹ của anh Nhung thắc mắc sau khi nghe đọc kết quả khám nghiệm tử thi của con trai mình:
“Té ngã thế nào lại chấn thương sọ não mà bị gãy xương quai hàm, bị lõm sọ, bị gãy sườn, trên người có 9 vết thương, chân cẳng đều bị xước hết.”
Bà Ái xin biên bản giám định tử thi của anh Nhung nhưng phía công an yêu cầu phải làm đơn. Tuy nhiên sau hơn một tháng bà vẫn không nhận được biên bản này. Chúng tôi liên lạc với đồn Công An Phường Cầu Ông Lãnh vào sáng ngày 22 tháng 2 và được cho biết:
“Cái đó chị lên trên đội điều tra ngay chổ 73 Yersin. Toàn bộ hồ sơ đã chuyển lên đó hết rồi.”
Vì quá đau lòng trước cái chết đầy uẩn khúc của con trai, bà Ái đã đến rất nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền cầu cứu xem xét trường hợp tử vong của anh Phạm Ngọc Nhung. Thế nhưng, không một cơ quan nào thụ lý đơn giải quyết.
Chưa biết bao giờ nhận xác
Untitled-12-400.jpg
Bà Nguyễn Thị Ái ôm di ảnh con trai, anh Phạm Ngọc Nhung. Bà Nguyễn Thị Ái ôm di ảnh con trai, anh Phạm Ngọc Nhung.
Hơn một tháng sau khi anh Nhung thiệt mạng, hồ sơ và đơn từ được chuyển đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC 44) vào ngày 23 tháng 1. Tại đây, bà Ái nhận được câu trả lời về đơn xem xét cho giảo nghiệm tử thi lần thứ hai với sự chứng kiến của người thân, luật sư cùng báo chí:
“Để làm như vậy thì họ bảo phải chờ thêm một thời gian nữa, không biết lâu mau thế nào, có khi một-hai tháng trở lên, khi nào có thì trả lời. Cứ hỏi ‘Có câu trả lời chưa? Thì bảo là ‘Chưa. Có hàng ngàn vụ án chứ có phải một mình con bà đâu’. Con tôi chết giờ nằm ở đó hơn một tháng rồi. Tôi đau lòng lắm!”
Gia đình của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung cũng đã làm đơn tố cáo vụ việc gửi đến Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đơn thư được thụ lý và tức tốc điều tra vỏn vẹn trong 3 ngày. Vào ngày 20 tháng 1, Cục Điều tra cho biết vụ án không thuộc thẩm quyền xử lý vì Công an Quận 1 bắt được hai hung thủ gây ra cái chết cho anh Nhung.
Hai hung thủ Võ Hữu Tài và Lê Ngọc Thạch bị bắt khẩn cấp vào ngày 20 tháng 1 và được thả liền trong ngày 21 với lý do sau khi xem xét hình ảnh trích xuất từ camera do người dân cung cấp và qua lời khai của hai nghi can cho thấy không có dấu hiệu của hành vi gây ra chấn thương sọ não cho nạn nhân Phạm Ngọc Nhung.
Để làm như vậy thì họ bảo phải chờ thêm một thời gian nữa, không biết lâu mau thế nào, có khi một-hai tháng trở lên, khi nào có thì trả lời.
- Bà Nguyễn Thị Ái
Đáp câu hỏi của RFA về luật pháp quy định như thế nào đối với yêu cầu xin khám nghiệm thử thi lại trong trường hợp gia đình nạn nhân không đồng ý với kết luận giám định, Luật sư Võ An Đôn, từng tham gia vụ án đòi công lý cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên bị 5 công an dùng nhục hình đến chết, cho biết tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc mà thời gian có thể kéo dài từ 1 tuần cho đến 1 tháng hay thậm chí sẽ kéo dài rất lâu:
“Theo luật khi gia đình nạn nhân không đồng ý với kết luận giám định thì có thể khiếu nại lên cấp trên. Luật quy định vậy, nhưng thực tế khó lắm bởi vì bên Giám định của Trung tâm Pháp y của tỉnh, thành phố trực thuộc cấp trên thì cũng vậy thôi, bao che hết. Như trường hợp này mà cố tình kéo dài để gây khó khăn hoặc là cố tình không muốn làm rõ vụ án thì không biết chờ đến khi nào.”
Trong thời gian vụ việc anh Phạm Ngọc Nhung tử vong lúc bị tạm giam tại đồn công an, Bộ Công An Việt Nam lần đầu tiên công bố báo cáo về chống tra tấn kể từ khi Việt Nam ký Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc hồi năm 2013 và phê chuẩn vào năm 2014. Theo đó, Việt Nam không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình và mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh.
Về án mạng chết người vừa xảy ra trong gia đình, bà mẹ Nguyễn Thị Ái khẩn thiết van xin cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ nguyên nhân gây ra cho con trai Phạm Ngọc Nhung.
“Tôi đi lên văn phòng ông Đinh La Thăng mà người ta bao bọc bên ngoài, không cho tôi vào. Đi hết chỗ này đến chỗ khác thì người ta cứ bảo đợi chờ mà chờ cái gì nữa…Tôi chỉ biết ôm ảnh con mà khóc. Bây giờ tôi chả biết làm sao cả.
Cho đến giờ này người nhà của anh Nhung vẫn không nhận được xác của anh. Phong tục tập quán người Việt không thể chấp nhận việc trì hoãn này và càng kéo dài nỗi đau thì sự oán hận càng sau thêm trong lòng gia đình nạn nhân bất hạnh.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/died-in-detain-police-station-when-released-f-funeral-ha-02242017104906.html/chet-trong-don-cong-an-bao-gio-duoc-nhan-xac

Nhận xe tiền tỷ, cơ quan nhà nước có trong sáng?

Theo-Zing-26-02-2017

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) khẳng định việc doanh nghiệp tặng xe sang cho cơ quan nhà nước sẽ khiến người dân và các doanh nghiệp hoài nghi.

Liên quan đến việc doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau 2 ôtô hiệu Lexus (có giá hơn 6 tỷ đồng), ngày 23/2, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký báo cáo khẩn gửi Thủ tướng.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tặng ôtô cho tỉnh để phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, phòng chống cháy rừng…
Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) khẳng định việc doanh nghiệp tặng quà sau đó được ứng 25 tỷ đồng chắc chắn sẽ khiến người dân và các doanh nghiệp khác đặt nghi vấn. Vì thế, cần làm rõ động cơ, mục đích của doanh nghiệp khi tặng quà cho UBND tỉnh là gì.

Nhận quà tiền tỷ phải báo cáo Chính phủ

- Mới đây dư luận xôn xao về việc một doanh doanh nghiệp tư nhân tặng tỉnh Cà Mau 2 chiếc xe có giá trị lên đến 6 tỷ đồng. Quan điểm thế nào?
- Việc doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe trị giá lớn như vậy để nhằm mục đích gì chưa thể đưa ra kết luận. Nhưng theo quy định pháp luật, cụ thể là Quyết định 64/2007 của Thủ tướng về vấn đề quy chế tặng quà, nhận quà của cơ quan nhà nước, việc nhận quà phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục.
Đơn vị nhận quà với giá trị cao như vậy phải lập phương án báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính để ban hành quyết định về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước.
Sau khi đã xác lập quyền sở hữu nhà nước, tài sản đó phải đưa vào tài sản công, phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải làm phương tiện phục vụ cá nhân. Tôi chưa biết về vấn đề này, khi nhận quà, UBND tỉnh Cà Mau đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính để xác lập quyền sở hữu nhà nước hay chưa.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng. Ảnh: Việt Đức.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng. Ảnh: Việt Đức.
- Nhiều người đặt nghi vấn về việc doanh nghiệp tặng quà cho tỉnh Cà Mau để được ưu ái. Ông nghĩ sao?
- Nếu doanh nghiệp tặng tỉnh 6 tỷ đồng để thực hiện việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đầu tư hạ tầng, bệnh viện, trường học… thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, họ lại tặng 2 chiếc “xe sang”. Vì thế, nghi vấn là điều dễ hiểu.
Chắc chắn nhiều người nghĩ một doanh nghiệp đóng trên địa bàn “biết cách đối xử” với UBND tỉnh sẽ được ưu ái hơn các doanh nghiệp khác.
Theo tôi, UBND tỉnh Cà Mau nên nói rõ cho người dân biết tại sao lại nhận quà giá trị lớn của doanh nghiệp, nhận quà để sử dụng vào việc gì.
- Sau khi tặng quà cho tỉnh Cà Mau, doanh nghiệp này đã được tạm ứng 25 tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng nhà máy xử lý rác. Phải chăng có sự ưu ái ở đây?
- Tôi cũng có nghe nói sau khi tặng 2 ôtô, doanh nghiệp đó được tạm ứng 25 tỷ đồng để xử lý nhà máy rác. Tuy nhiên, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau khẳng định tiêu chuẩn của doanh nghiệp này được tạm ứng số tiền đó. Vì vậy, việc có ưu ái hay không sau khi tặng quà vẫn chưa thể kết luận được.
Theo tôi, trong sự việc này cần phải làm rõ 3 vấn đề.
Thứ nhất, động cơ, mục đích của doanh nghiệp tặng 2 xe Lexus trị giá 6 tỷ đồng này là gì? Tất nhiên tiền đó là tiền của doanh nghiệp không phải tiền Nhà nước nhưng những năm qua doanh nghiệp đó làm ăn ra sao, có lãi không, lãi bao nhiêu mà có thể tặng quà trị giá lớn như vậy.
Thứ hai phải rà soát lại sau khi nhận quà là 2 chiếc xe, tỉnh có chỉ đạo, văn bản nào ưu ái cho doanh nghiệp đó hay không?
Thứ ba, nhận 2 “xe sang” của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã phục vụ cụ thể vào việc công việc gì?
Tôi cho rằng, muốn kết luận việc mục đích tặng 2 hai chiếc xe có trong sáng không phải dễ.
Lexus GX 460 biển số tại nhà xe UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hải Long.

Lãnh đạo cấp tỉnh không đi xe tối đa 1,1 tỷ

- Mới đây lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã lên tiếng cho rằng doanh nghiệp tỉnh tặng xe để phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán…?
- Đấy là cái lý của Cà Mau. Nếu có nhu cầu thì tỉnh phải mua xe từ trước chứ sao lại đợi doanh nghiệp tặng?
Bên cạnh đó, ở Cà Mau, nhiều vấn đề còn quan trọng hơn việc xử lý hạn hán như xóa đói giảm nghèo... sao tỉnh không ưu tiên đầu tư trước.
Theo tôi, việc đi giám sát đê điều, hạn hán cũng không cần thiết sử dụng “xe sang” như vậy.
Hơn nữa, theo quyết định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ôtô trong cơ quan nhà nước của Chính phủ, lãnh đạo, cán bộ cấp tỉnh cũng không được phép đi xe trị giá 3 tỷ đồng.
- Cũng liên quan đến ôtô trao tặng, mới đây Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết được một doanh nghiệp tặng một chiếc ôtô trị giá 1,3 tỷ đồng. Ông có thể cho biết theo quy định, lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố được phép đi xe trị giá tối đa bao nhiêu?
- Theo quy định mới nhất của Bộ Tài chính, chủ tịch tỉnh, thành phố chỉ được đi ôtô có giá trị không quá 920 triệu đồng. Bí thư cấp tỉnh nếu là Ủy viên Bộ Chính trị thì được đi xe giá trị tối đa 1,1 tỷ đồng.
Theo tôi, về vấn đề này, cần có một cơ quan xác minh lại thông tin Thành ủy Đà Nẵng tiếp nhận và sử dụng xe trị giá lên đến 1,3 tỷ đồng từ doanh nghiệp. Bởi Bộ Tài chính đã có quy định rất rõ về từng chức vụ được sử dụng xe trị giá như thế nào.
- Quy trình cơ quan nhà nước tiếp nhận quà tặng từ doanh nghiệp, cá nhân như thế nào?
- Theo Quyết định số 64 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, đầu tiên, cơ quan nhà nước phải thông báo cho doanh nghiệp, cá nhân về việc đồng ý tiếp nhận quà tặng.
Bước thứ hai là báo cáo với cơ quan cấp trên về việc tiếp nhận quà tặng từ doanh nghiệp để đưa tài sản đó vào sở hữu công. Tiếp theo, cơ quan nhà nước phải có bản kế hoạch cụ thể sẽ sử dụng quà tặng đó như thế nào, vào việc gì.
Trong trường hợp không thẩm định được giá của quà tặng, cơ quan được tặng phải đề nghị cơ quan chức năng thẩm định giá.
Theo tôi được biết, riêng với ôtô, cơ quan nhà nước có quyền từ chối tiếp nhận nếu giá trị quá lớn. Hoặc có thể tiếp nhận nhưng phải tổ chức bán lại rồi dùng tiền vào việc công khác.
 Văn Chương

Một chuyện xin ấn đầu năm

Đào Đức Thông
  
(VNTB) - Ngày 15 tháng Giêng, là ngày "Tết Nguyên tiêu", là ngày rằm đầu tiên của năm Đinh Dậu. Cũng là ngày ông bà, cửu huyền thất tổ về chứng nhận tấm lòng đầu năm của các con cháu, vì vậy ngày Rằm đầu năm nhà nhà cúng lễ ở hầu hết mọi nơi, tâm ai cũng như mở để nghe, tiếp thu và chào đón hương linh ông bà về thăm con cháu.


   Xin ấn đầu năm !

Làng nọ phía Bắc nước Việt Nam, có 1 lão tên Tửng, trước làm thượng quan của 1 tỉnh nhưng sớm cáo quan về quê vui thú với vợ con. Ai hỏi lý do thì lão ngửa mặt lên trời mà than: “Khắp nơi bè phái, lợi ích nhóm. Ta là người đứng giữa nên phải đi”.

Từ khi  từ quan thì lão Tửng chuyên tâm học đạo Thánh Hiền, lão uống nhiều rượu, nhưng uống mãi không say, tính tình giờ có phần gàn gở.

Đêm Rằm tháng Giêng –Đinh Dậu, lão Tửng  nằm ngủ say trước hiên nhà bỗng thấy lạc tới 1 cảnh giới có hai con đường, một đường màu đỏ hồng và sáng, một đường màu tím, có sương mờ nâu đen.

Lão Tửng tính chọn con đường màu đỏ hồng để đi, nhưng có tiếng ai đó nhắc nhẹ: “Ngươi hãy đi vào đường tím trước để xem được nỗi khổ của muôn dân Việt”. Lão thoáng lưỡng lự những rồi cũng cất chân bước đi theo lời chỉ dẫn.

Trước mắt lão hiện ra những hình ảnh lộn xộn, nhiều người bị bệnh khuyết não, mặc dù họ cũng ăn mặc rất lịch sự, đi lại bình thường, dắt theo sau vài đứa hầu, một tiếng Bẩm quan, hai tiếng cũng Bẩm quan, nhưng lão Tửng nhìn thấy não của họ không đầy đủ, những bước chân của họ vô định, thất thểu.

Họ đi đâu thế? Lão Tửng tò mò đi theo xem sau. Tửng thấy họ đi đến một ngôi chùa to, bề thế, nhưng khung cảnh u ám. Ở đây Tửng thấy đông người lắm, ai ai cũng bê trên tay rất nhiều đồ cúng lễ, tiền vàng, họ chen lấn xô đẩy, tranh cướp nhau chỗ đặt lễ, họ rút vứt bỏ những nén nhang của người khác để họ cắm nhang của họ vào, họ đặt tiền lên ban thờ, họ quỳ lễ và khấn bái rất nhiều, họ toàn khấn cho bản thân và gia đình họ được bình an, mạnh khoẻ, giàu sang, thăng quan tiến chức, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai khấn cho đất nước Việt Nam tốt đẹp, không ai khấn cho nhân dân Việt Nam được thái bình...! Tửng thấy não của họ rất mỏng và nham nhở giống như tổ ong, còn trong bụng họ thì không có ruột.

Lão Tửng lại nhìn lên điện thờ Phật, không nhìn thấy hào quang của đức Phật, mà chỉ thấy nhiều bóng người đang cười nghiên ngã, thi nhau bốc những món đồ ăn bá tánh cúng mà nhai ngồm ngoàm! Tửng lại thật gần xem thì hóa ra họ không phải là Phật mà đấy là đám ma quỷ mang hình nộm giả Phật đang ăn uống no say và cười chế nhạo những kẻ đang quỳ lạy xì xụp ở dưới điện! Tửng hiểu  rằng đức Phật không hề ở chốn này, đây là chốn của ma quỷ giả làm Phật để lừa mị bá tánh.

Tửng bỏ đi và rẽ sang một cung điện khá to đẹp ở gần đó,  ở  đây cũng có rất nhiều người đi lại. Bọn họ kháo nhau là đến để xin ấn Vua, Tửng lại nhìn thấy những tờ ấn photocopy rất nhiều và được những thanh niên trẻ ngồi phía trong đóng ấn.

Lão dừng lại hỏi một cụ già lớn tuổi ngồi trước điện: - Ông ơi ở đây thờ vị vua nào?

Ông cụ cười bảo: - Tôi không biết, tôi già yếu nên xin vào đây trông nom, họ trả tiền thuê cho tôi.

Bước vào trong Tửng thấy bọn thanh niên choai choai vừa đóng ấn vừa cười đùa với nhau, lão hiểu rằng đó là ấn giả và lũ trẻ đang đóng ấn để bán cho những người não mỏng không có ruột đến mua!

Lão Tửng cảm giác ở chốn này toàn là sự giả dối, tham lam và ác độc. Lão quay ra, đi ngược ra đầu con đường màu tím.

Trên đường lão quay lại có đông người vô kể đang đi ngược hướng với lão để tiến vào tòa cung điện, họ chen lấn xô đẩy và đánh nhau rất nhiều, mặt ai cũng hằm hằm. Họ sẵn sàng dẫm đạp lên những cụ già, em bé nằm la liệt dưới đường, họ vô cảm không thương xót ai, họ chửi bới la hét thô tục, họ nhổ nước bọt vào mặt nhau và cào cấu nhau để tranh nhau đến điện lấy cái ấn giả.

Thoát ra khỏi con đường màu tím ấy, Lão gặp một ông cụ  mắt sáng, trán cao, râu dài, chân đi đôi dép râu, cụ ấy cùng bước đi với lão Tửng tay vuốt râu thở dài mà bảo Tửng rằng: - Xã hội thấp tầng, đạo đức giả là nó như thế đấy ngươi ạ! Ngày xưa chính ta là người tạo dựng nên xã hội này với mong muốn trở thành 1 thiên đường tốt đẹp, nhưng khi ta chết thì đám con cháu của ta đã biến nơi đây thành địa ngục.

Rồi ông ấy dẫn lão Tửng đi vào con đường đỏ hồng, càng đi vào sâu thì lại càng sáng dần, hai bên đường toả ra mùi thơm quyến rũ, thỉnh thoảng lão lại gặp những trẻ em rất xinh đẹp, chúng ngoan ngoãn dừng lại cúi đầu chào 2 người.

Ông cụ và lão Tửng đến những thành phố đông vui quang cảnh tráng lệ. Phía trước Tửng hiện lên một ngôi chùa to, Tửng và ông cụ rảo bước đến đó, có vài  nhà sư tướng mạo uy nghi, hiền lành ra đón 2 người. Quang cảnh trong chùa lộng lẫy hào quang sáng rực, lác đác có một vài người lặng lẽ đi vòng phía trước thành kính cúi đầu  lạy Phật.

Lão và ông cụ từ tạ ngôi chùa, lúc này ông cụ biến mất chỉ còn 1 mình Tửng, đi tiếp đến một cung điện rộng rãi, nguy nga, ở trong cung điện phát ra ánh sáng lung linh và cả tiếng nhạc trầm bổng, Lão Tửng bước vào, lính canh cổng đón tiếp dẫn đến minh đường, lão thấy đức Vua trong bộ hoàng bào đang uy nghi ngồi trên ngai. Đức Vua cười mời lão Tửng  ngồi, sai cung nữ rót trà cho lão uống, bên trong và xung quanh cung điện cảnh đẹp lộng lẫy vô cùng.  Chiếc "ấn rồng bằng vàng" của nhà vua đặt ngay trên một chiếc đế rồng bằng ngọc bích, nhưng ở đây thật sự uy nghiêm, tuyệt nhiên chẳng có ai dám đến xin ấn của Vua.

Đang nhâm nhi tận hưởng vị trà ngon chốn Hoàng Cung thì chợt có  tiếng còi xa máy ngoài đường, tiếng người đi lại náo nhiệt… Lão Tửng chợt bừng tỉnh thức giấc xem đồng hồ thì đã 8h sáng. Lão hiểu đấy chỉ là giấc mơ, thật ra lão đang sống ở xã hội thấp tầng, còn bon chen, còn tranh dành, còn mua ấn Vua, và còn cướp lộc Thánh, cướp duyên. Và mọi người mê muội bỏ tiền mua những món đồ ấy của những con quỷ đội lốt giả Phật, giả Thánh Thần.

Tửng hiểu rằng, bản chất ấn của Vua không ai được động đến, mà lộc Thánh không ai được cướp, duyên phận tự ai nấy đến. Con người cõi thấp này tự lừa mị bản thân, lừa mị người khác bằng cách quảng cáo rằng đi chùa giải được hạn, cầu an để kéo khách thập phương đến. Con người cõi thấp này còn hung hăng cướp lộc Thánh để lấy may. Con người cõi thấp này cả gan cầm ấn "giả mạo Ấn Vua" để đóng mà bán danh, bán chức cho người khác lấy tiền.

Nếu thật sự cướp được duyên, được lộc, được ấn mà có quan chức thế sao chính quyền xã hội thấp tầng này không đóng cho mỗi người dân một ấn để tất cả cùng giàu nhỉ?! Ngẫm lại cái xã hội thấp tầng cho nên nó mới thiếu não và đạo đức giả là vậy. Người làm vua làm quan ở cái xã hội thấp tầng này cũng không thiếu những trường hợp không có khả năng để làm gương cho muôn dân noi theo!


Lão Tửng chợt ngộ ra con đường mình chọn, mình tự làm bằng trí huệ và chính tâm của mình. Đi mua ấn giả, cướp lộc thánh, và lôi kéo người khác vào vòng tham sân si là sai lầm là ngu mê. Phúc ai nấy hưởng, lộc ai nấy dùng tự ta đi vào minh đường, tự ta đi vào minh đạo. Đó cũng là đạo của Bụt ban tặng cho con người.

Bánh ít đi, bánh quy lại

Nguyễn Phúc – Tuấn Nguyễn-26-02-2017
(VNTB) - Trong sổ sách kế toán doanh nghiệp, một khoản chi tiền tỷ không phải dành cho mục đích từ thiện, bác ái, mà lại là ‘hiếu hỷ’ của ‘quà biếu’ cho một đơn vị quản lý hành chánh nhà nước, thì sẽ hạch toán ra sao? Liệu có được chấp nhận là khoản chi phí khấu trừ cho tính thuế thu nhập doanh nghiệp?
          Một trong 2 chiếc xe Công ty Công Lý tặng cho tỉnh Cà Mau Ảnh: Gia Bách
Ngày 22-2-2017, ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) - doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe Lexus GX 460 trị giá mỗi chiếc 3,1 tỉ đồng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau, nói với báo chí rằng vào hơn một năm trước, vào ngày 23-3-2016, Công ty Công Lý có công văn gửi UBND tỉnh Cà Mau, ngỏ ý muốn tặng 2 chiếc Lexus để lãnh đạo thuận tiện hơn trong việc đi lại chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống cháy rừng… trong bối cảnh đường sá ở Cà Mau xấu.
Nhiều người biết chuyện thì nói rằng đây có thể là chuyện phải quấy, khi cũng thời điểm này, ngân sách tỉnh Cà Mau duyệt chi 25 tỷ đồng cho Công ty Công Lý với lý do “hỗ trợ mua thiết bị”.
Ở Cà Mau, Công ty Công Lý là một đại gia với nhiều dự án lớn, như Nhà máy Điện gió Khai Long - Cà Mau, Khu Du lịch sinh thái Khai Long và Đất Mũi, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, Nhà máy Xử lý rác Cà Mau…
Cũng trong ngày 22-2-2017, một thông tin từ ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, thì chiếc xe biển số xanh 43A-29999 mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh làm phương tiện đi lại, là một trong 7 chiếc được các doanh nghiệp tặng Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng trong những năm qua.
Ông Bằng nói rằng chiếc xe biển số xanh 43A-29999 có hiệu Toyota Avalon Limited, màu đen, sản xuất năm 2015 tại Mỹ. Xe này có giá 1,3 tỉ đồng. Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã cung cấp cho các cơ quan báo chí các loại giấy tờ liên quan như Sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận đăng ký xe, bảo hiểm và hóa đơn giá trị gia tăng của xe biển số xanh BKS: 43A-299.99.
Các ông chủ salon ở khu An Dương Vương, quận 5, Sài Gòn nói rằng làm gì có chuyện dòng sedan như Toyota Avalon mà giá dưới 2 tỷ bạc. “Chiếc Toyota Avalon phiên bản 2014 sử dụng động cơ xăng, điện (hybrid) cùng tùy chọn cao cấp nhất (limited) đang được chào bán với mức giá 2,625 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn khoảng 438 triệu đồng so với mẫu xe ở phân cấp trên là Lexus ES250 (động cơ 2.5L, 4 xi-lanh) mới 100% mà LexusViệt Nam phân phối chính hãng”. Giới chủ salon xe ở Sài Gòn cho biết như vậy. Không cần phải lặn lội tìm ở đâu xa, chỉ cần vào trang http://www.toyota.com/avalon/, là người ta biết ngay mức giá chào bán dòng xe ấy là bao nhiêu. Lưu ý, mức giá này khi bán tại Việt Nam sẽ được nhân lên gấp 3-4 lần do các loại thuế, phí.
Ngoại trừ công việc từ thiện, ai cũng biết rằng trên đời này không có gì là miễn phí. Sẽ chẳng ai cho không bạn cái gì, nếu bạn không cho họ lợi ích. Hai chữ miễn phí chỉ xuất hiện khi họ đưa lại cho bạn cái mà đối với họ không có giá trị, hoặc từng có giá trị nhưng bây giờ không còn. Và nói một cách bóng bẩy văn chương, thì một khi những quan chức ở Cà Mau, ở Đà Nẵng (và có lẽ còn nhiều nơi khác nữa) chưa học được cách trả phí, rất có thể vài hôm tới đây, với hiệu ứng domino, họ sẽ phải trả giá với những gì được nhận miễn phí trong… nhiệm kỳ này.
Bởi theo Quyết định 32/2015/QĐ-TTg “quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước”, và Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg, về “Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”, thì cầm chắc là hai cơ quan nhà nước ở Cà Mau và Đà Nẵng sẽ khó tránh vi phạm.

Bánh ít đi, thì bánh quy lại. Ông bà mình đã dạy vậy.

Vô liêm Thanh Hóa: Sao không lo cứu đói cho dân mà ‘vẽ’ công viên vài ngàn tỷ?

Thiền Lâm-26-02-2017
(VNTB) - Đầu năm 2017, chính quyền Thanh Hóa đã mở hàng tân niên bằng một dự án như thể lặp lại ý đồ xây dựng công trình trụ sở hành chính vài ba ngàn tỷ đồng được trưng ra vào cuối năm 2015.
   Đồ án quy hoạch được tỉnh Thanh Hóa trưng bày
Theo đó, chính quyền tỉnh này đang cho trưng bày mô hình và phối cảnh công viên Văn hóa xứ Thanh, có quy mô xây dựng khoảng 500.000 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 2.360 tỷ đồng ở Thư viện tỉnh Thanh Hóa (đại lộ Lê Lợi, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) để “người dân tham quan và đưa ra ý kiến”.
Nhưng nhiều người dân đến tham quan đã phản bác thẳng rằng việc xây dựng công viên tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng vào thời điểm này là không cần thiết, vì Thanh Hóa đang là một tỉnh nghèo, chưa tự chủ được ngân sách.
Nhiều người yêu cầu cần phải làm rõ điều kiện kinh tế của Thanh Hóa hiện tại ra sao, nếu xây dựng dự án hơn 2000 tỷ đồng thì nguồn kinh phí lấy từ đâu, từ ngân sách hay xã hội hóa. Còn nếu làm theo hình thức BT thì nó cũng là hình thức xã hội hóa, chủ đầu tư bỏ tiền xây dựng rồi thu phí xong mới chuyển giao và chắc chắn là phải có lợi cho người đầu tư thì họ mới làm. 
Nhưng sẽ rất nghịch lý vì đây là tài sản chung của dân Thanh Hóa, giao cho chủ đầu tư mà lại phải đóng phí, thì làm sao hài hòa được lợi ích giữa dân - nhà nước - doanh nghiệp. Như BOT đường giao thông vừa qua cũng xã hội hóa, nhưng dân chịu thiệt.
Vào năm 2016, chính quyền Thanh Hóa từng bị tai tiếng lớn vì ý đồ “hỗ trợ Tập đoàn FLC” để thu hồi đất, đẩy đuổi người dân khỏi bến thuyền Sầm Sơn, khiến hàng ngàn người dân phẫn nộ biểu tình, xô đổ hàng rào cảnh sát cơ động và cuối cùng đã buộc chính quyền phải đối thoại với dân, hủy bỏ kế hoạch giải tỏa bến thuyền Sầm Sơn.
Còn giờ đây, chưa hết dư luận ồn ào về tai tiếng của vị bí thư tỉnh Thanh Hóa, một lần nữa công luận lại phải lên tiếng phẫn nộ trước một tỉnh mà nhiều năm qua phải xin cứu đói cho dân nhưng lại đang tâm “vẽ” ra một công trình như muốn moi tiền ngân sách đến vài ba ngàn tỷ đồng.
Cần nhắc lại, 5 năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đều có văn bản gửi Trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết nguyên đán.
Năm 2014, tỉnh đề nghị hỗ trợ khoảng 500 tấn, năm 2015 tăng lên thành 934 tấn. Dịp Tết Nguyên đán 2017, tỉnh xin 650 tấn cứu đói cho hơn 43.000 nhân khẩu với mức hỗ trợ 15 kg mỗi người. Hai huyện đồng bằng ven biển xin gạo nhiều nhất là Hoằng Hóa (235 tấn) và Tĩnh Gia (143 tấn).
So sánh đáng nói là số gạo xin hỗ trợ tính theo giá hiện nay có khoảng 10 tỉ đồng nhưng Thanh Hóa lại “đòi” đến vài ba ngàn tỷ đồng để xây dựng công viên.
Cũng cần nhắc lại, Thanh Hóa là một trong những địa phương có thuế nông nghiệp lớp chồng lớp đã khiến nông dân rơi xuống tận cùng đáy vực.

Đây cũng là địa phương quá thê thảm truyền thống lo cho dân nghèo, hiện tượng quan xã ăn chặn gạo và tiền cứu đói của dân chúng đã không còn trong vòng lén lút, gần đay còn rộ lên chuyện chính quyền tận thu cả giường ngủ để ép dân phải đóng thuế…

Những câu chuyện không chỉ dành cho người Việt

Nguyễn Phan Quế Mai Gửi cho BBC 23 tháng 2 2017 

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo chí Việt Nam do nhà báo Cam Ly thực hiện và được in trong nước gần đây, nhà văn Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen, giải thưởng Pulitzer năm 2016) đã nói:
Nhà văn Nguyễn Thanh ViệtBản quyền hình ảnhVIETNGUYEN.INFO
Image captionNhà văn Nguyễn Thanh Việt
"Tôi đến Mỹ với tư cách là người tị nạn năm 4 tuổi. Ký ức của tôi bắt đầu từ lúc bị tách ra khỏi gia đình để 'nhập gia' với gia đình đỡ đầu là những người da trắng. Tôi lớn lên cùng với người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc, và giữa những người tị nạn Việt Nam buồn bã."
Có lẽ nỗi buồn từ thời thơ ấu đã thấm đẫm vào từng trang văn của Nguyễn Thanh Việt, để giờ đây, cầm trên tay tập truyện ngắn The Refugees (tạm dịch Những người tị nạn), lòng tôi cũng nặng trĩu nỗi buồn. Buồn vì chiến tranh đã lùi xa bốn mươi hai năm nhưng những vết thương của nó vẫn còn rỉ máu. Buồn vì sự chia cắt trong lòng chính những người Việt với nhau vẫn còn sâu hoắm. Buồn vì những xung đột trên khắp thế giới vẫn đang biến hàng triệu người thành những người tị nạn, đẩy họ khỏi quê hương bản xứ, để rồi họ phải lang thang vào tương lai mờ mịt nơi xứ người.
Mở quyển sách, truyện ngắn đầu tiên Black-Eyed Women (tạm dịch Những người phụ nữ mắt đen) như một con thuyền đưa tôi trôi ngược về quá khứ. Bấp bênh trên những ngọn sóng hiện tại đan cài vào dĩ vãng, trên con thuyền ấy là một người mẹ và hai người con. Trong khi người con gái đang sống cùng người mẹ tại Mỹ, người con trai là một hồn ma - anh đã chết trong chuyến vượt biển của cả gia đình. Nỗi đau ký ức dai dẳng đến nỗi dù đã qua đời, anh vẫn hiện về bên mẹ và em gái trong bộ quần áo ướt lướt thướt. Và qua cuộc trò chuyện giữa hai anh em, tôi nhận ra sự thật khủng khiếp đằng sau cái chết của người anh, sự sâu thẳm của tình ruột thịt, và lý do tại sao người mẹ và người em gái đang sống dật dờ như đã chết. Dù chỉ mô tả thoáng qua chuyến vượt biển của những người tị nạn Việt Nam, Black-Eyed Women đã ám ảnh tôi đến nỗi vào buổi đêm sau đó, tôi đã mơ thấy những hồn ma. Họ đã nhìn xoáy vào tôi câu hỏi: 'Tại sao?'
Tại sao chiến tranh lại xảy ra? Tại sao con người lại tiếp tục chia rẽ con người? Sự chia rẽ đó không chỉ tồn tại trong hoặc ngay sau cuộc chiến, mà hậu quả của nó còn kéo dài trong rất nhiều thập kỷ, như trong truyện ngắn I'd Love You to Want Me (tạm dịch Em muốn anh khao khát em). Trong truyện ngắn này, quá khứ - với những đường viền ảo mờ là chiến tranh và loạn lạc - có nguy cơ chia rẽ vợ và chồng. Bà Khanh - người phụ nữ phải hy sinh công việc mà bà yêu thích để có thể chăm sóc chồng - dần nhận ra rằng chồng bà đang nhầm lẫn bà với một người phụ nữ khác. Người phụ nữ đó là ai và có vai trò thế nào trong thời gian chồng bà còn sống ở Việt Nam? Liệu việc bà và chồng đã cùng sống sót chuyến hành trình vượt đại dương, đã cùng vượt qua những ngày đầu ở California - nơi họ đã phải ăn đồ ăn mua bằng phiếu thực phẩm, mặc quần áo cũ do người khác bố thí - có đủ níu họ lại với nhau?
Với một bút pháp tài tình đan xen hiện tại và quá khứ, Nguyễn Thanh Việt khiến người đọc phải nhập thân vào những người tị nạn, bất kể họ là nam hay nữ, trẻ hay già. Một trong những người tị nạn đó là Liêm, một chàng trai mười tám tuổi đã chạy thoát khỏi những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, chuyến hành trình khốc liệt đến nỗi khi đã đến trại tị nạn, 'khi nằm trên giường và lắng nghe những đứa trẻ chơi nhắm mắt chạy trốn ở lối đi giữa những chiếc lều, anh cố gắng quên đi những người đã bám vào không khí khi rơi xuống sông, một số người bị đánh ngã trong sự hỗn loạn, một số bị những người lính đang tuyệt vọng tìm đường tháo chạy bắn vào lưng '. Đến được San Francisco, tưởng như cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Nhưng Liêm đã phải tiếp tục đối diện với quá khứ bằng việc phải trả lời những câu hỏi, làm việc ở quán rượu, và sống cùng với người bảo trợ của anh - một người đồng tính. Từng sởn gai ốc khi bị những người đàn ông khác vô tình hoặc cố ý chạm vào người, liệu Liêm sẽ bị người khác giới tính cám dỗ? Hoặc chính anh sẽ là người cám dỗ?
Chiến tranh Việt Nam vẫn để lại những hậu quảBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionChiến tranh Việt Nam vẫn để lại những hậu quả
Trong số tám truyện ngắn hợp thành The Refugees, có lẽ War Years (tạm dịch Những năm chiến tranh) gần gũi với những trải nghiệm thời thơ ấu của nhà văn Nguyễn Thanh Việt nhất. Nhân vật chính trong truyện là một cậu bé có cha mẹ là chủ cửa hàng tạp hoá New Saigon Market (Sài Gòn Mới), giống như cha mẹ của Nguyễn Thanh Việt. Xoay quanh những hoạt động tại cửa hàng, sự quan sát trẻ thơ của cậu bé khiến mùi thơm gia vị, tiếng người lao xao trả giá và cuộc sống của cộng đồng Việt Nam tại San Jose hiện lên sinh động trên những trang sách. Trung tâm của câu chuyện ban đầu là cha mẹ cậu bé: những người tần tảo kiếm sống, thắt lưng buộc bụng lo cho con ăn học, tiết kiệm, và giúp đỡ họ hàng còn lại ở quê nhà. Và giữa cuộc sống tưởng như thanh bình đó, hiện lên một nhân vật đanh đá và sắc sảo - bà Hoa. Bà đang dốc sức vận động quyên góp tài trợ cho một nhóm du kích đang hoạt động tại Thái Lan. Mẹ cậu bé có nhiều lý do để từ chối ủng hộ cuộc vận động ấy, nhưng vì lo sợ công việc kinh doanh sẽ bị cộng đồng người Việt tẩy chay, quyết định đối diện với bà Hoa. Cậu bé đi cùng mẹ, để rồi cậu - người đã ngây thơ tưởng tượng "du kích là những người không cạo râu ria, bị muỗi cắn đầy mình, tóc bết lại, mệt mỏi trong những thứ quần áo rằn ri tơi tả, sống nhờ nước mưa, lợn rừng và rệp rừng, rèn kỹ năng đánh giáp lá cà bằng việc đâm lưỡi lê qua những quả mít" sẽ khám phá ra điều gì về cuộc chiến tranh mà cậu chưa từng trải nghiệm, khi cùng mẹ xộc vào nhà bà Hoa mà không hề báo trước?
Là một nhà văn tài năng có khả năng dẫn dắt người đọc vào những thế giới khác nhau của sự tưởng tượng, Nguyễn Thanh Việt hoàn toàn có thể viết về các chủ đề khác. Nhưng không. Trong ba quyển sách mà anh đã liên tục xuất bản trong thời gian gần đây, The Sympathizer (Cảm tình viên), The Refugees (Những người tị nạn), vàNothing Ever Dies: Vietnam and the Memories of War (Không có gì chết đi, Việt Nam và những ký ức chiến tranh), anh đã tạo dựng nên những thế giới đa chiều xoay quanh một trục chính: chiến tranh Việt Nam và những câu chuyện về người Việt, dù họ ở trong nước hay ở nước ngoài. Cũng trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Cam Ly, Nguyễn Thanh Việt đã nói: '…Các tác phẩm của tôi, mặc dù chủ yếu nói về người Việt và cuộc chiến tranh Việt Nam, nói cho cùng là để hướng tới những chủ đề to lớn hơn - chiến tranh và ký ức, quyền lực và lạm dụng quyền lực, loại trừ và dung nạp, bất công và đấu tranh giành lại công lý. Lịch sử của bản thân tôi - với tư cách là người tị nạn mà cả hai đất nước đều không muốn đón nhận - đã khiến tôi trở thành một người viết luôn ngờ vực chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh, và những tác phẩm viết ra không vì mục đích tạo nên sự thay đổi.'
The Refugees
Khi đọc các câu chuyện trong The Refugees, người ta không thể không nhận ra sự thay đổi của từng nhân vật khi họ trải qua hành trình mà những người tị nạn buộc phải trải qua. Truyện ngắn The Americans (Những người Mỹ) được kể dưới con mắt của một cựu phi công - người đã từng điều khiển máy bay B-52 và ném bom xuống Việt Nam. Chưa từng đặt chân lên dải đất hình chữ S, ông đã chỉ nhìn dải đất đó từ độ cao hơn mười hai nghìn mét. Và ở trong buồng lái chật chội, trên con chim sắt khổng lồ mang trên mình ba mươi tấn bom, ông đã bay lên và cảm thấy mình tự do hơn tất cả. Ông tin rằng mình phải tấn công kẻ thù từ trên cao, để cứu mạng những người lính Mỹ trên mặt đất. Dường như ông chưa bao giờ có mặc cảm tội lỗi về hàng ngàn, hoặc hàng chục ngàn mạng người vô tội đã bị ông giết chết, ngoại trừ việc ông gặp ác mộng khi ngủ. Nhưng rồi khi vợ và con ông thuyết phục ông đến thăm Việt Nam, ông nhận thấy đất nước này nghèo hơn với những gì ông tưởng tượng. Và ông đã phải đối diện với hậu quả của chiến tranh, qua những bộ phận thân thể bị mất đi của những người thanh niên mà ông giáp mặt. Chưa từng hài lòng về con gái, giờ đây ông sẽ làm gì khi con ông muốn ở lại Việt Nam để chuộc tội thay cho cha mình? Có thể nói, với truyện ngắn này, Nguyễn Thanh Việt đã mở rộng định nghĩa về người tị nạn. Tị nạn để trốn chạy khỏi ký ức, khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi nỗi đau, khỏi sự day dứt của quá khứ.
Di sản mà những người tị nạn chiến tranh thừa hưởng từ cha mẹ mình thường bao gồm sự nghèo đói, hoặc sự bơ vơ lạc lõng trên đất khách quê người. Thay bằng việc mô tả những di sản thường gặp đó, Nguyễn Thanh Việt đảm nhiệm một công việc khó khăn hơn. Ngòi bút của anh bám rễ vào thế giới nội tâm của những người tị nạn để cất lên tiếng nói về di chứng tâm lý hậu chiến tranh. Trong truyện ngắn Someone Else Besides You (tạm dịch Một người khác ngoài bạn), người cha - người đã từng nhảy ra khỏi máy bay và chỉ huy một tiểu đoàn lính nhảy dù - sau bao năm vẫn dựng những đứa con trai dậy vào sáng sớm, bắt chúng tập luyện những bài tập thể hình. Để rồi sự chấn thương tâm lý của ông đã được người con trai thừa kế: anh dễ dàng bật khóc, suy sụp vì không thể cứu vãn cuộc hôn nhân với người vợ của mình.
Dẫu mang quốc tịch Mỹ, Nguyễn Thanh Việt đã luôn gắn bó với Việt Nam bằng sự trở về. Anh đã trở về bằng các chuyến đi, bằng ngòi bút, và bằng cả việc luôn tìm đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam trong nước. Anh đã trải lòng: '…tôi cố gắng đọc được càng nhiều sách càng tốt, qua các bản dịch. Dĩ nhiên những tác phẩm mà tôi được đọc giúp tôi cảm nhận thế nào là người Việt Nam - với tất cả sự đa dạng và những mâu thuẫn trong đó. Tôi cũng coi các tác phẩm của người Mỹ gốc Việt là một phần của nền văn chương và học thuật Mỹ và Việt Nam, và tôi hy vọng độc giả Việt Nam cũng nhìn nhận như thế. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại là một phần của cộng đồng người Việt - ta không thể đơn giản hóa cộng đồng này chỉ bằng một định nghĩa duy nhất thế nào là người Việt Nam được. Đó chính là lý do chúng ta nên hướng tới sự đa dạng của các tác phẩm, để tránh rơi vào cách nhìn nhận sơ sài về bản sắc, dân tộc, và văn hóa.'
Trên con thuyền mang tên The Refugees, các nhân vật của Nguyễn Thanh Việt cũng trở về Việt Nam, qua các chuyến đi thực tế hoặc trong ký ức. Cuộc trở về được mô tả cặn kẽ nhất trong quyển sách là chuyến đi của Vivien, một người được sinh ra ở Việt Nam nhưng đã rời khỏi quê cha đất tổ cùng mẹ và hai em trên một chiếc thuyền. Sẽ dễ dàng hơn nếu Nguyễn Thanh Việt mô tả cuộc trở về đó qua chính đôi mắt của anh - một người Mỹ gốc Việt. Nhưng không, anh đã vào vai của Phương - một cô gái, người em cùng cha khác mẹ với Vivien. Tốt nghiệp ngành sinh học và không tìm được việc làm, Phương đành phải khom người làm công việc bồi bàn tại nhà hàng Nam Kha trên đường Đồng Khởi. Cô đã đón chào Vivien bằng sự vui mừng khấp khởi thường thấy của những người Việt trong nước khi có người thân từ nước ngoài trở về. Nhưng rồi, Phương đã dần bóc tách được vỏ bọc cuộc sống dường như thành công mỹ mãn của chị cô, để chạm tới một bí mật sâu thẳm. Bí mật đó đã dẫn đến một hành động hết sức bất ngờ của Phương, và khi tro tàn của điều cô làm bay lên, cô chợt nhận ra rằng bầu trời Sài Gòn trong vắt và đẹp xiết bao.
Ở trang đầu tiên của The Refugees, Nguyễn Thanh Việt đã đề tặng tác phẩm cho những người tị nạn ở khắp mọi nơi. Với tập truyện ngắn này, có thể nói Nguyễn Thanh Việt đang tiếp thêm cho những người tị nạn sức mạnh của hy vọng. Đó là hy vọng của về mối quan hệ tốt hơn với các thành viên trong gia đình, về sự khởi nguồn của cuộc sống mới, về sự đồng cảm của cộng đồng và về những giây phút bình yên.
Vốn yêu thích The Sympathizer, tôi ngạc nhiên khi The Refugees không mang dáng dấp hoặc bị ảnh hưởng chút nào bởi giọng văn hài hước, mỉa mai và cay đắng vốn hiện hữu trong The Sympathizer. Vừa trĩu nặng nỗi buồn nhưng cũng vừa lấp lánh vẻ đẹp của tình nhân ái và sự hy vọng, The Refugees vừa mới ra mắt vào tháng hai năm nay nhưng đang được bạn đọc khắp thế giới nhiệt liệt đón nhận. Quyển sách đã được các tờ báo hàng đầu như Guardian, New York Times, Washington Post đánh giá cao. Dù viết về người Việt, những câu chuyện của Nguyễn Thanh Việt không chỉ dành cho người Việt. Anh là một trong những tác giả hiếm hoi được vinh danh với các giải thưởng văn học uy tín, ở cả thể loại hư cấu và phi hư cấu .
Với The Refugees, Nguyễn Thanh Việt tiếp tục khẳng định anh không phải là một ngọn gió thoảng qua trên diễn đàn văn học thế giới, mà là một tác nhân thay đổi diễn đàn văn học đó.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang nghiên cứu tiến sĩ (đề tài hậu quả chiến tranh Việt Nam) với trường Đại học Lancaster và là tác giả của chín quyển sách thơ, hư cấu và phi hư cấu, bao gồm tập thơ song ngữ Việt Anh The Secret of Hoa Sen (Bí mật của hoa sen, NXB BOA Editions, New York).