Monday, July 18, 2016

Bạn tôi ơi đừng sợ nữa!

Mẹ Nấm (Danlambao) - Nếu có sợ thì hãy sợ đến một ngày không xa, chúng ta không còn có thể gọi nhau tên gọi Việt Nam. Và mảnh đất, biển cả thân yêu ngàn đời này sẽ trở thành một vùng đất chết, biển chết với những con người con sống nhưng như đã chết...

*

Nhiều bạn thấy tôi và mấy anh chị em đứng chụp ảnh nói không với đường lưỡi bò ở Tháp Bà thì bày tỏ sự thích thú và cảm kích.

Tuy nhiên rủ các bạn cùng làm thì các bạn sợ.

Sợ bị sách nhiễu, sợ bị công an làm phiền!

Từ bao giờ công an giỏi doạ dân mình trong việc bày tỏ chính kiến về chủ quyền như vậy?

Sáng nay, để in được hình ảnh này tôi phải đi 4 tiệm photo. Hai tiệm từ chối sau khi xem hình và hỏi: in để biểu tình hả?!

Bạn nghe chuyện này rồi có thấy đau lòng không?

Khi các biểu ngữ này được giương lên ở khu vực có đông khách du lịch Trung Quốc, thì lực lượng chức năng còn nhào vào giật lấy nữa.

Bạn thấy có buồn không?!

Tôi chứng kiến cảnh ông Phó trưởng công an phường Phương Sơn bảo một em dân phòng và một em thanh niên xung kích đến giật biểu ngữ này đi.
Bạn nghĩ gì khi nghe câu chuyện này?

Tôi chai sạn với những kiểu phản ứng như vậy của lực lượng chức năng,

Những gì tôi trải qua từ năm 2009 đến giờ chỉ khẳng định một điều, làm cho dân mình hèn đi, làm cho dân mình vô cảm và thờ ơ với chính trị xã hội không ai giỏi hơn Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Dẫn lại đây một status của tôi được an ninh in ra trong hồ sơ dù nó không phải do tôi viết mà chỉ là trích lời người anh lớn mà tôi rất yêu quý đã viết:

"Tội ác lớn nhất của một triều đại không hẳn là đốt sách, giết người hay làm cho đất nước trở nên nghèo khó, mà là làm cho cả một dân tộc trở nên hèn nhát, ích kỷ và mê muội" - Vũ Đông Hà.

Nếu bạn quan tâm đến Việt Nam, đến đất nước chúng ta hãy tự hỏi: Tại sao những thông điệp thế này vẫn khiến người ta sợ khi bày tỏ công khai?

Bạn tôi ơi đừng sợ nữa! 

Nếu có sợ thì hãy sợ đến một ngày không xa, chúng ta không còn có thể gọi nhau tên gọi Việt Nam. Và mảnh đất, biển cả thân yêu ngàn đời này sẽ trở thành một vùng đất chết, biển chết với những con người con sống nhưng như đã chết.

19.07.2016

Đài truyền thanh bị nhiễu tiếng Trung Quốc và bản tin bị gỡ

Người Quan Sát (Danlambao) - Theo thông tin từ bạn đọc trên trang facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp ở Đà Nẵng phản ánh về việc Đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn bị nhiễm sóng tiếng Trung Quốc, ông Huỳnh Phước Hiền - phó Đài truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng - xác nhận một trong số cụm thu sóng thuộc Đài truyền thanh không dây Khuê Mỹ đã bị nhiễu (chèn) bởi một loại sóng lạ phát bằng tiếng Trung Quốc. (1)

Facebook Jimno Song Ngọc phản ánh: “Mình đăng một chút: Mỗi lần đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn phát thì đều bị phát qua tiếng Trung Quốc. Sao không có biện pháp khắc phục nhỉ? Vấn đề này xảy ra rất lâu rồi mà vẫn mãi tình trạng đó chứ không phải mới đây. Thành phố xem khắc phục sao chứ tôi thấy rất không hay..." 

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) trả lời báo chí: 

"Theo các anh em báo lại là nghi có hiện tượng nguồn phát sóng từ biển phát vào, nhắm vào khu vực dọc biển miền Trung Việt Nam khiến các đài phát thanh, truyền thanh dọc biển bị "nhiễm sóng", chèn sóng. Tuy nhiên, do sóng phát từ ngoài biển vào nên vấn đề này do Cục Tần số quản lý, nhưng Cục Tần số cũng không quản lý được vì trạm phát sóng được nhận định là không trên lãnh thổ Việt Nam nên không xử lý được" (2)

Điều lạ ở đây là mặc dù tái xác nhận việc “nhiễu sóng” phát thanh, nhưng bản tin bà Nguyễn Thị Anh Thi trả lời báo chí lại được giật tít “Không có chuyện đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn bị nhiễm sóng tiếng Trung Quốc

Càng khó hiểu hơn khi bản tin về sự việc này trên báo Infonet, báo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã bị gỡ bỏ. 


Tại sao lại né yếu tố Trung Quốc ngay lúc này tại Đà Nẵng?

Phải chăng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng theo quan điểm cho rằng “ghét Trung Quốc là xu thế gây nguy hiểm cho dân tộc” như tướng Phùng Quang Thanh?

18.7.2016

Người Quan Sát
danlambaovn.blogspot.com

______________________________________

Chú thích:

Bằng chứng vạch mặt tên công an ác ôn đánh đập người biểu tình


Bạn đọc Danlambao - Đoạn video vừa được phổ biến cho thấy bằng chứng rõ ràng về việc anh Trương Văn Dũng bị một tên công an thường phục đánh đập túi bụi sau khi bị bắt lên xe.

Theo facebook Lã Việt Dũng, tên công an ác ôn đánh người tên là Nguyễn Đức Khương, hiện đang giữ chức đội phó an ninh quận Đống Đa.

Trước đó, vào sáng 17/7/2016, anh Trương Văn Dũng khi đang đến khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) để tham dự cuộc biểu tình chống Trung Cộng thì bị nhiều thanh đeo băng đỏ xông vào khống chế và bắt lên xe bus.

Vừa ngồi trên xe bus được ít phút thì anh lại bị bọn chúng lôi kéo đưa sang một chiếc xe khác. Trên đường áp giải, anh Trương Dũng dù bị khống chế nhưng vẫn hô lớn nhiều tiếng “Đả đảo cộng sản” cho tất cả mọi người cùng nghe.

Lực lượng CA thường phục bèn vội vàng đẩy anh vào một chiếc xe công an, trên đường bị áp giải về trụ sở CA phường Ô Chợ Dừa,anh Dũng có xảy ra cãi vã với viên an ninh Nguyễn Đức Khương vì trước đây tên này tự ý mở điện thoại của anh trong đồn CA.

Trong lúc hai bên tranh cãi, tên Khương đã lớn tiếng đe doạ, rồi bất ngờ chồm xuống đánh đấm túi bụi vào anh Trương Văn Dũng.

Hành vi này đã được kín đáo ghi lại đầy đủ, trở thành một bằng chứng không thể chối cãi về bản chất côn đồ của lực lượng công an cộng sản.

Bạn đọc Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Formosa & sự im lặng khó hiểu của các cơ quan chức năng

Mẹ Nấm (Danlambao) - Tính đến nay gần trọn một tuần người dân và báo chí vào cuộc phát hiện các địa điểm chôn lấp chất thải đưa về từ nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh. Các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Đưa Tin, Vietnamnet… tập trung đưa tin hàng ngày, riêng báo Tài Nguyên Môi Trường – cơ quan ngôn luận của Bộ TNMT im lặng sau khi trích dẫn vài phát biểu an toàn của Phó thủ tướng và Bộ trưởng đầu ngành.

Sáng 18/7/2016, báo Thanh Niên đưa tin “Phát hiện thêm 10 điểm chôn trộm chất thải của Formosa”(1). Trả lời vấn đề này, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: sự cố chôn lấp chất thải của Formosa là một bài học rất lớn đối với Hà Tĩnh và để giải quyết vấn đề này phải cần một quá trình lâu dài.“Chúng tôi đã phải trả một cái giá không tính toán được liên quan đến vấn đề môi trường môi sinh, dư chấn tâm lý của người dân, thiệt hại cả tinh thần, vật chất”

Thật ra, các lãnh đạo và các quan chức không ai phải trả giá gì cho sự quan liêu, thiếu trách nhiệm và tính tham lam vô độ của các cá nhân, tổ chức đã tiếp tay cho Formosa đầu độc môi trường. Người phải trả giá bằng sức khỏe, bằng những mối lo ngại sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai là nhân dân – những người đang sống chung với thảm họa. Tháng 4, cá chết biển chết, người lay lắt vì mất nghề, vì bỏ biển. Chưa có một động thái xử lý rõ ràng và hướng khắc phục hậu quả nặng nề đã xảy ra thì các sai phạm lần lượt bị báo chí phơi bày.

Theo công bố của ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì nhà máy thép Formosa đã mắc phải 53 vi phạm trong quá trình cho chạy thử nghiệm. Không có thêm thông tin cụ thể gì về các điểm vi phạm này.

Quá trình xử lý Formosa vẫn đang được chia thì tương lai, nghĩa là “sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên ở đây, với thỏa thuận đền bù 500 triệu đô la, đại diện chính phủ Việt Nam đã đứng ra kêu gọi nhân dân “khoan hồng” cho kẻ hủy diệt. 

Đến nay, sau hàng loạt tình tiết mới, chưa thấy đại diện của cơ quan chức năng nào đứng ra phát biểu.

Tại sao các cơ quan chức năng im lặng?

Câu hỏi này có lẽ không quá khó để trả lời. 

Xin mượn lời Người Quan Sát trong bài viết “Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền – nhân dân nhận thảm họa” để nhắc chúng ta nhớ và biết mình phải làm gì: 

“Formosa nhận lỗi nhưng chưa nhận tội. Cũng không cho biết trong những lỗi đó đã thải xuống biển những chất độc gì và hàm lượng bao nhiêu. Đảng nhận tiền nhưng không biết những thiệt hại đối với môi trường đến kinh tế, sức khoẻ và đời sống của người dân nghiêm trọng ra sao. Đảng cũng cương quyết không nhận lỗi lẫn nhận tội khi đã biết rõ nguyên nhân cá chết cả tháng trước, nhưng vẫn phớt lờ để ngư dân ra biển, vẫn không một cảnh báo chính thức về hiểm họa tiêu thụ thức ăn hải sản có nguy cơ nhiễm độc. Chỉ có người dân là đóng vai trò nạn nhân lẫn khán giả và nhận thảm họa trong bi kịch Cá Chết Formosa.” (2)

Đừng im lặng, hãy lên tiếng yêu cầu khởi tố các cá nhân liên quan đến thảm họa môi trường mang tên Formosa. 

18.7.2016


_____________________________________

Chú thích:


Đất nước mình đểu quá phải không anh?

Ngoảnh mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa,
Cả một thời bọn đểu cáng đã lên ngôi...
(Thơ Bùi Minh Quốc)

Mai Tú Ân (Danlambao) - Than ôi, chỉ có một vụ cá chết miền Trung mà có đến mười mấy lãnh đạo của ta chết trận cả. Các anh chị oai dũng của đảng và nhà nước ta, béo tròn no đủ từng nấy, khỏe mạnh bằng từng nấy bỗng lăn ra bệnh đều cả, rồi sẽ lăn ra chết tốt đều cả...

Tại sao vậy? Miếng ăn là miếng nhục vậy mà các anh chị vẫn hục vào ăn. Ăn bao nhiêu của cải bao năm không sao, nhưng ăn một miếng cá miền Trung tháng Năm nớ là chết, chỉ một miếng thôi là chết trả nợ đời. Bọn Tàu Cộng nó ác lắm. Miếng ăn nó bọc đường ở Formosa, ăn miếng cá miếng tôm ngon tươi béo ngậy vào là: Thôi rồi Lượm ơi. Chỉ có chết mà thôi. Kẻ chết trước, người chết sau. Người yếu thì 49 ngày, kẻ mạnh 100 ngày cho đến 3 năm thì tất cả người ăn cá tôm tháng 5 nớ đều sắp hàng lăn ra chết tốt. Tuy chết nhưng chết khác nhau...

Người thì đau bụng chạy vắt quần vì Tào Tháo rượt, kẻ thì nặng bụng lên dần như có thai hoang, vì chỉ có vào mà không có ra, chỉ nhập mà không xuất. Những người khác thì như có ông Tôn Ngộ Không ở trong bụng đánh thanh long đao tứ phía, đau té đái ra quần. Mặt xanh mày mét, suốt ngày ngồi ôm bụng, ca bài ca con cá đớn đau xin được chết... Rồi sẽ được toại nguyện, phỉ chí bằng sinh mà cùng nhau chết như những anh hùng chạy làng quỵt nợ. Không được đem thân giai ra trả nợ nước thì cũng có cái xác khô để trả thù nhà.

Hơ, hơ, hơ... Trương Bộ Trưởng 4T, mới lên chức nên hăng say con bọ xít, mua cá miền Trung, ăn cá miền Trung tháng Năm nớ nên chết đầu tiên, hy sinh trước nhất trên chiến trường thơm sực mùi cá chết.

Hơ, hơ, hơ... Các quan viên địa phương, bí thơ, chủ tịch Hà Tĩnh, Quảng Bình giờ cũng đang đếm lịch ngược chờ ngày về với liệt tổ, liệt tông. Các anh không chỉ ăn cá, mà còn cao hứng tuột quần xuống tắm biển Vũng Áng chiều ni nữa. Ác quá, ác quá, nhúng giế xuống biển như thế thì bằng nhúng vào nồi nước sôi. Các anh đều béo tốt, bụng phệ, ấy vậy mà Vì Ăn Cơm Chúa Phải Múa Tối Ngày, nên giờ đây tất cả đều nước mắt vắn dài, lệ sầu trên mi, sắp hàng chờ ngày lên bàn thờ ngửi phao câu gà và nải chuối cúng. Mà không biết chết vì bệnh nào. Bị ung thư ruột gan vì ăn cá chết, hay chết vì ghẻ ngứa, gảy đàn tới chết vì tắm biển chết Vũng Áng chiều ni...

Hơ, hơ, hơ... lại có cả chị Tiến Y Tế, phốp pháp béo lùn, gái khỏe mạnh của đồng chiêm nước trũng năm nào, không hiểu hóa rồ thế nào mà cũng có trong danh sách trúng cử vào đoàn khách chết chóc đến diễn tuồng ở Vũng Áng để làm màu mè, ai ngờ chết thât.Tiếc cho phận gái thuyền quyên, đái xè xè không qua ngọn cỏ, mà cũng hung hăng, tưởng phúc dầy ai ngờ phận mỏng, khôn ba năm dại một giờ nên nửa đường đứt gánh vì miếng cá tôm định mệnh..

Than Ôi! Vầng dương kia lúc mờ lúc tỏ,
Ánh nguyệt này thì không biết tỏ tỏ hay mờ mờ...

Sao các anh, các chị phải ra đi giữa mùa không có chiến chinh, không có kẻ thù mà lại phải lăn ra chết hết giữa trận tiền không có tiếng súng, không có tên giặc nào. Chỉ có miếng cá luộc, xào, rán, kho, hay lẩu mắm mà phải chết hết, để vợ gào réo, để con khóc hờ...

Chỉ vì nghe bọn ở Ba Đình xúi dại, bắt ăn cứt gà nên các anh chị phải ăn một ít, ai dè cứt gà trộn mùi cá chết nên giờ đành tình phu thê chia cắt, nghĩa phụ tử lìa xa, âm dương chờ ngày đoạn tuyệt...

Anh Cả Trọng khôn ngoan đâu có ăn tôm cá, đến miền Trung thăm Formosa thì nín nhịn, cả thở cũng không thì làm sao ăn cá. Anh Fuc Đầu Củ Chuối thì cũng chẳng thèm đến miền Trung thì làm gì có cá để ăn. Các anh chị lớn không ăn, nhưng đẩy các anh chị nhỏ đi ăn, đi tắm biển miền Trung khiến đội ngũ trung kiên ta thiệt hại một phần ba năm này, sang năm tới thì thiệt luôn tất cả. Chỉ có Tứ Trụ Triều Đình là không thiệt gì chỉ béo lên thôi.

Bây giờ có nói chi cũng thừa. Miếng độc đã nuốt, chất độc đã phát chỉ còn chờ lúc thời khắc cuối điểm thùng, tất cả lần lượt về chín suối sáu sông. Bọn Tàu Cộng ác lắm. Chúng nó giết dân, nhưng không ai ngu mà ăn cá mà chỉ có các anh chị ngu, xông vào ăn như cá đớp trăng nên đành phải chết tốt. Thân xác các anh chị Tàu Cộng lấy về làm lục phủ ngũ tạng, may vá...

Thôi thì thế cũng là đem thân xác có ích cho đời, còn hơn ngồi ghế cao quan chức nhưng chả làm gì cho dân, cho nước. Sống ở đời không giúp gì, thì khi chết đi cũng còn cái xác để đáp đền nghĩa cả, bón cho cây thì cũng xanh được chút lá, chút cành...

Than ôi. Đất nước mình đểu quá phải không anh?

Không, đất nước mình không đểu mà lưu manh em à...

19.07.2016

Vấn đề tư cách đại biểu quốc hội của 1 doanh nhân dẫn đến tranh cãi về luật quốc tịch

Một cử tri đọc hồ sơ của các ứng viên tại một trạm bỏ phiếu ở Hà Nội, 22/5/2016.
Một cử tri đọc hồ sơ của các ứng viên tại một trạm bỏ phiếu ở Hà Nội, 22/5/2016.
An Tôn
 VOA-18.07.2016
Trong một diễn biến bất ngờ, đã có thêm một người trúng cử không được công nhận là đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14. Báo chí Việt Nam hôm 17/7 đưa tin Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp đột xuất và đưa ra quyết định không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – một nữ doanh nhân, từng là đại biểu Quốc hội các khoá 12 và 13.
Theo Văn phòng Quốc hội, bà Hường không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì vi phạm Luật Quốc tịch của Việt Nam.
Nữ doanh nhân 46 tuổi này là chủ tịch Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam, một doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp. Trong hai khóa Quốc hội vừa qua, bà Hường tỏ ra là một đại biểu tích cực phát biểu ý kiến tại tổ đại biểu địa phương cũng như tại các phiên toàn thể, nhất là về các vấn đề kinh tế.
Bà Hường là người thứ hai bị bác tư cách đại biểu trước khi Quốc hội khóa 14 nhóm họp. Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị bác tư cách đại biểu vì bị dư luận và báo chí nêu ra những việc vi phạm pháp luật gần đây cũng như các sai phạm lớn khi nắm các vị trí quản lý nhà nước trong quá khứ.
Tuy nhiên, trong khi công chúng hoan nghênh việc bác tư cách đối với ông Thanh, trường hợp của bà Hường lại dẫn đến những tranh cãi xoay quanh cả quy trình khai báo thông tin ứng cử viên lẫn Luật Quốc tịch của Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với đài VOA rằng việc bà Hường không khai báo với các cơ quan rà soát về quốc tịch thứ hai gây ra sự mất lòng tin của người dân vào đại biểu quốc hội. Song các quy định không rõ ràng là nguyên nhân đã dẫn đến điều đó. Ông Doanh nói:
“Điều này đã gây tranh cãi trong giới luật sư, vì thực ra trong bản kê khai về đăng ký bầu cử thì không có phần quốc tịch. Thứ hai, trong điều về quốc tịch của Việt Nam, cũng không loại trừ hoàn toàn cái việc có thể có hai quốc tịch. Vì vậy cho nên là người ta lấy làm ngỡ ngàng và ngạc nhiên, và cho rằng đây là một quyết định tuy đã được bỏ phiếu 100% nhưng cũng vẫn đang gây ra các luồng ý kiến khác nhau”.
Việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là đại biểu Quốc hội đồng thời là chủ doanh nghiệp lớn có quốc tịch thứ hai đã dẫn đến nhiều bàn luận trong công chúng Việt Nam. Họ cho rằng một người như bà có nhiều thông tin và tài sản, khi bà có thêm một quốc tịch nước ngoài, điều đó có thể báo hiệu một sự chuẩn bị nào đó cho một “tình huống xấu” ở Việt Nam.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng những luồng dư luận như vậy không hẳn là vô lý, song việc một doanh nhân có thêm quốc tịch nước ngoài có thể đơn giản chỉ vì điều đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho công việc kinh doanh. Ông nói thêm về vấn đề này với VOA:
“Để nói cho thật hết nhẽ và công bằng, cũng có thể hiểu là bà Nguyệt Hường bà ấy là một doanh nhân, có thể bà ấy đầu tư ở nước ngoài, bà ấy muốn có quốc tịch nước ngoài để đầu tư thuận tiện hơn chăng”.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ với ý kiến của ông Thuyết. Ông Doanh nói thêm về những khó khăn với tấm hộ chiếu Việt Nam:
“Với cái hộ chiếu của Việt Nam hiện nay, thủ tục đi ra nước ngoài hết sức là khổ sở và [nước ngoài] người ta đòi hỏi một đống giấy má hết sức là phiền phức. […] Tất cả các cái thủ tục đó là tất cả các cái hạn chế và tôi cảm thấy hết sức là khổ sở, nếu không muốn nói là nhục nhã”.
Trong hai năm gần đây, có hiện tượng ngày càng nhiều doanh nhân và người giàu của Việt Nam xin thêm quốc tịch nước ngoài và chuyển tài sản sang các nước, Tiến sỹ Doanh nói một mặt đó là nhu cầu làm ăn trong bối cảnh toàn cầu hóa, mặt khác còn do môi trường kinh doanh trong nước đang kém hấp dẫn. Ông cho rằng nhà nước Việt Nam nên xem xét thay đổi luật để chính thức công nhận người có hai quốc tịch, tránh những trường hợp gặp rắc rối như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cũng như trên bình diện rộng hơn là tạo thuận lợi cho người Việt Nam khi đi lại, làm ăn ở các nước khác. Ông nói:
“Theo tôi thì nên xem xét bổ sung để cho những người nào muốn có quốc tịch thứ hai cũng có thể có điều kiện thuận lợi để họ vừa kinh doanh ở Việt Nam và kinh doanh ở nước ngoài. […] Trong khi chưa có thể tạo điều kiện cho tất cả các công dân Việt Nam làm được điều đó, tôi nghĩ nên xem xét đến các trường hợp để tạo điều kiện cho các nhà khoa học, cho những doanh nhân có thể có được hai quốc tịch để họ có điều kiện đi ra ngoài và tham gia vào các hoạt động quốc tế một cách dễ dàng hơn”.
Trong khi hai ông Lê Đăng Doanh và Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận nhu cầu thực tế của doanh nhân Việt Nam có thêm quốc tịch nước ngoài, hai ông cũng lưu ý rằng cả gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đều có quốc tịch Malta và “điều đó là không bình thường”. Malta lâu nay được biết đến như một nơi có chính sách cấp quốc tịch dễ dàng để thu hút tiền của giới người giàu trên thế giới, đồng thời được xem là một thiên đường trốn thuế.
Sau khi bà Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh bị bác tư cách đại biểu, Quốc hội khóa 14 của Việt Nam có 494 đại biểu. Ngày 20/7, Quốc hội khóa mới sẽ họp phiên đầu tiên.

Việt Nam ở thế 'tiến thoái lưỡng nan' sau phán quyết Biển Đông?

 Cảnh sát cố gắng ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, ngày 17/7/2016.Cảnh sát cố gắng ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, ngày 17/7/2016.
Khánh An
VOA-18.07.2016
Việt Nam vừa có cơ hội vừa ở trong thế nguy hiểm sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, theo nhận định của truyền thông quốc tế.
Hôm 12/7, Tòa Trọng tài thường trực thuộc Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trên 90% khu vực Biển Đông, và các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế.
Tuy Việt Nam không phải là một bên trong vụ tranh chấp pháp lý do Philippines khởi xướng, nhưng theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, qua phán quyết của Tòa án La Haye, Hà Nội được “tiếp sức” về mặt ngoại giao và pháp lý trong những nỗ lực chống chọi lại sự xâm lấn của Trung Quốc trong khu vực này.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về chính trị và ngoại giao của Đại học George Mason, Hoa Kỳ, giải thích thế “lưỡng nan” của Việt Nam:
“Thứ nhất, về cái phán quyết, nó tạo thuận lợi pháp lý về tinh thần cho Việt Nam trong những cuộc điều đình hay đàm phán sắp tới, hay những cố gắng vận động của Việt Nam, thì cái đó rất tốt cho Việt Nam. Nhưng ngược lại có rất nhiều khó khăn và trở ngại vì Việt Nam là nước mà đối với Trung Quốc là quan trọng nhất, thứ hai là [Việt Nam] dễ bị tổn thương và áp lực nhiều nhất, hơn các quốc gia Á châu. Vì thế mọi hành động của Trung Quốc, có rất nhiều cái leverages, khả năng tạo áp lực lên Việt Nam hơn các nước khác. Thành ra, Việt Nam phải đối xử rất khôn khéo. Cơ hội thì có, nhưng có rất nhiều vấn đề khó khăn, phải tính toán nhiều chuyện chứ không phải dễ như người ta nói.”
Việt Nam lâu nay vẫn “đụng độ” Trung Quốc về nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông, trong đó có các vụ ngư dân Việt bị phía Trung Quốc giết hại hay đâm chìm tàu tác nghiệp, vụ Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí đến vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền… Ngoài ra gần đây Việt Nam cũng gặp phải tình huống bị xem là yếu thế khi phụ thuộc vào nước láng giềng phía Bắc trong việc yêu cầu Bắc Kinh xả nước đập thủy điện Cảnh Hồng để cứu hạn cho các khu vực nông nghiệp của Việt Nam.
Chính vì vậy, việc Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines được nhiều người Việt Nam tán thành và xem đây cũng là một chiến thắng cho phía Việt Nam, là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Việt Nam ‘trả đũa’ Trung Quốc?

Bản đồ có in hình 'đường lưỡi bò' trong hộ chiếu mới của Trung Quốc.
Bản đồ có in hình 'đường lưỡi bò' trong hộ chiếu mới của Trung Quốc.

Theo Tuoi Tre, Zing, Enquirer, VOA-18-07-2016
Các cơ quan phụ trách xuất nhập cảnh tại một số địa phương ở Việt Nam được dẫn lời cho biết đã “nói không” với bản đồ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc, hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”.
Theo báo chí trong nước, tại cửa khẩu Móng Cái ở tỉnh Quảng Ninh, nơi được coi có hàng nghìn công dân Trung Quốc qua lại mỗi ngày, nhân viên Việt Nam đã không chấp nhận hộ chiếu mới có in hình “đường lưỡi bò” bao trọn gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc.
Thay vào đó, theo lời ông Nguyễn Xuân Ký, một quan chức tỉnh Quảng Ninh, cơ quan xuất nhập cảnh của Việt Nam “cấp thị thực rời để thể hiện quan điểm không công nhận bản đồ của họ dưới bất cứ hình thức nào”.
Còn tại Phú Quốc, Kiên Giang, nơi nhiều du khách Trung Quốc tới thăm mỗi ngày, nhân viên xuất nhập cảnh tại phi trường ở đây cũng làm tờ khai nhập cảnh riêng, không có hình ảnh “đường lưỡi bò”.
Trong khi đó, cũng theo báo chí Việt Nam, chủ một nhà nghỉ ở Đà Nẵng đã không cho khách thuê phòng sau khi thấy hộ chiếu của hai khách nữ người Trung Quốc có hình “đường lưỡi bò”.
Cuối tuần trước, một nhóm người Việt ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã biểu tình, giơ cao hình ảnh về bản đồ tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp của Trung Quốc trước mặt các du khách tới từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Đầu tuần trước, Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Hồi năm 2012, chính quyền Việt Nam tuyên bố không đóng dấu xuất nhập cảnh vào hộ chiếu mới của Trung Quốc có in hình ảnh còn được gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam khi ấy còn gửi công hàm phản đối tới Trung Quốc, “thể hiện rõ chính kiến” của Hà Nội.

Việt Nam điều tra cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

 RFA 2016-07-18  
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn ngày 18/11 trước Quốc hội Việt Nam
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn ngày 18/11 trước Quốc hội Việt Nam Nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khi còn tại chức. (ảnh minh họa) File photo
Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đã được lệnh mở cuộc điều tra, để tìm hiểu những sai phạm nếu có đối với ông Vũ Huy Hoàng, trong thời gian ông này làm Bộ Trưởng Bộ Công Thương.
Quyết định mở cuộc điều tra được đích thân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra, đi kèm với chỉ thị mà chúng tôi xin được trích nguyên văn là “phải khách quan, không chịu bất kỳ sức ép nào”.
Ông Vũ Huy Hoàng năm nay 62 tuổi, từng giữ chức Bộ Trưởng Bộ Công Thương 2 nhiệm kỳ, và cũng từng được ca ngợi là một vị bộ trưởng nhiều tài năng, biết điều hành. Ngoài chức vụ vừa nêu, ông còn từng là ủy viên trung ương và đại biểu quốc hội.
Hồi tháng Ba năm nay, ông từ chức và đến giữa tháng Sáu, truyền thông Việt Nam đưa tin cho biết Hiệp Hội Các Nhà Đầu Tư Tài Chính, gọi tắt là VAFI, đưa đơn nêu thắc mắc trong thời gian còn lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Hoàng đã bổ nhiệm một người con trai vào vai trò lãnh đạo Tổng Công Ty Bia Rượu Và Nước Giải Khát Saigon, tức Tổng Công Ty Sabeco.
Đơn còn viết rằng trước khi về làm việc ở Sabeco, con trai của ông Hoàng tên là Vũ Quang Hải từng được cử làm Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam lúc mới 25 tuổi, và trong 2 năm dưới quyền điều hành của ông Hải, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam lỗ cả thảy 222 tỷ đồng.
Ngoài chuyện vừa nêu, ông Cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng còn bị nghi ngờ có liên quan đến trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hiện đang bị truy cứu trách nhiệm vì tham gia làm thất thoát số tiền hơn ba ngàn tỉ trong khi đang làm việc tại Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2011 tới 2013.
Vụ thất thoát này nhiều người đã bị kỷ luật và cũng có người bị xử lý như tội phạm hình sự nhưng bản thân ông Trịnh Xuân Thanh lại không có vấn đề gì để sau đó lại được Bộ Công thương vận động rút về làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Ông Thanh bị Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng điều tra và đưa ra kết luận sai phạm như vừa nói. Tuy nhiên kết luận của cơ quan điều tra này cho biết sẽ tiếp tục làm rõ thêm rất nhiều khuất tất của những nhân vật liên quan tới ông Thanh. Cụ thể là liệu ông Cựu Bộ Trưởng hay một quan chức nào khác trong chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có hành vi bao che cho ông Thanh thoát khỏi các cuộc điều tra trước đây hay không.
Hành động mới nhất của vụ này là ông Thanh chính thức bị Ủy ban thường vụ Quốc Hội tuyên bố không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội nữa. Ông Thanh cũng ngay lập tức bị buộc phải rời khỏi chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang để phục vụ cuộc điều tra đang tiến hành.

Người dân Tây Nam Bộ thời sông chết

 Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-07-18  
ttvn0718.jpg
Một phụ nữ từ miền Tây lên Bình Dương bán dạo.  RFA
Hiện tượng nước các con sông trong đồng bằng Sông Cửu Long đổi màu, trở nên trong trẻo và thiếu hẳn phù sa, dòng chảy thường bị khô cạn đã tác động đến đời sống người dân nơi đây. Nạn mất mùa và bỏ ruộng hoang vì hạn, mặn một lần nữa biến những cư dân Tây Nam Bộ thành những con chim thiên di trên chính quê hương mình. Hiện tại, số lượng người dân Tây Nam Bộ bỏ quê, bỏ ruộng vườn lên các thành phố lớn làm thuê đang ngày càng tăng cao.
Bỏ ruộng mà đi!
Một cán bộ quản lý thuộc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh An Giang, không muốn nêu tên, chia sẻ:
Cái giá lúa nói bèo quá nên người ta bỏ đi xa hết. Một số trong độ tuổi lao động, bỏ đi làm công nhân. Ra ngoài đó chủ yếu là lao động phổ thông.
- Cán bộ tỉnh An Giang
“Cái giá lúa nói bèo quá nên người ta bỏ đi xa hết. Một số trong độ tuổi lao động, bỏ đi làm công nhân. Ra ngoài đó chủ yếu là lao động phổ thông. Họ có thể nhận những người không có bằng cấp bởi nhóm lao động tay chân không đòi hỏi tay nghề cho mấy. Do vậy mà người ta bỏ quê đi lên đó…”
Ông này cho biết thêm là hiện nay, số lượng người trong độ tuổi lao động của tỉnh An Giang lên các thành phố lớn làm việc là không thể thống kê được. Bởi họ đi có tính thời vụ và bộc phát sau vụ lúa Xuân Hè vừa qua. Hơn nữa, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trước đây chưa có thông lệ thống kê số người lao động trong tỉnh đi ra các tỉnh khác để làm thuê.
Nhưng ông này cũng khẳng định hầu hết những người trong độ tuổi lao động bỏ quê bỏ vườn lên phố chủ yếu làm thuê, làm các công việc đơn giản ở các khu công nghiệp, may mắn lắm thì làm công nhân với mức lương đôi ba triệu đồng mỗi tháng, không may mắn thì làm phụ hồ, phu khuân vác và bán vé số, công việc đắp đổi qua ngày. Mặc dù chẳng dư được bao nhiêu để gởi về quê nhưng họ vẫn chấp nhận đi leen thành phố kiếm cơm cho đỡ một miệng ăn trong gia đình.
Bên cạnh đó, số lượng các cô gái trong độ tuổi từ 20 đến 28 lên thành phố để làm các công việc lao động phổ thông, trong đó phụ bán quán cà phê, làm việc ở các tiệm hớt tóc thanh nữ, tiệm massage, nhà hàng và quán nhậu ngày càng tăng mạnh. Không thiếu những trường hợp nữ sinh trung học phổ thông bỏ nhà lên phố tìm việc làm và rất dễ bị rơi vào cạm bẫy nơi các thành phố lớn.
Một cán bộ tên Huy, làm việc ở một trung tâm cung ứng và giới thiệu việc làm thanh niên tại thành phố Sài Gòn, chia sẻ:
ttvn-0718.jpg
Các con sông miền Tây không còn nhiều phù sa và tôm cá như trước. RFA
“Người ta lên làm hồ xây dựng vậy đó. Nó không tập trung vào khu nào, chủ yếu Vũng Tàu, Long Khánh, Bình Dương. Bình Dương thì đi làm công nhân, Bình Phước thì đi hái điều, Vũng Tàu thì đi làm phụ hồ, phụ quán… Nói chung không ổn định. Số nhiều cô gái lên thành phố để làm tiệm massage. Các cô tuổi từ 20 đến 28 là nhiều nhất…”
Ông Huy cho biết thêm là hầu hết những cô gái trẻ từ các tỉnh miền Tây nếu chọn công việc lao động phổ thông thì đổ về Bình Dương, Đồng Nai là chủ yếu, bởi ở đây họ dễ kiếm được những công việc lao động tuy nặng nhọc nhưng bù vào đó là không đòi hỏi bằng cấp. Ngược lại, những cô lên Sài Gòn, ra Bà Rịa Vũng Tàu, lên Bình Phước, thậm chí ra các thành phố lớn ở miền Trung như Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng thường theo con đường mát mẻ, nhẹ nhàng nhưng kiếm được nhiều tiền thông qua các cà phê, tiệm hớt tóc, tiệm massage…
Đắp đổi qua ngày…
Thường thì phụ nữ miền Tây đi làm nhiều việc và cũng phức tạp hơn so với đàn ông chủ yếu làm việc nặng. Hiếu, một thanh niên Cà Mau lên thành phố Sài Gòn làm phụ hồ, chia sẻ:
“Lên đây làm cũng đắp đổi qua ngày, ngày kiếm 200 ngàn đồng. Tiền thuê trọ, tiền ăn uống xăng cộ hết rồi thì cũng còn chừng vài chục ngàn đồng thôi. Ở dưới đó ruộng khô hết, lúa mất mùa, rớt giá, phải bỏ ruộng. Người nào có tiền thì mua máy bơm về bơm nước cứu lúa, người nào nghèo thì bỏ ruộng. Bây giờ khó khăn lắm!”
Hiếu cho biết thêm là trước khi lên thành phố Sài Gòn làm phụ hồ, anh có chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Nhưng kinh tế gia đình ngày càng suy sụp, cuối cùng cô vợ bỏ đi, anh nuôi con một mình. Khi đồng ruộng mất mùa, tiền kiếm được hằng ngày từ việc chạy xe ôm không đủ để gia đình anh sinh sống, anh bỏ nghề xe ôm lên Sài Gòn làm phụ hồ.
Ở dưới đó ruộng khô hết, lúa mất mùa, rớt giá, phải bỏ ruộng. Người nào có tiền thì mua máy bơm về bơm nước cứu lúa, người nào nghèo thì bỏ ruộng.
- Hiếu, Cà Mau
Với mức lương hai trăm ngàn đồng mỗi ngày, sau khi ăn uống, thuê phòng trọ và chi tiêu các khoản tiền điện, nước, bột giặt, anh chỉ còn dư được chưa tới 70 ngàn đồng. Nhưng Hiếu cho rằng đây là số tiền lớn, đủ để anh gởi về quê nuôi gia đình. Sau này, được chủ thầu tin cậy, cho ngủ lại công trình, Hiếu đỡ tốn khoản thuê phòng trọ và thỉnh thoảng được bồi dưỡng thêm vài trăm ngàn đồng. Với Hiếu, đây là sự may mắn lớn không phải ai cũng có được.
Khác với Hiếu, Thành, một nông dân ở An Giang lại chọn cách ra bến phà bán các loại hàng rong để được gần gia đình, anh chia sẻ:
“Các con sông bây giờ chẳng còn phù sa nữa, tất nhiên là phải bón phân hóa học thôi. Khó khăn lắm, lúa bị đe dọa nghiêm trọng.”
Theo Thành, thời gian gần đây lúa mất mùa, trong khi giá gạo rớt thê thảm đã làm cho người nông dân hầu hết các tỉnh miền Tây điêu đứng. Người bỏ nhà đi làm thuê xứ khác ngày càng nhiều. Thậm chí có nhiều nông dân bế tắc phải chọn cách bán thận để kiếm tiền trả nợ.
Hơn nữa, anh nhìn thấy mối nguy những cánh đồng chết và hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long đang hiện dần ra trước mắt. Bởi với kinh nghiệm của một nông dân nhiều đời bám ruộng, anh hiểu rằng hạt gạo miệt Tây Nam Bộ thơm ngon không chỉ riêng nhờ vào nguồn giống mà còn phụ thuộc rất sâu vào thổ nhưỡng, độ màu mỡ của đất. Bây giờ, các con sông trở nên trong xanh và thiếu hẳn phù sa. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng đất đai thiếu phù sa, ngày càng cằn cỗi. Người nông dân buộc phải bón phân hóa học để cứu lấy năng suất cây lúa.
Dung, cô gái người Cần Thơ, lên Sài Gòn làm thuê, hiện nay cô đang phụ bán quán ăn cho một gia đình ở quận Thủ Đức, Sài Gòn, chia sẻ:
“Mình không có trình độ, không có vốn nên mọi chuyện hết sức khó khăn, lên đây đi làm vậy thôi chứ cũng không hi vọng gì bởi mọi thứ đều ế ẩm, khách cũng không có, tiền cũng không có, nhiều người bỏ phụ việc để làm chuyện khác… Rất khổ!”
Và một khi nông dân miệt Tây Nam Bộ phải phụ thuộc vào phân bón hóa học, thì điều này cũng đồng nghĩa với sự chết đi vĩnh viễn của vựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long một thuở. Và tương lai của người nông dân nơi đây ngày càng thu hẹp lại. Thật là khó hình dung viễn cảnh của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long khi vựa lúa nơi này trở thành chuyện quá khứ!

Bao che Formosa là tiếp tay diệt chủng

Võ Thị Hảo
Theo RFA- 2016-07-18  
000_CL90U.jpg
 Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong cuộc họp báo công bố lý do của các cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 30 tháng 6 năm 2016.  AFP PHOTO

Bộ Tứ đã chọn Formosa và "đường lưỡi bò"?
Người Việt Nam (VN) có lương tri sẽ thấy cảm giác đau buốt tim khi nhìn thấy đồng bào mình bị đàn áp, bắt bớ, hành hung đến đổ máu, chấn thương sọ não chỉ vì họ dám nói lên sự thật và đi trong đoàn biểu tình chống lại sự đầu độc hủy diệt VN của Formosa.
Làm sao có thể kìm nổi tiếng thét căm phẫn khi nhà cầm quyền ngày càng có nhiều hành động không thèm giấu giếm việc họ đã chọn dâng hiến lãnh thổ lãnh hải, chủ quyền đất nước, chọn ủng hộ Formosa và những ty Trung Quốc (TQ) đang tràn ngập VN và đầu độc VN trên mọi phương diện trực tiếp, gián tiếp, táng tận lương tâm vùi dập quyền sống tối thiểu của người dân VN?!
Mới đây nhất, ngày 17/7/2016, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đưa tin và bình luận về việc nhà cầm quyền VN đàn áp người dân biểu tình ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về việc xóa bỏ tham vọng "Đường lưỡi bò" trên biển Đông và phản đối công ty Formosa hủy diệt môi trường biển VN. Hình ảnh đàn áp của công an trên khắp ba miền đã đưa ra trước thế giới một hiện tượng mà người ta không thể giải thích nổi theo logic bình thường.
Làm sao có thể hiểu nổi vì đâu mà chính quyền CSVN lại đối xử với dân như kẻ thù, cấm báo chí và người dân đưa tin về việc Formosa đã xả thải độc ra môi trường, đặt không chỉ ngư dân và cư dân ở những vùng trực tiếp tiếp xúc vối chất thải Formosa mà toàn dân trên cả nước VN trước nguy cơ bị diệt chủng nếu nhà máy này tiếp tục hoạt động?
Làm sao có thể lý giải việc nhà cầm quyền của một nước lại dùng nhiều thủ đoạn để ngăn trở công dân của mình hành động vì lòng yêu nước. Làm sao có thể lý giải nổi việc họ đã hèn hạ cúi đầu trước giặc bành trướng bá quyền TQ, để mặc cho hàng ngàn ngư dân của mình bị giặc TQ rượt đuổi, đánh đập, giết chóc, đâm chìm tàu ngay trên lãnh hải và ngư trường truyền thống của VN?! Hơn thế, họ mà còn đi bồi thêm cho dân những nhát chí mạng bằng cách đàn áp dân đến mức đổ máu chỉ vì dám phản đối sự tàn ác của TQ!
Làm sao có thể lý giải nổi một bộ sậu cầm quyền từ đảng, quốc hội, chính phủ, mặt trận tổ quốc và vô số cơ quan đoàn thể lại hoàn toàn đồng nhất trong việc cùng lạnh lùng nhẫn tâm và đớn hèn ngậm miệng. Mỗi lần chủ quyền VN bị TQ xâm lấn, thay vì phải phản đối mạnh mẽ, đứng lên đấu tranh chống lại, thì nhà cầm quyền ấy lại vội vàng gặp gỡ để nhận chỉ thị, để thêm một lần cam kết "không làm phức tạp thêm tình hình" và thêm một lần cam kết sẽ không làm gì trái với lệnh của quan thầy TQ? Ngay cả khi Tòa án quốc tế công bố “đường lưỡi bò” là phi pháp vào ngày 12/7/2016, thì ngay vào 14/7, thủ tướng VN đã lập tức gặp thủ tướng TQ, toàn văn nội dung cuộc gặp chỉ để ngoan ngoãn cam kết "không làm phức tạp thêm tình hình", tiếp tục "đàm phán song phương" và làm theo chỉ đạo mà hai bên đã thỏa thuận, không hề nhắc đến việc TQ cần phải tuân thủ phán quyết của Tòa quốc tế và trả lại lãnh thổ lãnh hải cho VN.
Chia chác miếng bánh quyền lực trên nỗi đau dân
Người ta không thể không đặt ra câu hỏi, trong khi người dân và môi trường VN đang phải đương đầu sống còn với nguy cơ diệt chủng, thì bộ tứ lãnh đạo đi đâu, làm gì mà không một ai lên tiếng và hành động vì đất nước theo như trách nhiệm và nghĩa vụ của người lãnh đạo? Xin thưa rằng, nỗi đau của dân chẳng mảy may đụng đến các vị đó. Trái tim của họ đang dành cho việc chia chác miếng bánh quyền lực vừa cưỡng đoạt được và họ còn bận hưởng thụ thành quả của việc đã dựa vào sự "chống lưng" của quan thầy TQ mà giữ được địa vị của họ, nhờ vào việc bán nước và "kiên trì đường lối xã hội chủ nghĩa" theo kiểu TQ.
Làm sao có thể hình dung, trong những ngày người dân VN bị đau đớn nhất, đất nước VN bị xâm lấn và nhục nhã đến mức bọn người TQ còn sang tận VN "uốn lưỡi cú diều" xỉ mắng dân Việt, khẳng định đất VN là của TQ, thì đó lại là lúc bộ tứ cầm quyền VN vô tư tươi cười cợt. Từ tháng 2/2016, sau sự cưỡng chế quyền lực thành công ở Đại hội Đảng 12 đến nay, cả bộ tứ ấy chỉ chú tâm tận hưởng bữa tiệc chia chác quyền lực và tăng cường đàn áp dân để giữ chặt lấy bữa tiệc của họ.
image006-620.jpg
Giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh hôm 7/7/2016.
Họ đã hợp sức lại trong một tiết tấu ma quỷ nhịp nhàng để tạo ra những cuộc bầu cử giả dối nhất nhằm đóng dấu hợp pháp lên những cuộc cưỡng đoạt quyền lực. Kết quả của bầu cử giả dối, đương nhiên sẽ tạo ra một hệ thống quan chức, những đại biểu quốc hội dốt nát, tham lam và đểu cáng đạt chuẩn mà đảng CSVN ngầm đặt ra.
Đương nhiên phải đạt chuẩn cao nhất về sự tồi tệ của hệ thống bộ máy thì đất nước này mới bị tàn phá tan nát bởi lũ tham nhũng với những Vinashin, những cầu đường bê tông cốt tre và cốt nhựa xốp, với những con đường được làm với chi phí đắt nhất thế giới mà chất lượng tồi nhất thế giới...
Quan chức VN phải đạt chuẩn về sự đểu cáng thì mới đủ khả năng dày mặt bất chấp danh dự, vô lương ra sức bưng bít cho kẻ hủy diệt mang tên Formosa và đổ tội cho "thủy triều đỏ"...
Phải đểu cáng và vô lương thì mới có hệ thống quan chức và vố số nhà khoa học hữu trách từ trên xuống dưới đưa ra những thông tin hoàn toàn sai sự thật để bao che cho tội ác của Formosa và các công ty khác của TQ.
Một trong những đỉnh cao của sự đểu cáng này là việc Phó giám đốc Công ty Tài nguyên môi trường thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh vì tham tiền nên đã nhận khoảng 200 trăm tấn chất thải của Formosa về bỏ trong vườn trang trại, lại còn lừa bán cho dân để thu lợi, khi bị phát hiện thì việc đầu tiên là trí trá, cấp trên của ông ta cũng trí trá bao che. Sự việc vỡ lở, đám này liền chôn giấu qua loa. Chất thải của Formosa còn chôn ngay trong khu du lịch Thiên Cầm. Còn có thông tin là đập thủy điện của vùng này đã đồng loạt xả lũ để phi tang việc chôn giấu chất độc của Formosa. Ai cũng hiểu rằng điều đó đã gây thêm những tội ác mới và hậu quả không thể tính đếm được, lâu dài đối với người dân.
Hóc xương cá 500 triệu
Động cơ nào mà nhà cầm quyền VN đã vội vàng hân hoan tuyên bố nhận 500 triệu USD tiền bồi thường từ Formosa và ra lệnh bỏ qua cho Formosa với cách giải thích lươn lẹo là "đánh kẻ chạy đi chứ không bao giờ đánh kẻ chạy lại"?
Việc làm này của nhà chức trách đã gây nên một phong trào phản ứng dữ dội. Miếng cá 500 triệu chưa nuốt trôi được vì có oan hồn cá biến thành bộ xương nằm chẹn ngang cổ họng.
Trước hết, nếu tính về phương diện đền bù, thì con số nêu trên là hoàn toàn không có cơ sở và chưa qua điều tra, tính toán trên mọi phương diện khoa học. Theo tính toán của một số nhà tài chính, thì  số tiền bồi thường  nếu chia cho những hộ dân bị thiệt hại trong đợt này – chỉ 5 ngày Formosa xả thải, thì mỗi hộ dân được chia tiền đủ để mua... 2 thùng mì gói. Còn tất nhiên là khi đi qua hệ thống tham nhũng khát cả máu dân VN, 2 thùng mì chỉ còn một thùng!
Vậy, nếu không đóng cửa cái nhà máy đầu độc vô hạn này, trong 70 năm xả thải theo giấy phép đầu tư mà VN đã ký, thì đương nhiên là dân VN sẽ phải chịu nạn diệt chủng ngay từ vài đợt xả thải tiếp theo.
Vì sao nhà cầm quyền VN vội vàng chấp nhận để "chôn giấu" cho tội ác cũng như những hậu quả to lớn và lâu dài của Formosa gây ra đối với dân VN? Họ đã bao che hết đợt này đến đợt khác, cho qua chuyện, chối bỏ trách nhiệm quản lý và những trách nhiệm khác mà chính họ phải là bên bị khởi tố trước tòa cùng Formosa, chịu đền bù và chịu tội vì đồng lõa, tiếp tay cho thủ phạm gây tội ác chống lại loài người, hủy diệt nguồn sống và môi trường sống VN.
Người dân VN chưa bao giờ có thể tưởng tượng nổi Biển – Bầu sữa mẹ nuôi sống họ, một ngày ngập tràn chồng đống cá tôm chết và ngập tràn xú uế như ngày tận thế, ngay cả đặt chân xuống nước cũng là một nguy cơ chết. Kinh khủng hơn nữa là nạn đói, nạn tha hương cầu thực đang đến ngay trong căn nhà của họ. Con cái đói khổ và thất học, gia đình tan nát. Làng xóm của họ sẽ trở thành những làng ung thư và quái thai không biết kéo dài đến bao nhiêu thế hệ. Còn kinh khủng hơn nữa, quan chức chính quyền, công an và bộ đội – những đồng bào – những đội quân mà họ vẫn cung phụng, nuôi nấng, nay đã dùng dùi cui, súng, nắm đấm và chân đạp để bịt miệng họ, bắt họ phải còng lưng quặn ruột mà cam chiụ chết, không được kêu một tiếng. Với người dân, kinh hoàng nhất là họ thấy đảng, chính phủ, công an, quân đội và thanh niên xung phong cũng coi dân như kẻ thù, khi thay vì bảo vệ dân thì  lại đứng về phía kẻ đã xả độc để giết họ.
Rõ ràng, bao che Formosa, đồng lõa với thủ phạm “đường lưỡi bò” của TQ, để mặc cho tội ác tiếp tục hoành hành để đất nước và người VN bị diệt vong, chính là nhà cầm quyền VN đã nhập khẩu diệt chủng từ TQ đem về hại dân Việt. Cũng chẳng khác gì nhà cầm quyền Campuchia trước đây đã nhập khẩu sự diệt chủng từ quan thầy TQ và tiêu diệt hết khoảng 1/3 dân số Campuchia.