Wednesday, April 26, 2017

Việt Nam, “nhà tù lớn thứ nhì đối với các nhà báo công dân”

Theo VOA-26/04/2017
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị bắt ở Hà Nam hôm 21/1/2017

Việt Nam vẫn bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia được khảo sát về tự do báo chí, trong phúc trình năm 2017 của Tổ chức Ký giả Không Biên giới, RSF.
Tổ chức Ký giả Không Biên giới nói vì tất cả truyền thông nội địa đều được đặt dưới quyền kiểm soát và chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho nên những nguồn thông tin độc lập duy nhất là các blogger và nhà báo công dân, thành phần mà RSF cho là bị đàn áp nghiêm ngặt, kể cả bằng bạo lực dưới tay của cảnh sát mặc thường phục.
RSF tố cáo Đảng Cộng sản Việt Nam là lạm dụng các điều khoản mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự như điều 88- “tuyên truyền chống phá nhà nước”, điều 79- “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và điều 258 - “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” để biện minh cho việc bắt giữ các blogger và nhà báo công dân.
RSF đặc biệt lên án các vụ bắt giữ để “đánh chặn” đối với ba blogger Trần thị Nga, Nguyễn văn Hoá và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm. Vụ bắt giữ ba nhà hoạt động này, theo RSF, đã biến Việt Nam thành “nhà tù lớn thứ nhì trên thế giới đối với các nhà báo công dân”, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Nạn nhân mới nhất là Trần thị Nga, tức blogger Thuý Nga, bị bắt tại tư gia ở tỉnh Hà Nam hôm 21 tháng Giêng năm nay. Bà Nga, 40 tuổi, là nhà hoạt động thường xuyên tham gia biểu tình chống Trung Quốc, và tuần hành vì môi trường. Bà là một bà mẹ đơn thân phải nuôi hai con nhỏ, thường dùng trang blog để bênh vực giới lao động và dân oan khiếu kiện bị nhà nước tịch thu đất đai. Bà bị quy tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự. Nếu bị kết tội, bà có thể bị phạt từ 3 đến 20 năm tù.
Một nhà báo công dân khác được nêu tên là Nguyễn văn Oai, bị bắt hôm 19/1 tại Nghệ An vì đã cưỡng lại nhân viên thi hành công lực, và ra khỏi nhà trong thời gian bị quản chế.
Bị bắt năm 2011 và tuyên án 4 năm tù cộng với 3 năm quản chế theo điều 79 BLHS, ông Oai mãn hạn tù vào tháng 8 năm 2015.
Nhà báo công dân Nguyễn văn Hoá bị chính quyền Việt Nam khởi tố hôm 6/4 về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước”, nhà hoạt động trẻ này từng cộng tác với Đài Á Châu Tự do, bị bắt hôm 11/1 và bị cấm liên lạc với bên ngoài.
Nhà báo công dân trẻ tuổi này tường trình về các cuộc biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, bị quy trách nhiệm về vụ rò rỉ chất thải độc hại gây thảm hoạ cá chết hàng loạt hồi tháng Tư, 2016.
Ông Benjamin Ismail, Giám Đốc đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của RSF, nói:
“Đợt bắt bớ trước Tết Âm lịch thể hiện sự căng thẳng trong hệ thống chính quyền bất cứ lúc nào mà xã hội công dân có cơ hồi bày tỏ quan điểm tự do về những vụ vi phạm các quyền của họ và nhân quyền nói chung.”
Ông Ismail nói:
“Các blogger và nhà báo công dân vừa nêu không làm gì khác hơn là tường trình về các vụ biểu tình và bày tỏ quan điểm của họ về những hành động vi phạm quyền của các công dân, và bảo vệ lợi ích chung. Thật là kinh khủng khi phải chứng kiến những người bảo vệ lợi ích chung và nhân quyền bị gán cho tội tuyên truyền chống phá nhà nước ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tăng sức ép để những nhà báo công dân này được trả tự do ngay lập tức.”
Tháng 10 năm ngoái, RSF lên án chính sách của nhà nước Việt Nam cô lập hoá các nhà báo và blogger, cũng như có hành động trả thù có hệ thống chống lại những người cả gan liên lạc với thế giới bên ngoài.
Trong bảng sắp hạng báo chí năm 2017 của RSF, Việt Nam lại bị xếp gần chót, hạng 175 trên tổng cộng 180 nước được khảo sát.

Đoàn thanh tra đất đai Đồng Tâm thay thế vị trí phó đoàn theo yêu cầu của người dân

Đoàn thanh tra đất đai Đồng Tâm thay thế vị trí phó đoàn theo yêu cầu của người dân
Ảnh: Pháp Luật Online
Đoàn thanh tra đất đai sau vụ đối đầu của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, quyết định thay thế phó trưởng đoàn là ông Hồ Khiêm bằng người khác, theo đề nghị của người dân.
Báo Pháp Luật Online dẫn lời ông Nguyễn An Huy, phó chánh thanh tra thành phố Hà Nội kiêm trưởng đoàn thanh tra việc quản trị và sử dụng đất đai tại dự án phi trường Miếu Môn, cho biết như vậy hôm Thứ Tư 26/04.
Trước đó, báo chí đưa tin tại cuộc đối thoại với chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 22 tháng 4, người dân xã Đồng Tâm đã đưa ra yêu cầu này. Ông Hồ Khiêm là phó trưởng phòng thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo 5, thuộc cơ quan thanh tra thành phố Hà Nội. Người dân cho rằng ông Hồ Khiêm trước đây đã từng được thành phố Hà Nội giao thanh tra đất đai tại Miếu Môn, và đưa ra những kết luận không khách quan. Ngay tại cuộc đối thoại vừa kể, chủ tịch thành phố Hà Nội đã hứa sẽ thay thế ông Hồ Khiêm bằng người khác.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Bệnh Viện Việt Đức ở Hà Nội cho biết sức khỏe cụ ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, cư dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, đã ổn định, và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Báo chí Dân Trí đưa tin như vậy và nhắc lại rằng cụ Lê Đình Kình được công an thành phố Hà Nội dỡ bỏ “biện pháp ngăn chặn”, tức tạm giam, chỉ vì công an xác nhận cụ ông không có tiền án tội phạm. Đến nay chưa rõ thành phố Hà Nội có hủy bỏ hồ sơ truy tố cụ ông hay không.
Huy Lam / SBTN

Tuyên giáo Hà Nội trơ trẽn tuyên bố ‘báo chí đã thông tin chân thực’ vụ Đồng Tâm

Tuyên giáo Hà Nội trơ trẽn tuyên bố ‘báo chí đã thông tin chân thực’ vụ Đồng Tâm
Giữa lúc người dân Việt Nam ngày càng nhìn rõ vai trò của truyền thông trong nước như là công cụ của chế độ và đảng cộng sản, đặc biệt qua những bản tường trình về vụ người dân đối đầu với công an ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, mới đây ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội hôm Thứ Ba  25/04 tổ chức họp báo để khen ngợi báo chí nhà nước “đã thông tin chân thực” sự việc.
Ông Nguyễn Văn Phong, trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội đưa ra những nhận định về báo chí nhà nước một cách tự mâu thuẫn như vừa “chân thành” vừa “chân thực”, vừa “tương đối đầy đủ” vừa “toàn diện” về tình hình ở xã Đồng Tâm. Ông này không quên nhắc đến bối cảnh được ông mô tả là “có không ít thế lực thù địch, thế lực phản động, thế lực cơ hội chính trị đã cố tình tuyên truyền, bóp méo, xuyên tạc, kích động để làm nóng tình hình”. Vừa khen ngợi thông tin trên báo chí nhà nước là “chính xác”, ông Phong lại vừa nhận định báo chí đã góp phần “định hướng thông tin” theo chiều hướng giúp các lực lượng công quyền ổn định tình hình.
Theo quan sát của rất nhiều người, nhiều giới trong và ngoài nước, tường thuật của báo chí do nhà nước cộng sản chỉ huy vừa trễ nãi vừa một chiều, đôi khi có tác dụng lót đường cho một cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm. Không ít người nhận định rằng nếu không có mạng xã hội lên tiếng sớm sủa và nhiều chiều, thì rất có thể Đồng Tâm đã bị đàn áp trong im lặng như rất nhiều vụ phản kháng trước đây.
Huy Lam / SBTN

Công an nhượng bộ hoàn trả giáo dân 200 áo ‘Formosa Cút Khỏi Việt Nam’

Giáo dân Nghệ An biểu tình phản đối công an cướp 200 áo có dòng chữ “Formosa cút khỏi Việt Nam.” (Hình: GNsP)
VINH, Nghệ An (NV) – Hơn 2,000 giáo dân một số giáo xứ thuộc giáo phận Vinh đã biểu tình hôm Thứ Hai 24 Tháng Tư vừa qua, đòi công an huyện Quỳnh Lưu trả 200 áo có in hàng chữ “Formosa Cút Khỏi Việt Nam.”
Theo tin của nhóm thông tin Công Giáo “Tin Mừng Cho Người Nghèo” thường được gọi tắt theo tiếng Anh là GNsP, hai linh mục giáo phận Vinh cùng với hơn 2,000 giáo dân đến trụ sở Công An huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, biểu tình chiều ngày Thứ Hai, đòi công an giải thích, điều tra làm rõ vụ hành hung, cướp áo có in dòng chữ “Formosa Cút Khỏi Việt Nam” của người dân giáo xứ Song Ngọc.
Theo nguồn tin trên, vào lúc 1 giờ 30 chiều 24 Tháng Tư, “hai bạn trẻ giáo xứ Song Ngọc chở hai thùng áo có in dòng chữ ‘No Formosa’ chia sẻ cho giới trẻ trong xứ. Tuy nhiên, khi tới cầu Văn Thai, hai bạn trẻ bị một tốp côn đồ chặn lại, đánh đập và cướp hai thùng áo lên xe chạy trốn.”
Nguồn tin nói, “Hai bạn trẻ này xác nhận, những người tham gia hành hung và cướp tài sản có người là cảnh sát giao thông và công an, vì những người này thường xuyên bám sát và theo dõi bà con giáo dân giáo xứ Song Ngọc.”
Khi được tin, Linh Mục Nguyễn Đình Thục cùng với bà con giáo dân Song Ngọc đến trụ sở công an huyện để yêu cầu xác minh, điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, giới chức đã đóng cổng trụ sở và không tiếp dân.
Chiều cùng ngày, lực lượng cảnh sát cơ động được điều động tới chỗ giáo dân biểu tình trong khi hàng chục công an đóng cổng trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu, ngăn không cho người dân vào bên trong.
Căng thẳng gia tăng khi người dân giáo xứ Phú Yên và Mành Sơn đến tham gia biểu tình với giáo dân Song Ngọc. Tình trạng căng thẳng chỉ được lắng dịu khi hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Duy Tân tới nơi và phía công an phải chấp nhận đối thoại với các đại diện của dân.
“Trong gần hai giờ đầu, phía công an cương quyết không thừa nhận hành vi sai trái mà còn khóa cửa không chịu tiếp dân để làm rõ sự việc chặn người, đánh và cướp của,” anh Nguyễn Văn Triều người đi trong đoàn biểu tình cho biết trên trang mạng GNsP.
Sau đó, trước hàng ngàn người chờ đợi, Linh Mục Đặng Hữu Nam công bố, nhà cầm quyền đã thừa nhận công an trong đội làm việc đã sai quy trình, khi đánh đập và cướp lấy 200 áo in dòng chữ “Formosa Cút Khỏi Việt Nam” đem về cơ quan.
GNsP thuật lời Linh Mục Đặng Hữu Nam cho biết, công an nhìn nhận áo “Formosa Cút Khỏi Việt Nam” không phải là hàng quốc cấm và không có quyền thu giữ, một số cán bộ công an đã làm sai quy trình khi đánh dân.
Tại trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu, Linh Mục Nguyễn Đình Thục trưng ra chiếc áo với dòng chữ “Formosa Cút Khỏi Việt Nam” mà nhóm côn đồ đã cướp, đồng thời yêu cầu phía công an mang trả lại các áo này cho người dân giáo xứ Song Ngọc.
Theo GNsP, “Trước sức ép và lý lẽ không thể chối bỏ được nhà cầm quyền đã phải trả lại 200 chiếc áo in dòng chữ ‘Formosa Cút Khỏi Việt Nam’ cho người dân mà công an đã cướp.”
Giáo dân các giáo xứ tại huyện Quỳnh Lưu từng tổ chức đi kiện nhà cầm quyền trong vụ đòi bồi thường cho các sự thiệt hại mà họ phải chịu đựng, hậu quả của chất thải độc hại của Formosa đổ ra biển. Tuy nhiên, họ bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam ngăn chặn và đàn áp. (TN)

Hân hoan trong sương mù


Đại tiệc mở ra, đôi khi vì quá hân hoan mà người ta dễ quên đi những phần quan trọng đã có. Sự kiện Đồng Tâm, Mỹ Đức cũng vậy. Trên các trang báo và truyền hình, rất nhiều hình ảnh ghi lại lực lượng cảnh sát cơ động vui vẻ ra về sau những ngày bị nông dân bắt giữ, hoa chào mừng vị chủ tịch thành phố Hà Nội đến làng để thương thuyết... nhưng khó ai tìm thấy được một bức ảnh đúng thời gian của cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, từ lúc bị bắt giữ, cho đến khi vào bệnh viện, bị khởi tố, theo cáo trạng thị chúng của công an Hà Nội.
Trong ngồn ngộn các thông tin của báo Nhà nước nói về về việc người dân Đồng Tâm hân hoan và biết ơn Đảng, Nhà nước khi được đoàn cán bộ về giải quyết sự việc, cũng như tâm nguyện thả hết những người đã tấn công vào làng bị bắt giữ, tôi lần mò tìm một hình ảnh của cụ Kình về ngày đáng nhớ này. Nhưng mọi thứ cứ mất hút, chỉ có vài thông tin mà ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung đưa ra trước đó: cụ Kình phải vào bệnh viện để mổ vì bị các nhân viên an ninh làm cho chấn thương. Còn người nhà cụ Kình thì cho báo đài ngoại quốc biết rằng có khoảng 20 người canh giữ cụ trong tình trạng như vậy.
Tôi tự hỏi, không biết cụ Kình có nở nụ cười nào trong những ngày vui mà báo chí Nhà nước đưa tin về làng Hoành hay không. Cụ đang thế nào?
Báo chí Nhà nước lúc thì giống như một bầy trẻ con, thích ăn kẹo và thích vỗ tay, lúc thì cay nghiệt và độc ác với những cái nhìn cú vọ có chủ trương. Các bài viết, bình luận như cùng hẹn nhau co giật vô tri với các loại nhạc hiệu. Báo chí cách mạng vẫn thường hay lộng lẫy hai chiều: hoặc ngợi ca hết lời, hoặc đấu tố cay nghiệt đến vô nhân.
Lý ra thì cũng phải nên có một bài viết thăm hỏi và phỏng vấn cụ Kình về chuyện khủng hoảng tạm kết hôm nay, phải không? Bởi đơn giản không có cụ, thì giờ đây ruộng vườn của Đồng Tâm đã chằng chịt kẽm gai ngăn chận, dân làng Hoành cũng không còn bình yên trong cái nhìn quen thuộc công an địa phương: bất kỳ khác biệt nào cũng dễ dàng trở thành thù địch.
Trong một bức ảnh không có máu đổ, không có sự sắp đặt gượng gạo của truyền thông, tôi nhìn thấy Thượng tá Phạm Văn Trung, Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động vào làng đón người của mình. Anh chắp tay chào người dân với vẻ thành tâm đến xúc động. Bên cạnh là những người lính của anh, mà ai nấy đều có gương mặt thảnh thơi như vừa đi dự một trại hè. Tôi lại nhớ đến lời một người dân ở thôn Hoành trên radio, trong những ngày căng thẳng lịch sử ấy "dân không có ăn thì không sao, nhưng nhất định phải lo đủ suất ăn 30.000 đồng/ bữa cho mỗi người đang bị tạm giữ". Ôi, cực chẳng đã những người nông dân mới đứng dậy. Phải nhọc nhằn tâm can lắm thì những con người ít chữ ấy, luôn cắm mặt vào đất ấy, mới chọn cách thức phản kháng như cha ông mình từ ngàn năm trước.
Chưa thấy có bài báo nào phỏng vấn các nhân vật bị tạm giữ ở Đồng Tâm về những ngày họ mang giáp, cầm dùi cui hừng hực khí thế xông vào làng cho đến lúc thảnh thơi ra về, dĩ nhiên là với một nội dung phi tuyên truyền, để mọi người hiểu thêm về con người làng Hoành. Cũng không có bài báo nào phỏng vấn 15 người nông dân qua những ngày bị bắt, bị cưỡng bức ra khỏi làng của mình, mở đầu cho cuộc khủng hoảng. Có thể báo chí giờ đây quá trẻ con để có thể làm được những điều vừa sức như vậy, nhưng cũng có thể báo chí đã bị bóp nặn thành những đứa trẻ, chỉ thích ăn kẹo và hân hoan vui đùa trong cuộc sống mờ mờ sương mù. 
Ông chủ tịch Chung đang trở thành ngôi sao sáng trong việc gỡ ngòi nổ ở Đồng Tâm. Nhưng ông Chung, rõ ràng, cũng chỉ là người may mắn nhận được sự ủng hộ và được gấp rút giao toàn quyền từ những nhân vật cấp cao, nhằm giải tỏa những vướng bận vỉa hè trước cánh cổng hội nghị trung ương 5, khóa 12 đang diễn ra đầy gây cấn cách điểm nóng chỉ có 30km. Ông Chung đã khéo léo làm tròn vai trò của mình nhưng ít có ai dám cam đoan là mọi thứ vẫn sẽ tốt đẹp trong thời gian tới. Nhất là khi trên mạng xã hội, trên các bài báo, vẫn còn những ngôn luận hậm hực và hườm sẳn cho một thái độ quay ngoắt về sau.
 
Tôi đọc thấy ngôn từ của nhà văn, nhân viên an ninh, những kẻ vô danh cực hữu… vẫn mắng nhiếc người nông dân. Từ ngôn ngữ đầy phân tích về luật đất đai cho đến lối mắng nhiếc hạ cấp nhất, các nòng súng dư luận chuẩn bị sẳn vẫn giương lên khắp mọi nơi. Họ gọi nông dân là tham, là quá đáng rồi đến đụ mẹ -cái lồn về hướng Đồng Tâm. Nhưng không ai trong đám người đó dám mở miệng đặt một câu hỏi giản đơn: vì sao đất dành cho chuyện quốc phòng lại giao cho một công ty bán điện thoại và lắp internet để làm ăn?
 
Trong một bài viết đầy vẻ hiểu biết trên facebook của một phụ nữ làm trong ngành an ninh, nói rằng nông dân Đồng Tâm đã tham lam muốn chiếm đất của nhà nước, tôi đọc được một lời bình luận đầy hớn hở của một chị người Bắc, rằng nên phổ biến thông tin này “để đồng bào miền Nam mở mắt”. 
“Đồng bào miền Nam mở mắt” sẽ mãi là đề tài thú vị về ngày 30/4/1975 cho đến 42 năm sau, và chắc sẽ còn nhiều hơn, về sau nữa. Nhưng chuyện mở mắt, thì chắc là dân Đồng Tâm đã là những người tuyệt vời trong việc nhìn thấy điều cần phải làm, khi có bài học Thái Bình 1997, rồi 2007. Điều đáng thú vị cần phải nghiên cứu, là những nông dân này đã bảo vệ mình tốt đến mức quyết từ chối báo chí Nhà nước, hạn chế cung cấp thông tin cho cả phía nhận vai trò thương thuyết, và chỉ nhỏ giọt những gì cần nói cho truyền thông tự do trong và ngoài nước. 
Chắc chắn trong chuyện “mở mắt”, không chỉ người dân Đồng Tâm, mà toàn thể người dân Việt Nam đều nhận ra rằng những biến cố hay oan khiên trên đất nước mình, trong thời chủ nghĩa cộng sản, đều có những bầy giòi bọ tham gia truyền thông dạo đầu hay tung hô cho những bữa tiệc tanh hôi. Thật dễ nhận dạng những giọng điệu như vậy, vốn sẳn sàng chà đạp con người và sự thật để chen chút liếm láp đuôi kẻ mạnh. Loại ký sinh chỉ thích tồn tại và hân hoan trong sương mù.
 
Cụ Kình chắc không muốn nhận mình là một ngôi sao hay là một anh hùng trong câu chuyện Đồng Tâm. Nhưng không có cụ, ắt hẳn đã không có một ánh sáng le lói nào dẫn đến đại cục hôm nay. Chắc cụ rồi cũng chỉ nhận mình là một người bình thường, một nông dân bình thường.
 
Quan nhất thời – dân vạn đại, ông bà xưa vẫn để lại lời khôn ngoan cho con cháu về sau như vậy. Nhưng giòi bọ bu bám cường quyền thì đời đời kiếp kiếp vẫn là giòi bọ dù luôn cố nhoi lên, giẫy đạp tranh chỗ của con người.

Lê Chiêu Thống liệu có bị cách chức vua?

04/26/2017 - 13:33 — nguyentuongthuy

Dạo tháng 11 năm ngoái, ông Vũ Huy Hoàng vì mắc nhiều sai lầm nên bị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 – 2016.  Điều này gây cho dư luận nhiều thắc mắc, khó hiểu. Chức vụ đã trải qua rồi thì cách làm sao được. Chỉ có thể cách chức nào ông ta đang đảm nhiệm thôi chứ. Việc ông Vũ Huy Hoàng làm bí thư cán sự đảng bộ Công thương là có thật. Cách rồi thì coi như thời kỳ ấy, không có chuyện ông Vũ Huy Hoàng làm bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương. Điều này liên quan đến rất nhiều thứ, như các văn bản ông Hoàng từng ký đương nhiên là không còn giá trị, mọi bổng lộc, chế độ mà ông Hoàng từng được hưởng từ chức bí thư của ông thì sao? Có thu hồi lại không? Cán bộ dưới quyền do ông Hoàng quyết định bổ nhiệm thì có bị miễn chức theo không?
Cứ tưởng chuyện đã trót xảy ra rồi thì cho qua, sẽ rút kinh nghiệm
Ai dè vào tháng Tư năm nay, việc cách các chức vụ trong quá khứ tiếp tục được phát huy, tức là tiền lệ này được khẳng định, chứng tỏ Ban bí thư cho rằng việc cách chức kiểu này là đúng.
Trong hai ngày 18 và 21/4/2017, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng, đã cách chức ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự, bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Quyết định kỷ luật tuy biểu quyết bằng phiếu kín nhưng đã được sự nhất trí 100%. Tuy nhiên, chức Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, tư cách đại biểu Quốc hội của ông Cự thì chưa thấy sờ tới.
Điều này cho thấy, hình thức kỷ luật cách chức vụ trong quá khứ sẽ vẫn duy trì.
Ông Lê Duẩn nói: "Loài người cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể."
Bây giờ ông Trọng cũng có thể nói: "Loài người cho đến nay đã có bốn phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể. Thứ tư là cách các chức vụ mà ai đó đã đảm nhiệm trong quá khứ.
Cứ đà này rồi ông Lê Chiêu Thống sẽ bị cách chức vua thời kỳ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786 tới đầu tháng 1 năm 1789,  Trần Ích Tắc cũng sẽ bị cách tước hiệu Chiêu Quốc vương... cho mà xem. Rồi bây giờ, “phản động” nhiều, có lẽ cũng phải rà soát lại những tên nào hồi còn thiếu nhi từng được tặng danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ thì cũng nên tước đi luôn thể.
Nguyễn Tường Thụy

Guồng quay cướp đất và sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức

04/26/2017 - 13:14 — nguyenvubinh
Thời kỳ đổi mới nền kinh tế Việt Nam đến nay đã được hơn 30 năm. Trong số tất cả các hệ lụy đau thương mà đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam gây ra cho nhân dân, thì vấn đề cướp đất là một trong hai tội ác lớn nhất, cùng với ô nhiễm môi trường. Quá trình cướp đất này bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thập kỷ những năm 2000 bắt đầu giai đoạn khốc liệt, và thập kỷ hiện tại đạt tới đỉnh điểm của guồng quay cướp đất.
       1/ Tại sao nói là cướp đất?
       Về lập luận của nhà cầm quyền, cũng như những luật, văn bản pháp lý mà nhà cầm quyền vận dụng, hợp thức hóa tiến trình cướp đất, đó là điều luật: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng. Cùng với đó là các chính sách đô thị hóa, chính sách phát triển công nghiệp, khu công nghiệp. Toàn bộ các điều luật và chính sách đi kèm việc thu hồi đất (cách gọi của nhà cầm quyền) phục vụ mục đích chung (làm đường giao thông, mở rộng đô thị, xây khu công nghiệp...) đều có đầy đủ, và về lý thuyết có thể làm vỏ bọc hoàn hảo cho dã tâm trục lợi trong việc này. Đại khái, trên cơ sở đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước có thể thu hồi đất (quyền thu hồi đất xuống tới cấp huyện) để phục vụ cho mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phát triển kinh tế - xã hội trong việc thu hồi đất là mở rộng đô thị, xây dựng các khu dân cư, chung cư, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp. Đó cũng là việc xây dựng các công trình quốc gia về quân sự, về văn hóa, xã hội. Khi thu hồi đất, các đơn vị có trách nhiệm tính toán, bồi thường để không thiệt hại cho người dân có đất, đang sử dụng đất đai. Đồng thời, nếu thu hồi đất người dân đang dùng làm tư liệu sản xuất, tức là đất nông nghiệp, thì phải đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho những lao động của các hộ dân bị thu hồi đất. Đó là toàn bộ quy trình, quy định về việc thu hồi đất của người dân cho mục đích chung, công ích.
       Với quy trình này, nếu nhà cầm quyền các cấp thực hiện đầy đủ, đồng thời không vụ lợi, không trục lợi thì sẽ không có bất kỳ điều gì xảy ra. Tuy nhiên, với sự độc quyền lãnh đạo, quyền lực tuyệt đối và không hề bị kiểm soát, giám sát đồng thời giá cả đất đai đã tăng chóng mặt do mấy cơn sốt đất, các cấp lãnh đạo làm sao có thể bỏ qua một miếng mồi ngon có trị giá hàng chục tỷ, trăm, ngàn tỷ đồng như vậy? Ban đầu, người ta còn lập dự án, thông qua dự án và tiến hành các thủ tục tối thiểu. Càng về sau, những vấn đề về thủ tục càng bị bỏ qua, không cần biểu diễn nữa, và làm một cách trắng trợn. Rất nhiều nơi hiện nay, khi thu hồi đất xong, nhà cầm quyền xây dựng hạ tầng qua loa như đường đi, hệ thống điện... rồi phân lô bán nền ngay. Khốn nạn nhất là có nhiều nơi, những hộ dân bị thu hồi đất có thể mua ngay lại đất của nhà mình với giá gấp nhiều lần giá nhà nước đền bù thu hồi đất. Ví dụ, ở phường Dương Nội, quận Hà Đồng, Hà Nội nhà cầm quyền thu hồi đất với giá 201.600 đồng/1m2 có thể bán ngay cho chủ nhà với giá 35 triệu đồng/1m2.
       Như vậy, người dân đang sinh sống, làm ăn yên ổn trên mảnh đất thổ cư của gia đình, đất nông nghiệp thì với chính sách sỡ hữu toàn dân về đất đai, nhà cầm quyền đã áp giá một cách vô cùng rẻ mạt, thu hồi toàn bộ đất đai của người dân và bán với giá gấp rất nhiều lần để trục lợi, chia chác. Việc dùng sức mạnh để lấy của, lấy gia tài của người khác trong khi họ không mong muốn đó chính là hành vi ăn cướp, toàn bộ quá trình này là cướp đất đã và đang diễn ra khắp đất nước. Thảm cảnh của hàng triệu dân oan trên khắp cả nước đã diễn ra. Sự phản kháng của người dân cũng diễn ra khắp nơi, từ anh nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đến Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, nông dân Dương Nội, Hà Đông, Văn Giang - Hưng Yên... và vừa qua là Đồng Tâm - Mỹ Đức.
       2/ Guồng quay bạo tàn
       Có thể nói, quá trình cướp đất như một guồng quay và không có điểm dừng. Guồng quay có thể hiểu trên hai khía cạnh. Thứ nhất, muốn cướp được đất, không chỉ một cơ quan, một đơn vị nào có thể làm được, mà phải kết hợp rất nhiều ngành. Thông thường sẽ có doanh nghiệp đứng ra lập dự án, có thể là sản xuất, có thể là khu công nghiệp và cũng có thể làm khu dân cư, chung cư. Dự án sẽ nhanh chóng được các cấp ủy, chính quyền và ban ngành đoàn thể thông qua. Một ngành quan trọng nhất mà không một dự án nào có thể bỏ qua, đó là công an. Công an để thị uy và trấn áp ngay lập tức những phản kháng của những hộ dân, gia đình bị thu hồi đất. Và để hiệu quả cho việc trấn áp, cũng như đạt mục đích cuối cùng là cướp được đất, các ngành kiểm sát và tòa án luôn sẵn sàng để vào cuộc, xử lý ngay những người chống đối. Tất cả đều diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp. Một khía cạnh nữa của guồng quay cướp đất, đó là tất cả các địa phương, tất cả các quận, huyện trong cả nước đều diễn ra tình trạng cướp đất. Sự khác biệt có chăng chỉ là mức độ nhiều ít đất đai cướp được, hoặc mức độ tàn khốc trong việc cướp đất. Bởi vì quyền thu hồi đất được cấp huyện thực hiện nên không một địa phương nào có thể thoát khỏi guồng quay tàn bạo này. Với một sự chênh lệch vô cùng lớn về giá cả đất đền bù và giá thị trường, mức lợi nhuận, hay chính xác hơn là số tiền cướp được quá lớn khiến cho guồng quay không thể dừng lại được. Hết lớp cán bộ này đến lớp cán bộ khác, hết quan chức này đến quan chức khác, người bị bắt vào tù vì tham nhũng đất đai, người sau lên lại tiếp tục cướp đất và rút kinh nghiệm của người trước. Cũng phải nói rằng, trong một số trường hợp, tại một số địa phương, việc cướp đất diễn ra quá tàn bạo, không ngụy trang khéo léo (tức là hợp thức hóa bằng các nghị quyết, chính sách, văn bản) và quan trong nhất là ăn chia không đều, đã có nhiều quan chức, cán bộ đã bị mất chức, vào tù. Nhưng cán bộ vào tù, guồng quay cướp đất vẫn không dừng lại và chưa biết khi nào dừng lại...
3/ Khi nào guồng quay dừng lại?
       Trong phạm vi một địa phương, cấp có thẩm quyền thu hồi đất là cấp huyện, cũng tùy điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, vị trí cũng như địa thế, guồng quay cướp đất có thể tạm dừng. Một huyện miền núi, vùng sâu vùng xa dù có cướp được đất, thì đất đồi núi cũng không bán được giá cao. Vậy nên chỉ có những vị trí đắc địa, thị trấn hoặc khu du lịch trong quy hoạch mà khi cướp và bán hết rồi thì tự nhiên vòng quay dừng lại. Tại các địa phương ở vùng đồng bằng, các tỉnh ven biển thì guồng quay hầu như không bao giờ dừng lại. Ban đầu là các khu đất đẹp cho du lịch, xây dựng khu dân cư cao cấp, chung cư... thời kỳ đầu nhắm vào các khu đất nông nghiệp, vì giá cả đền bù rẻ và dễ cướp hơn, sau khi hết thì cướp cả đất thổ cư của người dân từ nhiều đời đã sở hữu và đang sinh sống. Sự tàn bạo nhất là nhắm vào các khu đất thổ canh, thổ cư của người dân, đẩy họ tới những nơi hẻo lánh, thưa thớt dân cư và hạ tầng hầu như không lo được cho họ.
       Một câu hỏi được đặt ra là, trong chế độ hiện nay, có ai (ngoài dân thường) mong muốn guồng quay cướp đất tàn bạo này dừng lại, và có thể dừng lại được không? Câu trả lời là không. Ngoài người dân thường có thể vẫn có những người mong muốn guồng quay này dừng lại, đó là những người trong bộ máy không thu được lợi gì từ guồng quay đó, những nhân viên bình thường. Kể cả những người cảnh sát cơ động, những người lính chỉ làm theo nhiệm vụ đi đàn áp người dân cũng mong muốn không phải làm những công việc thất đức. Nhưng đó là những người không có vị trí, vai trò gì và không quyết định được điều gì. Còn lại tất cả những người được hưởng lợi từ guồng quay tàn bạo này, càng quan chức, quan chức cao cấp càng thu lợi nhiều đều không bao giờ muốn nó dừng lại. Ngoài việc không kẻ nào trong guồng máy muốn từ bỏ việc kiếm tiền theo cách tàn bạo này, còn một vấn đề nữa mà guồng quay không thể dừng lại được. Đó là một sự đan xen lợi ích, cấu kết và cố kết lợi ích, tất cả trong guồng máy và phải quay theo guồng máy. Bất kể ai, kẻ nào dừng lại hoặc đi ngược lại lợi ích của guồng máy đều bị nghiền nát hoặc thải loại.
       Vậy thì có bao giờ và khi nào guồng quay dừng lại? Câu trả lời là có. Đó là khi chế độ thay đổi, với chính thể dân chủ thay thế, việc đầu tiên là công nhận quyền tư hữu tài sản, trong đó quan trọng nhất là tư hữu đất đai. Chỉ có đến khi đó, guồng quay cướp đất bạo tàn mới dừng lại và chấm dứt.
       4/ Sản phảm của guồng quay cướp đất: Dân Oan
       Dân oan là những người bị xâm hại quyền lợi chính đáng do các đại diện quyền lực các cấp sử dụng các chính sách và thủ đoạn bất minh dựa trên quyền lực độc tôn và tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam. Tuyệt đại đa số dân oan là những người bị xâm hại quyền lợi về đất đai, nhà cửa. Với hai chính sách sở hữu toàn dân về đất đai và phát triển khinh tế - xã hội, nhà cầm quyền các cấp đã sử dụng để cướp ruộng đất của người dân làm phát sinh hàng trăm ngàn, hàng triệu người dân oan trên khắp mọi miền tổ quốc.
       Thời kỳ trước đây, khi mà thông tin chưa rộng mở, người dân bị mất đất, bị cướp đất có phản kháng nhưng cũng chỉ là những tiếng kêu tuyệt vọng, sau đó bị đàn áp nặng nề và rơi vào quên lãng. Nhưng trong vòng 5-7 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của mạng Internet, và nhất là sự sôi động của mạng xã hội facebooks, của cộng đồng mạng tiến bộ, quan tâm và đứng về phía người dân, thì tình thế đã và đang bắt đầu thay đổi. Gần đây, cuộc đấu tranh giữ đất của bà con ở các địa phương được cộng đồng mạng quan tâm, chúng ta mới thấy hết được mức độ tàn bạo của chính sách cướp đất và thực tế cướp đất của các cấp cầm quyền ở Việt Nam. Đầu tiên là những việc phù phép để hợp thức hóa những khu đất không thuộc quyền quản lý của người dân, chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi chức năng để bán và chia chác. Sau đó, việc định giá tùy tiện, rẻ mạt đất nông nghiệp và đất thổ cư của người dân để bán với giá thị trường cao gấp nhiều lần. Nhưng còn những khuất tất, những sự phi lý, ngang ngược trong việc cưỡng chế, cướp đất đối với các hộ dân cụ thể, đã và đang được người dân phản ảnh mới thấy hết được sự kinh hoàng của guồng quay cướp đất. Gần đây nhất, thông tin của báo chí cho biết, sáng 23-3, tại thôn Ngọc Sơn Tây (xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Tưởng (47 tuổi, không vợ không con) đã tự tử sau khi có những hành vi quá khích do bức xúc chuyện đền bù giải tỏa đất đai. Ông Tưởng có mảnh đất có sổ đỏ là là 562,1m2 (trong đó diện tích đất ở là 87,5m2 và 423m2 đất trồng cây hằng năm) nhưng bị thu hồi đất chỉ với giá 21 triệu đồng. Ban đầu, nhà cầm quyền không cho ông Tưởng mua đất tái định cư vì ông không có vợ con. Sau đó ông Tưởng đấu tranh, Ông được mua đất tái định cư nhưng số tiền đền bù không đủ để Ông mua 100 m2 đất tái định cư. Do bị cướp đất, không đủ tiền để mua đất tái định cư để sống, Ông đã phẫn uất dùng dao đâm cán bộ, sau đó tự tử. Những vụ việc cướp đất vô cùng đau xót đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước Việt Nam.
       Những người dân oan mất đất đã đi đòi công lý, khiếu kiện ở các địa phương của mình, nơi trực tiếp xâm hại quyền lợi của họ đều không có kết quả. Nhà cầm quyền các địa phương bao che cho nhau vì có dính dáng lợi ích trong guồng quay, tiến trình cướp đất. Không những không được trả lại quyền lợi, họ còn bị đàn áp, đánh đập, thậm chí tống giam. Một số người đã đi khiếu kiện ở cấp cao hơn, cấp trung ương tại Hà Nội và Sài Gòn. Họ đã tới các cơ quan trung ương như: văn phòng chính phủ, văn phòng quốc hội, văn phòng trung ương đảng, tổng thanh tra nhà nước... Nhà cầm quyền luôn nói họ đi khiếu kiện vượt cấp và tìm cách đẩy trả họ về địa phương, đẩy quả bóng trách nhiệm cho các địa phương khiến người dân oan mệt mỏi. Mục đích của họ là để người dân oan từ bỏ việc khiếu kiện. Nhiều người dân oan đã khiếu kiện ròng rã mấy chục năm trời, có người ít cũng 5-7 năm. Cuộc sống của họ vô cùng khổ cực vì theo đuổi  việc khiếu kiện, không còn làm ăn gì được nữa.
       Những người dân oan khiếu kiện sau nhiều năm đi đòi công lý, phần lớn họ đã hiểu ra rằng không thể lấy lại được những đất đai, tài sản của bản thân và gia đình đã mất, nhưng họ cũng không còn điều kiện để làm ăn sinh sống bình thường nữa, bắt buộc phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ ở các thành phố trung tâm, kết hợp việc khiếu kiện. Trong hoàn cảnh đó, họ cũng may mắn được những người dân tốt bụng giúp đỡ, và nhất là những người quan tâm tới vấn đề xã hội, những người thuộc phong trào dân chủ quan tâm giúp đỡ. Qua một thời gian, mối liên hệ giữa những người dân oan và phong trào dân chủ đã rất gắn bó, tốt đẹp. Tuy nhiên, nhà cầm quyền một lần nữa lại sử dụng thủ đoạn để phán hoại mối quan hệ này, đánh phá bà con và phong trào dân oan...
5/ Sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức
        a - Căn nguyên gốc rễ vụ việc ở Đồng Tâm - Mỹ Đức
     Tháng 4 năm 1980, ông Đỗ Mười lúc đó là phó thủ tướng đã quyết định thu hồi 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức để xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn. Cũng như nhiều dự án ở Việt Nam, dự án này cũng đã không được thực thi. Năm 2010, tức sau 30 năm chờ đợi, chính phủ và bộ quốc phòng đã ra quyết định chính thức không xây dựng sân bay Miếu Môn. Như vậy, theo luật đất đai 47,36 ha đất nông nghiêp này phải trả lại cho các chủ nhân của nó. Tức là người dân xã Đồng Tâm. Nhưng điều lạ lùng đã và đang xảy ra, nó vẫn nằm dưới sự quản lý của quân đội với cái tên ngắn gọn “đất quốc phòng”.
      Chưa hết, khu đất 6,8 ha bên cạnh cũng được chính quyền xã và huyện thu hồi thành đất quốc phòng, nhưng lại được phân lô để bán. Kết quả là, tháng 11 năm 2016, nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức cùng xã Đồng Tâm đã đưa công an, cảnh sát cơ động… đến cưỡng chế khu đất 6,8 ha mà họ gọi là đất quốc phòng, dù nhân dân xã Đồng Tâm đã nhiều năm đi khiếu kiện, nhưng không được cơ quan nào giải quyết thoả đáng.
       Ngày 15-04-2017, công an đã đi xe đến Đồng Tâm, họ yêu cầu ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, người đứng đầu cuộc đấu tranh giữ đất, ra cánh đồng để chỉ cho họ cọc mốc đất quốc phòng. Ra đến nơi, công an đã vật ông Kình ra, bắt đưa lên ô tô, họ còn bắt thêm một số dân làng đưa đi. Theo nhiều nguồn tin, ông Kình đã bị thương tích, vỡ xương chậu.
       Lẽ ra, quân đội phải trả lại cho những người dân xã Đồng Tâm 47,36 ha đất của sân bay Miếu Môn, Viettel chỉ là một tổ chức kinh doanh giầu có của quân đội, giờ đây họ muốn có đất để phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh, họ phải thương lượng trực tiếp với những người nông dân, mua lại đất của họ với giá thỏa thuận theo thị trường. Lẽ ra khi thu hồi 6.8 ha đất kề bên nhà cầm quyền phải định giá theo sát giá thị trường, trên tinh thần thương lượng thì nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức đã làm ngược lại
      Căn nguyên gốc rễ vấn đề là luật đất đai bất cập: "đất đai thuộc sỡ hữu toàn dân " người dân có tiền mua đất nhưng chỉ được quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu đất, khi người dân không có quyền sở hữu đất, quyền sỡ hữu đó thuộc về toàn dân - nghĩa là thuộc về nhà nước (đại diện cho toàn dân) Căn cứ trên luật này, nhà nước có quyền thu hồi và áp giá theo chủ kiến riêng, hệ quả là mâu thuẫn đất đai giữa người dân và chính quyền xảy ra khắp mọi vùng miền trên cả nước.
       b - Diễn biến vụ việc
       Ngay sau khi cụ Lê Đình Kình và 3 người nữa bị bắt đi (ngày 15/4), người dân xã Đồng Tâm đã bức xúc, bùng nổ và bắt ngay một số cảnh sát cơ động, cán bộ và lãnh đạo cấp huyện. Tổng số người mà nhân dân xã Đồng Tâm đã bắt giữ là 38 người. Trong số đó, có một phó chủ tịch huyện, 1 trưởng ban tuyên giáo huyện Mỹ Đức, một trung đoàn trưởng cảnh sát cơ động, 1 phó trưởng công an huyện và số còn lại là cảnh sát cơ động. Người dân đã giữ những người này ở nhà văn hóa xã, canh giữ cẩn mật và đối xử nhân đạo, tử tế. Cũng ngay sau đó, người dân đã rào làng (thôn Hoành), đặt những chướng ngại vật trên các con đường vào làng và cho người canh giữ kiểm soát những con đường đi vào làng. Cảnh sát, công an và các ban ngành chức năng của huyện cũng đã đổ về vây kín, kiểm soát những người muốn đi vào thôn Hoành. Không khí rất nóng bỏng.
       Ngày 17/4, sau khi thông qua các kênh thương lượng, phía nhà cầm quyền đã thả 3 người bị bắt cùng cụ Kình, và đêm hôm 17/4, phía người dân làng Hoành đã thả 15 cảnh sát cơ động. Trong các ngày tiếp theo, không khí xung quanh vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức đã tràn ngập các trang mạng xã hội, còn trên thực địa, cảnh sát cơ động vẫn vây kín làng, kiểm soát ngặt nghèo, cắt điện, cắt sóng, phá sóng điện thoại....
     Đêm ngày 19/4, theo một số nguồn tin, phía nhà cầm quyền đã cho côn đồ tấn công, ném đá vào làng, người dân đã đáp trả và đẩy lùi hai cuộc tấn công. Đã các thông tin nhiễu loạn về việc đêm 19/4 sẽ có cuộc tấn công vào làng. Nhưng cuối cùng sự việc đã không xảy ra. Người dân yêu cầu chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vào đối thoại với người dân về vấn đề đất đai, sau đó sẽ thả hết người. Ngày 20/4, Ông Nguyễn Đức Chung sau mấy ngày cộng đồng mạng lên tiếng yêu cầu, đã có buổi xuống làm việc với người dân, nhưng chỉ dừng lại ở huyện Mỹ Đức, gửi giấy mời 100 dân làng lên huyện họp mặt, dân không tới vì gửi giấy mời quá muộn, và sợ bị lừa bắt trên đường tới huyện. Cũng trong buổi làm việc với huyện, không có người dân xã Đồng Tâm, ông Chung đã ra quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất sân bay Miếu Môn và đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Lãnh đạo Thanh tra đi cùng đã hứa sẽ thanh tra đúng pháp luật trong vòng 45 ngày.
      Ngày 21/4, người dân thôn Hoành tiếp tục thể hiện thiện chí khi thả ông trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, vì lý do nhân đạo, ông này bị bệnh và đã được thả, viết cam kết người dân đối xử tốt, không bị đánh đập, hành hạ và nhục mạ. Cộng đồng mạng tiếp tục lên tiếng yêu cầu chủ tịch thành phố tới đối thoại với người dân.
       Ngày 22/4, chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã cùng đoàn công tác xuống tận xã Đồng Tâm đối thoại với người dân. Trong buổi làm việc, ông Chung đã hứa, và ký vào văn bản sẽ không truy tố hình sự người dân xã Đồng Tâm sau vụ việc vừa qua. Đồng thời sẽ giải quyết toàn diện vụ việc về đất đai của bà con, xem xét việc bắt giữ cụ Lê Đình Kình theo trình tự tố tụng. Bà con thôn Hoành xã Đồng Tâm đã thả nốt những người còn giam giữ. Những người này đều cam đoan không bị đối xử tệ bạc, vui mừng khi được người dân thả ra. Như vậy, đã kết thúc toàn bộ 7 ngày (từ 15-22/4) căng thẳng, phản kháng của người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
     c - Bình luận về sự kiện
     Đây là một sự kiện lớn, quan trọng trong thời điểm khắp nơi người dân căm phẫn với nhà cầm quyền các cấp sử dụng luật đất đai về sở hữu toàn dân, thu hồi và đền bù với giá vô cùng rẻ mạt, để bán với giá đất thị trường gấp nhiều lần, mà cộng đồng mạng sử dụng từ cướp đất để nói lên bản chất của sự việc này. Lần đầu tiên ở Việt Nam người dân phản kháng, bắt giữ người của nhà cầm quyền mà lãnh đạo phải tới để đối thoại. Trước đó, đã có nhiều cuộc nổi dậy của người dân, như ở thái bình năm 1997, hoặc ở làng Nhô, hay còn gọi là thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, Hà Nam năm 1992...tất cả đều bị đàn áp một cách không thương tiếc. Đánh giá về sự kiện này, ngay lúc này đây, có thể chưa thấy hết được ý nghĩa của nó. Nhưng chúng ta cũng cần biết được, thành công của sự kiện này là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cách ứng xử, chiến thuật của người dân xã Đồng Tâm, đã biết tận dụng sức mạnh của cộng đồng mạng trong việc yêu cầu nhà cầm quyền thực hiện những quyền lợi của mình. Có thể đánh giá nhanh một số những việc làm rất khôn khéo của bà con xã Đồng Tâm trong sự kiện vừa qua.
     - Đầu tiên, tuy bắt giữ người, nhưng bà con đã đối xử với những người bị bắt giữ rất tử tế, không hề có sự dọa dẫm, nhục mạ hoặc đánh đập, trả thù nào, mặc dù người thân của bà con bị bắt vô lý, bị đánh đập và xô đẩy tới gẫy chân, gẫy đùi...
     - Bà con viết khẩu hiệu, cắm cờ ở các điểm đặt chướng ngại vật, tất cả đều là những khẩu hiệu tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chính sách của đảng và nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Điều này, mới nhìn qua thì thấy rằng bất lợi, rằng bà con vẫn con tin tưởng vào nhà nước thì sẽ bị lừa, hoặc sẽ bị đối xử tệ bạc. Nhưng nghĩ kỹ, thì đó là một chiến thuật hết sức khôn ngoan. Thông điệp mà bà con gửi tới nhà cầm quyền, là chúng tôi luôn tin tưởng đảng và nhà nước, luôn chấp hành pháp luật, chúng tôi làm việc này là bất đắc dĩ, để chống lại cường quyền và tham nhũng, chứ chúng tôi không chống lại đảng và nhà nước. Trong các trao đổi với nhà cầm quyền, bà con cũng hết sức mềm dẻo, chỉ yêu cầu được đối thoại với chủ tịch thành phố, chỉ yêu cầu làm rõ những  quyết định về việc sử dụng đất đai theo đúng pháp luật, sẽ chấp hành đầy đủ nếu có tất cả các văn bản quyết định về khu đất tranh chấp, đồng thời hứa thả người ngay nếu chủ tịch đối thoại....
     - Tuy nhiên, thông qua cộng đồng mạng, bà con lại gửi ra những thông điệp hết sức cứng rắn, và những thông tin gây hứng khởi và sục sôi cho cộng đồng mạng. Ví dụ, thông tin ra ngoài việc tẩm xăng vào 20 cảnh sát cơ động, lúc nào cũng sẵn sàng tử thủ, có thể hi sinh cả 6000 nhân mạng để đòi công lý..vv. Với cộng đồng mạng luôn đứng về phía bà con, và sẵn có những hiểu biết, căm phẫn đối với nhà cầm quyền thì những thông tin đó sẽ được lan truyền và nhân lên gấp nhiều lần, tạo thành một sức ép vô cùng lớn đối với nhà cầm quyền và các cá nhân giữ trọng trách trong việc giải quyết vụ việc. Nhưng hay hơn nữa, bà con Đồng Tâm luôn giữ khoảng cách với những người hoạt động trong phong trào dân chủ, và thể hiện sự độc lập, không nghe theo sự “xúi bẩy” như cách mà nhà cầm quyền hay vu cho những người đấu tranh. Đây chính là điều độc đáo của bà con xã Đồng Tâm, tận dụng được sức mạng vô biên của cộng đồng mạng, nhưng không bị mang tiếng nghe theo, hoặc kết nối, tiếp tay cho “phản động” theo cách gọi của nhà cầm quyền. Tất nhiên, đối với phong trào dân chủ, những việc này của bà con cũng làm phiền lòng không ít người. Tuy nhiên, nếu hiểu được những cạm bẫy, những đòn thù khốc liệt của nhà cầm quyền, những người đấu tranh cần hiểu và thông cảm cho bà con trong hoàn cảnh  đó.
     - Điều cuối cùng, đối với nhà cầm quyền, trong các giao dịch, bà con đã rất thận trọng, làm các văn bản, cam kết rất chặt chẽ, tùy đối tượng mà mức độ cam kết khác nhau. Có thể có người nói rằng, việc Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố chỉ làm cam kết bằng giấy viết tay, không có con dấu và điểm chỉ là không có giá trị pháp lý, hoặc không có giá trị thực hiện, thực tế. Nhưng việc một chủ tịch thành phố lớn, thủ đô đã phải ký vào cam kết, những điều được toàn thể người dân, và cả nước biết như vậy, đã là một thành công tuyệt vời. Để có thể tráo trở, lật lọng một văn bản giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, họ sẽ phải trả giá rất lớn cho uy tín của cá nhân và của nhà cầm quyền. Có thể nói, đánh giá một cách tổng quát, trong bối cảnh hiện tại, người dân xã Đồng Tâm đã làm được điều kỳ diệu, một thắng lợi tuyệt đối, mặc dù con đường phía trước không hề bằng phẳng, dễ dàng mà có thể phải trả giá khá đắt./.
Hà Nội, ngày 27/4/2017
N.V.B

Việt Nam bị xếp vào nước hoàn toàn không có tự do thông tin

Việt Hà, phóng viên RFA 2017-04-26
Bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen.

Bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen.  RFA photo

Tổ chức Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Pháp hôm 26 tháng 4 công bố bản báo cáo hàng năm về tình hình tự do thông tin trên toàn thế giới. Báo cáo năm nay cho thấy một bức tranh ảm đạm của tự do thông tin ở nhiều nước trên thế giới bao gồm cả ở những nước phát triển, và đặc biệt đáng lo ngại ở những nước vốn luôn bị xếp vào những nước cuối bảng hàng năm của tổ chức này, trong đó có Việt Nam.

Tình trạng trì trệ

Trong số 180 nước được điều tra trong báo cáo thường niên về tình hình tự do thông tin toàn cầu của tổ chức Phóng viên Không biên giới năm 2017, Việt Nam đứng thứ 175 với điểm số là 73.96, tức là không có thay đổi về thứ hạng so với năm ngoái và chỉ có một thay đổi rất nhỏ về điểm số là 0.31 so với năm ngoái. Nếu nhìn vào bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen, tức là hoàn toàn không có tự do thông tin.

Bản báo cáo năm 2017 dựa vào những số liệu và thông tin của toàn bộ năm 2016 ở từng nước.

Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục đối xử tàn tệ đối với các blogger và những người lên tiếng về nhân quyền.
- Benjamin Ismail
Nhận xét về tình hình của Việt Nam trong năm 2016, ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Phóng viên Không biên giới, cho đài Á châu Tự do biết:

Thực tế chúng ta đang đối với một tình trạng trì trệ. Nhìn chung cũng giống như năm trước. Một cải thiện rất nhỏ thể hiện qua điểm số so với năm ngoái. Báo cáo này dựa vào các số liệu và thông tin mà chúng tôi thu thập được từ các blogger, nhà báo trong nước để đánh giá tình hình Việt Nam.

Chúng tôi tổng hợp tình hình vi phạm tự do báo chí trong suốt cả năm. Những tấn công, đàn áp, sách nhiễu nhắm vào những người cung cấp thông tin đều được tính vào điểm số. Điểm số năm nay có thể tốt hơn một chút xíu so với giai đoạn năm 2015 là năm mà nhiều nhà báo, blogger bị tấn công bởi công an thường phục và đồng phục. Nhưng nhìn chung thì tình hình không thay đổi. Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục đối xử tàn tệ đối với các blogger và những người lên tiếng về nhân quyền. Họ không chấp nhận bất cứ những chỉ trích nào.

Phóng viên Không biên giới nhìn nhận vai trò đưa tin của các blogger, người dân, mạng xã hội trong suốt năm 2016, điển hình là sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Nhưng những hoạt động này đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay. Ông Benjamin Ismail nói tiếp

Những hoạt động này đã không được chính phủ chấp nhận. Những nhà báo đã bị tạm giữ, một số bị hành hung vì họ tìm cách đưa tin.

Theo Phóng viên Không Biên Giới, tính đến cuối năm 2016, vẫn có ít nhất khoảng 17 blogger bị cầm tù ở Việt Nam, giảm hơn so với con số 35 người được tổ chức này đưa ra vào năm 2013. Người đại diện của Phóng viên Không Biên Giới cho rằng điểm số cải thiện không đáng kể trong năm 2016 của Việt Nam có thể là do số blogger được trả tự do từ sau năm 2013 đến năm 2016, nhưng theo ông con số này còn quá nhỏ để cho thấy một sự cải thiện rõ ràng.

Phóng viên Không Biên Giới cho rằng những blogger được trả tự do trong thời gian vừa qua là vì hoặc đã thụ hết án tù, hoặc được thả trong các trao đổi ngoại giao và phải ra nước ngoài. Tuy nhiên Phóng viên Không Biên giới cảnh báo vẫn còn những blogger đang bị giam giữ chưa bị xét xử nên số blogger bị cầm tù sẽ có thể tăng lên trong thời gian tới. Nói về sức ép của quốc tế lên Việt Nam, ông Benjamin Ismail cho biết:

Một số blogger được thả đặc biệt trong năm 2014 sau khi Việt Nam phải qua phiên kiểm điểm định kỳ ở Liên Hiệp Quốc là do sức ép của quốc tế nhưng từ năm 2015, đảng Cộng sản lại tiếp tục đàn áp các bloggers và nhiều người trong số họ, các nhà hoạt động nhân quyền sau đó bị bắt và ra tòa vì các hoạt động nhân quyền của mình. Dường như chính quyền không có ý muốn thay đổi chính sách của mình.

Tự do thông tin và dân chủ trên toàn cầu đang suy giảm

FREEPRESS_3-400.jpgHội thảo về tự do thông tin ở tòa báo Washington Post tại Washington DC sáng 26/4/2017. RFA photo
Trong báo cáo đọc tại hội thảo về tự do thông tin ở tòa báo Washington Post tại Washington DC vào cùng ngày, bà Delphin Halgand, giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Phóng viên Không Biên Giới nhận định tình hình tự do thông tin trên toàn cầu trong năm qua đang suy giảm khi 2/3 số nước trong bản báo cáo đều cho thấy những dấu hiệu đi xuống về tự do thông tin

Trong năm ngoái 2/3 số nước được điều tra trong báo cáo cho thấy sự xuống dốc. Ngay cả những nước hàng đầu như Phần Lan là nước 6 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng cũng đầu hàng.

Bà Delphin Halgand cho biết sự tấn công nhắm vào báo chí đang gia tăng ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ và Anh. Nhưng điều đáng ngại hơn là nền dân chủ ở các nước Mỹ và châu Âu đang ở điểm bùng phát (tipping point).

Tổng số 21 nước đã bị bôi màu đen trên bản đồ năm 2017 vì tình hình ở đó được xác định là hết sức tồi tệ.
- Bà Delphine Halgand
Báo cáo năm nay cho thấy một thế giới mà những tấn công vào truyền thông đã trở nên phổ biến và những kẻ mạnh (strong men) đang mạnh lên. Báo cáo năm nay nhấn mạnh điểm bùng phát trong tình hình tự do truyền thông, đặc biệt là ở những nước dân chủ hàng đầu.

Cả hai nước Mỹ và Anh trong báo cáo năm nay đều bị tụt hai hạng so với năm ngoái.

Theo bà Delphine Halgand, tình trạng xuống dốc của tự do truyền thông và dân chủ thể hiện trong báo cáo năm nay không có gì mới. Xu hướng này đã được ghi nhận từ năm ngoái. Tuy nhiên mức độ và tình trạng vi phạm tự do báo chí là điều đáng ngại ở nhiều nước.

Nhưng điều đáng ngại hơn theo tổ chức Phóng viên Không Biên Giới chính là số nước bị tô đen toàn bộ trong báo cáo năm nay, tức hoàn toàn không có tự do thông tin.

Tình hình đáng ngại đang trở nên tồi tệ, bản đồ tự do báo chí toàn cầu tối đen hơn. Tổng số 21 nước đã bị bôi màu đen trên bản đồ năm 2017 vì tình hình ở đó được xác định là hết sức tồi tệ.

Ba nước là Bắc Hàn, Eritrea và Turkmenistan tiếp tục duy trì vị trí cuối bảng trong 12 năm liên tiếp.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-in-the-dark-part-of-the-world-freedom-of-information-vh-04262017140000.html/04262017-tudothongtin-vietha.mp3

Hoãn dự luật biểu tình: Lo sợ và vi hiến

Cát Linh, phóng viên RFA 2017-04-26  
Những người biểu tình cầm ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên đường dẫn tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 11 năm 2015.
Những người biểu tình cầm ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên đường dẫn tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 11 năm 2015.  AFP photo
Luật Biểu tình tiếp tục không có mặt trong tờ trình của Chính phủ lên Thường vụ Quốc hội. Quyền hiến định của người dân tiếp tục bị đưa vào giai đoạn chờ đợi.
Không đồng tình
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tuần qua chấp thuận với chính phủ về việc tiếp tục lùi dự án luật Biểu tình với lý do cần chuẩn bị kỹ hơn.
Báo mạng Vnexpress có trích dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khi giải thích nguyên nhân chưa trình được Quốc hội, nội dung cho biết tiến trình của dự án Luật biểu tình do Bộ Công an soạn thảo đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định, tuy nhiên do nội dung chưa đạt yêu cầu nên phải rút lại.
Thường vụ cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thời gian qua đã thực hiện các yêu cầu trên như thế nào, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chưa trình được các dự án; thời hạn trình sẽ vào lúc nào.
Nhưng, đó là cách lý giải của phía chính phủ.
Với luật sư Ngô Ngọc Trai, ông lên tiếng cho rằng các cơ quan ban ngành đã cố tình trì hoãn một văn bản luật liên quan đến một quyền rất quan trọng của người dân là quyền biểu tình.
“Tôi hoàn toàn không đồng tình với các cơ quan như Bộ Công an hay chính phủ trong trường hợp này.
Như chúng ta biết dự luật này từ hàng chục năm nay cứ bị trì hoãn mãi vì đủ lý do mà tôi cho là không xác đáng. Tôi cho đây là một quyền thể hiện và là một giải pháp để người dân đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người ta.”
Rất nhiều những trường hợp được Luật sư Ngô Ngọc Trai nhận định là quyền lợi của người dân đã không được bảo vệ theo luật pháp. Chính vì vậy, biểu tình, xuống đường là cách người dân lựa chọn để đòi hỏi cơ quan ban ngành, Trung ương giải quyết quyền lợi cho họ một cách chính đáng.
Hơn nữa, cũng theo Luật sư Ngô Ngọc Trai, ông cho rằng quyền biểu tình là một giải pháp lối ra cho các bức xúc, những mâu thuẫn về quyền lợi của nhiều bộ phận dân chúng khác nhau.
Lo sợ
000_A4698-400.jpg
Những người phản đối công ty Formosa biểu tình tại Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Nghệ sĩ từng từ chối bằng khen của Thủ tướng, nhà đấu tranh Kim Chi, người có mặt trong nhiều cuộc biểu tình ôn hoà đòi quyền tự do dân chủ cho biết bà thấy “thất vọng vì sự giả dối” và bức xúc vì chính phủ không thực hiện được bất cứ điều gì đã hứa.
“Họ trì hoãn là vì họ sợ thôi. Nếu có luật biểu tình thì có khi hàng triệu người xuống đường. Bây giờ người ta chưa vượt qua được nỗi sợ hãi cho nên khi mà họ bắt bớ đánh đập thì họ không dám đi. Cho nên nếu có luật biểu tình thì họ không khủng bố được. Tôi nghĩ vậy.”
Bà cho biết dù người dân thực hiện những cuộc biểu tình ôn hoà, bất bạo động, nhưng phía nhà cầm quyền vẫn áp đặt tội gây rối trật tự, hoặc có hành vi chống phá nhà nước.
“Họ vu cho là quấy phá, làm mất trật tự công cộng…họ cấm tụ tập đông trên đường phố. Như vậy họ trì hoãn là để cho người ta phải sợ hãi, không dám dân thân, để buộc người ta tội phản quốc.”
Họ trì hoãn là vì họ sợ thôi. Nếu có luật biểu tình thì có khi hàng triệu người xuống đường.
- Nghệ sĩ Kim Chi
Nỗi lo sợ là một lý do có lẽ không chỉ riêng nghệ sĩ Kim Chi, mà tất cả những người đấu tranh trong nước đều có thể nhận thấy trong việc nhà cầm quyền liên tục trì hoãn dự án luật Biểu tình.
“Họ sợ, rất sợ đám đông. Vì biểu tình là một cách bày tỏ chính kiến và đấu tranh bất bạo động. Đối với nhà cầm quyền Việt Nam, một đất nước độc tài không có nhân quyền dân chủ thì họ trì hoãn được ngày nào thì họ coi đó là có lợi cho họ. Họ rất sợ tiếng nói của dân chúng.”
Chính nghệ sĩ Kim Chi là người đã từng bị bắt bớ vì tham gia những cuộc tưởng niệm như chiến tranh biên giới 17-2, tưởng niệm trận chiến Gạc Ma, biểu tình đòi minh bạch cho thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra…
Không tôn trọng quyền công dân
Câu chuyện gần đây nhất, chỉ trong đầu tháng Tư này, Công an thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã ra lệnh khởi tố nhóm người biểu tình chiếm Uỷ ban Nhân dân huyện Lộc Hà liên quan bồi thường thiệt hại do tai hoạ môi trường Formosa gây ra. Phía nhà cầm quyền gọi đây là vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.
Cho dù, quyền biểu tình cũng như nhiều quyền cơ bản của công dân được qui định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, kể từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới Hiến pháp gần đây nhất 2013. Điều 25 của Hiến pháp 2013 cũng khẳng định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định.
Do đó, Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng việc liên tục trì hoãn dự án Luật Biểu tình là không tôn trọng quyền của người dân.
“Xem thường quyền tự do dân chủ, quyền hợp pháp hợp hiến của người dân. Như thế cũng có nghĩa là không tôn trọng Hiến pháp nữa. Vì Hiến pháp qui định công dân được quyền biểu tình rồi.”
Xem thường quyền tự do dân chủ, quyền hợp pháp hợp hiến của người dân. Như thế cũng có nghĩa là không tôn trọng Hiến pháp nữa.
- Luật sư Ngô Ngọc Trai 
Một vấn đề khác góp phần trong việc dẫn đến sự bất cập trong việc thông qua các dự án luật, trong đó có Luật Biểu tình, được luật sư Ngô Ngọc Trai đề cập đến là “Quyền lực chính trị của các ban ngành quá lớn.”
“Người ta có thể làm sai mà chẳng làm sao cả. Cho nên họ cứ làm như thế và khiến người dân thấp cổ bé họng, không đủ khả năng thay đổi tình thế. Chính quyền thì cứ phủ nhận và người dân thì không làm gì  được.”
Nếu kết luận về vấn đề này, về góc độ pháp lý, Luật sư Ngô Ngọc Trai nhận định “đơn thuần là không tôn trọng quyền của người dân và không thực thi đúng qui định của Hiến pháp.”
Thì ở vai trò của người dân “thấp cổ bé miệng” chỉ biết dùng biểu tình ôn hoà làm phương pháp đòi quyền lợi chính đáng, nghệ sĩ Kim Chi nói rằng bà khó tin sẽ có ngày Luật Biểu tình theo Hiến pháp qui định sẽ được thông qua, cho dù “bày tỏ bất đồng chính kiến là quyền của mỗi con người.”

Bộ Tư Pháp bác một nghị định của Bộ Công An

 RFA 2017-04-26  
Một cô gái trẻ chụp hình với công an tại một hội chợ ở tỉnh Cao Bằng hôm 12/3/2017.
Một cô gái trẻ chụp hình với công an tại một hội chợ ở tỉnh Cao Bằng hôm 12/3/2017.  AFP photo
Bộ Tư pháp Việt Nam hôm 26 tháng 4 cho biết nghị định mới do Bộ Công An soạn thảo sẽ không cấm người dân sử dụng các phương tiện hay phần mềm ngụy trang để ghi âm ghi hình.
Nói với báo giới trong cuộc họp báo tại Bộ Tư pháp vào sáng ngày 26 tháng 4, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định hiến pháp quy định nguyên tắc mọi tổ chức, cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, vì vậy dự thảo nghị định mới do Bộ Công an đề xuất không thể cấm người dân sử dụng các thiết bị như đã nói. Ông Hải cũng cho biết Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm định theo hướng ai đáp ứng điều kiện gì thì được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị mà không quy định đối tượng sử dụng mặt hàng đó. Ông Hải cũng cho biết đây là lần thứ ba đề xuất của Bộ Công an đến Bộ Tư pháp và cơ quan chủ quản đã thai nghén nghị định này mấy năm rồi.
Hồi đầu tháng này, Bộ Công An đề xuất một dự luật trong đó quy định chỉ cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trạt tự, an toàn toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng’.
Đề xuất này đã vấp phải nhiều chỉ trích của cộng đồng vì cho rằng quy định này nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thu thập chứng cứ, đấu tranh chống tiêu cực của nhà báo, công dân và giới luật sư.

30/4/1975 có phải là giải phóng miền Nam?

Lư Văn Bảy (Danlambao) - Nhìn lại hiện tình của miền Nam VN trước ngày 30/4/1975 để nhận định coi miền nam VN có cần phải được giải phóng từ CSBV? Không ai chối cãi là trong suốt thời gian chiến tranh 1954-1975, sự phát triển và cuộc sống của nhân dân miền Bắc VN đã thua rất xa miền Nam VN về hầu hết các phương diện. Trong khi miền Nam VN đang là con rồng Đông Nam Á, Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông đến nỗi mà cố thủ tướng Lý Quang Diệu, người lập ra đất nước Singapore từng mơ ước là, xây dựng nước Singapore của ông ngang bằng với Sài Gòn thì ông mãn nguyện rồi.

Nhưng, thật là nỗi đau cay đắng khi mà Hòn ngọc Viễn Đông của miền Nam VN lại phải rơi vào sự giải phóng của miền Bắc VN với sự hậu thuẫn của Tàu cộng và Liên Sô cũ để rồi, sau 42 năm thống nhất đất nước, các nhà lãnh đạo của ĐCSVN vẫn ôm giấc mộng của CNCS, mặc dù con đường CNCS chỉ còn là quá khứ trên thế giới cho nên, ngày nay đất nước VN chẳng những không còn là con rồng ĐNÁ mà trái lại, thua cả Campuchia và Lào, đứng vào danh sách chậm tiến và nghèo của thế giới. Kinh tế thì đang lụn bại và hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu cộng. Tàu cộng thì đang lợi dụng sự thần phục của các nhà lãnh đạo để công khai tung hoành, phá nát VN bằng nhiều hình thức khác nhau, từ hàng hóa có chứa chất độc tràn lan trên thị trường đến các công ty xã độc để giết dần dân tộc VN.

Có thể nói VN đã được các nước và các ngân hàng thế giới ưu tiên, giúp đỡ vay vốn ODA nhiều nhất trong khu vực nhưng, kinh tế vẫn không phát triển và nợ công hàng năm càng tăng cao ngất trời, không còn ai muốn cho vay nữa khiến cho bà Victoria Kwakwa, GĐ ngân hàng thế giới đặt câu hỏi: VN lấy nguồn đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng của mình 5 năm tới?. Tính trên đầu người từ một em bé mới sinh ra phải mang trên mình món nợ hàng ngàn đô la. Theo chuyên gia kinh tế TS Phạm Chi Lan thì trên thế giới có các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, nhưng VN thuộc loại đặc biệt là nước không chịu phát triển. Nợ vay thay vì đầu tư phát triển con người như Giáo dục, Y tế hay phát triển nông thôn thì lại đầu tư vào các công trình to lớn mà toàn là lỗ không lời như nhà máy lọc dầu Dung Quất, các đập thủy điện, các cao ốc và các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh... Hệ quả là khủng hoảng toàn diện từ kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, phát triển nông thôn. Môi trường và tài nguyên được khai thác bừa bãi khiến cho tài nguyên đang dần kiệt quệ, môi trường thì bị hủy hoại không thương tiếc.

Một nền kinh tế chủ yếu là gia công, mua nguyên liệu từ nước ngoài chế biến xong xuất cảng nhưng, cũng chẳng bằng ai. Chương trình xuất khẩu lao động ra nước ngoài làm thuê, mướn cho các nước có nền dân chủ đa nguyên mà các nhà lãnh đạo thường cho là tư bản giãy chết ngày càng tăng. Dân oan thì tràn ngập khắp các tỉnh thành. Guồng máy lãnh đạo thì đầy tham nhũng từ trung ương xuống địa phương, rất nhiều đơn vị kinh doanh từ tư nhân đến quốc doanh công khai tuyên bố vỡ nợ. Tập đoàn gian ác Formosa đã gây ra sự thiệt hại chưa từng có trong lịch sử nhưng, nó vẫn được bao che để tiếp tục tồn tại, ngoài tập đoàn gian ác Formosa ở Hà Tĩnh miền Trung, nhà máy giấy Lee&Man lớn nhất VN của Tàu cộng tại Cần Thơ miền Tây, vùng đất phì nhiêu của đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa nuôi sống cả nước đang đi vào hoạt động, chất thãi của nhà máy này cũng không thua kém chất thãi của Formosa. Hiện tại những người dân chung quanh nhà máy này đang phải hứng chịu những chất độc hại vô cùng nguy hiểm và nhiều khi phải đeo khẩu trang khi ngủ. Đây là một nối đau vô cùng to lớn đối với dân tộc và cho cả thế hệ con cháu sau này. 

Còn về chính trị thì Tàu cộng đã dùng chiêu bài người Việt cai trị người Việt qua đường lối của chúng, bằng chứng là giúp TBT Nguyễn Phú Trọng tìm đủ mọi cách hạ bệ cho bằng được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để được tiếp tục tại vị mặc dù ông ta đã quá tuổi bắt buộc phải về hưu. Tàu cộng đã thành công với chiêu trò này bởi vì TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký những văn kiện cực kỳ nguy hiểm đến sự tồn vong của đất nước như cho quân đội Tàu cộng vào VN khi cần thiết, cán bộ cao cấp của VN qua Tàu cộng học tập, im lặng và ngăn cản QH ra nghị quyết về sự xâm lược của Tàu cộng đưa giàn khoan 981 vào vùng biển đảo của VN, cũng không cho QH và nhân dân lên tiếng phản đối Tàu cộng đã ngang nhiên chiếm giữ Hoàng Sa và các đảo chiến lược Trường Sa của VN, đến thăm và khen tập đoàn gian ác Formosa đi đúng hướng. Con đường kinh tế thị trường định hướng XHCN càng đi càng không thấy khiến cho cựu bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh phải thốt lên câu: Con đường đó đâu có mà đi tìm, chính TBT Nguyễn phú Trọng cũng nói là đến cuối thế kỷ này chưa chắn đã thành công. Lãnh đạo đất nước mà đi theo một con đường không tưởng như thế thì thật là bất hạnh cho dân tộc VN.

Nhìn chung, Tàu cộng đã không bao giờ từ bỏ mộng xâm chiếm VN qua nhiều thời đại của chúng đúng như lời tiết lộ của thiếu tướng Trương Giang Long, đương kiêm phó tổng cục chính trị và giám đốc học viện chính trị bộ công an trước các học viên cán bộ nguồn. Vậy thì các cấp chỉ huy của QĐNDVN và lực lượng công an thành trì bảo vệ đảng phải làm sao để sau này khỏi mang tội trước Tổ Quốc và nhân dân khi VN thực sự là Tây Tạng 2, Tân Cương 2, Nội Mông 2 của Tàu cộng?. 

Lịch sử VN thường lên án Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc là cõng rắn cắn gà nhà, là theo Tàu để dầy xéo quê hương nhưng, còn hôm nay thì sao? Ai phải chịu trách nhiệm về Ải Nam Quan, 2/3 thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, cao điểm Lão Sơn, Hoàng Sa, các đảo chiến lược của Trường Sa giờ đây lại là vùng đất của Tàu cộng? Xin ghi lại đây lời di chúc của vua Trần Nhân Tôn:

"Các người chớ quên chính nước lớn mới làm điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ tự cho mình cái quyền nói một đằng làm một nẽo. Cho nên, cái họa lâu đời của ta là họa Tàu, Hán. Họ gậm nhấm đất đai của ta lâu dần họ sẽ biến giang sơn của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn, một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lại lời nhắn nhủ này như một lời di chúc cho muôn đời con cháu".

Với những tâm huyết của vị vua anh minh Trần Nhân Tôn đầy lòng yêu nước, yêu dân như thế, lẽ nào ngày hôm nay chúng ta lại thờ ơ, vô cảm để cho Tàu cộng cai trị chúng ta sao? Các tướng lãnh quân đội và công an nhân dân quý vị đang đứng ở đâu trước sự tồn vong của Tổ Quốc, của đất nước và nhân dân trong đó, cũng có con cháu, thân nhân và dòng họ của quý vị nữa?

Quyền lợi cá nhân, uy quyền cũng chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó của đời người chớ không phải là vĩnh viễn. Chỉ có Tổ Quốc, đất nước và nhân dân là trường tồn mãi mãi mà thôi. Cuộc sống hiện tại mà ta đang hưởng là kết quả của nhân đã gieo ở quá khứ, việc làm hiện tại của ta bây giờ là kết quả ở tương lai khi đủ duyên sẽ cho ta hưởng, tốt hay xấu là do ta quyết định. Đức Phật có dạy rằng: "Ở trên đời, dưới đáy biển, trong hang núi, không ở đâu con người có thể tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh kết quả các việc làm xấu của mình". Hãy tiếp tục đi theo bước chân hào hùng của dân tộc, của tiền nhân xưa, hãy ghi nhớ lời nói của vua Trần Nhân Tôn để đừng lệ thuộc vào kẻ thù Tàu cộng, một kẻ thù truyền kiếp của dân tộc VN.

Quá khứ là những chuyện đã qua, chúng ta hãy xem xét để có hướng khắc phục. Lấy kinh nghiệm của quá khứ để hiện tại làm những việc tốt đẹp, phù hợp với lẽ phải, với trào lưu tiến bộ của loài người để tương lai của đất nước và nhân dân được tươi sáng, đừng bao giờ trở lại những tai hại mà quá khứ đã gặp phải, chỉ có con đường hợp với lòng dân thì mới tạo nên sức mạnh thần kỳ chống ngoại xâm Tàu cộng, đoàn kết được toàn dân trong giai đoạn này là cực kỳ quan trọng, để đất nước khỏi rơi vào bàn tay gian ác của Tàu cộng, để cho dân tộc được trường tồn mãi mãi, có như thế mới khỏi mang tội với tiền nhân và cứu thế hệ con cháu của chúng ta sau này khỏi sống đời nô lệ của giặc Tàu. Mong lắm thay!.

26/4/2017