Monday, February 8, 2016

Dân quyền Việt Nam, một giấc mơ quá xa

Nhân ngày Mồng Một Tết năm Bính Thân , 8 Tháng 2 năm 2016, chúc quí khán giả một năm mới vạn sự như ý. Và chúng tôi cũng như quí vị đều cầu mong một tương lại Nhân Quyền và Dân Chủ cho quê hương.



Trong bài Bình Luận Đầu Tuần này, chúng tôi xin được phép nhắc lại câu chuyện  xưa cũ từ 100 năm trước để minh chứng sự thật nghiệt ngã: Cuộc tranh đấu Dân Quyền Việt Nam đã kéo dài suốt thế kỷ 20, và nay vẫn đang tiếp tục tại thế kỷ 21 này, với mức độ khẩn thiết.
100 năm trước đây, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội Trung Kỳ dự tính sẽ diễn ra ngày 3-5-1916 bị người Pháp phát giác và dập tắt trong bể máu.  Biến cố này đã đưa đến cảnh lưu đày Vua Duy Tân đến đảo Reunion.  Còn những người liên quan như các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị kết án tử hình bằng cáchchém ngang lưng ở pháp trường An Hòa, cách Huế ba cây số về phía bắc trong ngày 17-5-1916. Cuộc vận động vũ trang giành độc lập dân tộc bị dìm trong máu của những sĩ phu yêu nước và vị quân vương người Việt cũng gánh chịu phần khổ nạn cùng vận mệnh quốc gia.
Năm nay, 2016, trong khi người Việt tị nạn sẽ cùng với 300 triệu công dân Hoa kỳ bỏ phiếu bầu người lãnh đạo quốc gia vĩ đại này,  còn người dân tại Việt Nam lại không có quyền tham dự việc lựa chọn những vị trí lãnh đạo của đất nước.  Diễn tiến đấu đá giữa các phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã minh chứng việc Đảng cộng sản Việt nam đã ngồi xổm trên hiến pháp và luật lệ đảng do chính họ đặt ra để thao túng tương lại vận mệnh của cả dân tộc.
So sánh cuộc tranh cử, bầu cử đang tiến hành trong năm 2016 tại Hoa kỳ, chúng ta nhận thấy rằng: cho dù sự khác biệt của các khuynh hướng Cấp Tiến (Liberal) và Bảo Thủ (Convervative) nhưng tất cả ứng viên đều tập trung ở một chủ đề duy nhất là: vì một đất nước Hoa Kỳ hùng mạnh.   Qua hình thức bỏ phiếu dân chủ, người dân Mỹ đã lựa chọn cho chính họ các nhà lãnh đạo từ cấp địa phương cho đến vị trí nguyên thủ quốc gia. 
Trong khi đó, qua kỳ đại hội đảng thứ 12 diễn ra vừa qua, đã cho thấy các ủy viên trung ương đảng đã tiếm quyền của dân chúng Việt Nam để chọn ra những vị trí điều hành quốc gia quan trọng như chức vụ Chủ tịch Nước, chủ tịch quốc hội và Thủ tướng.  Ở vị trí các địa phương, đảng đã áp dụng cách bầu cử vi hiến và phi dân chủ gọi là "đảng cử dân bầu!" để đưa người do đảng sắp xếp để kiểm soát địa phương đó, như ngày trước, họ đã "cơ cấu" ông  Nguyễn Tấn Dũng một người gốc Miền Nam làm đại diện dân cử của Hải Phòng để được vào trung ương đảng; và ngày nay họ bổ nhiệm ông Đinh La Thăng, bộ trưởng giao thông một người miền Bắc, làm bí thư thành ủy Sài Gòn, thành phố lớn và giàu có nhất nước.
Trên các trang mạng xã hội trong nước đã rộ lên những chỉ trích  phản đối cách phân chia quyền lực mang tính địa phương, làng xã, giòng tộc kiểu nầy, khi đề cập việc tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa yếu tố quyết định đối với chức vụ tổng bí thư phải là sinh trưởng người Miền Bắc! Trong khi đó, vận mệnh 90 triệu người Việt Nam, và họa phương Bắc đang đe dọa lại không hề được những kẻ đang tham dự màn đấu đá tại đại  hội đảng 12 lưu tâm mảy may.
Hóa ra máu xương của tiên nhân người Việt 100, 90 năm trước; công cuộc đấu tranh vì Tự Do- Dân Chủ- Dân Quyền của bao thế hệ người Việt suốt một thế kỷ qua và hiện nay đã bị vất bỏ bởi một tổ chức độc quyền gọi là đảng cộng sản VN và một tập thể gồm những đại biểu chỉ biết lợi ích bản thân và phe nhóm. Nếu người Việt quốc nội, có Dân Quyền thực sự, chắc chắn họ sẽ không chọn bất kỳ ai trong số những kẻ đang làm nghèo và bán rẻ đất nước như hiện nay.
Còn chúng ta, những người Việt tị nạn, đang sinh sống tại Hoa kỳ, được hưởng quyền tự do dân chủ, hãy thể hiện quyền công dân đất nước bằng cách bỏ phiếu đông đảo trong năm bầu cử 2016 để chứng tỏ sức mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.  Tinh thần dân chủ này của tập thể người Việt tị nạn sẽ ảnh hưởng dần đến các cấp chính giới Hoa kỳ và kinh nghiệm dân chủ này sẽ lan tỏa đến đồng bào chúng ta nơi quê nhà.
 02/08/2016 - 19:35
Phan Nhật Nam - Mai Phi Long / SBTN

Sài Gòn ngập rác sau đêm giao thừa

Chuyện thành phố ngập rác sau đêm Giao Thừa như một điệp khúc được lập đi lập lại hằng năm.

Sau màn bắn pháo hoa 15 phút mừng năm mới, trung tâm Sài Gòn ngập rác. (Hình: VNExpress)
Như mọi năm, Sài Gòn đón Giao Thừa bằng những tràng pháo hoa, người dân kéo nhau tập trung ra ngay trung tâm thành phố. Kẻ mang đồ ăn, người mang thức uống, thậm chí những tờ báo để lót ngồi.
Khi pháo hoa chấm dứt, nhiều chai lọ, giấy, thức ăn, hộp xốp... được người đi xem pháo hoa vứt tràn lan xuống đường. Rác rưởi khiến các con đường như Cường Để, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi .. ngập đầy rác, trắng xóa mặt đường. Khi các phương tiện lưu thông bắt đầu chạy thì rác bay tung tóe khắp nơi.
Không chỉ còn là chuyện rác, nhiều chậu hoa tại đường hoa Nguyễn Huệ cũng bị đổ nghiêng liểng xiểng, một số cây bị giẫm nát khi người dân chen lấn xem pháo hoa.
Infornet.vn dẫn lời một công nhân dọn dẹp rác sau giao thừa ngao ngáncho biết: "Họ xả rác vô tội vạ, tràn lan khắp nơi mà họ xem pháo hoa. Rác ngập ngụa, tôi và các công nhân khác phải dọn cho mặt đường sạch sẽ trở lại. Xong việc cũng phải 4h sáng ngày mùng 1 Tết".
Không riêng ở Sài Gòn, Hà Nội sau thời khắc đón năm mới cũng ngập ngụa trong rác.
Cho dù biết xả rác bừa bãi là hành vi thiếu lịch sự, gây ảnh hưởng xấu và cần được loại bỏ, thế nhưng không phải ai cũng nghĩ đến điều này. Có chăng, lúc đó họ chỉ nghĩ đến việc làm sao để thoát khỏi mớ rác đang cầm trên tay.
Vấn nạn này, vì thế vẫn cứ kéo dài nhiều năm liền, bất chấp những khung hình xử phạt của pháp luật và sự phản đối của dư luận.
Một thanh niên chạy qua đống rác, cán lên hàng loạt chai nhựa khiến xe trượt bánh, ngã sõng soài. (Ảnh: VNExpress)
02/08/2016 - 06:12
Thanh Lan / SBTN
 

Tết-vui và khổ!

02/08/2016 - 23:48  
Đối với người Việt, Tết là dịp lễ lớn nhất, quan trọng nhất, vui và nhiều ý nghĩa nhất. Điều đó khỏi phải bàn. Một dạo đã từng có những ý kiến đề xuất nên bỏ Tết ta, Tết Âm lịch, với lý do ăn hai cái Tết tốn kém, nhất là Tết Âm lịch; hơn nữa, Tết Nguyên đán của người Việt vốn là phiên bản Tết Nguyên đán của người Hoa, nếu muốn thoát Trung hãy bắt đầu từ những việc như thoát khỏi văn hóa, phong tục tập quán ảnh hưởng từ người Hoa, trong đó có cái Tết Âm lịch, một điều mà người Nhật đã dứt khoát từ bỏ. Nhưng đa số người Việt đều không bằng lòng.
Nghĩ cho cùng nếu thiếu Tết trong đời sống văn hóa tinh thần của người VN, thì cũng buồn thật. Với người Việt, Tết là một dịp để gia đình, họ hàng quây quần xum họp bên nhau, nhớ về cội nguồn tổ tiên, thắt chặt những mối yêu thương gắn bó mà nhiều khi cả năm quay cuồng với việc mưu sinh nên cũng có phần lơi là, lạnh nhạt. Người đi làm xa quê, người rời nước ra đi làm ăn sinh sống ở xứ người, cứ đến Tết là lại cố gắng để quay về nhà, quay về VN. Ai không về được thì ba ngày Tết cứ bần thần, nhớ quê hương, nhớ Tết.
Nhưng Tết Âm lịch cũng có nhiều nỗi khổ, nhọc, phiền toái quá.
Thứ nhất người Việt ăn Tết lớn quá. Người phương Tây có nhiều ngày lễ lớn trong năm, Tết Tây cũng là một trong những ngày lễ lớn đó, nhưng tôi có thể dám chắc rằng không có ngày/dịp lễ nào của họ mà lớn và ăn nhiều, ăn lâu như cái Tết Âm lịch của người Việt (hay người Hoa). Trước kia thời còn bao cấp nghèo khó, nhà cầm quyền chỉ cho phép người dân ăn Tết ba ngày, ba mươi, mùng Một, mùng Hai, cùng lắm là mùng Ba. Những năm sau này đời sống kinh tế đỡ hơn, nhà nước cho phép nghỉ tới 9, 10 ngày. Nhưng với tâm lý, thói quen của người Việt thì Tết Âm lịch đã được chuẩn bị từ trước Tết ít nhất cả tuần lễ, thậm chí, có những ngành nghề mà từ nửa tháng trước mọi ngưởi đã làm việc có nửa phần năng suất vì tâm trạng chờ Tết; sau khi hết Tết vào tâm lý uể oải vẫn còn kéo dài thêm chừng một tuần nữa, tổng cộng người Việt ăn Tết cả tháng.
Ai ở VN cũng biết, trước và sau Tết chừng hai tuần đi làm giấy tờ, liên hệ công việc gì ở các cơ quan nhà nước cũng bị chậm trễ, còn nếu ký kết hợp đồng làm ăn gì đó thì các đối tác thường khất chờ qua Tết. Một tháng trời là quá dài, bao nhiêu công việc bị trì trệ.
Thời bao cấp quanh năm ít khi có miếng ngon, nên Tết đến là dịp để ăn cho đỡ thèm (dù thời đó đa số người dân cũng chẳng có gì nhiều mà ăn, nhưng miếng thịt, cái bánh chưng, nồi cơm trắng không phải độn sắn, bo bo, cao lương đã là quý). Bây giờ đa số đời sống của người dân đã ở mức trung bình, không phải thèm khát món gì, nhưng đến Tết vẫn cứ ăn nhiều, ăn đủ món.
Lễ chính thì là cúng ông Táo 23 tháng Chạp, cúng Tất niên trưa 30, cúng Giao thừa tối 30, cúng mùng Một rước ông bà về, cúng mùng Ba tiễn ông bà đi, nhưng thật sự thì mấy ngày Tết ngày nào cũng bày bàn ăn uống, ăn nhà này xong đi sang nhà khác thăm viếng nhau lại ăn. Khổ nhất là cánh phụ nữ, các bà mẹ, các nàng dâu, tha hồ mà lo nấu nướng. Món ăn Việt vốn cầu kỳ, mất thì giờ. Dù bây giờ nhiều thứ có thể mua sẵn ngoài chợ, ngoài siêu thị từ bánh chưng bánh tét, dưa món củ kiệu, dưa hành, các loại mứt, rồi giò chả, lạp xưởng, khô bò…nhưng những món nóng thì vẫn phải nấu.
Nào miến lòng gà, chân giò lợn hầm măng, canh bóng thả, canh mọc, thịt đông, giò thủ, nem rán (tức chả giò)…nếu theo kiểu miền Bắc, chưa kể nếu nhà khá giả còn có chim hầm, gà tần, bào ngư, vi cá…Nếu theo kiểu miền Trung thì tôm rim, thịt kho Tàu, cuốn ram, thịt hon, gà rán, nem, tré, thịt ngâm nước mắm, mít trộn…và không thể thiếu các món cuốn từ thịt luộc cuốn bánh tráng, nem lụi cuốn bánh tráng, rồi cá hấp cũng có thể cuốn chung với bánh tráng và rau sống…Nếu theo kiểu miền Nam thì có thịt heo kho nước dừa với trứng, canh khổ qua nhồi thịt, các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô củ kiệu, giò heo nhồi, phá lấu, nem, lạp xưởng tươi…Chưa kể các món bánh mứt, chè đặc sắc riêng của từng miền, món nào cũng rất mất thì giờ, công phu.
Dọn ăn xong còn phải rửa chén. Nhà văn Trang Hạ vừa rồi có bài viết bị nhiều người “ném đá” khi nói đàn bà khổ nhục, đàn ông vô tâm trong dịp Tết, nhưng quả thật Tết, phụ nữ VN phải lo nhiều thứ, nấu nướng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, tiếp đãi khách khứa…Nếu gặp được ông chồng biết điều, cùng chia sẻ việc nhà với vợ thì còn đỡ, nhiều ông vô tâm đến nhà ai cũng ngồi chiếu trên ăn uống, chén tạc chén thù hoặc ăn xong thì còn chầu trà bàn bạc chuyện xã hội chuyện đất nước, các bà cứ là bận túi bụi dưới bếp. Rồi lại kéo bạn về nhà bắt vợ làm món ngon đãi khách. Ở nông thôn nhiều gia đình vẫn còn phong kiến, ngày Tết mấy cô con dâu tha hồ lăn ra mà làm, mà phục dịch cả nhà chồng, họ hàng nhà chồng.
Nên Tết trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều phụ nữ là vậy. Mệt quá. Mà người Việt vốn thích phô trương, dù bây giờ nhiều gia đình đâu còn thèm khát món gì nhưng Tết vẫn cứ phải bày biện nấu nướng đủ thứ, cứ như sợ người ta cho là mình không có tiền ăn Tết hoặc dâu, vợ nhà mình không khéo không đảm bằng dâu, vợ nhà người ta vậy. Giá mà chúng ta bớt câu nệ bớt khoa trương đi, làm đơn giản hơn, dành thì giờ đó để vui với gia đình, hoặc đi chơi, hưởng thụ những giây phút bên người thân, hưởng thụ cuộc sống cho đỡ cực, đỡ mệt thân.
Tết Việt còn là nỗi khổ của người nghèo.
Càng ngày sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội VN càng lớn. Ngay trong những người đi làm, có những ngành thưởng Tết hàng chục hàng trăm triệu đồng, nhưng có những ngành như nhà giáo, công nhân, nhất là ở tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, nhiểu khi thưởng Tết chỉ vỏn vẹn năm chục ngàn đồng, hoặc cuốn lịch, gói bột ngọt. Có những gia đình khá giả Tết đến bỏ tiền săn lùng những món hàng độc làm quà hoặc trưng bày trong nhà như dưa lê thần tài giá năm sáu chục ngàn một quả, bưởi Hồ lô tài lộc có giá trên triệu đồng/cặp, rượu Tây đựng trong bình phong thủy được thiết kế theo hình tượng con khỉ giá vài triệu một bình, vàng miếng dập thành thỏi vàng đặt trong bao lì xì đỏ v.v…Cho tới chi hàng chục triệu đồng để mua chim quý, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua cây cảnh chơi Tết…Rồi tìm mua cho được những món ăn cho là quý, bổ thận, tráng dương gì đó để ăn và biếu người khác, chi tiền làm đẹp, trang hoàng nhà cửa, du lịch xa hoa…
Trong khi đó với người nghèo Tết là một nỗi ám ảnh. Đã thành cái lệ dù giàu dù nghèo vẫn phải có Tết. Nghèo đến đâu cũng phải cố chạy vạy xoay sở, thậm chí vay mượn cho có cái Tết với người ta, cho con cái đỡ tủi, rồi Tết ra cày trả nợ sau. Sống trong một xã hội chạy theo vật chất, chuộng hình thức, chuộng những giá trị bên ngoài từ áo quần, cái xe đang đi, cái nhà đang ở…, nghèo trở thành một cái tội, và Tết đến là dịp để khoảng cách giàu nghèo bộc lộ rõ nhất. Nếu cách suy nghĩ, cách sống cho tới những thang điểm giá trị trong cái nhìn của người Việt khác đi, thì nhiều người nghèo hoặc chỉ ở mức trung bình sẽ đỡ cảm thấy cái gánh nặng của đời sống vật chất nói chung và cái Tết nói riêng.
Tết đến đâu phải ai cũng có tiền đi máy bay về quê, đa số người lao động vẫn phải đi tàu đi xe, mua vé phải chen chúc chầu chực, xe đò thì ham tiền nhồi nhét khách như nêm, coi khách chả ra gì, rồi phóng nhanh phóng ẩu gây tai nạn. Mới máy ngày đầu năm mở báo ra đã đọc thấy nào xe khách lao xuống vực, nào tai nạn 21 người chết ngay ngày mùng Một tết, rồi ăn nhậu càng nhiều thì tai nạn càng dễ xảy ra… Vệ sinh thực phẩm bây giờ thì không bảo đảm an toàn, thực phẩm độc hại từ Trung Quốc tuồn qua đã đành, mà do chính người Việt vì ham lợi nhuận nên làm hại cho người mua cũng không ít; ngày Tết ăn nhiều, mua sắm nhiều càng dễ bị ngộ độc.
Người Việt vốn đã khổ nhiều thứ do phải sống dưới một chế độ độc tài độc đảng ở đó mọi tự do, dân chủ, quyền con người đều bị tước đoạt, nhưng chính người Việt cũng làm khổ mình, làm khổ nhau vì cái tính thích phô trương, chạy theo vật chất, chạy theo những tiêu chuẩn giá trị bị lệch lạc trong xã hội.
Mà không chỉ ngưởi dân. Chính nhà nước cộng sản là điển hình cho thói nghèo mà chơi sang, phô trương, sĩ diện hảo. Nước nghèo, thường xuyên đi vay, đi xin tiền các nước khác, nợ đầm đìa ra nhưng vô cùng hoang phí, tỉnh nào cũng tìm cách xây tượng đài, xây trụ sở chính quyền to hoành tráng, thậm chí tỉnh nghèo phải xin gạo cứu đói nhưng cũng cứ xây tượng đài, bắn pháo hoa ngày Tết…
Thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen, một phong tục tập quán cho tới quan điểm sống, cách sống, đặt lại những tiêu chuẩn, giá trị là điều không dễ dàng gì, nhất là khi chính cái nhà nước này lại cổ súy cho lối sống phô trương giả dối đó.
Sự thay đổi tận gốc chắc chỉ có thể có khi VN đã chuyển sang một chế độ khác, ở đó con người phải tồn tại và vươn lên bằng năng lực thật của chính mình, đồng tiền và sự hào nhoáng không thể thay thế cho sự trống rỗng về tri thức và tâm hồn, ở đó mọi chi tiêu quốc gia cho tới tài sản của các quan chức luôn phải minh bạch, rõ ràng, bởi luôn bị pháp luật, truyền thông và con mắt của người dân soi xét… Nhưng trong khi chờ đợi cái ngày đó, có lẽ mỗi người chúng ta tự mình thay đổi chừng nào hay chừng đó-bắt đầu tự cởi bớt gánh nặng, đặt lại cho mình những tiêu chuẩn sống khác, không bị phụ thuộc vào cái nhìn chung của dư luận, ví dụ như ăn Tết chẳng hạn, tiết kiệm, đơn giản, văn minh, dành thì giờ cho gia đình, cho việc tận hưởng thiên nhiên và chia sẻ với những người nghèo hơn, bất hạnh hơn.

Cẩn trọng với hóa chất sử dụng trong thực phẩm Tết

RFA 08.02.2016   
050_ONLY_0181676
 Một cửa hàng bán thực phẩm hàng ngày và thực phẩm Tết trên đường phố Sài Gòn.  AFP photo
Tết với những món đồ ăn truyền thống như mứt tết, hạt dưa đỏ, canh măng khô nấu chân giò gần đây đang trở thành nỗi lo của nhiều người vì vấn đề an toàn thực phẩm do những chất bảo quản, hóa chất được sử dụng trong các thực phẩm này.
Phẩm màu và chất bảo quản
Vào dịp tết, hầu như gia đình nào ở Việt Nam cũng phải có hộp mứt tết nhiều màu và hạt dưa đỏ để đãi khách. Ngoài ra, mâm cơm cúng tất niên, năm mới thường cũng phải có thịt gà, bát canh măng khô nấu chân giò. Những món ăn đẹp mắt, ngon miệng này giờ đây có thể bị coi là nguy hiểm khi những người chế biến, bán hàng vì lợi nhuận, bất chấp tác hại, đã thêm vào những chất bảo quản, tạo màu sắc quá mức hoặc không được phép. Những chất này đã được chứng minh có thể gây ngộ độc  lâu dài đối với người tiêu dùng.
Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, Tạ Thị Tuyết Mai, thuộc bệnh viện nhân dân Gia Định, Sài Gòn nói về những đồ ăn này như sau:
Mứt thì sợ người ta bỏ phẩm màu vào. Thứ hai là măng khô mà mình hay nấu với giò heo. Nếu măng mình mua phải loại người ta bỏ phốt pho thì độc. Cái thứ ba là hạt dưa thì phẩm màu trong hạt dưa cũng rất có hại, độc…. thường thường những cái đó không gây ngộ độc ngay mà ngộ độc mãn. Sợ nhất là ngộ độc mãn, lâu dần sẽ làm tổn thương gan, thận, dẫn đến ung thư.
Trong dịp gần tết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất và bán các thực phẩm phục vụ tết. Kết quả những đợt kiểm tra này là việc phát hiện hàng loạt những thực phẩm tết bị nhuộm màu công nghiệp, hoặc được bảo quản trong các hóa chất không được phép. Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế mới đây cho biết đã phát hiện được một số sản phẩm hạt dưa bị tẩm Rhodamine B là loại chất hóa học dùng để nhuộm quần áo và bị cấm tuyệt đối trong thực phẩm và thuốc. Theo các bác sĩ, việc ăn hạt dưa nhuộm Rhodamine B lâu dài sẽ suy gan, thận và mắc bệnh ung thư.
Sợ nhất là ngộ độc mãn, lâu dần sẽ làm tổn thương gan, thận, dẫn đến ung thư.
- BS. Tạ Thị Tuyết Mai
Mới đây, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng quận Bình Tân cũng đã phát hiện một cơ sở làm mứt tết đang ngâm tẩm các loại khoai lang, gừng, bí làm mứt trong các thùng hóa chất công nghiệp là sodium hydrosulfite và vôi công nghiệp. Chất sodium hydrosulfite là hóa chất dùng tẩy trắng trong công nghiệp. Chủ cơ sở này cho biết bà dùng hóa chất này để tẩy rửa các nguyên liệu trước khi chế biến mứt. Vôi công nghiệp được sử dụng để làm mứt săn chắc, giòn. Hóa chất sodium hydrosulfite thường được dùng trong công nghiệp thuộc da, làm giấy, nhuộm và chiết xuất quặng khoáng chất. Người nhiễm chất này có thể bị các triệu chứng khó thở, chóng mặt, hạ huyết áp, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài. Những người có vấn đề về suyễn nặng có thể bị sốc, bất tỉnh, thậm chí tử vong.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết kết quả kiểm nghiệm mẫu bắp non và đậu Hà lan của một cơ sở sản xuất tại Sài Gòn cho thấy cơ sở này đã sử dụng phẩm màu chưa công bố và chất bảo quản vượt ngưỡng. Cụ thể kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm bắt non và đậu Hà Lan của cơ sở này sử dụng màu Tartrazine chưa công bố và sử dụng chất bảo quản Natri Benzoate vượt ngưỡng. Các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành các nghiên cứu cho thấy chất bảo quản này khi kết hợp với các màu thực phẩm nhân tạo có thể làm tăng tính hoạt động thái quá ở trẻ.
Theo bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, rất nhiều loại măng khô được bán trên thị trường hiện nay được ngâm phốt pho vì mục đích bảo quản và tạo sự hấp dẫn.
Phốt pho bỏ vào măng khô để cho nó vàng đẹp…. hiện đúng nguyên tắc là không bỏ, vì phốt pho đau có nằm trong danh sách phụ gia cho phép. Nó là thuốc độc chỉ dùng trong công nghiệp thôi nên không có quy định hàm lượng được dùng là bao nhiêu…. Ở đây người ta làm bậy, người ta cho vào để làm cho măng hấp dẫn để bán hàng và chống mốc nhưng nhiều khi người ta không biết là nó rất độc hại cho người dùng.
Nói về phẩm màu dùng trong các loại mứt, bánh tết, bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai cho biết:
Có những màu thực phẩm mà dùng thì mắc tiền. Về nguyên tắc vẫn có một số màu thực phẩm được phép dùng ví dụ như màu đỏ là có màu thực phẩm. Thường thì những màu đó đắt tiền. Nhiều khi người ta lấy màu công nghiệp bỏ vào và gây độc. ngay như là mứt cũng vậy. Mình có thể dùng màu thực phẩm cũng được, nhưng tốt nhất là dùng màu thiên nhiên ví dụ như muốn màu xanh thì dùng lá dứa nhưng dĩ nhiên nó không đẹp bằng màu thực phẩm. Nhưng mà màu thực phẩm cũng dùng ít thôi, dùng nhiều cũng độc. Màu thực phẩm cũng xếp vào dạng phụ gia tức là chỉ dùng theo lượng cho phép chứ không được dùng quá nhiều.
Bên cạnh đó là những loại mì, lá hoành thánh được sản xuất có sử dụng hàn the, là chất đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì có thể gây độc, dẫn đến ung thư. Theo bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, phần lớn các loại sản phẩm là lá hoành thánh, và một số loại bánh thường có sử dụng hàn the để tạo độ giòn. Hàn the đã được chứng minh là có thể đọng lại ở gan, não và gây ngộ độc mãn.
Làm thế nào để nhận biết thực phẩm an toàn
Hiện tại, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa những thực phẩm an toàn vì không phải loại hóa chất nào cũng có thể được kiểm tra dễ dàng khi mua. Người tiêu dùng thường được khuyên nên sử dụng kinh nghiệm mua hàng là cảm quan đối với phần lớn các sản phẩm tết, tức là nhận biết từ màu sắc là chính.
Ví dụ đối với hạt dưa đỏ, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra khuyến cáo đối với người tiêu dùng khi chọn mua hạt dưa. Theo Cục an toàn thực phẩm, hạ dưa nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp thường có màu sáng bong, không bị phai, kể cả khi tiếp xúc với nước. Hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm có màu đỏ nâu tự nhiên, không quá đậm, không sáng bong, dễ bị phai, nhòe khi gặp nước và rất dễ tính vào tay khi sử dụng.
Đối với các loại mì hoành thánh, bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai cho biết người tiêu dùng có thể sử dụng que thử để kiểm tra có hàn the trong sản phẩm hay không.
Nhưng mà màu thực phẩm cũng dùng ít thôi, dùng nhiều cũng độc. Màu thực phẩm cũng xếp vào dạng phụ gia tức là chỉ dùng theo lượng cho phép chứ không được dùng quá nhiều.
- BS. Tạ Thị Tuyết Mai
Hàn the thì mình có thể thử được. Cái đó thì tương đối dễ… người tiêu dùng có thể thử nhanh bằng cách ra chợ y khoa mua que thử cũng rẻ, chỉ khoảng 20 đến 30 ngàn được 100 que. Lấy mẫu sợi mì, hoành thánh cắt nhỏ bỏ vào nồi nước đun sôi khoảng 5 đến 10 phút rồi lấy giấy thử bỏ vào thì sẽ thấy nó chuyển màu. Lấy một bên là ly nước trắng và một bên là ly nước nấu đó, bỏ giấy vào thấy màu cam thì đừng ăn vì có hàn the.
Riêng đối với sản phẩm măng khô, theo bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, hiện vẫn chưa có kỹ thuật đơn giản nào mà người tiêu dùng có thể áp dụng để thử phát hiện phốt pho trong măng. Bà không khuyên mọi người không nên ăn măng khô trong dịp tết nhưng cho biết gia đình bà đã không nấu măng khô trong dịp tết mà thay vào đó là miến gà vì bà không thể nhận biết được đâu là măng có tẩm phốt pho và đâu là măng được phơi khô tự nhiên.
Ngoài ra chuyên gia dinh dưỡng cũng cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn thận với những loại bánh mứt sử dụng nhiều đường hóa học. Theo bà, mặc dù đường hóa học được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng trong một số trường hợp, nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận đã sử dụng quá nhiều đường hóa học, vượt mức cho phép, có thể gây hại cho người tiêu dùng. Theo quy định một người có cân nặng khoảng 50 kg chỉ được ăn không quá 5 gram đường hóa học một ngày. Người tiêu dùng có thể đọc bên ngoài nhãn mác hàng hóa của các cơ sở sản xuất để biết liệu thành phần đường này có được cho vào sản phẩm hay không.
Ăn Tết là tục lệ cổ truyền của người Việt Nam. Vì vậy, các món ăn tết là phần không thể thiếu. Với những thông tin liên tục về tình hình an toàn thực phẩm trong dịp tết, bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai hy vọng người dân theo dõi kịp những thông tin này để tránh rủi ro trong khi vẫn có thể hưởng một cái tết vui vẻ theo đúng nghĩa.

Bỏ đảng

 Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-02-08
000_Del8399420-620
Một công nhân dọn dẹp hành lang dẫn đến phòng họp chính của Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 1 năm 2016. Băng rôn mang cờ đảng treo khắp nơi. AFP photo
Tạp chí điểm blog tuần này tập hợp những bình luận của các blogger trên trang cá nhân, trên các trang mạng xã hội… xung quanh những sự kiện lớn của đất nước.
Bỏ đảng nhân ngày 3/2
Cách đây đúng hai năm, trong lúc Đảng cộng sản Việt Nam kỷ niệm ngày thành lập, một cán bộ cao cấp của Bộ ngoại giao Việt Nam là ông Đặng Xương Hùng tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản.
Năm nay, cũng ngày đấy, một đảng viên lão thành là Giáo sư Nguyễn Đình Cống công bố rời bỏ Đảng cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Cống từ lâu đã được biết đến như là một tiếng nói phản biện mạnh mẽ trên trang Bauxite Việt Nam của nhiều trí thức. Ông không những phản biện những việc làm, những chính sách cụ thể trong việc điều hành đất nước của Đảng cộng sản, mà còn công khai đòi xóa bỏ nền tảng tư tưởng của đảng này, là chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Trong thông báo đăng trên trang blog Bauxite Việt Nam ông viết rằng ông vào Đảng với nguyện vọng đóng góp trí tuệ và công sức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thế nhưng càng ngày ông càng nhận ra rằng Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) có nhiều độc hại, rằng Chủ nghĩa cộng sản chỉ là ảo tưởng, rằng thể chế hiện tại của Việt Nam là sự độc tài toàn trị của Đảng.
Tuy vậy Giáo sư Cống đã kiên nhẫn chờ đợi Đại hội đảng lần thứ 12 kết thúc, ông hy vọng rằng những kiến nghị của ông cũng như những người đồng chí hướng trước đó sẽ được đảng quan tâm tới.
Cái lý thuyết kinh tế định hướng của đảng, tôi đã hỏi cả trăm giám đốc, ai cũng xớn xác nhìn quanh rồi ghé tai tôi nói nhỏ: chuyện này, nói thật là tớ không hiểu nhé!
- Nguyễn Hoa Lư
Nhưng rồi tất cả đều bị im lặng hết; như thế chứng tỏ rằng lực lượng của đảng không còn không mong gì được. Những đại biểu đến đó toàn như sợ quá hay người ta bị áp lực gì đó ghê quá mà không thấy có con người nào nói lên được tiếng nói của nhân dân là yêu cầu phải có những thay đổi về đường lối, về thể chế.”
Đó là điều ông nói với Gia Minh của đài Á châu tự do sau quyết định từ bỏ đảng mà ông để hết tâm trí phục vụ hơn 30 năm nay.
Sự trừu tượng và bất lực
Cũng nhân ngày 3/2 tác giả Nguyễn Hoa Lư viết bài Ngẫu hứng trên trang blog của ông. Trong bài này tác giả so sánh đảng cộng sản và biển:
“Biển muôn đời vĩ đại dù có những dòng sông bị nhiễm độc hòa vào biển. Trận lũ mấy tháng trước, làng tôi nước ngập ngang mái nhà, lợn gà chết trôi trương phềnh, hôi thối, tất tật chảy về biển. Đảng đời đời bất diệt, dù trong lòng chất chứa những nhóm lợi ích hoạt động như ma phi a. Có gã côn đồ đâm thuê chém mướn, đảng bao dung ôm trọn vào lòng bảo ban, dạy dỗ.”
Nước biển có vị mặn, đó là vị của nước mắt và máu của con dân nước Việt ngàn đời nay. Đảng cũng có vị như vậy.
Chỉ riêng một điểm khác. Biển có màu xanh, màu cuộc sống
Đảng có màu đỏ, màu của máu.”
Cũng trong bài viết này, tác giả kể lại chuyện đảng tuyên truyền để kết nạp những trí thức cách đây vài chục năm. Nhiều người đã từ chối với lý do được đưa ra là đảng trừu tượng quá.
Nguyễn Hoa Lư viết tiếp là “Đến giờ, đảng vẫn kiên định sự trừu tượng của mình.
Cái lý thuyết kinh tế định hướng của đảng, tôi đã hỏi cả trăm giám đốc, ai cũng xớn xác nhìn quanh rồi ghé tai tôi nói nhỏ: chuyện này, nói thật là tớ không hiểu nhé!”
Trong sự trừu tượng ấy dường như đảng bất lực trước những vấn đề rất cụ thể. Từ Đà Lạt, ông Mai Thái Lĩnh viết bài phân tích về chủ nghĩa cộng sản hiện tại mang tựa đề ‘Chủ nghĩa cộng sản thân hữu’. Ông Mai Thái Lĩnh là người từng tham gia cuộc cách mạng cộng sản, và tham gia vào chính quyền cộng sản, và cũng từng bị chính quyền cộng sản bỏ tù.
Trong bài viết về ‘Chủ nghĩa cộng sản thân hữu’, Ông viết về việc loay hoay chống tham nhũng của đảng cộng sản:
“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị mới sẽ chọn con đường nào: chống tham nhũng bằng cách làm trong sạch Đảng từ bên trong với nguyên tắc “đánh chuột nhưng tránh làm vỡ bình”, hay chống tham nhũng bằng cách mở cửa cho toàn dân tham gia?
Đành rằng đi theo con đường thứ hai có thể làm “vỡ bình”, nhưng” vỡ bình” không đồng nghĩa với “đại họa”, nhất là khi người ta nhận thức được rằng một “đảng chính trị” không thể quan trọng bằng “quốc gia” và “dân tộc”. Còn đi theo con đường thứ nhất (như Tập Cận Bình đã làm) thì số phận thế nào, chúng ta cũng có thể đoán trước: đó là một con đường “không dẫn đến đâu”. Và vì con đường đó “không dẫn đến đâu”, đến một lúc nào đó nhân dân sẽ tự tìm ra được con đường thích hợp. Đến lúc đó thì cho dù chiếc bình vẫn còn, nó có thể trở nên vô dụng hoặc nếu may mắn hơn, chỉ có thể được dùng để trưng bày trong kho đồ cổ hoặc viện bảo tàng để “làm kỷ niệm”!”
Dân chúng và đảng
Viết về Tân bí thư được bầu lại Nguyễn Phú Trọng, blogger, nhà báo Đoan Trang nhận xét rằng ông là người rất kiên nhẫn, nhẫn nhịn mọi tai tiếng của dư luận để đạt được mục đích nắm quyền lực sau đại hội đảng.
000_Hkg10248042.jpg
Tân bí thư được bầu lại Nguyễn Phú Trọng
Cũng viết về ông Trọng, Lê Minh Đức gọi ông là Người cộng sản cuối cùng, ý muốn nói rằng ông Trọng có lẽ tin vào những điều không có lý về chủ nghĩa cộng sản mà ông hay phát biểu.
Nhưng ngược lại với ông Trọng dường như hơn bốn triệu đảng viên của ông không tin vào điều đó. Lê Minh Đức viết tiếp:
“4.5 triệu đảng viên này không quan tâm Việt Nam là cộng sản hay tư bản. Họ không quan tâm đến việc Việt Nam cần quan hệ chặt hơn với Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Họ không quan tâm đến dân chủ hay nhân quyền. Họ không quan tâm đến vấn đề gì khác ngoài bản thân họ và gia đình của họ.”
Nhận định này của Lê Minh Đức cũng gần giống với ý kiến của nhà quan sát chính trị Việt Nam Vũ Hồng Lâm. Trước khi Đại hội đảng lần thứ 12 kết thúc vài tiếng đồng hồ, ông Lâm nói với chúng tôi về mối quan tâm của nhiều người bên ngoài về sự tranh đoạt quyền lực trong đảng, và về chính mối quan tâm của các đảng viên đại biểu đang dự đại hội đảng:
“Nhưng cái quan trọng nhất đối với 1500 đại biểu đi dự đại hội đảng, là sự nghiệp cá nhân của họ. Họ cần giữ cái chức vụ của họ, cái đó nó khác rất xa với khát vọng của người dân bên ngoài.
Những người bên trong đảng họ cần sự ổn định để tiếp tục cầm quyền và hưởng lợi từ những cái đó.”
Ông Lâm có nói thêm là sự quan tâm của dân chúng đến vấn đề nhân sự của đảng cộng sản là vì người ta khát khao sự thay đổi.
Một cây bút khác là ông Nguyễn Xích Long lại nhận định qua bài viết của ông trên trang Dân Luận rằng một số đông trong tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện nay không quan tâm đến thay đổi chính trị vì họ cho rằng họ đang được hưởng lợi từ chế độ này:
“Không khí đòi hỏi dân chủ, nhân quyền sôi động ở Việt nam hiện nay đang tác động đến đông dảo dân chúng Việt Nam và qua vở tuồng 12 vừa rồi ít nhất chúng ta cũng thấy những biểu hiện tích cực là số người quan tâm đến chính trị và thời cuộc đã tăng vọt, số người đưa ra ý kiến đủ các chiều hướng đa dạng phong phú cũng tăng vọt. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn một lớp người thờ ơ vô cảm không những không quan tâm đến đấu tranh dân chủ mà còn khuyên can gạt bỏ các ý kiến đấu tranh dân chủ, họ có biết đâu chính họ tầng lớp trung lưu đang là những con cừu mục tiêu béo nhất của chế độ độc đảng độc quyền.
Bỏ đảng và phê bình đảng
Trở lại với những đảng viên bỏ đảng nhân ngày thành lập đảng, tác giả Công Ngô Dụng kêu gọi các trí thức Việt nam, vẫn còn mang danh hiệu đảng viên hãy từ bỏ đảng.
Nhưng cái quan trọng nhất đối với 1500 đại biểu đi dự đại hội đảng, là sự nghiệp cá nhân của họ. Họ cần giữ cái chức vụ của họ, cái đó nó khác rất xa với khát vọng của người dân bên ngoài.
- Lê Minh Đức
“Các đảng viên, đặc biệt là các trí thức, đã thấy rõ CNML là sai, Chủ nghĩa cộng sản là không tưởng, đã thấy sự lãnh đạo của Đảng thực chất là sự toàn trị, mất dân chủ, thế mà họ vẫn cúi đầu chấp nhận thì họ phải chịu sự mâu thuẩn trong nội tâm đến như thế nào, tư tưởng, tình cảm bị giằng xé đến mức nào. Đáng lẽ như vậy thì họ không nên vào Đảng, đã lỡ vào rồi thì tìm cách ra khỏi càng sớm càng tốt. Tại sao các vị không ra khỏi Đảng,các vị còn chờ gì nữa? Các vị không muốn hay là không dám?
Các đảng viên, đặc biệt là đảng viên trí thức, đã thấy rõ CNML là sai, CNCS là không tưởng, thấy rõ không thể bằng việc góp ý kiến để Đảng thay đổi, là những người yêu nước chân chính, muốn phát triển đất nước để mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân, để thoát khỏi gông cùm ý thức hệ cộng sản, thì còn chờ đợi gì nữa, còn trông mong vào phép màu nào nữa mà không tuyên bố từ bỏ đảng?
Một trong những trí thức như vậy là Giáo sư Chu Hảo, từng làm Thứ trưởng trong chính quyền của đảng. Ông có nhận xét rằng Đại hội đảng cộng sản lần này có nhiều tiến bộ hơn lần trước, tuy vậy vẫn theo mô hình Mác Lê Nin đã lỗi thời.
Nguyễn Hoa Lư nhận xét rằng Giáo sư Chu Hảo quá vị tha với đảng cộng sản.

Nén hương tưởng niệm những nạn nhân Tết Mậu Thân Huế

Ngô Dân Chủ (Danlambao) - Từ hàng ngàn năm nay trong văn hóa người Việt, Tết Nguyên Đán là những ngày thiêng liêng nhất của dân tộc. Đó cũng là những ngày vui nhất trong năm. Nên dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, những ai tất tả ngược xuôi làm ăn mua bán đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Trong một ý nghĩa thiêng liêng nào đó, Tết còn là dịp đoàn tụ với cả những người thân đã mất. Tết cũng là cơ hội để người ta quên đi hận thù, giận hờn năm cũ, hàn gắn những bất hòa. Đó là triết lý về lòng rộng lượng, tính bao dung vào ngày đầu xuân năm mới của người Việt từ bao đời nay. Nói tóm lại, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam mà ai đi xa cũng nhớ và phải trở về.

Ngay trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất chúng ta cũng có 5, 3 ngày hưu chiến để gia đình đoàn viên, chiêm bái tổ tiên, viếng thăm thân thuộc, bằng hữu, xóm giềng với những lời cầu chúc tốt đẹp đầu năm. Người Việt tỵ nạn hải ngoại nhiều chục năm qua dù sống xa quê hương vẫn không quên tập tục tốt đẹp này. Thế nên ở đâu có cộng đồng gốc Việt sống quần tụ chúng ta dễ dàng nhận thấy không khí mua sắm rộn rịp những ngày cuối năm để chuẩn bị cho ba ngày tết. Khói hương nghi ngút, không khí uy nghiêm trước bàn thờ tiên tổ trong những ngày đầu năm để tỏ lòng tôn kính.

Vào những ngày này đúng 48 năm trước, mùa xuân năm Mậu Thân 1968; bất hạnh thay, người dân miền Nam nói chung và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng đã không có những ngày lễ hội lớn nhất mà họ thường có hằng năm! Họ không được chứng kiến những giây phút thiêng liêng nhất của ngày đầu năm với trầm hương nghi ngút! Không có những giây phút uy nghiêm trước bàn thờ tiên tổ! Họ không có những ngày vui nhất trong năm! Họ không có cơ hội để đoàn tụ với gia đình trong bình yên an lạc! Không có dịp để viếng thăm bà con thân thuộc, bè bạn hương lân! Vì ngay trong những giờ phút thiêng liêng và uy nghiêm nhất đó tiếng súng của cộng quân đã giòn giã vang lên khắp các nẻo gần xa, thay cho tiếng pháo giao thừa truyền thống.

Đúng như thế, không khí chết chóc, sợ hãi, hoảng loạn đã thế chỗ cho uy nghiêm, tĩnh lặng, bình an. Cộng Sản Bắc Việt đã lợi dụng những ngày giờ ngưng bắn để bí mật chuyển quân. Tiếp cận những nơi đồn trú xung yếu và quan trọng của QLVNCH với sự tiếp tay của bọn Cộng sản nằm vùng. Để rồi ngay trong những giây phút giao thừa truyền thống thiêng liêng, Hà Nội đã đơn phương phá vỡ thỏa thuận hưu chiến mà họ đã cam kết. Chúng bất ngờ và đồng loạt mở cuộc tổng tấn công trên khắp lãnh thổ miền Nam mà Huế được xem là một trọng điểm phải chiếm cho bằng được.

Tuy nhiên, sau 25 ngày đêm chiếm đóng, quân đội chính quy của Bắc Việt đã hoàn toàn bị lực lượng Tổng Trừ Bị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn I Bộ Binh và quân đội đồng minh Hoa Kỳ đẩy lui khỏi Thành Nội, đánh bật khỏi Thành phố Huế và các quận xã thuộc tỉnh Thừa Thiên. Nỗ lực của cái gọi là “giải phóng” Thừa Thiên Huế của Cộng Sản đã để lại hàng ngàn vành khăn tang cho những thiếu phụ, mẹ già và con trẻ. Những người có chồng, con, cha đã nằm xuống không phải vì chiến trận mà vì đã bị họ bắt đi học tập, và không bao giờ có cơ hội trở về.

Hơn một năm sau, vào khoảng tháng 9 năm 1969 nhờ vào lời khai của những cán binh Cộng Sản hồi chánh; chính quyền và người dân Huế mới lần lượt tìm kiếm, khám phá và đào bới ồ ạt ở Gia Hội, Bãi Dâu, Xuân Ổ, Xuân Đợi, Phú Vang, Phú Thứ, Đồng Di, khe Đá Mài... những mồ chôn tập thể. Những người chết được tìm thấy ở các nấm mồ tập thể này với đủ tư thế: nằm ngồi quỳ đứng. Họ đã bị bắn, bị đập đầu bằng cuốc, bị chôn sống và bị buộc chặt lấy nhau bằng kẽm gai, dây điện thoại, và cả lạt tre thành từng chùm từ 3, 5 đến 10 người. Huế đã trải qua những ngày dài lê thê sống trong hãi hùng lo sợ và bây giờ là nước mắt và nước mắt: Nước mắt trên gò má khô nhăn của những người mẹ già còm cõi ngóng trông, trên đôi mắt quầng thâm, thất thần của những người vợ trẻ đã tận cùng của chịu đựng khổ đau, trên những đứa trẻ thơ bỗng dưng ngây dại vì chờ đợi cha về! Ôi có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người dân xứ Huế!?

Ảnh chụp từ báo Chính Luận ngày 13/14-04-1969.

Theo thống kê từ lời khai của những gia đình có người thân mất tích và của Ủy Ban Truy tầm và Cải Táng Nạn Nhân: đã có hơn 6,000 người bị chết trong biến cố Tết Mậu Thân chỉ tính riêng ở Huế. Đấy là một tội ác có một không hai trong lịch sử Việt Nam! Tội ác rùng rợn, dã man chỉ có thể xảy ra từ thời Trung cổ!

Sau 40 năm đất nước đã thống nhất, chưa có lãnh đạo nào của chính quyền Cộng Sản lên tiếng nhận lấy trách nhiệm. Không những không nhận lấy trách nhiệm, Hà Nội còn cố tình vu vạ, đổ tội cho quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH đã sát hại những nạn nhân này trong chiến dịch phản công rồi vùi tập thể. Thật là trơ trẻn và ghê tởm! Và để xóa đi dấu vết của tội ác này; sau ngày cưỡng chiếm Miền Nam, Hà Nội đã cho phá bỏ những tấm bia tội ác ở nghĩa trang Ba Đồn, xã Thủy Phước gần núi Ngự Bình. Nghĩa trang Ba Tầng ở Núi Bân làng Đình Môn, Kim Ngọc thuộc quận Nam Hòa: Những nơi đã cải tang hàng ngàn bộ hài cốt mà thân nhân không còn nhận dạng được.

Hà Nội còn trân tráo, trơ trẽn hơn khi vào những năm 1998 tại Hà Nội, 2008 tại Sài Gòn, và 2013 tại Huế đã cho tổ chức cái gọi là kỷ niệm chiến thắng lịch sử của chiến dịch Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân như là thành tựu đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự do đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Chỉ có những con người vô luân và chủ nghĩa phi nhân mới xem việc tàn sát đồng loại, tay không, là chiến công oanh liệt! Tất cả những hành động này của Hà Nội là nhằm viết lại lịch sử để đánh tráo khái niệm thiện ác, đúng sai, chính nghĩa và phi chính nghĩa để đánh lạc hướng các thế hệ mai sau.

Và đây: một bài báo của cộng sản Bắc Việt, tuyên truyền láo khoét và bịp bợm 
về biến cố Tết Mậu Thân 1968 để che giấu tội ác của “Bác và Đảng”

******************

Tên sát nhân cộng sản Hoàng Phủ Ngọc Tường 
dối trá về vụ thảm sát Huế Mậu Thân

Hôm nay chúng ta, trong niềm vui thiêng liêng của ngày đầu năm mới, chúng ta không quên những người đã nằm xuống để chúng ta còn được sống hôm nay. Đó là những chiến sĩ, những cán bộ, công chức, những người đã bảo vệ và phục vụ đất nước. Những người mẹ, người vợ chiến sĩ, các bạn trẻ sinh viên học sinh đã chọn thể chế tự do, dân chủ làm lẽ sống mà phải chết dưới bàn tay Cộng Sản vào những ngày tưởng chừng là bình yên, thiêng liêng và hạnh phúc nhất trong năm! Họ đã chết vì quê hương và vì lý tưởng tự do! Trong bốn câu thơ sau đây, tôi xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Trần Trung Đạo mà tôi vô cùng tâm đắc như là chân lý ngàn đời để tưởng nhớ những nạn nhân Tết Mậu Thân ở Huế:

Anh linh người hỡi về đây chứng,
Lịch sử bao giờ có bất công?
Những ai đã chết vì sông núi,
Sẽ sống muôn đời với núi sông.

Tôi xin dùng những lời đầu năm này như là nén hương, những giọt nước mắt để khóc thương và tưởng nhớ các bạn. Xin kính cẩn và chân thành cầu chúc anh linh những người đã mất được yên nghỉ. Cầu chúc vận hội tốt đẹp sẽ đến với những nhà đấu tranh dân chủ để nhân dân Việt Nam sớm hưởng được không khí tự do. Kính cầu chúc người Việt trong và ngoài nước một năm mới - Năm Bính Thân - Thân Tâm Thường An Lạc!

Năm Khỉ khó quên trò khỉ

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - ...Bính Thân gợi nhớ lại Mậu Thân, 1968. Xấp xỉ đà nửa thế kỷ trôi qua, nhưng còn rói máu trên bàn tay khủng bố Cộng Sản. Một trong bao nỗi kinh hoàng do CS gây cho dân Việt là vụ thảm sát trên dưới 6 ngàn người dân Huế vào dịp Tết năm ấy, trong đó có một người bạn mới quen thân của Bá tước Đờ Ba-le về quê ăn Tết bị chôn sống, chưa nói đến hàng ngàn người dân Việt khắp các tỉnh thành Miền Nam. Qua mật lệnh khai hỏa của đảng trưởng Hồ Chí Minh bằng cái gọi là “thơ chúc Tết đồng bào Miền Nam của bác Hồ”...

*

Bá tước Đờ Ba-le, tuy đã lầm khi sang đây lấy em “mít” làm vợ, nhưng là “con nhà có đạo” phải chấp hành “điều lệ” đạo trong đó có câu “Sự gì Thiên Chúa kết hợp thì loài người không được phân chia”, nên Bá tước đành bấm bụng “đã lỡ cho lỡ luôn, tới luôn bác tài” yêu nước vợ.

Yêu nước vợ chưa hẳn là đã yêu văn hóa nước vợ, nhưng vì luôn luôn phải nhớ lời vợ dặn, “Nhập gia tùy tục”. Riết rồi, Bá tước Đờ Ba-le cũng thấm nhuần “tư tưởng và đạo đức” bác “Mít” phu nhân dân Hải Phòng, trong đó có những điều phải kiêng cữ trong ba ngày Tết.

Những điều kiêng cử trong ba ngày Tết theo truyền thống thì nhiều, bao gồm việc làm lẫn lời nói, nhưng theo đà văn minh tiến bộ, ngày nay người ta đã bỏ đi hầu hết, chỉ giữ lại những điều không thể nào bỏ được, chẳng dám ai bỏ được, vì tính chất linh thiêng không thể chối cãi được của những “thứ dữ “ chuyên gieo rắc tai ương hiểm họa này.

Đó là những “chụm từ” mà mốt số phương ngữ vùng Nghệ Tĩnh gọi là “Từ như đồ cấy Chụm”: Cộng Sản, Xã Hội Chủ Nghĩa, Đại Hội, Hồ Chí Minh...

Ba ngày Tết gặp nhau, người người chúc nhau toàn những điều tốt đẹp, Hạnh phúc, An khang, Thịnh vượng. Ai lại dại đi nhắc tới bọn Cướp Sạch, Xuống Hố Cả Nút, Đại Họa, Trò Khỉ...

Bao năm qua, Tết nào Bá tước Đờ Ba-le cũng đều “làm tốt” lời vợ dặn về chuyện kiêng cử ba thứ tối kỵ này. Nhưng năm nay Bá tước đã vi phạm, không biết do vô tình quên mất, hay cố ý không nghe lời vợ dặn, ngay giờ giao thừa, chưa bước vào năm mới Bính Thân, năm con Khỉ.

Bính Thân gợi nhớ lại Mậu Thân, 1968. Xấp xỉ đà nửa thế kỷ trôi qua, nhưng còn rói máu trên bàn tay khủng bố Cộng Sản. Một trong bao nỗi kinh hoàng do CS gây cho dân Việt là vụ thảm sát trên dưới 6 ngàn người dân Huế vào dịp Tết năm ấy, trong đó có một người bạn mới quen thân của Bá tước Đờ Ba-le về quê ăn Tết bị chôn sống, chưa nói đến hàng ngàn người dân Việt khắp các tỉnh thành Miền Nam. Qua mật lệnh khai hỏa của đảng trưởng Hồ Chí Minh bằng cái gọi là “thơ chúc Tết đồng bào Miền Nam của bác Hồ”.

Bá tước Đờ Ba-le đang đấm ngực “ăn năn tội” đã quên lời vợ dặn kiêng cử giữ mồm giữ mép trong ba ngày Tết. Bá tước chưa kịp “xưng tội” với vợ hiền, thì vọng vào tiếng Bá tước phu nhân đang cầu nguyện trước bàn thờ ngoài phòng khách:

Cầu xin Chúa đưa linh hồn những người đã bị Cộng Sản sát hại trong Tết Mậu Thân lên nước Thiên Đàng. Xin Chúa cho nước Việt Nam thoát khỏi ách độc tài CS mà chúng con đã bị nó hành lâu quá rồi. Nhưng nếu Chúa còn bắt dân tộc chúng con tiếp tục đền tội, dùng CS như cái roi để quất dân VN cho sáng mắt ra, thì cũng xin Chúa cho bó tay CS lại để chúng bớt làm trò khỉ trong năm Khỉ này. Amen.

Bá tước Đờ Ba-le vừa vui mừng (khỏi phải xưng tội với vợ) vừa ngạc nghiên, không ngờ Bá tước phu nhân, dân Hải Phòng mà cũng chống CS hăng ra phết. Bá tước bèn “hèn chi” thời gian gần đây các đảng viên CS thay phiên nhau “thoát đảng”, trường hợp mới nhất là Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên lão thành.