Friday, July 6, 2018

Thành viên Phong trào Lao động Việt bị tấn công

RFA-2018-07-06  
Thân phụ cô Đỗ Thị Minh Hạnh, ông Đỗ Ty quét dọn vụn cửa kính vỡ sau khi côn đồ ném gạch đá vào nhà.
Thân phụ cô Đỗ Thị Minh Hạnh, ông Đỗ Ty quét dọn vụn cửa kính vỡ sau khi côn đồ ném gạch đá vào nhà.Courtesy: Facebook Minh Hanh Do Maria
Vụ việc côn đồ tấn công tư gia của gia đình cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh suốt gần 3 tuần qua, mà chính quyền và công an địa phương không can thiệp làm dấy lên luồng dư luận cho rằng Chính quyền Việt Nam tiếp tục trấn áp tổ chức cổ xúy cho công đoàn độc lập- Phong trào Lao Động Việt.

Tấn công có chỉ đạo?

“Bây giờ hiện tại chỉ có hai bố con Minh Hạnh, mà từng ngày từng giờ lúc nào cũng bị khủng bố, đêm nào cũng bị đe dọa. Cái nhà của tôi bị phá tang hoang hết rồi.”
Ông Đỗ Ty, thân phụ của cựu tù nhân lương tâm, nhà hoạt động vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh, vào tối ngày 6 tháng 7, nói với RFA như vừa nêu. Ông Đỗ Ty cho biết trước thời điểm các cuộc biểu tình nổ ra hồi trung tuần tháng 6 vừa qua gia đình ông không gặp phải tình trạng mà theo lời ông là “đe dọa, khủng bố”.
Nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh cho Đài Á Châu Tự Do biết cô về cư ngụ tại nhà của thân phụ, ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hồi trung tuần tháng 5 vừa qua. Vài ngày trước khi công nhân biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng, cô Minh Hạnh bị chặn giữ và cản trở trong việc đi lại. Sau khi các cuộc biểu tình của đông đảo công nhân diễn ra trong những ngày trung tuần tháng 6, thì côn đồ bắt đầu tấn công tư gia của gia đình cô kể từ ngày 26 tháng 6 và liên tục suốt gần 3 tuần qua. Côn đồ ném thiết bị nổ, gạch đá và xịt hơi cay vào nhà gây ra những tổn hại nặng nề về vật chất lẫn tinh thần cho cả hai bố con cô Minh Hạnh.
Vấn đề chúng tôi đã báo và họ phớt lờ đi, chứng tỏ rằng có một sự chỉ đạo từ phía bên trên, chứ đơn thuần là họ thôi thì họ sẽ không dám làm những điều tàn bạo đến mức độ như vậy
-Nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh
Vụ việc côn đồ tấn công được nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh gọi điện thoại trình báo với công an thị trấn Di Linh, công an huyện Di Linh và các cuộc trình báo này được livestream trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, đồng thời thư trình báo cũng được gửi phát nhanh (EMS) đến hai cơ quan công an này và cô Minh Hạnh đã nhận được biên lai hồi báo công an huyện Di Linh đã ký nhận. Cô Minh Hạnh còn thông báo vụ việc tấn công của côn đồ với đại diện của khu phố:
“Thậm chí mình còn mời cả ông Trưởng Ban an ninh trật tự khu phố tới và ông cũng có nói rằng ông đã trình báo với công an rồi, nhưng công an không xuống thì không thuộc thẩm quyền của ông.”
Vào chiều ngày 4 tháng 7, Đài RFA liên lạc với công an huyện Di Linh qua điện thoại để hỏi về trường hợp trình báo vụ việc tấn công mới nhất xảy ra trong tối mùng 3 tháng 7 tại nhà của gia đình ông Đỗ Ty, và chúng tôi được trả lời:
“Không thấy hộ ông Đỗ Ty báo gì lên công an huyện tình hình tối hôm qua. Đề nghị một là gia đình lên trực tiếp, hoặc hai là báo qua điện thoại mà chưa nhận được thông tin gì.”
Những người theo dõi sát diễn tiến xảy ra đối với gia đình của nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh cho rằng đợt tấn công là biện pháp trả đũa của chính quyền đối với Phong trào Lao Động Việt, do cô Minh Hạnh giữ chức vụ chủ tịch. Bản thân cô Minh Hạnh nhận định:
“Vấn đề chúng tôi đã báo và họ phớt lờ đi, chứng tỏ rằng có một sự chỉ đạo từ phía bên trên, chứ đơn thuần là họ thôi thì họ sẽ không dám làm những điều tàn bạo đến mức độ như vậy.”

Việc đàn áp bị phản đối

Chủ tịch Phong trào Lao Động Việt-Nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh
Chủ tịch Phong trào Lao Động Việt-Nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh Courtesy: Facebook Minh Hanh Do Maria
Một thành viên của Nhóm Nhân sĩ Trí thức Sài Gòn, ông Huỳnh Kim Báu nói với RFA Chính quyền Việt Nam không loại trừ bất kỳ một hình thức nào để đán áp giới đấu tranh ôn hòa ở trong nước:
“Chính quyền này, khi họ cầm quyền thì họ không từ điều gì hết. Khủng khiếp lắm! Trong các chế độ độc đảng như Trung Quốc, Liên Xô trước đây, Bắc Triều Tiên, tất cả những nước gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’, độc tài thì thuộc tính của nó là khủng bố. Hãy nhớ một điều: ai cũng thế, đầu tiên là phải sống, rồi mới sống của con người sống mà họ tấn công vào sinh tồn trước là cực kỳ ác.”
Ông Huỳnh Kim Báu trưng dẫn các biện pháp đàn áp đối với các nhà hoạt động không chỉ qua việc dùng côn đồ tấn công, hành hung mà còn sử dụng rất nhiều cách thức khác đối với họ và cả thân nhân trong gia đình họ như triệt tiêu kế sinh nhai, đóng tất cả các cánh cửa công ăn việc làm hay làm áp lực không cho thuê mướn nơi ăn chốn ở…
Chính quyền này, khi họ cầm quyền thì họ không từ điều gì hết. Khủng khiếp lắm! Trong các chế độ độc đảng như Trung Quốc, Liên Xô trước đây, Bắc Triều Tiên, tất cả những nước gọi là ‘xã hội chủ nghĩa’, độc đảng, độc tài thì thuộc tính của nó là khủng bố
-Ông Huỳnh Kim Báu
Với tư cách là Chủ tịch Phong trào Lao Động Việt, cựu tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh khẳng định tổ chức công đoàn độc lập này sẽ tiếp tục đồng hành cùng với công nhân tại Việt Nam. Riêng về vụ việc gia đình bị côn đồ tấn công trong gần 3 tuần lễ qua, cô Minh Hạnh cho biết nếu tình hình vẫn tiếp diễn thì “Chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng ở cấp tỉnh và sẽ đưa vụ việc này ra trước công luận và quốc tế”.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân Xá Quốc Tế-Amnesty International, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền-Human Rights Watch ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính quyền Việt Nam ngay lập tức can thiệp để chấm dứt vụ việc tấn công hành hung, nhắm vào nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh.
Phó Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Phil Robertson, vào ngày 4 tháng 7 lên tiếng cho rằng chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đồng lõa với côn đồ và không có biện pháp trừng phạt đối với các hành động này nhằm bịt miệng giới đấu tranh ôn hòa tại Việt Nam.
Vào ngày 5 tháng 7, Dân biểu Úc Chris Hayes viết thư gửi đến Đại sứ Australia tại Việt Nam, trình bày vụ việc của nhà hoạt động dân sự Đỗ Thị Minh Hạnh và bày tỏ mong muốn Đại sứ Úc tại Việt Nam hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn cho đời sống của gia đình cô Đỗ Thị Minh Hạnh nói riêng và các nhà hoạt động cho công bằng xã hội và nhân quyền tại Việt Nam nói chung.

Người Việt nổi giận, Facebook xin lỗi về bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa

Theo VOA-07/07/2018
Hình ảnh bản đồ của Facebook đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình TinTuc1h)
 Hình ảnh bản đồ của Facebook đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình TinTuc1h)
Facebook hôm 5/7 đưa ra lời xin lỗi đối với những người dùng mạng xã hội của Việt Nam về bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc sau nhiều áp lực từ cộng đồng mạng, theo truyền thông trong nước.
Trước đó 2 ngày, Facebook đưa ra lời giải thích rằng “đây là lỗi kỹ thuật và chúng tôi đã sửa lỗi này” sau khi cộng đồng marketing tại Việt Nam phát hiện ra phần bản đồ hiển thị quảng cáo theo quốc gia của Facebook đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền vào lãnh thổ Trung Quốc,
Ngày 1/7, các trang mạng trong nước đăng tải phát hiện của họ về bản đồ hiển thị livestream của Facebook để tên Sansha (Tam Sa) tại hai vị trí quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên Facebook không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào và điều này đã làm cho “sự giận dữ của người dùng tại Việt Nam tiếp tục tăng cao chứ không có dấu hiệu lắng xuống”, theo ZingNews.
Nhiều người đã kêu gọi tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam với hơn 58 triệu tài khoản đang được sử dụng ở quốc gia Đông Nam Á có dân số hơn 90 triệu người.
Ngay sau khi được biết về bản đồ có thông tin ‘sai’ về Biển Đông, Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam đã yêu cầu Facebook giải quyết vụ việc.
Cùng lúc đó, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Facebook xin lỗi người dân và chính phủ Việt Nam vì “vấn đề này liên quan đến chủ quyền quốc gia.”
“Cuối tuần qua, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ người dùng ở Việt Nam về một số điểm không chính xác trong bản đồ vị trí được sử dụng trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook,” đại diện truyền thông của Facebook dẫn lời người phát ngôn của công ty này hôm 5/7.
Truyền thông trong nước trích lời người phát ngôn của Facebook nói: “Chúng tôi xin lỗi vì gây ra sự nhầm lẫn này cho người dùng.”
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng hôm 5/7 cho biết Facebook đã "sửa thông tin sai lệch" về bản đồ.
“Như nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Thắng nói.
Mặc dù Facebook bị cấm ở Trung Quốc nhưng theo dữ liệu của Statista, vẫn có khoảng trên 55,6 triệu người dùng mạng xã hội này của nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam.
Nhận định về “lỗi kỹ thuật” vừa qua của Facebook, một chuyên gia về an ninh mạng ở Đại học New South Wales của Úc, tiến sỹ Sarah Logan, được ZingNews trích lời nói rằng “dẫu cho đó thật sự là lỗi kỹ thuật, mô thức chung về việc công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo hướng có lợi cho Bắc Kinh là việc có tiền lệ.”
Theo truyền thông trong nước, Hoàng Sa trước đây do chính quyền miền Nam Việt Nam kiểm soát và bị Trung Quốc đưa quân vào chiếm năm 1974. Biển Đông là khu vực luôn có nhiều tranh chấp khi Việt Nam, Trung Quốc, và các nước khác gồm Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei, đều cùng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn phần trên đó.

Ân xá Quốc tế yêu cầu Việt Nam trả tự do cho blogger Lê Anh Hùng

Theo VOA-06/07/2018 
Blogger Lê Anh Hùng.Blogger Lê Anh Hùng.
Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Lê Anh Hùng, một cộng tác viên thường xuyên của VOA Tiếng Việt.
“Một lần nữa, nhà chức trách Việt Nam đã phải sử dụng đến các điều luật đàn áp nặng nề để dập tắt những chỉ trích chính đáng và ôn hòa”, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế nói trong thông cáo ngày 5/7.
Nhà báo độc lập, blogger Lê Anh Hùng bị chính quyền Hà Nội bắt vào sáng 5/7 với cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ Luật hình sự về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng cáo buộc của nhà nước Việt Nam là “vô căn cứ” và kêu gọi Hà Nội chấm dứt việc sử dụng nhà tù như một phương tiện để đàn áp những người chỉ trích.
“Ông Lê Anh Hùng cần phải được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện, và cần phải chấm dứt cuộc đàn áp tự do ngôn luận đang diễn ra trên cả nước”, Ân xá Quốc tế nói.
Blogger Lê Anh Hùng được biết đến qua nhiều bài viết về dân chủ, nhân quyền và các bài bình luận về chính trị, thời sự Việt Nam.
Ngoài việc cộng tác với VOA, ông còn là một dịch giả và là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập tại Việt Nam. Những bài viết gần đây của ông bình luận về hai chủ đề thời sự mà dư luận đang quan tâm là dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.
Trên trang blog cá nhân, ông Lê Anh Hùng còn đăng nhiều thư tố cáo, chỉ trích các lãnh đạo Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và một số lãnh đạo khác.
Thân mẫu của blogger Lê Anh Hùng, bà Trần Thị Niệm, cho VOA biết theo lệnh bắt ngày 5/7, ông Lê Anh Hùng sẽ bị tạm giam 3 tháng.
Sau thời hạn điều tra, blogger này có thể phải đối mặt với bản án lên đến 7 năm tù giam nếu bị kết tội.

Chúng ta đang sống trong thời đại nào?


Câu hỏi này rất cũ, nhưng nó lại đặc biệt mới sau khi tôi đọc lá thư của một nữ sinh viên gửi cho ông thầy tên Hạ trên facebook (thiết nghĩ không cần nhắc thêm về nội dung lá thư này) hay bản tin của Lý Đợi trên facebook về việc nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM đóng cửa triển lãm “bí ẩn cơ thể người”; Và hơn nữa, sau khi tôi đọc đoạn tin về nhóm nhạc đường phố đang biểu diễn tại Đà Nẵng “thành phố đáng sống”, bên cạnh chân cầu Tình Yêu và cầu Rồng thì bị một nhóm cán bộ và dân quân, công an phường đến tịch thu dàn âm thanh, đạo cụ mang về phường, phạt hành chính và nhắc nhỡ tuyên truyền… đừng xin tiền!
Chuyện nghe cứ như phim ảnh hay một thứ gì đó thuộc về thế giới tưởng tượng hay thế giới hồi tưởng của người văn minh nhớ về một quá khứ đen tối của quốc gia, dân tộc. Nhưng không phải, đây là câu chuyện mới, rất mới, nó vừa xảy ra!
Bởi với con người có đủ hoặc chí ít có được một phần văn minh, tiến bộ và nhân bản trong tâm hồn, trí tuệ, sẽ chẳng có ai hành xử cổ hủ và chẳng khác nào “dùi đục chấm mắm cái” như vậy. Trong khi đó, kẻ hành xử vừa nói là những viên chức, quan chức nhà nước Việt Nam trong thế kỉ 21 này!
Như trường hợp ông thầy giáo Hạ cũng không kém phần đáng sợ bởi ông ta là một trí thức, một người có ăn học tới nơi tới chốn, một người có hiểu biết pháp luật (bởi đây là môn bắt buộc của một sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng, cử nhân và môn có chuyên sâu của nghiên cứu sinh hệ trên cử nhân theo qui định của ngành giáo dục Việt Nam từ trước tới nay) nhưng lại cố tình lờ đi trước bất công và vô pháp, lại tuyên bố “thầy không biết luật!”…
Điều này khiến cho người chứng kiến phải bật ra câu hỏi tưởng như đã cũ “Chúng ta đang sống trong thời đại nào đây?!”. Và câu trả lời, đương nhiên là đã có sẵn, một sự đương nhiên “chúng ta đang sống trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa”. Không có câu trả lời nào khác!
Vấn đề làm người ta thắc mắc và lấy làm lạ là hiện nay đã bước vào thế kỉ 21, loài người đã có những bước tiến khá xa từ khoa học cho đến triết lý sống cũng như các chuẩn mực đạo đức, dân quyền… Việt Nam không phải là quốc gia đóng cửa kín bưng trước thế giới, Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài, mở rộng các quan hệ quốc tế và tham gia Liên Hiệp Quốc, thậm chí ký kết các điều khoản về nhân quyền, tự do của Liên Hiệp Quốc như mọi quốc gia tiến bộ khác. Vậy tại sao Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn lại có cách hành xử cứ như mới từ trong bụi chui ra như vậy?
Đà Nẵng, một thành phố mà người ta vẫn hay kháo với nhau rằng đây là thành phố “đáng sống nhất Việt Nam” bởi cơ sở hạ tầng tốt, cung cách hành xử của hệ thống quan chức địa phương có văn hóa, môi trường thân thiện… Nhưng nghe ra chuyện này đã thuộc về quá khứ. Ngay trong lúc các trào lưu nghệ thuật đường phố xuất hiện ở Hà Nội, Huế như một tín hiệu về sự giao thoa văn hóa, sự tiến bộ và hiện đại của đất nước thì tại Đà Nẵng, việc một nhóm sinh viên mang nhạc cụ ra đường phố đứng biểu diễn và để chiếc hộp đàn để nhận tiền thưởng của khán giả (một chuyện hết sức thường tình và tạo hình ảnh đẹp) lại bị một cán bộ phường đến quát tháo, tịch thu nhạc cụ, lập biên bản, phạt tiền…
Điều này cho thấy gần như mọi yếu tố cát cứ, lộng quyền đã phát triển đến đỉnh của nó. Có nghĩa là cái điều mà tối kị nhất trong một cơ thể quốc gia là “trên bảo dưới không nghe” dường như đang diễn ra đầy rẫy tại Việt Nam. Một tay cán bộ xã, phường, thậm chí cán bộ thôn, ấp tự xem mình là một ông vua khu vực. Và những kẻ lính lác bên dưới tự xem họ là những khanh tướng, được quyền, được phép ăn trên ngồi trốc, đè đầu cưỡi cổ nhân dân.
Dường như mọi lý thuyết như “cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân” hoặc cán bộ là “của dân, do dân và vì dân”, “cán bộ được đào tạo để phục vụ nhân dân”… đều là những câu cửa miệng được nói không ngớt bởi chính những kẻ phản bội lại nhân dân.
Tính phản bội nhân dân của họ phát triển thông qua những món lợi ích từ lợi ích nhóm cho đến lợi ích cá nhân, vinh thân phì gia. Và đến khi mọi lợi ích vật chất đã đủ, người ta chuyển sang những lợi ích tinh thần. Mà bất kỳ thứ ích kỉ nào được đính kèm với thế giới tinh thần đều cho ra những kiểu tinh thần bệnh hoạn và kỳ dị, nếu không muốn nói là kinh dị.
Bằng chứng, một ông thầy giáo, giảng viên đại học, hiệu phó một ngôi trường đại học thuộc dạng hàng đầu Việt Nam sẵn sàng nói không biết ngượng miệng trước sinh viên của mình rằng “thầy không biết luật!”. Một câu trả lời mà bất kì nhà giáo nào (kể cả giáo viên mầm non) nói ra đều cảm thấy đó là nỗi nhục. Bởi pháp luật là thứ không riêng gì trí thức phải hiểu biết, mà nó là thứ qui định, là loại khế ước xã hội bắt buộc mọi người đều phải biết, phải nắm những thông tin cơ bản của nó để hành xử, để sống.
Ở đây, câu “thầy không biết luật” như một thứ bệnh hoạn tinh thần. Cụ thể là căn bệnh lợi ích tinh thần. Bởi để có được cái quyền lợi từ đảng phái, quyền lợi tiến thân trong hệ thống và quyền ăn trên ngồi trốc, người ta sẵn sàng đạp lên mọi giá trị đạo đức. Và đôi khi, mỗi cái chết của giá trị đạo đức lại tạo ra tiếng cười đắc thắng ngấm ngầm trong phép thắng lợi tinh thần bệnh hoạn. Nó bệnh hoạn đến mức một ông thầy giáo có thể đứng nhìn một đám đàn ông (không cần biết họ là gì) nhục mạ một cô nữ sinh bằng những từ ngữ không còn gì bỉ ổi và sỉ nhục hơn và không có bất kì một phản ứng nào ngoài việc đồng tình với đám đàn ông kia!
Và câu chuyện cấm văn hóa, từ việc cấm triển lãm “bí ẩn cơ thể người” ở Sài Gòn cho đến cấm các bạn trẻ chơi nhạc đường phố ở Đà Nẵng cũng là một phép thắng lợi tinh thần bệnh hoạn khác. Đó là một loại bệnh sợ phát triển của tinh thần. Người ta sẵn sàng để hàng trăm, hàng ngàn đám đông nhậu nhẹt ngồi tràn lan ra lề đường, thậm chí che trại lấn cả lòng đường để hát hò, nhảy nhót, karaoke tưng bừng. Trong đó, không ngoại trừ những bài ca ngợi đảng, ca ngợi bác Hồ và những bài theo kiểu “không còn yêu thì anh cứ đi, trên đường đi nói câu biệt ly yeah!” hay “”nếu em thấy không còn cảm giác, thì vui lòng đi tìm người khác yeah!”. Những thứ đó hoàn toàn không bị cấm, thậm chí được ngầm cổ xúy, và không ít trường hợp, những đám đông nhảy nhót đó có đầy các gương mặt cán bộ phường, xã, thậm chí huyện, quận…
Nhưng người ta lại không chấp nhận những cuộc chơi nghiêm túc hàm chứa học thuật. Bởi đâu đó trong sâu thẳm của phép thắng lợi tinh thần còn hàm chứa cả nỗi sợ hãi. Sợ nhân dân nổi dậy, sợ những đám đông hành xử có văn hóa, sợ những đám đông hiểu biết, sợ những cuộc hội tụ không tạp nhạp và không có biểu hiện bản năng.
Ở một đất nước mà các đám đông tạp nhạp, biểu hiện bản năng và suồng sả thì được hoạt động thoải mái nhưng bất kì một nhóm nhỏ nào có biểu hiện văn minh hay một chút gì đó thuộc về văn hóa, nghệ thuật thì bị chặn đứng bởi một nỗi sợ hãi nào đó từ sâu thẳm nhà cầm quyền thì có vẻ như cái lổ hổng đạo đức, tư duy và văn háo đã không còn chỗ vá.
Bởi nó cho thấy nỗi bất an đã xâm chiếm mọi ngõ ngách tâm hồn, và chính những kẻ cấm đoán lại là kẻ bất an nặng nề nhất. Sự giải tỏa bất an bằng những hành vi dần rời xa tính người là một biểu hiện suy thoái tinh thần đến đỉnh điểm trong cái phép thắng lợi tinh thần của kẻ bất an!
Và người tỉnh thức, người sở cầu văn minh, nhân bản, nhân văn bao giờ cũng là người phải đeo vòng gai và vác thánh giá trên sa mạc cô đơn này!

Công an Lâm Đồng khủng bố, nhằm muốn ép Minh Hạnh phải đi tỵ nạn, ra khỏi Việt Nam?


VN 
Bản quyền hình ảnh
Kíp nổ được cho là được ném vào nhà bà Minh Hạnh đêm 26/7

Việt Nam
Từ nhà của mình, cô Đỗ Thị Minh Hạnh thử tìm một câu trả lời cho việc công an CSVN liên tục khủng bố cô và người cha già tại tư gia ở Di Linh, Lâm Đồng, la có thể "Công an muốn tôi đi tỵ nạn, ra khỏi Việt Nam để dứt bỏ mối lo ngại về sự có mặt của tôi ở trong nước cùng sự nối kết với giới công nhân".
Được biết, để bảo đảm tính mạng cho cha mình, cô Hạnh đã dự định rời nhà đi nơi khác, nhưng 3 lần cô nhờ người chở đi đều bị các loại côn đồ do công an hậu thuẫn ngăn chận, đe dọa.
Thậm chí anh Đinh Văn Hải, một người khuyết tật ở Di Linh khi ghé thăm gia đình cô, khi ra về đã công an cho người đánh gãy xương vai và tay.
Đêm 3/7, tại Di Linh, Lâm Đồng, với sự làm ngơ đầy tính tổ chức của công an địa phương, các toán côn đồ trong đêm lại tấn công nhà của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, lần này có cả khí gas độc, khiến cô Hạnh đang trong tình sức khỏe bất thường.
Nhiều hình ảnh ghi lại vào các đêm qua, cũng như với đợt tấn công thứ 4 đã có trên các trang mạng.. Đó là những cuộc khủng bố cách ngày, vào những giờ cố định, khi mọi gia đình đang say giấc và cũng quá sợ hãi để lên tiếng.
Không có gì bất thường trước những câu chuyện bạo lực rất đỗi bình thường tại vùng đất Lâm Đồng, khi những hồ sơ tấn công người bất đồng chính kiến dùng côn đồ được bảo trợ bằng công an, được ghi nhận từ năm 2015, với trường hợp đốt ruộng, tấn công nhà của cựu tù nhân Trần Minh Nhật, rồi mới đây, tháng 6/2018 là vụ công an gõ cửa nhà đại lão Hứa Phi, Chánh trị sự Đạo Cao Đài, nói để đưa giấy mời rồi ập vào nhà tấn công, đánh đập khiến ông hôn mê, phải đưa đi cấp cứu.
Theo cô Đỗ Thị Minh Hạnh nhận định, các đợt tấn công vào nhà cô, kể cả tấn công vào ông Đỗ Ty, cha cô mà nay đã hơn 70 tuổi, vì công an cho rằng cô có liên quan đến việc công nhân ở các vùng biểu tình đòi cải thiện đời sống cũng như phản ứng về luật đặc khu và an ninh mạng.
Hình ảnh hôm nay của đời sống công dân tại Lâm Đồng, sự xấu đi của bộ mặt vùng đất này, dù biện minh thế nào trước các sự việc nói trên, chắc không thể nào thiếu được phần trách nhiệm và tiếng nói của thiếu tướng Bùi Văn Sơn, giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng.
Dưới đây là phần trả lời của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, từ ngôi nhà của mình tại Di Linh, mà nay không khác gì một ngôi hầm trú ẩn.

Nuôi bọn trộm cướp

“…Tình hình các nơi cũng như thế, nghĩa là một số không nhỏ những người hưởng chế độ thương binh và CĐ DC không phải là thương binh, không phải là nạn nhân CĐ DC mà chỉ là bọn trộm cướp công khai, hợp pháp…”
bon_tromcuop
Tôi đến thăm người bạn ở quê, là một cựu chiến binh. Bạn vừa tiễn 2 người khách. Thấy vẻ mặt bạn không vui, tôi hỏi có chuyện gì. Được biết 2 người vừa rồi đến vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam( CĐ DC). Tôi nói, ủng hộ nạn nhân CĐ DC là việc làm hợp đao lý, thế thì không vui vì nỗi gì. 
Bạn nói : Nạn nhân gì chúng nó. Ở cái xã này tôi biết rõ từng người, từ cụ già nhất cho đến bọn trẻ choai choai. Chẳng có ai là nạn nhân CĐDC hết.
Thế mà người ta vẫn lập hội. Hội trưởng là Trần Toàn, cựu chiến binh, mạnh khỏe, chỉ hơi bị sướt da chảy máu một chút trong lúc hành quân năm 1967, chẳng đụng một tí gì chất độc da cam, thế mà mấy chục năm nay hàng tháng vẫn nhận một khoản trợ cấp bị nhiễm độc và thương binh, số tiền lớn hơn lương hưu nhiều cựu giáo chức.
Dừng lại một chôc để pha chè, mời nhau uống nước, hỏi han sức khóe, bạn tiếp:
Không riêng ở xã này, tôi quen biết nhiều vùng trong huyện, trong tỉnh. Tình hình các nơi cũng như thế, nghĩa là một số không nhỏ những người hưởng chế độ thương binh và CĐ DC không phải là thương binh, không phải là nạn nhân CĐ DC mà chỉ là bọn trộm cướp công khai, hợp pháp. Biết rõ đó là bọn trộm cướp, thế mà vẫn phải ngậm bồ hòn đóng tiền nuôi chúng nó, thế có căm không. Mà tiền của mình là do lao động cực nhọc mới kiếm được chứ có phải dễ đâu.
Chắc ông thắc mắc, tại sao tôi lại gọi bọn chúng là trộm cướp hợp pháp, và không có nạn nhân thì lấy đâu ra người để lập hội. Chạy, chạy tuốt. Chạy một suất nạn nhân, trọn gói là 30 triệu. Chạy được rồi thì hàng tháng được trợ cấp 1,8 triệu, như vậy chưa đến năm rưỡi đã hòa vốn, còn lại được hưởng đến hết đời. Quá lãi, dại gì mà không chạy. Nhưng chạy được rồi sẽ mang tiếng là bọn trộm cướp. Mi lừa được ai chứ lừa sao được dân xung quanh biết rõ cả 4 đời nhà mi. Nhưng đó là bọn trộm cướp vặt . Đường dây tổ chức cho chúng nó mới thuộc vào băng đảng trộm cướp lớn hơn. Ở huyện và tỉnh chúng nó kiếm được hàng chục, hàng trăm tỷ chia nhau. Nhưng đó là thằng cướp lớn lấy được của thằng trộm cướp nhỏ. Còn bọn trộm cướp nhỏ, công khai, tuy mỗi tháng mỗi đứa ngang nhiên bòn rút từ công quỹ 1,8 triệu , nhưng toàn quốc có đến hàng chục vạn tên thì số tiền công quỹ mất vào tay chúng nó không hề nhỏ. Mà không phải chỉ chạy nạn nhân CĐ DC. Người ta chạy cả thương binh, thanh niên xung phong, lão thành CM. cán bộ tiền khởi nghĩa. Không biết ông Trọng đốt lò chống được bọn tham nhũng gộc ở những đâu, còn hàng triệu bọn tham nhũng dưới dạng trộm cướp từ hang cùng ngõ hẻm đến các thành thị phồn vinh thì chẳng thấy ai đụng đến.
Tôi bình luận, thật ra tất cả bọn chúng đều trộm cướp từ công quỹ. Bọn đường dây nhận tiền từ bọn lẻ tẻ, trộm cướp được từ công quỹ rồi chia lại một phần cho chúng nó, dười hình thức ứng trước. Tôi hỏi : thế ai có đủ 30 triệu cũng chạy được tiêu chuẩn CĐ DC à. 
Không, không phải ai cũng chạy được, 30 triệu là điều kiện đủ, còn phải có điều kiên cần là hồ sơ quân nhân hoặc phục vụ chiến trường B.
Tôi sực nhớ tới câu chuyện đã lâu, được nghe từ thằng em họ, cựu chiến binh, đang kiếm sống bằng nghề đẩy xe ba gác. Nó kể : Một hôm anh Toàn bảo rằng tuy em không hề bị CĐ DC, nhưng có đủ điều kiện để chạy, nếu kiếm được 30 triệu anh sẽ chạy giúp cho một suất, hưởng suốt đời. Lúc ấy em nghĩ thế là gian dối nên không chấp nhận. Vợ em biết chuyện cứ trách em sao không chạy, gì chứ 30 triệu thì cô ta có thể vay mượn được, rồi trả dần. Bây giờ nghĩ lại em thấy mình cũng hơi cố chấp, nhưng mà thanh thản.
Tham nhũng có 2 loại. Tập trung và phân tán. Loại tập trung là các vụ lớn, có quy mô hàng trăm, hàng ngàn tỷ, số lượng có thể đếm được . Loại phân tán có quy mô nhỏ, từ vài chục ngàn đến vài chục tỷ, số lượng nhiều vô kể, gây ra tai họa khắp nơi. Đốt lò để chống một số vụ tham nhũng tập trung là cần, nhưng ngăn chặn, bài trừ tham nhũng phân tán còn cần hơn. Trong tham nhũng phân tán thì bọn trộm cướp công khai như kể trên chỉ mới là một phần nhỏ. Phần đáng kể nằm ở các cơ quan công quyền, các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các bệnh viện, trường học. Riêng ở một số bệnh viện, tham nhũng phân tán có từ các lao công và hộ lý trở lên, đó là hình thức bắt chẹt bệnh nhân hoặc người nhà để nhận được một sự phục vụ nào đó . Họ phải làm thế để thu hồi vốn đã bỏ ra khi chạy việc. Nghe đâu để chạy một chân hộ lý phải vài chục triệu.
Ông TBT hô hào việc chống chạy chức chạy quyền, chạy các tiêu chuẩn và chế độ, nhưng hình như chỉ hô hào cho có chuyện, chưa thấy ai để tâm nghiên cứu và tìm biện pháp thi hành. Nhân dân đành phải tiếp tục è cổ ra làm việc để nuôi bọn trộm cướp.
Nguyễn Đình Cống

Báo Thanh Niên in thêm ngôi sao vào cờ Trung Quốc, mạng xã hội ‘dậy sóng’

Hình cờ Trung Quốc với sáu ngôi sao trên báo Thanh Niên hôm 6 Tháng Bảy. (Hình: Facebook Quốc Ấn Mai)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 6 Tháng Bảy, nhiều blogger bất bình trước việc báo Thanh Niên in hình cờ Trung Quốc minh họa cho một bài báo về ngành đường sắt bỗng dưng có năm ngôi sao nhỏ (thay vì bốn) quanh một ngôi sao lớn hơn.
Ngôi sao mới được thêm vô bị các blogger diễn giải là báo Thanh Niên có hàm ý nhắc đến chuyện Việt Nam “đang trong lộ trình quy phục mẫu quốc và tiến tới sáp nhập với Trung Quốc.”
Bài báo sau đó cũng được đăng tải trên website báo Thanh Niên nhưng phần in cờ Trung Quốc “sai sót” trên báo giấy đã được điều chỉnh bằng cờ Trung Quốc đúng với nguyên mẫu có tổng cộng năm ngôi sao. Trang web của báo Thanh Niên cũng không đăng giải thích gì về việc họ in ảnh “cờ Trung Quốc sáu sao” trên báo giấy.
Blogger Hoàng Dũng cùng nhiều nhà hoạt động khác lập tức lên tiếng kêu gọi đình bản báo Thanh Niên hoặc cách chức tổng biên tập tờ này vì “sai sót chính trị nghiêm trọng.” Vì theo lập luận của các blogger, tờ báo này khó có thể biện hộ rằng đây chỉ là một “sai sót kỹ thuật,” vì không thể tìm thấy hình cờ Trung Quốc “in thêm một ngôi sao” trên Google.
Vụ “cờ Trung Quốc sáu sao” từng xuất hiện trong một bản tin trên đài truyền hình Việt Nam – VTV – hồi Tháng Mười, 2011, và khiến công luận giận dữ xen lẫn mối hoài nghi về “dụng ý” hoặc “thông điệp ngầm” của Hà Nội.
Thời điểm đó, ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, đã đưa ra lời giải thích: “Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã được thông báo đây là sai sót mang tính kỹ thuật. Cục Lễ Tân Nhà Nước đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật các cán bộ có liên quan.”
Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự, bồi đắp căn cứ trên Biển Đông, công luận Việt Nam dễ bực tức trước những bài báo, hình ảnh liên quan đến Trung Quốc có chi tiết “bất thường.”
Mặt khác, việc truyền thông trong nước thường xuyên dẫn phát ngôn của quan chức “nói tránh từ Trung Quốc” cũng khiến dư luận gia tăng bất bình.
Hồi Tháng Năm, 2018, khi trả lời về vụ du khách Trung Quốc mặc áo in hình “lưỡi bò” đến tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, được các báo dẫn lời: “Vụ này cần xử lý kịp thời nhưng phải mềm dẻo, không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đến đại cục.”
Tháng Sáu, 2018, Bộ Trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng được báo Tuổi Trẻ trích lời về văn bản Dự Luật Đặc Khu: “Dự luật không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc. Mọi người đang hình dung tiêu cực, đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc. Nhưng chúng ta bình đẳng không phân biệt, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe.”
Tuy vậy, sau khi xem kỹ nội dung Dự Luật Đặc Khu, cộng đồng mạng phát hiện từ “Trung Quốc” đúng là không có trong văn bản nhưng lại có cụm từ “nước láng giềng có biên giới chung với Quảng Ninh.” (T.K.)

Hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở Sài Gòn bị kỷ luật vì bán rẻ đất công

Bà Thái Thị Bích Liên bị kỷ luật “khiển trách.” (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tại hội nghị Thành Ủy ở Sài Gòn chiều 6 Tháng Bảy, 2018, Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy đã thông báo kết quả kiểm tra vi phạm, xem xét thi hành kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ lãnh đạo liên quan dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, và dự án khu nhà ở phường An Phú, quận 2.
Theo báo Người Lao Động, Thành Ủy đồng ý với tờ trình về xem xét kỷ luật “khiển trách” đối với bà Thái Thị Bích Liên (45 tuổi), chánh Văn Phòng Thành Ủy, vì “thiếu sót trong công tác tham mưu và thực hiện trách nhiệm được ủy quyền đại diện chủ sở hữu tài sản tại các doanh nghiệp thuộc đảng bộ thành phố.”

Báo này cho hay, bà Liên không tiến hành đấu thầu lựa chọn, gây thất thoát nghiêm trọng trong hai vụ phê duyệt chuyển nhượng bán rẻ và sai quy định hàng trăm ngàn mét vuông đất công tại huyện Nhà Bè và quận 2.
Ngoài ra, Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy đã quyết định thi hành kỷ luật hình thức “cảnh cáo” đối với ông Phạm Văn Thông, phó chánh Văn Phòng Thành Ủy, và đề nghị cho thôi giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Saigonbank.
Tương tự, thi hành kỷ luật  “cảnh cáo” và đề nghị cho thôi giữ chức vụ đảng ủy viên Cơ Quan Văn Phòng Thành Ủy, trưởng Phòng Quản Lý Đầu Tư-Kinh Doanh Vốn đối với ông Huỳnh Phước Long.
Cũng liên quan đến vụ việc, ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành Ủy, bị Ban Thường Vụ Thành Ủy kết luận đã chấp nhận chủ trương chuyển nhượng 320,000 mét vuông đất “không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.”
Ông Cang đã không báo cáo Thường Trực và Ban Thường Vụ Thành Ủy trước khi quyết định, khiến việc chuyển nhượng đất có nguy cơ gây thất thoát lớn cho thành phố hơn 150 tỷ đồng (hơn $6.5 triệu).
Đầu Tháng Sáu vừa qua, Ban Thường Vụ Thành Ủy thống nhất đề nghị kỷ luật ông Cang.
Tuy nhiên, “do ông Tất Thành Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính Trị quản lý, do đó Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy đã tập hợp hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi báo cáo Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương xem xét xử lý theo quy định của đảng,” báo Tuổi Trẻ viết. (Tr.N)

Nhà máy nước triệu đô ở Bến Tre bỏ hoang, dân phải xài nước sông

Nhà máy nước hơn $16.5 triệu bỏ cho cỏ mọc. (Hình: VNExpress)
BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Sau tám năm triển khai, dự án nhà máy Nước Ba Lai, huyện Ba Tri, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành, khiến khoảng 25,000 nhà dân vẫn phải xài nước sông lắng lọc.
Theo báo VNExpress, dự án nhà máy Nước Ba Lai, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có tổng kinh phí 380 tỷ đồng (hơn $16.5 triệu), do công ty Nước Sạch Ba Lai làm chủ đầu tư, được cấp phép từ năm 2010 với quy mô hơn 2.7 hécta, nhằm cung cấp nước sạch cho hơn 140,000 người dân 13 xã, thuộc huyện  Ba Tri nhiều năm thiếu nước sạch sử dụng.
Tuy nhiên, sau tám năm triển khai, hiện dự án vẫn bỏ hoang. Ngoài hai dãy nhà gạch diện tích hơn 100 mét vuông xây dựng dở dang, xuống cấp, bám đầy rêu mốc, không có mái tôn, cửa, nền gạch, bên trong và ngoài nhà máy cỏ mọc um tùm cao quá đầu.
Ông Nguyễn Quang Thu, bí thư đảng ủy xã Tân Mỹ, cho biết sau khi san lấp mặt bằng và xây một số hạng mục phụ, chủ dự án nhiều lần xin gia hạn rồi bỏ hoang đến nay. “Do chủ đầu tư thiếu nợ đại lý vật liệu xây dựng và tiền lương công nhân, nên họ đến tháo mái tôn, cửa sổ, lấy xi măng trừ nợ,” ông Thu nói.
Ông Trịnh Văn Mạng, người dân sống gần dự án, cho biết nhà máy xây ì ạch, bỏ hoang, nên nhiều năm qua, một số người dân địa phương phải mua nước xài rất đắt. Do điều kiện khó khăn, nên gia đình ông phải hứng nước mưa dự trữ sử dụng.
Nhiều nhà dân tại Ba Tri vẫn phải múc nước sông, rồi lọc lại sử dụng. (Hình: VNExpress)
“Mùa khô, nước mưa cạn kiệt, gia đình tôi phải múc nước sông đổ vào lu rồi dùng phèn lắng lọc, giờ nước sông bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, xác động vật nên rất lo cho sức khỏe,” ông Mạng lo lắng nói.
Nói với báo VNExpress, ông Trần Quốc Khánh, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Ba Tri, cho hay do chủ đầu tư nhiều lần xin gia hạn nhưng không tiếp tục triển khai dự án, nên huyện đã đề nghị ủy ban tỉnh Bến Tre rút giấy phép, chuyển giao cho một chủ đầu tư khác.
“Chủ đầu tư mới cam kết sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà máy trong ba năm tới. Rút kinh nghiệm từ nhà đầu tư cũ, chúng tôi sẽ thường xuyên giám sát dự án, thúc đẩy tiến độ công trình, tránh việc thi công ì ạch rồi lại bỏ,” ông Khánh nói.
Tin cho biết, huyện Ba Lai hiện có khoảng 25,000 nhà dân vẫn chưa có nước sạch sử dụng. Hồi năm 2016, đợt hạn mặn nghiêm trọng nhất lịch sử tại Bến Tre gây ra tổng thiệt hại ước tính gần 1,500 tỷ đồng (hơn $65.1 triệu).
Tại Ba Tri, 20,000 nhà dân bị thiếu nước tiêu dùng, 12,000 hécta lúa và hoa màu các loại bị ảnh hưởng, trên 200 cơ sở kinh doanh bị đình trệ. (Tr.N)

Cán bộ quản lý thị trường ở Huế dùng thẻ ngành lừa đảo tiền tỷ

Ông Vũ Hồng Hà bị công an bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Hình: Zing)
THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Lợi dụng “mác” đảng viên, cán bộ nhà nước, ông cán bộ Quản Lý Thị Trường thành phố Huế đã dùng thủ đoạn lấy “Thẻ kiểm tra thị trường” photocopy rồi cầm cố thế chấp, vay tiền lừa đảo nhiều người.
Chiều 6 Tháng Bảy, 2018, ông Võ Văn Sáu, phó trưởng công an thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết công an tỉnh đã khởi tố bắt giam ông Vũ Hồng Hà (39 tuổi, trú phường Xuân Phú, thành phố Huế) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Báo Zing cho hay, lợi dụng mình là cán bộ đang công tác tại Chi Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Hà sử dụng “Thẻ kiểm tra thị trường” của mình đem photocopy để cầm cố thế chấp, vay tiền của nhiều người.
Từ Tháng Hai, 2015, đến Tháng Giêng, 2017, ông Hà đã vay mượn của 23 người với số tiền là 1.95 tỷ đồng (hơn $84,697). Toàn bộ số tiền này ông Hà đem đi để trả nợ và tiêu xài, cờ bạc.
Ông Hà sử dụng thẻ ngành để lừa đảo. (Hình: Zing)
Nhằm tránh sự truy xét của cơ quan công an, ông Hà thường xuyên đổi số điện thoại, tắt điện thoại, ít về nhà, không đến cơ quan làm việc. Qua điều tra, công an đã bắt giữ ông Hà vào ngày 2 Tháng Bảy.
Chưa hết, lúc làm việc với công an, ông Hà đã khai báo vòng vo, không trung thực, cố tình che giấu thông tin cá nhân liên quan đến các chủ nợ khiến cơ quan điều tra tốn nhiều thời gian để xác định và làm việc với các bị hại.
“Ông Hà là cán bộ nhà nước, là người có trình độ, am hiểu pháp luật, thế nhưng trong quá trình điều tra ông ta đã khai báo vòng vo, không trung thực. Do đó, chúng tôi đã báo cáo và đề nghị thủ trưởng cho chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật đến Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh để thụ lý theo thẩm quyền,” ông Sáu được trích lời nói. (Tr.N)

Văn hoá con c., và tự do con c..

Ngo Du Trung FB
Một ông có văn hoá bị Đảng cho lâu la đến “cưỡng chế quy hoạch” căn nhà ông đang ở.
Ông có văn hoá phản đối rất có văn hoá:
“Tôi kịch liệt phản đối việc quý ngài đến “quy hoạch cưỡng chế” nhà tôi. Quý ngài đã xâm phạm gia cư bất hợp pháp, vi phạm trầm trọng quyền tư hữu, quyền tự do của một công dân nước CHXHCNVN…”
Một tên công an cấp bực Trung tá nổi xung quơ tay:
“Tự do cái con cặc… Tránh ra!”
Ông có văn hoá vẫn phản đối rất có văn hoá:
“Tôi kịch liệt phản đối ngài Trung tá công an đã sử dụng ngôn từ không có văn hoá với một công dân của nước CHXHCNVN. Tôi kính xin ngài rút lại lời nói thiếu văn hoá, thiếu đạo đức, có tính cách xuyên tạc luật pháp nhà nước khi ngài nói tự do là cái con… cái con… cái con….”
Ông có văn hoá muốn lập lại lời của tên Trung tá công an cho có văn hoá, nhưng lập bập mãi không tìm ra được chữ nào cho có văn hoá khiến tên Trung tá công an càng cáu tiết:
“Là cái con cặc, con cặc biết chưa? Không tránh ra tao đá cái chết mẹ bây giờ, ở đó mà văn hoá…”
Ông có văn hoá tức quá, trợn trừng hai mắt rồi té ngữa ra bất tỉnh!

Phù Sa và xỉ than và một câu hỏi



Bãi tro xỉ nhà máy nhiệt điện Trà Vinh

Fb. Vũ Kim Hạnh

Câu chuyện của ngày 30 tháng 6. Ngày cuối của quí 2 năm hai không một tám. Một sự tình cờ lạ lùng làm bật lên một câu hỏi.
Ngày 30-6, GSTS Hà Thanh Toàn, hiệu trưởng trường ĐHCT trực tiếp đến dự cuộc họp sơ kết hoạt động hợp tác của trường với huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Theo lời kể với giọng vui của một chuyên gia nghiên cứu của trường, không khí họp rất phấn chấn, hai bên cùng chuẩn bị những thay đổi về tầm nhìn và nhiệm vụ sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 19/6/2018 và đã bật đèn xanh.
Sóc Trăng là tỉnh ven biển, chủ trương của tỉnh gần đây xác định rõ hướng phát triển cho các vùng đất khác nhau: (1)Trong đất liền, sẽ phát triển năng lượng tái tạo; (2)Vùng ven biển thì đẩy mạnh trồng lúa, coi trọng xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ ST và (3)Vùng đất cù lao thì phát triển NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VÀ DU LỊCH SINH THÁI.
Đại học Cần Thơ thông báo, nhà trường đang dự định nhiều hoạt động hỗ trợ ST. Sóc Trăng như một chất xúc tác cho bước nhảy của Đại học Cần Thơ: sang năm tới sẽ giảng dạy (theo tín chỉ) học phần khởi nghiệp ở tất cả các khoa và tăng cường phần thực hành liên quan đến kiểm định và chứng nhận tiêu chuẩn nhằm tác động việc tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nông sản căn cơ và ổn định.
Chọn Sóc Trăng, Cù lao Dung, cù lao Long Phú, trúng quá. Vì cả đồng bằng chỉ có vùng này là bãi bồi tự nhiên, phù sa cứ về, không ngừng bồi đắp lên, mặc cho khắp đồng bằng nạn sạt lỡ đang tăng nhanh. Chọn mấy vùng cù lao ven biển này làm nông nghiệp công nghệ cao càng trúng.
Tình cờ tuần trước, tôi gặp một nhà đầu tư ngõ ý làm một nghiên cứu sâu để phát triển vùng bãi bồi trời cho này, theo anh là có thể giúp nông nghiệp đồng bằng phất lên nhờ công nghệ mới. Thật cảm động khi anh bồi hồi nhắc tới những cố gắng của lãnh đạo tỉnh đã giúp nông dân trồng hành tím hữu cơ ở Vĩnh Châu giảm tỉ lệ người dân bị mù, và gạo ST24 hữu cơ, cùng các nông sản chất lượng cao, anh bày tỏ tin cậy là tương lai vùng đất này thật sáng.
Nhưng cũng chiều ngày 30-6, đọc lại vietnamnet và các báo trong ngày, tôi thấy một thông tin đặc biệt: XEM XÉT CHUYỂN NHIỆT ĐIỆN TỶ ĐÔ TỪ PVN SANG DN TRUNG QUỐC.
Bản đồ ven biển 2 tỉnh Sóc Trăng-Trà Vinh với huyện Duyên Hải (Trà Vinh, màu trắng, bên phải)-Cù lao Dung và Long Phú (tỉnh Sóc Trăng-2 vùng màu tím, bên trái).
Trích tin: Bộ Công Thương vừa có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về việc chuyển giao chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Long Phú III từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang cho nhà đầu tư Trung Quốc. Và đã có ngay một nhà đầu tư muốn nhận chuyển giao nhà máy nhiệt điện Long Phú III. Cụ thể đó là Công ty TNHH lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG).
Bộ Công Thương cho hay, đây là 1 trong 2 công ty lưới điện nhà nước tại Trung Quốc, cung cấp điện cho 5 tỉnh phía Nam của Trung Quốc. Đây cũng là công ty có hợp tác điện lực với Việt Nam, tính đến tháng 9/2017 đã cung cấp tổng sản lượng khoảng 33,4 tỷ kWh điện cho Việt Nam .Cũng theo Bộ CT, ưu điểm của nhà đầu tư này là đang thực hiện dự án Vĩnh Tân 1(?!?). Hạn chế là nếu áp dụng theo hình thức BOT sẽ khó đáp ứng tiến độ dự án; Chính phủ phải thực hiện trách nhiệm bảo lãnh đối với một số điều kiện như chuyển đổi ngoại tệ, hợp đồng mua bán điện,….
Ngoài ra, Bộ Công Thương có đề xuất một đơn vị khác làm theo hình thức IPP, thì không có bảo lãnh Chính phủ và bảo đảm công nghệ giảm được phát thải, phù hợp xu hướng.
Hãy nhìn trên bản đồ (tôi trích, bản đồ bị mờ). Huyện Long Phú nằm liền kề huyện Cù Lao Dung, khu vực này đang gánh 3 nhà máy nhiệt điện 400 ha. Cũng liền kề Sóc Trăng, huyện Duyên Hải ven biển của Trà Vinh cũng gánh hai nhà máy nhiệt điện. Cuối năm rồi, dân huyện Duyên Hải và chung quanh kêu trời vì bụi than mù trời, tro xỉ đã lấp gần đầy bãi chứa gây ô nhiễm môi trường và xáo trộn cuộc sống do “xóm Trung quốc” với hơn 2.000 lao động người TQ.
xóm Trung quốc
Nay Bộ Công Thương muốn giao tiếp Long Phú III cho Trung quốc luôn (2 nhà máy Trà Vinh cũng do TQ đầu tư) với công nghệ mà chính quyền TQ đã cấm dùng cho nội địa nước họ, thì hỡi ôi, giấc mơ lúa hữu cơ, hành tím hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao mà Đại học Cần Thơ và các huyện của ST đang bàn sẽ ra sao?
Vì sao các nhà máy nhiệt diện nhất định phải đặt ở ven biển (việc nhấn chìm 1 triệu m3 bùn thải Bình Thuận tạo sóng dư luận cỡ nào)? Đặc biệt, cụm nhà máy Trà Vinh-Sóc Trăng lại xắn nhằm vị trí gần như chính giữa khúc ven biển từ SG đến Cà Mau. Và sao lại trớ trêu, thiên định hay nhân định, mà cụm 5 nhà máy nhiệt điện hầu hết do TQ đầu tư vận hành này lại chọn trúng cửa biển Trần Đề, vùng biển Duyên Hải-Cù Lao Dung-Long Phú là bãi bồi nhiều phù sa của đồng bằng?