Thursday, September 29, 2016

Cuộc khởi kiện Formosa của ngư dân đã làm nên lịch sử



Một sự kiện lịch sử xảy ra vào ngày thứ Hai 26 tháng 09, 2016 tại Việt Nam, khi hơn 540 giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên nộp đơn kiện công ty gang thép Formosa. 
6 tháng sau khi thảm họa môi trường do công ty Formosa xảy ra, cho đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, mặc dù phía bên Formosa đã chuyển 500 triệu cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. 
Nếu kê khai cho tường tận, số tiền đó vẫn không đủ nếu tính thêm những thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về vật chất trong hiện tại và tương lai khi biển vẫn chưa hồi phục; những thiệt hại mà ngành đánh cá, du lịch trong vùng hứng chịu; cũng như tương lai của con cái của người dân không được đến trường trong thời gian bị thiệt hại.
Tính đến tháng 2 năm 2013, hãng British Petroleum của Anh Quốc trong vụ sai sót để dầu lan ra vịnh Mexico, đã phải nộp phạt và bồi thường 42.2 tỉ đô Mỹ. Con số 500 triệu đô của Formosa không thấm vào đâu cả. 
Không thể ngồi yên chờ nhà cầm quyền tiếp tục dung dưỡng Formosa tiếp tục hủy hoại môi trường, cũng như chờ đợi nhà cầm quyền tính toán hơn thiệt thế nào để chấm mút trong số tiền bồi thường, người dân Phú Yên quyết định xử dụng quyền dân sự của mình qua hành động kiện Formosa. Chỉ một ngày sau đó, các giáo xứ ĐôngYên, Mạnh Sơn, Dũ Lộc, Quý Hòa tiếp tục cùng nhau về Kỳ Anh hợp sức với giáo dân Phú Yên đưa đơn kiện Formosa.  
Chuẩn bị cho vụ kiện không đơn giản trong chế độ độc tài toàn trị, công an cộng sản Việt Nam đã làm mọi cách ngăn cản và gây mọi khó khăn không cho hơn 500 giáo dân khi thuê xe lên đường vào thị xã Kỳ Anh. Thủ đoạn hù dọa các nhà xe có hợp đồng chở giáo dân Phú Yên được công an xử dụng tối đa, không khác chi hành động của đảng Mafia đòi tiền mãi lộ.  
Thế nhưng với sức mạnh của đức tin và đoàn kết, giáo dân Phú Yên cùng linh mục Đặng Hữu Nam đã đến được thị xã Kỳ Anh và nộp đơn kiện Formosa.
Đây là một sự kiện lịch sử vì nó đánh đấu bước khởi đầu cho cuộc phản kháng do người dân phát động đấu tranh cho dân sinh, dân quyền trong ôn hoà để tranh đấu cho một đời sống tốt đẹp hơn cho chình mình và con cái mình; và cũng để dóng lên tiếng chuông cảnh báo cho cả nước rằng không thể cứ để cho tập đoàn thống trị cộng sản đem bán rẻ tài nguyên đất nước, đem bán rẻ tương lai của dân chúng để lấp đầy túi tiền cho phe nhóm của họ

Đức ‘chưa biết Trịnh Xuân Thanh ở đâu’

Theo BBC-29 tháng 9 2016 

Image copyrightOTHER
Image captionHọp báo ở Sứ quán Đức ngày 28/9
Đại diện Sứ quán Đức nói với báo chí Việt Nam rằng họ chưa có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu nên chưa đặt ra câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này.
Việt Nam trước đó loan báo khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh vì sai phạm làm thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Có tin đồn ông Thanh có thể đã trốn sang Đức.
Nhưng sáng 28/9, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, Phó Đại sứ - Trưởng phòng lãnh sự - Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig, nói Đức không có thông tin.
Phóng viên Việt Nam đã hỏi nếu ông Thanh bị bắt tại Đức, hai nước sẽ làm gì để dẫn độ ông này.
Việt Nam và Đức chưa ký kết hiệp định hợp tác về dẫn độ tội phạm.
Nhưng TS Wolfang Manig trả lời, theo các tờ báo Việt Nam, rằng hiện không rõ ông Thanh đang ở đâu, vì vậy chưa đặt ra câu hỏi về việc dẫn độ.
Buổi họp báo vốn nhằm đánh dấu Quốc khánh Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Ngày 15/9, công an Việt Nam khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tối 16/9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh.

Cáo buộc sai phạm

Ông Trịnh Xuân Thanh được truyền thông Việt Nam nêu tên từ tháng Sáu, khi ông còn là Phó chủ tịch Hậu Giang và bị tố cáo được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh.
Ông cũng bị cáo buộc gây ra tình trạng thua lỗ ở PVC, nơi ông từng là lãnh đạo, nhưng vẫn được thuyên chuyển, bổ nhiệm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra các sự việc trên.
Đến tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản kết luận ông có trách nhiệm cho việc thua lỗ khi ông lãnh đạo PVC giai đoạn 2007-2013.
Ủy ban này cũng nói việc ông Thanh “vẫn đề nghị” để chuyển về Bộ Công Thương và sau đó tỉnh Hậu Giang là thể hiện “thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu”.
Sau đó, ông Thanh không được giới thiệu tái cử Phó chủ tịch Hậu Giang và bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội.
Khoản lỗ ở PVC giai đoạn 2011-2013 bị lật lại, với chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu điều tra.
Image copyrightTRINH XUAN THANH
Image captionÔng Trịnh Xuân Thanh chưa được xác định đang ở đâu
Ngày 7/9, trong động thái gây ngạc nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh, người đang bị Đảng Cộng sản điều tra, đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng, theo truyền thông Việt Nam.
Trong ngày 7/9 trên mạng internet cũng loan đi tài liệu ba trang, tự nhận là báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Mặc dù chưa rõ độ tin cậy của tài liệu này, nhưng nó được tung ra vào đúng ngày các báo chính thống tại Việt Nam đưa tin ông Thanh xin ra khỏi Đảng.
Trong văn bản này, người ký tên Trịnh Xuân Thanh nói ông xin ra khỏi Đảng vì “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”.
Người ký tên này cũng chỉ trích rằng Đảng đã “gây áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật, dùng báo chí nói sai sự thật”.
Ngày 8/9, Ban Bí thư Đảng Cộng sản bỏ phiếu kín với kết quả 100% đồng ý khai trừ ông Thanh ra khỏi Đảng.
Chiều 16/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng. Đến tối, công an Việt Nam tuyên bố khởi tố và truy nã ông Thanh.
Trước đó, ngày 19/8, ông Thanh gửi đơn lần hai xin nghỉ một tháng đến đầu tháng 9 để đi nước ngoài trị bệnh. Kể từ đó, tung tích của ông trở thành câu hỏi.

Sài Gòn: Biệt thự cổ biến mất 'đáng buồn'

 Theo BBC-29 tháng 9 2016 

Image copyrightOTHER
Image captionDu khách văn hóa đến Sài Gòn chỉ biết vài tòa nhà quen thuộc như Bưu điện Thành phố (Ảnh: CiaoHo)
Một nhà nghiên cứu người Ireland nói Sài Gòn đánh mất đi “tính cách” khi hiều những kiến trúc thuộc địa và hậu thuộc địa quan trọng biến mất.
Ông Tim Doling, từng có nhiều năm ở Việt Nam, nói với BBC Tiếng Việt ông “không ngạc nhiên” khi các kiến trúc cũ biến mất.
Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc Tp.HCM nói có đến gần nửa biệt thự cổ đã "biến mất" trong số 1.300 biệt thự cổ xây trước 1975, tờ VnExpress đưa tin hồi cuối tuần trước.
Nhà nghiên cứu nói: “Tôi đi vòng quanh thành phố rất nhiều, và không có ngày nào trôi qua mà tôi không thấy những tấm bảng lớn chăng xung quanh những tòa nhà cũ chuẩn bị bị phá hủy. Tôi đã viết rất nhiều bài báo về việc phá bỏ nhiều tòa nhà có giá trị quan trọng, nhưng rất đáng buồn ngày càng có thêm nhiều ngôi nhà bị phá bỏ mà không ai để ý.”
Cuối năm 2015, khi Sài Gòn quyết định phá bỏ thương xá Tax, àn sóng dư luận đã dấy lên đặt câu hỏi về sự bảo tồn các kiến trúc quan trọng từ xưa của thành phố. Dư luận chuyển thành một thư kiến nghị hàng ngàn người tham gia yêu cầu giữ lại Thương xá Tax, mà sau đó công ty SATRA chấp nhận giữ lại cầu thang mosaic chính và một số kiến trúc quan trọng của tòa nhà.
Ông Tim Doling nhận định: “Rất nhiều tòa nhà di sản có giá trị thẩm mỹ vô giá, rất nhiều nơi người ta muốn đến thăm và được bước vào. Bạn có thể nhìn những tòa nhà cũ như số 14 Tôn Thất Đạm, 42 Nguyễn Huệ hay số 9 Thái Văn Lung, trong những năm gần đây, người trẻ đã biến nơi này thành những cửa hàng thời thượng, quán cafe và nhiều cửa hàng thời trang ở đó.”

'Mở đường" cho tòa nhà mới

“Rất nhiều tòa nhà kiến trúc cũ có giá trị bị phá hủy để mở đường cho những tòa nhà mới này,” ông nhận định.
“Việc phá hủy có hệ thống nhiều kiến trúc di sản quan trọng và việc xây dựng phân mảnh, không phù hợp những tòa nhà chọc trời xấu xí trong nhiều năm qua ngay giữa trái tim thành phố thể hiện sự thiếu tầm nhìn trong phát triển đô thị.”
“Nguyên nhân thực sự duy nhất có lẽ là lợi nhuận khổng lồ bởi những nhà phát triển xây dựng những toàn nhà chọc trời ở những nơi được gọi là đất vàng.”
“Dĩ nhiên, chúng ta có thể giải thích cho giá trị kinh tế của việc bảo tồn di sản, vốn đã từng được ghi nhận ở rất nhiều quốc gia, nhưng đáp lại đó là giá trị lâu dài và không bao giờ có thể cạnh tranh với lợi nhuận tức thì do những nhà phát triển lớn tạo ra.”
“Chỉ có chính phủ đứng giữa các tòa nhà di sản và sự phá hủy. Trong khi đó hiện thời, cơ quan bảo tồn nhà nước ở Sài Gòn chỉ đóng vai trò rất nhỏ trog phát triển đô thị.”
Image copyrightAFP
Image captionNhiều trụ sở của các cơ quan nhà nước tại các quận trung tâm ở Sài Gòn là các công trình kiến trúc quan trọng
“Các kiến trúc di sản gắn liền với các sự kiện lịch sử chính là điều khiến du khách nước ngoài tìm đến tham quan. Các cơ quan quản l‎ý du lịch Việt Nam thường đổ lỗi cho việc giảm du khách vì chất lượng quảng bá và sự không hấp dẫn của khẩu hiệu du lịch, nhưng lại quên đi thực tế là các tòa kiến trúc đẹp thu hút du khách văn hóa, đang ngày qua ngày biến mất."
“Trong khi nhóm du khách này rất chịu chi tiêu.”
Ông Tim Doling cho biết, ông cũng là người hỗ trợ tài liệu lịch sử cho nhiều tổ chức và nhóm văn hóa tại Sài Gòn khi thực hiện các chương trình tìm hiểu lịch sử về các tòa nhà của thành phố.
Nhà nghiên cứu này từng làm việc với Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam từ năm 1999-2004 trong dự án về phát triển giáo trình quản lý nghệ thuật trong ba trường đại học tại Hà Nội.
Ông cũng là tác giả quyển “Đường sắt và đường xe điện của Việt Nam”.

Giới trẻ "có quan tâm"

Trong khi đó, nói với BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, Daniel Caune, một kỹ sư kiến trúc người Pháp ở Sài Gòn đang xây dựng cơ sở dữ liệu các tòa nhà ở Sài Gòn nói: “Truyền thông và giáo dục là cách quan trọng để bảo tồn các di sản này. Thế hệ trẻ Việt Nam có vẻ rất sẵn sàng bảo vệ di sản thành phố.
"Đó là điều chúng tôi bắt đầu một năm trước với Đài Quan sát Di sản Sài Gòn, một dự án dữ liệu mở, xây dựng trên mạng xã hội, định vị và ghi nhận lại tài liệu về các tòa nhà. Chúng tôi đã tích hợp hàng ngàn bưu thiếp cũ, ảnh cũ lại cho cơ sở dữ liệu này.”
Image copyrightAFP
Image captionNhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn là một công trình kiến trúc di sản quan trọng
Ông Daniel cũng nói “Tronc các bưu thiếp cũ của Sài Gòn cho thấy cảnh quan thành phố, tuyệt đẹp và thanh lịch. Nhưng giờ đây vẻ đẹp đó đã bị phá hủy, qua nhiều năm, và sự phá hủy này gia tăng trong thập niên vừa qua.”
Cơ sở dữ liệu của nhóm Đài Quan sát Di sản Sài Gòn được cập nhật trực tiếp trên Google Maps và các kiến trúc sư, sử gia bổ sung tài liệu bên cạnh hình ảnh do công chúng cung cấp.
Trên báo VnExpress cuối tuần trước, Ông Hoàng Minh Trí - Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Tp.HCM nói “tiêu chí để đánh giá phân loại biệt thự cổ chưa có là quá trễ so với nhu cầu phát triển” nhưng ông cũng nói “đã trình dự thảo tiêu chí quản lý và phân loại biệt thự nhưng chưa được thành phố thông qua”.

Tại sao chống ngập không thành công?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-09-29  
tranmuaosaigon-622.jpg
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM hôm 27/9/2016.  Courtesy photo
Ngày 26 tháng 9 thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ ngập lịch sử, các quận trung tâm hầu như chìm trong biển nước và toàn cảnh thành phố như trong một trận hồng thủy của thế kỷ 21. Câu hỏi đặt ra: từ năm 2001 thành phố đã có những dự án chống ngập nhưng 15 năm sau không một triển vọng nào cho thấy việc chống ngập sẽ dần dần hiệu quả. Mặc Lâm trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực này để tìm câu trả lời gần với sự thật nhất.
Chống ngập là đề tài quan trọng của Ủy ban Nhân dân thành phố và cứ đến mùa mưa thì người dân lại dấy lên những câu hỏi về việc chống ấy ra sao mà không có năm nào đỡ ngập hơn năm trước.
Chiều tối ngày 26 tháng 9 đường phố chìm trong biển nước mênh mông, những chiếc xe gắn máy trôi theo giòng nước lũ cuốn đi khiến chủ nhân của nó gần như phải bơi theo để cứu. Hàng ngàn xe gắn máy chìm sâu dưới các bãi đậu xe bên dưới các căn hầm khiến chủ nhân của chúng không biết làm sao tìm cho ra để về nhà.
Nước ngập tàn phá vật dụng sinh hoạt của người dân, làm hư hỏng vật tư, nhà cửa chưa kể những căn bệnh truyền nhiểm dễ dàng xảy ra nếu nước không rút kịp thời sau đó.

Quy hoạch thiếu tầm nhìn

Cơ chế phối hợp giữa các ngành, các đơn vị liên quan đến vấn đề ngập không phải là Ủy ban chống ngập hay là Sở Giao thông Vận tải mà là một loạt những đơn vị có liên quan đến hạ tầng đô thị.
-TS Hồ Long Phi
Mức thiệt hại của người dân không thể thống kê hết nhưng chính quyền biết chắc là không nhỏ. Các ban ngành hội họp liên miên để tìm giải pháp nhưng xem ra giải pháp thì có nhưng thực hiện thì không thể tiến hành trong khi mọi cái đã thành hình, đã đi vào hoạt động.
Đó là những vùng trũng chung quanh thành phố dùng để nhận nước thoát ra nay đã trở thành các khu đô thị như Phú Mỹ Hưng cũng như hàng ngàn khu nhà cao tầng từ lớn tới nhỏ rải rác khắp thành phố không có ống thoát nước. Bên cạnh đó các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè vốn là nơi thoát nước cho toàn thành phố nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa.
Chỉ trong vòng mười năm từ 2004 đến 2014, chính quyền thành phố đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, dù đã xóa được nhiều điểm ngập ở nội thành, nhưng ở các khu vực ngoại thành như quận 2, Q. 7, Q. 9, Thủ Đức, Bình Tân...lại ngập nặng hơn trước như vậy là thành phố đang "hướng dẫn” ngập chạy từ chỗ này sang chỗ khác chứ không phải là "xử lý" ngập.

Do lỗi kỹ thuật?

Có phải đây là lỗi của kỹ thuật hay vì kinh nghiệm của các chuyên gia chưa đủ tầm? TS Hồ Long Phi nguyên Phó ban điều phối và chống ngập thành phố đang giảng dạy về vấn đề này cho biết:
“Vấn đề kỹ thuật không phải là vấn đề lớn bởi vì bản thân quy hoạch thoát nước tổng thể năm 2001 do chuyên gia quốc tế họ lập ra và tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản thì nó vẫn còn hiệu lực và hiện nay vẫn làm theo hướng đó nhưng có điều chỉ làm được một phần. Thí dụ định hướng cho tới 2020 chúng ta phải tiêu tốn từ 6 tới 7 tỷ đô la để hoàn thiện hệ thống thoát nước, nhưng chúng ta mới được có chưa tới phân nửa mà đã 2016 rồi có nghĩa ta quá chậm so với định hướng đó chứ không phải đỉnh hướng đó sai. Ta đã thấy trước chỉ có điều nguồn lực không đủ, phối hợp lại chồng chéo nó làm cho việc chống ngập đi chậm hơn so với phát triển hạ tầng.”
ngap-400.jpg
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM hôm 26/9/2016. Courtesy photo.
Theo báo chí khoảng 30% diện tích sông và kênh, rạch bị lấp để xây dựng nhà cửa hay các công trình công cộng chưa cần thiết để rồi khi vỡ lẽ ra lại tính tới chuyện đào lại một số kênh rạch ngay trên cái nền cũ của nó khiến ngân sách đã thiếu thốn lại càng kiệt quệ hơn.
Một nghiên cứu của Viện Khoa Học Thủy Lợi miền Nam cho thấy chỉ trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn  đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4,000 hecta bị lấp và bị lấn chiếm.
Mặc dù thủy lợi là một cơ quan quan trọng điều tiết và hạn chế ngập lụt nhưng chính phủ đã không xem trọng nó từ nhiều năm nay bằng cách sát nhập nó vào với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Nhơn chia sẻ việc này:
“Thủy lợi là cái ngành đem lại mặt lợi, là những công trình khai thác mặt lợi của nước đem lại cho cuộc sống và ngăn chặn những cái hại của nước, chứ như bây giờ nước ngập toàn Sài Gòn  thì có ai là người chịu trách nhiệm đâu? Tên tuổi ngành thủy lợi có còn đâu? Người ta chỉ lợi dụng kết cấu hạ tầng để xây cất để tiêu cực, lãng phí và tham ô. Cho nên tôi có luận điểm quan trọng là lấy thủy lợi nuôi thủy lợi và phát triển thủy lợi bền vững. Lấy nước nuôi nước và phát triển nước là chỗ đó.”

Ủy ban điều phối thiếu sức mạnh

Đô thị hóa cũng là một mặt khác gây ngập nặng không thể kiểm soát. Theo tiến sĩ Hồ Long Phi cho biết vốn đô thị hóa phần lớn là của tư nhân vì vậy việc san lấp kênh rạch, xây dựng cao ốc của những doanh nghiệp không xây dựng lối thoát cho nước mà chỉ muốn đẩy nước đi chỗ khác. Cống rãnh thoát nước đã bị cố ý bỏ quên là một phần giúp cho thủy thần lộng hành. Nói với chúng tôi TS Hồ Long Phi cho biết:
Phát triển đô thị cũng vậy mạnh ai nấy làm trong khi đó chống ngập phải gánh chịu hậu quả cuối cùng tôi thấy rằng một bên nguồn lực rất yếu còn một bên thì ngược lại, rất mạnh nhưng hai bên không phối hợp với nhau dẫn đến tình trạng càng lúc ngập càng nặng nề hơn.
-TS Hồ Long Phi
“Cơ chế phối hợp giữa các ngành, các đơn vị liên quan đến vấn đề ngập không phải là Ủy ban chống ngập hay là Sở Giao thông Vận tải mà là một loạt những đơn vị có liên quan đến hạ tầng đô thị. Hiện tại thì 1 người “chống” nhưng lại có 10 người “gây”. Số gây ngập thì nhiều lắm như đô thị hóa, san lấp kênh mương, quản lý đô thị không tốt dẫn đến việc ngập… nhưng điều đáng nói ở đây cái trách nhiệm chống ngập nó phải ở một bộ phận nào đó có tính chất cao hơn và có quyền lực hơn chứ không phải là tầm cỡ của cơ quan chống ngập.
Bởi vì bản thân của cơ quan chống ngập cũng chỉ là đơn vị thừa hành chứ không có chức danh của nhà nước nên không có trách nhiệm hay quyền hạn thành ra sự phối hợp hay đồng thuận rất hiếm giữa các ngành nên sự phát triển theo các hướng dễ tạo rủi ro về ngập lụt. Phát triển đô thị cũng vậy mạnh ai nấy làm trong khi đó chống ngập phải gánh chịu hậu quả cuối cùng tôi thấy rằng một bên nguồn lực rất yếu còn một bên thì ngược lại, rất mạnh nhưng hai bên không phối hợp với nhau dẫn đến tình trạng càng lúc ngập càng nặng nề hơn”.
Cơn mưa vào ngày 26 tháng 9 đã khiến chính quyền phải nhập cuộc và một nỗi vui mừng thật lớn của UBND thành phố khi phát hiện ra các quận nằm phía Đông của Sài Gòn  như Quận 9 và Quận Thủ Đức người ta làm đường nhưng không làm cống. Có 133/302 tuyến đường không có ống cống thoát nước.
Phát hiện này cho thấy sự bất cần quy hoạch đã lên tới cực điểm và muốn chống ngập thì UBND thành phố phải giao quyền cho Ủy ban điều phối chống ngập lớn hơn, Ủy ban này phải có quyền kiểm soát các công trình công cộng, các hạng mục liên quan tới thoát nước và Ủy ban này chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu tiếp tục có những vụ ngập cục bộ tại một điểm nào đó.
Các chuyên gia chống ngập cho rằng do chính quyền không thực hiện quy hoạch theo hướng rộng mà lại theo ngành dọc, tức là trên chỉ xuống phải làm theo bất chấp hậu quả như ngày hôm nay. Quy hoạch tổng thể còn quá nhiều bất cập là việc phải chấn chỉnh trước khi nói tới chống ngập nếu muốn thành công.

Có tìm được sự bình an riêng trong một ngôi nhà chung mục ruỗng?


Chúng ta đã nói rất nhiều về sự sợ hãi, thói bàng quan, vô cảm của người Việt khi đụng tới những vấn đề chính trị. Mặc dù theo thời gian, nhờ sự phát triển của internet, sự tiếp xúc với những thông tin từ thế giới bên ngoài cũng như tình trạng yếu kém, tồi tệ trong quản lý điều hành đất nước của nhà cầm quyền càng bộc lộ rõ, khiến cho số người tỉnh ngộ, bức xúc, phẫn nộ với thực trạng xã hội, với nhà nước có tăng lên, nhưng nhìn chung đa số người Việt vẫn xem chính trị như là chuyện “nhạy cảm”, không nên bàn tới.
Và cứ như thế, chúng ta tiếp tục sống với một thái độ rất “khôn ngoan” rằng chỉ nên tập trung làm ăn kiếm sống, lo cho bản thân, gia đình, lúc có tiền thì lo hưởng thụ cuộc sống, còn những chuyện khác, mặc. Chúng ta tự biện hộ xã hội thối nát thì ai cũng biết rồi, nói ra có thay đổi được gì đâu, mà còn phải vạ vào thân. Nếu có tiền hơn nữa thì sẽ lo cho con cái đi du học, sẽ tìm cách có cơ sở làm ăn ở nước ngoài để lỡ có gì thì vù ra ngoài sinh sống, nhưng vẫn không đụng chạm đến nhà cầm quyền, để còn có cửa mà trở về thăm bà con, hưởng những dịch vụ giá rẻ trong nước.
Song, hơn 90 triệu người có được mấy triệu người có điều kiện để công khai đi ra nước ngoài dưới dạng kinh doanh làm ăn, đồng thời mang theo một số tài sản lớn, tiếp tục sống một cuộc đời sung sướng, hay đa phần là đảng viên quan chức cộng sản với tài sản có được chủ yếu là do tham nhũng, ăn cắp?
Còn lại mọi người vẫn phải sống và chịu đựng tất cả những cái tồi tệ do một chế độ độc tài đảng trị được điều hành bởi những kẻ dốt nát, tham lam, hèn với giặc ác với dân, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, phe nhóm và của bản thân lên trên lợi ích của đất nước và hạnh phúc của dân tộc. Và với một chế độ và một đảng cầm quyền như vậy thì liệu có ai trong chúng ta thực sự được bình yên?
Nếu sống ở Sài Gòn, Hà Nội, dù giàu hay nghèo, dù đi xe hơi hay xe gắn máy thì hàng ngày chúng ta vẫn phải chịu đựng cái cảnh cứ bước chân ra đường là giao thông hỗn loạn, thường xuyên kẹt xe tắc đường, hễ mưa lớn là ngập kéo dài hàng tiếng, môi trường bị ô nhiễm vì khói bụi, mùi hôi rác thải, mương rạch…Các thành phố khác có đỡ hơn đôi chút thì cũng vẫn tình trạng giao thông tùy tiện, ở thế kỷ XXI rồi mà VN vẫn chưa có nổi một mạng lưới giao thông công cộng an toàn, tiện lợi bao gồm xe bus, metro, xe điện…
Giao thông trên toàn quốc với đa số dân chúng còn nghèo thì máy bay vẫn là đắt đỏ, xe lửa thì vẫn xài hệ thống đường ray hẹp khổ 1m mà chả mấy quốc gia trên thế giới hiện nay còn dùng, rốt cuộc đường bộ vẫn được lựa chọn tối đa, với tình trạng không tuân thủ luật lệ và hệ thống đường xá chưa thật tốt, năm nào cũng 11-12.000 người chết vì tai nạn giao thông! Chúng ta liệu có dám đảm bảo cả đời mình và người thân sẽ an toàn?
Chẳng riêng gì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đủ thứ tai nạn trời ơi đất hỡi từ trên trời rơi xuống, do thói làm ăn cẩu thả, tắc trách gây nên, như đi ngoài đường bị cây xanh trốc gốc ngã đè trúng, bị tấm tôn hoặc các thứ vật liệu sắc bén được chở bởi những phương tiên thô sơ như xích lô, xe ba gác…cứa trúng cổ, sụp hố do sửa đường, sửa cống…không che chắn kỹ, bị điện giật do dây điện bị hở, trời mưa thòng xuống nước v.v…Có thể chúng ta sẽ bảo đó là do dân trí thấp, chứ đâu thể cái gì cũng đổ lỗi cho nhà nước. Dân trí, hay nói cho đúng, ý thức của người dân là do cái môi trường xã hội tạo nên. Nếu trong một xã hội mà luật pháp được tôn trọng tối đa, mọi sự vi phạm đều bị phạt nặng thì sẽ giảm thiểu số người coi thường tính mạng của người khác.
Vì công việc, chúng ta phải có lúc tiếp xúc với bộ máy hành chính quan liêu của cái nhà nước độc tài này, bị hạch sách, nhũng nhiễu hoặc buộc phải chi tiền nếu muốn mọi thứ được thông qua nhanh gọn lẹ. Chúng ta không thể tránh khỏi lúc ốm đau phải bước chân đến bịnh viện, có những lúc phải xùy tiền ra để được hưởng những dịch vụ tốt hơn, cách phục vụ tử tế hơn trong một xã hội mà cái gì cũng đồng tiền trên hết. Còn nếu không có tiền, mà lại ở tỉnh lẻ, nông thôn, vùng sâu vùng xa thì nếu bịnh nặng, hiểm nghèo coi như cầm chắc cái chết, khi mà hệ thống y tế ở VN còn có một khoảng cách rất xa về cơ sở vật chất, điều kiện chữa trị giữa các thành phố lớn với thành phố nhỏ, nông thôn…
Chúng ta không thể tránh khỏi bản thân hoặc con cháu phải chịu đựng cái nền giáo dục lạc hậu, bao nhiêu năm qua cứ loay hoay sửa đổi, cải cách, càng cải càng nát này. Có ai tính nổi bao nhiêu lần học sinh VN phải là vật thí nghiệm cho những lần cải cách giáo dục như vậy? Không phải vô cớ mà một trong những lý do ra đi nhiều nhất của người Việt trong những năm gần đây là đi học, hay nói cách khác, “tị nạn giáo dục”.
Chúng ta không thể tránh khỏi nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan, không còn một thứ gì trong bữa ăn hàng ngày của người Việt hiện nay là an toàn được nữa; không thể tránh khỏi các tai họa do sự tàn phá môi trường gây nên, chẳng hạn, chỉ một vụ Formosa trước mắt đã ảnh hưởng tới hàng ngàn, hàng triệu con người và sẽ còn gấp nhiều lần nữa trong 70 năm tới. Chưa kể nạn phá rừng khiến lũ lụt mỗi năm mỗi trầm trọng, đồng bằng sông Cửu Long bị khô hạn và xâm nhập nước mặn do các đập thủy điện và việc quản lý nguồn nước thiếu khoa học của VN cũng như của các nước láng giềng, tai họa rình rập từ nhà máy khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, một dự án nhà máy thép “khủng” khác chuẩn bị triển khai tại Cà Ná-Ninh Thuận v.v…
Chúng ta né tránh chính trị, nhưng chính trị là tất cả mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, từ những thứ thiết thực nhất với người dân như giá cả sinh hoạt xăng dầu lên xuống, lương bổng, an sinh xã hội, y tế, giáo dục…Khoan nói đến những thứ “cao siêu” mà người dân bình thường có khi không biết, không cảm thấy cần như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bầu cử ứng cử, đa đảng, bình đẳng, nhân quyền…
Nhưng khi phải đụng chuyện với công an thì chúng ta mới hiểu thế nào là một xã hội công an trị, khi công an luôn tự cho mình cái quyền hành xử ngang ngược, thậm chí côn đồ. Chúng ta có thể cho rằng câu chuyện về những người dân chỉ vì không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều, cự cãi với hàng xóm, hoặc một học sinh bị nghi lấy cấp hai triệu VNĐ của hàng xóm…bị đưa về đồn rồi bị công an bạo hành chết… chỉ là số ít, nhưng có ai dám đảm bảo cả đời mình và người thân thoát khỏi những chuyện tương tự? Khi công an ngang nhiên hành hung cả nhà báo của một tờ báo lớn ngay giữa ban ngày ban mặt và sau đó chỉ bị kiểm điểm, khiển trách còn bản thân nhà báo còn bị phạt hành chính vì “tác nghiệp chụp ảnh tại hiện trường vụ án không được phép” thì rõ ràng là giới công an chả còn sợ gì sất.
Bản thân các anh chị nhà báo qua câu chuyện này cũng thấm thía rằng khi có nhiều sự kiện trong xã hội xảy ra các anh không lên tiếng (vì không được phép!), thậm chí những lần đồng nghiệp bị đánh trước đây làng báo không lên tiếng mạnh mẽ, nên những câu chuyện tương tự mới xảy ra, với mức độ ngày càng tồi tệ hơn.
Đã cùng sống trong một mái nhà chung VN, thì mọi tai họa mọi người đều gánh. Ngay những người giàu có, những người đang hưởng lợi từ chế độ này hay quan chức cũng âm thầm cho con cái đi du học, âm thầm tẩu tán tài sản ra bên ngoài dọn chỗ sẵn. Cũng đừng tưởng là quan chức thì yên, với một chế độ ngoài mặt thì “ổn định chính trị” nhưng bên trong chia rẽ trầm trọng vì quyền lợi. Lịch sử đảng cộng sản VN cũng như các đảng cộng sản khác, là một lịch sử đẫm máu của những cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ, những cái chết bất đắc kỳ tử, bí ẩn từ thời Hồ Chí Minh, Lê Duẩn cho tới bây giờ, không thể kể hết, bản thân những "nạn nhân" có lẽ đến khi bị cách chức, bị "xử"...mới ngộ ra sự bạc bẽo, phi nhân của cái chế độ mà mình từng là một phần của nó.
Ngay cả người tu hành cũng đâu được tha? Hình ảnh vị hòa thượng tuổi “thất thập cổ lai hy” Thích Không Tánh trở về chứng kiến cảnh hoang tàn của ngôi chùa Liên Trì bị nhà cầm quyền phá bỏ để lấy đất, hay hình ảnh linh mục Anton Đặng Hữu Nam và bà con giáo dân-ngư dân, dâng Thánh Lễ ngay trên nền Thánh đường cũ đổ nát của Giáo xứ Đông Yên đã bị nhà cầm quyền san bằng và buộc di dời, để nhường đất cho Đặc khu Vũng Áng-Formosa… lan truyền trên mạng facebook, là những bằng chứng mới nhất, nối tiếp cả một quá trình dài đàn áp tôn giáo, cướp đất chùa, nhà thờ…của nhà cầm quyền.
Thực tế quá rõ ràng, với một thể chế tồi tệ, một đảng cầm quyền tồi tệ như ở VN lâu nay thì không ai có thể sống bình an, hạnh phúc thực sự, cho dù có nhắm mắt làm lơ, chọn lựa thái độ im lặng, sống trong sợ hãi hoặc bàng quan, vô cảm.

Công an đánh nhà báo, một vấn đề nhức nhối?

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-09-29  
cong-an-danh-622.jpg
Phóng viên bị cảnh sát áo đen đấm thẳng vào mặt hôm 23/9/2016. Hình chụp từ video 00:00/00:00  Phần âm thanh  Tải xuống âm thanh
 Làm sao để chấm dứt vấn nạn này?
Những ngày gần đây, việc các nhân viên Công an ngang nhiên đánh một số nhà báo đã khiến cho dư luận, đặc biệt là những người làm báo hết sức bất bình. Dư luận nói gì và cần làm thế nào để chấm dứt vấn nạn này?
Gần đây, hiện tượng lực lượng công an hành hung các nhà báo ở Việt Nam đã liên tiếp xảy ra, điều đó đã khiến dư luận xã hội và những người làm báo hết sức bất bình.
Cụ thể, ngày 21/9/2016, nhà báo Đỗ Thanh Hải, phóng viên VTC News thường trú tại Đắk Lắk đến hiện trường vụ cưỡng chế mặt bằng tại xã Cư Pô, thì bị lực lượng công an xã xô đẩy và giật máy ảnh đồng thời gây thương tích. Hay như việc phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ, ngày 23/9/2016 khi đang tác nghiệp đã bị nhân viên công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng…
Đánh giá về thực trạng lực lượng công an hiện nay lộng hành, thích đánh ai thì đánh, bắt ai thì bắt là điều khiến cho xã hội không còn luật pháp nữa. Từ Hà Nội, TS. Nguyễn Xuân Diện nhận định:
Trong 2 năm gần đây, tình trạng lực lượng công an trên cả nước lợi dụng chức quyền, hay việc thi hành công vụ đánh người dân thô bạo ngày càng nhiều, công khai và bất chấp dư luận.
-TS. Nguyễn Xuân Diện
“Trong 2 năm gần đây, tình trạng lực lượng công an trên cả nước lợi dụng chức quyền, hay việc thi hành công vụ đánh người dân thô bạo ngày càng nhiều, công khai và bất chấp dư luận. Những hành động như vậy của họ được ví như kiêu binh ngày xưa và dường như họ đã được hệ thống quản lý bảo kê, chính vì vậy hiện tượng này ngày càng phổ biến hơn, nhiều hơn và sự đánh đập càng dã man hơn.”
Theo Nhà báo Trương Duy Nhất thấy rằng, những hành vi và cách ứng xử của các nhân viên công an đã khiến người ta nhớ đến nạn kiêu binh cuối đời Hậu Lê làm xã hội đương thời loạn lạc, điều đã dẫn đến sự sụp đổ không tránh khỏi của triều đại này. Ông nói với chúng tôi:
“Theo tôi, những hành vi như thế phải gọi đúng tên là hành vi côn đồ, mà với nhà báo, dân chúng hay bất kỳ ai, thìcông an cũng không được quyền “thượng căng chân, hạ cẳng tay” như vậy. Điều đó đã cho thấy hiện tượng kiêu binh hóa trong ngành công an đã hiện diện ngày một rõ hơn. Điều đó đã gây nên sự ác cảm của dân chúng. Thú thật, chưa bao giờ hình ảnh lực lượng công an lại tồi tệ như vậy.”
Trả lời câu hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như vậy?
Nguyễn Xuân Diện cho rằng, lực lượng công an đã được ưu ái quá mức về quyền lực cũng như quyền lợi, tới mức coi là được bao che và dung túng. Ông chỉ rõ:
cong-an-danh-400.jpg
Phóng viên bị cảnh sát đánh hôm 23/9/2016. Hình chụp từ video.
“Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trước đây đã có một bài viết cho rằng, Việt Nam hiện nay có duy trì một chế độ công an trị, họ dung túng cho lực lượng công an thô bạo, bạo hành với dân trong khi làm nhiệm vụ. Sở dĩ có tình trạng này, là vì các văn bản pháp luật của Nhà nước đã cho công an rất nhiều quyền lực khi thực thi nhiệm vụ. Thứ 2 là hệ thống luật pháp của Việt Nam là hệ thống luật pháp chỉ bảo vệ cho người ở các cơ quan công quyền thôi. Rõ ràng là các văn bản pháp luật cũng như việc thi hành của Tòa Án, công an, hay Viện Kiểm sát rõ ràng là có sự bảo kê cho lực lượng này.”
Phân tích vụ việc công an đánh người dân và nhà báo dưới góc độ pháp luật Việt Nam hiện hành, trong việc xử lý các hành vi đánh người. Từ Phú Yên LS. Võ An Đôn cho biết:
“Việc nhân viên công an Huyện Đông Anh-Hà nội đánh PV báo Tuổi trẻ đang tác nghiệp  như vậy rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, điều 257 “Chống người thi hành công vụ. Bởi vì luật pháp Việt Nam không có quy định nào cho phép công an đánh người dân hay là nhà báo. Ở đây sẽ xảy ra 2 trường hợp, thứ  nhất nếu PV này được lãnh đạo phân công cử đi để viết bài, nếu công an đánh họ thì quy vào tội chống người thi hành công vụ theo điều , với khung hình phạt từ 6 tháng đến 2 năm hoặc từ 2 đến 7 năm. Nếu gây ra thương tích thì sẽ thêm tội danh phạm tội cố ý gây thương tích.”

Dư luận bức xúc

Báo Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 24/9/2016 đánh giá, đây là một vụ việc nghiêm trọng, gây sự bức xúc, bất bình trong đội ngũ những người làm báo và công chúng báo chí. Đồng thời Hội Nhà báo Việt Nam cũng có công văn 245 CV/HNBVN gửi Công an TP Hà Nội, Công an Huyện Đông Anh yêu cầu làm rõ vụ việc phóng viên Quang Thế – báo Tuổi Trẻ bị các cán bộ thuộc đội CSHS công an huyện Đông Anh hành hung, cản trở khi đang tác nghiệp.
Ông Trương Duy Nhất thấy rằng, cách hành xử của Hội Nhà báo Việt Nam nói trên là sự thỏa hiệp và vô trách nhiệm. Ông chỉ rõ:
Tôi cho rằng vụ việc vừa qua (công an đánh nhà báo) thì hành vi đã quá rõ thì lẽ ra các tòa báo, Hội Nhà báo phải yêu cầu khởi tố. Thế nhưng không, lại yêu cầu xem xét xử lý cái gì nữa?
-Ông Trương Duy Nhất
“Tôi cho rằng vụ việc vừa qua (công an đánh nhà báo) thì hành vi đã quá rõ thì lẽ ra các tòa báo, Hội Nhà báo phải yêu cầu khởi tố. Thế nhưng không, lại yêu cầu xem xét xử lý cái gì nữa? Chính vì những cái nhũn nhặn, hèn cái yếu của các tòa báo cũng làm cho họ càng hống hách hơn nữa.”
Trả lời câu hỏi, cần thiết phải có các giải pháp thế nào để hạn chế và tiến tới chấm dứt vấn nạn này?
TS. Nguyễn Xuân Diện cho biết:
“Với hệ thống pháp luật như ở Việt Nam hiện nay trước hết cần phải yêu cầu các cơ quan cũng như người dân phải tuân thủ nghiêm chỉnh và đúng pháp luật, bất kể là ai, bất kể ở chức vụ nào. Vấn đề thứ 2 là những văn bản dưới luật, đã và đang bảo kê cho lực lượng công an phải được chấm dứt, sửa đổi và sửa chữa, để cho công an khi thi hành pháp luật phải tuân thủ và không có ưu tiên gì đặc biệt. Tất cả các điều đó cũng không thể rốt ráo giải quyết được vấn đề này, nếu muốn thì chỉ có cách duy nhất phải xác lập hệ thống Tam quyền phân lập mà thôi.”
Theo Nhà báo Trương Duy Nhất ý thức bàng quang hay sợ hãi của người dân như hiện nay là điều dung túng cho nhân viên công an ở Việt Nam đã ác lại càng lộng hành hơn. Ông khẳng định:
“Thứ nhất là phải có cái gì để giám sát quyền lực của ngành công an thì anh công an mới không dám thao túng như thế. Việc công an hóa chính trị như hiện nay là một mối nguy, điều mà người ta trông vào đó để bảo đó là chế độ công an trị. Phải giáo dục được ý thức cho người dân, để họ thấy được quyền của họ để khiến cho công an không dám làm những hành động đó.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới ông Hà Kim Chi, phó Trưởng ban Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam theo hướng dẫn của thư ký, để hỏi về trách nhiệm bảo vệ các hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam song không nhận được sự trả lời.
GS. Mạc Văn Trang trong bài “Vì sao công an thích đánh người?” đã chỉ rõ, công an khoái dùng bạo lực không chỉ vì “nghiện” mà còn được kích thích bởi động cơ “thành tích phá án”, “thành tích đảm bảo an ninh trên địa bàn”, “thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao”; thể hiện “tinh thần trách nhiệm cao, triệt để đấu tranh, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm”... và nhờ đó nhanh lên chức, lên lương...”. Những nhà báo mà chúng tôi được tiếp xúc để phỏng vấn đều đưa ra một câu hỏi chung rằng, liệu những nhân viên công an hung hãn, hành xử như côn đồ như vừa qua, liệu họ có còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ công bộc của dân nữa không?

Sài Gòn ngập nặng, người dân nói gì?

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-09-29  
000_Hkg8867239.jpg
Sau một cơn mưa lớn.  AFP photo
Trận mưa chiều Thứ Hai tuần này đã làm cho thành phố Sài Gòn tê liệt vì nước dâng cao, hầu hết cư dân Sài Gòn phải sống trong một trận lụt bất đắc dĩ. Đáng sợ hơn là sự bất đắc dĩ này sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ. Bởi theo giới khoa học, thành phố Sài Gòn đang bị lún do qui hoạch thiếu khoa học và thành phố này đã tự biến mình thành một ao tù sau sau hàng loạt qui hoạch kể từ năm 1975 đến nay.
Người dân Sài Gòn nói gì?
Một người dân Sài Gòn tên Vĩnh, hiện sống tại quận Gò Vấp, chia sẻ: “Sau năm 1975, quy hoạch lộn xộn. Rồi những cái ống nước bê tông rộng cả 1.2 mét, đưa nước ra sông, g đào lên thay bằng ống nhựa. Quy hoạch không nghĩ đến thoát nước thành phố. Như sân bay Tân Sân Nhất chẳng hạn, họ xây sân gôn bao quanh rồi che mất ống cống nước, cũng ngập thôi. Giờ những người quy hoạch, mở mang thành phố toàn là bằng giả, kỹ sư dởm, thi công dởm, chứ đâu nghĩ đến việc kết hợp. Như hồi xưa trước khi xây dựng thì phải có sự kết hợp xây dựng, điện nước mới xây dựng. Nhưng giờ xây thì xây thôi, xây xong nhiều khi điện mất, nước ứ. Ổng xây thì xây để lấy tiền thôi!”
Ông Vĩnh nói thêm là ông và gia đình đã có bốn đời sống ở Sài Gòn, chưa bao giờ ông chịu cảnh ngập lụt như trận lụt hôm Thứ Hai vừa qua. Trong khi đó, nói một cách nghiêm túc thì trước năm 1975, Sài Gòn cũng kinh qua nhiều trận mưa rất khủng khiếp nhưng tình trạng ngập lụt thì không có. Bởi lúc đó, mỗi quận đều có một vài ao đầm rất lớn, ví dụ như Đầm Sen ở Tân Bình, ao rau muống ở Bàu Cát, ao đá ở quận 12, ao hầm đá ở Thủ Đức… và rất nhiều ao hồ không tên khác đã giúp cho Sài Gòn thoát nước trong tình trạng ngập cục bộ.
Như hồi xưa trước khi xây dựng thì phải có sự kết hợp xây dựng, điện nước mới xây dựng. Nhưng giờ xây thì xây thôi, xây xong nhiều khi điện mất, nước ứ.
- Ông Vĩnh, Sài Gòn
Hơn nữa, nhà cửa lúc đó cũng qui hoạch không lộn xộn, các con đường vẫn còn rộng thoáng, cây cối nhiều… Nhìn chung, Sài Gòn trước năm 1975 không bị rơi vào tình trạng tổ kiến. Giải thích chuyện tổ kiến, ông Vĩnh nói rằng hầu hết các qui hoạch xây dựng sau này đều rơi vào tình trạng tổ kiến. Nghĩa là chọn những mảnh đất có kết cấu địa tầng học kém và xây lên bên trên một khối kiến trúc đồ sộ, không tính đến hướng gió và đường thoát nước. Cuối cùng, khi có mưa, mọi căn nhà, mọi công trình trở thành các con đập và đường sá trở thành các con sông, người bơi lõm ngõm trên sông phố như kiến gặp lụt.
Ông Vĩnh cho rằng nhà cầm quyền đã đối xử quá tệ với Sài Gòn và điều này sẽ mang lại hệ lụy khó mà lường trước được.
Không nhận xét nặng nề như ông Vĩnh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, hiện đang sống tại Sài Gòn, đưa ra nhận xét: “Về nguyên nhân thực sự thì mình cũng không rành. Người ta không biết vì sao ngập lụt đến kinh hoàng vậy. Tôi nghĩ do xây dựng cũng một phần. Như cái túi chứa nước để thoát nước trước đây của Sài Gòn giờ thành Phú Mỹ Hưng, cũng là một nguyên do.
Ở Sài Gòn cũng có thông tin là một số nơi xây dựng không có cống thoát nước. Nhưng đó là thông tin mình tiếp nhận còn nguyên do thực sự thì tôi cũng chưa thể nói là gì. Hài hước thì mình chỉ biết nói Sơn Tinh thua rồi, Thủy Tinh chiếm trọn toàn bộ thành hồ rồi. Nói về tình trạng ngập lụt thì chúng ta thấy trong mấy ngày vừa qua rồi. Đời sống của người dân nếu như thế này rõ ràng bị xáo trộn.
Ngập thế này thì làm sao không xáo trộn được, làm sao yên tâm đi đâu được, ở nhà còn không yên tâm chứ đừng nói là đi làm, nếu trời mưa thế này. Nó làm xáo trộn xã hội đấy, nó là xáo trộn đời sống bình thường của người dân, lý ra không phải đối phó với việc bình thường thế này. Với tư cách là một người dân, tôi hoàn toàn bất an, rất bất an, mọi thứ xáo trộn hết.”
Ông chia sẻ thêm, có thể nói rằng, sau trận ngập lũ chiều Thứ Hai tuần này, mọi thứ trở nên thay đổi hoàn toàn, chẳng ai còn dám tự hào Sài Gòn là một hòn ngọc viễn đông hoặc Sài Gòn là thành phố đầu tàu nữa. Bởi theo nhà thơ, con người cần ăn, mặc ở cho ổn định, bình an thì mới dám nói đến chuyện khác. Đằng này, mọi thứ bị xáo động, chỗ ăn, chỗ ở ngập ngụa, công việc đi lại cũng bị rối rắm thì mọi chuyện có thể bị ngưng trệ xâu chuỗi.
Giới kiến trúc sư nói gì?
Một kiến trúc sư làm việc tại Sở Qui hoạch – Kiến trúc thành phố Sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ:
"Trước 1975 thì đã có sẵn hết rồi, tất cả các hệ thống, kiến trúc Sài Gòn được vẽ ra tới Củ Chi, Bình Dương, Bình Phước hết chứ. Có bản vẽ tổng thể hết, rồi sau đó người ta xây dựng từng phần một. Bây giờ người ta làm ẩu, đâu có bản vẽ, người ta đâu tìm ra được bản vẽ thời Pháp đó được. Không có bản tổng thể chung, thì cái đường nước nó không tính được lưu lượng nước.
Cái đường ống cống chính và phụ, có nơi nước đi ngược. Như một số khu vực tư nhân kiếm được theo phe nhóm thì họ xây dựng cống to để hút khách, cuối cùng, chính những đường ống này đẩy ngược nước lại. Chứ người ta phải có một ống cống chính từ trên cao xuống thấp rồi những ống cống phụ khác của thành phố nhập chung vào đó, giống như lưới điện vậy. Nhưng giờ đường cống chính của Sài Gòn không có, ngoài kênh Nhiêu Lộc, tuy nhiên kênh này thì chỗ thoát được, chỗ không, nó đâu thoát được đâu.”
Bây giờ người ta làm ẩu, đâu có bản vẽ, người ta đâu tìm ra được bản vẽ thời Pháp đó được. Không có bản tổng thể chung, thì cái đường nước nó không tính được lưu lượng nước.
- Một kiến trúc sư 
Bởi trước năm 1975, các qui hoạch của chính quyền cũ đã nhắm đến hướng Tây và Tây Bắc lệch về hướng Biên Hòa và xem phía Đông, Đông Nam là đầm thoát nước. Dự tính vài trăm năm nữa, khi địa tầng ở khu vực Đông và Đông Nam đủ ổn định thì lúc đó mới qui hoạch lệch về phía này. Nhưng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã không chọn theo hướng này. Kể từ khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng hoàn thành, ông đã nhìn thấy chuyện này nhưng ông không thể nói với ai và có nói thì cũng chẳng ai tin. Và chuyện Sài Gòn bị ngập lụt nặng như đang thấy chỉ mới là chuyện khởi đầu.
Bởi khí hậu đang biến đổi mạnh, mưa Sài Gòn trong những năm tới có thể dữ dội hơn. Trong khi đó thành phố Sài Gòn đang trên đà sụt lún và xây dựng thì quá lủng củng, mọi con phố đều trở thành con sông nghẹt. Như vậy, theo vị kiến trúc sư này, người dân Sài Gòn cần chuẩn bị tâm lý sống chung với mưa ngập khi mùa mưa tới. Đây là chuyện không thể tránh. Và cho dù nhà cầm quyền có qui hoạch, có điều chỉnh tốn kém bao nhiêu nữa cũng khó mà vớt vát chuyện này được. Bởi cái sai là cái sai của cả con đập, mà cái điều chỉnh thì giống như dùng một nùi giẻ nhét vào lỗ mối trên thân đập. Việc này sẽ chẳng đi đến đâu!
Ông cho rằng chuyện cứu Sài Gòn khỏi tình trạng ngập lụt hiện tại là chuyện vô cùng khó, thậm chí là chuyện bất khả thể. Bởi vì người ta không thể đập bỏ các qui hoạch phía Đông và Đông Nam của thành phố này.