Thursday, April 28, 2016

Bác bỏ nguyên nhân thủy triều đỏ

Theo BBC-28 tháng 4 2016 

Image copyrightNa Son Nguyen AFP Getty
Image captionThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục làm rõ tác động của độc tỗ hóa học và sớm công bố kết quả cho nhân dân
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo trong cuộc họp Chính phủ ngày 28/4 về kết quả xét nghiệm mẫu, theo đó "bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ".
Tuy nhiên bài nói về báo cáo này trên một số báo như Sài Gòn Giải Phóng hay Dân Trí đã bị gỡ bỏ vài tiếng đồng hồ sau khi đăng.
Kết luận này có nghĩa nguyên nhân thủy triều đỏ gây ra cá chết bất thường hàng loạt mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra hôm 27/4 là không chuẩn xác.
Cuộc họp về vấn đề cá chết có tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Khoa học - Công nghệ, Công an, Thông tin-Truyền thông và Y tế.
Bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng bản cached cho hay "các nhà khoa học hiện nay đang hướng nghiên cứu vào nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt là tác động của độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nói đã giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ "chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để xét nghiệm, nghiên cứu làm rõ về tác động của độc tố hóa học trên cơ sở các kết luận khoa học, sớm công bố kết quả cho nhân dân".
Ông Phúc cũng nói nếu sau khi có kết luận của giới khoa học mà các cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm của các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân liên quan đến độc tố hoá học thải ra làm chết cá hàng loạt thì "phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật".
Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn được giao nhiệm vụ sớm đưa ra khuyến cáo về hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản hỗ trợ các địa phương.
Trước đó, một số nhà khoa học đã bày tỏ hoài nghi về lý do 'thủy triều đỏ' mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra.

'Hiện tượng cá chết vẫn phức tạp'

Ngư dân thấy 'thất vọng' trước nguyên nhân làm cá chết mà Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam công bố, một nhà hoạt động nói với BBC.
Xem thảo luận trực tuyến của BBC Tiếng Việt về vấn đề này lúc 19h30 (giờ Việt Nam) ngày 28/4 tại: http://bit.ly/1TfLYCW
Image copyrightAFP
Image captionCá chết dạt vào bờ biển ở miền Trung Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội hiện có mặt tại Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Tối qua tôi ra âu thuyền Kỳ Phương, dân ở đây đổ đậu ghe tàu thì rất nhiều ghe thuyền đã được kéo lên trên cồn. Người ta bỏ biển rất nhiều ngày."
"Những ngư dân sau khi nhiều ngày đánh bắt cá không được thu mua, thì bị ép giá, mua với giá rất thấp" - ông cho biết.
Ông Tuấn cũng nói sau khi theo dõi kết quả công bố nguyên nhân gây chết cá hàng loạt, nhiều ngư dân tỏ ra "thất vọng".
"Người ta nói không phải họ không đánh được con cá con tôm, mà là đánh lên không ai tiêu thụ, không ai mua."
"Họ lo ngại thương hiệu cá mực Vũng Áng và cả Hà Tĩnh sẽ bị mất đi. Họ sợ người dân cả nước một thời gian dài nữa sẽ không mua cá mực ở đây. Rồi sau này cá mực họ xuất khẩu như qua Trung Quốc cũng sẽ không bán được."
Ông Tuấn cũng cho biết: "Chiều qua khi tôi ra cảng, thấy giá cá xuống rất thấp. Các loại cá thông thường giá 20.000đ/kg, giờ chỉ còn 3.000 - 4.000đ/kg. Có những người sáng không bán được, chiều có thương lái đi gom, nhưng giá thì chưa biết phải đợi báo sau."
Ông Tuấn đã gặp gỡ nhiều ngư dân tại khu vực này trong những ngày vừa qua, khi sự kiện cá chết hàng loạt xảy ra từ khu vực Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị cho là lan xuống các tỉnh lân cận.

'Không có cơ sở khoa học'

Image copyrightGetty
Image captionBè nuôi cá ở miền Trung Việt Nam, ảnh minh họa
Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Tác – Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, nói “phải xem lại” nguyên nhân thủy triều đỏ.
Ông Tác giải thích: “Về nguyên tắc thủy triều đỏ có thể gây chết sinh vật biển. Thủy triều đỏ là hậu quả của sự ô nhiễm dinh dưỡng. Và khi xuất hiện thủy triều đỏ, màu nước biển thay đổi và tạo ra mùi khó chịu, và dân biết trước được.”
“Đàng này tôi không nghe ngư dân hay báo chí nói có hiện tượng mùi khó chịu hay màu nước thay đổi. Nếu như cá tôm chết, thì thủy triều đỏ phải xuất hiện trước đó khoảng 10 ngày và khi xuất hiện thủy triều đỏ, mặt biển sẽ xuất hiện màu hồng, màu vàng hoặc màu xanh, và sẽ tạo ra mùi tanh, hôi rất đặc trưng. ”
“Thứ hai, cá vừa rồi chết phần nhiều là cá đáy (sống dưới đáy biển). Thủy triều đỏ chỉ tác động mạnh đến các loài cá sống nổi thôi.” – ông Tác cho biết.
Image copyrightndh.vn
Image captionHiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra nhiều ngày qua ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam
“Thủy triều đỏ là sự phát triển nở hoa của các loại thực vật đơn bào sống trôi nổi thì đầu tiên nó phải tác động đến những sinh vật nổi trên nước. Còn vừa rồi, phần nhiều cá chết là sinh vật đáy.”
Tiến sỹ Tác cũng nói l‎ý do thủy triều đỏ là “chưa có cơ sở khoa học".
Khi được hỏi những hóa chất nào có thể làm chết cá ở tầng đáy, ông Nguyễn Văn Tác cho biết:
“Thứ nhất, cá tầng đáy chết, nghĩa là có thể các loại hóa chất đấy có hàm lượng hữu cơ rất lớn, làm oxy cạn kiệt và làm cho môi trường thiếu oxy.”
“Cái thứ hai là có độc tính rất lớn làm cá không chịu được và chết."
“Ngoài ra, có khả năng do các công trình ngầm thải ra những chất có tác động cực mạnh với các sinh vật sống ở đấy. Dù nguyên nhân nào cũng phải tập trung vào xem nguồn gốc thải ở đâu ra.” - ông Tác nói với BBC Tiếng Việt.
Ông Tác nhấn mạnh: "Nếu nói về nguyên nhân thủy triều đỏ phải tìm cho được nguyên nhân nào gây thủy triều đỏ, thủy triều đỏ ở đây là loài tảo gì, nó hình thành như thế nào, ở thời điểm nào. Các cơ quan chức năng phải làm rõ điều này."
Vụ cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của người dân tại Việt Nam.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên-Môi Trường Việt Nam họp báo và nêu nguyên nhân cá chết: Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển và hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.
Image copyrightAFP
Image captionNhà máy Formosa Hà Tĩnh là tâm điểm bị nghi ngờ gây hiện tượng chết cá tại miền Trung Việt Nam
Cuộc họp báo diễn ra trong 10 phút và không phóng viên nào được đặt câu hỏi.

VN cần tuyên bố 'thảm họa môi trường'?

Theo BBC-28 tháng 4 2016 

Image copyrightAFP
Image captionGiới chức Việt Nam cho hay họ đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt.
Sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt ở nhiều tỉnh duyên hải miền trung Việt Nam đã nâng dần lên và trở thành 'thảm họa môi trường', theo các chuyên gia, khách mời của Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.
Bình luận về tính chất, quy mô của biến cố gây cá chết hàng loạt đang ở tâm điểm quan tâm của dư luận Việt Nam, hôm 28/4/2016, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lê Huy Bá, chuyên gia độc học môi trường từ TP. Hồ Chí Minh nói:
"Cá chết ở miền Trung, đây là một thảm họa môi trường, theo tôi bắt đầu là sự cố thôi, nhưng dần dần nó nâng thành thảm họa, vì rằng cái diện của nó khá rộng lớn, rồi lại là một tác động rất mạnh mẽ, nó diệt nhiều loài cá quý hiếm ở tầng sâu.
"Và sau này có thể có những loài cá mà vì chất độc đó kéo dài nhiều năm sau, thì có thể bị tuyệt chủng... và đa dạng sinh học ở biển sẽ bị tác động mạnh mẽ.
"Chúng tôi xem là một sự cố môi trường, nhưng mà nó đã trở thành một thảm họa môi trường, việc ứng phó với sự cố và là thảm họa môi trường chúng ta đã làm vừa rồi là chưa ổn," nhà khoa học từ Viện Khoa học, Công nghệ và Xử lý môi trường, thuộc Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói với Bàn tròn thứ Năm.

Cần công bố 'thảm họa'

PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Image captionPGS. TS. Phạm Quý Thọ đề nghị Việt Nam tuyên bố đây là 'thảm họa môi trường' để có các ứng phó, xử lý tương ứng với mức độ mới.
Khi được hỏi, nếu biến cố đã được nhìn nhận và nâng cấp thành 'Thảm họa môi trường' thì Việt Nam cần phải có hướng xử lý thảm họa này như thế nào, từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ đáp:
"Có mấy hướng trước mắt, thì phải công bố tình trạng như Giáo sư (Lê Huy) Bá nói vừa rồi, nghĩa là nó nguy hiểm, chứ không phải chỉ là cá chết, rõ ràng nó ảnh hưởng trước mắt và lâu dài, cũng như không chỉ thủy sản mà cả các lĩnh vực khác, với đời sống của người dân cũng như du lịch, cũng như một số các (lĩnh vực) khác. Nói chung cần phải nói rõ mức độ ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng của nó và tôi đồng ý với Giáo sư Bá.
"Điểm thứ hai, đây cũng là một bài học rất đắt giá, bởi vì mặc dù về mặt chính sách cũng có nói rằng là phát triển bền vững, trong đó có môi trường sống, môi trường bền vững, thì cũng được chú ý về mặt chính sách. Thí dụ như là Việt Nam cũng nhanh chóng thành lập cảnh sát môi trường, nhưng mà trước một sự cố như thế này, tôi thấy phản ứng rất là chậm chạp.
"Thì từ đây, có mấy điểm nhấn cần lưu ý, một là trước một sự cố nào đó, cần phải có một sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, giữa các nhà khoa học, cũng như các nhà quản lý nhà nước. Thậm chí cần phải có liên hệ với những tổ chức quốc tế để giải quyết những vấn đề môi trường mà vượt, ngoài khả năng khoa học của Việt Nam như thời gian vừa rồi...
"Về mặt trung hạn, cũng phải lưu ý rằng các nhà khoa học, cũng như các tổ chức, cần phải có một tổ chức đủ năng lực để đối phó với thảm họa như là Giáo sư Bá nói vừa rồi, nếu không có một tổ chức chuyên nghiệp như vậy thì vẫn là những cái 'chạy đi, chạy lại', rồi báo cáo, rồi xin ý kiến cấp trên mà thôi."

'Sụp đổ hệ sinh thái'

Image captionNhà báo Navin Singh Khadka của BBC World Service (trái) cho rằng đây có thể là một sự sụp đổ hệ sinh thái.
Nhà báo Navin Singh Khadka, phóng viên chuyên vê môi trường, sinh thái thuộc BBC World Service, người từng tới Việt Nam làm phóng sự về môi trường, nêu quan điểm và đánh giá về sự cố mà ông coi là một sự 'sụp đổ hệ sinh thái', ông nói với BBC Việt ngữ sau tọa đàm:
"Đây có thể là một sự sụp đổ về hệ sinh thái (an eco-system collapse) và không chỉ liên quan riêng về cá, tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam và các nhà chức trách cần phải tư duy rằng đây không phải là một vấn đề riêng biệt của Việt Nam, mà nó là một vấn đề của hệ sinh thái khu vực.
"Tầm mức nghiêm trọng của nó buộc tôi phải nhận định rằng đây có thể là một sự sụp đổ hệ sinh thái ở mức độ nghiêm trọng.
"Nhà nước Việt Nam do đó cần mở cửa cho điều tra, đánh giá tác động môi trường, sinh thái độc lập, việc phản ứng ngay và sớm hơn tôi nghĩ là cần thiết và được kỳ vọng, mặc dù việc tìm hiểu nguyên nhân, xử lý là phức tạp và cần thời gian.
"Nhưng những cảnh báo, hướng dẫn, công bố thông tim càng sớm càng tốt càng có lợi cho người dân, những người đã đang và có thể bị ảnh hưởng, cũng như để chia sẻ với quốc tế.
"Tôi nghĩ là việc thông tin này cần phải được làm nhanh hơn, sớm hơn, cứ không nhất thiết phải đợi tới khi tìm ra tác nhân, người, nguồn gây ra sự cố.
"Một ví dụ, tôi muốn nhấn mạnh là trong một sự cố về môi trường biển gần đây ở khu vực eo biển tiếp giáp giữa Singapore và Malaysia, chính phủ Singapore đã ngay lập tức thông báo ngay cho khu vực và quốc tế, ngư dân ở các khu vực bị ảnh hưởng đã di chuyển, điều chỉnh nơi nuôi trồng thủy hải sản của họ một cách an toàn và hiệu quả hơn," nhà báo Navin Singh Khadka nói với BBC.

Không có trách nhiệm thì hãy từ nhiệm

Th.S Nguyễn Tiến Trung 

Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn 28 tháng 4 2016 

Image copyrightAFP
Image captionNhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh
Vụ việc cá chết ở Hà Tĩnh và dọc các tỉnh miền Trung đang gây xôn xao, căm phẫn trong người dân cả nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trong cuộc họp báo tối 27/4 cho rằng câu hỏi của một nữ phóng viên về chuyện cá chết làm “tổn hại đất nước” và phủ nhận chuyện Formosa có liên quan.
Trước đó, ngày 25/4/2016, ông Chu Xuân Phàm - Phó Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh đã thẳng thừng: "Chúng tôi không thể đặt một nhà máy thép ở đây mà biển ở xung quanh lại có nhiều cá, nhiều tôm được.”
Một người bạn của tôi kể rằng trong công ty của bạn ấy không ai quan tâm tới chính trị, hễ nói tới chính trị là gạt đi, “để Đảng và Nhà nước lo”. Nhưng giờ đây những người trong công ty đó cũng bàn tán bất bình, lo lắng vì con cá, nước mắm họ đang ăn có thể bị nhiễm độc nặng.

Gây phẫn nộ

Hiện tại, hầu như liên tục tuần nào cũng có sự kiện gây phẫn nộ lòng dân.
Anh cảnh sát đánh người bán hàng rong đến chấn thương sọ não; móng trụ điện 500 KV làm bằng …đũa; thượng tá công an nói “chết một người là bình thường, đăng [báo] làm chi”; truy tố hình sự một chủ quán phở vì chậm đăng ký kinh doanh; thực phẩm bẩn, tham nhũng tràn lan… Không thể kể hết được!
Có vẻ như xã hội Việt Nam đang tiến gần đến điểm bộc phát khi các mâu thuẫn, bức xúc xã hội không thể bị bưng bít, kìm nén nữa.
Image copyrightChilean Navy
Image captionThủy triều đỏ là hiện tượng thiên nhiên (trên ảnh là thủy triều đỏ ở Chile)
Việc cá chết cũng như các vụ việc khác đều không thấy các đại biểu Quốc hội lên tiếng. Thậm chí kể cả những người trong bộ máy cầm quyền mới “thề non hẹn biển” rằng họ sẽ “trung thành với Tổ quốc, nhân dân, và hiến pháp” cũng câm lặng.
Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Việc nhà cầm quyền vô trách nhiệm, bất lực trước các vấn đề xã hội bắt nguồn từ việc không có nền tảng quốc gia. Nghĩa là người dân không được làm chủ đất nước, pháp luật không chuẩn mực, thể hiện rất rõ qua cách thức tổ chức bầu cử quốc hội để bầu ra những người “đại biểu nhân dân”.

Bầu cử là lựa chọn

Đã nói đến bầu cử là nói đến lựa chọn, và đây là sự lựa chọn quan trọng nhất vì nó liên quan tới vận mệnh quốc gia, đến số phận từng người dân. Ở các quốc gia do nhân dân làm chủ, dân luôn có quyền lựa chọn giữa nhiều ứng cử viên, nhiều đảng khác nhau để bầu lên lãnh đạo quốc gia.
Thế nhưng ở Việt Nam, Đảng Cộng sản đã ghi rõ trong điều 4 Hiến pháp rằng Đảng Cộng sản là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy thì dân còn có lựa chọn nào khác không ngoài việc phải cam chịu những người tự nhận trung thành với ông Các Mác và ông Lênin lên cai trị quốc gia? Điều 2 Hiến pháp “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” đã trở thành giả dối.
Dân không chọn Đảng Cộng sản làm lãnh đạo quốc gia qua bầu cử tự do và công bằng thì việc các lãnh đạo Đảng Cộng sản vô trách nhiệm với dân, lạm dụng nhân dân là điều dễ hiểu. Nhà cầm quyền có quyền lực tuyệt đối nhưng vô trách nhiệm cũng tuyệt đối.
Đơn cử như trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Đinh La Thăng tuyên bố ngày 27/4/2016: “nguyên nhân số 1 [của thực phẩm bẩn] là không xác định được trách nhiệm, chẳng kỷ luật được ai, từ xã, phường, quận, huyện đến tỉnh, thành”.
Tương tự, đến giờ này nhà cầm quyền vẫn không biết tại sao cá chết, không biết ai phải chịu trách nhiệm.

Bầu cử là để thay đổi

Lãnh tụ của Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tuyên bố: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”.
Image copyrightAFP
Image captionAi sẽ chịu trách nhiệm trước các ngư dân?
Ở đây, dân “đuổi” chính phủ làm không được việc là qua bầu cử chứ không phải bằng cách đi làm cách mạng vũ trang để lật đổ. Thay đổi chính phủ qua lá phiếu là quyền làm chủ của người dân nhằm buộc đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm chính trị chứ không thể nói là không biết ai phải chịu trách nhiệm.
Khi người dân mất quyền thay đổi chính phủ thì điều đó chỉ dẫn đến bất ổn chính trị chứ không hề đảm bảo ổn định chính trị như Đảng Cộng sản vẫn tuyên truyền. Sự ổn định chính trị kiểu đó chỉ là giả tạo, nhà cầm quyền sống trong ảo tưởng, che giấu sự thật rằng họ không được lòng dân, không được nhân dân thỏa thuận trao quyền qua bầu cử tự do và công bằng, có định kỳ.
Hãy xem ví dụ Saddam Hussein và đảng Ba'ath ở Iraq luôn thắng cử với 100% phiếu bầu nhưng khi quân Mỹ tiến vào Iraq thì người dân reo hò kéo đổ tượng Saddam Hussein và bản thân ông ta phải chịu kết cục bi thảm.

Bắt đầu “thế kỷ ô nhục”?

Ngày 20/1/2009, quan tòa của Đảng Cộng sản đã tuyên án các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long và tôi rằng trong thời hạn quản chế thì bị tước quyền công dân, không được phép ứng cử, bầu cử. Lúc đó tôi bật cười vì thật ra người dân cả nước đã mất quyền công dân, mất quyền làm chủ từ lâu rồi, chỉ còn là thần dân để một thiểu số cai trị.
Cảnh sát khu vực có thể vào nhà dân để kiểm tra vào bất kỳ thời điểm nào. Thế nhưng khi cá chết ở miền Trung thi đoàn công tác chính phủ không thể vào khu công nghiệp Vũng Áng để kiểm tra vì “có yếu tố nước ngoài”.
Sự kiện này làm tôi nhớ đến “thế kỷ ô nhục” của Trung Quốc thời Thanh mạt khi quốc gia của họ bị các đế quốc xâu xé. Trong phạm vi tô giới của nước ngoài thậm chí còn có bảng “Cấm chó và người Trung Quốc”.
Image copyrightGetty
Image captionQuốc hội Việt Nam chưa ai lên tiếng
Có vẻ như nước Việt đang bắt đầu thời kỳ “ô nhục” đó. Thân phận, ý chí, nguyện vọng của người dân chẳng là gì so với các ông chủ lắm tiền trong và ngoài nước. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/4/2016 cũng nhấn mạnh: “Coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình”.
Cuộc Cách mạng tháng Tám để làm gì? Bao nhiêu người hi sinh xương máu vì “độc lập, tự do” phải chăng là vô ích?

Người quyết định là cử tri

Không, chúng ta - người Việt yêu nước - dứt khoát không chấp nhận điều đó. Quyền làm chủ của người dân phải được hiện thực và bình đẳng. Chúng ta dứt khoát cùng nhau không chấp nhận kiểu bầu cử độc đảng giả dối nữa.
Chúng ta phải được quyền sống trung thực, đúng với phẩm giá làm người của mình. Chúng ta không chấp nhận viễn cảnh “thế kỷ ô nhục" đang đến với đất nước này.
Chúng ta, bằng cách này hay cách khác, qua cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22/5/2016 sắp tới, cần cho nhà cầm quyền biết rõ chính kiến của mình.
Về phía nhà cầm quyền, nếu họ cảm thấy họ không có bất kỳ trách nhiệm gì với đất nước này thì họ nên từ nhiệm để dân bầu những người chính trực, có trách nhiệm lên lãnh đạo quốc gia.
Quyền quyết định phải nằm ở chúng ta, những công dân, cử tri, chủ nhân của đất nước chứ không thể là một thiểu số độc tài. Chính quyền phải nắm quyền một cách chính danh qua lá phiếu của chúng ta. Đây là đạo lý giản dị và hiển nhiên, không thể tranh cãi, để bắt đầu công cuộc xây dựng lại nước Việt.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà vận động dân chủ tại TP HCM.

Trung Quốc sẽ thao dượt với các nước có tranh chấp ở Biển Đông

Binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuần tra trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 29/1/2016.
Binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuần tra trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 29/1/2016.
VOA-28-04-2016
Trung Quốc hôm 28/4 cho hay họ sẽ cử một tàu chiến và lực lượng đặc nhiệm tham dự cuộc thao dượt đa quốc gia vào tháng sau trong đó dự kiến sẽ có binh sĩ của Philippines và một số nước khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc thao dượt an ninh hàng hải và chống khủng bố kéo dài từ ngày 2 đến 12/5 sẽ bao gồm quân đội 10 nước của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, cùng với Mỹ, Ấn Độ và 6 đối tác đối thoại khác. Cuộc thao dượt sẽ diễn ra ở Singapore, Brunei và gần Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói nước này sẽ cử tàu khu trục tên lửa Lan Châu, các sỹ quan tham mưu và hơn 10 lính đặc nhiệm tham gia. Ông Ngô nói tại một cuộc họp báo rằng cuộc thao dượt sẽ giúp quân đội các nước “học hỏi lẫn nhau và làm sâu sắc thêm hợp tác thực tế trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.”
Khi được hỏi về việc có những đề nghị Mỹ gia tăng hoạt động hải quân ở Biển Đông, nơi có nhiều tranh chấp chủ quyền chủ yếu giữa Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, ông Ngô nói:

“Cho dù tàu Mỹ có đến Biển Đông với số lượng bao nhiêu và thường xuyên như thế nào, điều đó cũng không thay đổi thực tế là các đảo ở đó và gần đó là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, việc đó sẽ không làm Trung Quốc dừng phát triển và tăng trưởng, càng không làm lung lay ý chí của Giải phóng quân nhân dân trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.”
Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông và vấp phải sự phản đối của Việt Nam, Philippines và một số nước khác cũng đòi chủ quyền về phần lớn hay một phần vùng biển.
Cũng trong ngày 28/4, ông Trần Việt, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, nói nước này đang lên kế hoạch mới về hợp tác quốc tế ở Biển Đông và vùng biển lân cận để tăng cường quan hệ với một số nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng của tranh chấp hàng hải.
Kế hoạch này trải dài trong 5 năm tới và tập trung vào các quan hệ đối tác giữa Trung Quốc với khối ASEAN và ở Đông Á. Tuy nhiên, ông Trần không nói cụ thể khi nào kế hoạch sẽ được công bố.

Theo Abcnews, indiaexpress