Sunday, July 10, 2016

1 tàu cá Quảng Ngãi bị 4 tàu Trung Quốc truy đuổi và đâm chìm

HUY TRƯỜNG - 10/7/2016 - 15:27
(PLO)- Đang đánh bắt tại khu vực biển Hoàng Sa, một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị bốn tàu Trung Quốc vây hãm và đâm chìm trên biển.

Trước đó tàu ngư dân Quảng Nam cũng liên tiếp bị tấn công trên biển.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, khoảng 11 giờ ngày 9-7, tàu cá QNg 90479 TS do ông Võ Văn Lựu (1966, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ, kiêm thuyền trưởng, có 05 ngư dân đang đánh bắt tại khu vực tọa độ 16o06’N - 113o06’E (cách đảo Linh Côn/ Hoàng Sa khoảng 35 hải lý về hướng Đông Đông Nam) thì bị 02 ca nô Trung Quốc (chưa rõ số hiệu) truy đuổi. Sau đó, tiếp tục bị 02 tàu Trung Quốc, số hiệu 46102 và 56103 ngăn cản, tông chìm tàu cá QNg 90497 TS.
Nhận được thông tin tín hiệu xin được hỗ trợ khẩn cấp của tàu cá QNg 90479 TS, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã yêu cầu các tàu cá ở gần đó ứng cứu. Đến 21 giờ ngày 9-7, năm ngư dân trên tàu cá QNg 90479 TS đã được tàu cá QNg 95001 TS cùng tổ đội đánh bắt cứu vớt đưa lên tàu an toàn. 
Sáng 10-7, ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Trung tâm Cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC), xác nhận đã cứu vớt được năm ngư dân trên tàu cá QNg 90479 TS ở Quảng Ngãi bị tàu nước ngoài đâm chìm trên biển.
Hiện năm ngư dân trên tàu cá QNg 90479 TS sẽ cùng tàu cá QNg 95001 TS tiếp tục đánh bắt hải sản và về đất liền trong thời gian tới.
HUY TRƯỜNG

500 triệu đôla Mỹ: Tiền bạc hay nỗi đau?

‪‎GNsP‬ – Ở thời điểm hiện tại(12h10′, ngày 08/07/2016), theo tỉ giá niêm yết của Ngân hàng Công thương Việt Nam, giá đôla Mỹ là 1 $ đổi 22.260 VNĐ. Vậy:
500 triệu USD x 22.260 VNĐ = 11.130.000.000.000 VNĐ(Mười một ngàn, một trăm, ba mươi ngàn tỷ đồng chẵn).
Dân số 4 tỉnh(tính đến năm 2013) bị ảnh hưởng trực tiếp từ Formosa lần lượt như sau:
1. Hà Tĩnh: 1.242.700 người.
2. Quảng Bình: 863.400 người.
3. Quảng Trị: 612.500 người.
4. Thừa Thiên – Huế: 1.123.800 người.
Tổng dân 4 tỉnh là 3.842.400 người.
Đưa 500 triệu USD xẻ đều trên số dân, ta có phép tính sau:
11.130.000.000.000 VNĐ/ 3.842.400 người = 2.896.627VNĐ/người.
Tính trung bình một gia đình có ba con, như vậy một hộ là 05 người sẽ tương ứng số tiền là:
05 người x 2.896.627VNĐ = 14.483.135 VNĐ(khoảng 651 USD)
Trên đây chỉ là cách tính trực quan toán học theo số liệu dân số của 04 tỉnh bị ảnh hưởng TRỰC TIẾP sau “sự cố mất điện” của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xảy ra vào khoảng hạ tuần tháng tư năm nay.
Dẫu biết rằng, số tiền 500 triệu USD(theo Chính phủ công bố) mà Tập đoàn Formosa đứng ra tuyên bố bồi thường không giải quyết được phần nào hậu quả to lớn mà chính họ làm ra đối với môi trường biển, với con người Việt Nam và với đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những ngư dân hiện nay, đang ngày ngày hức vẻ mặt đen rám nắng hướng ra biển thì đó là một số tiền không nhỏ. Tới thời điểm này, họ không dám đao to búa lớn suy nghĩ về việc cứu biển, cứu nước nữa, trong họ dường như nỗi lo mất nước, mất biển đã nhường chỗ cho nỗi lo trưa nay ăn gì, tối nay ăn gì, 500 triệu USD giờ nơi đâu, bao giờ thì tới tay họ, và khi tới nơi có còn nguyên vẹn hay không ?
Có khi chúng ta, những người khua môi múa mép, những người gõ phím nhấn share, có lúc sẽ nghĩ rằng, ngư dân nghĩ cạn quá, còn hàng năm, hàng chục năm, hàng trăm năm hay thậm chí là hàng ngàn năm chứ đâu phải chỉ có hôm nay, ngày mai hay hôm kia. Nhưng chúng ta thử đặt mình vào vị trí của những ngư dân, diêm dân rồi chúng ta sẽ hiểu được phần nào suy nghĩ của họ. Cái đói hôm nay, hiện tại chưa giải quyết nổi thì tuần sau, tháng sau còn đủ sức khỏe nữa không, để mà nghĩ về biển, về san hô và môi trường biển?
Cuộc sống của họ, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nồi cơm của gia đình họ, lệ thuộc vào nắng mưa, giông bão. Hôm nay, họ biết làm khi biển động, là lúc bình thường họ sẽ cùng nhau ra khơi để kéo lên những đàn cá trích nặng trịch, cùng những nụ cười hạnh phúc của vợ con. Có lẽ, không chỉ những con thuyền nhớ khơi không thôi, mà chính những ngư dân họ nhớ mùi cá tươi mằn mặn, hoài niệm lại cảm giác gỡ từng chú cá trích óng ánh ra khỏi lưới trong đêm, … Chắc họ buồn lắm…
Họ, có đủ nhận thức để biết rằng, chính Formosa đã đạp đổ nồi cơm của họ, dẫm đạp nát tương lai của con cháu họ, nhưng họ biết làm gì bây giờ, kêu ai, than ai, kiện ai khi Chính phủ Việt Nam, nhân danh họ đứng ra ngộ nhận, thay mặt họ “khoan hồng” cho kẻ đã, đang và còn sẽ từ từ gặm nhấm thân xác họ.
Trong khi cấp cao mạnh miệng hứa hẹn đồng hành, giãn lãi, lùi nợ cho ngư dân, thì cấp dưới vẫn đều đặn ép lãi, siết nợ ngư dân tại thị xã Ba Đồn(Quảng Bình). Lại thêm tình trạng bớt xén hỗ trợ theo một lẽ thường tình lại diễn ra trắng trợn ở nhiều nơi. Phải chăng vụ việc hàng ngàn giáo dân Giáo xứ Cồn Sẻ (Giáo phận Vinh) đụng độ với nhà cầm quyền Quảng Bình hôm 07/07/2016, như giọt nước tràn ly đau đớn, như một tiếng trống hiệu, cảnh cáo lần cuối cho nhà cầm quyền Việt Nam nên nhanh chóng tìm lối thoát cho hiện trạng bi thảm lúc này?
500 triệu USD là tiền đó, gạo đó, nước mắm đó, … đủ thứ để giải quyết các nhu cầu cấp bách cho ngư dân ở đó. Nhưng giờ nó ở đâu, đã trên đường di chuyển từ Hà Nội về chưa, hay vẫn đang luẩn quẩn đâu đó, ghé qua bộ này, cục nọ ở ngoài thủ đô xa xôi kia ?
Tĩnh – Bình – Trị – Thiên

Nghệ An: Người dân biểu tình yêu cầu nhà chức trách minh bạch các khoản thu

GNsP– Gần 100 người dân xã Diễn Hạnh, tiếp tục lên ủy ban xã Diễn Hạnh để đòi hỏi phải minh bạch các khoản thu và giải trình rõ các khoản quỹ, thu sản lượng, giải phóng mặt bằng đường 205 không đúng theo quy định của pháp luật, vào chiều ngày 07.07.2016.
Cách đó 4 hôm, ngày 3/7 người dân đã kéo nhau lên xã để đòi hỏi các quyền lợi của mình và hô vang khẩu hiệu: “Chúng tôi cần một chính quyền minh bạch, đề nghị chính quyền minh bạch các khoản thu, đề nghị cán bộ xã Diễn Hạnh trả lại 2 triệu tiền phạt đẻ cho chúng tôi”…
Ngày 3/7 tức ngày chủ nhật, khi người dân kéo nhau lên xã thì được cán bộ xã Diễn Hạnh giải thích là ngày nghỉ, nên chúng tôi không thể tiếp xúc, giải trình cho bà con được. Nếu bà con có thắc mắc gì thì ngày làm việc, giờ hành chính bà con hãy lên xã. Chúng tôi hứa sẽ giải quyết những thắc mắc, những khoản thu chưa vừa lòng bà con.
Sau đó một ngày, vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày thứ 2 khi bà con chuẩn bị lên xã thì được  một cán bộ của tỉnh tên Quang chia sẻ và nói bà con đừng nên tập trung đông người trong ngày nghỉ sẽ không tốt. Nếu bà con có thắc mắc gì bà con cứ lên xã vào ngày làm việc giờ hành chính, cán bộ xã họ sẽ giải trình những thắc mắc của bà con. Nếu cán bộ xã không gặp thì gọi cho cán bộ thì cán bộ này sẽ kiến nghị với cấp trên để xứ lý.
Thế nhưng chiều 7/7 bà con lên thì được cán bộ xã trả lời, “mọi khoản thu của bà con phải đóng góp và thu tại xóm chứ trên xã chúng tôi chưa sắp xếp được người để thu và giải trình cho bà con.” Ở xóm lại nói lên xã để nạp những khoản đóng góp ấy, khi bà con lên xã thì xã lại bảo là về xóm để đóng tiền. Thật buồn khi người dân lên xã lại không được tiếp đón, mà con có ý thoái thác lại cho xóm.
13633463_290014134681849_234415508_o
13650560_290014338015162_1273589167_n
Người dân bức xúc, phẫn nộ nên đã tập trung trước sân ủy ban xã đến 17 giờ 30 phút  mới kéo nhau ra về. Thế là lại thêm một ngày nữa cán bộ xã không giải trình được những búc xúc của người dân và đã không tiếp dân trong ngày làm việc giờ hành chính.
Anh Tuấn bức xúc và nói: “Xóm thì bảo chúng tôi lên xã nạp, xã lại bảo chúng tôi về xóm là sao? Chẳng lẽ chúng tôi phải xuống huyện hay là vào tỉnh nạp hay sao?”
Anh Phước cũng bức xúc chia sẻ: “Hôm 30/6 xóm 4 đã có một cuộc họp mở rộng để giải trình những thắc mắc về các khoản thu của bà con. Nhưng khi chúng tôi đề cập đến các khoản thu bất hợp lý thì ông Thành chủ tịch xã và ông Thức không giải trình được. Mà còn vòng vo không giải thích đúng trọng tâm tôi đã trích dẫn chỉ thị 24 /2007/TC-TTg và Pháp lệnh 34 thì cán bộ xã mới hóa lả. Hay ngày 1/7 cũng có một cuộc họp ở xóm 5 cũng vậy. Người dân chỉ xoay quanh các khoản thu bất cập và đề nghị giải trình rõ khoản nào là tự nguyện, khoản nào là bắt buộc. Rồi số tiền bao nhiêu năm nay ở các quỹ còn bao nhiêu… đã thu thì phải có quỹ chứ?
Chị Hương nói: “Xã thu tiền của dân để làm hội trường, sao khi dân chúng tôi lên thì các ông không tiếp là sao? Bắt chúng tôi nạp tiền để xây dựng hội trường xã mà chúng tôi không được vào à. Chúng tôi sẽ gửi đơn kiện vào tỉnh để xem, nếu các ông làm đúng thì tốt với các ông qua, con nêu các ông làm sai thì quả thật rất mệt đó.”
Chỉ thị 24/2007/CT-TTg đã bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí, quỹ không bất hợp lý và pháp lệnh 34 thực hiện quyền dân chủ xã phường, thị trấn. Thế nhưng cán bộ xã Diễn Hạnh lại không thực thi đúng pháp luật, thử hỏi nếu cán bộ không thực thi đúng pháp luật thì người dân họ có nên tuân thủ pháp luật không.? Họ đã sai mà lại không công nhận mình làm sai, thế mà sáng, chiều nào họ cũng lên loa phát thanh tuyên truyền, những việc tập trung đông người của bà con là sai, bà con chống đối không đóng góp nghĩa vũ của mình là sai với nhà nước. Chúng tôi thấy thật buồn cho những vị lãnh đạo như vậy.
09.07.2016 - 10:02am
Pv.GNsP tại Nghệ An

Thảm họa môi trường: 500 triệu USD và nền chính trị điếm nhục CSVN

‪‎GNsP‬ – Ba tháng sau thảm hoạ môi trường ở Vũng Áng khiến cho hệ sinh thái ven bờ biển của 4 tỉnh miền Trung Việt Nam bị huỷ diệt. Hậu quả trước mắt là cơ cấu kinh tế vùng được tạo lập qua nhiều thế hệ bị gián đoạn và sụp đổ. Những ngành kinh tế như du lịch, đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản và diêm nghiệp là những ngành hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tổn thất vô cùng to lớn. Nhưng hiểm hoạ môi sinh ảnh hưởng lâu dài đến toàn bộ hệ sinh thái mới thực sự đáng sợ. Người dân muốn biết, cần được biết và phải được biết những gì đã xảy ra với môi trường sống của họ. Trách nhiệm đó thuộc về Nhà nước và thể chế chính trị quốc gia.
Hãy nhìn lại toàn bộ diễn biến về thảm hoạ môi trường này và trách nhiệm của thể chế hiện nay là Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự tồn vong của người dân miền Trung nói riêng và sự an nguy, sức khoẻ của người dân Việt Nam nói chung với những rủi ro khôn lường mà thảm hoạ môi trường ở Vũng Áng gây ra.
1- Diễn biến về thảm hoạ môi trường tại Vũng Áng và phản ứng của hệ thống chính trị Nhà nước CSVN
Ngày 6.4.2016, cá bè nuôi ở vùng biển Vũng Áng đồng loạt chết một cách bất thường. Khu vực ghi nhận hiện tượng này đầu tiên và nghiêm trọng nhất bắt đầu từ vùng biển gần nơi có nhà máy thép FORMOSA thuộc khu công nghiệp khổng lồ FORMOSA. Cá biển tự nhiên chết trắng bờ trong những ngày tiếp theo. Lượng cá đánh bắt sụt giảm nhanh chóng.. Những chuyến đi biển không mang về cá tôm, những mành lưới thả xuống biển khi kéo lên thì trắng tinh như được tẩy rửa bằng bằng thuốc tẩy cực mạnh, thậm chí không còn cả rong rêu bám vào lưới. Cả một vùng biển rộng lớn tanh hôi nồng nặc mùi cá chết, dưới đáy biển các loài sinh vật nhuyễn thể, giáp xác, san hô, rong rêu thối rữa. Hệ sinh thái rừng ngập mặn là cái nôi sinh trưởng của các loài tôm cá, động thực vật thuỷ sinh ven bờ chết khô. Cá dưới biển, chim trên trời, các loài sinh vật trong chuỗi thức ăn liên quan đều chết. Liên tiếp ghi nhận được các vụ ngộ độc khi người dân ăn thuỷ hải sản trong vùng. Nỗi hoang mang sợ hãi bao trùm, người dân lo lắng khi nồi cơm bao nhiêu đời có nguy cơ không còn nữa, cái đói nghèo kéo đến ngưỡng cửa rất nhanh.
Ngày 16.4.2016, phóng viên đài VTC-VTV1 Bá Thăng đến Vũng Áng, khảo sát hiện trường và thực hiện một quan sát trực quan bằng việc thả hai con cá còn sống vào nước biển được cho là lấy từ nguồn nước biển Vũng Áng. Sau 2 phút, đôi cá chết. Đoạn video này đã gây ra một hiệu ứng sốc bất kể mức độ xác thực của nó đến đâu nhưng một thực tế là từng ngày từng giờ, những dòng nước vàng đục ở biển Vũng Áng đang giết chết mọi loài sinh vật và những bè cá mỗi ngày chết nhiều hơn cho đến những con cá cuối cùng. Đoạn clips phóng sự được chiếu trên truyền hình VTV1 ngày 17.04.2016 và được lan truyền chóng mặt. Cộng đồng mạng lên tiếng đòi phải minh bạch thông tin và yêu cầu trách nhiệm của chính quyền về việc này. Cũng trong thời gian này, những thông tin về hệ thống ống ngầm dưới biển xả thải của nhà máy thép Formosa được các thợ lặn Hà Tĩnh cùng với các phóng viên ghi lại rất rõ ràng đang xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý. Những thợ lặn đều cho biết họ bị triệu chứng tức ngực, khó thở, sức khoẻ suy sụp rất nhanh khi lặn ở vùng biển gần ống xả thải. Một thợ lặn công ty Nibelc làm việc trong khu công nghiệp đã tử vong do nhiễm độc chì vào ngày 25.4.2016.
22.4.2016, gần 20 ngày sau khi phát hiện sự cố môi trường và ghi nhận cá chết, hệ thống chính trị và quản lý nhà nước địa phương ở Hà Tĩnh hoàn toàn không có bất cứ động thái gì. Khi được hỏi đến thì cơ quan Tỉnh uỷ Hà Tĩnh trả lời đang bận kiện toàn bộ máy và chuẩn bị đón tiếp Tổng bí thư. Ngày 24.4.2016, ngài tổng bí thư Đảng CS đến thăm khu công nghiệp Formosa tuyên bố “Hà tĩnh đang đi đúng hướng”, ông ta đi thăm khu nông nghiệp công nghệ cao trồng các loại rau sạch phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của các chuyên gia đang làm việc tại Formosa với khuôn mặt hoan hỉ. Tuyệt nhiên, người ta không nghe thấy một câu nào nói về sự kiện cá chết và chỉ đạo của ông ta về việc cần làm rõ nguyên nhân gây ra thảm hoạ môi trường đang đẩy hàng trăm ngàn người tới chỗ tuyệt đường mưu sinh. Ngay tại nơi ông ta đến thăm, biển và tài nguyên môi trường biển bị huỷ diệt chưa từng thấy. Nhưng người ta chỉ nhìn thấy sự mãn nguyện trên khuôn mặt của ông Tổng bí thư mà thôi.
Hiện tượng cá chết không dừng lại ở phạm vi biển Vũng Áng, theo chiều của dòng chảy hải lưu ven bờ, hiện tượng này lan xuống lần lượt các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngày 26.4.2016, Sở TNMT Thừa Thiên Huế tuyên bố phát hiện hợp chất cực độc trong nước biển vượt nhiều lần theo tiêu chuẩn môi trường cho phép. Nguyên nhân gây độc môi trường nước xuất hiện ở phía Bắc của Thừa Thiên Huế. Thông báo này lập tức bị nhấn chìm trong các ồn ào truyền thông. Trước đó 5 ngày, 21.4.2016 một vụ ngộ độc tập thể lớn ở Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình khiến hàng trăm người ăn hải sản ở địa phương đều phải nhập viện, 28 người bị ngộ độc mức độ nặng. Chiều 27.04.2014, chủ tịch Quảng Bình ra lệnh cấm tạm thời việc tiêu thụ hải sản và tắm biển để chờ cho đến lúc có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Trước diễn biến đó, chính quyền trung ương Hà Nội, các quan chức bộ ngành hữu trách của Việt Nam và bộ máy chính quyền địa phương hoàn toàn rối loạn về thông tin đưa ra. Tất cả chỉ là sự dối trá và kéo dài thời gian. Đáng quan tâm nhất là kết quả thanh tra liên ngành của 7 bộ liên quan là Bộ TNMT, Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT, Bộ CA, Bộ Quốc Phòng, Bộ Thông tin truyền thông và Viện Khoa học hàn lâm không đưa ra một kết luận cụ thể nào. Người được lựa chọn để đọc kết luận thanh tra vào ngày 27.04.2016 là ông Võ Tuấn Nhân – thứ trưởng bộ TNMT đã phải diễn một vai diễn vụng về, đưa ra nhận định chung chung về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như chép từ sách giáo khoa phổ thông ra. Buổi họp báo diễn ra không tới 10 phút. Tuyên bố ngô nghê, dối trá và khuôn mặt thiểu năng của vị quan chức Cộng sản này như đổ dầu vào lửa khiến cho dư luận bất bình thêm. Ngay việc Formosa tiến hành xây lắp hệ thống xả thải ngầm dưới biển từ 2 năm qua, khi bị phỏng vấn thì thông tin giữa ông Bộ Trưởng bộ TNMT và ông Thứ trưởng cũng hoàn toàn đối lập nhau và chẳng hiểu ai nói đúng, ai nói sai và dựa vào căn cứ pháp lý và khoa học nào để đánh giá. Việc bắt đưa hệ thống ống xả thải nổi lên và xây dựng trạm quan trắc thực sự là thao tác chữa cháy vụng về của cơ quan quản lý Nhà nước. Một tổ hợp công nghiệp hàng chục tỷ dollar với qui mô lớn nhất thế giới không có trạm quan trắc môi trường, không có qui trình giám sát chất thải độc lập do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mà hoàn toàn do sự “tự giác” của doanh nghiệp thì thực sự là sự khôi hài khó chấp nhận nổi.
Áp lực từ công chúng với thông điệp “cá cần nước sạch, dân cần minh bạch” và những hoạt động đấu tranh ôn hoà gia tăng. Người dân đòi hỏi trách nhiệm của thể chế chính trị. Ngày 26.4.2016, bản kiến nghị trên trang “We the people of…” đề nghị chính phủ liên bang Hoa Kỳ quan tâm và giúp người dân Việt Nam được cung cấp đánh giá tác động môi trường độc lập về dự án nhà máy thép Formosa. Bản kiến nghị này nhanh chóng đạt được số lượng chữ ký để chính phủ liên bang Hoa Kỳ phải ghi nhận và phúc đáp. Lời kêu gọi xuống đường của những người hoạt động xã hội dân sự, các cá nhân và hội nhóm, tổ chức phi chính trị bắt đầu tạo thành làn sóng ngày một mạnh thêm. Mốc thời gian mà họ hướng tới là ngày 30.04 và 1.5.2016, hai ngày lễ quan trọng hàng năm của chính quyền Việt Nam.
Ngày 1.5.2016 có lẽ là một ngày lễ đắng của chính quyền CSVN sau 41 năm kể từ 1975. Một ngày lễ rất vất vả của cơ quan công quyền phải huy động một lực lượng chấn áp bạo động, biểu tình khổng lồ hàng vạn người để ngăn chặn những cuộc biểu tình lẻ tẻ khắp đất nước. Đáng chú ý nhất là cuộc tuần hành vì môi trường ôn hoà tại Saigon, nơi có sự tham gia của khoảng 1000 người xuống đường vào ngày 1.5.2016. Chính quyền CSVN đã thể hiện một khuôn mặt hết sức vô nhân khi đã cho lực lượng an ninh thường phục, lực lượng bán vũ trang như dân quân tự vệ và lực lượng dịch vụ công ích như Thanh niên xung phong … ngăn cản, đánh đập và bắt giữ người tham gia tuần hành bất kể là phụ nữ, trẻ con, người già hết sức dã man và ngang ngược. Hình ảnh một thiếu phụ với đứa con nhỏ hoảng sợ, kêu khóc khi bị xô đẩy, đánh đập bầm dập giữa đường phố Saigon trong cuộc biểu tình là hình ảnh tồi tệ, vi phạm nhân quyền và tự do ngôn luận của người dân mà chính quyền CSVN đã thể hiện. Việc đàn áp và sự dụng bạo lực lan tràn của Chính quyền đối với người dân đã cho thấy bộ máy cầm quyền đã tự mình đứng vào thế đối lập với quyền lợi và đòi hỏi chính đáng của người dân. Không những thế, bộ mặt thể chế chính trị đã thể hiện một sự bất lực và túng quẫn cùng cực trong sách lược giải quyết các vấn đề mâu thuẫn xã hội và đảm bảo quyền lợi chung của cộng đồng và dân tộc.
Trước đó, các nhà hoạt động xã hội trong phong trào dân sự bị cách ly, giam giữ. Ngày 28.4, hai facebooker độc lập là Trương Minh Tâm và Chu Mạnh Sơn bị bắt bởi công an Hà Tĩnh và Quảng nam khi họ đang thu thập thông tin về vụ cá chết tại địa phương này. VTV1 và hệ thống truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin bắt được hai đối tượng kích động biểu tình bạo loạn tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau đó, Bộ CA không đủ chứng cứ buộc tội và đã buộc phải thả người. Thậm chí, những người sử dụng facebook đăng tin, và chia xẻ trên mạng xã hội phổ biến này cũng trở thành tâm điểm của những vụ đấu tố và khủng bố tinh thần. Chương trình “60 phút mở” của VTV1 ngày 27.4 trở thành điểm nóng dư luận khi biên tập viên Tạ Bích Loan cùng 5 người tham gia chương trình có một cuộc nói chuyện đầy ác ý và thiếu tôn trọng với MC Phan Anh là người đã chia xẻ clip cá chết của đài VTC trên trang facebook cá nhân của mình. Kết quả, mục đích bịt miệng người dân và định hướng dư luận một cách thô thiển hoàn toàn thất bại sau khi nhận phản ứng dữ dội từ công chúng.
Dù “Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn ráo riết chỉ đạo các bộ ngành liên quan điều tra nguyên nhân gây ra thảm hoạ môi trường” nhưng cá vẫn phải chết trong thời gian chờ đợi và có lẽ khi tìm ra nguyên nhân cá vẫn sẽ tiếp tục chết. Cả một vùng ven biển 4 tỉnh miền Trung từ Vũng Áng đến Thừa Thiên Huế, cá chết trắng bờ với mức độ ngày một nghiêm trọng hơn. Không có bất cứ một lời giải thích nào thuyết phục và các quan chức Cộng sản ở các ngành bộ liên quan và địa phương vẫn đăng đàn khuyên người dân cứ ăn cá và tắm biển như bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Nguyễn Xuân Anh bí thư Đà Nẵng. Những màn trình diễn của các quan chức CSVN ăn cá và tắm biển diễn ra rất xôm tụ. Tuy nhiên, những bãi biển vẫn vắng tanh không bóng người và ngư dân thì đã phải nghỉ đi biển từ hai tháng nay vì biển không còn cá. Ngành du lịch, ngư nghiệp, chế biến kinh doanh thuỷ hải sản, diêm nghiệp là những ngành nghề hứng chịu thiệt hại vô cùng to lớn. Hàng triệu người phải chịu đựng nỗi hoảng sợ, nguy cơ bần cùng, đói khát vì không còn kế sinh nhai, rủi ro sức khoẻ từ môi trường và sự đàn áp đe doạ của hệ thống an ninh.
Ngày 8.5.2016, cuộc biểu tình vì môi trường diễn ra trên qui mô rộng hơn dù chịu sự đàn áp thẳng tay của chính quyền CSVN. Nhiều nơi như ở Saigon, một người tham gia biểu tình thì có 10 nhân viên công lực sẵn sàng trấn áp. Các cuộc tuần hành nhanh chóng bị xé lẻ và người biểu tình bị đưa tới nơi giam giữ trá hình như trung tâm hỗ trợ xã hội, hoặc đưa đi xa khỏi địa phương. Chính quyền Hà Nội tuyên bố “biểu tình là phản động”. Không khí chính trị ngột ngạt, căng thẳng chưa từng thấy.
Ngày 15.5.2016, Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp ở xã Đoài, Nghệ An đọc lời Thư Chung đầy tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của người Chủ Chăn và một người trí thức trước thảm hoạ môi trường. Những hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng của việc phá huỷ môi trường, môi sinh được Đức giám mục đưa ra cảnh báo. Đức Cha kêu gọi trách nhiệm toàn thể cộng đồng giáo dân ý thức trách nhiệm chung trong việc bảo vệ môi trường, yêu cầu các cơ quan hữu trách phải lên tiếng, có hành động ngăn chặn việc huỷ diệt môi trường biển, tìm rõ nguyên nhân và minh bạch thông tin cho người dân được biết. Nội dung Thư Chung hoàn toàn mang tính xây dựng, lời lẽ khiêm nhường, cơ sở lập luận chặt chẽ.
Đáp lại, ban Tuyên Giáo Trung ương xách động một cuộc đấu tố ngược trên hệ thống truyền thông Nhà nước và báo chí. Ngày 16.5.2016 VTV1 qui kết Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp gây kích động và chia rẽ giáo dân và chính quyền. Tuyên bố đầy xúc phạm và ác ý này đối với vị Chủ chăn của giáo xứ Đông Yên lập tức bị cộng đồng Công giáo phản ứng mạnh mẽ bằng việc tiến hành hàng loạt những cuộc tuần hành vì môi trường, thắp nến, cầu nguyện được diễn tại các giáo xứ. Chính quyền địa phương không dám đàn áp thẳng tay như ở Saigon và Hà Nội vì vấp phải yếu tố tôn giáo vô cùng phức tạp.
Cần nhắc đến một màn trình diễn vụng về khác của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là việc bỏ ra một số tiền lớn (đương nhiên là từ ngân sách NN) thuê một loạt các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ nước ngoài với thù lao cao ngất đến tham quan, khảo sát và tổ chức hội thảo khoa học, đưa ra những đánh giá lạc đề để định hướng dư luận nhưng sau đó bị cộng đồng mạng phanh phui là những vị chuyên gia đó không hề có chuyên môn liên quan đến lĩnh vực môi trường và độc học. Vở kịch chấm dứt không có tác dụng gì ngoài việc đốt một mớ tiền của dân.
Ngày 4.5.2016, bộ Trưởng TNMT Trần Hồng Hà ký quyết định thanh tra liên ngành đợt hai với đội ngũ thanh kiểm tra hùng hậu. Tuy vậy, kết quả thanh kiểm tra thì không được công bố. Dù có một số phát ngôn của quan chức CS là đã tìm được nguyên nhân nhưng chưa được công bố.
Ngày 27.5.2016, Chủ tịch Hội Nghề cá Nguyễn Việt Thắng yêu cầu chính phủ đẩy nhanh tiến độ việc điều tra nguyên nhân gây thảm hoạ môi trường. Suốt thời gian 2 tháng vừa qua, hoạt động nghề cá của các tỉnh bị đình trệ không thể khai thác thuỷ hải sản bình thường.
Ngày 12.06.2016, cộng đồng ngư dân Nghệ An biểu tình, đổ cá ra đường, chặn quốc lộ, hô khẩu hiệu và yêu sách nhà cầm quyền xin lỗi Đức Cha Nguyễn Thái Hợp. Cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt bằng bạo lực.
Ngày 28.6.2016, Bộ trưởng Thông tin, Tuyên Truyền công bố chiều ngày 30.6 Văn phòng Chính phủ sẽ công bố nguyên nhân cá chết tại Vũng Áng.
Ngày 29.06.2016 trên các mạng xã hội đưa văn bản của FORMOSA gửi văn phòng Chính phủ, thừa nhận gây ra ô nhiễm môi trường do “sơ suất” trong lúc vận hành nhà máy thép và để xảy ra sự cố “mất điện” khiến cho hệ thống xử lý chất thải không hoạt động mà xả thẳng ra môi trường.
Ngày 30.06.2016, trong cuộc họp báo tại văn phòng Chính phủ, ban lãnh đạo FORMOSA thừa nhận gây ra thảm hoạ môi trường vừa qua, xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam và đồng ý bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả.
2- 500 triệu USD và bộ mặt chính trị điếm nhục của CSVN
Trước khi xảy ra thảm hoạ môi trường Vũng Áng do tập đoàn Formosa gây ra, những quan ngại của một số trí thức và các nhà hoạt động xã hội độc lập về việc giao một khu vực trọng yếu quốc phòng cho một tập đoàn nước ngoài mà phần lớn cổ phần của những tài phiệt có quan hệ thân cận với nhà nước Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn không được Chính quyền quan tâm. Thời hạn giao đất đến 70 năm cùng với quá nhiều ưu đãi về thuế và các điều khoản thuê đất bất chấp những qui định luật pháp hiện thời của Việt Nam, FORMOSA thực chất hoạt động như một khu vực kinh tế nhượng địa, một mình một sân chơi. Hàm lượng công nghệ thấp và mức độ ô nhiễm lớn là đặc điểm của tổ hợp công nghiệp ở đây nhưng vẫn được cấp phép đầu tư rất dễ dàng. Với hồ sơ đen về ô nhiễm môi trường của FORMOSA trên khắp nơi trên thế giới, thật khó hiểu khi những biện pháp giám sát sơ đẳng nhất không được thực hiện ở dự án khổng lồ này.
Khi sự việc xảy ra, toàn bộ hệ thống chính trị từ địa phương đến Trung ương đều vô dụng, thông tin đưa ra hỗn loạn và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Có thể thấy tất cả những thông tin, công bố của các quan chức CS đưa ra trước thời gian 30.6.2016 đều hoàn toàn là dối trá, né tránh trách nhiệm chính trị và đánh lừa dư luận. Khi sự việc diễn ra nghiêm trọng, sự xuất hiện của nhân vật cao nhất của thể chế là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu công nghiệp Vũng Áng cũng hoàn toàn không đề cập đến thảm hoạ môi trường tại nơi ông ta đến. Không có bất cứ chỉ đạo nào, hay thể hiện sự quan tâm đến dù là mị dân nhất được đưa ra. Toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp cao nhất đến địa phương hoàn toàn câm lặng và từ chối trách nhiệm.
Việc làm rõ nhất và tốt nhất mà nhà nước CSVN làm được là tập trung toàn bộ hệ thống truyền thông, báo chí, an ninh, quân đội để dập tắt các tiếng nói phản kháng , yêu cầu minh bạch thông tin của người dân. Từ việc đàn áp người biểu tình, bắt bớ, đánh đập, đe doạ tinh thần, cách ly và giam giữ những người có tiếng nói đấu tranh đến các thủ đoạn truyền thông và chính trị vụng về.
Có thể hiểu, việc ban lãnh đạo tập đoàn FORMOSA thừa nhận gây ra ô nhiễm môi trường và đồng ý bồi thường 500 triệu USD vào ngày 30.6 là một phần kết quả cuộc mặc cả giữa chính quyền Việt Nam và ban lãnh đạo công ty này. Nhưng con số 500 triệu USD tiền bồi thường này được đưa ra theo cơ sở nào? Cho đến ngày hôm nay, báo cáo đánh giá thiệt hại về môi trường, môi sinh, nguồn lợi trước mắt và lâu dài đối với hệ sinh thái ven bờ của 4 tỉnh miền Trung chưa có. Việc huỷ diệt môi sinh dẫn đến hậu quả phá vỡ cấu trúc kinh tế vùng và thiệt hại cho các ngành kinh tế liên quan cũng chưa có đánh giá kết luận. Rủi ro về sức khoẻ lâu dài của người dân sống trong vùng ảnh hưởng của thảm hoạ ô nhiễm này như thế nào và biện pháp nào sẽ được thực hiện để bảo vệ họ? Đối với những người đã bị nhiễm độc, bị chết và ảnh hưởng sức khoẻ cần được bồi thường như thế nào? Đối với giải pháp mưu sinh thay thế cho cộng đồng cư dân ven biển bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ môi trường được thực hiện như thế nào? ….Tất cả những câu hỏi đó đều chưa có câu trả lời. Không hề thấy bóng dáng và tiếng nói của các chủ thể có quyền lợi liên quan mật thiết và bị tổn thương trực tiếp do thảm hoạ môi trường gây ra ở đây. Đó chính là Nhân Dân. Cộng đồng ngư dân địa phương, cộng đồng doanh nghiệp địa phương, các hiệp hội nghề, các cá nhân và tổ chức dân sự có quyền lợi liên quan tại sao không hề được lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng họ phải được đền bù mà lại do một sự thoả hiệp đầy mờ ám giữa Chính quyền CSVN và FORMOSA.
Chính quyền CSVN đứng trên cơ sở gì đề chấp thuận mức đền bù 500 triệu USD với những tổn thất to lớn mà tập đoàn FORMOSA gây ra cho môi trường, môi sinh, tài nguyên, kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng của 4 tỉnh miền Trung nói riêng và cả quốc gia chung? Một chính quyền và thể chế chính trị dối trá, yếu kém về năng lực quản trị quốc gia, tham nhũng khủng khiếp, nhưng sẵn sàng đàn áp ngôn luận và nhân quyền bằng bạo lực giờ đây lại đứng trên những tổn thất và đau khổ của người dân để mặc cả một số tiền đền bù rẻ mạt. Để rồi chính những kẻ đã gián tiếp gây ra thảm hoạ này đóng vai ban phát “ơn trên”. Đó là loại chính trị điếm mạt nhất. Đó là thể chế chính trị của một bầy kền kền sống bằng xác chết. Cái xác này chính là giống nòi và sức khoẻ người dân Việt Nam bị huỷ hoại. Không có một phán quyết nào được thực hiện đúng qui định luật pháp. Một thảm hoạ khủng khiếp với hậu quả lâu dài cho cộng đồng và quốc gia được mặc cả với nhau bởi kẻ gây ra tội ác trực tiếp và những kẻ bảo kê cho tội ác đó diễn ra. Cái xác này chinh là cái xác chết chính trị tanh tưởi mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi ban lãnh đạo FORMOSA cúi đầu trước công chúng, chấp thuận đền bù tổn thất bằng số tiền 500 triệu USD, tôi tự hỏi vậy thì trách nhiệm chính trị của toàn bộ thể chế này ở đâu khi để xảy ra thảm hoạ này? Không một kẻ nào đứng ra nhận trách nhiệm về sự yếu kém và tắc trách của hệ thống quản lý Nhà nước. Không một khuôn mặt nào thể hiện sự hối lỗi trước những cái chết của người dân vì ngộ độc, những tổn thất to lớn về kinh tế xã hội, môi trường tự nhiên đã xảy ra mà hậu quả của nó thật khó mà có thể hình dung nổi. Những bộ mặt quan chức bự thịt, trơ tráo, cố che dấu sự hoan hỉ sung sướng có mặt trong cuộc họp báo ngày 30.06.2016 lại vênh váo công bố thành tựu đạt được. Có lẽ, thứ duy nhất trong đầu chúng nghĩ đến việc phải xâu xé khoản tiền đền bù trên như thế nào nhanh nhất mà thôi.
Xin chia buồn cho bầy kền kền vì đây sẽ là bữa tiệc xác chết cuối cùng thay cho tiền phúng viếng của một thể chế chính trị tàn mạt đến hồi cáo chung.
09.07.2016 - 7:51am
Trường Sơn

'Tôi không phải công an, tôi là côn đồ!'

Nguyệt Quỳnh-11-07-2016
Công an tên Tùng là người bị nhận dạng trong bức ảnh đàn áp biểu tình
(VNTB) - Có bao giờ bạn nghe tiếng gào, tiếng chửi rủa tục tằn trong đêm của một người xa lạ mà tự dưng thấy mình ứa nước mắt không? Xin đến với đồng bào tôi, bạn sẽ được trải nghiệm.
Người gào, gào thét một mình, gào bằng tất cả sức lực, nghe nhức nhối như từ đáy tim. Nghe trong tiếng chửi có cả nước mắt và nỗi tuyệt vọng: “ĐM chúng mày, chúng mày muốn đánh, muốn giết, muốn bỏ tù tao không? ĐM chúng mày… chúng mày vô liền đi…” Và tiếng gào thét đó không chỉ ở một người, không chỉ ở một con xóm nhỏ mà ở khắp mọi nơi… đến độ chúng ta đau được nỗi đau của họ và dường như muốn đồng tình luôn cả với những câu chữ tục tằn này.
Nếu chửi là vũ khí duy nhất của những con người cô thế, cùng quẫn, tuyệt vọng, mất hết lòng tin vào chính quyền, vào công lý xã hội thì người nghe chửi ra sao?
Họ cũng là tầng lớp nạn nhân thứ hai không hơn không kém, dù trong tay họ có đầy đủ dùi cui, roi điện, mũ bảo hiểm, dụng cụ che chắn. Họ là đội ngũ nhận lệnh trực tiếp hành dân, đánh dân, trấn áp người dân thì chính họ sẽ là nạn nhân đầu tiên khi dân nổi giận. Trong cách mạng mùa xuân Ả Rập ở Tunisia và Ai Cập, một khẩu hiệu nổi bật của người dân nhắm vào lực lượng an ninh đã khiến cả công an và quân đội cùng buông súng. Khẩu hiệu này cũng nói lên sự thật khá đau lòng cho tầng lớp công an, bộ đội bị đánh đồng, bị cào bằng về nhân cách: “Đừng làm chó giữ nhà cho bọn tỷ phú mới!”.
Con người sinh ra, đâu có ai tự nhiên mang tính hung hãn sẵn sàng đánh dân tàn nhẫn, đâu có ai tự nhiên trở thành chai đá trước tiếng gào thét của đồng bào mình. Nhưng sau những năm tháng “phấn đấu” và được đào tạo kỹ lưỡng về tư tưởng, đạo đức cách mạng, lực lượng an ninh của  chế độ độc tài đã được huấn luyện để thực sự hạ cấp thành những “chú chó tay sai”, sẵn sàng cắn theo lệnh, bất cần lương tâm hay lý lẽ. Hình ảnh “chú chó tay sai” không chỉ ở trong ánh mắt căm hận của người dân, mà còn thể hiện trong thái độ khinh rẻ của chính cấp lãnh đạo của họ.
Đặc biệt tại Việt Nam, sự tăng cường những kẻ côn đồ làm theo lệnh công an hoặc xử dụng  công an mặc thường phục để làm những hành vi côn đồ đã khiến đội ngũ này ngày càng xa rời dân và nhiệm vụ của họ không còn thiêng liêng đối với chính bản thân họ. Lãnh đạo CS không hề quan tâm đến lý tưởng, nhân cách của người công an; tất cả họ muốn là một đội ngũ tay sai trung thành. Từ đó, lực lượng công an nghiễm nhiên trở thành tay chân tâm phúc của đảng, của những nhóm lợi ích. Họ được  khuyến khích, ban thưởng cho thái độ ngoan ngoãn phục tùng của mình.
Rút cục lại, lý tưởng của Công an Nhân dân nay chỉ còn đúng mười chữ: “Công An Nhân Dân chỉ biết Còn Đảng còn mình”. Điều này được khẳng định nhiều lần, nhiều nơi, thậm chí nó còn được thổ lộ như là ước mong của chủ tịch Nguyễn Minh Triết:“…cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 180 an ninh vũ trang với khẩu hiệu ‘Chỉ biết còn Đảng còn mình’ luôn vững vàng bám trụ…”; hay trong diễn văn của chủ tịch Trương Tấn Sang trước quan tài của Thượng Tướng Công An Bùi Thiện Ngộ: “Với đức tính khiêm tốn, giản dị, chân tình, đồng chí thật sự là người lãnh đạo có lối sống mẫu mực, không ham danh lợi, chỉ biết còn Đảng còn mình…”
Nhưng trong thâm tâm cả người nói lẫn người nghe và ở mọi cấp công an, họ đều biết rõ làm gì có chuyện “còn đảng còn mình!” . Ngay ở hiện tại, bất kỳ lúc nào lãnh đạo đảng cần chạy tội, sếp công an cần tránh trách nhiệm, họ đều sẵn sàng dùng công an cấp dưới ra làm dê tế thần không một chút do dự. Đến khi đảng rung rinh thì lại càng chắc chắn lãnh đạo lớn, lãnh đạo nhỏ sẽ bỏ chạy ra nước ngoài, nơi họ đã chuẩn bị các tổ ấm từ lâu do vợ con đứng tên. Các công an cấp nhỏ, thân phận tép riu sẽ là những người ở lại gánh chịu hậu quả.
Với tình hình xuống cấp mọi mặt của xã hội hiện nay – từ học đường, đạo đức xã hội, đến trấn lột trong nhà thương, cướp bóc trên đường phố, … đặc biệt là thực phẩm đầy chất độc mà không còn ai tránh được – chính vợ con và cả cháu chắt của lực lượng công an – an ninh cũng không thoát số phận của những nạn nhân.
Chính nhận thức “mình cũng là nạn nhân” này đã thúc đẩy nhiều thành viên của lực lượng công an – an ninh tại các nước cựu độc tài chuyển sang đứng với dân. Tuy nhiên, ngay ở hiện tại, khi còn đang phục vụ trong guồng máy cai trị, mỗi người công an đều đã có thể góp phần cho nỗ lực đổi thay đất nước bằng những việc nhỏ, thí dụ như:
1) Khi có các cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của tổ quốc, … họ có thể kín đáo thông báo qua một vài đường dây về các nhân sự mà công an đang lên kế hoạch bắt giữ.
2) Kín đáo thông báo về các thủ thuật của công an sắp dùng trong các cuộc xuống đường, nơi nào công an dồn quân đông nhất, đặc biệt là các dấu hiệu để công an chìm nhận dạng nhau.
3) Nhanh chóng báo qua một vài đường dây cho cư dân mạng biết tên tuổi, địa chỉ của những tên công an ác ôn.
v.v….
***
Chúng ta bắt đầu bài viết này bằng cái cảm xúc khi nghe tiếng gào thét, chửi rủa của một thanh niên trong đêm vắng. Bây giờ chúng ta đóng nó lại bằng một đoạn ghi âm đầy tính bi hài, mà bất cứ ai nghe qua đều thấy căm phẫn và trớ trêu cho bản thân những anh em công an đang phục vụ trong ngành. Chính lãnh đạo cộng sản là thủ phạm đã bôi nhọ lực lượng công an nhân dân và nền công lý của đất nước này.
Đoạn ghi âm xảy ra tại nhà Ls Lê Quốc Quân. Một số công an được lệnh đến để ngăn cản không cho anh đi dự tiệc Quốc Khánh Hoa Kỳ do Đại sứ quán Mỹ tổ chức chiều tối ngày 1/7/2016. *
Sau một lúc lời qua tiếng lại, người ta nghe thấy tiếng Ls Quân nói to:
– Tôi là công dân Lê Quốc Quân, tôi được Đại sứ quán Hoa Kỳ mời dự lễ chiêu đãi quốc khánh của họ. Bây giờ tất cả công an đứng ở đây ngăn cản tôi…
Thật bất ngờ, một giọng nói dõng dạc không kém phát ra từ phía công an:
– Tôi không phải công an, tôi là côn đồ!

Tiền lệ Formosa: Việt Nam sắp bùng nổ tị nạn môi trường?

Nguyễn Phúc – Thảo Vy-11-07-2016
(VNTB) - Nếu chính phủ Việt Nam thỏa hiệp với nhà đầu tư Formosa Đài Loan, thì số tiền nửa tỷ USD sẽ là một tiền lệ rất xấu cho việc nhà đầu tư có thể dễ dàng mua được tài nguyên, môi trường của Việt Nam bằng những khoản tiền thỏa thuận.
“Tị nạn môi trường” không phải là cách đặt vấn đề mang tính “phản động”, mà là cụm từ đang bắt đầu xuất hiện với mật độ tăng dần trong các hội thảo khoa học về vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH)
Tị nạn môi trường được định nghĩa là việc con người buộc phải rời khỏi nơi cư trú truyền thống của mình, tạm thời hay vĩnh viễn do những nguyên nhân môi trường gây nguy hiểm cho cuộc sống của họ. Nguyên nhân của tị nạn môi trường là sự tổ hợp của một số yếu tố sau: Không có đất canh tác, mất đất cư trú; Mất rừng, hoang mạc hoá; Xói mòn đất; Mặn hoá hoặc úng ngập; Hạn hán, thiếu nước; Đói nghèo; Suy giảm đa dạng sinh học; Biến động khí hậu và thời tiết xấu; Suy dinh dưỡng và dịch bệnh; Quản lý nhà nước kém hiệu quả.
Tị nạn môi trường chính là chỉ thị của sự mất ổn định và là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột.

Xuất khẩu lao động, tên gọi khác của tị nạn môi trường?
Chiều 5-7, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp cho biết, khoảng 260.000 lao động bị ảnh hưởng bởi chuyện Formosa đã gây ra việc hủy diệt môi trường biển, trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp. “Ngư dân thì phải sống nhờ biển, mưu sinh từ biển. Việc chuyển đổi hoàn toàn lao động bị ảnh hưởng sang nghề khác có lẽ là câu chuyện không khả thi và cũng không nên làm”, ông Doãn Mậu Diệp, nói.
Theo ông Phạm Viết Hương, phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hướng giải quyết là “ngoài thị trường xuất khẩu lao động nghề cá gần bờ ở Hàn Quốc, còn có hai chương trình khác được đánh giá là khá tiềm năng, phù hợp và có chi phí rẻ hơn so với thị trường Hàn Quốc là chương trình tàu cá gần bờ Đài Loan và chương trình đánh bắt cá gần bờ của Thái Lan”.
Điều đó có nghĩa là biển Việt Nam đã chết, ngư dân miền Trung buộc phải tha hương kiếm cơm ở xứ người. Nói cách khác, đây chính là việc tị nạn môi trường, mà trước tiên là sẽ có 100.000 lao động phải cấp thiết tị nạn ngay. Nguy hại hơn là Việt Nam đang vắng mặt sự hiện diện của 100.000 ngư dân đã góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo của Việt Nam.

Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho hay tại Lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu tác động rất mạnh của BĐKH, nước biển dâng. Đặc biệt là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Theo tin từ Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Đại sứ Ted Osius cho biết ngày 5-7, Washington vừa thông qua khoản viện trợ khẩn cấp bổ sung trị giá 500.000 USD để hỗ trợ người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiên tai. “Khoản viện trợ bổ sung này sẽ hỗ trợ các chương trình quan trọng nhằm đảm bảo hàng nghìn người dân gặp khó khăn có thể trữ được nước và được tiếp cận nguồn nước uống an toàn”, Đại sứ Osius cho biết.
“Quyết định trên còn thể hiện cam kết trước sau như một của Mỹ về việc giúp đỡ người dân Việt Nam khắc phục những hậu quả từ đợt hạn hán gây nhiều thiệt hại vừa qua và những tác động khác của biến đổi khí hậu”, theo đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Với khoản hỗ trợ mới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cung cấp bình chứa nước, hệ thống lọc nước, viên lọc nước, đồng thời phổ biến các thực hành vệ sinh tốt để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Trước đó, vào tháng 4-2016, Mỹ đã công bố khoản viện trợ cứu trợ thiên tai đầu tiên để giúp Việt Nam ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, và đến nay số tiền viện trợ đã lên đến 850.000 USD.

Những con số
Thực tế tại Việt Nam, BĐKH đã và đang gây ra rất nhiều sự thay đổi như nhiệt độ trung bình năm tăng 0.5oC trong vòng 70 năm; số lượng các đợt không khí lạnh giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ; hình thái bão thay đổi và bão với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều hay mực nước biển dâng lên khoảng 20 cm trong vòng 50 năm…
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đợt rét từ ngày 22-28/01/2016 tại miền Bắc khiến 9.409 con gia súc bị chết; 9.453 ha diện tích lúa, 8.472 ha diện tích mạ, 16.149 ha diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại, 150.000 ha diện tích rừng hiện có bị ảnh hưởng. Trong đợt lạnh này, tuyết không chỉ phủ trắng các tỉnh miền núi giáp biên giới phía Bắc, mà còn xuất hiện ở Hà Nội, Nghệ An. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử khí tượng Việt Nam.
Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tính đến hết tháng 4/2016 là 9.020 tỷ đồng. Hạn hán và xâm nhập mặn còn khiến 475.000 hộ dân tại các khu vực trên bị thiếu nước sinh hoạt; 248.000 ha lúa, 129.000 ha cây công nghiệp, 50.000 ha cây ăn quả, 19.000 ha hoa màu, 5.000 ha thủy sản bị thiệt hại. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu.
Ngoài ra, BĐKH còn ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, gây ra nguy cơ như cháy rừng, thiệt hại tài nguyên, tăng lượng phát thải khí nhà kính; tác động tới sức chịu tải, độ bền, độ an toàn của cơ sở hạ tầng; ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên đất, làm gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tất cả các vấn đề trên còn cho thấy nếu chính phủ Việt Nam thỏa hiệp với nhà đầu tư Formosa Đài Loan, thì số tiền nửa tỷ USD sẽ là một tiền lệ rất xấu cho việc nhà đầu tư có thể dễ dàng mua được tài nguyên, môi trường của Việt Nam bằng những khoản tiền thỏa thuận, bất chấp Việt Nam đã có đầy đủ văn bản pháp luật để giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường, tài nguyên quốc gia.

Làn sóng khách du lịch Trung Quốc: Sự thụ động của VN

(Bao Dat Viet) - "Năng lực quản lý điểm đến không đáp ứng được lượng khách nói chung và lượng khách Trung Quốc nói riêng".

Thực trạng Việt Nam
Mấy tuần qua, dư luận xã hội đang rất bức xúc về những hành vi từ một số du khách Trung Quốc đốt tiền Việt Nam, đối xử thô bạo với người bán hàng rong, hướng dẫn viên (HDV) xuyên tạc lịch sử, hành nghề không phép, trải khắp băng rôn "lạ" ở Nha Trang.
Trước những sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/7, PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho biết: "Việc quá tải của khách Trung Quốc trong thời gian gần đây, cũng có ảnh hưởng nhất định đến du lịch Việt Nam.
Nhưng thị trường du khách Trung Quốc là một thị trường lớn và cũng là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Với ưu thế có 7 tỉnh giáp Trung Quốc với biên giới chung hơn 1.350 km và hàng chục cửa khẩu. Nếu biết tận dụng và khai thác, lượng du khách Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 trong những năm tới.
Việc tăng trưởng đó là tin mừng chứ không phải là lo lắng, chúng ta chỉ đáng lo khi năng lực quản lý điểm đến không đáp ứng được lượng khách nói chung và lượng khách Trung Quốc nói riêng.
Quan trọng nhất mà tôi lo là năng lực quản lý thời gian dài, mình không nghĩ đến vấn đề này, luôn có tư tưởng lúc nào lượng khách đến cũng thấp hơn năng lực của mình có, cho nên, chúng ta rất đủng đỉnh, không đưa ra phương án khách tăng đột biến thì xử lý ra sao, nên dẫn tới bị động.
Bên cạnh bị động của ngành, thì cũng là bị động của địa phương về hạ tầng, về những điều kiện đón tiếp khách, từ đó, những sự chuẩn bị của người dân địa phương trong quá trình tương tác với khách còn kém. Tất cả những câu chuyện này phải có kế hoạch, phương án dự phòng cụ thể.
Lan song khach du lich Trung Quoc: Su thu dong cua VN
Khách du lịch Trung Quốc bắt nạt người bán chuối ở Đà Nẵng
Để thấy, chúng ta dự báo quá kém, chưa lường trước những hệ lụy của việc lượng du khách tăng đột biến. Trước đó, du khách Nga tăng đột ngột ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) kéo theo nhiều hệ lụy đã là một bài học nhãn tiền.
Theo tôi, chúng ta nên nghĩ chiều hướng tích cực hơn, mọi người đang có ác cảm với người Trung Quốc, nhưng thực tế, người Trung Quốc không có lỗi, họ cũng là người bình thường.
Khi đã là người bình thường thì kể cả người châu Âu, châu Á, Trung Quốc hay Campuchia đều có những người khác nhau, ở đâu cũng có người tốt, người xấu, chứ không phải chỉ riêng người Trung Quốc, phải nhìn nhận công bằng như vậy".
Vấn đề ở đây, theo ông Lương là xử lý như thế nào, xử lý trong trường hợp cụ thể ra sao. Ví dụ, như du khách đốt tiền, coi thường pháp luật thì phải xử lý nghiêm như thế nào, để thấy chúng ta còn quá lúng túng trong câu chuyện này. Đương nhiên, tập trung khách quá lớn trong một địa điểm sẽ nảy sinh hệ lụy, đó là điều tất yếu, nhưng không phải không có hướng xử lý.
Cũng như những lo ngại quá tải khách Trung Quốc ở những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách châu Âu của Việt Nam như Nha Trang, Phan Thiết, sắp tới sẽ là Phú Quốc, vì nếu có khách châu Âu thì khách Trung Quốc ít đến.
Bởi hai thị trường này có nhiều đặc điểm khác nhau, có cách ứng xử tại điểm đến cũng hoàn toàn khác nhau. Nên chuyện xung đột giữa nhóm khách này với nhóm khách kia là chắc chắn sẽ xảy ra nhưng chúng ta không thể "nhốt chung vào một chuồng".
"Tôi nghĩ rằng về cơ bản khi có điều kiện đi du lịch thì họ có một chút văn hóa, chứ không hề vô văn hóa, nhưng có thể là nước tiếp đón, tại các điểm như thế cần có cảnh báo, cái có thể và không thể làm với du khách, đề nghị thực hiện đúng quy định điểm đến. Một khi không tôn trọng quy định thì chúng ta có quyền xử lý. Cách tiếp cận như vậy sẽ công bằng và đầy đủ hơn", ông Lương đề xuất.
Thái Lan, Campuchia làm gì khi có nhiều khách Trung Quốc?
Là người đã từng nghiên cứu về du lịch của nhiều thị trường, ông Lương chỉ rõ, vấn nạn khách Trung Quốc đổ bộ nhiều không chỉ riêng Việt Nam, mà Lào và Campuchia, cũng như nhiều nước cũng gặp phải thực trạng tương tự.
Nhưng các nước có biện pháp để đối phó. Họ áp dụng các biện pháp với những thông báo bằng tiếng Hoa, đến thì họ nhắc nhở nếu không thực hiện theo thì họ phạt. Ngoài ra, họ cũng có các biện pháp nghiêm khắc để tạo ra các khu du lịch riêng cho người Trung Quốc và ở đó họ giám sát một cách chặt chẽ.
Cụ thể, như Campuchia trong 4 tháng đầu năm 2016, họ đón 275.000 lượt khách Trung Quốc, tăng hơn 13,6% so với năm ngoái. Mục tiêu của nước này là đón khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc ghé thăm trong năm 2020. Do đó, để chuẩn bị cho "làn sóng" mới, Campuchia vừa thành lập China Ready Centre (Trung tâm sẵn sàng đón Trung Quốc).
Trung tâm sẽ đào tạo các nhà khai thác du lịch địa phương, các hãng lữ hành kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc. Đồng thời, trung tâm sẽ nghiên cứu về các yêu cầu, nhu cầu của khách Trung Quốc để phục vụ được tốt hơn.
Bộ Du lịch nước này cũng ra sách trắng mang tên "Du lịch Campuchia sẵn sàng đón du khách Trung Quốc", với chiến lược 5 năm thu hút du khách.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Thái Lan trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cách hành xử thiếu ý thức của họ cũng khiến người dân Thái Lan bức xúc và cơ quan chức năng của nước này đau đầu.
Tháng 4/2015, chính quyền Thái Lan đã in ra hàng nghìn quyển sổ tay hướng dẫn cách hành xử văn minh bằng tiếng Trung Quốc để phát cho du khách nước này tham khảo, nhằm cải thiện cách cư xử của du khách Trung Quốc khi để lại nhiều điều tiếng không hay.
Tại Nhật Bản, Bộ Du lịch nước này cũng lên ý tưởng phát hành cuốn cẩm nang hướng dẫn về cách hành xử nơi công cộng bằng tiếng Trung.
Vì thế, với Việt Nam, ông Lương chỉ rõ: "Chúng ta cũng phải dựa vào quy định, có cả quy định ứng xử để bảo vệ quyền lợi của du khách khác. Và một khi tuân thủ sẽ hạn chế thấp nhất, hạn chế tối đa những xung đột về văn hóa.
Với những gì chúng ta đang có việc thành lập những trung tâm riêng đón khách Trung Quốc là rất khó.
Cho nên, phải nâng cao năng lực quản lý điểm đến, bao gồm những quy định, chính sách ở từng điểm, đào tạo đội ngũ có năng lực. Hiện nay, phối hợp khi xảy ra sự cố giữa ngành du lịch với địa phương còn rất hạn chế, lúng túng, không biết trách nhiệm của ai, nên cần phải cải tổ.
Theo tính toán của các nước trên thế giới, ngành du lịch đang tạo ra khoảng 10% công ăn việc làm cho người dân toàn cầu. Nếu xét ở góc độ mục tiêu, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều để không tụt hậu, chứ chưa nói đến theo kịp các nước trong khu vực về phát triển du lịch.
Vì vậy để đạt đến mục tiêu như ngành du lịch Việt Nam đã đề cập là làm du lịch bền vững phải xuất phát từ hai khía cạnh. Thứ nhất, phải làm cho người kinh doanh du lịch hiểu, làm ăn chộp giật như thế sẽ không bền.Thứ hai, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát của Nhà nước về lĩnh vực này, trong đó có cả phần hỗ trợ người làm du lịch ở thời điểm không phải vào mùa vụ".
Những việc cần làm
Đặc biệt, ở góc độ khác, vừa qua, những hiện tượng du khách Trung Quốc có những hành vi vi phạm pháp luật (hướng dẫn du lịch "chui" xuyên tạc chủ quyền, văn hoá Việt Nam) là bởi có sự tiếp tay của người Việt Nam.
Có những công ty của Việt Nam lẳng lặng làm tay trong cho họ, có những cơ quan nhà nước đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhắc đến vai trò của Hiệp hội du lịch, theo ông Lương, đây là việc giữa các doanh nghiệp với nhau.
Vai trò của Hiệp hội cũng rất quan trọng, nếu như cơ quan quản lý nhà nước là đưa ra chính sách kiểm soát, quy định việc thực hiện, thực thi, thì Hiệp hội là nơi chia sẻ khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau của các doanh nghiệp du lịch.
Chúng ta cần có sự tổng kết và xem xét nghiêm túc về tất cả các phía: từ các cơ quan du lịch lẫn cơ quan an ninh, trung ương và địa phương.
Phải giáo dục và nhìn thấy thiếu sót của mình, không nên bàn đến phương án vì khách Trung Quốc có những vấn đề như vậy mà chúng ta cự tuyệt với khách Trung Quốc. Đó là một biện pháp tiêu cực.
Chỉ ra những việc cần làm ngay, ông Lương nhấn mạnh: "Cơ quan chức năng tăng cường, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch.
Cần phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức cá nhân người nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam, kiên quyết xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép kinh doanh, thẻ hướng dẫn viên của các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi tiếp tay bao che cho các hoạt động bất hợp pháp của doanh nghiệp, người nước ngoài.
Tăng cường vai trò của các Hiệp hội, CLB doanh nghiệp trên địa bàn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền việc thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát".
Thứ Hai, 11/07/2016 06:59
Châu An