Thursday, March 1, 2018

VN gấp rút cứu thủy sản khỏi nguy cơ từ ‘thẻ vàng’ sang ‘thẻ đỏ’

 Theo VOA-01/03/2018 
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ.
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản ở Cần Thơ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn đề xuất xin tham gia vào đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) để sang làm việc với EU và Hàn Quốc về “thẻ vàng” mà EU đã phạt thủy sản Việt Nam hồi năm ngoái, trước thời hạn chỉ còn khoảng 2 tháng để EU quyết định đưa ra “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 23/10, EU chính thức rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).
Hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt thủy sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó.
EU ra hạn cho Việt Nam 6 tháng để khắc phục thiếu sót. Sau thời hạn này, EU sẽ quyết định ban hành “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” tùy theo hành động từ phía Việt Nam.
Trong công văn gửi cho Bộ NNPTNT, VASEP đưa ra một loạt đề xuất để “khắc phục thẻ vàng IUU”. Cơ quan này đề nghị được phối hợp xử lý ngay từ đầu các yêu cầu xác minh của EU, tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ về các hoạt động khắc phục “thẻ vàng” trước ngày 15/3, phối hợp chuyển ngữ và rà soát việc chuyển ngữ các báo cáo và văn bản pháp lý, và có biện pháp tuyên truyền chống lại việc khai thác thủy sản bất hợp pháp.
EU ước tính trong một năm, có từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá của Việt Nam là đánh bắt bất hợp pháp, trị giá từ 8 tỷ - 19 tỷ euro.
Kể từ năm 2012, EU cho biết đã có các cuộc đối thoại không chính thức với Việt Nam trước khi đưa ra quyết định rút “thẻ vàng”, nhưng Hà Nội đã không có hành động hiệu quả trong việc thể hiện cam kết chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.
Theo đánh giá của VASEP, “thẻ vàng” của EU đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 100% container hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, dẫn tới mất 3-4 tuần/container và phải trả phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ tại cảng và các hệ lụy khác, trong đó có nguy cơ sản phẩm bị trả về.
EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Mỗi thị trường chiếm từ 16% - 17% trong tổng giá trị xuất khẩu 1,9 – 2,2 tỷ USD hàng năm của Việt Nam.

Tứ trụ Việt Nam được thăm khám sức khỏe hàng ngày

Theo VOA-01/03/2018 
Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sẽ được thăm khám sức khỏe hằng ngày.
 Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sẽ được thăm khám sức khỏe hằng ngày.
Việt Nam vừa ra quy định cho phép tứ trụ lãnh đạo được chế độ thăm khám sức khỏe hàng ngày, còn các ủy viên Bộ Chính trị được thăm khám sức khỏe ít nhất 2 lần/ tuần.
Hà Nội cho ra đời quy định này giữa lúc một số lãnh đạo cấp cao, kể cả đương quyền và đã về hưu, gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và phải ra nước ngoài điều trị.
VietnamNet hôm 1/3 trích dẫn một quy định mới của Ban Bí thư về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó nói rõ rằng cán bộ có bệnh lý cần thiết đi khám, kiểm tra sức khoẻ tại nước ngoài phải có chỉ định của Hội đồng Chuyên môn bảo vệ sức khoẻ cán bộ và phải được Thường trực ban bí thư đồng ý.
Quy định nêu rõ cán bộ chủ chốt như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, được bác sĩ tiếp cận thăm khám sức khoẻ hàng ngày.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73
Đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, bác sĩ theo dõi sức khoẻ, thăm khám sức khoẻ ít nhất 2 lần/ tuần hoặc hằng ngày tuỳ theo diễn biến sức khoẻ của cán bộ.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng lực lượng vũ trang, được bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khoẻ ít nhất 1 lần/tuần hoặc hàng ngày tuỳ theo tình hình.
Các Uỷ viên Trung ương Đảng và các Bộ trưởng, được bác sĩ theo dõi thăm khám ít nhất 1 lần/tháng
Ngoài ra, các lãnh đạo trước khi bổ nhiệm hay tái bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải thực hiện chế độ khám, kiểm tra sức khoẻ toàn diện và kết luận phân loại sức khoẻ.
Theo trang Soha hôm 28/2, nguyên Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải, 85 tuổi, được đưa qua Singapore điều trị từ 14/1 đến 20/2, và đang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vào tháng 8 năm ngoái, Đảng Cộng sản Việt Nam xác nhận ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật số 5 trong hàng ngũ Đảng, phải rời nhiệm sở để đi "điều trị bệnh." Truyền thông nước ngoài loan tin ông Huynh được đưa sang Nhật điều trị.

Việt Nam vướng điện than như mắc phải lời nguyền

Phạm Phan Long, Viet Ecology Foundation 
Theo RFA-2018-03-01  
Hình 1. Biểu đồ quy hoạch điện VII chưa điều chỉnh (dựa vào ADB).
 Hình 1. Biểu đồ quy hoạch điện VII chưa điều chỉnh (dựa vào ADB).  Courtesy of Phạm Phan Long
Ngày 28, tháng 2, 2018
Dẫn nhập
Tăng thuế vào xăng ai phải gánh?
Giữ nguyên thuế cho than ai hưởng lợi?
Và những nghị quyết không thi hành ai chịu trách nhiệm?
Việt Nam đã có Luật Bảo Vệ Môi Trường Số: 55/2014/QH13 (2014) với những quy định “ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường, hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu”nhưng quy hoạch điện và thuế môi trường hoàn toàn đi ngược các quy định kể trên.
Tuy Nghị Quyết bảo vệ môi trường 41-NQ/TW (2004) đề ra những mục tiêu và quan điểm “bảo đảm sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghệ hiện đại”nhưng thực tế luật thuế bảo vệ môi trường (Luật số: 57/2010/QH12) đánh thuế vào xăng/dân 153 lần nặng hơn vào than/chủ nhiệt điện. Nhiệt điện than là công nghệ lỗi thời, thải ô nhiễm hủy hoại môi trường và có tác hại sức khỏe cư dân nhiều nhất.
Ngoài ra Nghị Quyết phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu 120/NQ-CP (2017) đề ra tầm nhìn dài hạn, phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên” và “ Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển” nhưng Quy Hoạch Điện VII không điều chỉnh theo, vẫn bám chặt vào nhiệt điện than như hệ thống lãnh đạo bị khống chế bởi một lời nguyền.
Thảo luận
Bộ Tài chánh lại đề nghị tăng thuế Bảo vệ Môi trường (BVMT) từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít xăng (thay vì lên đến 8000 đồng/ lít) nhưng vẫn giữ nguyên thuế ở mức 30 đồng/kg cho than. Nếu dựa vào cùng lượng khí thải ra từ hai nguồn nhiên liệu này để so sánh, người tiêu thụ xăng hiện trả 115 lần và sắp phải trả 153 lần nhiều hơn nhiệt điện than. (Xem phụ lục dưới về tính toán cho con số 153).
Nếu điều chỉnh thuế BVMT cho nhiệt điện than dựa vào khí thải CO2 như xăng, nhiệt điện than sẽ phải trả 4608 đồng/kg than, tương đương 2072 đồng/kWh điện năng.
Chi phí thực sự cho điện than do đó phải kể là 2271 (giá điện EVN công tơ trả bằng thẻ)+2072 (thuế BVMT)=4343 đồng/kWh. Nhưng chưa hết, dân cư (hay xã hội) đang âm thầm phải trả thêm vào chi phí ngoại vi, external cost dưới hình thức tiền thuốc men, giảm tuổi thọ, ô nhiễm môi sinh, biến đổi khí hậu vào khoảng 1589 đồng/kW, do người viết đã tường trình. Tổng chi phí do đó là 4343+1294=5637 đồng/kWh, hay 25 xu US/kWh.
Dân thực thụ phải trả 150% chồng trên tiền trả cho EVN có lẽ không ngờ? Làm sao nhà nước giải thích cho dân giá điện thực thụ đó, khi các nước như Canada, Chile, Hoa Kỳ v.v. có thể mua năng lượng tái tạo xanh và sạch với chi phí bình quân dưới 5 xu US/kWh.
Đề nghị tăng thuế BVMT vào xăng lần này của Bộ Tài Chánh tuy đã hạ từ 8000 đồng xuống 4000 đồng/lít xăng vẫn là ưu đãi nhiệt điện than không thể lý giải; 90 triệu dân không thể chấp nhận cưu mang điện than và gánh chịu ô nhiễm như thế nữa.
Nghị Quyết 41-NQ/TW 2004 dường như không ai đọc
Nếu đọc Nghị Quyết NQ 41 ta sẽ thấy cách đánh thuế BVMT xăng và than từ không tuân theo một quan điểm hay mục tiêu nào trong Nghị Quyết này cả.
Kiểm điểm năm quan điểm trong NQ 41
1- Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Nhiệt điện than đi ngược xu hướng nhân loại, nhiên liệu than phần lớn phải nhập cảng từ bên ngoài sẽ đặt an ninh năng lượng quốc gia vào tình huống bấp bênh và an toàn sức khoẻ dân cư sống dưới đe doạ của khói bụi than.
2- Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.
Nhiệt điện than bẩn, công nghệ cận tới hạn lỗi thời và là than là nguồn năng lượng kém hiệu quả kinh tế nhất, đáng lý phải xoá bỏ than khỏi quy hoạch điện từ NQ 41. Nhưng than vẫn chiếm lĩnh phần rất lớn trong Quy Hoạch Điện VII theo Hình 1, ngay khi điều chỉnh rồi vẫn cho xây thêm 42 GW nhiệt điện than (thay vì 62 GW)  trong khi Trung Quốc chuyển hướng từ nay sẽ không xây thêm một nhà máy nhiệt điện than nào theo Hình 2.
3- Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của cha ông ta.
Điều khoản này viết rất hay, nhưng xem kỹ văn bản nghĩa vụ này là của tất cả xã hội nhưng không phải của …  nhà nước.
4- Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống.
Quy Hoạch Điện VII không hạn chế ô nguồn ô nhiễm điện than mà kết hợp đầu tư, huy động nguồn lực đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế (nhất là Trung Quốc); kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống xã hội tăng công suất điện than và ô nhiễm lên 400%.
5- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Nhà nước nếu thật tình cần trân trọng lắng nghe khuyến cáo của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, ngân hàng ADB, WWF-OXFAM, các NGO trí thức chuyên gia độc lập và nhất là dân cư chung quanh các trung tâm nhiệt điện.
Kiểm điểm ba mục tiêu của  NQ 41
1- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.
2- Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường.
3- Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.
Toàn bộ cả ba mục tiêu cũng như năm quan điểm trên đều bị Bộ Công Thương  gạt bỏ khỏi Quy Hoạch Điện VII và luật thuế BVMT Bộ Tài Chánh đánh ngược lại.
Nghị Quyết 120-CP ký năm 2017 chưa thực hiện
Quy Hoạch Điện VII phần lớn dùng than và luật thuế BVMT đánh thuế BVMT nhiều nhất vào xăng ít nhất vào than, hoàn toàn đi ngược với Nghị Quyết 120, nhất là hai điều khoản có tính bức phá cấp tiến nhất sau đây:
Điều 3 c) Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên; kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống, đảm bảo tính ổn định và sinh kế của người dân, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Điều 4 c) - Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.
Kết luận và giải pháp
Tăng thuế BVMT vào xăng ai phải gánh?
Thuế BVMT đã giúp ngụy tạo cho điện than ở giá 2271 Đồng/kWh, thực ra dân phải trả đến 5647 Đồng/kWh hay 150% nhiều hơn vì thuế và ô nhiễm.
Giữ nguyên thuế BVMT cho than ai hưởng lợi?
Nhiệt điện than hưởng lợi, năng lượng tái tạo (NLTT) rõ ràng không được chào đón vào Việt Nam. Quy Hoạch Điện VII xếp cho họ ngồi tại manh chiếu dưới cùng với thủy điện so với tấm chiếu trên to gấp năm lần để dành biệt đãi điện than. Giới đầu tư vào NLTT mất tin tưởng đầu tư vào một thị trường kỳ thị họ như vậy, và nếu họ cần có bảo đảm và sẽ đánh lãi xuất cao dự phòng rủi ro vào các dự án ở  VN. (Chú thích: Giá bán vào lưới điện, FiT cho NLTT tuy đã nâng lên 7.8 xu đến 9.3 xu US/kWh nhưng vẫn không thể cạnh tranh với điện than trong quy hoạch hiện thời.)
Và những nghị quyết không thi hành ai chịu trách nhiệm?
Các bộ Công Thương, Tài Nguyên Môi trường và các tập đoàn EVN, Vinacomin có quyền lực quyết định nên có trách nhiệm tìm nguồn điện tối ưu kinh tế và môi sinh đáp ứng nhu cầu quốc gia. Xã hội dân sự cần lên tiếng yêu cầu nhà nước điều chỉnh mức thuế và tháo gỡ lời nguyền điện than ra cho cả nước. Lời giải vốn nằm sẵn trong các luật NQ đã có nêu trên và sau đây là những phương án không xa lạ, có thể trích ra từ những khuyến cáo quy hoạch trong nước và quốc tế:
Quốc hội luật hóa các Nghị Quyết và điều chỉnh dần luật thuế BVMT dù tăng giá điện nhưng giảm thuế xăng.
  1. Tiết kiệm tiêu thụ điện năng có thể giảm nhu cầu 15% là ưu tiên cao nhất.
  2. Chuyển điện than sang nhiệt điện khí tất cả nhà máy đã có theo độ khả thi từng trường hợp như Hoa Kỳ.
  3. Ngưng đóng hồ sơ đang có không xét dự án nhiệt điện than nào trừ khi chuyển sang nhiệt điện khí.
  4. Không duyệt xét thêm nhiệt điện than nào chưa xây như Trung Quốc.
  5. Tăng đầu tư vào NLTT lên tối đa ít nhất ngang hàng Trung Quốc.
Thực hiện cần có những bảo đảm cốt yếu sau:
Phải có Đánh giá tác động môi trường chiến lược tích hợp cho toàn bộ trung tâm nhiệt điện không chỉ làm độc lập cho từng dự án.
  1. ĐTM chiến lược phải do chuyên gia độc lập thực hiện có bảo đảm trách nhiệm nếu sai lầm.
  2. Tham vấn công khai với dân cư và trí thức.
Đề nghị tăng thêm thuế xăng lần này của Bộ Tài Chánh sẽ tiếp tục ưu đãi nhiệt điện than phải bác bỏ; 90 triệu dân không thể chấp nhận cưu mang điện than và gánh chịu ô nhiễm như thế nữa.
Ghi nhận
Người viết trân trọng cám ơn những thân hữu đã giúp duyệt xét, thảo luận, tu bổ bài khảo luận này và chia sẻ mối quan tâm chung.
Tài liệu tham khảo
[1] Thuế BVMT
[2] Giá điện VN
[3] Chi phí ngoại vi
[4] Quy Hoạch Điện VII
[5] Quy Hoạch Điện VII điều chỉnh
[6] FiT-in Tariff
[7] ADB ALTERNATIVES FOR POWER GENERATION IN THE GREATER MEKONG SUB-REGION
[8] Quy hoạch điện Trung Quốc
[9] Tăng ô nhiễm điệ than VN
[10] Nghị Quyết BVMT  41-NQ/TW
[11] Nghị Quyết BV ĐBSCL 120/NQ-CP
Phụ Lục 1
So sánh thuế BVMT xăng và than
  • Thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dân chúng tiêu thụ là 4000 đồng/lít, hay 5194 đồng/kg.
  • Xăng phát thải 3,08 kg CO2/kg, như vậy dân phải trả 1685 đồng/kg CO2 khi tiêu thụ xăng.
  • Thuế bảo vệ môi trường đánh vào than là 30 đồng/kg.
  • Than phát thải 2,73 kg CO2/kg, như vậy than trả 11 đồng/kg CO2 đốt than.
  • Như thế, dân chúng đang bị trừng phạt nặng nề, họ phải trả thuế BVMT cho xăng 1685/11=153 lần nặng hơn so với nhiệt điện than.
Chú thích:TS Nguyễn Đức Thắng nhận định thuế môi trường đúng ra cần đánh vào các ô nhiễm khác không chỉ CO2. Nếu tính thêm thuế cho CH4, N2O, thuỷ ngân, SO2, NOx, tỉ lệ 153 có lẽ sẽ còn cao hơn nữa.

Lễ hội đầu năm, tín ngưỡng hay mê tín

TTVN 2018-03-01  
Lễ hội Gióng năm 2018 tại Khu di tích Lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội hôm 21/2/2018.
 Lễ hội Gióng năm 2018 tại Khu di tích Lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội hôm 21/2/2018. Courtesy of Pháp Luật Plus
Chừng chưa đầy mười năm trở lại đây, tình hình lễ hội đầu năm ngày càng trở nên nóng hổi và có dấu hiệu mất khả năng kiềm chế. Dường như tính mê tín dị đoan đã hoàn toàn thay thế cho nhu cầu tâm linh. Và dịp lễ hội đầu năm là dịp để người ta thỏa sức vay lộc, xin lộc, cúng trả lộc rồi lại vay lộc. Cái vòng lẩn quẩn đầy tính dị đoan này nhanh chóng đẩy các lễ hội đến chỗ chụp giật, hung hăng và sẵn sàng đạp lên nhau, thậm chí đấm nhau, chém nhau cũng vì một biểu tượng lộc trời, lộc bề trên nào đó.

Tranh nhau cướp lộc

Ông Đàm Ngọc Hoàng, một cư dân Lạng Sơn, nơi có lễ hội đầu pháo, một lễ hội lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ:“Hiện tại thì người ta treo không cái đầu pháo lên để thanh niên trai tráng, người ta cướp. Nó giá trị về cả tinh thần lẫn hiện vật, vì người ta tặng nhau một số tiền, lợn quay, lễ vật…. rồi họ cướp được cái đó thì may mắn, làm ăn cả năm ấy, gia đình thuộc diện may mắn. Nhiều người người ta bán lại cái đầu pháo ấy cả mấy trăm triệu đồng ấy, người khác họ mua lại mà.”
Và ý nghĩa của lễ hội này chỉ thực sự có giá trị vào thời kỳ thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng và chợ Kỳ Lừa còn là trung tâm phân phát pháo cho miền Bắc và cả nước. Lễ hội cúng tưởng nhớ công ơn của người được cho là tổ phụ của nghề làm pháo tỉnh Lạng Sơn. Trong thời kỳ Việt Nam chưa cấm đốt pháo, mỗi dịp 27 tháng Giêng, người dân làm nghề pháo tổ chức cúng tổ để tạ ơn tổ đã giúp đỡ một mùa Tết bán được nhiều pháo, mọi sự an lành, hanh thông.
Hiện tại thì người ta treo không cái đầu pháo lên để thanh niên trai tráng, người ta cướp. Nó giá trị về cả tinh thần lẫn hiện vật, vì người ta tặng nhau một số tiền, lợn quay, lễ vật…. rồi họ cướp được cái đó thì may mắn, làm ăn cả năm ấy, gia đình thuộc diện may mắn.-Đàm Ngọc Hoàng

Trong lễ hội này có đốt một dây pháo, khi trái pháo cuối cùng nổ, người ta sẽ vào tranh nhau những trái pháo chưa nổ hoặc cái đầu dây pháo còn treo lủng lẳng trên sào, mang về nhà thờ tổ, xem đó như một chút lộc của tổ ban cho và lấy đó làm khí lành cho cả năm. Ý nghĩa chính của lễ hội cướp đầu pháo vẫn mang tính chất cầu toàn chứ không cầu tài. Nghĩa là người làm pháo rất sợ những tai nạn trong quá trình sản xuất pháo, họ mang đầu pháo về như một sự bảo chứng, che chở của tổ nghề cho gia đình họ và xóm làng.
Thường những ai cướp được đầu pháo thì được làng nghề thưởng cho tiền, lợn quay và hoa. Người giữ đầu pháo phải biết chay tịnh, ăn kiêng một số thứ như không được ăn thịt chó, không được ăn các cá gáy, cá lóc và lươn... để cầu nguyện cho cả làng nghề được bình an, phát đạt.
Nhưng sau này, khi nghề pháo chấm dứt, nhà nước cấm đốt pháo, sau một thời gian lễ cúng tổ diễn ra như một sự tưởng nhớ tổ phụ thì công nghiệp du lịch phát triển, lễ hội cướp đầu pháo bị hiểu nhầm là một lễ hội cướp lộc. Mặc dù không có đốt pháo nhưng người ta vẫn treo một cái đầu pháo lên sào sau khi rước kiệu và sau một động lệnh, người ta xúm vào giành giật không còn gì để tả, có người từng bị đấm đến rách mặt, trọng thương trong quá trình cướp đầu pháo. Và đầu pháo có thể được bán với giá từ một trăm triệu đồng đến nửa tỉ đồng nếu như người cướp được muốn bán đi.
Ngoài lễ hội cướp đầu pháo ở Lạng Sơn, các tỉnh phía Bắc còn có lễ hội đền Gióng, lễ hội đền Trần, lễ vay bà chúa Kho ở Bắc Ninh, lễ hội Khai Ấn đền Trần... Ông Trần Văn Huy, một lão niên gắn với lễ Khai Ấn đền Trần lâu năm, chia sẻ:“Phải hiểu cái từ Khai ấn là nhà vua bắt đầu điều quan văn võ trong triều đi làm. Từ lâu giờ là đêm 14, rạng sáng 15 mới được xuất hành ra quân đi làm, vào công việc của một năm mới. Đây là lễ hội đặc biệt của Việt Nam, lớn toàn quốc, chính vì thế không những toàn quốc đều đến mà khách nước ngoài cũng đến thăm.”
Theo ông Huy, lễ khai ấn đền Trần ở thành phố Nam Định là một lễ lớn, có sự tham gia, tham dự của chính quyền thành phố, chính quyền tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. Lễ hội khai ấn đền Trần mang ý nghĩa cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe. Chính vì ý nghĩa quan trọng và hấp dẫn này mà hằng năm, bắt đầu từ Mồng Một Tết, người đến viếng đền Trần, xin lộc đầu năm đã rất nhiều.
Những lễ hội ngày xưa như lễ hội phát ấn ở đền Trần hoặc lễ hội chùa Hương... nó phát triển to lên, nó làm lên trở thành một lễ hội đồng bóng, nó làm cho người ta cuồng tín, hư hỏng, chứ tâm linh ở đây là đức tin chứ không phải cuồng tín. -Nhà nghiên cứu văn hóa

Số lượng người đến viếng, cầu tài cầu lộc tăng dần cho đến lúc lễ khai ấn diễn ra vào khuya 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Nếu thống kê số lượng người đến viếng đền Trần để xin lộc trong suốt mùa Tết, con số có thể lên đến vài triệu người. Riêng ngày 13 tháng Giêng cho đến ngày Rằm tháng Giêng, hầu hết các khách sạn, nhà trọ ở thành phố Nam Định đều nâng giá gấp đôi, gấp ba lần ngày thường và không còn phòng để cho thuê.

Lễ hội hay đồng bóng?

Một nhà nghiên cứu văn hóa, không muốn nêu tên, chia sẻ:“Bây giờ nở rộ nhiều, giống như phát triển từ sai lầm của những lễ hội khác, nó làm như kiểu thương hiệu để kinh doanh du lịch, đất đai, nói chung là nó làm có kết quả về truyền thông nhưng thực chất ra là nó làm kiểu ăn xổi ở thì. Những lễ hội ngày xưa như lễ hội phát ấn ở đền Trần hoặc lễ hội chùa Hương... nó phát triển to lên, nó làm lên trở thành một lễ hội đồng bóng, nó làm cho người ta cuồng tín, hư hỏng, chứ tâm linh ở đây là đức tin chứ không phải cuồng tín.”
Theo nhà nghiên cứu này thì tình trạng đánh tráo khái niệm lễ hội văn hóa với hoạt động cầu tài, cầu lộc, vay lộc, mượn lộc của người khuất mặt dường như diễn ra ngày càng nặng nề. Thay vì trước đây là một hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, người ta đi lễ đầu năm để dọn rửa tâm hồn cho thanh sạch, thuần khiết, để giữ thân tâm an lạc mà làm việc cho cả năm... Thì hiện tại, người ta đến nơi được xem là linh thiêng để cúng bái, sau đó xin lộc, xin chức quyền, xin cái ghế quyền lực. Thậm chí người ta dẫm đạp, cấu xé nhau, đánh đập nhau vì cái gọi là tài, lộc ấy. Dường như sự tôn nghiêm trước thánh thần không còn nữa, dường như cũng không có niềm tin nào ở đây mà là sự cầu cạnh đầy tính mê tín, dị đoan và mù quáng.
Và tính mê tín dị đoan ngày càng có nguy cơ trương nở, phình to trong các hoạt động lễ hội đầu năm, ngày càng lan dần vào miền Nam, nơi mà trước đây các lễ hội chỉ đơn thuần là niềm tin, sự tín ngưỡng và dọn rửa tâm linh cho một năm làm việc.
Vị này nhấn mạnh rằng đáng sợ hơn là mức độ mê tín, cuồng tín và tính tham lam, bất chấp đã thành sức mạnh của các lễ hội. Người ta không còn tự trọng hay liêm sĩ. Các gia đình quan chức sẵn sàng bỏ ra hàng tuần, thậm chí hằng tháng để đi các đền, chùa, miếu, lăng, phủ để cầu tài, cầu lộc, cầu quyền lực. Nhưng có một lễ hội khác, đậm chất tâm linh và văn hóa mà giới chức chẳng bao giờ dám bén mảng tới, đó là lễ hội thề liêm khiết ở Hải Phòng.
Đây là lễ hội dành cho giới quan chức, lễ hội này đã có truyền thống lâu đời, các quan chức thường đến đây để thề giữ thanh sạch, giữ liêm khiết, dùng trí tuệ và năng lực để phụng sự quốc gia, dân tộc... Nhưng dường như nhiều năm nay, đây là lễ hội quạnh quẽ và vắng vẻ nhất trong các lễ hội. Thường thì không có quan chức nào đến cái lễ hội thề liêm khiết dành cho quan chức này. Mà hầu hết người đến đây dự lễ hội thề toàn là dân đen, họ tới để thề liêm khiết, thề vì dân tộc, quốc gia... vì dân tộc, quốc gia của họ một khi họ không nắm quyền, không làm việc liên quan đến sự nghiệp hành chính quốc gia, không nắm tài chính quốc gia, không có khả năng tham nhũng?
Nhưng thử nghĩ những người dân đến đây thề sẽ làm được gì với sự liêm khiết hay tinh thần

Thủ tướng CSVN ra lệnh tất cả trạm BOT phải thu phí tự động

Thủ tướng CSVN ra lệnh tất cả trạm BOT phải thu phí tự động
Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu tăng tốc việc chuyển đổi các trạm thu phí BOT sang dịch vụ thu phí tự động, qua đó xe cộ không phải dừng lại.
Truyền thông trong nước hôm Thứ Tư 28/02 trích dẫn chỉ thị mới nhất của ông Phúc, nói đại ý rằng nếu không sử dụng công nghệ thu phí tự động theo đúng lộ trình với thời hạn nhất định, thì các trạm BOT hiện nay nên tạm dừng hoạt động.
Được biết chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nay đã công khai chọn mô hình thu lộ phí làm quốc sách, nghĩa là hiện tượng trạm thu phí BOT mọc lên khắp nước Việt Nam sẽ chỉ tiếp diễn chứ không giảm bớt. Một chỉ thị có từ tháng 3 năm 2017 đã yêu cầu các trạm BOT sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng. Nhưng sau gần một năm thực hiện, chỉ có một số ít trạm áp dụng công nghệ thu phí “vô hình”. Tại nhiều trạm BOT thu phí theo cách truyền thống, người dân địa phương và giới tài xế đã tổ chức những cuộc phản đối dưới nhiều hình thức, trong đó có trả tiền lẻ và đòi thối tiền chính xác. Các cuộc phản đối này thường hiệu quả và dẫn tới việc trạm thu phí BOT phải xả trạm, cho xe cộ qua lại tự do trong một thời gian.
Chỉ thị mới của thủ tướng CSVN cũng yêu cầu Bộ Giao Thông Vận Tải làm việc với các bộ ngành có liên quan để đưa ra những tiêu chuẩn chung, và chọn nhà thầu áp dụng một công nghệ duy nhất để thu phí BOT tự động trên toàn quốc.
Huy Lam / SBTN

Hội cờ đỏ tấn công phụ huynh công giáo ở Nghệ An

Hội cờ đỏ tấn công phụ huynh công giáo ở Nghệ An
Nhà cầm quyền địa phương bất ngờ điều động hàng chục thành viên “hội cờ đỏ” tấn công các phụ huynh học sinh Công giáo tại một trường tiểu học ở tỉnh Nghệ An.
Một đoạn phim quay lại cảnh đám côn đồ do nhà cầm quyền điều động cầm gậy gộc và ống sắt vây đánh phụ huynh học sinh trước cổng trường tiểu học Diễn Đoài ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu hôm 23 tháng 2.
Đài Á Châu Tự Do hôm Thứ Năm 1 tháng 3 cho biết, các phụ huynh học sinh đến gặp ban giám hiệu tìm hiểu nguyên nhân con em của họ bị đuổi học. Họ đều là giáo dân Công giáo thuộc giáo xứ Đăng Cao. Một học sinh trường này cho biết, ngày hôm đó em bị thầy giáo hăm dọa không cho đến trường nữa, và một số bạn cùng giáo xứ bị đuổi về nhà. Các phụ huynh học sinh cho hay, họ vừa đến trường và nêu lý do là để hỏi về việc con em họ bị đuổi học, thì bị lực lượng côn đồ do nhà cầm quyền điều khiển tấn công bằng hung khí chuẩn bị sẵn.
Theo nhà trường, các em học sinh bị đuổi học là do không chịu đóng học phí. Nhưng các phụ huynh cho rằng trong năm học 2017-2018, trường tiểu học Diễn Đoài đã làm sai quy định của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo CSVN, là trường học không được dạy thêm và thu tiền.
Xã hội Việt Nam đang ngày càng bạo lực với hàng chục ngàn người đánh nhau ngày Tết. Nay chính quyền địa phương còn mang bạo lực phô diễn công khai trước cổng trường.
Huy Lam / SBTN

‘Phạt hành chính’ công an lái xe gắn biển số giả tông chết người

Người dân đẩy xe hơi trong vụ tai nạn chắn ngang đường để phản đối thượng úy công an thay đổi biển số sau tai nạn. (Hình: Thanh Niên)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – “Căn cứ tài liệu điều tra,” ông thượng úy công an Hà Tĩnh, lái xe hơi gắn biển số giả tông chết người ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, chỉ bị xử phạt hành chính về lỗi “lái xe hơi mang biển giả và hết hạn kiểm định.”
Chiều 28 Tháng Hai, nói với báo Thanh Niên, ông Trần Sinh Tố, trưởng công an huyện Can Lộc, cho biết như trên và thông tin thêm, hiện công an huyện này “vẫn đang tiếp tục điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe hơi do ông Phạm Cao Hoàng, cán bộ Trung Tâm Huấn Luyện Và Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ (PX14), Công An tỉnh Hà Tĩnh, lái, và xe đạp khiến ông Nguyễn Sỹ Ngụ (74 tuổi, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) chết tại chỗ.
Theo ông Tố, khi điều tra và thực nghiệm hiện trường, công an xác định chiều 16 Tháng Hai, ông Ngụ đi xe đạp từ đường làng ra quốc lộ 15A nhưng rẽ trái trên khu vực làn đường xe hơi và đâm trúng xe hơi của ông Hoàng đang chạy trên đường.
Về thông tin ông Hoàng đổ lỗi cho người đi xe máy dừng lại hỗ trợ, cứu nạn nhân, ông Tố cho hay: “Sau khi ra khỏi xe, ông Hoàng đã nói ba người đi xe máy lạng lách đã làm ông Ngụ mất phương hướng mới đâm trúng xe hơi của mình. Chúng tôi đã triệu tập ba người này lên làm việc nhưng họ không nhận.”
Người nhà nạn nhân dựng rạp chắn ngang quốc lộ 15A làm đám tang. (Hình: Thanh Niên)
Ông Tố cho biết thêm, chiếc xe hơi ông Hoàng lái đụng chết người trước đó đã được bán và cầm cố qua nhiều người. Ngày 1 Tháng Hai, anh Trần Đình Phú (24 tuổi, xã Thường Nga, huyện Can Lộc) mượn chiếc xe này từ ông Dũng, chủ xe, “sau đó tự ý tháo biển số thật lắp biển số giả để đi lại.”
Đến sáng 16 Tháng Hai, ông Hoàng được ông Dũng nhờ đưa xe vào thành phố Hà Tĩnh để sửa chữa, không biết xe đã được gắn biển số giả. Đến 12 giờ cùng ngày, thì gây tai nạn đụng chết ông Ngụ.
“Sau khi xảy ra tai nạn, ông Hoàng có gọi cho ông Dũng đến hiện trường. Khi đến nơi, ông Dũng mới phát hiện chiếc xe đang gắn biển số giả nên nói với ông Hoàng. Sau khi về nhà, ông Hoàng thấy biển số thật đang cất trong xe nên tháo biển số giả ra và thay biển số thật vào. Đến khi chúng tôi đưa xe ra thực nghiệm hiện trường thì bị người thân của nạn nhân phản ứng, cho rằng chiếc xe đã được thay biển số,” ông Tố giải thích.
“Hiện ông Hoàng đã thỏa thuận bồi thường về mặt dân sự cho gia đình nạn nhân. Gia đình ông Ngụ cũng đã có đơn xin giảm mức phạt hành chính cho ông Hoàng và nếu ông này có bị xử lý hình sự thì gia đình cũng có đơn xin giảm nhẹ tội,” ông Tố nói thêm. (Tr.N)

Huế quyết làm ‘đường đi bộ lát gỗ lim’ trên sông Hương

Cọc bê tông được đóng xuống ven bờ sông Hương. (Hình: VNExpress)
THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Mặc kệ nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia và người dân, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn quyết làm tuyến đường đi bộ lát gỗ lim trên sông Hương, với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Theo báo Lao Động, để làm tuyến đường đi bộ dài 380 mét, phía trên được lát sàn bằng gỗ lim rộng 4 mét với khoảng 3,518 mét vuông gỗ lim này, lực lượng thi công phải đóng cọc bê tông xuống sông Hương sau đó đổ dầm bê tông. Nhiều sà lan nhỏ và nhiều thiết bị được đưa đến công trường nằm kế bên cầu Trường Tiền.
Dự án công trình có tổng kinh phí đầu tư 64 tỷ đồng (hơn $2.8 triệu), trong đó chi phí xây dựng là hơn 53 tỷ đồng, còn lại là kinh phí dự phòng.
Nói với báo VNExpress, ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Huế, cho biết: “Đây là tuyến đường bê tông hóa, phía trên lót sàn bằng gỗ lim, có hệ thống lan can bảo vệ. Mục tiêu của dự án nhằm kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng, tạo điểm nhấn nhìn sang bờ Bắc sông Hương, qua đó tạo sức hút đối với du khách đến Huế.”
Tuy nhiên, điều đáng nói từ khi còn là chủ trương cho đến khi được triển khai, dự án “khác người” này đã khiến nhiều chuyên gia và người dân lo ngại về tính bền vững. Theo đó, các ý kiến phản đối đều chú trọng vào việc lát gỗ lim liệu lâu bền hay gỗ sẽ nhanh hỏng và gây lãng phí lớn.
Bởi vì, ngoài đặc thù mưa nắng khắc nghiệt, thành phố Huế còn thường hay bị lũ lụt, điều này sẽ khiến gỗ lim rất nhanh bị oải mục. Trong khi đó, chi phí thay thế, sửa chữa rất cao,với đơn giá gỗ lim hiện đã 12 triệu đồng (hơn $527)/mét vuông. Nhiều chuyên gia đề nghị, nên lát mặt đường bằng đá giả gỗ đang thịnh hành vì chúng có tuổi thọ cao, chi phí rất rẻ, dễ vệ sinh.
Chưa hết, đường đi bộ trên sông lát gỗ này được chính quyền hô hào là “thân thiện với môi trường,” thế nhưng để hoàn thành nó thì… môi trường bị tàn phá cũng không ít do cần một lượng gỗ rất lớn.
“Đường đi bộ lát gỗ lim” trên sông Hương chỉ là một trong những công trình nhỏ. Hai năm trước, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nam Hàn đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương – nhiệm vụ và giải pháp.” Theo đó, hai bên bờ sông Hương sẽ được quy hoạch tổng cộng gần 840 hécta, với chiều dài 15 cây số, từ làng cổ Bao Vinh đến đồi Vọng Cảnh, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên để lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa và chuyên gia.
Tại đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế lo ngại các công trình mới sẽ phá vỡ không gian xanh hai bên bờ sông Hương. (Tr.N)

Khách mất gần $11 triệu, Eximbank giở trò muốn quỵt

245 tỷ đồng gửi tiết kiệm của khách tại ngân hàng Eximbank bốc hơi. (Hình: thebank.vn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cuộc thương lượng giữa ngân hàng Eximbank và khách hàng trong vụ bị mất 245 tỷ đồng (hơn $10.7 triệu) trong sổ tiết kiệm bất thành do phía ngân hàng chỉ đồng ý trả trước hơn chục tỷ đồng.
Ngày 27 Tháng Hai, Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có buổi làm việc với bà Chu Thị Bình về số tiền 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng bị ông Lê Nguyễn Hưng, cựu phó giám đốc Eximbank chi nhánh Sài Gòn, rút trộm, theo báo Thanh Niên.
Ông Lê Văn Quyết, tổng giám đốc Eximbank, cho biết phía ngân hàng đưa ra kế hoạch “tạm ứng một phần” là hoàn trả 14.8 tỷ đồng (hơn $650,440) nhưng bà Bình không đồng ý.
Nói với báo Thanh Niên, bà Bình xác nhận số tiền bị mất là 245 tỷ đồng, nhưng nếu tính luôn lãi suất là 301 tỷ đồng (hơn $13.2 triệu).
“Eximbank muốn tạm ứng số tiền 14.8 tỷ đồng do sổ này rút ra bằng chữ ký giả, người nhận giả. Tôi thấy không thỏa đáng vì có sổ tiết kiệm 90 tỷ đồng (hơn $3.9 triệu) cũng rút ra bằng chữ ký giả, chứng từ giả sao không giải quyết cho tôi rút,” bà Bình nói.
Cũng theo bà Bình, tiền khách hàng gửi ngân hàng thì ngân hàng phải trả lại cho khách hàng. Còn ông Lê Nguyễn Hưng lừa đảo ngân hàng để rút tiền, thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ cho người gửi được.
Liên quan đến các chữ ký thật trên một số chứng từ rút tiền, bà Bình cho hay đó là những chữ ký để hoàn tất thủ tục tất toán sổ tiết kiệm chứ không phải để ủy quyền rút tiền. Nếu như chỉ dựa vào chữ ký thật mà cho rút tiền là chưa làm đúng quy trình của ngân hàng vì trong quy định phải có thêm sổ tiết kiệm mới được rút.
“Thời gian gửi tiết kiệm của tôi từ 12 đến 15 tháng, mà có sổ mới gửi vô một tuần, ông Hưng đã làm thủ tục rút ra, có những sổ hơn 100 tỷ, ông Hưng rút nhiều lần…,” bà Bình cho hay.
Do vậy tại buổi làm việc với Hội Đồng Quản Trị Eximbank, bà Bình yêu cầu ngân hàng trả lại trong cùng một lúc số tiền này bởi bà đang giữ ba sổ tiết kiệm gốc tương ứng số tiền đã mất. Tuy nhiên, phía Eximbank không đồng ý yêu cầu này mà chỉ “trả lại tiền theo phán quyết của tòa án.”
Ông Quyết cho hay, ngân hàng đồng ý tạm ứng một số tiền nhất định là để “thể hiện có trách nhiệm với bà Bình trong khi chờ quyết định của tòa.”
Theo báo Zing, bà Chu Thị Bình là thành viên Hội Đồng Quản Trị kiêm phó tổng giám đốc tại Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú. Bà đồng thời là giám đốc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Chế Biến Thủy Sản Minh Quý và là vợ ông Lê Văn Quang, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Thủy Sản Minh Phú.
Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, được mệnh danh là “vua tôm” với doanh thu trên 10,000 tỷ đồng (hơn $439.4 triệu) mỗi năm. (Tr.N)

Bộ trưởng Công Thương CSVN bị tố ‘đồi bại, suy thoái đạo đức’

Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và vợ, bà Thủy Hương. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mới đây, một lá đơn tố cáo Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và ông Trần Hữu Linh, chánh văn phòng của bộ này, có “hành vi đồi bại, suy thoái đạo đức” bất ngờ rò rỉ.
Lá đơn của những người tự nhận là “cán bộ công tác lâu năm trong ngành công thương, đề ngày 29 Tháng Giêng, 2018, được ghi là gửi đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và một số giới chức khác của đảng CSVN.
Lá đơn viết: “Với mong muốn được theo hầu cận Bộ Trưởng Tuấn Anh, Trần Hữu Linh đã tìm mọi thủ đoạn dẫn dắt những cô em chân dài cho bộ trưởng và có mối liên hệ mật thiết với ‘người đẹp Thủy Hương’ (vợ ông Tuấn Anh). Sau khi ông Tuấn Anh kết hôn với bà Hương, ông Linh trở thành kẻ hầu cận chăn dắt gái cho bộ trưởng tiếp khách.”
“Trần Hữu Linh khá gần gũi nên biết Bộ Trưởng Tuấn Anh phong lưu đa tình nên dẫn dắt chân dài liên tục ra mắt ông. Đến thời điểm này, ông Linh vẫn hàng ngày đi theo Bộ Trưởng Tuấn Anh, cung cấp tiền, gái cùng những bữa tiệc xa hoa, buổi đánh bạc hàng trăm ngàn đô la để lấy lòng bộ trưởng… Việc ông Linh hủ hóa, quan hệ bất chính lại được Ban Cán Sự Đảng Bộ Công Thương lờ đi hoặc ‘mũ ni che tai’ trước dư luận ồn ào thì quả thật cái quy trình của bộ thật sự có vấn đề, không khác gì thời kỳ của người tiền nhiệm – ông Vũ Huy Hoàng.”
Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh là con trai của cựu Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương nên ông này vẫn được cộng đồng mạng gọi là “thái tử.”
Bản tin gần đây nhất về ông Tuấn Anh là bài trên báo Zing hôm 21 Tháng Hai tường thuật việc ông này thăm Nhà Máy Đạm Ninh Bình (được ghi nhận là một trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương) nhân ngày đầu năm.
Tờ báo dẫn lời ông Tuấn Anh: “Về các vấn đề của nhà máy, Bộ Công Thương và Vinachem (Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam) sẽ xem xét và cùng tìm biện pháp tháo gỡ. Nhưng nhà máy cần tự cứu mình trước khi Trời cứu. Nếu không tự cứu mình bằng chất lượng, sản lượng thì không thể làm gì được. Lãnh đạo nhà máy cũng phải tuyên truyền để mọi người hiểu nó đang tồn tại, khó khăn ra sao và nỗ lực vực dậy như thế nào.”
Hồi cuối năm 2016, Bộ Trưởng Tuấn Anh là tâm điểm của công luận trong “siêu dự án” Thép Cà Ná do Tập Đoàn Hoa Sen triển khai. Thời điểm đó, truyền thông trong nước dẫn phát ngôn của ông Tuấn Anh “sẵn sàng chịu trách nhiệm trước dân nếu dự án Thép Cà Ná xảy ra những hệ lụy xấu” và rằng “không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá.”
Tuy vậy, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến chỉ trích ông Tuấn Anh “có dấu hiệu xung đột lợi ích” vì ông này là anh em cột chèo với Chủ Tịch Tập Đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ, người được ghi nhận nói “Ngu gì không làm thép!”
Những lời kêu gọi ông Tuấn Anh từ chức đã không hiệu quả và ông này vẫn tại vị cho đến nay. Dù vậy, trước phản ứng của công luận quan ngại về một “Formosa thứ hai,” hồi Tháng Tư, 2017, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã “yêu cầu tạm dừng dự án Thép Cà Ná.” (T.K.)