Saturday, September 8, 2018

Cựu chủ tịch xã chiếm đất giao cho người thân bị khai trừ đảng

Ông Hồ Hữu Phúc vi phạm việc kê khai và hợp thức hóa quyền sử dụng đất ở thôn Tam Vị. (Hình: Zing)
THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Khi làm chủ tịch xã Lộc Tiến, ông Phúc đã chiếm đất, rồi cấp giấy chứng nhận sử dụng 13 lô đất nông nghiệp cho vợ và bạn bè.
Ngày 7 Tháng Chín, 2018, ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế), cho biết Ban Thường Vụ Huyện Ủy Phú Lộc vừa ký quyết định thi hành kỷ luật khai trừ khỏi đảng đối với ông Hồ Hữu Phúc, cựu chủ tịch xã Lộc Tiến, hiện là phó trưởng Phòng Lao Động-Thương Binh và Xã Hội huyện.
Theo báo Zing, trong thời gian làm chủ tịch xã Lộc Tiến, ông Phúc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, kê khai không trung thực để thành viên trong gia đình và bạn bè đứng tên đối với 21 thửa đất khi đo vẽ bản đồ địa chính xã năm 2010.
Ông Phúc đã giả mạo, hợp thức hóa hồ sơ và thay mặt xã ký xác nhận nguồn gốc sử dụng đất để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 13 thửa đất cho những người thân trong gia đình gồm cha, mẹ ruột, vợ, em ruột và bạn bè nhằm trục lợi.
Ông Hồ Hữu Phúc bị khai trừ khỏi đảng. (Hình: Zing)
Ngày 4 Tháng Chín, Ban Thường Vụ Huyện Ủy Phú Lộc đã quyết định kỷ luật ông Hồ Hữu Phúc bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng, đồng thời có công văn chỉ đạo ủy ban huyện Phú Lộc miễn nhiệm chức danh phó trưởng Phòng Lao Động-Thương Binh và Xã Hội huyện.
Huyện Ủy cũng chuyển hồ sơ sự việc cho công an huyện để tiếp tục điều ra làm rõ và có thể khởi tố tùy vào kết quả điều tra.
Nói với báo Zing, chủ tịch huyện Phú Lộc cho biết sai phạm của ông Phúc có xử lý hình sự hay không thì cần phải xem xét nhiều khía cạnh. Nếu ông Phúc lấy 13 thửa đất đó buôn bán, sinh lợi nhuận, tiền bạc thì khác nhưng số thửa đất trên vẫn còn nguyên chưa sang bán cho ai.
Theo kết luận của Thanh Tra huyện Phú Lộc, ông Phúc trong thời gian là chủ tịch xã Lộc Tiến đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thông đồng với các thành viên trong gia đình và bạn bè để hợp thức hóa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhằm chiếm đoạt các lô đất mà bà Nguyễn Thị Hoa (trú ở thôn Bình An, xã Lộc Bổn) được chính quyền giao (xác nhận) khai hoang để trồng mía ở thôn Tam Vị. (Tr.N)

Vỡ đập hồ chứa ở Lào Cai, chất thải độc tràn vào nhà dân

Tài sản của người dân bị cuốn trôi khi chất thải của nhà máy DAP số 2 tràn ra. (Hình: Zing)
LÀO CAI, Việt Nam (NV) – Hàng ngàn mét khối nước thải, chất thải tràn vào nhà dân tại huyện Bảo Thắng, sau khi hồ chất thải của Vinachem bị vỡ.
Theo báo Zing, khoảng 12 giờ trưa 7 Tháng Chín, 2018, đập bờ bao hồ chứa chất thải rắn của nhà máy DAP số 2 Lào Cai (Công Ty Cổ Phần DAP số 2, thuộc Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam – Vinachem, ở khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) bị vỡ khiến khoảng 45,000 mét khối nước và chất thải tràn ra ngoài.
Ít nhất hai nhà dân ở gần hồ chứa bị bùn đất chứa hóa chất tràn vào nhà, cuốn trôi toàn bộ tài sản trị giá khoảng 400 triệu đồng (khoảng $17,145).
Theo báo VNExpress, tại hiện trường, hàng chục nhà dân bị nước và bùn thải tràn vào nhà cao 10 đến 20 cm, làm hư hỏng đồ đạc. Tuyến đường liên thôn, liên xã và tỉnh lộ 151 có thời điểm bị ngập sâu 40 cm.
Vị trí đập bờ bao hồ chứa chất thải rắn của nhà máy DAP số 2 Lào Cai bị vỡ. (Hình: Lào Cai)
Theo báo Lào Cai, do mưa lớn kéo dài, nước trong hồ thải dâng cao, trong khi hệ thống bờ bao không bảo đảm an toàn nên bị vỡ, khiến hàng ngàn mét khối nước thải, chất thải chứa chất độc hại chảy tràn ra tỉnh lộ 151, sau đó chảy vào các thôn Phú Hà 1, 2 (xã Phú Nhuận) và tổ dân phố số 7, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, khiến trên 40 nhà dân bị ảnh hưởng.
Do vỡ đập xảy ra vào lúc người dân nghỉ trưa nên việc phòng, tránh không kịp thời khiến thiệt hại rất lớn đến tài sản.
Tin cho hay, do nước thải chứa nhiều hóa chất nên địa phương phải sử dụng vôi bột để trung hòa.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường, ông Lê Ngọc Hưng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lào Cai, cho báo Zing biết, 45,000 mét khối chất thải bị tràn ra có độ pH xấp xỉ bằng 2.
Ngoài bịt cửa đập bị vỡ, địa phương sẽ đổ hàng trăm tấn vôi bột xuống con suối bị nhiễm chất thải để trung hòa trước khi chảy ra sông Hồng.
Nhà ở, tài sản và nhiều diện tích hoa màu của hơn 40 nhà dân bị thiệt hại. (Hình: Lào Cai)
Theo người dân phản ảnh, trước khi đập bị vỡ, nước thải của nhà máy DAP 2 nhiều lần rò rỉ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Báo Zing cho hay, hồi cuối Tháng Bảy, 2018 vừa qua, “Ủy ban tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt công ty này 150 triệu đồng (hơn $6,430) về hành vi không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường tại bãi thải đuôi quặng (bãi Gyps) và yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp xử lý không để nước thải tràn ra môi trường.”
Công ty DAP số 2 thành lập năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 5,000 tỷ đồng (hơn $214.3 triệu). Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón và hóa chất. Ngoài ra DAP số 2 được phép hoạt động kinh doanh, xuất nhập cảng vật tư, máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho ngành phân bón và hóa chất; kinh doanh bất động sản và cho thuê văn phòng.
Trên website công ty, DAP số 2 giới thiệu họ là nhà máy thứ hai tại Việt Nam sản xuất phân bón DAP – loại phân bón phức hợp chứa hai thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất cho cây trồng là đạm (Nitơ) và lân (P2O5). Quá trình sản xuất, doanh nghiệp này đã đầu tư dây chuyền công nghệ và các thiết bị xuất xứ từ các nước thuộc nhóm tiên tiến trên thế giới (EU, G7). (Tr.N)