Friday, November 17, 2017

Hàng Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam

Tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2017-11-17  
Súng nhựa Trung Quốc không nhãn mác được bày bán ở Lào Cai
 Súng nhựa Trung Quốc không nhãn mác được bày bán ở Lào Cai-TTVN
Vùng núi Tây Bắc Việt Nam được xem là vùng có nhiều cửa khẩu liên thông giữa Việt Nam và Trung Quốc đứng đầu Việt Nam. Có gần 100 cửa khẩu lớn nhỏ gọi là cửa khẩu hữu nghị hoặc cửa khẩu quốc tế Việt – Trung. Tây Bắc cũng là đầu mối, là vùng đệm để tất cả các loại hàng hóa thứ cấp của Trung Quốc tuồn vào Việt Nam và các loại nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Nếu như nông sản và các loại hàng hóa của Việt Nam chỉ được xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, qua các cửa hải quan kiểm tra gắt gao thì ngược lại, hàng hóa Trung Quốc dễ dàng sang Việt Nam theo cả đường chính ngạch và tiểu ngạch.

Hàng không chính ngạch và cận chính ngạch

Ông Trần Văn Chính, cựu cán bộ, cửa khẩu Lào Cai, chia sẻ: “Cứ đi mua cái gì xong rồi mình thuê người đi chở, đồ chơi, đồ điện tử, các loại ấy, mình thuê người chở về bên này mình lấy thôi.
Bà Trần Thị Nga, người buôn rau củ quả ở chợ Cốc Lếu, Lào Cai, chia sẻ: “Bên ấy thì thị trường hành, tỏi của nó về đây. Nó đi toàn người đi bằng xe đẩy, đẩy từng tạ một ấy.
Ông Chính, bà Vương và bà Nga chia sẻ thêm, hầu hết hàng rau, củ quả từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam là theo đường tiểu ngạch và cận chính ngạch. Giải thích khái niệm tiểu ngạch và cận chính ngạch, họ cho biết là đường tiểu ngạch thì có vẻ quen, chủ yếu người ta chẻ đường rừng hoặc bằng cách nào đó qua mặt hải quan.
Ví dụ như tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, nơi này không có các xe chở hàng hóa lưu thông nhưng người nhà buôn Việt Nam chế ra những chiếc xe đạp tải có thể chở lên đến vài trăm ký. Dựa vào việc mua bán dễ dãi từ phía Trung Quốc, người ta sẽ sang Trung Quốc để mua hàng và chở về đến đầu cầu phía Việt Nam. Tại đầu cầu Việt Nam, người ta ném hàng qua rào, vào trước sân đền Mẫu và có người khuân hàng tập kết về chợ.
Mặc dù qua cầu cửa khẩu nhưng hàng không phải qua hải quan. Ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Đông Bắc Việt Nam, người ta còn dễ dàng chất hàng lên trâu, bò hoặc vác bộ qua các đường rừng bởi địa hình ở các tỉnh này giáp với Truyng Quốc theo diện “núi liền núi” không giống như Lào Cai “sông liền sông”, phải chở qua cầu và lách hải quan.
Trường hợp hàng cận chính ngạch, theo ông Chính, bà Vương và bà Nga thì đây là lượng hàng không thể quản lý được và số lượng của nó chiếm rất cao. Ví dụ như tại cửa khẩu Lạng Sơn, người buôn hàng Việt Nam trước đây được đẩy hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, chỉ cần nộp cho mỗi xe hàng nặng chừng 300 ký lô với giá 20 ngàn đồng là qua cửa, không có kiểm định chất lượng hay vệ sinh an toàn thực phẩm gì.
Sau này, cũng tại các cửa Lạng Sơn, đặc biệt là cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, người buôn không được dùng xe tự chế để chở mỗi lần 300 ký lô hàng về Việt Nam nữa. Người buôn hàng chuyển sang gánh hàng, mỗi lần gánh được từ 50 ký đến 70 ký và nộp 20 ngàn đồng là qua cửa, cũng không thông qua kiểm định chất lượng hay vệ sinh an toàn thực phẩm gì cả.
Như vậy, việc cấm xe chở hàng chỉ gây khó cho người nhà buôn, thay vì nộp 20 ngàn đồng cho mỗi chuyến hàng 300 ký lô và đẩy xe nhẹ hơn, người ta phải chia ra làm sáu lần để gánh vất vả và đóng thành 120 ngàn đồng. Hàng Trung Quốc vẫn cứ qua Việt Nam như mọi ngày, chỉ có mức phí cận chính ngạch là cao hơn gấp sáu lần.
Ở các cửa khẩu tại Lào Cai, tình trạng này cũng chẳng khác mấy, việc lưu thông hàng thứ cấp qua cửa hải quan theo diện cận chính ngạch vẫn diễn ra hằng ngày và dể thấy nhất là các mặt hàng này được bày bán khắp nôi trong thành phố Lào Cai, và chợ Cốc Lếu giống như một trung tâm phân phối hàng Trung Quốc thứ cấp về Việt Nam, đưa đi các tỉnh.

Hàng Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều

Bà Lý Thị Vương, người buôn rau củ quả ở Lào Cai, chia sẻ: “Cà chua là một, bí đỏ là hai, cải thảo là ba, bắp cải tàu là bốn, khoai tây là năm, nấm là nhiều nhất, tràn ngập thị trường là nấm của nó, cà chua, khoai tây.”
Ông Trần Văn Chính, cựu cán bộ, cửa khẩu Lào Cai, chia sẻ: “Hoa quả, hàng quặng, các hàng máy móc cũng có, hoa quả, nông lâm sản cũng có. Còn Trung Quốc qua đây chủ yếu là phân bón, hóa chất, các loại hóa chất, máy móc.”
Theo hai vị này, số lượng hàng Trung Quốc tuồn sang Việt Nam chưa bao giờ giảm. Năm sau nhiều hơn năm trước, nhà buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam cũng năm sau nhiều hơn năm trước. Trong đó, hầu hết hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc là nông sản, lợn nguyên con và các loại trái cây nổi tiếng miền Nam. Ngược lại, hàng Trung Quốc nhập sang Việt Nam, ngoài trái cây, các loại rau và thực phẩm biến đổi gen, còn có thêm các loại phân bón và chất hóa học.
Theo quan sát của một chủ quán gần cửa khẩu Mường Khương, một cửa khẩu chuyên lưu thông của các loại xe container từ Việt Nam sang Trung Quốc và từ Trung Quốc vào Việt Nam thì tỉ lệ hàng Việt – Trung là 1/5, nghĩa là cứ 1 xe container Việt nam chở hàng qua Trung Quốc thì có 5 xe container từ Trung Quốc chở hàng sang Việt Nam. Điều này càng dễ nhận biết hơn khi chúng tôi vào bãi xe tập kết hàng bên cạnh cửa khẩu Mường Khương, hầu hết là xe mang biển số Trung Quốc, đang chờ các xe từ phía Nam Việt Nam ra sang hàng để quay về Trung Quốc.
Tình trạng này cũng diễn ra tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Cao Bằng và hầu hết các cửa khẩu Việt – Trung trên vùng Tây Bắc. Có thể nói rằng hàng thứ cấp, phân bón và chất hóa học cũng như lương thực, thực phẩm không qua kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung Quốc vẫn hằng ngày ồ ạt vào Tây Bắc, Đông Bắc và phân tán ra khắp mọi nẻo đường Việt Nam.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Bằng cấp giả tràn lan vì muốn làm quan chức?

Theo RFA-2017-11-16  
Một số bằng cấp giả bị cơ quan chức năng thu giữ.
 Một số bằng cấp giả bị cơ quan chức năng thu giữ.-Courtesy of Thanhnien

Bằng giả như nấm sau mưa

Một vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây là chuyện bằng cấp của ông cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Sau khi bị kỷ luật về những sai phạm khi còn đương chức bí thư thành ủy, ông Anh đã bị phát hiện sử dụng bằng Tiến sĩ do một trường ở Mỹ cấp nhưng bằng này không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo đề ra. Vì vậy bằng Tiến sĩ của ông không được chấp nhận ở Việt Nam. Sự việc đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian.
Hay tháng 4 đầu năm nay, chính quyền huyện Đak Tô tỉnh Kon Tum đã kỷ luật cảnh cáo 6 cán bộ ở huyện này vì sử dụng bằng trung học phổ thông giả.
Tuy nhiên đây chỉ là một số trong nhiều trường hợp các quan chức bị phát hiện sử dụng bằng giả hay bằng không được chấp nhân ở Việt Nam hiện nay .
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2004 cho biết có hơn 10 ngàn trường hợp dùng bằng giả đã bị phanh phui.
RFA trao đổi với Giáo sư -Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về tình trạng này. Giáo sư Giang cho rằng nguyên nhân phần lớn là do hệ thống đề bạt cán bộ còn chú trọng đến quy trình và tiêu chí hình thức:
Tức là phải đạt qua chứng chỉ này hay cấp kia, đặc biệt là bằng cấp này bằng cấp kia. Tôi nghĩ rằng xuất phát là có thể những người nghĩ ra những nhu cầu điều kiện đó là do muốn chuẩn hóa. Nhưng cái chuẩn hóa đó rất nhanh chóng bị biến dạng. Hiện nay đó đang là một hạn chế trong việc nâng cấp, nâng chức, đề bạt vào vị trí nào đó. Và điều này chắc chắn phải có sự điều chỉnh nào đó.
"Cứ nói chọn nhân tài nhưng lại chọn theo kiểu quy trình anh có cái này không, có cái kia không thì chưa chắc đã được".
- Giáo sư Vũ Minh Giang
Nhiều thông tư, quyết định của các Bộ ngành Nhà nước ghi rõ các tiêu chuẩn bắt buộc về giáo dục đối với cán bộ, công viên chức. Ví dụ trong Thông tư 1204/QĐ-BNV ban hành ngày 19/11/2012 của Bộ Nội vụ có ghi rõ tiêu chuẩn chức danh đối với các bậc lãnh đạo của Bộ này, trong đó đều yêu cầu trình độ giáo dục từ cấp đại học trở lên. Hay cũng một quyết định khác của Bộ này yêu cầu tất cả các Giám đốc sở tại các tỉnh thành phải có bằng đại học trở lên.
GS Vũ Minh Giang cho rằng đây chính là lý do những người không đáp ứng được các tiêu chuẩn này đã tìm cách làm bằng giả để đạt yêu cầu.
Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương lại cho rằng bằng cấp giả phát sinh là do sự tha hóa “từ trên xuống”:
Bằng giả không chỉ có ở Việt Nam mà nhiều nước cũng có nhưng ở Việt Nam thì nó quá xá. Là vì một nền chính trị hư danh và một xã hội đề cao sự hư danh. Vì thế nên người ta chạy theo cái hư danh đó và sẵn sàng tìm giải pháp tồi tệ nhất và không chính đáng để cố giành giật để kiếm chác.
Hiện tại Bộ Giáo dục đang dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Hiện Việt Nam đã có trên 24.300 tiến sĩ trong khi dư luận còn thắc mắc về chất lượng của nhiều người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ mới đây trả lời báo chí với đại ý rằng cần thêm tiến sĩ là do hiện nay không đủ tiến sĩ giảng dạy ở các trường đại học.

Lối thoát

Trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân hồi đầu tháng 7 năm nay, Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Giáo sư Phạm Minh Hạc nói rằng điều đáng buồn là đối tượng sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ và người có quyền mà lừa dối thì làm sao nói được dân. Ông cũng phê bình việc xử lý các đối tượng sử dụng bằng giả chưa kiên quyết, chẳng hạn ở nhiều nơi chỉ cảnh cáo hay cùng lắm là buộc thôi việc.
Ông Phạm Vũ Luận, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi còn đương chức cũng từng nói rằng “Người học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không vào được doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài.”
Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng việc tuyển chọn hay thăng quan tiến chức trong bộ máy công quyền ở Việt Nam cần giảm sự quan trọng hóa về bằng cấp, và chú trọng đến năng lực thì mới có thể chấm dứt được tình trạng làm bằng giả tiến thân:
Đối với hệ thống cán bộ công chức nói chung thì cần điều chỉnh bớt chú trọng đến tiêu chí hình thức mà nên chú ý đến thực chất của con người. Dù thế nào cũng phải chuẩn hóa, nhưng chuẩn hóa không nên dựa quá nhiều vào hệ thống chính trị bằng cấp như hiện nay. Tôi nghĩ nhiều nước họ cũng có cách tuyển dụng hay.
Cũng đã đến lúc phải nghĩ ra một cách nào đó để tuyển dụng những người có năng lực xuất sắc vào các vị trí. Tôi nghĩ có lẽ phải cần một chiến lược nhân tài. Bất cứ cộng đồng nào cũng có bộ phận tinh hoa mà mình gọi là nhân tài, cứ nói chọn nhân tài nhưng lại chọn theo kiểu quy trình anh có cái này không, có cái kia không thì chưa chắc đã được.

"Người ta chạy theo cái hư danh đó và sẵn sàng tìm giải pháp tồi tệ nhất và không chính đáng để cố giành giật để kiếm chác."
- Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Giáo sư Minh Giang cho rằng việc tuyển dụng hay thăng cấp nên dựa vào những thành tích mà người đó đã đạt được trong quá khứ, hay được những đồng nghiệp tin tưởng giới thiệu. Như vậy xã hội sẽ nhận thức được một điều rằng nếu tôi không có tài thì tôi không được trọng dụng, còn nếu tôi có khả năng dù không có bằng cấp tôi vẫn được đánh giá cao.
Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai lại nhận thấy rằng để giảm thiểu những bất cập trong toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng trong đó điển hình như vấn đề bằng giả, cần phải sửa đổi hệ thống chính trị độc đảng và Quốc hội phải thực sự dân chủ. Bởi vì theo ông, hiện tại còn nhiều giả dối trong chính hệ thống chính trị, nên sẽ không thể làm gương cho các ngành khác, trong đó có giáo dục.
Còn trong bài báo trên trang Nhân Dân, Giáo sư Phạm Minh Hạc cho rằng để hạn chế tình trạng này, quy trình cấp phôi bằng tại các trường cần chặt chẽ hơn. Các lãnh đạo Nhà nước cần kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả. Bằng do cơ sở nước ngoài cần được thẩm định bởi Nhà nước.

Việt Nam yêu cầu Youtube gỡ bỏ 5,000 clip có nội dung xấu

Theo RFA-2017-11-17 
Youtube là một trong những kênh chuyển tải thông tin thông dụng. Ảnh chụp một người dùng Youtube trên smart phone tại Paris hôm 27/1/2010.
 Youtube là một trong những kênh chuyển tải thông tin thông dụng. Ảnh chụp một người dùng Youtube trên smart phone tại Paris hôm 27/1/2010.AFP photo
Việt Nam đã tác động đến các nhà mạng nước ngoài yêu cầu gỡ bỏ 5000 clip trên mạng Youtube có nội dung xấu, phản cảm, sai sự thật
Thông tin trên được Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết tại phiên chất vấn trước Quốc hội và ngày 17/11.
Ông Tuấn cho biết hiện Việt Nam có 53 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook và 2 triệu trong số này là những phần tử xấu. Bên cạnh đó tình trạng nói xấu, ném đá nhau trên mạng xã hội cũng xảy ra tràn lan, và thu hút sự quan tâm của dư luận hơn cả những lời nói tốt đẹp. Ông cho biết từ năm 2014 đến nay Việt Nam ghi nhận ít nhất năm, sáu trường hợp tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.
Người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cũng thừa nhận mạng xã hội đã mang lại nhiều tai hại cho Việt Nam trong đó có các thông tin bôi nhọ, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo,…Ông cho biết bên thông tin truyền thông đã phối hợp với bên tuyên giáo để đẩy mạnh thông tin tích cực trên báo chí thay vì những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Xin được nhắc lại đầu năm nay chính phủ Hà Nội đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ hơn 2000 clip có nội dung được nói là xấu, phản động. Sau đó, Youtube đã đồng ý gỡ hơn 1000 clip trong số này. Hà Nội tiếp tục đàm phán với Facebook yêu cầu chặn những tài khoản bôi nhọ, giả mạo người khác và phía Facebook cũng đã đồng tình hợp tác.
Cũng tại phiên họp Quốc hội sáng 17/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội quá nhiều so với những nước khác trên thế giới, và cho rằng người dùng trong nước đã quá dễ dãi với thông tin mạng.
Ông Phó Thủ tướng nói người Việt chủ yếu sử dụng dịch vụ như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm,…của nước ngoài. Ông so sánh với Trung Quốc và khen ngợi quốc gia này rất quyết liệt trong việc sử dụng mạng trong nước. Ông cũng nói với đại ý là Việt Nam nên học tập những nước như Thái Lan hay Đức vì Đức chỉ có 37% sử dụng mạng xã hội, trong khi Việt Nam có đến 60%.
Theo ông Vũ Đức Đam, các chuyên gia nước ngoài nói rằng người sử dụng Internet ở Việt Nam quá dễ dãi và không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn trong hành động của mình trên mạng Internet. Ông cho rằng điều này đáng bạo động nhất cho an ninh thông tin ở Việt Nam.
Về vấn đề an ninh mạng, ông Đam cảnh báo Việt Nam đứng thứ 100 trên thế giới, tức là thuộc loại trung bình yếu. Và các chỉ số liên quan cá nhân ở mức yếu nhất toàn cầu. Ông cũng nói rằng Việt Nam đầu tư quá ít vào an ninh thông tin, chỉ bằng 1/3 hoặc ¼ so với các nước khác.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết tại Hội nghị cấp cao APEC vừa qua, Việt Nam đã phát hiện 27 cuộc tấn công mạng nhắm vào máy chủ và trung tâm báo chí.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện 17 lỗ hổng và hàng ngàn cuộc có nguy cơ tấn ông.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói rằng từ đầu năm đến nay Việt Nam đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Ông cũng chỉ ra rằng hiện 41% các tổ chức không đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn; 51% chưa có thao tác chuẩn để phản hồi khi xảy ra sự cố; và đến 73% chưa thực hiện các biện pháp an toàn thông tin.
Ông thúc giục các cá nhân, tổ chức phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh mạng.

Bộ trưởng Tài chính: có sự suy thoái trong đội ngũ thuế và hải quan

RFA-2017-11-16   
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại buổi chất vấn ngày 16/11/17. (Người thứ nhất, hàng thứ nhất từ phía trái).
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại buổi chất vấn ngày 16/11/17. (Người thứ nhất, hàng thứ nhất từ phía trái).-Courtesy: baochinhphu.vn
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, tại buổi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 16 tháng 11, khẳng định có sự suy thoái trong đội ngũ cán bộ của ngành và Bộ Tài Chính kiên quyết xử lý tình trạng tiêu cực đó.
Trước những vấn đề mà các Đại biểu Quốc hội nêu ra, liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, cán bộ thuế và hải quan tiếp tay gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nguyên nhân chính là do cán bộ ngành tài chính bị suy thoái đạo đức và hàng năm Bộ Tài Chính xử lý, kỷ luật khoảng 300 cán bộ thuế, hải quan.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, Bộ Tài Chính tiến hành rà soát lại quy trình thủ tục và chế độ chính sách để điều chỉnh cho phù hợp, như qua trường hợp 46 cán bộ hải quan ở An Giang bị bắt, Bộ Tài Chính đã báo cáo Chính phủ sửa chính sách, không cho hoàn thuế nông-lâm-thủy sản qua chế biến.

Jack Ma, hãy tránh xa Việt Nam!

Lê Anh Hùng 
Theo VOA-17/11/2017 
Ông chủ Alibaba, Jack Ma.
Ông chủ Alibaba, Jack Ma.
Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, sự kiện tỷ phú Jack Ma, người sáng lập và là Chủ tịch tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, sang Việt Nam từ ngày 4 – 8/11 đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận.
Với giá trị tài sản lên đến 47,6 tỷ USD tại thời điểm tháng 11/2017, Jack Ma hiện là người giàu nhất Trung Quốc và giàu thứ 11 trên thế giới. Ông ta đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về tài năng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong kinh doanh, và thậm chí còn đứng thứ hai trong danh sách “50 nhà lãnh đạo ảnh hưởng nhất thế giới” năm 2017 do tạp chí Fortune bình chọn.
Với một hành trang choáng ngợp như thế nên chẳng có gì khó hiểu khi công chúng Việt Nam dành cho vị khách đến từ Trung Quốc này một sự chú ý đặc biệt.
Bệ phóng của hàng giả
Khởi sự Alibaba.com với 60.000$ cùng 17 nhà đồng sáng lập khác, Jack Ma đã đưa Alibama phát triển với tốc độ khó tin, trở thành một công ty mẹ với 9 công ty con chính là Alibaba.com, Taobao Marketplace, Tmall, eTao, Alibaba Cloud Computing, Juhuasuan, 1688.com, AliExpress.com và Alipay.
Tuy nhiên, bên cạnh tài năng kinh doanh xuất chúng, con đường Jack Ma đưa Alibaba Group trở thành một đế chế kinh doanh hùng mạnh vẫn băng qua những khoảng tối gây nhiều tranh cãi.
Sự phát triển thần tốc của Alibaba luôn gắn với vô số tai tiếng về kinh doanh hàng giả. Tháng 1/2015, Cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại của Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu khảo sát, trong đó cho biết chỉ 37% hàng hoá mà họ kiểm tra trên Taobao là hàng chính hãng, 63% còn lại là hàng giả.
Về phần mình, Jack Ma thanh minh rằng vấn đề hàng giả là do luật pháp yếu kém của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó thật khó thuyết phục được ai. Và tháng 5 vừa qua, Alibaba đã bị đình chỉ tư cách thành viên trong IACC (International AntiCounterfeiting Coalition), một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận chuyên chống hàng giả và vi phạm bản quyền.
Trong một báo cáo được công bố ngày 22/6 vừa qua, Tổ chức Cảnh sát Châu Âu (EuroPol) cho biết: Năm 2015, Trung Hoa đại lục và Hong Kong là nơi xuất xứ của 86% hàng giả trên thế giới. Và mỗi năm Trung Quốc kiếm đến 400 tỷ USD từ hàng giả.
Chính phủ Trung Quốc xưa nay vẫn nhắm mắt làm ngơ trước vấn nạn hàng giả ở đất nước này. Và chính sách dung dưỡng hàng giả của Bắc Kinh chắc chắn là một bệ phóng quan trọng cho sự thăng tiến ngoạn mục của Alibaba.
Không quay lưng lại với những gì đã giúp mình thành công, ông chủ Alibaba tỏ ra hồn nhiên: “Hàng giả Trung Quốc còn tốt hơn hàng thật!”
Chưa hết, Jack Ma còn thành lập công ty APN tại “thiên đường thuế” Cayman Islands rồi thông qua APN nắm giữ cổ phần trong Alibaba Group và các công ty con.
“Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán.” Chính phủ Trung Quốc đã hậu thuẫn hết mình cho các tập đoàn công nghệ tư nhân như Huawei hay ZTE rồi biến chúng thành những tập đoàn gián điệp nhằm mục đích thu thập tin tức trên khắp thế giới (Việt Nam đã trở thành “sân nhà” của hai tập đoàn này từ lâu). Vì thế, câu hỏi hợp lý đặt ra là: Liệu Alibaba của Jack Ma có sẽ trở thành công cụ chính trị và kinh tế của Bắc Kinh.
Tham vọng của Jack Ma tại Việt Nam
Chuyến thăm Việt Nam công khai và ồn ào của Jack Ma vừa qua có thể khiến một số người nghĩ đây là lần đầu Jack Ma đưa Alibaba đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh.
Thực ra, Jack Ma đã sang Việt Nam lần đầu cách đây 11 năm. Alibaba cũng đã có một vài đại lý hợp tác kinh doanh ở Việt Nam, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ.
Với việc kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc vài năm qua, nhu cầu tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài thị trường nội địa của Alibaba ngày càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh đó, tháng Tư năm ngoái, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để sở hữu 51% cổ phần Lazada, sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á hiện nay và đang hoạt động tại 6 thị trường chủ chốt là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Tháng 6/2017, Alibaba lại rót thêm 1 tỷ USD vào Lazada để nâng tỷ lệ sở hữu lên 83%.
Hiện tại, Lazada đã chiếm đến 1/3 thị phần thương mại điện tử của Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm 5 năm Lazada Việt Nam hồi tháng Ba vừa qua, đại diện Lazada đã tiết lộ tham vọng của mình: duy trì đà tăng trưởng 2 con số mỗi năm, thu hút 80% người mua sắm trực tuyến sử dụng dịch vụ của mình vào năm 2020, và đạt 100 triệu dollar doanh thu trong ngày Cách mạng mua sắm trực tuyến 11/11/2020.
Rõ ràng, mục tiêu của Lazada là thống lĩnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Ngày 12/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng kiến Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc ký kết bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác, hợp tác thương mại điện tử. Con đường đưa Alibaba tiến vào một thị trường mà Jack Ma ví như “mỏ vàng” qua đó trở nên thênh thang hơn bao giờ hết.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi, Jack Ma đã ký kết hợp đồng hợp tác giữa Alipay với NAPAS. NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam, với các cổ đông chính là Ngân hàng Nhà nước và 15 ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.
Còn Alipay là gì?
Alipay là tiện ích thanh toán điện tử do Alibaba sở hữu và phát triển. Nhiệm vụ chính của Alipay là bảo lãnh thanh toán trong các giao dịch trực tuyến. Khi một đơn hàng giao dịch trực tuyến được khởi tạo, Alipay sẽ đóng vai trò là bên trung gian thứ ba đảm bảo cho đôi bên thực hiện giao dịch. Alipay nhận tiền từ bên mua hàng, đóng băng khoản tiền thanh toán rồi thông báo tới bên bán hàng và đề nghị bên bán hàng xuất hàng tới địa chỉ bên mua hàng như cam kết. Sau khi nhận được hàng và hoàn tất việc kiểm hàng, bên mua sẽ gửi xác nhận tới Alipay để gỡ băng khoản thanh toán; bên bán lúc này sẽ nhận được tiền và giao dịch hoàn tất.
Năm 2003, khi sàn thương mại điện tử Taobao ra đời, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của nó là thiếu một cơ chế tạo niềm tin giữa bên mua và bên bán. Hai bên đều lạ lẫm với nhau nên thiếu tin tưởng lẫn nhau. Người mua không muốn trả tiền trước, còn người bán thì không muốn chuyển hàng trước. Sự ra đời của Ailpay đã giúp giải quyết vấn đề này, mở đường cho sự phát triển bùng nổ của Taobao cũng như các sàn thương mại điện tử khác của Alibaba Group.
Tại Trung Quốc, Alipay hiện có khoảng 450 triệu người dùng, chiếm tới 61,5% số giao dịch trên thị trường thanh toán di động, và đang hướng tới mục tiêu 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới vào năm 2025.
Hiện nay, với một ví điện tử Alipay trong tay, người ta có thể dễ dàng thanh toán đơn hàng không chỉ trên những website thương mại của Alibaba mà cả nhiều sàn thương mại điện tử khác của Trung Quốc.
Như vậy, thông qua hợp đồng hợp tác giữa Alipay với NAPAS, Jack Ma đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích: vừa được tiếng là giúp Việt Nam phát triển thanh toán điện tử và thương mại điện tử như tuyên bố hùng hồn của ông ta, vừa tạo bệ phóng cho sự phát triển của sàn TMĐT thuộc sở hữu Alibaba tại Việt Nam, vừa mở đường cho sự đổ bộ ồ ạt của hàng hoá “made in China” thông qua Lazada cũng như các sàn thương mại điện tử khác của Trung Quốc. Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, hàng hoá Việt Nam cùng nền sản xuất trong nước không bị bức tử ngay trên sân nhà thì mới lạ.
Kinh tế quyết định chính trị
Thủ tướng Hun Sen từng nói đại ý là ông ta không lo ngại Trung Quốc bởi Campuchia không tiếp giáp nước này. Trở thành đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh trong khối ASEAN, Hun Sen gần như nhắm mắt cho các nhà đầu tư Trung Quốc mặc sức “làm mưa làm gió” khắp đất nước. Và đến giờ thì có lẽ chỉ còn mỗi Hun Sen là vẫn chưa nhận ra một thực tế là hiểm hoạ “Hán hoá” đã nhãn tiền trên xứ sở chùa tháp.
Hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng chính trị. Đó là quy luật mà dường như các ông chủ Trung Nam Hải mới “ngộ ra” thời gian gần đây trong sách lược với Việt Nam.
Một nền kinh tế phát triển cao trong hàng vài chục năm như Trung Quốc dĩ nhiên là có nhiều bài học thành công như Jack Ma. Tuy nhiên, xuất phát từ lịch sử đau thương hàng nghìn năm của dân tộc, cũng những vấn nạn “made in China” đang diễn ra trên khắp đất nước, điều đó không có nghĩa là chính phủ Việt Nam cần mở rộng cửa chào mời họ.
Giống như “mối tình hữu nghị” giữa hai quốc gia láng giềng Toracanxi và Hopantomola, lãnh đạo Việt Nam bên ngoài có thể vẫn phải dành “những lời có cánh” cho Jack Ma hay các ông chủ Trung Quốc tiềm ẩn những hiểm hoạ khó lường khác, nhưng bên trong thì cần phải hành động theo mệnh lệnh của hàng chục triệu đồng bào: Jack Ma, hãy tránh xa Việt Nam!

Venezuela: Nhìn người, ai ngẫm đến ta

Thiên Hạ Luận 
Theo VOA-17/11/2017 
Trân Văn
Hình minh họa.
Tuần này, Venezuela trở thành một trong những chủ đề được người Việt bàn tán rôm rả trên Internet. Sở dĩ công chúng tham gia bình luận sôi nổi về Venezuela là vì hệ thống công quyền Việt Nam từng tỏ ra hết sức tâm đắc với con đường mà Hugo Chavéz đã chọn và đó là lý do khiến quốc gia Nam Mỹ này vỡ nợ.
Tuy nhiên nếu chỉ nhìn Venezuela ở góc độ đó thì dường như là chưa thấu đáo…
***
Standard & Poor – tổ chức chuyên thu thập thông tin, xếp hạng về mức độ tín nhiệm nhận định Venezuela đã vỡ nợ bởi chính phủ Venezuela liên tục bội ước, không thanh toán vốn và lãi cho nhiều khoản vay đáo hạn. Standard & Poor ước đoán, tổng nợ mà Venezuela thiếu thiên hạ khoảng 150 tỉ Mỹ kim.
Tại sao Venezuela – quốc gia dẫn đầu thế giới về trữ lượng dầu mỏ và xuất cảng dầu lại có thể vỡ nợ?
Đó là “công” của Hugo Chávez – người đặc biệt ái mộ Karl Marx, Vladimir Lenin và Mao Trạch Đông.
Năm 1999, sau khi trở thành tổng thống của Venezuela, Chávez tìm mọi cách để chứng minh sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội, biến Venezuela trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” ở Nam Mỹ. Chavez làm tổng thống của Venezuela suốt 14 năm cho đến khi tắt thở (2013).
Sau 14 năm dựa vào dầu thô, vay mượn để đầu tư cho những dự án vô bổ, thiếu căn cơ, băm bổ lao theo quốc hữu hóa, kinh tế Venezuela sụp đổ khi giá dầu trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm. Nợ nần (bao gồm cả vốn đã vay lẫn lãi) cao dần. Ba năm nay Venezuela luôn luôn dẫn đầu thế giới về lạm phát, dân chúng Venezuela chết dần, chết mòn vì thiếu thực phẩm, thuốc men. Riêng năm 2016, có 11.000 trẻ sơ sinh uổng mạng vì thiếu thuốc và suy dinh dưỡng. Kết quả một cuộc khảo sát khác cho biết, ¾ người lớn xác nhận trọng lượng của họ giảm 9 ký/năm. Cướp bóc xảy ra khắp nơi nhưng Nicolás Maduro – người được Hugo Chávez chỉ định làm người kế nhiệm để tiếp tục phát triển “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” tại Nam Mỹ - chỉ quan tâm tới việc đàn áp đối lập để duy trì sự lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” của mình.
***
Giữa bối cảnh chủ nghĩa cộng sản bị nhân loạt gạt bỏ, chính quyền cộng sản ở Liên Xô, các quốc gia Đông Âu sụp đổ, Hugo Chavéz trở thành cái phao cho chính quyền cộng sản ở Cuba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên bám vào để biện bạch cho việc duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhằm xây dựng cho bằng được chủ nghĩa xã hội…
Giờ, khi Venezuela đã rơi xuống vực, nhiều người Việt dẫn lại những nhận định của giới lãnh đạo chính quyền cộng sản Việt Nam về việc xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” tại Venezuela (“Phong trào cách mạng ở Venezuela giành thắng lợi tốt đẹp, cho thấy nó như một điểm sáng, một niềm hy vọng cho phong trào cách mạng chủ nghĩa xã hội khắp thế giới, mang lại cho những người cộng sản trên khắp thế giới một nguồn sinh khí mới”. “Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội tốt đẹp nhất dành cho loài người”. “Dù có muôn vàn khó khăn nhưng chủ nghĩa xã hội sẽ luôn chiến thắng”) kèm đề nghị giải thích… thêm.
Trong khi có những facebooker như Đô Thành Sài Gòn bỡn cợt: “Chúc mừng ‘đồng chí’ Venezuela chính thức bước tới ‘thiên đường xã hội chủ nghĩa’. Ơn Đảng Cộng sản, ơn ‘bác’ Hugo Chavez” thì cũng có những facebooker như Quốc Vương âu lo: “Vài năm tới sẽ đến lượt Việt Nam thôi!”. Những âu lo dạng đó bị một số facebooker như Joshep Trinh Thiên Phúc phản bác: Dựa vào đâu mà các bạn nghĩ Việt Nam sẽ như Venezuela? Nghĩ như thế là… phản động! Chúng ta vốn hơn hẳn nên phải vỡ nợ nhanh và nhiều hơn chứ làm sao bằng hoặc thua được!
***
Sự kiện Venezuela vỡ nợ khiến người ta liên tưởng ngay đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – doanh nghiệp nhà nước từng đem 1,8 tỉ Mỹ kim “đầu tư” vào Venezuela để khai thác dầu và giờ, tuy đã mất trắng 1,8 tỉ Mỹ kim đó nhưng ông Đinh La Thăng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN - chỉ cần gật đầu nhận lỗi, bước ra khỏi Bộ Chính trị là xong.
Việt Nam đâu chỉ có một tập đoàn, tổng công ty nhà nước như PVN. PVN đâu chỉ có một dự án đầu tư vào Venezuela. Cuối tháng rồi, Bộ Công Thương loan báo sắp hoàn tất việc “xem xét, xử lý” những tập thể và cá nhân đã được xác định là liên đới về trách nhiệm đối với 12 “đại dự án” của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trị giá 63.610 tỉ không những không sinh lợi mà còn tạo thêm nợ nần. Cũng cuối tháng rồi, Tổng Kiểm toán Nhà nước, bật mí, con số “đại dự án” mất vốn, thua lỗ không còn là 12 mà “đã hơn 40”!
Tuy nhiên hình như công chúng Việt Nam chỉ mới ngậm ngùi cho dân chúng Venezuela đang chết dần, chết mòn bởi tất cả các thứ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều thiếu, phụ nữ - kể cả giáo viên - đổ sang các lân bang bán thân để giúp thân nhân của mình tồn tạiKhi một quốc gia vỡ nợ thì sẽ không còn nơi nào để vay, không có nguồn đầu tư nào để giúp hồi phục. Không thể xuất cảng vì hàng hóa bị thu hồi để trừ nợ cũng chẳng có nhập cảng do thiên hạ không cho mua chịu. Khi một quốc gia vỡ nợ thì doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan. Chính phủ không còn tiền nên không thể cung cấp những dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông,… Khi một quốc gia vỡ nợ thì thường chính phủ sẽ xin thương lượng lại về các khoản nợ, các khoản lãi và chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo do các chủ nợ đặt ra. Giới lãnh đủ thua thiệt từ những điều kiện đó là dân.
Theo các thống kê, nguồn thu cho ngân khố của Việt Nam tiếp tục giảm, chi tiêu – đặc biệt là những khoản dùng để nuôi hệ thống công quyền tiếp tục tăng, các số liệu về nợ nần tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tăng nhanh và nhiều.
Không có nhiều facebooker nhìn vấn đề như Khanh Tran: Đừng bận tâm đến Venezuela. Hãy lo cho Việt Nam.

Đức có thỏa hiệp cho Việt Nam ‘tế dê’?

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-17/11/2017
Trịnh Xuân Thanh trên báo của Đức.
 Trịnh Xuân Thanh trên báo của Đức.
Nếu “đảng và nhà nước ta” chịu đưa một vài “con dê” nào đó ra “tế thần”, liệu động tác mơn trớn này có xoa dịu tâm trạng phẫn nộ của Chính phủ Đức về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”?
Gần đây đã xuất hiện thêm một quan điểm mới và có thể gần với thực tế xung quanh câu hỏi trên.
EVFTA sẽ tiếp tục nếu có “dê tế thần”?
Trang Thoibao.de ở Đức dẫn lại Nhật báo New York Time số ra ngày 02/11/2017 với bài viết của ký giả Mike Ives mang tựa đề “Một người mất tích ở Berlin gây giông tố cho Hiệp định Thương mại với Việt Nam”. Nội dung bài báo chủ yếu nói về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có thể ảnh hưởng đến việc hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam như thế nào.
Theo bài báo trên, kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin cho đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi về hành động mà phía Đức cực lực lên án là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Và việc tiếp tục giam giữ ông Thanh đang làm phức tạp thêm triển vọng hoàn tất Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vốn được chờ đợi từ rất lâu rồi.
Bộ ngoại giao Đức nói rõ, Hiệp định Thương mại EU - Việt Nam cần sự chấp thuận của cả Quốc hội Đức và Nghị viện châu Âu, và các thành viên của hai cơ quan này đều biết rõ các hậu quả chính trị trong việc bắt cóc ông Thanh. Như vậy, chỉ cần Quốc hội Đức không đồng ý thông qua thì Hiệp định không thể hình thành. Nói cách khác, Đức có quyền phủ quyết Hiệp định này.
Tuy nhiên để đạt được Hiệp định Thương mại, Việt Nam có thể đưa ra lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động. Một số quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết trong các cuộc phỏng vấn họ tin rằng cuộc xung đột sẽ được giải quyết bằng cách nào đó, ngay cả khi chính họ cũng không chắc chắn làm thế nào.
Bà Alicia Garcia-Herrero, một nhà kinh tế học tại Hong Kong, người tham vấn cho các quan chức châu Âu về hiệp định thương mại này, cho biết bà tin rằng hiệp định sẽ vẫn được tiếp tục miễn là chính quyền Hà Nội tìm được “một con dê tế thần” để chịu trách nhiệm, ví dụ như vị đại sứ Việt Nam tại Đức chẳng hạn.
Bà cho biết thêm, Đức sẽ không thể lờ đi những lợi ích tiềm năng đối với các nhà sản xuất trong nước hay đòn bẩy giúp các nhà đám phán ở EU có thể tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc. “Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư? Trung Quốc sẽ cười vào mặt cho mà xem”.
Việt Nam muốn “xử lý nội bộ”?
Trong một mớ hỗn tương lạm phát phi mã không chỉ hàng chục ngàn quan chức cấp trung mà cả hàng ngàn quan chức bậc cao, chẳng có gì phải quá trăn trở để những nhân vật cao nhất trong bộ máy cầm quyền Việt Nam đưa ra một, thậm chí vài ba “dê tế thần”, miễn là động tác xin lỗi mang chỉ thuần túy gián tiếp này được phía Đức thỏa thuận giữ kín mà không để cho giới truyền thông tọc mạch, đặc biệt là báo chí thế giới, biết được và “làm loạn lên”.
Trong lịch sử các cuộc đấu đá nội bộ triền miên ở Việt Nam, “dê tế thần” không chỉ là một thủ đoạn chính trị mà còn là một loại não trạng đặc thù của giới quan chức Việt - y hệt bài học tương tự từ “quan thày Trung Quốc”.
Đã xảy ra không ít vụ án tham nhũng liên quan đến quan chức cấp trung cao, nhưng khi thành án thì lại chỉ có những quan chức cấp thấp phải “hy sinh”. Trong dân gian đương đại, người ta mỉa mai rằng đó là hành động “Lê Lai cứu chúa”, hoặc thỉnh thoảng cũng dùng đến cụm từ “dê tế thần”.
Trong những cuộc xung đột nội bộ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền giữa các nhóm quyền lực - lợi ích mới với những nhóm quyền lực - lợi ích cũ, từ ngữ thông dụng hơn hẳn được dùng là “xử lý sân sau”. Những vụ án tham nhũng ghê gớm tại Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Á châu, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu Khí toàn Cầu… đều có những dấu hiệu là một thứ “sân sau” của những quan chức cao cấp nào đó, nhưng rốt cuộc chỉ có những kẻ thi hành phải lãnh án.
Với “truyền thống tế dê” như thế, rất có thể trong một số lần đàm phán với phía Đức từ tháng Tám - khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt bắt đầu nổ ra - cho đến gần đây, phía Việt Nam đã gợi ý đưa vấn đề “xử lý nội bộ”, tuy không nêu tên quan chức cụ thể nào, với hy vọng làm người Đức hài lòng.
Từ tháng Tám đến nay, chỉ riêng việc Bộ Ngoại giao Việt Nam im như thóc trước cảnh hai cán bộ ngoại giao mà dường như đóng vai trò “tình báo viên” của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức bị phía Đức trục xuất tống cổ về nước, đã cho thấy phía Việt Nam “biết lỗi” như thế nào.
Còn nếu người Đức cắc cớ hỏi thẳng Việt Nam sẽ xử lý những quan chức nào, rất có thể cái tên Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng trở nên dễ dàng nhất - sẽ bị chọn làm “dê tế thần” để chịu trách nhiệm về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.
“Người lớn” hay “trẻ hư khó dạy”?
Nhưng Đoàn Xuân Hưng lại chỉ là một quan chức bậc trung, không phải ủy viên trung ương và còn chưa ngoi đến ghế thứ trưởng ngoại giao. Trong khi đó, vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” đã trở thành “án quốc gia” và có lẽ kéo theo cấp phải chịu trách nhiệm lên tới Bộ Chính trị.
Hẳn nhiên, Đoàn Xuân Hưng là cái tên mà Chính phủ Đức, nếu có thỏa hiệp với Việt Nam về giải pháp “xử lý nội bộ”, sẽ quá khó để hài lòng.
Trong khi đó, qua bốn tháng từ khi nổ ra khủng hoảng Đức - Việt, vẫn không thấy phía Việt Nam có lời xin lỗi, hoặc có nhượng bộ về vấn đề nhân quyền hoặc lao động nào. Kết quả này hoàn toàn có thể phản ánh là kết quả của những cuộc đàm phán song phương trong lặng lẽ giữa Việt Nam và Đức đã chẳng đi tới đâu, hoặc hoàn toàn bế tắc.
Rất có thể, đó chính là nguồn cơn dẫn đến hệ quả vào cuối tháng 9/2017, Chính phủ Đức đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - được hiểu như một niện pháp trừng phạt ở cấp độ rất cao.
Chỉ ít lâu sau đó, lại có thêm một biện pháp trừng phạt bổ sung: Đức thông báo hủy bỏ hiệp định Đức - Việt về miễn trừ visa cho các cán bộ ngoại giao của Việt Nam đi công tác ở Đức. Điều đó có nghĩa là ngay cả Bộ trưởng ngoại Phạm Bình Minh và thậm chí cả “đảng trưởng” Nguyễn Phú Trọng nếu có muốn đi Đức thì cũng phải làm thủ tục xin visa tại Đại sứ quán Đức ở Việt Nam.
Đến đây, vấn đề lại xoay chuyển sang một hướng khác và có lẽ khác hẳn cách nhìn có lẽ khá đơn giản của bà Alicia Garcia-Herrero - người tham vấn cho các quan chức châu Âu về EVFTA - rằng Việt Nam chỉ cần “dê tế thần” là cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ sớm được giải quyết.
Bởi từ tháng Tám năm 2017 đến nay, phía Đức đã hành động như một “người lớn”, một nhà nước lớn, và trên hết là một nhà nước pháp quyền. Chứ không phải như thể chế “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” luôn được tuyên rao ở Việt Nam nhưng lại làm nhiều người dân liên tưởng đến hình ảnh “trẻ hư khó dạy”…
Với những cái “lớn” ấy, nước Đức sẽ khó, quá khó để chấp nhận giải pháp “dê tế thần”, nếu Việt Nam có đưa ra đề nghị này.
Điều người Đức cần là sự minh bạch, thành thật hối lỗi và biết đứng lên từ bùn lầy. Mà không có chuyện “đi đêm”.
Còn băn khoăn “Các ông dành hàng năm trời để đàm phán về một thứ các ông không thể thông qua ư?” của bà Alicia Garcia-Herrero thì thế nào?
EVFTA chỉ mới đàm phán trong 1-2 năm. Còn người Mỹ đã mất đến ít nhất 6 năm để đàm phán về Hiệp định TPP, nhưng vào đầu năm 2017 Tổng thống Trump đã quyết định rút ra khỏi hiệp định này một cách không tiếc nuối.
Thế thì người Đức có thể cũng chẳng nuối tiếc gì một vài năm đàm phán EVFTA với Việt Nam.
Sự kiện Chính phủ Đức và cả Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đều không tham dự Hội nghị APEC Đà Nẵng vào tháng 11/2017 là một bằng chứng rõ rệt về quan điểm của người Đức đang giữ khoảng cách rất xa đối với giới chóp bu Việt Nam.

Để Quốc Hội không là ‘Cuốc Hội’

Trân Văn 
Theo VOA-17/11/2017
 Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua một dự luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua một dự luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
Kỳ họp thứ tư (từ 23 tháng 10 đến 24 tháng 11) của Quốc hội khóa 14 sắp kết thúc và nhiều đại biểu của dân ở Quốc hội khóa này cho thấy họ không khác gì lắm so với nhiều đại biểu của dân ở Quốc hội các khóa trước!
***
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Thể dục – Thể thao hiện hành, ông Nguyễn Bắc Việt – Phó Đoàn Đại biểu của tỉnh Ninh Thuận tại Quốc hội, đòi luật mới phải minh định “rèn luyện thân thể” là nhân quyền, không phân biệt đối xử giữa công dân lẫn cán bộ. Ông Việt tỏ ra hết sức bất bình khi dân có thể tham gia thể dục, thể thao nhưng “cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà tham gia thể dục, thể thao thì sẽ có ý kiến tại sao không lo làm việc”. Ông Việt yêu cầu nội dung luật mới về thể dục – thể thao phải giúp “cán bộ lãnh đạo yên tâm khi chơi golf, chơi tennis vì đó là ‘quyền’ của họ”.
Ông Việt nói thêm, dẫu dự luật cải sửa Luật Thể dục – Thể thao hiện hành có khuyến khích cán bộ, công chức tham gia các hoạt động thể dục – thể thao nhưng chừng đó chưa đủ. Luật mới phải “tạo điều kiện” để “đầu tư, hỗ trợ” cán bộ, công chức về “cả nơi tập lẫn trang, thiết bị”.
***
Trước đó một tuần, hôm 8 tháng 11, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Tố cáo, ông Ngô Tuấn Nghĩa – thành viên Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội, đề nghị hệ thống công quyền không nên chấp nhận những tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vì sẽ ảnh hưởng tới giới này. Ngoài ra, theo lời ông Nghĩa, Luật Tố cáo mới nên buộc người tố cáo phải “xuất đầu, lộ diện” bằng cách chỉ chấp nhận tố cáo trực tiếp, nếu không “sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan hoặc tạo điều kiện cho những phần tử xấu lợi dụng để quấy rối cán bộ”.
Ngày hôm sau, 9 tháng 11, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Phòng - Chống tham nhũng, ông Trần Hoàng Ngân – một thành viên khác của Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội, đề nghị luật mới nên buộc đưa cán bộ, viên chức đi tham quan các trại giam để… biết sợ mà bớt tham nhũng. Ông Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội tỏ ra rất tâm đắc với đề nghị của ông Ngân. Ông Nhân nhấn mạnh, hồi ông sang Mỹ học về “quản lý nhà nước”, tham quan trại giam là một phần trong chương trình học (người viết bài này đã cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy chương trình nào đào tạo về “quản lý nhà nước” tại Mỹ đưa tham quan trại giam vào chương trình đào tạo để răn đe các viên chức trong hệ thống công quyền đừng tham nhũng như ông Nhân dẫn chứng).
Khoan bàn tới nhận xét từ công chúng về những “góp ý lập pháp” của các đại biểu vừa kể, chỉ xét bình luận của các cán bộ, viên chức thì đã đủ để thấy những “góp ý lập pháp” này không ổn. Tờ Đất Việt kể rằng, một “viên chức cao cấp của Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu” và bà Lê Thị Thu Ba – cựu Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 12, cùng cho rằng, dùng luật để ngăn chặn việc tố cáo cán bộ, viên chức đã nghỉ hưu vừa vi hiến, vừa vi phạm pháp luật vì mọi người bình đẳng trước pháp luật.
Đối với ý tưởng buộc phải đưa cán bộ, viên chức đi tham quan các trại giam để… biết sợ mà bớt tham nhũng, “viên chức cao cấp của Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu” lưu ý, “nhiều khi ở tù sướng hơn ở ngoài vì đầy đủ tiện nghi chẳng thiếu thứ gì” thành ra coi chừng… phản tác dụng.
***
Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì đại diện cho toàn bộ dân chúng Việt Nam để lập hiến, lập pháp, quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của quốc gia, giám sát toàn bộ hoạt động của hệ thống công quyền.
Trong thực tế, đa số đại biểu của dân chúng Việt Nam tại Quốc hội vừa là thành viên của Đảng CSVN vừa tham gia lãnh đạo hệ thống công quyền. Ông Nguyễn Bắc Việt – người đòi Luật Thể dục – thể thao mới phải giúp “cán bộ lãnh đạo yên tâm khi chơi golf, chơi tennis”, phải “tạo điều kiện” để “đầu tư, hỗ trợ” cán bộ, công chức về “cả nơi tập lẫn trang, thiết bị” là Phó Bí thư Thường trực của Tỉnh ủy Ninh Thuận. Ông Ngô Tuấn Nghĩa – người đòi Luật Tố cáo mới phải vô hiệu hóa những tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, buộc người tố cáo phải “xuất đầu, lộ diện” là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM. Ông Trần Hoàng Ngân thì là Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân là Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Đó có thể là lý do người ta không thấy bóng dáng nhân dân trong các “góp ý lập pháp”. Đó hình như cũng là lý do Quốc hội Việt Nam miệt mài “sửa đổi, bổ sung” hết luật này sang luật khác, từ thập niên này sang thập niên khác...
Sau khi được ban hành lần đầu vào năm 1998, đến năm 2004, Luật Khiếu nại – Tố cáo được “sửa đổi, bổ sung” lần thứ nhất. Năm 2005 được “sửa đổi, bổ sung” lần thứ hai rồi đến năm 2011 thì được tách ra thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Từ 2012, khi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực, năm nào Quốc hội Việt Nam cũng bàn về việc “sửa đổi, bổ sung” thêm!
Tương tự, sau khi ban hành Bộ Luật Hình sự đầu tiên năm 1985 và “sửa đổi, bổ sung” bốn lần trong các năm 1989, 1991, 1992, 1997, đến năm 1999, Quốc hội Việt Nam thay thế Bộ Luật Hình sự 1985 bằng một Bộ Luật Hình sự mới. Bộ Luật Hình sự 1999 tiếp tục được “sửa đổi, bổ sung” cho đến năm 2009 thì có một Bộ Luật Hình sự mới hơn thay thế. Năm 2015, Bộ Luật Hình sự mới hơn Bộ Luật Hình sự 2009 ra đời. Tuy nhiên ba ngày trước khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực, các đại biểu Quốc hội khóa 13 – những người đã từng “nhất trí thông qua” bộ luật này – “nhất trí hoãn thi hành” nó vì tới lúc đó họ mới chịu “nhất trí” với các chuyên gia rằng Bộ Luật Hình sự 2015 “có nhiều sai sót nghiêm trọng” không hoãn và sửa thì… “dân chết”. Chuyện “sửa đổi, bổ sung” Bộ Luật Hình sự 2015 vừa hoàn tất hồi tháng 7 năm nay và đến 1 tháng Giêng năm tới nó mới có hiệu lực!
***
Không phải tự nhiên mà khi đề cập đến Quốc hội Việt Nam, nhiều người cố tình viết thành “Cuốc hội”. Nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam không những không thèm bận tâm, mà luôn tìm đủ mọi cách chứng minh họ đúng là đại biểu “Cuốc hội”!

Việt – Trung: Trong là thủ thế, ngoài là anh em

Lê Anh Hùng 
Theo VOA-15/11/2017 
Ông Trọng tiếp ông Tập tại Hà Nội.
Ông Trọng tiếp ông Tập tại Hà Nội.
Không ai chọn được láng giềng, nhưng ai cũng có quyền chọn cách chơi với láng giềng của mình.
“Quan hệ hữu nghị” Toracanxi - Hopantomola
Những ai hâm mộ Aziz Nesin, nhà văn trào phúng nổi tiếng thế giới người Thổ Nhĩ Kỳ, hẳn đều biết đến câu chuyện “Quan hệ hữu nghị” của ông. Nội dung câu chuyện là về mối quan hệ giữa Toracanxi và Hopantomola, hai quốc gia láng giềng có mối thâm thù với nhau và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh.
Căm ghét và thù địch là cảm xúc chi phối những gì mà thủ tướng Toracanxi và quốc vương Hopantomola cùng nội các của họ dành cho nhau. Thủ tướng Phoxica thì chỉ ước ao làm sao tóm được “thằng súc sinh khốn nạn” Madragan IV để “moi gan hắn ra”, còn vua Madragan IV thì thề sẽ lột da kẻ thù ngay lập tức nếu cái “thằng Phoxica khốn kiếp” ấy rơi vào tay ông.
Tuy nhiên, đó là thái độ mà cả hai bên đều che dấu kỹ bên trong, và chỉ thoải mái bộc lộ giữa bốn bức tường của phòng họp nội các tại thủ đô mỗi nước. Còn bên ngoài, bộ ngoại giao hai nước vẫn dùng những mỹ từ cao đẹp nhất trên thế gian khi mô tả mối quan hệ của họ.
Hai bên đều tận dụng mọi cơ hội, từ dịp sinh nhật đứa cháu nội quốc vương Hopantomola cho đến sự kiện con trai út thủ tướng Toracanxi mọc răng, để trao cho nhau những thông điệp ngoại giao thắm tình hữu nghị nhất có thể.
Tuy nhiên, cứ sau mỗi bức điện, guồng máy chiến tranh của mỗi bên lại được nhấn thêm một bước.
Và cơn mưa những lời chúc tụng qua lại đó chỉ chấm dứt vào đúng “điểm nút” của câu chuyện: lệnh tấn công kẻ thù của quốc vương Hopantomola chưa kịp triển khai thì thủ tướng Phoxica đã chơi bài “tiên thủ hạ vi cường”, cho quân đội Toracanxi khai hoả trước!
“Mối tình hữu nghị” Việt - Trung
Bề ngoài thì mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng không khác “quan hệ hữu nghị” giữa hai quốc gia Toracanxi và Hopantomola là mấy.
Trong khi hàng ngàn năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính dải đất phương Nam hình chữ S thì hầu hết người Việt cũng coi quốc gia láng giềng phương Bắc “vừa to xác, vừa xấu bụng” là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. (Không chỉ những lãnh tụ như Mao Trạch Đông hay Tập Cận Bình mới mang cuồng vọng bá chủ thiên hạ, mà ngay cả đám du khách Tàu lếch thếch đến Việt Nam cũng đã coi dải đất phương Nam này như là phần lãnh thổ mở rộng của họ.)
Tuy nhiên, trên phương diện ngoại giao thì mọi chuyện lại khác.
“Sắc thái chủ đạo” trong những “thông điệp ngoại giao” mà Toracanxi và Hopantomola gửi cho nhau cũng được thể hiện trong các bản tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc mỗi khi lãnh đạo cấp cao bên này sang thăm bên kia. Quan trọng hơn, bên cạnh việc vạch ra phương hướng cho mối quan hệ giữa hai nước, các bản tuyên bố chung Việt - Trung còn nêu lên những nội dung hợp tác cụ thể, nhằm hiện thực hoá phương hướng quan hệ đó.
Cả Toracanxi lẫn Hopantomola đều coi các thông điệp ngoại giao của đối phương là vô giá trị, bởi không những hai bên đều “đi guốc trong bụng” nhau, mà điều cốt yếu là nội các mỗi bên đều luôn đồng lòng coi phía bên kia là kẻ thù của dân tộc mình.
Tương tự, Bắc Kinh chưa bao giờ coi trọng những gì họ đã ký kết với Hà Nội, bởi cho dù trong nội bộ họ có thể đấu đá tranh giành quyền lực một cách quyết liệt, thậm chí một mất một còn, song một khi vấn đề Việt Nam được nêu ra thì giữa họ hầu như không có sự khác biệt nào. Lý do thật đơn giản: họ cùng chia sẻ dòng máu “họ Bành” vốn đã chảy trong huyết quản Hán tộc từ ngàn xưa đến nay.
Tuy nhiên, về phần mình, Hà Nội lại không được như vậy. Trong khi hầu hết người Việt đều nhìn về phương Bắc với ánh mắt đầy ngờ vực, cảnh giác thì trong ban lãnh đạo CSVN lại luôn có những kẻ hoặc đã bị Trung Nam Hải kiểm soát, thao túng, hoặc đã bị đồng Yuan làm cho mờ mắt. Vì thế, Hà Nội luôn bị chia rẽ trong chính sách đối phó với Trung Quốc, kẻ luôn chực chờ cơ hội để nuốt chửng không chỉ toàn bộ Biển Đông mà cả Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, các bản tuyên bố chung Việt - Trung không những hoàn toàn không phải là mớ giấy lộn, mà ngược lại, còn tiềm ẩn những hiểm hoạ khôn lường với vận mệnh dân tộc. Nó vốn dĩ đã nguy hiểm nếu người ký kết bị Bắc Kinh dắt mũi thì lại càng nguy hiểm nếu người thực hiện bị đối phương khống chế, thao túng.
Và tình thế Việt Nam hiện nay
Kể từ khi Nguyễn Văn Linh đưa Việt Nam vào quỹ đạo Đại Hán với câu phát ngôn bất hủ “Dù bành trướng thế nào Trung Quốc cũng là một nước xã hội chủ nghĩa”, các đời Tổng Bí thư của Đảng CSVN đều hoặc tự nguyện làm tay sai cho Bắc Kinh (Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười) hoặc bị Trung Nam Hải khống chế, thao túng rồi biến thành tay sai theo cách này hay cách khác (Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng).
Trong hệ thống chính trị Việt Nam, mặc dù Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo tối cao, nhưng quyền hành pháp lại gần như nằm trọn trong tay Thủ tướng Chính phủ. Nghĩa là, tuy trong mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng Bí thư là người có tiếng nói quyết định về đường lối, phương hướng, song việc triển khai đường lối, phương hướng đó, cũng như việc hiện thực hoá những thoả thuận hợp tác cụ thể trong các bản tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước, lại chịu ảnh hưởng rất lớn, thậm chí trong nhiều trường hợp là quyết định, bởi lập trường của người đứng đầu bộ máy hành pháp.
Nếu các bản tuyên bố chung Việt - Trung xưa nay luôn được Hà Nội thực hiện đúng thì có thể nói Việt Nam đã trở thành “một bộ phận không thể chối cãi của Trung Quốc” từ lâu. Tuy nhiên trên thực tế, điều đó đã không xẩy ra, mà lý do chủ yếu là: ngoài một số người trong ban lãnh đạo Việt Nam (Bộ Chính trị) không bị Bắc Kinh dắt mũi, trong các đời thủ tướng kể từ sau Hội nghị Thành Đô đến nay (Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc – ít nhất là tới thời điểm này) thì chỉ duy nhất Nguyễn Tấn Dũng là bị Trung Nam Hải khống chế, thao túng. (Giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng cũng là giai đoạn mà Việt Nam bị “Hán hoá” nặng nề nhất, đặc biệt là trên phương diện kinh tế.)
Điều này giải thích tại sao mặc dù trong bản Tuyên bố chung Việt - Trung ngày 3/12/2001 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Nông Đức Mạnh đã nêu rõ là hai bên “nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bauxite nhôm Đắc Nông”, nhưng cũng phải đến khi “đồng chí X” lên thay Phan Văn Khải thì người đứng đầu chính phủ Việt Nam mới quả quyết rằng việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”, trong khi Nông Đức Mạnh vẫn là Tổng Bí thư.
Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thủ lĩnh nhóm chống Tàu trong bộ máy kể từ giữa năm 2013 đến nay) bị thất thế vì dính líu đến vụ Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rộng đường hơn trong cuộc chạy đua đến ngôi vị số 1, song đồng thời ông cũng chông chênh hơn trong cuộc chiến chống lại “nhóm lợi ích Tàu” trong bộ máy do cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Phú Trọng cầm đầu, với sự hậu thuẫn hết mình của Bắc Kinh.
Hy vọng là người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện nay sẽ không “sập bẫy” vì tham vọng quyền lực của mình, để rồi chưa kịp hiện thực hoá giấc mơ Tổng Bí thư thì đã trở thành con rối trong tay các ông chủ Trung Nam Hải, những kẻ vốn là “bậc thầy” thiên hạ về mưu ma chước quỷ. Nếu điều đó xẩy ra, đất nước sẽ lại đứng trước những hiểm hoạ khôn lường.