Tuesday, March 4, 2014

Ngoại trưởng Mỹ đề nghị viện trợ Ukraine..cố vấn Nga dọa đánh sập nền tài chính Mỹ

SM- 04/03/2014     -Chiều ngày 4/3 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Kiev với lời đề nghị viện trợ cho chính phủ non trẻ Ukraine 1 tỷ USD dưới dạng cho vay bảo đảm cùng các cam kết hỗ trợ kỹ thuật khác.


Ngoại trưởng John Kerry tại Kiev. Ảnh: AP
Mục đích của khoản bảo lãnh này nhằm thúc đẩy nỗ lực tiến lại gần EU đồng thời bù đắp chương trình giảm trợ cấp năng lượng từ Nga – một thách thức khó khăn của chính quyền Kiev. Các hỗ trợ kỹ thuật sẽ tập trung vào Ngân hàng quốc gia, Bộ Tài chính nhằm đưa ra các biện pháp chống tham nhũng, thiết lập hành lang pháp lý để tổ chức bầu cử. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tư vấn cho Ukraine chuẩn bị đối phó với kế sách sử dụng thương mại làm đòn trừng phạt chính trị của Moscow. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kerry tại Ukraine, hành động được coi như biểu tượng của sự hiện diện cụ thể của Washington trong việc hỗ trợ châu Âu chống lại những áp lực mà Nga đang tạo ra.
 
Cũng trong bài phát biểu trước báo chí quốc tế tối 4/2, Ngoại trưởng Kerry đã dành hơn 45 phút để phản biện lại 90 phút hùng biện của Tổng thống Putin. Trong đó ông Kerry tiếp tục khẳng định tính hợp pháp của chính quyền Kiev và phủ nhận về tình trạng người dân bị đe dọa tại Ukraine ngoài nỗi lo lắng trước chính sự hiện diện của quân đội Nga tại Crimea. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục kêu gọi Nga tham gia và chấp nhận đối thoại trước tiếp với chính phủ Kiev hoặc không Mỹ và đồng minh buộc phải cô lập ngoại giao và kinh tế của Nga.
 
Bình luận về tương lai đối đầu kinh tế, tờ Finacial Times so sánh, nếu năm 1968 khi Nga xâm chiếm Tiệp Khắc, thị trường chứng khoán đã không sụp đổ vì lúc đó Moscow không có thị trường này. Tuy nhiên, diễn biến trong ngày 3/3 cho thấy khi thị trường chứng khoán Nga tụt dốc đã khiến các công ty nước này mất trắng gần 60 tỉ USD. Riêng Tập đoàn Khí đốt Gazprom - vốn đóng góp gần 1/4 số thu thuế của Nga - mất 15 tỉ USD chỉ trong 1 ngày. Đây là lý do, Nga sẽ không thể miễn dịch nếu có một cuộc chiến kinh tế xảy ra trong thế kỷ 21 này.
 
Trong khi đó, tại Nga, Sergei Glazyev, cố vấn cho Tổng thống Putin đã đe dọa, nếu Mỹ lôi kéo EU, áp lệnh trừng phạt kinh tế Nga thì nước này sẽ bán tất cả các tín phiếu kho bạc Mỹ. Bằng việc nhấn mạnh Nga là một trong những chủ nợ của Mỹ thông qua lượng tín phiếu trị giá 200 tỷ USD, vị cố vấn này mô tả một kịch bản nếu các tài khoản doanh nghiệp và công dân nga bị phong tỏa, người dân Nga sẽ từ bỏ đồng USD và rời bỏ thị trường Mỹ.
 
 
Kế hoạch bán tháo tín phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ như một vũ khí trừng phạt kinh tế đối với ngày càng được nhắc nhiều đến khi các xung đột tại châu Á và châu Âu đang có dấu hiệu leo thang. Năm 2012, sau khi Nhật Bản mua Senkaku cũng đã có một kịch bản Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật Bản để “trả thù”. Và giờ đây là Nga. Tuy nhiên vị thế chủ nợ không phải là ưu thế tuyệt đối trong trong trật tự tư bản toàn cầu. Đặc biệt là khi nền kinh tế Nhật Bản và Mỹ đang có dấu hiệu khởi sắc thì đồng Yen và USD sẽ vẫn là nơi ẩn náu an toàn của các nhà đầu tư chứ không phải là đồng rúp đang mất giá. Trong khi đó, nếu Mỹ và châu Âu phong tỏa kinh doanh, đóng băng tài khoản trị giá hàng tỷ USD thì các tài phiệt chính trị Moscow mới là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất. Không chỉ vậy, nếu các doanh nghiệp Mỹ được phép tấn công vào thị trường dầu thô, kéo giá tụt xuống sẽ là một tổn thất cho ngân khố quốc gia Nga vốn lệ thuộc rất nhiều vào tài nguyên này. 
 

No comments:

Post a Comment