WASHINGTON, DC (NV) – Nhiều dân cử liên bang Hoa Kỳ vừa gởi thư yêu cầu hai công ty Google và Facebook không nên tiếp tay cho chính quyền Việt Nam thực hiện Luật An Ninh Mạng, mà họ cho rằng tìm cách ngăn chặn phát biểu của các nhà bất đồng chính kiến.
Hôm 12 Tháng Sáu, Quốc Hội CSVN thông qua Luật An Ninh Mạng, bắt đầu có hiệu lực vào năm 2019, theo đó, các công ty lớn như Google và Facebook, phải đặt máy chủ và mở văn phòng ở Việt Nam.
Ngoài ra, các công ty này phải gỡ bỏ các nội dung mang tính xúc phạm trong vòng 24 giờ, sau khi có yêu cầu của Bộ Thông Tin và Truyền Thông và Bộ Công An.
Theo báo mạng The Hill, lá thư, do 17 dân biểu thuộc lưỡng đảng ký hôm Thứ Năm, 12 Tháng Bảy, nói rằng các công ty kỹ thuật có trách nhiệm bảo vệ tự do ngôn luận và phát biểu, và nên chống lại yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt nội dung mạng xã hội.
“Luật an ninh mạng không làm gì để bảo vệ người sử dụng Internet,” các vị dân cử viết trong lá thư. “Thay vào đó, đây là một cố gắng của chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn phát biểu trên mạng với sự trợ giúp của các công ty kỹ thuật hàng đầu…”
“Chúng tôi yêu cầu quý vị hành xử đúng với sứ mệnh của mình, đó là quảng bá sự công khai và sự liên kết,” các vị dân cử viết thêm trong thư.
Một thông cáo báo chí của Văn Phòng Dân Biểu Alan Lowenthal, một trong 17 người ký tên trong lá thư, gởi ra cho biết, trong lá thư, các vị dân cử còn yêu cầu Google và Facebook những việc sau:
1-Tránh lưu trữ tại Việt Nam các dữ kiện của người sử dụng Facebook và Google nếu việc này dẫn đến việc Bộ Công An có thể tịch thu các dữ kiện này một cách trái phép.
2-Ban hành các điều khoản hướng dẫn minh bạch liên quan đến việc xóa bỏ nội dung đăng tải.
3-Kịp thời công bố số lần yêu cầu xóa bỏ nội dung từ chính quyền Việt Nam và số lần mà các công ty này đã đáp ứng những yêu cầu đó.
4-Chia sẻ kịp thời và kín đáo với Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện và Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện cũng như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tất cả các yêu cầu từ chính quyền Việt Nam liên quan đến tài liệu dữ kiện người sử dụng Facebook và Google và cho biết những yêu cầu nào đã được hai công ty này đáp ứng để các vị dân biểu có thể lượng định ai là đối tượng được nhắm đến và vì sao.
Theo The Hill, hôm Thứ Ba, 17 Tháng Bảy, hai thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey) và Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cũng gởi một lá thư với nội dung tương tự đến Google và Facebook.
Theo BPSOS, Thượng Nghị Sĩ Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon) hôm Thứ Ba cũng gởi thư cho hai công ty này, với nội dung tương tự. (Đ.D.)
HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – Ông Vũ Trọng Lương, phó Phòng Khảo Thí, Sở Giáo Dục tỉnh Hà Giang, đã sửa và nâng điểm cho hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học vừa qua.
Đáng lưu ý là trong số thí sinh được nâng điểm có nhiều con em của quan chức tỉnh này và đa số muốn vào đại học ngành công an.
Truyền thông Việt Nam cho hay, chiều 17 Tháng Bảy, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản Lý Chất Lượng Giáo Dục đã chính thức công bố việc xử lý kết quả điểm thi bất thường ở tỉnh Hà Giang.
Theo báo Người Lao Động, có tới 114 thí sinh với hơn 330 bài thi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông bị thay đổi điểm. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định, cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được nâng đến 26.8 điểm, thậm chí 29.95 điểm so với điểm làm bài thực tế và chấm thẩm định.
Theo đó, tổ công tác của Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã tiến hành giám sát việc rà soát toàn bộ các khâu của kỳ thi. Kết quả cho thấy, các bài thi tự luận kết quả chính xác và trùng khớp.
Tuy nhiên, với các bài thi trắc nghiệm, kết quả chấm thẩm định cho thấy có 102 bài thi môn toán đã chênh lên từ 1 điểm đến 8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1; điểm đã công bố là 9 điểm); 85 bài thi môn vật lý điểm chấm thẩm định là 1; điểm đã công bố là 8.75 điểm; 56 bài thi môn hóa điểm thưc tế là 0.75 điểm nhưng công bố là 9.5 điểm; 8 bài thi sinh vật đã chênh lên từ 1 điểm đến 4.25 điểm; 9 bài thi lịch sử từ 2.5 điểm thành 9.75 điểm; 52 bài thi tiếng Anh từ 1 hoặc 2 điểm thành 8 hoặc 9 điểm…
Qua chấm thẩm định cũng cho thấy, một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0.2 đến 1 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn Giáo Dục Công Dân có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5.75 điểm so với điểm đã công bố.
Lãnh đạo Bộ Giáo Dục Đào Tạo cho biết, Hội Đồng Chấm Thẩm Định quyết định lấy kết quả chấm lại bài thi để thay thế kết quả mà tỉnh Hà Giang đã công bố.
Truyền thông Việt Nam loan tin, qua xác minh ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương, phó trưởng Phòng Khảo Thí và Quản Lý Chất Lượng, Sở Giáo Dục Đào Tạo Hà Giang, chính là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.
Nhiều năm được giao phụ trách xử lý máy tính quét phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh thi Trung Học Phổ Thông Quốc Gia và gửi về bộ, ông Lương “được sử dụng máy tính có kết nối mạng để thao tác công việc hàng ngày của cơ quan và việc cá nhân.”
“Quá trình kiểm tra điện thoại của ông Lương, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi liên quan đến việc nhờ vả, làm sai kết quả thi được chuyển đến và cả file lưu số báo danh của thí sinh,” ông Nguyễn Cao Khương, phó trưởng phòng 4, Cục An Ninh Chính Trị Nội Bộ, Bộ Công An thông tin.
Qua kiểm tra từ camera ở Sở Giáo Dục Hà Giang, ngày 27 Tháng Sáu, ông Lương đã chuyển toàn bộ thùng chứa bài thi trắc nghiệm và máy tính từ khu vực bảo mật đến Phòng Khảo Thí thuộc sở. Trong hơn 2 tiếng, từ 12 giờ đến 14 giờ 38, ông Lương mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước.
Khi nhận được các tin nhắn “đề nghị nâng điểm” cho thí sinh, ông Lương nhập các số báo danh cần sửa điểm, file exel đáp áp của thí sinh vào máy tính. Sau khi điều chỉnh kết quả của thí sinh trên file exel, ông Lương tiếp tục sửa bài thi trắc nghiệm.
Thực hiện lại các hành vi gian lận của mình cho tổ công tác, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi.
“Ngày 27 Tháng Sáu, sau khi Bộ Giáo Dục công bố đáp án 9 bài thi Trung Học Phổ Thông Quốc Gia, ông Lương down toàn bộ đáp án về, xử lý sang file exel, lưu vào máy. Ông Lương sau đó copy file đáp án của bộ và dán đè lên file đáp án của thí sinh,” ông Khương cho biết.
“Ở đây tôi thấy quy trình giám sát của công an và thanh tra bộ, sở chưa chặt chẽ nên để ông Lương xử lý tất cả mà các thành viên Ban Giám Sát đều ngồi đó. Những người giám sát chấm thi về cơ bản không nắm được đầy đủ quy trình, thao tác để ông Lương qua mặt. Đây là kẽ hở cần củng cố và tập huấn kỹ càng trong các kỳ thi sau,” ông Khương nói thêm.
Trả lời câu hỏi ngoài ông Vũ Trọng Lương, còn ai tham gia vào quá trình sửa bài thi, ông Khương cho hay, trong dữ liệu camera ghi lại ở Sở Giáo Dục tỉnh Hà Giang, tổ công tác chưa phát hiện người nào phối hợp trong 2 tiếng xử lý bài thi gian lận cùng ông Lương.
“Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện một mình thì cực kỳ khó. Điều này căn cứ từ thực tế đoàn công tác của Bộ Giáo Dục gồm 10 người phải làm trong 8 tiếng mới rút được bài kiểm tra và xác định đối chiếu, so sánh xem có sự sửa đổi trên bảng chấm gốc,” ông Khương nói và khẳng định sẽ làm rõ có hay không sự tiếp tay của một số trường hợp liên quan.
Ông Trinh cũng cho biết, việc điều tra những người liên quan đến sai phạm điểm thi ở Hà Giang “chưa kết thúc, phải tiến hành tiếp.” Cả Bộ Giáo Dục, Bộ Công An và lãnh đạo tỉnh Hà Giang “đều kiên trì mục tiêu xử lý đến cùng, đúng người đúng việc và không có vùng cấm trong sự việc này.”
Trước câu hỏi trong kỳ thi này có bao nhiêu con em của lãnh đạo tỉnh thi, ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Giang nói: “Tôi nghĩ không lãnh đạo nào nói phải đưa con tôi vào trường đại học nào. Nếu sai ở điểm nào, xử lý ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và trả lời dư luận.”
Về việc xử lý ông Lương, ông Quý khẳng định, sau khi có kết luận cuối cùng của công an, nếu phải khởi tố sẽ khởi tố và đuổi việc…..
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra và trên máy tính của ông Lương còn dữ liệu điểm thi Trung Học Phổ Thông Quốc Gia 2017 của Hà Giang. (Tr.N)
BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Một ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam, sau buổi họp cơ quan rồi “mất tích bí ẩn” suốt 3 tuần qua.
Công an huyện Lục Ngạn xác nhận với báo VietNamNet ngày 17 Tháng Bảy, cho biết đến nay vẫn chưa có ai liên lạc được hay có thông tin gì về ông Bùi Văn Vinh (36 tuổi), phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam kể từ ngày 29 Tháng Sáu. Ông Vinh cũng mất tích khỏi địa phương mà không rõ nguyên nhân.
Liên quan về vụ việc, cùng ngày, ông Hà Quốc Hợp, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Lục Nam cho biết, đang yêu cầu Ủy Ban xã Huyền Sơn phối hợp với gia đình liên lạc với ông Vinh và có báo cáo chính thức bằng văn bản đến Thường Trực Ủy Ban Nhân Dân huyện.
“Hiện tại gia đình, người thân, chính quyền xã không liên lạc được với ông Vinh, không biết ông đi đâu, làm gì và cũng chưa thấy đến Ủy Ban xã làm việc. Chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để xử lý vi phạm về tổ chức cán bộ, sau đó là chức vụ, chức danh,” ông Hợp nói.
Cũng theo ông Hợp, ngày 28 Tháng Sáu, ông Vinh vẫn còn đến cơ quan, tham gia họp “Đánh giá kiểm điểm 6 tháng đầu năm 2018 của Ủy Ban xã Huyền Sơn,” không có biểu hiện gì bất thường.
Song đến ngày 29 Tháng Sáu, xã có buổi học Nghị quyết Trung ương 7 nhưng ông Vinh không đến.
Lãnh đạo xã gọi điện thoại hỏi gia đình, nhận được câu trả lời “ông Vinh lên cơ quan từ sáng sớm” và rồi “mất tích” luôn từ đó.
Dư luận địa phương cho rằng, có khả năng ông Vinh trốn nợ do liên quan đến cờ bạc, cá độ đá banh.
Tin cho biết, ông Vinh từng làm trưởng công an xã Huyền Sơn, sau đó được bầu giữ chức phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã này từ năm 2015. (Tr.N)