Tuesday, April 12, 2016

Cá và khô cũng nhiễm chất cấm

TRẦN NGỌC  06:56 12/04/2016 
Trong ba tháng đầu năm 2016, 41/143 mẫu (gần 29%) thủy sản kinh doanh tại TP.HCM chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm.
Cá và khô cũng nhiễm chất cấm
Ảnh minh họa.
“Thực trạng cá và khô các loại kinh doanh trên địa bàn TP.HCM còn tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm đã và đang xảy ra. Điều này cần cảnh báo để các cơ quan quản lý địa phương vào cuộc và có giải pháp ngăn chặn” - ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục) TP.HCM, cho biết.
Không thể biết cá nhiễm chất cấm
Tối 8/4, phóng viên (PV) đã có chuyến đi thực tế cùng ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chợ đầu mối Bình Điền, gặp gỡ và trò chuyện với các tiểu thương kinh doanh thủy hải sản tại chợ này.
Ông Nguyễn Thanh Bình - một nhà cung cấp cá kèo từ lâu ở chợ cho biết cá kèo kinh doanh tại chợ Bình Điền là do ông tự nuôi ở tỉnh Bạc Liêu.
“Cơ quan chức năng tỉnh thường xuyên kiểm tra nguồn nước, thức ăn, kháng sinh trị bệnh… trong suốt quá trình nuôi. Do vậy, cá kèo tôi bán ở chợ đảm bảo các điều kiện ATVSTP” - ông Bình nói.
PV hỏi người mua cá kèo có được cấp hóa đơn để làm căn cứ truy xuất khi có ngộ độc thực phẩm do cá kèo gây ra hay không, ông Bình lắc đầu.
Trong khi đó, cá rô và cá lóc bán tại chợ Bình Điền được bà Trần Kim Trị mua lại của các thương lái. “Cá lóc do ba thương lái ở tỉnh Trà Vinh cung cấp, còn cá rô được hai bạn hàng ở tỉnh Hậu Giang bỏ mối. Cá mua về được để chung trong thau chứa” - bà Trị nói.
Bà Trị cho biết luôn yêu cầu thương lái cung cấp cá không nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm. Bà Trị cũng cẩn thận ghi rõ số lượng nhập cá hằng ngày vào sổ để theo dõi. PV thắc mắc: “Cá mua về chị để lẫn lộn, nếu phát hiện nhiễm chất cấm thì biết thương lái nào mà đền?”. Bà Trị chỉ cười…
Tương tự, bà Vũ Kim Phượng cho rằng không thể biết cá có nhiễm chất cấm hay không nên chỉ thu mua của những thương lái quen biết, tin tưởng. “Tôi đâu muốn bán cá còn tồn dư chất cấm. Nếu xét nghiệm cá bị nhiễm chất cấm mà phạt tôi thì oan quá. Tôi sẽ buộc người cung cấp cá đóng tiền phạt và không nhận hàng của người đó nữa” - bà Phượng nói.
Cá kèo, cá điêu hồng, khô cá tra… vào “danh sách đen”
Để đảm bảo nguồn cá an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, Chi cục thường xuyên lấy mẫu kiểm tra và xử phạt đúng luật.
Tháng 1-2016, Chi cục lấy mẫu cá điêu hồng kinh doanh trong Metro An Phú (quận 2, TP.HCM) gửi Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 (Bộ NN&PTNT) phân tích chỉ tiêu chất cấm. Kết quả cá bị nhiễm enrofloxacin với hàm lượng 18,8 µg/kg. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 13 và khoản 3 Điều 4 Nghị định 178/2013 do Chính phủ ban hành, Chi cục phạt Metro An Phú 8 triệu đồng.
Tương tự, Chi cục cũng ra quyết định phạt ông Võ Công Túy (kinh doanh thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM) 3 triệu đồng do kinh doanh cá kèo chứa chất cấm leucomalachite với hàm lượng 0,1 µg/kg.
Không chỉ cá tươi, kết quả phân tích còn phát hiện khô cá tra kinh doanh trong chợ đầu mối Bình Điền “dính” chất cấm trichlorfon chứa hàm lượng 0,57 µg/kg. Chi cục TP.HCM phạt chủ lô hàng khô cá tra nói trên là ông Thái Phước Lộc với số tiền 4 triệu đồng.
Sau đó, Chi cục tiếp tục lấy mẫu và “soi” chất lượng tôm, cá, cua… bày bán trên địa bàn TP.HCM. “Kết quả phân tích trong ba tháng đầu năm 2016 cho thấy 41/143 mẫu (gần 29%) thủy sản kinh doanh tại TP.HCM chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm” - ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, công bố.
Truy tìm nguồn gốc cá nhiễm chất cấm
Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Quản lý ATVSTP chợ đầu mối Bình Điền, cho biết chợ đầu mối Bình Điền hiện có gần 500 hộ kinh doanh thủy hải sản. Mỗi ngày chợ tiêu thụ từ 1.100 tấn đến 1.200 tấn thủy hải sản tươi sống và sơ chế. Một số tiểu thương cho rằng họ không thể biết cá bị nhiễm chất cấm. Do vậy, nếu cơ quan chức năng phát hiện và phạt do kinh doanh cá nhiễm chất cấm thì chưa thuyết phục. Tuy nhiên, ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền đã kiên trì giải thích người kinh doanh phải có trách nhiệm với sản phẩm mình kinh doanh, có trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm tìm nguồn cung cấp tôm, cá đáng tin cậy để kinh doanh.
Sau khi có kết quả phân tích hóa chất, kháng sinh cấm trong cá, Chi cục gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng các tỉnh thanh tra, kiểm tra những hộ nuôi, các điểm thu mua có mẫu chứa dư lượng chất cấm để kịp thời xử lý, ngăn chặn.
Trước thực trạng cá kèo, cá điêu hồng, khô cá tra từ các tỉnh đưa vào TP.HCM tiêu thụ chứa tồn dư hóa chất và kháng sinh, Chi cục yêu cầu các hộ kinh doanh thủy sản trong chợ đầu mối Bình Điền lập bộ hồ sơ quản lý chất lượng. “Chủ hộ kinh doanh phải cập nhật thông tin người bán, người mua tôm, cá hằng ngày để dễ truy tìm nguồn gốc khi xảy ra sự cố. Chi cục sẽ phạt nếu hộ kinh doanh không thực hiện yêu cầu trên” - ông Vĩnh nói.
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT), leucomalachite được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt, công nghệ thuộc da… Trong ngành thủy sản, leucomalachite được dùng để vệ sinh ao, hồ nhằm diệt rong, tảo, nấm, ký sinh trùng. Thí nghiệm trên chuột cho thấy leucomalachite có khả năng gây ung thư. Enrofloxacin là kháng sinh cấm sử dụng trong ngành thủy sản, nhằm mục đích trị bệnh cho tôm, cá. Enrofloxacin được cho có nguy cơ gây đột biến gen, gây sẩy thai… Trichlorfon là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu, diệt côn trùng. Trong thủy sản, trichlorfon được sử dụng để vệ sinh vùng nuôi tôm, cá. Trichlorfon có độc tính cao, dễ hấp thụ qua da. Hít phải chất này có nguy cơ xuất huyết đường mũi, ho, tức ngực… Nhiễm nặng có thể bất tỉnh, co giật, thậm chí tử vong.
__________________________________
Thương lái ở các tỉnh thu mua cá của những người nuôi rồi phân phối lại cho tiểu thương. Khi thu mua cá, thương lái không thể biết cá có bị nhiễm chất cấm hay không. Bên cạnh đó, cá sau khi thu mua được thương lái để lẫn lộn nên cũng không thể nhận biết cá của người nuôi nào bị nhiễm chất cấm.
Thật tình mà nói, thương lái không biết cách nào để hạn chế thu mua cá không bị nhiễm chất cấm. Chỉ mong cơ quan chức năng hướng dẫn và tuyên truyền người nuôi cá không sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm.
Ông VÕ VĂN LINHthương lái thu mua cá ở huyện An Phú, An Giang

Theo Báo Pháp Luật TPHCM

Trung Quốc: “Thiên đường” rửa tiền mới của tội phạm quốc tế

THU HẰNG  00:30 13/04/2016 
BizLIVE - Không còn dành riêng cho giới tội phạm người Hoa, Trung Quốc đang trở thành trung tâm rửa tiền toàn cầu.
Trung Quốc: “Thiên đường” rửa tiền mới của tội phạm quốc tế
 Hồng Kông, một trong những thiên đường thuế được tội phạm quốc tế ưa chuộng - REUTERS/Bobby Yip

Không còn dành riêng cho giới tội phạm người Hoa, Trung Quốc đang trở thành trung tâm rửa tiền toàn cầu. Bài phóng sự điều tra của hãng tin AP cho thấy có rất nhiều hình thức rửa tiền ở Trung Quốc, kể cả việc thông qua các ngân hàng lớn của Nhà nước, hệ thống xuất nhập khẩu và các mạng lưới chuyển tiền ngầm tồn tại từ hàng nghìn năm nay, RFI cho biết.
Đây là kết luận của AP sau khi tham khảo kết quả điều tra mới đây của cảnh sát cùng với văn bản các vụ kiện tại châu Âu và Hoa Kỳ. Hãng tin Mỹ cũng liệt kê một số trường hợp được cán bộ thực thi pháp luật Mỹ và châu Âu cho rằng tiền đang được rửa tại Trung Quốc:
- Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) cho biết nhiều mạng lưới lừa đảo vô cùng tinh vi đã lừa hàng nghìn công ty phương Tây với khoản tiền lên tới 1,8 tỉ đô la chỉ trong vòng hai năm bằng chiêu lừa đảo mạo danh “tổng giám đốc” hay “giám đốc điều hành”
FBI cho biết, cho đến nay đã nhận được 13.500 đơn kiện, tăng 270% vào năm 2015. Thủ phạm không phải là người Trung Quốc, còn tiền lừa đảo được chuyển tới hơn 70 nước trên thế giới nhưng Hồng Kông - Trung Quốc là các điểm hạ cánh hàng đầu.
- Nhiều mạng lưới tội phạm người Israel đang làm ăn với người nhập cư Trung Quốc trên khắp châu Âu để rửa tiền thông qua các mạng lưới chuyển tiền ngầm Trung Quốc, được gọi là “fei qian” (tiền bay).
- Tháng 02/2016, Tây Ban Nha đã bắt giữ sáu giám đốc điều hành của Ngân hàng Công Thương, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc. Cảnh sát châu Âu Europol cho biết sáu cán bộ cao cấp trên bị cáo buộc tạo điều kiện cho một mạng lưới rửa tiền của các băng đảng tội phạm Trung Quốc tại châu Âu. Europol cũng đang điều tra mối liên hệ giữa các mạng lưới ở Pháp, Đức và Lithuania. Chính quyền Trung Quốc cho biết Ngân Hàng Nhà Nước sẽ hợp tác điều tra và họ không tin rằng Ngân Hàng Công Thương Trung Quốc đã phạm pháp.
- Ba công dân Colombia sống tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã rửa hơn 5 tỉ đô la cho các băng đảng ma túy tại Mexico và Colombia có tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, theo cáo trạng do bộ Tư Pháp Hoa Kỳ công bố vào tháng 09/2015. Các khoản tiền trên thường được sử dụng để mua hàng giả ở Trung Quốc, sau đó được vận chuyển đến Colombia và xuất khẩu sang nhiều thị trường khác để tiêu thụ.
- Tháng 06/2015, đội truy nã tội phạm tài chính của Pháp, cùng với chó nghiệp vụ, đã đột kích một khu thương mại chuyên bán sỉ Trung Quốc tại Aubervilliers, phía bắc thủ đô Paris. Giới thương nhân Trung Quốc ở đây bị cáo buộc rửa tiền cho các băng đảng buôn bán ma tuý ở Bắc Phi.
Tóm lại, Trung Quốc đã trở thành trung tâm rửa tiền của tội phạm quốc tế. Theo cảnh sát và theo các báo cáo của tòa án châu Âu và Hoa Kỳ, Trung Quốc là nơi an toàn để giữ tiền, làm sạch chúng và bơm ngược trở lại vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và cảnh sát từ chối bình luận những thông tin trên. Trong tuyên bố ngắn gọn trước báo giới ngày 28/03/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: Chính phủ đặt trọng tâm vào các loại tội phạm nghiêm trọng như rửa tiền và đang mở rộng hợp tác với quốc tế. Ông khẳng định: "Trung Quốc không phải, chưa từng và sẽ không bao giờ là trung tâm rửa tiền toàn cầu"
THU HẰNG

Nghi án sinh viên Đà Nẵng mua điểm để được tốt nghiệp

Ngoài chuyện tình trạng bằng giả tràn lan, ở Việt Nam còn có cả chuyện thầy cô trong trường nhận tiền để nâng điểm cho sinh viên. Mới đây, một trường cao đẳng ở Đà Nẵng đã phải lùi ngày cấp bằng tốt nghiệp cho khoảng 300 sinh viên, vì nghi ngờ có nhiều sinh viên đã bỏ tiền ra để mua điểm.



Tin tức này đã được đích thân ông Lê Quang Hùng- Hiệu trưởng trường Cao đẳng kinh tế- Kế hoạch Đà Nẵng xác nhận với báo giới.
Theo ông Hùng cho biết, việc mua điểm được xôn xao từ khoảng tháng 3/2016 khi một sinh viên của trường này lên trên Facebook rao tin chỉ cần từ 500,000 đến 3,000,000 đồng là có thể mua điểm để được tốt nghiệp. Số tiền bỏ ra sẽ tương ứng với môn thi khó hay dễ trong trường.
Ngay sau khi xảy ra sự việc trên, nhà trường liền lập ngay đoàn thanh tra để rà soát, đối chiếu điểm thi của các sinh viên. Nhà trường còn mời công an  Đà Nẵng để điều tra.
Phía nhà trường cho biết, hiện tại vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa đưa ra bất cứ kết luận nào. Tuy nhiên, trên báo Thanh Niên cho biết, người bị nghi ngờ nhận tiền để nâng điểm là anh N.Đ.T, chuyên viên Công nghệ thông tin, phòng Đào tạo của trường này. Anh T. sau đó đã được công an triệu lên làm việc.
Cũng theo báo Thanh Niên cho biết, từ những điều tra sơ khởi, cho đến tận bây giờ có ít nhất 7 sinh viên của trường Cao đẳng Kinh tế- Kế hoạch Đà Nẵng bị nghi ngờ bỏ tiền để mua điểm tốt nghiệp. Nhóm sinh viên này chủ yếu ở niên khóa năm 2012, và sẽ tốt nghiệp vào tháng 4/2016. Không chỉ có sinh viên niên khóa 2012 mà ngay cả những sinh viên niên khóa 2010 đã ra trường cũng bị nghi ngờ dính líu đến việc mua điểm để được tốt nghiệp.
 04/11/2016 - 20:55
Ngọc Quân/SBTN

Những tủ bánh nhân ái của người dân Thủ đô

HOÀNG TRƯỜNG GIANG  07:36 12/04/2016 
Nhiều ngày qua, những tủ bánh mỳ từ thiện trên phố Kim Mã và Trần Nhân Tông (Hà Nội) nhận được nhiều sự ủng hộ. Đây là sự giúp đỡ thiết thực với người lao động nghèo.
Những tủ bánh nhân ái của người dân Thủ đô
Ảnh minh họa.
Tủ bánh mỳ đặt ở địa chỉ 98 phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) là tủ bánh từ thiện đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Mỗi sáng, hơn 70 chiếc bánh mỳ nóng hổi được đặt trong tủ kính với dòng chữ "Bánh mỳ từ thiện cho người nghèo" kê trên bàn cao để tránh bụi. Người qua đường dễ dàng ghé lại, lấy bánh miễn phí qua ô cửa nhỏ trên tủ. Bên cạnh tủ bánh là bình nước lọc được chuẩn bị sẵn cùng chiếc cốc nhựa đặt gọn gàng. 
Chị Ly - chủ của tủ bánh tâm sự: “Chính mình những lúc đói lòng, chỉ cần ổ bánh mì và ly nước là no cả buổi. Với những người khó khăn, một miếng bánh nóng hổi giúp họ giải quyết bữa sáng là thiết thực nhất. Tôi chỉ muốn chia sẻ với bà con chút tình cảm vậy thôi”.
Bác Lân chạy “xe ôm” trên phố Kim Mã đã hơn 4 năm nay. Khi đến ăn bánh mỳ tại đây, bác kể: “Người lao động nghèo ít khi nghĩ đến chuyện ăn sáng nên dù chỉ là chiếc bánh mì, một cốc nước mát thì tôi cũng trân trọng vô cùng”.

Trên phố Trần Nhân Tông, ở khu vực gần công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng, Hà Nội), người dân cũng dần quen với tủ bánh mỳ từ thiện đặt trên vỉa hè. Bánh được đặt trong tủ inox 2 tầng, bên cạnh là 1 bình nước lọc. Những người lao động nghèo ghé vào lấy bánh có thể ăn kèm với sữa đặc được người chủ nhân ái của tủ bánh chuẩn bị sẵn. Phụ trách trông coi tủ bánh, một nhân viên làm việc tại số nhà 56 phố Trần Nhân Tông kể lại: “Thời gian đầu, tủ bánh khiến nhiều người tò mò, e ngại nhưng giờ thì quen rồi. Họ ngày nào cũng quay lại lấy bánh nhưng mỗi người chỉ lấy 1-2 chiếc rất chừng mực”.
Suy nghĩ về những chiếc bánh, cốc nước miễn phí, chị Linh - người bán hàng rong khu vực công viên Thống Nhất - hồ Thiền Quang nói: “Tôi bán hàng rong nên phải lang thang khắp phố. Lúc mệt được ghé vào đây uống cốc nước rồi ăn bánh, tôi rất cảm động. Cảm ơn những tấm lòng nhân hậu đã giúp đỡ rất thiết thực cho người lao động nghèo”.
Theo Báo An ninh Thủ đô

Cưỡng chế đất Hội Thánh để xây vườn hoa

RFA 12.04.2016  
107809027
Hội thánh tin lành Phú Phong  Photo courtesy of panoramio.com
Đất của giáo hội Tin Lành thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bị cưỡng chế để xây vườn hoa.
Tin cho biết sự việc diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 4 vừa qua. Lực lượng chức năng được nói hùng hậu đã tiến hành công việc của họ bất chấp phản đối của tín hữu và đơn yêu cầu mà Hội thánh gửi cho các cấp chính quyền lâu nay.
Mục sư Nguyễn Ngọc Thắng, hiện quản nhiệm hội thánh vào tối 12 tháng 4 cho Đài Á Châu Tự Do biết về tình hình cưỡng chế như sau:
“Họ quyết định lấy đất của Nhà thờ để làm vườn hoa Võ Văn Dõng một cách đột xuất, rất bất ngờ. Họ có lực lượng cơ động, công an đủ loại bao vây Nhà thờ làm rất mạnh. Xe cộ, máy móc họ làm hai ngày qua. Trước khi làm họ không thông báo.
Tất cả đơn tư gửi các cấp chính quyền nhưng họ không giải quyết theo tinh thần của chỉ thị 1940/Thủ tướng chính phủ giải quyết nhu cầu tâm linh cho Hội thánh. Thế nhưng họ phủ quyết quyết định làm vườn hoa. Mục sư Phan Vĩnh Cự của tổng hội có đơn nhưng họ không chịu nghe và quyết định làm.”
Theo trình bày của mục sư Nguyễn Ngọc Thắng, thì hội thánh Tin Lành Phú Phong từng tồn tại 65 năm qua tại địa phương. Đất của Hội thánh trước đây rộng đến chừng 10 ngàn mét vuông; nhưng vừa qua địa phương lấy hết chỉ còn chừng 1 ngàn mét vuông. Nay số còn lại cũng bị trưng thu để làm vườn hoa.

Trung úy bị tố nhổ nước bọt xin lỗi

Theo BBC- 9 giờ trước


Trung úy bị tố nhổ nước bọt vào người dân đã xin lỗi trực tiếp người tố cáo, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Trước đó có báo nói Trung úy Nguyễn Văn Bắc ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã bác bỏ chuyện nhổ nước bọt.
Cảnh sát này, người hiện đang bị tạm đình chỉ, cũng bị cho là có những lời lẽ khiếm nhã khi yêu cầu người dân mở cửa cho vào kiểm tra.
Trang Zing nói Trung úy Bắc đã xin lỗi cô Trần Tú Anh, 24 tuổi, trước sự chứng kiến của công an quận Đống Đa:
"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã có những cử chỉ, hành động chưa đúng. Bản thân tôi sẽ nghiêm khắc kiểm điểm. Tôi xin lỗi và mong chị chấp nhận.”
Còn cô Tú Anh được Zing dẫn lời nói:
"Qua việc này, tôi mong mỗi chiến sĩ công an sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc để cư xử với người dân đúng mực. Thật tâm tôi mong anh Bắc phải chấn chỉnh lại hoàn toàn cách ứng xử."
Công an quận Đống Đa cũng nói sẽ tiếp tục điều tra vụ việc và thông báo kết quả tới cô Trần Tú Anh.

'Tố cáo và đe dọa'

Cô Tú Anh đã tố cáo hành vi mà cô nói là nhổ nước bọt của ông Bắc trong video cho lên Facebook lấy tên Bi Bo cuối tuần qua nhưng giờ video này đã không còn truy cập được.
Sau đó cô nói đã được mời lên phường để "quay phim chụp ảnh anh Bắc xin lỗi công khai tôi về hành vi của anh".
"Về việc xử phạt anh Bắc ra sao thì cấp trên công an sẽ gửi kết quả cho tôi sau khi điều tra xong."
"Tôi nghĩ như vậy đủ cho một cái kết có hậu rồi. Là con người ai cũng có lúc sai, biết để sửa thì tha thứ sẽ có thôi. Tôi tha thứ."
Bình luận với BBC Tiếng Việt, luật sư Trần Vũ Hải nói hôm 11/4:
"Việc anh ta kiểm tra là không có cơ sở và không chính đáng. Và việc cô này từ chối anh ta vào, đặc biệt nói anh phải có giấy nào đó kiểm tra là đòi hỏi đúng đắn.
""Nếu không có giấy hợp pháp, cô hoàn toàn có quyền từ chối.
"Trong trường hợp này anh cảnh sát khu vực này sai 100% và có dấu hiệu xâm phạm quyền công dân và đặc biệt nếu anh còn nhổ nước bọt vào cô đó nữa là dấu vết làm nhục người khác thì rõ ràng cần xử lý nghiêm để tránh những việc không hay tiếp tục xảy ra khi người ta lấy cớ thi hành công vụ nhưng thực ra người ta có thể làm những việc khác không phù hợp với công vụ của mình."

Trung Quốc giận dữ vì phát ngôn nhóm G7

Theo BBC-12 tháng 4 2016 

Image copyrightReuters
Image captionHình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở trên đảo được cải tạo
Trung Quốc nói các quốc gia G7 nên "ngưng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm" sau khi các bộ trưởng ngoại giao ra thông cáo về xung đột khu vực trên biển.
Các bộ trưởng nhóm họp ở Nhật, cho biết họ chống lại "bất cứ những đe dọa thị uy hay hành vi kích động từ một phía" gây gia tăng căng thẳng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông và các khu vực Đông Hải, khiến các quốc gia láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền ở khu vực chồng lấn giận dữ.
Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đảo ở khu vực này.
Các chuyên gia cho biết hình ảnh vệ tinh ở khu vực đang diễn ra hoạt động cải tạo đảo có thể chỉ ra Trung Quốc có lẽ đang tăng cường quân sự hóa trên các đảo mới xây hoặc cơi nới.
Ngoại trưởng các nước trong nhóm G7 từ các quốc gia phát triển - gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản - không nêu thẳng tên Trung Quốc trong thông cáo của họ.
Nhưng họ kêu gọi các quốc gia "ngưng các hoạt động như cải tạo đảo" và xây dựng các tiền đồn "vì mục đích quân sự" có thể mạo hiểm sự ổn định hoặc thay đổi tình trạng khu vực.
Tranh chấp nên được giải quyết "bằng sự tin cậy và theo luật pháp quốc tế" - Nhóm các quốc gia này nói.
Phản ứng lại, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhắc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực này.
Người phát ngôn Trung Quốc cảnh báo các bộ trưởng ngoại giao "ngưng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm và tất cả những hành động vô trách nhiệm, và thực sự đóng vai trò xây dựng hòa bình và ổn định trong khu vực."

Cuba ‘cần học nhiều từ Việt Nam’

Châu Bảo Nguyễn thực hiện 

Theo BBC-5 giờ trước 

Image copyrightAFP
Image captionCuba và Mỹ đã nối lại quan hệ ngoại giao
“Cuba có thể học tập nhiều từ chính sách của Việt Nam, đặc biệt là công cuộc Đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường, cải thiện khả năng tự cung tự cấp thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tích cực hội nhập quốc tế”.
Ông Thomas Bass, tác giả hai cuốn sách Vietnamerica: The War Comes Home và cuốn The Spy Who Loved Us (về thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn), đã bình luận như vậy về chuyến đi thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam vào tháng 5 năm 2016.
Ông cũng so sánh sự kiện này với chuyến thăm đặc biệt của tổng thống Obama đến Cuba hồi tháng 3/2016 sau 55 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc đảo này.
Nhận xét về ý nghĩa loạt thăm ngoại giao chính thức của tổng thống Obama những tháng đầu năm 2016, ông Bass cho rằng chính quyền Obama muốn ghi dấu ấn ngoại giao của mình bằng việc chuyển hóa mối quan hệ song phương đối với các nước vốn là cựu thù sang quan hệ hữu nghị bạn bè.
Cựu thù ở đây là những nước từng có chiến tranh hoặc có xung đột ý thức hệ với Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay Việt Nam và Cuba đều đang trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế, vì thế đối với Hoa Kỳ họ không còn là kẻ thù mà là đối tác thương mại và bạn đồng minh tiềm năng, ông Bass nói với BBC.

Quan hệ đặc biệt

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Cuba được cho là đặc biệt hiếm có trong quan hệ quốc tế gắn kết trong suốt nửa thế kỷ 20. Điều này xuất phát từ rất nhiều điểm tương đồng giữa hai dân tộc mặc dù nằm ở hai nửa Đông-Tây của địa cầu.
Sau khi thiết lập hòa bình, cả hai đất nước đều chịu cấm vận nặng nề về kinh tế và đóng băng quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ (đối với Việt Nam cho đến năm 1995, và Cuba là đến năm 2015).
Nhà văn Thomas Bass có dịp đến Cuba ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Obama vào tháng 3/2016. Ông cho biết thủ đô Havana được trang hoàng và vỉa hè đường phố được lát lại, đặc biệt là những nơi xe của Tổng thống Obama sẽ đi qua. Tuy nhiên theo quan sát cá nhân, Cuba vẫn đang ở rất xa so với Việt Nam về mặt đổi mới kinh tế, ông Bass nói với BBC.
Image copyrightGetty
Image captionChủ tịch Cuba Raul Castro gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi thăm Việt Nam năm 2012
Trong một thời gian dài, Cuba dừng dần như toàn bộ việc nhập khẩu từ nước ngoài và về cơ bản hòn đảo này vẫn là một nền kinh tế bao cấp tập trung. Điều này nghĩa là những nhu yếu phẩm cơ bản như sữa, trứng, thịt vẫn ở trong tình trạng khan hiếm. Những buổi sáng ra đường, rất dễ bắt gặp người dân xếp hàng dài trước các cửa hàng tạp hóa để đổi những tờ tem phiếu lấy các nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày, ông Bass nói.
Ngoài ra, những tiện ích như wifi cũng không sẵn có vì người dân và khách du lịch phải đến công viên trung tâm và dùng thẻ cào wifi do chính phủ cung cấp. Ngoài ra hầu như tất cả các xe hơi đang hoạt động ở Cuba đều được sản xuất bởi Mỹ từ những năm 30, 40, 50 thế kỷ trước.

TPP: Lạc quan thận trọng

Ông Thomas cho rằng Cuba có thể học tập nhiều từ chính sách của Việt Nam, đặc biệt là chính sách đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường, cải thiện khả năng tự cung tự cấp thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tích cực hội nhập quốc tế.
Việt Nam đang tận dụng tốt chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ nhằm củng cố sự có mặt về ngọai giao và ảnh hưởng của nước này tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương.
Hiện tại Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam cũng đứng thứ 8 thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng du học sinh tại Mỹ. Mặt khác, lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam ngày càng tăng chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Image copyrightReuters
Image captionViệt Nam đặt nhiều hy vọng vào TPP
Khi so sánh với Cuba, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm về hội nhập kinh tế. Trong một báo cáo trước đó của viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đã nêu ra chỉ dấu quan trọng của chính sách đổi mới của Việt Nam xuất phát từ sự theo đuổi quyết liệt đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA) những năm gần đây. Việc này dẫn đến việc Việt Nam đã và đang đàm phán và ký kết gần 15 hiệp định đa phương lẫn song phương về hợp tác thương mại.
Trả lời phỏng vấn của BBC, ông Bass cho rằng Hiệp định Thương mại Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một vấn đề quan trọng trong nghị trình chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. Tuy nhiên ông cảnh báo rằng mặc dù được xếp loại như một hiệp định thương mại tự do nhưng TPP có thể không “tự do” đến như vậy.
Lý do ông đưa ra là hiệp định TPP khá đồ sộ gồm 30 chương với những điều khoản quản lý phức tạp về thương mại. Trong đó bao gồm một số điều gây nhiều tranh cãi ví dụ như TPP sẽ làm gì đối với giá thành thuốc men.
Ngoài ra theo ý kiến cá nhân, ông Bass cho rằng TPP được thiết kế để xây một ‘bức tường kinh tế’ bao quanh Trung Quốc, cũng là nước chưa ký kết hiệp định này. Chính vì thế nếu TPP có hiệu lực có thể dẫn đến những tác động chiến lược khó dự đoán. Chính Tổng thống Hoa Kỳ ông Obama từng nói TPP nên được coi là một trường hợp “lạc quan thận trọng” (cautiously optimistic).

‘Bị động về ngoại giao’

Nói về chuyến thăm sắp tới đến Việt Nam, ông Bass cho rằng Tổng thống Obama trong bài phát biểu của mình có thể đề cập đến nguyên tắc hợp tác trên cơ sở tôn trọng Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam cũng là một thành viên ký kết.
Theo điều khoản số 19 của Tuyên ngôn này, mọi người đều có quyền tự do tư duy và ngôn luận; bao gồm quyền không bị gây khó khăn vì quan điểm của mình và quyền được tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông và qua mọi biên giới.
Nhận xét về chuyến thăm Cuba trước đó, ông Bass cho rằng Tổng thống Obama đã rơi vào thế bị động khi đối thoại với Chủ tịch Cuba ông Raul Castro về vấn đề Nhân quyền. “Ông Obama cần làm bài tập về nhà của mình,” ông Bass nói ví von.
Điều này bắt nguồn từ video ghi hình buổi họp báo chung giữa ông Obama và ông Castro ngày 21/3 trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba. Sau khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao Cuba không thả tù nhân chính trị, ông Castro tuyên bố “chúng tôi không có tù nhân chính trị” và nói “hãy đưa cho chúng tôi danh sách tù nhân chính trị chúng tôi sẽ thả họ ngay sáng mai”.
Ông Bass cho rằng nếu lúc đó nếu Tổng thống Obama chuẩn bị và có trong tay danh sách các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, và blogger hiện đang ở tù hoặc quản chế tại gia ở Cuba; thì ông này đã có thể nhân cơ hội đó gây sức ép hiệu quả hơn đến Chủ tịch Raul Castro.
Là một giáo sư và một nhà văn, ông Thomas Bass đã có bằng ưu cử nhân đại học Chicago và tiến sỹ đại học California, Santa Cruz. Ông giảng dạy và viết nhiều sách về lịch sử, văn học thế giới, trong đó có hai quyển về Việt Nam là Vietnamerica: The War Comes Home và đặc biệt là The Spy Who Loved Us về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.

Tình cảnh ngư dân VN 'đánh bắt trái phép'

Ben Ngô BBC Tiếng Việt 8 giờ trước 

Image copyrightBBC Thai
Image captionTừ ngày 3 đến 7/4, Thái Lan bắt giữ tổng cộng 11 tàu cá cùng 102 ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép
Đại diện hội nghề cá và luật sư từ Việt Nam trao đổi với BBC về chuyện hàng loạt tàu cá và ngư dân Việt bị các nước trong khu vực bắt giữ vì ‘đánh bắt trái phép’.
Tờ New Straits Times của Malaysia hôm 9/4 đưa tin bắt giữ 23 ngư dân Việt Nam trên hai tàu cá trái phép xâm nhập vùng biển ngoài khơi Terengganu và Pahang, trong hai vụ riêng biệt.
Đại úy Khoo Teng Chuan, Giám đốc khu vực miền đông của Cơ quan Thực thi Hàng hải (MMEA) cho hay 7 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trong vụ đầu tiên ở gần vùng biển ngoài khơi Pahang-Terengganu, lúc 05:30.
“Chiếc tàu tăng tốc bỏ trốn nhưng lực lượng MMEA đã đuổi theo khoảng 10 hải lý trước khi bắt được”, ông Khoo cho biết.
Ông cho biết thêm là ngư dân không có bất kỳ giấy tờ nào trong người.
MMEA thu giữ 300 kg cá và mực, 7 ngư dân Việt được đưa vào bờ.
Vụ thứ hai, MMEA bắt giữ một tàu cá nước ngoài khác với 16 ngư dân Việt với 150kg mực, tại Pasir Puteh vào 09:10.
Cả hai tàu được cho là đang trên đường trở về Việt Nam sau chuyến đánh bắt hải sản.
Image copyrightReuters
Image captionNgư dân huyện đảo Lý Sơn
Trước đó, Chuẩn đô đốc Watson Booneung, phó tư lệnh Vùng I Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Hải quân Thái Lan, cho hay: “Từ ngày 3 đến 7/4, Hải quân vùng I Thái Lan đã bắt giữ tổng cộng 11 tàu cá cùng 102 ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép”.

‘Tiền chuộc trăm ngàn đô’

Hôm 12/4, trả lời BBC qua điện thoại, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá Rạch Giá, nói: “Gần đây, tôi có nghe thông tin ngư dân Vũng Tàu, Minh Hải, Trà Vinh, Sóc Trăng… liên tục bị các nước trong khu vực bắt giữ do họ đánh bắt trên vùng biển chồng lấn”.
“Nhiều trường hợp chính quyền không biết là tàu cá bị bắt ở vùng biển các nước nhưng người ta không đưa vô bờ mà để đòi tiền chuộc từ 100.000 đến 200.000 đôla”, ông nói.
Cũng theo ông Ngữ, “nhiều khi chủ tàu không muốn đánh bắt ở vùng biển nước ngoài do ngại rủi ro nhưng thuyền trưởng hoặc tài công hám lợi, một phần cũng do ngư trường trong nước cạn kiệt nguồn thủy sản”.
Cùng ngày, từ TP. Hồ Chí Minh, luật sư Hà Hải, người giúp ngư dân Kiên Giang làm thủ tục kiện cảnh sát biển Thái Lan (vụ xả súng bắn chết ngư dân tháng 9/2015) cho BBC hay: “Việc ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển gần sát nhau không phải là chuyện lớn, vì thỉnh thoảng Việt Nam cũng bắt giữ ngư dân các nước xâm nhập vùng biển Việt Nam”.
“Vấn đề đáng quan tâm hơn là việc bắt giữ, xử lý ngư dân có theo luật và chính sách nhân đạo quốc tế hay không”.
“Tôi cho rằng nguyên nhân của việc ngư dân bị nước ngoài bắt giữ là do nhận thức pháp lý của họ còn hạn chế. Nhiều ngư dân cho tôi hay rằng họ không nhận biết được việc mình vi phạm do tin là chủ tàu đã mua biển hoặc có phía trung gian xin phép đánh bắt”, ông lý giải.
Luật sư nhận định: “Phần lớn ngư dân bị bắt giữ ở nước ngoài là nạn nhân do thiếu thông tin và cả tin vào chủ tàu.”