Tuesday, December 19, 2017

Truy tố thêm quan chức PVN

RFA- 2017-12-19 
Ông Phan Đình Đức, thành viên Hội Đồng Thành Viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN
 Ông Phan Đình Đức, thành viên Hội Đồng Thành Viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN - Courtesy of PVN
Ông Phan Đình Đức, thành viên Hội Đồng Thành Viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN mới bị khởi tố điều tra liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (Ocean Bank).
Ngày 19 tháng 12 năm 2017, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã quyết định khởi tố bắt ông Phan Đình Đức để điều tra về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát 800 tỷ đồng cho PVN.
Ông Phan Đình Đức năm nay 57 tuổi, là thành viên Hội Đồng thành Viên của PVN từ năm 2010, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại PVN như chủ tịch Hội Đồng Quản trị Công ty Kinh Doanh khí hóa lỏng miền Bắc, Tổng giám đốc công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo)…
Trước đó, 2 nguyên lãnh đạo của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam PVN là ông nguyên chủ tịch Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Tổng giám đốc PVN, cũng bị cơ quan điều tra Bộ Công An bắt giữ với cáo buộc như trên.
Cũng liên quan đến việc xử lý sai phạm của viên chức cấp cao, ông Lê Phước Hoài Bảo giám đốc sở kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Nam xin nghỉ phép, không đến cơ quan làm việc.
Việc này được ông Nguyễn Hoàng Thanh phó giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Quảng Nam thông báo ngày 19 tháng 12 năm 2017, cho biết ông Lê Phước Hoài Bảo xin nghỉ phép và đã không đến cơ quan làm việc từ hôm 18 tháng 12.
Cũng theo ông Thanh, ông Bảo không nêu lý do nghỉ phép cũng như khi nào sẽ quay trở lại làm việc và ông Thanh không cho biết thêm thông tin liên quan đến cấp trên.
Ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai của nguyên bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh, được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam khi 30 tuổi.
Theo kết luận sai phạm do Ủy Ban Kiểm ttra Trung Ương đưa ra, Ông Bảo đã không trung thực trong việc kê khai hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 -2020.
Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu Ban thường vụ tỉnh Quảng Nam xóa tên ông Lê Phước Hoài Bảo ra khỏi đảng.

Cục Diện 2018

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2017-12-19  
Các sinh viên tham sự cuộc diễu hành ngày 24 tháng 12 năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh để đánh dấu việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
 Các sinh viên tham sự cuộc diễu hành ngày 24 tháng 12 năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh để đánh dấu việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).  AFP
Năm 2018 sẽ có những gì là đáng chú ý trong lĩnh vực kinh tế? Diễn đàn Kinh tế sẽ khởi sự loạt bài tổng kết và dự báo như sau, với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong một buổi phát thanh cuối năm. Thưa ông, là tư vấn kinh tế cho ban Việt ngữ đài RFA từ ngày đài thành lập vào dịp Tết Đinh Sửu năm 1997, ông thường tổng hợp tình hình kinh tế cuối năm và đưa ra một số dự đoán về viễn ảnh kinh tế cho năm sau. Vì là người Việt Nam, chúng ta lại thừa hưởng hai tấm lịch âm dương cho nên việc tổng kết và dự đoán trải từ dương lịch qua âm lịch, từ Giáng Sinh rồi Tết Tây đến Tết Ta, năm nay sẽ vào giữa Tháng Hai năm 2018. Vì vậy, sau khi mọi người đã mừng Giáng Sinh 2017, kỳ này Nguyên Lam xin được đề nghị ông trình bày về viễn ảnh toàn cầu cho năm tới, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta hay nói bộ môn kinh tế là một khoa học u ám vì thiên hạ chỉ chú ý đến nó khi tình hình kinh tế có khó khăn. Bản thân tôi lại có xu hướng thực tiễn và không thích nước đường nên chú ý vào những gì bất lợi có thể xảy ra trong tương lai để cảnh báo. Vì vậy, xin được nói trước rằng tôi sẽ không tô hồng thực tế! Về đề tài kỳ này, tôi xin tóm lược là chúng ta đã thấy những chấn động trong hệ thống quốc tế suốt năm 2017 đang kết thúc, nhưng thật ra thì trạng thái bất thường ấy đã xảy ra từ năm 2008, là năm tôi gọi là “điểm lật”, cho nên qua năm 2018 chúng ta còn thấy nhiều đổi thay bất ngờ khác.
Nguyên Lam: Bây giờ nói về viễn ảnh 2018, xin đề nghị ông trở lại cái “điểm lật” từ năm 2008.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm 2008, vụ khủng hoảng tài chánh manh nha từ lâu đã bùng nổ vào Tháng Chín và gây ra nạn “Tổng suy trầm” hay “Suy trầm Toàn cầu” 2008-2009. Biến cố thật ra chẳng bất ngờ làm rung chuyển trật tự được các nước xây dựng từ nhiều thập niên trước đó. Hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế bị chấn động và dù chưa sụp đổ thì cũng khiến nhiều nước phải nghĩ tới một trật tự khác. Đấy là lý do cơ bản mà nhiều nước bị xoay chuyển bên trong, và quan hệ an ninh cùng kinh tế giữa các nước cũng có thay đổi. Qua năm 2018, chiều hướng ấy sẽ còn tiếp tục vì những động lượng hay “momentum” của nhiều năm qua. Đấy là bối cảnh chung để chúng ta nhìn ra viễn ảnh 2018.
Nguyên Lam. Qua nhiều năm theo dõi, thính giả của chúng ta đã quen với cách tiên báo của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa khi trở về những bối cảnh xa xưa, lần này từ 10 năm trước. Thưa ông Nghĩa, Nguyên Lam xin đề nghị là chúng ta cùng khởi đi từ đó.
Nguyễn-Xuân Nghỉa: - Tôi xin tóm lược rất sơ sài như sau. Năm 2008 là khi Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với những kỳ vọng lớn lao. Năm đó, Trung Quốc cũng bước vào thế giới văn minh khi khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào ngày tám Tháng Tám 2008, Cùng ngày đó, Liên bang Nga lại tiến quân tấn công nước Cộng hòa Georgia trong khi Hoa Kỳ bị rung chuyển về vụ khủng hoảng tài chính thật ra đã manh nha từ cuối năm 2017 tại Âu Châu. Khi các nước Tây phương bị khủng hoảng thì nhiều người lầm tưởng rằng tư bản chủ nghĩa sắp sụp đổ, nhưng sự thật lại khác: khối dân chủ bị khủng hoảng chính trị khiến các đảng phái truyền thống mất niềm tin của quần chúng và đây đó xu hướng cực đoan nổi lên mà ít ai thấy rằng Trung Quốc mới lâm đại họa tài chánh vì ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế từ cuối năm 2008 và nay chưa biết xoay trở ra sao với cái núi nợ chất ngất dó. Còn Liên bang Nga có ra sức tung hoành ở bên ngoài từ những năm 2008 tại Georgia qua 2014 tại Ukraine và 2015 tại Syria thì cũng chỉ để khỏa lấp nhiều khó khăn kinh tế chống chất ở bên trong. Đấy là bối cảnh chung.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, ông Nghĩa vừa tóm lược toàn cảnh từ những năm 2008 để chúng ta nhớ lại những chuyển động lớn trên địa cầu. Nguyên Lam xin đề nghị ông tiếp tục  phân tích sự chuyển động ấy trong từng khu vực địa dư..
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được bắt đầu bằng Hoa Kỳ, một siêu cường vẫn còn ảnh hưởng toàn cầu. Vụ khủng hoảng 2008 khiến Hoa Kỳ lâm vào nạn ách tắc chính trị kéo dài. Di sản ách tắc đó vẫn còn, nhưng lại bị đánh giá sai. Lý do là nền dân chủ tạo ra sự phân quyền để Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp ràng buộc và kềm hãm nhau. Một số báo chí cứ quy tội cho Tổng thống Donald Trump là gây ra phân hóa và ách tắc, sự thật lại khác. Hiện tượng bế tắc đã có từ trước và các thành phần thất thế trong xã hội Mỹ giúp ông Trump đắc cử đề ngày nay đang đề nghị giải pháp khác mà ta sẽ lần lượt thấy trong năm tới.
- Các quốc gia độc tài lại không có sự chọn lựa đó, như ta sẽ thấy trong năm 2018 này, điển hình là tại Trung Quốc hay Liên bang Nga. Ta nên nhớ đến một nghịch lý là khi các thế lực chính trị của một xứ dân chủ kềm chế nhau một cách khá ồn ào thì cũng là lúc người dân và nền kinh tế tiếp tục vận hành trong một không gian và môi trường khác. Ngược lại, sự ổn định bề ngoài của chế độ độc tài lại tích lũy nhiều bài toán không có giải pháp.
Nguyên Lam: Nhiều thính giả và chính Nguyên Lam thắc mắc về việc Hoa Kỳ ngày nay không còn đề cao nguyên tắc tự do mậu dịch và có vẻ gây khó khăn cho Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà chính nước Mỹ đã góp phần xây dựng từ nhiều thập niên trước. Ông giải thích thế nào về chiều hướng này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã giúp các nước tái thiết và phát triển, rồi qua gần nửa thế kỷ sau đó còn cổ võ giá trị của kinh tế thị trường và tự do thương mại với tối thiểu hạn chế như một giải pháp đối nghịch với hệ thống tập trung quản lý theo kế hoạch của các nước cộng sản độc tài. Kết quả là hai đà phát triển khác nhau, là sự sụp đổ của hệ thống cộng sản và việc một số chế độ độc tài phải cải cách theo quy luật thị trường.
- Nhưng hậu quả sau đó là các chế độ tôi xin gọi là “phi cầm phi thú”, “nửa dơi nửa chuột” đó chỉ cải cách nửa vời trong khi vẫn duy trì vai trò chỉ đạo kinh tế trong tay đảng và nhà nước. Các thí dụ điển hình chính là Trung Quốc, Liên bang Nga và Việt Nam, họ đều gia nhập WTO mà vẫn giữ chế độ bảo hộ mậu dịch trong thực tế để bảo vệ quyền lực và quyền lợi cho một thiểu số. Đấy là một.
Nguyên Lam: Khi ông nói đấy là một thì có lẽ còn nhiều vấn đề khác nữa mà chúng ta sẽ thấy trong năm 2018. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện thứ hai, từ thời Chiến tranh lạnh cho tới gần đây, Hoa Kỳ vẫn chấp nhận thua thiệt về kinh tế trong giao dịch với các nước để có đồng minh về an ninh. Nhưng hoàn cảnh thay đổi khiến sự thua thiệt kinh tế trong tiến trình ta gọi là toàn cầu hóa làm nhiều người Mỹ bất mãn. Họ thấy là bị cạnh tranh bất chính với các nền kinh tế mới nổi vì mất việc làm trong khu vực chế biến, lợi tức bị sút giảm trong khi Hoa Kỳ vẫn phải bảo vệ an ninh cho các đồng minh chống các đối thủ như Liên bang Nga tại Âu Châu hay Trung Quốc tại Châu Á.
- Vì vậy, không chỉ có ông Trump mà đảng Dân Chủ cũng hoài nghi lời cam kết cải tổ kinh tế xã hội như quy định trong Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP và dù bên Cộng Hòa vẫn đề cao kinh tế tự do thì ưu lo về khả năng bảo vệ an ninh của nước Mỹ. Cả hai đảng đều nêu vấn đề từ hai giác độ trái ngược và trào lưu đó kết tụ vào vai trò của tổ chức WTO lẫn nhưng cam kết kinh tế đa phương. Trong năm 2018, ta sẽ thấy mâu thuẫn và tranh chấp kinh tế gia tăng, nhưng chìm bên dưới hồ sơ kinh tế vẫn là vấn đề an ninh.
- Cụ thể và gần gũi là Việt Nam đạt xuất siêu với Mỹ, bị nhập siêu với Tầu và muốn Mỹ yềm trợ về an ninh chống sức ép từ Bắc Kinh mà vẫn duy trì ách độc tài chính trị, bảo vệ sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, không chấp nhận sự hiện hữu của các công đoàn độc lập, không tôn trọng luật lệ về môi sinh hay tác quyền, v.v… Người dân và Quốc hội Mỹ khó chấp nhận được những nghịch lý đó. Vì vậy, năm 2018 sẽ còn thấy nhiều mâu thuẫn kinh tế giữa Hoa Kỳ với nhiều quốc gia bị gọi là trục lợi bất chính.
Nguyên Lam: Thưa ông, sau Hoa Kỳ, ông thấy gì về cục diện Đông Á là nơi có hai nước mà chúng ta đều quan tâm, là Trung Quốc và Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tại khu vực này. ta thấy chế độ độc tài Trung Quốcg được củng cố với lãnh tụ Tập Cận Bình, nhưng bên cạnh là Nhật Bản đang ra sức vươn lên với Thủ tướng Shinzo Abe và bên kia là Ấn Độ cũng vậy với Thủ tướng Narendra Modi. Ba lãnh tụ Á Châu này đều có quần chúng của họ và năm nay sẽ lao vào một cuộc tranh đua với trục Nhật-Ấn sẽ ưu tiên vận động các quốc gia Đông Nam Á. Dù vướng bận vào hồ sơ Bắc Hàn, Hoa Kỳ vẫn nhập cuộc tại Đông Á với sự hỗ trợ của Úc.
- Vì vậy, cục diện 2018 mở ra cơ hội cho các nước Đông Nam Á trong khi ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là mâu thuẫn kinh tế và chính trị bên trong. Họ phải cải cách để tránh khủng hoảng tài chính, gia cư và môi sinh trong khi vẫn cần tái phân lợi tức cho các khu vực và thành phần cùng khốn để khỏi loạn. Nhu cầu cải cách đó khiến họ Tập sẽ tiếp tục thanh trừng những ai cưỡng chống và gây ra nhiều mối thù khác ở bên trong. Năm 2018 cho thấy Trung Cộng không mạnh như thiên hạ lầm tưởng mà chỉ là năm đầu của nhiều khó khăn tiếp nối…
Nguyên Lam: Khi phân tích tình hình Trung Quốc, hình như ông Nghĩa có cái nhìn khác truyền thông Tây phương và nói trước nhiều năm các biến cố xảy ra về sau này. Ông giải thích thế nào về sự kiện ấy mà nói trước năm 2018 chỉ là năm đầu của nhiều khó khăn tiếp nối?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chỉ theo dõi tình hình Trung Quốc từ đã lâu và tổng hợp được các dữ kiện kinh tế để đặt vào phương trình văn hóa chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh. Họ có thấy ra và nói tới các khó khăn ấy từ chục năm trước mà không giải quyết nổi và lại chồng chất thêm vấn đề mới, kể cả nạn tham nhũng mọc rễ trong cơ chế kinh tế chính trị. Năm năm qua, giới lãnh đạo chóp bu hiểu ra sự tình nên mới chấp nhận cho Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực sau các đợt thanh trừng đối thủ. Ngày nay, Trung Quốc có bộ máy chính trị độc tài tuyệt đối, nhưng trong khi biểu dương khí thế ra ngoài thì vẫn phải ưu tiên xử trí các bài toán nan giải bên trong. Cái nghịch lý nội/ngoại đó cho thấy ách độc tài duy ý chí khó khai thông những bế tắc kinh tế của một xứ quá lớn và có quá nhiều mâu thuẫn lẫn khác biệt. Những khó khăn kế tiếp từ năm nay sẽ lại thách đố quyền lực của Tập Cận Bình nên ông ta càng phải dựa vào công an và quân đội để dẹp nội loạn khi kế hoạch cải cách không đem lại thành quả chờ đợi. Việt Nam rất nên theo dõi chuyện ấy để thấy ra sự chọn lựa của mình.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích cuối năm và xin kính chúc quý thính giả một năm 2018 an lành và thịnh vượng.

Chẳng lẽ thiên hạ ngu hết cả?

Trân Văn Theo VOA-20/12/2017 
Biệt phủ Yên Bái của Phạm Sỹ Quý.
Biệt phủ Yên Bái của Phạm Sỹ Quý.
Những đề nghị, quyết định kỷ luật, thậm chí tống giam để điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự một cữu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN như ông Đinh La Thăng cho thấy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) vẫn tiếp tục xem hàng trăm triệu người Việt như một lũ đần!
***
Tuần rồi, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ Đảng CSVN công bố rộng rãi hàng loạt đề nghị kỷ luật đảng viên cao cấp, chẳng hạn ông Lê Phước Thanh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), ông Đinh Văn Thu (Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), ông Nguyễn Khánh Toàn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam)…
Đầu tuần này, từ đề nghị của Ủy ban Kiểm tra, Ban Bí thư của BCH TƯ Đảng CSVN đã quyết định tước bỏ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mà ông Phạm Văn Vọng đã… từng mang trước khi nghỉ hưu. Tước bỏ tất cả chức vụ trong Đảng CSVN của ông Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa).
Ông Thanh, ông Thu, ông Toàn, bị đề nghị kỷ luật, ông Vọng, ông Tuấn vừa bị kỷ luật đều vì lựa chọn, bổ nhiệm những (chứ không phải một) cá nhân mà bây giờ được xem là bất xứng. Ông Lê Phước Hoài Bảo (con ông Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư) hoặc bà Trần Vũ Quỳnh Anh (cựu Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, đã được “qui họach” làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa) chỉ là các ví dụ.
Những câu hỏi kiểu như:
- Tại sao lại dùng ngân khố trang trải cho ông Bảo du học ngoại quốc rồi lấy lý do ông Bảo có học vị thạc sĩ để bổ nhiệm ông làm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư (?), dù từ bé đến lớn, ông Bảo chỉ đi học và tuy chỉ là công chức trong một thời gian rất ngắn nhưng ông Bảo vẫn đủ khả năng làm chủ một trong những biệt thự sang trọng nhất ở thành phố Tam Kỳ?..
Dẫu tần suất kỷ luật lẫn mức độ “minh bạch” đều cao hơn hẳn so với trước nhưng con đường từ những sự kiện đó đến… nghiêm minh còn xa.
- Hay tại sao bà Trần Vũ Quỳnh Anh có thể “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” từ vị trí một tạp vụ đến vị trí lãnh đạo một trong những bộ phận quan trọng nhất của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, thậm chí đã được sắp xếp để trở thành một trong những lãnh đạo của sở này (?), rồi nguồn tiền nào giúp bà Quỳnh Anh sở hữu hàng loạt biệt thự, căn hộ sang trọng ở Thanh Hóa, Hà Nội, chưa kể những chiếc xe hơi trị giá hàng chục tỉ đồng (?), ai sắp xếp cho bà Quỳnh Anh nghỉ việc để hệ thống công quyền không thể truy cứu về nguồn gốc tài sản của bà Anh, ai tác động để Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trả lại toàn bộ hồ sơ công chức cho bà Quỳnh Anh, ai tổ chức để bà Quỳnh Anh ra ngoại quốc định cư để cuối cùng, chỉ có thể xác định trách nhiệm – kỷ luật một mình ông Tuấn?...
… giờ không cần phải trả lời nữa. Các đề nghị kỷ luật và các quyết định kỷ luật đã xóa toàn bộ những ván cờ gay cấn! Thực thi công lý mà chỉ nửa chừng thì nên gọi là gì?

***

Có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, đề nghị kỷ luật những Thanh, Thu, Toàn, Bảo,… hoặc quyết định kỷ luật những Vọng, Tuấn,… hay tống giam để điều tra, truy cứu trách nhiệm một số cá nhân như Đinh La Thăng và thuộc hạ… chỉ có một mục tiêu: Mị dân!
Sau khi Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ Đảng CSVN công bố đề nghị kỷ luật ông Thanh, ông Thu, ông Toàn vì lựa chọn, bổ nhiệm ông Bảo – con ông Toàn – làm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam vi phạm nghiêm trọng các qui định hiện hành, ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành ủy Hội An, bảo với báo giới rằng, “tổ chức Đảng cũng như từng cá nhân liên quan đến việc đề bạt ông Bảo không thể trốn tránh trách nhiệm” nên ông Sự - cựu Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam, người đã từng bỏ phiếu đề bạt ông Bảo, “sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng”. Ông Sự nhấn mạnh, sự liên đới về trách nhiệm là thứ “không thể chối bỏ được”.
Chẳng lẽ ông Chiến, bà Trà – những người đứng đầu hệ thống chính trị, điều khiển hệ thống công quyền ở Thanh Hóa, Yên Bái không bị chi phối bởi “qui định của Đảng”?
Bởi ông Sự đã nhắc đến “quy định của Đảng” thành ra nên nhắc lại một chút về các qui định này. Năm 1992, Bộ Chính trị của Đảng CSVN từng ban hành Quyết định 44/QĐ-TW về quản lý cán bộ. Theo quyết định này thì những cá nhân như Đinh La Thăng (cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM), Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương), Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) Lê Phước Thanh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam),… do Bộ Chính trị của Đảng CSVN quản lý. Những cá nhân như Nguyễn Khánh Toàn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam), Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Thanh Hóa),… do Ban Bí thư của BCH TƯ Đảng CSVN quản lý. Tuy nhiên cho đến giờ này, các cá nhân là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư vẫn tự xem là họ vô can.
Năm 2011, khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 của BCH TƯ Đảng khóa 11, ông Nguyễn Phú Trọng, lúc đó đã là Tổng Bí thư Đảng CSVN, nhấn mạnh “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị” là một trong ba “vấn đề cấp bách, cần làm ngay”.
Tuy nhiên chưa bao giờ, ông Trọng – nhân vật đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư Đảng CSVN từ năm 2011 và trước nay, vẫn được ca ngợi như cá nhân dẫn đầu công cuộc “chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng” - lên tiếng thừa nhận, đủ loại sai phạm nghiêm trọng mà những thành viên cao cấp của tổ chức chính trị do ông đứng đầu gây ra đối với chính trị, kinh tế, xã hội là trách nhiệm của cá nhân ông.
Scandal Trần Vũ Quỳnh Anh trên báo Đất Việt.
Scandal Trần Vũ Quỳnh Anh trên báo Đất Việt.
Chẳng lẽ ông Trọng hoàn toàn vô can trong việc ông Thăng ung dung bước vào Bộ Chính trị sau khi phá banh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trị giá 5 tỉ Mỹ kim, rồi biến các dự án phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT trở thành một nan đề chưa tìm ra lời giải? Chẳng lẽ ông Trọng không hề liên đới về trách nhiệm dẫu ông Vọng có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng lúc làm Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc nhưng vẫn được Bộ Chính trị điều động về BCH TƯ Đảng CSVN làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra – chuyên giám sát, thẩm tra việc thực thi các “qui định của Đảng”?
Đâu chỉ có ông Trọng và các thành viên khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những “ông” như Trịnh Văn Chiến (Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa), những “bà” như Phạm Thị Thanh Trà (bí thư Tỉnh ủy Yên Bái),… cũng vô sự. Cứ cho là công chúng “lệch lạc” khi nhận định ông Chiến mới là “nhân vật chính”, tạo ra scandal Trần Vũ Quỳnh Anh và bà Trà hoàn toàn “công tâm” khi bổ nhiệm em trai – kẻ từng bị bắt quả tang đánh bạc – làm Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái, tạo điều kiện cho em trai trở thành tỉ phú một cách bất minh, giờ có thể hợp pháp hóa hàng chục ngàn mét vuông đất đã thủ đắc bất hợp pháp,… song chẳng lẽ ông Chiến, bà Trà – những người đứng đầu hệ thống chính trị, điều khiển hệ thống công quyền ở Thanh Hóa, Yên Bái không bị chi phối bởi “qui định của Đảng”?
***
Rõ ràng là chưa bao giờ đảng viên cao cấp bị kỷ luật nhiều như hai năm gần đây. Dẫu tần suất kỷ luật lẫn mức độ “minh bạch” (liên tục phát hành “thông cáo báo chí”) đều cao hơn hẳn so với trước nhưng con đường từ những sự kiện đó đến… nghiêm minh còn xa.
Vậy thì việc đề nghị kỷ luật, kỷ luật hàng loạt đảng viên cao cấp, kể cả lần đầu tiên truy cứu trách nhiệm hình sự một cựu Ủy viên Bộ Chính trị rồi công bố rộng rãi nhằm mục đích gì? Cách nay hai tháng, ông Trọng từng tiết lộ lý do lúc phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12, tất cả nhằm làm “dân tin”, có như vậy thì “chế độ ta”, “đảng ta” mới… còn.
Cho rằng chỉ chừng đó mà đủ làm “dân tin” thì rõ ràng “chế độ ta”, “đảng ta” vẫn xem dân như một đám nhẹ dạ, dễ gạt!

Thêm một ‘thái tử Đảng’ bị cỗ máy ông Trọng ‘trảm’

Khánh An-VOA-19/12/2017  
Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa) được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư khi mới 30 tuổi.
 Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa) được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư khi mới 30 tuổi.
Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "xóa tên đảng" và hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm được cho là không đúng trước đó.
Đây được xem là vụ “trảm thái tử” nặng không thua gì vụ xử Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư tỉnh Đà Nẵng, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi. Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia chính trị Jonathan London, đây là một diễn tiến “không bất ngờ”.
Tiến sĩ Jonathan London, Giáo sư giảng dạy Kinh tế-Chính trị Á châu tại Đại học Leiden, Hà Lan, giải thích về nhận định trên:
“Trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam có hiện tượng là nhiều người còn khá trẻ đã được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong bộ máy. Nếu trước đây điều đó làm cho khá nhiều người bất ngờ, thì việc ngày nay những nhân vật đó rơi cũng là điều không bất ngờ bởi vì đó là hậu quả của những quyết định phản ánh mối quan hệ thân mật hơn là những tiêu chuẩn khách quan”.
Đề cập [giải quyết] những trường hợp như thế này là việc phải làm. Đó là một bước. Nhưng không thể được xem là giải pháp để giải quyết những khuyết điểm của thể chế nói chung.
TS. Jonathan London
Ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai của nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh.
Ông Bảo được xem là một trong những “hạt giống đỏ” trong danh sách các “thái tử Đảng” xuất hiện gần đây trong bộ máy chính trị Việt Nam, trong đó có Nguyễn Thanh Nghị, 41 tuổi, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Nguyễn Xuân Anh, 41 tuổi, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi.
Sau đại hội đảng 12 hồi đầu năm ngoái, Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Kiên Giang) và Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Đà Nẵng) trở thành hai ủy viên chính thức trẻ tuổi nhất của Bộ Chính trị và cũng là các bí thư tỉnh trẻ tuổi nhất. Còn Lê Phước Hoài Bảo là tỉnh ủy viên trẻ nhất, với quan lộ “thần tốc”, leo lên chức Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam chỉ trong vòng 5 tháng, khi mới 30 tuổi.
Sau khi công chúng thắc mắc về việc bổ nhiệm ông Bảo, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra và kết luận việc bổ nhiệm này là “đúng quy trình”.
Tiếp theo vụ ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy và các chức vụ khác hồi đầu tháng 10, quyết định “xóa tên đảng” và tước chức vụ của ông Lê Phước Hoài Bảo được công luận chú ý và xem đây là một động thái “mạnh tay”, theo chiều hướng thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhận định về chiến dịch này, Tiến sĩ Jonathan London cho rằng việc xử những vụ cụ thể như hiện nay tuy quan trọng nhưng không phải là giải pháp để khắc phục “lỗi hệ thống” tại Việt Nam.
Ông nói: “Đề cập [giải quyết] những trường hợp như thế này là việc phải làm. Đó là một bước. Nhưng không thể được xem là giải pháp để giải quyết những khuyết điểm của thể chế nói chung”.
Nguyên Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, một trong những "hạt giống đỏ" bị kỷ luật gần đây.
Nguyên Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, một trong những "hạt giống đỏ" bị kỷ luật gần đây.
Riêng với các “hạt giống đỏ”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ủy viên cao tuổi nhất (72 tuổi) trong danh sách ủy viên Bộ Chính trị, đã không quên đề cập đến họ trong phát biểu tại đại hội Đảng hồi năm ngoái. Ông Trọng nói: “Còn nhiều việc phải làm, cố gắng tạo điều kiện anh em trẻ làm lãnh đạo”, theo báo Đất Việt.
Trong số những gương mặt lọt vào danh sách quyền lực của khóa 12 còn có ông Đinh La Thăng, người được “đề cử thêm” ngoài danh sách đã được Ban chấp hành Trung ương khóa trước chuẩn bị.
Ngày 8/12, ông Thăng bị khởi tố liên quan đến một “đại án” tham nhũng được cho là phức tạp chưa từng có tại Việt Nam.
Cho đến nay, hàng loại quan chức cấp cao đã bị bắt, khởi tố và kỷ luật trong vụ này, bao gồm nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng- nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và nhiều người khác.

Việt Nam bán Sabeco là mất ‘gà đẻ trứng vàng’?

VOA Tiếng Việt-19/12/2017  
Việt Nam bán thành công hơn 53% cổ phần doanh nghiệp nhà nước Sabeco cho một nhà đầu tư Thái
 Việt Nam bán thành công hơn 53% cổ phần doanh nghiệp nhà nước Sabeco cho một nhà đầu tư Thái
Nhà nước Việt Nam dự kiến thu về 4,8 tỉ đôla từ việc bán hơn 53% cổ phần của công ty Sabeco cho một nhà đầu tư Thái Lan, theo tin tức trên báo chí Việt Nam mới đây. Một số nhà quan sát và chuyên gia kinh tế đã mang việc bán Sabeco ra so sánh với việc bán đi ‘con gà đẻ trứng vàng’ để bình luận về giao dịch này.
Trong phiên đấu giá hôm 18/12 do Bộ Công thương tổ chức, công ty Vietnam Beverage thuộc sở hữu gián tiếp của nhà đầu tư Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lô 343,66 triệu cổ phiếu của Sabeco với tổng giá trị lên đến gần 110 nghìn tỉ đồng.
Sabeco, với tên đầy đủ là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, hiện chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5 nghìn 700 tỉ đồng năm 2016, theo các công ty nghiên cứu thị trường.
...nếu như chúng ta cứ bán như vậy, các con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam sẽ được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài, và lúc bấy giờ lãi làm ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng nhiều hơn chúng ta.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét việc bán một lượng rất lớn cổ phiếu Sabeco với giá cao hơn đáng kể giá chào ban đầu và giao dịch diễn ra mau lẹ “có thể xem là một thành công”, xét về mặt kỹ thuật trong quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói có một khía cạnh “cần rút kinh nghiệm” từ giao dịch này:
“Sabeco là một con gà đẻ trứng vàng mà [Việt Nam] chúng ta lại bán cho nhà đầu tư Thái Lan lên đến tỉ lệ 53%, làm cho nhà đầu tư Thái Lan sẽ có thế thượng phong trong việc điều hành doanh nghiệp này, là điều cần rút kinh nghiệm. Bởi vì nếu như chúng ta cứ bán như vậy, các con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam sẽ được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài, và lúc bấy giờ lãi làm ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng nhiều hơn chúng ta”.
Trong một báo cáo trước quốc hội Việt Nam hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay tính đến hết tháng 8, chính phủ đã hoàn thành cổ phần hóa 18 doanh nghiệp nhà nước và ước tính cả năm 2017 có thể hoàn thành cổ phần hóa tổng cộng 38 doanh nghiệp nhà nước.
Cổ phần hóa là thuật ngữ nhà nước Việt Nam dùng để chỉ việc tư nhân hóa một phần hoặc đa phần một doanh nghiệp nhà nước.
Trong danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có những tên tuổi hàng đầu như Vinamilk, 3 thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), 1 thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đối với các hãng sản xuất hàng tiêu dùng thông thường như Vinamilk hay Sabeco, Tiến sĩ Doanh nói việc cổ phần hóa là “có thể hiểu được”:
“Các doanh nghiệp như là bia hay sữa không phải là các doanh nghiệp có ý nghĩa chiến lược đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Đấy là các doanh nghiệp có lãi nhưng hoàn toàn có tính chất thương mại và phục vụ trong một thị trường bây giờ đã hội nhập sâu và phải cạnh tranh quốc tế”.
Theo một số hãng nghiên cứu thị trường, trích dẫn số liệu của chính các công ty liên quan, hết năm 2016, dù Sabeco nắm giữ thị phần hơn 40% so với 25% của Heineken Việt Nam song lợi nhuận trước thuế của Sabeco chỉ bằng 60% của con số gần 9 nghìn 500 tỉ đồng mà Heineken đạt được.
Nếu họ thay đổi thương hiệu, có lẽ người Việt Nam sẽ không ưa chuộng nhãn hiệu bia mới, và có thể thị phần của họ sẽ giảm, và giá trị cổ phiểu của họ sẽ giảm sút. Điều ấy các nhà đầu tư Thái Lan sẽ phải tính toán trước khi họ hành động.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Sau phiên đấu giá hôm 18/12, một số người nêu lên băn khoăn liệu khi Sabeco thuộc về nhà đầu tư Thái, điều này có đồng nghĩa với thương hiệu bia Sài Gòn sẽ biến mất và bị thay thế bằng sản phẩm mang thương hiệu Thái? Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng điều đó là một khả năng có tính thực tiễn cao, nhưng ông chủ mới của hãng sẽ phải rất cân nhắc trước khi làm như vậy:
“Nếu họ thay đổi thương hiệu, có lẽ người Việt Nam sẽ không ưa chuộng nhãn hiệu bia mới, và có thể thị phần của họ sẽ giảm, và giá trị cổ phiểu của họ sẽ giảm sút. Điều ấy các nhà đầu tư Thái Lan sẽ phải tính toán trước khi họ hành động”.
Chưa có thông tin chính thức từ chính phủ Việt Nam về việc số tiền 4,8 tỉ đôla thu được sau giao dịch bán cổ phần Sabeco sẽ được nộp vào đâu và quản lý như thế nào.
Một số chuyên gia theo dõi cổ phần hóa ở Việt Nam dẫn Luật Ngân sách và Nghị định 126 của năm 2017 đưa ra tiên liệu rằng số tiền đó có thể chảy về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, một phần do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước quản lý, bên cạnh đó là nộp vào ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương.
Hồi tháng 5, báo chí Việt Nam cho hay chính phủ muốn cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước lớn nhỏ vào năm 2020. Số tiền thu về cho ngân sách nhà nước từ quá trình này có thể lên đến khoảng 11 tỷ đôla, tương đương hơn 10% tổng nợ công quốc gia.

Làm gì làm, phải ‘nắm’ cho được Công An

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-20/12/2017  
 Cung đường dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn xa?
Từ cảnh “nước mắt rơi vào lịch sử” đầy não nuột trước Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012 đến lệnh bắt chấn động đối với Đinh La Thăng vào cuối năm 2017, quyền lực thực tế của Nguyễn Phú Trọng đã sải một bước đủ dài để khiến ông không có đối thủ chính trị, ít ra cho tới khi kết thúc năm 2017.

3 lần thăng hoa sau 5 năm nhòa nhạt

Nhưng cái bước sải dài ấy lại trở nên ngắn ngủn nếu so sánh với “Vạn Lý Trường Thành” ở Trung Quốc: trở thành tổng bí thư đảng vào năm 2012 và còn sau Nguyễn Phú Trọng một năm, nhưng ngay trong năm đó Tập Cận Bình đã hạ gục một ủy viên bộ chính trị là Bạc Hy Lai. Còn Nguyễn Phú Trọng phải mất đến hơn 6 năm mới quyết định được số phận một đàn em của “anh Ba Dũng”.
Trong 6 năm đó, Nguyễn Phú Trọng đã có ba lần thăng hoa.
Sau 5 năm hoàn toàn mờ nhạt trong lịch sử chính trị và thậm chí còn trở nên khốn đốn vào Hội nghị trung ương 10 đầu năm 2015 tại sự kiện “bỏ phiếu tín nhiệm tổng bí thư”, Nguyễn Phú Trọng đã chỉ thật sự vươn lên mạnh mẽ bằng chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Tuy nhiên, chiến thắng trên là không thể trọn vẹn, bởi dù Nguyễn Tấn Dũng rốt cuộc đã chấp nhận rút lui để trở về làm “người tử tế”, vẫn còn ít ra ba nhân vật còn lâu mới được dư luận xem là tử tế - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, cựu phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và cựu bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng, đều được xem là tay mặt tay trái của “Anh Ba Dũng” - lọt vào tận đầu não Bộ Chính trị.
Trước bức tranh lồ lộ “kẻ về, người lên” như thế, không thiếu dư luận đã cho rằng giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã có một thỏa thuận ngầm nào đó để Nguyễn Tấn Dũng chịu rút, rút trong an toàn và đặc biệt còn rút trong thế vẫn “cài cắm” người của mình trong Bộ Chính trị.
Để sau đó là “đảng chỉ huy súng” - như Tập Cận Bình đã tập quyền đến mức tối thượng ở Trung Quốc.
Di chứng để lại thật phiền toái. Loay hoay phải mất đến gần một năm rưỡi sau lần thăng hoa đầu tiên, vào tháng 5/2017, Nguyễn Phú Trọng mới hạ được Đinh La Thăng và đưa Thăng về Ban Kinh tế trung ương để “nhốt chung quyền lực vào lồng” cùng với kẻ phụ trách ban này là Nguyễn Văn Bình. Tuy thế, cho tới khi đó Đinh La Thăng mới chỉ bị loại khỏi Bộ Chính trị và ghế bí thư thành ủy TP.HCM, nhưng vẫn giữ được chức trung ương ủy viên.
Nếu tại sự kiện “Dũng rút”, người ta có thể tạm lý giải theo hướng một thỏa thuận ngầm giữa các chóp bu với nhau, thì với trường hợp Đinh La Thăng mất ghế Bộ Chính trị, người ta có thể tự hỏi vì sao Nguyễn Phú Trọng lại không nhân đà kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về trách nhiệm của Đinh La Thăng thời còn là chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia là “rất nghiêm trọng”, cùng Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 để chấm dứt luôn ghế ủy viên trung ương đảng của Thăng và bắt Thăng, mà phải chờ dến cuối năm 2017, thậm chí sau cả Hội nghị trung ương 6, mới làm được điều đó.
Đã có một cái gì đó, như một trục trặc hay sức cản đủ lớn, đối với Nguyễn Phú Trọng trong khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Mười Hai năm 2017 mà khiến ông Trọng không đủ sức bắt Thăng.

Bắt đầu “nắm” được Bộ Công an

Khác với ý muốn kỷ luật đảng sẽ được thực thi tức thì bởi các cơ quan đảng như Ủy ban Kiểm tra trung ương và đảng ủy khối, ban cán sự đảng, ý đồ bắt bớ trong nội bộ lại phải tuân thủ theo cơ chế hành pháp và tư pháp, chứ không phải cơ quan đảng ở Việt Nam có quyền bắt người ngang xương và tống vào nhà tù riêng của đảng như ở Trung Quốc.
Muốn bắt người thì phải có người đi bắt.
Người đi bắt chính là Bộ Công an.
Để làm cho chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đạt đến hiệu quả không phải khẩu hiệu hay báo cáo mà có thể đo đếm được, cơ quan quan trọng nhất là Bộ Công an.
Chí ít cũng phải là Cơ quan cảnh sát điều tra của bộ này, nếu không muốn nói cả Cơ quan an ninh điều tra.
Tập Cận Bình đã đẩy hơn 80 quan chức trung cao ở Trung Quốc vào kết cục buộc phải tự sát - nhảy lầu, thắt cổ, uống thuốc độc…
Ủy ban Kiểm tra trung ương của Trần Quốc Vượng - mặc dù đã được Tổng bí thư Trọng khen “làm việc gì ra việc đó” và còn cho ông Vượng đặc cách trở thành “thành viên thường trực ban bí thư”, nhưng chắc chắn bề dày của cơ quan này cũng như cá nhân Trần Quốc Vượng còn quá mỏng so với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Vương Kỳ Sơn trước đây và Triệu Lạc Tế hiện thời ở Trung Quốc - cơ quan mà không ít lần Tổng bí thư Trọng đã dẫn đoàn Việt Nam sang “học tập kinh nghiệm” và còn có thể đã thỏa thuận bí mật với nhau về những công việc nào đó để “trị đảng” lẫn “trị quân”.
Một cách đương nhiên, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban nội chính trung ương và cả Tổng cục 2 quốc phòng không thể thay thế được Bộ Công an.
Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 10/2016, Tổng bí thư Trọng đã “tự cơ cấu” vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương, tự nguyện làm cấp dưới của Bí thư đảng ủy công an trung ương là Tô Lâm.
Tuy nhiên phải mất đến một năm sau từ thời điểm trên, mới có dấu hiệu Nguyễn Phú Trọng “nắm” được Bộ Công an, mà minh chứng rõ ràng nhất là việc Bộ Công an “nhất trí” thi hành lệnh bắt Đinh La Thăng của tổng bí thư.
Đã đến lúc Nguyễn Phú Trọng xem mình là một Tập Cận Bình của VIệt Nam?
Đã đến lúc Nguyễn Phú Trọng xem mình là một Tập Cận Bình của VIệt Nam?
Vụ bắt Đinh La Thăng không chỉ phá vỡ tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam” trước đây, không chỉ mở màn cho chiến dịch “chống tham nhũng giai đoạn 2” của Tổng bí thư Trọng, không chỉ khiến một số văn nghệ sĩ một lần nữa ca tụng ông Trọng ngút trời như “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”, “Minh quân”…, mà còn đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc đời hơn 6 năm làm tổng bí thư của mình, Nguyễn Phú Trọng bắt đầu “nắm” được Bộ Công an.
Đến lúc này, Nguyễn Phú Trọng đã có thể tự so sánh vị thế của mình với Tập Cận Bình.

“Bản lĩnh Nguyễn Phú Trọng”?

Sức mạnh trong cuộc chiến vừa chống tham nhũng vừa thanh trừng phe phái của Tập Cận Bình không chỉ thể hiện bằng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương mà còn nằm ở Bộ Công an Trung Quốc - nơi nắm rất nhiều hồ sơ của giới quan chức nhận hối lộ.
Đến lúc này, Nguyễn Phú Trọng đã có thể tự so sánh vị thế của mình với Tập Cận Bình.
Nguyễn Phú Trọng liệu có làm được như Tập Cận Bình? Hoặc chí ít cũng được một góc của Tập? Liệu có diễn ra một “cuộc chiến chống tham nhũng long trời lở đất” như ở Trung Quốc từ năm 2012 đến nay?
Đó vẫn là một dấu hỏi lớn đối với điều được xem là “bản lĩnh Nguyễn Phú Trọng”.
Tập Cận Bình đã đẩy hơn 80 quan chức trung cao ở Trung Quốc vào kết cục buộc phải tự sát - nhảy lầu, thắt cổ, uống thuốc độc… Trong khi đó ở Việt Nam vẫn chỉ có rất ít quan chức tham nhũng - cấp thấp chứ chưa hề có cấp cao - buộc phải “quyên sinh” trong những năm qua.
Trong trường hợp Nguyễn Phú Trọng chinh phục hoàn toàn được Bộ Công an và tạo được một gạch nối hoàn hảo giữa bộ này với Ủy ban Kiểm tra trung ương cùng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, chủ trương “chống tham nhũng” của ông Trọng, cho dù chỉ “chống tham nhũng một bên” hay nhắm tới mục tiêu tập quyền cao độ, sẽ không gặp phải những lực cản đáng kể từ “nhóm tham nhũng thời kỳ trước” - tức nhóm “Anh Ba X”, để sau trận hạ “thành trì” Đinh La Thăng, sẽ khó còn một bức thành nào dựng lên trước mặt Nguyễn Phú Trọng trên cung đường dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức cao cấp khác.
Để sau đó là “đảng chỉ huy súng” - như Tập Cận Bình đã tập quyền đến mức tối thượng ở Trung Quốc.
Nhưng nếu không thể “nắm” được Bộ Công an một cách trọn vẹn, đó không chỉ là một lỗ hổng cục bộ mà còn có thể trở thành một thất bại chiến lược của Nguyễn Phú Trọng, mà rất có thể đe dọa đến tương lai “ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi” của ông.

‘Tử huyệt’ của Nguyễn Phú Trọng ở đâu?

Lê Anh Hùng
Theo VOA-20/12/2017  
Nguyễn Phú Trọng (phải) và 'tử huyệt' của mình: Hoàng Trung Hải.
Nguyễn Phú Trọng (phải) và 'tử huyệt' của mình: Hoàng Trung Hải.
Vụ Phó ban Kinh tế Trung ương Đinh La Thăng bị bắt ngày 8/12 là một sự kiện chấn động dư luận. Lần đầu tiên, kể từ khi cộng sản lên nắm quyền tại Việt Nam năm 1945 đến nay, một (cựu) uỷ viên Bộ Chính trị bị khởi tố và tống giam.
Chính trường Việt Nam xưa nay vốn vô cùng phức tạp. Vậy nên, dù bề ngoài thì vụ việc này được xem như bằng chứng cho thấy “quyết tâm” của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” “made in Việt Nam” do chính ông ta phát động, nhưng đằng sau đấy có lẽ không nhiều người nghĩ đơn giản như thế.
Ở Việt Nam, tham nhũng là vấn đề mang tính hệ thống, hay theo cách gọi của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, đó là “lỗi hệ thống”. Nghĩa là, nếu không cải cách hệ thống thì việc chống tham nhũng chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”. Bộ máy càng phòng chống, tham nhũng càng sinh sôi nẩy nở.
Thực tế Việt Nam bảy năm qua dưới thời TBT Nguyễn Phú Trọng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho chân lý đó. Cảm nhận “tinh thần” của những câu phát ngôn như “Kỷ luật mà không tính kỹ, mai kia lại ân oán, thù oán, đối phó thành phe phái, làm rối nội bộ, có nên không” hay “Không phải kỷ luật nhiều là thành công, cốt là đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công”, người ta lại càng khó tin là đương kim TBT Đảng CSVN thực tâm chống tham nhũng, khi mà cải cách vẫn là một khái niệm vô cùng lạ lẫm đối với ông ta.
Nguyễn Phú Trọng không phải không có “tử huyệt”, mà “tử huyệt” của ông ta quá ư nhạy cảm, đến mức đủ sức xô đổ cả hệ thống.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu không vì mục đích chống tham nhũng thì vì sao Nguyễn Phú Trọng lại bắt Đinh La Thăng, điều mà ông ta đã muốn thực hiện ngay tại Hội nghị Trung ương 6 thượng tuần tháng 10/2017, qua một số nguồn tin cũng như bầu không khí chính trị trước thềm hội nghị?
“Khúc củi” bự dễ “bắt lửa”
Khi được các phe nhóm quyền lực trong đảng thống nhất lựa chọn như là giải pháp khả dĩ nhất để gạt bỏ ứng cử viên số 1 lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng đã cam kết là chỉ tại vị trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XII.
Tuy nhiên, tham vọng của ngài TBT không dừng lại ở đó mà, với sự hậu thuẫn hết mình của Bắc Kinh, ông ta muốn tiếp tục ngự trên “ngôi báu” chí ít là đến hết nhiệm kỳ. Kết quả là hai ứng cử viên sáng giá nhất Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang lần lượt bị loại ra khỏi cuộc chơi, khi kẻ thì phải đi “chữa bệnh”, người thì dính vào vụ Trịnh Xuân Thanh.
“Noi gương” ông chủ Trung Nam Hải Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng muốn sử dụng chiêu bài “chống tham nhũng” để các đối thủ còn lại chỉ lo giữ cái ghế hiện tại của mình cũng đã khó, chứ đừng nói đến chuyện “tranh đấu” với ông ta để trở thành chủ nhân khu nhà 1A Hùng Vương. Nghĩa là, nếu cầm chịch được cuộc chơi, ngay cả khi buộc phải rời khỏi ngôi vị Tổng Bí thư, ông ta cũng rộng đường lựa chọn người kế nhiệm theo ý chỉ của quan thầy Bắc Kinh.
Trong khi đó, Đinh La Thăng lại là kẻ “ăn tàn phá hại” bậc nhất trong bộ máy, khó ai sánh nổi, với những sai phạm phải nói là rõ rành rành, từ thời còn làm Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, trước khi trở thành Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rồi Bộ trưởng Giao thông - Vận tải. Thế nên, sau khi bị gạt ra khỏi Bộ Chính trị, Đinh La Thăng đã trở thành một “khúc củi” bự không chỉ dễ bắt lửa, mà còn đánh trúng tâm lý của một công chúng vốn xưa nay vẫn nghi ngờ quyết tâm chống tham nhũng của người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Đầu mối cực kỳ quan trọng
Đinh La Thăng là kẻ từng một thời gian dài nắm giữ những hầu bao rủng rẻng nhất trong bộ máy, từ vai trò Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho đến Bộ trưởng Giao thông - Vận tải.
Sông Đà là tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam; PVN thì được ví như “con bò sữa” của nền kinh tế; còn Bộ GTVT lại là bộ ngốn nhiều vốn đầu tư từ ngân sách nhất.
Xuất thân là một kế toán viên, hơn ai hết Đinh La Thăng nắm rõ “đường đi nước bước” của những đồng tiền tham nhũng, với quy mô lên đến hàng tỷ USD. Và rõ ràng là khó ai trong cái hệ thống “tham nhũng từ trong trứng nước” này đủ sức cưỡng lại được những “tờ xanh” đầy “ma lực” đó. (Một hệ thống vận hành dựa trên tham nhũng thì bất cứ ai không tham nhũng sớm muộn gì cũng bị gạt ra khỏi guồng máy.)
“Truyền nhân” của “đồng chí X”
Trong bài “Cuộc đấu Nguyễn Phú Trọng - Đinh La Thăng: chiêu trò mới của Bắc Kinh?”, chúng tôi đã chỉ ra rằng, Đinh La Thăng chính là “con bài” khả dĩ nhất của Bắc Kinh để thay thế cho Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được LS Cù Huy Hà Vũ ví là “điệp viên hoàn hảo” của Trung Quốc.
“Đồng chí X” – kẻ từng bị Hoàng Trung Hải gài bẫy rồi khống chế và thao túng – chính là người đã giới thiệu Đinh La Thăng đã vào Bộ Chính trị.
Thiết tưởng điều này không có gì quá khó hiểu. Đinh La Thăng từng được coi như “đệ tử ruột” của “đồng chí X”. Đó là thực tế mà có lẽ không mấy ai không biết. Đặc biệt, Đinh La Thăng còn nằm dưới trướng Hoàng Trung Hải suốt hơn 10 năm (từ ngày 5/10/2005 đến ngày 5/2/2016), khi ông ta làm Chủ tịch PVN rồi Bộ trưởng GT-VT, còn đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội thì làm Bộ trưởng Công nghiệp (bộ chủ quản PVN) rồi Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí và Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải từ năm 2007 đến 2016. Ngần ấy năm phục tùng hai “con bài” quan trọng nhất của Bắc Kinh ở Việt Nam mà một kẻ “ăn tàn phá hại” như Đinh La Thăng không bị các ông chủ Trung Nam Hải “nắm gáy” thì mới là chuyện khó tin. (“Đồng chí X” – kẻ từng bị Hoàng Trung Hải gài bẫy rồi khống chế và thao túng – chính là người đã giới thiệu Đinh La Thăng đã vào Bộ Chính trị. Và cũng giống như “quan anh” chuyên “nói một đàng làm một nẻo” của ông ta, thời gian Đinh La Thăng làm Bí thư Thành uỷ, tình hình dân chủ - nhân quyền Sài Gòn thậm chí còn tồi tệ hơn cả dưới thời Lê Thanh Hải, một nhân vật vốn đã cực kỳ sắt máu.)
Không khó hình dung, để có thể loại bỏ Trần Đại Quang, thủ lĩnh nhóm chống Trung Quốc trong bộ máy, Bắc Kinh đành chấp nhận rủi ro với con bài Đinh La Thăng. Kết cục là sau khi Trịnh Xuân Thanh chuồn khỏi Việt Nam, dưới áp lực của các đối thủ, Nguyễn Phú Trọng buộc phải kỷ luật Đinh La Thăng ở mức độ vừa đủ để vô hiệu hoá “con bài” nguy hiểm này của Bắc Kinh, vừa không đẩy vụ việc đi xa đến mức “cháy lan” sang các đối thủ của ngài TBT. (Sau Đại hội XII, không phải Nguyễn Phú Trọng mà chính Trần Đại Quang mới được coi là nhân vật quyền lực nhất Việt Nam.) Ngoài ra, lựa chọn này cũng cho phép ông ta tiếp tục hy vọng sử dụng thanh “bảo kiểm” mang tên Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để phục vụ cho tham vọng quyền lực cá nhân.
Đinh La Thăng (phải) từng là "ngôi sao đang lên" của chế độ.
Đinh La Thăng (phải) từng là "ngôi sao đang lên" của chế độ.
Bàn cờ thế trên chính trường Việt Nam lúc này xem ra đã trở nên dễ đoán định hơn: Chừng nào Nguyễn Phú Trọng còn làm chủ cuộc chơi quyền lực, chừng đó Đinh La Thăng còn phải biết “khai” những gì mà ngài TBT mong muốn, bởi điều ấy không chỉ giúp cặp bài trùng Hoàng Trung Hải – Nguyễn Phú Trọng khống chế các đối thủ, mà còn giúp ngài cựu Bí thư Sài Gòn tự bảo vệ mình. (Nói “chừng nào” là bởi Nguyễn Phú Trọng không phải không có “tử huyệt” mà chỉ là do “tử huyệt” của ông ta quá ư nhạy cảm, nhạy cảm đến mức đủ sức xô đổ cả hệ thống: đó là Hoàng Trung Hải, kẻ quá thân với Bắc Kinh).
Phải chăng là nhờ vậy mà vị thế cặp bài trùng này bỗng nhiên “nổi” hẳn lên. Ngài TBT được Chính phủ mời tham dự hội nghị trực tuyến với các địa phương vào ngày 28/12, sự kiện chưa từng có từ trước tới nay. Trong khi đó, sau một thời gian khá chìm lắng, “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải lại bất ngờ xuất hiện trong Đoàn Chủ tịch Đại hội Hội Cựu Chiến binh Việt Nam lần thứ VI hôm 14/12, một vị trí vừa không phù hợp với cương vị của ông ta, vừa là sự lăng nhục đến mức không còn từ ngữ nào để mô tả đối với hàng triệu người đã đổ xương máu vì non sông đất nước.