Friday, March 15, 2019

Dân Thái Nguyên đòi dỡ trạm BOT Bờ Đậu ‘hút máu dân’

Xe hơi dán băng rôn phản đối BOT Bờ Đậu. (Hình: VTC News)
THÁI NGUYÊN, Việt Nam (NV) – Một lần nữa, hàng trăm người dân ở Thái Nguyên đã dùng xe hơi, xe gắn máy với nhiều băng rôn, khẩu hiệu đòi dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu đặt sai vị trí.
Theo tin VTC News, chiều 14 Tháng Ba, 2019, hàng trăm người dân ở Thái Nguyên đi bằng xe hơi, xe gắn máy với nhiều băng rôn, khẩu hiệu xuất phát từ thị trấn Giang Tiên (huyện Phú Lương) đi theo quốc lộ 3, qua trạm BOT Bờ Đậu để đến Ban Tiếp Công Dân của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Nguyên.
Mục đích của đoàn người biểu tình là muốn Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Nguyên trả lời đơn thỉnh nguyện có hơn 10,000 chữ ký của người dân yêu cầu dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu đặt sai vị trí từ năm 2017, vì “đường quốc lộ 3 là đường đã có sẵn cả trăm năm nay thì hà cớ gì lại đặt trạm BOT để thu phí, hút máu dân?”
“Chúng tôi không đồng tình với việc đặt trạm BOT tại đây, vì ngày nào chúng tôi cũng phải qua lại nơi này rất nhiều lượt. Cứ thu phí như vậy thì chúng tôi không có tiền để nộp,” chị Thanh, một người dân, cho hay.
Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu xuất phát, đoàn diễu hành đã bị lực lượng công an chặn đường yêu cầu dỡ bỏ hết các băng rôn khẩu hiệu vì cho rằng “vi phạm pháp luật.” Sự việc khiến hàng trăm người dân tức giận chống đối quyết liệt.
Sau những tranh cãi, để không bị cản trở việc đi đến trụ sở Ban Tiếp Công Dân của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Nguyên, đoàn diễu hành đã tạm nhượng bộ dỡ bỏ các băng rôn gắn trên nhiều xe hơi.
Chị Trần T., một người tham gia biểu tình, tức giận cho biết, việc cá nhân mình phản đối trạm thu phí BOT Bờ Đậu đặt sai vị trí là quyền lợi chính đáng của một công dân. Chị chỉ mong muốn các cấp lãnh đạo “xem xét giải quyết yêu cầu của người dân, tránh tình trạng không đi đường BOT mà phải đóng phí.”
Trong khi đó, chị Nguyễn H. cho biết cụ thể, gia đình chị làm ngành vận tải, mỗi năm đóng phí đường bộ tới 140 triệu đồng (hơn $6,000), giờ mà trạm thu phí BOT Bờ Đậu hoạt động thì gia đình sẽ phải mất thêm hơn 1 tỷ đồng (hơn $43,100) tiền phí BOT rất vô lý, có thể sẽ dẫn tới phá sản.
Đây không phải là lần đầu tiên BOT Bờ Đậu bị người dân phản đối quyết liệt như vậy. Thế nhưng, khác với hồi năm 2017 chỉ yêu cầu miễn giảm, lần này người dân ở Thái Nguyên muốn dỡ bỏ hẳn trạm thu phí này để người dân không phải chịu thiệt hại vô lý. (Tr.N)

Cướp đất của dân, trưởng Ban Dân Vận huyện bị bắt

Khu đất ông Hùng “tham mưu” cho lãnh đạo huyện ký thu hồi ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. (Hình: Báo SGGP)
BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Trong cương vị lãnh đạo chuyên lo về quản lý đất đai và môi trường, thay vì làm việc “ích nước, lợi dân” thì ông trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Tuy Phong, lại bày mưu cướp đất của người dân để trục lợi.
Ngày 15 Tháng Ba, 2019, Công An huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) cho biết đã ra lệnh khởi tố, khám xét nơi ở và làm việc, đồng thời bắt tạm giam bốn tháng ông Võ Việt Hùng, trưởng Ban Dân Vận Huyện Ủy Tuy Phong, để điều tra về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai.”
Theo báo Lao Động, trước khi giữ chức trưởng Ban Dân Vận Huyện Ủy Tuy Phong hồi Tháng Mười, 2017, ông Hùng đảm nhiệm chức vụ trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Tuy Phong.
Trong thời gian giữ chức vụ trưởng phòng, ông Hùng đã có văn bản “tham mưu” cho lãnh đạo ủy ba huyện ký quyết định trái luật thu hồi 60 hécta đất ở khu Hố Quan, xã Phú Lạc, trị giá hàng trăm tỷ đồng của ông NHV (ngụ Đồng Nai) trong khi ông này hoàn toàn không hay biết.
Sau đó, ông Hùng tiếp tục “tham mưu” cho lãnh đạo huyện ký tiếp giấy phép cho một số cá nhân ở Sài Gòn thuê lại số đất đã cướp của người dân nói trên, nhằm trục lợi cá nhân.
Cùng ngày, Cơ Quan Công An Điều Tra huyện Tuy Phong cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Hồ Minh, chuyên viên Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Tuy Phong, về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai.”
Ông Minh chính là người trực tiếp thực hiện các thủ tục, giải quyết hồ sơ và xúi ông Hùng ký các văn bản “tham mưu” lại cho ủy ban huyện Tuy Phong ký giấy cho thuê số diện tích đất cướp trái luật của người dân. (Tr.N)

Ăn thịt ‘bẩn’ trong trường mầm non, nhiều cháu bé bị nhiễm sán lợn

Các cha mẹ có con em học ở trường Mầm Non Thanh Khương đưa con đi xét nghiệm sán lợn. (Hình: Trí Thức Trẻ)
BẮC NINH, Việt Nam (NV) – Qua xét nghiệm hàng trăm mẫu máu của học sinh trường mầm non ở huyện Thuận Thành, bệnh viện đã tìm thấy 62 cháu bị nhiễm sán lợn.
Chiều 15 Tháng Ba, 2019, nói với báo chí Việt Nam, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương, cho biết từ ngày 12 đến 15 Tháng Ba, có tổng 230 trẻ tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được gia đình đưa tới bệnh viện khám, xét nghiệm sán lợn. Kết quả cho thấy có 44 mẫu nhiễm sán lợn.
“Đây không phải là bệnh cấp tính, do đó các phụ huynh nên bình tĩnh. Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất một ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất hai tuần,” ông Kính trấn an.
Trong khi đó, theo Tiến Sĩ Bùi Vũ Huy, trưởng Khoa Nhi, Bệnh Viện Nhiệt Đới Trung Ương, từ 7 giờ sáng ngày 15 Tháng Ba, hàng trăm trẻ từ 1 đến 10 tuổi cùng ở huyện Thuận Thành, đã được gia đình đưa đến bệnh viện để làm xét nghiệm xem có bị nhiễm sán lợn hay không.
Theo các bác sĩ, hầu hết các cháu tỉnh táo, một vài cháu đau bụng, mẩn ngứa hoặc có rối loạn tiêu hóa. Những bệnh nhi có biểu hiện bất thường được các bác sĩ ưu tiên khám trước, làm thêm xét nghiệm.
Chiều cùng ngày, Viện Sốt Rét Ký Sinh Trùng Trung Ương cũng công bố kết quả xét nghiệm của 135 trường hợp trẻ ở Bắc Ninh, trong đó tìm thấy 13 mẫu dương tính với bệnh sán lợn.
Như vậy, từ ngày 12 đến 15 Tháng Ba, qua xét nghiệm hàng trăm mẫu máu, hai cơ sở nêu trên đã phát hiện 62 cháu từ 1 đến 10 tuổi nhiễm sán lợn và đều ở tỉnh Bắc Ninh.
Ông Vũ Thanh K. (trú tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành) có con là cháu Vũ Đăng L.A. (6 tuổi) có kết quả dương tính với sán lợn cho biết, cách đây khoảng 4-5 ngày gia đình nhận tin về việc có một cháu trong trường Mầm Non Mao Điền bị ốm, đi kiểm tra sức khỏe ở Hà Nội có kết quả dương tính với sán lợn.
Sau đó, gia đình lo lắng đã cùng với hàng trăm gia đình khác đưa các cháu đi xét nghiệm theo.
“Lúc cầm giấy kết quả xét nghiệm cháu có kết quả dương tính với sán heo, tôi rất bất ngờ, không biết phải chữa trị cho cháu như thế nào. Hiện giờ gia đình mong muốn các cơ quan sớm điều tra, làm rõ vì sao cháu tôi lại mắc bệnh như vậy…,” ông K. nói.
Còn chị C., trú tại xã Mão Điền (huyện Thuận Thành), tức giận nói: “Cầm tờ giấy kết quả tôi rụng rời chân tay, không tin con mình bị như vậy, không hiểu con đi học ăn uống như thế nào mà bây giờ đứa thứ hai bị mắc cả sán lợn và sán chó mèo.”
Theo báo Trí Thức Trẻ, từ cuối Tháng Hai, 2019, một số phụ huynh tại xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành) đã cho đăng tải clip ghi lại món thịt lợn nổi những điểm trắng, nghi bị  bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Mầm Non Thanh Khương. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp ban giám hiệu nhà trường nhưng chỉ nhận được câu trả lời vòng vo, không thỏa đáng.
Đơn vị cung cấp thực phẩm cho tất cả trường học ở huyện Thuận Thành khẳng định “thịt lợn không có bất thường gì.” Sau đó, các phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng nhà trường không có biện pháp cụ thể, tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.
Đến trưa 5 Tháng Ba, nhiều phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường Mầm Non Thanh Khương thì phát giác thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối.
Các phụ huynh đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Công an sau đó đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm. (Tr.N)

BOT Cai Lậy có thể lại bị ‘vỡ trận’ vì giới tài xế chống đối

BOT Cai Lậy từng phải dừng thu phí hơn một năm vì bị giới tài xế phản đối kịch liệt. (Hình: Tuổi Trẻ)
TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Từ 0 giờ hôm 25 Tháng Ba, trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại, sau khi đã “chuẩn bị phương án đảm bảo an ninh trật tự” theo lời giới chức Công An tỉnh Tiền Giang.
Theo báo Tuổi Trẻ, quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của ông Nguyễn Nhật, thứ trưởng Giao Thông-Vận Tải CSVN, và các cơ quan tỉnh Tiền Giang cùng nhà đầu tư trạm BOT Cai Lậy.
Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, “tăng cường mặt đường quốc lộ 1” (đoạn qua tỉnh Tiền Giang) khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 1,389 tỷ đồng (gần $60 triệu). Công Ty Đầu Tư Quốc Lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư dự án này.
Hồi năm 2017, thời gian thu phí dự trù là 6 năm 5 tháng với mức phí từ 35,000 đồng đến 180,000 đồng ($1.5 đến $7.7) tùy loại xe. Tuy nhiên, ngay ngày đầu thu phí, trạm BOT này đã bị giới tài xế phản đối và liên tục phải xả trạm trước khi tạm ngưng hồi Tháng Mười Hai, 2017 đến nay.
Báo Tuổi Trẻ cho hay: “Việc duy tu, sửa chữa và lắp đặt các biển báo trên phạm vi dự án đã hoàn thành. Hiện trạm BOT Cai Lậy có tám làn thu phí, trong đó có hai làn thu phí tự động. Từ nay đến Tháng Mười, 2019, tất cả các làn sẽ lắp xong hệ thống thu phí tự động.”
Trên mạng xã hội, giới tài xế và nhà hoạt động xã hội dân sự suy đoán rằng trạm BOT Cai Lậy sẽ tái diễn cảnh “vỡ trận” với một lượng lớn tài xế phản đối bằng cách trả tiền lẻ, tương tự như tình cảnh hồi năm 2017, do nhà chức trách không giải quyết được vấn đề mấu chốt là trạm này “đặt sai chỗ.”
Thời điểm BOT Cai Lậy còn là điểm nóng, Luật Sư Nguyễn Văn Quynh cho biết trên trang cá nhân: “Mọi người đang chờ kết luận từ Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc về BOT Cai Lậy. Trong khi sự việc đã được báo chí phán ánh khá đầy đủ về bằng chứng sai phạm của Bộ Giao Thông-Vận Tải khi là chủ đầu tư dự án. Cụ thể người ký các công văn ‘hỏa tốc’ đề nghị tỉnh Tiền Giang, chính là Bộ Trưởng Giao Thông-Vận Tải Nguyễn Văn Thể khi ông này còn làm thứ trưởng Giao Thông-Vận Tải hồi năm 2013. Hạng mục ‘nâng cấp mặt đường’ 26km quốc lộ 1A đoạn Cai Lậy đã không được chính phủ phê duyệt.”
Sau đó, các báo nhà nước không cho biết Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc kết luận thế nào về điểm nóng này mà chỉ cập nhật tin về BOT Cai Lậy “sắp thu phí trở lại.” Theo báo Thanh Niên, lẽ ra trạm này đã thu phí trở lại từ hôm 14 Tháng Hai, 2019, nhưng một lãnh đạo Công An tỉnh Tiền Giang ẩn danh nói rằng thời điểm đó, lực lượng công an được điều đến trạm BOT Cai Lậy “sẽ mỏng hơn so với mong muốn của các đơn vị có liên quan do đang phải phân bố dàn trải để đảm bảo an ninh trên nhiều địa bàn.” (T.K.)

HRW: ‘Đàn áp nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tăng’

Biểu tình phản đối dự Luật Đặc Khu gần Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, hôm 10 Tháng Sáu, 2018. (Hình: AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) đề cập đến nhiều trường hợp của nhà hoạt động và blogger Việt Nam bị bắt vì biểu tình chống Luật Đặc Khu và Luật Đặc Khu trong thông cáo mới nhất ngày 14 Tháng Ba.
Thông cáo cho biết: “Tính đến Tháng Ba, 2019, có ít nhất 142 người đã bị kết án với các tội danh bắt nguồn từ các cuộc biểu tình hồi Tháng Sáu, 2018 để phản đối tuyên bố của chính phủ về Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Nhiều người trong số đó đã bị xử từ nhiều tháng đến nhiều năm tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng.”
Biểu tình chống Luật Đặc Khu diễn ra ở Sài Gòn ngày 10/3/2018. (Hình: KAO NGUYEN/AFP/Getty Images)
HRW nêu trường hợp của ông Lê Minh Thể, 56 tuổi, thành viên của nhóm Hiến Pháp, người sẽ bị xét xử ở tòa án quận Bình Thủy, Cần Thơ ngày 20 Tháng Ba về các bài đăng trên Facebook. Ông bị bắt vào Tháng Mười, 2018. Báo trong nước thời điểm đó cho biết ông bị cáo buộc các tội danh như kêu gọi, kích động người dân tham gia biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng.”
Trường hợp khác là bà Đoàn Thị Hồng, trú tại Hàm Tân, Bình Thuận, bị nhà cầm quyền bắt cóc và giam giữ nhiều tháng không xét xử vì “tội” đi biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn hôm hôm 10 Tháng Sáu, 2018. Bà Hồng bị giam trong lúc đang là mẹ của một bé gái chưa đầy 36 tháng tuổi.
Trường hợp cô Hồng không phải là cá biệt. Hồi đầu Tháng Ba, blogger Võ Hồng Ly tiết lộ trên trang cá nhân rằng ngoài cô Hồng, còn có thêm ít nhất hai người khác là anh Ngô Văn Dũng (Facebooker Biển Mặn) và anh Trần Thanh Phương cũng đang bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu từ Tháng Chín, 2018, đến nay vì “đi biểu tình chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng.”
Ngoài ra, HRW còn đề cập đến sáu nhà hoạt động và blogger Việt Nam đang phải đối mặt với các mức án tù kéo dài vì hành vi bất đồng ôn hòa của họ. Thông cáo kêu gọi: “Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích sáu người này; họ bị truy tố vì các hoạt động chính trị ôn hòa, như lập hội, bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, và tham gia nhóm họp đông người.”
Năm người trong số đó (Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Quốc Hoàn, Phan Trung và Từ Công Nghĩa) đã bị đưa ra xét xử vào Tháng Mười , 2018 vì tham gia một nhóm dân chủ và bị kết án từ 8 đến 15 năm tù.
Ông Lưu Văn Vịnh và ông Nguyễn Văn Đức Độ sẽ ra tòa phúc thẩm ngày 18 Tháng 3, 2019. (Hình: HRW)
Vào ngày 18 Tháng Ba sắp tới, phiên tòa phúc thẩm nhóm người này sẽ diễn ra tại Sài Gòn.
Cũng theo HRW, Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ là các nhà hoạt động nhân quyền đã tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường từ trước đó. Họ cùng với ba người còn lại đã bị bắt vào tháng Mười một năm 2016 vì bị cho là có liên quan tới Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, một nhóm chính trị độc lập. Công an cáo buộc họ theo điều 79 của bộ luật hình sự 1999 với tội danh “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chính sách đàn áp ngày càng sâu rộng của Việt Nam nhằm vào các tổ chức chính trị độc lập và cá nhân các nhà hoạt động – những người dám đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng nhân quyền và phục hồi nền dân chủ.”
Bộ Ngoại Giao Việt Nam: ‘Sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ’
Cũng liên quan đến nhân quyền, ngày 13 Tháng Ba, 2019, trong bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo nói về Việt Nam và gọi đây là “đất nước công an trị”; chỉ trích các vi phạm nhân quyền ở quốc gia độc đảng này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo. (Hình: REUTERS/Yuri Gripas)
Đáp lại nội dung trong bản phúc trình này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong thông cáo đăng tải trên trang thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14 Tháng Ba nêu rõ.
“Tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam.”
Bà cho rằng bản phúc trình “vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan” và “sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ.”
Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ cho hay, tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an Việt Nam mà phần lớn chía chính quyền Việt Nam không đưa ra nguyên nhân xác tính hoặc thông báo là nạn chết chết do tự tử. (T.K.)

Đầu tư vào Mỹ vì tấm thẻ xanh

Theo RFA- Xuân Nghĩa -2019-03-13   
Tượng Nữ thần Tự do là biểu tượng cho mục đích đến Mỹ của di dân
Tượng Nữ thần Tự do là biểu tượng cho mục đích đến Mỹ của di dân- AFP
Hôm Thứ Ba mùng năm Tháng Ba tuần trước, nhật báo The Wall Street Journal của Hoa Kỳ có một bài viết khá lạ kỳ, theo đó, ngành phát triển địa ốc Mỹ đang tìm tới giới đầu tư tại Việt Nam vì một lợi thế là tư bản rẻ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này….

Đầu tư và di dân

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Sau một tháng nghỉ phép, Nguyên Lam xin được trở lại với tạp chí Diễn đàn Kinh tế và xin được hỏi chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về một bài báo tuần trước trên tờ The Wall Street Journal liên hệ tới việc ngành phát triển địa ốc của Mỹ đang chiêu dụ giới đầu tư từ Việt Nam vì một lợi thế là nguồn tư bản rẻ. Dù bản tin ít được chú ý, người ta cũng thấy một sự lạ là giới đầu tư tại Việt Nam đang được mời chào vào một mảng thị trường của Mỹ. Theo dõi chuyện này, ông giải thích thế nào cho thính giả của chúng ta?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, chúng ta có thể tham khảo bài viết của kỷ giả Konrad Putzier theo mạch dẫn sau đây:
- Sau khi tìm hiểu sự kiện, tôi thấy ra nhiều yếu tố đáng chú ý vì tính chất rắc rối. Đầu tiên, Hoa Kỳ có một quy chế mới từ Đạo Luật Di Dân (Immigration Act of 1990) do Tổng thống George H. W. Bush ban hành vào cuối năm 1990 theo đó  Mỹ lập ra phương pháp cho phép giới đầu tư nước ngoài có cơ hội là “thường trú nhân” tại Hoa Kỳ, nôm na là “có thẻ xanh” hay “green card”. Quy chế này được gọi tắt là “Hộ chiếu EB-5” hay EB-5 Visa, là tiếp nhận di dân vì cơ sở nhân dụng hay “employment-base”, thuộc loại ưu tiên thứ năm. Muốn hưởng quy chế đó, nhà đầu tư ngoại quốc phải đem vào tối thiểu một triệu đô la để tài trợ một doanh nghiệp có tiềm năng tạo ra ít nhất là 10 việc làm tại Mỹ. Một khoản đặc miễn là chỉ đầu tư chừng nửa triệu đô la thôi trong một khu vực nhân dụng ưu tiên hay “Targeted Employment Area”, TEA, như nông thôn hay vùng bị thất nghiệp cao.
- Hai mục tiêu cơ bản của quy chế tiếp nhận di dân này là khuyến khích đầu tư của nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Người nước ngoài muốn tham gia chương trình đó phải hoặc tự đầu tư lấy hoặc hùn vốn vào một trung tâm địa phương có nguồn tư bản lớn hơn đã được Sở Di Trú thuộc Bộ Nội An Hoa Kỳ chấp nhận.
Muốn hưởng quy chế tiếp nhận di dân vì cơ sở nhân dụng hay “employment-base”, nhà đầu tư ngoại quốc phải đem vào tối thiểu một triệu đô la để tài trợ một doanh nghiệp có tiềm năng tạo ra ít nhất là 10 việc làm tại Mỹ. Một khoản đặc miễn là chỉ đầu tư chừng nửa triệu đô la thôi trong một khu vực nhân dụng ưu tiên hay “Targeted Employment Area”, TEA, như nông thôn hay vùng bị thất nghiệp cao.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Chúng ta đều biết mỗi khi phân tích một hồ sơ, kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa thường tìm ngược lên bối cảnh sâu xa của vấn đề, nhưng ít ai ngờ là câu chuyện đầu tư còn liên hệ đến quy chế di dân. Xin đề nghị ông trình bày thêm.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hồ sơ EB-5 này khá phức tạp và vẫn đang gây tranh cãi, nhưng ta nên tìm hiểu tiếp về bài báo nói trên. Giới đầu tư ngoại quốc hưởng ứng chương trình này thường nhắm vào  khu vực địa ốc hay các ngành tạo ra việc làm và đa số là nhà đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn như theo cuộc khảo sát của Savills Studleys, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ địa ốc Mỹ, thì vào năm 2014, có 10.692 nhà đầu tư ngoại quốc được thẻ xanh qua chương trình đó mà 9.128 người là đến từ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ rất cao là 85,4%. Vào thời gian đó tỷ lệ của người Việt chỉ ở khoảng 1% mà thôi - theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là 121 người.
Nguyên Lam: Tức là năm năm trước, nhà đầu tư Việt Nam chưa có gì là đáng cho người ta chú ý và các đại gia Trung Quốc mới gây ra chuyển động. Thế rồi, thưa ông, vì sao giới đầu tư của Việt Nam lại đang được người ta chiếu cố?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo các cuộc khảo sát năm năm trước thì có bốn nước tham gia nhiều nhất vào chương trình đầu tư và di trú này, là Trung Quốc. Nam Hàn, Đài Loan và Vương quốc Anh Thống nhất, với Trung Quốc dẫn đầu.
- Bây giờ, ta bước qua khía cạnh kinh tế là quy luật cung cầu. Sau khi tràn ngập thị trường địa ốc Mỹ vì doanh lợi hay vì yêu cầu di trú, giới đầu tư có lắm tiền của Trung Quốc lại đụng vào đỉnh. Quy chế EB-5 có hạn ngạch cho giới đầu tư của từng quốc gia để không xứ nào có thể khống chế thị trường Mỹ. Hạn ngạch đó dẫn tới hậu quả là thời gian chờ đợi để được thẻ xanh. Ban đầu, nhà đầu tư từ Trung Quốc chỉ đợi dăm ba tháng, nhưng theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì người đệ nạp hồ sơ vào Tháng 10 của năm 2018 vừa qua có thể chờ đợi 14 năm!
- Chúng ta cũng nên kể thêm hai yếu tố tác động khác, là nhiều cơ sở phát triển địa ốc Mỹ bị phá sản sau khi nhận tiền của giới đầu tư nước ngoài theo quy chế EB-5, tức là đã có vi phạm quy luật kinh doanh hay luật lệ và cơ quan thẩm xét đầu tư chứng khoán là SEC đã có điều ta. Thứ hai là mâu thuẫn gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì vậy, số lượng doanh gia Trung Quốc tham gia quy chế EB-5 này tuột dốc thê thảm. Nhưng cũng nhờ đó mà giới đầu tư từ Việt Nam trở thành đối tượng được các cơ sở phát triển địa ốc Mỹ chiếu cố.
Nguyên Lam: Thưa ông, ngoài yếu tố chủ quan là vấn đề trong ngành phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ, phải chăng người ta còn thấy ra một yếu tố khách quan khác? Như đà tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam và sự xuất hiện của một thành phần người Việt có tiền đầu tư ra nước ngoài, ông nghĩ sao về chuyện này?
Tòa nhà Chrysler ờ thành phố New York đang được rao bán.
Tòa nhà Chrysler ờ thành phố New York đang được rao bán. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng có hai yếu tố khách quan nói trên, chưa kể tới sự kiện là Việt Nam và Hoa Kỳ đang cải tiến quan hệ song phương như bài báo đã viết. Ngoài ra, tôi thiển nghĩ còn có một hiện tượng sâu xa trong chế độ di trú của Hoa Kỳ, là xã hội Mỹ e ngại di dân đến từ Trung Quốc nên ngấm ngầm nhận di dân từ Việt Nam. Sau 1975, chúng ta ít thấy xuất hiện các “China Town” trong khi những trung tâm gọi là “Little Saigon” lại mọc như nấm.
- Trở lại bài báo tuần qua của tờ Wall Street Journal, tác giả nói đến hai yếu tố khác. Thứ nhất là người Việt Nam khó được hộ chiếu hay chiếu khán vào Mỹ; thứ hai là nỗi lo bất ổn kinh tế và chính trị tại Việt Nam khiến ai có tiền đều tìm một bãi đáp khác ở nước ngoài. Vì vậy, họ tìm cách đầu tư vào thị trường Mỹ và chấp nhận một mức lời thấp hơn. Với các cơ sở phát triển địa ốc Mỹ, đấy là một nguồn tài trợ rẻ hơn, và là trọng tâm của bài báo.

Tình hình có lac quan?

Nguyên Lam: Nhìn từ giác độ của người Việt Nam nói chung, ông nhận xét thế nào về câu chuyện quá rắc rối này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, Hoa Kỳ hình thành và phát triển nhờ di dân nhưng mỗi thành phần tiếp nhận di dân lại chú ý tới một số khía cạnh có lợi cho họ nên thể hiện thành chính sách nhập cư với nhiều hậu quả bất ngờ khác nhau.
- Do đó, Hoa Kỳ ngày nay mới có cuộc tranh luận về chính sách di dân với những lý luận chủ quan, đôi khi có tà ý. Thí dụ điển hình của gian ý chính trị là việc nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump có chủ trương kỳ thị di dân gốc Việt và đòi trục xuất những người vi phạm luật lệ về nước. Điều này rất sai nhưng không thuộc phạm vi kinh tế của diễn đàn chúng ta.
- Thứ hai, đặc tính thực dụng của xã hội Hoa Kỳ khiến họ tiếp nhận di dân có lợi cho nước Mỹ trong khi vẫn nói về giá trị nhân bản của việc đón nhận thành phần cùng khốn trên thế giới. Giá trị nhân bản đó là điều có thật, nếu chúng ta nhớ tới người tỵ nạn Việt Nam sau biến cố 1975, nhưng không thể quên rằng họ đã từng bị kỳ thị và ngăn chặn vì lý do chính trị trong chính trường Hoa Kỳ vào thời đó.
- Đâm ra nước Mỹ có hai ba mặt khác biệt, một là dân Mỹ hằng tâm hằng sản rất bao dung cứu giúp người khác, nhưng Chính quyền Hoa Kỳ lại nghĩ tới quyền lợi sâu xa của nước Mỹ và nhiều vị dân cử trong chính quyền đó thì lo cho việc tái đắc cử. Và mặt thứ ba là các doanh gia Mỹ rất bén nhạy nhìn ra cơ hội làm tiền. Cơ hội đó là các đại gia có tiền tại Việt Nam muốn tìm một bãi đáp tại Mỹ.
Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm về mấy điểm tổng kết vừa qua của ông  thì hình như ông không mấy lạc quan. Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Doanh trường có nhiều cơ sở bị phá sản vì tội lạc quan!
Nếu muốn vào Mỹ vì mục tiêu di trú thì nên tìm tới văn phòng luật sư am hiểu các quy định phức tạp của lĩnh vực này và chịu trả giá cho việc đó mà đừng lách luật vì sẽ rách việc.-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Người ta có thể lạc quan, rằng vì mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đại gia Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc tìm ra bãi đáp an toàn tại Mỹ để vừa có thẻ xanh cho gia đình vừa có cơ hội làm giàu trên thị trường địa ốc Hoa Kỳ tại New York hay California, vốn dĩ không là các khu vực nông thôn hay nơi có mức thất nghiệp cao. Sự thật là ngoài các doanh gia bén nhạy tại Mỹ khéo chiêu mộ giới có tiền để làm giàu cho chính họ, các vấn đề có sẵn trong quy chế nhập cư EB-5 sẽ gây ra thay đổi, như tiền đầu tư chẳng là nửa triệu mà cao hơn, hay thời hạn để có thẻ xanh sẽ là năm bảy năm, bất kể tới quốc tịch của nhà đầu tư.
Nguyên Lam: Kết luận của ông về bài báo của tở Wall Street Journal và về triển vọng đầu tư tại Hoa Kỳ của người Việt Nam là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về đại thể, đầu tư là hiện tượng “nước chảy chỗ trũng”, là giới có tiền luôn luôn tìm cách kiếm thêm tiền, sau khi nghiên cứu để xác định nơi đầu tư có lợi nhất. Trong vụ này, giới đầu tư từ Việt Nam có hai mục tiêu là 1/ gia đình được quy chế thường trú nhân tại Mỹ, mà 2/ vẫn tốn ít tiền hay mất ít thời giờ chờ đợi hơn là qua ngả khác trong khi vẫn có triển vọng làm giàu thêm.
- Câu hỏi cần nêu ra là vì sao họ lại cần tìm bãi đáp tại Hoa Kỳ khi Việt Nam đang có đầy triển vọng như người ta vẫn nói?
- Thứ hai, muốn vào Mỹ với cánh rừng luật lệ bạt ngàn thì… “rừng nào cọp nấy”. Nếu muốn vào vì mục tiêu di trú thì nên tìm tới văn phòng luật sư am hiểu các quy định phức tạp của lĩnh vực này và chịu trả giá cho việc đó mà đừng lách luật vì sẽ rách việc. Từ đấy, bước kế tiếp mới là chọn ngả đầu tư qua diện EB-5 và đi vào một cánh rừng khác mà bài báo của tờ Wall Street Journal tuần qua nói tới. Khi đó người ta hiểu ra vai trò của các trung tâm hay cơ sở phát triển địa ốc Hoa Kỳ. Họ mời chào giới đầu tư Việt muốn vào Mỹ vì lý do nhập cư nên chờ đợi mức lời thấp khiến giới đầu tư sẽ là nguồn lợi cao cho các trung tâm này….
- Sau cùng, mọi ngành đầu tư đều nói đến “trào lưu thăng giáng” là lời và lỗ. Sau làn sóng Trung Quốc, trào lưu đầu tư để nhập cư vào Mỹ theo quy chế EB-5 vừa mở ra cho người Việt, nhưng cũng có nhiều rủi ro bất ngờ. Nếu theo dõi tình hình kinh tế Hoa Kỳ và di dân vào Mỹ, có lẽ nhà đầu tư Việt Nam sẽ đánh giá rủi ro chính xác hơn. Và may cho họ, Hoa Kỳ có một cộng đồng người Việt rất đông và rất am hiểu văn hóa và luật lệ Hoa Kỳ, kể cả trong lĩnh vực di trú và địa ốc.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận này.

BOT tiếp tục căng thẳng

Trang mạng Kiến Thức trích lời lực lượng chức năng giải thích lý do an ninh được tăng cường là vì trạm này đã từng bị tài xế biểu tình phản đối, phải ngưng thu tiền, đến hôm nay thì thu lại, cho nên lo ngại sẽ xảy ra biểu tình. Mặc dù vậy, đến hôm nay vẫn có một số tài xế không chịu mua vé làm kẹt xe.
Trong khi đó, theo truyền thông trong nước, vào ngày 14/3, nhiều người dân tại tỉnh Thái Nguyên tuần hành bằng xe gắn máy và xe ô tô phản đối trạm BOT Bờ Đậu trên Quốc lộ 3. Đây là trạm BOT đã bị người dân phản đối nhiều lần trong suốt 2 năm qua.
Những người phản đối mang theo lá đơn với 10 ngàn chữ ký đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên phản đối, cho rằng trạm BOT Bờ Đậu đặt sai vị trí, tại nơi không có công trình xây dựng cầu đường mới. Người dân nói họ đã đi con đường này hàng trăm năm nay, nhưng nay lại phải trả tiền.
Đoàn biểu tình còn mang theo cả biểu ngữ phản đối BOT, nhưng đã bị công an bắt dẹp bỏ vì cho rằng như vậy là phạm pháp.
Cũng vào ngày 14/3, Bộ Giao thông- Vận tải đã quyết định cho  BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang được thu phí trở lại vào ngày 25/ 3 tới, và lắp đặt thêm các làn xe có thu phí tự động. Theo quyết định mới các xe đi qua trạm này sẽ được giảm giá, nhưng vị trí đặt trạm vẫn được giữ nguyên, bất chấp phản đối về vị trí đặt trạm của nhiều người dân đi đoạn đường này.
Tại trạm này cách đây hai năm, giới tài xế đã phản đối bằng cách cho xe chạy chậm khi qua trạm hoặc dùng tiền lẻ để trả, gây kẹt xe. Xung đột ở Cai Lậy căng thẳng đến mức chính quyền phải điều cảnh sát cơ động đến. Sau đó trạm này phải ngưng thu phí cho đến nay.
Trong vài năm gần đây các trạm BOT được dựng lên trên nhiều tuyến quốc lộ Việt Nam. Đây được cho là phương cách nhà nước huy động vốn tư nhân để góp vào việc xây dựng đường sá.
Nhưng nhiều người dân, lái xe đã phản đối, cho rằng các chủ đầu tư đã móc ngoặc với cơ quan chức năng, đưa ra giá thu tiền quá cao, hoặc đặt trạm thu tiền ở những nơi mà không có đầu tư gì cả.
Đã có tới hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ tại các trạm BOT trên cả nước trong hai năm qua.

Cần có Luật Biểu tình để bảo đảm quyền cho dân

RFA-2019-03-14  
Người dân tại Sài Gòn tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu và an ninh mạng. Ảnh chụp ngày 10/6/2018.
 Người dân tại Sài Gòn tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu và an ninh mạng. Ảnh chụp ngày 10/6/2018.RFA
Truyền thông trong nước ngày 13/3 đưa tin cho biết, trong tờ trình Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, những dự án luật đã rút khỏi chương trình năm 2016, 2017, và 2018 đã được Chính phủ có ý kiến. Trong đó, có đề cập đến Luật Biểu tình bị hoãn lâu nay.
Theo báo mạng VNExpress, trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính phủ có thông tin cho biết Quốc hội và Chính phủ cùng với Bộ Công an đang phối hợp cùng các ban, ngành liên quan để nghiên cứu cơ sở pháp lý, đồng thời tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu và xây dựng dự án Luật Biểu tình.
Bây giờ áp lực quần chúng rất lớn, nhiều người nhắc đến luật biểu tình. Tôi nghĩ rằng có lẽ đến lúc đảng và nhà nước phải làm sao cho pháp luật ở Việt Nam hài hòa, thống nhất với các luật pháp trên thế giới, chứ không thể có một nước ngược lại với xu thế quyền con người. - LS. Trần Quốc Thuận
Trước thông tin này, nhiều người bày tỏ thắc mắc vì quyền biểu tình là quyền hiến định để người dân bày tỏ chính kiến trực tiếp bằng cách tuần hành ôn hòa, nhưng theo thông tin từ Chính phủ thì khi khảo sát thực tế lại không nhắc gì đến khảo sát ý dân.
Giải thích về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết theo Luật Việt Nam, luật ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật thì tất cả điều luật nào tác động đến đối tượng nào, chừng mực nào phải hỏi ý kiến thành phần đối tượng đấy.
“Còn Luật biểu tình tác động đến tất cả mọi người dân thì chắc chắn phải đưa ra hỏi dân, nhưng mà có lẽ từng bước. Bước thứ nhất có thể đưa ra hỏi trong phạm vi hẹp rồi mở rộng ra, sau đó hỏi toàn dân. Các luật ở Việt Nam không bao giờ có chuyện hỏi trong phạm vi hẹp rồi ban hành hoặc không ban hành.”
Luật Biểu tình được nguyên thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đề nghị xây dựng sau khi tại Hà Nội xảy ra liên tiếp những cuộc biểu tình vào năm 2011 nhằm phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.
Đến ngày 26 tháng 11 năm 2011, Quốc hội đã thông qua nghị quyết đưa dự luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật và pháp lệnh khóa 13. Tuy nhiên từ đó đến nay, dự luật này vẫn chưa được hình thành.
Gần đây nhất, nguyên nhân được đưa ra là do nội dung luật chưa đạt yêu cầu nên phải rút lại, chưa thể đưa lên Thường vụ Quốc hội.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, bà Cấn Thị Thêu, người đấu tranh chống bất công đất đai từng tham gia biểu tình cho rằng chính quyền còn đang nợ người dân Việt Nam Luật Biểu tình.
Người dân tại Sài Gòn tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu. Ảnh chụp ngày 10/6/2018.
Người dân tại Sài Gòn tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu. Ảnh chụp ngày 10/6/2018. RFA
“Người ta chưa thông qua luật biểu tình nên trong những lúc thực hiện khoản nghị định mới của người dân đối với chính quyền thì đa số người dân tự phát thôi. Nhưng mà vì không có luật biểu tình nên chính quyền ra tay đàn áp rất dã man đối với những người biểu thị cho tiếng nói.”
Trong khi đó, Luật sư Trần Quốc Thuận lại chỉ ra rằng lý do chưa có Luật Biểu tình thường hay được giải thích chính thống trên báo đài là chưa có sự đồng thuận và do Việt Nam chưa cần thiết có luật này.
“Nhưng bây giờ áp lực quần chúng rất lớn, nhiều người nhắc đến luật biểu tình. Tôi nghĩ rằng có lẽ đến lúc đảng và nhà nước phải làm sao cho pháp luật ở Việt Nam hài hòa, thống nhất với các luật pháp trên thế giới, chứ không thể có một nước ngược lại với xu thế quyền con người.”
Bên cạnh đó, trong tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, “việc xây dựng Luật Biểu tình sẽ được thực hiện theo hướng bảo đảm thực thi quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước”.
Theo bà Cấn Thị Thêu, việc ban hành luật mà đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam là gần như khó có thể xảy ra:
“Nếu họ đảm bảo quyền con người tôi nghĩ chắc chắn chế độ này sẽ phải ra đi trong một sớm một chiều. Nếu chế độ này không thay đổi theo chiều hướng bảo vệ quyền con người, bảo vệ nhân quyền cho dân tộc Việt Nam thì tôi nghĩ rằng (đất nước) sẽ không bao giờ tồn tại được nếu thông qua luật biểu tình để người dân biểu thị được tiếng nói, bảo đảm quyền con người theo đúng luật biểu tình.”
Trong thời gian gần đây, cứ sau mỗi dịp bùng nổ những cuộc biểu tình lớn có đông người tham gia thì cơ quan chức năng Việt Nam lại lên tiếng quy kết đó là hoạt động tập trung gây mất trật tự công cộng, bị thế lực xấu lợi dụng, kích động…
Do vậy, “thế lực thù địch” không biết từ khi nào đã trở thành nội dung được nhắc đến trong các văn bản của Chính phủ, đơn cử như trong tờ trình vừa nêu.
Hiện tại bây giờ họ cứ nói là thế lực thù địch xúi giục nhưng mà chẳng có thế lực thù địch nào hết, chẳng qua là họ cố tình bao biện như thế thôi. - Cấn Thị Thêu
Giải thích về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng luật Việt Nam lâu lâu cũng có những câu về ‘dân chủ, chủ trương... nhưng cũng đừng để các thế lực chống phá’ chứ không phải gần đây mới có.
“Câu đó như một câu thiệu, nhưng mà vấn đề là nó thể hiện trong điều luật thế nào cho đảm bảo nhân quyền, pháp luật Việt Nam hài hòa với pháp luật các nước trên thế giới. Tôi nghĩ rằng luật biểu tình rất nhiều nước trên thế giới đã có rồi, chắc Việt Nam sẽ đưa luật các nước khác ra so sánh.”
Vẫn theo Luật sư Thuận, việc so sánh như vậy sẽ giúp có thêm kiến thức và thông tin. Lúc đó các đại biểu quốc hội sẽ phát biểu thẳng thắn, từ đó ông hy vọng rằng sẽ mở ra một triển vọng gì tốt thực hiện quyền con người.
Còn theo bà Cấn Thị Thêu, dưới góc nhìn của một người từng tham gia biểu tình và hay lên tiếng chống lại việc chính quyền cưỡng chế đất dân oan, lại nhận xét:
“Hiện tại bây giờ họ cứ nói là thế lực thù địch xúi giục nhưng mà chẳng có thế lực thù địch nào hết, chẳng qua là họ cố tình bao biện như thế thôi. Theo tôi nghĩ rằng họ cướp đất đai tài sản, xử oan sai, đánh chết bao nhiều người vào trong đồn công an... đấy là những bức xúc người dân, thì chẳng có thế lực thù địch nào mà can thiệp vào công việc như thế của xã hội Việt Nam đâu.”
Biểu tình là quyền công dân được Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp 2013 quy định nhưng chưa được Quốc hội soạn thảo thành luật chính thức.

Lộc Hưng: Chính quyền hứa sẽ tiếp xúc nhưng không cho dân họp báo

Hòa Ái, phóng viên RFA-2019-03-14   
Quang cảnh vườn rau Lộc Hưng sau khi bị Chính quyền quận Tân Bình phá hủy trong tháng 01/19.
Quang cảnh vườn rau Lộc Hưng sau khi bị Chính quyền quận Tân Bình phá hủy trong tháng 01/19.Courtesy: Netizen photo
Nhóm luật sư Lộc Hưng vừa phổ biến thông báo số 05 về một số diễn tiến mới nhất về khu đất Vườn Rau nơi hằng trăm ngôi nhà bị phá bình địa hồi trước Tết âm lịch. Thông báo cho biết kế hoạch cuộc họp báo của người dân Lộc Hưng chưa thể thực hiện; mặc dù ghi nhận có những tín hiệu tích cực từ phía Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)

Kế hoạch họp báo bị phá vỡ

Điểm thứ nhất trong Thông báo số 5 trình bày lại việc bốn đại diện các hộ dân vườn rau Lộc Hưng vào ngày 11 tháng 3 gửi thông báo cho Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM về kế hoạch họp báo vào ngày 13 tháng 3 theo đúng Luật Báo Chí qui định.
Những người trong cuộc đã đóng tiền cọc cho nhà hàng nơi tiến hành cuộc họp báo; tuy nhiên nhà hàng sau đó trả lại tiền với lý do đang phải sửa chữa.
Phía Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM thì đến sáng ngày 13 tháng 3 trả lời cho bốn đại diện các hộ dân vườn rau Lộc Hưng cho rằng  nội dung họp báo ‘chưa phù hợp, chưa đại diện cho người dân khu vực, chưa phản ánh đúng thực tế địa phương’; do đó không đúng Luật Báo chí.

Hoan nghênh và Kiến nghị

Đại diện cư dân Lộc Hưng và luật sư trước cửa trụ sở Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM.
Đại diện cư dân Lộc Hưng và luật sư trước cửa trụ sở Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM. Courtesy: Facebook Vu Hai Tran
Trong khi đó theo Thông báo số 5 vừa được phổ biến vào ngày 13 tháng 3, Nhóm luật sư Lộc Hưng cho biết trong chiều cùng ngày một số luật sư và đại diện các hộ dân vườn rau Lộc Hưng đến trụ sở Công an TP.HCM để yêu cầu lãnh đạo Công an TP.HCM tiếp công dân và các luật sư theo như các thư yêu cầu đã được gửi nhiều lần trước đó.
Nhóm luật sư Lộc Hưng tường thuật lại trong thông báo số 05 rằng một nữ trưởng phòng của Công an TP.HCM đã tiếp xúc với đại diện các hộ dân cùng luật sư, xác nhận Công an TP.HCM đã nhận được đơn thư gửi đến và sớm có lịch tiếp công dân và các luật sư để giải quyết một số vấn đề phản ánh trong đơn thư, đặc biệt liên quan việc Cơ quan Điều tra Công an TP.HCM không giải quyết đúng luật đối với các đơn tố cáo hình sự về hành vi hủy hoại tài sản của công dân ở vườn rau Lộc Hưng do cưỡng chế trái pháp luật.
Mong đợi được tốt đẹp hơn thì bao giờ cũng mong đợi giữa chính quyền và bà con người dân ở Lộc Hưng được như vậy. Tôi nghĩ rằng về việc chính quyền đàn áp và lấy đất của chúng tôi thì có thể họ nhìn ra điều sai trái đó. Và khi đã nhìn ra được việc làm sai trái đó thì ông Nguyễn Thiện Nhân khi họp sẽ thận trọng trong quyết định để vấn đề xấu hơn đối với bà con hay không. Tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn so với quyết định trước kia là tàn phá khu đất của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ kiếm cách để gỡ để cho tốt hơn trong thời gian tới
-Anh Cao Hà Trực
Nhóm luật sư Lộc Hưng ghi nhận đây là một tín hiệu tốt từ phía chính quyền thành phố đối với bà con cư dân vườn rau Lộc Hưng. Bên cạnh đó, Nhóm luật sư Lộc Hưng còn hoan nghênh chính quyền thành phố khi nhận được thông tin cơ quan này đang tìm kiếm các luật sư để giúp đỡ pháp lý giải quyết các việc liên quan đến vườn rau Lộc Hưng; cũng như Bí thư thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân làm việc với lãnh đạo quận Tân Bình vào ngày 14 tháng 3 về vụ việc vườn rau Lộc Hưng.
Nhóm luật sư Lộc Hưng đề nghị ông Nguyễn Thiện Nhân hãy tiếp công dân Lộc Hưng và luật sư với tư cách người đứng đầu Thành ủy và Đoàn đại biểu TP.HCM theo quy định số 11 của Bộ Chính trị, ban hành vào ngày 18/02/19. Đồng thời, Nhóm luật sư Lộc Hưng hy vọng sớm được làm việc với lãnh đạo chính quyền TP.HCM để giải quyết những vụ việc liên quan vườn rau Lộc Hưng theo đúng pháp luật, bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người dân.
Vào tối ngày 14 tháng 3, anh Cao Hà Trực, một cư dân Lộc Hưng nói với RFA về thông tin cuộc họp giữa Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với lãnh đạo quận Tân Bình:
“Theo lịch của quận mà trên mạng công bố công khai thì hôm nay ông Nguyễn Thiện Nhân có về quận làm việc, còn kết quả như thế nào thì người dân bà con ở Lộc Hưng vẫn chưa được biết ra sao.”
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do rằng cư dân Lộc Hưng có hy vọng nào trước tín hiệu mà Nhóm luật sư Lộc Hưng cho rằng đó là động thái tích cực từ phía chính quyền thành phố, anh Cao Hà Trực chia sẻ:
“Mong đợi được tốt đẹp hơn thì bao giờ cũng mong đợi giữa chính quyền và bà con người dân ở Lộc Hưng được như vậy. Tôi nghĩ rằng về việc chính quyền đàn áp và lấy đất của chúng tôi thì có thể họ nhìn ra điều sai trái đó. Và khi đã nhìn ra được việc làm sai trái đó thì ông Nguyễn Thiện Nhân khi họp sẽ thận trọng trong quyết định để vấn đề xấu hơn đối với bà con hay không. Tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn so với quyết định trước kia là tàn phá khu đất của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ kiếm cách để gỡ để cho tốt hơn trong thời gian tới.”

Kỳ vọng ở chính quyền

Không thể nói là quá bi quan, nhưng không ít người quan tâm đến vấn đề đất đai tại Việt Nam cho rằng nếu như hy vọng và kỳ vọng quá nhiều vào chính quyền thì cuối cùng người dân là các nạn nhân bởi những cuộc cưỡng chế sai pháp luật rồi cũng rơi vào sự thất vọng. Dư luận cho rằng với chính sách đất đai sở hữu toàn dân tại Việt Nam còn tồn tại bao lâu thì nạn nhân mất nhà cửa, ruộng vườn, đất đai không chỉ ở Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng mà sẽ còn tiếp diễn khắp mọi nơi ở Việt Nam bấy lâu. Và chính quyền thì không thể nào giải quyết hết được các khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đất đai như theo số liệu thống kê của Thanh tra Chính phủ tăng dần từ 70% năm 2014 lên 95% năm 2017.
Trao đổi với một vài người theo dõi sát sao vụ việc vườn rau Lộc Hưng, khi nói về động thái tích cực của Chính quyền TP.HCM mà Nhóm luật sư Lộc Hưng ghi nhận, thì những người này đều có cùng quan điểm rằng Chính quyền TP.HCM rồi cũng chỉ xử lý về mặt hình thức với lời hứa hẹn còn người dân tiếp tục cuộc sống khổ sở muôn bề, giống như cư dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Họ dẫn chứng Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc người dân Thủ Thiêm, hứa hẹn thế này nhưng chính quyền lại làm thế khác.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một cư dân ở Thủ Thiêm lên tiếng với RFA rằng ông Nguyễn Thiện Nhân là người giữ vai trò lãnh đạo đứng đầu thành phố và dù là người có tâm nhưng ông sẽ khó thực hiện được lời hứa vì một mình ông không thể quyết định thay cho cả một bộ máy chính quyền TP.HCM. Riêng về vụ việc vườn rau Lộc Hưng, Mục sư Nguyễn Hồng Quang nhận xét vụ phá hủy hàng trăm căn nhà do Chính quyền quận Tân Bình tiến hành rõ ràng không phải vì dự án cộng đồng minh bạch. Mục sư Nguyễn Hồng Quang lập luận nếu phải thì chính quyền đã thực hiện từng bước theo đúng quy trình pháp lý, chứ không làm càng như thế. Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho rằng với một lãnh đạo mới vừa được điều về làm việc trong Chính quyền TP.HCM thì ít nhiều có hy vọng vụ việc vườn rau Lộc Hưng sớm được giải quyết:
“Hy vọng ông Phó Bí thư thành ủy là ông Trần Lưu Quang, Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh mới về thì quan hệ chính trị, nhân văn hay thế lực của ông Quang có thể giúp ông Nhân thực hiện được chính sách pháp luật để giải quyết vấn đề Lộc Hưng. Ông Nhân nói nhưng không làm được vì Thường vụ thành ủy chưa chắc ủng hộ ông Nhân. Hy vọng có ông Quang thì có thể giúp giải quyết gì được không và trung ương có ý kiến gì hay không?”
Đồng quan điểm với Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nói với RFA rằng tín hiệu chính quyền quận Tân Bình và TP.HCM nhanh chóng họp bàn giải quyết vụ việc vườn rau Lộc Hưng là một việc làm khôn ngoan, vì có thể phía chính quyền rút ra được phần nào kinh nghiệm trong vụ việc ở Đồng Tâm. Thế nhưng, Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ lo ngại một, hai cá nhân lãnh đạo như ông Nguyễn Thiện Nhân hay ông Trần Lưu Quang sẽ không thể giải quyết được gì khi phía sau những vụ việc xảy ra ở Lộc Hưng và Thủ Thiêm có bàn tay của các lợi ích nhóm ở nhiều cấp chính quyền.
Đảng đã tự sát nếu không giải quyết tốt vấn đề Thủ Thiêm và Lộc Hưng. Nghĩa là người dân không còn tin gì nữa cả. Đảng tự giết mình
-Mục sư Nguyễn Hồng Quang
Trong khi đó, các cư dân ở Lộc Hưng và Thủ Thiêm khẳng định rằng dù sao chăng nữa thì họ vẫn luôn kỳ vọng và tiếp tục kiên định kêu gọi chính quyền giải quyết thấu đáo cho họ, để người dân có niềm tin vào công lý. Nếu không: “Đảng đã tự sát nếu không giải quyết tốt vấn đề Thủ Thiêm và Lộc Hưng. Nghĩa là người dân không còn tin gì nữa cả. Đảng tự giết mình.”
Nhóm Luật sư Lộc Hưng là nhóm những luật sư trợ giúp pháp lý cho dân Vườn Rau Lộc Hưng. Nhóm tập hợp một số luật sư và tổ chức hành nghề luật, trong đó có những vị được nhiều người biết đến như Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải, Luật sư Trần Hồng Phong, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Luật sư Đặng Đình Mạnh…

HRW: CSVN bắt ít nhất 142 người biểu tình chống Luật Đặc Khu

Biểu tình phản đối Luật Đặc Khu tại Sài Gòn hôm 10 Tháng Sáu, 2018. (Hình: Facebook Trương Duy Nhất)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Theo thông báo của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) hôm 15 Tháng Ba: “Tính đến Tháng Ba, 2019, có ít nhất 142 người đã bị kết án với các tội danh bắt nguồn từ các cuộc biểu tình hồi Tháng Sáu, 2018 để phản đối tuyên bố của chính phủ về Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Nhiều người trong số đó đã bị xử từ nhiều tháng đến nhiều năm tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
HRW cũng nêu trường hợp của ông Lê Minh Thể, 56 tuổi, thành viên của nhóm Hiến Pháp, người sẽ bị xét xử ở tòa án quận Bình Thủy, Cần Thơ, vào hôm 20 Tháng Ba về các bài đăng trên Facebook của ông Thể.
Ông Thể bị bắt hồi Tháng Mười, 2018. Thời điểm đó, báo Lao Động đưa tin rằng công an cáo buộc ông Thể “lập nhiều tài khoản Facebook để đăng tải, chia sẻ và bình luận các nội dung nói xấu chế độ”. Tờ này viết thêm: “Tháng Sáu, 2018, thông qua Facebook, ông Thể kêu gọi, kích động người dân tham gia biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng.”
Trong một diễn biến khác, hồi Tháng Hai, 2019, ông Phan Vân Bách, thành viên phong trào Chấn Hưng Nước Việt tiết lộ trên trang cá nhân về trường hợp của cô Đoàn Thị Hồng, trú tại Hàm Tân, Bình Thuận, bị nhà cầm quyền bắt cóc và giam giữ nhiều tháng không xét xử vì “tội” đi biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn hôm hôm 10 Tháng Sáu, 2018. Đáng nói là cô Hồng bị giam trong lúc đang là mẹ của một bé gái chưa đầy 36 tháng tuổi.
Facebook Phan Vân Bách viết: “Ngày 2 Tháng Chín, 2018, cô Hồng bị một nhóm mặc đồ thường phục bắt cóc tại quận 12 trong lúc đang đi chơi lễ quốc khánh cùng với một người bạn. Người nhà của cô đã đến hỏi thăm tất cả các trụ sở công an phường tại quận 12, nhưng không có nơi nào nhận là đã bắt và giam giữ em tôi cả. Đến ngày 21 Tháng Chín, 2018, gia đình mới được biết cô Hồng bị giam giữ tại số 4 Phan Đăng Lưu [trại giam của Công An thành phố ở Sài Gòn]. Kể từ ngày đó đến nay, người nhà chỉ được gửi tiền và thực phẩm vào cho cô Hồng mà không có một dòng tin tức gì từ cô. Cô Hồng bị tước đoạt quyền được gặp luật sư cũng như không được cho gặp con gái chưa đầy 36 tháng tuổi.”
Trường hợp cô Hồng không phải là cá biệt. Hồi đầu Tháng Ba, blogger Võ Hồng Ly tiết lộ trên trang cá nhân rằng ngoài cô Hồng, còn có thêm ít nhất hai người khác là anh Ngô Văn Dũng (Facebooker Biển Mặn) và anh Trần Thanh Phương cũng đang bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu từ Tháng Chín, 2018 đến nay vì “đi biểu tình chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng”.
Facebook Võ Hồng Ly viết: “Đã hơn sáu tháng trôi qua, gia đình của những người này vẫn chưa được phép vào gặp người nhà của mình dù mỗi tháng các chị đều đến số 4 Phan Đăng Lưu hai lần để tiếp tế đồ ăn. Mỗi lần đến đều hồi hộp mong ngóng để rồi lần nào cũng ra về thất vọng và xót xa…
Xin đừng quên những người đã và đang chịu tù đày vì quê hương cho chính mỗi người trong chúng ta!” (T.K.)