Thursday, June 25, 2015

Truy tố 6 người vì vụ 'nhận tiền của Nhật'

Theo BBC-24 tháng 6 2015
Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao Việt Nam hôm 23/6 ra cáo trạng truy tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), thuộc Tổng Cty đường sắt Việt Nam.
Những người này bị truy tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Họ bị cáo buộc đã nhận và có liên quan tới vụ nhận lót tay hàng chục triệu Yên Nhật của công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).
Cáo trạng nói tháng 9 năm 2009, ông Phạm Hải Bằng, Chủ nhiệm dự án đường sắt đô thị Tuyến số 1 (giai đoạn I), đã đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với JTC và một số công ty khác.
Ông Bằng đề cập tới một số khó khăn về kinh phí triển khai và phía JTC đồng ý hỗ trợ.
Từ tháng 9 năm đó đến tháng 2/2014, JTC chuyển 11 tỷ đồng (69,9 triệu Yên Nhật).
Ông Phạm Hải Bằng quản lý và sử dụng 4,8 tỉ đồng, Nguyễn Nam Thái quản lý và sử dụng 3,4 tỉ đồng.
Số tiền còn lại 2,8 tỉ đồng được chuyển cho ông Phạm Quang Duy nhưng sau đó ông Duy đưa cho Thái để cùng cán bộ phòng 3 sử dụng (tổng cộng có 26 nhân viên của phòng 3 nhận số tiền 806 triệu đồng).
Theo cáo trạng, số tiền được dùng cho các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, chi nghỉ mát, thưởng ngày lễ, tết cho cán bộ nhân viên...
Ngoài ra, các ông Trần Quốc Đông được nhận 30 triệu đồng; ông Trần Văn Lục 100 triệu đồng và Nguyễn Văn Hiếu 50 triệu đồng vào các dịp Tết.
Các bị can đã nộp lại một phần tiền gồm 1,765 tỉ đồng và 7.000 USD.
Sáu người bị truy tố về tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ' bao gồm:
  • Ông Phạm Hải Bằng, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt
  • Phạm Quang Duy, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt
  • Nguyễn Nam Thái, Trưởng phòng Dự án 3 thuộc Ban quản lý các dự án đường sắt
  • Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt
  • Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt
  • Trần Quốc Đông, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam

Sân bay Long Thành: Ý đảng lòng Quốc hội và 16 tỷ USD

Dân Làm Báo - Trong diễn văn bế mạc Hội nghị TƯ 11 vào ngày 07.05.2015, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố "Trung ương tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành...". Chỉ hơn 1 tháng sau, 25.06.2015, 428 ông bà nghị gật trong quốc hội của đảng đã bấm nút thông qua dự án này, xác định ý đảng và lòng... quốc hội chỉ là một.

Tổng cộng số tiền đầu tư cho dự án tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai này là 336.630 tỷ đồng, khoản 16,03 tỷ USD trong đó phần lớn đến từ ngân sách nhà nước và tiền vay ODA.

Công trình 16 tỷ đô này được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu dự trù hoàn tất vào năm 2025 với chi phí 5,45 tỷ USD.

Tổng số đại biểu bấm nút thông qua dự án chiếm 86,64% tổng số ĐBQH với 428 thuận, 17 chống và 16 không bỏ phiếu.

Đồng hành với việc bật đèn xanh cho dự án, Quốc hội cũng đã thông qua việc thu hồi đất của người dân đang sinh sống để xây dựng sân bay.

Bên cạnh việc phê chuẩn, một số ĐBQH cũng đã đưa ra một số điều kiện đi kèm cho dự án, cụ thể như không để các nhóm lợi ích chi phối, phải có sự công khai, minh bạch và những phương án chống thất thoát, lãng phí...

Tuy nhiên với bài học Vinashin, Vinalines, với tình trạng sâu bọ trong đảng theo lời của Trương Tấn Sang, với "truyền thống" đập chuột sợ vỡ bình của Nguyễn Phú Trọng, và với văn hóa học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, 16 tỷ USD này chắc chắn sẽ không thoát khỏi tình trạnh thất thoát, lãng phí, và làm giàu cho các nhóm lợi ích trong đảng cộng sản.

Dự án 16 tỷ USD được xem là dự án ảnh hưởng đến sự sống còn - còn đảng còn tiền - của đảng CSVN. Sân bay Long Thành được nhiều người xem là cái phao made in China cứu bầy sâu-chuột mang thẻ đỏ, thế cho cái phao TPP made in USA đang rất là bấp bênh. Chính vì vậy mà nó đã trở thành 1 trong 4 đề tài thảo luận của Hội nghị TƯ 11 - quan trọng ngang bằng 3 đề tài liên quan đến việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo đảng cộng sản. 

Chính vì vậy mà sau tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng, chưa đầy 2 tháng sau, quốc hội bù nhìn của đảng đã bỏ phiếu nhanh chóng thông qua.

Vinashin, Vinalines, rồi bây giờ thì... Vinalongthanh... 


Cháy kinh hoàng suốt đêm tại Đồng Nai, Hải quân đến chi viện

(Kiến Thức) - Đám cháy kinh hoàng ở Đồng Nai khiến toàn bộ lực lượng chữa cháy của tỉnh phải vất vả đồng thời xin chi viện từ cứu hộ Vùng 2 Hải quân.

Vụ cháy kinh hoàng ở Đồng Nai xảy ra vào tối 25/6 tại Công ty TNHH bao bì Việt Long, thuộc KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch khiến gần 30.000 m2 nhà xưởng chìm trong biển lửa.

Chay kinh hoang suot dem tai Dong Nai, Hai quan den chi vien
 Gần 30.000m2 nhà xưởng chìm trong biển lửa.

Thông tin ban đầu, khoảng 20h40 tối 25/6, , trong lúc công nhân đang làm việc thì bất ngờ thấy lửa bốc cháy dữ dội ở nhiều nơi trong kho xưởng, sau đó nhanh chóng lan rộng. Công nhân cùng bảo vệ công ty đã dùng bình chữa cháy mini để dập lửa nhưng bất thành vì ngọn lửa quá dữ dội.Thời điểm vụ hỏa hoạn xảy ra có khoảng 100 công nhân đã làm việc, mọi người nhanh chóng được sơ tán ra bên ngoài và di chuyển hàng chục xe máy trước phân xưởng ra nơi an toàn.

Chay kinh hoang suot dem tai Dong Nai, Hai quan den chi vien-Hinh-2
 Toàn bộ lực lượng PCCC tỉnh Đồng Nai đã được huy động.

Khoảng 30 phút sau khi nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai và Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đã huy động toàn bộ lực lượng tới hiện trường triển khai công tác dập lửa.

Đại tá Châu Văn Liêm – Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường. Do vụ hỏa hoạn xảy ra tại công ty sản xuất bao bì, nơi chứa nhiều “mồi ngon” của lửa khiến đám cháy lan rộng rất nhanh. Toàn bộ lực lượng đã được huy động nhưng vẫn chưa khống chế được ngọn lửa, tỉnh Đồng Nai đã xin thêm chi viện từ lực lượng cứu hộ Vùng 2 Hải quân.

Chay kinh hoang suot dem tai Dong Nai, Hai quan den chi vien-Hinh-3
 Do đám cháy quá lớn khiên tỉnh Đồng Nai phải xin thêm chi viện từ lực lượng cứu hộ Vùng 2 Hải quân.

Đến khoảng 1h sáng ngày 26/6, toàn bộ khu nhà xưởng của công ty vẫn chìm trong biển lửa. Đám cháy gần như đã thiêu rụi gần 30.000m2 kho xưởng của công ty.

Hiện chưa rõ nguyên nhân, thiệt hại do vụ hỏa hoạn gây ra nhưng ghi nhận từ hiện trường cho thấy, hàng ngàn m2 nhà xưởng cùng nhiều nguyên vật liệu, thành phẩm đã bị cháy rụi, hư hỏng. Nhiều nhà dân xung quanh phải di tản do tàn lửa, khói dày đặc bao phủ.
Chay kinh hoang suot dem tai Dong Nai, Hai quan den chi vien-Hinh-4
 Đến khoảng 1h sáng ngày 26/6, toàn bộ kho xưởng vẫn chìm trong biển lửa.

Đến sáng 26/6, lực lượng chữa cháy vẫn đang nổ lực dập tắt ngọn lửa.
Một công nhân làm việc tại công ty cho biết, thời điểm xảy ra hỏa hoạn có khoảng 100 công nhân đang làm việc trong các nhà xưởng. Rất may, khi phát hiện đám cháy, các công nhân đã nhanh chóng di chuyển ra khỏi kho xưởng nên không có thiệt hại về người.


Xuyến Chi - Thiên Dũng

Báo cáo nhân quyền 2015 nêu bật sự ngược đãi, đau khổ của nhiều người

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói rằng những nhóm khủng bố, khai thác những bài thuyết pháp và tình trạng chia rẽ tôn giáo để thúc đẩy hệ tư tưởng độc tài toàn trị
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói rằng những nhóm khủng bố, khai thác những bài thuyết pháp và tình trạng chia rẽ tôn giáo để thúc đẩy hệ tư tưởng độc tài toàn trị
Theo VOA-26.06.2015

Năm ngoái là năm mà quá nhiều người hứng chịu đau khổ và bị ngược đãi, theo Báo cáo Quốc gia về Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2014.

Trong báo cáo công bố hôm thứ Năm, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng những nhóm khủng bố, lợi dụng bài thuyết pháp và những chia rẽ tôn giáo để thúc đẩy hệ tư tưởng độc tài toàn trị, hoặc những chính phủ như Syria, đôi khi hành động nhân danh chống khủng bố, nhưng chịu trách nhiệm về những đau khổ và ngược đãi đối với người dân.

Đối diện với tất cả những điều này, khát vọng của con người cho tự do chính trị và nền quản trị trung thực, không xâm phạm nhân quyền vẫn mạnh mẽ. Khắp thế giới, nhiều người hơn bao giờ hết đã lựa chọn những nhà lãnh đạo của mình trong các cuộc bầu cử cạnh tranh, ông Kerry nói.

Ở một số vùng của Trung Đông và châu Phi, những kẻ cực đoan bạo lực không đếm xỉa gì đến nhân quyền và nhân mạng, ông Kerry nói. "Những nhóm như ISIL thiêu sống con người, chặt đầu tù nhân một cách man rợ, bán những thiếu nữ làm nô lệ, và hành quyết người vô tội ở khắp nơi và bừa bãi."

Thế giới đã "chứng kiến sự tàn bạo và sự hủy diệt tận cùng của những vụ tấn công khủng khiếp của Taliban ở Pakistan và của Boko Haram đối với những em học sinh, vụ ám sát những nhà báo của tạp chí Charlie Hebdo, cùng nhiều hành động tàn ác và những vụ sát nhân do ISIL thực hiện," ông Kerry nói.
 
Những chính phủ ở Trung Quốc, Ai Cập, Eritrea, Ethiopia, Iran, Nga và Ả-rập Saudi, cùng những nước khác, tiếp tục bóp nghẹt truyền thông tự do và cởi mở và sự phát triển của xã hội dân sự thông qua việc bỏ tù những nhà báo, những blogger, và những người chỉ trích bất bạo động, Ngoại trưởng Kerry nói.

Tại Thái Lan, quân đội lật đổ một chính phủ dân cử, bãi bỏ hiến pháp, và hạn chế nghiêm trọng những quyền tự do dân sự, ông nói thêm.

Nhưng ở tất cả những châu lục, những hoạt động mừng kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ, trong khi những đòi hỏi giống như vậy cho nhân quyền và hệ thống cai trị có trách nhiệm dẫn đến ngày lịch sử này tiếp tục lan tỏa, ông Kerry nói.

Việt Nam yêu cầu TQ chấm dứt xây dựng ở Biển Đông

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc
Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 25/6 lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hoạt động bồi đắp, xây đảo tại Trường Sa.
Ông Lê Hải Bình nói: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được chúng tôi nhiều lần nêu rõ. Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp” và “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”, “không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông”.
Trung Quốc gần đây tiến hành các hoạt động bồi đáp các bãi đá để xây đạo nhân tạo nhằm xây dựng một phi đạo tại khu vực Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa, khu vực hiện đang có tranh chấp chủ quyền với các nước Philippines và Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các dự án cải tạo trên bảy dải đá ngầm và đảo san hô sẽ sớm được hoàn thành với cơ sở hạ tầng xây dựng cho mục đích quân sự và dân sự.
Tuần trước, Bắc Kinh cũng vừa ra một quy định buộc các tàu dân sự phải được thiết kế phù hợp để quân đội có thể dùng trong trường hợp cần thiết. Với quy định mới này, khoảng 172.000 tàu dân sự hiện có sẽ là lực lượng tăng cường lớn cho hải quân của Trung Quốc.
Nguồn: Website Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Báo Điện Tử Chính Phủ Việt Nam.

Lũ quét làm 7 người thiệt mạng, 4 người mất tích ở Sơn La

Chiếc tàu bị sóng đẩy vào bãi biển khi cơn bão Kujira thổi qua tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, 23/6/15
Chiếc tàu bị sóng đẩy vào bãi biển khi cơn bão Kujira thổi qua tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, 23/6/15
Theo VOA-26.06.2015

Một quan chức phòng chống lụt bão của Việt Nam cho biết lũ quét do một cơn bão nhiệt đới gây ra đã làm 7 người chết và làm 4 người khác mất tích ở tỉnh Sơn La, miền Bắc Việt Nam.

Ông Trần Việt Phương, chuyên viên Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Sơn La, hôm thứ Năm nói rằng nhà chức trách vẫn đang tìm kiếm bốn người mất tích, trong đó có một bé trai bốn tuổi mà gia đình bị nước lũ cuốn trôi.

Giới chức này nói lũ quét cuốn trôi hơn 20 ngôi nhà ở tỉnh này.

Bão nhiệt đới Kujira ập vào bờ biển phía bắc Việt Nam hôm thứ Tư giờ đã suy yếu vào sáng ngày thứ Năm với vận tốc gió dưới 40 km/giờ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn.

Cơn bão đã trút xuống 20 cm nước mưa ở nhiều nơi thuộc khu vực phía Bắc trong hai ngày qua.

Nguồn: AP, sfgate.com

Trung Quốc vẫn giam 1 tàu cá Việt Nam

Thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam
Thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam
Theo VOA-26.06.2015

Việt Nam hôm thứ Năm cho biết 17 ngư dân và 1 tàu cá của Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ đã được thả ra nhưng vẫn còn một tàu cá bị giam giữ.

17 ngư dân Quảng Bình và 2 tàu cá mang số hiệu QB 93694 TS và QB 93480 TS đã bị 4 tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu hải quân, bắt giữ vào ngày 6/6/2015 trong vùng biển cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 10 hải lý về phía tây nam.

Có tin nói rằng các ngư dân Việt Nam đã bị phía Trung Quốc buộc phải ký vào văn bản công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Qua trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết Trung Quốc đã thả 17 ngư dân trên và 1 tàu cá. Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đang tiếp tục yêu cầu Trung Quốc thả tàu cá còn lại vô điều kiện.

Trung Quốc gần đây thường xuyên có những hành động nhằm khẳng định chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông giàu tài nguyên thông qua “bản đồ 9 đoạn” của mình. Bản đồ này đã bị Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, những nước cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo lên khu vực này, lên án.

Vụ bắt giữ mới nhất tiếp nối các cáo buộc từ phía Việt Nam về việc Trung Quốc thường xuyên tấn công ngư dân Việt. Phía Việt Nam cho hay đã xảy ra 3 vụ kể từ đầu tháng 6 tới nay. Trong đó, Việt Nam cáo buộc Trung Quốc đã chặn tàu thuyền và ngư dân Việt, chiếm đoạt cá của ngư dân và tịch thu thiết bị của họ, thậm chí sử dụng vòi rồng để xua đuổi một tàu cá của Việt Nam.

Chính quyền Hải Nam, Trung Quốc, thường đưa ra một lệnh cấm hàng năm ở khu vực phía bắc của Biển Đông. Các khu vực bị ảnh hưởng trải dài từ các vùng biển giữa tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến đến chuỗi đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam năm 1974, một phần khu vực đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát kể từ năm 2012 và Vịnh Bắc bộ.

Lệnh cấm này áp dụng đối với cả tàu thuyền Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt cá trong khu vực cho đến ngày 1/8,.

Bắc Kinh nói lệnh cấm nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển và nâng cao nhận thức về môi trường cho ngư dân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đó cũng là “trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế” của Trung Quốc.

Nguồn: Website Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Báo Điện Tử Chính Phủ Việt Nam.

CSVN và “họa vô đơn chí”

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Thành ngữ dân gian có câu “họa vô đơn chí - phúc bất trùng lai”: Họa không đến chỉ 1 lần (vô đơn chí) - phúc không đến 2 lần (bất trùng lai) - Nghĩa là tai họa thường hết cái này tới cái khác nhưng diễm phúc thì ít khi lập lại. Trên đời, việc may mắn ít gặp lắm, còn tai họa lại có thể rất nhiều.

Từ ngàn xưa, nghiệm suy đời người và vận nước Tiền Nhân cha ông chúng ta đã từng trải chắc lọc truyền lại cho hậu thế khuôn vàng thước ngọc ấy như một lời răn để giống nòi Âu Lạc biết tận dụng nhiều nhất cái “phúc” khi nó đến và phòng ngừa cái “họa” từ qui luật nghiệt ngã này.

Nhưng thật vô phúc đến tận ngày nay vận nước đã chứng minh rằng: Hồ Chí Minh và đảng CSVN khác với thiên hạ xua đuổi cái “Phúc” đi rồi tự nguyện rước cái “họa” liên tục vào nhà Việt Nam.

Họa vô đơn chí (tai họa không đến chỉ 1 lần). 

Ừ, thì là thế kỷ 20 tiến trình văn minh của nhân loại, thể chế quân chủ phong kiến phải lùi vào quá khứ nhường lại cho nền dân chủ tự do, thay hoàng gia vua chúa là Nhân Dân ủy nhiệm cho đảng phái chính trị đại diện thay mình lãnh đạo điều hành nhà nước. 

Nhưng vạn bất đắc dĩ, Hồ Chí Minh và tay chân cướp được chính quyền rồi thì làm trái với văn minh nhân loại, không cho dân chủ “đa” đảng tham chính mà lại “độc” đảng cầm quyền? Đã độc đảng cầm quyền, nhưng sao không lấy dân tộc Tổ Quốc làm cứu cánh như (Việt Nam Quốc Dân Đảng) mà lại rước một thứ chủ nghĩa Cộng Sản ngoại lai xa lạ rất khát máu vào nhà mình và để chứng tỏ mình cũng khát máu không hề kém cạnh, Hồ Chí Minh “mở hàng” đấu tố 172.000 ngàn đồng bào, giết chết không kịp ngáp (CCRĐ)? Một đại họa đau thương mà dân tộc Việt hơn 40 thế kỷ dựng nước chưa bao giờ chứng kiến.

172.000 oan hồn CCRĐ, HCM và CSVN, Đại họa của dân tộc Việt Nam.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư – Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư (Sông núi nước Nam, Vua Nam ngự trị - Hiển nhiên địa phận trời đã định - Nam Quốc Sơn Hà - Lý Thường Kiệt). 4000 năm dựng nước dân tộc Việt Nam tồn tại là nhờ mái nhà Trường Sơn, lúa gạo đồng bằng, cá mắm biển Đông “trời đã định” như thế. 

Nhưng “họa vô đơn chí”… Thật lạ lùng - Không cần trưng cầu ý kiến toàn dân, không quan tâm chứng tích bản đồ địa giới, Hồ Chí Minh chỉ đạo cho Phạm Văn Đồng (thủ tướng) nhân danh nước VN/DCCH ký tên đóng dấu vào cái công hàm năm 1958 công nhận Biển Đông ngư trường truyền thống bao đời của Việt Nam là của Trung Quốc, mặc dù hầu hết các bản đồ của Trung Quốc và quốc tế đều thể hiện biển Đông và các nhóm đảo trên đó hoàn toàn không có trong bản đồ chủ quyền lãnh thổ của TQ.

Trên tấm bản đồ Trung Quốc năm 1909 do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville thực hiện được một nhà xuất bản của Đức in. Cương vực phía nam của Hoa Lục cũng chỉ kéo tới đảo Hải Nam hoàn toàn không có biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bản đồ Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa thế giới công nhận

Nhưng Hồ Chí Minh và quan chức CSVN thì không công nhận như thế, chỉ công nhận Quyết Định của Tàu Cộng:

Công hàm 1958 và Báo chí CSVN đăng tải phổ biến với toàn dân.
(nội dung Quyết Định lãnh hải ngày 4 tháng 9 năm 1958 của TQ). 

“Quyết Định của Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về lãnh hải:

Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa (Hoàng Sa) quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo khác thuộc Trung Quốc”. 

Cũng vì cái u mê cuồng tín ấu trĩ tựa hồ là bán nước đó mà ngày nay trong khi Philippines hiên ngang khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải tại tòa luật biển LHQ còn “đảng ta” mở miệng mắc quai cái công hàm đóng dấu nhà nước, phải ngậm bồ hòn làm ngọt im re không dám thưa gởi.

Và vì vậy nó kéo theo “họa vô đơn chí” tiếp tục. Trung Quốc thè cái lưỡi bò đòi liếm hết biển Đông. Mới nhất, ngày 26 tháng 5 -2015 tại Bắc Kinh:

Ngày 26/5/15 Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TQ họp báo nói trước báo chí quốc tế: “Nhìn từ góc độ chủ quyền, việc Trung Quốc phát triển xây dựng trên các đảo (biển Đông) của mình hoàn toàn không khác gì so với việc xây dựng trên khắp đất nước Trung Quốc.” (“sách trắng” Trung Quốc 2015) 

“…Trung Quốc phát triển xây dựng trên các đảo (biển Đông) của mình”!? 

Ba hồn chín vía Hồ Chí Minh trong lăng Ba Đình và Phạm Văn Đồng ở nghĩa trang Mai Dịch có nghe rõ lời đó chưa? và cả Lê Duẩn trong tư cách chóp bu CSVN năm 1974 Hoàng Sa bị TQ xâm lược trong tay QL/VNCH, biện minh cho sự im lặng không lên án, Lê Duẩn giải thích với nhân dân và cán bộ CS dưới quyền rằng: “Hoàng Sa để ông anh Trung Quốc giữ hộ, dù sao cũng còn hơn để kẻ thù (miền Nam) giữ. Bao giờ hòa bình thống nhất, chúng ta sẽ xin lại” (BBC phỏng vấn vợ Lê Duẩn) (1)

Ngày nay hòa bình thống nhất lâu rồi, “đảng ta” thử kéo hết ban chấp hành và bộ chính trị sang Bắc Kinh xếp hàng cùng quỳ mọp dập đầu bưu trán xin lại Hoàng Sa xem đồng chí 4 tốt có cho lại không? hay là...

Trên đảo chữ Thập - Binh Lính TQ và đường băng sân bay 3000m đủ điều kiện cho máy bay TQ cất cánh oanh tạc khắp lãnh thổ miền Nam VN rồi trở về mà không cần đến tàu sân bay… Một cái “họa vô đơn chí” rất nghiêm trọng đang chờ Việt Nam do cái công hàm ấy tạo ra.

Tai họa do chủ nghĩa CS mà các chóp bu CSVN rước vào nhà từ lớn đến nhỏ nhiều vô số kể ra không hết, ngược lại…

“Phúc bất trùng lai” - Phúc không đến 2 lần. Quả nhiên là may mắn không thể đến thêm lần nữa khi thế sự đã xoay vần, một tờ lịch bóc xuống là những lợi thế, cơ hội rơi theo ngày tháng năm ấy, vĩnh viễn trôi đi sẽ không bao giờ quay lại, vì vậy người khôn ngoan luôn biết tận dụng…

Nhật Bản, một kẻ chiến bại là tù binh của Mỹ sau thế chiến nhưng biết tận dụng thời cơ đưa đến biến “họa thành phúc” như nguyên lý vàng của mô võ 

Nhật Bản “Aikido”, môn võ nghệ thuật lấy nhu thắng cương, dùng chính sức mạnh của đối thủ để mang chiến thắng về cho mình mà không gây tổn thương cho đối phương. Nương vào sức mạnh Mỹ để bảo toàn đất trời biển đảo trước hiểm họa CS Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Nhật Bản rảnh tay vận dụng toàn tâm toàn lực vào phát triển để bùng nổ kinh tế tài chính, từ một quốc gia duy nhất ăn bom nguyên tử vươn lên vị trí tóp đầu các nước hùng mạnh về quân sự và kinh tế trên thế giới, Trung Quốc phải kiêng dè, từ một kẻ thù không đội chung trời, hiện nay Mỹ vẫn là đồng minh gắn bó không thể thiếu của Nhật Bản. 

Liên minh với Mỹ là yếu tố sống còn của Nhật Bản trước Trung Quốc. 

1950 Nam Hàn như chỉ mành treo chuông khi bị CS Bắc Triều Tiên do CS Trung Quốc và Liên Xô hỗ trợ quân sự tấn công chớp nhoáng chiếm được thủ đô Seoul. Nhờ quân Mỹ và đồng minh đổ quân vào cứu thoát, sau khi chia đôi đất nước Nam Hàn cũng nương tựa vào sức mạnh Mỹ bảo vệ trước hiểm họa cộng sản, như láng giềng Nhật Bản, Hàn Quốc nhờ nền kinh tế Mỹ hỗ trợ khoa học kỹ thuật dồn nỗ lực từ trong điêu tàn đói khổ vươn lên thành quốc gia quân sự kinh tế tài chính hàng đầu Châu lục. Cả 2 Nước Nhật - Hàn hiện tại vẫn chi trả quân phí hàng năm để duy trì quân đội Mỹ tại quốc gia mình.

Quân Mỹ là đồng minh, lá chắn thép cho Hàn Quốc trước CS Bắc Hàn

Con Rồng kinh tế Đài Loan cũng vậy – Trong 2 lần khủng hoảng quận sự tại eo biển Đài Loan (1954 và 1958) nếu không có lực lượng hải quân hạm đội 7 của Hoa Kỳ tiến vào thị uy và nếu Đài Loan không có sự viện trợ máy bay chiến đấu và tàu khu trục của Mỹ thì CS Trung Quốc đã nuốt chửng Đài Loan lâu rồi.

Hiện nay ngoài Biển Đông, Trung Quốc còn tranh chấp biển đảo với Nhật Bản (Quần đảo Senkaku) - với Hàn Quốc (đảo đá ngầm Socotra) - với Đài Loan Kim (Môn và Mã Tổ) nhưng tại các nơi ấy trực tiếp có bóng dáng quân Mỹ và sự hùng mạnh của đối phương nên Trung Quốc chùn tay không dám bắt nạt như Việt Nam.

Tàu TQ “bắt nạt” tàu VN - Đây là vì “đồng chí đại cục”. Phát biểu của (TBT/Nguyễn phú Trọng)

Trước năm 1975. Cơ hội may mắn của miền Nam Việt Nam cũng ngang bằng với cơ hội của Nhật Bản-Hàn Quốc và Đài Loan. 

Một ẩn dụ - Hai “căn nhà” Hàn Quốc và Đài Loan trước nguy cơ bị lửa Cộng Sản thiêu rụi người Mỹ đã ra tay chữa cháy xong rồi tiếp tay xây dựng lại vững chắc tốt đẹp hơn trước mà không lấy đi bất cứ thứ gì từ 2 căn nhà ấy. 

1965 Người Mỹ xắn tay áo vào Việt Nam cũng trên tinh thần y như vậy khi lữa cộng sản bên kia vĩ tuyến 17 ngùn ngụt thổi sang, nhưng không ai chữa cháy mãi một căn nhà thậm chí tốn cả máu xương mà trong nhà ấy có kẻ (CSVN) cứ tạt mãi thêm dầu, lòng tốt cũng có điểm dừng, người Mỹ ngoảnh mặt ra về… Tất nhiên về theo cách nào là tùy ở họ.

Chỉ đau đớn nuối tiếc cho Việt Nam khi một cơ hội diễm phúc ngàn năm có một để dân tộc vươn lên như thiên hạ phát triển cường thịnh và bảo toàn cương thổ dưới sự giám hộ của Mỹ đã bị Hồ Chí Minh và một số ít con người cuồng tín chủ nghĩa CS lạc hậu nhưng khát máu bằng mọi cách quét đi mà “phúc thì bất trùng lai” không quay giờ lại. 

Ngày nay Trung Quốc gián tiếp phá bỏ CNXH với “mèo trắng hay đen không quan trọng, miễn sao bắt được chuột” (Đặng tiểu Bình) mở cửa rước “tư bản giãy chết” vào nhà, thặng dư mậu dịch hơn 3000 tỷ đôla, ngân sách quốc phòng 145 tỷ đô/năm (gạt qua bom hạt nhân) Trung Quốc có 1773 bệ phóng tên lửa hành trình, 9150 xe tăng, 2860 máy bay, 1 hàng không mẫu hạm, 47 tuần dương tên lữa, 25 khu trục tên lửa, 67 tàu ngầm. (Theo Global Firepower.com). Ai có khả năng chặn lại bàn tay nhám nhúa của Trung Quốc thâu tóm biển Đông làm ao nhà mình? Họa may là Liên Minh Nato và Mỹ (có tiềm lực kinh tế, quân sự và vũ khí hạt nhân).

Và vì vậy gần với Việt Nam không chỉ có Nhật - Hàn - Đài Loan đã tận dụng nhiều nhất cái “phúc” vì nó “bất trùng lai” khi người Mỹ mang lại mà ngay cả đảo quốc nhỏ bé Singapore cũng đã cho Tàu chiến Mỹ đồn trú vì “Chỉ có kẻ ngu mới chống Hoa Kỳ” (tượng đài của Sigapore Lý Quang Diệu) một người không ngu chút nào khi biến đảo quốc vô danh Singapore trở thành một quốc gia giàu mạnh hơn Việt Nam nhiều lần.

“Phúc bất trùng lai” – Một khi cơ hội đi qua thì không bao giờ quay lại.

Khác với tư tưởng Đông phương “họa vô đơn chí-phúc bất trùng lai”, Hồ Chí Minh và các chóp bu CSVN thấm nhuần tư tưởng quốc tế CS “Mác Lenin” và CNXH biến nó thành “Họa là đồng chí-Phúc là Mác-Lê”. Bởi thật buồn cười “đồng chí 4 tốt 16 vàng” mà TQ lại đè cổ CSVN cướp đất đai biển đảo – Còn Mác Lê Nin thì thế giới đang khinh bỉ kéo đổ chôn lấp nó!?

25/06/2015


Dân làm vật cản để chính quyền quan tâm

Cánh Dù lộng gió (Danlambao) - Theo báo Dân trí thì đầu năm 2015 đoạn đường đi qua đèo Phú Hiệp đoạn đường từ Km 172 trên quốc lộ 20 bị sạc lở nặng nề huyện Di Linh đã trưng dụng một số đất của người dân để mở một con đường phụ. 

7 hộ dân trong khu vực này nhất trí nhận tiền đền bù cây trồng và những công trình có liên quan bị phá hủy để làm đường tránh. Đồng ý bàn giao mặt bằng cho công ty BOT trước khi có phương án đền bù phần đất bị trưng dụng.

Ngày 17/02/2015 đoạn đường này đã cho thông tuyến để xe cộ tránh đường cũ vì càng ngày càng sụt lở. QĐ 69/2014 của tỉnh Lâm Đồng được trung tâm quỹ đất huyện Di Linh áp dụng theo giá đền bù, chỉ tính theo hệ số không tính theo yếu tố thị trường. 

5 hộ dân cho rằng việc bồi thường trên là chưa thỏa đáng và quá thấp nên không chịu nhận tiền bồi thường. 

Rất nhiều lần những hộ Dân này kiến nghị với Xã, Huyện, ban ngành các cấp về mức giá bồi thường nhưng không được giải quyết thỏa đáng, nên các hộ dân trên đã tự ý lập rào cản không cho xe cộ lưu thông trên đoạn đường tránh này. 

Họ nói lập rào cản là để chính quyền xem xét để có phương hướng giải quyết vụ việc trên, vì bà con kêu hoài cứ chỗ này đổ cho chỗ kia, không biết cơ quan nào đứng ra giải quyết đành phải vậy thôi.

Cho rằng mức đề bù chưa thỏa đáng, Dân lập rào chắn đường. Ảnh: Dân Trí
Việc mở đường này đã làm bà con mất đi một số cây cối, một số công trình phụ, hơn nữa vì là đường du lịch nên xe cộ lớn nhỏ chạy rầm rập suốt ngày, về đêm xe Contenner chạy rung nhà cửa có chỗ nứt toát ra nhà của họ có nguy cơ sụp đổ.

Đoạn đường đèo bị sạt lở. Ảnh: Dân Trí
Người dân ở đây cho biết, họ chỉ mới nhận đền bù cây trồng, còn đất đai chưa thấy nói gì cả. 

Chính quyền địa phương đã làm việc với ban quản lý dự án 7 và công ty BOT để có phương án bồi thường thỏa đáng cho bà con và cho thông xe lại. 

Hôm 20/06/2015 vừa qua gia đình tôi thuê xe Ford lên Đà Lạt du lịch ngang qua đây tình cờ xe dừng nghỉ chân để mọi người kiếm chỗ giải quyết cho nhẹ bụng, thấy có mấy người dân đang xúm lại bàn tán về việc trên, và nói rằng đã kêu gào chính quyền các cấp quan tâm xem xét cho bà con yên tâm, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chỉ hứa cho qua chuyện, cho tới lúc đó vẫn còn thấy rào cản y nguyên vì các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện lời hứa. 

CSVN là thế, muốn lấy đất chỗ nào thì lấy, mỗi tỉnh có bảng giá đền bù khác nhau, phần đông là rẻ mạt, nhận tiền đền bù không làm nổi cái gì được. 

Hy vọng số bà con trên sẽ không bị cưỡng chế ép buộc nhận tiền bồi thường để thông xe khi chưa được giải quyết thỏa đáng. 

25/06/2015


_________________________________________

Công an yêu cầu TS Phạm Chí Dũng chấm dứt hoạt động Hội Nhà báo Độc lập

Thuỵ My (RFI) - Sáng nay, 25/06/2015 vào khoảng 8 giờ Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã bị khoảng 20 nhân viên công an cưỡng bức đưa lên xe đến cơ quan an ninh điều tra để "hỏi về các vấn đề liên quan đến vụ án ông Nguyễn Quang Lập". Nhưng công an cũng đã yêu cầu ông Phạm Chí Dũng chấm dứt hoạt động trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập. Sau khoảng 8 giờ bị câu lưu và thẩm vấn, nhà báo Phạm Chí Dũng đã được trả tự do vào cuối giờ chiều hôm nay.

Trả lời RFI Việt ngữ ngay sau khi được thả, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết:

"Sáng nay tôi đưa bé đi học ở trường Tuổi Thơ 7, quận 3 Saigon. Khi vào trường tôi chợt thấy có mấy người vào theo, và sau khi gởi bé rồi, tôi quay ra thì có khoảng hai chục người và một chiếc xe hơi đậu ngay trước cổng trường. Họ đưa tôi giấy triệu tập, yêu cầu đi về cơ quan công an điều tra để làm việc. Tôi từ chối, nói rằng tôi không có lý do nào để làm việc với họ. Sau đó họ đã bẻ quặt hai tay tôi ra sau lưng, và đẩy tôi ra khỏi cổng trường. Lúc đó đông người lắm.

Họ đưa tôi lên xe hơi, đến cơ quan an ninh điều tra. Tới đó họ nói lý do là vụ ông Nguyễn Quang Lập, vì cho tới nay vụ ông Lập vẫn chưa đình chỉ điều tra, và hoàn toàn còn nằm trong khuôn khổ của một vụ án. Họ hỏi tôi khá nhiều về những vấn đề liên quan tới ông Nguyễn Quang Lập.

Thật ra thì tôi với ông Lập là bạn văn với nhau, cũng có quen biết ngoài đời một chút, nhưng không phải là quá thân thiết. Thành thử tôi cũng không biết nhiều để nói về ông Nguyễn Quang Lập.

Nhưng tôi rất nghi ngờ đây là một động thái của một phe nhóm nào đó. Họ muốn gắn tôi với vụ ông Lập để ngăn chặn tôi một điều gì. Và điều đó lại diễn ra ngay trước chuyến đi Mỹ dự kiến từ ngày 7 đến ngày 9/7 của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tôi ngờ rằng những vấn đề vi phạm thô bạo về nhân quyền kéo dài suốt từ tháng Năm năm nay : đánh blogger Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến, và gọi hỏi điều tra kể cả đối với những linh mục Công giáo, tu sĩ Cao Đài, áp giải thô bạo đối với tôi…là những động thái có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hiệu quả chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng. Và không có gì chắc chắn là ông Trọng đi Mỹ mà sẽ không bị cộng đồng quốc tế, Quốc hội Mỹ và kể cả Chính phủ Mỹ phản ứng, về chuyện Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những cam kết khi vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Một trong những câu hỏi mà điều tra viên xoáy vào tôi là:« Anh có quốc tịch Mỹ không ? » Dường như họ muốn nói kháy người Mỹ. Và khi tôi cho rằng, tất nhiên chúng ta cần phải có một liên minh quân sự với Mỹ hiện nay để đối trọng với dã tâm xâm lăng của Trung Quốc ; thì họ gần như tảng lờ không biết.

Cuối cùng cũng xoay quanh việc Hội Nhà báo Độc lập. Họ yêu cầu thẳng là trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập cần phải chấm dứt. Tôi nói rằng tất cả những vấn đề này tôi phải trao đổi lại với trong Hội, vì tôi không có quyền quyết định. Đó là một.

Vấn đề thứ hai: Bất kỳ những hành động nào của họ muốn ngăn chận tiếng nói tự do, phản biện, chính luận, đều là can thiệp thô bạo vào quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân đã được Hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992.

Đến cuối giờ chiều hôm nay, tôi mới được thả ra. Cơ quan an ninh nói rằng kể từ nay trở đi họ có thể áp giải tôi bất cứ lúc nào, và bất cứ ở đâu!"

Dùng hoá chất phá hỏng mặt đường quốc lộ 1

TTO - Đã xuất hiện hiện tượng mặt đường bêtông nhựa bị rã nhũn ra khi có xe ôtô tải trọng lớn chạy qua, nghi do có một loại hóa chất gây ra.  

Đổ thừa cho hóa chất làm hư đường quốc lộ 1
Một vị trí mặt đường quốc lộ 1 bị hoá chất gây hư hỏng - ảnh do Tập đoàn Sơn Hải cung cấp

Ngày 25-6, ông Nguyễn Quang Minh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) cho biết tập đoàn này vừa gửi công văn đến Công an tỉnh Quảng Bình và các cơ quan liên quan đề nghị làm rõ việc mặt đường quốc lộ 1 do tập đoàn vừa thi công xong đã bị phá hoại.

Theo ông Minh, trong ngày 23 và 24-6, tại các vị trí từ km649+600 đến km651+200, km651+887 và km 652+840 trên quốc lộ 1, đã xuất hiện hiện tượng mặt đường bêtông nhựa bị rã nhũn ra khi có xe ôtô tải trọng lớn chạy qua, do có một loại hóa chất gây ra.

Ông Minh cho biết khi ngửi thì hoá chất này có mùi của xăng dầu, cùng một số hoạt chất khác nữa nhưng không thể xác định loại gì.

“Theo quan sát của chúng tôi, khi tiếp xúc với bêtông nhựa đường thì hoá chất này làm chảy nhựa và gây ra sự phân rã giữa nhựa và các vật liệu cấu thành bêtông nhựa khác rất nhanh chóng. Chúng tôi nghi ngờ ở đây có sự phá hoại” - ông Minh nói.

Sở GTVT Quảng Bình đã lấy mẫu hoá chất nơi mặt đường bị phá hoại để phân tích làm rõ, đồng thời cảnh báo đến các nhà thầu khác.

Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu thi công dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1 đầu tiên cam kết bảo hành mặt đường với thời gian kéo dài đến 5 năm, thay vì chỉ một năm như trước đây.

25/06/2015 14:37
L.GIANG

Bất công xã hội cản trở kinh tế

Theo Người Việt-06-23- 2015 8:25:33 PM
Ngô Nhân Dụng

Ðọc trên một tờ báo trong nước: Cầm trên tay hóa đơn tiền điện Tháng Năm 2015, một phụ nữ 35 tuổi, ở quận Ðống Ða, thành phố Hà Nội tính toán: “Bình thường mỗi tháng nhà tôi chỉ trả khoảng 400 ngàn đồng, tháng này vọt lên hơn 1.8 triệu đồng. Không hiểu ngành điện họ có tính sai không?”

Giá điện tăng vọt làm cả nước choáng váng. Nhưng đối với các “vương tôn, công tử” thì con số một, hai triệu đồng không đáng để lo nghĩ. Năm ngoái, trên các trang mạng đã sôi nổi khi mấy cậu ấm đưa lên mạng cho bà con đọc hóa đơn các bữa ăn chơi của mình. Một cậu chi 182 triệu trong một đêm, trong đó có 161 triệu tiền mua sáu chai rượu (tương đương hơn 7,000 đô la Mỹ). Một “thiếu gia” khác chi 218 triệu trong một đêm ăn chơi, trong đó có ba chai rượu ngoại quốc, mỗi chai 65 triệu đồng Việt Nam, gần 3,000 đô la một chai. Một đại gia thứ dữ, chi 400 triệu đồng, với bốn chai rượu mỗi chai 90 triệu, hơn 4,000 đô la.

Một công dân mạng nhận xét: Họ ăn chơi một đêm bằng mình làm việc mười năm, dành dụm không ăn uống gì cả! Một chai rượu của họ, mình đi làm vài năm mới mua được. Không biết những người này kiếm được bao nhiêu tiền một ngày!

Thật ra trên thế giới những người giầu có vẫn ăn chơi, xài tiền như nước, nhưng không phải ở đâu người ta cũng bất bình. Trong một nước dân chủ tự do kinh tế phồn thịnh, có những người kiếm ra rất nhiều tiền, nhưng không ai ghét. Ở Mỹ không ai ghét những ông Bill Gates hay Warren Buffet, hai người giầu nhất nước. Họ đều kiếm ra tiền vì thành công về kinh doanh, không bóc lột ai mà ngược lại còn tạo thêm của cải cho nhiều người khác. Dư luận bất bình chỉ nổi lên trong những nước không được sống tự do, dân chủ. Ở đó, những kẻ nắm quyền lạm dụng quyền lực, biến của công thành của riêng; những người khác thì hối lộ, mua chuộc bọn nắm quyền để làm giầu. Hai loại người giầu đều kiếm tiền một cách bất chính.

Trong xã hội cảnh bất công biểu lộ dưới hai hình thức: Bất công về lợi tức và bất công về tài sản. Hai loại bất công này ảnh hưởng hỗ tương với nhau. Người có sẵn tài sản lớn thì dễ kiếm được lợi tức cao. Ở những nước dân chủ tự do, hiện tượng trên vẫn diễn ra. Cho nên, người ta đặt ra những thứ luật lệ để giảm bớt tình trạng bất công này. Thí dụ, đánh thuế trên các di sản lớn để con cháu những người giầu có không chiếm ưu thế hưởng lợi tức cao mãi mãi hơn các gia đình nghèo. Một biện pháp thịnh hành nhất là đánh thuế người giầu cao hơn người kiếm ra ít tiền. Một người ở Mỹ kiếm nửa triệu mỗi năm có thể phải đóng thuế 39%, còn những người lợi tức khoảng 20,000 đô la thường không phải đóng thuế. Tại các nước Châu Âu, nhất là ở phía Bắc, những người lợi tức cao còn phải đóng suất thuế lên tới 80%, 90%; mà đó cũng là những nước có lợi tức bình quân cao nhất thế giới.

Thứ bất công nặng nề và nguy hiểm cho tất cả mọi người là bất công về cơ hội. Trong chế độ dân chủ tự do, một quy tắc được đề cao là bình đẳng về cơ hội. Bao nhiêu đạo luật an sinh xã hội đều nhắm bảo vệ quyền bình đẳng đó.

Ai cũng nghĩ trong xã hội mà có chênh lệch giầu nghèo là điều xấu, nên tránh. Nhưng mọi người thường chỉ phê phán cảnh bất công bằng con mắt đạo đức. Những người giầu sẽ bị chê cười nếu họ sống xa hoa trong khi người nghèo chạy ăn từng bữa toát mổ hôi. Nhưng người ta vẫn chấp nhận: Ai giỏi thì kiếm ra tiền, tha hồ sống xa hoa; ai không giỏi thì phải chịu nghèo nàn.

Nhưng bất công xã hội còn là một nguyên nhân gây cản trở khiến cho kinh tế khó phát triển. Khi kinh tế không phát triển đúng theo tiềm năng đáng lẽ phải đạt được, thì không phải chỉ người nghèo phải chịu, mà tất cả mọi người đều bị thiệt thòi. Nếu xã hội công bằng hơn, thì tài sản chung của quốc gia sẽ cao hơn, mọi người được chia phần cùng hưởng, trong đó có giới trung lưu.

Bất công xã hội tai hại chung cho nền kinh tế, vì tình trạng bất công kéo dài làm nản lòng những người có khả năng. Họ cảm thấy không thể cố gắng làm việc cho cuộc đời mình khá hơn, con cháu mình khá hơn, khi cam thấy dù cố gắng cách mấy cũng sẽ “đụng trần,” không ngoi lên được nữa. Ở những nước kinh tế phồn thịnh thì người ta dễ chứng kiến cảnh nhiều người có khả năng vọt lên thành triệu phú, tỷ phú, khi chưa đầy 30 tuổi. Bởi vì cơ cấu xã hội bảo đảm ai cũng có cơ hội như nhau.

Một lý do khiến bất công xã hội làm thiệt hại cho kinh tế, là ảnh hưởng trên số tiêu thụ chung của cả quốc gia. Kinh tế sẽ phát triển cao khi số tiêu thụ cao, vì việc tiêu thụ thúc đẩy các nhà sản xuất hoạt động hơn, tạo thêm công việc làm cho nhiều người, nhờ thế lại gia tăng số tiêu thụ. Ở những nước giầu, số tiêu thụ của tư nhân chiếm đến 70% lợi tức quốc gia, chưa kể số tiêu thụ của nhà nước.

Chúng ta thử tưởng tượng lợi tức một nước là 100 đồng, gọi là GDP, tổng sản lượng nội địa. Trong một xã hội hoàn toàn công bằng, số tiền đó được chia đều, thí dụ 50 người dân mỗi người 2 đồng. Với lợi tức đó, mỗi người sẽ chi tiêu một đồng rưỡi, tổng số tiêu thụ của cả nước sẽ là 75 đồng, 75% tổng số lợi tức quốc gia.

Nếu xã hội bất công, chúng ta có cảnh 100 đồng được chia cho 40 người dân nghèo mỗi người một đồng, còn 10 người giàu có được lợi tức 60 đồng. Ðám dân nghèo sẽ dùng hết lợi tức vào việc tiêu thụ, tất cả 40 đồng. Còn 10 người giầu có, dù tiêu sài xa xỉ mỗi người cũng chỉ dùng tới 2 đồng thôi, tổng cộng 20 đồng. Như vậy thì tổng số tiêu thụ đã giảm xuống chỉ cò 60 đồng, 60% của tổng số GDP. Nếu xã hội bất công hơn, tập trung lợi tức vào 5 người, hoặc 2 người, thì tổng số tiêu thụ còn thấp hơn nữa.

Chính quyền Trung Quốc hiện nay đang cố thoát khỏi cảnh trì trệ bằng cách thúc đẩy người dân tiêu thụ nhiều hơn. Hiện nay tỷ lệ tiêu thụ trong nước Trung Hoa chỉ chiếm 40% tổng sản lượng nội địa; chính quyền muốn con số đó tăng lên. Trong khi đó, dân Mỹ không cần chính quyền khuyến khích vẫn dùng 70% GDP trong việc tiêu thụ.

Nhưng ngay trong việc kích thích tiêu thụ ở Trung Quốc, người ta cũng thấy ngay một chướng ngại, là tình trạng bất công xã hội. Chính những người đang được hưởng lợi nờ cơ cấu bất công trở thành một lực lượng bảo thủ rất kiên cố, họ chống lại các biện pháp cải cách. Khi cơ cấu kinh tế không thay đổi nhanh, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm ưu thế dù khả năng sinh lợi kém cỏi hoặc không hề sinh lợi, thì năng suất chung của cả nền kinh tế không lên cao được.

Ðiều nguy hiểm cho cả xã hội là tình trạng bất công sẽ tự nuôi dưỡng để kéo dài. Con cái một gia đình nghèo sẽ thiếu cơ hội đi học, khó lòng bước vào bậc đại học, so với con cái nhà giàu. Tại Việt Nam, con nhà giàu có thể được cho vào những trường tư đặc biệt, dậy bằng tiếng Anh, theo chương trình giáo dục của các nước giầu. Lớn lên, các học sinh giầu được gửi ra ngoại quốc dễ dàng. Cứ như thế, tình trạng bất công về lợi tức, về tài sản, sẽ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bất công xã hội cản trở việc phát triển kinh tế, chúng ta thấy rõ nhất khi thấy trong lịch sử các cuộc cách mạng dân chủ giúp cho các nền kinh tế nghèo cất cánh. Vì chế độ dân chủ bảo đảm việc thiết lập công bằng xã hội dễ dàng, nhanh chóng và bền vững hơn. Trong cuốn sách “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty” các giáo sư Daron Acemoglu (Ðại Học MIT) và James Robinson (Ðại Học Harvard) đã nêu ra nhiều thí dụ. Cuộc cách mạng 1688 ở Anh quốc đã giúp xã hội công bằng hơn, là nguyên nhân gây nên cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ 17, 18 ở nước Anh. Sau cuộc cách mạng ở Mỹ, người dân đã xóa bỏ những đặc quyền của giai cấp thượng lưu, thiết lập những quyền tự do căn bản cho mọi người dân, chính quyền chịu trách nhiệm với dân chúng, nhờ thế việc phân bố lợi tức công bằng hơn. Ðó là nguyên nhân chính giúp cho kinh tế nước Mỹ phát triển.

Một thí dụ hiển nhiên ai cũng thấy là khi so sánh Bắc Hàn với Nam Hàn. Cùng một dân tộc, cùng một địa thế, cùng một thời gian, Nam Hàn đã tiến bộ vượt bực. Các tác giả trên còn nêu thí du hai thị xã cùng mang tên Nogales, nằm hai bên biên giới, một thuộc tiểu bang Sonora, Mexico và một thuộc tiểu bang Arizona, Mỹ. Tình trạng giầu nghèo của dân chúng hai nơi khác nhau chỉ có thể giải thích được là do chế độ chính trị ở Mỹ dân chủ hơn, cho nên xã hội công bằng hơn.

Trong các bài nghiên cứu khác, Daron Acemoglu còn nhấn mạnh rằng khi một chính quyền không dân chủ đưa ra những biện pháp giảm bất công xã hội, thì hành động đó cũng không dẫn tới tiến bộ kinh tế bền vững. Chỉ khi nào thể chế chính trị được thay đổi thì công bằng xã hội mới có, nhờ thế kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn.

Nếu biết suy nghĩ thì chính các “đại gia” ở Trung Quốc và ở Việt Nam phải thấy rằng chính họ cần góp phần vào việc thay đổi thể chế chính trị. Bởi vì khi người dân được tự do, xã hội công bằng hơn, thì chính con cháu họ sau này sẽ được hưởng, nhờ kinh tế phát triển tốt hơn. Ngược lại, tình trạng bất công sẽ kềm hãm kinh tế, làm tất cả cùng nghèo. Nếu ngày nay họ được hưởng 1% của lợi tức chung 100 đồng, thì họ cũng chỉ có một đồng. Khi kinh tế phát triển GDP lên thành 1,000 đồng, thì dù chỉ hưởng 0.5% họ vẫn được 5 đồng! Muốn xã hội công bằng để kinh tế phát triển, phải dân chủ hóa.