Thursday, October 29, 2015

Tàu Nhật 'sẽ ra vào Cảng Cam Ranh'

 Theo BBC-2 giờ trước 
Image copyrightAP
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ đưa tàu vào Cảng Cam Ranh lần đầu tiên vào tài khóa 2016 theo một thỏa thuận sắp được ký kết với Việt Nam, báoNikkei đưa tin.
Đây là một bước quan trọng trong nỗ lực của Tokyo để tăng cường hoạt động ở Biển Đông nhằm cùng đồng minh đối phó với các động thái của Trung Quốc tại khu vực.
Cam Ranh là cảng gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tiếp tục gia cố các rạn san hô thành đảo nhân tạo.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản có kế hoạch trong năm tài khóa 2016 điều tàu tới Cảng Cam Ranh cho các hoạt động tiếp nhiên liệu, thực phẩm, và cho các mục đích khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tướng Nakatani nhiều khả năng sẽ ký một thỏa thuận về kế hoạch này với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong một cuộc họp được lên lịch ngày 06/11 tại Hà Nội.
Truyền thông Việt Nam đưa tin Chủ tịch Tập Cần Bình Trung Quốc thăm Việt Nam nhày 5-6 tháng 11.
Tàu của Lực lược Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã từng cập cảng Sài Gòn, Đà Nẵng và những nơi khác, mặc dù những cảng này xa khu vực có tranh chấp ở Biển Đông hơn.
Việc cho tàu Nhật tiếp nhiên liệu và cung cấp hậu cần tại Cam Ranh sẽ mở rộng tiềm năng hoạt động của SDF trong khu vực cách Nhật Bản hơn 2.000 km từ đất liền.
Image copyrightAFP
Image captionTổng Bí thư Trọng Thăm Nhật vào tháng 9/2015.
Khoảng cách này cùng với thực trạng thiếu cơ hội tiếp nhiên liệu đã và đang tạo ra thách thức về hậu cần cho việc tiến hành do thám và các hoạt động khác.
“Tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản tại Cam Ranh sẽ giúp răn đe hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông,” một quan chức chính phủ Nhật được dẫn lời cho biết.
SFD và Hải quân Mỹ sắp tới sẽ tiến hành tập trận chung ở phía bắc đảo Borneo để đảm bảo liên lạc thông suốt, chuyển quân giữa các tàu và các hoạt động quan trọng khác.
Cuộc tập trận này sẽ có sự tham gia của một tàu sân bay Mỹ và một tàu hộ tống Nhật Bản vốn tham gia vào các cuộc tập trận Mỹ-Ấn-Nhật.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn thận trọng trước khả năng bị Bắc Kinh cho là Tokyo khiêu khích.
Cho tới nay Tokyo chưa có kế hoạch dùng cảng Cam Ranh cho hoạt động do thám và cảnh báo. Các tàu ghé cảng nhiều khả năng sẽ bị giới hạn trong khuôn khổ tham gia vào các nỗ lực chống cướp biển và đào tạo.
Bài báo nhận định hiện chưa biết Việt Nam, Hoa Kỳ và những nước khác sẽ có thể là gì để ngăn Trung Quốc cơi nới và xây đảo ở Biển Đông.
Ngay cả khi những nỗ lực tuần tra ở vùng biển xung quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc được tiếp tục triển khai thì "người ta chẳng có thể làm gì để ngăn chặn Trung Quốc xây đường băng, lắp đặt thiết bị radar và các cơ sở khác trên chính các đảo nhân tạo này,” một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.

Báo Đài Loan: TQ khó xử vì tàu chiến Mỹ

Theo BBC-29 tháng 10 2015

Image copyrightAP
Image captionKhu trục hạm USS Lassen từng thăm Thượng Hải
Báo Đài Loan dẫn lời học giả nói lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở thế tiến thoái lưỡng nan khi Hoa Kỳ điều tàu chiến cho tàu chiến USS Lassen vào Biển Đông.
Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Quốc gia, ông Đinh Thụ Phạm được dẫn lời nói như vậy và thêm rẳng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ kiềm chế để tránh căng thẳng gia tăng nhưng sẽ vẫn cạnh tranh với nhau.
Hôm 27/10 tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ đã di chuyển bên trong khu vực 12 hải lý (22,2 km) quanh hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên đá ngầm Subi và Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Chử Bích và Mỹ Tế) thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Đinh nói hành động của Hoa Kỳ hoàn toàn phù hợp với Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc mà theo đó các tàu nước ngoài, cả dân sự và quân sự, có thể đi ngang lãnh hải.
Nếu Trung Quốc phản ứng mạnh Washington có thể cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật quốc tế.
Nhưng nếu ông Tập Cận Bình không phản ứng mạnh, chính sách ngoại giao của ông sẽ bị chất vấn bởi những người thuộc phe diều hâu như Thiếu tướng La Viên, người nói Trung Quốc phải mạnh mẽ giáng trả bất kỳ nước nào xâm phạm quyền lợi quốc gia của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh để phản đối sự hiện diện của tàu USS Lassen.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc nói Thứ trưởng ngoại giao Trương Nghiệp Toại gọi hành động của Mỹ là "cực kỳ vô trách nhiệm" trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ Max Baucus.

'Tàu chiến uy lực'

Trong khi đó nhà nghiên cứu Việt Nam lâu năm từ Australia, Giáo sư Carl Thayer nói với trang Zing rằng "Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu đến gần những khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng" trong thời gian tới và bình luận thêm:
"Sau một thời gian dài, cuối cùng Mỹ đã thực sự hành động để khẳng định quyền tự do hàng hải ... bằng việc triển khai tàu chiến, tàu USS Lassen vốn là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường.
"Trong lần tuần tra này, tàu Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Xu Bi và Vành Khăn nhằm khẳng định rằng, theo luật pháp quốc tế, những đảo nhân tạo bồi đắp từ các đảo đá ngầm sẽ không được hưởng vùng hàng hải xung quanh nó.”
Khi được hỏi về các máy ba do thám đi cùng USS Lassen, ông Thayer nói:
"Hải quân Trung Quốc không thể đối đầu với một tàu chiến uy lực như USS Lassen.
"Việc Mỹ cũng điều thêm máy bay do thám P-8A là nhằm giúp chỉ huy trên tàu Lasssen và các chỉ huy hải quân khác có bức tranh toàn cảnh về những nỗ lực đáp trả của Trung Quốc."
Ông Thayer cũng nói "Trung Quốc sẽ chủ yếu phản đối bằng lời nói, thông qua Bộ Ngoại giao nước này hoặc từ liên lạc vô tuyến từ các đảo nhân tạo."
"Trung Quốc cũng có thể phản đối bằng việc cử tàu Hải cảnh hoặc thậm chí cả tàu cá. Tuy nhiên, các tàu này chủ yếu chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền của Bắc Kinh," Giáo sư Thayer nói.
Trang Zing cũng dẫn lời tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rằng "luôn tồn tại nguy cơ các nước lớn bắt tay, thỏa hiệp cùng nhau trên lưng các nước nhỏ, đặc biệt là khi giữa hai bên có các lợi ích có thể đem ra đổi chác."
Nhưng ông cũng nói khả năng thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay "là thấp do tổng cục lợi ích của Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông, đang có sự mâu thuẫn lớn và đối đầu."

Các tổ chức xã hội dân sự VN ký tên ủng hộ Mỹ điều tàu tới Biển Đông

Chiến hạm USS Lassen trang bị tên lửa dẫn đường hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Chiến hạm USS Lassen trang bị tên lửa dẫn đường hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Liên minh các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam sáng hôm nay (29/10) kêu gọi ký tên ủng hộ việc Hoa Kỳ gửi tàu khu trục USS Lassen tới Biển Đông 2 ngày trước đó.

Nội dung bức thư kêu gọi ký tên được công bố trên mạng xã hội Facebook nói ‘chúng tôi, liên minh các tổ chức xã hội dân sự, chính trị độc lập của Việt Nam cùng ký tên dưới đây bày tỏ sự ủng hộ chính phủ Hoa Kỳ trong hành động điều tàu chiến tới tuần tra trong khu vực lãnh hải 12 hải lý tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ bất hợp pháp của Việt Nam’.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, một trong những người ký tên trong thư nói:

“Tôi ký cái bản đấy. Lúc tôi ký, tôi nghĩ rằng tôi đã ký thay cho đa số, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số. Đa số nhân dân Việt Nam hoan nghênh việc làm cần thiết của chính phủ Hoa Kỳ trong thời điểm này. Tôi cũng muốn khuyến khích chính phủ Hoa Kỳ làm việc đó thường xuyên để biểu lộ quyền lợi quốc tế trên Biển Đông, chứ không phải dành quyền đấy cho sự xâm lấn của Trung Quốc.”
"Đa số nhân dân Việt Nam hoan nghênh việc làm cần thiết của chính phủ Hoa Kỳ trong thời điểm này. Tôi cũng muốn khuyến khích chính phủ Hoa Kỳ làm việc đó thường xuyên để biểu lộ quyền lợi quốc tế trên Biển Đông, chứ không phải dành quyền đấy cho sự xâm lấn của Trung Quốc..."-Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội nói.
Lá thư khẳng định việc làm của Hoa Kỳ là ‘hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên’, đồng thời cám ơn chính phủ và người Mỹ vì sáng kiến trên.

Sau khi các liên minh các tổ chức xã hội kêu gọi ký thư, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới chính thức lên tiếng về sự kiện này.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói:

“Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.”

Nhiều người đã tỏ ra không thỏa mãn với phản ứng của chính phủ Việt Nam cũng như phát biểu mà một số người cho là ‘chẳng nói lên được điều gì’ của người phát ngôn bộ ngoại giao. Ông Nguyễn Thanh Giang nhận xét:
"Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển."-Phát ngôn viên Việt Nam Lê Hải Bình.
“Tôi hơi tiếc rằng phản ứng của chính phủ Việt Nam không rõ nét và không biểu lộ được tinh thần, ước muốn của toàn thể nhân dân Việt Nam.”

Tính đến tối đã có 16 tổ chức xã hội dân sự, tổ chức chính trị và 59 cá nhân ký tên trong thư.

Lá thư sau khi thu nhận các chữ ký sẽ được chuyển đến Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với cả hai bản tiếng Việt và tiếng Anh.

Thủ tướng Đức hối thúc TQ giải quyết tranh chấp Biển Đông

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi lễ chào đón bên ngoài Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, thứ Năm 29/10/2015.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi lễ chào đón bên ngoài Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, thứ Năm 29/10/2015.
VOA-30.10.2015
Trong một chuyến công du tới Bắc Kinh hôm thứ Năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh cãi với Mỹ về vấn đề lãnh hải ở Biển Đông và gợi ý rằng tranh chấp nên được đưa ra tòa án quốc tế.

Bà Merkel nói rằng điều quan trọng là tuyến đường thương mại trên biển vẫn rộng mở dù có tranh cãi. Căng thẳng tăng lên trong tuần này sau khi một tàu chiến của Mỹ thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bà Merkel hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong khi Đức và Trung Quốc ký nhiều hiệp định thương mại khác nhau hôm thứ Năm, bao gồm một thỏa thuận cho các hãng hàng không Trung Quốc mua 130 máy bay do Tập đoàn Airbus sản xuất trị giá 17 tỉ đôla.

Tháp tùng bà Merkel là một phái đoàn khoảng 20 giám đốc điều hành những công ty của Đức, trong đó có Giám đốc điều hành mới của hãng Volkswagen Matthias Muller, đại diện cho các lĩnh vực máy móc, ô tô, điện và viễn thông.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đức trên thế giới, với kim ngạch thương mại song phương lên tới hơn 165 tỉ đôla trong năm 2014.

Bà Merkel cũng gặp gỡ những nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc hôm thứ Năm. Phát ngôn viên Steffen Seibert của bà viết trên Twitter vào cuối ngày công du đầu tiên của bà ở Trung Quốc: "Thủ tướng Merkel đã gặp gỡ những thành viên của xã hội dân sự Trung Quốc: các luật sư nhân quyền, nhà văn và blogger."

Tên của những nhà hoạt động mà bà gặp gỡ không được công bố, nhưng ông Seibert cho biết trước chuyến đi của bà rằng "tất cả những cuộc gặp gỡ của chúng tôi với các quan chức Trung Quốc, những vấn đề về nhân quyền, pháp trị và dân chủ đóng một vai trò nhưng tôi sẽ không đi vào chi tiết cụ thể ở đây."
Washington cũng đã bày tỏ lo ngại về thành tích nhân quyền của Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai chỉ trích Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington vào cuối tháng 9, nói rằng việc Trung Quốc đối đãi những nhà hoạt động nhân quyền ở nước này là "có vấn đề."

Người Việt hiến gì cho nhau?

 Tuankhanh 10/29/2015 - 15:28 
Tháng 10/2015, Bộ trưởng Y tế Việt Nam được ghi nhận là người đầu tiên trong giới quan chức ký giấy hiến tặng nội tạng của mình, sau khi qua đời. Hành động này đã gây chú ý không ít cho giới truyền thông nhà nước, mới đây.
Mặc dù bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, nói rằng bà đã "âm thầm" hiến tặng từ năm 2013, nhưng bất kỳ ai cũng có thể thấy một chiến dịch đánh bóng hình ảnh khá rầm rộ đi theo sau đó, mặc dù tính theo mốc thời gian, thì đó là chuyện đã rất cũ. Thậm chí, bà Tiến còn nhận trả lời phỏng vấn, tự hào nói rằng mình có sợ hãi chút nào đâu.
Về ý thức, việc "không sợ hãi" này của bà Tiến mang đầy màu sắc tôn giáo. Bởi là một đảng viên Cộng sản, thuần phục chủ nghĩa vô thần thì việc "không sợ hãi" sau cái chết, có thể điềm chỉ rằng bà Bộ trưởng đã âm thầm hội nhập một tinh thần tín ngưỡng nào đó, rất khác với lời thể vô thần của bà.
Câu chuyện của bà Tiến, nhắc cho người ta nhớ đến ca sĩ Ngọc Sơn. Người nghệ sĩ bị coi là "bất trị" về phong cách và hành động, lại mới chính là người đầu tiên công khai ký hiến xác cho khoa học vào tháng 3/2007. Nhưng ngoài Ngọc Sơn, tất cả các bệnh viện ở Việt Nam vẫn đang sử dụng các phần hiến tạng của vô số con người, mà thật sự âm thầm - không ai cần phải để lại một cái tên.
Hiến xác hay hiến tặng các cơ quan nội tạng cho ngành y khoa từ lâu nay đã là việc rất đỗi bình thường trên thế giới. Hơn 200 triệu người Mỹ ghi danh đi làm bằng lái xe đều nhìn thấy câu hỏi bình thản trong hồ sơ, rằng có muốn hiến tặng thân thể sau khi chết không. Đã có tới 120 triệu người ký giấy hiến tạng mà không cần một cuộc phỏng vấn vinh danh nào.
Con người hiến tặng thân xác cho nhau, người Việt để lại đời mình, dâng hiến cho người còn sống là chuyện cũng không mới, ở nhiều trường hợp. Lịch sử hiến tặng cũng cần phải ghi tên tên bà Nguyễn Thị Năm ở làng Bưởi, Hà Nội, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long. Bà không những hiến tài sản của mình cho cách mạng, mà còn bị hiến tế cho sự thành công của một cuộc cách mạng tư tưởng đẫm máu vào 1953, tại miền Bắc Việt Nam.
Nói như vậy, chỉ để muốn giới thiệu rằng lịch sử hiến tặng sự sống hay sau sự sống cho nhau, đã nhiều trên cả thế giới, và Việt Nam cũng vậy. Vậy lý do gì để một sự kiện đã cũ của bà Bộ Trưởng lại được hâm nóng, vào lúc này?
Rất nhiều người Việt nhận ra một giai đoạn không chỉ có bà Kim Tiến, mà rất nhiều các quan chức của chế độ đột nhiên giành nhau lên tiếng trên báo chí, truyền hình.  Thậm chí là những câu phát biểu làm cho hàng triệu người sững sờ về trình độ hay quan điểm tệ hại, nhưng buồn cười là các ngôn ngữ đó đó vẫn được giật tít, in đậm. Có thể đó là sự tận tâm của hệ thống tuyên truyền, có thể đó là sự chế giễu ngấm ngầm, hết sức thông minh của giới truyền thông nhà nước.
Trong thời điểm có sự sắp xếp lại bộ máy nhân sự của hệ thống chính trị từ Trung ương của Đảng Cộng sản, mỗi ngày tin tức của báo chí Việt Nam đều mang lại cho người dân cảm giác về những buổi triều kiến hỗn loạn, đủ các loại quan quân sợ bị phế truất hay mất phần, họ cố lớn giọng giới thiệu phần trung thành nhất của mình. Mỗi người mỗi vẻ, trơ trẽn vẹn toàn.
Có người không còn biết ngại đưa mặt mình ra và ca hát về quyền gia tộc thừa kế chính trị như một loại "hạnh phúc của nhân dân", để chỉ mong được để mắt đến, để được một ghế và bổng lộc đủ. Từ tướng lĩnh đến giáo sư, từ quan chức đến thầy tu đều vỗ tay một nhịp, hết sức trẻ con.
Có người trơ tráo, bảo vệ về cho ngân sách công kiệt quệ, tuyên bố rằng việc "nhịn nâng lương là có lợi cho người lao động". Giới làm luật thì có người hô to rằng nếu toà án cứ "xử dân thắng kiện, thẩm phán sẽ hết đường sống".
Có người đăng ký, nguyện xin làm người trải thảm đỏ cho Tập Cận Bình vào Việt Nam, bất chấp biển đảo bị xâm chiếm đang làm sôi sục lòng dân, ngư dân Việt bị đâm thuyền tàn nhẫn như để trút bớt cơn giận bất định của Bắc Kinh.
Xôn xao và hạ cấp. Ai nấy đều vỗ ngực kêu gào khả năng phục vụ của mình để mong được đoái hoài trong một mùa thay đổi. Khi tổ quốc nguy nan, kẻ thù sát nách thâm hiểm, thì chỉ nghe tiếng hô để được cho riêng mình chứ không thấy ai cất tiếng nói của con người, dành cho quê hương. Ngày càng nhiều những nguy nan, nhưng Quốc hội ngáp dài nghỉ sớm do thấy không có gì để nói.
Bối cảnh đó, cũng có thể suy ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước một thời đại dầy khó khăn của mình: chung quanh đầy những kẻ ăn hại và cơ hội. Nhân lực có khả năng thật sự để điều hành chính quyền như đã cạn kiệt.
Nếu để dâng hiến, lúc này là lúc người Việt dâng hiến cho tổ quốc, để thay đổi, để chống lại kẻ thù đang lăm le nuốt chửng lãnh thổ. Lúc này là lúc để những người nắm quyền hành lãnh đạo ra sức dâng hiến trí tuệ và trách nhiệm của mình cho đất nước, cho dân tộc để vượt qua sóng gió, để Việt Nam dựng lại một cái tên kiêu hãnh trên biển Đông. Dâng hiến và cần được nhắc tới là anh linh của những người lính Việt Nam ở Gạc Ma 1988, mà thân xác vẫn chưa bao giờ được trục vớt về ở yên nghỉ trên đất liền.
Dâng hiến không cần phải có chức vụ. Phần dâng hiến của những người vô danh nhất, đôi khi vĩ đại hay cao quý hơn cả của những nhà lãnh đạo được tung hô vạn tuế.
Dâng hiến và cần được viết, được tìm tới, là những người dân lành, những người lính đã chết để gìn giữ tổ quốc mình năm 1979 trước sự xâm lược của Trung Quốc, của Khmer Đỏ... nhưng bia tưởng niệm cứ bị dẹp bỏ, lần lượt và âm thầm cho tấm bảng máu dát vàng 16 chữ hữu nghị.
Quốc gia có phồn vinh hay không, là khi các quan chức dâng hiến sự tận tuỵ cho đất nước mình thay vì mối lợi cá nhân và dòng tộc. Đất nước mạnh mẽ và minh bạch vì không còn nghe những điều trá nguỵ để hèn thần vinh thân phì gia.
Rồi sẽ có ai đó lên tiếng cám ơn bà Bộ Trưởng Kim Tiến về hiến tạng. Dâng tặng cho con người bao giờ cũng là điều cao quý và đáng để ngợi khen. Nhưng bên cạnh đó, bà Bộ trưởng Y tế cũng nên dành chút thì giờ để suy tư vì lẽ nào vaccine 5 trong 1 Quinvaxem luôn làm chết trẻ em Việt Nam mà Bộ Y tế cứ ngoan cố, im lặng sử dụng? Lợi ích nào của nhân dân được đánh đổi bằng lợi ích của việc hành động, bất chấp cái chết của con trẻ?
Dâng hiến hôm nay, thực tế và chân thành cho dân tộc và tổ quốc, sẽ rực sáng tức thì và mãi mãi. Sẽ rất khác với việc sống toan tính, dâng hiến cho mối quyền lực hay chính thể nào đó, khi người ta ý thức tổ quốc, dân tộc đứng trên mọi chế độ.

Những tử tù oan, luật pháp xã hội chủ nghĩa và lương tâm xã hội

Nguyễn Thị Từ HuyTheo RFA- 2015-10-28 
Những tử tù oan, luật pháp xã hội chủ nghĩa và lương tâm xã hội
Hai tử tù oan Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng.  Courtesy of ethongluan.org
Bên cạnh "dân oan", "tử tù oan" đang xuất hiện như một hiện tượng đặc thù của chế độ chính trị Việt Nam đương đại. Có thể tìm thấy một cách dễ dàng trên mạng hồ sơ của những tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh đã được công khai với tất cả các dấu hiệu oan sai.
Cái giá phải trả cho những sai lầm cố tình của cơ quan tư pháp có thể là sinh mạng của những người dân vô tội.
Quyền sống là quyền tối cao của mỗi người. Hiến pháp Việt Nam cũng ghi nhận quyền này, như hiến pháp của mọi nước khác.
Điều trớ trêu ở Việt Nam là các cơ quan có nhiệm vụ phải bảo vệ quyền sống cho người dân rất có thể lại là cơ quan tước đoạt quyền tối cao ấy của người dân, không cần bằng cớ, hoặc trầm trọng hơn, nguỵ tạo bằng cớ để cướp sinh mạng của người dân. Những vụ án tử tù oan cho thấy như vậy.
Quá nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh những vụ án oan sai của Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh… Ở đây tôi lưu ý một vài vấn đề, theo tôi là căn bản.
Nạn nhân, ngoài việc họ vô tội, là những người được chọn một cách tình cờ. Nghĩa là họ không có thù oán cá nhân với cơ quan an ninh và toà án, không có thù oán với các cá nhân làm việc ở cơ quan công an và toà án. Dĩ nhiên, họ cũng chẳng có thù oán gì với chế độ, họ không có hành vi phản ứng các chính sách của chính phủ. Họ hoàn toàn là những người dân bình thường, sống một cuộc đời bình thường, nghĩa là không có bất kỳ lý do nào để họ phải chịu cái án cao nhất: án tử hình. Không có lý do nào để bắt họ phải chết.
Thế mà công an rồi toà án các cấp (cho tới tận Toà án Tối cao) muốn buộc họ phải chết.
Vì sao phải tìm cách giết họ?
Người nhà Hồ Duy Hải đưa ra một giả định rằng công an và toà án muốn Hồ Duy Hải phải chết thay cho con của một quan chức cao cấp. Nếu giả định này là đúng thì thì công an và toà án có ý định giết người vô tội để bảo vệ cho quan chức của chính quyền.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác đặt ra là: công an và toà án, nếu phải làm theo lệnh trên, không dám đưa con cái của quan chức chính quyền ra xét xử và bắt đền tội, thì tại sao không chọn tuyên bố là không tìm ra thủ phạm, tại sao phải chọn giết bằng được một người vô tội để cứu một kẻ có tội? Đây chính là điều gây ra chấn thương tinh thần trầm trọng cho toàn xã hội Việt Nam.
Bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đưa ra một lý giải cho việc con ông bị kết tội oan: bệnh thành tích của ngành công an và toà án. Theo ông, lãnh đạo công an Hải Phòng muốn dùng sinh mạng của con ông để thăng quan tiến chức.
Hiện tượng các tử tù bị cố tình xử oan là hiện tượng rất trầm trọng, xét về phương diện nhân quyền và tính nhân văn của chế độ. Trầm trọng hơn rất nhiều so với các vụ án oan sai mà những người bất đồng chính kiến phải chịu. Bởi trong trường hợp những người bất đồng chính kiến, dù sao còn có thể tìm được một lý do, dù rằng lý do đó cũng phản ánh tình trạng dã man và tính phi nhân của thể chế. Lý do đó là những người bất đồng chính kiến dám thể hiện tư do tư tưởng và tự do ngôn luận, là thứ bị cấm trong một chính thể độc tài hay toàn trị. Nhưng trong những vụ tử tù oan đang được nói đến ở đây, ta không tìm thấy lý do. Điều đáng sợ là sinh mạng của con người hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự tuỳ tiện của các cơ quan đại diện cho luật pháp, tuỳ thuộc vào sự độc ác và thú tính của công an và quan toà; và tất cả mọi người đều có thể rơi vào tình trạng đó, không cần lý do. Do vậy, tính vô nhân đạo của chế độ bị đẩy đến cực điểm. Ngoài ra, những người làm nghiên cứu luật và nghiên cứu xã hội còn có thể phân tích những vụ án này để chỉ ra rất nhiều điểm khác mà tôi chưa có dịp đề cập đến ở đây.
Dưới đây là một vài nhận xét về  những điểm tích cực liên quan tới việc hoãn thi hành án cho một số tử tù oan, như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng.
Mặc dù tính chất phi nhân, phản nhân đạo nằm trong bản chất của mô hình xã hội chủ nghĩa, một mô hình chính trị trên thực tế coi con người chỉ là công cụ sử dụng của bộ máy quyền lực, bất chấp các ngôn từ tuyên truyền hoa mỹ của nó, mặc dù hệ thống tư pháp Việt Nam phản ánh đầy đủ bản chất của mô hình này, tuy thế, trong hệ thống ấy vẫn còn những luật sư có lương tâm, và có suy nghĩ. Trước hết phải kể đến những luật sư đã có các hoạt động mạnh mẽ nhằm bảo vệ tính nhân bản của xã hội, bất chấp sự an toàn cá nhân bị đe doạ: Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Lê Quốc Quân… Và những luật sư hiện đang hành nghề, trong vị trí nghề nghiệp của mình, tìm cách bảo vệ nền công lý vốn lúc nào cũng có thể bị đe doạ trong cái gọi là hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa. Cụ thể trong trường hợp này là những luật sư đã làm đơn kiến nghị cho các tử tù oan và cố gắng cứu họ.
Hơn lúc nào hết, hiện nay người dân Việt Nam cần có những luật sư có lương tâm và thấu hiểu tinh thần luật pháp.
Ngoài ra, việc hoãn thi hành án đối với một số tử tù oan còn cho thấy một điều: Phản ứng của người dân, sự lên tiếng của người dân chính là sự lên tiếng của lương tâm xã hội. Nó cho thấy ở Việt Nam tiếng nói của lương tâm xã hội chưa bị hệ thống chính trị tiêu diệt hoàn toàn. Trái lại, người dân Việt Nam, khi cần, đã biến trách nhiệm đối với đồng loại và ý thức lương tâm của mình thành một sức mạnh tập thể. Và chính tiếng nói của xã hội có tác dụng làm thức tỉnh những người làm việc trong bộ máy chính quyền, khiến cho họ nhận thấy rằng họ cũng có một lương tâm, rằng họ cũng còn khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, rằng họ vẫn còn biết đâu là giới hạn phải dừng lại. Lời kể của bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng, người cha có tuổi ấy lần nào kể cũng khóc, cho thấy bộ máy an ninh đã bị thú tính hoá đến mức nào (tra tấn ép cung: đốt bộ phận sinh dục, mùa đông bắt cởi truồng, dùng khóa số tám treo ngược người lên tường, đe dọa chặt chân người thân, đe dọa đạp bụng vợ đang mang thai cho sẩy thai…).
Sự dung dưỡng của chính quyền là điều kiện khiến cho phần thú tính ở họ phát triển. Vì thế, chỉ còn có lương tâm xã hội mới có thể thức tỉnh được họ. Và trong những trường hợp cụ thể của các tử tù oan này, chính sự lên tiếng của lương tâm xã hội đã giúp chính quyền, và cụ thể là cơ quan thi hành án, không phạm phải sai lầm chết người, hay đúng hơn là sai lầm giết người.
Một chính quyền không thể tạo uy tín và sự chính danh của mình bằng việc giết những người vô tội. Trái lại, nếu một chính quyền giết người vô tội thì chính quyền đó cũng giết luôn cả lý do tồn tại của mình. Chính quyền chỉ có thể tạo uy tín bằng cách thực thi công lý và đảm bảo công lý cho toàn xã hội. Nghĩa là những kẻ phạm tội, dù ở cấp nào, cũng phải bị đem ra xử, và những người lương thiện phải được bảo vệ.
Trong trường hợp của các tử tù oan, dư luận xã hội, lương tâm xã hội đã giúp chính quyền tránh được sai lầm trước mắt. Để chúng ta thấy rằng sự lên tiếng của người dân quan trọng biết nhường nào trong một chính thể mà quyền lực không được kiểm soát bởi pháp luật, trong một chính thể không có tam quyền phân lập. Khi phát luật không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, khi nó để quyền lực điều khiển, thì không phải chỉ những người bất đồng chính kiến phải chịu kết tội oan, mà mọi người dân đều có thể bị kết án oan, mọi người dân, không trừ một ai. Vì thế, bảo vệ đồng loại của mình, bảo vệ đồng bào mình cũng là bảo vệ chính mình. Khi luật pháp bị biến thành công cụ của quyền lực thì chỉ có lương tâm xã hội, tức là lương tâm của mỗi người, mới cứu được nó mà thôi.
Tuy nhiên, hoãn thi hành án không có nghĩa là công lý đã được thực hiện. Những người tử tù oan chưa bị giết ngày hôm nay, nhưng công lý có được thực thi với họ hay không? Công lý có thể tồn tại trong xã hội chúng ta hay không? Câu hỏi này còn đang bỏ ngỏ.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

« Tòa án nhân dân » Trần Nhật Quang và những bi hài của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa

Nguyenthituhuy —10/28/2015 - 23:29
Vụ phe nhóm Trần Nhật Quang tấn công Nguyễn Lân Thắng và gia đình một lần nữa cho thấy chính quyền đương nhiệm muốn quay trở lại sử dụng một số biện pháp của chủ nghĩa toàn trị thời kỳ đầu, thời kỳ đẫm máu và tàn bạo với các vụ thanh trừng và giết người hàng loạt mà Việt Nam cũng không tránh khỏi, được thể hiện qua những vụ thanh trừng Nhân văn Giai phẩm và cải cách ruộng đất.
Vài năm nay dồn dập các vụ thanh trừng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện tuyên truyền của nhà nước, mục đích của những vụ khủng bố này là để nhấn chìm toàn xã hội trong không khí sợ hãi, có thể nêu một số vụ việc : vụ Nhã Thuyên (giáo dục/văn học), vụ Kim Quốc Hoa (báo chí), vụ Nguyễn Đăng Trừng (luật), và gần đây nhất là vụ Đỗ Hùng (báo chí).
Và chỉ mới cách đây mấy ngày, xuất hiện nhóm « phản ứng nhanh tự phát » của Trần Nhật Quang. Dĩ nhiên, những người có biết chút ít lịch sử đều thấy ngay sáng kiến này (của ông Quang ?) được lấy cảm hứng từ hình thức toà án nhân dân thời kỳ cải cách ruộng đất.
Mô hình của nhóm này thực chất là mô hình « toà án nhân dân » tự phát đã được sử dụng trong cải cách ruộng đất. Mô hình đó để cho người dân tự đứng ra thành lập các nhóm tự phát với mục đích là tố cáo, kết tội, và xử tội. Tuy lần này không có màn xử tội, không có giết chóc (mặc dù không thiếu đe doạ, hành hung, theo kiểu sân khấu hề kịch, pha lẫn kịch hài dân gian và trí tuệ đỉnh cao xã hội chủ nghĩa), nhưng mục đích của toà án nhân dân tự phát do ông Trần Nhật Quang lập ra là nhằm kết tội Nguyễn Lân Thắng cùng những người bị ông ta xếp vào loại "phản động". Và bi hài thay, ông ta cho rằng ông ta đang làm cái điều mà "chính quyền không làm được" (tôi trích nguyên văn lời ông ta).
Điều mà chúng ta, khán giả của vở bi hài kịch « toà án nhân dân Trần Nhật Quang », có thể chắc chắn, đó là : « phiên toà » của ông Quang không hề tự phát, nó được dàn dựng công phu và được cho phép. Nếu hoàn toàn tự phát và không được phép của những người có thẩm quyền thì hẳn giờ này nhóm « quần chúng tự phát » của ông Quang đã phải bị công an bắt giữ và xét hỏi, vì hành động ấy không phù hợp với luật pháp Việt Nam hiện tại.
 Chúng ta cần hiểu rằng, sở dĩ vụ cải cách ruộng đất có thể diễn ra vì đó là một thời điểm đặc biệt của Việt Nam và của quốc tế. Châu Âu vừa qua khỏi đêm đen của chủ nghĩa toàn trị Đức Quốc xã, nhưng một nửa thế giới đang chìm trong thời thắng thế của toàn trị cộng sản. Còn Việt Nam, quốc gia non trẻ thành lập năm 1945, một năm sau ban hành hiến pháp, nhưng mãi đến năm 1985 mới có bộ luật hình sự đầu tiên, và mười năm sau, 1995, bộ luật dân sự đầu tiên mới được Quốc hội thông qua và đến tháng 7 năm 1996 mới có hiệu lực. Thời kỳ cải cách ruộng đất, bạo lực cách mạng lên ngôi, xã hội không được quản lý bằng luật. Vì thế mới có thể xảy ra việc chỉ cần người đứng đầu quốc gia quyết định giết những người thuộc thành phần địa chủ thì cả nước phải thi hành quyết định đó, và mới có thể xảy ra việc các « toà án nhân dân » được lập ra một cách tự phát, xét xử kết tội và tử hình không cần bằng chứng và không cần các thủ tục pháp lý, chỉ cần có người tố cáo là được.
Bối cảnh quốc tế và Việt Nam ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này không cho phép diễn ra vụ việc tương tự cải cách ruộng đất.
Vậy mà «toà án nhân dân » của ông Trần Nhật Quang vẫn được lập ra ! Tình huống này quả là vừa bi đát vừa hài hước cho nền tư pháp Việt Nam. Có quá nhiều điều thú vị nếu ai đó định làm thao tác diễn giải vụ này.
Ông Thắng và gia đình hoàn toàn có thể dựa vào Bộ luật Việt Nam hiện hành để kiện ông Quang và nhóm « toà án nhân dân » của ông ta ra toà. Ông Thắng đã có đầy đủ bằng chứng để làm việc đó. Vụ kiện này có thể sẽ góp phần minh định bản chất của luật pháp Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa. Nó cũng có thể sẽ đi vào lịch sử của ngành tư pháp quốc tế như một trường hợp đặc biệt có nhiều ý nghĩa, trở thành một « trường hợp nghiên cứu » (cas d’étude) thú vị.
Tôi ghi lại dưới đây phát ngôn của Trần Nhật Quang, làm tư liệu cho những ai muốn nghiên cứu để hiểu vận hành của xã hội Việt Nam đương đại (cá nhân tôi nhìn thấy rất nhiều điều ở vụ việc này, tôi sẽ trở lại vào một dịp khác) :
« Chúng tôi, một nhóm người dân ở Hà Nội, không liên quan đến chính quyền, đã thành lập nhóm phản ứng nhanh của người dân nhằm săn lùng những tên vi phạm một trong ba tiêu chí sau đây : 1/ Xúc phạm tổ quốc và lá cờ thiêng liêng của tổ quốc, nơi công cộng. 2/ Xúc phạm các anh hùng dân tộc và lãnh tụ anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, nơi công cộng. 3/Ca ngợi vinh danh chế độ tay sai bán nước ngụy- Việt Nam Cộng Hòa, nơi công cộng. Phạm vi săn lùng là nơi công cộng, trên đường phố, nhà riêng, hoặc nơi đối tượng đang làm việc hay là đang sinh hoạt. Mục đích là để hỏi tội. Phương pháp : 1/ Bắt xin nỗi (lỗi) vì tội tuyên truyền láo xược, nơi công cộng. 2/ Vạch tội và thông báo với chính quyền, nhân thân và hàng xóm láng giềng nơi sở tại của Nguyễn Lân Thắng nói riêng cũng như bọn phản động nói chung. Với tinh thần : chính quyền làm những việc người dân không làm được. Ngược lại, người dân chúng tôi sẽ làm những việc mà chính quyền không làm được. 3/ Chúng tôi sẽ không vi phạm pháp luật hình sự để gây khó khăn cho chính quyền : không đánh chết, không gây thương tích, không giam giữ đối tượng. Trước mắt chúng tôi mở chiến dịch « một tháng săn lùng hỏi tội Nguyễn Lân Thắng và những tên phản động xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề nghị người dân cả nước : 1/ Hãy liên hệ với nhóm phản ứng nhanh của người dân thủ đô Hà Nội chúng tôi. 2/ Phát hiện Nguyễn Lân Thắng và những tên phản động khác ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, hãy gọi điện thoại cho chúng tôi và gọi điện cho nhau để cùng hỏi tội bọn chúng tại chỗ. 3/ Đề nghị mỗi tỉnh thành các bạn cũng nên lập nhóm. »
Quý độc giả có thể đối chiếu với vidéo clip được giới thiệu trong bài của Nguyễn Tường Thụy, tại link này :https://www.rfavietnam.com/node/2866
Paris, 28/10/2015
Nguyễn Thị Từ Huy

Tham nhũng vẫn sống vinh quang

Phạm Trần (Danlambao) - Ông bà ta bảo: Nói phải củ cải cũng phải nghe, nhưng các cụ lại không dạy con cháu làm sao bịt được mồm những kẻ nói ngày chưa đủ tranh thủ nói đêm, cứ mãi cãi xùi bọt mép để giữ cho được Xã hội Chủ nghĩa Tham nhũng mất lòng dân ở Việt Nam.

Đó là câu chuyện đang râm ran trong xã hội trước ngày Đại hội đảng XII. Trí thức thì bức xúc, lão thành cách mạng buồn rầu, đảng viên mất định hướng và người dân hoang mang ở ngã ba đường.

Nhưng đảng không quan tâm. Lãnh đạo coi chuyện tiếp tục giữ vững độc lập gắn liền với Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản cho Việt Nam bây giờ và mãi mãi sau này là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Ai cũng biết họ đã lý luận cùn, lạc hậu và thoái trào hơn 20 năm, kể từ khi Thế giới Cộng sản tan rã năm 1991 ở Nga. 

Riêng đội ngũ “dư luận viên” của Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo thì không. Họ quan niệm “còn đảng còn mình” như lực lượng Công an được học tập từ phát biểu năm 1959 của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn ("Công an là vũ khí sắc bén, là trụ cột của Đảng, Đảng giao cho Công an nhiệm vụ bảo vệ Đảng. Công an phải thấy Đảng giao vận mệnh của Đảng cho mình. Vì vậy, Đảng lựa chọn Công an trong những người trung thành nhất với Đảng, những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình".)

Thay vào đó, họ tăng cường sử dụng báo đài đảng để lái dư luận vào tuyên truyền đấu tranh chống kẻ thù vô hình gọi là “diễn biến hòa bình”, bị cáo buộc do Mỹ và các nước Tây Phương chủ trương nhằm loại đảng cầm quyền Cộng sản.

Nhưng để giữ đảng và chủ nghĩa Cộng sản sống mãi ở Việt Nam như Trung ương XI đã hoạch định trong Dự thảo Báo cáo Chính trị (BCCT) tại Đại hội đảng XII, những “nhà thông thái” có học hàm Tiến sỹ, Thạc sỹ lại mơ hồ lên án những chống đối nhắm vào BCCT của người trong và ngoài nước là sản phẩm của “các thế lực thù địch” và những kẻ “cơ hội chính trị” ở Việt Nam. Tuyệt nhiên họ không dám đụng tới những kẻ nội thù đã và đang làm ngơ trước đe dọa xâm lăng biển đảo Việt Nam của Trung Quốc; quốc nạn tham nhũng và những cán bộ, đảng viên mất phẩm chất, đang bóc lột nhân dân ở mọi nơi, mọi ngành. 

Ngoài những bài viết phản biện của đội ngũ dư luận viên có học vị cao, đảng còn chỉ thị công an khoác áo côn đồ, như nhóm Trần Nhật Quang ở Hà Nội, đến tận nhà khủng bố những người chống đường lối lãnh đạo của đảng như đã xảy ra cho Tiếc sỹ Nguyễn Lân Thắng của dòng họ văn hóa nổi tiếng Giáo sư Nguyễn Lân.

Những nhóm Công an dư luận viên này còn công khai thực hiện các cuộc đánh người bất đồng chính kiến như phường đâm thuê chém mướn trước mắt công an giữa phố đông người. Người dân thấp cổ bé miệng thì nín thinh, sợ hãi tránh xa những nhóm như Trần Nhật Quang mà Tiến sỹ Tô Văn Trường gọi là “lưu manh đỏ”, vì chúng làm việc này theo lệnh đảng và được các cơ quan nhà nước bảo trợ.

Nhưng một xã hội mà công an mặc áo côn đồ được tự do lộng hành như thế là hiện thân của một nhà nước nhu nhược đã mất khả năng lãnh đạo.

Vì vậy ta không lạ khi thấy các miệng lưỡi lý luận của đảng cho rằng, các “thế lực thù địch” và “những kẻ cơ hội trong nước” đã lợi dụng thời gian đảng chuẩn bị Đại hội để tăng cường chống đảng, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận và làm mất đoàn kết trong đảng viên.

Nhưng mà Dự thảo BCCT đã nhìn nhận một số vấn đề cơ bản báo hiệu đảng lâm nguy như:

- Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi.

-- Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ.

---- Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút.

Vì vậy, BCCT mới hứa tiếp tục: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.”

BCCT còn thừa nhận: "Nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ."

Báo cáo Chính phủ - Quốc hội

Khi nói về thất bại chống tham nhũng, lãng phí thì phải kể đến bản báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước Quốc hội ngày 28/20 (2015).

Ông Tranh cho biết: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.

Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội.”(Trích Cổng thông tin Chính phủ, 28/10/2015)

Phản biện lại báo cáo của ông Tranh, báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: “Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế. Việc khắc phục sơ hở, bất cập về chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn chậm; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; chưa xử lý triệt để, nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; thiếu quy định có hiệu quả để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.” (Tin Chính phủ)

Cũng rất ngạc nhiên khi nhân sự và kinh phí dành cho cơ quan Thanh tra phòng chống tham nhũng gia tăng thì công tác “phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm.”

Theo ông Hiện thì: “Trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đây là vấn đề cần nghiêm khắc đánh giá hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng.”

Ủy ban Tư pháp đánh giá: “Công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.

Vẫn còn một số vụ án xử lý kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng, việc xem xét, xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý kỷ luật hành chính. Việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp.”

Cũng theo tiết lộ của Văn phòng Thanh tra Chính phủ, được đăng trên báo Cổng thông tin Chính phù ngày 28/10 (2015) thì: “Khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện trong quý II/2015 tại 512 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân cho thấy: 48% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức trong khoảng thời gian 12 tháng gần đây, trong đó 82% là quà có giá trị trên 500.000 đồng; 88,6% tặng trực tiếp cho cán bộ, công chức; 46% tặng trước và trong khi đang giải quyết công việc của doanh nghiệp; 66% là nhằm mục đích giải quyết công việc của doanh nghiệp và 31% để “nuôi quan hệ”; 56% do doanh nghiệp chủ động tặng quà dù cán bộ, công chức không đòi hỏi hay gợi ý.”

Công an - Quốc hội

Cũng ngạc nhiên không ít khi thấy báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nói về tình trạng “xuống cấp” của Công tác phòng chống tham nhũng thì Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang lại nói khống lên thành tích của ngành trong báo cáo về“công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm” đã có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết chỉ tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra đều đạt và vượt.”

Theo báo Công an Nhân dân (28/10/2015) thì tướng Quang báo cáo: “Hầu hết các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được cơ quan điều tra các cấp khẩn trương điều tra, kết luận, chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố, đồng thời tiếp tục phát hiện, điều tra làm rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dư luận quan tâm (như vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, Ngân hàng thương mại cổ phần dầu khí Toàn cầu, Công ty cổ phần than Tây Nam Đá Mài)…

Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tăng khá, từ 22,3% năm 2014 lên 55,8% năm 2015 (đạt mục tiêu Quốc hội đề ra). Đây là vấn đề được cơ quan điều tra phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt quan tâm, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản.”

Ngay sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội đã thảo luận. Theo báo chí ở Việt Nam thì Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: “Tham nhũng diễn ra trên mọi lĩnh vực cuộc sống, từ người có địa vị thấp đến người có địa vị cao trong xã hội; người tham nhũng ít nhìn người tham nhũng nhiều mà làm theo; người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập. Thậm chí, tham nhũng còn lan ra đến tận một số người dân thường, chỉ cần họ có chức trách gì đó như trông xe, gác đền, phát hàng cứu trợ. Tệ hại hơn nữa là tham nhũng cả chính sách cho hộ nghèo; chế độ cho người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, tham nhũng của cả người còn sống hay đã chết.”

Theo ông Phương thì có “một dạng tham nhũng tinh vi nhưng lâu nay ít được đề cập và trong báo cáo cũng nêu chưa rõ, đó là tham nhũng chính sách, thông qua việc mua chuộc, chạy chọt để ban hành các văn bản pháp luật có kẽ hở để tạo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.”

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: “Báo cáo nhận định tình hình tham nhũng không giảm nhưng số vụ tham nhũng bị phát hiện lại giảm chứng tỏ công tác điều tra, khám phá tội phạm tham nhũng không đáp ứng được yêu cầu. “Cần thành lập Ủy ban điều tra, chống tham nhũng độc lập với cơ quan công an và chỉ thành lập ở cấp trung ương, đồng thời trao cho các cơ quan này toàn quyền trong việc điều tra cán bộ cấp cao khi có dấu hiệu vi phạm”.

Như vậy thì ai, Quốc hội, những cơ quan chống tham nhũng thất bại hay các “thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, những phần tử cơ hội" đang vạch áo đảng cho thiên hạ xem lưng?

Do đó khi báo Quân đội Nhân dân ngày 26/10 (2015) đã che dấu thất bại để chĩa mũi dùi tấn công người chống đảng, trước thềm Đại hội XII thì cũng chả có gì phải ngạc nhiên.

Bài viết của Vọng Đức là một tỷ dụ: “Thực tế cho thấy, vào dịp chuẩn bị diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các lễ kỷ niệm lịch sử, đại hội Đảng, kỳ họp Quốc hội…, thì các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin nhằm chống phá cách mạng nước ta, chế độ ta. Những thông tin này thường xuất hiện trên các website, blog nói chung, trong đó có mạng Facebook và nhiều hãng thông tấn nước ngoài, như Đài Châu Á tự do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Hãng BBC... Bên ngoài, các đài phát thanh, hãng thông tấn này đều tuyên bố “tôn chỉ” của mình là đưa tin “trung thực, khách quan, không vụ lợi”…, nhưng trên thực tế thì họ thường “cài đặt” những mục tiêu chính trị dưới nhiều hình thức. Phương thức chủ yếu của họ là “cắt gọt”, “bình luận” dẫn dắt, “lựa chọn sự kiện, tình tiết”, rút “tít” giật gân nhằm phục vụ cho những mục tiêu chính trị nào đó.”

Những “thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài” là ai? Đối với các Dư luận viên đảng CSVN thì họ là những thành phần phải bị “phanh thây xẻ thịt” vì đã viết những bài trái ý đảng, không chạy theo quan điểm chính trị độc tài đảng trị của nhà nước không phải của dân, do dân và vì dân mà tất cả là của đảng, do đảng và vì đảng.

Vọng Đức lên án những quan điềm trái chiều phê phán các Dự thảo Văn kiện đảng là “xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ hệ tư tưởng XHCN, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Tác giả cũng bênh vực quyết định chọn nhân sự đảng XII của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương XI, đồng thời cảnh giác chống lại những thông tin được cho là “thất thiệt về đời tư, phẩm chất (người này là “bảo thủ, giáo điều”, người kia là “cấp tiến”) hoặc vấn đề nhân sự đại hội chỉ là chuyện “đấu đá”, “giành giật quyền lực” giữa các "nhóm lợi ích”.

Nhưng cho đến 24 năm sau ngày Thế giới Cộng sản tan rã năm 1991 không hề có ai nuối tiếc ngay ở nước Nga, cái nôi của sinh nặng đẻ đau Chủ nghĩa Cộng sản, mà đảng CSVN vẫn còn hoang tưởng để kiên định “qúa độ lên Xã hội Chủ nghĩa” thì có “cổ hủ, lỗi thời” không, hay “văn minh, hiện đại” ?

Còn chuyện nhân sự đảng thì người dân ở Việt Nam và những người đàng hoàng trong đảng đã nói nhiều đến các trường hợp con ông cháu cha, như trường hợp Nguyễn Văn Anh, tân Bí thư Đà Nẵng là con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Văn Chi; Nguyễn Bá Cảnh, sinh năm 1983, con trai của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội Chính Trung ương được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020;

Đặc biệt 2 con trai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, nắm chức Bí thư Tỉnh ủy của Kiên Giang và Nguyễn Minh Triết, 24 tuổi cũng lọt vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015.

Những người này được đưa vào chỗ “hái ra bạc, khạc ra tiền” như thế có được chọn lựa công bằng dựa trên đức độ,khả năng và thành tích đàng hoàng, minh bạch không hay cũng nằm trong đội ngũ “con vua thì lại làm vua” nên nhân dân còn xầm xì?

Trước tình trạng này, bài viết của Quân đội Nhân dân khuyến cáo dư luận nên:"Tránh dựa vào các thông tin không được kiểm chứng, những bình luận xuất phát từ quan điểm xa lạ với chế độ ta để đánh giá, nhận xét cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước các cấp trong dịp chuẩn bị cho Đại hội XII.”

Tác giả Vọng Đức kết luận: “Hiện nay, ngoài kênh thông tin nội bộ theo quy định của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đến công tác chuẩn bị đại hội các cấp có thể đọc, truy cập, lấy thông tin ở các cơ quan báo chí định hướng thông tin của đất nước, đó là: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân.”

Như vậy đã hai 5 rõ 10 chưa cái lối thông tin muốn che mắt ngựa trên đường đi? Nhưng mục đích thông tin coi thường sự hiểu biết của dân như thế trong thời đại diện tử ngày nay có ích lợi gì cho đất nước?

Nếu các báo đài của đảng có bản lĩnh và tư cách thì thử viết một bài moi ra những nguyên nhân tại sao sau 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới mà tham nhũng vẫn sống vinh quang “như có Bác trong ngày vui đại thắng”?

(10/015)