Tuesday, August 25, 2015

Bệnh nhân tâm thần ở các tỉnh miền Tây gia tăng

VIỆT NAM (NV) - Theo các nhà chuyên môn, số lượng người mắc các chứng bệnh về thần kinh ở Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh, song nhu cầu chữa trị từ vật chất đến nhân lực lại thiếu thốn trầm trọng.

Bệnh nhân tâm thần tại một trung tâm chăm sóc ở Việt Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ngày 25 tháng 8, dẫn lời ông Lê Thanh Liêm, giám đốc Sở Y Tế tỉnh Long An chia sẻ tại hội thảo “Ðào tạo nhân lực y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long” năm 2015 vừa được tổ chức ở Trường Ðại Học Y Dược Cần Thơ, chia sẻ: “Long An hiện có khoảng 6,000 bệnh nhân tâm thần được quản lý, chữa trị (chưa kể số bệnh nhân không được phát hiện, chữa trị), thế nhưng chỉ có 3 bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang công tác.”

Theo ông Liêm, chưa kể số lượng lớn người bệnh có dấu hiệu bệnh lý tâm thần chưa được phát hiện và điều trị ở cộng đồng, có thể gây nguy hiểm lớn cho cả người bệnh và cộng đồng xung quanh. Vì thế, theo ông Liêm, cần ưu tiên tăng chỉ tiêu xét tuyển cũng như có những ưu đãi để thu hút người theo học và về công tác ở chuyên ngành bác sĩ tâm thần.

Một suất ăn chính của bệnh nhân tâm thần tại các trung tâm. (Hình: Tuổi Trẻ)

Còn tại thành phố Cần Thơ, ông Thiều Quang Hùng, phó giám đốc bệnh viện tâm thần Cần Thơ cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2015, bệnh viện khám cho hơn 11,000 lượt người có các triệu chứng rối loạn tâm thần. Ðặc biệt, đáng lo nhất là hiện nay các bệnh lý tâm thần phân liệt-hoang tưởng, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, trầm cảm... ngày càng gia tăng.

“Hiện bệnh viện quản lý điều trị tại cộng đồng gần 3,000 bệnh nhân, trong khi đó số lượng bác sĩ chuyên ngành tâm thần chỉ có bảy người, khiến việc chữa trị, chăm sóc vô cùng khó khăn,” ông Hùng nói.

Việc này phản ánh và minh chứng vì sao những ngày qua, trên một số trang mạng xã hội và facebook truyền tải rất nhiều hình ảnh trần truồng, ngồi bốc cơm trắng chỉ có 3 miếng thịt mỡ của các bệnh nhân tâm thần tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Nghệ An, khiến dư luận chung tức giận và quan ngại. (Tr.N)
08-25-2015 6:11:45 PM

Việt Nam 'sẽ không tiếp tục phá giá nội tệ'

Theo BBC-25 tháng 8 2015
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 3% từ đầu năm đến nay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thông báo sẽ không tiếp tục phá giá tiền VND trong năm nay.
"Vừa qua trên thị trường, tỷ giá biến động chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi", Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng được báo VnExpress dẫn lời nói.
"Do vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016".
Chứng khoán Việt Nam đến trưa ngày 25/8 đã tăng điểm trở lại, sau khi giảm điểm kỷ lục hồi đầu tuần.
Tính đến 11 giờ trưa, VN-Index nhích 0,64% lên trên 530 điểm, VnExpress cho biết.
Hồi đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cam kết sẽ không phá giá VND quá 2% trong cả năm.
Tuy nhiên tính từ đầu năm đến nay, VND đã bị phá giá 3%, với biên độ tỷ giá VND/USD được nới lên gấp ba lần, từ 1% lên 3%.
Các thông cáo trước đó của Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều chỉnh tỷ giá là để đáp lại việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, các chuyên gia đã chỉ trích việc NHNN ấn định mức phá giá VND tối đa là 2% hồi đầu năm là thiếu linh hoạt.
Bên cạnh đó, cũng đã có quan ngại rằng áp lực hạ giá VND sẽ làm gia tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc và tăng gánh nặng nợ công.
Hom 20/8, ngân hàng HSBC dự báo Việt Nam có thể phá giá đồng nội tệ thêm 2% từ đây đến cuối năm, nâng tổng mức điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong cả năm lên 5%.
Mức này cao hơn một số dự đoán từ giới chuyên gia trước đó, vốn cho rằng phạm vi điều chỉnh tỷ giá trong cả năm sẽ từ 3% đến 4%.
Bên cạnh đó, HSBC cũng cho rằng Việt Nam sẽ phải phá giá VND thêm 2% trong cả năm 2016.
Tỷ giá cuối năm nay, theo ước tính của HSBC, sẽ ở mức 22.800 VND/USD.
HSBC cho rằng đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục giảm giá, khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng trước áp lực bảo đảm tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, tiền đồng cũng sẽ đứng trước nhiều áp lực nếu Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất cuối năm nay, ngân hàng này cho biết.

Trẻ VN 'thừa kiến thức, thiếu kỹ năng'?

Theo BBC-8 giờ trước
Trong phiên bản 2015 của cuốn "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1", một phần nội dung gây tranh cãi đã không còn xuất hiện.
Nhà xuất bản Giáo dục, đơn vị chịu trách nhiệm in cuốn sách này, nói đã có sự điều chỉnh đối với phần nội dung chưa phù hợp, trong lúc Bộ Giáo dục có công văn yêu cầu "có biện pháp xử lý" đối với phần bài tập "đi trên thảm thủy tinh", được cho là "gây ảnh hưởng không tốt", theo trang tin VnExpress.
Mẩu chuyện 'bạn An dũng cảm đi trên thảm thủy tinh', trong đó động viên trẻ em 'chiến thắng nỗi sợ' đã phải rút đi.
Tuy nhiên, người đứng đầu nhóm soạn thảo, Tiến sỹ Phan Quốc Việt nói rằng đó không phải là việc loại bỏ nội dung, mà là "đổi mới để phát triển".
Được xuất bản lần đầu năm 2013 và qua hai lần tái bản trong năm 2014, 2015, cuốn sách nhằm dạy các em về các kỹ năng sống thường gặp hàng ngày, từ lời chào hỏi, bắt tay, cho tới thuyết trình, lắng nghe.
Cuốn sách cũng gồm các bài tập về những tình huống hiểm nguy lẫn những tình huống mang tính phấn khích, giải trí vui vẻ, ông Việt nói.

"Kinh nghiệm quốc tế"

"Chúng tôi tuân theo nguyên tắc của UNESCO, gồm "learn to know, learn to be, learn to do, learn to live together" (tức học để biết, học đế sống, học để hành, học để chung sống cùng nhau). Tức là phải sống, phải làm người đã, rồi mới làm việc," ông Việt nói với BBC Tiếng Việt.
Nội dung sách được xây dựng trên cơ sở thu nhập, tiếp nhận kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả từ Mỹ, Anh, Liên Xô cũ, Malaysia, Singapore, và cả từ kinh nghiệm cá nhân, ông Việt nói thêm.
"Chúng tôi soạn nội dung theo ba năng lực, bảy phẩm chất cần cho con trẻ, và cũng tuân theo một thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục."
Phần "sự trải nghiệm đối mặt với khó khăn, thách thực trong cuộc sống, trải nghiệm quản trị cảm xúc" là phần sẽ vẫn không thay đổi, ông Việt cho biết, nhưng hình thức bài tập "thảm thủy tinh" sẽ được thay thế bằng bài tập bơi lội.
Trong lần tái bản 2015, việc bỏ bài tập "đi trên thảm thủy tinh" sau hai năm áp dụng được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố, cả do sự cân nhắc của ban soạn thảo lẫn tiếp thu các luồng ý kiến trong xã hội, nhằm tạo sự sinh động, tránh nhàm chán, ông Việt nói.
"Một số người chê bai có lẽ là do chưa hiểu, đó là việc của đời. Cái mới thì bao giờ cũng có người chê," ông Việt nói. "Có những người suốt ngày lo làm hài lòng người khác, nhưng tôi không phải vậy, tôi là người đổi mới. Và khi đổi mới là phải chấp nhận rủi ro, tôi chấp nhận rủi ro."

"Đừng ném đá"

"Ở Việt Nam người ta thích ném đá. Đừng biến trò ném đá thành một trò nghiện. Hãy gạn đục khơi trong chứ đừng bới lông tìm vết. Hãy đãi cát tìm vàng chứ đừng bới bèo ra bọ," ông Việt nói thêm.
"Đi trên thủy tinh" là bài tập được thực hiện phổ biến trên thế giới, ông Việt nói, bản thân ông cũng từng trực tiếp thực hiện cho người khác xem và cho thực hiện ở nhiều nơi trong suốt 10 năm qua.
"Tôi cõng một bạn khác đi trên thủy tinh, trên đầu tôi còn đội cái chai. Nguyên tắc dạy của tôi là thầy giáo phải tạo gương, tôi vừa là lãnh đạo vừa là thầy giáo, nên phải tạo gương ở cấp bình phương. Đó chỉ là một bài tập bình thường."
Bấm vào link này để xem video clip "đi trên mảnh thủy tinh".
Lý do chọn đưa "đi trên thảm thủy tinh" vào giáo trình là do tính phổ biến của tình huống liên quan trong cuộc sống.
"Mảnh thủy tinh là điều hay gặp nhất trong các bất trắc xảy ra trong cuộc đời. Mọi người hay sợ va chạm vào mảnh thủy tinh gây chảy máu, nên chúng tôi chọn để đưa vào giáo dục."
Tuy nhiên, trước câu hỏi về cách đặt thảm thủy tinh để các em thực hành mang tính sắp xếp, có tính toán trước nhiều hơn thay vì những gì có thể diễn ra trong thực tế, ông Việt nói: "Tất cả các lý thuyết đều là chọn trường hợp điển hình, không thể đưa mọi tình huống vào trong sách được."
Hiện ban soạn thảo đã viết xong sách cho các em từ lớp một tới lớp chín, với tham vọng sẽ có cả sách cho sinh viên đại học, ông Việt nói. Tuy nhiên, việc đưa sách vào các trường "còn phụ thuộc Bộ Giáo dục, phụ thuộc cơ duyên".
"Cả thế giới này hiện đang khuyết tật về tâm hồn. Trẻ em Việt Nam hiện nay thừa kiến thức, nhưng thiếu kỹ năng," ông Việt nói.

'VN cần Đổi Mới 2 và cải cách thể chế'

Theo BBC-25 tháng 8 2015
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trả lời BBC
Image captionTS Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam đang cấp bách cần tới một cuộc đổi mới hai về thể chế và kinh tế, xã hội.
Sau 70 năm Cách mạng Tháng Tám và gần 30 năm cuộc Đổi Mới khởi xướng từ Đại hội lần thứ sáu của Đảng Cộng sản, Việt Nam nay đang có nhu cầu 'cấp bách' tiến hành một cuộc ' Đổi Mới lần hai' về cải cách kinh tế - xã hội và thể chế.
Ý kiến trên được một nhà phân tích kinh tế, chính trị Việt Nam đưa ra bên lề một Hội thảo tư tại Đại học Humboldt, CHLB Đức trong dịp Hè 2015.
Trao đổi với BBC tại Berlin, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nêu quan điểm:
"Việt Nam hiện nay đang đứng trước một yêu cầu rất cơ bản và cấp bách là đổi mới lần thứ hai, mà trong đó trọng tâm là cải cách thể chế.
"Một là Việt Nam đang hội nhập rất sâu và thể chế của Việt Nam có nhiều điểm chưa tương thích với thể chế mà Việt Nam đang hội nhập.
"Điều thứ hai cũng quan trọng là với thể chế hiện nay của Việt Nam, thì xếp hạng của Việt Nam về 'môi trường kinh doanh' của Ngân hàng Thế giới về 'năng lực cạnh tranh' của Diễn đàn Kinh tế thế giới và về 'chỉ số cảm nhận tham nhũng' của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đều rất thấp và chậm có cải tiến."

Trở ngại chính

Trước câu hỏi đâu là trở lực chính cho một cuộc đổi mới, cải cách lần thứ hai về kinh tế, thể chế, nếu có ở Việt Nam trong thời gian tới đây, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho hay:
"Trở ngại chính cho cuộc cải cách lần thứ hai ấy là có một số người hiện nay đã hình thành các lợi ích nhóm và những người ấy có chức, có quyền.
"Họ dùng quyền, chức vụ của họ để thu lợi một cách bất chính và lợi ích nhóm một cách bất chính đó đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra, nhưng cho đến nay chưa thấy đã làm được những động tác gì để giảm lợi ích nhóm và kiểm soát lợi ích nhóm.
"Và chính những người này là những người hiện nay đang trì hoãn, cản trở hoặc không muốn thực hiện cải cách thể chế."
Khi được hỏi đâu là nút bấm chính mà Việt Nam cần nhấn vào đó để khai mở và khởi động cuộc cải cách lần thứ hai này, nguyên thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dưới thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói:
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionViệt Nam đã nhận thức được trở lực chính cho cải cách, nhưng liệu có thể dám xử lý để vượt qua và đi tới?
"Cuộc cải cách hai đó, cái nút bấm đó phải là quyết định của Quốc hội cải cách một cách rất cơ bản mô hình thể chế của Việt Nam hiện nay, phải đảm bảo có các tổ chức giám sát độc lập để giám sát quyền lực, để giám sát bộ máy, giám sát việc chi tiêu của chính phủ và giám sát việc đầu tư công một cách độc lập.
"Và người dân có thể tham gia. Vì Chính phủ Việt Nam hiện nay tuyên bố là chính quyền 'của dân, do dân, vì dân' và 'dân biết, dân làm, dân tham gia', nhưng hiện nay không có luật tiếp cận thông tin thì người dân biết gì?"

Giám sát độc quyền

Và nhà phân tích nhấn mạnh thêm khi đưa ra một ví dụ về ai giám sát các tổ chức độc quyền ở Việt Nam hiện nay.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói: "Cần phải có một bộ máy trực tiếp và độc lập để giám sát, chứ nếu không có bây giờ ai giám sát công ty độc quyền?
"Bây giờ cũng lại Bộ ấy vừa quản lý nhà nước, vừa là chủ sở hữu lại vừa giám sát mấy ông độc quyền.
"Ông độc quyền thì ông có quyền của ông ấy, tài chính của ông ấy, tiền bạc của ông ấy rất lớn, thế còn dân đông đảo như thế này, thì dân biết gì? Chả biết gì cả, lại cũng không có quyền, cho nên dân trở thành một đa số im lặng.
"Còn một số thiểu số hết sức có quyền lực và có khả năng chạy đến nói với ông này, nói với ông kia, rồi lobby (vận động hành lang) các chính sách, các luật pháp, các dự án đầu tư công...
"Và Việt Nam chưa có luật về lobby, tức là không biết những ai được ảnh hưởng gì tới những quyết định của Chính phủ. Đầy là những điều mà chúng ta (Việt Nam) cần phải làm trong thời gian sắp tới đây.
"Và điều ấy không dễ dàng bởi vì nó sẽ hạn chế, thậm chí nó tước bỏ lợi ích nhóm của một số người, nhưng một số người hiện nay giàu lên rất nhanh vì người ta có quyền ăn chênh lệch giá đất, vì là người ta cho phép ai đó đốn hết gỗ ở Tây Nguyên đi.
"Vì là người ta cho phép ai đó được khai thác mỏ, tài nguyên, rồi sau đó (tài nguyên) mỏ đó được xuất đi đâu cũng không rõ ràng."

Nhân tố hy vọng

Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội 6 đã khởi động cuộc đổi mới kinh tế và thể chế, trước câu hỏi liệu Đại hội lần thứ 12 tới đây 'có dám' đưa ra một cuộc đổi mới hai mang tính chất lịch sử hay không, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm:
Image copyrightBBC World Service
Image captionViệt Nam đã cam kết gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo nhà phân tích.
"Hiện nay đang có những nhân tố để chúng ta có thể hy vọng, nhân tố rất quan trọng là chuyến thăm lịch sử của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ và được Tổng thống Obama đón tiếp rất trọng thị ở phòng Bầu dục và trong đó hai bên đã có cam kết tôn trọng lẫn nhau.
"Và Việt Nam cam kết sẽ gia nhập Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu gia nhập cái đó, Việt Nam phải tôn trọng một số cam kết về mặt nhân quyền, về mặt tự do được thành lập công đoàn.
"Và nhân quyền ở đây không có cái gì to tát, cũng không có câu chuyện gì là diễn biến hòa bình cả, đấy là quyền của người dân được biết thông tin.
"Đấy là quyền của người dân được phát biểu ý kiến, đấy là quyền của người dân được biểu tình; như là đốn cây xanh ở Hà Nội thì người dân có quyền đi biểu tình để phản đối việc đốn cây xanh ấy. Tất cả điều đó không có gì ghê gớm cả và một quyền nữa là quyền lập hội.
"Tất cả quyền đó, Hiến pháp Việt Nam đã có quy định, nhưng đến bây giờ chưa có luật, thì hy vọng Đại hội 12 này sẽ có một bước chuyển biến và thừa nhận những quyền đó, thực thi Hiến pháp mà chính Quốc hội Việt Nam đã thông qua," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC.
Quý vị có thể theo dõi toàn văn nội dung cuộc phỏng vấn của BBC với TS. Lê Đăng Doanh trên kênh YouTube của chúng tôi tại đây.

Trần Ái Quốc và Trần Phản Quốc

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Thật lòng mà nói, rất ngán ngẩm... khi cứ phải nhắc hoài tới lời nhận xét: "Hệ thống tuyên truyền của đảng CSVN là những cái lưỡi gỗ chuyên nói láo, nói lấy được cho sướng cái mồm, nói láo như phường vô học..." (Nhật ký Rồng Rắn. tác giả: Tướng Trần Độ (Cựu PCT/QH & PCT/HĐBT đảng CSVN). Nhưng vì không còn lời nào khác tương ứng thay thế cho từ ngữ “vô học” để chỉ đích danh một vài “Nô Bút” dù có học (mới biết xử dụng Internet) nhưng tri thức nhân cách còn thua xa những người có khi còn chưa cắp sách đến trường, như trường hợp sau đây:

Ngày 24 tháng 8 trên trang mạng Danlambao đăng tải bài viết: "70 năm - Việt Nam được gì? Mất gì?” nội dung phân tách và so sánh Việt Nam với Nam & Bắc Hàn sau 70 năm. Dù mọi chi tiết rất gần gũi với thực tế diễn ra tuy nhiên không hợp với “khẩu vị” của nhà nước, đảng CSVN. 

Người viết biết trước sẽ có “phản biện” từ những cái “lưỡi gỗ” của “đảng ta”, nhưng hoàn toàn không tiên liệu lại có một bài viết phải nói là “cực kỳ vô học” thiếu nhân cách đến như vậy từ một trang điện tử có tên rất vui, rất hài hước: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, rồi sợ người ta không hiểu phải chú thích kèm theo diễn giải rằng: (Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ = DÂN CHỦ)!? – Bài phản biện mang tên tác giả: Trần Ái Quốc (1) 

Vâng! Không lạ, thói thường với hệ thông tuyên truyền của CS, các “nô bút” đã “ăn cơm chúa thì múa tối ngày” chuyện bình thường thôi, nhưng múa thì cho ra múa, ít nhất củng phải phù hợp với cái “gu” định hướng theo “chúa” đằng này tác giả Trần Ái Quốc nhắm mắt nhắm mũi múa may quay cuồng hùng hồn đã phá bài viết “70 năm-Việt Nam được gì? Mất gì ?” trên Danlambao rồi đưa ra một minh chứng rất vô giáo dục rằng (bằng hình ảnh và chú thích đi kèm): “Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và cái chết đớn hèn của HQ10”(!?)

Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và cái chết đớn hèn của HQ10 (!?)
(Hình ảnh và chú thích này của Trần Ái Quốc trên trang: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”). 

Thật “vô học” tới hết ngỏ nói, là người Việt Nam ai có chút kiến thức đều biết đến trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 của lực lượng hải quân miền Nam (VNCH) trực diện với hải quân Tàu Cộng xâm lược, trong đó bi hùng và bất khuất nhất là chiến hạm HQ10 với hạm phó thiếu tá Nguyễn Thành Trí và hạm trưởng Trung tá Ngụy Văn Thà kiên cường chỉ huy chiến hạm, chính chiến hạm HQ10 đã nổ súng trước để đánh đuổi bọn xâm lăng bắn phá gây thiệt hại nặng cho địch quân trước khi hạm trưởng Ngụy Văn Thà chấp nhận hy sinh tại pháo tháp tuẫn tiết theo tàu nằm lại Hoàng Sa (Trung Cộng, tổng cộng có 18 người tử trận 67 người bị thương. Chiến hạm T-389 TQ bị hư hại nặng, phải ủi vào bãi san hô để không bị chìm 3 chiến hạm khác đều bị trúng đạn, thiệt hại 50%. Theo tài liệu của Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sĩ của TQ (chưa thấy Trung-Cộng phản-đối) cho biết cả 4 Hạm Trưởng các chiến hạm Trung Cộng gồm 3 đại tá và 1 trung tá đều bị tử thương). (2)

Vậy thì dẫn chứng bất khuất kiêu hùng ấy là “cái chết đớn hèn của HQ10”!? theo tác giả Trần Ái Quốc trên trang mạng “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”? Liệu Trần Ái Quốc trả lời ra sao hình ảnh này trên trang tin điện tử của Thủ Tướng CHXH/CN/VN (nguyentandung.org)?

Bà quả phụ Ngô Thị Kim Thanh bên di ảnh của cố thiếu tá hạm phó HQ10 Nguyễn Thành Trí.

Tự hào về người cha đã mất

Thay mặt chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, chúng tôi trở lại nhà bà quả phụ Ngô Thị Kim Thanh (chung cư Trần Quốc Thảo, Q.3, TPHCM) – vợ cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí, Phó hộ tống Hạm Nhật Tảo HQ10, quân đội Việt Nam Cộng hòa – để tìm hiểu thêm hoàn cảnh và có kế hoạch chia sẻ của chương trình đối với gia đình. (banbientap@nguyentandung.org) (3)

Báo Tuổi Trẻ 12-1-2014: Vợ thiếu tá VNCH Ngụy Văn Thà được mời ra Hà Nội. 

TTO - Thiếu tá hải quân Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà là người đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau 40 năm, người vợ đã được mời ra Hà Nội dự một buổi tưởng niệm do nhóm Minh triết Hoàng Sa tổ chức tại Thủ Đô Hà Nội. (TT Online-12/01/2014) (4) 

Nguyên Thiếu tướng Lê Kế Lâm Hải quân QĐND Việt Nam trước di ảnh Hải quân Trung tá VNCH Ngụy Văn Thà.

Tặng nhà cho vợ người lính hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa

Sáng 11/7/2014, Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa đã bàn giao nhà cho bà Huỳnh Thị Sinh, quả phụ của Trung tá hải quân Hạm Trưởng HQ10: Ngụy Văn Thà.(VnExpress.net) (5) 

Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa - ông Đặng Công Ngữ (đảng viên CSVN) đến thăm viếng gia đình Hạm Trưởng HQ10 - thiếu tá Ngụy Văn Thà tại TP.Hồ Chí Minh. 

(TNO) Thanh Niên Online xin cung cấp tới bạn đọc danh sách 75 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hi sinh khi chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Danh sách này đang tiếp tục được hoàn thiện với sự đóng góp của bạn đọc. (6)

Các dẫn chứng nói trên cho chúng ta (những đồng bào với các Liệt Sĩ trận hải chiến Hoàng Sa) nhận xét như thế nào về tác giả “Trần Ái Quốc” với từ ngữ đầy tính công khai miệt thị: “Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và cái chết đớn hèn của HQ10” (!?) Còn với riêng tôi (người viết bài này) như đã nói ở lời tựa đầu bài: Tác giả không còn là Trần Ái Quốc... Mà chính là một kẻ vô học “nô bút” Trần Phản Quốc, không thể nào khác hơn.

25/4/2015


_____________________________________

Chú thích:


Xuất khẩu dầu mỏ, Việt Nam mất 2 tỉ rưỡi đôla

RFA-2015-08-25
Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ USD
Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ USD-baodautu.vn

Tính đến tháng Tám này Việt nam bị thiệt hại đến 2 tỉ rưỡi đô la xuất khẩu dầu mỏ.

Lý do là vì giá dầu thô đã giảm xuống đến mức dưới 40 đô la một thùng.

Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng việc mất mát này có thể được bù lại do các mặt hàng có gốc gác từ dầu mỏ mà Việt nam nhập cảng cũng sẽ giảm. Bên cạnh đó ông Doanh nói thêm là việc giá dầu giảm sẽ kéo theo giá điện giảm có thể kích thích nền kinh tế do gía thành sản xuất giảm.

Tuy nhiên một chuyên gia kinh tế khác là Tiến sĩ Bùi Trinh được báo chí Việt nam trích lời nói rằng việc cân băng đó chỉ có thể diễn ra nếu có sự điều hợp nền kinh tế tốt, chứ nếu giá dầu giảm mạnh, mà giá điện chỉ giảm từ từ thì nền kinh tế sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn.

Bên cạnh việc thiệt hại do giá dầu giảm, việc nhập khẩu của Việt nam cũng sẽ bị thiệt hại do tiền đồng liên tục bị giảm so với đồng đô la Mỹ.

Báo chí Việt nam đưa tin là giá đô la bán ra tại thành phố Hồ Chí Minh trong ngày hôm nay đã lên đến 22,900 đồng một đô la.

Sau hai lần giảm giá, hôm nay bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc ngân hàng nhà nước nói rằng sẽ bắt đầu áp dụng các biện pháp để ổn định thị trường ngoại hối từ đây cho đến cuối năm, có nghĩa là sẽ giữ không để tiền đồng xuống giá so với đô la nữa.

An toàn hóa chất tại Việt Nam

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-08-25 
Quanh nơi xảy ra vụ cháy nổ ở Thiên Tân, người ta phát hiện có chất sodium cyanide và ngày 21 tháng 8, tin cho biết có nơi hàm lượng cyanide trong nước đo được gấp 365 lần mức cho phép
Quanh nơi xảy ra vụ cháy nổ ở Thiên Tân, người ta phát hiện có chất sodium cyanide và ngày 21 tháng 8, tin cho biết có nơi hàm lượng cyanide trong nước đo được gấp 365 lần mức cho phép-AFP

Vấn đề an toàn hóa chất lại được nhiều người nói đến sau khi xảy ra hai vụ cháy nổ lớn ở nhà kho hóa chất tại Thiên Tân và nhà máy hóa chất ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trong tháng 8 này.
Còn thực tế trong lĩnh vực an toàn hóa chất công nghiệp tại Việt Nam ra sao?
Cháy nổ hóa chất
Vụ cháy ở khu nhà kho hóa chất độc hại tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vào đêm 12 tháng 8 khiến ít nhất hơn 120 người chết, hơn mấy chục người đến nay còn mất tích và hằng trăm người khác bị thương.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đưa ra hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ cháy nổ kho hóa chất độc hại ở thành phố cảng Thiên Tân lớn đến mức từ không gian cũng có thể nhận thấy.
Tờ The Guardian của Anh vào ngày 17 tháng 8 có bài viết trong đó đưa ra phát biểu của một nhà hoạt động nói rằng việc cơ quan chức năng cho phép xây dựng những nhà kho chứa hóa chất độc hại gần khu dân cư như thế chứng tỏ phía chức năng chỉ quan tâm đền quyền lợi riêng của họ mà không hề để ý gì đến sự an nguy của người dân. Họ không chỉ xem mạng sống của công nhân nhập cư là cỏ rác mà cả mạng sống của những gia đình thuộc giai cấp trung lưu cũng chẳng là gì.
Cư dân mạng tại Hoa Lục suy đoán là có những nhân vật cao cấp đầy quyền thế trong chính quyền Bắc Kinh có quan hệ với Ruihai International Logistics- công ty sở hữu nhà kho hóa chất độc hại được cho là gây nên vụ khủng hoảng cháy vừa qua.
Tân hoa Xã loan tin rằng Ruihai International Logistics chỉ có được giấy phép chừng hai tháng trước khi xảy ra vụ thảm họa. Sau khi xảy ra vụ cháy nổ ở nhà kho hóa chất Thiên Tân, cơ quan chức năng cho biết phát hiện được hơn 40 loại hóa chất khác nhau được tìm thấy tại đó. Trong số này có 700 tấn sodium cyanide, 800 tấn ammonium nitrate, 500 tấn potassium nitrate… Ngoài ra còn có những hợp chất dễ cháy và chất nổ.
Một viên chức của đơn vị cứu hỏa tại Thiên Tân cho biết họ không hay trong số những hóa chất trữ tại khu nhà kho có calcium carbide nên đã dùng nước xịt vào. Hoạt động này tạo nên phản ứng gây ra khí cháy cực nhạy và acetylene.
Một quan chức tỉnh Thiên Tân thừa nhận là trong bán kính 1 cây số quanh nơi xảy ra vụ cháy nổ, người ta phát hiện được chất sodium cyanide. Vào ngày 17 tháng 8, tin cho biết hàm lượng hóa chất độc hại trong nguồn nước thải quanh khu cháy nổ được cho biết cao nhất gấp 27 lần mức có thể chấp nhận được. Có tin nói lượng sodium cyanide tại nhà kho hóa chất là gấy 70 lần lượng cho phép. Sang ngày 21 tháng 8, tin nói có nơi hàm lượng cyanide trong nước đo được gấp 365 lần mức cho phép.
Theo Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC thì tình trạng phơi nhiễm với chất sodium cyanide ( một dạng tinh thể trắng hay hột bột được sử dụng nhiều trong công nghiệp ) có thể nhanh chóng gây chết người.
Vào ngày 17 tháng 8, tin cho biết hàm lượng hóa chất độc hại trong nguồn nước thải quanh khu cháy nổ được cho biết cao nhất gấp 27 lần mức có thể chấp nhận được...Sang ngày 21 tháng 8, tin nói có nơi hàm lượng cyanide trong nước đo được gấp 365 lần mức cho phép
Sau khi xảy ra thảm họa cháy nổ tại khu nhà kho hóa chất ở thành phố Thiên Tân, chính quyền Bắc Kinh ban hành lệnh kiểm tra khẩn cấp trên toàn quốc tất cả những hóa chất độc hại và chất gây cháy nổ.
Hội đồng Nhà nước yêu cầu chính quyền các địa phương phải học bài học cay đắng từ vụ cháy nổ tại nhà kho hóa chất độc hại ở thành phố cảng Thiên Tân. Chính quyền Bắc Kinh cũng nói rõ sẽ nghiêm khắc không khoan nhượng đối với các hoạt động phi pháp nhằm bảo đảm an toàn.
Theo qui định mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra hồi năm 2001 thì những nhà máy lưu trữ những loại hóa chất độc hại phải cách xa những công thự, đường giao thông lớn, đường tàu hỏa, đường thủy cũng như các cơ sở công nghiệp và khai khoáng ít nhất 1 cây số.
Tuy nhiên chỉ 10 ngày sau khi xảy ra thảm họa tại thành phố Thiên Tân như vừa nêu, vào tối ngày 22 tháng 8, một nhà máy hóa chất ở tỉnh Sơn Đông phát nổ.
Nhà máy bị nổ ở Sơn Đông là nơi được cho biết sản xuất nhiều loại hóa chất khác nhau, trong đó có adiponitrile. Đây là một loại hóa chất lỏng không màu được sử dụng nhiều trong qui trình sản xuất ni lông. Adiponitrile khi gặp lửa sẽ rất dễ bốc cháy và khi cháy lại tạo ra khí độc.
Nhà máy hóa chất bị phát nổ tại tỉnh Sơn Đông hôm tối 22 tháng 8 cũng được cho biết nằm cách khu dân cư chưa đầy 1 kilomet.
Thực tế Việt Nam
Chấn động của những vụ nổ hóa chất bên Trung Quốc còn vang xa đến tận Việt Nam như trình bày của ông Đỗ Thành Tích, giám đốc doanh nghiệp sơn chống thấm Intoc tại thành phố Hồ Chí Minh sau đây:
“ Mấy vụ nổ ở Thiên Tân, Trung Quốc và mới hôm qua gần đây nhất cũng nghe nói mới bị một vụ nữa; cực kỳ phải hết sức cảnh giác nhất là cháy nổ vì hậu quả khó lường. Tôi nghĩ dịp này những công ty liên quan bản thân phải kiểm tra lại vấn đề an toàn của mỗi doanh nghiệp; thứ hai Nhà nước cũng phải có chính sách, biện pháp kiểm tra ngăn ngừa đừng để xảy ra chứ xảy ra lớn như Trung Quốc là điều đáng tiếc.”
Tiến sĩ hóa dầu Nguyễn thị Bình từ Hà Nội cho biết cơ quan Việt Nam cũng có đầy đủ mọi qui định về an toàn hóa chất, vật liệu cháy nổ; tuy nhiên vấn đề là tuân thủ những qui định đó như thế nào mà thôi. Bà nói:
Hóa chất công nghiệp bày bán chung với hóa chất thực phẩm, sang chiết ra bao bì nhỏ lẻ không có nhãn hàng hóa. Hóa chất ở dạng hỗn hợp thì chưa có hình thức kiểm soát ...
Hóa chất công nghiệp bày bán chung với hóa chất thực phẩm, sang chiết ra bao bì nhỏ lẻ không có nhãn hàng hóa. Hóa chất ở dạng hỗn hợp thì chưa có hình thức kiểm soát ...
“ Tất nhiên những qui định này rất chặt chẽ và tham chiếu nhiều những qui định của các nước tiên tiến trên thế giới. Nếu tuân thủ một cách nghiêm ngặt thì theo tôi nghĩ không có gì đáng lo ngại lắm. Bởi vì những qui chuẩn này đều có sự tham khảo kỹ càng theo những tiêu chuẩn chung của quốc tế rồi; chỉ có điều là thực hiện như thế nào thôi. Nhưng tôi nghĩ những doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp tư nhân nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến lợi ích sát sườn của họ nên họ phải rất chú ý đến vấn đề này.”
Ông Trần Quang Hân, chánh văn phòng của Hội Hóa Học Việt Nam cũng cho biết:
“ (Luật) có hết và được Quốc hội thông qua rồi. Việc thực hiện thuộc bên Bộ Tài nguyên-Môi trường; hội không có trách nhiệm gì về việc đó vì hội không có chức năng và cũng không có đủ kinh phí để thực hiện.”
Việt Nam đưa ra luật chỉ để trị những người không có tiền, còn tất cả những kẻ đút lót đều thoát luật...Các cơ quan công quyền của Nhà nước dựa vào luật để trị những người nghèo, còn đối với người giàu không ai trị cả nên những vi phạm về hóa chất rất nhiều
Tiến sĩ Nguyển Văn Khải
Bộ Công Thương Việt Nam cũng có hai đơn vị trực thuộc phụ trách vấn đề an toàn hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp là Cục Hóa Chất và Cục Kỹ thuật An toàn và Kỹ thuật Công nghiệp.
Tiến sĩ Nguyển Văn Khải, người thường được người dân gọi là ‘ông già ozone’ vì sử dụng phương pháp đơn giản giúp chữa bệnh cũng như giúp các doanh nghiệp xử lý sản phẩm, có đánh giá về việc thực thi luật tại Việt Nam:
“ Việt Nam đưa ra luật chỉ để trị những người không có tiền, còn tất cả những kẻ đút lót đều thoát luật. Điều rõ nhất là mới vào hôm qua, hôm nay nước ở ngoài ruộng, ngoài đồng rất bẩn chỉ cần lọc qua một chút rồi làm nước đá cho mọi người uống mà bao nhiêu năm qua không ai phạt cả. Các cơ quan công quyền của Nhà nước dựa vào luật để trị những người nghèo, còn đối với người giàu không ai trị cả nên những vi phạm về hóa chất rất nhiều.”
Ông Đỗ Thành Tích , dù thừa nhận không nắm rõ về vấn đề lưu trữ, vận chuyển hóa chất công nghiệp tại Việt Nam, nhưng ông cũng thấy có vấn đề:
“Hóa chất có nhiều lĩnh vực như an toàn thực phẩm chẳng hạn thì Nhà nước Việt Nam cũng gần như bỏ ngỏ, tức không kiểm soát được hóa chất nào ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm…”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhắc đến việc lính cứu hỏa tại Thiên Tân phu nước vào calcium carbide, tiếng Việt gọi là ‘đất đèn’ dùng trong hàn xì, là một việc làm đi ngược lại những kiến thức cơ bản cần có.:
Ở Trung Quốc vừa rồi lỗi là đã phun nước vào đất đèn. Sai của những người cứu hỏa Trung Quốc cũng giống cứu hỏa Việt Nam trong rất nhiều trường hợp. Vấn đề này là do những người phụ trách ‘vô học’, không biết gì cả
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải
“ Ở Trung Quốc vừa rồi lỗi là đã phun nước vào đất đèn. Sai của những người cứu hỏa Trung Quốc cũng giống cứu hỏa Việt Nam trong rất nhiều trường hợp. Vấn đề này là do những người phụ trách ‘vô học’, không biết gì cả. Tất cả giải thích của những quan chức đó gây ra rất nhiều chuyện. Ví dụ vừa rồi khoảng rộng 97cm trên cầu Phú Mỹ có phải là khe co giãn không? Tôi rất buồn vì tất cả các nhà khoa học của Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng ( VN) đều nói rằng đó là khe co giãn. Bê tông, thép co giãn thì một cầu dài 2000 mét chỉ có thể cùng lắm co giãn vài centimet. Như cầu Golden Gate ở California rộng hơn 3 mét mà có khe co giãn đâu!
Sẽ có nhiều vụ như Thiên Tân vì những người quản lý, những người mang danh tiến sĩ, giáo sư nhưng thiếu trình độ vật lý trung học cơ sở!”
Ông Đỗ Thành Tích cho biết tự thân doanh nghiệp của ông lâu nay tìm cách thay thế những hóa chất dễ cháy trong sản phẩm sơn chống thấm của doanh nghiệp như là một cách phòng ngừa tích cực đối với hiểm họa cháy nổ hóa chất công nghiệp mà theo ông sẽ gây thiệt hại rất nhiều cho doanh nghiệp.:
“Tôi chủ động những hóa chất nào gây cháy nổ, độc hại là tôi không sử dụng, tôi tìm công thức khác. Những sáng chế do bản thân tôi tìm tòi nên hóa chất nào gây hậu quả như cháy nổ; ví dụ vừa rồi tôi có làm sản phẩm chống thấm gốc dầu, thì tôi cũng bỏ chuyển thành gốc nước. Tôi chủ động không sử dụng chất độc hại trong sản phẩm. Như vậy để thấy công ty tôi ý thức chuyện đó từ lâu rồi. Tôi cũng mong rằng Nhà nước có chính sách, có khuyến cáo- khuyến cáo là một việc nhưng phải có những biện pháp rất cụ thể, thiết thực để ngăn ngừa. Theo tôi điều đó rất tốt!”
Thiệt hại kinh tế của vụ cháy nổ Thiên Tân
Thống kê cho thấy thảm họa cháy nổ khu nhà kho hóa chất độc hại tại thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc gây thiệt hại lên đến hằng tỷ đô la.
Theo Fitch Ratings thì các công ty bảo hiểm Trung Quốc nằm trong số những nạn nhân thiệt hại tài chính nhiều nhất. Khoản bồi thường bảo hiểm có thể từ 1,2 tỷ đến 1 tỷ rưỡi đô la.
Những người dân tại Thiên Tân có bảo hiểm tai nạn theo chương trình của Nhà nước hỗ trợ cứ mỗi người thiệt mạng có thể nhận được bồi thường khoảng 7800 đô la; trong khi đó những người bị thương được bồi thường từ 3100 đến 5500 đô la.
Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc vào chiều ngày 16 tháng 8 khi đi thị sát vùng bị cháy nổ phát biểu rằng những lính cứu hỏa chính thức cũng như hợp đồng hy sinh khi làm nhiệm vụ sẽ được bồi thường như nhau. Chính quyền thành phố Thiên Tân cũng tiến hành công tác chứng thực những lính cứu hỏa là ‘liệt sĩ’. Tuy con số bồi thường cho những ‘liệt sĩ’ được công nhận như thế sẽ là bao nhiêu; nhưng qua vụ cháy tại Cáp Nhĩ Tân vào tháng giêng thì gia đình của mỗi liệt sĩ nhận được khoản bồi thường lên đến hơn 360 ngàn đô la Mỹ.
Chừng 40% xe hơi nhập vào thị trường Trung Quốc là qua cảng Thiên Tân. Số xe hơi ngoại quốc bị thiệt hại trong vụ cháy nồ ở Thiên Tân được nói tổng cộng hơn 312 triệu đô la. Số xe bị hư hại đều được bảo hiểm và các công ty đang nộp hồ sơ đòi bồi thường.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.