Monday, April 22, 2024

“Tớ” đã vào lò, liệu “chủ” có bị lửa bén chân?

 

VNTB – “Tớ” đã vào lò, liệu “chủ” có bị lửa bén chân?

Phương Nguyên

(VNTB) – Cùng với đồn đoán Phạm Thái Hà bị bắt một tuần trước, trên mạng còn dự đoán Vương Đình Huệ sẽ về nhà làm người tử tế.

 

Ông Phạm Thái Hà bị câu lưu từ gần chục ngày trước?

Tin đồn lan truyền trước đó là ông Phạm Thái Hà đã bị câu lưu từ thời điểm thông báo rộng rãi về lệnh bắt tạm giam 06 đối tượng liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Thời điểm này được cho là vào lúc ông Phạm Thái Hà xuống sân bay Nội Bài khi ông cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 7 đến 12-4-2024 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu.

Cuối buổi sáng ngày đầu tuần 22-4-2024, Bộ Công an phát hành thông cáo báo chí về lệnh bắt này, toàn văn như sau:

“Mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan, ngày 21-4-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngày 22-4-2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các lệnh, quyết định nêu trên. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành các lệnh, quyết định này.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản”.

Lý lịch chính trị cho biết đường công danh của ông Phạm Thái Hà như sau: quê Thái Bình, có học vị Tiến sĩ kinh tế; là Kiểm toán viên chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Ông Phạm Thái Hà từng trải qua các vị trí đều liên quan đến Vương Đình Huệ: Thư ký Tổng kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; Hàm vụ trưởng, Thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Mối quan hệ công việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với ông Phạm Thái Hà là rất rõ ràng và chính thức. Theo các nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Thái Hà bị cáo buộc sai phạm, ông Vương Đình Huệ ít nhất phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo đó, ông Vương Đình Huệ còn là Bí thư Đảng đoàn của Quốc hội, nên ông đồng thời chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc tham nhũng của Phạm Thái Hà.

 

Phạm Thái Hà đối mặt án chung thân

Khoản 4, Điều 358 Bộ luật hình sự, có nội dung cụ thể như sau:

“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”.

Người phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (Điều 358), và tội “Nhận hối lộ” (Điều 354) có hành vi tương đồng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn mà họ đang đảm nhiệm thì họ khó có thể thực hiện được hành vi phạm tội.

Nói cách khác, chức vụ, quyền hạn chính là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi sai phạm; nếu hành vi phạm tội không liên quan đến chức vụ, quyền hạn thì cho dù được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn thì cũng không cấu thành hai tội danh này.

Điểm phân biệt giữa tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và tội “Nhận hối lộ” về dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm đó chính là ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, hành vi khách quan của người phạm tội dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn làm một việc thuộc trách nhiệm, hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

Hành động thúc đẩy có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: trực tiếp yêu cầu, viết thư, công văn, gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để người này truyền đạt lại ý kiến của mình với người có chức vụ, quyền hạn. Nói chung, hành động thúc đẩy không mang tính chất ép buộc, không làm cho người bị thúc đẩy vì sợ mà phải nghe theo. Tuy nhiên, về phía người bị thúc đẩy có thể vì nể nang tình cảm, nếu sợ thì cũng là “sợ” nếu không thực hiện sẽ bị ảnh hưởng đến mình hoặc người thân của mình về việc khác.

Trong khi đó, ở tội “Nhận hối lộ”, hành vi khách quan của người phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trực tiếp làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Một điểm đặc biệt trong hành vi khách quan nữa để phân biệt tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, và tội “Nhận hối lộ” đó chính là dấu hiệu bắt buộc của tội “Nhận hối lộ” là phải có sự thỏa thuận trước giữa người nhận và người đưa hối lộ về của hối lộ cũng như về việc làm có lợi cho người đưa hối lộ…

 

Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm: làm cho có!

 

VNTB – Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm: làm cho có!

Minh Triều

(VNTB) –  UBND tỉnh Quảng Ngãi xử phạt doanh nghiệp xả thải có chất xyanua vượt quy định hơn 21 lần ra môi trường 330 triệu đồng rồi thôi.

 

Liên tiếp gần đây, là hàng loạt các doanh nghiệp vi phạm về môi trường được các báo giới phản ánh là một thực trạng đáng báo động, trong đó có loạt bài của báo Thanh Niên về tình trạng đầu độc kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải (tỉnh Hưng Yên). Nước thải từ khu công nghiệp dệt may Phố Nối B là một trong những địa điểm đen về ô nhiễm đổ ra kênh Trần Thành Ngọ (phường Dị Sử) rồi hòa vào dòng nước ở sông Bắc Hưng Hải.

Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài phản ánh về tình trạng xả thải trái phép, gây ô nhiễm môi trường, 3 doanh nghiệp đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền là 1.050.000.000 đồng – 1 tỷ 50 triệu đồng. (1)

Cũng trong năm 2024, nhà máy sản xuất mạch nha công nghiệp thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sinh Lộc ở Quảng Ngãi đã bị phát hiện xả thải có chất xyanua vượt quy định hơn 21 lần ra môi trường. Sau khi sự việc phanh phui, UBND tỉnh Quảng Ngãi xử phạt doanh nghiệp này 330 triệu đồng.(2)

Hồi đầu tháng 1/2024, công ty trách nhiệm hữu hạn Sức Trẻ chuyên sản xuất giấy đã bị phát hiện xả thải dòng nước đục, có mùi hôi chảy từ hệ thống thoát nước của công ty vào hệ thống thoát nước mưa của khu công nghiệp tại Đà Nẵng. Đặc biệt, nhiều năm trước công ty này cũng từng bị xử phạt vì hành vi tương tự.(3)

Những vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường đa phần là người dân phát hiện sau đó phản ảnh và báo chí đưa tin liên tục thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Chứ không hề thấy các cơ quan chức năng tại địa phương vào cuộc ngay từ đầu. Trong khi người dân chỉ cần xây một cái chuồng heo xả chất thải ra sông là công an tìm tới nhà ngay lập tức. Các vụ việc có thể được “bỏ qua” như vậy khiến người ta càng thêm chắc rằng các cơ quan chức năng đã cấu kết với doanh nghiệp để “làm ngơ” cho việc xả thải.

Hễ ra đường là sẽ thấy khắp phố phường, ngõ hẻm, nơi nào cũng có là những băng rôn kêu gọi bảo vệ môi trường. Truyền hình báo chí thì ra rả kêu gọi người dân phân loại rác, không xả thải. Nhưng có vẻ như bảo vệ môi trường là việc của người dân chủ không phải của Nhà nước hay doanh nghiệp. Tỉnh nào, huyện nào cũng có phòng tài nguyên môi trường, cảnh sát môi trường, phòng y tế, sở y tế… Cơ quan chức năng dày đặc, nhưng vẫn để cho con voi chui lọt lỗ kim và càng nguy hiểm hơn khi con voi này có độc!

Tiền hối lộ để “làm ngơ” thì cán bộ hưởng, tới khi bị dân phát hiện và báo chí phanh phui lấy điểm thì xử phạt cho có, nặng lắm thì vài trăm triệu rồi đâu lại vào đó. Ngay cả Formosa đã cúi đầu xin lỗi chính phủ, cộng với tiền bồi thường 500 triệu đô la nhưng ô nhiễm trên biển miền Trung vẫn không được cải thiện. Với số tiền phạt này thì chắc chắn không thể phục hồi lại môi trường, chứ chưa nói tới việc đền bù thiệt hại cho người dân. Không chỉ là sông bốc mùi hôi, cá chết trước mắt, mà hậu quả lâu dài là nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng nguy hại tới sức khoẻ, nòi giống dân tộc. Những thiệt hại tương lai đó không có tiền nào có thể bù đắp được.

Phạm tội bức tử sông ngòi để tiến tới đầu độc nòi giống dân tộc nhưng không ai bị xử lý hình sự. Với kẻ thù ngoại bang  có dã tâm, chúng sẽ đưa những nhà máy, xí nghiệp gây nguy hại cho đất nước của chúng vào Việt Nam, hoặc mua lại cổ phần các nhà máy rồi tha hồ thao túng. Chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu hối lộ cho quan chức tham nhũng, rồi cũng chỉ cần bỏ thêm vài trăm triệu nữa để nộp phạt, và tiếp tục xả thải như thường. Cho dù dân có phát hiện thì cũng không làm gì được vì tất cả đã được quan chức các cấp bảo kê.

Những nhà máy trên cả nước vẫn tiếp tục ngang nhiên xả những dòng nước đen chưa qua xử lý thẳng ra sông rạch ngay trước mắt nhà cầm quyền. Nếu chính quyền các cấp cũng xử lý nặng doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường như xử “phản động” thì có phải đỡ cho dân không?

 

______________

Tham khảo:

(1) https://www.google.com/amp/s/thanhnien.vn/xa-nuoc-thai-ra-moi-truong-3-doanh-nghiep-bi-xu-phat-hon-1-ti-dong-185240420152504791.amp

(2)https://tuoitre.vn/phat-cong-ty-xa-thai-co-chat-xyanua-vuot-hon-21-lan-ra-moi-truong-202402181108434.htm

(3)https://tuoitre.vn/cong-ty-giay-tai-pham-xa-thai-ra-moi-truong-o-da-nang-20240105161442937.htm

Việt Nam không cần đến tòa án Hiến pháp?

VNTB – Việt Nam không cần đến tòa án Hiến pháp?

Cát Tường

(VNTB) – “Các nước có tòa án hiến pháp, nhưng các nước là đa đảng.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Các nước có tòa án hiến pháp, nhưng các nước là đa đảng”, chúng ta chỉ có một đảng lãnh đạo, hệ thống chính trị không tam quyền phân lập (…) Bây giờ lập một cơ quan độc lập thì ai đứng trùm lên Quốc hội?”, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ

Trên giảng đường đại học luật, sinh viên được học rằng, “Trong xã hội hiện đại, Hiến pháp được nhận định là một cơ chế chế ước, là người lính gác quyền lực Nhà nước với chức năng phân định, ngăn ngừa, không cho các cơ quan quyền lực lạm quyền, vượt quyền hoặc tùy tiện trong quá trình quản trị đất nước”.

Cũng trên giảng đường trường luật, sinh viên biết rằng trong chế độ bảo vệ hiến pháp phi tập trung, thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến được trao cho tất cả các thẩm phán và tòa án của quốc gia đó.

Tất cả các thẩm phán đều là thẩm phán hiến pháp (constitutional judges) và đều có thẩm quyền tuyên bố một đạo luật là vi hiến. Theo lập luận, quyền lực này bắt nguồn từ tính tối cao của Hiến pháp, theo đó cho phép tất cả các thẩm phán tham gia vào hoạt động bảo vệ hiến pháp. Thậm chí, hệ thống này cho phép các thẩm phán được phép xem xét các vấn đề hiến pháp bằng sáng kiến riêng của mình.

Một đặc điểm nổi bật khác là các quyết định của Tòa án chỉ giới hạn ảnh hưởng đến các bên cụ thể và trong quá trình cụ thể mà quyết định được ban hành. Điều đó có nghĩa là nếu một đạo luật bị tuyên là vi hiến bởi một quyết định của tòa án, luật đó vẫn có thể áp dụng ở một nơi khác. Nếu một đạo luật cụ thể bị tuyên vi hiến, nó phải được coi là mất hiệu lực theo chế độ hủy bỏ (null and void): một đạo luật bị tuyên là vi hiến sẽ tính từ thời điểm kể từ khi nó được ban hành và nó chưa từng tồn tại trong thực tế.

Các thẩm phán do cơ quan thẩm phán lựa chọn mang theo những kỹ năng và kinh nghiệm pháp lý cụ thể của họ, và không hề liên quan đến sự lựa chọn của các cơ quan chính trị.

Trong hệ thống tập trung, thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến chỉ được trao cho một cơ quan nhà nước cụ thể. Đó có thể là một tòa án hiến pháp, một hội đồng, hoặc một thiết chế chuyên trách cụ thể được công khai thành lập tại Hiến pháp, và được tổ chức bên ngoài hệ thống tư pháp thông thường.

Điểm khác biệt là trong hệ thống tập trung, các thẩm phán không thể tự kiến nghị các vấn đề hiến pháp bằng sáng kiến của mình. Thẩm phán hiến pháp không thể quyết định các vụ việc cụ thể, họ chỉ quyết định những khía cạnh hiến pháp của các đạo luật.

Ở Việt Nam thì Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp) dưới quyền Quốc hội; còn bộ Tư pháp (tư pháp) thì nằm trong Chính phủ. Thoạt đầu, cứ ngỡ Quốc hội sẽ có thực quyền nhất; quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, cơ quan hành pháp và tư pháp do họ trao quyền nên khó có thể xảy ra chuyện vi hiến nên không cần bảo hiến.

Nhưng tình hình thực tiễn thì hoàn toàn khác tuy trên danh nghĩa Quốc hội có quyền lập hiến, lập pháp nhưng thực ra Chính phủ đã làm thay điều này. Không chỉ vậy, Chính phủ được ban hành văn bản pháp quy và thực thi nó, thì câu chuyện lạm quyền là chuyện dễ dàng xảy ra. Và Bộ Tư pháp ở trong Chính phủ thì làm sao Tư pháp được độc lập, chỉ cần Tư pháp phê bình một tiếng thì cho rằng “gà nhà bươi bếp nhà”, vậy làm sao khách quan?

Thế nhưng theo ý kiến của người suốt 3 khóa liền là Tổng bí thư thì ở thể chế chính trị độc quyền của Việt Nam, vai trò một đảng cầm quyền nên sẽ không có nhu cầu nhiều trong việc giữ “cân bằng”, “đối trọng” hay “kiềm chế” giữa các quyền lập pháp, quyền hành pháp, cũng như không có nhu cầu về một vai trò nào đó trong việc “dàn xếp” chính trị giữa các đảng phái chính trị. Lẽ ấy nên lập một tòa hiến pháp là… thừa thãi (!?).

Một bản án thất lợi cho người lao động trở thành “án lệ“

VNTB – Một bản án thất lợi cho người lao động trở thành “án lệ“

T.K.Tran

(VNTB) – Khi xử những vụ án về tranh chấp lao động, các thẩm phán có thể sẽ cho ra những phán quyết dựa vào một án lệ mà tính chất khách quan, công bằng rất đáng ngờ

 

 

“Án lệ“ là gì? 

Án lệ (case law, legal precedent) là những lập luận, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố thành án lệ.

Án lệ được hiểu là đường lối giải thích luật pháp để đưa ra phán quyết trong những trường hợp mà các bộ luật không dự liệu cụ thể. Đường lối này được coi như một tiền lệ hay mẫu mực giúp các thẩm phán có thể noi theo áp dụng trong các trường hợp tương tự sau đó.

Trên nguyên tắc án lệ phải thể hiện tính khách quan và công bằng.

Tuy nhiên có án lệ về tranh chấp lao động mà ta phải nghi ngờ tính khách quan và công bằng như trường hợp sau đây:

Án lệ số 70/2023/AL, số văn bản 364/QĐ-TANDTC, ngày 01/10/2023 về tranh chấp lao động 

Nội dung vụ án có thể xem ở đây (1). Tóm tắt như sau: Người lao động, ông Vương Quốc A được Công ty TNHH K. Việt Nam, mà theo tên gọi có lẽ là một công ty có vốn nước ngoài, nhận vào làm việc từ tháng 3/2015 với hợp đồng thời hạn 12 tháng, sau đó gia hạn tới ngày 25/11/2016. Trong thời gian này ông A được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp Hành lâm thời của Công đoàn cơ sở (CĐCS). Sau khi tiến hành đại hội Công đoàn, ông A được bầu chính thức làm Chủ tịch ban chấp hành, một tháng trước khi hợp đồng làm việc của ông hết hạn vào ngày 25/11/2016.

Công ty K quyết định không tái ký hợp đồng lao động với ông A. Ông A cho rằng việc bị chấm dứt hợp đồng là không đúng, nên khởi kiện Công ty K. Ông A lập luận rằng với cương vị là đương kim chủ tịch CĐCS, công ty phải gia hạn hợp đồng làm việc cho tới hết nhiệm kỳ, như quy định của pháp luật.

Ngày 21/11/2019 Tòa án sơ thẩm thành phố Biên Hòa quyết định không chấp nhận đơn kiện của ông Vương Quốc A. Sau đó ông A kháng cáo.

Ngày 30/7/2020 Tòa án phúc thẩm tỉnh Đồng Nai chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông A, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, buộc Công ty K phải bồi thường hơn 216 triệu đồng, ngoài ra truy đóng các bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho ông A, đồng thời phải trả án phí.

Công ty K kháng cáo, yêu cầu xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 22/4/2022 Chánh án tòa án nhân dân tối cao tại thành phố HCM kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Biên Hòa. Tòa Giám đốc thẩm không công nhận tư cách chủ tịch CĐCS của ông A, xử ông A thua kiện.

Vụ án này sau đó được chọn làm án lệ mang số thứ tự 70/2023/AL

 

Thấy gì từ vụ án này?

1. Chủ doanh nghiệp trù dập cán bộ công đoàn

Cán bộ công đoàn không chuyên trách vẫn là người lao động ăn lương của chủ doanh nghiệp, nhưng được sử dụng một số giờ làm việc (theo luật định) để lo liệu công việc của công đoàn. Dưới cái nhìn của chủ doanh nghiệp, những người này không được ưa chuộng bởi họ làm việc ít hơn cho doanh nghiệp mà vẫn được trả lương đầy đủ và có thể gây rắc rối cho doanh nghiệp trong quan hệ lao động. Do đó nhiều doanh nghiệp tìm cách gây khó khăn cho công đoàn, trong đó có đuổi việc, không gia hạn hợp đồng làm việc cho những nhân viên này. Đường lối “quan hệ lao động hài hòa“ mà nhà nước chủ trương luôn luôn là một thách thức trong thực tế, khi mà lợi ích của người lao động và chủ doanh nghiệp mâu thuẫn với nhau.

2. Tòa giám đốc thẩm bỏ qua các chuẩn mực quốc tế 

Trong vụ án kể trên, tòa Giám đốc thẩm bác bỏ tư cách của ông A là Chủ tịch CĐCS, từ đó phán quyết rằng Công ty K đuổi việc ông A là hợp pháp.

Tuy nhiên theo điều 3 của công ước 87 của tổ chức lao động quốc tế ILO thì “các tổ chức của người lao động… có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành… Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó.“(2)

Như vậy, theo những chuẩn mực quốc tế, lẽ ra tòa án phải tôn trọng quyền tự do bầu cử của các tổ chức lao động, phải tôn trọng kết quả bầu cử của công đoàn, đã bầu ông A làm chủ tịch CĐCS theo đúng quy định nhưng Tòa giám đốc thẩm đã không tuân thủ những chuẩn mực này.

3. Tòa giám đốc thẩm không công bằng khi tùy tiện sử dụng chứng từ

Trong khi Tòa phúc thẩm tỉnh Đồng nai công nhận tư cách chủ tịch CĐCS của ông A và phán quyết thắng kiện cho ông ta (3), thì lập luận chính yếu của tòa Giám đốc thẩm xử ông A thua kiện ngày 26/9/2022 là dựa vào Hướng dẫn số 398/HD-TLĐ ngày 28/3/2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là: “về tái cử ban chấp hành: có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất ½ nhiệm kỳ“(4). Từ đó tòa ra phán quyết là việc bầu ông A làm chủ tịch là không hợp lệ vì “tuổi công tác“ của ông ta chỉ còn 1 tháng.

Tuy nhiên, tòa án không trích dẫn phần tiếp theo của Hướng dẫn 398 là: “Những trường hợp còn thời gian công tác dưới ½ nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét quyết định cụ thể“ (4). Có nghĩa là điều kiện “có đủ tuổi công tác“ không phải là bắt buộc tuyệt đối.

Quan trọng hơn nữa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn có Hướng dẫn quy trình giới thiệu nhân sự số 28/HD-TLĐ, ban hành ngày 14/6/2021 (5). Trong Hướng dẫn này, điều kiện để ủy viên ban chấp hành tái cử là còn thời gian công tác ít nhất bằng ½ nhiệm kỳ cũng được nêu lên, song – khác với Hướng dẫn 398 của năm 2012 – điều kiện này chỉ áp dụng với cán bộ chuyên trách, không áp dụng với cán bộ công đoàn không chuyên trách trong các xí nghiệp tư nhân hay có vốn nước ngoài.

Đây chính là mấu chốt của vấn đề, bởi ông A là cán bộ không chuyên trách nên không cần đáp ứng điều kiện còn thời gian công tác bằng ½ nhiệm kỳ. Ông ta chỉ cần có ý kiến giới thiệu tín nhiệm của đoàn viên theo như mục II, điều I.2 của Hướng dẫn số 28/HD-TLĐ năm 2021 nêu trên.

Nếu dựa vào Hướng dẫn 28/HD-TLĐ năm 2021 thì việc ông A đắc cử chủ tịch CĐCS phải được xem là hợp lệ. Từ đó, lẽ ra phải xử cho ông ta thắng kiện, nhưng Tòa giám đốc thẩm đã bỏ qua văn bản này để xử ông A thua kiện.

Hiện tượng pháp luật Việt Nam nhiều khi chồng chéo, mâu thuẫn không mới. Vụ án lao động này cũng chỉ minh chứng thêm cho điều này. Nhưng quan trọng nhất là vụ án này được nâng lên hàng “án lệ“, nghĩa là trong tương lai, khi có những vụ án về tranh chấp lao động  tương tự xảy ra, các thẩm phán sẽ cho ra những phán quyết dựa vào một án lệ mà tính chất khách quan, công bằng rất đáng ngờ./.

_________________

Nguồn:

(1) https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/cham-dut-hop-dong-lao-dong-doi-voi-nguoi-lao-dong-la-can-bo-cong-doan-khong-chuyen-trach-208747.aspx

 https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/quyet-dinh-giam-doc-tham-ve-tranh-chap-don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-so-062022ldgdt-293127

(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Cong-uoc-87-nam-1948-quyen-tu-do-hiep-hoi-bao-ve-quyen-duoc-to-chuc-103343.aspx

(3) https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-ve-tranh-chap-don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-so-192020ldpt-261903

(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Huong-dan-398-HD-TLD-2012-cong-tac-nhan-su-ban-chap-hanh-dai-hoi-cong-doan-cac-cap-256083.aspx

(5) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Huong-dan-28-HD-TLD-2021-bau-cu-ban-chap-hanh-chuc-danh-chu-tich-cong-doan-co-so-tai-dai-hoi-480621.aspx


Đèn đom đóm và đời không như là mơ

4/22/2024 - 03:36 — nam giaÔng Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội


Báo chí ngày 22 tháng Tư năm 2024 đồng loạt đưa tin: Ông Phạm Thái Hà - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội - đã bị Cơ quan điều tra bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi do liên quan vụ án Tập đoàn Thuận An [1].
 
Không riêng Phạm Thái Hà, tất cả các chức vụ từ thấp đến cao, các nhân vật đương nhiệm luôn bày ra vẻ ngoài tốt đẹp. Dĩ nhiên, đường lối nhân sự của đảng Cộng sản Việt Nam, gần trăm năm qua - theo lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam - họ chưa bao giờ "chọn sai người", bởi luôn được khẳng định sự chọn lọc kỹ càng với quá trình thử thách và trui rèn nghiêm ngặt. Cho tới khi, các đảng viên bị bắt, luôn luôn và hoàn toàn tại vì bản thân người đó vi phạm pháp luật - không chịu rèn luyện - buông lỏng quản lý và vô vàn lý do khác (!). Lạ thay! Người dân không thể hiểu nổi những sự thật trái khoáy như vậy, với "tính đảng" bỏ đi đâu mà cứ đợi đến khi câu chuyện "tầy quầy" ra (?)
 
Ông Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê quán tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông ta có học vị Tiến sĩ kinh tế; đã từng làm Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ngoài ra, ông Hà đã đảm nhiệm qua các vị trí: Thư ký Tổng Kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; Hàm vụ trưởng, Thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ; Trợ lý Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tất cả các chức vụ kể trên, đều là thời ông Vương Đình Huệ đảm nhiệm. Điều này cho thấy, ông Hà "trải dài" theo con đường hoạn lộ của ông Huệ [2]. Trang Thời Báo Tài Chính Việt Nam còn cho biết thêm: Vào ngày 5 tháng Năm năm 2022, Phạm Thái Hà được bổ nhiệm chính thức với địa vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng thời hạn bổ nhiệm 5 năm. Vậy cho đến khi bị bắt, ông ta tại vị được 1 năm 11 tháng 16 ngày.
 
Trong ngày bổ nhiệm - do Phó Chủ tịch Quốc hội thường trực Trần Thanh Mẫn trao quyết định - Phạm Thái Hà "... khẳng định sẽ luôn cố gắng, nỗ lực hơn nữa, không ngừng tu dưỡng rèn luyện đạo đức, phong cách, gương mẫu, bản lĩnh chính trị, trung thực, học hỏi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phát huy tính sáng tạo trong công việc... để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao..."
 
Người đời luôn biết đến tên gọi "kẻ tâm phúc" của thuở phong kiến, với hình ảnh bỏ trốn của các hoàng thân quốc thích, khi tranh giành ngôi báu bất thành và bị đuổi bắt. Lúc đó, "kẻ tâm phúc" trở thành nhân vật tối quan trọng cho các vị hoàng thân quốc thích và nếu gầy dựng lại được cơ đồ, "kẻ tâm phúc" một chốc lên tiên - muốn gì được đó. Vì vậy, kéo thêm "kẻ tâm phúc" là nạn "kiêu binh chi loạn" của thời phong kiến suy tàn, không mấy ai không biết về Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ cùng em trai Đặng Lân - quậy phá nát cả hoàng triều một thuở, thời chúa Trịnh Sâm. Cũng là lẽ thường tình, bởi "kẻ tâm phúc" luôn được sủng ái với nhiều bổng lộc, khi các ông hoàng bà chúa chưa lộ tẩy, bỏ chạy bởi thất bại cùng nguy hiểm trùng trùng. 
 
Con đường hoạn lộ của các nhân vật trợ lý - thư ký riêng của các nhân vật cấp cao và siêu cao, có lẽ còn tệ hơn cả hình ảnh mô tả như trên. Bởi kẻ "tâm phúc" còn trượng nghĩa và sẵn sàng xả thân cho chủ, dù chủ nhơn đang thất bại và chạy trối chết. Thay vào đó, các vị trợ lý - thư ký riêng, họ chỉ hoàn toàn lợi dụng vô vị trí của chủ để làm những việc vi phạm pháp luật - mất phẩm hạnh đảng viên và mất luôn phẩm giá của những học hàm - học vị giáo sư-tiến sĩ , vốn người đời khó tin đó là những điều đáng được tôn trọng! 
 
Phạm Thái Hà sao lại phải "rèn luyện - trung thực - học hỏi - sáng tạo"? "Rèn luyện" cái gì? "Trung thực" cái gì? "Học hỏi" cái gì? "Sáng tạo" cái gì nữa? Với học vị "tiến sĩ" cùng quá trình "theo hầu" ông Vương Đình Huệ, gần 20 năm, chẳng lẽ ông Hà không hề hay biết, ông Vương Đình Huệ là một học trò nghèo hiếu học, công thành danh toại từ "đèn đom đóm" chăng? Thân mẫu của ông Vương Đình Huệ còn trực tiếp thú nhận [3] buộc phải đem bán "Huệ Đom Đóm" để có chút tiền đổi gạo qua ngày, không lẽ Phạm Thái Hà không học được chút gì từ hình ảnh thương tâm như vậy?
 
Hình ảnh và hoàn cảnh của "Huệ Đom Đóm" ngỡ lung linh nhưng hóa ra mờ mờ ảo ảo, có lẽ là lý do làm cho Phạm Thái Hà "hoa mắt" mà gây ra "tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi do liên quan vụ án Tập đoàn Thuận An". Người khác là ai đây nhỉ? Luật pháp xứ thiên đàng vẫn mập mờ và ảo diệu như hình ảnh "đèn đom đóm" - vốn chỉ là câu chuyện cổ tích, dụ khị mấy đứa nhỏ, cho vui trong chốc lát!
 
Đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ - Một câu nhạc trong nhạc phẩm "Đời Không Như Là Mơ" của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, cũng nên được gởi tới ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vì ông rất yêu âm nhạc, với giọng dành cho "ca sĩ karaoke" để giải sầu trong phút chốc!
___________________
 
 
 

Tại sao các quan chức đảng CSVN không thể tự vệ trước tin đồn?

 04/20/2024 - 10:58 — nguyenvandai

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các tin đồn liên quan tới các quan chức chóp bu của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Và sau đó ít ngày thì những tin đồn đó trở thành hiện thực.

Ví dụ: trước khi diễn ra Đại hội 13 của đảng CSVN vào tháng 1 năm 2021, đã có tin đồn về việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tái cử nhiệm kỳ 3 Tổng bí thư, và sau đó diễn ra như vậy.

Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.01.2023

Ngày cuối tháng Tư

 Tưởng Năng Tiến

Bây giờ là cuối tháng Tư. Một tháng tư ở Việt Nam (thường) là một ngày mưa. Một buổi chiều mưa, trời chuyển âm u thấp xám. Thời gian và không gian như ngưng đọng lại trong giây phút chuyển mùa. Rồi sấm chớp và kế tiếp là những giọt mưa nặng hạt, ào ạt, xối xả, phủ kín vạn vật.

thangtu1

Mưa gội sạch cây lá, tưới mát những bãi cỏ úa vàng, thấm ướt đất khô cằn cỗi. Nước mưa, nguồn sinh lực kỳ diệu đã làm vạn vật hồi sinh sau những ngày nắng cháy.

Rồi mưa tạnh, trời quang. Mặt trời lại hiện ra từ một nơi nào đó, rọi những tia vàng ấm khắp nơi. Đất bốc hơi thơm nồng ngai ngái. Cây cỏ sạch tươi dịu mát. Chim chóc ca hát trong trẻo líu lo…

Những buổi chiều mưa não nề diễm tuyệt như vậy rồi cũng mất hút trong đời.

Có những buổi chiều mưa đầu mùa bao nhiêu kẻ bỗng dưng bị bỏ rơi rồi rã ngũ. Hốt hoảng, căm hận, sợ hãi, người ta chạy tán loạn về thành phố. Những thành phố quê hương yêu dấu thoáng chốc mà ngùn ngụt khói lửa. Súng nổ râm ran ở khắp nơi. Dân chúng bồng bế dắt díu nhau để chạy.

Chạy đi đâu nữa ? Có còn nơi nào an toàn để chạy khi mà chính mình cũng đành buông súng với sự ray rứt, xót xa, đớn đau, hoang mang, sợ hãi.

Rồi đến những buổi chiều mưa tháng Tư của những năm tháng kế tiếp. Có bao nhiêu kẻ nằm mê man chờ chết bởi những cơn sốt rét ở trại tù binh xa xôi, heo hút. Trong cái cảm giác rối loạn của một thần trí không còn tỉnh táo, người ta vẫn mơ hồ cảm nhận được cái tâm cảm não nề u uẩn vào những lúc chuyển trời u ám. Người ta vẫn cứ nghe tiếng sấm chớp ngang trời và vẫn cứ thầm mong đó là tiếng súng. Chao ôi ! Phải chi mà có những tiếng súng gầm thét vang trời vào những ngày tháng lao tù nghiệt ngã ấy thì dẫu có phải chết, chết ngay tức khắc, chắc chắn cũng có nhiều kẻ cam lòng.

Nhưng người ta đã không chết dù phải chịu đựng hàng trăm thứ đòn thù thâm độc, dù đã trải qua bao nhiêu là cơn sốt thập tử nhất sinh. Con người còn sống được không phải chỉ nhờ vào cái kháng lực mong manh của cơ thể mà còn là nhờ vào cái ý chí khao khát được sống, cái ước mơ có ngày được trở lại thành phố quê hương của mình để nhìn cảnh khói lửa, để nghe súng đạn nổ ròn. Và lần này thì do chính tay họ siết cò…

Cái giấc mơ đó chưa bao giờ đến. Nỗi ước vọng được nghe tiếng súng đại bác nổ vang giữa đêm tù cũng chưa hề xẩy ra trong suốt thời gian người ta bị giam cầm. Vậy mà bao kẻ vẫn cứ mãi trông chờ, ngóng đợi !

Trong bao nhiêu đêm khuya, có người chợt thức giấc vì chợt nghe tiếng súng vọng lại từ một nơi xa xôi nào đó. Tiếng nổ mơ hồ, nhỏ bé phát ra từ một nòng súng cá nhân đến khi lọt vào thính giác của một tù binh bỗng bùng vỡ lên trong óc họ như tạc đạn.

Tim người ta liền đập hụt đi mấy nhịp, rồi sau đó là những nhịp dồn dập, rộn ràng. Mạch máu da thịt của những người tù căng ra. Mắt người ta mở lớn, trợn trừng trong bóng đêm. Tai vểnh lên như tai của loài thú rừng khi đang rình rập. Họ nằm nín thở, nghe ngóng, chờ đợi đặt hết niềm tin hy vọng vài tiếng súng vừa phát ra. Họ chờ đợi một tiếng nổ kế tiếp, rồi một tiếng nổ kế tiếp nữa. Sau đó là hàng loạt những tiếng nổ xé gió vang trời thì càng tốt.

Rồi họ tưởng tượng thêm, lẫn trong tiếng nổ đều đặn ấy là tiếng nổ ròn tan của những nòng súng cộng đồng. Chưa hết, bằng vào cái ảo giác của những kẻ đã bao năm trông chờ khao khát người ta như nhìn thấy được cả ánh hỏa châu soi sáng đêm tối bao la. Sau đó là bom đạn, phi pháo và nhà cửa, đồn bót cháy sáng một góc trời…

Đã bao nhiêu kẻ ước ao, nếu có phải chết xin cho họ được chết trong bối cảnh khói lửa bom đạn ngất trời như vậy. Không ai có thể đành tâm chết mỏi mòn, khắc khoải giữa những vòng rào thép gai tù ngục. Hận thù không phải là một tình cảm tốt đẹp. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, rửa hận là một điều cần thiết và công bằng.

Suốt những năm dài của đời sống tù binh khắc nghiệt bao người đã nhờ vào sự trông chờ hy vọng để giữ cho mình khỏi bị gục ngã. Niềm hy vọng thỉnh thoảng lóe lên khi họ chợt nghe được tiếng súng nổ ; rồi tắt lịm dần trong những giây phút im lặng tàn nhẫn phũ phàng sau đó.

Vậy mà người ta vẫn cứ không thôi trông chờ, mong đợi. Đợi mãi cho đến một lúc, lẫn trong cái tâm trạng mong chờ mòn mỏi người ta bắt gặp trong tâm hồn mình có thêm một thứ tình cảm buồn phiền oán hận.

Người ta oán hận những kẻ đang sống ngoài vòng tù ngục. Chắc chắn họ có nhiều đồng ngũ đang sống lẩn quất bên ngoài, có nhiều đồng ngũ khác đang sống tự do ở những phương trời xa xăm nào đó. Rồi người ta cảm thấy chua chát khi biết mình đã bị bỏ quên cho chết dần mòn, khắc khoải trong vòng tay kẻ thù. Có phải rằng chính họ đã bặm môi, cắn chặt răng bắn đến viên đạn cuối cùng để cho cấp chỉ huy, để cho đồng đội có đủ thời gian "di tản !".

Và rồi người ta quyết định… phải tìm cách đào thoát, không ít kẻ may mắn đã thoát thân.

thangtu2

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Tháng Tư ở một vùng đất thuộc miền ôn đới. Nơi đây bây giờ không phải là những ngày tháng bắt đầu cho mùa mưa. Ở đây bây giờ là mùa Xuân. Mùa xuân xứ người.

Một buổi sáng mùa Xuân ở một nơi an bình và phú túc. Đường phố nhộn nhịp người đi. Những bộ quần áo ngắn, mỏng, lạ mắt và đẹp mắt. Những cặp đùi thon. Những cánh tay trần, hồng, trắng, nõn nà. Những bộ ngực căng đầy nhựa sống. Có kẻ lái xe đi giữa phố phường, hòa nhập với giòng người, giòng đời, vui lây với niềm vui của những người dân bản xứ bao quanh. Mùa Xuân đến với vạn vật với mọi người, kể cả người tị nạn.

Bất chợt có một tiếng còi. Tiếng còi lanh lảnh ghê rợn xoáy vào thính giác. Người ta giật bắn người tắp ngay xe vào lề đường. Có một chiếc xe khác thắng gấp phía sau. Một khuôn mặt đỏ gay vì giận dữ quay lại nguýt nhìn, lầu bầu chửi rủa. Người ta không quan tâm đến điều đó. Người ta chỉ muốn ngoái người lại nhìn xem chuyện gì đã xẩy ra ?

Không có gì cả. Tiếng còi chỉ do một người vừa thổi để chận đứng giòng xe đang xuôi ngược cho những đứa bé được an toàn băng qua đường đến trường học. Thế thôi ! Thế là thở phào nhẹ nhỏm, rút khăn lau mồ hôi trán.

Hoàn toàn chả có chuyện gì nghiêm trọng cả. Tiếng còi lanh lảnh ở đây không còn biểu tượng cho sự bắt bớ, khủng bố, giam cầm đầy ải nữa. Mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Ở đây mọi-chuyện-đều-luôn-luôn-rất-bình-thường.

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Một buổi chiều Xuân. Trời xanh cao, mây trắng nõn, nắng hanh vàng. Có kẻ đứng trước sân nhà, mải mê nhìn những con bướm trắng tung tăng trên thảm cỏ xanh, những con ong bầu bĩnh lượn vòng quanh những khóm hoa… và chợt người ta nghe tiếng súng.

Tiếng súng nổ gần. Người ta lại giật thót người. Ly rượu trên tay sóng sánh. Vài giọt tràn ra tay. Điếu thuốc đang hút dở dang tắt ngấm. Những con chim sâu nhỏ bé đang lẩn quẩn, an bình trên những cành mai hồng thắm vụt cánh bay. Người ta không thấy sợ hãi nhưng chợt cau mày với cái cảm giác bực dọc khó chịu. Không có thêm một tiếng súng nào tiếp theo đó. Không gian, khung cảnh trở lại an bình, yên tĩnh.

Chỉ có tâm hồn người là không an bình nữa. Mặt người ta chợt đỏ lên dù ly rượu trên tay chưa kịp uống. Người ta vừa trực nhận một cái cảm giác hổ thẹn. Tại sao lại bực dọc và khó chịu nhỉ ? Có phải vì tiếng súng đã làm hỏng mất một buổi chiều Xuân êm đềm và thi vị không ?

Vậy mà đã có lúc người ta thiết tha mong nhớ một tiếng súng. Một loạt những tiếng súng thì càng tốt ! Mới ngày nào tiếng súng nổ còn là dấu hiệu cho sự bạo động quật khởi, báo thù rửa hận. Bây giờ ở một nơi an bình, tiếng súng chỉ còn là biểu hiện cho sự bất an và lâm nguy !

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Một đêm tháng Tư xứ lạ. Có kẻ buổi chiều quá chén, nửa đêm thức giấc không biết mình đang nằm ở đâu ? Có tiếng máy sưởi tự động giảm nhiệt độ. Sự đàn hồi của kim loại phát ra những tiếng kêu tí tách. Trong cái cảm giác ngái ngủ người ta tưởng như mình đang nghe tiếng mưa rơi.

Tiếng mưa rơi trên mái tôn của một căn nhà trong một con hẻm lầy lội, hắt hiu vàng ánh điện câu. Đã bao đêm mưa người ta được bao che để sống chui nhủi dưới một mái nhà tôn như vậy. Đã bao đêm người ta thức giấc nằm nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi, tiếng ú ớ của những đứa em thơ nói trong mơ, tiếng động lục đục của những người mẹ già tảo tần lo lắng cho gánh hàng rong bán vào sáng sớm, tiếng xe xích lô nổ ròn đầu xóm. Và đôi khi tiếng ru con ầu ơ buồn não ruột của một người đàn bà hàng xóm.

Chiếc máy sưởi nguội dần, những tiếng kêu tí tách của kim loại đàn hồi từ từ nhỏ lại. Người ta lại nghe như là tiếng mưa rơi trên những mái tranh. Những mái tranh trống lốc, gió thổi tứ bề của trại tù Suối Máu, Cà Tum. Những mái nhà tranh của trại Minh Rồng, Đại Bình, Đại Lộc… người ta đã thức giấc bao nhiêu lần ở những trại tù heo hút đó để nghe tiếng mưa rơi, để chờ mong một tiếng súng vọng về từ rừng thẳm.

Đêm nay ở phương trời xa xăm cũ biết trời có mưa không ?

Đêm nay trong vòng rào tù ngục có bao nhiêu kẻ (chợt) thức giấc giữa đêm trường nằm mong chờ khắc khoải trong đói lạnh một tiếng súng mơ hồ ?

Và đêm nay – ở chốn xa xôi, an bình này – ai có bạc đầu không ?

Tháng Tư 1984.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 19/04/2024