Friday, August 7, 2015

Đổi mới Lăng Bác

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Mình đã “Đổi mới Tư duy”, từ Kinh Tế Tập Trung khố rách áo ôm lên Kinh tế Thị trường định hướng XHCN ăn nên làm ra; của ăn ứ hừ, của để ê hề, phải gửi ngân hàng nước ngoài. Thành thử, đổi mới Lăng Bác cũng là nhu cầu cấp bách, theo xu thế thời đại không thể đảo ngược.

Thời đại hôm nay là thời đại cả nước thi đua Xây dựng Tượng đài, trong tinh thần“Tốc nhất chi kế mạc như thụ đài/ không gì mau giàu bằng xây tượng đài”. Do vậy, trong khí thế vươn lên mới xuất hiện hiện tượng như trăm hoa đua nở, trăm đài đua dựng; tượng đài sau phải hoành tráng hơn tượng đài trước. Lấy ví dụ cụ thể như Tượng đài Anh hùng Điện Biên Phủ với 40 tỷ, rồi vươn lê Tượng đài Mẹ Việt Nam 411 tỷ, và bây giờ là dự án Tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La vượt lên tầm cao mới, 1.400 (một ngàn bốn trăm) yỷ.

Ai cũng biết tỏng, rằng thì là, nhờ có bác Hồ mới có anh hùng Điện Biên; cũng nhờ có bác Hồ mới có Mẹ Việt Nam anh hùng; và, vẫn nhờ có bác Hồ mới có tượng đài Hồ Chí Minh đứng đầy đường như phường ăn mày lạy ông đi qua lạy bà đi lại.

Bác Hồ là cha đẻ của mọi tượng đài; thế mà trong khi tượng đài này nọ mọc lên tùm lum như nấm được mưa, lăng bác ở Ba Đình cứ nằm yên không nhúc nhích cựa quậy suốt mấy chục năm qua. Thật là một sự bất công cực kỳ... hoành tráng khó mà chấp nhận.

Đàng khác, lăng Bác bị nước Anh Hai ví như cái nhà xí, người Miền Nam gọi là nhà cầu, còn dân Miền Trung đồng hương trên lý thuyết của Bác kêu là nơi đi ẻ. Thật là một sự mạ lỵ, xúc phạm đến cha già DT, thánh nhân của 3 triệu đảng viên CS.

“Bác cháu mình có thể sai, nhưng Mao Chủ tịch không bao giờ sai”, nên báo chính thống của nước Mao Chủ tịch ví lăng Bác như cái nơi đi ẻ cũng không bao giờ sai.

Do đó, mình phải đổi mới lăng Bác, đừng để nơi "Người" ngự giống như cái nhà cầu, nhà xí, nơi đi ẻ nữa.

Chỉ cái tượng đài Bác ở Sơn La không thôi đã phải ngốn hết 1.400 tỷ. Nay cái lăng Bác Hồ mới chắc chắn là phải chi nhiều hơn gấp bội.

Nhưng không sao, cô giáo đã đồng ý thà chui bao ny lông, học trò nhất trí thà đu dây, để đến trường bên kia sông, còn hơn là để lăng Bác trông như cái nhà vệ sinh.

Thế là, tài khoản để đổi mới lăng Bác được nhân dân cả nước đồng tình nhiệt liệt ủng hộ. Chỉ có bọn phản động chống phá tổ quốc mới đả kích chống phá tổ quốc chủ trương lớn này của Đảng.

8/8/2015


Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ

Phước An Thy (Danlambao) - Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi đã được giáo dục với niềm tin rằng, cái thiện luôn chiến thắng và cái ác luôn thất bại, nhưng sau năm 1975 thì mọi thứ đã ngược chiều. Bởi thực tế xã hội lúc bấy giờ, người hiền hầu như lâm vào hoàn cảnh sống nghèo hèn, bị áp bức, tù tội và chết sớm, trong khi đó kẻ ác lại có quyền lực, sung sướng trong cảnh giàu sang, sống lâu và chết một cách thanh thản. Những điều ấy làm tôi, tuổi mới lớn, cứ phân vân suy nghĩ đến câu mẹ tôi thường khuyên: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”, vì thấy không phải ai ở hiền cũng gặp lành và lúc nào kẻ ác cũng bị trừng trị.

Trưa ngày 30/04/1975, Tổng Thống Dương Văn Minh lên Đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi binh lính, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bỏ vũ khí đầu hàng, tối đó lần đầu tiên tôi được biết một kẻ ác, nhưng không bị trừng trị. Tối ngày 30/4/75, Sài Gòn đang trong tình trạng hỗn loạn, mọi người đang hoang mang, Ba Phương đã chạy vào nhà một đại úy bảo vệ vòng đai Tân Sơn Nhất, y bắn chết ông đại úy trước mặt vợ con của vị đại úy này.

Ba Phương là một cán bộ Việt cộng nằm vùng tại ngã Ba Bà Quẹo, ban ngày y chui xuống hầm bí mật đào ngoài vườn trốn, ban đêm mò vào ngủ với vợ, sinh cả đàn con mà Cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa không hay biết gì. Ba Phương, một kẻ sát nhân như vậy mà sau này lên làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND quận Tân Bình, Sài Gòn.

Có lần Ba Phương đến thăm trường THCS Đặng Trần Côn, cháu y, làm bảo vệ trường, không dám ra gặp mặt. Điều gì khiến cháu y không dám gặp mặt người thân quyền cao chức trọng, chắc có thể vì biết tội ác và tính nhẫn tâm tàn bạo của y chăng? Thật khó mà biết được ẩn đằng sau vẻ quyền uy, đạo mạo, khuôn mặt tươi cười, ăn mặc sang trọng kia lại là một kẻ tàn ác, giết người một cách hèn hạ đến như vậy. Điều gì đã khiến một người đàn ông cũng có vợ con như người ta, mang danh người của cách mạng, lại có thể làm một việc độc ác, man rợ đến mức độ như vậy? Tại sao lại có thể bất chấp nỗi đau của vợ con nạn nhân để giết một người chồng, người cha trước mặt họ?

Phải chăng một phần nguồn gốc tính ác phát xuất từ lý thuyết “Đạo đức cách mạng” của Cộng sản và có lẽ cũng một phần từ tính đê tiện của người đó. Với những người bất nhân, mông muội, không có lý trí mà nắm quyền hành, cai quản dân chúng như vậy thì làm sao xã hội có được yên bình và ấm no. Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi ngày nay, cứ mở báo ra đọc, nghe truyền thông trong nước đều thấy tội ác tràn lan, xảy ra hằng ngày khắp nơi trong cả nước. Có nhiều tội ác dã man chưa từng thấy trước đây, làm cho mọi người dân lương thiện cảm thấy mình đang sống trong một xã hội bất an và phải luôn đề phòng với mọi người chung quanh.

Pháp luật Việt Nam hiện nay thiếu nghiêm minh, có quá nhiều bất công phi lý, cả bộ máy pháp luật của nhà nước chỉ thi hành luật với tất cả người dân, nhưng lại che chở cho những cán bộ chính quyền, công an, tòa án, quan chức vi phạm pháp luật, khiến kẻ ác không thấy phải sợ, người hiền chán nản, trở nên ù lì, không cảm xúc.

Xã hội Cộng sản ngày nay đã đề cao những giá trị vật chất, địa vị, tiền bạc và những hào nhoáng của bệnh hình thức nên đã phá hủy quan niệm đạo đức cơ bản, khuyến khích tính ích kỷ cá nhân tàn ác của con người. Một xã hội mà khoảng cách giàu nghèo mỗi ngày càng lớn hơn, bởi các nhóm đặc quyền đặc lợi đã câu kết tham nhũng từ trên xuống dưới, bất chấp thủ đoạn để làm giàu mà cơ chế luật pháp của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa không kiểm soát được thì sự đạo đức xã hội xuống dốc, giá trị đạo đức băng hoại là tất nhiên.

Khi những cái ác, cái xấu không bị trừng trị đúng mức, khi cái thiện, cái đẹp bị coi thường và tự do, dân chủ, nhân quyền bị chà đạp thì ít nhiều cái ác cũng lây nhiễm, trú ẩn trong mỗi con người như một phản ứng tự nhiên để tồn tại ở một xã hội Việt Nam không tôn trọng luật pháp ngày nay. Nhưng nổi bật hơn cả cái ác chính là sự vô cảm của con người, con người ta ít quan tâm đến người bên cạnh, bịt mắt trước những cái xấu, họ chỉ làm tất cả những gì để đạt được mục đích, giành lấy những điều mình muốn bằng mọi cách, bất kể dùng cả thủ đoạn độc ác hại người và xót xa nhất là họ thấy đó là bình thường, không có gì áy náy hay hối hận cả.

Mới đây tin tức thế giới đã đưa tin, “Seif al-Islam Gaddafi, con trai nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi đã bị kết án tử hình. Bên cạnh Seif al-Islam Gaddafi, tòa án Tripoli còn kết án tử hình 8 người khác, bao gồm cựu giám đốc tình báo Abdullah Senussi và thủ tướng cuối cùng của chế độ cũ Al-Baghdadi al-Mahmudi. Những người này bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh hồi năm 2011, thời điểm ông Gaddafi bị lật đổ. Ngoài ra, còn có 8 cựu quan chức khác bị tuyên án chung thân, 7 người nhận án 12 năm tù”. Chế độ độc tài không thể tồn tại mãi được, những kẻ độc tài bạo ngược không sớm thì muộn cũng bị người dân hỏi tội và trừng trị.

Trong thời đại Internet, mọi người dân không thể im lặng trước tội ác như những việc này không xảy ra, mà phải tố cáo những tội ác, lối sống sa đọa, những vụ tham nhũng, những tài sản, những chuyện bán đất, bán biển, bán đảo của các lãnh tụ, cán bộ, đảng viên Cộng sản với toàn dân, với tất cả các tổ chức quốc tế.

Người dân phải có thái độ không chấp nhận sống bị lệ thuộc bởi một đảng Cộng sản, bị cai trị bởi thể chế, chính quyền độc tài Cộng sản, phải có trách nhiệm đưa những tội ác của Cộng sản cho toàn xã hội biết, để kẻ phạm tội không thể sống thảnh thơi, khinh thường người dân nữa.

Chế độ Cộng sản thối nát sẽ mãi gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam, chế độ độc tài bất lực, phản dân hại nước sẽ tiếp tục bán đất, bán biển cho kẻ thù. Để làm cho chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam sụp đổ, mà người dân chỉ cầu nguyện suông, chỉ mong người khác chống đối chế độ Cộng sản giùm mình thì chắc sẽ còn phải chịu mãi cảnh lầm than dưới tay những kẻ độc ác, những kẻ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được điều mình muốn.

Mọi người, nhất là các bạn trẻ phải học tập những kỹ năng để thực hiện thành công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, phải can đảm dấn thân, hợp tác với các nhà đấu tranh, sẵn sàng tham gia cùng với tất cả người Việt yêu chuộng hòa bình, dân chủ trên thế giới để nói lên sự thật về tội ác của Hồ Chí Minh và phơi bày bản chất bán nước của đảng Cộng sản Việt Nam. Vận động toàn dân lên án sự tàn ác của chế độ độc tài, sự tham nhũng thối nát, sự cửa quyền của giai cấp cai trị từ làng, xã, huyện cho đến tỉnh thành, chống đối sự đàn áp, ức hiếp, bóc lột dân nghèo, thì mới mong sớm thoát cảnh bị áp bức, thoát sự cai trị của bạo quyền Cộng sản.

Ở ác gặp dữ, các đảng viên Cộng sản Việt Nam hãy sớm thức tỉnh đừng để bản thân và gia đình có một kết cuộc như Gaddafi và chế độ độc tài của ông ta. Còn những kẻ giàu có do gian tham, hành xử bất công tàn ác, hãy quay lại vì khi thời thế thay đổi, người dân sẽ trừng phạt công minh. Đừng quên rằng tội ác chỉ giấu người đời trong thời gian chứ không giấu lâu được, “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát”, hãy sống sao để không bị người dân căm giận, phẫn nộ khi trừng phạt các đảng viên Cộng sản, cán bộ chính quyền, công an và cả các thân nhân đã ỷ quyền cậy thế hà hiếp dân lành, cướp của dân để làm giàu.

Ở hiền gặp lành, không có nghĩa là sống hiền lành ngoảnh mặt làm ngơ trước cái xấu, cái ác, sống nhẫn nhục chịu đựng, sống hèn, mặc kệ công an đánh chết dân, mặc kệ quan chức tham nhũng, không cần biết đảng Cộng sản bán nước, không quan tâm đến dân tộc Việt Nam thua xa các nước Đông Nam Á... Mà phải sống hướng tới sự tích cực, chống lại cái xấu, dám thể hiện quyền làm chủ bản thân, làm chủ đất nước để tiến đến một xã hội tự do, dân chủ đích thực, đem lại sự công bằng xã hội và hạnh phúc ấm no cho người dân.

8/8/2015

Dự án nghìn tỷ và những con đường “xấu nhất hành tinh” ở Sơn La

Chu Lương (Dân Sinh) - Hàng nghìn hộ dân nghèo, thiếu đói quanh năm, những con đường nhiều năm trời xuống cấp nghiêm trọng, những con sông, suối không có cầu, bệnh viện, trương học còn thiếu, không được đầu tư... Trong khi đó, chính quyền địa phương lại sẵn sàng quyết định xây dựng dự án ngìn tỷ đồng, khiến dư luận xôn xao. Không biết người dân ở vùng nghèo khó xa xôi của Sơn La có cơ hội được chiêm ngưỡng công trình nghìn tỷ (nếu được xây dựng) trên chính quê hương mình!?

Nhiều năm nay, người dân xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, phải sống trong cảnh dở khóc, dở cười, vì con đường huyết mạch có chiều dài hơn 5km vào xã bị băm nát bởi những chiếc xe tải chở nông sản, khiến cho giao thông hầu như không thể đi lại bất kể trời mưa hay nắng. 

Ngao ngán con đường vào bản 

Nói về con đường vào bản Áng, xã Đông Sang, người dân thị trấn Mộc Châu không còn lạ lẫm gì. Một phần là bản Áng có trung tâm dạy nghề huyện, có trung tâm cai nghiện, và đặc biệt là bởi vì nó quá xấu, xấu kinh khủng đến nối khi nhắc đến là người dân ai ai cũng biết và lắc đầu ngao ngán. 

Đây được gọi là đường? 

Nằm liền kề với Trung tâm thị trấn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, phần lớn người dân xã Đông Sang là đồng bào dân tộc thiều số như Thái, Mông, Khơ Mú... từ đường chính ngoài thị trấn vào Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội, khoảng 5km, nối liền từ bản Ấng 1, Áng 2 vào các bản Co Sung, Chấm Cháy, Cóc Thái. Toàn bộ là con đường đất trải dài theo sườn núi và những cánh đồng ngô bát ngát. Tuy nhiên theo chúng tôi thì đây không phải là con đường. 

"Không đi được đâu, đường xấu lắm, xe máy không đi được, vào đó chỉ có cách là đi bộ thôi" – anh xe ôm từ chối chở khi tôi thuê chở vào bản Áng. Cũng may đúng lúc đó xe Giám đốc trung tâm cai nghiện vừa ra đến nơi đón tôi vào. 

Không biết nên gọi đây là đường hay đầm lầy?. 

Ngay từ đầu con đường, đập vào mắt tôi là những “mê hồn trận ổ voi” chi chít. Đoạn này sao mà khó đi đến vậy? - tôi hỏi. Anh Mùi Văn Quỳnh, cán bộ trung tâm cai nghiện liền bảo, đây không phải là đoạn xấu nhất, đoạn này xe máy còn đi được có nghĩa là dễ đi nhất đấy anh ạ!. Và quả thật không sai chút nào, khi con đường dài tăm tắp mà nhìn như là con mương, ở giữa là bùn đất nhô lên, hai bên là những con rãnh mà nói cho đúng nghĩa là hai mương nước được “tôn tạo" bởi những chiếc xe tải cày nát. 

Đi chưa đầy vài trăm mét, cả hai chúng tôi đã phải xuống lội bộ giữa trời nắng. Phải khó khăn lắm mới kéo xe qua được những con rãnh sâu cả mét. Vì đường xấu nên mới mua chưa đầy 1 năm, chiếc xe máy mới cứng của Quỳnh đã phải sửa hết gần 2 triệu. 


Nhiều năm nay không chỉ cán bộ trung tâm, học viên, mà hàng nghìn người dân trong vùng phải sống trong cảnh không có đường đi. Trừ khi có việc cần, còn không thì bất kể trời năng hay mưa thì người dân ở đây hầu như không ra khỏi bản vì không đi được. Cũng bởi vậy mà trên con đường chúng tôi đi không một bóng người qua lại cũng không lấy gì làm khó hiểu. 

Đi được chừng gần cây số, thay vì cưỡi trên chú ngựa sắt, chúng tôi bắt đầu phải gồng sức khênh xe qua những “con mương” đầy bùn đất. Cảm giác lúc này của tôi thật ngao ngán và mệt rã rời. 

Đường tránh vào nương ngô của người dân cũng không khá hơn là mấy 

Phần lớn người dân trong bản đều làm nương, rẫy, chủ yếu là ngô, đậu quanh năm. Dọc con đường này có hàng trăm héc ta ngô, vậy nên mỗi khi vào vụ thu hoạch là những chiếc xe tải ngày ngày cày xéo, khiến con đường bị băm nát. Có nhiều đoạn không thể đi được khiến chúng tôi phải đi vào nương ngô của người dân để vòng ra, cũng không hề dễ đi hơn con đường kia là mấy. 

Ông Lường Văn Thanh, trú tại bản Áng 1 cho biết, con đường này như vậy đã lâu lắm rồi, ngày nào xe tải cũng chạy. Dân bản cũng biết nhưng không thể cấm được vì nếu xe không vào thì ngô cũng không bán được. Thu hoạch ngô đã khó, khiều hộ phải thu hoạch ngô từ trên đỉnh núi, xong còn phải dùng ròng rọc kéo xuống, thì việc đưa ngô ra khỏi bản còn vất vả hơn nhiều. Nếu không phải là xe tải thì xe hơi không thể đi vào được. Mặc cho đường xuống cấp từ nhiều năm qua, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa được đầu tư, cải tạo. Trời nắng đi đã khó, còn trời mưa bất kể to hay nhỏ nếu muốn vào bản chỉ còn hai cách là đi bộ hoặc đi bằng ngựa. 

Cũng vì đường xấu mà những ruộng nương hai bên con đường này cũng bị chịu chung số phận, vì người dân đi tắt qua vườn. Không ít hộ dân phải bỏ hoang một diện tích khá rộng để mở đường cho xe đi, mỗi lần qua thu phí 5000 đồng. 

Vì thời tiết vào mùa mưa nên ông Nguyễn Văn Thắng, trú tại bản Áng 1 đành phải mở đường qua nương ngô của gia đình cho người dân đi lại. ông Thắng cho hay, bất đắc dĩ lắm mới phải phá hoa màu để mở đường. Người dân hầu như rất ít qua con đường này, nên thu phí cũng chẳng thấm tháp gì so với thiệt hại hoa màu. 

Bất đắc dĩ người dân phải phá hoa màu mở đường cho xe qua vườn 

Có ai nghĩ rằng một xã nằm liền kề với trung tâm thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, lại có con đường xấu kinh khủng đến vậy. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thì giao thông luôn là tiêu chí hàng đầu quan trọng nhất, vậy mà không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới được đi trên những con đường đúng nghĩa của nó?. 

Bài viết này tôi thực hiện vào năm ngoái (2014), và cho đến nay, cho dù người dân có kêu than thì nó vẫn chưa có gì thay đổi, thậm chí là xuống cấp thậm tệ hơn. 

Quay lại câu chuyện tượng đài nghìn tỷ, như đã thông tin, nhiều ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin tỉnh Sơn La đã lập và thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường có tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng. 

Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc được đặt tại quảng trường Tây Bắc nằm ở phường Chiềng Cơi, phường Tô Hiệu, phường Quyết Thắng - TP. Sơn La. Tượng đài sẽ có quy mô diện tích khoảng 10 - 15ha, thuộc quy hoạch lô số 01, 02 khu đô thị mới gắn với dự án thoát lũ suối Nậm La, TP. Sơn La. Công trình bao gồm các hạng mục như đền thờ Bác Hồ; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; bảo tàng tổng hợp; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20.000 người... 

Sự việc đã thu hút được sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng tượng đài với nguồn kinh phí khổng lồ như vậy là quá lãng phí, trong khi Sơn La chỉ vẫn là một trong những địa phương nghèo nhất nước, và nguồn thu ngân sách cho dù có sự hỗ trợ từ nhiều nguồn của Trung ương thì cũng chỉ bù đắp được phần nào đó trong việc chi tiêu ngân sách cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này. 

Được biết trong tháng 4/2015 Sở KHĐT Sơn La đã trình HĐND, UBND tỉnh Sơn La phân bổ cho 5 huyện nghèo gần 188 tỷ đồng, trong đó tập trung ưu tiên thanh toán nợ cho các công trình đã hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2015. 

Như vậy, với một phép tính rất đơn giản có thể thấy rằng, với hàng nghìn hộ dân đang thiếu đói quanh năm ở 5 huyện nghèo này so với khoản kinh phí khổng lồ cho công trình cụm tượng đài thật sự gây sốc không những đối với nhiều người dân Sơn La, mà đối với người dân cả nước. 

Không chỉ là con số bé tẹo 188 tỷ đồng phân bổ cho 5 huyện nghèo. Được biết, sau 5 năm thực hiện chương trình 30a, trung ương đã hỗ trợ Sơn La hơn 1.400 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại 5 huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Sốp Cộp. Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh còn lồng ghép từ các nguồn vốn chương trình 134, 135, 167 và ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng cho các huyện này. Như vậy thì số ngân sách trong 5 năm mà Trung ương đầu tư cho 5 huyện nghèo của Sơn La cũng chỉ đủ để tỉnh này xây dựng tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường. 

Nếu so sánh số kinh phí trên với hộ nghèo ở Sơn La cũng là quá khập khiễng, vì không những “không đảm bảo được đời sống cho nhân dân”, mà trong nhiều năm, Chính phủ còn phải hỗ trợ gạo cứu đói cho địa phương này, mà gần đây nhất là năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.158 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2014. 



Những tượng đài - bia miệng ngàn năm

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Mỗi lần nhìn những tượng đài các lãnh tụ cộng sản tôi thường mỉm cười vì chợt nhớ đến một chuyện cười ở Liên Xô tôi đã đọc đâu đó. Chuyện như sau.

Một người Nga xuống địa ngục và thấy Stalin đứng trong hố phân cao ngập tới cổ. Nhìn quanh không thấy Lenin đâu cả, ông ta hỏi quỷ sứ:

“Lenin đâu?”

Qủy sứ đáp: "Stalin đang đứng trên vai Lenin."

Nhà văn Anh George Orwell gọi những chuyện cười chính trị như trên là “những cuộc cách mạng rất nhỏ” thể hiện cuộc phản kháng thầm lặng của cá nhân chống lại chế độ toàn trị. Nhiều người Nga chịu cảnh tù đầy vì họ đã dám nghĩ ra và kể lại những chuyện cười chính trị đả kích mạnh mẽ chế độ vô nhân tính ấy. Dưới thời Stalin nhiều người bị ở tù đến mười năm chỉ vì tội kể chuyện cười.

Nhưng làn sóng thầm lặng của những cuộc cách mạng rất nhỏ vẫn diễn ra không ngừng trong lòng xã hội vì người dân hầu như không có cách phản kháng nào khác. Khi chế độ càng suy sụp thì tiếng cười phản kháng càng vang to hơn và lan truyền nhanh hơn. Một chuyện cười sau thể hiện sự bất mãn và khinh bỉ tột cùng của người dân Nga đối với cộng sản.

Hỏi: “Ivan này, nghe nói cậu mới gia nhập Đảng hả?”

Ivan tái mặt cúi xuống nhìn kỹ gót giày rồi đáp:

“Sao? Bộ giày tớ dính cứt à?”

Những cuộc cách mạng cá nhân rất nhỏ ngày nào đấy sẽ tập hợp và tạo thành cuộc cách mạng lớn để xây dựng nên chế độ dân chủ và tự do mới. Đến lúc đấy bao nhiêu tượng đài lãnh tụ trăm hay ngàn tỷ sẽ tan thành tro bụi trong niềm vui mừng vỡ òa của nhân dân, nhưng những mẩu chuyện cười-những bia miệng ngàn năm vẫn còn lưu truyền để hậu thế không bao giờ quên bóng đêm cộng sản khủng khiếp đã liệm kín số phận dân tộc và cá nhân trong suốt hàng chục năm trời như thế nào.

Nhưng hôm nay đọc tin về tượng đài Hồ Chí Minh có thể cao đến 8 mét tôi bật cười vì nghĩ như vậy tượng đài sống của y ở địa ngục chắc phải cao gấp hai lần tượng đài sống đứng chồng lên nhau của Stalin và Lenin.  Như vậy hố phân nào ở âm phủ cao cho vừa lãnh tụ?

8/8/2015

Có chi tiết 'không bình thường' vụ Việt kiều về Việt Nam bị bắt

WESTMINSTER, California (NV) – Vụ ông Bùi Văn Tánh, Việt kiều ở Mỹ, bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt và truy tố tội “cướp ghe, vượt biển ra nước ngoài” từ 25 năm trước, cho thấy có thêm một chi tiết "không bình thường."

Theo báo Pháp Luật, ông Tánh bị truy nã vì tội “Cướp tài sản” và tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép.”

Tuy nhiên, tên của ông lại không có trong danh sách những người bị truy nã đăng trên trang mạng của Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, thuộc Tổng Cục Cảnh Sát, Bộ Công An.

Trang mạng này có tên truyna.canhsat.vn, là "Trang thông tin điện tử của lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm.”

 

Tên "Bùi Tánh" không được tìm thấy trong “Trang thông tin điện tử của lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm” của Bộ Công An Việt Nam (Hình chụp từ website truyna.canhsat.vn.

Trang mạng này đăng lời Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, giới thiệu như sau: “Với trang web này, lần đầu tiên toàn bộ đối tượng truy nã đang lẩn trốn sẽ bị 'lộ diện' một cách đầy đủ, chính xác… Người dân, cơ quan thực thi pháp luật trong nước và ngoài nước có thể truy cập, tra cứu, tìm kiếm thông tin mọi nơi, mọi lúc và nhanh nhất về các đối tượng bị truy nã.”

Tuy nhiên, tên “Bùi Tánh” hay “Bùi Văn Tánh” đều không được tìm thấy trên trang Thông tin này ở tất cả các mục “Đối tượng truy nã”, “Đối tượng đặc biệt”, và cả “Truy nã quốc tế”.

Điều đáng nói là trang web này cập nhật đối tượng có quyết định truy nã từ năm 1977 đến nay.
Tuy nhiên, khi dùng Google để tìm, kết quả cho thấy có người tên “Bùi Tánh, sinh năm 1956, có hộ khẩu thường trú tại Nha Trang, tội danh “Hình sự”, loại truy nã “Nguy hiểm”, quyết định truy nã số 121 ngày 24 Tháng 7, 1990 và nằm trong mục “Truy nã quốc tế,” nhưng lại có dòng chữ màu đỏ ghi “Đối tượng không hiển thị”.


Kết quả dùng Google kiếm tên "Bùi Tánh" (Hình chụp từ websitetruyna.canhsat.vn)

Trong khi đó, hộ chiếu của người bị bắt này ghi tên là “Tanh V Bui, sinh năm 1954.”

Không chỉ vậy, trong khi tất cả những người có tên trong danh sách truy nã này đều có rất nhiều cho tiết đính kèm đặc biệt là những người có tội tương tự cũng được liệt kê, thì đối với trang có xuất hiện tên “Bùi Tánh” lại trống trơn lạ lùng.

Thêm vào đó, bản copy “Quyết định truy nã” được cho là truy nã đối với ông Tánh với chữ ký của Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa Hoàng Minh Trí, thì chỉ duy nhất ghi tên “Bùi Tánh”, không có năm sinh, không có nhận dạng bất cứ đặc điểm riêng nào.

Vào lúc 6 giờ 30 (giờ California) ngày Thứ Năm, 6 Tháng Tám, khi nhật báo Người Việt hỏi về tình trạng của ông Tánh hiện nay, qua điện thoại, một nữ nhân viên không cho biết tên, thuộc phòng Phục vụ Công dân Mỹ (US Citizen Services) tại Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, cho biết văn phòng bà “rất quen thuộc với” trường hợp của ông.

“Theo luật của Việt Nam, khi có vấn đề, thì passport của người ngoại quốc sẽ bị giữ, nhưng ông Tánh không có gì phải lo về việc passport bị giữ cả. Khi mọi việc giải quyết xong, chỉ vài ngày nữa, thì passport của ông sẽ được hoàn trả.”

Khi được hỏi là “văn phòng Phục vụ Công dân Mỹ đã làm gì để giúp một công dân Mỹ đang gặp khó khăn,” người nhân viên này cho biết “đã nói chuyện với cả ông Tánh và chính quyền địa phương, nơi đang giữ passport của ông.”

Bà này cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi lúc nào cũng làm tất cả có thể được để giúp đỡ công dân Mỹ, nhưng ngay lúc này không thể xen vào cách giải quyết của chính quyền địa phương. Tuy nhiên hoàn toàn không có gì phải lo về việc bị giữ passport cả.”

Hôm Thứ Tư, bà Phượng Đặng, vợ ông Tánh, cho nhật báo Người Việt biết: "Hiện giờ anh Tánh được về nhà rồi, nhưng công an không cho ra khỏi vùng Nha Trang, và họ giữ passport, không trả lại.”
08-06-2015 7:41:40 PM
Quốc Dũng & Ngọc Lan/Người Việt

Quảng Trị: Chợ tiền tỷ xây ngổn ngang rồi ‘đắp chiếu’

QUẢNG TRỊ (NV) - Nhiều tháng sau khi xảy ra vụ sập trần, công trình chợ Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh vẫn “án binh bất động,” trong khi hàng trăm tiểu thương buôn bán trong chợ dựng tạm, lụp xụp.


Sau gần 5 tháng kể từ ngày xảy ra sự cố, chợ Nam Đông vẫn chưa được thi công trở lại. (Hình: Dân Trí)

Theo báo Dân Trí ngày 7 Tháng Tám, 2015, sau gần 5 tháng kể từ khi xảy ra vụ sập trần trong lúc đang xây, khu chợ Nam Đồng vẫn hết sức ngổn ngang, với nhiều trụ bê tông nằm phơi giữa nắng, mưa, những lõi sắt bị gãy cong chưa được giải quyết. Tại công trình hoàn toàn vắng bóng công nhân cũng như máy móc, thiết bị để phục vụ thi công.

Bà Nguyễn Thị Bốn (56 tuổi), một người dân sống gần chợ bất bình, trước đây nghe nói chợ được đầu tư xây dựng gần 10 tỷ đồng, người dân địa phương ai cũng thấy mừng. Bởi khi chợ hoàn thành sẽ phục vụ việc buôn bán, thúc đẩy giao thương ở các khu vực phía Tây của huyện. Tuy nhiên, từ lúc khởi công đến nay, công trình đã bị gián đoạn rất nhiều lần. Đầu Tháng Hai, 2015 vừa qua, chợ vừa được khởi động làm lại thì bị sập trần. Không biết đến bao giờ chợ Nam Đông mới được làm xong?

Tin cho biết, chợ Nam Đông do huyện Gio Linh làm chủ đầu tư, với số vốn ban đầu gần 10 tỷ đồng. Năm 2011, công trình đã bị cắt giảm một số hạng mục từ 2 tầng xuống còn 1 tầng, vì vậy số vốn cũng được rút xuống còn khoảng 9 tỷ đồng.

Sau nhiều lần bị ngưng lại do thiếu vốn, Tháng Chín, 2014, đơn vị thi công là công ty xây dựng số 5, ở huyện Cam Lộ, tiếp tục làm lại chợ này. Song, đến đầu Tháng Hai, 2015 khi đang xây phần mái thì trần bê tông bị sập.

Trước sự việc nghiêm trọng trên, huyện Gio Linh đã cho tạm dừng việc thi công để phục vụ công tác điều tra, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục. Kể từ đó đến nay, công trình vẫn chưa được thi công trở lại, trong khi trách nhiệm của các bên liên quan đế dự án cũng chưa được làm rõ.

Người dân địa phương tức giận cho rằng, việc thi công dang dở rồi để công trình rơi vào tình trạng “đắp chiếu” như hiện nay đã gây nên sự lãng phí lớn. Trong khi đó, hàng trăm tiểu thương phải kinh doanh, buôn bán trong khu chợ dựng tạm bợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. (Tr.N)
08-07-2015 1:45:24 PM

Ngoại trưởng Mỹ: Giải quyết xung đột Biển Đông không dựa trên sức mạnh quân đội

Dân trí Bình luận về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhấn mạnh trong một bài phát biểu tại Hà Nội sáng 7/8 rằng luật pháp quốc tế nói rõ giải quyết xung đột phải dựa vào việc ai có lập luận tốt hơn chứ không phải ai có quân đội tốt hơn.


Ngoại trưởng Hoa Kỳ phát biểu tại Hà Nội sáng ngày 7/8 (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sáng nay đã có bài phát biểu đáng chú ý về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại Hội thảo “Thúc đẩy thịnh vượng: Hợp tác phát triển Việt Nam-Hoa Kỳ”, do Đại sứ quán Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức.
Trong bài phát biểu mang tên “Hoa Kỳ - Việt Nam: Hướng tới tương lai”, ông Kerry cho hay hai nước chia sẻ quan tâm về tự do lưu thông và giải quyết hòa bình xung đột ở Biển Đông. Ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ không đứng về bên nào nhưng ủng hộ quy trình giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
“Luật pháp quốc tế coi tất cả các nước bình đẳng, không thừa nhận những ảnh hưởng hoặc quyền của nước lớn để áp đặt quan điểm của nước đó lên các nước nhỏ hơn. Luật pháp quốc tế cũng nói rõ, giải quyết xung đột phải dựa vào việc ai có lập luận tốt hơn chứ không phải ai có quân đội tốt hơn”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình (Ảnh: AFP)
Ông Kerry cho hay đó là một triết lý cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong khu vực nhiều năm qua.
“Hoa Kỳ cho rằng dù lớn hay nhỏ, tất cả các nước cần cố gắng không có những hành động mang tính khiêu khích, gây căng thẳng, dẫn đến quân sự hóa trên biển”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói.
Những bình luận trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Kerry tham dự các hội nghị cấp cao của khối ASEAN tại Malaysia, nơi các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ở thành chủ đề được quan tâm rộng rãi.
Phát biểu tại Kuala Lumpur ngày 6/8, ông Kerry tuyên bố Hoa Kỳ không chấp nhận bất kỳ hạn chế đi lại nào ở Biển Đông.
“Tôi phải nói rõ: Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các hạn chế về tự do hàng hải và tự do bay, hoặc các sử dụng hợp pháp khác đối với vùng biển này. Đây là các lợi ích cơ bản mà chúng ta đều hưởng chung”,AFP dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Kerry ngồi cạnh Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius khi tham dự hội thảo sáng nay (Ảnh: AFP)
Cũng trong một cuộc gặp khác với những người đồng cấp ASEAN ngày 5/8, Ngoại trưởng Kerry nói rằng Washington muốn sự ổn định tại Biển Đông.
“Chúng tôi muốn đảm bảo an ninh của các tuyến đường biển quan trọng và các ngư trường, và muốn thấy các tranh chấp trong khu vực được xử lý hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế”, ông Kerry nhấn mạnh.
Ông Kerry hiện đang có chuyến thăm Việt Nam từ 6-8/8 theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Đây là lần thứ 2 ông Kerry thăm Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ, sau chuyến năm vào năm 2013.
Ông Kerry bắt tay các vị khách tham dự hội thảo (Ảnh: AFP)
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và Việt Nam đang kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ (1995-2015). Chuyến công du này cũng diễn ra sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm tới Hoa Kỳ hồi đầu tháng 7, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Kerry đến chào xã giao Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Thứ Sáu, 07/08/2015 - 13:36 
An Bình

Bỏ mặc xác tàu cao tốc hỏng trôi nổi trên sông Sài Gòn

N.ẨN | 07/08/2015 20:23

Bỏ mặc xác tàu cao tốc hỏng trôi nổi trên sông Sài Gòn
Xác tàu bị chìm dật dờ trên sông Sài Gòn ở khu vực Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Chế Thân


Chiếc tàu cao tốc cánh ngầm Greenlines hoạt động tuyến TP.HCM - Vũng Tàu bị chìm cách đây hơn hai năm vẫn dật dờ trên sông Sài Gòn ở khu vực Tân Cảng (Q.Bình Thạnh).
 
Một cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực TP.HCM cho biết do tàu bị hư hỏng nặng nên doanh nghiệp đã bỏ xác chiếc tàu trên mà không chịu trục vớt, trở thành chướng ngại vật trên sông Sài Gòn.

Trong khi đó, lãnh đạo Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM cho biết đoạn sông Sài Gòn có xác tàu cao tốc chìm thuộc Cảng vụ hàng hải TP.HCM quản lý.
Mới đây Bộ Giao thông vận tải có thông tư cho biết từ ngày 2-5-2015 đoạn sông này được giao về địa phương quản lý.

Do Bộ Giao thông vận tải chưa bàn giao về Sở Giao thông vận tải TP.HCM nên việc xử lý xác tàu bị chìm thuộc Cảng vụ hàng hải TP.HCM.

Trả lời về việc xử lý xác tàu cao tốc bỏ hoang trên sông Sài Gòn, lãnh đạo Cảng vụ hàng hải TP.HCM cho biết doanh nghiệp quản lý chiếc tàu Greenlines đã ngưng hoạt động từ khi xảy ra vụ chìm tàu từ tháng 1-2015, vì vậy, cảng vụ sẽ tìm đơn vị quản lý chiếc tàu và đề xuất cấp thẩm quyền hướng xử lý trục vớt chiếc tàu bị chìm trên.

Xác tàu bị chìm dật dờ trên sông Sài Gòn ở khu vực Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Chế Thân

Xác tàu bị chìm dật dờ trên sông Sài Gòn ở khu vực Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Chế Thân
Xác tàu bị chìm dật dờ trên sông Sài Gòn ở khu vực Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: Chế Thân

Theo Tuổi trẻ

Phố Sài Gòn náo loạn vì căn nhà 3 tầng bốc cháy

(Kiến Thức) - Đám cháy bất ngờ bùng phát tại căn nhà 3 tầng nằm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11 (TP HCM) khiến nhiều người trong khu phố bỏ chạy tán loạn.

Vụ căn nhà 3 tầng bốc cháy nói trên xảy ra vào khoảng 9h30 ngày 7/8 tại đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11, TP HCM.

Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, nhiều người trong khu phố phát hiện có khói bốc lên nghi ngút từ tầng 1 của căn nhà số 227/4 nên vội hô hoán, tiếp cận để dập lửa. Tuy nhiên, do căn nhà bị khóa trái cửa nên lực lượng chữa cháy tại chỗ phải dùng búa để phá cửa, tạt nước vào bên trong.

Pho Sai Gon nao loan vi can nha 3 tang boc chay
 Nhiều tài sản bên trong căn nhà bị thiêu rụi.

Nhận tin báo, cảnh sát PCCC quận 11 điều động 2 xe cứu hỏa cùng nhiều cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Chỉ ít phút sau, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

Tại hiện trường, nhiều tài sản bên trong căn nhà như xe máy, tủ lạnh, quạt điện… bị thiêu rụi hoàn toàn.

Đến 11h trưa cùng ngày, cơ quan chức năng vẫn khám nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ cháy.
12:46 07/08/2015 
Thiên Dũng

Thảm sát kinh hoàng ở Quảng Trị, cha chồng, con dâu chết trong biệt thự

(TNO) Chị Tý, chủ biệt thự và ông Sắt (bố chồng chị Tý) tử vong, nằm sóng soài giữa nền nhà, trên người của hai nạn nhân chi chít những vết đâm.

Hai cha con chết với nhiều vết đâm trong ngôi biệt thự 1
Ngôi biệt thự, nơi phát hiện chị Tý và bố chồng chết với nhiều vết thương trên người

Vào khoảng 15 giờ ngày 7.8, tại địa bàn khối 4 (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) xảy ra vụ án mạng kinh hoàng làm hai cha con tử vong với thương tích đầy mình.

Theo đó, vào thời điểm trên, người dân nghe tiếng hô hoán phát ra từ ngôi biệt thự của vợ chồng chị Hồ Thị Tý (khoảng 35 tuổi) liền chạy đến.

Khi mọi người mở cửa xông vào thì thấy cảnh tượng kinh hoàng. Chị Tý và ông Nguyễn Văn Sắt (trên 80 tuổi, bố chồng chị Tý) đã tử vong nằm sóng soài giữa nền nhà; trên người của hai nạn nhân chi chít những vết đâm. Tại hiện trường nhiều vết máu kéo dài từ phòng ngủ ra đến phòng khách, tường nhà.

Theo những người hàng xóm, gia đình chị Tý chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng và là một trong những doanh nghiệp lớn của thị trấn Khe Sanh. Chị Hồ Thị Tý sống hòa đồng, chan hòa với mọi người xung quanh. Doanh nghiệp của gia đình thu hút trên 10 người tham gia lao động tại chỗ.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng Công an huyện Hướng Hóa và Công an tỉnh Quảng Trị đã điều động hàng chục cán bộ chiến sĩ đến bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ tại hiện trường và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan.

Cũng theo những người hàng xóm, gần thời điểm xảy ra tiếng kêu thất thanh, họ thấy có một thanh niên lạ mặt khoảng 20 tuổi đi vào biệt thự của chị Tý rồi trở ra với nhiều nghi vấn nhưng thông tin này vẫn chưa được phía công an xác nhận.

Hai cha con chết với nhiều vết đâm trong ngôi biệt thự 2
Thân nhân của chị Tý và ông Sắc gào khóc đau đớn.

Hai cha con chết với nhiều vết đâm trong ngôi biệt thự 3Khu vực xảy ra án mạng tập trung đông người dân
07/08/2015 18:00
Tin, ảnh: Nguyễn Phúc - Công Sang

'Nhân quyền sẽ thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt'

Theo BBC-7 giờ trước
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong cuộc gặp với các sinh viên và doanh nhân Việt Nam ở Trung tâm Hoa Kỳ, Hà Nội
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói quan hệ Mỹ-Việt sẽ phát triển "sâu sắc và bền vững hơn" nếu vấn đề nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện.
Ông John Kerry phát biểu tại hội thảo "Thúc đẩy Thịnh vượng: 20 năm Hợp tác phát triển Việt Nam – Hoa Kỳ" hôm 7/8 tại Hà Nội.
"Chúng ta đã chứng minh được rằng các cựu thù vẫn có thể trở thành đối tác thực sự", ông được dẫn lời nói.
Tuy nhiên, "những tiến triển về nhân quyền cũng như pháp quyền sẽ giúp xây dựng nền tảng cho một mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc và bền vững hơn", ông nói thêm.
"Chỉ [Việt Nam] mới có thể quyết định tiến độ và phương hướng của quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác này. Nhưng chắc quý vị cũng thấy những đối tác gần gũi nhất với Hoa Kỳ trên thế giới đều chia sẻ với chúng tôi một số giá trị nhất định", ông nói.
Ông Kerry cho rằng việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp là điều cần thiết để đảm bảo cho ổn định.
"Hàng triệu người Việt Nam đã bắt đầu biểu đạt tự do trên Facebook", ông nói thêm.

Biển Đông

Trong phần phát biểu về tình hình trên Biển Đông, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói "hai chính phủ cùng có chung lợi ích về tự do hàng hải, giải pháp hòa bình đối với những tranh chấp tại Biển Đông."
Ông cũng lặp lại lập trường của Hoa Kỳ rằng nước này "không coi trọng tuyên bố chủ quyền của nước này hơn nước kia".
"Chúng tôi thực sự ủng hộ tiến trình mà qua đó những tranh chấp có thể được giải quyết một cách hòa bình và tuân theo luật quốc tế".
"Luật quốc tế coi tất cả các nước đều như nhau. Nó không phân biệt tầm ảnh hưởng hay quyền của các nước lớn hơn muốn áp đặt quyết tâm của họ lên các nước láng giềng nhỏ hơn chỉ đơn giản vì các nước lớn này có thể làm điều đó. Nó nói với chúng ta rằng giải pháp cho các cuộc tranh chấp cần phụ thuộc vào quốc gia có lập luận vững chắc hơn, quốc gia mà luật pháp đứng về phía họ chứ không phải quốc gia có quân đội lớn hơn."
"Tại đây, tại Việt Nam, hiến pháp mới của các bạn nói về dân chủ và những hứa hẹn bảo vệ nhân quyền. Và trong cuộc trò chuyện của tôi hôm nay với Chủ tịch Sang, ông đã nói rất rõ về tầm quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc tôn trọng các quyền của người dân."
"Họ tôn trọng và muốn làm điều đó."
"Chính phủ của các bạn cam kết sẽ làm cho luật pháp phù hợp với hiến pháp mới và các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Những cuộc khảo sát độc lập đều cho thấy là người dân Việt nam rất ngưỡng mộ các định chế và giá trị dân chủ, một dấu hiệu chắc chắn cùng chia sẻ với công dân Mỹ."
"Vì thế thậm chí trong khi chúng tôi tôn trọng sự khác biệt về hệ thống chính trị, chúng tôi cũng có cơ sở để thảo luận về việc thực thi bảo vệ hiến pháp, về tù nhân chính trị, vai trò của nhà báo, cải tổ pháp lý cũng như ý nghĩa của việc tuân thủ và thực thi những đòi hỏi mà chúng ta cảm kết trên nguyên tắc."

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Chiều ngày 7/8, ông Kerry đã có buổi gặp gỡ với giới doanh nhân, đầu tư và sinh viên ở Việt Nam tại Trung tâm Hoa Kỳ, Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc gặp, do Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius dẫn chương trình, ông Kerry thừa nhận còn "một số khó khăn" trong đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Ông cũng nói chính phủ Việt Nam đang "nỗ lực" giải quyết một số khó khăn còn tồn đọng, trong đó có vấn đề chuẩn mực lao động.
“20 năm qua, Việt Nam đã làm tốt việc phát triển đất nước. Sẽ còn nhiều thách thức trong 20 năm tới và Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn", ông nói.
Trả lời câu hỏi liên quan đến thất bại trong vòng đàm phán TPP tại Hawaii vừa qua, ông Kerry nói mọi diễn biến vẫn "đang trong tầm kiểm soát", dù vẫn có một số trở ngại chính.
Tuy nhiên, ông tin rằng mọi bất đồng sẽ được giải quyết vào cuối năm nay.

Có nhất thiết phải có một lãnh tụ?

Việc xây tượng đài để vinh danh lãnh tụ đã gặp phải nhiều chỉ trích tại Việt Nam trong thời gian qua
Có lẽ người Việt Nam hiện nay coi việc mỗi đất nước có một lãnh tụ là điều đương nhiên, nhưng điều đó có thật sự chính xác?
Nếu chú ý, việc sùng bái cá nhân lãnh tụ dường như chỉ tập trung ở một vài quốc gia mà sự phát triển đất nước không cao.
Những nước đi đầu về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật…, những nước luôn được các quốc gia nhỏ lấy làm tấm gương để phát triển, ở những nước này lại hầu như không thấy sự hâm mộ tập trung vào một cá nhân.
Đầu tiên là Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama rất được hâm mộ, nhưng chủ yếu vì ông là người da màu đầu tiên nắm chức vụ này chứ chẳng phải vì quá xuất sắc so với những người tiền nhiệm.
Mới đây vị Tổng thống Mỹ đã nhắc khéo giới lãnh đạo châu Phi (vốn nổi tiếng về tham quyền cố vị) rằng ông yêu thích công việc này và hoàn toàn có thể làm thêm nhưng hiến pháp Mỹ không cho phép.
Không chỉ là luật pháp, thực tế nước Mỹ đúng là không cần một vị Tổng thống nào cầm quyền lâu dù người ấy có xuất sắc thế nào đi nữa. Tổng thống Mỹ cũng chỉ là người có nhiều quyền quyết định nhất chứ không thể một mình làm nên tất cả.
Vẫn còn những cơ chế quyền lực khác như Quốc hội để đảm bảo nền dân chủ của nước Mỹ và đảm bảo rằng mọi quyết định của người đứng đầu đất nước hợp với đa số những người đại diện nhân dân.
Nước Mỹ đã trải qua bao đời Tổng thống, cũng có nhiều ông nổi tiếng, nhưng chẳng có ông nào được cho là lãnh tụ vĩ đại để đem ra ca ngợi mọi lúc mọi nơi cả.
Sau khi Franklin D. Roosevelt – một trong những Tổng thống vĩ đại nhất qua đời khi đang làm nhiệm kỳ thứ 4, Mỹ ra luật người đứng đầu Nhà Trắng chỉ được nắm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ.
Từ đó cứ đều đều ông 1 nhiệm kỳ, ông 2 nhiệm kỳ. Có ông xuất sắc, có ông kém hơn một chút. Nhưng nước Mỹ có thay đổi gì không? Chẳng có gì cả, vẫn dẫn đầu thế giới.
Quay sang Nhật. Nếu chỉ nhìn vào mật độ thay Thủ tướng thì nước này có thể bị đánh giá là bất ổn nhất thế giới.
Ông Kim Jong-un là lãnh đạo tối cao của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Trước khi Junichiro Koizumi lên nắm quyền, Nhật Bản có 10 Thủ tướng trong 12 năm. Sau khi ông rời nhiệm sở, đất nước mặt trời mọc cũng có 6 người đứng đầu đất nước trong 6 năm. Đến nay mới có một người có thể tái đắc cử là đương kim Thủ tướng Shinzo Abe.
“Bất ổn chính trị” như thế nhưng Nhật vẫn là nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ngay cả thời kỳ phát triển thần kỳ trước đây, người ta cũng không tìm ra một vị lãnh tụ có công lao to lớn nhất đối với đất nước Nhật để tôn làm thần thánh. Thành quả của nước Nhật là của một tập thể nhiều người xuất sắc.
Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada… cũng vậy, sự phát triển của họ cũng không gắn liền với một tên tuổi cụ thể nào.
Singapore là một trường hợp hiếm hoi khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được coi là người khai quốc công thần. Nhưng ở đây người ta cũng không dựng tượng tràn lan để “đời đời nhớ ơn” dù công lao của Lý Quang Diệu là không phải bàn cãi.

Các nước “chưa phát triển”

Các lãnh tụ vĩ đại đặc biệt phổ biến ở những nước kém phát triển hơn. Có thể kể ngay ra đây: Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Ở Triều Tiên là cha con Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, Cuba là Fidel Castro, Việt Nam là Hồ Chí Minh, Lào có Kaysone Phomvihane, Campuchia có Norodom Sihanouk, Trung Quốc có Mao Trạch Đông.
Đây phần lớn đều là những nước Xã hội Chủ nghĩa và đều nghèo cả. Trung Quốc có thể có tổng sản phẩm quốc nội lớn, nhưng bình quân đầu người còn thấp, phát triển nhanh nhưng không bền vững.
Có thể ai đó sẽ nói rằng, vì kém phát triển nên cần phải có những con người vĩ đại để làm chỗ dựa tinh thần và soi đường chỉ lối. Nghe thì cũng có lý nhưng thực tế những nước này đã trải qua gần nửa thế kỷ hòa bình mà không phát triển được nhiều.

Vì sao?


 
Tượng Lenin bị kéo đổ tại Ukraine và nhiều nước từng thuộc Liên Xô cũ.
Thứ nhất: Các nước phát triển đều là những nơi tự do thông tin, nên bất kể nhân vật nào cũng được đánh giá theo nhiều chiều. Mà trên đời không ai hoàn hảo, nên một phần cũng vì lý do này mà các nước lớn ít sùng bái chính trị gia – một nghề luôn cần nhiều thủ đoạn.
Ngược lại, vì bị che dấu thông tin nên các nước nhỏ luôn cảm thấy lãnh tụ của mình vĩ đại hơn lãnh đạo nước lớn, dù khả năng nước nhỏ sản sinh ra người tài hơn nước lớn là không nhiều.
Thứ hai: Ở các nước phát triển, các học thuyết, hệ tư tưởng luôn phải được đổi mới, bổ sung, phát triển cho phù hợp với thời đại. Nên các nước này không bám lấy một hình ảnh nào mãi.
Những cá nhân đó nếu quả thật có vĩ đại thì cũng mất rồi, sau khi họ qua đời mà cứ bám vào quá khứ liệu có sáng suốt?
Tư duy của một người ở nửa thế kỷ trước liệu có còn thích hợp với thời hiện tại? Ở đây không có ý chê bai lãnh tụ, nhưng tầm nhìn của một con người nhìn chung cũng có giới hạn. Làm sao bắt một người phải thấy được tương lai của loài người trong 100 năm tới?
Điều này lãnh đạo các nước Xã hội Chủ nghĩa cũng thừa hiểu, nhưng họ cần một biểu tượng hoàn hảo để chống đỡ cho chế độ, để người dân luôn trong nỗi lo sợ bị người khác đánh giá là suy thoái đạo đức khi dám động đến tấm gương sáng ngời của lãnh tụ.

Hậu quả

Thực tế chứng minh, việc đề cao một cá nhân hầu như không ích lợi gì cho nhân dân và đất nước, nó chỉ tốt cho nhà cầm quyền muốn duy trì sự độc tài. Các nước Xã hội Chủ nghĩa đã thế, sau này lại thêm một số lãnh tụ thời hiện đại như Putin, Hugo Chavez... và đều không thể đưa đất nước tiến lên.
Những quyết định độc đoán không dựa trên ý kiến của một hội đồng hiếm khi mang lại kết quả tốt đẹp. Putin nóng đầu sáp nhập Crimea vào Nga, nhưng chỉ sau một thời gian đã cho thấy: đối đầu với phương Tây là một việc làm duy ý chí. Hugo Chavez quốc hữu hàng loạt những ngành kinh tế lớn để rồi bây giờ nền kinh tế nước này sụp đổ.
Phương Tây có thể chia rẽ, tranh cãi gay gắt về nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả phương cách đối đầu với kẻ thù, những cái đó luôn được trưng ra khiến cho các nước độc tài “luôn nhất quán trong mọi hành động” chê cười.
Nhưng về lâu dài, phần thắng luôn thuộc về phía “không đoàn kết” kia khi mà mỗi hành động của họ đều trải qua thảo luận và phe có nhiều sự hợp lý hơn luôn chiếm đa số, mọi thứ luôn được đặt lên bàn cân để tính toán kỹ lưỡng chứ không phải sau một phút bốc đồng hoặc chỉ vì một lý tưởng mù quáng.
Trung Quốc là một trong các quốc gia cộng sản khác cũng tôn thờ lãnh tụ
Một khi đã quyết định chiến đấu với Nga là phương Tây đã suy tính đủ rồi, nên Putin không thể đương đầu lại.
Tóm lại, thời mà một cá nhân với quyền lực vô song quyết định tất cả đã xa rồi.
Truyền hình Việt Nam đang chiếu lại bộ phim “Tể tướng Lưu gù” vào 20h hàng ngày trên VTV2. Phim có đoạn Lưu Dung kịch liệt phản đối quyết định của Hoàng đế Càn Long khi vị vua cho xây dựng một ngôi chùa tiêu tốn 8 triệu lạng bạc trong lúc dân ở lưu vực sông Hoài đang đói kém vì lũ lụt, người chết đói đầy đường.
Chỉ với một lý lẽ: “Phật thì cần ở chùa, dân thì cần gạo ăn, bên nào cần hơn trẫm khắc tự biết” của Hoàng thượng, mọi lời kêu gọi của vị Tể tướng đều vô vọng. Cứ mỗi câu “Hoàng thượng, hãy lấy dân làm gốc!”, Lưu Dung lại bị hạ thêm vài cấp bậc, nhưng ông vẫn không ngừng lời cho đến lúc bị lột hết mũ áo, tống ra khỏi cung điện.
Vào thời đó, “kháng chỉ” là tội chém đầu và Lưu Dung may mà chỉ bị đuổi về quê, còn việc xây dựng thì vẫn cứ phải tiến hành vì thánh chỉ một khi đã ban ra là không thể thay đổi được.
Hiện tại ở Việt Nam cũng có một việc như vậy, chuyện tưởng chừng chỉ có ở những năm 1700, cách đây đã 3 thế kỷ.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.