Thursday, June 21, 2018

Thủ tướng Phúc yêu cầu báo chí phản bác thông tin ‘sai trái’ trên mạng

Theo VOA-22/06/2018 
Phóng viên tác nghiệp ở Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi báo chí “tích cực đưa tin phản bác những thông tin sai trái trên mạng xã hội” ngay trước ngày kỷ niệm Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Phóng viên tác nghiệp ở Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi báo chí “tích cực đưa tin phản bác những thông tin sai trái trên mạng xã hội” ngay trước ngày kỷ niệm Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đề nghị các phóng viên và nhà báo hãy “tích cực đưa tin phản bác những thông tin sai trái trên mạng xã hội” ngay trước ngày kỷ niệm Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Thủ tướng Phúc đưa ra lời kêu gọi này, chỉ một tuần sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng – một dự luật bị nhiều người chống đối vì cho rằng luật này sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát thông tin trên mạng, đồng thời hạn chế các quyền con người và quyền công dân.
Trong buổi gặp mặt báo chí hôm 20/6 tại Hà Nội, người đứng đầu chính phủ Việt Nam gọi các nhà báo lão thành và những người đứng đầu các cơ quan báo chí là ‘đồng chí’, và ‘lưu ý’ họ rằng hiện nay “trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều với luận điệu sai trái, bị các đối tượng phản động lợi dụng”, theo truyền thông trong nước.
Thủ tướng Phúc đề nghị “báo chí phải chủ động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền” và “tích cực đưa tin phản bác.”
Ông Phúc cho rằng “các thông tin sai trái trên mạng xã hội cần được phản biện, phản bác công khai, kịp thời” để “củng cố niềm tin của nhân dân” và “giới đầu tư trong và ngoài nước.”
Facebook đến Việt Nam đã trở thành một công cụ để (người dân) bày tỏ quan điểm về xã hội và thời cuộc. Báo chí chính thống ở Việt Nam đã làm được vai trò đó chưa? Nếu như chưa thì nó mới xuất hiện các luồng thông tin như thế.
Trung Bảo, cựu phóng viên báo Thanh Niên và Lao Động
Nhà nước Việt Nam gần đây đã thực hiện nhiều bước để siết chặt tự do trên mạng bằng cách yêu cầu Google và Facebook xóa bỏ những thông tin và clip mà chính quyền cho là ‘độc hại.’ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cuối năm ngoái cho biết Google và Facebook đã ngăn chặn và gỡ bỏ hàng nghìn video ‘xấu độc’ và các thông tin ‘bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.”
Hà Nội đã thành lập Lực lượng 47 với 10.000 “chiến sĩ đấu tranh trên mạng” để “phản bác các quan điểm sai trái” và Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng với chức năng “bảo vệ Tổ quốc.”
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 vào cuối năm ngoái, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, nói “Việt Nam là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.” Nhưng cùng với đó là sức mạnh ngày càng lớn của những người dùng mạng xã hội, viết blog, đưa ra những quan điểm trái chiều với truyền thông chính thống.
“Khoảng cấm” của báo chí lề phải
Theo nhận định của nhà báo Trung Bảo, từng là phóng viên các báo Thanh Niên và Lao Động, mạng xã hội đã trở thành một “công cụ truyền thông đối lập với báo chí nhà nước lề phải”.
“Facebook đến Việt Nam đã trở thành một công cụ để (người dân) bày tỏ quan điểm về xã hội và thời cuộc. Báo chí chính thống ở Việt Nam đã làm được vai trò đó chưa? Nếu như chưa thì nó mới xuất hiện các luồng thông tin như thế.”
Nhà báo có trên 10 năm kinh nghiệm làm việc cho cơ quan nhà nước cho rằng có nhiều luồng thông tin trên Facebook – cả sai và đúng, nhưng ai cũng có tự do dùng Facebook như một công cụ đưa tin.
Cựu phóng viên báo Thanh Niên nói đó chính là nơi có những thông tin mà báo chí nhà nước không thể đưa, hoặc đưa không kịp thời, ví dụ những cuộc biểu tình gần đây trên cả nước.
Theo thống kê của Statista, có gần 34 triệu người Việt Nam đang dùng Facebook, và Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người dùng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này.
Theo nhà báo Trung Bảo, thay vì phản bác các thông tin ‘sai trái’ trên mạng xã hội, cần nhìn lại vai trò của báo chí trong nước “làm sao để kịp thời thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, thì họ sẽ không cần phải tìm đến những nguồn thông tin khác từ bên ngoài.”
“Báo chí Việt Nam vẫn còn những khoảng cấm mà người làm báo lẽ ra đã có thể tiếp cận được để có thể thông tin một cách ngay thẳng cho người dân để họ trách được những thông tin không chính xác hoặc không được kiểm chứng trên các mạng xã hội," theo cựu nhà báo Lao Động. "Khi nhà nước khoanh vùng những vùng thông tin đó đối với người làm báo thì tự nhiên nhà nước đã tạo ra những vùng trống đó dành cho những người sử dụng mạng xã hội. Những luồng thông tin khác từ mạng xã hội sẽ lấp vào đó.”
Theo Thủ tướng Phúc, Việt Nam hiện có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và gần 850 cơ quan báo chí. Ông nói đây là một “lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin truyền thông”, có thể góp phần “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Nội bộ VN thời ‘biểu tình’ và ‘chống biểu tình’

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/21/06/2018 
Biểu tình chống 2 dự luật.
Biểu tình chống 2 dự luật.
Hơn một tuần sau cuộc tổng biểu tình phản đối hai dự luật khu và An ninh mạng vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, chỉ hai hôm trước khi kỷ niệm ‘Ngày báo chí cách mạng 21 tháng Sáu’ cùng năm, vài phát ngôn chính trị của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này.
Từ Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn đến Trần Đại Quang
Ngày 19/6/2018, bài báo "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" với nội dung ban đầu là "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này" - đăng trên báo Tuổi Trẻ - đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo".
Vụ ‘khóa miệng’ trên là lần thứ ba trong vòng hơn một năm xảy đến đối với giới quan chức cao cấp ở Việt Nam - sau Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng thành ủy gửi đến 200 ủy viên trung ương như một cách “minh bạch hóa thông tin” và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với những sai phạm bị xem là “rất nghiêm trọng” của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng trung ương đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.
Gần một năm sau, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, bản giải trình của Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ TT-TT cũng đã bị “thu hồi”. Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của “kẻ bịt miệng” báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng lại.
Vì sao chính quyền lại ‘cần luật Biểu tình’?
Kể từ Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay, đây là lần đầu tiên Trần Đại Quang hé ra thái độ ‘cần luật Biểu tình’, bất chấp việc vào thời còn là bộ trưởng công an, ông Quang đã được giao soạn thảo luật Biểu tình nhưng đã rất nhiều lần bộ này nại ra nhiều lý do ‘chủ quan và khách quan’ để xin lùi bộ luật quyền dân mà đảng cầm quyền và chính phủ đã nợ người dân suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 phản đối luật Đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền tăng tiến vượt bậc, đến nỗi nghị trường quốc hội đang ồn ào yêu cầu ‘cần sớm ban hành luật Biểu tình’. Một lần nữa trong nhiều lần kể từ cuối năm 2011 khi thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng giao cho cơ quan chuyên đàn áp biểu tình là Bộ Công an soạn thảo luật Biểu tình, Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hùa theo ‘Chính phủ đang tích cực chuẩn bị luật Biểu tình’.
Khó mà nhớ được đây là lần thứ mấy quan chức Nguyễn Hạnh Phúc hứa hẹn ‘đang tích cực chuẩn bị’, trong vô số phát ngôn đậm đà đầu môi chót lưỡi của giới quan chức Việt Nam.
Vào tháng Năm năm 2016, sau những cuộc biểu tình “cá chết Formosa” lên đến gần chục ngàn người ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, chưa kể những cuộc biểu tình của giới Công giáo ở Nghệ An và Hà Tĩnh, có người đã thuật lại lời than của một quan chức trong một cuộc họp “sơ kết”: “Đã kêu là phải ra luật Biểu tình đi. Không có luật mà nó cứ kéo đi rần rần thế này thì lấy gì mà xử nó?”.
Còn vào lúc này, giới dư luận viên – vốn hung hăng nhất trong giọng điệu “ra luật để có cớ quậy à?” cùng những chiến dịch lên án và mạt sát dân oan khiếu kiện, người dân biểu tình chống Trung Quốc – lại đang vội vã đánh tiếng: “Cần lắm luật Biểu tình”.
Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý” – một luận điểm ngày càng chiếm đa số trong giới quan chức phải chường mặt ra đường trước đám đông phẫn uất. Có khả năng luận điểm này sẽ được đưa ra những cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới để “quyết”.
Chẳng khó để hình dung, những lý do để lôi luật Biểu tình ra sẽ lại được tô vẽ: quyền biểu tình của người dân nằm trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1982. Dù gì Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2013. Việc ban hành luật Biểu tình không chỉ đáp ứng lòng dân mà còn thỏa mãn được yêu cầu của quốc tế về cải cách luật pháp, biết đâu nhờ đó Hoa Kỳ và phương Tây sẽ mở lại kênh cho vay vốn ODA và IDA với lãi suất ưu đãi, chưa kể nhiều lợi ích khác như CPTPP, EVFTA, vũ khí sát thương, quy chế kinh tế thị trường đầy đủ…
Nhưng với người dân Việt, cái bánh vẽ luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Từ năm 2011 và đặc biệt từ năm 2014 đến nay, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Vào tháng Năm năm 2016, bất chấp chính phủ có muốn ban hành luật Biểu tình hay không, người dân đã đổ ra đường biểu tình vì nạn cá chết miền Trung. Cũng như nguồn cơn của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhưng đồng thời khinh bỉ thói quỳ gối không biết mệt của chính quyền Hà Nội trước Bắc Kinh, tâm trạng và biểu cảm của dân còn muốn phản ứng và phản kháng với nhà cầm quyền vì cách hành xử quá chậm chạp và quá khuất tất mà không công bố được nguyên nhân cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung.
Còn đến tháng Mười năm 2018, cuộc tổng biểu tình ở Việt Nam đã có nhân số gấp 10 lần cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, khi lên đến hàng trăm ngàn người và bùng nổ tại trên 50% tỉnh thành trong quốc gia.
Đã quá muộn để chính thể độc trị ‘tích cực soạn thảo và ban hành luật Biểu tình’.
‘Âm mưu biểu tình’ và ‘chống biểu tình’
Tầm mức xung đột nội bộ ngày càng leo thang. Nếu kẻ bị bịt miệng Trương Minh Tuấn mang cấp ủy viên trung ương đảng thì Đinh La Thăng vẫn còn là ủy viên bộ chính trị khi bị Ban Tuyên giáo trung ương ‘chặn họng’.
Còn giờ đây là Trần Đại Quang - nhân vật không chỉ là ủy viên bộ chính trị mà còn nằm trong ‘tứ trụ triều đình’ của chính thể độc đảng chuyên quyền ở Việt Nam. Xem ra số phận của ông Quang cũng bị các đồng chí của mình đối xử chẳng khác gì hai trường hợp Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Dấu hỏi rất lớn là vì sao phát ngôn về luật Biểu tình của Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén?
Tại Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018, người ta vẫn thấy Trần Đại Quang ngồi cạnh Nguyễn Phú Trọng trên bàn chủ tịch đoàn, thậm chí ông Quang còn dược giao điều hành phiên hai mạc của hội nghị này. Sau hội nghị này, ông Trọng chợt im lìm hẳn.
Cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần tham khảo: sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Chính trường Việt Nam đang lao vào thời kỳ của sự xung đột quan điểm giữa các phe phái về ‘âm mưu biểu tình’ và ‘chống biểu tình’.
Có lẽ đó là nguồn cơn vì sao cuộc biểu tình ở Sài Gòn vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã diễn ra suôn sẻ trong buổi sáng mà không bị công an đàn áp mạnh.
Và có thể đó cũng là nguồn cơn vì sao chỉ một tuần sau đó, cuộc biểu tình ngày Mười Bảy tháng Sáu đã bị Công an TP.HCM tái hiện cảnh đánh đập tra tấn người biểu tình như đã từng hành xử đối với cuộc biểu tình môi trường tháng Năm năm 2016, dã man đến mức nhiều người biểu tình bị hành hung đã lần đầu tiên phải thốt lên ‘Ác ôn cộng sản!’.

21/6: phận chó của nghề



Báo chí, đang xuất hiện những cây bút, chỉ nhắc đến cái tên, đã thành nỗi ô nhục của tòa soạn.
Thay vì đứng về phía dân, bảo vệ dân. Nhiều tòa báo đang hung hãn tấn công dân, đòi "bắt nhốt, truy tố, bỏ tù" dân, với những chứng cứ giả tạo.
Những tờ báo, (xin lỗi) giờ đem chùi cũng sợ bẩn đít.
21/6. Nỗi nhục không gì nhục hơn, về cái "phận chó" của nghề.
... 
Đã là nhà báo, đừng chọn “quyền im lặng”
Cứ dịp 21/6, lại nghe nhiều người dẫn câu cụ Huỳnh Thúc Kháng:
“Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều ngừoi ta ép buộc nói”.
Thời cụ Huỳnh, chưa có mạng và facebook. Nên giữ được cái quyền im lặng, “không nói những điều ngừoi ta ép buộc nói” đã là bản lĩnh có một không hai của ngừoi cầm bút.
Chúng ta, đã đi xa thời cụ Huỳnh. Nếu không có quyền nói (viết) những điều mình muốn (trên báo), thì nói (viết) trên facebook và các trang mạng độc lập khác.
Công cụ đầy mình, nhà báo giờ có cách khác, không phải cứ im lặng như cách cụ Huỳnh.
Tự bịt miệng mình, chọn cách câm nín thì đấy là thứ nhà báo vô lại.

Gia đình Nguyễn Minh Kha phản bác cáo buộc 'trốn truy nã' và 'nghiện ngập'

RFA-2018-06-21  
Truyền thông VN ngày 21/6/2018 đưa tin anh Nguyễn Minh Kha bị công an truy bắt.
 Truyền thông VN ngày 21/6/2018 đưa tin anh Nguyễn Minh Kha bị công an truy bắt.ảnh chụp màn hình báo Pháp luật VN.
Công an tỉnh Bình Thuận ngày 21 tháng 6 phát lệnh truy bắt anh Nguyễn Minh Kha, người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 phản đối dự luật cho thuê đất đặc khu 99 năm tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.
Theo đó, công an Bình Thuận nói rằng anh Nguyễn Minh Kha và người nhà khi trả lời đài nước ngoài đã vu cáo bị lực lượng chức năng đánh trọng  thương và đang phải cấp cứu. Công an đưa ra một bản chụp X- quang của bệnh viện trước đó, nói rằng anh Kha không bị tổn thương.
Cơ quan chức năng Bình Thuận yêu cầu người dân tố giác nơi ẩn trốn của anh Kha và ra khuyến cáo anh này nên ra tự thú với nhắn gửi ‘để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam.’
Ngoài anh Nguyễn Minh Kha ra còn có 8 người khác bị Công An tỉnh Bình Thuận khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, huỷ hoại tài sản và chống người thi hành công vụ trong cuộc biểu tình ngày 10/6 vừa qua.
Theo một số người dân địa phương thì do lực lượng chức năng hành hung một người dân khi xảy ra biểu tình khiến dẫn đến bạo loạn. Một số người phóng hỏa đốt tòa nhà Ủy ban Nhân dân Tỉnh và trụ sở Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh tại thành phố Phan Thiết. Tại thị trân Phan Rí Cửa, đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị đốt cháy.
Truyền thông trong nước nói rằng anh Kha đã thừa nhận hành vi phạm tội với cơ quan chức năng, tuy nhiên sau đó đã bỏ trốn.
Trao đổi với RFA vào hôm 20 tháng 6, mẹ của anh Nguyễn Minh Kha cho biết hiện tình trạng sức khỏe của anh không tốt, và ho ra máu.
Trong cùng ngày, hàng chục người dân Bình Thuận đã tập trung trước cổng UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng phải giải thích rõ việc gây thương tích cho anh Nguyễn Minh Kha.
Sang ngày 21 tháng 6, mẹ của anh này tiếp tục phản đối cáo buộc của cơ quan chức năng nói rằng anh bỏ trốn:
“ Hôm qua xã xuống nhà tôi, tôi cũng nói là con tôi vô đây trị bệnh mà nó vu khống gia đình tôi nói rằng con tôi đi trốn. Đánh con tôi xong không cho con tôi đi trị thuốc men, không hỏi han tới mà còn vu khống là không đánh nữa”
Mẹ của anh Nguyễn Minh Kha khẳng định lại rằng công an đã đánh anh Nguyễn Minh Kha:
“Công an phường đưa cháu ra ngoài xã, xong rồi 3 thằng tra khảo cháu rồi đánh cháu, mà nó bịt mặt lại để khỏi thấy mặt nó.”

Ông Tổng Trọng tự mâu thuẫn

 RFA-2018-06-21   
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy, Hà Nội hôm 17/6/2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy, Hà Nội hôm 17/6/2018.Courtesy chinhphu.vn
Kê khai tài sản là một biện pháp được cho cần thiết trong công cuộc chống tham nhũng. Tuy nhiên chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa lên tiếng cho rằng việc kê khai tài sản cán bộ là rất khó và nhạy cảm vì liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân.

Mâu thuẫn

Có mâu thuẫn gì trong câu nói đó của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam hiện nay hay không?
Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng mới nhất về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức được đưa ra vào ngày 17 tháng 6 năm 2018 trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Và đây là lần đầu tiên ông Trọng thừa nhận việc kê khai tài sản là khó khăn kể từ khi Bộ chính trị vào ngày 23 tháng 5 năm 2017 ban hành quy định kiểm tra, giám sát kê khai tài sản khoảng 1.000 cán bộ và cơ quan giám sát chính là Bộ chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Thừa nhận của ông Nguyễn Phú Trọng được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội đưa ra nhận định với nhiều hướng khác nhau, có người cho rằng ông Trọng không am hiểu pháp luật, có người cho rằng ông Trọng đã chính thức thừa nhận thất bại trong công cuộc chống tham nhũng.v.v…
Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng việc kê khai tài sản rất là khó bởi vì nó đụng đến bí mật đời tư. Trong khi đó ông ấy vừa cổ vũ cho việc thông qua luật an ninh mạng, mà đối với công dân, nó tạo cơ sở cho công an vi phạm bí mật đời tư, vi phạm sự riêng tư một cách trắng trợn.
-TS. Nguyễn Quang A
Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đăng tải trên trang cá nhân, ông Trọng là người giương cao ngọn cờ chống tham nhũng. Tuy nhiên ông lại không hiểu rằng chống tham nhũng là quan trọng nhưng phòng không cho tham nhũng xảy ra còn quan trọng hơn.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng cho rằng, việc kê khai và công khai tài sản cán bộ công chức là công cụ hữu hiệu nhất để phòng và chống tham nhũng, nhưng ông lại không muốn dùng đến.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội vào năm 2016, hiện sống tại Hà Nội, đưa ra nhận định:
“Điều rất là mỉa mai là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam, nói rằng việc kê khai tài sản rất là khó bởi vì nó đụng đến bí mật đời tư. Trong khi đó ông ấy vừa cổ vũ cho việc thông qua luật an ninh mạng, mà đối với công dân, nó tạo cơ sở cho công an vi phạm bí mật đời tư, vi phạm sự riêng tư một cách trắng trợn. Tóm lại khi không muốn làm thì ông ấy lấy lý do vi phạm sự riêng tư. Còn đến khi muốn hủy hoại bí mật đời tư, vi phạm quyền riêng tư (luật an ninh mạng) thì ông ấy rất là ủng hộ. Như vậy ông này là một người không thể tin được.”
Theo nhà báo Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng, ông Trọng nói kê khai tài sản khó là trái với quy định của đảng, trái luật bầu cử quốc hội cũng như hội đồng nhân dân các cấp. Ông nói thêm:
“Việc kê khai tài sản thuộc về nguyên tắc bắt buộc chứ không phải khó dễ gì cả. Nói sợ đụng đến bí mật đời tư của công dân thì tôi cho thế là không ổn, vì anh bảo vệ quyền riêng tư của cán bộ công chức trong khi đó quyền riêng tư của người dân thì anh rất xem thường giống như cái luật an ninh mạng vừa rồi đụng chạm đến quyền riêng tư thì anh lại bảo rằng vì phải bảo vệ chế độ. Cuối cùng anh xây dựng ra luật là để bảo vệ cán bộ, bảo vệ bộ máy thôi, chứ đụng chạm đến quyền lợi người dân thì anh rất xem thường.”

Vi phạm pháp luật?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng có thể ông Nguyễn Phú Trọng đã vi phạm pháp luật. Ông nói:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 17/6/2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 17/6/2018.Courtesy chinhphu.vn
“Tôi nghĩ ông ấy đã vi phạm luật, đã xảo trá một cách rất là trắng trợn, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng phải tuân theo luật công chức cán bộ, luật đó có từ lâu rồi, rồi luật bầu cử quốc hội. Khi mà một người đề cử làm đại biểu quốc hội như là tôi ứng cử đại biểu quốc hội các đây hai năm, thì người đó buộc phải kê khai tài sản. Việc ông ấy kê khai tài sản đúng hay sai chưa bàn đến, nhưng nếu ông ấy không kê khai tài sản thì ông ấy đã vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.”
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, hiện sống tại Sài Gòn cho biết:
“Hiện nay người ta quy định một số người có chức vụ từ cấp cơ sở trở lên, thì phải kê khai tài sản, chứ không phải tất cả cán bộ công chức đều phải kê khai. Những người ứng cử vào làm đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội đều phải nộp bản kê khai tài sản. Hiện nay thì chưa có quy định phải kiểm tra, thẩm định bản kê khai đó có đúng không. Người được giới thiệu ứng cử từ các tổ chức đảng, các tổ chức chính trị xã hội, nói chung là các tổ chức của nhà nước và những người tự ứng cử đều phải kê khai tài sản hết.”
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho biết sở dĩ việc kê khai tài sản khó khăn vì phải có ý nghĩa trung thực, phải được thẩm tra, thẩm định, giám sát, công khai… Theo ông hiện nay, việc kê khai chỉ cho các cơ quan quản lý thôi chứ chưa có công khai rộng rãi cho toàn dân biết. Ông nói thêm:
“Việc công khai đó phải qua thẩm định nhưng hiện giờ vẫn chưa có một quy định hay tổ chức nào có trách nhiệm đi thẩm tra xem việc kê khai đó có trung thực hay không? Bây giờ luật chống tham nhũng cũng đang gay go là nếu kê khai không trung thực thì xử lý làm sao, cũng có nhiều ý kiến, nào là tịch thu, nào là đóng thuế 45 %... cũng có những ý kiến đôi khi nó lại trái hiến pháp…”
Ông Thuận cũng đưa ra so sánh với chế độ Sài Gòn trước năm 1975:
“Theo chế độ Sài Gòn trước 1975, những người có chức vụ lớn mà kê khai tài sản không trung thực thì người ta gọi là tài sản bất minh, và người ta không để người đó làm việc nữa, và không bổ nhiệm người đó vào bất cứ chức vụ gì.”

Thừa nhận thất bại?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nghi ngờ chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng:
Điều đó chứng tỏ cái gọi là chống tham nhũng của ông ấy là chống tham nhũng giả vờ, mà thật sự là cuộc đấu đá nội bộ, khi người nào ông không thích thì ông moi ra, người nào trong vây cánh của ông ấy thì ông ấy nói cái này khó lắm, đụng đến quyền riêng tư.
-TS. Nguyễn Quang A
“Điều đó chứng tỏ cái gọi là chống tham nhũng của ông ấy là chống tham nhũng giả vờ, mà thật sự là cuộc đấu đá nội bộ, khi người nào ông không thích thì ông moi ra, người nào trong vây cánh của ông ấy thì ông ấy nói cái này khó lắm, đụng đến quyền riêng tư, tôi nghĩ đấy là một cách suy nghĩ rất là bần tiện. Nguyên điều đó chứng tỏ chiến dịch chống tham nhũng là không thực.”
Nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra ví dụ về trường hợp bản kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng:
“Hồi câu chuyện Đà Nẵng thì nó xảy ra cái chuyện bản kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ. Sau này chính quyền Đà Nẵng lại truy tìm ai là người làm lộ cái bản kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ ra ngoài. Đáng lý ra cái bản kê khai đó phải được công khai chứ, mà đến bây giờ người ta vẫn không nói gì, không đả động gì đến, nghe nói là sau đó cảnh cáo ông Huỳnh Đức Thơ và giao cho ủy ban kiểm tra vào để kiểm tra những vụ lùm xùm về tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ. Nhưng đến bây giờ, kết luận như thế nào, có kiểm tra hay không, kết luận kiểm tra như thế nào thì vẫn chưa ai được biết, không ai được công khai.”
Theo một bài viết của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, tiến sĩ kinh tế, hiện sống tại Sài Gòn, thì chưa đầy một năm sau tuyên bố ‘lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy’, ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng giờ chỉ còn lép bép củi nhỏ.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng phát ngôn về khó khăn của việc kê khai tài sản của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.

Tình hữu nghị đắt đỏ


Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP. Hà Nội phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri Quận Cầu Giấy chiều 17/6/2018: Thế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị VN - Trung Quốc. Ảnh: Thanh Niên.

FB Luân Lê (LS Lê Luân)

nh đầu tiên ông Chủ tịch thành phố Hà Nội phát biểu rằng: Thế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Tuy nhiên, có thể quan sát thấy một tình trạng với hàng loạt các sự kiện về việc Trung Quốc ngang nhiên và hung hãn thực hiện các hành động xâm phạm chủ quyền đối với Việt Nam ngày càng trầm trọng là như thế nào, với tần suất dày đặc hơn và mức độ mãnh liệt hơn, không chỉ ở nước ngoài mà tiến sâu vào trong nội quốc để thực hiện việc tuyên bố có chủ đích từ phía chính quyền nước này.
Winston Churchill đã nói, không có kẻ thù hay đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là trường tồn. Nhưng ở mỗi giai đoạn và dựa vào ý thức cũng như biểu hiện của các hành động từ đối phương để biết kẻ đó đang hiện diện như là một người bạn hay đang hiện nguyên hình là kẻ đối nghịch. Một khi chúng muốn thâu đoạt lãnh thổ, liên tiếp tuyên truyền sai lệch về chủ quyền trên biển, đảo, thực hiện một loạt các vụ đâm tàu, cướp phá hay bắn giết ngư dân Việt Nam, tập trận quân sự bất hợp pháp trên đảo Hoàng Sa, kéo tên lửa và các vũ khí ra quần đảo này nhằm thiết lập hệ thống phòng thủ với những cảnh báo và thách thức toàn bộ các quốc gia khác mà bất chấp luật pháp quốc tế.
Với một kẻ luôn mang trong mình dã tâm bành trướng lãnh thổ với sự hung hãn thường nhật, luôn tìm cách tấn công đối phương có chủ đích, mà đặc biệt liên quan đến vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia, có thể nào xác định được kẻ đó là “một người bạn tốt”? Người ta không thể biết mình bị lừa và mất trắng tài sản cho đến khi họ thực sự đã nhận ra điều đó như An Dương Vương đánh mất giang sơn vào tay giặc. Người ta cũng không thể nhận ra mình là kẻ bán nước hại dân cho đến khi mải mê ngôi báu để cầu cứu viện binh từ vương triều Nguyên như Trần Ích Tắc. Người ta cũng không biết mình là kẻ mãi quốc cầu vinh cho đến khi phải chết trên sự lưu vong ở mảnh đất xứ khác như Lê Chiêu Thống đã từng tìm đến sự bảo trợ của quân Mãn Thanh.
Tình hữu nghĩ là một điều quý giá, nhưng chỉ kẻ nào xứng đáng với điều đó thì mới đáng được trân trọng và đáng để tri giao. Nếu không thì tình hữu hảo ấy sẽ như một thứ vũ khí quay lại ám hại chính kẻ trong cuộc mà đến lúc nhận ra thì thực sự đã muộn.
Và cũng không thể một quốc gia mà lại lắm thế lực thù địch một cách chung chung và mơ hồ được viện dẫn ra mọi lúc, mọi nơi và mọi trường hợp như vậy. Ai là địch? Ai kẻ thù? Không thể chỉ đích danh được những lực lượng thường xuyên xuất hiện trên những phương tiện tuyên truyền này thì không thể lấy đó làm bảo chứng cho các hành động có tính quốc gia trong những đối sách quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc.
Xin hỏi ông, tình hữu nghị ấy là gì, khi người dân phải trả giá cho nó từng ngày?

Oan Khí Thủ Thiêm


Trúc Nguyễn – Trí Việt News

Tại buổi họp báo tình hình kinh tế xã hội TPHCM ngày 2-5-2018, Chánh văn phòng UBND Nguyễn Văn Hoan thông báo trước các nhà báo: tờ bản đồ quy hoạch Đô thị mới Thủ Thiêm 1/5.000 theo quyết định 367 của Thủ tướng chính phủ hiện bị thất lạc, “tìm chưa thấy chứ không phải không có”. Việc này đã gây nổi sóng dư luận cả nước. Chiều nay,

Bản đồ quy hoạch mới của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Zing.vn (web screenshot).
Bản đồ quy hoạch mới của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Zing.vn (web screenshot).

Đến nay thì vấn đề không còn nằm trong khuôn khổ “tung tích tờ bản đồ” nữa mà đã đụng chạm đến ranh giới nhạy cảm của pháp luật: Xây dựng 12 km đường với giá thành 12.000 tỷ bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Dư luận bị sốc bởi cái giá siêu đắt còn cử tri Thủ Thiêm gọi là “con đường dát vàng”. Liệu có gì uẩn khúc hay có tồn tại tiêu cực? Tại sao 160 ha đất tái định cư bị biến mất, hàng trăm hộ dân chứng minh nằm ngoài ranh giới quy hoạch vẫn bị cưỡng chế? Tại sao bây giờ mới được nhà cầm quyền lắng nghe, vậy gần 20 năm qua họ ở đâu, dân Thủ Thiêm sinh kế vất vưởng ra sao…?
Là một cư dân một quận liền kề, từng một thời ra những bãi đất trống quận 2 thả diều đá bóng…, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế: những bà mẹ chết ngất khi nhát búa tạ đập xuống bức tường ngôi nhà thân thương, cảnh người dân quyết tâm giữ nhà bị lực lượng khống chế trong vài phút với những công cụ dùi cui, súng ống và xe chữa cháy, những tiếng kêu thét của các chị các dì lạc lõng giữa thinh không, vô vọng… Mặc dù tôi đã dừng xe, mặc dù trong đâu đó cơ thể có run lên, mặc dù che chắn sau đôi tròng kính là những giọt nóng chực chờ nhỏ xuống… nhưng tôi đã không làm gì cả là vì tôi tin xã hội này có công lý, vì tôi tin vào pháp luật nghiêm minh, vì tôi tin chính quyền đang quyết tâm xây dựng một thành phố “văn minh nghĩa tình”… “Có sự trưởng thành nào mà không trả giá”, “có xã hội nào tiến lên văn minh mà không chấp nhận hy sinh”, “nhà nước đã có những quyết sách công bằng”, “người bị cưỡng chế là do ngoan cố chống đối pháp luật”… Tôi đã tự nhủ như thế mà bước qua nỗi đau của cư dân Thủ Thiêm. Nhưng gần đây tôi mơ hồ nhận ra mình đã sai.
Từ những năm đầu thập niên 1990, khi tin tức bắt đầu lan truyền một vùng rộng lớn của quận 2 bị giải tỏa để xây khu đô thị mới, nhân dân Thủ Thiêm đã không thể “an cư lạc nghiệp”. Đáng mỉa mai, sau hàng chục năm trời thì phiên bản “Phố Đông Thượng Hải” của Việt Nam đến nay cơ bản vẫn là một vùng đất trống, và một trong những hồ sơ pháp lý quan trọng nhất là Tờ bản đồ được Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 1996 không biết chu du phương nào, đồng nghĩa là tờ “sổ đỏ” của Khu đô thị Thủ Thiêm bị đặt trong tình trạng không tuân thủ các trình tự pháp lý như luật định!
Một bộ máy chính quyền thuộc hạng “siêu” cồng kềnh hàng năm tiêu tốn của dân bao nhiêu trăm, nghìn tỷ… sao “tắc trách”, giễu cợt pháp luật với số phận hàng vạn người dân? Duy chỉ có giá nhà đất Quận 2 và các tuyến liên quan thì thăng trầm bao phen sốt nóng sốt nguội theo những con sóng của thị trường, và không ít tay buôn lưu manh đút túi chục tỉ trăm tỷ… vì biết cách “đi tắt đón đầu”, biết khai phá khoảng tối của những bộ hồ sơ lạm dụng con dấu “Mật”! 15.000 hộ dân bị giải tỏa di dời là bao nhiêu vạn số phận bị ảnh hưởng? Bao nhiêu trụ vững trước cú sốc của gia đình, bao nhiêu bị đẩy vào chốn cùng đường sống kiếp “cô hồn”? Có ít nhất là một ngôi chùa (chùa Liên Trì) và ngôi đình nổi tiếng linh thiêng (đình Thủ Thiêm) đã bị những nhát búa tạ san phẳng. Còn bao nhiêu cái bàn thờ của 15.000 hộ dân đã bị đánh sập? Người sống đã không còn chỗ thì vong linh tổ tiên nương tựa vào đâu?
Trong một lần dẫn người bạn Việt Kiều tìm hiểu thông tin dự án Đại Quang Minh, chúng tôi được nhân viên công ty giải thích cái tên “Sala” (khu đô thị Sala) có liên quan đến một thánh tích, là khu rừng nơi đức Phật từng tu hành và nhập diệt, như là một minh chứng “tín tâm” của những ông chủ. Những quan chức thành phố quyền bính một thời đang bị nhân dân gọi tên đều là người hay đi chùa, gần gũi các hòa thượng… Tôi không biết họ có hiểu rõ đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” ngàn đời của người Việt? Cho dù nhân danh chính nghĩa chăng nữa mà vô lễ với thánh thần, với người đã khuất, cũng là điều trái với đạo lý truyền thống. Nếu phi nghĩa thì nói sao hết ác nghiệp, oán khí! “Oan khí Thủ Thiêm” là nói với những người đang sống. Còn đối với những người đã mất, đối với vong linh tổ tiên của họ… thì “âm khí” này không thể trả bằng tiền!
Nhân dân đang chú mục vào từng động thái của nhà chức trách thành phố trong “công cuộc” truy tìm tung tích “Tờ bản đồ bị thất lạc”! Nếu không thực tâm hối lỗi để xúc tiến ngay những việc làm có ý nghĩa thiết thực cho dân oan Thủ Thiêm, nếu ánh sáng pháp luật không soi sáng xuống những kẻ phạm pháp mà ngược lại tìm cách ngụy biện bao che, đánh lạc hướng dư luận… thì bài học “Chở thuyền và lật thuyền” của cổ nhân cần phải chiêm nghiệm cho kỹ!

Luật Biểu tình – món nợ lãi cao, khó đòi


Vincente Nguyen – Luật Khoa tạp chí

Đã gần 73 năm kể từ khi Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, những người lãnh đạo vẫn khất lần nhân dân của họ một đạo luật quan trọng bậc nhất: Luật Biểu tình.
Luật Biểu tình, trước hết, cần nhấn mạnh không phải là câu chuyện do các “thế lực phản động” dựng nên để phá hoại “an ninh quốc gia” và “trật tự an toàn xã hội”.
Từ khi còn chưa tiếp xúc với các văn bản nhân quyền quốc tế, các nhà lập hiến vào năm 1946 đã công nhận quyền hội họp như một bước tiến dân chủ mới so với sự bảo thủ của chính quyền thực dân Pháp trước đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau Cách mạng tháng Tám 1945, cũng đồng thời ra sắc lệnh về quyền biểu tình và chỉ yêu cầu người biểu tình xin phép chính quyền địa phương trước 24 giờ. Cho đến ngày nay, quyền biểu tình cũng đã được chính thức xác định là quyền hiến định trong Hiến pháp 2013.
Tuy nhiên, sau 5 năm trì hoãn kể từ Hiến pháp 2013 và hơn 70 năm thất hứa, với nhiều lần dự luật bị rút ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc Hội, quyền biểu tình của người dân vẫn là một thứ quyền xa xỉ bị cả Quốc hội lẫn bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ruồng bỏ.
Thay vào đó, họ thay đổi khái niệm “biểu tình” thành khái niệm “tụ tập đông người” và trói chặt quyền biểu tình bằng hai văn bản dưới luật làNghị định 38/2005 và Thông tư 09/2005.
Ba năm gần đây, nhiều đại biểu đã chính thức lên tiếng về việc Chính phủ (và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chơi trò giấu nợ. Năm 2016, nhiều đại biểu khẳng định ra Luật Biểu tình là trả nợ nhân dân. Năm 2017, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định tiếp tục kiểm soát quyền hiến định năm 2013 bằng văn bản dưới luật là vi hiến. Cho đến nay là giữa năm 2018, đạo luật này vẫn hoàn toàn vắng bóng trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội.
Luật trói chân đại biểu Quốc hội
Nếu các đại biểu Quốc hội thật sự mong muốn trả món nợ có lãi cao ngất này, tại sao họ không thực hiện quyền của mình – quyền làm luật?
Trong bài viết “Không thể có những nhà lập pháp hạng nhất nếu đối xử với họ như công dân hạng ba“, tác giả cho rằng các đại biểu Quốc hội Việt Nam gần như bất lực trước quyền lực của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và sự bất lực này cũng được thể hiện rõ trong vấn đề làm luật.
Điều 5 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 ghi nhận rõ “Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.”
Các đại biểu vì vậy không có quyền (chủ động) định hình hệ thống dự luật mà họ cho là cần thiết với nhu cầu của cử tri.
Nhưng đại biểu Quốc hội cũng có quyền trình dự án luật chứ nhỉ? Tại sao họ không thử tự mình đưa Luật Biểu tình lên sàn?
Khoản 1 – Điều 29 Luật Tổ chức Quốc Hội 2014 cũng quy định rằng: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định”.
Tuy nhiên, “theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định” lại là câu chữ dẫn đến ngõ cụt cho con đường lập pháp chủ động của các đại biểu. Đã từng có ít nhất hai đại biểu từng thửgửi dự án Luật do mình chuẩn bị cho Ủy ban Thường vụ xem xét nhưng không được chấp nhận.
Theo giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thời điểm đó, những đề xuất cụ thể về dự án luật phải được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, xem xét đưa vào Chương trình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Còn các dự án của hai đại biểu nói trên đến nay vẫn chưa có hồ sơ đầy đủ, chưa trình Chính phủ cho ý kiến theo quy định.
Họ còn cho rằng dự án luật phải qua nhiều bước như lập Ban soạn thảo, tổng kết tình hình, đánh giá tác động, lấy ý kiến đóng góp, rồi sau đó là Chính phủ thông qua và ký Tờ trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến… Mọi quá trình đều đòi hỏi phải rất công phu, với sự tham gia của nhiều cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tục này không khác gì khoá tay những đại biểu có chút máu độc lập.
Không thể một mặt trao cho đại biểu quyền trình dự án luật, sau đó lại cho mình toàn quyền không xem xét những dự án do đại biểu trình bởi vì chúng đương nhiên không khả thi, không phù hợp với một văn bản pháp luật khác, bởi vì dự luật này chưa được Chính phủ xem xét. Vậy cơ quan nào là quyền lực nhất của nhà nước Việt Nam? Quốc hội hay Chính phủ? Quốc hội hay Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội?
Dù có lý giải thế nào, thứ quy trình quái gở này đã và đang hạn chế sức mạnh lập pháp của Quốc hội, tương lai hoàn thiện của mô hình lập pháp dựa vào năng lực tự thân của đại biểu Quốc hội, cũng như khả năng tập hợp sức mạnh tri thức và ý nguyện người dân bên ngoài bộ máy nhà nước – thứ mà tôi tin là chỉ cần có cơ chế, sẽ có hàng trăm ngàn chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ các đại biểu Quốc Hội.
Cái bóng của Đảng
Cái bóng của Đảng Cộng sản Việt Nam phủ lấp toàn bộ Quốc hội. Trước khi Dự luật Đặc khu được mang ra Quốc hội để bàn bạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “phủ đầu” tất cả các đại biểu: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”.
Đã thành thông lệ, ngay trước mỗi kỳ họp Quốc hội bao giờ cũng là một kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và ngay trước mỗi kỳ bầu cử Quốc hội bao giờ cũng là một kỳ Đại hội Đảng.
Có rất nhiều cách để Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng kiểm soát Quốc hội, nhưng tôi xin được giới thiệu hai cách tiếp cận đơn giản nhất: về nhân sự và về chủ trương.
Về nhân sự, hay còn được gọi là ‘sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức cán bộ’, tôi cho là có tầm ảnh hưởng tiên quyết đến sự chùn tay của toàn bộ Quốc hội.
Ở mặt gián tiếp, không khó để nhận ra rằng đa số đại biểu Quốc hội đều là đảng viên. Sau đợt ‘bầu cử’ năm 2016, có 96% Đại biểu là đảng viên, và những đảng viên này phần lớn đều kiêm nhiệm chức vụ ở địa phương của mình. Việc họ có được thăng quan tiến chức hay không, nằm cả ở quyết định của cấp uỷ đảng.
Nói đến khía cạnh trực tiếp, Đảng Đoàn Quốc hội sẽ là cơ quan quyết định việc tuyển chọn, bố trí, phân công công tác… đối với những cán bộ thuộc công tác quản lý. Đảng Đoàn cũng sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ Chính trị. Ai quyết định ai nắm ghế trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lẽ khá rõ ràng.
Vậy nên, khá dễ lý giải khi những đại biểu chịu va chạm nhiều nhất đều là những đại biểu có ngành nghề tương đối độc lập với nhà nước, dù họ có thể cũng là đảng viên.
Về chủ trương, có thể khẳng định trong một thời gian dài quyền lực của Bộ Chính trị đều lấn áp hoàn toàn sức mạnh của cơ quan được Hiến pháp ghi nhận là quyền lực nhất nhà nước Việt Nam – Quốc hội. Điều này được ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội, chia sẻ trong một bài phỏng vấncủa Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Ông khẳng định, “với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, năm năm, khi Ban Chấp hành Trung ương, hay Bộ Chính trị quyết định quá cụ thể các chỉ tiêu, thì không còn dư địa cho Quốc hội bàn. Lúc đó, Đảng quyết định luôn rồi, chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương nữa, và chuyện đưa ra Quốc hội chỉ là để hợp thức hóa thôi.”
Không chỉ vậy, Chính phủ trước đây chỉ trình các báo cáo trực tiếp các cơ quan Đảng mà không trình sang Quốc hội. Khi Bộ Chính trị đã kết luận rồi, thì Chính phủ mới đưa sang bên Quốc hội. Ông Phúc cho rằng hiện có xu hướng đổi mới, vì Bộ Chính trị đã để những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Đảng Đoàn Quốc hội có ý kiến trước, các cơ quan Quốc hội giờ “cũng đã có ý kiến.”
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kiểu trao thẩm quyền, như vua trao cho Bao Công Thượng Phương Bảo Kiếm, chém ai cũng được, nhưng không được chém trái ý vua. Vậy thì làm sao Quốc hội còn được xem là cơ quan quyền lực nhất nhà nước Việt Nam?
Khi Đảng nắm quyền quyết định Quốc hội được ra luật gì, không khó để hiểu lý do vì sao Quốc hội không ra được Luật Biểu tình. Đảng biết rõ hơn ai hết sức mạnh của các cuộc biểu tình, vì họ là bậc thầy về tổ chức biểu tình trong suốt lịch sử của mình./.

Để nhà nước có trách nhiệm, dân phải làm gì ?


Fb. Đỗ Ngà

Hàng hóa trong một đất nước là do nhân dân làm ra. Tiền tệ lưu hành trong một đất nước là do nhà nước in ra. Tổng giá trị hàng hóa sẽ quyết định giá trị đồng tiền. Ví dụ toàn dân làm ra được 100 tấn gạo mà nhà nước in ra 100 đồng thì mỗi tấn gạo có giá 1 đồng.
Dân tăng sản lượng hàng hàng hóa rất chậm chạp và khó khăn. Ví dụ năm nay tôi sản xuất ra 20 tấn gạo, sang năm có nỗ lực lắm thì tôi cũng chỉ sản xuất ra 21 tấn, tức tăng 5%. Thế nhưng để in tiền, nhà nước chỉ làm một động tác đơn giản là in ra. Tiền lưu hành trong dân là 100 đồng, nhà nước in thêm 100 đồng cũng rất đơn giản. Chứ dân đang sản xuất 100 tấn gạo mà buộc họ sản xuất thêm 100 tấn nữa khó khăn vô cùng.
Chính vì nhà nước giữ quyền in tiền, dân trách nhiệm sản xuất để định giá đồng tiền, nên trách nhiệm giữ giá đồng tiền của nhà nước là cực kỳ quan trọng. Đó là trách nhiệm của nhà nước, và nhân dân đòi hỏi nhà nước phải có trách nhiệm đó.
Tiền là vật trung gian trao đổi, có tiền bạn sẽ lấy hàng hóa. Để sản xuất hàng hóa thì khó khăn, để in tiền thì dễ dàng. Nên khi in ra nhiều tiền, nhà nước hút hết tài sản dân về túi mình, và làm dân nghèo đi khi đồng tiền mất giá. Tháng trước 10 triệu sống đủ, tháng này 10 triệu sống thiếu thốn, đó là bạn đã bị nhà nước móc túi.
Thế nào là nhà nước có trách nhiệm? Nhà nước có trách nhiệm là không được in tiền quá nhiều làm mất giá đồng tiền nhằm bảo vệ tài sản toàn dân. Nhà nước có trách nhiệm là phải bảo vệ môi trường, bảo vệ nền sản xuất của nhân dân và bảo vê cuộc sống cộng đồng. Nhà nước có trách nhiệm là nhà nước dùng hàng rào thuế để bảo vệ nền sản xuất nhân dân chứ không phải để siết cổ họ. Và nhiều vấn đề trách nhiệm khác nữa.
Khi nhân dân không kiểm soát nhà nước mà để cho nhà nước lọt vào tay một đảng phái thì với sự độc chiếm quyền lực, nó sẽ móc túi, bóp cổ dân, giết chết nền sản xuất của một đất nước. Để đơn giản thì có thể hình dung thế này, dân sản xuất nên cần phải có sự che chở của nhà nước chứ không phải là sự quấy phá làm tiền. Nếu để nhà nước cho 1 mình ĐCS kiểm soát thì nhà nước đó sẽ bóp cổ dân để nặn cho ra tiền làm giàu cho đảng cho cán bộ vì không có dân kiểm soát. Nguyên tắc, tôi làm ra của cải, tui đóng tiền nuôi anh thì tôi phải kiểm soát anh là điều bắt buộc. Chính vì lẽ đó dân phải đòi ĐCS từ bỏ độc quyền lãnh đạo để mở đường cho sự cống hiến, tạo cơ hội cho thế hệ sau làm giàu cho chính mình và làm giàu cho đất nước.
Trong tình hình Đảng độc tài ra sức hại nước nghèo đói, hại dân đến cực khổ, thì sự đòi hỏi là bắt buộc. Trong các sự đòi hỏi đó, biểu tình là một đặc quyền không cần Đảng ban cho dân mà dân phải tự giành lấy. Trật tự trong vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay cần phải phá vỡ. Phải biểu tình đòi yêu sách như một thói quen của một dân tộc. Trong quá trình biểu tình, sự phản ứng quá khích của dân là do sự hung hăng của chính quyền đã đẩy họ đến con đường đập phá, vì chính quyền đã đẩy uất hận nhân dân đến điểm cực độ. Có chính quyền độc tài mới có biểu tình đòi dân chủ, nguyên nhân biểu tình là do độc tài chứ không phải do dân thích biểu tình. Đấy là bản chất vấn đề.
Có một số người cho rằng dân đập phá là quá khích. Thế nhưng yếu tố hung hăng thủ đoạn của chính quyền lại không xét đến. Sự hung hăng, thủ đoạn cấy người vào đoàn biểu tình ôn hòa gây rối để lấy cớ đàn áp là vấn đề khốn nạn mà nhiều người đánh giá về biểu tình đã cho qua.
Nhưng dân chủ hóa là gì? Là đi tìm sự thịnh vượng cho nhiều thế hệ mai sau, tìm sự thịnh vượng cho đất nước, giải cứu đất nước khỏi nanh vuốt Trung Cộng. Giá trị dân chủ mang lại là rất lớn, nên việc đập phá vài phương tiện trong một cuộc biểu tình mất kiểm soát chẳng là cái gì so với mục đích của sự đòi hỏi quyền lợi thông qua biểu tình. Nên phải xây dựng suy nghĩ dám bất chấp sự cấm đoán vô lí của chính quyền để đi đến thói quen đòi hỏi yêu sách bằng biểu tình. Nhân dân là thành phần cốt lõi của một đất nước, dân phải biết nói “mầy cấm tao cũng biểu tình” chứ đừng chỉ biết van xin chính quyền cho mình quyền biểu tình.
Cuộc sống dân chúng ta có trách nhiệm làm ra của cải cho xã hội, nhà nước có trách nhiệm là nhà nước phải do dân kiểm soát. Phải biểu tình đến chừng nào loại bỏ được CS. ĐCS không có quyền tự cho mình độc chiếm quyền lực, nhân dân không thể cho phép họ làm vậy. Nhân dân phải biết giật lấy quyền kiểm soát nhà nước về tay mình, đừng để số phận mình cho chúng muốn quyết sao quyết./.

Đang khổ vầy mà ông thủ tướng cứ thích giỡn!



Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn có “vấn đề” liên quan “tư duy địa lý” hơn là tư duy phát triển. Ông “định tính” cho nhiều vùng đất với những “thuộc tính” khác nhau. Ông có thể không là “nhà kỹ trị” với tư duy 4.0 như được kỳ vọng nhưng ông hẳn nhiên có một bộ óc địa lý hóm hỉnh và luôn nhìn tương lai với ánh mắt lạc quan vượt mọi khả năng tưởng tượng. Ông nhìn xuyên suốt từ Bắc xuống Nam, từ Thanh Hóa đến đồng bằng Cửu Long, từ Tây Nguyên xuống Khánh Hòa. Ông dường như cũng thích khái niệm “cô gái đẹp ngủ quên” và ông cũng bị nỗi ám ảnh không dứt bởi Singapore và Hong Kong. Ông đã nhắc đến điều ấy dăm ba lần. Và ông vừa thích “đầu tàu” vừa mê “thủ phủ”! Ông tha chúng tôi đi! Đang khổ vầy mà ông cứ thích giỡn!
– Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới
– Thanh Hoá là một Việt Nam thu nhỏ
– Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước
– Khánh Hoà là hình mẫu của một chính quyền đối thoại
– Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài
– Hà Tĩnh, Thanh Hoá là cực tăng trưởng mới
– Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử sáng tạo của châu Á và thế giới
– Tây Nguyên là cô gái đẹp đang ngủ quên
– Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện
– Bình Dương phải trở thành đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước
– Bình Phước phải là thủ phủ của nông nghiệp công nghiệp cao
– Cao Bằng phải là một hình mẫu vượt khó vươn lên thoát nghèo
– Ninh Bình phải được xây dựng thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế
– Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam
– Hà Nội phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo
– Thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông
– Đà Nẵng phải là thành phố độc đáo, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới
– Đà Nẵng phải phát triển như Singapore và Hong Kong
– Hải Phòng phải là đầu tàu quan trọng của cả nước
– Ninh Thuận là Tây Á thu nhỏ của Việt Nam
– Đồng bằng sông Cửu Long phải là nền nông nghiệp thông minh
– Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước
– Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế
– Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước
– Cần Thơ phải là đầu tàu phát triển của vùng
– Phú Yên như cô gái đẹp ngủ quên
……..
https://chantroimoimedia.com/2018/06/21/dang-kho-vay-ma-ong-thu-tuong-cu-thich-gion/