Monday, May 23, 2016

Những nhà đấu tranh nghĩ gì về cuộc bầu cử vừa qua

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA 2016-05-23 
000_B23S6.jpg
Hai dân phòng đang sử dụng điện thoại di động tại bàn phát phiếu bầu ở một điểm bầu cử ở Hà Nội hôm 22/5/2016.  AFP photo
Kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp đã kết thúc vào ngày 22/5/2016. Tuy nhiên dư âm của cuộc bầu cử vẫn chưa chấm dứt.
Hiện tượng bất tuân dân sự trong kỳ bầu cử
Từ Sài Gòn, blogger Phạm Thanh Nghiên cho rằng, việc tẩy chay hay đi bầu cử nhưng gạch bỏ toàn bộ danh sách những ứng cử viên, hoặc chọn tất cả danh sách những ửng cử viên… đều là hành động bất tuân dân sự.
Chị Phạm Thanh Nghiên nói thêm:
“Tôi nghĩ rằng những hành động trên đều là hình thức bất tuân dân sự, và nó rất cần thiết, bởi vì chúng ta biết từ khi đảng cộng sản lên nắm quyền đến nay, chúng ta thật sự không có quyền tự do bầu cử, cũng như không có quyền tự do ứng cử. Nên những cuộc bầu cử như thế này là giả hiệu, họ chỉ bầu lên một quốc hội bù nhìn mà thôi, bởi vì người dân không có bất kỳ quyền nào để can dự đến các vấn đề của đất nước. Cho nên việc tẩy chay bầu cử hay gạch toàn bộ danh sách là một hình thức bất tuân dân sự, nói lên tiếng nói dứt khoát của người dân, dứt khoát nói không với cuộc bầu cử giả hiệu”.
Việc tẩy chay bầu cử hay gạch toàn bộ danh sách là một hình thức bất tuân dân sự, nói lên tiếng nói dứt khoát của người dân, dứt khoát nói không với cuộc bầu cử giả hiệu.
- Chị Phạm Thanh Nghiên 
Anh Nguyễn Thiện Nhân đang sống tại Bình Dương cho biết, những người dân ở nơi anh sống đều đi bỏ phiếu bầu cử, nhưng là ‘bầu thay’, chồng bầu thay cho vợ và cả con cái. Dân ở đây vẫn nhờ người bầu thay bởi vì họ vẫn còn sợ chính quyền, sợ sự sách nhiễu, trả thù của chính quyền khi họ không đi bầu cử. Bên cạnh đó do chính sách tuyên truyền của ban tuyên giáo rằng, bầu cử là quyền và là nghĩa vụ nên người dân lại càng sợ hơn.
Anh Nguyễn Thiện Nhân tiếp lời.
“Còn tôi thì tẩy chay bầu cử nghĩa là không đi, còn mẹ tôi do bị bệnh nên không đi bầu cử được, và tổ bầu cử đã đem thùng phiếu đến nhà cho mẹ tôi bỏ phiếu. Nhưng tôi nói với tổ bầu cử rằng, mẹ tôi bệnh và không biết gì bầu cử nên sẽ không bầu. Sau đó tổ bầu cử nói tôi ‘bầu thay’ cho mẹ, nhưng tôi từ chối bởi luật pháp không cho phép bầu hộ, bầu thay, cho dù là con cũng không được bầu thay cho mẹ, sau đó họ bỏ về”.
Anh Nguyễn Thiện Nhân còn nói thêm, thái độ bất tuân dân sự của người dân còn thể hiện qua việc người dân gạch chéo, nhàu, xé, thậm chí bỏ thẻ cử tri của họ vào sọt rác, thái độ của họ là dứt khoát nói không với hình thức ‘đảng cử - Dân bầu”.
Từ thủ đô Hà Nội, anh Lã Việt Dũng chia sẻ về việc người dân không chấp nhận hình thức ‘đảng cử - Dân bầu’ tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV:
“Chuyện người dân không đồng ý việc bầu cử mang tính hình thức ‘đảng cử - Dân bầu’ cũng là chuyện bình thường, bởi bầu cử là quyền chứ không phải là nghĩa vụ, còn cách thể hiện như thế nào thì mỗi người đều có một chính kiến riêng”.
Định hướng bầu cử?
Trong ngày bầu cử 22/5/2016, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều hình ảnh liên quan đến việc bầu thay, bầu giùm, rồi xuất hiện bàn gạch giúp danh sách ứng cử viên tại các địa điểm bầu cử, tiếp đến là những văn bản ‘định hướng trúng cử’ từ phía chính quyền.
Anh Lã Việt Dũng kể về việc anh được chứng kiến khi anh đi tham dự bầu cử:
“Trong lần bầu cử này, tôi chứng kiến việc đó, có một ông cụ cầm rất nhiều lá phiếu, tôi mới hỏi tại sao cụ lại có nhiều lá phiếu như thế? Cụ già bảo rằng, cụ đi bầu cử giùm đứa con trai, ngay lập tức cậu cán bộ ở điểm bầu cử giật mình và kéo cụ già đi khỏi điểm bầu cử ngay lập tức. Việc bầu hộ, tôi chắc chắn là có thấy, việc có hay không danh sách ‘định hướng trúng cử’, tôi nghĩ rằng những lần trước cũng như vậy.”
000_B23S9.jpg-400.jpg
Cử tri đang điền phiếu bầu tại một điểm bầu cử ở Hà Nội hôm 22/5/2016. AFP photo
Ngoài những việc nêu ở trên, trên mạng xã hội Facebook còn đăng tải thông tin về việc một số địa phương còn chi một số tiền từ 30.000 – 100.000 vnđ/một người, khi họ tham gia bầu cử.
Facebooker Nghiêm Việt Anh chia sẻ trên Facebook của ông về việc cử tri nhận được quà và tiền khi tham gia bầu cử, việc này xảy ra ngay nơi ông sinh sống:
“Chiều nay nghe mấy người quen ở phường tôi ở, nói rằng những người được mời đến khai mạc điểm bầu cử, sẽ được tặng cái máy đo áp huyết điện tử, ngoài ra những người bỏ xong trước tám giờ sáng, được phát phong bì 50 nghìn”.
Kết cho chia sẻ đó ông thốt lên rằng: ‘Dân chủ, dân chủ đến thế là cùng, tiên sư nhà sản!’
Anh Nguyễn Thiện Nhân lại cho rằng, có hiện tượng này là do một số địa phương chạy đua thành tích với nhau, chạy đua để báo cáo và sự việc này chỉ xảy ra ở một số địa phương mà thôi.
Anh Nguyễn Thiện Nhân giải thích thêm về nguyên nhân:
“Chính quyền một số địa phương đã đoán được năm nay sẽ có số người đi bầu ít hơn kỳ bầu cử trước, cho nên họ đã lo lắng và họ đã chi ra một số tiền nhỏ để vận động người dân đi bầu cử, họ muốn có tỉ lệ bầu cử cao để báo cáo lên cấp trên mà thôi.”
Blogger Phạm Thanh Nghiên lại cho rằng, việc chi một số tiền để dụ người dân đi bỏ phiếu không phải mới xảy ra lần đầu, trong các kỳ bầu cử trước đây đều đã xuất hiện vấn nạn này. Và việc ‘định hướng trúng cử’ từ phía chính quyền còn hiêng ngang xuất hiện, biểu hiện của việc này là việc các bàn gạch giùm danh sách ứng cử viên, văn bản ‘định hướng trúng cử’ xuất hiện rất nhiều nơi, và hình ảnh này được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội Facebook.
Việc bầu hộ, tôi chắc chắn là có thấy, việc có hay không danh sách ‘định hướng trúng cử’, tôi nghĩ rằng những lần trước cũng như vậy.
- Anh Lã Việt Dũng
Giải thích về việc tại sao báo chí nhà nước lại đưa tin rằng, có rất nhiều địa phương như Hà Nội… có 100% cử tri đi bỏ phiếu, Blogger Phạm Thanh Nghiên nói:
“Không phải chỉ có cuộc bầu cử này mới có chuyện này, mà đã có từ các kỳ bầu cử từ trước đến nay, thậm chí là có khoảng 50 – 60% cử tri đi bầu, thì báo chí nhà nước sẽ nói ‘vống’ lên là có hơn 90%, thậm chí 100% người dân đi bầu, vì truyền thông trong tay họ, quyền lực trong tay họ, nên họ muốn làm gì cũng được”.
Anh Lã Việt Dũng nhận xét về lối hành xử của chính quyền rằng, trong quá trình bầu cử chính quyền đã bỏ rất nhiều tiền để tuyên truyền, nhằm phục vụ cho mục đích chính trị xấu xa của họ là tìm kiếm sự ‘chính danh’ trong mắt của người dân.
Anh Lã Việt Dũng tiếp lời: “
“Tôi thấy qua kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIV này cho thấy chính quyền ngày càng giải dối hơn, phải nói thật như thế. Họ đưa lên truyền thông rất rầm rộ, chi tiêu rất là tốn kém, họ cố gắng chứng với thế giới rằng, đây là một cuộc bầu cử và một quốc gia dân chủ”
Cuối cùng anh Lã Việt Dũng gửi thông điệp đến những người dân Việt Nam thông qua cuộc bầu cử rằng, người dân hãy hiểu rõ bản chất của việc bầu cử và chế độ dân chủ giả hiệu tại Việt Nam, và đừng quá hy vọng vào những lời nói từ chính quyền cộng sản Việt Nam, mà hãy nhìn những việc họ làm.

Đường lối lẩm cẩm

Từ trái: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Từ trái: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Không biết ai là người đề ra cái sáng kiến đường lối chính trị dở hơi này. Đó là ‘’tách xa bành trướng đôi chút nhưng không dứt xa, nghĩa là vẫn gắn chặt với bành trướng’’ và ‘’xích lại gần Hoa Kỳ và phương Tây một chút nhưng không kết bạn chiến lược’’.

Đường lối của bọn con buôn gian xảo, có tính toán tâm lý chi ly.
Nhìn kỹ ra đó là tư duy của anh bần nông thiển cận, nhìn không quá lũy tre làng, không xa hơn cái ao nhà, tính tóan bủn xỉn thiệt hơn, để rồi mất sạch vì không có nhãn quan xa rộng, khoa học. Đó là lập trường ba phải, lơ lửng con cá vàng. Họ giả vờ lên án bọn bành trướng có khi với những lý lẽ lâm ly, mỉa mai, xúc động, nhưng vẫn không sao dứt tình nổi vì trót quá gắn bó thề thốt mất rồi, vì sợi dây trói Thành Đô quá chặt, Mật ước Thành Đô chứa quá nhiều chất mật ngọt. Họ liếc mắt đưa tình với các đại diện của Hoa Kỳ, cố bắt tay có vẻ chặt, nụ cười làm ra vẻ tươi nhưng thật ra lại sợ bọn bành trướng nhăn mặt quở phạt nên không dám mon men leo lên mối ‘’quan hệ chiến lược’’ mà phía Mỹ chân thành chìa tay mời mọc.
  
Không có sự lầm lạc nào giống sự lầm lạc nào. Lầm lạc đi vào con đường cộng sản ở Đại hội Tours/ 1920, rồi lầm lạc chui đầu vào cái cũi Thành Đô/1990, 26 năm nay, đến nay vẫn không bừng tỉnh nổi. Lẽ ra khi Liên Bang Xô Viết và Đảng CS Liên xô tan tành cuối năm 1991, lãnh đạo CS VN thay vì phải giật mình thức tỉnh, tự chặt cái đuôi CS cồng kềnh để đi vào con đường dân chủ văn minh thì họ lại chui vào cái thòng lọng Thành Đô, tự nguyện biến thành con tốt đen của bọn bành trướng trơ trọi, là cái đuôi nhỏ xíu của thoái trào cộng sản đang rẫy chết không sao tránh khỏi.
Có thể nói lần này Bộ Chính trị lại từ chối sự cấp cứu quý báu nhiệt tình của thế giới văn minh, một sự cấp cứu hệ trọng, đúng lúc, toàn diện, được chính đích thân nhà lãnh đạo cao nhất của Thế giới phương Tây mang đến do có lợi lớn cho cả hai bên, theo Win – Win Strategy.
Thế là lại đi đứt một dịp may hiếm có của dân tộc, của nhân dân, không biết đến bao giờ mới vĩnh biệt cái của nợ XHCN vang bóng một thời, nay chỉ còn là cái bóng ma lờ mờ hư ảo.
Lầm lẫn lần này khác hẳn với các lầm lẫn cũ là nhân dân không còn ù lỳ phó mặc cho đảng cộng sản muốn dắt dẫn đi đâu thì đi. Không thể thế được nữa rồi. Nhân dân đã thức tỉnh. Trí thức đã tỉnh ngộ. Thanh niên đã trưởng thành nhanh với các công cụ lợi hại, internet, blog cá nhân, facebook, điện thoại cầm tay..., vẫy gọi nhau xuống đường đòi tự do dân chủ, đòi nhân quyền, chất vấn lãnh đạo, gây sức ép xã hội, quyết không buông mặc cho số phận trôi nổi bất định.
Cuộc bầu cử ‘’đảng chọn dân bầu‘’ lặp đi lập lại lần thứ 14 là quá đáng, quá quắt quá rồi. Trên thế gian này không đâu có nền dân chủ trong đó duy nhất một đảng ra tranh cử, chia ghế với nhau, quay lưng lại với nhân dân, lại còn đàn áp, đầy đọa các chiến sỹ yêu nước thương dân, yêu dân chủ và nhân quyền.
Cần phải đặt lại vấn đề giá trị của cái Quốc hội độc đảng, cái quái thai giữa thế giới dân chủ văn minh, đặt lại vấn đề tính chính đáng của một Quốc hội độc đảng, tính hợp hiến và hợp pháp của một chính phủ độc đảng tham nhũng quan liêu tự nguyện làm tay sai cho bành trướng, nhượng hết biển đảo, quặng, rừng, của chìm của nổi cho chúng, cho bọn Tàu chiếm đóng khắp nơi.
Một Tòa án Dân tộc, một Hội đồng Cứu nguy Dân tộc cần được đặt ra trong chương trình làm việc của nhân dân, của mọi tổ chức yêu nước trong và ngòai nước trong thời gian trước mắt, vì tình hình đã xấu đến cùng cực trên mọi mặt, từ kinh tế, tài chính đến quốc phòng, an ninh và xã hội, trật tự trị an đến văn hóa đạo đức, vượt quá sự chịu đựng và kiên nhẫn của toàn dân.
Lối thoát nào cho đất nước, cho nhân dân phải là suy tư của mọi người dân yêu nước lúc này. Ắt tìm, ắt thấy, còn đường nô lệ, Bắc thuộc, giáo điều, lụn bại, diệt vong không thể là định mệnh cho dân tộc VN ta trong thế kỷ XXI này.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

‘Cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam còn dài và gian khổ’

Tổng thống Barack Obama (trái) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23 tháng 5 năm 2016.
Tổng thống Barack Obama (trái) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23 tháng 5 năm 2016.
Chuyên cơ của Tổng Thống Mỹ đáp xuống phi trường Nội Bài, Hà nội đêm hôm 22/5 trong một chuyến thăm lịch sử có tính bước ngoặt, dọn đường cho việc bình thường hoá toàn diện các quan hệ song phương với quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.
So với tầm quan trọng của chuyến thăm, cung cách nhà lãnh đạo Mỹ được nghênh đón tại phi trường có vẻ khá giản dị, phái đoàn ra đón ông tại phi trường gồm một số quan chức cấp thấp và một thiếu nữ mặc áo dài màu vàng ôm theo bó hoa. Tổng Thống Obama nhận hoa, bắt tay những người hiện diện và nhanh chóng lên xe về khách sạn.
Các nghi lễ chính thức chào mừng ông chỉ bắt đầu ngày hôm sau, thứ Hai 23/5, khiến một số người mang ra so sánh với những nghi lễ long trọng khi các giới chức cấp cao Việt Nam ra nghênh đón Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân vào tháng 11 năm ngoái.
Giới quan sát Việt Nam trong và ngoài nước nghĩ gì về quyết định tháo cấm vận vũ khí và chuyến thăm của vị Tổng Thống Mỹ? Hai nhà đấu tranh cho dân chủ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở trong nước, và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ở bang Virginia, Hoa Kỳ trao đổi với Ban Việt ngữ-VOA.
Nhiều người dân Việt Nam đã đổ ra đường để chào mừng vị Tổng Thống Mỹ thứ ba tới thăm Việt Nam kể tử khi chiến tranh chấm dứt. Một nhà quan sát ở trong nước, cũng là một nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói với VOA –Việt ngữ:
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Suốt từ hôm qua cho tới nay, có thể nói là người dân ở Hà nội nói riêng và Việt Nam nói chung chào đón nhiệt tình cuộc viếng thăm của Tổng Thống Hoa Kỳ đến Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng việc phát triển mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được người dân Việt Nam ủng hộ một cách rất là nhiệt thành.”
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong tại bang Virginia, Hoa Kỳ, nói đã tới lúc phải có bước đột phá trong quan hệ Việt Mỹ, và quyết định tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí là điều tất nhiên. Ông nhận định:
“Tôi không ngạc nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí vì tình hình ở Biển Đông càng ngày càng căng thẳng, và ý đồ của Trung Quốc chiếm giữ Biển Đông đã rất rõ, thành ra tôi nghĩ là đã đến lúc Mỹ cần phải dứt khoát rõ ràng về vấn đề này. ”
Ông cho rằng những yếu tố chính đưa đến quyết định của chính phủ Mỹ thứ nhất, là tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh lộ rõ ý đồ và quyết tâm độc chiếm vùng biển này, và thứ nhì, việc xảy ra trùng hợp với nguyện vọng của phía Việt Nam thực sự muốn thoát Trung.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Dạ tôi nghĩ là tình hình căng thẳng ở Biển Đông và ý đồ bành trướng của Trung Quốc cũng như là phản ứng của một số quốc gia Đông Nam Á trong thời gian gần đây chống ý đồ đó của Trung Quốc, và nhất là bản thân của Việt Nam cũng càng ngày càng muốn xa lánh dần cái ảnh hưởng của Trung Quốc để mà đối phó với nguy cơ đó.”
Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt.
Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nói ông tin rằng Việt Nam sẽ có những bước hành động để đáp ứng quyết định của Mỹ tháo bỏ cấm vận vũ khí sát thương và hoàn toàn bình thường hoá các quan hệ bang giao với cựu thù. Ông cho rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là bước kế tiếp tất nhiên trong tiến trình xích lại gần nhau giữa hai nước cựu thù. Ông nói động thái mới nhất và chuyến đi thăm của Tổng Thống Obama mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác Việt-Mỹ, đặc biệt liên quan tới vấn đề an ninh khu vực. Ông cho rằng bước đột phá này rốt cuộc sẽ dẫn tới những thay đổi toàn diện về kinh tế và xã hội tại Việt Nam.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Vấn đề an ninh khu vực tôi nghĩ là rất quan trọng, tất nhiên là Việt Nam sẽ phải có những thay đổi để đáp ứng quyết định đó, cũng như thời kỳ đầu mà bỏ cấm vận thương mại. Giai đoạn tới đây sẽ là thay đổi rất là quan trọng về vấn đề xã hội, chính trị… Chắc chắn Việt Nam sẽ phải chấp nhận xã hội dân sự và phải chấp nhận công đoàn tự do, là điều mà TPP cũng đòi hỏi. Thành ra cái giai đoạn tới đây sẽ là giai đoạn sẽ có khá nhiều thay đổi khá nhiều và toàn diện về mặt chính trị, xã hội, văn hoá ở tại Việt Nam.
Việc các giới chức cấp cao của Việt Nam không ra đón Tổng Thống Obama ở phi trường Nội Bài mà cử các quan chức thấp hơn và một thiếu nữ mặc áo dài vàng mang hoa ra đón Tổng Thống Obama tại phi trường Nội Bài đêm hôm qua, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng đấy chỉ là hình thức, chứ không quan trọng về mặt thực chất.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Các nghi cách ngoại giao thì cũng ‘hơi đặc biệt’ nhưng tôi thấy cái đó không quan trọng mà chắc chắn người Mỹ cũng không cho đó là quan trọng. Cái điều mà tôi nghĩ mọi người quan tâm là sự tiến triển của mối quan hệ nó tới đâu? Và có một điểm mà tôi rất là quan tâm mà ở trong nước những nhà hoạt động cũng bắt đầu phản ứng rồi, đó là việc Tổng Thống Obama chọn một ngôi chùa để thăm, cái chùa đó là một chùa tàu, nó không phải là chùa Việt Nam.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A có ý kiến như sau về vấn đề này:
“Thật sự người dân Việt Nam cũng so sánh khi ông Tập Cận Bình sang thì ông Đinh Thế Huynh, ông Hoàng Bình Quân rồi thì ông Phạm Bình Minh ra, rồi thì bắn 21 phát đại bác, thế này thế kia.. Rồi đến ông Obama thì nó không có cái sự long trọng như thế, cái đó nó cũng gây cho người dân sự thắc mắc. Nhưng thực sự là người dân Việt Nam đã đổ ra đường chào đón ông Obama, chẳng có ai kêu gọi gì cả. Còn có những ông khách đến thì thường là nhà nước họ phải lùa người ra, nhưng đây thì không có ai bảo ai cả mà người ta vẫn cứ đổ ra đường người ta chào đón ông Tổng Thống Hoa Kỳ thì tôi nghĩ rằng là chính cái sự thực lòng như thế từ người dân thì quan trọng hơn nhiều so với cái nghi lễ ngoại giao như chị nói.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định chuyến đi của Tổng Thống Obama là một dấu mốc rất quan trọng trong việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mặc dù ông thừa nhận rằng chuyến đi đó có thể không mang lại những thay đổi cần có về mặt nhân quyền và dân chủ và cuộc đấu tranh ở trong nước để đòi các quyền này trước mắt, còn lắm cam go.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Cũng có những người thất vọng nhiều về việc tình hình nhân quyền không được cải thiện trong mấy tháng vừa qua. Tôi thì tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh còn rất dài và gian khổ. Cũng không thể kỳ vọng là có một sự cải thiện hay là một sự trao đổi gì đó… Mang thân phận con người, phải mang quyền con người ra mà trao đổi thì thật là đáng tiếc.”
Đặt vấn đề nhân quyền sang một bên, cả hai nhà hoạt động trong và ngoài nước đều hoan nghênh chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Mỹ Barack Obama. Họ coi đây là một cơ hội cho vận mạng dân tộc trước hiểm hoạ phương Bắc, một sự kiện bước ngoặt diễn ra trong bối cảnh các hành động của một Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết tâm hơn trong cố gắng thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.

VietJet ký hợp đồng ‘khủng’ với Boeing nhân chuyến thăm của TT Obama

Lãnh đạo Boeing và Vietjet Air trao hợp đồng trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh chụp màn hình trang web vnexpress.net
Lãnh đạo Boeing và Vietjet Air trao hợp đồng trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh chụp màn hình trang web vnexpress.net
VOA-24-05-2016
Hãng hàng không VietJet của Việt Nam đã ký một đơn hàng mua 100 chiếc máy bay Boeing 737 MAX 200 trị giá 11,3 tỉ đôla hôm thứ Hai và trở thành hãng hàng không giá rẻ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Hợp đồng, được ký kết trong thời gian Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Việt Nam, cho thấy cú ‘lội ngược dòng’ của Boeing khi VietJet chỉ khai thác máy bay Airbus A320 của châu Âu kể từ khi hãng này bắt đầu hoạt động vào tháng 9 năm 2011.
VietJet cũng ký một hợp đồng mua động cơ trị giá 3,04 tỉ đôla với Pratt & Whitney, một đơn vị của United Technologies, cho 63 máy bay Airbus trong tổng số 99 chiếc mà hãng đã đặt mua và 7 chiếc được thuê từ năm 2013.
Hiện nay, hãng hàng không VietJet có 36 máy bay Airbus đang được sử dụng, và những máy bay Boeing sẽ nâng số lượng máy bay của hãng lên 200 chiếc vào cuối năm 2023, có khả năng vượt qua hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airlines hiện có 89 chiếc đang hoạt động.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: "Sự đầu tư vào đội máy bay B737 Max 200 sẽ đáp ứng chiến lược phát triển mạng lưới đường bay quốc tế sắp tới của VietJet, bao gồm các chuyến bay đường dài”.
VietJet đã phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á trong khi cạnh tranh với Vietnam Airlines tại thị trường nội địa và hợp đồng với Boeing là thỏa thuận đặt mua máy bay lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam.
Theo một báo cáo hồi tháng 1 của Trung tâm Hàng không CAPA, hãng hàng không giá rẻ VietJet chiếm 40% thị phần trong nước và có lẽ sẽ vượt qua Vietnam Airlines trong năm nay để trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất.
VietJet có tham vọng trở thành hãng hàng không giá rẻ liên khu vực theo con đường của AirAsia của Malaysia và Lion Air của Indonesia là những hãng cũng đã đặt mua hàng trăm máy bay cỡ nhỏ như A320 và Boeing 737.
Thị trường hàng không Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua, được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của những hãng hàng không cung cấp các lựa chọn tốt hơn cho tầng lớp trung lưu.
VietJet của Việt Nam và Lion Air của Indonesia là hai hãng duy nhất trong số các hãng hàng không giá rẻ sử dụng cả Airbus A320 và Boeing 737 khi mà việc vận hành hai loại máy bay cùng một lúc là khá tốn kém.
B737 Max và A320neo đều là các phiên bản đã nâng cấp và hứa hẹn tiết kiệm nhiên liệu hơn và chi phí vận hành thấp hơn.
Theo Reuters, Financial Times

TT Obama ăn bún chả Hà Nội, và tỏ ý muốn uống cà phê sữa đá

Tổng thống Barack Obama ăn bún chả Hà Nội cùng đầu bếp nổi tiếng trên truyền hình Hoa Kỳ Anthony Bourdain. Ảnh chụp màn hình trang Instagram Anthony Bourdain.
Tổng thống Barack Obama ăn bún chả Hà Nội cùng đầu bếp nổi tiếng trên truyền hình Hoa Kỳ Anthony Bourdain. Ảnh chụp màn hình trang Instagram Anthony Bourdain.
VOA-24-05-2016
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ăn tối cùng đầu bếp nổi tiếng trên truyền hình Hoa Kỳ Anthony Bourdain tại Hà Nội hôm thứ Hai.
Hai người đã đến nhà hàng Bún chả Hương Liên gần khu phố cổ. 
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ và Anthony Bourdain sẽ được phát trong chương trình du lịch và ẩm thực “Parts Unknown” của Bourdain trên đài CNN vào tháng 9 tới.
Bữa ăn tối nổi bật của ông Obama đã thu hút một đám đông người dân đứng trên vỉa hè từ khách sạn nơi ông ở đến địa điểm ăn tối.
Theo một phóng viên, hàng trăm người đã tụ tập trên phố bên ngoài nhà hàng, để mong được thoáng nhìn thấy Tổng thống Mỹ.
Bà Liên, chủ nhà hàng bún chả, cho biết cách đây khoảng 1 tuần đã có người đến đặt khoảng 50 suất cho đoàn làm phim của Mỹ ăn. Nhưng đến mãi chiều ngày 23 tháng 5, gia đình bà mới biết đó là Tổng thống Obama.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Hà Nội trước đó, ông Obama cũng nhắc đến cà phê sữa đá của Việt Nam.
Ông Obama nói: “Tôi đang mong chờ có cơ hội trò chuyện với người dân Việt Nam. Có thể tôi sẽ thưởng thức cà phê sữa đá”.
Ngày 24 tháng 5, trong một sự kiện cuối cùng trước khi Tổng thống rời Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục chuyến thăm Việt Nam, nữ ca sĩ Mỹ Linh sẽ hát Quốc ca Việt Nam trước Tổng thống Barack Obama.
Theo The Hill, Tuổi trẻ, VTC, VnExpress

Sài Gòn đón Obama như đón 'bạn cũ'

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN 
Ngày 24 Tháng Năm, Tổng Thống Barack Obama mới vô Sài Gòn. Nhưng dư luận trong dân chúng Sài Gòn thì đã có từ trước cả tuần nay.

Chúng tôi thực hiện phóng sự này từ vỉa hè Sài Gòn, nơi những quán cóc, nơi tập hợp đủ thứ thành phần của dân Sài Gòn, nơi đúng nghĩa đáng để gọi là “Sài Gòn muôn mặt.”


Dân Hà Nội đổ ra đường đón ông Obama. Còn người Sài Gòn, sẽ đón “bạn cũ” ra sao? (Hình: Linh Pham/Getty Images)

Chúng tôi xin ghi lại chân thực, mọi ý kiến của người dân Sài Gòn mà chúng tôi có dịp tiếp xúc những ngày qua. Và vì lý do bảo đảm an toàn cho “miếng cơm, manh áo” của người được phỏng vấn, xin không nêu tên và không đăng hình ảnh của họ.

Mở đầu phóng sự là một người đàn ông tuổi trung niên, đánh giày nơi vỉa hè Sài Gòn.

Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, anh này cười ngất, và nêu điều kiện bằng giọng bỡn cợt: “Tôi sẽ nói hết sự thật, với điều kiện là khi ông Obama về nước, ổng phải cho tôi lên phi cơ của ổng đi luôn thì tôi mới nói.”

Rồi anh chợt ngưng đùa, nghiêm mặt, chỉ về phía hàng cờ xí, băng-rôn treo đầy trên hè phố Sài Gòn: “Có cái xứ nào như cái xứ này, người ta có bầu rồi mới đẻ, còn xứ mình thì đẻ rồi mới có bầu? Ðó, mấy anh coi, khẩu hiệu kêu dân đi bầu cử treo đầy đường, nhưng dân chưa bầu mà các chức danh họ đã định đoạt xong từ trước, vậy thì dân còn có ý kiến gì nữa?”

Trong một quán bánh canh cá lóc bình dân ở Sài Gòn, chúng tôi tiếp xúc với một người đàn ông trạc ngoài 50, dáng vóc to khỏe.

Người đàn ông nói giọng Quảng Trị, cho chúng tôi biết ông là ngư phủ, chuyên đánh bắt cá vùng ven biển Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân, bên địa phận Huế.

Ông cho biết, từ ngày xảy ra vụ cá chết ở vùng biển miền Trung, cá đánh bắt được không có người mua. Ông phải bỏ vô Sài Gòn phụ bán quán với đứa con gái. Ông nói, nếu mà có ai được gặp ngài Tổng Thống Obama thì xin nói lại với ngài, là giúp Việt Nam tìm ra nguyên nhân cá chết ở biển. Cũng xin Mỹ lên tiếng với Trung Quốc về việc họ cấm đánh bắt cá ở Biển Ðông làm ngư phủ miền Trung hết đường sống.

Rồi ông thở dài: “Hiện chánh phủ trợ cấp cho một người 15 ký gạo một tháng, nhưng chỉ trợ cấp một tháng rưỡi thôi. Sau này không biết tương lai tụi tôi ra sao, vì cũng chẳng biết đến bao giờ biển hết độc, mà dân bây giờ không ai dám ăn cá biển nữa.”

Tại một quán nhậu bình dân, nơi vỉa hè, Quận 5, chúng tôi nghe một người đàn ông đầu bạc, nói giọng oang oang: “Vụ cá chết ở ngoài Trung, cái thằng đại diện Formosa, nó dám hỏi dân mình là chọn thép hay chọn cá? Nó mà ở trong Sài Gòn này thì nó chết mẹ nó với dân Sài Gòn rồi...”

Chúng tôi bước qua bàn, cụng ly làm quen.

Ông cho chúng tôi biết tên là B.K, cựu hạ sĩ, Liên Ðoàn 5, Biệt Ðộng Quân VNCH.

Khi chúng tôi than phiền là ngoài Hà Nội đón tiếp tổng thống Mỹ tưng bừng quá, mà trong này dân chúng coi bộ “yên ắng.” Người đàn ông đầu bạc, cười hiền, nhỏ giọng hẳn: “Mỹ là bạn cũ của Sài Gòn mà!”

Rồi sau khi cụng ly, ông kể về cái năm 1974, nếu như Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ miền Nam thì, ông nói: “Lính tụi tui dư sức tái chiếm lại Hoàng Sa!” Nhưng sau cùng, lệnh hành quân tái chiếm bị trên bãi bỏ, từ đó cho tới ngày miền Nam tan hàng, không còn cơ hội “chạm súng” với Trung Cộng.

Hỏi về tương lai của mối quan hệ Việt-Mỹ, người cựu quân nhân Biệt Ðộng Quân dự đoán, Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí (cùng ngày, Tổng Thống Obama tuyên bố bỏ cấm vận - NV), vì chỉ có cách đó mới tái trang bị cho quân đội Việt Nam trong việc chống Trung Cộng. Ðổi lại, Việt Nam phải để cho Mỹ vô Cam Ranh hoặc Ðà Nẵng, như vậy đôi bên sẽ cùng có lợi trên việc bảo vệ Biển Ðông khỏi thế độc chiếm của Trung Cộng.
Hỏi: Sao ông quá tự tin, khi mà Việt Nam đâu phải là đồng minh của Mỹ?

Người cựu quân nhân cười, hỏi lại: “Trong 10 nước Ðông Nam Á, nước nào năm 1974 dám nổ súng vào tàu chiến của Tàu Cộng? Nước nào mà năm 1979 dám dàn quân suốt tuyến biên giới để đánh nhau với quân Tàu? Nước nào mà lịch sử ngàn năm còn ghi những chiến tích của cha ông chiến thắng quân Tàu hung hãn nhất thời trước?”

Chúng tôi trò chuyện với một cựu quân nhân VNCH khác, nguyên là một hạ sĩ, trưởng xa thiết giáp, thuộc Thiết Ðoàn 10, quân lực VNCH.

Hỏi: Trong trường hợp Mỹ bỏ cấm vận vũ khí, thì mấy ông Cộng Sản Hà Nội cũng đâu có tiền mà mua?
Vị cựu hạ sĩ thiết giáp trả lời: “Dễ lắm! Mua trả góp! Mua trả chậm! Mua trả sau! Thậm chí là... trừ nợ, xóa nợ. Người Mỹ họ làm được hết, cứ vô quỹ đạo của người Mỹ đi thì biết!”

Nói chuyện với một nhà thơ về việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ, nhà thơ phân tích, điều đó gần như là một biểu tượng, nghĩa là phía Mỹ đã mở cánh cửa cuối cùng, coi như chấp thuận “đặt cược” niềm tin nơi Hà Nội. Nếu Hà Nội can đảm bước vô, thì nghĩa là Việt Nam có cơ may trở thành một Nhật Bổn, một Nam Hàn... kế tiếp. Nếu không, thì chỉ còn cách trở thành một quận, huyện của Tàu thôi.

Trò chuyện với một cựu sĩ quan chiến tranh chính trị của VNCH. Ông không quan tâm tới vấn đề vũ khí sát thương, mà cho rằng cả Obama lẫn Nguyễn Xuân Phúc bây giờ chỉ chú tâm vào vấn đề TPP thôi. Vì thực chất Việt Nam đang lâm nguy về kinh tế chứ chưa phải là quân sự. Vụ miền Trung cá chết, đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, chết khô. Quỹ Tiền Tệ Thế Giới, Ngân Hàng Thế Giới ngưng các khoản vay ODA... Nếu TPP sớm đi vô thực hiện, tạo một làn sóng đầu tư mới, giống như sau WTO trước đây, thì Việt Nam kéo lùi được thời gian khủng hoảng kinh tế, ít ra là thêm được một thời gian nữa.

Trả lời về “nút chặn” cuối cùng của TPP đối với Hà Nội là vấn đề công đoàn độc lập. Một nhà văn tự do ở Sài Gòn nhận xét: “Sẽ qua hết thôi! Hiệp định cho phép cần thời gian để thực hiện, hết hiệu lực thì có thể lập một công đoàn giả hiệu, hay có thể là một công đoàn thiệt đi, nhưng cài cắm người kiểm soát, đâu có phải là quá khó đối với Hà Nội?”

Thế đấy! Ngày mai Tổng Thống Obama sẽ tới Sài Gòn. Qua cửa kiếng xe chống đạn, ông sẽ thấy một Sài Gòn, với những đám đông cuồng nhiệt. Nhưng chắc chắn ông không thể thấy những tâm tư riêng biệt của người dân Sài Gòn. Nơi đã từng là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, thời chiến tranh.

23-05-2016 4:39:26 PM 

Đất nước này sự giả dối đã lên ngôi…

Mai Tú Ân-23-05-2016
Thành phố trong những ngày này không biết đi đâu nữa khi chính quyền đã ban hành lệnh cấm không cho người dân tụ họp ở hàng chục khu vực trung tâm, như Nhà Thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, công viên 30/4…



Nhìn những địa điểm đó giờ trống vắng lạ lùng. Những công trình kiến trúc đẹp đẽ đó nhưng không có một bóng người nên trông chúng khác lạ, như những bộ xương xấu xí trơ vơ. Những vòng rào chắn đường đầy kẽm gai cùng những nhân viên công lực mặt mũi hằm hằm khiến cho khiến cho người qua đường mau vội bước chân khi qua đó. 

Nếu tôi cứ muốn đi vào nơi đó thì những khuôn mặt bặm trợn đang gác liền xuất hiện để ngăn cản tôi với những cái lắc đầu lia lịa :”Không được vào vì nơi đây đang sửa chữa” Đang sửa chữa nhưng lại không có một bóng người thợ sửa chữa nào. Dối trá...

Tôi quay gót đi và nhớ lại hôm trước, buổi sáng sớm khi tôi bước ra khỏi nhà thì có 4 người thanh niên đã chặn tôi lại. Đó là những nhân viên thực thi pháp luật đã ngồi trước cửa nhà tôi cả đêm. Giờ thì họ kiên quyết không để tôi bước ra khỏi nhà với lý do thật dối trá và trơ trẽn :”Bọn em lo sức khỏe cho anh thôi”.

Giả dối, dối trá, nói dối tỉnh queo… Những người đó là người thực thi pháp luật nhưng đã hành động sai pháp luật khi cầm giữ những công dân trái phép tại nhà của họ. Và nói dối tỉnh bơ không ngượng mồm.

Ngày bầu cử Quốc Hội, tiếng loa trên các xe chạy ồn ào điệp khúc : "Hãy đi bầu cử để chọn lựa những con người tài năng. Hãy thực hiện quyền công dân của mình. Mỗi người dân một lá phiếu". Nhưng nếu tôi không đi bầu thì tổ trưởng, tổ phó an ninh, CSKV vào thúc giục. Nếu tôi cương quyết không đi thì không sao cả. Một chút có người tươi cười trả tôi biên lai đã bầu. Họ đã bầu hộ tôi rồi. Đã mấy chục năm nay, với bao lần bầu cử đều dối trá như thế.
 
Sự giả dối đã lan tràn, từ trên xuống dưới và ngự trị vững chắc trong đất nước này. Ngay cả cái Tòa Nhà Quốc Hội uy nghi ở Hà Nội thì cũng là những ông bà nghị được Đảng đưa vào và bắt người dân hợp thức hóa đã ngồi chật ở trong đó. Những ứng cử viên độc lập không đảng phái, những người tự ứng cử tự do vào nơi ấy thì đều bị triệt hạ bằng hết với những đòn đánh dưới lưng quần có tên là Hội Nghị Hiệp Thương. Rồi báo chí lề phải đưa tin rằng họ bỏ cuộc hết vì không vượt được qua vòng hiệp thương. Thật dối trá..
.
Cá miền Trung chết kéo dài hàng tháng trời mà chính quyền không đoái hoài, chỉ đến khi người dân quá bức xúc đem cá đổ lên đường quốc lộ 1 thì họ với vào cuộc. Nhưng cũng chẳng đi tới đâu khi nghi can Formosa vẫn bình chân như vại. Nhưng khi người dân bất bình xuống đường biểu tình vì một môi trường sạch thì chính quyền lại hăng hái bất thường, khi đàn áp đánh đập dã man người biểu tình. Những nhân viên CA chìm nổi, AN, QĐ… mặc thường phục đã tấn công bạo hành với những người dân ôn hòa, đánh cả phụ nữ, trẻ con.

Và chính quyền, cùng với hệ thống báo chí, truyền hình lúc này mới lên tiếng thật trơ trẽn rằng tổ chức khủng bố Việt Tân đã trả tiền để kích động, xúi bẩy người dân xuống đường. Thậm chí còn đọc tên một số nhân sĩ trí thức hay người đấu tranh dân chủ trên TV một cách công khai để vu vạ họ một cách thô bỉ nhất.

Sự giả dối ngự trị ở lãnh đạo cao nhất của chính quyền rồi lan tỏa xuống và di căn vào bộ máy cấp dưới và tất cả đã trở thành những kẻ giả dối chuyên nói lời dối trá. Ông TBT Nguyễn Phú Trọng thì tươi cười tuyên bố :”Dân chủ đến thế là cùng”. Ông bí thư thành phố HCM Đinh La Thăng thì không hề lên tiếng khi những cảnh đánh đập người biểu tình ôn hòa ở ngay trước mắt ông. Lực lượng thực thi pháp luật đã đánh đập, trấn áp người dân thì cũng im lặng hoặc biến mất. Nhưng sự giả dối, điêu ngoa thì vẫn còn ở lại trong sự bàng quan vô cảm của tất cả mọi người trong thành phố này, trong đất nước này…

Và căn bệnh giả dối đã trầm trọng hết thuốc chữa rồi.

5 triệu về nơi đâu sau 20 ngày và giải pháp lâu dài nào cho ngư dân?

Nguyễn Anh Tuấn-26-05-2016
13254124_1349180395096850_5168204411076112158_n.jpg
Từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc cứu trợ khẩn cấp cho ngư dân vùng thiệt hại với mức 5 triệu/ghe tàu nằm bờ, đến này đã được 20 ngày, song ngư dân ở Kỳ Anh vẫn cho biết chưa nhận được khoản tiền này.
Nhiều bà con ngư dân ở đây hiện vẫn phải đi vay nóng để chạy ăn từng bữa. Họ hay nói vui, 'chính phủ hỗ trợ gạo (22kg/người) vậy có nghĩ dân nấu lên ăn với gì không?'.
Bà con cũng phản ánh, chính sách hỗ trợ 5 triệu/ghe tàu nằm bờ (dù mãi chưa được thực hiện) vẫn có điểm bất hợp lý.
Không phải ngư dân nào cũng có ghe mà mỗi nghe thường có 1 người chủ, và 3-4 người 'đi bạn'.
Chính sách nêu trên chỉ hỗ trợ cho người chủ ghe, còn những ngư dân 'đi bạn' vốn khó khăn hơn thì lại không được gì.
Tuy nhiên, tất cả các chính sách hỗ trợ trên đều là trước mắt và ngắn hạn.
Chẳng chính phủ nào có thể nuôi hàng triệu miệng ăn mãi, dù chỉ là phát gạo.
Để giải quyết tận gốc vấn đề sinh kế của ngư dân miền Trung vẫn cần phải gỡ được đầu ra cho con cá.
TỨC LÀ DÂN PHẢI ĂN CÁ TRỞ LẠI.
Mà muốn thế thì phải khôi phục NIỀM TIN trong công chúng về chất lượng môi trường biển và hải sản.
Không một Ban Tuyên giáo, một Bộ Thông tin Truyền thông với bất kỳ chiến lược định hướng, tuyên truyền nào có thể làm được điều này.
Cũng vậy, chẳng có bất kỳ chỉ thị, mệnh lệnh, quyết định hành chính, hay bất kỳ lời kêu gọi hoặc hình thức nêu gương của lãnh đạo nào có thể làm được.
Duy chỉ một thứ có thể: MINH BẠCH THÔNG TIN.
Cần nhận rõ điều này: Kẻ chỉ đạo bưng bít, giấu diếm thông tin không ai khác chính là người triệt đường sống ngư dân miền Trung một cách lâu dài nhất, trì hoãn các hoạt động điều tra, tìm kiếm nguyên nhân, tắc nghẽn quá trình khắc phục hậu quả, trực tiếp khiến tàu bè không thể ra khơi thể hiện vai trò của các 'cột mốc sống' cho chủ quyền biển Việt Nam như trước đây.
Phản động, nếu có, không ai khác, chính là những kẻ này.
* * *
Facebooker Phan Xine chia sẻ: Định review phim, nhưng rồi thấy bức ảnh này, rồi nghe người quen của mẹ gọi điện kể chuyện ở quê ở Quảng Bình, thấy buồn muốn rơi nước mắt. Mình sống ở thành phố, mình chẳng biết gì về người dân của mình cả.
Đây là hình những người dân Nghệ An đeo băng tang, bởi biển chết, cá chết, và họ cũng đang dần chết.
Hồi đầu năm, mình đi Quảng Bình, mình đã có ý nghĩ sẽ về đây sống một thời gian vì sự yên bình, vì cảnh đẹp vô cùng, vì thức ăn ngon, hải sản vừa tươi ngon vừa rẻ, vì người dân hiền hoà, nhưng hôm nay, bạn của mẹ kể rằng ở ngoài ấy bây giờ buồn lắm, người dân chẳng ai còn dám ăn hải sản, biển chẳng ai dám ra tắm, và chẳng ai cho họ một câu trả lời cả.

Ngựa quen đường cũ, nợ xấu bắt đầu tăng trở lại

Kim Tiền-23-05-2016

Ngựa quen đường cũ, nợ xấu bắt đầu tăng trở lại


Vốn dĩ hoạt động cho vay và nợ xấu là hai mặt của một đồng xu. Nếu cho vay tăng trưởng “nóng” thì khả năng gia tăng nợ xấu càng cao và càng về sau các ngân hàng sẽ càng phải trả giá cho việc cho vay ồ ạt khi nợ xấu được tích tụ qua thời gian.

Theo số liệu về nợ xấu mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến cuối tháng 3, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD đã tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào cuối năm 2015.
Còn theo số liệu mà CafeF tổng hợp được từ 17 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2016, với 11/17 ngân hàng có phần thuyết minh chi tiết về nợ xấu cho thấy, nợ xấu đã thực sự tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Nợ xấu tăng cả số tương đối và tuyệt đối
Những quý trước, mặc dù nợ xấu vẫn gia tăng xét về số tuyệt đối nhưng do tốc độ tăng trưởng cho vay tăng mạnh đột biến (có ngân hàng cho vay tăng trưởng 49%) nên tỷ lệ nợ xấu nhờ đó đã giảm về mặt kỹ thuật.
Song đến quý vừa qua, không những số nợ xấu tuyệt đối mà tỷ lệ nợ xấu cũng đã tăng trở lại. Bởi lẽ, vốn dĩ hoạt động cho vay và nợ xấu là hai mặt của một đồng xu. Nếu cho vay tăng trưởng “nóng” thì khả năng gia tăng nợ xấu càng cao và càng về sau các ngân hàng sẽ càng phải trả giá cho việc cho vay ồ ạt khi nợ xấu được tích tụ qua thời gian.
Kết quả báo cáo của các ngân hàng trong quý I đều cho thấy một bức tranh chung nợ xấu của hầu hết NH đều tăng cả số tương đối và tuyệt đối.
Nợ có khả năng mất vốn tăng vọt
BIDV vẫn đang là ngân hàng đứng đầu về tổng số nợ xấu với con số lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong số này chiếm một nửa là nợ có khả năng mất vốn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của BIDV, tỷ lệ nợ xấu của đơn vị này ở mức 1,8%, cao hơn mức 1,67% hồi cuối năm 2015. Trong đó, đáng chú ý là nợ nghi ngờ tăng 879 tỷ đồng so với cuối năm ngoái lên mức 1.766 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 465 tỷ đồng lên mức 5.565 tỷ đồng. Trong quý I, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV cũng tăng mạnh lên gần 2 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ, cuối cùng đã bào mòn lớn kết quả lợi nhuận sau cùng, giảm 10% so với quý I năm trước.
Nguyên nhân chính là do ngân hàng đã phải tiếp tục gánh nợ sau khi nhận sáp nhập với ngân hàng MHB.
Tương tự, hai ông lớn ngân hàng còn lại, tỷ lệ nợ xấu có sự gia tăng trong đó nợ có khả năng mất vốn cũng ở mức cao. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên 1,84% và trong gần 7.600 tỷ đồng nợ xấu có đến 77% thuộc nợ nhóm có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tính đến 31/03/2016 là 0,96%, trong số hơn 5,3 nghìn tỷ nợ xấu này thì cũng có quá nửa là nợ có khả năng mất vốn.
Trong khi đó, tăng trường tín dụng của cả 3 ngân hàng trên cũng chỉ đạt 4% so với cuối năm 2015, không phải là quá cao.
Trong nhóm các ngân hàng cổ phần, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh ở ACB và Nam Á với tốc độ tăng trưởng đều trên 20% chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm.
Tổng số nợ xấu cuối quý I của Eximbank là 2.300 tỷ đồng, chiếm 2,78% tổng dư nợ cho vay, tăng so với mức 1,85% vào cuối năm 2015, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn đều tăng vọt so với cuối năm.
Tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2016 của ACB vẫn ở mức 1,3%, nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng 200 tỷ đồng so với cuối năm, lên mức 1.315 tỷ đồng, chiếm 70% nợ xấu.
Một số ngân hàng không công bố số liệu nợ xấu, tuy nhiên chi phí trích lập dự phòng rủi ro trong kỳ cũng tăng mạnh, như chi phí dự phòng củaSHB trong kỳ tăng đột biến lên hơn 168 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ gần 8 tỷ đồng.
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt năm 2015, với sự nỗ lực của VAMCvà bản thân các TCTD ngoài việc bán nợ cho VAMC đã tự khắc phục và thu hồi các khoản nợ kéo tỷ lệ toàn ngành về mức dưới 3%. Tuy nhiên, một trong những cảnh báo gần đây, các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, điều này có thể để lại những hệ lụy về sau, do tín dụng tăng nóng có thể khiến đẩy giá trị tài sản tăng theo kiểu bong bóng và cho vay tiêu dùng cũng nhảy vọt khiến nợ xấu gia tăng và có thể quay về vòng luẩn quẩn và nỗi ám ảnh nợ xấu như trước.
Theo Trí thức trẻ

Phản ứng dư luận: Tại sao ông Obama lại đến thăm 'chùa lạ'?

VNTB - Đang dấy lên những ngạc nhiên lẫn nghi ngại của khá nhiều dư luận trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại về kế hoạch thăm "chùa lạ" của Tổng thống Obama trong đợt công du Việt Nam tháng 5/2016. 

Theo lịch trình thăm viếng Việt Nam do Nhà Trắng phổ biến, Tổng thống Barrack Obama, sau bài diễn văn "với nhân dân Việt Nam", dự kiến bắt đầu khoảng 12h trưa ngày Thứ Ba 24 tháng 5 năm  2016, sẽ ra sân bay Nội Bài để bay vào TP. HCM vào buổi chiều. Việc đầu tiên là ông sẽ đến thăm Chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải) để (theo lời ông Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes) "bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ văn hóa truyền thống Việt Nam".

Quang cảnh nhếch nhác thường thấy trước chùa Phước Hải (Ngọc Hoàng) ở đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP.HCM. Địa chỉ này cũng khá nổi tiếng với hiện tượng "buôn thần bán thánh". Phía Mỹ đã không biết hay không quan tâm đến "đặc thù" này?

Nhưng theo tìm hiểu của những người Việt am hiểu, chùa Ngọc Hoàng, mặc dầu mang tên “chùa” nhưng không phải là ngôi chùa vì nơi đây thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và thờ các thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Tàu như: thần Thiên Lôi, thần giữ cửa, thần Thổ Địa, thần Táo Quân,thần Hà Bá, thần Lã Tổ, Thái Tuế, thần Lỗ Ban và Kim Hoa thánh mẫu. Cộng đồng không hiểu vì sao mà chính phủ và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam lại giới thiệu ngôi chùa Tàu này với Tổng thống Obama để ông "bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam"?

Phải chăng phía Mỹ đã bị "hố" khi để mặc chính quyền Việt Nam đạo diễn một cuộc viếng thăm cơ sở tôn giáo hoàn toàn không mang tính tiêu biểu, nếu không muốn nói là còn phát sinh những hơi hám mang yếu tố "đồng chí tốt"?

----------------------


THƯ GỬI ĐẠI SỨ MỸ
Tp Hồ Chí Minh ngày 22.5.2016
Kính gửi Ngài Đại sứ Ted Osius,

Đã từng quen biết và tin tưởng ngài qua những lần tiếp xúc với Ngài và với những quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi muốn trao đổi với Ngài một vấn đề mà theo nhận thức của tôi là hết sức cấp bách và tế nhị vào dịp Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và thăm TP Hồ Chí Minh.

Theo bản tin của BBC ngày 21.5.2016 về “Lịch trình của Tổng thống Obaa ở Việt Nam”, dẫn lời của Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes khi đến Thành phố Hồ Chí Minh thì “ngay lập tức, Tổng thống sẽ đến thăm Chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải) để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về tin này. Vì sao các ngài lại chọn chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải tự) để Tổng thống đến thăm để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam"? Vậy “Chùa Ngọc Hoàng” có lai lịch ra sao?

Theo Wikipedia [Bách khoa toàn thư mở] thì:

Ngôi chùa vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20 …Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là "Phước Hải Tự". Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng. Có phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên Lôi, thần Môn Quan (thần giữ cửa), thầnThổ Địa (thần đất đai), thần Táo Quân (thần lò bếp), thần Hà Bá (thần sông nước), Văn Xương và thần Lã Tổ (thần văn chương), Thái Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề),Nữ Oa Thánh Mẫu, 12 bà mụ, 13 đức thầy [4], v.v... Ngoài ra, chùa còn thờ thần Thành hoàng..

Một ngôi chùa như vậy liệu có tiêu biểu cho “truyền thống văn hóa Việt Nam” không?

Đành rằng trong quá trình tiếp biến văn hóa, với sự giao thoa của văn hóa tín ngưỡng, những ngôi chùa Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng của những kiến trúc của các ngôi chùa Ấn Độ, Trung Hoa, song bản sắc Văn hóa Việt Nam vẫn là nét chủ đạo trong các chùa cổ của Việt Nam. “Đất vua, chùa làng”, “trẻ vui nhà già vui chùa”, từ xa xưa khi Phật giáo giữ vị trí độc tôn, thì ngôi chùa làng không chỉ tọa lạc ở nơi linh thiêng có cảnh quan đẹp nhất của một làng quê mà còn tọa lạc ngay chính trong tâm hồn cả cư dân trong làng đó.

Bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam một phần lớn, nếu chưa muốn nói là nhân tố quan trọng nhất thường được hun đúc, nuôi dưỡng và phát huy từ những ngôi chùa đó.

Trong quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, với nhiều biến đổi và chịu tác động của nhiều yếu tố, vai trò và ảnh hưởng của những điều vừa nói tuy không còn nguyên vẹn, nhưng ở những phần giá trị cốt lõi, thì những ngôi chùa muốn được xem là tiêu biểu của văn hóa Phật giáo Việt Nam vẫn phải giữ cho được. Ở giữa Tp Hồ Chí Minh đương nhiên không có ngôi chùa làng, nhưng cũng không quá hiếm những ngôi chùa thuần Việt hoặc đậm sắc thái, tính cách Việt để có thể giới thiệu cho những ai muốn hiểu về “truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Đó là thiển ý của chúng tôi muốn gửi đến ngài Đại sứ. Xin được nói thêm rằng, tôi vừa trao đổi nội dung thư này với giáo sư Cao Huy Thuần,  một nhà nghiên cứu uyên bác về Phật giáo, tác giả của nhiều tác phẩm viết về đề tài này, hiện là giáo sư về ngành chính trị học tại Đại học Picardie,Pháp. Gs Cao Huy Thuần đã hoàn toàn nhất trí với những ý kiến trình bày trong thư và muốn qua lá thư này, nhờ tôi chuyển đến Ngài Đại sứ ý kiến của ông.

Chúng tôi mong rằng, với trách nhiệm và sự hiểu biết khá kỹ về văn hóa Việt Nam, Ngài sẽ có sự can thiệp kịp thời về một sự kiện có thể sẽ gây nên những phản ứng khó lường. Đó là những phản ứng khi người Việt Nam cảm thấy bị xúc phạm. Đặc biệt là những Phật tử khắp cả nước sẽ hết sức bất bình dẫn đến phẫn nộ khi ngôi chùa đang được ngộ nhận là tiêu biểu cho bản sắc văn hóa truyền thống đáng tự hào của mình, ngôi chùa duy nhất được Ngài Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đến thăm để “bày tỏ thành kính và ngưỡng mộ truyền thống văn hóa Việt Nam” lại “vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người Quảng Đông, Trung Quốcxâyđang thờ nhiềuthần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa”.

Sự bất bình dẫn đến phẫn nộ là điều dễ hiểu nhưng lại hoàn toàn có thể cỡi bỏ chuyện đó một cách đơn giản với đầy đủ ý thức tôn trọng truyền thồng văn hóa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc chưa hề biết cúi đầu.

Xin gửi đến Ngài Đại sứ lời chào trân trọng của chúng tôi.

Tương Lai,

Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt