Dân trí Từ 1-6/1/2016, một số máy bay không được xác định hoạt động trong Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh), mực bay của những máy bay này cắt ngang các đường hàng không. Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức có văn bản gửi tới Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới (ICAO) thông báo về sự việc này.
Trong thông báo gửi ICAO, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ông Lại Xuân Thanh cho biết, một số máy bay không được xác định hoạt động trong FIR Hồ Chí Minh cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (mực bay từ FL135 đến FL460), M771 (mực bay từ FL250 đến FL460), từ điểm báo cáo DONA đến ALDAS.
“Lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh chỉ ra rõ các tàu bay này hoạt động từ mực bay FL180 đến FL265, cao hơn mực bay tối thiểu của các đường hàng không nêu trên, không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.
Văn bản Cục Hàng không Việt Nam gửi ICAO
Người đứng đầu cơ quan hàng không Việt Nam cũng cho hay: Hoạt động của các tàu bay nêu trên có khả năng vi phạm các quy định của ICAO trong Phụ lục 2, Mục 3.3, Phụ lục 11, Mục 2.6, Phụ đính 4; Tập Thông báo tin tức hàng không, Phần ENR, Mục 1.4 của Việt Nam (AIP Vietnam ENR) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động bay trong khu vực.
Trong một diễn biến có liên quan trước đó, ngày 6/1 Hãng Thông tấn nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này đã cho 2 chiếc máy bay đáp trái phép xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đường băng trên Đá Chữ Thập của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử dài 3.000 mét, là một trong ba đường băng Trung Quốc đã tiến hành xây dựng bất hợp pháp từ năm 2014 sau hoạt động bồi đắp trái phép các đảo đá và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Với hoạt động bay của các máy bay qua FIR Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý đáp xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Hải Bình đã thẳng thắn đưa ra tuyên bố phản đối Trung Quốc đáp máy bay xuống sân bay xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hãng Thông tấn nhà nước Trung Quốcngày 6/1 đưa tin nước này đã cho 2 chiếc máy bay đáp trái phép xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
“Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp” - ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyến bố: “Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế”.
Lộ diện các chức danh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng được đề cử
Trí thức trẻ
Theo tờ trình bầu các chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình ra trước Quốc hội, ông Trương Hòa Bình, ông Vương Đình Huệ và ông Trịnh Đình Dũng được đề cử.
Ngay sau khi có kết quả miễn nhiệm đối với các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc tờ trình bầu cử một số chức danh mới của các thành viên Chính phủ.
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chánh án tòa án nhân dân tối cao
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Đối với các chức danh Bộ trưởng, thành viên khác của chính phủ, danh sách đề cử được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra bao gồm:
Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Công an.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên TƯ Đảng, Phó ban Kinh tế Trung ương, được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch.
Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên TƯ Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội được đề cử chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc được bộ nhiệm chức danh Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc.
Ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được đề cử chức danh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kinh tế Trung ương được đề cử chức danh Tổng thanh tra Chính phủ.
Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam được đề cử chức danh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Sau đó, Quốc hội đã trở về Đoàn để thảo luận về danh sách đề cử các thành viên Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ trình.
Dự kiến, sáng mai, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn các thành viên này.
(VNTB) - Các vị lãnh đạo cao cấp mới tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp liệu có giữ được sống lưng thẳng khi đương đầu với Trung Quốc trong khi tiến hành cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt nam hay không, hay lại cũng như những nội các trước đó, chỉ chăm lo cho bản thân cầu vinh cầu lợi?
Ứng viên duy nhất cho chức Thủ tướng của Việt nam Nguyễn Xuân Phúc đã có được 446 phiếu bầu chọn trong tổng số 490 phiếu bầu và trúng cử vào vị trí này đã có lễ tuyên thệ nhận chức hôm thứ năm. Buổi tuyên thệ được truyền đi trên truyền hình khi ông Phúc tuyên thệ sẽ “trung thành với tổ quốc, nhân dân và với Hiến Pháp.” Ông cũng thề sẽ tiếp tục cải cách và chống tham nhũng cũng như “kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” Những thách thức mà ông Phúc sẽ phải đối diện từ di sản của ông Nguyễn Tấn Dũng theo tờ Bloomberg là sự căng thẳng với Trung Quốc, nạn hạn hán và sự thiếu hụt ngân sách.
Dẫn lời các nhà phân tích, các tác giả bài báo cho rằng ông Phúc sẽ phải nhanh chóng thực hiện cải cách và thu hút đầu tư khi đang bị kẹt giữa tranh chấp lãnh thổ với đối tách thương mại lớn nhất là Trung quốc và Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương trong mùa bầu cử mới ở Hoa Kỳ. Ngoài ra không như người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng có xu hướng mở rộng quan hệ với cựu thù Hoa Kỳ và mở cửa nền kinh tế, ông Phúc cùng với những lãnh đạo khác sẽ có xu hướng quay trở lại nguyên tắc đồng thuận sau khi triều đại tập trung quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng kết thúc.
Với tham vọng đạt được sự tăng trưởng kinh tế ở mức 6.7% trong năm 2016 là một thách thức lớn cho nội các của ông Phúc khi miền Nam đang phải đương đầu với nạn hạn hán mà hệ quả sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể sản lượng nông sản- mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt nam. Thêm vào đó giá dầu giảm cũng làm cho thu nhập ngân sách bị thiếu hụt. Kết quả là trong quý một năm 2016, mức tăng trưởng GDP của Việt nam chỉ ở mức 5.46% so với mức 7.01% của quý tư năm 2015. Ngoài ra thâm hụt kinh tế trong quý một 2016 ở mức 2 tỷ đô la và thanh toán nợ tăng lên mức 5.3%. Điều này dù cho việc mức tang trưởng GDP có thể sụt giảm theo mùa vụ thì ông Phúc cũng không có đủ tài lực để thực hiện gói kích cầu khi cần thiết.
Cũng theo các nhà quan sát thì dù cho sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã đẩy Hà nội tới gần Hoa kỳ hơn với chuyến đi Washington của ông Trọng năm 2015 và tới đây sẽ là chuyến công du của Obama tới quốc gia cộng sản ở Đông Nam Á, thì những người lãnh đạo mới của Việt nam cũng sẽ chỉ tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Hoa Kỳ nhằm cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc. Việc đu dây này có thể do sự lo ngại TPP đang bị chỉ trích trong mùa bầu cử có thể sẽ không được Lưỡng viện Hoa kỳ thông qua sau khi Obama hết nhiệm kỳ tổng thống.
Thế nhưng sự lo ngại lớn hơn mà chính quyền Việt nam đang e sợ dù biết cải cách là cách thức để thúc đẩy kinh tế là sự suy yếu ảnh hưởng của Đảng đối với nền kinh tế. Một khi kinh tế tăng trưởng, tầng lớp trung lưu tăng lên sẽ đòi hỏi lộ trình dân chủ và trách nhiệm giải trình, và đó là một tình huống khó xử: không thể đàn áp tầng lớp trung lưu mà cũng không thể để cho họ có yêu cầu quá nhiều về dân chủ cũng như trách nhiệm giải trình.
Như đã bắt thóp được sự sợ hãi của Hà Nội, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã dự báo rằng Việt nam dưới sự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo mới sẽ cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác là không đi theo Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc mà sẽ có thái độ thận trọng với cả hai bên. Chưa hết họ cũng đã tỏ thái độ rung cây nhát khỉ không cần giấu diếm về những nguy cơ mà chính quyền Việt nam sẽ phải đương đầu một khi Hà Nội chọn Washington.
Những lý do họ đưa ra là Việt nam sẽ bị các giá trị phương Tây chi phối mà đó là dân chủ, là nhân quyền, là trách nhiệm giải trình, minh bạch… - những điều mà Hoàn Cầu Thời Báo cho là các khác biệt về tư tưởng và hệ thống chính trị sẽ tác động đến đảng cộng sản. Để làm cho lập luận của họ được vững chắc hơn, Hoàn Cầu Thời Báo nhai lại điệp khúc Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ đặc biệt về ý thức hệ, thương mại và văn hóa. Họ cũng đã đề cập đến Myanmar như một lời nhắc nhở và không quên đe rằng: sự biến động về chính sách của các quốc gia láng giềng cần phải được Trung Quốc quan tâm.
Các vị lãnh đạo cao cấp mới tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp liệu có giữ được sống lưng thẳng khi đương đầu với Trung Quốc trong khi tiến hành cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt nam hay không, hay lại cũng như những nội các trước đó, chỉ chăm lo cho bản thân cầu vinh cầu lợi? Người Việt nam có quyền hi vọng không hay lại chỉ chua chát chấp nhận sự đổi mới, cải tổ thật sự chỉ có thể diễn ra sau khi lớp lãnh đạo bảo thủ giáo điều già nua đi theo Các Mác Lê Nin và lãnh thổ để cho đời con cháu đi đòi?
Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Việt Nam khóa XIII đã chứng kiến một hiện tượng mà có thể phần nào đó lặp lại bầu không khí khá phẫn nộ vào cuối năm 2011 khi tàu Trung cộng ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam: những nghị sĩ như luật sư Trương Trọng Nghĩa (Sài Gòn) và Lê Văn Lai (Quảng Nam) phản đứng dậy lên tiếng về “Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu”.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Hình Internet
Ông Trương Trọng Nghĩa kêu gọi phải xác định cho đúng khái niệm ta – bạn – thù: “Xác định không đúng ta – bạn – thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường khối đại đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết”.
Còn ông Lê Văn Lai nói những báo cáo xưa nay cho rằng ‘Việt Nam đảm bảo chủ quyền’ đã khiến ông ‘ngạc nhiên’: “Đánh giá thì đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia, trong khi đó người ta lấn từ đảo ngầm sang đảo nổi, người ta xây sân bay, người ta kéo pháo hạm, người ta đưa máy bay tiêm kích, người ta o ép dân, cướp bóc, thậm chí là giết chóc. Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm đến chủ quyền như là nhận dạng hàng không, dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay quốc tế truyền thống, được quốc tế thừa nhận của Việt Nam. Tôi cố gắng ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá là chúng ta đảm bảo chủ quyền quốc gia, nhưng nói thật với các đại biểu, tôi ép không nổi! Những hành vi đó không thể có từ nào khác hơn là xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia.”
Trong thực tế, số phận ngư dân và chủ quyền lãnh thổ còn bị Quốc hội hầu như bỏ mặc suốt nhiều năm qua. “Dấu ấn” ghê gớm nhất của Quốc hội khóa cũ là vẫn không thốt nổi một nghị quyết nào về Biển Đông từ giữa năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, cho đến giờ phút này.
Có dư luận cho rằng vài người như luật sư Trương Trọng Nghĩa do sắp mãn nhiệm vai trò đại biểu quốc hội nên mới có can đảm nói ra những điều gan ruột trên.
Nhưng những người gần gũi với ông Nghĩa lại hiểu rằng là một nghị sĩ đã từng tham gia biểu tình chống Trung cộng trên đường phố, ông Nghĩa đã nói thật lòng mình như một cách phản ứng nổi giận với một quốc hội hầu như câm nín trước hầu hết những nguy hiểm đe dọa chủ quyền lãnh thổ và sinh mạng nhân dân.
Thế nhưng phản ứng của gần 500 mái đầu ngoan ngoãn trong hội trường quốc hội trước bài phát biểu hùng hồn của ông Nghĩa lại là không một tiếng vỗ tay hưởng ứng.
Tất cả vẫn im lặng. Im lặng trong tâm thế bất lực và tủi hổ vô cùng tận.
Ngược lại vào cuối năm ngoái, khi Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đến Việt Nam và được Quốc hội Việt Nam dành cho vị trí thuyết giảng ngay trong hội trường quốc hội, tiếng vỗ tay đã rào rào nổi lên. Cát tát ngay sau đó là Tập Cận Bình đã thẳng thừng tuyên bố “Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc” tại một trường đại học Singapore.
Một quốc hội khóa cũ với quá nhiều thất vọng và cay đắng!
Tháng 4 năm 2016. giàn khoan HD 981 lại thập thò gây hấn ở Biển Đông. Nếu quốc hội khóa mới không tự thân thay đổi và cũng không có một chút “dấn thân” để bảo vệ chủ quyền dân tộc, đó sẽ là quốc hội tự đào mồ chôn mình.
Bộ Y tế sẽ kiến nghị UBND các tỉnh, thành cách chức cán bộ bao che cho sản xuất - kinh doanh thực phẩm bẩn
Sáng 8-4, tại hội nghị phổ biến kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2016, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cho biết thời gian tới sẽ xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương sẽ phối hợp tổ chức 6 đoàn thanh - kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố.
Lực lượng chức năng phát hiện măng chua chứa chất độc hại ở tỉnh Thừa Thiên - Huế Ảnh: QUANG NHẬT
“Tháng hành động không phải để giải quyết một vấn đề gì cụ thể mà nhằm tăng cường hoạt động, tập trung nhiều lực lượng, huy động tất cả lực lượng xã hội vào để làm cho thực phẩm an toàn hơn” - ông Long nói.
Năm 2016, ngành chức năng vẫn chọn chủ đề của năm cũ bởi đây vẫn là vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Các đoàn sẽ tập trung thanh - kiểm tra những vấn đề bức xúc nổi cộm như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.
Theo Cục ATTP, trong quý I/2016, toàn quốc ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 969 người mắc, 669 người đi viện và 2 trường hợp tử vong, trong đó có 7 vụ ngộ độc thực phẩm tại gia đình, 8 vụ tại bếp ăn tập thể. So với năm 2015, đã giảm hơn 19% về số vụ, giảm 10% số người mắc. 48% số vụ chưa xác định được nguyên nhân.
Theo ông Long, sắp tới đây, khi thanh - kiểm tra ATTP, nếu phát hiện địa phương nào bao che cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, Cục ATTP sẽ kiến nghị UBND địa phương đó cách chức ngay cán bộ phụ trách. Ông Long cũng mong muốn nếu phát hiện các cơ sở, hộ dân có sử dụng chất cấm, chất bảo quản trong chăn nuôi, trồng cây... thì người dân tố giác với cơ quan chức năng.
Thêm măng, dưa chua chứa chất độc
Tại cuộc họp bàn về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở TP Đà Nẵng sáng 8-4, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Đà Nẵng cho biết sau khi phát hiện 10/13 mẫu măng nhuộm hóa chất vàng ô có khả năng gây ung thư, đơn vị lại phát hiện 7/7 mẫu dưa cải muối có chứa chất độc hại này được bày bán tại các chợ.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết vừa tịch thu một lượng lớn măng chua của 2 cơ sở kinh doanh tại chợ đầu mối Phú Hậu (phường Phú Hậu, TP Huế) vì nghi sử dụng chất cấm Auramine để tạo màu vàng tươi.
Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều tủ bánh mì miễn phí “một người một ổ” ra đời đã làm ấm lòng bao người cơ nhỡ.
Ai nhìn vào đó cũng cảm thấy cuộc sống đẹp hơn, tin tưởng hơn vào tình đồng bào.
Ngoài tủ bánh mì của anh Nguyễn Thanh Hiếu (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), trước đó vài ngày, chị Huỳnh Trần Mộng Thùy và những người bạn cũng đã tổ chức một tủ bánh mì thịt miễn phí ở phường này. Tại TP HCM, 2 tủ bánh mì tương tự vừa được mở ở cạnh ga Sài Gòn. Ngay trong hẻm số 538 Đoàn Văn Bơ (quận 4) cũng có một giỏ bánh mì miễn phí.
Hầu hết những người đặt tủ bánh mì không giàu có gì nhưng chính trong cuộc sống thường nhật, họ đã nhìn thấy và cảm thông cho những thân phận nghèo khó, mưu sinh vất vả để kiếm cái ăn qua ngày.
TP HCM ồn ã nhưng cũng tình cảm lắm. Đáng quý hơn, những tấm lòng thơm thảo ấy dần lan tỏa đến nhiều người và cả ở những địa phương khác. Với số đông, một ổ bánh mì thì chẳng là gì nhưng với những người cần nó thì hữu dụng và thật đáng quý.
Cảm thông, trân trọng cho ổ bánh mì trên, chúng ta cũng chợt chạnh lòng, thậm chí giận dữ, vì bao tỉ đồng bị những kẻ tham nhũng ngày đêm bòn rút. Tham nhũng có mặt khắp nơi, “ăn” từ công trình ngàn tỉ cho đến những gói mì tôm cứu đói vùng khô hạn hoặc lũ lụt. Mà nào họ có vô tri. Toàn những người hiểu biết, được học hành, đào tạo và trao cho những chức vụ cụ thể để chăm sóc người dân. Từng ngày, họ được lên lớp với bao bài học đạo đức, lòng nhân ái và chính họ cũng rỉ rả với người khác về đạo làm người, cách phục vụ nhân dân.
Ngay trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, những lãnh đạo của đất nước vẫn trăn trở về nạn tham nhũng. Trong các quyết sách và phương hướng nhiệm vụ, các lãnh đạo luôn bày tỏ bức xúc và hứa kiên quyết bài trừ tham nhũng. Tham nhũng từ lâu đã được xác định là quốc nạn. Dù muốn hay không, chúng ta cũng thừa nhận rằng công cuộc chống tham nhũng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Dường như quyết tâm của những lãnh đạo, của những cơ quan chức năng vẫn chưa đủ. Hằng ngày, những con sâu trong bộ máy nhà nước vẫn đang bòn rút của công, làm mất lòng tin của người dân và qua đó làm bao người khác phải tha hương cầu thực, vất vả kiếm từng đồng lẻ qua ngày.
Chưa cần phải nói đến những lý thuyết vĩ mô về phòng chống tham nhũng, cũng chưa cần phải thề thốt sống chết với quan tham... Người dân mong những người có trách nhiệm hãy nhìn vào bữa cơm hằng ngày của người dân; nhìn vào những đứa trẻ không thể đến trường vì phải lê la hè phố mưu sinh; nhìn vào những ổ bánh mì miễn phí trao nhau qua cơn đói để quyết tâm hơn với tham nhũng.
Quan tham vẫn còn thì những ổ bánh mì miễn phí kia sẽ không bao giờ có đủ. Khi không nhận ra sự xót xa sau những ổ bánh mì này thì những cán bộ có trách nhiệm, dù bất cứ ở cấp nào, vẫn còn nợ người dân.
Mẹ của bị hại khai tại tòa rằng số tiền bị hại đưa cho bị cáo là của công an và bị cáo không có hành vi cướp tài sản
Ngày 8-4, đại tá Nguyễn Ngọc Hồng - Trưởng Công an huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa - cho biết vụ án cướp tài sản đối với bị can Phạm Minh Tiến (23 tuổi; ngụ thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) đã được VKSND huyện Diên Khánh trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
“Con tôi bị đánh nên tức...”
Hai gia đình của bị can Tiến và bị hại Nguyễn Thị Bích Vân (SN 2000; ngụ xã Diên An, huyện Diên Khánh) khá thân nhau, đang bàn đến chuyện hôn nhân cho 2 người thì bất ngờ Tiến bị bắt vì cướp tài sản của Vân. Sau khi Tiến bị tòa sơ thẩm tuyên án 7 năm tù, Vân bỏ nhà đi biệt. Bà Nguyễn Thị Thừa (mẹ của Vân) nhớ con, bệnh cũ tái phát nên đến ngày 8-4 phải đi TP HCM chữa trị. Điều đáng nói là bà Tô Thị Huệ (mẹ của Tiến) lại là người giúp đỡ tiền nong cho bà Thừa đi lại chữa bệnh mặc dù bà phải tần tảo ngồi vỉa hè sáng bán ốc, tối bán phở gõ kiếm từng đồng.
Tại tòa, Phạm Minh Tiến nói do mù chữ nên không biết nội dung trong biên bản lấy lời khai
Theo án sơ thẩm, Tiến và Vân quen biết nhau. Khoảng 8 giờ ngày 5-2-2015, Tiến yêu cầu Vân đưa 800.000 đồng để đi TP HCM. Tiến đánh Vân rồi lục túi lấy một điện thoại di động, yêu cầu Vân đưa 800.000 đồng mới trả điện thoại. Sau đó, Vân đến cơ quan công an trình báo. Vào 13 giờ cùng ngày, khi Tiến nhận 800.000 đồng từ Vân thì bị công an bắt. Tại phiên tòa sơ thẩm, Tiến bị kết án 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tiến kháng cáo kêu oan.
Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa xét thấy thời điểm xảy ra vụ việc, Vân chỉ mới 14 tuổi 1 tháng 12 ngày nhưng trong giai đoạn điều tra, CQĐT không triệu tập bà Thừa để giám hộ khi lấy lời khai, nhất là trong trường hợp Vân không biết chữ. Vân khai bị Tiến đánh là do ghen tuông khi thấy Vân nghe điện thoại của một thanh niên khác chứ không phải để chiếm đoạt tài sản. Tiến lấy điện thoại để xem ai gọi rồi trả lại cho Vân, sau đó Vân tự nguyện đưa điện thoại cho Tiến để mở lấy sim ra chứ không phải bị Tiến cướp. Lời khai tại các phiên tòa của bị cáo, người bị hại đều thống nhất với nhau và mâu thuẫn với lời khai tại CQĐT. TAND huyện Diên Khánh đã 2 lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhưng CQĐT không làm rõ… Từ đó, tòa phúc thẩm quyết định hủy án để điều tra, xét xử lại.
Cũng theo bản án phúc thẩm, Tiến cho rằng Vân đi chung xe máy với mình, do xe bị Vân sử dụng hư hỏng nên Tiến bảo Vân đưa 800.000 đồng để sửa. Tiến cũng cho hay là do không biết chữ nên không biết nội dung trong tất cả biên bản lấy lời khai, cán bộ điều tra bảo ký thì phải ký. Theo bà Thừa, 2 gia đình quan hệ thân thiết với nhau, đôi bên thống nhất chờ Vân đủ tuổi sẽ tổ chức đám cưới. Hằng ngày, bà nấu cơm cho Tiến ăn đi làm, không có chuyện Tiến cướp tài sản của con bà. Vân nhiều lúc không bình thường, do bị Tiến đánh nên tức, báo công an “dọa” Tiến.
“Con tôi nói là có 2 cán bộ Công an huyện Diên Khánh đưa 800.000 đồng, bảo nó đưa cho Tiến rồi bắt Tiến. Ba ngày sau khi tòa xử sơ thẩm, biết con tôi thay đổi lời khai, có 2 cán bộ công an huyện đến nhà đe dọa cháu Vân, nói nếu còn khai báo lung tung sẽ bị bắt đi tù rồi xúi cháu trốn đi. Cháu sợ quá nên đã trốn, hiện gia đình không biết cháu ở đâu” - bà Thừa trình bày.
Bà Huệ cho biết bà nhận điện thoại của Vân nói ra đầu xóm lấy tiền sửa xe. Tiến cầm tô cơm ra lấy tiền rồi bị bắt. “Có ai cướp tiền, điện thoại mà ung dung vậy không? Nó bị đứt lưỡi từ nhỏ nên mặc cảm, không đi học nên không biết chữ. Tại tòa, đại diện VKSND hỏi tại sao khi đang điều tra thì khai khác mà ra tòa lại khai khác, Tiến nói khi cán bộ điều tra hỏi, nó đã khai không cướp điện thoại, không cướp tiền nhưng chú Minh (điều tra viên - PV) ghi như vậy. Chú Minh nói mày khai như thế nào là quyền mày, tao ghi như vậy. Chú Minh nói ký vào mới cho gặp mẹ nên nó ký” - bà Huệ rưng rưng.
Làm đúng pháp luật?
Trả lời câu hỏi về các lời khai có tính chất “gài bẫy” của điều tra viên, tại phiên phúc thẩm, đại tá Hồng cho rằng sau khi rà soát, điều tra viên đã thực hiện theo đúng quy định. “Không có chuyện trong hồ sơ có như thế mà chúng tôi làm sai lệch. Về số tiền 800.000 đồng mà gia đình bị hại cho rằng bị “gài bẫy”, đơn vị không được phép làm như thế, do đó không tiến hành làm” - đại tá Hồng nói và cho biết ngày 5-3-2015 (sau khi vụ việc xảy ra 1 tháng), Vân đã nhận lại điện thoại và 800.000 đồng, có giấy biên nhận trong hồ sơ vụ án. Còn việc không có mẹ của Vân làm người giám hộ thì trong luật cho phép trong thời gian lấy lời khai nếu không có bố, mẹ thì có thể mời các tổ chức, đoàn thể chứng kiến. Trong hồ sơ có đầy đủ cơ sở khẳng định khi lấy lời khai của Vân thì không tìm được bà Thừa nên mới mời tổ chức, đoàn thể cử người chứng kiến.
Về quan điểm “gài bẫy” hay không, đại tá Hồng khẳng định: “Chúng tôi không thể thực hiện biện pháp “gài bẫy” vì luật không cho phép. Khi tạm giữ Tiến đã cấu thành hành vi tội phạm, đã được VKSND phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Chúng tôi sẽ làm rõ vì sao bị hại trốn, không có mặt ở phiên xử phúc thẩm”.
Giải thích vì sao CQĐT không điều tra bổ sung khi tòa sơ thẩm trả hồ sơ cũng như những dấu hiệu vi phạm về tố tụng trong giai đoạn điều tra, đại tá Hồng cho biết đây là lần đầu tiên VKSND huyện trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Hai lần trước đều do VKSND điều tra.
Chưa phải đổi điều tra viên
Đại tá Nguyễn Ngọc Hồng nói: “Khi điều tra, chúng tôi biết Vân và Tiến yêu nhau nhưng Tiến lợi dụng tình cảm, sử dụng vũ lực, dùng mũ bảo hiểm đánh Vân khi em mới 14 tuổi. Ngay hành vi đánh đã đáng lên án. Thông tin khai lại của bị hại, bị cáo xuất phát từ tòa; còn giai đoạn điều tra ban đầu giữa lời khai bị hại, bị cáo khớp nhau. Do biết Tiến không biết chữ nên chúng tôi đã mời người chứng kiến. Hiện nay, chưa thấy cơ sở nào để cần thiết phải thay đổi điều tra viên”.
Bốn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, thường được gọi là “tứ trụ”, nhận được đánh giá khác nhau của các khách mời BBC.
Các chuyên gia, nhà quan sát trong ngoài Việt Nam tham gia Bàn tròn Thứ Năm của BBC ngày 7/4 trong bối cảnh Việt Nam tiến hành chuyển giao lãnh đạo.
Kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13 đã bầu tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, dựa theo danh sách giới thiệu của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Chủ tịch Quốc hội mới là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, thay thế ông Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch nước là Đại tướng công an Trần Đại Quang, thay ông Trương Tấn Sang.
Gương mặt sẽ lãnh đạo chính phủ là ông Nguyễn Xuân Phúc, thay ông Nguyễn Tấn Dũng.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Hoa Kỳ:
Về ông Trương Tấn Sang, cựu Chủ tịch nước, tôi trực tiếp được nghe ông ấy nói chuyện tại CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Hoa Kỳ), tôi thấy ông ấy nói rất chững chạc, không cần đọc giấy tờ gì cả. Ông sẵn sàng trả lời tất cả mọi câu hỏi, đó cũng là khả năng khá đặc biệt.
Quyền của Chủ tịch nước rất nhiều. Ông có quyền thống lãnh các lực lượng võ trang, có quyền giáng chức, thăng chức tất cả các tướng lãnh cao cấp nhất, tuyên bố tình trạng giới nghiêm, tình trạng khẩn cấp, động viên, tổng động viên, nhưng ông ấy chọn không thi hành tất cả những quyền đó.”
Còn với ông Nguyễn Tấn Dũng, từ xưa đến nay và sau này nữa, khó có Thủ tướng nào có nhiều quyền lực như ông Dũng, điều đó là điều đặc biệt của ông ấy. Nhưng những vấn đề công tội của ông ấy, tôi hiện chưa muốn nói.
Về ông Trần Đại Quang, khi tuyên thệ nhậm chức, ông nói ngay là ông sẽ phục vụ quốc gia, Tổ quốc, ‘với tư cách người đứng đầu nhà nước, thống lĩnh các lực lượng vũ trang', tức là ông đã nói rõ, đã xác nhận rõ quyền hạn của ông.
So sánh giữa ông Sang với ông Trần Đại Quang, ông Quang không những có quyền do Hiến pháp cho phép, nhưng ông ấy cũng có thế của ông Bộ trưởng Công an cũ. Thành ra nếu ông ấy quyết sử dụng, ông sẽ có nhiều quyền hơn ông Sang.
Về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người ta cứ nói là ông Trọng 'lú', nhưng thực ra sau cuộc tranh giành vừa qua, ta thấy ông ấy không phải là người có thể coi thường được.
Và ông ấy cũng làm một số việc, bổ nhiệm những chức vụ chống tham nhũng, củng cố quyền lực của ông và thứ hai là để những người quản lý những thành phố rất lớn và đối với những vấn đề kinh tế rất lớn sắp tới của Việt Nam.
Về ông Nguyễn Sinh Hùng, trong giai đoạn đầu của ông ấy, không có gì đặc sắc. Nhưng giai đoạn cuối, gần hết nhiệm kỳ, có những lời tuyên bố rất hùng hồn và rất đặc sắc của một số Đại biểu Quốc hội.
Có ông Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng nói một bài lớn ở trong Quốc hội, chứng tỏ Quốc hội cũng trở thành diễn đàn cho họ.
Blogger Trương Duy Nhất, Đà Nẵng:
Tôi đánh giá không phải việc người ta mạnh hay không, mà đánh giá trên mức độ người ta sử dụng quyền lực để lại cái gì. Như thế, tôi cho ông Nguyễn Phú Trọng không điểm.
Nhưng sau Đại hội Đảng, với nước cờ mà loại được ông Nguyễn Tấn Dũng ra, và với nước cờ bố trí ông Đinh La Thăng, ông Hoàng Trung Hải, thì đến bây giờ tôi cho ông Trọng 7 điểm.
Đối với ông Trương Tấn Sang, tôi cho ông Sang là người ít nhiều ở thời điểm đó, ông cũng có những khát vọng gì đó, nhưng mà ông bất lực, nên tôi cho ông Sang 6 điểm.
Còn với ông Nguyễn Sinh Hùng, đáng lý tôi cho không điểm, nhưng mà cũng có những phát ngôn 'chém gió' gọi là 'sướng mồm' những ngày cuối nhiệm kỳ, tôi cho ông Hùng 2 điểm.
Còn với ông Nguyễn Tấn Dũng, vì nó không có điểm âm, nên tôi cho không điểm, chứ nếu có điểm dưới âm, thì tôi cho dưới âm.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Hà Nội:
Về ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi đánh giá rất cao ông Dũng như một chính trị gia. Ông ấy rất tài, rất có năng lực của một chính trị gia.
Về vấn đề năng lực ấy làm lợi cho quốc gia hay là cho bản thân ông ấy, phe cánh của ông ấy lại là một chuyện khác. Nhưng xét mặt chính trị gia, tôi đánh giá ông ấy rất cao.
Xét về mặt kết quả, tôi đánh giá ông ấy rất thấp. Những chính sách kinh tế của ông ấy mang lại những hậu quả rất là tai hại cho đất nước này. Chủ yếu là chính sách về các tập đoàn kinh tế nhà nước, và chính sách đã làm hỏng toàn bộ hệ thống ngân hàng, trong một số thời gian vừa qua.
Và chi tiêu chính phủ bây giờ đến mức rất là khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ phải gánh một hậu quả rất mệt mỏi, là những hậu quả của ông Nguyễn Tấn Dũng để lại.
Ông Phúc sẽ không được mạnh mẽ như là ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng mà có thể cái 'bớt mạnh mẽ' của ông ấy thì lại là tốt cho công việc điều hành chung. Bởi vì như thế nó sẽ đỡ bớt được những cái sai lầm hơn nhiều, bởi một người mạnh mẽ quyết, thì có thể quyết sai. Và quyết sai thì có thể có những hậu quả rất là lớn.
Còn với ông Nguyễn Sinh Hùng, thực sự tôi cũng không đánh giá nhiều lắm, bởi vì với vai trò Quốc hội, cũng không có vai trò gì mấy. Nhưng tôi cũng thống nhất như anh Trương Duy Nhất là ông ấy đã nói rất nhiều câu rất là ‘ngô nghê’, xong rồi đến cuối thì ông ấy ‘chém gió’ cho sướng được một vài câu khá mà được Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng khen.
Về ông Trương Tấn Sang, tôi không hiểu ông ấy lắm, bởi vì ông rất kín. Với chức vụ thực sự có tính chất tượng trưng như thế, nói như Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói là ông ấy có rất nhiều quyền, quyền đó là ‘quyền ảo’ ghi ở trong Hiến pháp thôi, nhưng mà cái quyền của Đảng nó át đi rất nhiều.
Luật sư Vũ Đức Khanh, Ottawa, Canada
Về "tứ trụ" trước năm 2016 thì tôi cho rằng không ai có thể qua mặt được Thủ tướng Dũng. Tuy Việt Nam có chế độ "làm vua tập thể" nhưng không thể phủ nhận rằng ông Dũng là một trong 3 Thủ tướng Cộng sản Việt Nam để lại "dấu ấn" đậm nhất sau ông Phạm Văn Đồng và ông Võ Văn Kiệt.
Ông Dũng có thể là người duy nhất chứng tỏ rằng Thủ tướng Chính phủ không nhất thiết phải luôn luôn phục tùng Bộ Chính trị.
Ông đã biến nội các chính phủ là trung tâm quyền lực và vô hiệu hóa Bộ Chính trị bằng cách sử dụng hữu hiệu vai trò của Trung ương Đảng. Nếu buộc phải chấm điểm thì ông Dũng xứng đáng điểm 8/10.
Dù ông Nguyễn Phú Trọng bề ngoài có vẻ như là người "thắng cuộc" nhưng thực ra kẻ thắng cuộc thật sự chính là "Trung ương Đảng." Qua lần thử nghiệm vừa qua với ông Dũng, họ đã biết cách trả giá quyền lực của họ rồi. Tôi không nghĩ Bộ Chính trị bây giờ có toàn quyền như xưa nữa.
Đối với các vị mới vừa nhận quyền lực từ "bộ tứ" này thì tôi nghĩ ngoài ông Quang Chủ tịch nước và bà Ngân Chủ tịch Quốc hội, hai ông Trọng và Phúc là người của "tập thể".
Ông Quang được cho là một người có nhiều tham vọng "hợp nhất quyền lực Đảng và Nhà nước" vào những năm tới khi ông Trọng về hưu như. Liệu ông có thành công hay không, thời gian sẽ trả lời. Ông Quang có thể nhận điểm 7.
Bà Ngân rất ấn tượng với tôi, nhất là gần đây ở kỳ họp Quốc hội lần này. Bà được nhiều nhà phân tích đánh giá cao về khả năng cũng như chất lượng lãnh đạo. Nhưng ở vai trò Chủ tịch Quốc hội thì thực chất cũng chẳng ảnh hưởng là bao vì Quốc hội chỉ là cơ quan hợp thức hoá chủ trương chính sách của Đảng mà thôi. Bà có thể nhận điểm 6.
Còn ông tân Thủ tướng Phúc thì chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng ông này là một ông quan "thư lại", cân bằng quyền lực cho các thế lực trong Đảng. Và tôi cũng nghĩ với cơ chế hiện nay thì ông này chỉ có thể làm được một nhiệm kỳ, ngoại trừ phép lạ. Tôi tặng ông Phúc điểm 5.
Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc trao đổi tại tọa đàm Bàn tròn Thứ Năm của chúng tôi tại đây.