Wednesday, August 8, 2018

‘Đánh’ mãi như thế làm sao đỡ?

Theo VOA-Trân Văn/08/08/2018 
Máy bay huấn luyện của Việt Nam rơi ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26/7/2018. Photo Zing.vn
Máy bay huấn luyện của Việt Nam rơi ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26/7/2018. Photo Zing.vn
Cả Quân chủng Phòng không - Không quân lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục làm thinh trước tin chiến đấu cơ loại Su-22U, số hiệu 8551, rớt ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26 tháng 7 là do “nâng cấp” không đạt yêu cầu kỹ thuật.
Một số nguồn thạo tin tại Việt Nam từng cho biết, dường như chiến đấu cơ số hiệu 8551 nằm trong lô Su-22U cũ mà Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine “nâng cấp”, chuyển đổi mục đích sử dụng (theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các nhiệm vụ trên đất liền, “nâng cấp” nhằm thực hiện các nhiệm vụ trên biển) (1). Mới đây, tờ Sputnik của Nga cho biết thêm, các công ty ở Ukraine tham gia “nâng cấp” lô Su-22U - trong đó có chiến đấu cơ số hiệu 8551 - cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ năng lực để thực hiện công việc “nâng cấp” (2).
***
Xưa nay, tai nạn liên quan đến hoạt động của không quân trên toàn thế giới vốn không ít, tuy nhiên riêng tại Việt Nam, cách ứng xử với hàng loạt tai nạn xảy ra liên tục đối với đủ loại phương tiện bay quân sự rõ ràng hết sức bất thường.
Dẫu các kế hoạch mua sắm phương tiện – thiết bị quốc phòng, bao gồm cả phương tiện bay quân sự của Việt Nam thường xuyên được hệ thống truyền thông quốc tế bạch hóa ngay từ giai đoạn bàn bạc với đối tác - ví dụ gần nhất là chuyện Việt Nam hỏi mua lô thiết phương tiện – thiết bị quốc phòng trị giá 100 triệu Mỹ kim từ Mỹ (3), song Quân chủng Phòng không - Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và Bộ Quốc phòng Việt Nam nói chung, tiếp tục dùng “bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” làm màn để che mọi thứ, kể cả đậy điệm nguyên nhân thực của hàng loạt tai nạn mà hậu quả về nhân mạng lẫn giá trị tài sản đều thuộc loại “đặc biệt nghiêm trọng”.
Nếu đúng là chiếc Su-22U, số hiệu 8851, rớt ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26 tháng 7 là do “nâng cấp” không đạt yêu cầu kỹ thuật thì che đậy yếu tố ấy có khác gì phủi trách nhiệm cho những cá nhân đề ra chủ trương và chôn sâu những sai lầm của kế hoạch mua lại những chiếc Su-22U cũ từ các quốc gia Đông Âu, chuyển chúng qua Ukaine “nâng cấp”? Quan hệ giữa những nhóm ở Việt Nam chuyên thực hiện các thương vụ mua bán – nâng cấp phương tiện – thiết bị quân sự với Đông Âu, Ukraine, Nga dường như rất mật thiết nên không chỉ có lô Su-22U ấy...
Cách nay bốn năm, hồi cuối tháng 6 năm 2014, Hải quan Phần Lan tìm thấy một container bên trong chất đầy thiết bị phóng hỏa tiễn được vận chuyển từ Việt Nam tới Hồng Kông, sau đó được đưa từ Hồng Kông đến Phần Lan… Theo thẩm định của các chuyên gia thuộc Bộ Quốc phòng Phần Lan thì những thiết bị đó là đầu dẫn của Vympel R 73E – một loại hỏa tiễn tầm ngắn thường được gắn trên các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 của Nga... Phải đến giữa tháng 7 năm 2014, khi phát giác vừa kể trở thành tin chính của hệ thống truyền thông quốc tế, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam mới xác nhận, container mà Hải quan Phần Lan tạm giữ tại phi trường Helsinki Vantaa là của Việt Nam. Việt Nam gửi các đầu dẫn hỏa tiễn sang Ukraine để “bảo dưỡng”. Chuyện “bảo dưỡng” này là “bình thường”, “đúng luật pháp, thông lệ quốc tế” (4).
Tuy Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, các viên chức hữu trách của Việt Nam đang làm việc với các bên có liên quan để giải quyết những vấn đề về thủ tục hải quan khi container vừa kể quá cảnh tại Phần Lan, song hải quan Phần Lan vẫn khẳng định sẽ điều tra thêm ít nhất sáu tháng và có thể sẽ tịch thu các đầu dẫn hỏa tiễn do vi phạm luật pháp của Phần Lan về xuất cảng “vật liệu quốc phòng”. Về nguyên tắc, vận chuyển các “vật liệu quốc phòng” qua lãnh thổ Phần Lan phải được Bộ Quốc phòng Phần Lan cho phép. Container chứa các đầu dẫn hỏa tiễn có xuất xứ từ Việt Nam đã không thông báo và không xin phép Bộ Quốc phòng Phần Lan.
Ai cũng biết đầu dẫn hỏa tiễn là loại hàng hóa không… bình thường. Tại sao lại gửi hàng hóa không… bình thường theo kiểu “bình thường”, không khai báo cho “đúng luật pháp, thông lệ quốc tế” để gặp đủ thứ rắc rối? Việt Nam đã cũng như đang mua nhiều thứ phương tiện – thiết bị quốc phòng của Nga, quan hệ giữa hai bên rất khắng khít, tại sao không gửi các đầu dẫn hỏa tiễn do Nga sản xuất cho Nga “bảo dưỡng” mà lại gửi cho Ukraine? Phía sau những lựa chọn và cách làm khác thường ấy là những gì? Chẳng riêng Bộ Quốc phòng mà ngay cả hệ thống công quyền Việt Nam cũng xếp chuyện này vào loại công chúng Việt Nam không có quyền biết!
Không phải tự nhiên mà tại kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, đề nghị Quốc hội kiểm soát việc mua sắm phương tiện – thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh như chiến đấu cơ, chiến hạm, tàu ngầm,… Ông Bình lập luận, dù những thông tin liên quan đến các thương vụ loại đó là “nhạy cảm” nhưng chi phí dùng cho việc mua sắm là tiền của dân thành ra phải kiểm soát để bảo đảm tiền bạc được sử dụng đúng mục đích. Thậm chí Quốc hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị cho quân đội, công an. Ông Lê Việt Trường, lúc ấy đang giữ vai trò Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Việt Nam, cũng nghĩ như vậy. Ông Trường đề nghị phải thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch cả trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (5).
Đến giờ, những ý tưởng, đề nghị như đã kể của ông Bình, ông Trường vẫn giống như những tiếng kêu trong hoang mạc! Chẳng phải chỉ có những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh được dán nhãn “bí mật quốc gia” mà nguyên nhân các tai nạn liên quan đến việc bảo dưỡng, sử dụng chúng, dù chẳng giấu được ai cũng được xếp vào loại “an ninh quốc gia”, cần bảo mật. Tại Việt Nam, “minh bạch” vẫn thuộc phạm trù “hiếm, quý” chứ không phải là yếu tố hết sức bình thường như nhiều quốc gia khác. Gần đây, cảm thấy dường như hoạt động của các loại phương tiện bay thuộc quân đội Mỹ không ổn, Military Times – một tập đoàn báo chí tư nhân chuyên xuất bản các ấn phẩm liên quan đến quân đội Mỹ - đã viện dẫn Luật về Quyền Tự do thông tin, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp toàn bộ thông tin về những trục trặc liên quan tới các phương tiện bay quân sự từ 2011 đến 2018. Tất nhiên là Bộ Quốc phòng Mỹ không thể từ chối và Military Times đã công bố bản kê tất cả các trục trặc liên quan đến phương tiện bay quân sự, bất kể mức độ lớn - nhỏ, nguyên nhân (khách quan hay chủ quan) cho công chúng tham khảo, bình luận (6).
***
“Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” đã biến Đinh Ngọc Hệ (tự “Út Trọc”), Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ “Nhôm”) trở thành hai ông Trời con, khuynh đảo lực lượng vũ trang, nhân danh quốc phòng, an ninh thâu tóm công thổ, công thự trên toàn quốc biến thành tài sản riêng, chia chác với nhiều cá nhân. “Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” đã giúp cho hàng chục ông tướng của cả quân đội lẫn công an tự tung, tự tác, được cả ăn lẫn nói. “Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” giúp Vũ “Nhôm” và Trung tướng Phan Hữu Tuấn, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an được xử kín và dù tính chất, mức độ phạm tội của cả hai được xác định là “rất nghiêm trọng”, Vũ “nhôm” chỉ bị phạt 9 năm tù, tướng Tuấn chỉ bị phạt 7 năm tù. “Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” còn giúp “Út Trọc” với những vi phạm mà tính chất, mức độ nghiêm trọng không kém 12 năm tù vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
“Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” giúp Thượng tướng Phương Minh Hòa (cựu Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân), Trung tướng Nguyễn Văn Thanh (cựu Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân) chỉ bị cảnh cáo, Đại tá Bùi Văn Tiệp (cựu Tư lệnh Sư đoàn 367 Không quân) được hưởng án treo vì những sai phạm hết sức chung chung, thiếu chi tiết: Độc đoán, chuyên quyền, vi phạm đủ thứ qui định pháp luật về quản lý – sử dụng công thổ, công thự, không chỉ để mặc mà còn tiếp tay cho một số thuộc cấp “vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng”, chưa kể phê duyệt nhiều văn bản trái cả quy định lẫn thẩm quyền. Tướng Hòa, tướng Thanh, đại tá Tiệp đã “hạ cánh an toàn” nhưng nhiều thuộc cấp của họ như: Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm Bay Trung đoàn 921, Trung tá Khuất Mạnh Trí, Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng của Trung đoàn 921,… và những phi công đã tử nạn khi bay huấn luyện thì không.
Liệu những ông tướng chẳng ngại ngần chút nào khi biến hàng loạt phi trường từ Bắc tới Nam thành sân golf, khu dân cư, giúp Út Trọc tác oai, tác quái, có vì quốc gia, dân tộc, đồng chí, đồng đội mà chùn tay trong những thương vụ mua sắm phương tiện – thiết bị quốc phòng? Không biết! “Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” đủ để che kín tất cả. Dân có thể không biết nhưng hẳn là những đồng đội của Thượng tá Nam, Trung tá Trí,… biết nhiều hơn về “mặt thật” của các ông tướng. Tới lúc nào thì họ thôi, không muốn bán mình cho các “thủ trưởng” của họ nữa? Tới lúc nào thì tinh thần, nhiệt huyết quân nhân suy sụp hoàn toàn vì những “bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” được bảo vệ theo kiểu đó? Tác động từ việc hệ thống công quyền Việt Nam nhân danh “bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” để lờ đi, gạt bỏ sự hi sinh của những người lính kháng cự sự xâm lược của Trung Quốc cả trên đất liền lẫn trên biển, chống chế độ diệt chủng Polpot ở Campuchia sẽ cộng hưởng thế nào?
Nếu nói “bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia”, “bảo vệ lợi ích của Đảng”, “bảo vệ uy tín của lực lượng vũ trang” theo kiểu vừa kể đang “đánh” và sẽ đốn qụi tinh thần ái quốc, vì dân - những yếu tố quan trọng nhất, cần thiết nhất cho hiệu quả hoạt động của quân đội, công an thì có quá đáng không? Bị “đánh” hoài như thế thì lúc nào “sạch không kình ngạc”?

Chú thích

Những thành trì chống Mỹ: từ chết đến bị thương

Ánh Liên (VNTB) – Iran đang cùng với Venezuela trở thành 2 nước tuyến đầu chống Mỹ, thay cho anh cả Triều Tiên XHCN.
***
Tuần vừa qua, Iran đã cho bắt giữ lãnh đạo Ngân hàng Trung ương nước này, ông Ahmad Araghchi, vì cho rằng xử lý kém cỏi. Thêm vào đó, Iran đang xem xét việc thế lực thù địch, trong và ngoài nước cấu kết với nhau nhằm phá hoại nguyên nhân của tiền tệ (đồng rial) chứ không phải do chính sách của chính phủ.
Cách thức xử lý các vấn nạn liên quan đến sự tồi tệ của nền kinh tế, với xu hướng đổ lỗi cho các thế lực thù địch có vẻ Iran học hỏi rất nhanh các nước XHCN. Nơi mà ‘thế lực thù địch’ là kẻ chịu trách nhiệm chính và là cuối cùng cho mọi tiêu cực của đất nước.
Và Mỹ, đất nước của ‘đế quốc tư bản’ luôn là kẻ cầm đầu phá hoại, như cách mà mới đây Tổng thống Venezuela từng tuyên bố.
‘Những bàn tay bẩn thỉu đằng sau bức màn trướng’, mô tả sự mất giá của đồng Rial từ Bộ trưởng Tư pháp Iran Ayatollah Sadeq Amoli Larijani lần này lại bao gồm cả những quan chức cấp cao nhất phụ trách về mặt kinh tế. Nói cách khác, ‘bàn tay bẩn thỉu’ có cả những người trong bộ sậu Chính phủ hiện thời.
Tuy nhiên, theo trang tin The Guardian, thì việc sụt giảm đồng rial được xác định là do Tehran không lường trước được tác động tiêu cực của việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran tới kinh tế tài chính nước này. Và cách ứng phó duy nhất vẫn là lên án ‘kẻ thù giấu mặt’.
Nhưng số phận của đồng Rial không dừng tại đó, nó sẽ tiếp tục bi thảm hơn khi vào lúc 4g01 phút ngày 7.8, lệnh trừng Phạt của Mỹ sẽ khởi động lại. Theo đó, ngăn chặn Tehran thu mua USD, cấm các hoạt động xuất nhập khẩu kim loại, than, các phần mềm liên quan tới công nghiệp và ngành sản xuất ôtô.
Tất cả những sức ép tài chính mà Mỹ đang gia tăng là nhằm kiềm chế tham vọng của Iran tại Trung Đông và chấm dứt con đường tiếp cận vũ khí hạt nhân của Tehran.
‘Iran không chế tạo vũ khí hạt nhân, Mỹ vu khống’ – quan điểm này trở nên lạc lõng hơn khi những bằng chứng được chia sẻ giữa nhóm tình báo của Isarel với Mỹ đã cho thấy, Iran tiếp tục duy trì bí mật tham vọng hạt nhân của mình, bỏ mặt các cam kết quốc tế trước đó.
‘Iran sẽ chống Mỹ đến người Iran cuối cùng’, điều này nếu phát ra từ giới lãnh đạo cấp cao Iran, thậm chí là từ vị Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei – người có thành kiến đầy cực đoan đối với phương Tây và Mỹ, người từng giống như Kim-Jong Un (Triều Tiên) khi cảnh báo Washington sẽ ‘biến mất khỏi lịch sử’.
Những ngôn từ kích động đầy bạo lực và mang tính thù địch này không khác lắm với ngôn từ chống phương Tây, chống Mỹ tại các nước độc tài, chuyên quyền. Đặc trưng nó chỉ là sự tuyên truyền dựa trên sự kích động lòng tự tôn dân tộc thái quá, bỏ thêm sự mù thông tin của một nhóm dân.
Và trong khi giới lãnh đạo miệt mài chống Mỹ và phương Tây bằng ngôn ngữ đao to búa lớn, thì con cái họ lại được gửi đến hệ thống các trường học của Mỹ hoặc phương Tây.
Businessinsider trong một bài viết từ năm 2014 đã cho thấy, từ sau cuộc cách mạng 1979, Cộng Hòa Hồi giáo Iran được thành lập đã đóng hệ thống trường đại học có ảnh hưởng bởi yếu tố phương Tây, mà lãnh đạo giáo chủ nước này coi đó là ‘mầm mống độc hại’ – nói như Việt Nam là ‘tạo những tên xung kích chống phá, diễn biến hòa bình’. Nhưng sau đó, con cháu của lãnh đạo Iran, giới tinh hoa sẽ được kế nhiệm lãnh đạo hay thậm chí cai trị Iran theo cách nào đó lại được đổ xô ra nước ngoài để học tập.
Ví dụ như Maryam Fereydoun, con gái của Hossein Fereydoun , em trai của Tổng thống Iran, Hassan Rouhani.
Hossein Fereydoun là người ủng hộ cuộc cách mạng Hồi giáo, là người chịu mảng an ninh khi giáo sĩ cách mạng Ayatollah Khomeini trở về nước; là thống đốc; là đại sứ Iran tại Malaysia; là cố vấn của Tổng thống. Nhưng con gái của người được cho là bày trừ phương Tây này lại học đại học Columbia, sau đó là kinh tế London thông qua học bổng Lord Dahrendorf (học bổng dành cho sinh viên tại những nước nghèo). Chồng cô, con trai đại sứ Iran tại Thụy Sỹ thì học tiến sĩ tại Đại học Oxford. Ngoài ra, còn có Mahdi Zarif, con trai của Ngoại trưởng Iran, Mohammad Zarif, và Seyed Ahmad Araghchi, cháu trai của Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Seyed Abbas Araghchi (người từng có những tuyên bố đanh thép về phía Mỹ) cũng từng học tại New York.
Những gì đã và đang diễn ra ở Iran không khác gì diễn ra ở Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba,…: đổ lỗi cho chủ trương phát triển kinh tế yếu kém về phía thế lực thù địch; công khai chống Mỹ và tuyên bố thù địch với Mỹ hoặc phương Tây; con cháu đang sống và làm việc tại Mỹ hoặc phương Tây.
Giới quan chức Iran và các nước hiểu hơn ai hết về về số phận của các quốc gia chống Mỹ thì số phận chỉ từ chết đến bị thương. Bài học Liên Xô, Triều Tiên, Venezuela hay cả Trung Quốc – là minh chứng sống động, logic, rất tự nhiên. Nhưng thay vì giới lãnh đạo cấp cao các nước độc tài, chuyên chính gánh trách nhiệm và hậu quả khi tuyên chiến, thì họ lại đẩy yếu tố đó về phía nhân dân.
Cần nhấn mạnh, bài viết ra đời không phải nhằm ‘ca tụng Mỹ’, mà chỉ cho thấy rằng, điều quan trọng trong quản trị một quốc giá chính là đáp ứng lợi quyền nhân dân, là biết nhân dân đang nghĩ, muốn và thậm chí là cần gì. Tuy nhiên, chọn bạn mạnh mà chơi không phải nước nào cũng làm được, vì ý thức hệ, vì tinh thần tôn giáo cực đoan, kết quả… bài ca chống Mỹ vẫn vang lên, còn nhân dân thì lầm than nơi đáy bể.

Giáo dục Việt Nam: Sự sợ hãi đánh mất quyền lực


Fb. Nguyễn Ngọc Chu|

Đọc tin về cuộc họp do PTT Vũ Đức Đam chủ trì ngày 30/7/2018 cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT để nghe ý kiến chuyên gia về kỳ thi TN THPT quốc gia, thì buồn nhiều hơn vui.
Trước khi nói về cuộc họp, thử nhớ đến phép nghe lời khuyên.
Phép nghe lời khuyên
1. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa chỉ muốn nghe lời khác ý mình. Đơn giản bởi điều mình biết rồi thì còn gì phải nghe nữa. Nhờ đó họ không ngừng được mở rộng kiến thức. Đó điều thiết yếu thứ nhất của phép nghe.
2. Các bậc thánh nhân, minh quân, từ ngàn xưa đều muốn nghe điều xấu của mình. Chịu chỉ trích làm họ tránh được kẻ xu nịnh, gần được người hiền lương, biết điểm yếu mà loại bỏ nên không ngừng hoàn thiện. Đó là điều thiết yếu thứ hai của phép nghe.
3. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa đều muốn đối mặt với kẻ giỏi hơn mình. Nhờ đó họ trở thành vô địch. Đó là điều thiết yếu thứ ba của phép nghe.
4. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa biết nghe rồi thay đổi theo điều đúng, mà không sợ bị chê ngu. Thế là biết học được điều mới. Đó là điều thiết yếu thứ tư của phép nghe.
5. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa, thấy người giỏi hơn thì tôn làm thầy mà nhường chỗ. Ấy là không sợ mất quyền lực. Không sợ mất quyền lực thì mới giữ được quyền lực. Đó là điều thiết yếu thứ năm của phép nghe.
Theo được cả 5 phép nghe đó thì thánh hiền thêm thánh hiền, minh quân thêm minh quân, quốc gia nhờ đó mà cường thịnh.
PTT Vũ Đức Đam chủ trì ngày 30/7/2018 cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT để nghe ý kiến chuyên gia về kỳ thi TN THPT quốc gia
Phép nghe qua cuộc gặp ngày 30/7/2018
Đối chiếu với các phép nghe nêu trên thì cuộc gặp nghe ý kiến của các chuyên gia về giáo dục ngày 30/7/2018 nằm ở chiều ngược lại. Tóm tắt ở các điểm sau.
1. Không chủ trương mời rộng rãi những người có ý kiến khác biệt sâu sắc.
2. Không chủ trương mời những người ngoài khuôn khổ quen biết.
3. Không nói thẳng hết các ý kiến chỉ trích, mà lựa lời theo truyền thống xoa dịu.
4. Nghe chỉ là hình thức. Đến không phải để nghe mà để bảo vệ quyết định. Trước khi nghe đã quyết định không thay đổi.
5. Không chịu tự giáng chức, không tìm người giỏi hơn mà nhường chức.
Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn kiên trì kỳ thi 2 trong 1. Vẫn kiên trì phải có kỳ thi TN THPT. Vin vào các lý do rằng không thi thì học sinh không học. Vin vào Luật GD rằng phải có thi thì mới đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp.
Nhiều nước đã bỏ thi TN THPT hàng chục năm nay rồi. Vậy mà sao trong Luật GD vẫn phải bắt thi TN? Người soạn ra Luật GD thật thiển cận.
Mặt khác, Luật đưa ra nếu sai thỉ phải sửa. Phải sửa tức thì chứ không phải đợi đến kỳ họp của mấy năm sau. Điều đó có nghĩ là trong Luật phải có điều khoản cho phép điều chỉnh.
Tóm lại là không biết nghe, và không chịu nghe. Mà trên thực tế thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT chẳng bao giờ chịu nghe. Lấy thí dụ về thi trắc nghiệm môn toán.
Khi biết tin Bộ GD&ĐT tiến hành thi trắc nghiệm môn toán Hội Toán học Việt Nam đã có công văn phản đối. Để đối phó với dư luận và cấp trên, lãnh đạo Bộ GD & ĐT đã tổ chức cuộc gặp với đại diện của Hội Toán học Việt Nam. Nhưng chỉ để giải thích quyết định thi trắc nghiệm môn toán. Lãnh đạo Bộ GD& ĐT không nêu ra được tên các đơn vị và các nhà chuyên môn về toán học đã đồng thuận và tư vấn cho Bộ về thi trắc nghiệm môn toán. Trước đó ở Đại học quốc gia Hà Nội khi ông Nhạ làm giám đốc, quyết định thi trắc nghiệm môn toán được đưa ra mà Khoa Toán của Đại học quốc gia Hà Nội không hề biết, không hề được tham vấn.
Một người không có chuyên môn về toán như ông Phùng Xuân Nhạ mà coi thường ý kiến của hội Toán Học Việt Nam, bất chấp Khoa Toán ở Đại học quốc gia Hà Nội, thì ông dựa vào ai mà quyết định thi trắc nghiệm môn toán?
Còn nữa, về kỳ thi TN THPT, ông Phùng Xuân Nhạ vẫn kiên trì bỏ ngoài tai ý kiến của GS Ngô Bảo Châu, bỏ qua ý kiến phản biện của nhiều chuyên ga về giáo dục, khăng khăng theo ý kiến của mình, thì Giáo dục Việt Nam còn tiếp tục tụt hậu. Xin khẳng định với bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng, không có một thủ tục nào có thể ngăn chặn được bê bối trong thi cử hiện nay, trừ phi cách mạng cơ chế toàn diện và triệt để.
Thi nhau chịu trách nhiệm
Từ xưa, các bậc đế vương, tể tướng, kẻ sĩ…, khi phạm khuyết điểm, ngoài hình phạt theo pháp luật còn tự giáng chức, tự đưa ra hình phạt cá nhân mình để tự răn đe, để không tái phạm. Nhưng ở Việt Nam thời nay thì hoàn toàn khác.
Xin chịu trách nhiệm đã thành câu cửa miệng của các bộ trưởng Việt Nam ngày nay. Chịu trách nhiệm nhưng không xuống chức, không trừ lương. Nên ai cũng mạnh miệng xin chịu trách nhiệm.
Điều tê tái nữa là biểu cảm. Sau các thảm họa hủy diệt, sau các bê bối đau đớn, không thấy khuôn mặt bộ trưởng ưu phiền, lo toan. Chí ít cũng là diễn kịch. Chỉ thấy tươi cười nhơn nhởn. Chứng tỏ sự liêm sỉ đã xuống đến đáy tột cùng của thang nhân phẩm. Đớn đau thay, toàn là các vị với hàng bao tải chức danh, khoác trên mình áo cà sa giáo sư tiến sĩ.
Hãy thực sự làm việc
Bộ trưởng phải là người làm việc thực sự hiểu quả, là người lao động dâng hiến. Thế nhưng, có vị bề ngoài rất bận rộn, song toàn những việc tào lao. Suốt ngày đi dự khai trương, sự kiện, mít tinh, hội họp. Chỉ nghe giới thiệu với vỗ tay đã hết cả hàng giờ thì còn lấy đâu thời gian cho thực việc. Đã thế, cơ sở có sự kiện cùng với bộ phận giúp việc lại phải chuẩn bị các bài phát biểu sẵn. Những bài diễn văn khuôn mẫu buồn chán lặp đi lặp lại đến nhàm tai.
Hãy bỏ khai trương, bỏ sự kiện, bỏ phát biểu ở họi họp mít ting, mà lăn xả vào xử lý các vấn đề bản lề, cốt lõi.
Sự sợ hãi đánh mất quyền lực
Tại sao không chịu nghe? Là vì sợ mất quyền lực. Từ mất quyền lực sẽ dẫn đến mất quyền lợi.
Đã đến lúc không thể giữ ý, phải thẳng thừng bỏ tay khỏi bịt miệng mà kêu lên đớn đau, rằng sự sợ hãi mất quyền lực đang hiển hiện bao trùm khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực trên Đất nước chúng ta. Sự sợ hãi mất quyền lực, kéo theo đó là mất đặc lợi, đang phủ bóng đen tồi tệ lên vận mệnh Dân tộc.
Chưa bao giờ những người dân chân đất đầu trần lại buộc phải lo lắng đến vận mệnh Dân tộc ở mức độ khắc khoải như hiện nay.
Không phải chỉ nạn tham nhũng đang tàn phá kiệt quệ nội lực quốc gia.
Không phải chỉ bị dồn đến chỗ cuối đường cùng buộc vùng lên giữ đất như Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến.
Không phải chỉ vì bị đầu độc nhiều kiếp đời con cháu như Formosa Hà Tĩnh.
Không phải chỉ vì bị chặn long mạch ở Cửu Long, Hồng Hà.
Không phải chỉ bị thắt yết hầu ở Tây Nguyên, Hải Vân, Đèo Ngang.
Không phải chỉ… Mà còn ở nguy cơ tự mình biến mình thành ngu dân nên khó thoát kiếp nạn tụt hậu rồi trở thành kiếp đời lệ thuộc.
Như phù sa đối với cỏ cây, Dân trí là nền tảng sinh dưỡng sự cường thịnh của một quốc gia. Dân trí càng cao thì quốc gia càng giàu có hùng mạnh. Sự xuống cấp của nền Giáo dục là đòn chí mạng lên nền tảng Dân trí. Đau đớn thay./.

Chiêu trò của đảng

Đại hội 12 của đảng Cộng sản Việt Nam
Sau ngày định mệnh của dân tộc, ngày Cộng Sản chiến thắng tự do, cả dân tộc chìm vào kiếp nô lệ. Dân làm kiếp nô lệ, bị đói khổ hoành hành sắp đến ngưỡng chịu đựng. Sợ dân nổi loạn, Tổng Bí Thư cho “đổi mới” bằng cách chôm cái cũ của tư bản gắn vào cái đuôi XHCN. Cũng vì cái đuôi ấy, nó làm phát sinh ra một xã hội chỉ biết làm kinh tế bằng lòng tham mà quên mất sự chia sẻ. Sự tranh giành nhau và dùng thủ đoạn hại nhau trở nên phổ biến.
Khi lòng tham và thủ đoạn trở nên phổ biến thì cái ác cũng từ mà sinh ra. Vì thế tội phạm khắp nơi nổi lên thành một chứng bệnh trầm kha của đất nước. Đứng trước tình hình xã hội bệ rạc thế, Đảng họp nhau tìm đối tượng để đổ lỗi. Sau bao lần họp rồi cũng tìm ra “nguyên nhân”. Đảng bảo rằng “tệ nạn xã hội tăng cao là do mặt trái của nền kính tế thị trường”. Và thế là hàng trăm tờ báo, hàng triệu đầu sách của ngành giáo dục được cho in ra. Mụch đích là đổ mọi tội lỗi gây ra xã hội đầy tệ nạn lên nền kinh tế thị trường vô tội kia.
Việc đổ lỗi phủi trách nhiệm ấy cũng làm cho dân tin, đó là một thành công của Đảng, bởi vì thời đó, nhân dân mù thông tin. Đến những năm 2000, internet phổ cập. Hình ảnh xã hội đầy nhân văn, thịnh vượng, và yên bình của các nền kinh tế thị trường lâu đời ở Âu, Úc , Mỹ hiện lên trên màn hình máy tính cho mọi người thấy. Thậm chí, nền kinh tế thị trường mới nổi sau này như Singapore cũng cho kết quả như thế. Hết đường đổ lỗi, Đảng êm re như chó cụp đuôi bỏ đi cho qua chuyện.
Rồi sau đó Internet sinh ra Google, YouTube, Facebook làm dân khai thông trí não. Dân đã biết sự thật là, không những Đảng yếu kém tưởng quản lí kinh tế -xã hội Việt Nam, mà sự thật Đảng bán nước đã phơi bày. Thế là dân dần dần ngộ ra và bắt đầu biết biểu tình, điều mà trước đây không hề có. Thấy nguy hiểm đến sự tồn vong, Đảng họp lại bàn kế sách đánh phá để triệt xu thế tất yếu đang hình thành trong lòng dân. Đảng quyết định đánh dân bằng 2 mũi giáp công. Mũi thứ nhất, dùng Bộ Cộng An đánh phá, đe dọa người nổi bật trong các cuộc biểu tình và các người viết bài có ảnh hưởng. Mũi thứ 2, Đảng cho Ban Tuyên Giáo đánh phá những ngòi bút có ảnh hưởng trên mặt trận tư tưởng để triệt tiếng nói của họ một cách hèn hạ mà không phản biện một cách đàng hoàng với họ để đi đến rõ ràng trắng đen.
Thay vì bảo vệ quyền biểu tình của dân như hiến pháp quy định thì Đảng lại cho công an trà trộn vào đoàn biểu tình đánh người dẫn đầu hoặc bắt họ nhốt để làm cho dân biểu tình mất phương hướng. Đánh rắn thì phải đánh cho chúng dập đầu, nên ai là người biểu tình nổi bật thì Đảng cho bắt bớ, canh cổng, giam lỏng, hoặc cho công an mặt thường phục giả dạng côn đồ hành hung. Trò tiểu nhân này đang thành công.
Phát huy trò tiểu nhân của Bộ Cộng An, Đảng cho Ban Tuyên Giáo áp dụng y bài đó để đánh phá những người tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Cũng chiêu đánh rắn đập đầu cho vỡ trận tựa Bộ Cộng An đã áp dung với người biểu tình, Ban Tuyên Giáo cũng dùng cách đó để triệt hạ những ngòi bút có uy tín. Với lực lượng báo chí hùng hậu, Đảng cho bồi bút đánh phá, chụp mũ người bất đồng chính kiến trên báo giấy, trên báo net, trên phát thanh, và trên truyền hình của Đảng. Chưa hết, đảng cho đám văn nô, nghệ sỹ bưng bô bênh vực mình. Thấy vẫn chưa đủ, Đảng cho một đội ngũ ăn lương nhà nước rình rập đánh phá những cây bút mà Đảng cho là nguy hiểm với chế độ. Đảng lùa một đám rất đông đảo chuyên phá hoại luôn sẵn sàng tác chiến. Đầu tiên là dựng lên DLV, thấy đám này ngu quá chỉ biết chửi thô tục và nhanh chóng bị khóa mõm bằng 1 cái click. Thế là đảng tung tiếp 10.000 tên của ngành công an gọi là LL47 để chuyên report đánh sập các nick mà Đảng sợ. Và kết quả đã đánh sập rất nhiều nick trên facebook.
Tưởng đánh sập là đạt yêu cầu. Nhưng thực tế không phải vậy, nhiều nick bị đánh sập đã mọc lại rất nhanh và thời gian ngắn lượng like và share trở lại như cũ. Lúc này phát sinh nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ là làm thế nào đánh sập uy tín của nạn nhân để bạn đọc quay lưng. Đây là cách khá cao tay. Thế là Đảng cho dựng lên một đám DLV mới, chúng là dân chủ trá hình. Loại DLV này không đầu bò như đám cũ, chúng có kiến thức hơn để giả dạng làm người chống cộng cực đoan. Nhiệm vụ của chúng là đánh phá triệt hạ tới cùng những ngòi bút uy tín trên face. Chúng suy diễn và chụp mũ cho phát tán trên face để làm những người đang muốn tìm hiểu sự thật né ra và quay lưng với những bài viết. Bài của chúng rất đơn giản, chụp mũ người chống Cộng là CS để hạ uy tín người ta. Mục đích là ngăn cản lượng người likes và share sự thật bằng mọi cách. Như một mũi tên trung 2 mục đích, vừa hạ uy tín những ngòi bút vừa tạo cho mọi người cảm giác rằng “giới dân chủ chẳng ra gì, chúng đánh nhau kìa”. Và thực tế, nhiều người đã lầm tưởng rằng quân ta đánh quân mình, nhưng kì thực đó là cách CS đã đội lốt để đánh phá.
Để nhìn ra loại dân chủ trá hình rất dễ, chỉ cần xem chúng chuyên đánh phá ai là biết ngay. Với người chống Cộng đúng nghĩa mục tiêu của họ là ĐCS và chính quyền. Với kẻ chống Cộng trá hình thì mục tiêu của nó là các cá nhân chống Cộng có uy tín.
Đảng Cộng Sản là một tập đoàn ma mãnh và gian xảo. Thành tích tệ hại trong quản lí kính tế xã hội đang được Đảng tìm cách đổ lỗi. Khi sự đổ lỗi bị phanh phui, Đảng đánh phá người nói lên sự thật bằng đủ trò tiểu nhân bỉ ổi và vô cùng thâm độc. Những chiêu trò đó rồi cũng bị hoá giải khi lòng dân lớn mạnh. Đi ngược với xu thế thời đại, phản bội lại quyền lợi nhân dân thì Đảng phải suy rồi dẫn đến vong là điều chắc chắn. Tôi tin như vậy./.

Trái đắng: “Hà Nội ăn ốc, Slovakia đổ vỏ”?

Ông Robert Kaliňák

Phương Thảo tổng hợp – (VNTB) – Bộ Nội vụ Slovakia đang trải qua thời kỳ hoảng sau khi truyền thông Đức công bố thông tin rằng cựu Bộ trưởng Nội vụ, Robert Kaliňák, đã cung cấp một máy bay của chính phủ cho phái đoàn Việt Nam từ Prague đi Bratislava và sau đó là Moscow để giúp đỡ Đảng Cộng sản Việt Nam vận chuyển Trịnh Xuân Thanh, từ Berlin về Hà nội.
***
Sau vụ nhà báo Jan Kuciak bị sát hại hồi đầu năm vì những bài viết về tham nhũng, Slovakia đã phải chứng tỏ họ vẫn thuộc về phương Tây. Nhưng thay vào đó, vụ bê bối với mật vụ Việt Nam sẽ chỉ làm trầm trọng thêm mối quan hệ của Slovakia với Đức và các nước phương Tây. Slovakia giờ trở thành quốc gia đã giúp các nhà lãnh đạo độc tài bắt cóc người ngay trên lãnh thổ của một trong những đồng minh chính trị, kinh tế và quân sự của họ.
Cáo buộc Slovakia tham gia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã trở thành một vụ bê bối chính trị lớn kể từ hôm thứ Năm. Trong bài điều tra của Denník N dựa trên báo cáo của các nhà điều tra Đức và lời khai của các sĩ quan cảnh sát Slovakia thì họ đã chứng kiến chuyến thăm chính thức của phái đoàn Việt Nam đã được sử dụng để vận chuyển Trịnh Xuân Thanh từ Bratislava đến Moscow và sau đó là Việt Nam hồi tháng 7 năm 2017.
Sau khi Thủ tướng Peter Pellegrini gặp Tổng thống Andrej Kiska, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Denisa Saková đã đình chức của ông Peter Krajčírovič để phục vụ điều tra vụ án bắt cóc và vai trò của Slovakia trong đó.
Những điều bất thường 
Một tháng sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mang về Việt nam quy án, các nhân viên điều tra Đức đã chất vấn Bratislava về hành khách trên chuyến bay của Bộ Nội vụ Slovakia đi Moscow ngày 26 tháng 7 năm 2017. Cho tới lúc đó các quan chức cảnh sát Slovakia và đại diện Bộ Nội vụ mới tỏ ra nghi ngờ hành khách được cho là bị say rượu bị đưa lên máy bay chính là người đã bị mật vụ Việt nam bắt cóc ở Berlin.
Các nhân viên cảnh sát Slovakia cũng như nhân viên Bộ Nội vụ và nhân viên sân bay đã tường thuật lại chi tiết vụ việc.
   || Thứ Ba, ngày 25 tháng 7 năm 2017, Bratislava
Vào lúc 3:30 chiều, tất cả các tài xế thuộc Văn phòng Bảo vệ cho các Cơ quan Hiến pháp và Bộ Ngoại giao Slovakia nhận được điện thoại và được hỏi liệu họ có sẵn sàng làm việc vào ngày hôm sau hay không. Một phái đoàn Việt Nam sẽ đến bất ngờ đến Slovakia. Một số vệ sĩ rất ngạc nhiên vì các chuyến thăm tương tự thường được lên kế hoạch truóc vài tuần.
   || Thứ Tư, ngày 26 tháng 7 năm 2017, Bratislava
Vào 1 giờ chiều, máy bay chính phủ Slovakia trở về từ Praha với đoàn Việt Nam trên đó. Đây là chuyến bay đầu tiên mà Slovakia cung cấp một chiếc máy bay cho phái đoàn Việt nam. Các nhân viên cảnh sát cảm thấy sự việc đáng nghi ngờ vì thường không cho các quốc gia nước ngoài mượn máy bay. Điều đó sau này được xác nhận qua câu trả lời của Bộ Nội vụ rằng việc cho mượn máy bay là một tình huống bất thường.
“Kế hoạch của họ thay đổi hoàn toàn; điều đó có vẻ bình thường, ”cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák cho biết trong một cuộc phỏng vấn của tờ SME hàng ngày, khi ông giải thích lý do cho phái đoàn Việt Nam mượn máy bay.
Cửa trên máy bay mở ra lúc 1:19. Radovan Čulák, người đứng đầu giao thức tại Bộ Nội vụ Slovakia (được xác định bởi các phương tiện truyền thông Đức như một nhân chứng chủ chốt cho vụ việc) đã có mặt trên máy bay. Ông ta có nhiệm vụ là đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Ngoài ra còn có một người khác trên máy bay là Lê Hồng Quang, cố vấn của thủ tướng lúc bấy giờ Robert Fico.
Lúc 1:20 chiều, một đoàn xe khởi hành từ sân bay của Bratislava. Viên chức phụ trách đoàn xe là Ján H.
Chiếc limousine chỏ Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm do Igor M. lái, và chiếc limousine dự phòng do Lukáš H. điều khiển. Martin K. lái xe chở các thành viên còn lại của đoàn cùng với Čulák.
Các xe này do năm xe máy hộ tống. Số lượng xe nhiều như vậy có vẻ bất thường đối với cảnh sát, cho một chuyến thăm kiểu này.
Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák đang chờ ở phía trước của khách sạn chính phủ Bôrik và thực hiện một cuộc gọi điện thoại căng thẳng, đôi khi gần như hét lên. Ông ta đề cập đến từ “hộ chiếu”.
Ba xe thuê từ Prague và một chiếc SUV Lexus đã đậu sẵn trong bãi đậu xe của khách sạn. Trịnh Xuân Thanh ở một trong những chiếc xe khách. Trịnh Xuân Thanh bị đánh đập, tiêm thuốc mê, và mắt nhìn vô hồn. Không có cảnh sát nào biết đến sự hiện diện của Thanh. Vị trí của xe tải sau này đã được cảnh sát Berlin cung cấp nhờ vào định vị GPS tích hợp.
Từ năm 2014, trang chống tham nhũng trong đại sứ Slovakia tại Hà Nội đã lên tiếng về trường hợp của Lê Hồng Quang – người đang làm việc cho thủ tướng ông Fico. Ông Quang có 2 quốc tịch, nhưng lại là cố vấn của thủ tướng Slovakia?.
Róbert S. và Slavomír Z. chịu trách nhiệm các “biện pháp an ninh” khác nhau tại Bôrik. Họ quan sát xung quanh.
Vào khoảng 1:35, đoàn xe bộ trưởng Việt Nam đến nơi.
Một cuộc họp giữa hai phái đoàn bắt đầu tại diễn ra tại khách sạn. Về phía Việt Nam, có Bộ trưởng Bộ Công an, Tô Lâm; Dương Minh Hưng; Lê Mạnh Cường; và Phạm Văn Hiếu tham gia. Phía Slovak do Robert Kaliňák, Radovan Čulák, Ivan Netík và Lê Hồng Quang đại diện. Thêm vào đó, 19 người khác thuộc “hạng B” cũng có mặt tại cuộc họp nhưng các nhà điều tra Đức không rõ danh tính.
Trong quá trình họp, có điều gì đó bất ngờ xảy ra. Đại diện Việt Nam đến gặp chỉ huy đoàn xe – Ján H. – và yêu cầu anh ta cung cấp thêm một xe nữa. Anh ta không biết là xe đó có chứa Trịnh Xuân Thanh .
Tuy nhiên, đối với đoàn xe mô tô chính thức, các yêu cầu như vậy là không bình thường vì số lượng xe và người luôn được chỉ định trước.
Lúc đầu, Ján H. từ chối yêu cầu của phía Việt Nam về một chiếc xe nước ngoài. Phụ trách an ninh liên lạc với trụ sở Văn phòng Bảo vệ các Cơ quan Hiến pháp và cho quyết định chiếc xe Việt Nam với bảng số Cộng hoà Séc sẽ không được phép đi chung, nhưng một chiếc xe của cảnh sát Slovakia sẽ được thêm vào.
Cuộc họp bộ trưởng tại khách sạn Bôrik kéo dài thêm mưởi lăm phút, và lên tới 40 phút thay vì 25 phút như kế hoạch vì phải chờ xe thêm vào.
Vì lợi ích quốc gia?
Tài xế của chiếc xe mới là Michal C. Vào lúc này này, các nhân viên cảnh sát mới nhìn thấy Thanh bầm tím. Čulák yêu cầu họ đưa Thanh từ chiếc xe của Séc sang xe cảnh sát. Čulák nói, “Kali biết chuyện này; đây là vì là lợi ích quốc gia.”
Čulák nói với các vệ sĩ rằng người bị giam giữ này bị say rượu và té cầu thang. Anh ta sẽ được giữ tránh mặt bộ trưởng để anh ta không bị mất mặt.
Hai người đàn ông, có lẽ là mật vụ Việt Nam, vào xe cùng Thanh. Họ xốc Thanh ta lên để cho Thanh không bị té.
Đoàn xe máy đến tại sân bay Milan Rastislav Štefánik vào đúng 2:29 chiều. Cảnh sát làm nhiệm vụ tại sân bay ngay lập tức nhận thấycó thêm một chiếc xe. Những chiếc xe đầu trực tiếp đi tới tận máy bay mà không đi qua bất kỳ máy quét hoặc sự kiểm tra nào tại các thiết bị dành cho các chuyến bay nhà nước.
Bộ trưởng Việt Nam bước vào máy bay đầu tiên, tiếp theo là một phần phái đoàn. Người bị bắt cóc được đưa lên cuối cùng, được xốc nách để làm cho có vẻ như thể anh ta say rượu và cần được hỗ trợ. Từ chỉ có 4 người trên chiếc chuyên cơ đến từ Prague, đã có 12 người lên máy bay đi Moscow.
“Nội gián” là cố vấn của Fico?
Các nhà điều tra Đức đã cho biết rằng người đứng đầu giao thức của Bộ Nội vụ, Radovan Čulák, và nhóm của ông chịu trách nhiệm về chuyến thăm Slovakia, với sự hỗ trợ của cố vấn cho thủ tướng Slovakia, ông Lê Hồng Quang , người đã hợp tác với người Việt Nam. Đại sứ quán ở Bratislava “, Vào thời điểm đó, Robert Fico là thủ tướng.
Ông Quang là người đã thay mặt phía Việt nam để xử lý các thoả thuận của phái đoàn này.
Báo Dennik N cũng cho biết rằng các nhà điều tra Đức cũng đã nhận thấy chính phủ Slovakia có thể đã tham gia vào vụ bắt cóc một cách vô tình và rằng có một “tay nội gián” ở phía Slovak đã tham gia vào các vụ việc. Và do dó chắc chắn phải xem xét kỹ hơn vai trờ của cố vấn Thủ tướng Lê Hồng Quang, người nhận chức trưởng sứ quán Slovakia tại Hà Nội sau vụ bắt cóc”
Dennik N cũng lưu ý rằng Tổng thống Andrej Kiska thừa nhận rằng Thủ tướng Chính phủ Robert Fico đã yêu cầu ông bổ nhiệm ông Lê Hồng Quang làm đại sứ vốn là một điều bất thường và Tổng thống Kiska đã từ chối việc bổ nhiệm. Bộ Ngoại giao đã triệu hồi ông Quang trở về Bratislava sau khi có các báo cáo về vụ bắt cóc, và hiện ông Quang không còn làm việc cho ngoại giao Slovakia nữa.
Bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák: chúng tôi bị Việt nam lừa
Bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák, người bị buộc phải từ chức vào tháng 3 vừa qua do cuộc khủng hoảng chính trị và các cuộc biểu tình của Slovakia sau vụ giết hại nhà báo Ján Kuciak và vị hôn thê của ông, Martina Kušnírová, đã phủ nhận tất cả các cáo buộc và nhấn mạnh rằng Slovakia chỉ có thể đã vô tình bị dính líu vì phái đoàn Việt nam bị lừa.
Kaliňák đã duy trì quan điểm rằng vụ bắt cóc xảy ra ở Đức và do đó đây là vấn đề của cảnh sát Đức nên không có lý do gì để điều tra và truy tố hình sự ở Slovakia.
Kaliňák và cảnh sát Slovakia lập luận rằng các nhà điều tra Đức đã không báo cáo Thanh bị mất tích trong hệ thống chia sẻ thông tin về người mất tích của khối Schengen.
Nhưng tờ Sme hàng ngày đưa tin rằng vào ngày 5 tháng 8 rằng họ đã nhận được một bản sao của một báo cáo của cảnh sát cho thấy Thanh đã được đưa vào hệ thống thông tin Schengen khi chưa đầy 24 giờ sau khi bị bắt cóc ở Berlin. Việc tìm kiếm chính thức người mất tích bắt đầu vào lúc 8:30 sáng ngày 24 tháng 7 năm 2017.
Kaliňák trả lời rằng những tuyên bố của ông dựa trên thông tin ông nhận được từ Bộ Nội vụ.
“Khi chúng tôi thảo luận tại ủy ban nghị viện ba tháng trước, Bộ Nội vụ đã kiểm tra và xác nhận rằng tên của ông Thanh không được lưu giữ ở đó”, Kaliňák nói với Sme vào ngày 5 tháng 8.
Slovakia: rối bòng bong 
Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini sẽ gặp nhau tiếp để thảo luận về vụ việc ngày thứ Ba 8 tháng 8. Hiện Pellegrini yêu cầu người kế nhiệm Kaliňák, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Denisa Saková và cảnh sát trưởng Milan Lucansky sang Đức để hợp tác với nhân viên điều tra Berlin .
Hôm thứ hai, Bộ Nội vụ Slovakia ra tuyên bố cho biết Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova quyết định vào ngày 6 tháng 8 rằng bà cho phép các nhân viên cảnh sát ra làm chứng trong vụ điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức.
Các cáo buộc này đã gây căng thẳng cho liên minh ba đảng cầm quyền của Slovakia. Thành viên Most-Hid nói hôm thứ Hai rằng họ không thể ở lại liên minh nếu các thông tin về vụ việc báo chí đưa tin được xác nhận.
Trong khi đó, phe đối lập kêu gọi truy tố hình sự Kaliňák và những người tổ chức cuộc biểu tình “Vì một Slovakia tử tế – For a Decent Slovakia” nói rằng họ đã sẵn sàng xuống đường một lần nữa nếu những cáo buộc về sự tham gia bắt cóc của Kaliňák là đúng.
Hà Nội: chẳng còn mặt nào nữa mà mất
Một năm trước đây, nhà nước Việt nam huyênh hoang rằng Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện quay trở về nước cúi đầu quy án sau khi đã trốn sang tận Đức.
Trả lời báo chí trong nước về việc Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt nam bắt cóc từ Berlin mang về nước chịu tội, ông Tô Lâm – Bộ Trưởng Công an – khi đó đã khẳng định rằng: “Hiện tôi chưa có thông tin gì!” với một vẻ mặt rất bình thản.
Hà Nội đã nhất quyết không đáp ứng lại yêu cầu của nước Đức như trao trả lại Trịnh Xuân Thanh và công khai xin lỗi mà mang Trịnh Xuân Thanh ra xử tội tham nhũng làm bằng chứng cho chiến dịch đốt lò hừng hực của ông Trọng sẽ không chừa một ai không thuộc phe cánh của ông ta.
Hà Nội cứ tưởng rằng người Đức sẽ để yên khi hai bên đã có các thoả thuận ngầm ở cấp nhà nước về việc xử lý khủng hoảng ngoại giao nhằm khôi phục lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước từ tháng 12 năm ngoái. Nhưng cho đến giờ, thì cả Slovakia cũng không thể ngậm tăm để đánh đổi Hà Hội lấy lòng tin của các đồng minh Tây Âu cũng như để giữ sự ổn định trong nước.
Cho tới giờ Tô Lâm vẫn kiên trì im lặng.

Chuyện hài nước Việt

Ngo Du Trung FB
Hồi trước thì tin rằng hãy để VC chiếm miền Nam rồi thì dân mới mở mắt ra, mới thắng VC được.
Bây giờ thì tin rằng hãy để Tàu chiếm VN rồi thì dân mới mở mắt ra, mới thắng Tàu được.
Lúc đang có đất nước trong tay không mở mắt thì mất nước rồi còn mở mắt sao nổi? Chỉ mới có thằng VC mà cả nước xếp de rồi; tới thằng Tàu thì dù có nhắm mắt cũng không yên chứ ở đó mà mở mắt. Thiệt tiếu lâm!

FAA sẽ sang Việt Nam đánh giá an toàn hàng không trước khi cho mở đường bay trực tiếp

FAA sẽ sang Việt Nam đánh giá an toàn hàng không trước khi cho mở đường bay trực tiếp
Giới chức thuộc Cơ Quan Hàng Không Liên Bang FAA của Hoa Kỳ dự trù đến Việt Nam trong tháng 8 này để đánh giá về an toàn hàng không, trước khi cho phép các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay trực tiếp đến Hoa Kỳ.
Đài Á Châu Tự Do hôm Thứ Tư dẫn lời Phó cục trưởng Cục Hàng Không CSVN Võ Huy Cường nói rằng, để được bay thẳng đến Hoa Kỳ, cục này phải được xác nhận khả năng giám sát an toàn hàng không ở tiêu chuẩn CAT 1 của FAA. Sau khi đạt được chuẩn CAT 1, Cục Hàng Không mới được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại Việt Nam, nhằm bảo đảm việc tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trên các đường bay trực tiếp đến Hoa Kỳ.
Trong số những cơ cấu của ngành hàng không Việt Nam sẽ được FAA đánh giá, có hệ thống tài liệu hướng dẫn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trong ngành giám sát an toàn hàng không, quy trình thực hiện giám sát an toàn hàng không, việc xây dựng đội ngũ giám sát viên, việc huấn luyện giám sát viên từ căn bản đến nâng cao, việc xây dựng chương trình kiểm soát toàn bộ kết quả làm việc của giám sát viên, v.v.
Cho đến nay, phía Hoa Kỳ đã thực hiện hai đợt thanh sát kỹ thuật tại Việt Nam và đưa ra các khuyến cáo. Vietnam Airlines hồi đầu năm nay loan báo kế hoạch mở đường bay trực tiếp đến Hoa Kỳ vào cuối năm 2019 hoặc 2020.
Huy Lam / SBTN

5 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ra tuyên bố về việc kết án người biểu tình

5 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ra tuyên bố về việc kết án người biểu tình
Ảnh: Việt Báo
Năm tổ chức xã hội dân sự và hàng chục trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và doanh nhân ở Việt Nam vừa ký một bản tuyên bố chung về việc truy tố và phạt tù người biểu tình ôn hòa.
Các tổ chức đứng tên trong bản tuyên bố bao gồm: Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự Việt Nam, Nhóm Vì Môi Trường, Phong Trào Lao Động Việt, và Phong Trào Liên Đới Dân Oan Việt Nam. Bản tuyên bố đề ngày 4 tháng 8 viết rằng, hơn hai tháng qua, các tầng lớp từ nhân sĩ trí thức đến công chức, công nhân, nông dân, người buôn bán, người làm nghề tự do ở Việt Nam đều bày tỏ sự bất bình về luật đặc khu và luật an ninh mạng. Việc người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước xuống đường biểu tình, tuần hành trong tháng 6 để phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng là một tín hiệu đáng mừng về tính tích cực sáng tạo công dân vì sự tồn vong, vì quyền sống trong hoà bình và phát triển của đất nước.
Bản tuyên bố kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho tất cả những người biểu tình ôn hòa đã bị bắt và đang bị giam giữ. Trả lại toàn bộ tài sản của người biểu tình đã bị công an thu giữ, hay tòa án đã sung công. Xin lỗi, đền bù thiệt hại tinh thần, vật chất cho những người biểu tình ôn hòa đã bị đánh, bị bắt, bị giam giữ vô nhân đạo và phi pháp trong những năm qua.
Bản tuyên bố cũng kêu gọi quốc hội CSVN khẩn cấp xem xét thông qua luật bảo vệ quyền biểu tình để đem lại sinh khí cho hoạt động chính trị dân chủ, tự do, văn minh, lành mạnh của nhân dân Việt Nam.
Huy Lam / SBTN

Tàu cá Quảng Ngãi lại bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển

Một tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm và hư hỏng nặng. (Hình: Dân Trí)
QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Một tàu cá của Quảng Ngãi gồm bảy ngư dân bất ngờ bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cùng lúc, tàu cá và hàng chục ngư dân ở các tỉnh gặp nạn khi đi biển.
Theo báo VNExpress, khoảng 10 giờ sáng 7 Tháng Tám, 2018, Đài Thông Tin Duyên Hải Đà Nẵng nhận được thông báo từ các ngư dân tàu cá QNg 90693 TS cho biết họ nhận được tin của tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 90546 TS cách đó 11 hải lý bị tàu Trung Quốc đâm chìm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi nhận được tin báo của đồng nghiệp, tàu QNg 90693 TS đã lên đường chạy đến nơi tàu bị nạn hỗ trợ trong lúc chờ bộ đội biên phòng đến cứu hộ và đã may mắn cứu được toàn bộ bảy ngư dân an toàn.
Cùng lúc đó, Đài Thông Tin Duyên Hải Vũng Tàu nhận được thông tin tàu cá ở Bà Rịa-Vũng Tàu số hiệu BV 5631 TS cách Vũng Tàu khoảng 35 hải lý về phía Đông Nam đang bị chìm nửa tàu do “tàu bị sóng đánh khiến nước tràn vào,” khi trên tàu đang có 22 thuyền viên.
Nhận được tin báo, Đài Duyên Hải Vũng Tàu đã chuyển thông tin đến các tàu cá đang đánh bắt gần đó đến ứng cứu. Sau đó, tàu SAR của Trung Tâm Phối Hợp Tìm Kiếm Cứu Nạn Hàng Hải Việt Nam đã đến kéo tàu và đưa ngư dân về cảng.
Cũng theo báo VNEpxress, trưa 7 Tháng Tám, Đài Thông Tin Duyên Hải Phan Thiết lại tiếp nhận được yêu cầu trợ giúp khẩn cấp từ tàu cá Bình Định BĐ 96475 TS, đang hoạt động cách Quy Nhơn khoảng 170 hải lý về phía Đông thì bị nước tràn vào gây chìm, khiến hai ngư dân hoảng hốt cần ứng cứu.
Trước đó, hồi Tháng Tư, 2018, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 hợp lực đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS khi trên tàu này đang có sáu ngư dân. Khi sự việc xảy ra, nhóm ngư dân trên tàu cá của Quảng Ngãi kịp thời phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp và được cứu sống. (Tr.N)

Bộ Công An CSVN xóa 6 tổng cục theo lệnh Bộ Chính Trị

Công an CSVN chận hết các ngả đường dẫn đến tòa án thành phố Hà Nội để cấm người dân đến xem xử án, dù được thông báo là “xử công khai.” (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Công An CSVN không còn sáu tổng cục trực thuộc, 60 cục được sắp xếp lại, giảm gần 300 đơn vị cấp phòng kể từ ngày 6 Tháng Tám. Tuy nhiên bộ này xác định “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công An” vẫn như cũ.
Chiều Thứ Ba, 7 Tháng Tám, 2018, Bộ Công An CSVN tổ chức họp báo để loan báo quyết định, từ nay, Bộ Công An không còn các tổng cục mà dồn xuống chỉ còn các cục. Bên cạnh đó, số “cục” cũng giảm bớt, một số được sát nhập.
Như vậy, sẽ có một số ông tướng đang ở cấp cao hơn bị dồn xuống dưới, một số ông tướng bên dưới cũng bị dồn tiếp. Hiện có tới 205 ông tướng công an từ trung ương xuống địa phương.
Theo báo VNExpress, Tướng Lương Tam Quang, chánh văn phòng Bộ Công An, nói rằng sau khi sắp xếp lại, các tướng tổng cục “vẫn làm công việc cũ, đúng theo chức năng, nhiệm vụ.”
Trước lệnh tái tổ chức mà Bộ Chính Trị CSVN yêu cầu hồi Tháng Tư vừa qua, Bộ Công An CSVN có sáu tổng cục (trước năm 2014 lên tới tám tổng cục). Nay không những bỏ tổng cục mà còn “giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.”
Theo đó, sáu tổng cục là Tổng Cục An Ninh (Tổng Cục I), Tổng Cục Cảnh Sát (Tổng Cục II), Tổng Cục Chính Trị (Tổng Cục III), Tổng Cục Hậu Cần-Kỹ Thuật (Tổng Cục IV), Tổng Cục Tình Báo (Tổng Cục V), Tổng Cục Cảnh Sát Thi Hành Án Hình Sự và Hỗ Trợ Tư Pháp (Tổng Cục VIII).
Riêng Tổng Cục VI (Tổng Cục Cảnh Sát Phòng, Chống Tội Phạm) và Tổng Cục VII (Tổng Cục Cảnh Sát Quản Lý Hành Chính Về Trật Tự An Toàn Xã Hội) đã sáp nhập vào Tổng Cục Cảnh Sát.
Tổng số từ sĩ quan các cấp xuống đến công an viên là bao nhiêu, đây là con số mà nhà cầm quyền giấu kín. Không kể những người có “thẻ ngành” ăn lương ngân sách, guồng máy đàn áp dân của nhà cầm quyền còn nuôi dưỡng những tổ chức phụ thuộc từ dân phòng đến đầu gấu, băng đảng, “hiệp sĩ đường phố.”
Tướng Lương Tam Quang, chánh văn phòng Bộ Công An. (Hình: VNExpress)
Hồi đầu Tháng Tư, 2017, Giáo Sư Carl Thayer phổ biến trên blog một tài liệu ước lượng tầm vóc lực lượng công an ở Việt Nam với những con số có thể làm người ta giật mình về sự lớn lao của lực lượng này từ công an có “thẻ ngành” đến những lực lượng bán quân sự trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công An cũng như ở công an các địa phương.
Ông là chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Á Châu tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, thường được các hãng thông tấn, các đài phát thanh và các báo lớn thế giới phỏng vấn. Ông cũng lập một công ty tư vấn lấy tên là “Thayer Consultancy.”
Có người hỏi ông rằng năm 2013, ông có ước lượng các lực lượng an ninh của nhà cầm quyền Việt Nam khoảng 6.7 triệu người, tương đương một phần sáu của 43 triệu người trong độ tuổi làm việc ở nước này. Theo ông, con số ước lượng này hiện còn chính xác không và làm sao ông có được con số đó?
Ông Thayer trả lời rằng những con số đó ông lấy từ tập tài liệu chỉ nam (handbook) về tình báo và an ninh thế giới được ông xuất bản năm 2008, được trình bày trong một buổi hội thảo năm 2010 rồi được in lại vào năm 2014.
Theo ông Thayer, con số 6.7 triệu người của lực lượng an ninh CSVN bao gồm 1.2 triệu công an viên các cấp cộng với 5 triệu người là các thành phần dân phòng và lực lượng bán quân sự ở nông thôn.
Về con số 1.2 triệu công an viên, ông Thayer cho hay lấy từ bài viết của một viên chức an ninh Liên Bang Úc tên Laurie Gray viết trên tạp chí Cảnh Sát Liên Bang Úc.
Lực lượng công an viên chính ngạch trên cả nước bao gồm từ cảnh sát giao thông, công an khu vực, điều tra viên, cảnh sát kinh tế, cảnh sát bài trừ ma túy, cai tù, lực lượng bảo vệ yếu nhân, hành chánh, tiếp liệu, an ninh mạng,…
Còn con số 5 triệu người thuộc các thành phần dân phòng và bán quân sự ở nông thôn được lấy từ tài liệu của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế mà ông tin vẫn không đổi.
Chỉ là sự ước đoán phỏng chừng, ông nói khối dân trong độ tuổi lao động tại Việt Nam hiện nay khoảng 56% dân số hay 53 triệu người trên tổng số dân 95 triệu người. Nếu cộng hai con số 1.2 triệu công an viên chính ngạch có “thẻ ngành” với 5 triệu người là các thành phần dân phòng và bán quân sự kia thành 6.2 triệu người, thì tổng số này tương ứng với 11.7% của khối người trong độ tuổi lao động vừa kể. Theo ông thì tỉ lệ đã tụt giảm từ một phần sáu hay 16% của năm 2013.
Nếu đúng như thế cứ 15 người dân bị một công an canh chừng. (TN)