Thursday, May 24, 2018

Cần loại ngay từ “thu giá” ra khỏi ngôn ngữ nói và viết


NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Vừa qua, các trạm thu phí BOT đồng loạt đổi thành trạm thu giá. Đây là từ do Bộ Giao thông Vận tải mới “sáng tạo” ra gây nên sự phản ứng dữ dội trên công luận và trong dư luận.
Tại sao lại đổi thu phí thành thu giá? Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, người có công sáng tạo ra từ “thu giá” giải thích như sau:
“BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước".
Xin hỏi ông: ông căn cứ vào đâu để nói, phí là của nhà nước, còn giá là của doanh nghiệp? Ông giải thích thế nào khi phí chợ, phí giữ xe, phí đường làng, phí đi vệ sinh... do doanh nghiệp hay tư nhân đang thu vẫn dùng từ “phí”.
Ông Thể giải thích tiếp: “Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm"
Ông Thể không nói “sẽ thay đổi” mà nói “sẽ giảm giá”. Với cách nói này, có vẻ như ông lập lờ để mọi người tưởng đến cái lợi của việc dùng chữ “giá”: khi chuyển sang “giá” sẽ tốt cho người sử dụng dịch vụ, chỉ có giảm chứ không có tăng? Ông có khẳng định được điều này không? Nếu doanh nghiệp tăng “giá” thì ông có chịu trách nhiệm với lời nói của mình không? Tại sao đổi “phí” thành “giá” thì giảm được còn nếu không đổi thì không giảm được.
Còn việc thay đổi mức thu nhanh hay chậm là do cơ chế quản lý. Linh động hay không là do cơ chế, ở đây là cơ chế quản lý phí, chứ không phải đổi chữ “phí” thành “giá” mà linh động đươc. Cũng như con người đầu óc tối tăm, có đổi tên thành Thông Minh thì cũng không sáng láng ra được. Chỉ thay tên gọi của một loại phí mà đem lại kết quả tốt hơn, điều đó chỉ có trong tư duy của ông Thể.
Trước dư luận cho rằng, Bộ GTVT đang đánh tráo khái niệm "thu phí" thành "thu giá", ông Thể  khẳng định: "Không phải do bộ quy định mà do nghị định của Chính phủ quy định. Ví dụ, sản phẩm sản xuất nhà máy thì họ ấn định giá bán, và BOT là 1 sản phẩm của DN...".
Hình như ông càng nói càng bí, càng bí càng nói ẩu. Ông dựa vào chữ “ấn định giá” để bao biện cho chữ “thu giá” của ông. Khi một sản phẩm làm ra thì đương nhiên phải định giá trước khi đưa ra thị trường. Khi bán thì người ta thu tiền theo giá bán, chứ người ta không gọi là thu giá bao giờ. Điều này là một thực tế, từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân cho đến bà bán rau ngoài chợ.
Phải chăng Bộ GTVT cho rằng, dùng chữ “phí” thì nó mang tính tùy tiện, dễ gây phản ứng, còn chứ “giá” nó thật hơn, đúng hơn. Thực ra, chữ “phí” hay chữ “giá”, bản thân nó không xấu, nó không có lỗi mà chỉ con người vận dụng nó có lỗi mà thôi. Nếu phí tính hợp lý thì vẫn chấp nhận được, còn nói “giá” cũng chẳng loại trừ được việc doanh nghiệp cố tình đưa ra “giá đểu”.
Sau hết thì dù biện luận, giải thích kiểu gì cũng không thể dùng chữ “thu giá” vì nó vô nghĩa, trái với ngôn ngữ và cách nói của người Việt.
Từ điển định nghĩa: “Phí là khoản tiền trả cho một dịch vụ nào đó”, không hề phân biệt dịch vụ do nhà nước quản lý hay do doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, trạm thu tiền đặt trên đường BOT gọi là trạm thu phí như từ trước đến nay vẫn dùng là đúng.
Chữ “thu” và chữ “giá” đều là những từ ngữ quen thuộc nhưng khi ghép chúng lại với nhau lại trở thành vô nghĩa.
Có cái gì đó lươn lẹo, trí trá trong việc đổi “thu phí” thành “thu giá”. Facebooker Phạm Lưu Vũ phẫn nộ: “THU GIÁ" là chữ của bọn móc túi đại lưu manh, đại mất dạy và vô cùng thất đức ở bộ GTVT và bộ Tài chính. Đó là sự ngang nhiên thách thức lương tri, trí tuệ của cả thời đại. Chúng thừa biết không đánh lừa được ai, mà vẫn ngang ngược đánh lừa, thì cổ kim không kẻ đại bịp nào dám làm điều tương tự. Đó là sự trắng trợn, hỗn láo với cả Trời, Người và Quỷ thần”.
Việc tạo ra và sử dụng chữ “thu giá” của Bộ GTVT, ngôn ngữ Việt không thể chấp nhận được. Nó nhạo báng ngôn ngữ Việt, phá hoại sự trong sáng của Tiếng Việt. Yêu cầu các cơ quan chức năng loại ngay chữ “thu giá” ra khỏi ngôn ngữ nói và viết.
23/5/2018

Mai này, xây dựng lại đất nước đã khó, "xây" lại Con Người càng khó hơn

Song Chi.
Khi phải sống quá lâu trong một chế độ độc tài, lạc hậu, từ những suy nghĩ, nhân sinh quan, thế giới quan cho đến hành vi, cách ứng xử của người dân cũng bị “lệch lạc” đi so với người dân của các nước tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ. Những điều mà người dân các nước tự do, dân chủ cho là tự nhiên, bình thường thì người dân các nước độc tài lại cho là xa vời, khó hiểu, ngược lại, có những điều mà người dân các nước tự do, dân chủ cho là “không bình thường”, không thể chấp nhận được thì dân chúng các nước độc tài lại quen đi và thấy là bình thường.
Điều đó hiện đang xảy ra với Việt Nam lâu nay, mà chính nhiều người Việt cũng không ý thức được.
Nhận thức sai, mơ hồ về chính trị, về quyền công dân, quyền con người.
Quan điểm về chính trị thì quá rõ, chế độ độc tài cộng với hệ thống tuyên truyền dối trá, một chiều và nền giáo dục ngu dân suốt mấy chục năm, đã thành công trong việc tạo nên những thế hệ dân chúng sợ hãi, né tránh chuyện chính trị, coi việc quan tâm, bàn luận về những vấn đề chính trị xã hội của đất nước hay chỉ trích những cái sai của chính phủ là điều cấm kỵ. Những câu nói quen thuộc mà chúng ta vẫn thường nghe là “nói chuyện gì thì nói, nhưng không nói chuyện chính trị”, “chuyện lớn đã có đảng và nhà nước lo, mình quan tâm thì có được gì”
Những người nói những câu ấy để bào chữa cho cách sống thu vào vào vỏ ốc để được bình yên, thật ra không hiểu rằng chính trị chả phải là cái gì xa vời hay tách biệt với những chuyện khác trong cuộc sống. Chính trị là giá xăng dầu, thịt cá hôm nay lên hay xuống, là một loại thuế mới vừa ra mà người dân phải đóng, là chuyện con cái đi học bị bắt nộp đủ thứ tiền, là đau ốm vào bệnh viện không có tiền chữa hay khi tai nạn, thất nghiệp…nhưng nhà nước lại không có bất cứ một chính sách an sinh, hỗ trợ nào…Cho tới những chuyện lớn hơn như hàng cây cổ thụ đẹp tỏa bóng mát bao nhiêu năm bị đốn cụt hay một kiến trúc cổ đẹp bị phá bỏ không ai hỏi ý dân; khói bụi ô nhiễm mưa ngập quanh năm ở thành phố, biển bị ô nhiễm cá chết hàng loạt, lũ lụt cứ càng năm càng nặng, càng chết nhiều người vì rừng bị tàn phá v.v…và v.v…Đó là chính trị. Chính trị là tất tần tật mọi thứ liên quan đến đời sống con người. Làm thế nào bạn có thể né tránh được?
Nhận thức sai về chính trị, người dân cũng không hiểu đúng về mối quan hệ giữa nhân dân và chính phủ/nhà nước. Nhân dân lúc nào cũng phải “biết ơn Đảng, ơn chính phủ”. Cũng rất quen thuộc khi một ai đó chỉ trích những cái sai của nhà nước và người khác bèn mắng: “Nhà nước nuôi cho nó ăn học bao nhiêu năm mà nó vô ơn thế đấy”, hoặc “Không có Đảng, không có Bác, thì có được như ngày hôm nay không”…Trong khi thực tế, đảng cộng sản chỉ là một đảng phải chính trị, bộ máy nhà nước tồn tại được là do người dân còng lưng đóng thuế nuôi họ để họ làm việc cho dân. Ở các nước tự do dân chủ thì người dân bỏ phiếu lựa chọn đảng cầm quyền, lựa chọn người nào làm Tổng Thống, Thủ tướng, lãnh đạo đất nước; nếu làm không tốt thì dân bầu đảng khác, người khác, hoặc đòi hỏi họ phải từ chức hoặc bỏ phiếu truất phế họ.
Ngược lại trong một chế độ độc tài như VN, người dân quen nghĩ mình là phận con tôm con tép, chịu ơn đảng, chính phủ; quan chức cũng có lối suy nghĩ như vậy, thậm chí coi dân như con cái, quan chức là cha mẹ. Câu nói của bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam là rất điển hình cho lối suy nghĩ này:
Tại buổi họp báo ở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004, khi bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã trả lời: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”!
Và tất nhiên, người dân lại càng mù mờ về quyền công dân, quyền con người. Không biết mình đã và đang bị nhà nước này cướp đi những quyền gì, thậm chí những quyền ấy có ghi rành rành trong Hiến pháp nhưng đảng và nhà nước cộng sản vẫn cứ lờ đi, không thực hiện.
Nhận thức, quan điểm lệch lạc về chuẩn mực đạo đức, đúng sai
Nhiều người Việt có nhận thức, quan điểm không đúng về chính trị là điều dễ hiểu. Nhưng nhiều người Việt cũng đang có những nhận thức, quan điểm lệch lạc, lệch chuẩn về các giá trị đạo đức, cái gì đúng cái gì sai, cái gì có thể chấp nhận được, cái gì không thể hoặc phi đạo đức, phi nhân.
Ví dụ thì rất nhiều chỉ xin đưa ra vài cái:
Câu chuyện một cô giáo ở Trường tiểu học An Đồng (Hải Phòng) bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, mặc dù sau đó trước sức ép của dư luận, Ban Giám Hiệu trường đã quyết định chấm dứt hợp đồng với cô giáo này, nhưng cái cách mà cô giáo và người nhà của cô đối mặt với vấn đề cho thấy họ chưa thực sự nhận ra mức độ sai trái của sự việc.
Ngay một quan chức trong ngành, Trưởng phòng GD & ĐT An Dương, cũng tìm cách làm giảm nhẹ vấn đề: “Học sinh bị ép uống nước giẻ lau bảng, trưởng phòng giáo dục "mong dư luận cảm thông" (Trí Thức Trẻ) vì “Cô Hương còn trẻ, quá trình giảng dạy không kiềm chế được cảm xúc nên có hành động như vậy…” Cha mẹ của cô giáo này-đều là cán bộ, thì bênh con. Khi bà nội của cháu bé đưa cháu đi khám sức khỏe thì mẹ cô giáo là bà Tạ Thị Ng. (Phó phòng Giáo dục - Đào tạo huyện An Dương), đã bực tức giật những tờ kết quả khám sức khỏe trên tay bà, đồng thời gia đình vẫn cho việc xử phạt buộc thôi việc là quá nặng “Gia đình giáo viên phạt học sinh súc miệng nước giẻ lau: "Hãy cho con tôi cơ hội sửa sai"(Người đưa tin)
Bản thân cô giáo, nhân vật chính của câu chuyện vẫn không nhận ra sự ác tâm của mình, rằng hành động cho trẻ uống nước bẩn trước mặt cả lớp là xúc phạm đến thân thể, làm tổn thương nặng nề tâm lý trẻ. Lúc đầu thì “bị sốc, hoang mang và không ngờ rằng hành động của mình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến như vậy” (“Cô giáo bị sốc tâm lý sau khi phạt học sinh 'súc miệng' bằng nước giặt giẻ lau bảng”, 2Sao) sau đó thì khóc xin lỗi nhưng vẫn cho rằng "Tôi lỡ vì kinh nghiệm chưa nhiều", ("Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ: "Tôi lỡ vì kinh nghiệm chưa nhiều",VietnamNet)
Tuổi tác hay việc thiếu kinh nghiệm không phải là nguyên nhân của hành động sai trái này, càng không phải là lý do để biện minh, bào chữa. Chính sự ác tâm và không nhận thức được đúng sai, không thương yêu, tôn trọng trẻ em/học sinh cũng không hiểu về những yêu cầu, phẩm chất của người thầy giáo… mới là nguyên nhân. Và khi không có được những hiểu biết, phẩm chất này thì tốt nhất đừng làm nghề giáo nữa.
Câu chuyện ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa bị một loạt vũ công, stylist tố cáo quấy rối tình dục, thậm chí tấn công tình dục, là một ví dụ khác. Suốt một thời gian dài, Phạm Anh Khoa đã ứng xử với các đồng nghiệp nữ hết sức thô lỗ, coi thường họ, nhưng cách mà rocker này phản ứng sau khi bị tố cáo, cũng như quan điểm bênh vực của nhiều người là hết sức lệch lạc. Lúc đầu Phạm Anh Khoa nhất định cho rằng mình không sai và không xin lỗi, khi xin lỗi lần thứ nhất thỉ vẫn chưa thật lòng, vẫn quanh co bào chữa, khi dư luận tiếp tục phản ứng mạnh hơn thì còn không hiểu tại sao mọi người lại khó tha thứ đến thế. Mãi đến khi đứng trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, đến “nồi cơm” của mình và gia đình, rocker này mới thấm thía và xin lỗi một cách đàng hoàng, chân thành hơn. Chỉ mong đó là những suy nghĩ thật, lời hứa thật và sẽ thay đổi thật sự trong tương lai, chứ không phải chỉ để cho dư luận bỏ qua rồi sau một thời gian lại đâu vào đấy.
Những suy nghĩ, thái độ, cách hành xử của Phạm Anh Khoa có lẽ xuất phát từ suy nghĩ cho mình là một tài năng, nổi tiếng, nên có quyền làm gì thì làm, cũng như hiểu sai về hai chữ nghệ sĩ và môi trường showbiz, rằng “nghệ sĩ” là sống “theo cảm xúc”, là phóng khoáng, hay như P.A.K nói “Trong showbiz, vỗ mông nhau là chuyện bình thường, như là một cách hỏi thăm”
Đồng thời chính ca sĩ này cũng thừa nhận, không phân biệt được ranh giới giữa sự tán tỉnh hay đùa bỡn với sự quấy rối tình dục, thậm chí tấn công tình dục.
Và trong rất nhiều người bênh vực P.A.K, cũng không phân biệt được điều này, có người còn cho rằng một cô gái trong giới showbiz đã quen với sự thoải mái, đụng chạm với người khác phái, hoặc “đã không cỏn trinh” từ lâu, thì việc gì phải làm ầm lên như vậy? Quan điểm này cũng sai luôn. Một cô gái hay một người phụ nữ có thể rất thoải mái, nhưng không phải vì vậy mà người đàn ông tự cho có thể làm gì cô ấy thì làm; còn trinh hay không là chuyện riêng của cô ấy, nhưng không thể vỉ thế mà cô ấy phải bỏ qua những hành vi mất dạy, kể cả đối với một gái điếm thì một vụ tấn công hay cưỡng hiếp vẫn phải gọi đúng tên của nó.
Nhiều người khác thì tỏ ra ái ngại cho gia đình, 2 đứa con nhỏ của P.A.K và kêu gọi mọi người hãy rộng lượng tha thứ.
Trước đây trong vụ diễn viên hài Minh Béo bị bắt về tội ấu dâm cũng có những đồng nghiệp, bạn bè Minh Béo kêu gọi dư luận hãy cho Minh Béo một cơ hội v.v…
Trong một xã hội mà nhiều vấn đề vẫn được giải quyết đầy cảm tính, giải quyết theo tình chứ không theo luật pháp thì xấ hội ấy chưa tiến bộ được và còn lắm chuyện bất công, trái khoáy, phi lý tiếp tục diễn ra. Cán bộ phạm tội ấu dâm được tuyên 18 tháng tù treo vì tuổi cao, bệnh tật, là đảng viên, có nhiều đóng góp…Nghệ sĩ phạm tội ấu dâm hoặc gạ tình, bên cạnh những người lên án, luôn luôn có những người bênh vực, kêu gọi dư luận rộng lượng, đừng dồn người ta vào đường cùng. Thầy giáo đạo văn vẫn được xét công nhận chức danh giáo sư “vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha” (GS Trần Ngọc Thêm: "Ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn nhưng được phong giáo sư vì tinh thần nhân văn", VNExpress) v.v…
Và còn vô số những ví dụ tương tự và "khôi hài" hơn thế gấp bội mà ngày nào chúng ta cũng có thể đọc, nghe, chứng kiến trong xã hội VN. Trong khi chúng ta quên mất rằng nhân đạo, vị tha với thủ phạm là phi nhân, độc ác với nạn nhân. Hoặc nhân đạo, nhân văn, dễ dãi trong những trường hợp như vậy là khuyến khích, dung dưỡng cho những cái xấu, cái ác, điều không tử tế tiếp tục tồn tại, sinh sôi nảy nở. Cái xấu, cái ác chỉ có thể giảm đi, công lý, công bằng chỉ có thể có trong một xã hội thượng tôn pháp luật mà thôi.
Nguyên nhân sâu xa hơn là do chúng ta không phân biệt được đúng sai, chúng ta bị lệch lạc trong việc nhận thức, quan điểm về các chuẩn đạo đức, chúng ta đã quen với những cái xấu, sự bất bình thường trong xã hội.
Có nhiều câu chuyện khi một đứa trẻ, một học sinh bị lạm dụng tình dục bởi một giáo viện hay nhân viên của trường, nhà trường thay vì đứng về phía nạn nhân thì lại bao che, bất hợp tác với phóng viên, tìm cách làm cho câu chuyện “chìm xuồng” vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của nhà trường.
Hay câu chuyện mới đây về 5 hiệp sĩ đường phố ở Sài Gòn truy bắt cướp, bị cướp đâm tử vong 2 người, 3 người còn lại bị thương nặng, cho thấy cái sai từ từ phía nhà cầm quyền khi cứ để cho mô hình này tồn tại một cách tự phát mà không hề đào tạo kỹ năng, cung cấp cho họ những phương tiện, cách thức tối thiểu để tự bảo vệ mình trước kẻ cướp. Nhưng trên hết, mô hình này sai vì trách nhiệm săn bắt cướp, bảo vệ trật tự trị an là của công an, không phải của người dân. Mà lực lượng công an nước này thì đâu có thiếu người? Chưa kể, không phải ai tham gia săn bắt cướp, là “hiệp sĩ đường phố”, cũng hoàn toàn vô tư vì việc nghĩa và hiểu biết pháp luật, giới hạn quyền của mình tới đâu nên rất dễ có những người dựa vào đó vi phạm pháp luật như hành hung kẻ cướp quá tay, hành hung người dân đi biểu tình vì cho đó cũng là “gây rối trật tự, trị an”….
Có vô số những cái “bất bình thường” như vậy. Ngay Trung Quốc, một nước lớn, giàu mạnh hơn VN gấp nhiều lần, có một lịch sử văn hóa dày dặn, lâu đời, thế giới cũng phải nể, thế nhưng chỉ sau hàng chục năm sống trong một chế độ độc tài phi nhân, rất nhiều người Trung Quốc đã bị hỏng về mặt văn hóa ứng xử, các tiêu chuẩn đạo đức thông thường. Báo chí truyền thông của Trung Quốc và các nước vẫn hay đưa những tin tức, câu chuyện về sự vô cảm, độc ác với đồng loại hay sự không tử tế, thiếu lương tâm trong kinh doanh, làm ăn của một số người dân. Còn khi đi du lịch sang các nước khác, khách Trung Quốc là một trong những nhóm du khách thường bị nước chủ nhà phàn nàn, cười chê vì lối ứng xử thô lỗ, kém văn hóa.
Thế mới thấy một mô hình thể chế chính trị sai lầm có thể tàn phá một quốc gia, một dân tộc như thế nào. Không chỉ về kinh tế, mức độ thành công, phát triển hài hòa của quốc gia đó, mà tại hại hơn nhiều lần, là sự tàn phá, hủy hoại về văn hóa, đạo đức xã hội, về Con Người-từ trong nhận thức, nếp nghĩ cho đến hành vi, hành động. Sau này khi chế độ cộng sản bị sup đổ, việc xây dựng lại đất nước từ đầu đã khó, việc "xây" lại Con Người càng khó khăn và mất nhiều thời gian hơn gấp bội.

Những cơn sóng trào

05/23/2018 - 11:54 — nguyenvubinh
Thời gian hơn ba tuần qua, đời sống chính trị - xã hội của Việt Nam có một sự kiện quan trọng của đảng cộng sản, đó là Hội nghị Trung ương 7, khóa XII. Tuy nhiên, diễn biến và xu thế của Hội nghị TW 7 đã không có điều gì khác biệt mà người dân đáng quan tâm. Ngược lại, một số sự việc đã xảy ra thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Đặc biệt, các sự việc khi được phân tích, trao đổi đã làm bùng lên sự phẫn nộ của người dân, cộng đồng mạng xã hội. Đó là ba sự kiện nổi cộm gần đây nhất. Vụ xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm với nhiều khuất tất, phi pháp, bạo ngược được lôi ra ánh sáng. Vụ tên Nguyễn Khắc thủy ấu dâm trẻ em phiên phúc thẩm giảm án từ 3 năm tù xuống còn 18 tháng án treo đã làm bùng lên sự phẫn nộ của trong công luận. Cuối cùng, vụ việc hai hiệp sĩ bắt trộm, cướp ở sài Gòn bị đâm chết. Những vụ việc này, đối chiếu với pháp luật, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước đã tạo ra sự phẫn nộ của nhân dân như những cơn sóng biển tràn lên hết lớp này tới lớp khác.
     I/ Vụ việc xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm  
     Bán đảo Thủ Thiêm nằm bên kia bờ sông Sài Gòn, chỉ cách trung tâm (quận Nhất) 300 m đường chim bay nhưng là quỹ đất cuối cùng chưa được khai thác. Hơn 20 năm trước, xác định nơi này đầy tiềm năng phát triển, thành phố được Chính phủ phê duyệt đồ án xây dựng Thủ Thiêm thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
     Để cụ thể hóa ý định này, ngày 04/6/1996 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định QĐ367/TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quy mô 930 ha, bao gồm Khu đô thị diện tích 770 ha (trong đó có 640 ha đất, 130 ha mặt nước) và Khu tái định cư 160 ha. Theo Quyết định này, Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được xây dựng thành trung tâm tài chính - thương mại hiện đại, trung tâm văn hóa cung cấp các dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí cao cấp, bổ sung cho trung tâm thành phố vốn thiếu không gian phát triển.
     Theo quyết định QĐ367/TTg, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm chỉ có một khu nhà ở cao cấp ở phía bắc bán đảo và khu tái định cư, còn dọc đại lộ Đông - Tây là các cao ốc 30-100 tầng. Với vị trí cận kề Quận 1, đất bán đảo Thủ Thiêm phải được ưu tiên phát triển thành trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ, còn nhà ở có thể chọn nơi xây dựng xa hơn.
     Tuy nhiên, với các thông báo hoả tốc 77/TB-VP và 78/TB-VP, quyết định 6565/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (tất cả những quyết định này đi ngược lại Quyết định QĐ367/TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói trên) cùng với việc thành phố đã giao hàng trăm héc ta quĩ đất Thủ Thiêm cho nhiều công ty tư nhân đầu tư xây dựng nhà ở cao cấp và tái định cư, đã băm nát qui hoạch bán đảo Thủ Thiêm. Không những vậy, ngày 27-12-2005 UBND thành phố lại ban hành quyết định 6566/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000. Mục đích là tự tạo ra khu đô thị chỉnh trang rộng 80 héc ta không có trong qui hoạch ban đầu của QĐ367/TTG nhằm hợp thức hoá 80 ha đất tái định cư của dân, trước đó đã giao trái phép cho 27 công ty tư nhân. Để thực hiện được điều này, thành phố đã thu hồi đất của dân, khiến cho hàng ngàn hộ dân mất đất, gây ra cảnh tang thương, cưỡng chế, cướp đất, khiếu kiện  kéo dài gần hai chục năm.
     Quyết định QĐ367/TTG đã được Thủ tướng phê duyệt, về nguyên tắc nhất thiết phải có bản đồ chi tiết kèm theo. Nhưng lạ một điều là nhiều năm nay, không ai biết bộ bản đồ qui hoạch đó ở đâu, từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, đến Văn phòng Chính phủ, và các cơ quan lưu trữ…
     Sau khi thông tin vụ việc Thủ Thiêm được công khai, các nguồn tin trên báo chí chính thống và mạng xã hội  đã bổ sung rất nhiều thông tin xung quanh toàn bộ việc nhà cầm quyền ở Sài Gòn lập quy hoạch, triển khai dự án và thực thi cưỡng chế nhà đất người dân ở Thủ Thiêm. Có thể tổng kết những sai phạm của nhà cầm quyền thành phố như sau.
     - Lập quy hoạch trái phép, đi ngược và khác biệt với quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quyết định QĐ367/TTG của Thủ tướng Chính phủ nhằm trục lợi.
     - Giao đất trái phép cho các công ty tư nhân theo quy hoạch mới (trái phép) dẫn tới băm nát quy hoạch tổng thể của Thủ Thiêm theo quy hoạch cũ.
     - Từ chỗ sửa quy hoạch, giao đất trái phép dẫn tới việc chiếm dụng đất tái định cư, giải tỏa nhà, đất của người dân không trong quy hoạch. Hàng chục ngàn người đã mất nhà cửa, tất cả đều không được thông tin, bàn bạc và một số lớn hộ dân bị cưỡng chế trái phép, đền bù vô cùng rẻ mạt.
     - Cách thức triển khai dự án mờ ám, việc giải tỏa, đền bù vô cùng bạo ngược cùng việc ngăn chặn, bưng bít thông tin. Người dân khiếu kiện gần 20 năm mới gặp được đại biểu quốc hội để trình bày oan khuất…
 …
     Xin được trích dẫn hai câu chuyện về người dân bị giải tỏa đất ở Thủ Thiêm đăng trên facebook Trương Châu Hữu Danh  ngày 15/5, và ngày 16/5 vừa qua, đó là những câu chuyện hết sức đau đớn.
     Câu chuyện đăng ngày 15/5
     - Nhà của cô lúc đó bao nhiêu mét?
     - 33m5. Họ nói đền 45 triệu. Tôi không chịu họ đem lực lượng ì xèo hàng trăm người tới đập phá dỡ nát hết ráo trọi (cười)
Mà tôi không có gì ráo, chỉ có cái cối xay bột thôi. Chứ nhà hổng có gì ráo trọi.
     - Mình làm nghề gì lúc đó?
     - Xay bột (cười)
     - Rồi bây giờ cô làm nghề gì?
     - Lượm ve chai (cười)
     - Một ngày mình kiếm khoảng bao nhiêu tiền cô?
     - Vài chục đồng bạc chứ đâu có nữa... (cười)
     - Rồi bốn mươi mấy triệu cô nhận chưa?
     - Chưa. Hổng nhận đồng nào hết.
     - Bốn mươi mấy triệu họ kêu mình nhận làm gì cô?
     - Ai biết nè. Họ nói đền cái nhà 45 triệu nhưng tôi không nhận.
     - Nếu 45 triệu mình nhận chắc sống được nửa năm...
     - Trời ơi, mua một lỗ đất chôn tôi cũng không đủ nữa...
     - Cô tên gì ạ?
     - Tôi là Nguyễn Thị Thập, sinh 1952.
     - Mình lượm ve chai bao nhiêu năm rồi cô?
     - Hai năm. Hồi tôi mới về có con nhỏ uốn tóc thuê chung, nó mướn phía trước tôi lấy 1,5 triệu mỗi tháng để sống.
Nó ra đi tôi đói quá nên phải làm bậy bạ kiếm sống. (Cười)
     - Bây giờ cô buồn là chỉ cười hả cô?
     - Hồi đó khóc chứ bây giờ đâu còn nước mắt nữa mà khóc (cười).
Hồi mới khóc và bệnh dữ lắm (cười)
     Cụ bà 85 tuổi và con chó tá túc gầm cầu thang(câu chuyện đăng ngày 16/5)
     ...
     Mình ở đây hả cô?
     - Dạ
     Rồi nước nôi vệ sinh sao cô?
     - Thì người ta thương người ta cho xài
     Ngày xưa mình ở sao cô?
     - Hồi xưa tôi ở bến phà Thủ Thiêm. Ở với cháu. Rồi bị giải toả. Rồi tôi ở cầu thang.
     Tối tôi ngủ với con chó. Tôi nuôi mười mấy năm rồi. Giờ nó bị cườm mắt tôi nhỏ thuốc cho nó mỗi ngày. Tội nó lắm.
     Cô tên gì ạ?
     - Tôi tên Trần Thị Ái Hương, 85 tuổi.
     Mình ở cầu thang có ai đuổi mình không?
     - Dạ không
     Con thấy có nhiều nhà trống quá, mình không xin vào ở được hả cô?
     - Người ta không cho ở. Trước có nhà trống tôi dọn vô ở. Nhà dọn dẹp mấy ngày mới sạch sẽ. Tôi ở được mấy ngày, tôi đi        bán vé số ở nhà người ta dán giấy nếu không dọn ra người ta sẽ hàn cửa lại...
     Mấy ngày được ngủ trong nhà cô ngủ ngon không?
     - Dạ thì ngon hơn. Sạch sẽ hơn.
     Cô và con chó sống dưới gầm cầu thang bao nhiêu năm rồi cô?
     - Dạ đã 7, 8 năm rồi. Nó sống với tôi từ hồi chưa giải toả. Mẹ nó đẻ mỗi mình nó. Mẹ nó chết rồi nó ở với tôi. Nó khôn lắm.
     Mỗi ngày đi bán vé số cô đi bao nhiêu cây số?
     - Dạ cũng sáu, bảy cây số. Đi lòng vòng ở đây.
     Mình ở gầm cầu thang cán bộ có đuổi mình đi không cô?
     - Họ cho ở gầm cầu thang. Họ không đuổi.
     Cũng với những vụ việc cưỡng chế, giải tỏa đất ở Văn Giang, Dương Nội và Đồng Tâm, vụ việc Thủ Thiêm cũng là điển hình cho tình trạng cướp đất đang lan tràn ở khắp Việt Nam. Như đã đề cập trong nhiều bài viết trước, việc cướp đất của các quan chức hiện nay dựa trên hai công cụ chính: luật sở hữu đất đai toàn dân và các chương trình, dự án quy hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp của các địa phương. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn tới thảm cảnh người dân bị cướp đất, mất đất và trở thành dân oan. Nhưng sự phẫn nộ của người dân lại đến từ những hành vi, những hoạt động vô pháp vô thiên của nhà cầm quyền các cấp. Quá trình tìm hiểu các vụ cướp đất nổi cộm như Đồng Tâm, Thủ Thiêm… có thể cho chúng ta thấy ba vấn nạn không thể khắc phục liên quan tới guồng quay cướp đất.
     - Thứ nhất, các vụ việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, xây dựng đô thị, khu công nghiệp phần lớn không theo các thủ tục, trình tự pháp luật, thậm chí ngang nhiên vi phạm pháp luật. Vụ việc thủ Thiêm đã nêu ở trên về việc vi phạm quy hoạch gốc, việc chiếm dụng đất tái định cư, việc giải tỏa những nơi không được phép giải tỏa. Vụ việc Đồng Tâm cũng có tính chất tương tự. Đất quốc phòng theo luật định sau 30 năm không sử dụng phải trả lại cho người dân canh tác. Đó là số đất 47,36 ha người dân Đồng Tâm giao cho nhà nước để làm sân bay Miếu Môn. Quân đội đã chuyển số đất đó cho công ty Viettel, người dân chưa thắc mắc. Thành phố Hà Nội còn định chiếm luôn diện tích đất 59 ha bên cạnh, nhập nhằng nói rằng đất quốc phòng mà không đưa ra, không chứng minh được nguồn gốc đất. Ngoài hai dự án lớn này, rất nhiều dự án, khi đưa lý do thu hồi đất là để xây dưng dự án, nhưng chỉ sau khi thu hồi đất, các chủ đầu tư đã phân lô bán nền ngay, hoàn toàn không thực hiện theo các dự án đã được địa phương hoạch định và phê duyệt. Như vậy, những việc làm của các cấp thẩm quyền đã chứng minh hoàn toàn điều mà người dân đang phẫn nộ: cướp đất….
     (còn nữa)
Hà nội, ngày 23/5/2018
N.V.B

Thu phí, thu giá - Từ điển tra ngược: Cướp có tổ chức.

05/22/2018 - 17:09 — nguyenhuuvinh
 
Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao việc chỉ qua một đêm, các trạm BOT bị người dân phản đối dữ dội lâu nay, làm cho nhà cầm quyền lúng túng đối phó, loay hoay tìm mọi cách để dẹp bỏ sự phản ứng tập thể của người dân với những trạm thu phí đặt "nhầm chỗ" nhằm cướp tiền dân được thay bằng "Trạm Thu Giá BOT".
Người dân đã phản ứng BOT bằng nhiều cách khác nhau, từ việc dùng tiền lẻ để trả phí gây ách tắc giao thông cho đến việc yêu cầu di chuyển các trạm BOT về đúng vị trí và minh bạch việc đầu tư, xây dựng cũng như chi phí mà họ phải trả.
Cơ quan nhà nước có nhiệm vụ chăm lo cho việc lưu thông, đi lại của người dân là Bộ Giao thông Vận tải đã làm ngược lại những chức năng của họ mà lại đi lấp liếm, bao biện, dọa dẫm người dân nhằm bảo vệ kẻ đã cướp không tiền của và ngăn cản sự đi lại của người dân.
Nhiều biện pháp được đưa ra để đối phó từ thấp đến cao như dùng côn đồ trấn áp, dùng công an giả dạng côn đồ, công an có sắc phục kết hợp với trạm thu phí BOT hù dọa người dân, cho đến việc dựng biển cấm dừng quá 5 phút, dùng công an, Cảnh sát các loại, triệu tập hăm dọa... Nhưng tất cả đều bị vô hiệu hóa bởi sự kiên trì, thông minh và đoàn kết của người dân.
Bởi điều duy nhất nhà nước thiếu là: Lẽ phải.
Và sự lỳ lợm, bất chấp của nhà nước đối với nhu cầu tối thiểu của người dân là hãy trả BOT về những vị trí của nó, không được tự dưng chặn đường cướp tiền dân và ngăn cản người dân đi lại, người dân không thể trả tiền cho những cái họ không hưởng, không mua, không bán...
Thế rồi, chỉ trong một đêm, trạm thu phí BOT bỗng nhiêu hóa thân thành một từ lạ hoắc: Trạm thu giá BOT.
Người dân cũng như mạng xã hội lập tức nóng lên với chiêu trò mới của những kẻ núp đằng sau những trò này. Sự xôn xao bàn tán đó không phải không có lý.
Thực chất, đây chỉ là trò xảo ngôn, đánh lận con đen vốn có và được hành xử xưa nay khi nhà cầm quyền Cộng sản bí lối trước những sự thật, lẽ phải không thể chối cãi mà họ thất lý.
Có lẽ cũng cần nhắc lại đôi điều về BOT.
Chúng tôi đã nói rõ về BOT và vì sao nhà nước này, chế độ này lại ra sức bảo vệ nhà thầu BOT như vậy. Trong bài viết: "Chế độ BOT bảo vệ nhà thầu BOT" chúng tôi cũng đã phân tích về các nhà đầu tư BOT là ai.
Các "nhà đầu tư BOT" chính là các sân sau của đám quan chức Cộng sản và để thỏa mãn cơn khát giàu có một cách bất chính, thì người ta đã nghĩ ra đủ những chiêu trò cướp.
Đó là "nhà đầu tư BOT" Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đỗ Thị Huyền Tâm, theo dư luận thì bồ của con trai và giờ là vợ của Nông Đức Mạnh. Được Đinh La Thăng ưu ái nịnh lãnh đạo, cho cái  BOT này nhằm cứu vãn sự sụp đổ của Tập đoàn Minh Tâm trước nguy cơ tù tội. Thế rồi sau khi nhận được dự án, bán sang tay cho đám người khác và hàng ngàn tỷ đồng chạy vào túi như chuyện lấy kẹo ra ăn.
Đó là nhà đầu tư BOT Cai Lậy được dư luận vạch rõ là của con trai Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Và hàng loạt BOT, dự án khác cũng tương tự.
Các đại gia ở Việt Nam, hầu hết là "sân sau" và được sự bảo kê chia chác của quan chức cộng sản. Chính vì vậy, việc các "chính trị gia" các lãnh đạo bao che, lấp liếm và che chắn nhằm chia phần cho nhau trong cac dự án bòn rút tiền dân và tài nguyên đất nước làm giàu bất chính là điều dễ hiểu.
Cướp có bảo kê
Chỉ có thể vậy thì cả hệ thống công quyền mới bỏ công sức, tiền của lực lượng công an và cả hệ thống đi bảo vệ chứ đâu có đơn giản.
Vì bản chất những BOT này là cướp có bảo kê. Điều này bắt nguồn sâu xa từ bản chất chế độ.
Ngay từ đầu khi chính quyền Cộng sản lên cầm quyền tại Việt Nam, cũng bằng việc "Cướp chính quyền" ở miền Bắc. Rồi việc dùng bom đạn, bạo lực để "thống nhất" thì thực chất cũng là việc "Cướp chính quyền" ở Miền Nam.
Thế rồi cái chiêu "cướp" được diễn đi diễn lại trong suốt quá trình tồn tại của thể chế chính trị này mấy chục năm qua. Tất nhiên nó được che đậy dưới nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau.
Đó là "Cách mạng tháng 8", đó là "Cải cách ruộng đất", "Giải phóng miền Nam", "Cải tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh", "Đánh tư sản mại bản"...
Rồi những cuộc "cướp chính quyền" bằng cách tinh vi và thậm chí trắng trợn hơn là những cuộc "bầu cử, đảng cử dân bầu"... và cho đến nay thì là "thu hồi đất đai", BOT, độc quyền các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của đời sống người dân như năng lượng, xăng dầu, điện nước và mặc sức tăng giá, dân chỉ có kêu trời không thấu...
Bởi thực chất, chế độ này cũng là một chế độ BOT được Quốc tế Cộng sản đưa vào Việt Nam cướp đoạt những điều cơ bản của người dân Việt Nam.
Vì thế sẽ không khó hiểu vì sao quan chức, chính quyền, các cơ quan "của dân, do dân, vì dân" ở Việt Nam lại luôn rắp tâm hùa vào che đậy, bảo vệ và lấp liếm cho các "nhà đầu tư" cướp của dân hoặc các nhà đầu tư nước ngoài đem tai họa đến cho đất nước như Formosa.
Bởi bản chất của toán cướp vẫn là sự cạnh tranh trong mỗi cá nhân trong phe nhóm, nhưng vẫn là sự "đoàn kết nhất trí" khi thực hiện các vụ cướp bóc bên ngoài của dân lành.
Cũng chính vì thế, việc người dân yêu cầu minh bạch các khoản thu chi, hao phí, lãi lỗ trong các dự án BOT là chuyện không tưởng. Bởi, chỉ kiểm tra sơ sơ, người ta đã thấy cả hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng của dân đã bị biển thủ bằng các sai phạm ở 7  dự án BOT được kiểm tra gần đây.
 Trí trá và xảo ngôn, đánh tráo khái niệm
Xưa nay, món tuyên truyền của cộng sản vốn là một thứ mà thế giới phải kinh sợ. Họ học tập xuất sắc Adolf Hitler - Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa - dạy rằng: “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực”.
Ngoài việc nói dối triền miên, có hệ thống, bền bỉ và bất chấp thái độ thiên hạ, người Cộng sản Việt Nam còn "Vận dụng vào tình hình thực tiễn Việt Nam" bằng việc sáng tác ngôn ngữ mới để che đậy bản chất sự việc.
Chúng tôi đã có bài viết trước đây: "Đại dự án Từ điển Công an: Một yêu cầu khẩn cấp". Để nêu rõ trước tình hình khi mà nhà nước ngày càng thất lý, hệ thống công quyền mục ruỗng hết chỗ che đậy, thì cần một Từ điển tra ngược dành cho ngành công an. Chẳng hạn:
Một số ví dụ:
- CSGT bắt tay lái xe lấy tiền rồi cho đi: Hành động hữu nghị, thân mật giữa CSGT và lái xe.
- CSGT nhận tiền mãi lộ: "CS nhận dăm ba chục ngoài đường, không thể gọi là tham nhũng". Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên.
- Công an dùng côn đồ bắt người về đồn công an: "mời" về làm việc". - Tác giả: Nhiều đồn Công an.
- Công an dùng tay tát vào mặt công dân chảy máu: "Gạt tay trúng má". Tác giả: Đại tá Nguyễn Duy Ngọc
- Công an dùng chân đá, đạp vào người dân: "Giơ chân hơi cao". Tác giả: Đại tá Nguyễn Duy Ngọc
- Công an đánh nghi can trong khi hỏi cung: "Biện pháp nghiệp vụ"- Tác giả: Công an Việt Nam
- Công an đập dân đến chết: "Chưa rõ nguyên nhân" hoặc "không có chức năng trả lời"... Tác giả: Công an Việt Nam.
- Trẻ em bị Công an bắt vào đồn rồi bị đánh đến chết: Do rửa bát bẩn. Tác giả: Công an Hà Nội
- Công an không can thiệp đánh luật sư: "Do ô tô chạy nhanh là bụi bẩn". Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung.
- Công an định nghĩa về tự do: "Tự do là cái con c..." - Trung ta Vũ Văn Hiến, CA Sài Gòn.
- Công an đến đánh dân, cướp đất của dân: "Hỗ trợ cưỡng chế". Tác giả: Ngành Công an
- Công an bắn phá nhà dân nhằm cưỡng chế: "Đó là cái Boongke" . Tác giả: Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca
- Công an phá nhà dân sai pháp luật bị chỉ mặt: "Đó chỉ là cái chòi canh vịt" Tác giả: Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca
- Công an và quân đội vô cớ đến bắn phá nhà dân cướp đất: "Trận đánh đẹp". Tác giả: Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca.
- Con gái giơ tay tát vào CSGT do bức xúc: "Chống người thi hành công vụ" - CATpHCM.
....
Thế rồi giờ đây, cả hệ thống có cụm từ mới "Trạm Thu giá BOT" để thay thế cho Trạm thu phí BOT bị phản đối dữ dội bấy lâu nay.
Dân tình náo loạn không hiểu từ "Thu Giá" có ý nghĩa gì vì  nó là từ vô nghĩa trong ngôn ngữ Việt Nam. Chắc rằng sẽ có ngày có những trạm tương tự như " Trạm Thu Tự do", " Trạm Thu Độc lập", " Trạm Thu Hạnh phúc"...
Người ta cũng không ngạc nhiên với cách dùng từ ngữ tương tự của nhà cầm quyền Việt Nam trong các hoạt động đối nội và đối ngoại xưa nay. Ngoài những từ ngữ được dùng để thay từ "Cướp" đã nói ở trên đây của thể chế chính trị này, xin liệt kê vài ví dụ:
- Cướp đất của dân vào tay đảng: "Đất đai sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện sở hữu và quản lý". - Luật đất đai.
- Cướp đất đai và tài sản của dân chia chác để bán: Thu hồi đất.
- Kẻ thù của dân tộc, kẻ đang xâm lược, lấn chiếm lãnh thổ của Tổ Quốc: Láng giềng hữu nghị, bạn vàng 4 tốt và 16 chữ vàng.
- Tàu của kẻ thù đâm chết ngư dân: Tàu lạ.
- Nhà nước tổ chức côn đồ tấn công nhà thờ, người lương thiện: Quần chúng tự phát.
- Người yêu nước, chống lại sự xâm lăng của Trung Cộng bành trướng: Phản động.
- Thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra: Sự cố môi trường.
...
Thế nên, giờ đây không chỉ ngành công an cần "Từ điển tra ngược" mà cả hệ thống chính phủ, đảng và nhà nước cũng cần những cuốn Đại từ điển như vậy.
Bởi có như vậy, người ta mới có định nghĩa mới cho từ "Trạm thu giá" - một từ hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt, nay được dùng để che đậy từ "Cướp đường" của nhóm lợi ích đảng.
Bởi có như vậy, thì hệ thống tuyên truyền mới có cái để mà tuyên truyền "đúng đường lối" của đảng, của nhà nước. Chỉ có điều, nó đi ngược lại lợi quyền của người lao động, của nhân dân và Tổ quốc, dân tộc.
Và đi kèm với những cuốn từ điển như vậy, nhà nước cần kèm theo cho hệ thống quan chức và đám tuyên giáo một hệ thống mặt nạ thật dày, thật bền.
Bởi tất cả ý nghĩa của cuốn "Từ điển tra ngược" này, chỉ có một chữ có ý nghĩa đúng đắn và thực chất nhất: Cướp.
Ngày 22/5/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Vì sao ‘Bộ bóp cổ’ phải thú thật?

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/25/05/2018 
Sabeco, đã được bán với giá $5 tỷ.
Sabeco, đã được bán với giá $5 tỷ.
Chính Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ (một cách gọi của dân gian đương đại dành cho vô số sắc thuế ‘kiến tạo’ của Bộ Tài chính đè đầu dân) - ông Đinh Tiến Dũng - đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017: dù tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Khi ‘Bộ bóp cổ’ phải thú thật
Sự thừa nhận trên hiện hình trong một cuộc báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng Năm năm 2018.
Trong khi đó, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá rằng thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với dự toán với mức khá lớn và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.
Mặc dù Uỷ ban Tài chính - Ngân sách không nêu cụ thể thực trạng ‘thấp hơn’ là bao nhiêu, nhưng một số chuyên gia đã ước tính tỷ lệ thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt khoảng 80 -85% so với dự toán – tức thấp hơn rất nhiều so với kết quả của những năm trước.
Riêng khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua - cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến 7% trong năm 2017.
Mà khi thu thuế từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh bị giảm mạnh, lấy đâu ra ‘Kinh tế Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng 7,31% GDP’ - gấp gần 3 lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ và EU - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên rao đầy tự hào vào cuối năm 2017 và được các bộ ngành, giới chuyên gia cận thần và báo đảng đồng ca đầy sống sượng lẫn trơ tráo?
Ông Nguyễn Xuân Phúc có thể không thuộc bài ‘một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không thể là sự thật’, song sự thật của nền kinh tế mà đến nhiều địa phương ông Phúc đều hô hào là ‘đầu tàu kinh tế’ chỉ là sự cám cảnh của nạn suy thoái đã kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay - hoàn toàn trái ngược với hành vi ngụy tạo thành tích kinh tế nhằm động cơ chạy đua vào chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 của đảng cầm quyền vào năm 2021.
‘Bóp cổ’ dân!
Nếu không tính đến phần bán vốn Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, thì kết quả thu ngân sách năm 2017 ra sao?
Phép trừ đơn giản nhất cho thấy kết quả thu nhân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017, nếu không tính đến 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018, Chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách “bán mình” tại một số tập đoàn được xem là “bò sữa” luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt.
Vào năm 2017, ‘Bộ bóp cổ’ đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Năm 2017 lại là năm mà thị trường bất động sản ở Việt Nam được giới đầu cơ cá mập lẫn đầu cơ nhỏ lẻ ‘đánh lên’ ở nhiều tỉnh thành. Ở miền Nam như Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở miền Trung như Đà Nẵng. Ở miền Bắc như Hà Nội, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng. Đặc biệt là ‘đánh lên’ dữ dội ở ba đặc khu kinh tế tương lai là Vân Đồn (quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Mặt bằng giá đất được đẩy lên cao đến mức hoang tưởng - hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần.
Đó cũng là bối cảnh mà có đến 80 - 90% kẻ mua người bán đất là nhằm mục đích đầu cơ chứ không phải để ở. Hồ sơ mua bán đất chồng chất như núi ở các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, mà do đó đã giúp cho Tổng cục Thuế một năm bội thu.
Nhưng niềm vui thu thuế không phải cứ kéo dài mãi mãi. Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007 - 2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2016 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019, hoặc có thể ngay trong năm 2018.
Nếu nguồn thu từ đất giảm mạnh?
Sự thừa nhận của Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ Đinh Tiến Dũng về tăng thu ngân sách chủ yếu do tăng tiền thu từ thuế đất cũng vô hình trung chứng minh cho một sự thật khác.
Một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước cộng sản: nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60.000 - 70.000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn không có gì khả quan hơn trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái. Vậy ngân sách nhà nước sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức ‘còn đảng còn mình’ mà có ít nhất 30% trong số đó ăn không ngồi rồi?
Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và “bán mình”.
Nỗi lo lắng của Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ Đinh Tiến Dũng là hết sức ‘chính đáng’: ngay vào năm 2018 này, trong khi Bộ Tài chính vẫn chưa thể hình thành khung luật cho thuế VAT vì bị dư luận xã hội lên án và chửi rủa ghê gớm, làm cách nào để đạt chỉ tiêu thu ngân sách mà Bộ Chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng đã giao và một quốc hội ‘bù nhìn’ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã ‘gật’?

Hà Nội 'lãnh đủ' nếu nhà máy hạt nhân Trung Quốc rò rỉ phóng xạ

Theo VOA-24/05/2018 
Sơ đồ nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông.
Sơ đồ nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông.
Hà Nội là một trong số các tỉnh miền Bắc Việt Nam sẽ chịu “ảnh hưởng nghiêm trọng” nếu 1 trong 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc bị rò rỉ phóng xạ, theo đánh giá của một đề án vừa được chính quyền thủ đô phê duyệt.
Truyền thông trong nước hôm 24/5 cho hay mối nguy từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc được xem là 1 trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội, ngoài các rủi ro khác như vỡ đê sông Hồng, ô nhiễm nguồn nước, cháy nổ, đổ sụp công trình …
Cả 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đều nằm ở vị trí rất sát với Việt Nam. Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở Quảng Tây chỉ cách thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, khoảng 50km. Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang trên đảo Hải Nam cách đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng hơn 100km và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở Quảng Đông cách biên giới Việt Nam khoảng 200km.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2016, 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia về năng lượng lên tiếng bày tỏ quan ngại và đòi hỏi phải có hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ sớm vì nguy cơ môi trường Việt Nam bị “đầu độc” bởi các nhà máy này.
Theo đề án vừa được phê duyệt, nếu 1 trong 3 nhà máy xảy ra rò rỉ phóng xạ, thì bụi phóng xạ có thể phát tán và làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước của Hà Nội.
Hiện tại, việc xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường của Việt Nam vẫn đang được tiến hành, theo VnEpress. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 7 trạm đi vào hoạt động ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội và 2 địa điểm ở miền Trung.
Trung Quốc hiện là quốc gia có tốc độ mở rộng sản xuất năng lượng hạt nhân nhanh nhất thế giới, theo Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA). Kế đến là Nga.
Năm 2015, một chuyên gia khoa học hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc, He Zuoxin, từng cảnh báo rằng “việc mở rộng nhanh chóng các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc là ‘điên rồ’, vì quốc gia của ông đã không đầu tư đầy đủ vào việc kiểm soát an toàn cũng như phát triển chuyên môn đầy đủ”.
Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, Trung Quốc đã có 38 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và 19 nhà máy đang được xây dựng.
Với tốc độ phát triển này, IAEA dự báo năm 2030, Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Mỹ trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất năng lượng hạt nhân.

Chắt trà đá sẽ ra hàng trăm ngàn tỉ?

Theo VOA-Trân Văn/24/05/2018
Đồng hồ nợ công của Việt Nam theo tuần báo The Economist.
 Đồng hồ nợ công của Việt Nam theo tuần báo The Economist.
Công chúng lại có thêm cơ hội sững sờ khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm tra việc sử dụng công quỹ năm 2016 (được gọi là Báo cáo Kiểm toán Quyết toán Ngân sách năm 2016).
Theo báo cáo vừa kể thì Bộ Kế hoạch – Đầu tư tiếp tục mắc hàng loạt sai phạm: Giao vốn cho các dự án đầu tư phát triển sai cả về thời điểm, lẫn cách thức đã được qui định tại Luật Đầu tư công (cấp vốn vượt mức đã được duyệt, cấp vốn sai đối tượng, cấp vốn khi dự án chưa được phê duyệt,…).
Kiểm toán Nhà nước chỉ mới ngó đến 283 báo cáo của 229 nơi đã phát giác, khoảng 40 dự án dở dang, cần hoàn tất sớm nhưng không được cấp vốn và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã dùng nguồn vốn đó để hỗ trợ cho những dự án chưa cần thiết tiến hành khởi công. Có những dự án lẽ ra phải thực hiện theo hình thức vay ngân sách nhưng cuối cùng được Bộ Kế hoạch – Đầu tư tự tiện chuyển thành “đầu tư trực tiếp” nên phía nhận vốn có quyền không hoàn tiền lại. Khoản tiền lẽ ra phải vay ngân sách được Bộ Kế hoạch – Đầu tư chuyển thành “đầu tư trực tiếp” không đáng kể. Chỉ chừng… 3.000 tỉ đồng.
Những sai phạm của Bộ Kế hoạch – Đầu tư dẫn tới hệ quả là ngân sách trong tài khóa 2016 đã được rút ra chi dùng sai nguyên tắc hàng chục ngàn tỉ đồng.
Năm ngoái, công chúng từng sững sờ khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm tra việc duyệt chi công quỹ năm 2015. Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tự ý lấy 1.900 tỉ từ công khố cấp cho hàng loạt dự án vốn chưa đủ cơ sở pháp lý để có thể nhận tiền từ công khố và cấp công quỹ vượt mức qui định cho nhiều dự án khác. Vào thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm của tất cả những cá nhân có liên quan song chẳng có ai hề hấn gì.
Năm nay, Bộ Kế hoạch – Đầu tư lôi “bổn cũ” ra soạn lại và chẳng còn ai dám tin sẽ có kẻ bị “chặt đầu, lột da” vì phung phá!
***
Công quỹ bao gồm tiền thu được từ các loại thuế, phí, tiền vay ngoại quốc, tiền bán trái phiếu trong nước cho các tổ chức tài chính, tín dụng.
Giống như những lần trước, trong báo cáo kiểm tra việc sử dụng công quỹ năm 2016 mà Kiểm toán Nhà nước mới gửi Quốc hội Việt Nam, cơ quan này tiếp tục liệt kê hàng loạt dự án do các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước đầu tư bằng nguồn tiền lấy từ công khố, liên tục được dúi thêm những khoản từ gấp đôi đến gấp… 36 lần mức dự kiến lúc soạn dự án (Dự án Nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình). Số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đề nghị trao thêm dao động từ vài ba ngàn tỉ đồng đến hàng chục ngàn tỉ đồng (Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, tăng 10.320 tỉ đồng, Dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, tăng 9.194 tỉ đồng,…).
Tiếp tục ngốn hết ngàn tỉ đồng này đến chục ngàn tỉ đồng khác nhưng các dự án “đầu tư phát triển” tiếp tục lỗ nặng từ vài chục tỉ đồng, vài trăm tỉ đồng đến vài ngàn tỉ đồng (Tính đến giữa 2017, Dự án Nhà máy DAP 2 có lỗ lũy kế là 1.447 tỉ đồng, Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc có lỗ lũy kế là 2.035 tỉ đồng,…). Ngoài lỗ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn… gian lận doanh thu, chi phí, nợ cả thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) lẫn nhiều khoản mà trên nguyên tắc phải nộp lại cho công quỹ. Tính ra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước toan giựt của dân chúng 19.000 tỉ đồng!
***
Vay ngoại quốc càng ngày càng khó, vay dân chúng trong nước thông qua các loại trái phiếu cũng vậy, rồi những nguồn thu từ khai thác tài nguyên, khoáng sản, thuế nhập cảng tiếp tục giảm vừa nhanh, vừa nhiều, trong khi nợ phải trả cũng như chi phí nuôi hệ thống công quyền mỗi ngày một lớn… trong bối cảnh bi đát như thế, Kiểm toán Nhà nước loan báo, năm 2016, hệ thống công quyền tiếp tục chi tiêu sai nguyên tắc tới 18.400 tỉ đồng!
Thay vì yêu cầu chính phủ tống cổ 57.000 cán bộ, công chức đã được xác định là nhận lương mà chẳng làm gì, thay vì đòi Thủ tướng và nội các phải xác định rạch ròi về mặt trách nhiệm, đệ trình giải pháp ngăn chặn ngay lập tức tình trạng phung phá, nhiều đại biểu của “nhân dân” tại Quốc hội lại bước lên một bước, đứng chung hàng với chính phủ!
“Chỉ trích” mà ông Nguyễn Mạnh Tiến, Đại biểu của tỉnh Tây Ninh tại Quốc hội Việt Nam, dành cho chính phủ Việt Nam vì… thu thuế đã chưa hết, lại còn chưa kỹ, để sót những người bán trà đá, loại hình kinh doanh có tỉ suất lợi nhuận từ 5.000% đến 7.000% - cao nhất trên thế giới, không thuộc loại chỉ để bình phẩm rồi cười.
Khó mà đòi hỏi ông Tiến nghĩ và hành xử khác hơn những người đồng Đảng. Thế nhưng nếu Quốc hội vẫn chỉ gồm toàn những người như ông Tiến thì cơ quan nào thực sự là đại diện cho toàn dân để “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước”?
Khi một Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam muốn chắt cả trà đá để có tiền tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thì an ninh tài chính, an ninh kinh tế quốc gia đã đáng để bận tâm chưa? Tương lai của mỗi cá nhân, sự an ổn của từng gia đình sẽ ra sao?

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội: “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” không khác nhau

RFA-2018-05-24  
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội.
 Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội.Photo courtesy of quochoi.vn
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, cho rằng bản chất tên gọi “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” không khác nhau.
Phát biểu của bà Nguyễn Thanh Hải như vừa nêu được đưa ra với báo giới vào ngày 24 tháng 5 bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14.
Theo bà Trưởng ban Dân nguyện Quốc Hội Nguyễn Thanh Hải thì trạm nào cũng là để thu tiền người sử dụng dịch vụ và cần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần rà soát lại vị trí đặt trạm cũng như mức phí.
Bà Nguyễn Thanh Hải nói thêm rằng hồi tháng 11/2017 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có một đợt giám sát liên quan đến các trạm BOT và đoàn giám sát đã đưa ra đề nghị phải có các đường dẫn song song cho những người không muốn sử dụng đường BOT.
Việc đổi tên từ trạm thu phí thành trạm thu giá đã gây bất bình cho nhiều người dân cũng như các chuyên gia vì họ cho rằng cách giải thích của Bộ trưởng Bộ GTVT là không thuyết phục, thậm chí bất hợp lý.

Thủ tướng nhắc chuyện niềm tin của dân

RFA-2018-05-23  
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi thảo luận Quốc hội sáng ngày 22 tháng 5 năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi thảo luận Quốc hội sáng ngày 22 tháng 5 năm 2018.Courtesy of baochinhphu.vn
Trong buổi thảo luận Quốc hội sáng ngày 22 tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng niềm tin của dân là nguồn lực xây dựng đất nước.
Sao thủ tướng phải có kêu gọi về niềm tin của người dân lúc này?

Phát triển nhờ vào niềm tin của dân?

Theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những kết quả đạt được ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội là do có được niềm tin của người dân và đây cũng chính là nguồn lực rất lớn để xây dựng đất nước.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng lời Thủ tướng Phúc đã phản ảnh thực tế. Ông giải thích:
“Có nhiều lý do như tình hình kinh tế đa phần còn rất nhiều thách thức nhưng chỉ số cho thấy đã có những cải thiện nhất định. Ví dụ như môi trường kinh doanh, những con số về đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.
Phải nêu được vấn đề hiện nay người dân có tin vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản hay không, cái đó rất cần xem lại. Mình cho rằng chẳng mấy ai tin nữa.
- Lã Việt Dũng
Bên cạnh đó cũng có những nỗ lực đang cải cách bộ máy nhà nước, rồi cuộc chiến chống tham nhũng. Có những cải thiện rất nhiều, cả về tốc độ hồi phục kinh tế, ổn định vĩ mô, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một doanh nhân và là nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cũng đồng ý với ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu sự tin cậy của người dân vào chính quyền là một trong những nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển xã hội nói chung kể cả phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc ông Nguyễn Xuân Phúc dùng khía cạnh rất quan trọng này để áp đặt vào tình hình Việt Nam hiện nay và coi đó là thành công của chính quyền trong việc thu phục được sự tin cậy của người dân thì cần phải xem xét một cách thận trọng. Ông giải thích thêm:
“Sự tăng trưởng kinh tế năm ngoái đạt 6,81%, và trong quý I năm nay đạt 7,3%, một con số rất đẹp. Nhưng mà con số này không phản ánh điều mà ông thủ tướng muốn ám chỉ, tức là có sự tăng trưởng như thế do có sự tin tưởng của người dân vào hệ thống này.
Thực sự để có tăng trưởng kinh tế đẹp có rất nhiều biện pháp nhất là những biện pháp về tăng trưởng tín dụng, biện pháp tăng thuế giá trị gia tăng, biện pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Thực sự con số tăng trưởng kinh tế không phải quan trọng hàng đầu vì có thể có tăng trưởng kinh tế nhưng thực sự không có sự phát triển. Bởi vì tăng trưởng con số có thể sửa sang con số bằng cách tính lãi hoặc bằng cách dùng những phương pháp tính khác nhau để tính tăng trưởng kinh tế.”
Theo trình bày của ông Nguyễn Quang A thì năm ngoái Việt Nam có con số tăng trưởng đẹp là nhờ Samsung và Formosa. Ông cảnh báo cần cẩn trọng khi mà so sánh thành tích với cái gọi là dựa vào niềm tin dân chúng.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc không đúng với thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay:
Thực ra câu nói này của ông Phúc cứ như mặt trời mọc đằng đông vậy, nói thế ai chẳng nói được. Phải nêu được vấn đề hiện nay người dân có tin vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản hay không, cái đó rất cần xem lại. Mình cho rằng chẳng mấy ai tin nữa.”

Trên dưới đồng lòng

Trong phần phát biểu trước Quốc hội, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nhắc đến thảm họa môi trường Formosa và lấy đó làm một bằng chứng về sự đồng lòng của người dân và chính quyền: “Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, đoàn kết nhất trí, từ Trung ương đến địa phương. Sức mạnh của toàn dân tộc được thể hiện thông qua những sự kiện lớn của đất nước. Từ sự việc môi trường do Formosa gây ra, sự việc lớn và nghiêm trọng như vậy nhưng chúng ta đồng lòng rất cao.”
Việc người dân đồng lòng khắp từ Bắc chí Nam, nhất là ở các tỉnh miền Trung, chống lại Formosa và bị chính quyền đàn áp rất khốc liệt không ăn nhập gì với lòng tin của người dân mà ngược lại.
- TS. Nguyễn Quang A
Vào tháng 4 năm 2016, thảm họa môi trường do nhà máy Formosa xả chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra biển đã khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và đời sống ngư dân tại đây. Phía Formosa sau đó đền bù 500 triệu đô la Mỹ cho người dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, nhà máy này vẫn tiếp tục hoạt động.
Vì vậy, khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến thảm họa môi trường Formosa như sự đồng lòng của chính phủ Hà Nội và người dân, nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho rằng đây là sự so sánh khập khiễng:
Mình cũng như rất nhiều người dân ở Việt Nam chưa thấy các ông ấy làm gì ở Formosa cả. Mặc dù các ông ấy bảo rằng có năm mươi mấy tiêu chuẩn môi trường nhưng theo mình tiêu chuẩn quan trọng nhất là luyện than cốc, là từ khô sang ướt, thì bọn nó (Formosa) không làm được. Rõ ràng bài toán về môi trường vẫn như vậy và chẳng còn cách nào khác ngoài việc Formosa tiếp tục thải ra biển.
Nếu ông Phúc tiếp tục dùng cái đó để nói rằng vì người dân đặt niềm tin nên Formosa phải xin lỗi, nhượng bộ, hay làm gì đó mà đấy là động lực để phát triển đất nước thì nghe hơi khôi hài, vì đến bây giờ hậu quả của Formosa vẫn còn tiếp tục.”
Không chỉ riêng anh Dũng, mà cả Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng tỏ ra ngạc nhiên về việc dùng Formosa làm ví dụ của ông Nguyễn Xuân Phúc:
“Việc người dân đồng lòng khắp từ Bắc chí Nam, nhất là ở các tỉnh miền Trung, chống lại Formosa và bị chính quyền đàn áp rất khốc liệt không ăn nhập gì với lòng tin của người dân mà ngược lại. Tôi nghĩ cái đó (sự đồng lòng của người dân phản đối Formosa) chính phủ khó có thể huy động cho sự tăng trưởng kinh tế hoặc củng cố hệ thống.”
Những cuộc biểu tình phản đối hoạt động của nhà máy Formosa hay yêu cầu khởi kiện nhà máy này gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường biển của Việt Nam đã bị chính quyền đàn áp mạnh mẽ trong suốt thời gian vừa qua.
Đáng chú ý nhất là trường hợp nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, người tham gia vào đoàn biểu tình yêu cầu đóng cửa Formosa đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên y án sơ thẩm 14 năm tù giam trong phiên tòa ngắn ngủi sáng 24-4-2018 vừa qua.
Từ những sự việc này, câu phát biểu “niềm tin của dân là nguồn lực xây dựng đất nước” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của công luận. Nhiều người đặt vấn đề hiện còn bao nhiêu người vẫn tin vào bộ máy lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam khi mà biết bao trì trệ, bảo thủ làm đất nước tụt hậu so với những nước khác, kể cả Lào và Campuchia, không hề được giải quyết; thậm chí ngày càng bế tắc hơn.

Chính phủ thanh tra dự án thu hồi đất ở Bắc Giang

 RFA-2018-05-24  
Một khu đô thị mới tại phường Dĩnh Kế, Bắc Giang, ảnh minh họa.
Một khu đô thị mới tại phường Dĩnh Kế, Bắc Giang, ảnh minh họa.Courtesy bacgiang.gov.vn
Sau hơn 40 lượt người dân khiếu kiện ra trung ương, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra dự án thu hồi đất ở phường Dĩnh Kế, Bắc Giang.
Thông tin vừa nêu được Thanh tra Chính phủ công bố tại Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang sáng ngày 24 tháng 5 năm 2018.
Cụ thể sẽ thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, kiểm tra tiến trình thực hiện dự án thu hồi đất, xem xét nội dung khiếu nại của người dân bị thu hồi đất để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía nam phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang.
Ngoài ra Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang thời gian từ năm 2006 đến năm 2017.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết sẽ thành lập tổ công tác liên ngành  gồm Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang để rà soát việc thực hiện dự án và khiếu nại của người dân phường Dĩnh Kế.
Trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư phía nam phường Dĩnh Kế, Bắc Giang, đã có 32 hộ dân không đồng ý với việc bồi thường thu hồi đất nên đã khiếu nại nhiều lần lên nhiều cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.