Wednesday, October 21, 2015

Con ông cháu cha: Hay, dở và xấu xí

Theo BBC-21 tháng 10 2015

 Tin con trai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bên trái trong ảnh) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang gây chú ý nhiều trên truyền thông và dư luận. (Ảnh chụp tại phiên bế mạc Đại hội Đảng 11 của Reuters).

Bất cứ nơi nào bạn làm việc trên thế giới, thực trạng con ông cháu cha, đưa bạn bè hay người thân vào nơi làm việc có lẽ là một phần của văn hóa làm ăn, cho dù hành động đó là trắng trợn hay được che đậy.
Chẳng đâu xa, chỉ cần hỏi Ana Patricia Botin, người kế vị cha mình cho ghế lãnh đạo ngân hàng khổng lồ Tây Ban Nha Santander. Hoặc Rupert Murdoch, người đưa con trai của ông làm CEO của công ty truyền thông News Corp và 21st Century Fox. Hoặc thậm chí cứ năm dân biểu Anh thì một người đưa người nhà vào làm việc tại bộ phận hành chính của họ.
Trong khi thực trạng gia đình trị là phổ biến thì các quốc gia khác nhau có thái độ khác nhau.
Ví dụ, ở Mỹ, luật liên bang cấm nhân viên chính phủ tuyển dụng một thành viên trong gia đình họ, mặc dù ở khu vực tư nhân thì không phải là bất hợp pháp. Và các chủ lao động Mỹ và Anh đưa bè bạn và người gia đình vào làm và thăng tiến thay vì tuyển người lao động khác rất có thể phải trả giá đắt vì sẽ bị nói là họ phân biệt đối xử.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, cơ quan chống tham nhũng của nhà nước chính thức có chủ trương cứng rắn chống lại nạn gia đình trị và tham nhũng và nhắm vào vây cánh có quyền lực được cho là kiểm soát các doanh nghiệp chủ chốt.
Tuy nhiên, ở những nơi như Italy hay Tây Ban Nha, được tuyển dụng hoặc thăng chức vì bạn quen biết ai đó thay vì bạn biết cái gì chẳng là điều gây ngạc nhiên. Thực ra vẫn được xem như là "chuyện thường ngày."
Valerie Berset-Price, gốc Thụy Sỹ, người sáng lập công ty Professional Passport, chuyên giúp các công ty đối phó với sự khác biệt văn hóa, nói rằng ở nơi cô lớn lên: "Nếu bạn có khả năng giới thiệu bạn bè và người nhà, hay thuê họ, thì bạn sẽ làm. Đó là một điều có tính tương hỗ để họ tồn tại trong một xã hội dựa nhiều vào mối quan hệ."

 Rupert Murdoch nói ông rất vui về việc bổ nhiệm các con mình vào ghế lãnh đạo công ty của mình. 

Tuy nhiên, khi cô chuyển sang Hoa Kỳ và học kinh doanh tại trường đại học, cô đã bị cuốn hút bởi nội dung giáo trình cô học theo đó nhấn mạnh rằng gia đình trị luôn luôn là tiêu cực, và thậm chí là phạm tội hình sự trong một số tình huống.
"Cho đến lúc đó tôi thực sự không biết từ gia đình trị có nghĩa gì," cô nói.
Một khi cô mở công ty kinh doanh của mình, cô cũng rất ngạc nhiên khi bạn bè, làm việc ở các vị trí cấp cao, ví dụ, tại các công ty blue-chip, không muốn giới thiệu các dịch vụ của mình cho khách hàng.
"Điều này không phải vì họ không muốn tôi thành công, hoặc họ không thích tôi, hay tin vào những gì tôi đã làm," Berset-Price nói. "Đó là bởi vì chính sách công ty của họ nói rằng tôi sẽ ngay lập tức đã bị loại bỏ khỏi bất kỳ công việc hay dịch vụ gì với công ty đó bởi vì tôi là người bạn của người trong công ty."
Cách nhìn nhận khác nhau tất nhiên là do vấn đề văn hóa. Những nước duy trì các mối quan hệ gần gia đình là một phần ăn sâu của văn hóa dân tộc (thường được củng cố thêm bởi một tôn giáo), có khuynh hướng xem gia đình trị như là một cách tự nhiên và lý tưởng cho người thân để chăm lo cho nhau và trở nên thành đạt.
"Tại Tây Ban Nha hầu như không bao giờ có cạnh tranh công khai cho việc làm," Joe Haslam, chủ doanh nghiệp và là giám đốc điều hành của chương trình quản lý cho chủ doanh nghiệp và doanh nhân khởi nghiệp tại IE Business School ở Madrid, hiện đang sống và làm việc tại Milan, Italy cho biết.

 
Ngân hàng JPMorgan Chase của Hoa Kỳ từng bị nhà chức trách Mỹ điều tra vì đưa con em quan chức Trung Quốc vào làm để có những thỏa thuận béo bở khi kinh doanh ở Trung Quốc. 
 
"Một công việc cũng không bao giờ coi như 100% của bạn - nó gần giống như bạn đang giữ cho nó có một chỗ ấm áp để chờ một thành viên khác trong gia đình. Ở đây, khi một người thân không có công ăn việc làm thì điều đó kể như là vấn đề chung của cả một gia đình. Do đó chắc chắn là luôn xảy ra việc ứng viên kém được nhận vào làm công việc gì đó vì họ biết một người phụ trách một cách trực tiếp hoặc gián tiếp "
Cách tiếp cận này chắc chắn có một số mặt tích cực. Như Haslam giải thích, sự kết dính gia đình nuôi dưỡng sự trung thành, vì vậy chủ lao động không phải lo lắng về việc người có tài bị các đối thủ cạnh tranh săn lùng. Nó cũng dễ dàng hơn (và rẻ hơn) khi thuê người trong mạng lưới đã biết hơn là phải trải qua những rắc rối của một quá trình nộp đơn thi cử công khai.
Tuy nhiên, thực trạng gia đình trị có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nói chung hàng ngày.
Trước hết các nhà đầu tư nước ngoài thấy ngán ngẩm: theo Báo cáo Chống tham nhũng năm 2014 của EU, 67% các nhà đầu tư của EU thấy gia đình trị như là một "vấn đề rất nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng 'khi vận hành một công ty ở Hy Lạp.
Nghiêm trọng hơn, theo một nghiên cứu thì tham nhũng gắn liền với gia đình trị có thể làm giảm tuổi thọ tại một quốc gia. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại những nước có mức tham nhũng nhiều hơn ở các nước có tham nhũng ít khoảng một phần ba.
Xét về mức độ cá nhân, bạn sẽ thấy chính mình gặp vấn đề khi không quen biết ai ngoài mối quan hệ của gia đình.

"Ở Ý bạn thực sự cần phải quen biết ai đó để có được việc làm, Gabriel Fabrizio Sbalbi nói, ông là chủ một doanh nghiệp bất động sản của Italy. "Điều này đặc biệt xảy ra nhiều với sinh viên trẻ mới tốt nghiệp không có quan hệ. Và điều đó có nghĩa rằng người trẻ tuổi, có học vấn cao [khoảng 60.000 người mỗi năm – 70% có bằng đại học] đang rời Italy để có được việc làm ở nơi khác".
Sbalbi tin rằng thất nghiệp lan rộng chắc chắn là một động lực chính trong làn sóng này - thanh niên thất nghiệp đạt mức kỷ lục 44,2% trong tháng sáu năm 2015. Tuy nhiên, hệ thống phải quen mới có việc cũng là yếu tố quyết định.
Một cuộc khảo sát vào năm 2013 của Bộ Lao động Italy tiết lộ 61% doanh nghiệp dựa vào giới thiệu quen biết cá nhân khi tuyển dụng - và Sbalbi nói rằng trong khu vực công một số công việc hầu như là cha truyền con nối. Một trong những vụ ầm ĩ nhất là khi lộ ra rằng tại Đại học Palermo có hơn một nửa số người giảng dậy và nghiên cứu có ít nhất một người bà con trong gia đình làm việc trong trường.
Trong khi sử dụng bạn bè và người trong gia đình với các kỹ năng phù hợp là một chuyện, nếu điều kiện để họ có việc làm là vì họ là người nhà thì điều đó về cơ bản là ngăn cản những người có kỹ năng tốt hơn tham gia vào thị trường lao động, Jane Sunley giải thích, bà là người sáng lập công ty Purple Cubed chuyên về tư vấn nhân sự tại London.
"Điều này có thể hết sức tai hại cho văn hóa công ty bởi vì bạn đang bỏ lỡ cơ hội cho người có thể mang lại những ý tưởng mới và chuyên môn về công nghệ. Ngoài ra, trong một thị trường toàn cầu bạn đang phải làm việc với thành phần đa dạng về nhân sự - bạn sẽ thấy khó khăn nếu tất cả các nhân viên của bạn có những điểm gần như giống nhau."
Không thể chịu nổi thứ văn hóa gia đình trị nơi bạn sinh sống ư? Bạn có thể tham gia vào làn sóng đi tìm việc ở một nước mà quan hệ không quan trọng. Đó là những gì Sbalbi đã làm trong cuộc suy thoái năm 2008, bỏ Italy để bắt đầu một công ty bất động sản mới ở Mexico.
"Không ai biết tôi hay công ty cả - nhưng họ vẫn đến với chúng tôi làm ăn bởi họ thấy chất lượng, thấy được những gì chúng tôi có thể làm được," ông nói. "Để điều đó xảy ra [ở Ý] thì sẽ phải thay đổi toàn bộ văn hóa ở đây."
Bài gốc tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital

Phóng viên cáo buộc bị Thanh Niên trù dập

Theo BBC-21 tháng 10 2015
 
Báo Thanh Niên viết: "Facebook của phóng viên Hoài Nam suy diễn theo hướng vu khống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tờ báo"
 
Một phóng viên báo Thanh Niên cáo buộc tờ báo "trù dập cá nhân" trong lúc ban biên tập khẳng định người này"suy diễn theo hướng vu khống". 
 Trong thông cáo đăng trên mặt báo hôm 20/10, ban biên tập báo Thanh Niên nói phóng viên Nguyễn Hoài Nam "nêu không đầy đủ bản chất nhân-quả của vụ việc, suy diễn theo hướng vu khống, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tờ báo, cần được xem xét và xử lý".
Hôm 20/10, dư luận chấn động trước tin phóng viên Hoài Nam, hiện đang công tác tại ban Chính trị-Xã hội báo Thanh Niên, lên mạng xã hội cáo buộc "tòa soạn trù dập cá nhân bằng luật rừng, bị thế lực bên ngoài tác động ngưng đăng các bài chống tham nhũng, gác bài rồi dùng định mức bài phạt tiền phóng viên...".
Trong các status trên trang cá nhân, ông Nam dẫn đầy đủ những văn bản, băng ghi âm liên quan đến vụ việc.

‘Chuyện nội bộ’

Hôm 20/10, BBC đã liên hệ Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông nhưng ông trả lời: "Đây là chuyện nội bộ nên tôi không trả lời phỏng vấn bên ngoài. Có những điều trong việc này tôi chỉ có thể trả lời bằng văn bản chứ không nói miệng được".
Sau đó, ban biên tập báo này đăng công khai phản hồi trên website báo Thanh Niên: “Ủy ban kiểm tra Trung ương Đoàn đã xác minh và có kết luận số 19-KL/TWĐTN-BKT ngày 7/9/2015. Theo đó, không có chứng cứ xác định cá nhân lãnh đạo báo Thanh Niên có liên quan hay bảo kê cho đối tượng tham nhũng; không dọa đuổi việc vì chống tham nhũng.
Việc ban biên tập phê bình nghiêm khắc và phân công ông Hoài Nam viết phóng sự điều tra về an sinh xã hội, môi trường… mà không tiếp tục điều tra về tham nhũng do phóng viên này sơ hở, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong một vụ điều tra tiêu cực trước đó.
Thực tế, ông Nam không hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu tin, bài 2 quý của năm 2013 cũng như chỉ tiêu gộp cả năm 2014, và đặc biệt, trong liên tục 9 tháng đầu năm 2015. Ngoài ông Nam, còn có hai phóng viên khác cũng không hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu tin, bài. Do vậy, đầu tháng 10/2015, Báo Thanh Niên đã họp với các phóng viên này thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Các thông tin đăng tải từ trang Facebook của tài khoản 'Hoai Nam Nguyen' nêu không đầy đủ bản chất nhân-quả của vụ việc, suy diễn theo hướng vu khống, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tập thể và cá nhân lãnh đạo của báo, cần được xem xét, xử lý phù hợp”.

 
 Phóng viên Hoài Nam chú thích ảnh trên Facebook cá nhân: "Thất nghiệp thì phải buôn rau. Kiếm tiền mua cháo để nuôi gia đình"

‘Lên tiếng vì muốn tốt cho tờ báo’

Hôm 21/10, trả lời phỏng vấn của BBC, ông Nam cho biết: “Tôi quyết định lên tiếng trên mạng xã hội là việc chẳng đặng đừng, sau nhiều lần gửi đơn đến tòa soạn báo Thanh Niên, ban Thanh tra, Bộ Thông tin-Truyền thông, Trung ương Đoàn nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng. Lên tiếng vì muốn tốt cho thương hiệu của báo Thanh Niên và muốn nơi này tạo cơ chế làm việc tốt hơn cho phóng viên, nhất là những người theo mảng điều tra xã hội, chứ không phải do động cơ cá nhân”.
Ông Nam giải thích: “Thực sự những khúc mắc của tôi trong công việc liên quan đến một phó tổng biên tập của báo Thanh Niên có những hành vi: Làm việc có động cơ cá nhân; Mượn danh Ban Tuyên giáo Trung ương bảo kê doanh nghiệp và trù dập cá nhân.
Tôi đã làm đơn tố cáo người này nhưng rồi chỉ nhận được văn bản kết luận đóng dấu mật của Trung ương Đoàn với nội dung đề nghị ông ấy “rút kinh nghiệm về phương pháp công tác”.
Ông Nam cũng cho biết thêm: “Tôi không phục cách ban biên tập báo Thanh Niên phản hồi về việc tôi không hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu bài vở. Do cơ quan không có quy chuẩn thế nào là bài đạt chất lượng và cũng chẳng có quy chế bảo vệ phóng viên tác nghiệp”.
Ông Nam tiết lộ hợp đồng lao động giữa ông và báo Thanh Niên sẽ bị chấm dứt ngày 30/11 tới. Hiện tại, một số luật sư đã lên tiếng trợ giúp pháp lý nhưng ông Nam cho biết “chưa nghĩ đến việc khởi kiện đòi quyền lợi”.
Trên trang cá nhân, ông Nam tự giới thiệu: “Mảng điều tra tôi đeo bám cực kỳ nguy hiểm. Tôi đã viết các loạt bài mang uy tín cho báo Thanh Niên như “Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái; Người ghi hình lâm tặc phá rừng; Giấy kiểm dịch bán như rau; Kinh hoàng heo siêu nạc; Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa; Nông dân vượt biên đánh bạc; Bí mật hành phi; Hãi hùng công nghệ trồng rau muống; Cảnh sát trật tự cơ động làm luật…”.

Nhiều người ký thư phản đối Chủ tịch TQ

  Theo BBC-21 tháng 10 2015
 
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh tháng Tư 2015
  
160 người ký tên vào một thư ngỏ kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam không đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hà Nội.

Bản lên tiếng công bố trên Facebook của cựu tù nhân Phạm Minh Hoàng hôm 15/10 đã có 160 chữ ký, tính đến hôm 21/10.
Ông Hoàng, được tòa án Việt Nam trả tự do năm 2012 sau 17 tháng trong tù vì tội "âm mưu lật đổ chính quyền", cho rằng "phải nói không" về sự có mặt của lãnh đạo Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 10, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam.
Bản lên tiếng lên án Trung Quốc “đe dọa trực tiếp một cách nghiêm trọng trên các mặt chính trị và kinh tế”.
“Đây cũng là lúc phải xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, xét lại những cái gọi là “4 Tốt” hay “16 Chữ Vàng”, xét lại tất cả những ký kết không bình đẳng từ trước đến nay và phải từ bỏ biện pháp đối thoại song phương với Trung Quốc.”
“Nhân dân Việt Nam phải nói 'Không!' về sự có mặt của Tập Cận Bình trên đất nước chúng ta và nhà cầm quyền cần hủy bỏ ý định đón tiếp Tập Cận Bình,” văn bản này viết.
Được công bố từ hôm 15/10, trang facebook của ông Hoàng nói đã có 160 người ký tên.

Một số người ký tên:

Huỳnh Ngọc Chênh, Nhà báo – Sài Gòn
Nguyễn Kim Chi, Nghệ sĩ - Hà Nội
Nguyễn Văn Đài, Luật sư - Hà Nội
Lê Công Định, Luật sư - Sài Gòn
Phan Văn Lợi, Linh mục - Huế
Phạm Toàn, Nhà giáo dục học - Hà Nội

Dân chủ & Bầu cử Quốc hội Canada

21 tháng 10 2015  
 
Ông Justin Trudeau và vợ khi tuyên bố chiến thắng 
 
Tối 19/10, Đài truyền hình CBC Canada loan báo Đảng Tự Do Canada đã thắng cử một cách ngoạn mục, từ vị trí thứ ba với 34 ghế dân biểu đã vươn lên chiếm được 184 ghế trong tổng số 338 ghế ở Quốc hội, sau 78 ngày vận động tranh cử, một cuộc vận động bầu cử dài nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử Canada hơn 100 năm qua.
Với thắng lợi này, Đảng Tự Do sẽ đứng ra thành lập tân chính phủ với Thủ tướng Justin Trudeau, 43 tuổi, một chính trị gia nhà nòi và cũng là con trai của cố Thủ tướng Pierre Trudeau, một thời vang bóng ở thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.Như vậy Canada bắt đầu có “triều đại” Trudeau!
Ông Justin Trudeau phát biểu ở Montreal sau khi thắng cử rằng “Người Canada từ khắp nơi trên đất nước tuyệt vời này đã gửi một thông điệp rõ ràng tối nay. Đây là thời khắc cho sự thay đổi ở đất nước này, các bạn của tôi ơi, một sự thay đổi thực sự.”
Ông nói tiếp, “Một cái nhìn tích cực, lạc quan, đầy hy vọng cho đời sống chính trị cộng đồng không phải là một giấc mơ ngây thơ. Nó có thể là một động lực mạnh mẽ cho sự thay đổi.”
11 tuần trước đó, “Thủ tướng Justin Trudeau” chỉ là một “giấc mơ ngây thơ” của một chàng nhà giáo trẻ, đẹp trai, đầy sức sống nhưng nay thì giấc mơ đó đã trở thành hiện thực.
Justin Trudeau đã chính thức chấm dứt 9 năm cầm quyền của Thủ tướng Stephen Harper và sự nghiệp chính trị của vị Thủ tướng được tiếng là người đã lèo lái Canada an toàn trong cơn bão tố khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008.
Vài ngày trước bầu cử, truyền thông Canada cũng dự đoán rằng đây là một cuộc tranh cử sát sao giữa 3 chính đảng lớn tại Canada: Đảng Bảo thủ cầm quyền và hai đảng đối lập, Đảng Tự Do và Đảng Tân Dân Chủ.
Đảng Tự Do tuy được đánh giá là có nhiều cơ hội thắng cử nhưng khả năng chỉ là một chính phủ thiểu số vì sẽ không có đảng nào thu được đủ số ghế để kiểm soát Quốc hội; một chính phủ đa số cần phải có tối thiểu 170 dân biểu ở Quốc hội.

Chính sách tranh cử của các đảng chính

 Đảng Tự do có uy tín lâu nay 

Đảng Bảo thủ cầm quyền ra tranh cử với thành tích giữ vững được sự ổn định kinh tế từ gần 10 năm qua, hứa sẽ tăng việc làm cũng như giảm thuế cho người dân và các công ty trước viễn ảnh một sự đình trệ kinh tế cho những năm tới. Đảng Bảo thủ còn hứa nếu thắng cử sẽ thông qua Hiệp định TPP, đẩy mạnh xuất khẩu Canada sang các thị trường mới đầy năng động của Châu Á.
Đảng Tân Dân Chủ, một đảng chỉ mới nổi lên mạnh mẽ trong kỳ bầu cử 2011 thì có những chính sách thiên tả, muốn chính phủ can thiêp nhiều hơn trong kinh tế, tăng an sinh phúc lợi xã hội, thí dụ như sẽ cho xây thêm nhiều nhà giữ trẻ với giá 15$ một ngày để giúp đỡ người dân, đồng thời đảng này cũng hứa sẽ không ủng hộ TPP vì cho rằng Hiệp định này không mang lại lợi ích cho người lao động mà chỉ phục vụ quyền lợi các đại công ty đa quốc gia.
Đảng Tự Do là một chính đảng có uy tín lâu đời ở Canada. Trên 150 năm qua, hầu hết đảng này có thời gian cầm quyền lâu nhất.
Chỉ riêng từ đầu thập niên 1970 đến nay, đảng này đã nắm quyền trên 2/3 thời gian. Do những vụ “xì-căng-đan tham nhũng” đầu những năm 2000, đảng Tự Do đã mất quyền lãnh đạo từ tháng 1/2006, thậm chí họ còn tiếp tục bị trượt dài cho tới tận hôm qua.
Đảng Tự Do với những chính sách trung dung nên hoàn toàn khác hẳn với 2 đảng Bảo thủ và Tân Dân Chủ. Họ chủ trương sẽ tăng thuế ngắn hạn để tái đầu tư trong vòng 10 năm tới cho hạ tầng cơ sở nhằm làm chất xúc tác vực dậy nền kinh tế Canada.
Đảng này hô hào mạnh mẽ vì quyền lợi của tầng lớp trung lưu. Riêng đối với Hiệp định TPP, đảng Tự Do không chống cũng không ủng hộ mà chỉ tuyên bố là sẽ xem xét lại toàn bộ Hiệp định này.
Cuộc bầu cử 19/10 vừa qua mang tính quyết định lịch sử vì người dân Canada bị bắt buộc phải có một sự lựa chọn dứt khoát giữa các mô hình phát triển kinh tế, xã hội, thậm chí còn ảnh hưởng đến các vấn đề quốc tế khác như Hiệp định kinh tế TPP, cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và những chính sách cam kết bảo vệ môi trường.
Nói một cách vắn tắt với ba xu hướng chính trị hoàn toàn khác nhau: Đảng Bảo Thủ thiên hữu, Đảng Tân Dân Chủ thiên tả và Đảng Tự Do trung dung; cuộc sống của người dân Canada sẽ không còn như trước nữa mà họ phải trả cái giá của nền dân chủ tiến bộ của họ.
Người dân Canada đã quyết định và như lời của cựu Thủ tướng Stephen Harper cho biết thì, “người dân thì không bao giờ sai,” và thêm rằng ông chấp nhận kết quả “mà không chút do dự,” mặc dù không phải là kết quả mà ông mong đợi.

Dân chủ không hoàn hảo nhưng...

Dân chủ theo quan niệm của Phương Tây là người dân được quyền tự do lựa chọn những người lãnh đạo của mình thông qua các kỳ bầu cử định kỳ tự do, rõ ràng và minh bạch.
 
Các chính đảng và chính trị gia phải đưa ra các chính sách để vận động người dân ủng hộ bỏ phiếu cho mình nhưng trong thực tế không hẳn lúc nào người dân cũng có những viễn kiến như các nhà lãnh đạo quốc gia. Đôi khi người dân chỉ bầu theo cảm tính mà không có sự phân tích rõ ràng dẫn đến tình trạng một số chính trị gia mỵ dân.
Trong lịch sử, người ta thường nhắc đến câu nói bất hủ của cố Thủ tướng Anh, Ngài Winston Churchill, người hùng của thời Đệ Nhị Thế chiến. Ông nói đại ý như sau trong ngày 11/11/1947 trước Quốc hội Anh: "Dân chủ không phải là hình thức xã hội tối ưu, nhưng hiện nó đang là hợp lý nhất, vì vẫn chưa có thể chế nào hay hơn nó."
Ông chua xót như thế vì sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã thất cử vào kỳ bầu cử tháng 7/1945 để chỉ có thể trở lại cầm quyền Thủ tướng vào năm 1951. Ông chiến thắng chiến tranh nhưng thất bại trong hòa bình.
Ở Pháp cũng thế, tướng Charles de Gaule, anh hùng trong kháng chiến, cũng chịu chung số phận nghiệt ngã sau chiến tranh nhưng cả hai đều đã trỗi dậy mạnh liệt để trở thành những vĩ nhân của thế giới.
Dân chủ tuy có những mặt trái của nó nhưng như Ngài Churchill đã nói "nó đang là hợp lý nhất, vì vẫn chưa có thể chế nào hay hơn nó."
Chúng ta dứt khoát không chấp nhận độc tài dù đó là độc tài cá nhân hay cộng sản hay bất cứ gì khác vì độc tài thì luôn lạm dụng và coi thường người dân và không vì lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia.
Bản thân dân chủ tuy có thiếu sót nhưng tự nó với những định chế phần nào đã hạn chế được sự lạm quyền và cho phép nó sống lại được thông qua những kỳ bầu cử định kỳ tự do, rõ ràng và minh bạch.
Vậy bất cứ quyết định nào hôm nay của người dân Canada dù đúng hay sai, dù có ra sao đi chăng nữa đều có thể được tái điều chỉnh trong một thể chế chính trị tự do, dân chủ và pháp trị như Canada.
Sức mạnh của Canada nằm trong những giá trị cơ bản đã được hiến định thông qua “Bản Hiến chương các quyền và tự do” của người dân Canada cũng như những định chế dân chủ.

Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, một luật sư đang sống và làm việc ở Canada.

Thay đổi lãnh đạo, thay đổi chính sách Canada-Mỹ-thế giới

CANADA - Từ hợp pháp hóa cần sa đến các thỏa ước tự do thương mại, chính quyền mới của Canada dưới quyền Justin Trudeau có khả năng mang đến những thay đổi đáng kể đối với Hoa Kỳ và thế giới.
Với khác biệt đáng kể so với Harper, người được xem là nhà lãnh đạo bảo thủ nhất lịch sử Canada, các chính sách mới của Justin Trudeau sẽ có ảnh hưởng vượt xa khỏi biên giới Canada và Hoa Kỳ. Tất cả sẽ được thể hiện qua cách giải quyết về biến đổi khí hậu, nhập cư và việc liệu mối quan hệ với Hoa Kỳ có nên xoay quanh tương lai các đường ống dẫn dầu Keystone XL hay không. Ðồng thời, theo các nhà phân tích, Trudeau sẽ có một cách tiếp cận cân bằng hơn đối với cuộc xung đột và cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Ðông.


Tân thủ tướng Canada, Justin Trudeau. (Hình: Geoff Robins/AFP/Getty Images)

Phát biểu tại cuộc mít tinh ở Ottawa sau chiến thắng, Trudeau nhấn mạnh: “Tôi muốn nói với bạn bè của đất nước này trên toàn thế giới: nhiều người lo lắng rằng suốt 10 năm qua Canada đã mất đi lòng trắc ẩn mang tính xây dựng của mình. Vâng, thay mặt cho 35 triệu dân Canada tôi có thông điệp đơn giản cho bạn. Chúng tôi đang trở lại.”
Về đối ngoại, trước mắt, có bốn nhiệm vụ ngoại giao mà Trudeau sẽ giải quyết:
1. Trong sáu tuần tới sẽ là các hội nghị quốc tế quan trọng: hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ và hội nghị thượng đỉnh APEC tại Philippines giữa Tháng Mười Một. Sau đó là hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Khối Thịnh Vượng Chung - Commonwealth ở Malta và hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu ở Paris. Vì phải thành lập nội các mới, Trudeau cho biết ông chỉ cam kết dự hội nghị khí hậu nhưng ông cũng “rất hy vọng” sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh G20 và APEC.
2. Dưới thời Trudeau, các ủng hộ của Canada với một số sáng kiến quân sự của Hoa Kỳ có thể suy giảm. Canada từng tham gia các kế hoạch quân sự chống lại Nhà Nước Hồi Giáo do Mỹ dẫn đầu cách đây một năm, nhưng Ðảng Tự Do cho biết sẽ chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Canada, thay thế bằng việc tập trung đào tạo lực lượng địa phương trong khu vực để chống lại quân nổi dậy. Cụ thể, đối với mặt trận ở Iraq và Syria. Trudeau sẽ mang về sáu chiếc CF-18 của Canada, hiện đang tham gia chiến đấu cùng Hoa Kỳ trong khu vực.
3. Về thương mại: sẽ kết thúc một số thỏa thuận lớn. Canada và Liên Minh Châu Âu đã ký một thỏa thuận nguyên tắc về tự do thương mại rộng rãi của họ từ hơn hai năm trước, nhưng vẫn chưa thực sự hoàn tất. Các điều khoản chi tiết vẫn đang được sửa chữa và phải được phê chuẩn tại Quốc Hội Châu Âu và Canada.
4. Về di dân và nhân đạo: Ðưa 25,000 người tỵ nạn Syria đến Canada vào cuối năm nay. Ðiều này là một thách thức lớn cho Trudeau và rất có thể là ông phải thu hẹp lại.
Trong thời gian tranh cử, Trudeau từng tuyên bố rằng kỷ lục nghèo nàn trong việc tiếp nhận người tỵ nạn Syria của đảng Bảo Thủ cho thấy một khuôn mặt kém nhân đạo của Canada trước thế giới.
Ðối với láng giềng Hoa Kỳ ở phía Nam: Thương mại và an ninh là hai chủ đề quan trọng nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Canada. Ngay khi đảng Tự Do đắc cử, Tổng Thống Mỹ Barack Obama và tân Thủ Tướng Justin Trudeau lập tức điện đàm với nhau về việc thực hiện TPP - Hiệp ước Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương và việc cùng tiếp tục cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Về lãnh vực an ninh, Trudeau hứa hẹn sẽ hủy bỏ các yếu tố có vấn đề của đạo luật C-51, còn được gọi là đạo luật Patriot của Canada. C-51 là đạo luật mới ở Canada cung cấp cho cơ quan an ninh quốc gia các quyền hạn mở rộng để chống khủng bố. Việc này sẽ tạo cơ hội cho những người ủng hộ quyền riêng tư tại Hoa Kỳ, nơi đã nổ ra cuộc tranh luận về chiến tranh bí mật và sự giám sát của chính phủ kể từ khi Edward Snowden rò rỉ các tài liệu mật về an ninh quốc gia vào năm 2013.
Về thương mại, Canada là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Thương mại giữa Canada và New York lên đến gần $34 tỷ một năm, hơn 680,900 việc làm ở New York phụ thuộc vào thương mại và đầu tư với Canada (theo Central New York International Business Alliance). Tân thủ tướng Canada hứa tài trợ các kế hoạch cập nhật hạ tầng cơ sở, bơm sức sống vào nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái của Canada. Ðiều này đồng nghĩa với cơ hội kinh tế lớn hơn cho các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ.
Mặc dù Canada và Hoa Kỳ đã có một thỏa thuận thương mại tự do từ nhiều thập niên, nhưng đảng Tự Do của Trudeau cũng có thể thay đổi kỳ hạn các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.
Trước mắt, việc chuyển giao quyền lực cho đảng Tự Do đang dẫn đến một sự không chắc chắn đối với Hiệp ước Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương, Trudeau từng nhấn mạnh sự ủng hộ của mình về hiệp định này nhưng phê phán Ðảng Bảo thủ không minh bạch. Ông hứa “cởi mở và trung thực về quá trình đàm phán, và sẽ chia sẻ ngay lập tức tất cả các chi tiết của thỏa thuận.” Trong khi đó, như đã tuyên bố vào hôm 5 tháng 10 khi hiệp định này được công bố, Trudeau cần đọc lại văn kiện này trước khi có quyết định cụ thể.
Quan điểm về TPP - Hiệp ước Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương được nêu rõ trong tuyến bố của đảng Tự Do:
“Hiệp ước Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương có mục đích loại bỏ các rào cản thương mại, mở rộng thương mại tự do Canada, và gia tăng cơ hội cho tầng lớp trung lưu và những người làm việc siêng năng. Ðảng Tự Do sẽ có cách tiếp cận có trách nhiệm để kiểm tra kỹ lưỡng Hiệp ước Thương mại Ðối tác xuyên Thái Bình Dương. Harper của đảng Bảo Thủ đã không minh bạch trong toàn bộ cuộc đàm phán - đặc biệt là những gì liên quan đến Canada.”
“Nếu Ðảng Tự Do được vinh dự thành lập chính phủ sau ngày 19, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc tranh luận công khai đầy đủ trong Quốc Hội để bảo đảm người dân Canada được có ý kiến về thỏa thuận thương mại lịch sử này.”
Trong lãnh vực môi trường, nhìn chung Trudeau hứa hẹn đầu tư mới về năng lượng sạch và sẽ hành động nhiều hơn về biến đổi khí hậu. Riêng trong quan hệ với Hoa Kỳ, các nhà hoạt động môi trường lạc quan rằng thủ tướng mới của Canada sẽ mở ra kỷ nguyên mới về chính sách khí hậu và quan hệ ngoại giao nồng ấm hơn, ngay cả khi ông ủng hộ đường ống dẫn dầu Keystone XL mà các nhà môi trường cảnh báo có thể dẫn đến sự cố tràn dầu nguy hiểm và lượng khí thải carbon tăng vì họ dự đoán rằng chính quyền Obama sớm từ chối và Trudeau sẽ không chống lại.
Bên cạnh đó, một thay đổi quan trọng khác có liên quan trực tiếp đến Hoa Kỳ là việc chính phủ Trudeau tiến hành hợp pháp hóa cần sa tại Canada. Ông tuyên bố, dưới sự lãnh đạo của mình, Canada sẽ tạo ra một hệ thống đánh thuế, điều chỉnh và bán cần sa, cùng hình phạt nghiêm khắc với bất cứ ai giao cần sa cho trẻ em hay bắt bị gặp dùng cần sa khi lái xe. Việc hợp pháp hóa cần sa của đảng Tự Do đồng điệu với những người ủng hộ việc hợp pháp hóa loại cỏ này ở Hoa Kỳ. Kỹ nghệ cần sa của Canada có thể nở rộ thành một thị trường trị giá đến $5 tỷ và thay đổi quan trọng này sẽ mang đến những thay đổi dọc biên giới Mỹ-Canada khi hàng cần sa qua lại giữa biên giới hai nước.
Hướng tiếp cận của Canada đến việc hợp pháp hóa chất cần sa còn có thể mang lại thêm ý nghĩa cho một cuộc thảo luận quốc tế ngày càng tăng về tàng trữ ma túy và hình phạt, từng trở thành nguyên nhân chính cho doamh nhân tỷ phú Mỹ Richard Branson, người vừa thúc đẩy Liên Hợp Quốc ủng hộ việc phi hình sự hóa việc sử dụng cần sa. (L.Q.T.)
10-21- 2015 6:33:47 PM

Thành phố nổi xuất hiện trên bầu trời TQ gây ‘bão’ lý thuyết

Một số người dân đã chụp được ảnh và quay video sự kiện kéo dài chỉ vài phút này.
Một số người dân đã chụp được ảnh và quay video sự kiện kéo dài chỉ vài phút này.

Hàng ngàn người ở Trung Quốc cho biết họ đã nhìn thấy một ‘thành phố nổi’ kỳ bí trên bầu trời ở thành phố Phật Sơn và ở tỉnh Giang Tây, một sự kiện khơi ra hàng loạt các lý thuyết giải thích về hiện tượng này.

‘Thành phố ma’ đầu tiên xuất hiện trên các đám mây ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, hôm 17/10. Một số người dân đã chụp được ảnh và quay video sự kiện kéo dài chỉ vài phút này.
Vài ngày sau, người dân ở tỉnh Giang Tây cho biết họ cũng nhìn thấy thành phố kỳ bí tương tự trên bầu trời.
Hàng trăm bài báo và đài truyền hình ở Trung Quốc đã đưa tin về sự kiện này.

Nhiều lý thuyết cũng đã được đưa để giải thích. Các chuyên gia về khí tượng cho đây là hiện tượng ảo ảnh Fata Morgana, được xem là một trong những hiện tượng thiên nhiên kỳ bí nhất thế giới.
Fata Morgana có thể được nhìn thấy trên đất liền hoặc trên biển, liên quan đến biến dạng quang học và hình ảnh đảo ngược của các vật thể ở xa như thuyền, khiến xuất hiện các hình ảnh giống như tòa nhà chọc trời do ảnh xếp chồng liên tiếp lên nhau.

Một số người chứng kiến khác tin rằng họ đã nhìn thấy một vũ trụ song hành.  Trong một nghiên cứu năm 2014, ông Michael Hall của Đại học Griffith và các đồng nghiệp đã đề cập đến một lý thuyết lượng tử dựa trên ý tưởng của sự tương tác giữa các vũ trụ song hành. Nhóm nghiên cứu đề xuất ra rằng các vũ trụ song hành tương tác và ảnh hưởng đến các thế giới xung quanh bằng một lực đẩy huyền ảo.

Tuy nhiên, một số người lại cho đây có thể là một kỹ thuật tiên tiến bí mật mà chính quyền Trung Quốc đang sử dụng để thực hiện một số thí nghiệm.
Trong khi đó, một số người khác nghi ngờ đây là kết quả của Dự án Blue Beam mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khởi sự để mô phỏng một cuộc xâm lược ngoài hành tinh của trái đất hay sự phục sinh lần 2 của Chúa Kitô qua hình ảnh 3D.

Một người xem bình luận trên mạng: “Hãy chú ý xem các tòa nhà có lặp lại 3 lần hay không. Nếu không phải là hình ảnh được xử lý trên máy tính thì có thể là dự án Blue Beam”.

Đây không phải là lần đầu tiên một ‘thành phố ma’ xuất hiện sau các đám mây trên bầu trời Trung Quốc. Hình ảnh một công trình khổng lồ giống như một thành phố với nhà chọc trời cũng đã xuất hiện trên bầu trời ở thành phố Hoàng Sơn vào năm 2011.

Nguồn: Daily Mail, Daily Express, Dhaka Tribune.

Hai nhà ngoại giao Trung Quốc bị bắn chết ở Philippines

Nhà hàng Lighthouse ở thành phố Cebu sau vụ nổ súng (ảnh chụp từ trang web shanghaiist.com).
Nhà hàng Lighthouse ở thành phố Cebu sau vụ nổ súng (ảnh chụp từ trang web shanghaiist.com).
Hai nhà ngoại giao Trung Quốc thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ nổ súng hôm thứ Tư tại một nhà hàng ở một thành phố thuộc miền trung Philippines, theo các bản tin và cảnh sát và truyền thông địa phương.

Cảnh sát cho hay Tổng Lãnh sự Tống Vinh Hoa bị thương và hai nhân viên của ông thiệt mạng trong một vụ nổ súng tại nhà hàng Lighthouse ở thành phố Cebu.

Báo The Philippine Daily Inquirer tường thuật  ông Tổng Lãnh sự đang trong tình trạng ổn định, và hai nghi can là hai vợ chồng đã bị bắt.

Theo báo Philippine Sun Star, một phụ nữ Trung Quốc bị tình nghi đã thực hiện vụ nổ súng này.
Chưa có tin nói về động cơ của vụ tấn công.

Giới hữu trách Trung Quốc không bình luận về vụ này.

Khi viên cai tù sắp vào tù

 
Cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Đây là chuyện nói về số phận của ông Giang Trạch Dân hiện nay. Báo chính thức và bán chính thức của Trung Quốc đều nói về chuyện ông Giang sắp bị bắt và bị truy tố. Tiểu sử chân thực của ông Giang được phổ biến rộng rãi, khác hẳn với lý lịch, hồ sơ cá nhân được Đảng cộng sản Trung Quốc lưu giữ 70 năm nay.

Giang Trạch Dân không phải là con liệt sỹ theo đảng từ tuổi thiếu niên, ngược lại theo bản tiểu sử được đăng trên mạng Đại Kỷ Nguyên, ông Giang và cha đều là Hán gian, từng làm việc cho chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ do phát xít Nhật Bản dựng lên ở Nam Kinh. Ông đã khai gian là con nuôi của người chú ruột là đảng viên cộng sản trung kiên để chui vào đảng, rồi dùng mọi thủ đoạn tinh ranh để luồn sâu, leo cao trong đảng, làm đến Bí thư Thành ủy Thượng Hải và vào Ban Chấp hành Trung ương năm 1985. Do tinh ranh ông lọt vào mắt của Đặng Tiểu Bình khi Đặng trở thành người lãnh tụ thế hệ cộng sản thứ hai, sau lãnh tụ thứ nhất là Mao Trạch Đông. Khi Đặng ốm nặng từ năm 1986, Đặng đã đích thân chọn Giang làm người kế tục sự nghiệp, đưa Giang lên làm Tổng bí thư thay Triệu Tử Dương vào năm 1989 (đến 2002) rồi thay luôn Dương Thượng Côn kiêm chức Chủ tịch nước từ năm 1993 (đến 2003), kiêm cả chức Bí thư Quân Ủy TƯ từ năm 1989 đến 2004. Giang trở thành lãnh tụ cộng sản thế hệ thứ ba, vượt lên trên các nhân vật hàng đầu của đảng cộng sản như Tổng Bí thư Triệu Tử Dương, Chủ tịch nước Dương Thượng Côn, ủy viên Bộ Chính trị Lý Thụy Hoàn và Trần Vân.

Nhân dân Việt Nam và đảng viên cộng sảnViệt Nam cần ghi nhớ chính Giang Trạch Dân là người có sáng kiến tổ chức cuộc hội đàm bí mật ở Thành Đô tháng 9/1990 giữa Giang Trạch Dân cùng Thủ tướng Lý Bằng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng, với nội dung đại thể là xóa bỏ sự đối kháng trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung hồi đầu năm 1979, cam kết bình thường hóa quan hệ 2 nước, khôi phục tình đoàn kết keo sơn giữa 2 nước anh em, giữa 2 đồng chí cộng sản bền lâu. Do Thỏa thuận Thành Đô mang chữ ký của Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười vẫn còn được giữ kín, nên chỉ có thể đoán rằng phía Việt Nam đã cam kết coi Trung Quốc là bạn hàng buôn bán ưu đãi lâu dài, là nguồn đầu tư ưu tiên về kinh tế, 2 nước liên minh toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, quân sự, an ninh; Việt Nam cũng cam kết không cho nước nào có căn cứ quân sự, có quân nước ngoài đóng trên lãnh thổ Việt Nam, không liên minh với ai khác…

Nếu ta có thể coi Thành Đô là cái bẫy cực kỳ nham hiểm của bành trướng Trung Hoa, đã triệu tập rồi cầm tù các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, sau đó cầm tù luôn cả Bộ Chính trị và mấy khóa Ban Chấp hành Trung Ương đảng cộng sảnViệt Nam cho đến nay, không thể xoay sở, cựa quậy được , thì Giang Trạch Dân chính là viên cai tù hiện còn giữ chìa khóa của nhà tù cực lớn từ năm 1990 cho đến ngày nay, 35 năm liền.

Vậy thì nhân dân Việt Nam, kể cả các đảng viên cộng sản ở cơ sở, rất nên hân hoan vui mừng khi tên cai tù độc ác thâm hiểm họ Giang đã sa lưới, có thể sẽ bị kết án ít nhất là tù chung thân.
Theo các tin tức của Thời Báo Hoa Nam và Đại Kỷ Nguyên (3/10) vụ án xét xử Tập đoàn Giang Trạch Dân sẽ là vụ án lớn nhất, quan trọng nhất của Trung Quốc trong thời hiện đại. Tên của vụ án có thể là «vụ phản nghịch chính trị lớn chống Đảng cộng sản và chống Nhà nước Trung Quốc, do trùm phản nghịch, trùm dâm ô, trùm tham nhũng Giang Trạch Dân cầm đầu», với những tên đồng lõa là Tăng Khánh Hồng, Chu Vĩnh Khang (đã bị tù chung thân),Từ Tài Hậụ (đã chết), Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Bạc Nhất Ba (tù chung thân), Lý Đông Sinh, Tô Vinh, La Cán…và hàng trăm tên cán bộ cấp cao khác.

Báo Hồng Kông và Đài Loan cũng như mạng Đại Kỷ Nguyên hiện còn đăng bài về «4 giai nhân của Giang», đó là sủng phi Tống Cổ Anh, một ca sỹ được Giang phong hàm thiếu tướng; Lý Thụy Anh, Tổng biên tập truyền hình TQ; Hoàng Lệ Mãn, Bí thư Đảng ủy khu kinh tế Thẩm Quyến, và Trần Chí Lập, Bộ trưởng Giáo dục, sau khi giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên huấn của đảng bộ Thượng Hải, vốn là v ương quốc của Giang. Cả 4 giai nhân này đang bị thẩm vấn và hỏi tội.
Thế là ác giả ác báo, kẻ làm quá nhiều điều ác phải đền tội. Trời quả là có mắt. Riêng các tín đồ Pháp Luân Công chắc sẽ hả dạ vì Giang là chủ mưu tàn sát Pháp Luân Công, còn cho phép cướp nội tạng nạn nhân để bán và ghép các bộ phận như gan, thận, mắt…

Những oan hồn Thiên An Môn năm 1989 cũng được an ủi vì Giang là kẻ tán thành và thi hành mẫn cán nhất biện pháp dùng xích xe tăng tàn sát sinh viên và học sinh đòi dân chủ.

Rất mong Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sảnViệt Nam tỉnh ngộ nhân vụ án cực lớn này để thoát khỏi nhà tù do Giang Trạch Dân giữ chìa khóa, nay ông ta sắp thành tù nhân, để đất nước ta thoát đại nạn là người tù giam lỏng của giặc bành trướng. Hãy có gan đơn phương công khai hóa bản thỏa thuận tuyệt mật ở Thành Đô, xin lỗi toàn dân, toàn quân và toàn đảng, dám tự phê bình nhân danh 2 nhân vật rất mặn mà với Giang và Thành Đô là nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh hiện còn sống, chưa đến nỗi mụ mỵ lãng quên cuộc đầu hàng và phản bội đó.

Từ việc dám thoát khỏi cái xiềng xích Thành Đô, Bộ Chính trị hãy dám tiến mạnh, xoay trục liên minh, liên minh với các nước dân chủ hùng mạnh, đồng thời dám đột phá thực sự, thay đổi hẳn mô hình chính trị và kinh tế tận gốc, có nghĩa là thay thế đồng bộ cả hệ thống cai trị.
Hãy nhân cơ hội Đại Hội XII mà có những quyết định mạnh mẽ, hợp lòng dân (80% dân Việt Nam muốn gắn bó với các nước dân chủ phương Tây- theo Pew), hợp thời đại, nhân việc Việt Nam được gia nhập khối TPP với nhiều lợi thế lớn.

Nếu bỏ qua cơ hội này, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TƯ sẽ có tội lớn với dân tộc, với quân đội, với các cựu chiến binh, với các đảng viên cộng sản ở cơ sở.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Indonesia đánh chìm tàu cá Việt Nam, Thái Lan

Hải quân Indonesia cho nổ các tàu cá bị bắt ngoài khơi đảo Batam, ngày 20/10/2015.
Hải quân Indonesia cho nổ các tàu cá bị bắt ngoài khơi đảo Batam, ngày 20/10/2015.
Indonesia đã ra lệnh tiêu hủy các tàu đánh cá nước ngoài sau khi bắt tội đánh bắt bất hợp pháp.
Bangkok Post trích thuật tin từ AP cho biết việc tiêu hủy các tàu bị bắt trong năm qua diễn ra ở ngoài khơi đảo Batam vào hôm thứ Ba. Hãng tin này cho biết ‘nhiều tàu cá nước ngoài’ đã bị tiêu hủy nhưng không cho biết thêm chi tiết về các tàu này.

Trước đó, tờ Jakarta Post của Indonesia cho biết hải quân nước này có kế hoạch đánh chìm 4 các tàu cá nước ngoài ở 4 địa điểm khác nhau: Tarakan và Pontianak ở Tây Kalimantan và ở Batam, Riau và Aceh.

'Các tàu này bị hải quân, Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp bắt giữ trong lúc hoạt động', phát ngôn viên hải quân Indonesia Commodore M. Zainuddin trả lời phỏng vấn của Jakasta Post và cho biết thêm hải quân nước này đã bắt được 4 tàu, trong khi Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp bắt 8 tàu.

7 tàu trong số này được đăng ký tại Việt Nam, 4 của các công ty Philippines và 1 của Thái Lan.
Các tàu này bị bắt vì không đưa ra được giấy phép hoạt động trong khu vực mà Indonesia nói là thuộc lãnh hải của nước này.

Ngoài các tàu, nhà chức trách Indonesia còn thu giữ hàng tấn cá, tôm của các tàu này.

Vào tháng 8 vừa qua, Indonesia đã đánh chìm 34 tàu cá nước ngoài để kỷ niệm 70 năm độc lập. Các tàu các trên chủ yếu đến từ các nước láng giềng: Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo là người chỉ đạo chiến dịch chống đánh bắt bất hợp pháp và nói rằng nước này bị thất thu hàng tỉ đô la mỗi năm vì hoạt động bất hợp pháp này.

Jakarta Post nói ‘cuộc chiến’ chống hoạt động đánh bắt bất hợp pháp đang tiếp diễn với kế hoạch đánh chìm 12 tàu cá nước ngoài trong tuần này.

Theo AP, Bangkok Post, Jakarta Post.

Cấp cứu hàng trăm công nhân ngộ độc thực phẩm

BÌNH DƯƠNG (NV)  - Ðến chiều 21 tháng 10, hàng trăm công nhân công ty giày da Vĩnh Nghĩa ở thị xã Bến Cát, vẫn phải nằm điều trị tại các bệnh viện với những triệu chứng chóng mặt, nôn ói...
Ông Ðào Cảnh Tuất, giám đốc bệnh viện Vạn Phúc, thị xã Thủ Dầu Một, cho biết, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm công nhân của công ty Vĩnh Nghĩa từ 15 giờ cùng ngày. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, cơ thể mệt mỏi, nôn ói, nghi do bị ngộ độc thức ăn.

Công nhân chờ cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm. (Hình: Thanh Niên)
Truyền thông Việt Nam loan tin, vào trưa cùng ngày, hàng trăm công nhân công ty này ăn trưa tại trụ sở với các món: Tép kho thịt, bắp cải xào, bầu luộc, canh chua nấu trứng với giá.
Chị Nguyễn Thị Lệ (30 tuổi), một công nhân cho biết, sau bữa ăn trưa cùng ngày tại trụ sở với các món: Tép kho thịt, bắp cải xào, bầu luộc, canh chua nấu trứng với giá thì khoảng một giờ đồng hồ sau, chị thấy trong người mệt mỏi, buồn nôn. Sau đó nhiều người khác cũng bị các triệu chứng tương tự. Ngay lập tức những công nhân trên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Theo tờ Thanh Niên, nhiều công nhân công ty giày Vĩnh Nghĩa cho biết, trước đó ngày 19 tháng 10, họ đã đình công để yêu cầu công ty nâng giá trị khẩu phần ăn và được công ty đồng ý. Sau đó, công nhân đi làm trở lại, ăn trưa tại công ty thì xảy ra vụ việc.
Tin cho biết bếp, ăn tập thể của công ty này do một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp tổ chức, bằng hình thức nấu ăn tại chỗ.
Ðến 17 giờ 30 cùng ngày, ông Văn Quang Tân, giám đốc bệnh viện đa khoa Bình Dương, cho biết có khoảng 130 công nhân đã nhập viện tại bệnh viện này và đang được phân loại để điều trị.
Trước đó, Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Quảng Bình cho biết, từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 10, có 222/244 người bị ngộ độc vì ăn bánh mì của hiệu bánh Vương Tiến Thành ở thành phố Ðồng Hới, phải nhập viện điều trị. (Tr.N)
 10-21-2015 2:41:01 PM

Viết tiếp câu chuyện về tương lai của đất nước


Mẹ và anh chị của nạn nhân Đỗ Đăng Dư cầm biểu ngữ phản đối. (Facebook: Dung Truong)
Mẹ và anh chị của nạn nhân Đỗ Đăng Dư cầm biểu ngữ phản đối. (Facebook: Dung Truong)

 Hoàng Giang
Để mở đầu bài viết lần này, tôi xin kể về một bộ phim của Hàn Quốc, có tên là The Attorney, nói về một luật sư chuyên về mảng thuế quyết định trở thành luật sư biện hộ, bào chữa cho một nhóm học sinh bị buộc tội chống lại nhà nước. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật trong những năm 1980 về cuộc đời của tổng thống Roh Moo Hyun. Vụ án “Burim” xảy ra năm 1981 khi mà khoảng 20 học sinh trong một câu lạc bộ sách tại thành phố Busan, Hàn Quốc, bị bắt và bị cáo buộc là cộng sản, chống lại chính quyền lúc bấy giờ. Đây được coi là một hình thức răn đe dành cho những người dân có tư tưởng chống đối chính phủ. Trong phim, luật sư Song là người duy nhất đứng lên bảo vệ quyền lợi và bào chữa để giành lại tự do cho nhóm học sinh này. Những người trẻ tuổi này bị bắt vô căn cứ, bị đưa vào một tòa nhà hoang chuyên để tra tấn, hành hạ dã man, bắt nhận tội và viết tường trình về những việc mình chưa bao giờ làm. Phim The Attorney được cho là 1 trong 10 phim hay nhất Hàn Quốc, lột tả chân thực, sắc nét sự dã man tàn bạo trong từng hình thức tra tấn của những kẻ đường đường là cấp cao quân đội, được bao che bởi chế độ độc tài thời Chun Doo Hwan.

Người Việt chỉ biết đến Hàn Quốc với những bộ phim tâm lý tình cảm sướt mướt hay những nhóm nhạc nam thanh nữ tú làm mưa làm gió trên các sân khấu ca nhạc với số fan cuồng hùng hậu. Để trở thành một đất nước có nền kinh tế phát triển, người dân có cuộc sống ổn định, văn minh như bây giờ, đất nước Hàn Quốc đã phải trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến chống lại đế chế độc tài. Người Việt vẫn cứ chỉ biết rỉ tai nhau về ký ức ngọt ngào của cuộc chiến tranh Việt Nam trong 20 năm ròng rã với việc Mỹ thất bại, hơn 50.000 chiến binh Mỹ bỏ mạng mà không hề biết đến chiến tranh Hàn Quốc khốc liệt, mất mát nặng nề chỉ trong 3 năm ngắn ngủi. Không một người dân Hàn nào nhắc đến nó mà cảm thấy tự hào.

Quay trở lại với The Attorney, tôi vô tình biết đến ngay giữa cơn bão thông tin chấn động về cái chết của em Đỗ Đăng Dư, bị bắt bởi tội ăn cắp và tử vong sau 2 tháng bị giam, không rõ nguyên nhân. Ngay lập tức tôi liên tưởng tới vụ án của em Đỗ Đăng Dư (sinh năm 1998). Ngày đầu tiên khi câu chuyện về cái chết của em bùng lên, không một chút manh mối, không một lời giải thích về những vết bầm dập nghiêm trọng trong và ngoài cơ thể em, tôi đã hoang mang với vụ án, tôi tìm tên em trong từng bài báo. Vụ án về em như được copy paste qua tất cả các trang báo, không sai một dấu chấm phẩy, không tên tuổi một tác giả ghi bên dưới, không nguồn gốc thông tin. Tất cả được ghi dưới title bài “Làm rõ vụ Đỗ Đăng Dư tử vong”. 2 ngày sau, bỗng dưng rộ lên nguyên nhân “được làm rõ” rằng em Dư bị người bạn tù đánh vì… rửa bát bẩn?!

Đây là thông tin mà tất cả các đoạn báo đưa tin: “Khoảng 8h30 ngày 4-10-2015, Dư, Bình, Trường và Đức Anh ăn sáng tại buồng giam. Theo lịch phân công, sau khi ăn xong Dư phải rửa bát cho các bị can cùng buồng. Do thấy Dư rửa bát bẩn, Bình gọi Dư đến ngồi ở khu vực giữa 2 bệ xi măng nơi bị can ngủ. Bình đứng đối diện Dư và dùng tay phải tát 2 cái vào má trái, dùng chân trái đá 3, 4 lần vào đầu Dư theo hướng từ trên xuống dưới.” Đọc những dòng miêu tả trên, tôi thấy như đang đọc chuyện chưởng Kim Dung, bạn tù của Dư là Vũ Văn Bình hẳn phải nội công mạnh lắm mới đánh người chết ngay tắp lự chỉ với vài phát đấm đá vào người. 4 vị cảnh sát to khỏe LAPD (Los Angeles Police Department) trong vụ Rodney King năm 1991 thay nhau đánh anh đến nứt cả sọ (mà không chết), làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng da đen của Mỹ. Rodney King trở thành vụ án biểu tượng về nạn phân biệt biệt chủng tộc tại Mỹ. Ngẫm từng chi tiết ấy, rõ ràng chẳng thể tin, ấy thế mà người ta cứ viết, cứ đăng, một cách vô tình, vô cảm, vô trách nhiệm và vô nhân đạo.

Còn biết bao nhiêu những chi tiết uẩn khuất, từ số tiền em ăn cắp 2 triệu đồng (hay 1 triệu 500 nghìn đồng) không ai xác nhận. Sự thật bị đổi trắng thay đen, được viết nên đơn giản như những thông tin lá cải có nhầm lẫn cũng chẳng là vấn đề gì. Những kẻ đánh chết em Dư (và liệu có đánh đập Vũ Văn Bình để gán tội?) chúng ta đều đã biết và đáng lên án, nhưng bên cạnh đó có nên lên án cả những thành phần đang tiếp tay cho những tội ác giết chết Đỗ Đăng Dư, im lặng phủi tay, chui đằng sau, bám víu lấy hệ thống xã hội thối nát để sinh tồn, hay bằng cách đăng những thông tin che dấu lấp liếm trên các trang báo, che dấu sự thật về một cậu bé 17 tuổi ăn cắp 2 triệu đồng bị đánh chết trong tù, che giấu về những ông lớn 40 - 50 tuổi ăn cắp hàng tỉ đồng của dân mà vẫn nhơn nhơn sống ngoài vòng pháp luật?

Trong The Attorney, người mẹ của Jinwoo, một trong những học sinh bị bắt trong vụ án Burim, sau một tháng đi tìm con khắp nơi, vô vọng đến nỗi phải ra nhà xác công cộng, lật từng xác người để tìm con, đã đến cầu cứu luật sư Song. Người trẻ Hàn Quốc có một người luật sư như thế, chấp nhận lao đầu vào cuộc chiến không cân sức để bảo vệ quyền lợi cho họ, có những nhà báo dám viết thật, dám kêu gọi sự hưởng ứng từ quốc tế khi mở cuộc họp báo ngay giữa phiên tòa cuối cùng của vụ án Burim lịch sử. Để dẫu họ thất bại khi đứng trước quan tòa lúc đó, nhưng là chiến thắng về sau khi nhân quyền của người dân được dấy lên mãnh liệt. Bởi chính người luật sư ấy, 20 năm sau trở thành một tổng thống mà quan điểm chính trị của ông tập trung vào vấn đề nhân quyền của người dân Hàn Quốc. Mẹ của Đỗ Đăng Dư sau 2 tháng vô vọng, chỉ biết ngồi giữa hành lang bệnh viện lạnh ngắt, xung quanh đầy ắp những con người mặc đồ xanh, đeo hàm đầy vai đại diện cho luật pháp, mà thương khóc kêu than cho cái chết của con mình. 20 năm sau, liệu tất cả chúng ta vẫn còn đủ kiên nhẫn ngồi đó, nhìn những kẻ đang ngày ngày dẫm đạp lên số phận của đồng loại ngay trước mắt mình?

* Blog của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

​'Con ông cháu cha' và cuộc đấu trên chính trường Việt Nam

 
Hai con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh) được bầu nắm giữ vị trí quan trọng của hai tỉnh ở Việt Nam.
Hai con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh) được bầu nắm giữ vị trí quan trọng của hai tỉnh ở Việt Nam.
Một loạt con cái các quan chức trong nước, mà nhiều người gọi là “thái tử đảng”, mới “lên như diều gặp gió” ở Việt Nam, gây “bão” dư luận nhiều ngày qua.
Có ý kiến cho rằng việc các “thái tử” đó thăng tiến chóng vánh khi tuổi đời còn trẻ cũng cho thấy sự đấu đá nội bộ trên chính trường ở Việt Nam.
Trước phản ứng của công chúng, quan chức Việt Nam được báo chí trong nước trích lời nói rằng các vụ bầu chọn diễn ra “đúng quy trình”.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ còn cho rằng việc nhiều người trẻ được bổ nhiệm là “đáng mừng và cần có cái nhìn khách quan, công bằng đối với những lãnh đạo trẻ”.
Trong khi đó, ông Trương Duy Nhất, chủ nhân của trang web “Một góc nhìn khác”, lại nhận định với VOA Việt Ngữ rằng việc con cái của các quan chức Việt Nam “lên ào ạt” này là “một dấu hiệu thiếu lành mạnh”.
"Người ta cứ lý sự, người ta bảo là đúng quy trình thế này, thế nọ, và cái lớp đó cũng được học hành bài bản. Nhưng mà thực sự công tâm nhìn thì ai cũng thấy rằng nếu mà họ không là lớp của con ông cháu cha, của ông này, bà nọ, thì chắc chắn sẽ không được bổ nhiệm như thế rồi."-Blogger Trương Duy Nhất nói.
Ông nói tiếp: “Người ta cứ lý sự, người ta bảo là đúng quy trình thế này, thế nọ, và cái lớp đó cũng được học hành bài bản. Nhưng mà thực sự công tâm nhìn thì ai cũng thấy rằng nếu mà họ không là lớp của con ông cháu cha, của ông này, bà nọ, thì chắc chắn sẽ không được bổ nhiệm như thế rồi. Ở đây, vấn đề không phải là trẻ hay không trẻ, vì xu hướng trẻ hóa đáng lý ra mình phải ủng hộ, nhưng mà lại bị xã hội lên án bởi vì sao?"
"Sự cất nhắc, bổ nhiệm đó nó không công bằng. Nó không công tâm trong chuyện đó. Quy chế bổ nhiệm cán bộ của mình có nhiều cái còn tệ hơn cả thời phong kiến. Thời đó, ông quan ở chức đó thì ông không được bổ nhiệm, không được lợi dụng bổ nhiệm người con của mình ở địa phương, quê hương bản quán. Nhưng mà bây giờ những trường hợp ấy nó cho thấy kém cả thời phong kiến”, ông Nhất nói thêm.
Người từng bị cầm tù vì dám đưa ra tiếng nói trái chiều với nhà nước nói thêm rằng các vụ thăng tiến vừa qua đã “gây ra phản ứng không hài lòng từ phía dân chúng”, dẫn tới sự mất lòng tin vào chính quyền.
Kỷ lục mới
Trong số các gương mặt lãnh đạo trẻ tuổi, thế hệ mới mà báo chí Việt Nam ca tụng thời gian qua có ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, người từng lập ‘kỷ lục’ là thứ trưởng trẻ nhất Việt Nam năm 2011.
Nay ở tuổi 39, ông này lại tiếp tục giữ một ‘kỷ lục’ mới là bí thư tỉnh ủy trẻ nhất đất Việt. Còn ông Nguyễn Xuân Anh, cũng 39 tuổi và là con của một cán bộ cấp cao, lại là tân bí thư thành ủy Đà Nẵng trẻ tuổi nhất từ trước tới nay.
Nguyễn Minh Triết, 27 tuổi, em trai của ông Nghị, hiện cũng nắm kỷ lục khác, đó là tỉnh ủy viên trẻ nhất Bình Định.
Một điều đáng chú ý là ông Lê Trương Hải Hiếu, con trai của ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM, không trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ của thành phố này.
Ngoài yếu tố tâm lý chính trị, cho thấy buổi hoàng hôn của chế độ, nó cũng phản ánh tương quan chính trị trong nội bộ đảng hiện nay. Người nào mà đưa được con lên càng nhanh, càng cao, thì thường là người đó chiếm ưu thế càng lớn."-Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói.
Ông Hiếu hiện là Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận 12, và từng được kỳ vọng sẽ “lên nhanh” như các con quan chức khác.
Về diễn biến bất ngờ này, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát tình hình trong nước, nhận định với VOA Việt Ngữ: “Nó tác động. Nó phản ánh tương quan lực lượng của chính trường Việt Nam. Ngoài yếu tố tâm lý chính trị, cho thấy buổi hoàng hôn của chế độ, nó cũng phản ánh tương quan chính trị trong nội bộ đảng hiện nay. Người nào mà đưa được con lên càng nhanh, càng cao, thì thường là người đó chiếm ưu thế càng lớn. Những người con sau này của các vị sau này có lẽ khá thường xuyên thể hiện vấn đề tranh đấu nội bộ. Đó là chuyện giữa quan chức đảng cộng sản thôi chứ còn dân chúng và đất nước chẳng có lợi lộc gì cả”.
Ông Dũng nói thêm rằng việc các quan chức Việt Nam đồng loạt “cài cắm” con cái vào các chức vụ quan trọng “phản ánh tâm trạng bất an của họ”.
'Hệ lụy lâu dài'
“Họ phải lập tức đưa con cháu của họ vào các chức vụ vì họ không biết tương lai ngày mai sẽ như thế nào”, nhà quan sát này nói.
Còn blogger Trương Duy Nhất cho rằng việc làm đó gây ra hệ lụy lâu dài cho Việt Nam, và ông không đặt lòng tin vào thế hệ lãnh đạo mới này.
Người từng làm nhà báo này nói tiếp: “Lớp con quan, quan con đó họ được cất nhắc lên bằng những cách thức như thế, những đường như thế,  cuối cùng sau này, vô tình, không chỉ làm hỏng một thế hệ, mà còn thêm thế hệ tiếp theo đó nữa. Họ sẽ tiếp tục coi việc nước như việc nhà. Cho nên tôi nói hỏng việc nước dài lâu là theo nghĩa đó”.
"Khi Bộ chính trị của đảng cầm quyền nắm toàn quyền quyết định nhân sự đảm nhiệm chức danh bí thư thành uỷ Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành khác, việc bầu bán ai điều hành bộ máy hành chính địa phương theo hiến pháp và luật pháp trở nên hình thức và hiển nhiên không còn quan trọng. Nói cách khác, ý dân chỉ là thứ yếu, xếp sau ý đảng."-Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook.
Bình luận trên Facebook, luật sư Lê Công Định viết: “Trong nền chính trị Việt Nam, các chức danh bí thư tỉnh uỷ và thành uỷ trên thực tế mặc định quyền lực tối cao trong việc điều hành và lãnh đạo mọi hoạt động hành chính và chính trị của địa phương thuộc quản hạt. Khi Bộ chính trị của đảng cầm quyền nắm toàn quyền quyết định nhân sự đảm nhiệm chức danh bí thư thành uỷ Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành khác, việc bầu bán ai điều hành bộ máy hành chính địa phương theo hiến pháp và luật pháp trở nên hình thức và hiển nhiên không còn quan trọng. Nói cách khác, ý dân chỉ là thứ yếu, xếp sau ý đảng”.
Ông Định viết tiếp: “Đọc hết các bản hiến pháp hiện đại của Việt Nam (XHCN) từ 1946 đến nay, đố ai tìm được ba chữ "Bộ chính trị", thế nhưng quyền uy của nó từ lâu vẫn khuynh loát toàn bộ xã hội chúng ta đang sống. Vậy cơ sở pháp lý của quyền uy đó ở đâu? Điều 4 hiến pháp chăng? Xin thưa rằng không. Xin hãy đọc Điều 4, ta sẽ thấy không một nội dung nào của điều luật ấy, dù công nhiên hay mặc nhiên, trao cho định chế "Bộ chính trị" quyền quyết định nhân sự như vậy. Dưới góc nhìn của một luật gia, quyền uy đó được xem là "above the law", tức đứng trên luật pháp”.
Trong khi đó, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung nêu ví dụ tân thủ tướng Canada, Justin Trudeau.
Kỹ sư công nghệ thông tin này nói rằng ông Trudeau “cũng là một "con ông cháu cha" lại không gây bão dư luận như ở Việt Nam, đơn giản vì ông Justin Trudeau do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng”.

Hải sản khan hiếm vì mất ngư trường

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-10-21

Cá được bày bán tại một chợ quê
Cá được bày bán tại một chợ quê
RFA
Người Việt Nam tồn tại được trong suốt quá trình kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã là nhờ vào nguồn hải sản rẻ bèo, trong thời điểm mà mọi thứ lương thực đều hiếm hoi, chờ vào tem phiếu thì những con cá tươi được bán dạo giống như thức quà cứu rỗi cho sức khỏe. Hiện tại, khi mà mọi thứ thực phẩm đều có nguy cơ độc hại bởi yếu tố Trung Quốc ẩn chứa bên trong, hải sản lại một lần nữa thành thức quà cứu rỗi của trời đất ban cho người Việt Nam. Thế nhưng hải sản đang ngày càng khan hiếm bởi ngư trường Việt Nam đang thu hẹp một cách khủng khiếp.

Giá hải sản tăng vọt vì hiếm

Một ngư dân tên Sơn, ở huyện đảo Lý Sơn, chia sẻ: “Nhật Bản họ mua theo qui chuẩn, ví dụ như truốc đây họ mua tôm hùm mỗi ký hai con, bây giờ mua tôm hùm ba bi, tức là tôm hùm mỗi ký ba con. Cua đá thì bây giờ không còn nữa vì người ta bắt quá nhiều. Năm 2012 tôi đã mua với giá 220 ngàn đồng mỗi ký, bây giờ thì đắt loắm và không có để mua vì nhà nước cấm, có tổ chức đội bảo vệ để giữ tài nguyên. Nhưng nếu biết chỗ thì mua lậu vẫn có…”.
Ông Sơn tỏ ra chán nản khi đưa ra nhận định chẳng có nước nào giống như Việt Nam. Cái sự không giống ai này nằm ở chỗ là một nước có núi rừng và bờ biển chạy dọc theo quốc gia, hay nói cách khác là nguyên một quốc gia bờ biển nhưng lại có giá hải sản đắt hơn những nước như Trung Quốc hay Thái Lan, Phillipines, đây là một chuyện hết sức vô lý.
Theo ông Sơn, những loại hải sản tương đối quí như cá thu, cá ngừ đại dương, các loại mực ống và hải sâm, bào ngư hay cua biển đều có giá đắt hơn rất nhiều so với Singapore hay Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí so với Lào, Campuchia. Đây là một chuyện hết sức khôi hài khi mà diện tích biển của những nước này nhỏ hơn Việt Nam nhiều lần và nguồn hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của các nước này cũng không phong phú như Việt Nam.
Cũng công tâm mà nói thì hải sản tại Việt Nam trước đây ba năm còn rất rẻ, ví dụ như một ký lô cua đá ở Quảng Ngãi, Bình Định hay Quảng Nam đều dao động từ hai chục ngàn đồng đến ba chục ngàn đồng. Thế nhưng chưa đầy ba năm sau, mỗi ký lô cua đá tăng lên với giá dao động từ hai triệu đồng đến ba triệu đồng. Nghĩa là tăng lên một trăm lần so với giá trước đây.
Ông Sơn giải thích sở dĩ có chuyện giá tăng quá nhanh như vậy là vì ngư trường Việt Nam bị thu hẹp đến mức hay như toàn bộ hệ thống ngư dân đánh bắt xa bờ đều chuyển dần vào đánh bắt gần bờ và chuyển sang bắt của ở các hang đá, hốc đá trong các đảo gần đất liền. Và kiểu đánh bắt này nhanh chóng làm cho các loại hải sản gần bờ cạn kiệt, ngày càng hiếm hoi, giá thành liên tục tăng vọt. Khi giá thành tăng vọt lại kích thích người đánh bắt tiếp tục khai thác các bờ biển đến độ mọi thứ đều có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Sơn nói rằng nếu như các ngư trường ở Trường Sa, Hoàng Sa không bị Trung Quốc xâm chiếm, ngư dân Việt Nam không phải chịu cảnh mua phiếu đánh bắt với giá từ dao động từ hai ngàn đô la Mỹ đến năm ngàn đô la Mỹ từ phía Trung Quốc. Và giá phiếu này tùy thuộc vào công suất của tàu, có mua thì mới được phép đánh bắt và không bị đâm chìm tàu thì hải sản Việt Nam không đến nỗi đắt đỏ và khan hiếm như hiện nay.

 Một gia đình trên đảo Lý Sơn đang làm sò lông  nấu cháo
Một gia đình trên đảo Lý Sơn đang làm sò lông nấu cháo. RFA

Ông Sơn khẳng định rằng trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mọi tàu đánh cá không bị hoặc chưa bị đâm chìm chỉ nằm trong các trường hợp đánh lén lút hoặc đã mua phiếu thông hành để đánh bắt từ phía Trung Quốc. Những tàu nào đánh bắt mà không mua phiếu thông hành của Trung Quốc thì chắc chắn sẽ bị họ đâm chìm tàu nếu họ gặp. Có một vấn đề mà ông Sơn cảm thấy nực cười là những tàu của ngư dân Trung Quốc đều được trang bị vũ khí và họ hành xử giống cướp biển với ngư dân Việt Nam, có rất nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị loại tàu này đâm phá, cướp bóc trên biển Đông.

Hải sản trên các bàn nhậu

Một ngư dân khác tên Tần, quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, chia sẻ thêm: “Cá nhói xanh xương nè; rồi men biển: cá lạc, cá mú, chip chíp nữa, cái đó là nghêu sò sốc hến rồi. Ngon, mấy món này nhậu ngon lắm. Hồi xưa đánh bắt khó hơn giờ, chỉ có ghe đánh gần bờ, tàu giả thì đi xa một chút. Ngày xưa ghẹ dùng cho heo ăn nhiều lắm… Bây giờ thì có có mà ăn”.
Ông Tần nói rằng sở dĩ hải sản Việt Nam trở nên đắt đỏ là vì ngoài yếu tố ngư trường Việt Nam bị thu hẹp thì các loại hàng hóa trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là lương thực, thực phẩm đều có nguy cơ độc hại bởi yếu tố Trung Quốc, từ cái bắp cải đến cái trứng gà, ký gạo hay cái đùi gà, chân gà, lòng heo… Tất cả đều có thể là hàng Trung Quốc.
Chính vì đụng tới thứ gì cũng có yếu tố Trung Quốc nên phần đông các bà nội trợ chọn hải sản để an toàn mặc dù hiện tại, đã có một số hải sản tẩm hóa chất nhằm giữ độ tươi lâu dài để bán từ ngày này sang ngày khác. Nhưng dù sao, với người nội trợ, từ con cá nục, cá cơm cho đến cá liệt, cá chim hay cá thu, cá cu đều là thứ hàng hóa vừa quí hiếm lại vừa an toàn.
Cùng tấm lý với các bà nội trợ, những ông đi nhậu cũng chọn hải sản làm mồi nhắm, các quán nhậu hải sản mọc lên như nấm sau mưa. Bởi hiện tại, đậy là loại dịch vụ hái ra tiền tại ba miền đất nước. Ví dụ như con cá nhám xanh xương, trước đây chừng mười năm thì người ta phơi khô để xay làm cám heo, trước đây năm năm thì người ta nấu tươi cho heo và xay làm thực phẩm để nuôi cá lóc, cá trê, còn ba năm trở lại đây cá nhám xanh xương trở thành món quí hiếm trên bàn nhậu. Mỗi con cá nhám xanh xương nước được bá với giá dao động từ một trăm ngàn đồng đến ba trăm ngàn đồng.
Các loại mực, hàu, chim chip, nghêu sò ốc hến đều là những món ngon trên bàn nhậu, cháo hàu, mực ống, cá thu là những món cận đặc sản biển. Những món như tôm hùm, cua đá tím hay cua biển càng xanh đều là những món chỉ có giới trọc phú, quan chức mới dám đụng tới, người bình dân không ai dám nghĩ đến chuyện nhậu các món này.
Theo ông Tần, ngay cả con sứa biển, đây là thứ mà trước đây rẻ như bèo nhưng hiện tại, nó cũng được xếp vào nhóm hàng quí hiếm. Điều này chỉ cho thấy người Việt đang bị cạn kiệt nguồn hải sản theo thời gian và đến một lúc nào đó, hải sản trở thành thứ hàng hóa xa xỉ, không dám mơ tới đối với người Việt Nam.
Suy cho cùng, kể từ sau năm 1975 đến nay, người Việt Nam đi từ đại hóa kinh tế tập trung bao cấp thiếu trước hụt sau cho đến thời kinh tế thị trường với đầy rẫy hàng hóa Trung Quốc độc hại và hầu như thời nào cũng có hải sản làm thức quà cứu rỗi. Nhưng với tình hình hiện tại, ngư trường Việt Nam bị thu hẹp bởi Trung Quốc xâm chiếm, không biết hải sản sẽ cứu người dân được bao lâu nữa?!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/rare-seafo-resul-fr-narrw-fish-gro-10212015072228.html/10212015-rare-seafo-resul-fr-narrw-fish-gro.mp3

Hải sản khan hiếm vì mất ngư trường

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-10-21
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Cá được bày bán tại một chợ quê
Cá được bày bán tại một chợ quê
RFA
Người Việt Nam tồn tại được trong suốt quá trình kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã là nhờ vào nguồn hải sản rẻ bèo, trong thời điểm mà mọi thứ lương thực đều hiếm hoi, chờ vào tem phiếu thì những con cá tươi được bán dạo giống như thức quà cứu rỗi cho sức khỏe. Hiện tại, khi mà mọi thứ thực phẩm đều có nguy cơ độc hại bởi yếu tố Trung Quốc ẩn chứa bên trong, hải sản lại một lần nữa thành thức quà cứu rỗi của trời đất ban cho người Việt Nam. Thế nhưng hải sản đang ngày càng khan hiếm bởi ngư trường Việt Nam đang thu hẹp một cách khủng khiếp.

Giá hải sản tăng vọt vì hiếm

Một ngư dân tên Sơn, ở huyện đảo Lý Sơn, chia sẻ: “Nhật Bản họ mua theo qui chuẩn, ví dụ như truốc đây họ mua tôm hùm mỗi ký hai con, bây giờ mua tôm hùm ba bi, tức là tôm hùm mỗi ký ba con. Cua đá thì bây giờ không còn nữa vì người ta bắt quá nhiều. Năm 2012 tôi đã mua với giá 220 ngàn đồng mỗi ký, bây giờ thì đắt loắm và không có để mua vì nhà nước cấm, có tổ chức đội bảo vệ để giữ tài nguyên. Nhưng nếu biết chỗ thì mua lậu vẫn có…”.
Ông Sơn tỏ ra chán nản khi đưa ra nhận định chẳng có nước nào giống như Việt Nam. Cái sự không giống ai này nằm ở chỗ là một nước có núi rừng và bờ biển chạy dọc theo quốc gia, hay nói cách khác là nguyên một quốc gia bờ biển nhưng lại có giá hải sản đắt hơn những nước như Trung Quốc hay Thái Lan, Phillipines, đây là một chuyện hết sức vô lý.
Theo ông Sơn, những loại hải sản tương đối quí như cá thu, cá ngừ đại dương, các loại mực ống và hải sâm, bào ngư hay cua biển đều có giá đắt hơn rất nhiều so với Singapore hay Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí so với Lào, Campuchia. Đây là một chuyện hết sức khôi hài khi mà diện tích biển của những nước này nhỏ hơn Việt Nam nhiều lần và nguồn hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của các nước này cũng không phong phú như Việt Nam.
Cũng công tâm mà nói thì hải sản tại Việt Nam trước đây ba năm còn rất rẻ, ví dụ như một ký lô cua đá ở Quảng Ngãi, Bình Định hay Quảng Nam đều dao động từ hai chục ngàn đồng đến ba chục ngàn đồng. Thế nhưng chưa đầy ba năm sau, mỗi ký lô cua đá tăng lên với giá dao động từ hai triệu đồng đến ba triệu đồng. Nghĩa là tăng lên một trăm lần so với giá trước đây.
Ông Sơn giải thích sở dĩ có chuyện giá tăng quá nhanh như vậy là vì ngư trường Việt Nam bị thu hẹp đến mức hay như toàn bộ hệ thống ngư dân đánh bắt xa bờ đều chuyển dần vào đánh bắt gần bờ và chuyển sang bắt của ở các hang đá, hốc đá trong các đảo gần đất liền. Và kiểu đánh bắt này nhanh chóng làm cho các loại hải sản gần bờ cạn kiệt, ngày càng hiếm hoi, giá thành liên tục tăng vọt. Khi giá thành tăng vọt lại kích thích người đánh bắt tiếp tục khai thác các bờ biển đến độ mọi thứ đều có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Sơn nói rằng nếu như các ngư trường ở Trường Sa, Hoàng Sa không bị Trung Quốc xâm chiếm, ngư dân Việt Nam không phải chịu cảnh mua phiếu đánh bắt với giá từ dao động từ hai ngàn đô la Mỹ đến năm ngàn đô la Mỹ từ phía Trung Quốc. Và giá phiếu này tùy thuộc vào công suất của tàu, có mua thì mới được phép đánh bắt và không bị đâm chìm tàu thì hải sản Việt Nam không đến nỗi đắt đỏ và khan hiếm như hiện nay.
Một gia đình trên đảo Lý Sơn đang làm sò lông  nấu cháo
Một gia đình trên đảo Lý Sơn đang làm sò lông nấu cháo. RFA
Ông Sơn khẳng định rằng trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mọi tàu đánh cá không bị hoặc chưa bị đâm chìm chỉ nằm trong các trường hợp đánh lén lút hoặc đã mua phiếu thông hành để đánh bắt từ phía Trung Quốc. Những tàu nào đánh bắt mà không mua phiếu thông hành của Trung Quốc thì chắc chắn sẽ bị họ đâm chìm tàu nếu họ gặp. Có một vấn đề mà ông Sơn cảm thấy nực cười là những tàu của ngư dân Trung Quốc đều được trang bị vũ khí và họ hành xử giống cướp biển với ngư dân Việt Nam, có rất nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị loại tàu này đâm phá, cướp bóc trên biển Đông.

Hải sản trên các bàn nhậu

Một ngư dân khác tên Tần, quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, chia sẻ thêm: “Cá nhói xanh xương nè; rồi men biển: cá lạc, cá mú, chip chíp nữa, cái đó là nghêu sò sốc hến rồi. Ngon, mấy món này nhậu ngon lắm. Hồi xưa đánh bắt khó hơn giờ, chỉ có ghe đánh gần bờ, tàu giả thì đi xa một chút. Ngày xưa ghẹ dùng cho heo ăn nhiều lắm… Bây giờ thì có có mà ăn”.
Ông Tần nói rằng sở dĩ hải sản Việt Nam trở nên đắt đỏ là vì ngoài yếu tố ngư trường Việt Nam bị thu hẹp thì các loại hàng hóa trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là lương thực, thực phẩm đều có nguy cơ độc hại bởi yếu tố Trung Quốc, từ cái bắp cải đến cái trứng gà, ký gạo hay cái đùi gà, chân gà, lòng heo… Tất cả đều có thể là hàng Trung Quốc.
Chính vì đụng tới thứ gì cũng có yếu tố Trung Quốc nên phần đông các bà nội trợ chọn hải sản để an toàn mặc dù hiện tại, đã có một số hải sản tẩm hóa chất nhằm giữ độ tươi lâu dài để bán từ ngày này sang ngày khác. Nhưng dù sao, với người nội trợ, từ con cá nục, cá cơm cho đến cá liệt, cá chim hay cá thu, cá cu đều là thứ hàng hóa vừa quí hiếm lại vừa an toàn.
Cùng tấm lý với các bà nội trợ, những ông đi nhậu cũng chọn hải sản làm mồi nhắm, các quán nhậu hải sản mọc lên như nấm sau mưa. Bởi hiện tại, đậy là loại dịch vụ hái ra tiền tại ba miền đất nước. Ví dụ như con cá nhám xanh xương, trước đây chừng mười năm thì người ta phơi khô để xay làm cám heo, trước đây năm năm thì người ta nấu tươi cho heo và xay làm thực phẩm để nuôi cá lóc, cá trê, còn ba năm trở lại đây cá nhám xanh xương trở thành món quí hiếm trên bàn nhậu. Mỗi con cá nhám xanh xương nước được bá với giá dao động từ một trăm ngàn đồng đến ba trăm ngàn đồng.
Các loại mực, hàu, chim chip, nghêu sò ốc hến đều là những món ngon trên bàn nhậu, cháo hàu, mực ống, cá thu là những món cận đặc sản biển. Những món như tôm hùm, cua đá tím hay cua biển càng xanh đều là những món chỉ có giới trọc phú, quan chức mới dám đụng tới, người bình dân không ai dám nghĩ đến chuyện nhậu các món này.
Theo ông Tần, ngay cả con sứa biển, đây là thứ mà trước đây rẻ như bèo nhưng hiện tại, nó cũng được xếp vào nhóm hàng quí hiếm. Điều này chỉ cho thấy người Việt đang bị cạn kiệt nguồn hải sản theo thời gian và đến một lúc nào đó, hải sản trở thành thứ hàng hóa xa xỉ, không dám mơ tới đối với người Việt Nam.
Suy cho cùng, kể từ sau năm 1975 đến nay, người Việt Nam đi từ đại hóa kinh tế tập trung bao cấp thiếu trước hụt sau cho đến thời kinh tế thị trường với đầy rẫy hàng hóa Trung Quốc độc hại và hầu như thời nào cũng có hải sản làm thức quà cứu rỗi. Nhưng với tình hình hiện tại, ngư trường Việt Nam bị thu hẹp bởi Trung Quốc xâm chiếm, không biết hải sản sẽ cứu người dân được bao lâu nữa?!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Chuyên gia nghi ngờ cam kết cải cách của Thủ tướng

 Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-10-21
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội sáng ngày 20-10 - 2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội sáng ngày 20-10 - 2015
Phát biểu tại Quốc hội Việt Nam hôm 20/10/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các qui luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nam Nguyên phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội về vấn đề liên quan.
Nam Nguyên: Thưa Giáo sư có nhận định gì về những tín hiệu kinh tế thị trường thực sự, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa gởi tới Quốc hội?
PGSTS Ngô Trí Long: Nói chung trong hội nhập thì một điều kiện hết sức cơ bản là nền kinh tế Việt Nam phải thực sự hoạt động theo kinh tế thị trường, hay là một nền kinh tế thị trường thực thụ. Có vậy, mới tránh được những sự tranh chấp thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam. Trước bối cảnh đó thì việc tiến tới kinh tế thị trường thực thụ là chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rất nhiều lần trong khi tính khả thi thì hạn chế rất là lớn. Trong thông điệp đầu năm 2014 ông Dũng nói rất nhiều vấn đề hoàn toàn phù hợp với kinh tế thị trường. Nhưng trong quá trình triển khai thực thi thì hầu như không tiến triển được là bao và không đúng như lời nói. Có nghĩa hành động và lời nói của ông ấy không đi đôi với nhau, bây giờ ông ấy lại nói như vậy nhưng theo tôi nghĩ là cứ ‘hãy đợi đấy’.
Nam Nguyên: Trong bài nói chuyện trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau, nên thể chế xây dựng tiếp theo chưa phù hợp với kinh tế thị trường. Nói như cách nói của ông Dũng thì có thể hiểu là muốn giải quyết thì phải làm từ gốc chứ không phải là cắt ngọn tỉa cành. Cái gốc ở đây chính là cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Thưa giáo sư nhận định gì về vấn đề này?
PGSTS Ngô Trí Long: Thực chất ngay như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nói, chúng ta đi xây dựng một mô hình mà tìm mãi, mò mãi không thấy nó. Cho nên hiện nay mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải nói là có lẽ chỉ riêng Việt Nam có thôi. Quan điểm của giới nghiên cứu chúng tôi, thế giới người ta đã đi con đường kinh tế thị trường thực thụ này rồi, thì tại sao mình không đi theo mà phải cố gắng có cái nét riêng của nó.
"Những gì các ông ấy nói về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cũng không khác gì bản chất của nền kinh tế thị trường thực thụ, chẳng có gì khác. Phải chăng ở đây móc cái đuôi ấy vào để xác định là không bị đổi hướng"-PGSTS Ngô Trí Long
Những gì các ông ấy nói về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cũng không khác gì bản chất của nền kinh tế thị trường thực thụ, chẳng có gì khác. Phải chăng ở đây móc cái đuôi ấy vào để xác định là không bị đổi hướng. Tôi nghĩ đó chính là điều nan giải cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Từ lý lẽ cái đuôi định hướng thị trường đã dẫn tới sự chậm trễ chuyển sang kinh tế thị trường, chậm trễ chính là vì cái đuôi đó.
Nam Nguyên: Vâng, thưa GS trước Quốc hội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cam kết từ nay đến 2020 sẽ bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Nhưng Hiến pháp 2013 qui định kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo, như thế làm thế nào để làm được điều thủ tướng cam kết?
PGSTS Ngô Trí Long: Ta thấy là các cam kết của các ông lãnh đạo Việt Nam chỉ là cam kết để trên giấy thôi. Còn thực thi triển khai các cam kết đó có thực hiện được hay không là một vấn đề khác. Khi Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tổ chức này không hy vọng sự cam kết mà buộc Việt Nam phải có luật rõ ràng cụ thể. Chính vì vì vậy khi vào WTO Việt Nam đã phải ồ ạt sửa và thông qua rất nhiều luật, nhưng khi quá trình triển khai trong cuộc sống thì nhiều luật không thực thi được, không có hiệu quả.
Thủ tướng có hứa, sẽ thực thi các cam kết với các tổ chức, các hiệp định thương mại. Nhưng tôi nghĩ, nếu không cẩn thận sẽ dựa theo đường mòn, theo đường cũ mà khó khăn không thể thực thi, nói để đấy thôi và thực tế những vấn đề đấy không đi vào cuộc sống. Nó cũng không thể hiện diện trên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Nam Nguyên: Thưa Giáo sư, Thủ tướng cũng cam kết việc xây dựng chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường, có thể hiểu vấn đề này như thế nào? Vì phân bổ nguồn lực là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam, người ta cho rằng có đặc quyền, không công bằng cũng chẳng minh bạch, đặc biệt lại còn qui định kinh tế chủ đạo của nhà nước trong hiến pháp?
PGSTS Ngô Trí Long: Hiến pháp là bộ luật mẹ, luật quan trọng nhất từ đó sẽ tới các luật con. Trong quá trình luật gốc đã như vậy thì những luật khác khó trái được với nó. Còn những vấn đề Việt Nam cam kết và những vấn đề Thủ tướng nói thì đã nói rất nhiều rồi. Nhưng quá trình triển khai hầu như rất chậm và thực thi vấn đề đó thì không được là bao.
"Hiện nay nói thay đổi thể chế, thể chế là gì, là luật chơi là Hiến pháp là Luật là Nghị định, phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhưng thực chất nhiều cái không phù hợp. Hoặc những cái đưa ra rất trúng rất hay nhưng thực tế triển khai lại khác, lời nói không đi đôi với hành "-PGSTS Ngô Trí Long
Thí dụ hiện nay nói thay đổi thể chế, thể chế là gì, là luật chơi là Hiến pháp là Luật là Nghị định, phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nhưng thực chất nhiều cái không phù hợp. Hoặc những cái đưa ra rất trúng rất hay nhưng thực tế triển khai lại khác, lời nói không đi đôi với hành động, có nghĩa còn những rào cản khác nữa. Thủ tướng hôm nay nói không phải là lần đầu tiên, mà đã nói rất nhiều lần. Tôi nghĩ hôm nay cũng có những điểm khác trước, nhưng tôi tin rằng với điều kiện với tư duy với những rào cản hiện nay thì khó vượt qua thành lũy đó.
Nam Nguyên: Thưa GS cơ chế ở Việt Nam thì một người, dù là đứng đầu chính phủ cũng không thể một mình hứa hẹn điều này điều kia. Mà đàng sau là Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và cao nhất là Tổng Bí thư nữa. Vậy thì khi thủ tướng hứa hẹn cải cách như thế, ông có đại diện cho cả hệ thống chính trị hay không?
PGSTS Ngô Trí Long: Theo tôi nghĩ, có thể những tư duy những đổi mới thì mọi người đều thừa nhận. Nhưng đi vào vấn đề đó cuối cùng mọi việc đều phải bàn bạc tập thể. Thí dụ nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng rào cản lớn nhất là vấn đề “vua tập thể”, mọi cái đưa ra tập thể bàn, mà với tư duy cũ theo đường mòn như vậy thì sự tiếp cận tư duy mới chắc chắn sẽ bị hạn chế và chính nó sẽ bị rào cản. Cho nên theo tôi nghĩ, đối với cơ chế Việt Nam thì một cá nhân chưa thể quyết định mọi vấn đề. Và chính vấn đề mang tính tập thể, lãnh đạo tập thể đã tạo ra những rào cản trì trệ của nền kinh tế.
Nam Nguyên: Cảm ơn GS Ngô Trí Long đã trả lời phỏng vấn. 
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-pm-commi-to-buil-res-mk-eco-10212015050907.html/10212015-vn-pm-commi-to-buil-res-mk-eco.mp3 


Câu chuyện Đỗ Đăng Dư - Lại một cái chết mờ ám

Chân Như, phóng viên RFA
2015-10-21
Mẹ, anh trai và chị gái của em Dư đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Ảnh chụp tại tại sân nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trưa ngày 11/10/2015.
Mẹ, anh trai và chị gái của em Dư đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi. Ảnh chụp tại tại sân nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trưa ngày 11/10/2015.Ảnh: Nguyễn Đình Hà 
Sự kiện thiếu niên 17 tuổi Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong trại giam Sala vẫn chưa có hồi kết, sau khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu các bộ chức năng cần điều tra rõ vụ việc. Về mặt luật pháp việc bắt giữ trẻ em dưới tuổi vị thành niên này là đúng hay sai và ai là người phải chịu trách nhiệm về cái chết của em là nội dung của diễn đàn bạn trẻ kỳ này, cùng với các bạn khách mời, với sự điều hợp chương trình của Chân Như.
  Chân Như: Xin chào ba bạn, Trần Vi, Mạnh Hưng và Kim Tiến.  Về mặt luật pháp, Đỗ Đăng Dư bị bắt và tạm giam ở tuổi vị thành niên, đúng hay sai?

Trần Vi: Em dùng nghiên cứu của các bạn sinh viên luật trong một bài viết trên Luật Khoa để nói về vấn đề pháp lý ở Việt Nam theo luật Việt Nam.  Tất cả mọi người đều biết em Đỗ Đăng Dư sinh năm 1998, năm nay là 17 tuổi, theo khoản 2 điều 303 bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của bộ luật tố tụng hình sự.  Nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng, hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.  Tuy nhiên, vì hành vi mà em Dư bị bắt tức là vấn đề trộm cắp tài sản có trị giá theo như lời báo chí lề phải đăng tin là từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng là một tội phạm có thể nói là ít nghiêm trọng thì rõ ràng việc bắt giữ, tạm giam giữ hình sự và tạm giam em Dư là không đúng với luật pháp Việt Nam theo cái nhìn nhận của một người luật sư như em.

Chân Như: Dù chưa ngả ngũ ai là người gây ra cái chết cho Đỗ Đăng Dư, nhưng Dư đang ở trong trại tạm giam, vậy những ai phải đồng chịu trách nhiệm về cái chết này ngoài em Bình, người được cho là nhân vật thế thân? Vì sao?

Kim Tiến: Em xin trả lời câu hỏi của anh, em muốn nói vấn đề rộng hơn là vấn đề tình trạng dân chết trong đồn công an và trong trại tạm giam. Việc này là hiện trạng diễn ra thường xuyên và tái diễn nhiều lần.  Trên thực tế, sau những sự việc xảy ra như vậy thì hầu như là không có bất cứ một ai phải chịu trách nhiệm và có những kết luận rất sơ sài và buộc gia đình của nạn nhân phải chấp nhận.  Em nghĩ rằng là người chịu trách nhiệm cùng em Bình phải là cơ quan tạm giữ cũng như là cơ quan đã ra lệnh bắt tạm giam em Dư và nơi tạm giữ em Dư là trại giam Sala.

Khi cơ quan nhà nước làm việc và cụ thể là  giam giữ tội phạm, giam giữ tù nhân như vậy thì họ phải có trách nhiệm với tính mạng cũng như là sức khỏe của tù nhân. Tuy bị tước mất quyền công dân nhưng họ vẫn là một con người và họ đang chịu sự quản thúc của cơ quan đó.  Khi mà sự việc xảy ra những người đứng đầu họ không có thể phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm.  Hơn nữa, sư việc ban đầu là em Dư bi bắt vô trong trại tạm giam theo như câu hỏi đầu tiên anh hỏi chị Vi có trả lời họ làm là sai luật, và việc đó mới dẫn đến tình trạng em Dư bị xảy ra chuyện như vậy.

Không biết là sự việc có chắc chắn do em Bình gây ra hay không, nhưng rõ ràng là đẩy em Dư vào cái chết và đầy gia đình em Dư vào hoàn cảnh như hiện tại là trách nhiệm lớn nhất thuộc về những người có trách nhiệm tại nơi tạm giam em Dư vì họ không làm tròn trách nhiệm quản thúc trong trại giam.
Em nghĩ tình trạng này nó không chỉ là một hai người mà là rất nhiều người rồi.  Có những kết luận như là tự tử, tử thương trong đồn công an.  Kết luận như vậy có chính xác không tạo ra sự nghi ngờ trong dư luận, nhất là khi họ đưa ra cái kết luận về cái chết của em Dư  có liên quan đến Bình, là người cùng trại giam. Như vậy, mọi thứ không được minh bạch vì trên thực tế, chỉ có những người trong trại giam, em Bình, cũng như là công an trại giam tại trại Sala biết rõ điều đó.

Theo em biết, trong trại giam họ có những quy tắc riêng và khi xảy ra việc thì họ có những cách xử lý riêng. Chính vì vậy là việc người đồng trách nhiệm trong cái chết của em Dư, trách nhiệm lớn nhất là cơ quan ra lệnh tạm giam tạm giữ em Dư và cơ quan công an nơi trại giam Sala.

 Em Đỗ Đăng Dư được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai (danluan.org)
Em Đỗ Đăng Dư được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai (danluan.org)

Mạnh Hưng: Dạ em cũng đồng ý một phần thôi thưa anh.  Trong chuyện chịu trách nhiệm trực tiếp một phần trách nhiệm như Kim Tiến nói rồi, theo em, chịu trách nhiệm trực tiếp sẽ là cơ quan bên trại giam Sala và chịu trách nhiệm gián tiếp trong cái chết của em Dư sẽ là giám đốc công an thành phố Hà Nội. Hai cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trong cái chuyện chết của em Dư.

Chân Như: Luật sư bào chữa của gia đình đã không đồng ý ký tên vào bản kết luận của bên pháp y quân đội đưa ra nhưng lại khuyên gia đình đưa Dư về chôn.  Theo bạn việc này nói lên điều gì?
Trần Vi: Em có biết thông tin là luật sư của gia đình đã không đống ý ký tên vào bản kết luận của bên pháp y quân đội đưa ra, nhưng mà vấn đề về việc có khuyên gia đình đưa Dư về chôn hay không thì em không được rõ, cho nên em không thể nói suy nghĩ của mình về vấn đề phần hai. Tuy nhiên, trong phần thứ nhất, theo em biết, bởi vì bản kết luận bên Pháp y Quân đội đưa ra chỉ nói đến những chấn thương bề ngoài mà không đi sâu vào những vết thương nội tạng, mà có thể những vết thương chí mạng của em Dư. Đó là những dư luận mà em biết được.

Thì nếu em làm luật sư của gia đình thì em cũng không đồng ý ký tên vào một cái bản kết luận mà  thiếu sót như vậy. Đặc biệt em nghĩ là tuy em không rõ luật pháp của Việt Nam hiện hành, nhưng em nghĩ là gia đình hoàn toàn có quyền yêu cầu hoặc có quyền tìm một người giám định pháp y khác theo để có thêm một ý kiến thứ hai, theo như luật nước ngoài chẳng hạn; Và đó là việc nên làm.
Việc này thật ra chỉ đưa lên những mặt cần phải thay đổi cần phải làm cho tốt hơn trong cái bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam. Đặc biệt là phần gia đình của những nạn nhân họ nên được có những quy định pháp luật rõ ràng về những quyền lợi họ có thể làm, có thể dùng luật pháp để đi tìm kiếm sự công bằng, tìm kiếm công lý cho người thân của họ.  Nếu luật pháp có những quy định rõ ràng như khi mà một người bị chết trong đồn công an bị tạm giam tạm giữ, thì có những quy tắc nào họ có thể đi theo.  Chẳng hạn như có một bộ phận độc lập chuyên đi giám sát những sai phạm của công an  và họ có thể dùng cơ quan đó để tiến hành điều tra về cái chết của người thân của họ.  Còn bây giờ nếu mà nói tiến hành điều tra ở Việt Nam, thì ai sẽ là người trực tiếp điều tra một vụ án như thế?  Việc này nói lên những mặt còn sơ sót và cần phải cải tổ về luật pháp và đặc biệt là luật tố tụng hình sự ở Việt Nam.

Chân Như: Báo chí lề phải chỉ đưa tin rập khuôn, không hề có sự sai lệch nhau và chủ yếu là đánh vào nhân thân của Dư để làm lu mờ những tình tiết khác. Và bộ trưởng công an Trần Đại Quang chỉ ra lệnh phải điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra vụ bắt bớ, tạm giam và rồi là cái chết của em Dư sau khi cộng đồng mạng lên tiếng mạnh mẽ và đoàn luật sư làm đơn kiến nghị.  Các bạn thấy được điều gì qua sự kiện này?

Kim Tiến: Trong những ngày em Dư nằm viện, trên mạng người ta gọi nhau về trường hợp của em thì báo chí chính thống lề phải đã không có một bài đăng nào cho đến khi em Dư mất đi. Trước những sự bức xúc của dư luận, báo chí lề phải buộc phải đăng tin về sự việc. Điều đó chứng tỏ rằng sức mạnh của dư luận trong việc đấu tranh về luật pháp; Song song đó là sự đấu tranh về công luận.  Em nghĩ rằng khi mỗi sự việc xảy ra mà người dân bị oan khuất ngoài việc chúng ta dùng luật pháp để đấu tranh, thì còn cần phải làm tất cả để công luận có thể chú ý đến. Việc báo chí lề phải buộc phải đăng tin về việc em Dư và bên cơ quan công an buộc phải giải trình, đó là một chiến thắng của dư luận đem lại.

Em nghĩ rằng khi xảy ra sự việc đau lòng như vậy chúng ta có thể làm tất cả những điều mà pháp luật không cấm để có thể đòi lại công lý cũng như để dư luận có thể chú ý hơn đến sự việc.  Việc những người trong thời gian qua đã đứng bên gia đình em Dư cùng nỗ lực đấu tranh để cho nhiều người biết đến trường hợp của con em họ, đã làm được một cái gì đó rất là có ích, hành động của họ đã giúp cho sự việc của em Dư không bị trôi vào quên lãng.

Mạnh Hưng: Dạ vâng thưa anh, trong thời gian vừa rồi em cũng tìm hiểu, thì em thấy có một điều mình nhận ra.  Thật ra chính bản thân em khi đọc những thông tin trên mạng trên Facebook về chuyện của em Dư,  em thấy nó giống như một chuyện đúng là sự thật công an có thể đánh chết em ấy trong đồn; Sau đó khi em đọc một tin từ báo An Ninh Nhân Dân là em Dư là do em Bình đánh chết ở trong tù, thì điều đó nó cũng không làm cho em xác thực được thông tin đó nó là thực; Tức là cả hai thông tin đối với em hiện tại chưa có chứng cứ để em xác định thật rõ.

Và nhờ trong vụ việc này em rút ra một điều đó là, ngoài việc mình cần phải tìm hiểu rõ các thông tin, thì mình cũng cần phải lên tiếng cho vụ việc này để sự thật nó nhanh chóng được đưa ra.  Thứ nhất hãy để cho em Dư có thể yên nghỉ.  Thứ hai dư luận xã hội sẽ bớt đi và sự thật được đưa thì ra có thể những người vi phạm trong vụ án này sẽ bị đưa ra đề xử trước pháp luật. Em rút ra một điều là mình cần phải có một cái chính kiến của mình để mình nhìn xem cái sự việc nó diễn ra theo chiều hướng như thế nào, mình không nên ngả về bên này hay bên kia, khi mà bằng chứng chưa xác thực thì mình không nên cảm tính về một điều nào.

Trần Vi: Dạ em có vài suy nghĩ.  Thứ nhất khi các báo chí mà mình nói là báo chí của nhà nước đưa tin về vụ việc và như anh có nói là họ dùng nhân thân của em Dư là một điểm để họ tập trung nhắm vào.  Điều đó cho một người như em thấy đây không phải là lần đầu mà các báo chí ở Việt Nam họ dùng nhân thân của bị can, bị cáo để “giựt tít” hay làm câu chuyện nó thành mảng tin cho họ có thể kéo dài và đưa tin.

Đối với em, nó rất là trái với tinh thần pháp luật, bởi vì pháp luật phải công bằng. Mình không vì một người đã từng có tiền án tiền sử mà xét xử không công bằng với họ. Họ phải có được cơ hội đồng như những người khác.  Đó là vấn đề pháp luật Việt Nam đang vướng phải khi bản thân xã hội và người dân họ vẫn dùng những định kiến riêng để phán xét trước khi một người được tòa án công bố là có tội hay không.

 Đó là một vấn đề em nghĩ là cần rất nhiều sự thay đổi trong nhận thức của người dân để nó từ từ không còn như thế nữa. Đó cũng là vấn đề khi mình nói về xã hội pháp trị, tức là pháp luật mới là nơi để phán xét một người có tội hay không.  Chứ mình không dùng dư luận, không dùng báo chí để phán là họ có tội trước khi tòa án công bố.

Thứ nhì đây không phải là lần đầu tiên có một vụ án xảy ra chết người trong đồn công an. Như em đã nói trước đó, em nghĩ Việt Nam cần có: thứ nhất là một cơ quan độc lập chuyên về việc điều tra các vụ án tương tự như vậy, tức là có những cái chết hoặc là có những cái khiếu nại về bị bạo hành trong đồn công an.  Trường hợp này nên có một cơ quan độc lập để người dân họ có thể dùng đó như là phương tiện giúp họ điều tra; Bây giờ kêu người dẫn đi điều tra, họ dùng cái gì để điều tra một vụ án? Khi mà trong một xã hội này có cơ quan  trách nhiệm khác nhau, thì một nhà nước, một chính quyền phải là nơi đi điều tra tất cả các vụ án. Nếu các điều tra viên hay công an họ làm ra một việc có lỗi hoặc họ phạm tội thì phải có một cơ quan độc lập và trong xã hội thì nên có những tổ chức độc lập.  Bên nước ngoài họ gọi là những watchdog group, là những tổ chức họ đưa ra minh bạch hóa những vấn đề như vậy và họ giám sát những hành vi của các cơ quan công quyền. Em nghĩ đó là một điều cần.  Đối với em thì xã hội Việt nam cần hai thứ, đó là phải cần đẩy mạnh vấn đề về xã hội pháp trị và thứ nhì là phải có những tổ chức giám sát độc lập và một cơ quan độc lập của nhà nước để điều tra và kết luận về những vụ án tương tự như vậy.