Thursday, July 3, 2014

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát lên quân đội

Tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou ) lúc còn đầy uy quyền. Ảnh chụp ỏ Trường Xuân, Cát Lâm, ngày  04/07/2004.
Tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou ) lúc còn đầy uy quyền. Ảnh chụp ỏ Trường Xuân, Cát Lâm, ngày 04/07/2004.
Reuters

RFI-Thanh Phương
Khi khai trừ khỏi đảng một cựu phó tham mưu trưởng quân đội, chủ tịch Tập Cận Bình muốn khẳng định quyền kiểm soát lên giới quân sự Trung Quốc, thường quá chú tâm đến làm ăn kinh doanh hơn là nhiệm vụ quốc phòng.

Bị cáo buộc là đã lợi dụng chức vụ để mua bán chức quyền và nhận hối lộ, tướng Từ Tài Hậu ( Xu Caihou ) vừa bị khai trừ khỏi Đảng, một hình thức kỷ luật rất nặng ở Trung Quốc. Hồ sơ vụ án đã được chuyển sang cơ quan kiểm sát quân sự, theo như thông tin của báo chí Nhà nước ngày 30/06 vừa qua.
Cho tới năm ngoái, ông Từ Tài Hậu còn là phó chủ tịch Quân ủy trung ương, cơ quan lãnh đạo quân đội và cho đến năm 2012, ông vẫn là một trong những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, với tư cách ủy viên Bộ Chính trị.
Như vậy, Từ Tài Hậu sẽ là viên tướng cao cấp nhất bị đưa ra tòa từ nhiều thập niên qua tại Trung Quốc. Ông cũng đã là quan chức cao cấp nhất bị thất sủng như vậy trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng được chính quyền Bắc Kinh khởi động từ năm 2012.
Theo các nhà phân tích, quyết định truy tố tướng Từ Tài Hậu, mặc dù ông này đang bị ung thư bàng quang ( theo tin báo chí Hồng Kông ), là nhằm gởi một thông điệp cứng rắn đến các lãnh đạo Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc.
Theo nhận xét của ông Christopher Johnson, nhà nghiên cứu thuộc trung tâm nghiên cứu CSIS ở Washington, những cáo buộc về nhận hối lộ để mua quan bán chức cho thấy quân đội không thật sự trung thành với Đảng và không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chế độ. Ông Johnson nói thêm rằng việc khai trừ tướng Từ Tài Hậu cho thấy ông Tập Cận Bình vẫn kiểm soát hoàn toàn Đảng và quân đội. Hơn nữa, theo Tân Hoa Xã, đích thân chủ tịch Trung Quốc đã chủ trì cuộc họp mà trong đó quyết định khai trừ tướng Từ Tài Hậu đã được đưa ra.
Quân đội Trung Quốc hiện là quân đội lớn nhất thế giới tính về quân số và ngân sách quân sự của Trung Quốc cũng hiện đứng hàng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Ngân sách quân sự này mỗi năm vẫn tăng mạnh, cùng với đà hiện đại hóa nhanh chóng quân đội Trung Quốc.
Theo số liệu chính thức, ngân sách quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc là 119,5 tỷ đôla, tăng 11% so với năm 2012, nhưng theo Lầu năm góc, ngân sách này trên thực tế là hơn 145 tỷ đôla.
Theo các chuyên gia, chính việc quân đội được hưởng quá nhiều phương tiện tài chính nên tham nhũng càng dễ nẩy sinh. Rất nhiều tướng tá Trung Quốc trong những năm qua đã lao vào kinh doanh, lợi dụng việc chuyển đổi các xí nghiệp quân sự sang các hoạt động dân sự.
Vào năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã từng yêu cầu các sĩ quan-doanh nhân, một là ngưng làm ăn, hai là rời khỏi quân đội. Nhưng theo chuyên gia về an ninh châu Á Brad Glosserman, những mối quan hệ giữa quân sự và kinh doanh quá chằng chịt, không dễ gì gở ra hết được. Tham nhũng trong quân đội đã mang tính hệ thống, và những lợi ích chồng chéo nhau đã làm suy yếu khả năng của quân đội Trung Quốc.
Là con trai của một nhà cách mạng lão thành của Trung Quốc, Tập Cận Bình có nhiều uy tín với quân đội so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Việc khai trừ tướng Từ Tài Hậu cho thấy ông Tập Cận Bình muốn tăng cường sự kiểm soát lên quân đội, đồng thời cũng nhằm cảnh cáo những ai muốn thách đố quyền lực của ông.
Nhưng theo giáo sư chính trị học Joseph Cheng thuộc đại học City University of Hong Kong, chiến dịch chống tham nhũng kiểu như vậy cũng chứa đựng nhiều nguy cơ. Lý do là vì nó có thể đụng chạm đến các cựu lãnh đạo, khiến những kẻ cảm thấy bị đe dọa sẽ hợp lực với nhau để gây sức ép lên ông Tập Cận Bình. Nhưng nếu chiến dịch này thành công, được dân chúng ủng hộ, đây sẽ là  một vũ khí răn đe của ông Tập Cận Bình đối với những ai muốn cản đường ông.

Thư gửi con trai út của ông Thủ tướng


Sài Gòn, ngày 04 tháng 7 năm 2014.

Chào anh Nguyễn Minh Triết,

Tôi viết lá thư này gởi anh, bởi vì:

- Anh là con trai út của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo văn hóa Nam bộ, thông thường con trai út được gia đình cưng hơn, cũng như ít nhiều được lắng nghe hơn.

- Anh là người thuộc thế hệ trẻ với tuổi 25.

Tôi không quan tâm đến việc học hành ở Anh quốc của anh, dù đó là bằng cấp thật đi chăng nữa. Bởi lẽ, những năm sau này, tôi ngày càng ê chề [*] với lớp người gọi là "trí thức" (bất chấp họ có bằng cấp tại Mỹ, Châu Âu, Úc, Singapore v.v... hay Việt Nam, Trung Quốc cũng vậy). Do đó, công bằng mà nói, tôi thấy ba anh - ông Nguyễn Tấn Dũng - nếu có coi khinh "trí thức" kiểu như thế, cũng không có gì khó hiểu.

Tôi cũng không có ý định mon men đứng sau lưng "nhà nước" để đồng tâm "đoàn kết" theo lời kêu gọi của những ông (bà) "trí thức" gần 2 tháng qua, mặc dù nghe nói họ đã tập hợp được hơn 15.000 chữ ký [**] để yêu cầu "nhà nước" Việt Nam kiện Trung Cộng ra tòa quốc tế. 

Chắc anh Triết cũng biết Tướng Quân "ngồi đan sọt mà lo việc nước"?

Nói ra, sợ mấy ông (bà) "trí thức" cười, chứ nói thiệt với anh Triết, chuyện ông Phạm Ngũ Lão là chuyện cách đây hơn 700 trăm, bây giờ Tướng Phạm Ngũ Lão có ngồi đan rổ đan rá hay dệt bao bố chắc chẳng ai màng. Thậm chí, người ta còn tới sờ đầu ông Tướng đó, coi có ấm đầu hay không mà ngồi lo việc nước giữa đàng giữa sá để lính đâm lủng đùi, máu chảy ròng ròng mà chẳng hay biết. 

Bàn chuyện nước chuyện non thời nay, hình như cứ phải "tầm": giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, học giả, chuyên gia v.v... 

Tôi hơi dông dài về "trí thức" để muốn nói với anh, dù là dân quèn, nhưng tại sao chúng tôi không có quyền góp ý kiến cho quê hương mình? Miễn làm sao, ý kiến đó không trái đạo lý, trái pháp luật và đặc biệt không dính dáng đến bạo lực hay khủng bố, phải không anh? Bị gì tôi khoái ông Đỗ Trung Quân với câu: "Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi". 

Tôi ít học, nhưng tôi cũng có quyền lo cho Mẹ theo cách của tôi chứ, phải không anh Triết? Chứ theo kiểu bây giờ, thì làm gì có Tướng Quân Phạm Ngũ Lão? Làm gì có Hưng Đạo Vương? Nói vậy là mấy ông "trí thức" nói tôi trèo cao đòi làm Phạm Ngũ Lão, Hưng Đạo Vương nữa cho coi. 

Thiệt ra, ý tôi là làm cách nào cũng được, miễn là ôn hòa, miễn là bảo vệ "Mẹ chúng ta" an toàn, mạnh khỏe, yên vui thì cứ dùng, cớ sao cứ phải nhất quyết đi... kiện là tối ưu? 

Đừng so sánh với Philippines, bởi "chính trị so sánh" (comparative politics) chưa được nghiên cứu kỹ, cho đến nay.

Kiện trong trường hợp Việt - Trung bây giờ, thiển nghĩ, suy cho cùng cũng là một dạng đàm phán có bên thứ ba (tòa) làm trọng tài (giả sử Trung Quốc chấp nhận). Trong khi đó, ông tiến sĩ Lê Trung Tĩnh nói [1]: "...Vì làm sao kiên trì đàm phán với một đất nước, một đối tác, một bên khác mà họ không chấp nhận, thậm chí là có tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa. Làm sao đàm phán với một người mà họ không chấp nhận đàm phán nữa...". Do đó, "đàm phán" thông qua luật quốc tế trong trường hợp này, nhất định không giải quyết được vấn đề nghiêm trọng hiện nay. 

***
Tôi viết thư này cho anh Triết để muốn nói về sử dụng chuyên môn ngoại giao. Thời gian qua, hình như các chuyên viên cao - trung cấp, học giả, chuyên gia, đặc biệt Bộ Ngoại giao có vẻ không để tâm lắm về chuyên môn này. 

Anh thử nghĩ cách dưới đây của tôi. Nó không phải mới mẻ gì, nhưng trước hết, trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, nhất là trước đối phương vừa mạnh, vừa giàu, lại vừa hung bạo, cần phải giành thế chủ động và dùng mưu kế, may ra mới khống chế được cục diện. Đặc biệt văn hóa Trung Hoa thông qua nhiều tác phẩm nổi tiếng (Tam Quốc Chí, Xuân Thu Chiến Quốc, Thủy Hử v.v...) chúng ta thấy họ rất quan tâm đến mưu chước các loại, cũng như rất đắc chí khi lừa đối thủ vào tròng nhẹ nhàng mà không phải trả giá quá nhiều. Công hàm 1958 cũng là một kiểu lừa như vậy.

Trong các loại văn bản quốc tế chấp nhận, tôi chú ý đến văn bản chính thống có tên "Giác Thư". Nghĩa gốc của "Giác" có nghĩa là đánh thức, nhắc nhở phía bên kia thực hiện một việc gì đó. Chúng ta cũng thường thấy như: giác ngộ, cảnh giác, tự giác v.v... tất cả những chữ "giác" như thế đều cùng một ý nghĩa đánh thức (hoặc làm cho thức tỉnh) để hành động một việc.

Trong tuyến bố ngày 04/9/1958 của Trung Cộng, điều 1 viết rằng:

"Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bờ biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và các đảo khác thuộc Trung Quốc"

Do đó, tôi đề nghị anh suy nghĩ những biện giải dưới đây của tôi:

1. Trong "Giác Thư", do ba anh - ông Nguyễn Tấn Dũng - ký chính thức, cần nêu rõ: 

1.1 Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Chính phủ VNDCCH, phát hành dựa trên Tuyên bố của nước CHNDTH là điều không có gì bàn cãi. (Dù có muốn cãi cũng không cãi được, vì mọi việc đã phơi bày quá rõ, phải không anh Triết?).

1.2 Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không những công nhận các đảo có tên cụ thể, mà còn công nhận "các đảo khác" thuộc về Trung Quốc. Do đó, với tư cách là những người kế nhiệm và kế thừa, thay mặt nhà nước CHXHCNVN, chúng tôi nhận thấy, không thể hiểu cụm từ "các đảo khác" mang ý nghĩa như thế nào.

1.3 Do vậy, yêu cầu những người có trách nhiệm cao nhất của quý quốc vui lòng diễn dịch cụm từ "các đảo khác" một cách rõ ràng, nhằm để lãnh đạo của nước CHXHCNVN có căn cứ minh bạch để xem xét và nghiên cứu.

1.4 Giác Thư (này) sẽ là căn cứ để làm rõ trách nhiệm đôi bên: CHNDTH - CHXHCNVN, những quốc gia láng giềng với mối giao hảo tốt đẹp được vun đắp bấy lâu nay.

1.5 Kể từ ngày phát hành cho đến ngày... tháng... năm..., chúng tôi mong muốn nhận được phúc đáp của quý quốc [***]

1.6 Sau thời hạn nêu trên:

1.6.1 Nếu nhận được phúc đáp đúng theo yêu cầu, chúng tôi sẽ nghiên cứu và trả lời dứt khoát đến quý quốc.

1.6.2 Nếu chúng tôi không nhận được phúc đáp hoặc nhận được phúc đáp không rõ ràng, nghĩa là không có những tên gọi riêng từng đảo trong "các đảo khác" cùng tọa độ cụ thể trên biển, điều này đồng nghĩa, nước CHXHCNVN hoàn toàn phủ nhận giá trị tuyên bố của quý quốc lập ngày 04/9/1958.

1.6.3 Việc phủ nhận tuyên bố ngày 04/9/1958 của quý quốc cũng đồng nghĩa, nhà nước CHXHCNVN phủ nhận toàn bộ giá trị công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

***

Anh Triết mến!

Trong vài tuần qua, chắc anh cũng biết phía Trung Cộng "phát hành" thêm "4 không được" cùng với nó là dư luận lan truyền, Trung Cộng chống việc "kiện tụng" từ phía Việt Nam. Đó coi như là một kiểu "không được"... thứ năm, xuất phát từ bành trướng Bắc Kinh.

Anh có thấy đó là một chiêu thức "chế dầu vào lửa" không? Một cách "chế dầu" rất khôn và rất thâm? Nó làm cho dư luận VN càng dậy sóng. 

Người càng nóng giận càng mất bình tĩnh. Càng mất bình tĩnh càng không giải quyết tốt mọi việc.

Không những vậy, với dư luận cho rằng Việt Nam "không được" kiện Trung cộng, đó dường như là chiêu "tương kế tựu kế" mà tập đoàn Tập Cận Bình đang giăng bẫy. Đó là chiêu thức đắc dụng, thường hữu hiệu đối với những ai mang tính kiêu ngạo, bướng bĩnh và thích làm ngược lại để chứng tỏ chân lý thuộc về mình. Tôi cho là nhà họ Tập đắc chí nếu Việt Nam tiến hành kiện. Điều này cho thấy có vẻ ba anh càng dính sâu vào bẫy, nếu nghe theo quân sư đi kiện Trung Cộng.

Nếu thật vậy, có thể nói, sai lầm tiếp nối sai lầm cho những tư tưởng giáo điều và ngạo mạn bằng đầu óc tiểu nông. Sa đà vào kiện tụng, như con chim sa vào chiếc bẫy lồng lộng mà cứ ngỡ bay giữa trời xanh.

***

Có thể những gì tôi viết ra cho anh, một số người (tất nhiên kể cả các ông (bà) "trí thức") cho là "ấm đầu" hay "tưng tưng". Nhưng thử hỏi họ, hãy chỉ ra cho tôi những nội dung nào (trên đây) là vi phạm pháp luật (kể cả pháp luật quốc tế); là không đúng chuẩn mực trong chuyên môn ngoại giao và nó có phạm vào bạo lực không?

Phía Trung cộng không công bố rõ "các đảo khác" nghĩa là họ thua. 

Tôi thách Trung cộng nêu rõ "các đảo khác" ở đâu, tên gì, nếu họ đủ khả năng và can đảm chỉ ra đâu đó.

Anh Triết nên nhớ nhắc ba anh luôn phải giành thế chủ động và không nên tin vào những người thiếu hiểu biết (như Phạm Quý Ngọ hay Nguyễn Văn Hưởng trước đây). Cũng như cẩn trọng về tình hình nội gián, có thể đầy dẫy ngay trong nội bộ cấp cao ĐCSVN hiện nay.

Đất nước này, một ngày nào đó nếu mất đi, ngay cả những người như anh sẽ không yên thân, dù có bó tay quy hàng. Tôi tin anh hiểu rõ điều này. Cần luôn giành thế chủ động, không bao giờ chạy theo đuôi tập đoàn Tập Cận Bình hay dính bẫy "tương kế tựu kế".

Lời nhắn gởi cuối cùng: Tôi có viết 3 phần "Nguyễn Tấn Dũng có thể cứu nước" [2], hy vọng anh có đọc qua.

Hãy suy nghĩ, bởi anh là tuổi trẻ. Nữ tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh cũng nói [3]: "Phải có giới trẻ. Giới trẻ là nền tảng".

Tại sao người ta ca ngợi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tuổi 15 mà không thể ngợi ca Nguyễn Minh Triết ở tuổi 25?


Nhân quả


Trần Quốc Việt (Danlambao) - Tội ác của cộng sản là một đại dương sâu thẳm và vô bờ bến. Đại dương ấy sẽ không còn sâu thêm và rộng hơn chỉ khi các bóng ma cộng sản cuối cùng biến mất vĩnh viễn khỏi trái đất.

Một giọt nước mà mới rơi xuống đại dương ấy là tội ác mới được phơi bày của chế độ cộng sản Việt Nam đối với cựu tù lương tâm Huỳnh Anh Trí. Do phải dùng chung dao lam cạo râu hay do bị cùm trong các cùm còn rướm máu của những tù nhân bị nhiễm HIV đã bị cùm trước đó nên anh Trí hiện mắc bệnh AIDS ở giai đoạn cuối.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế kể ông chứng kiến một tu sĩ công giáo rất trẻ hấp hối bị bỏ mặc cả ngày dưới ánh nắng gay gắt. Thêm một giọt nước nữa đã rơi tự lâu xuống đại dương ấy giờ mới vang vọng đến lương tâm chúng ta. Gần một trăm năm qua muôn vàn triệu giọt nước tội ác như thế và hơn thế đã tích tụ lại trong đại dương vô cùng tận ấy mà khởi đi từ ý thức hệ vô nhân đạo nhất và tàn ác nhất trong lịch sử loài người.

Người cộng sản tàn ác vì họ không có khái niệm về thiện và ác mà nuôi dưỡng và hình thành nền văn minh nhân bản và tinh thần của con người. Cho nên chống cộng không chỉ đơn thuần là hành động chính trị mà còn là một hành động khôi phục khái niệm cơ bản thiện và ác đã mờ nhạt trong xã hội-nhà tù toàn trị.

Tội ác của các chế độ cộng sản là vô cùng tận vì những người gián tiếp và trực tiếp gây ra tội ác không còn lương tâm hướng thiện của con người. Thay vào lương tâm đã bị tẩy trắng ấy là dùi cui, báng súng, gông cùm, thủ đoạn, pháp trường, gian dối, và bản năng hoang sơ. Nơi ánh sáng lương tri và thương yêu đã tắt con thú trỗi dậy trong tim người để điều khiển hành động của họ.

Cho nên cộng sản căm ghét tôn giáo vì tôn giáo, qua hành động gieo mầm thiện trong lòng con người, đã cản trở quá trình thú hóa con người của cộng sản.

Cho nên cộng sản căm ghét những nhà bất đồng chính kiến và những tù nhân lương tâm vì họ là tiếng nói đạo đức cho xã hội bị áp bức, là hình ảnh nhân phẩm cho xã hội bị tước đoạt nhân phẩm, là tương lai cho xã hội chỉ có quá khứ, là niềm hy vọng cho xã hội tuyệt vọng về chính trị.

Đức Phật dạy nếu con người nói hay hành động với tâm ác thì đau khổ sẽ theo họ như bánh xe theo chân của con bò kéo xe và nếu con người nói hay hành động với tâm thiện, hạnh phúc sẽ theo họ như hình với bóng. Nhân quả ấy hiển hiện trong nhà tù cộng sản nơi cuộc đấu tranh giữa những người tù lương tâm và chế độ là cuộc đấu tranh giữa tâm thiện và tâm ác.

Người tù lương tâm vào tù với trái tim trong sáng vì họ đấu tranh cho chính nghĩa, công lý, tự do và nhân phẩm. Họ không ký giấy nhận tội để ra tù, họ không khuất phục, họ thương yêu và bênh vực những người tù đồng cảnh. Thể xác của họ có thể bị hủy diệt nhưng lương tâm, tâm hồn, và ý chí của họ càng trong sáng và mạnh mẽ. Ra tù họ vẫn tiếp tục đấu tranh bằng nhiều cách trong khả năng của mình để góp phần thay đổi xã hội tốt hơn. Niềm hạnh phúc tâm hồn này theo họ như hình với bóng dù trong xà lim tù hay ở xã hội bên ngoài. Nhà tù là nơi tâm hồn họ trở nên cao thượng hơn và nhân ái hơn. Hãy nghe và nhìn chị Đỗ thị Minh Hạnh hát những bài hát chị sáng tác trong tù hay hãy đọc những bài thơ trong tù của anh Lê Công Định. Tâm hồn họ tỏa sáng hạnh phúc nội tâm mà không một chế độ phi nhân nào có thể dập tắt được.

Những công an, cai tù, quản giáo - những khuôn mặt hiện thân của chế độ trong nhà tù- là những người đã trao lương tâm họ cho chế độ. Vì thế họ là công cụ không hơn không kém. Tính người ở họ đã không còn khi họ xuống tay hay ra lệnh đánh đập, tra tấn hay hành hạ những người tù lương tâm bằng mọi cách không lương thiện. Bên ngoài họ có vẻ thỏa mãn với địa vị và quyền hành sinh sát với tù nhân. Nhưng họ là con người ở ngoài xã hội và là con thú ở trong tù nơi niềm vui và sự thành đạt của họ tỷ lệ với mức độ đau đớn về thể chất của những người tù.

"Nhưng tại sao số phận không trừng phạt họ mà họ còn giàu có lên?" Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn hỏi như thế và trả lời như sau:

" Câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này là ý nghĩa của sự tồn tại trên trần thế này không ở sự thành đạt như chúng ta quen suy nghĩ, mà ở sự phát triển tâm hồn. Từ quan điểm này, những kẻ tra tấn chúng tôi đã bị trừng phạt một cách khủng khiếp nhất: họ đang rơi xuống và biến thành những con lợn, ngày càng xa dần con người."


Ra mắt Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam

Sài Gòn 3-7 (NV) - Những người viết bài bình luận, đưa tin thời sự Việt Nam nằm ngoài hệ thống truyền thông "lề phải" vừa loan báo thành lập “Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam”.


Các thành viên tham gia phiên họp thành lập Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam ở Sài Gòn ngày 4/7/2014. (Hình: Việt Nam Thời Báo)

“Làm thế nào để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của hai từ “tự do”? Làm thế nào để báo chí được làm đúng thiên chức của mình, phản biện và xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ, không cúi đầu hoặc run sợ trước hiểm họa ngoại xâm đang quá cận kề? Đã đến lúc báo chí và các nhà báo Việt Nam cần có tư cách độc lập để trả lời những câu hỏi trên. Tuân theo kinh nghiệm của mọi xã hội dân sự tiến bộ nhất trên thế giới, một trong những giải pháp cần phải có là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.” Bản tuyên bố thành lập Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam đề ngày 4/7/2014 mở đầu như vậy.

Theo bản tuyên bố, hội nhà báo độc lập nói trên thành lập “vì một Việt Nam tiến bộ xã hội, dân chủ và đa nguyên, văn minh và giàu mạnh.” Tổ chức hoạt động trên cơ sở của bản “Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên có nghĩa vụ tuân thủ.” và “Các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội được minh định trong Hiến pháp Việt Nam”.

Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam cho hay các mục đích chính thành lập của hội là “Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước. Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí. Tổ chức trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền về tự do báo chí và quản lý xã hội khi có điều kiện, đồng thuận với những chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước... Lên tiếng và có hành động cần thiết để bảo vệ những người làm báo vì tiến bộ xã hội, nhưng bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày, khủng bố… Đấu tranh yêu cầu Nhà nước Việt Nam hủy bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ luật hình sự được dùng để áp chế tự do báo chí như Điều 258, 88…”

Bản tuyên bố thành lập thông báo banh lãnh đạo của tổ chức trên gồm nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch. Phó chủ tịch thường trực là nhà báo linh mục Lê Ngọc Thanh. Thêm hai phó chủ tịch nữa là nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Bùi Minh Quốc.

Tại Việt Nam, tuy hiến pháp của chế độ công nhận quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do phát biểu và biểu tình nhưng người dân đều bị cấm cản, tù tội nếu các hoạt động của họ nằm ngoài tầm chỉ huy, điều động “định hướng” của đảng và nhà nước CSVN.

Guồng máy thông tin truyền thông tại Việt Nam nằm hoàn toàn trong tay đảng và nhà nước CSVN. Chỉ có những ai được cấp thẻ hành nghề mới được phép hoạt động. Bằng không, đều bị coi là bất hợp pháp và dẫn đến khủng bố, sách nhiễu, tù tội khi phổ biến bài viết, đưa tin trên các mạng xã hội như Blogs hay Facebook. Những người cầm đầu hay đại diện các tổ chức truyền thông của nhà nước CSVN thường xuyên phải tham dự các buổi họp “giao ban” để nhận chỉ thị lệnh lạt.

Hàng chục người sử dụng ngòi bút bầy tỏ ý kiến cá nhân trên các mạng xã hội hiện đang bị tù đày tại Việt Nam mà những người bị bỏ tù gần đây nổi tiếng như Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất. Họ đã bị kết án theo điều 258 của Luật Hình Sự CSVN mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều lên án là ngược với Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị.

Những người đầu tiên họp và thành lập Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam thấy có 42 người, đại đa số là những người sống ở Việt Nam. Trong đó có những người có tiếng trong làng báo tại Việt Nam trước đây, hoặc là cựu đảng viên đảng CSVN như các ông Nguyễn Vũ Bình, Huỳnh Ngọc Chênh, Vi Đức Hồi, Kha Lương Ngãi, Hồ Ngọc Nhuận, Đỗ Trung Quân.

Có những người rất trẻ như chị em Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu và có những người rất già như các ông Phạm Đình Trọng, Hà Sĩ Phu. Và có hai người thuộc các tôn giáo là linh mục Lê Ngọc Thanh và mục sư Nguyễn Trung Tôn.

Có thể nói đây là những người can đảm, dấn thân làm đá lót đường đấu tranh cho một xã hội dân sự tại Việt Nam. Hai năm trở lại đây, liên tiếp xuất hiện một số hội đoàn độc lập, loan báo ra mắt bất chấp những cấm cản và đe dọa của nhà cầm quyền độc tài đảng trị tại Hà Nội, mà Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là tổ chức mới nhất. Tổ chức có một trang facebook với địa chỉ là  www.facebook.com/hoinhabaodoclap

Hội Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, Hội Bầu Bí Tương Thân, Hội Dân Oan Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự v.v... là những tổ chức tư nhân, độc lập hoàn toàn với hệ thống hội đoàn nhà nước nằm dưới cái dù “Mặt Trận Tổ Quốc”. Các hội đoàn trong “Mặt Trận Tổ Quốc” do các đảng viên đảng CSVN cầm đầu, thi hành các mệnh lệnh chính trị theo nhu cầu và phục vụ đảng và nhà nước, không phục vụ nhu cầu đích thực của quần chúng Việt Nam. (TN)

07-03-2014 4:21:38 PM

Trung Quốc bắt tàu cá, 6 ngư dân Việt

QUẢNG NGÃI 3-7 (NV) .-Lực lượng tuần tiễu Trung quốc đã bắt một tàu đánh cá và 6 ngư dân Việt Nam khi họ hoạt động đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Nằm trong khoang tàu cá, hai ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị Kiểm ngư Trung quốc hành hung ở vùng biển Hoàng Sa ngày 16/5/2014 đều mê man. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo tin hai báo Thanh Niên và Dân Trí,  chiều ngày 3/7/2014, nhà cầm quyền xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi vừa gửi phúc trình đến các cấp về việc một tàu đánh cá và 6 ngư dân của xã bị Trung Quốc bắt giữ khi đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa. Hiện không biết họ bị bắt đưa đi đâu.

Theo nguồn tin trên thuật lại, ngày 28/6/2014, tàu cá số đăng ký QNg 94912-TS và tàu cá QNg 94913-TS cùng của ngư dân Võ Đạt (46 tuổi, ngụ thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) làm chủ, xuất phát từ bến cá Thọ Quang (Đà Nẵng) ra vùng biển Hoàng Sa đánh cá. Hai tàu cá vừa kể hành nghề kéo đôi.

Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 3/7/2014, tờ Dân Trí kể rằng “trong lúc hai tàu đang khai thác hải sản, bất ngờ xuất hiện nhiều tàu của Trung Quốc ập đến, vây bắt tàu cá QNg 94912-TS cùng 6 ngư dân đưa về Trung Quốc.”

Nguồn tin cho hay, tàu cá QNg 44158-TS do ngư dân Huỳnh Kim Cơ (ngụ cùng xã Phổ Thạnh) làm chủ đang hoạt động gần đó đã chứng kiến sự việc, “Ngay lập tức, ngư dân Cơ dùng I-com trình báo sự việc cho người nhà ngư dân Võ Đạt và chính quyền địa phương.”

Tháng trước hai tàu đánh cá cũng của tỉnh Quảng Ngãi hoạt động ở khu vực đánh cá truyền thống của họ ở vùng biển Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn khẳng định chủ quyền đã bị tàu tuần Trung quốc đâm hư hỏng trong khi ngư dân thì bị hành hung.

Buổi tối 16/5/2014, trong lúc 12 ngư dân dùng ca nô rời tàu cá QNg 90205 TS cách khoảng vài hải lý để hành nghề lặn đêm tại khu vực vùng biển đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bất ngờ tàu của phía Trung Quốc ập đến. Lúc này trên tàu cá chỉ còn thuyền trưởng Hải và ngư dân Anh.

Thấy tàu Trung Quốc tiến đến, thuyền trưởng Hải biết chuyện chẳng lành nên lập tức cho tàu cá chạy tránh.

Tuy nhiên, theo tờ Thanh Niên tường thuật, sau khi bắt kịp tàu cá, vài chục người trên tàu Trung Quốc dùng ca nô hùng hổ lao sang tàu cá, cầm dùi cui và cái dồ bằng gỗ để đập đánh thuyền trưởng Hải và ngư dân Anh ngất xỉu.
Ít ngày sau, ngày 20/5/2014, tàu cá số hiệu QNg 90917 TS của tỉnh Quảng Ngãi cùng 15 ngư dân đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đã bị các tàu của Trung Quốc ngăn cản. Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 đã đâm thẳng vào tàu cá QNg 90917 TS gây hỏng mạn tàu, đe dọa tính mạng của ngư dân trên tàu.

Qua sự việc mới xảy đến với 6 ngư dân và tàu cá QNg 94912-TS, Trung quốc thay đổi cách đối phó với ngư dân Việt Nam. Theo báo Dân Trí, nhà cầm quyền Hà Nội quyết định dành 11,500 tỷ đồng trong khoản 16,000 tỷ đồng Quốc hội duyệt chi để đóng mới 32 tàu các loại cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam. Còn 4,500 tỷ đồng còn lại để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.

Tháng trước, Hà Nội loan báo dành ra 10,000 tỉ đồng để giúp ngư dân đóng tàu vỏ sắt, thay thế cho 3,000 tàu vỏ gỗ đánh cá xa bờ. Nay qua tin tờ Dân Trí, số tiền đóng tàu cá vỏ sắt bị thun lại quá phân nửa.

Chuyện đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân mới khởi sự với nhiều nghi ngờ sẽ bị đám quan chức các cấp mượn dịp để xà xẻo, tham nhũng, trong khi ngư dân kêu những mẫu tàu do công ty quốc doanh Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) không thích hợp với nhu cầu của ngư dân từng vùng, từng loại thủy sản khai thác, lại còn quá đắt.(TN)

07-03-2014 6:53:50 PM

Dân bị đánh "đúng quy trình”, không liên quan “người lạ”!

(BáoĐấtViệt) - Khi người vi phạm giao thông cự cãi với cảnh sát, họ thường “ngẫu nhiên” va chạm với một nhóm “người lạ”.
Cái chết bất thường của ông Nguyễn Văn Chín sau khi bị CSGT gọi vào đo nồng độ cồn, CA TP HCM cho biết nhóm CSGT đã thực hiện đúng quy trình, chưa thấy mối liên hệ nhân quả nào giữa việc ông Chín tử vong và chuyện bị xử lý vi phạm giao thông.
a
Bức ảnh chụp lại cảnh người vi phạm giao thông bị “người lạ” hành hung ngay trước mặt CSGT (ảnh báo Thanh Niên)  
Về vụ việc ông Nguyễn Văn Chín (44 tuổi, ngụ hẻm 1050 Quang Trung, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) bị nhóm người lạ đánh đến tử vong sau khi bị CSGT đo nồng độ cồn ở khu vực ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình, TP.HCM), báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh thông tin: “Thiếu tá Nguyễn Quang Thắng - Phó Chánh Văn phòng Công an TP.HCM cho biết qua kiểm tra bước đầu tổ CSGT làm nhiệm vụ hôm xảy ra sự việc đã thực hiện đúng các quy trình công tác.
Thiếu tá Nguyễn Quang Thắng nhấn mạnh chưa thấy có mối liên hệ nhân quả giữa việc ông Chín bị xử phạt vi phạm giao thông vào đêm 25/6 với việc ông bị tử vong (kể cả bị hành hung). Hiện tổ CSGT thuộc đội CSGT - Công an quận Tân Bình làm nhiệm vụ đêm 25/6 trên đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý vẫn công tác bình thường.
Lời giải thích này của người đại diện Công an TP Hồ Chí Minh không phải là điều bất ngờ với nhiều độc giả. Bởi vì đây không phải lần đầu có chuyện người bị xử lý vi phạm giao thông bị người lạ hành hung đến chết và không phải lần đầu tiên, đại diện lực lượng công an đưa ra giải thích này.  
Trong bài báo: “Thấy gì từ những vụ bị “người lạ” đánh dằn mặt sau khi có “va chạm” với CSGT”, tác giả cho biết: “Có thể nói vụ người vi phạm giao thông bị “người lạ” đánh ngay trước mặt nhóm CSGT xảy ra trên cung đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1 hồi cuối năm 2012 đã mở màn cho những sự việc tương tự, nhưng hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn về sau.
Ngày 28/6/2013, các nhà báo đã trực tiếp quay được cảnh một người đàn ông mặc thường phục luôn "sánh đôi" cùng nhóm CSGT trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Người này đã lao vào đánh người vi phạm giao thông mà cảnh sát thổi lại ngay trước mắt nhóm cảnh sát. Đáng nói là nhóm CSGT này chỉ đứng nhìn chứ không có bất cứ hành động can thiệp nào”.
Và trường hợp xấu số như ông Nguyễn Văn Chín không phải là cá biệt. Bài báo trên cho biết, tháng 4-2013, ông Trần Văn Hiền (42 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM) cùng một người bạn nữa chạy xe về nhà sau một cuộc nhậu.
Khi đến đoạn đường Lê Trọng Tấn quận Tân Phú, ông Hiền bị CSGT chặn lại, yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Dù đã “lót tay” để cho qua nhưng không được, sẵn hơi men, ông Hiền đã cự cãi với nhóm CSGT rồi bắt xe ôm về nhà. Thế nhưng, ngay khi đi khỏi vị trí trên khoảng 300 mét thì có hai thanh niên mặc thường phục, đi trên một chiếc xe SH đuổi theo. Ông Hiền bị hai người này kéo ngã xuống đường và bị đánh cho đến khi ngất xỉu. Đánh xong, hai thanh niên này bỏ đi còn nạn nhân Hiền tử vong sau đó.
Nội dung thông tin phản hồi của phía công an về “vụ ông Hiền” cũng không khác gì “vụ ông Chín”, phía CSGT khẳng định không hề có tranh cãi với nạn nhân và hoàn toàn không hay biết về vụ ẩu đả đêm đó cho đến khi báo chí đưa tin.
Chỉ cần xâu chuỗi lại một chút thì bạn đọc nào dẫu có chỉ số thông minh bình thường nhất cũng hiểu ra một vấn đề thế này: Khi người vi phạm giao thông cự cãi với cảnh sát, họ thường “ngẫu nhiên” va chạm với một nhóm “người lạ”.
Tuy nhiên, CSGT thường không hề biết đến cuộc va chạm này và đặc biệt là không hề có mối liên quan nào đến nhóm “người lạ”. Như lời ông Chánh Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh là “chưa thấy có mối liên hệ nhân quả giữa việc ông Chín bị xử phạt vi phạm giao thông vào đêm 25/6 với việc ông bị tử vong (kể cả bị hành hung)”.
CSGT dĩ nhiên là không có gì lạ bởi họ mặc sắc phục thể hiện quyền lực được người dân đóng thuế trao cho họ để họ đảm bảo an toàn trật tự cho xã hội, thực thi công lý, công bằng theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nhóm người đánh chết dân sau khi họ gặp CSGT dĩ nhiên là các anh CSGT đã khẳng định đó "người lạ" rồi, còn những người dân bị "người lạ" đánh tưng bừng, người bị đánh chết rồi thì không nói được nữa, những người dân sống sót sau trận "đòn lạ" ấy đều khẳng định họ không có quan hệ gì với đám "người lạ" đã đánh họ, từ đó có thể suy ra những người dân bị đánh, xét từ cái nhìn của đám côn đồ kia, hẳn nhiên cũng là "dân lạ"!
Nghĩa là, nếu không xác định được mối quan hệ biện chứng nhân quả giữa các sự việc hiển nhiên thì chỉ có đám côn đồ lạ, dân lạ....mà thôi! Mà phải phân biệt rõ "người lạ" với "người dưng nước lã" nhé, khác nhau lắm đấy.Nói cho vuông, thế nhé!
Từ ý kiến phản hồi của người đọc trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, vấn đề đặt ra là nên có một lực lượng điều tra độc lập (không hề liên quan đến lực lượng công an) để điều tra rõ ràng trắng đen những vụ việc này. Đề xuất này là hoàn toàn xác đáng, tuy nhiên, từ trước tới nay, điều này chưa từng có trong thực tế.
Như vậy, những trường hợp nạn nhân đã chịu một cái chết đau đớn oan khiên như ông Hiền, ông Chín có lẽ sẽ phải chấp nhận số phận không may của mình. Không may vì họ luôn “ngẫu nhiên” va chạm với “người lạ” sau khi cãi vã với CSGT, không may vì họ đã mãi mãi nằm im dưới những nấm mồ.
Tôi muốn kể cho bạn đọc nghe một câu chuyện đẹp về người cảnh sát Nhật Bản đang lan truyền trên mạng xã hội vài hôm nay, từ một phiên dịch người Việt ở Nhật, cô được mời đến để phiên dịch cho một tu nghiệp sinh bị bắt vì tham gia trộm cắp trong một cửa hàng.
Mặc dù người bị bắt luôn miệng chối tội rằng mình không biết gì nhưng ông cảnh sát tầm 50 tuổi, người to béo đã rất nhẹ nhàng giải thích cho người đó hiểu rằng cậu ta đang đánh mất cả tương lai của mình. Người trẻ tuổi đã khóc, cuối cùng cũng nhận tội và mong sự nương nhẹ.
Người phiên dịch kể lại: “Khi ra về, ông cảnh sát nói với tôi: cảnh sát có 2 nhiệm vụ chính. Một là bắt kẻ phạm tội. Hai là giáo dục người đã phạm tội không bao giờ tái phạm hoặc răn đe để người bình thường không phạm tội”.
Những lời vị cảnh sát người Nhật nói có gì cao siêu không thưa bạn đọc? Có khó thực hiện không? Không hề! Tôi nhớ lực lượng Công an nhân dân Việt Nam còn có 6 điều Bác Hồ dạy vô cùng ngắn gọn, thấm thía, trong đó đặc biệt có điều thứ 4: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”.
Đặt hai câu chuyện này cạnh nhau, chúng ta sẽ hiểu điều gì đang thực sự diễn ra. Và nếu bạn cũng cảm thấy buồn như tôi, thì hãy nói ra suy nghĩ của mình.
  • Mi An  

Đà Nẵng: Bị cưỡng chế, Mẹ Việt Nam anh hùng quyết ở Trung tâm y tế chờ toà phán xử

(LĐO) ĐỖ VĂN 
Mẹ VNAH Phạm Thị Lành bị 4 người phụ nữ lôi ngược lên xe cứu thương.
Sáng 12.6, chính quyền phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã tổ chức cưỡng chế giữ Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phạm Thị Lành 97 tuổi ngay trước cửa ngôi nhà tình nghĩa của mẹ tại lô B2-8 (tương đương với số 33) đường Nguyễn Thông, Khu dân cư An Mỹ.
    Cưỡng chế... Mẹ VNAH

    Thuật lại sự việc với PV Báo LĐ, ông Trần Công Minh (SN 1962, trú tại 29 đường Nguyễn Thông) cho biết: “Sáng ngày 12.6, ông Đỗ Trọng Bê - Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, ông Hồ Thanh Quyền – Phó Chủ tịch phường và rất nhiều công an, cùng với số đông dân phòng, cán bộ công chức kéo đến trước số 33 đường Nguyễn Thông với ý định cưỡng chế ngôi nhà tình nghĩa của mẹ”.
    Căn cứ vào các clip gia đình mẹ Lành quay được, có thể thấy trước cửa ngôi nhà số 33, ông Minh con mẹ Lành đỗ một chiếc ôtô hòm. Lực lượng cưỡng chế thì căng hai dãy rào sắt di động chắn ngang đường Nguyễn Thông. Lực lượng CA với đủ các sắc phục được huy động, xe cứu thương, cứu hỏa cũng được điều động chờ sẵn.
    Lúc này Mẹ VNAH Phạm Thị Lành (hiện đang sống cùng ông Minh ở số nhà 29) đã ra và mời ông Bê, ông Quyền vào nhà đưa Quyết định cưỡng chế và lập biên bản cưỡng chế. Tuy nhiên phía lãnh đạo phường An Hải Tây đã không hề đọc QĐ cưỡng chế cũng không vào nhà theo lời mời của mẹ Lành và ông Minh.
    Trước sự “cương quyết” làm trái của chính quyền phường, Mẹ VNAH Phạm Thị Lành đã xách một can xăng 5 lít đặt dưới đất và đứng chắn trước chiếc xe ôtô không cho chính quyền phường hành động.
    Thấy vậy, ông Đỗ Trọng Bê đã hô người hành động. Một phụ nữ to béo chạy vào nắm lấy tay mẹ Lành, tiếp đó ba người phụ nữ nữa xông vào hỗ trợ lôi ngược Mẹ VNAH Phạm Thị Lành lên xe cứu thương. Chiếc xe cứu thương hú còi chạy mất dạng khỏi hiện trường.
    Ông Trần Công Minh cho biết, ông nhận ra hai người phụ nữ không bịt mặt là cán bộ Phụ nữ của phường, còn hai người đàn bà bịt mặt thì ông không nhận ra là ai.

    “Mẹ sẽ ở đây chờ tòa phán xử”

    Sáng 2.7, PV Báo LĐ đã vào thăm Mẹ VNAH Phạm Thị Lành tại Trung tâm y tế (TTYT) quận Sơn Trà – nơi đã giữ mẹ Lành từ khi mẹ bị chính quyền phường An Hải Tây cưỡng chế lên xe cứu thương.
    Đã 21 ngày bị bắt vào bệnh viện mẹ vẫn khỏe mạnh và ngồi dậy tiếp chúng tôi. Mẹ nhẹ nhàng bảo: “Mẹ sẽ ở đây cho đến khi nào có phán quyết của tòa án xem mẹ phạm tội gì?”.
    Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của mẹ Lành, các bác sĩ, y tá đều xác nhận mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì. Khi PV hỏi lý do đưa mẹ vào viện, các bác sĩ, y tá cho biết: Đó là do cấp trên!
    Trước câu hỏi tại sao lại giữ Mẹ VNAH Phạm Thị Lành tại TTYT quận Sơn Trà, bác sĩ Nguyễn Văn Cúc – Phó Giám đốc TTYT quận Sơn Trà cũng cho biết: “Cái đó do chính quyền phường, còn chúng tôi chỉ làm chuyên môn”. Bác sĩ Cúc cũng xác nhận mẹ Lành hoàn toàn khỏe mạnh và cho biết TTYT đã có CV yêu cầu chính quyền phường An Hải Tây đưa mẹ Lành về nhà bởi “hiện nay cụ Phạm Thị Lành vẫn đang lưu trú tại khoa khám bệnh và cấp cứu của TTYT quận Sơn Trà, đây là môi trường độc hại có nhiều mầm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm cho cụ, đe dọa đến sức khỏe của cụ”.
    Theo điều tra của PV Báo LĐ, sau khi TTYT có công văn gửi UBND phường, ông Hồ Thanh Quyền – Phó Chủ tịch phường An Hải Tây đã đến tận nhà ông Minh “năn nỉ” đưa mẹ Lành về.
    Ông Trần Công Minh con trai mẹ Lành cho biết: “Không phải gia đình chúng tôi không muốn đưa cụ về. Chiều 12.6, ngay khi phát hiện mẹ đang bị giữ ở TTYT quận, tôi đã đến TTYT quận yêu cầu mời chính quyền phường đến và lập biên bản để đưa mẹ về, thế nhưng Ban giám đốc của TTYT quận Sơn Trà đã từ chối. Đến nay thì mẹ kiên quyết ở TTYT quận để đợi tòa phán quyết mẹ phạm tội gì? Mẹ bảo từ giờ đến khi có phán quyết của tòa, đây là nhà của mẹ”.

    Việt Nam kiện Trung Quốc vào thời điểm mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất!!!

    (LĐO) VÂN ANH 
    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.
    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 3.7 khẳng định, thời điểm được coi là phù hợp để Việt Nam kiện Trung Quốc là thời điểm mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ lãnh thổ của mình.   
      Người phát ngôn Lê Hải Bình trả lời một loạt câu hỏi của báo giới trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 3.7.

      - Tiền Phong: Nội các Nhật Bản cho phép giải thích lại hiến pháp, hỗ trợ đồng minh trong trường hợp bị tấn công? Xin cho biết quan điểm?


      - VN quan tâm đến thông tin này. VN hy vọng Nhật Bản với tư cách là quốc gia có ảnh hưởng lớn sẽ nỗ lực đóng góp tích cực vào duy trì ổn định, hòa bình và phát triển trong khu vực.

      - Dân Trí: Ngoại trưởng Philippines vừa kết thúc chuyến thăm VN. Hai bên có khả năng kiện TQ ra tòa án quốc tế?

      - Kết quả chuyến thăm VN của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã được thông tin đầy đủ trên báo chí. Hai bên trao đổi sâu rộng về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương, thúc đẩy quan hệ hướng tới đối tác chiến lược. Hai bên cũng trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, tập trung vào ASEAN và biển Đông. Hai bên khẳng định sẽ góp phần xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, đề cao đoàn kết, vai trò cộng đồng của ASEAN trước các vấn đề quan trọng, trong đó có biển Đông. Về về vấn đề hợp tác, ổn định trong khu vực, hai bên cùng nhau yêu cầu chấm dứt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, gia tăng căng thẳng, kêu gọi kiềm chế, bảo đảm thực hiện DOC, sớm đạt được COC.

      - Ý nghĩa của việc VN ký hiệp định với Tòa trọng tài thường trực PCA. Nếu VN kiện TQ, việc ký kết này có tác động như thế nào?


      - VN đang thực hiện mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế. Hiện nay VN tích cực tham gia vào các diễn đàn, cơ chế quốc tế trong khu vực và thế giới. Việc ký kết với PCA là một trong những bước đi thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước VN về hội nhập quốc tế.

      - Lao Động: Xin bình luận việc máy bay Mỹ xuất hiện khu vực giàn khoan Hải Dương 981 và Phó Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan?

      - Việc máy bay Mỹ xuất hiện ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981, chúng tôi đang đề nghị cơ quan chức năng VN xác minh rõ thông tin này. Đến nay, cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan đều lên tiếng ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, yêu cầu chấm dứt căng thẳng, hành vi ngang ngược, vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982, chấm dứt những hành vi gây căng thẳng, khiêu khích.

      - Tuổi Trẻ: Chuyến thăm của Ngoại trưởng Philippines đến VN tác động như thế nào đến việc VN đấu tranh yêu cầu TQ rút giàn khoan?


      - Chuyến thăm - làm việc nhằm tiếp tục thúc đẩy các bước phát triển sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Philippines vào tháng 5 vừa qua. Trong thời gian qua, VN vẫn tiến hành tất cả các hoạt động đối ngoại, tham gia vào các hoạt động quốc tế như bình thường. Tất cả các hoạt động này cho thấy vị thế của VN trên trường quốc tế ngày càng gia tăng. Riêng trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981, lập trường chính nghĩa, sự kiên trì đàm phán hòa bình của VN đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

      - Có chuyên gia cho biết, hành động của TQ buộc VN phải ngồi vào bàn đàm phán, dù Trường Sa, Hoàng Sa là của VN. Xin cho biết quan điểm?


      - Mặc dù VN có chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi với Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng vẫn tồn tại những tranh chấp giữa các bên. Để giải quyết, các bên cần ngồi vào bàn đàm phán dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
      - VNExpress: Việc TQ công bố bão báo ở toàn bộ khu vực biển Đông, phản ứng của VN như thế nào?

      - VN cho rằng việc TQ công bố báo bão bao trùm toàn bộ khu vực biển Đông không thể thay đổi được thực tế. VN có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông.

      - An ninh Thủ đô: TQ vừa công bố luật mới có hiệu lực từ 1.8, cho phép quân đội có quyền cấm ngư dân nước ngoài vào vùng biển mà TQ đơn phương đặt ra ở biển Đông. Điều đó có ảnh hưởng đến ngư dân VN như thế nào, VN có biện pháp gì bảo vệ ngư dân?


      - Câu hỏi này liên quan đến luật chống xâm nhập của quân đội TQ. Chúng tôi đặc biệt quan tâm, cho rằng mọi động thái của các bên liên quan đến biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phá của các bên. Chính phủ VN từ trước đến nay luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân hoạt động bình thường ở ngư trường truyền thống trên biển Đông.

      - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 2.7 ở Hải Phòng - cho biết, VN sẵn sàng đưa các hành vi của TQ ra các tổ chức tài phán quốc tế. Vậy đã có quyết định thời điểm nào hay chưa?


      - VN đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở biển Đông. Biện pháp pháp lý là biện pháp văn minh, VN không loại trừ sử dụng. Lãnh đạo VN nhiều lần khẳng định, VN đang cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm.
      - Tiền Phong: Báo chí Nhật Bản đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Bản sắp thăm VN? Xin cho biết thông tin cụ thể?

      - Chuyến thăm VN của Ngoại trưởng Nhật Bản đang được hai bên tích cực thu xếp vào một thời điểm thuận tiện. Chuyến thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương sau khi hai bên đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3 năm nay. Hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

      - Hãng tin Niji (Nhật Bản): TQ tuyên bố ngừng một số chương trình trao đổi, giao lưu hợp tác với VN? Xin hỏi đó là những chương trình nào? Điều đó có ảnh hưởng gì tới thương mại, đầu tư, và nền kinh tế VN?
      - Theo tôi được biết, mọi hoạt động giao thương, trao đổi giữa VN và TQ vẫn được tiến hành bình thường.

      - Gia đình & Xã hội: Lãnh đạo cấp cao VN khẳng định VN sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để đưa TQ ra tòa án quốc tế. Hoàn cảnh nào được coi là điều kiện phù hợp?


      - Hoàn cảnh được coi là điều kiện phù hợp là hoàn cảnh và thời điểm mang lại cho VN lợi ích cao nhất trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ lãnh thổ của mình.

      - Tuổi Trẻ: Từ thời điểm VN công bố tiến hành hơn 30 cuộc tiếp xúc với TQ, đến nay đã có cuộc tiếp xúc nào thêm chưa, kết quả như thế nào?
      - Cho đến nay, VN vẫn kiên trì tìm mọi cách tiếp xúc, đối thoại với TQ để tìm ra giải pháp cho vấn đề. Những nỗ lực này diễn ra ở nhiều cấp khác nhau.

      - TQ tiếp tục đưa thêm tàu ra khu vực Hải Dương 981, quan điểm của VN như thế nào?

      - Trên thực địa, những căng thẳng và hành động của TQ được quý vị hiểu rõ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng VN và quốc tế. Trong lúc đó, các lực lượng thực thi pháp luật của VN vẫn đang kiên trì thực hiện biện pháp tuyên truyền và yêu cầu giàn khoan Hải Dương 981 cũng như tàu hộ tống, máy bay TQ rời khỏi vùng biển VN. Sự kiên trì này cũng như các biện pháp nhằm tránh sự hung hăng của TQ được cộng đồng quốc tế và phóng viên nước ngoài ra thực địa chứng kiến đánh giá cao. Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh, các hành động hung hăng, ngang ngược của TQ đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

      Hồng Kông trở thành Ukraine ở châu Á?

       (Kienthuc.net.vn) - Tờ Thời Báo Hoàn Cầu đưa ra lời cảnh báo rằng, Đặc khu Hành chính Hong Kong có thể trở thành một Ukraine hay Thái Lan thứ hai.

      Trong một bài xã luận đăng tải vào ngày 3/7, tờ Hoàn Cầu thời báo lên án cuộc biểu tình ngồi bệt xuống đất của hàng trăm người lúc đêm muộn trên đường Chater và nói rằng, họ chính là mối đe dọa đối với luật pháp Hồng Kông.

      Quang cảnh cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. 

      “Các nhà tổ chức biểu tình cấp tiến đã thú nhận rằng, hành động của họ là bất hợp pháp. Song, họ vẫn tiếp tục làm”, tờ báo ngầm ám chỉ tới sự bất tuân dân sự phi bạo lực, một chiến thuật biểu tình tồn tại hơn chục năm nay. Hoàn cầu tiếp tục bài xã luận: “Sau khi bị bắt, một số người phá rối thậm chí còn chỉ tay về phía cảnh sát”.

      Trong khi đó, những người biểu tình, có cả một hội viên hội đồng quận, đã cáo buộc lực lượng cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức. Một số nguồn báo khác đăng tải rằng, cảnh sát đã thú nhận rằng họ đã vặn cổ tay, khuỷu tay và cổ của những người gây rối để vô hiệu họ.

      Cuộc biểu tình ngồi diễn ra sau khi khoảng 510.000 người xuống đường biểu tình đòi dân chủ và quyền tự bầu lãnh đạo đặc khu. Bài xã luận còn cảnh báo rằng, Hồng Kông có thể chứng kiến một cuộc biến động chính trị trong một thời gian.

      Thanh Nga (thoe SCMP)
      07:00 04/07/2014

      Trung Quốc muốn "tránh đối đấu" với Mỹ

      Ông Tập Cận Bình cho rằng Washington cần có cái nhìn khách quan hơn về quốc gia này đồng thời cải thiện quan hệ song phương, tránh đối đầu.

      Theo Reuters, trước thềm cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ vào tuần tới, tờ China Daily ngày 3/7 dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần "trồng thêm hoa chứ không phải gai" trong mối quan hệ song phương và Washington cần có cái nhìn khách quan hơn về quốc gia này.

      Phát biểu với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng hai nước có khả năng tận dụng cuộc đối thoại như vậy để "tiếp thêm sinh lực" vào mối quan hệ này.


      Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

      Báo trên dẫn lời ông Tập Cận Bình nói: "Hai bên nên mở rộng những mối quan tâm chung, làm sâu sắc quan hệ hợp tác, trồng thêm hoa chứ không phải gai, loại bỏ sự can thiệp, tránh nghi kỵ và đối đầu... Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ nhìn nhận một cách khách quan về những điều kiện quốc gia nền tảng cũng như các chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc."

      Hôm 1/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew - người sẽ tham dự cuộc đối thoại nói trên - cho rằng giá trị của đồng nhân dân tệ là một "vấn đề rất lớn" đối với Mỹ và cần phải được đánh giá đúng mức hơn.
      Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng tham dự cuộc đối thoại này và có khả năng sẽ phải giải quyết những quan ngại của Trung Quốc liên quan đến cái mà Bắc Kinh xem là sự ủng hộ của Washington đối với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ của các nước này với Trung Quốc.
      19:30 03/07/2014
      Theo Vietnam+

      VIDEO : Tiết lộ chấn động: Tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Trí bị nhiễm HIV trong tù cộng sản (Phần 3) - Xác định của giới chuyên môn





      Truyền Thông Chúa Cứu Thế - Xác định của giới chuyên môn về căn bệnh của TNLT Huỳnh Anh Trí (tập 3/4), ngày 02.07.2014.

      Viện Pasteur - Sài Gòn xác nhận TNLT Huỳnh Anh Trí bị nhiễm HIV và đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Về tinh thần, ông Trí rất lạc quan, không hoảng sợ vì căn bệnh thế kỷ này. Nhưng ông Trí nghĩ rằng, các tù nhân không đáng bị đối xử một cách bạc đãi như vậy, bởi vì họ là người, có quyền được hưởng làm người và không bị thủ tiêu bằng căn bệnh đại dịch HIV/AIDS do nhà cầm quyền cs gây ra.

      Suốt 14 năm ông Trí ở trong nhà tù cs, các quản giáo và cán bộ có chủ trương cho các tù nhân sử dụng chung một dao lam để cạo râu. Cùm các tù nhân bị "kỷ luật" bằng các cùm còn rướm máu của những tù nhân bị nhiễm HIV đã bị cùm trước đó.

      Ông Nguyễn Bắc Truyển, Tổng Thư ký Hội Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo, nhấn mạnh, chính sách giam giữ tù nhân của nhà cầm quyền cs nhằm trừng phạt và răn đe các tù nhân. Trong trại giam, nhiều tù nhân đã chết bởi những căn bệnh thông thường như trúng gió... Trong khi chân của họ đang bị cùm, tại phòng biệt giam. Nhiều tù nhân chính trị khác đang bị bệnh nan y như bà Mai Thị Dung, ông Ngô Hào... nhưng không được đưa đi chữa trị. Ông Truyển yêu cầu nhà cầm quyền cs VN tôn trọng các luật pháp quốc tế về vấn đề giam giữ đã được ký kết trong Công ước chống tra tấn tù nhân.

      Bà Dương Thị Tân, thân nhân của Blogger Nguyễn Văn Hải, cho biết, trong phiên tòa sơ thẩm, ông Hải quả quyết: "Trung tá Hoàng Văn Dũng, Điều tra Công an Tp.HCM khẳng định với ông Hải: Tao sẽ làm cho mày suy kiệt mà chết. Mày có ra khỏi nhà tù thì mày cũng không còn khả năng đàn ông". Trong một lần khác, ông Hải nói với anh Nguyễn Trí Dũng - con trai ông rằng, "Liệu cha mày có còn sống để ra khỏi cổng nhà tù hay không?". Bà Tân khẳng định, chế độ lao tù của cs không xem những người tù - đặc biệt là các tù nhân chính trị và lương tâm - là con người.

      Nhà báo Trương Minh Đức, thành viên của Đảng Vì Dân, lên án chế độ chăm y tế hà khắc cho các tù nhân chính trị. Đồng thời dùng các hình thức tra tấn tinh vi bằng cách "ép" các tù nhân đang bị bệnh nan y nhận tội, để được đi chữa bệnh. Ông Minh Đức khẳng định, nhiều người trước khi vào tù khỏe mạnh, sau một thời gian giam cầm thì họ đã bị nhiễm căn bệnh HIV và đã chết. Ông cực lực phản đối hành động của nhà tù cs VN. Ông mong muốn các tổ chức nhân quyền quốc tế quan tâm đến môi trường giam giữ và chế độ chăm sóc y tế trong nhà tù cs VN.

      Bài đã đăng:

      Phần 1: Câu chuyện của cựu TNLT Huỳnh Anh Trí
      Phần 2: Xác định của các nhân chứng