Tuesday, December 1, 2015

Đối diện con quái vật


Thái độ công dân đối với quốc gia mình, phản ánh rất nhiều điều để nghĩ. Nó có thể người tay hân hoan vỗ tay cười, và có thể khiến từng cá nhân gục mặt khóc âm thầm.
Tháng 11/2015, sau khi nước Pháp bị tấn công bởi quân IS, số lượng thanh niên xin tòng quân để bảo vệ tổ quốc và đáp trả lại những kẻ đã giết hại đồng bào mình tăng gấp bốn lần. Các cơ sở tuyển quân của Pháp cho biết họ bất ngờ trước các lời xin nhập ngũ và các thư thắc mắc về tiêu chuẩn nhập ngũ lên đến 1500 hồ sơ, mỗi tuần. Theo ước tính, từ đây đên năm sau, Pháp sẽ nhận thêm 25.000 tân binh nữa. Hầu hết các lý do trong đơn xin nhập ngũ, được ghi rõ rằng họ muốn bảo vệ tổ quốc mình.
Tổ quốc là cái gì đó rất mơ hồ, không cụ thể. Nhưng đứng trước những hình ảnh nơi sinh sống của mình đang lâm nguy, những người chung tiếng nói, quốc tịch của mình bị giết, bị đe doạ, ý thức về tổ quốc bừng dậy như một bản năng cao quý.
Nước Pháp không phải là ngoại lệ. Vụ khủng bố ngày 9/11/2001 ở Mỹ cũng đã khiến tinh thần ái quốc của người Mỹ đa chủng tộc lên cao bất ngờ. Các thống kê cho thấy chỉ một tháng sau vụ đánh vào toà tháp đôi, trang mlive.com cho biết hàng chục ngàn thanh niên đã xin đăng lính vào nhiều binh chủng, đặc biệt ghi rõ là họ sẳn lòng đi đến bất cứ nơi đâu để tiêu diệt kẻ tấn công vào đất nước mình, người dân của mình. Năm 2002, nước Mỹ đón nhận thêm 80.000 tân binh. Tình trạng bùng nổ bất ngờ này làm gợi nhớ số lượt đăng lính tăng vọt sau vụ người Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) vào năm 1941.
Đọc những tin tức này, những ai yêu lẽ phải và mang trong mình lòng tự hào dân tộc đều có thể ứa nước mắt vì xúc động. Dâng hiến cuộc sống cho tổ quốc mình và giờ phút nguy nan, là niềm hãnh diện và cao quý mà không phải nền giáo dục nào, văn hoá nào cũng có thể may mắn có được.
Đã từ nhiều năm nay, các bản tin về tàu Trung Quốc tấn công ngư dân Việt mỗi lúc càng nhiều, càng hung hãn. Tàu "bạn hữu nghị" từ phương Bắc tràn xuống, cướp, giết, bắt cóc... kể cả bao vây đường biển của Việt Nam - nói chính xác là một cuộc xâm lăng trong thời đại mới. Thanh niên Việt trong đời sống xã họi chủ nghĩa đã làm gì?
Thật kinh ngạc, tăng dần theo thời gian là số lượng cha mẹ đưa con cái đi du học, đi xa đất nước như một cuộc đào thoát lớn lao và kiên nhẫn, bao gồm trong đó là các bậc phụ huynh có chức vụ, miệng luôn hô hào xây dựng đất nước và tồn tại hoà bình, 16 chữ vàng với Bắc Kinh.
Bối cảnh Việt Nam luôn thấp thỏm trước các lời đe doạ sẽ bị tiến và chiếm trong 24 giờ của báo chí chính thống Trung Quốc, thì thống kê cho thấy nạn trốn nghĩa vụ quân sự cũng tăng cao bất ngờ. Thậm chí. Trên các trang mạng xã hội, giới thanh niên nồng nhiệt bàn với nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự. Thậm chí cẩm nang có 17 cách thoát chuyện đi lính được chia sẻ khắp nơi. Mệt mỏi đối phó với tình trạng này, năm 2013, Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng đã từng đề nghị cho phép hợp pháp việc không phải đi lính, bằng việc đóng tiền thế thân.
Quả là một nghịc cảnh mà lịch sử Việt Nam từ thời sơ khai đến giờ mới có. Một dân tộc từng đánh bại mọi quân đội ngoại bang, ngay cả lúc túng cùng nhất, lại rơi vào thảm cảnh như vậy. Lẽ nào dân tộc Việt Nam hôm nay không còn yêu nước, hay không còn tin vào những món hàng vũ trang quân sự "khủng" hàng đầu thế giới vẫn được thông tin là đã về đến, đã trang bị cho cho quân đội nước mình? 
Đây là một vấn đề thật đáng suy nghiệm lâu dài, nhưng để trả lời nhanh, rõ ràng con người đang mất niềm tin. Trong mọi sự hy sinh cho tổ quốc mình, chắc chắc nhân dân không ngại, nhưng họ muốn sự dâng hiến của mình phải có ý nghĩa. Và thật là ngu ngốc, nếu chết không cho ai, để làm gì, và chết thay một cách ngu ngốc.
Ngày 29/11/2015, thêm một ngư dân Việt bị bắn chết thảm thương trên biển ở Trường Sa, Quảng Ngãi. Ông bị bắn không có thông báo, không có lời cảnh cáo, bị bắn đến 2 phát đạn vào một cơ thể chỉ biết quăng lưới và thả câu.
Người ngư dân này bị bắn chết trên biển, bởi niềm tin được thúc giục từ các nhà lãnh đạo trên bờ vẫn thúc giục rằng hãy cứ ra khơi và cứ đánh bắt như một cách "thực thi chủ quyền của tổ quốc". Những người còn sống hãi hùng đã đưa thi thể của người ngư dân này về đất mẹ, thật cô đơn, vì bởi hàng trăm hải lý đầy kẻ thù đó, cũng có những tàu cảnh sát biển đi tuần tra "khống", báo cáo láo để ăn tiền dầu, tiền hoạt động, để vui vẻ an sinh trên bờ. 
Người ngư dân bị bắn chết ngày 26/11, đến ngày 30 thì thi thể mới giao được cho gia đình. Thế nhưng trong những ngày di chuyển về nhà, chiếc tàu này thật cô đơn vì chỉ có một mình, dù đã báo với bộ đội biên phòng chuyện mình bị tấn công và có người tử nạn. Không có tàu kiểm ngư nào ra đón, không có ai đi cùng nỗi kinh hoàng của họ trong chuyến quay về. Mọi trang thiết bị hiện đại trên biển luôn được tuyên truyền, như chỉ nặng phần trình diễn cùng sự thờ ơ của chính quyền.
Dân tộc Việt Nam hôm nay mới đáng thương làm sao, đi biển mà yếu ớt như trẻ nhỏ. Ai cũng có thể bắt nạt. Ai cũng có thể cướp và giết. Láng giềng thì mặt cười thân thiện, quay lưng thì tay súng, tay dao. Nhưng đáng thương hơn bao giờ hết là chuyện ngư dân chết trên biển đã ngày càng nhiều và thường hơn, còn những người trên bờ nghe chuyện tang thương ngoài khơi, giờ chỉ mệt mỏi, nhíu mày thương hại mà cũng không thấy cần phải làm gì.
Người Việt Nam như đang được các chính sách đối ngoại của chế độ tập quen dần thói quen ích kỷ, sợ mình bị mất mát, nhưng lại im lặng và chọn lựa thay thế bằng mất mát của những ngư dân nghèo khó. Nó giống như những câu chuyện cổ tích về các ngôi làng xưa phải hiến tế ai đó cho con quái vật để được yên. Vẫn có những người tin rằng việc hiến tế không bao giờ đến lượt mình, và mỗi ngày vẫn ăn ngon ngủ yên với những con cá đẫm máu đồng loại. Họ không muốn một cuộc chiến đối diện thẳng với con quái vật vì chỉ sợ mất mát cho riêng họ.
Cũng như những ngôi làng khiếp nhược và u mê ấy, có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng chúng ta sẽ mất - mất rất nhiều - thậm chí mất tất cả, mà các loại quái vật không cần mất sức cho bất kỳ một cuộc chiến tranh nào. Và những người lãnh đạo ngôi làng, nếu không có dũng khí để đối diện với cái ác để bảo vệ mọi người, thì họ tồn tại để làm gì?

Những kẻ chủ mưu bắn chết ngư dân Việt Nam là ai?

12/01/2015 - 13:19 

Hà Nội, ngày 1 tháng 12 năm 2015
Luật sư Nguyễn Văn Đài
(
(Thuyền của ngư dân Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt cá tại Trường Sa)
Báo chí VN đã đưa ra nhiều giả thuyết rằng những kẻ tấn công và bắn chết ngư dân Trương Đình Bảy của tỉnh Quảng Ngãi có thể là người Philippin, có thể là những tên cướp biển???
Nhưng chưa có tờ báo nào dám đặt sự nghi ngờ rằng những kẻ chủ mưu giết ngư dân VN là Trung Quốc, còn những kẻ thực thi mệnh lệnh hoặc được thuê mướn thì có thể là người của bất kỳ quốc gia nào.
Và tôi cho rằng giả thuyết này hoàn toàn đúng bởi xét mọi khía cạnh về tranh chấp trên biển Đông trong những năm vừa qua.
Thứ nhất, không thể là mưu đồ của Philippin.
Bởi trong những năm qua, mặc dù giữa Việt Nam và Philippin có tranh chấp về quần đảo Trường Sa. Nhưng cả hai bên đều là thành viên ASEAN, có nhiều lợi ích chung hơn là tranh chấp. Đồng thời cả Việt Nam và Philippin vừa công khai, vừa âm thầm ủng hộ nhau trong việc chống lại sự bá quyền của Trung Quốc. Philippin cần Việt Nam và ngược lại, do vậy đây không thể là âm ưu và hành động của Philippin trong vụ giết ngư dân này.
Người dân Philippin đều có dân trí cao, họ hiểu ngư dân Việt Nam là bạn chứ không phải là kẻ thù của họ. Cho nên chỉ những kẻ dùng rất nhiều tiền thì mới có thể mua chuộc và sai khiến họ, trong trường hợp những người mang quốc tịch Philippin bắn ngư dân Việt Nam.  
Thứ hai, không thể là cướp biển.
Bởi những thông tin được gia đình nạn nhân và báo chí đưa tin, thì những kẻ tấn công không có hành động cướp tài sản. Đồng thời tài sản của những ngư dân cũng không có gì đáng giá để mạo hiểm tấn công và cướp bóc. Những kẻ tấn công chỉ với mục đích giết người rồi bỏ chạy.
Mục đích của những kẻ giết người là gì?
Mục đích của chúng là gây ra sự hoang mang sợ hãi cho những người ngư dân Việt Nam đã, đang và sẽ đánh cá ở khu vực quần đảo Trường Sa. Làm cho ngư dân Việt Nam không dám tiến hành các công việc mưu sinh, bỏ ngư trường truyền thống của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Ai là kẻ hưởng lợi khi ngư dân Việt Nam bỏ Trường Sa?
Trong những năm qua, Trung Quốc tiến hành xây các đảo nhân tạo trên các đảo chìm mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam. Họ từng bước biến chúng thành các căn cứ quân sự, nơi sinh sống cho người dân Trung Quốc. Và mục đích cuối cùng biến khu vực Trường Sa thành lãnh thổ, lãnh hải hợp pháp của Trung Quốc.
Như vậy, Trung Quốc sẽ độc chiếm ngư trường đánh bắt cá ở Trường Sa khi mà ngư dân Việt Nam bỏ cuộc vì sợ hãi.
Bởi vậy, tôi có thể khẳng định rằng, cho dù bất kể những kẻ thực thi việc bắn chết ngư dân Trương Đình Bảy vào ngày 28 tháng 11 là người mang quốc tịch nước nào. Thì kẻ chủ mưu, ra lệnh hay thuê mướn cũng đều là Trung Quốc.

Hội của nhà nước và hội của dân

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Nếu hiểu hội theo diễn giải "Lập hội là việc các cá nhân liên kết, tập hợp lại với nhau (to associate, gether) thành nhóm để hướng đến những lợi ích, mục đích hay sự quan tâm chung... Các hội có hình thức đa dạng, đó có thể là các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, công đoàn, tổ chức tôn giáo, chính đảng và công ty. Do sự đa dạng của các nhóm, pháp luật các quốc gia thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật riêng như: luật về doanh nghiệp - công ty, luật về công đoàn - nghiệp đoàn, luật về các đảng phái chính trị, luật về các tổ chức tôn giáo" của LHQ thì ở Việt Nam có rất nhiều hội.

Hầu như bất kỳ một người nào trong cuộc đời mình cũng đều tham gia ít nhất vài ba hội. Lúc nhỏ đi học là đội viên nhi đồng, thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Lớn lên một chút vào đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Có chí hướng làm lãnh đạo thì phấn đấu để trở thành đảng viên. Là công nhân, viên chức, cán bộ thì tham gia tổ chức công đoàn ở nơi làm việc. Nông dân, phụ nữ thì chả cần được kết nạp cũng nghiễm nhiên là thành viên của hội nông dân tập thể, hội phụ nữ. Từ lúc tuổi cao, về hưu, mất sức tới khi chết là quãng thời gian sinh hoạt ở hội người cao tuổi. Đó chỉ mới là vài trong số nhiều hội của nhà nước. Nếu tính cả những hội mà thấy "có cùng một cái gì đó" là người ta lập thì còn nhiều nữa. 

Theo thống kê của bộ nội vụ hiện có 481 hội hoạt động trên phạm vi cả nước và có khoảng 52 nghìn hội hoạt động phạm vi địa phương. Chắc chắn con số thống kê này chưa kể tới các hội như: Cùng tuổi lập hội đồng niên, cùng nhập ngũ lập hội đồng ngũ, cùng lớp lập hội đồng môn, cùng thích chơi thể thao lập câu lạc bộ, sinh sống ở xa thì lập hội đồng hương cùng quê,... khá phổ biến ở các nơi hiện nay. 

Gần đây, do những chính sách bất công về đất đai cùng hệ thống pháp luật chỉ nhằm bảo vệ đảng, chính quyền nên đội ngũ dân oan trong nước ngày một đông, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ đang dần lớn mạnh, xã hội dân sự bước đầu hình thành và phát triển đã kéo theo sự ra đời của hội dân oan và hàng loạt các hội đoàn xã hội dân sự. Theo cam kết khi gia nhập TPP, sắp tới ở Việt Nam sẽ có cả công đoàn độc lập. Có thể tạm chia hệ thống hội ở Việt Nam thành hai loại: Hội của nhà nước và hội của dân

Hội của nhà nước tất nhiên là do nhà nước cũng chính là đảng lập ra cho dân. Có những đặc điểm để nhận biết sau: 

- Lãnh đạo hội là đảng viên. 

- Hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng bộ hoặc chính quyền cấp trên. 

- Dân có thể tự nguyện, buộc phải, hoặc nghiễm nhiên trở thành hội viên. 

- Kinh phí cấp cho hoạt động của hội hoặc hoạt động của lãnh đạo hội lấy từ ngân sách nhà nước tức là tiền thuế của dân. 

- Thường có tổ chức quy mô từ trung ương tới địa phương nên số thành viên đông trên danh nghĩa. 

- Dĩ nhiên là có tư cách pháp nhân. 

Hệ thống hội nhà nước hầu như phủ kín mọi tầng lớp công dân, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tựa như hệ thống chân rết bám sâu vào từng ngõ ngách để theo dõi, định hướng, điều chỉnh, kiểm soát các hoạt động xã hội của công dân. Thực chất là công cụ để tuyên truyền cho đảng, lừa dối, ru ngủ quần chúng, triệt tiêu đối lập nhằm duy trì chế độ độc tài. 

Để mị thành viên, khi lập đảng thường soạn thảo những chức năng, mục đích của chúng rất kêu như "bảo vệ quyền lợi của đối tượng này, nọ". Chẳng hạn: Chức năng thứ nhất của công đoàn Việt Nam ghi rõ "đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ". Còn hội nông dân tập thể lập ra để "chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân". Dĩ nhiên hội mà thành viên thuộc diện "chân yếu tay mềm" lại càng phải "chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ". Nhưng không quên giao nhiệm vụ tuyên truyền "tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn..." (Trích nhiệm vụ của công đoàn), hoặc "tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu biết đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của Hội, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân..." (Trích nhiệm vụ của hội nông dân tập thể), hoặc "tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước..." (Trích nhiệm vụ của hội liên hiệp phụ nữ). Và giao hẹn: hội chỉ bảo vệ chăm lo các "quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng" của các hội viên. Nghĩa là cái nào là "bất hợp pháp", là "không chính đáng" theo ý đảng thì không được chăm lo, bảo vệ. Chức năng, nhiệm vụ của các hội nhà nước còn lại hầu như cũng được dập khuôn theo công thức "Hội của đối tượng nào thì bảo vệ chăm lo cho đối tượng ấy nhưng phải kèm nhiệm vụ hoặc là tuyên truyền, chấp hành các đường lối chính sách của đảng hoặc là bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân mà đảng là trung tâm hoặc để đấu tranh với "các thế lực thù địch" bảo vệ đảng, nhà nước"... 

Với chức năng, nhiệm vụ như vậy rất khó để các hội nhà nước chăm lo, bảo vệ được cho các thành viên của mình nhất là khi các chủ trương, chính sách của đảng xâm hại tới quyền, lợi ích của các thành viên ngày một nhiều. Ở vào tình huống đó các hội nhà nước chỉ còn cách bỏ rơi thành viên để làm tròn chức năng của một công cụ. Bởi vậy đã có nhiều nghịch cảnh xảy ra thường xuyên vào những năm gần đây. Công đoàn luôn đứng về phía giới chủ (kẻ đã cấu kết chia chác lợi ích với đảng, nhà nước) để thuyết phục công nhân dừng bãi công, đình công và khi thuyết phục không được thì bỏ mặc cho công an đàn áp bắt bớ công nhân. Hội nông dân tập thể hầu như không hề quan tâm tới một thực tế xảy ra ngày càng nhiều là nông dân bị thu hồi đất nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt thực chất là bị cướp đất. Hội phụ nữ thì bỏ mặc những phụ nữ bị đánh đập, bị giam giữ tra tấn vì đòi quyền con người, tự do, dân chủ. Nhiều hội khác của nhà nước cũng đồng loạt không thèm đếm xỉa tới các thành viên của mình tham gia biểu tình phản đối Tàu cộng bị nhà nước bắt bớ đàn áp rất dã man. Thậm chí những hội có sở trường về nói, viết như hội nhà báo, nhà văn cũng thường xuyên ngậm miệng khi các nhà báo, nhà văn bị đánh đập, bị bỏ tù vì chống tham nhũng và nói ra sự thật. 

Hệ thống hội nhà nước đã làm nhiều người tưởng có dân chủ vì thấy được nói ở hội mà mình tham gia. Nhưng họ đã lầm. Đảng cộng sản đã thông qua lãnh đạo hội định hướng, thanh lọc để mọi lời không nói, dễ nghe, khó nghe của họ ở đó đều trở thành những "tràng vỗ tay". Để to, ròn rã hơn các hội lớn của nhà nước lại được cho nằm trong một hội lớn hơn nữa là mặt trận tổ quốc. Có thêm vai trò được bóng gió bằng bốn chữ trong câu mô tả hành động dây chuyền "Đảng chỉ tay, quốc hội giơ tay, mặt trận vỗ tay, nhân dân trắng tay". Nói thẳng ra là "mặt trận tổ quốc lập ra để mạo danh nhân dân tán thành các chủ trương chính sách của đảng". 

Tuy nhiên, hiện thời tràng "vỗ tay" to đã không còn át nổi tiếng kêu đòi lại những gì đã mất của những người dũng cảm trong số nhân dân "trắng tay"(mất sạch) mà không ít là thành viên của loại hội còn lại. Đó là hội của dân. Có các đặc điểm sau:

- Ban lãnh đạo thường không phải là đảng viên và quan trọng là không chịu sự chỉ đạo của bất cứ cấp bộ đảng hoặc cấp chính quyền nào.

- Nguồn kinh phí để hoạt động không lấy từ ngân sách nhà nước. 

- Các thành viên gia nhập là hoàn toàn tự nguyện. Có thể chia hội của dân thành hai loại: 

Loại 1 gồm những hội lập ra nhằm tới các mục đích đại loại như: rèn luyện sức khỏe, giải trí, văn hóa... đơn thuần, không quan tâm tới các vấn đề chính trị như thực trạng đất nước, nhân quyền, tự do,... Không đối lập với chính quyền. Loại này dễ dàng được cấp phép hoạt động vì nhà nước cũng rất muốn có nhiều hội kiểu này để tô điểm cho bức tranh xã hội dân sự vốn dĩ mờ nhạt trong mắt cộng đồng quốc tế, đồng thời lôi cuốn người dân vào các hoạt động giải trí vô bổ quên đi những chủ đề mà nhà nước không muốn người dân quan tâm. 

Loại 2 tiêu biểu là các hội dân oan ba miền, hội anh em dân chủ, hội phụ nữ nhân quyền, hội cựu tù nhân lương tâm, hội bầu bí tương thân, câu lạc bộ bóng đá NO-U FC, hội văn đoàn độc lập, hội bảo vệ cây xanh Hà Nội,... sắp tới có thể là công đoàn độc lập. Đây là những hội đã bị đảng - nhà nước quy kết, nặng thì "các lực lượng thù địch chống phá nhà nước", nhẹ hơn "bị lợi dụng" hoặc "bất hợp pháp" vì trong mục đích hoạt động đã đề cập tới thực trạng đất nước, chống tham nhũng, quyền con người, tự do, dân chủ, công lý, đối lập phản biện với đảng và nhà nước của đảng... những lĩnh vực mà nhà nước độc tài không muốn người dân quan tâm. Bởi vậy các hội này thường xuyên bị vu cáo, sách nhiễu, đàn áp và tất nhiên không được cấp phép hoạt động. Có thể còn là ít, là sớm khi nói về các thành quả, thành công của những hội này nhưng chắc chắn chúng là nền móng xây dựng xã hội dân sự, góp phần dân chủ hóa đất nước tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ độc tài. 

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sau khi Liên Xô và các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, tác giả Vladimir Bukovsky đã cho ra đời cuốn sách nghiên cứu chính trị "Chủ nghĩa toàn trị giữa ngã ba đường" trong đó có đoạn nói về chế độ độc tài toàn trị:

"Chế độ toàn trị có thể xem là chế độ độc tài mà đã tiến thêm một bước dài trên con đường độc tài. Thay vì đóng cửa, xoá bỏ những tổ chức xã hội dân sự (như một số chế độ độc tài quân sự đã làm), chế độ toàn trị thay thế chúng bằng các tổ chức xã hội dân chủ giả hiệu có vẻ giống như trong các chế độ tự do dân chủ, nhằm ngăn cản bất cứ một hành động nào ngoài vòng kiểm soát của họ xảy ra trong xã hội. Chính vì thế chế độ toàn trị còn tồi tệ và độc tài hơn rất nhiều so với những chế độ độc tài thông thường, chế độ toàn trị luôn kiểm soát mọi mặt của cuộc sống trong xã hội. Nó không những buộc con người trong chế độ phải sống như những nô lệ (của nhà nước toàn trị) mà còn buộc họ phải sống thường xuyên trong sự giả dối. Trên hết nó làm xã hội băng hoại đến mức độ việc quay lại với tự do và dân chủ gần như là không thể". 

Từ kết quả nghiên cứu trên có thể gọi các hội của nhà nước là những tổ chức xã hội dân sự giả hiệu, đồng thời thấy rõ: chế độ cộng sản Việt Nam đích thực là chế độ độc tài toàn trị tồn tại lâu năm nên không thể cải biến mà phải thay thế...

02.12.2015

Lạc lõng

Phạm Đình Trọng (Danlambao) - ...Đến Paris, đến với thế giới, đến với Nhân loại nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn chỉ biết có lãnh tụ của mình, hối hả mang hoa đến lãnh tụ của đảng mình là thứ chính trị nhỏ nhen, hẹp hòi, chỉ biết có đảng chính trị của mình, không biết đến con Người, không biết đến loài Người, không biết đến thời đại. Đảng chính trị thực chất chỉ là công cụ, là phương tiện để giành quyền lực, để có quyền lực. Thứ chính trị chỉ vì quyền lực, chỉ đế có quyền lực, không vì con Người làm sao có thể là thứ chính trị nhân đạo, làm sao có thể bền vững!...


*

Cuối tháng 11. 2015 không khí tang tóc còn đang bao trùm thủ đô nước Pháp sau vụ khủng bố đẫm máu đêm 13.11.2015 nhằm vào dân lành Paris giết chết hơn 150 dân thường. Cuối tháng 11. 2015, cả thế giới còn đang hướng về nước Pháp, hướng về Paris, chia sẻ đau buồn với người dân Pháp.

Ngày cuối cùng của tháng 11 tang tóc đó của Paris, của nước Pháp, cùng với 150 người đứng đầu nhà nước trên khắp thế giới đến Paris tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từ sân bay Orly đến thẳng nhà hát Bataclan, quận 11 trung tâm thủ đô Paris, trung tâm của nỗi đau Paris 13.11.2015, cúi mình tưởng niệm 118 người dân trong nhà hát Bataclan bị khủng bố xả súng giết hại đêm 13.11.2015. 

Ảnh: Reuters

Cũng thời điểm đó, Thủ tướng của nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Paris liền cùng đoàn tùy tùng từ sân bay Charles de Gaulle vội vã đi thẳng một mạch gần 20 km bỏ qua thủ đô Paris, bỏ qua nỗi đau Paris 13.11.2015, đến vườn hoa của thành phố Montreuil, ngoại ô Paris đặt giỏ hoa trước bức tượng nhỏ nửa thân Hồ Chí Minh chỉ cao 50 cm trên trụ đá cao 1,5m. 

Ảnh: Internet

Tổng thống Barack Obama mang hoa đến viếng ở Bataclan nơi dân lành Paris bị khủng bố giết tàn bạo nhất, khủng khiếp nhất, đẫm máu nhất và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mang hoa đến viếng Hồ Chí Minh đều là hành xử rất chính trị. Nhưng là hai thứ chính trị khác hẳn nhau.

Đặt chân đến Paris, Tổng thống Barack Obama đến ngay nơi người dân Paris bị khủng bố tàn sát là thứ chính trị vì con Người, hướng đến con Người, thứ chính trị cao cả, chân chính, bền vững của mọi thời đại, mọi dân tộc.

Tổng thống Barack Obama nghiêng mình, cúi đầu trước nỗi đau của người dân Paris, trước nỗi đau của con Người. Trong dáng nghiêng mình của Obama có vóc dáng lớn lao của loài Người..

Đến Paris, đến với thế giới, đến với Nhân loại nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn chỉ biết có lãnh tụ của mình, hối hả mang hoa đến lãnh tụ của đảng mình là thứ chính trị nhỏ nhen, hẹp hòi, chỉ biết có đảng chính trị của mình, không biết đến con Người, không biết đến loài Người, không biết đến thời đại. Đảng chính trị thực chất chỉ là công cụ, là phương tiện để giành quyền lực, để có quyền lực. Thứ chính trị chỉ vì quyền lực, chỉ đế có quyền lực, không vì con Người làm sao có thể là thứ chính trị nhân đạo, làm sao có thể bền vững!

Đứng giữa đám tùy tùng trước bức tượng đá Hồ Chí Minh trong vườn hoa Montreuil hiu quạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thật lạc lõng với thế giới, lạc lõng với thời đại, càng lạc lõng với loài Người! Người lãnh đạo đất nước lạc lõng thì cả dân tộc lạc lõng!

01/12/2015

Sự thật về vụ CSGT la làng vì bị tài xế "đánh nhập viện"

Youtube Vu Thanh Ngot

CTV Danlambao - Tài xế Nguyễn Bảo Toàn, sinh năm 1978, quê ở Bình Định vừa bị lực lượng CA tạm giữ hình sự với cáo buộc  mang tên “chống người thi hành công vụ”. Theo một số trang báo mạng của nhà nước, ông Toàn bị bắt vì đã "đánh bầm dập" một thượng uý cảnh sát giao thông tên Võ Văn Thoại đến mức phải "nhập viện" vào hôm 30/11/2015 tại khu vực cầu vượt Thủ Đức.

Ngay lập tức, một đoạn video clip do người dân ghi lại tại hiện trường đã cho thấy một sự thật hoàn toàn khác với những thông tin do phía CA đưa ra trước đó.

Lúc 9 giờ sáng ngày 30/11/2015, tài xế Nguyễn Bảo Toàn khi đang lưu thông trên xa lộ Hà Nội (Quận 9) thì bị cảnh sát giao thông dừng xe do lỗi đi sai làn đường.

Ông Toàn được nói đã không chấp hành lệnh dừng xe khiến lực lượng CSGT phải tiến hành truy đuổi.

Báo Vietnamnet nói rằng: “Do gặp đoạn đường ùn tắc nên tài xế Toàn không tiếp tục điều khiển xe chạy được nữa. Thượng úy Thoại với tay tắt chìa khóa. Toàn mở cửa, vung chân đạp nhưng thượng úy Thoại chụp lấy chân nên cả hai té xuống đường, rất may không có thương vong... 

Đáng nói sau đó tài xế Toàn đứng dậy dùng tay chân để đạp, đấm...thượng úy Thoại ngay giữa đường, trước mặt nhiều người dân đang lưu thông trên xa lộ.” 

Tuy nhiên trong clip người đi đường vừa công bố cho thấy sự thật hoàn toàn ngược lại. Viên CSGT tên Thoại ra sức níu chân tài xế Toàn trên đường, sau đó trèo lên buồng lái và tài xế là người phải rời khỏi khỏi buồng lái.

Tại đồn công an, tài xế Toàn trình bày: 

"Khi dừng xe lại các đồng chí CSGT yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ thì tôi nói "Tôi đi đúng làn đường mà sếp!". CSGT kêu tôi đưa giấy tờ nhưng tôi không đưa, thì một CSGT nhào lên xe và đánh tôi một cái. Chiến sĩ CSGT này sau đó rút chìa khóa xe tôi rồi 2 người giằng co trên xe và anh đánh tôi quá chừng”

Trên FB Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) có bình luận rằng: 

"Một bạn nhà báo viết mảng điều tra cho hay: "Nhiều tài xế xe tải từng là nạn nhân của Thoại. Trên xa lộ, có cả ngàn người là nạn nhân chứ không phải một."

Kèm theo bình luận trên là dẫn chứng bài báo về việc sách nhiễu tài xế có liên quan đến thượng uý Võ Văn Thoại từ năm 2014.


Như thế nào thì gọi là ngụy?

Nguyễn Dư (Danlambao) - Chắc nhiều người biết chữ "Ngụy" là có nguồn gốc từ chữ Hán, người mình dùng quen, cho nên đến những thế hệ của chúng ta sau này nó trở thành từ Hán-Việt thông dụng. Chữ "Ngụy" đi kèm với những từ sau nó thì sẽ làm biến đổi ý nghĩa của câu. Thí dụ như: ngụy quân tử.

Người Á đông quý trọng người quân tử, vì thế cho nên nhiều người lợi dụng điều đó mà cải trang cho bản thân bằng những phong cách giống như người quân tử, nhưng bản chất thật thì không được nhiều người quý trọng. Trong trường hợp này, ngôn ngữ bình dân người ta gọi những người như thế là đóng kịch, giả dối, giả tạo, hay văn vẻ hơn: là ngụy quân tử.

Thí dụ tiếp theo: như chữ ngụy trang, ngụy triều, ngụy quân, ngụy quyền... Ngày xưa, cộng sản gọi chế độ Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quân, ngụy quyền, chắc có lẽ họ lấy ý từ hai chữ ngụy triều mà ra. Họ cho rằng "triều đại" Việt Nam Cộng Hòa là do Mỹ dựng nên, là chế độ kềm kẹp, bù nhìn, là giả tạo; còn họ (cộng sản Bắc Việt) đánh là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc thì là... chính nghĩa(?!). Trong vấn đề này chúng ta đã nói, phân tích nhiều, không cần phải tranh cãi nữa. Cũng cần phân biệt thêm nước Ngụy ngày xưa bên Trung Hoa và họ Ngụy của người Á Đông.

Tôi đã trải qua hai thời kỳ, bắt đầu từ khi ông Diệm còn làm thủ tướng, rồi sau đó thành lập Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa; cho đến ngày hôm nay ngồi ôn lại quá khứ, chưa bao giờ thấy chế độ miền Nam Việt Nam là chế độ ngụy, kềm kẹp, giả dối, giả tạo như cộng sản gán ghép, "gắp lửa bỏ tay người" một cách gian trá như người cộng sản thường tuyên truyền, xuyên tạc. Rồi từ khi gọi người Việt hải ngoại bằng "khúc ruột ngàn dặm", có lẽ vì trơ trẽn quá nên họ bỏ dần, thấy sau này không còn sử dụng từ ngụy quân, ngụy quyền nữa.

Ngày hôm nay thì mọi người thấy rõ, chính cộng sản mới là ngụy quyền (gọi theo cách của người xưa là ngụy triều), bởi lẽ, họ cướp chính quyền miền Nam Việt Nam, "soán ngôi" bất chính, mà họ dùng ngụy từ là đi giải phóng để che đậy. Ai cần giải phóng ai thì chúng ta và mọi người điều biết. Đáng lý ra người miền Nam cần giải phóng người miền Bắc thoát khỏi cảnh kềm kẹp mà trở nên nghèo nàn, lạc hậu rồi đi đến ngu dốt, thì mới là hợp lý.

Từ cái chỗ bất chính, cho nên họ mới quản lý ngôn luận gắt gao và dùng những ngụy ngữ để che đậy những gì xấu xa do chế độ tạo nên. Thí dụ như chữ Osin là từ vay mượn nước ngoài, mới xuất hiện gần đây để thay cho động từ ở đợ trong tiếng Việt. Đình công thì họ gọi là ngừng việc tập thể; biểu tình thì là tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng. Tàu Trung Quốc bắn giết ngư dân thì họ gọi là tàu lạ...

Người cộng sản nhận ra, nếu nói rằng đi làm công hay bán sức lao động ra nước ngoài thì nghe nó kỳ khôi quá, cho nên họ gọi hợp tác lao động hay xuất khẩu lao động, nghe nó có vẻ nhẹ nhàng hơn. Bây giờ thì có khác; chứ còn ngày xưa trong chế độ xã hội chủ nghĩa có lẽ chẳng có gì để xuất khẩu nên đành phải xuất khẩu lao động vậy!

Hợp tác lao động, gọi như thế là họ chơi ăn gian, bởi lẽ hai chữ hợp tác nó mang hàm ý là hùn hạp, cùng làm, cũng có nghĩa là phải công bằng. Thí dụ: có liên quan tới tiền bạc thì chia theo tỉ lệ; trong công việc thì phải cùng làm chung, ăn lương theo giờ tùy khả năng. Còn một người bỏ tiền ra mướn người khác làm việc cho mình rồi trả lương, tức là chủ trả lương cho người làm công (thợ); có khi người làm công còn bị chủ bóc lột sức lao động thì không thể gọi là hợp tác được.

Những gì xấu xa mà cộng sản "gắp lửa bỏ tay người", gán ghép cho Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa như: kềm kẹp, tư bản bóc lột, ngụy quân, ngụy quyền, bọn phản động bán nước, thì bây giờ thời gian đã trả lời, họ đã hiện nguyên hình trong những cái xấu xa đó.

Chế độ cộng sản - cần phải gọi chính xác cho đúng nghĩa - mới là chế độ ngụy quyền.

02/12/2015

Biển rộng nhưng ngư dân Việt không có đường sống

CÀ MAU (NV) Ngoài Trung Quốc, ngư dân Việt còn bị Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan rượt đuổi, bắn, bắt, giam giữ, buộc nộp phạt, tịch thu phương tiện sinh nhai với cáo buộc tương tự: Xâm phạm lãnh hải!

Theo tờ Tuổi Trẻ thì Thái Lan vừa phóng thích 14 ngư dân cư trú ở Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Những ngư dân này làm việc trên hai tàu đánh cá, một mang số hiệu CM 99693 và một mang số hiệu CM 91030, bị Hải Quân Thái Lan bắt vì “xâm phạm lãnh hải” vào ngày 18 tháng 9.


Cảnh đoàn tụ của một gia đình ngư dân vừa được Thái Lan phóng thích. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tất cả đều bị đánh, bị bỏ đói, thân nhân phải nộp tiền phạt, bị giam ba tháng rồi mới được trả tự do. Song không phải ai cũng được thả. Hiện vẫn còn một ngư dân của tàu CM91030 bị giam ở nhà tù Songkhla.

Cùng bị bắt với họ trong ngày 18 tháng 9 còn có ngư dân trên ba tàu của các tỉnh khác ở Việt Nam nhưng không rõ số phận những ngư dân ấy ra sao.

Ông Dương Hoàng Huy, làm việc trên tàu CM 99693, kể rằng, lúc bị bắt, thời tiết trên biển rất xấu, mưa to, gió lớn nên những tàu câu mực bị bắt chưa câu được gì và cũng không xác định được đâu là biển Việt Nam, đâu là biển Thái Lan. Họ cùng bỏ chạy khi bị tàu Thái Lan săn đuổi rồi bị bắt.
Mẹ ông Huy thì kể, sau khi hai đứa con trai bị bắt, bà đã chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có 100 triệu “chuộc” con về.
Theo tờ Tuổi Trẻ, có những phụ nữ là vợ ngư dân bị Thái Lan bắt phải vay nóng với lãi suất 1% một... ngày để “chuộc” chồng.

Theo một báo cáo của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Cà Mau thì từ đầu năm 2010 đến giữa tháng 11 năm nay, riêng Cà Mau có 248 tàu và 2,269 ngư dân bị “nước ngoài bắt giữ.” Trong đó có một tàu bị bắn chìm, 187 tàu bị tịch thu, 9 tàu bị tịch thu ngư cụ. Chỉ mới có 51 tàu và 481 ngư dân được thả.

Nếu tính theo quốc gia thì có 159 tàu và 1,753 ngư dân bị Thái Lan bắt giữ. 35 tàu và 358 ngư dân bị Malaysia bắt giữ. 18 tàu bị Campuchia bắt giữ,...

Thống kê này chưa kể số lượng tàu đánh cá và ngư dân các tỉnh khác bị bắt giữ.

Ông Ðỗ Chí Sĩ, chi cục trưởng Chi Cục Khai Thác và Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Cà Mau, giải thích, ranh giới vùng biển của Việt Nam ở khu vực Cà Mau có sự chồng lấn với Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Nhiều tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam bị bắt ở khu vực có sự chồng lấn này. Việc “xâm phạm lãnh hải” có yếu tố do thời tiết. Cũng có khi do mải mê đuổi theo luồng cá.

Tờ Tuổi Trẻ kể rằng, riêng tại thị trấn Sống Ðốc, tháng nào cũng có tàu bị Thái Lan bắt giữ. Giữa Việt Nam và Thái Lan có sự khác biệt lớn khi ngư dân quốc gia này “xâm phạm lãnh hải” quốc gia kia. Ngư dân Thái Lan “xâm phạm lãnh hải” Việt Nam thì bị lập biên bản, nhắc nhở rồi thả. Còn Thái Lan đối xử với ngư dân Việt Nam theo hướng ngược lại. Không những không can thiệp hay tìm giải pháp thích hợp để bảo vệ, Việt Nam còn phạt những ngư dân bị Thái Lan bắt vì “tự ý đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài hoạt động.” Một viên đại úy tên là Nguyễn Văn Hệ, đồn phó Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, cho biết, mức phạt lên đến... 50 triệu đồng nhưng vẫn... có người vi phạm!

Cuối năm ngoái, Hải Quân Indonesia đã kéo ba con tàu đánh cá mà họ tịch thu của ngư dân Việt Nam đến vùng biển nằm giữa Indonesia và Mã Lai, gắn thuốc nổ vào cả ba con tàu rồi khai hỏa vào chúng. Theo Indonesia, cả ba con tàu vừa kể bị bắt giữ vào tháng 11. Indonesia đã tịch thu ba tấn cá và tạm giữ 33 ngư dân. Sau đó Tòa án Indonesia quyết định phá hủy cả ba con tàu và trục xuất 33 ngư dân Việt Nam. Ðến tháng 5 năm nay, trong 41 tàu đánh cá bị Indonesia bắt giữ rồi tổ chức phá hủy cũng có “một số tàu đánh cá Việt Nam” nhưng Indonesia không cho biết số lượng cụ thể.

Cũng cuối năm ngoái, Malaysia loan báo, chỉ riêng Cơ quan Chấp pháp Hàng hải Khu vực Tok Bali đã bắt giữ hơn 200 ngư dân Việt Nam vì “xâm phạm lãnh hải” và “đánh bắt trái phép” trong vùng biển thuộc chủ quyền của Mã Lai.

Cũng cuối năm ngoái, lực lượng tuần duyên của Philippines loan báo đã bắt giữ một tàu đánh cá và giam giữ 7 ngư dân Việt Nam để điều tra việc họ đánh bắt những loại hải sản bị cấm đánh bắt trong vùng biển của Philippines.

Chính quyền Việt Nam im lặng, không xác nhận đúng-sai trong tất cả các vụ bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân vừa kể, trừ vụ cảnh sát biển Thái Lan xả súng vào sáu tàu đánh cá của Việt Nam ở vịnh Thái Lan hồi tháng 9, khiến một ngư dân chết, hai trọng thương (G.Ð)

12-01-2015 2:10:01 PM 

Vỡ tín dụng đen 5 triệu đô la, dân nghèo điêu đứng

QUẢNG BÌNH (NV) Hàng loạt nông dân, tiểu thương đứng trước nguy cơ mất sạch tài sản, nhà cửa khi đường dây tín dụng đen ở thị xã Ba Ðồn, do một nữ cán bộ lập vừa vỡ nợ hơn 100 tỷ đồng, khoảng 5 triệu đô la.

Theo tin của báo Người Lao Ðộng, chiều 1 tháng 12, công an thị xã Ba Ðồn cho biết, với tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên đã chuyển hồ sơ điều tra lên công an tỉnh Quảng Bình để tiếp tục điều tra.


Một vụ xét xử vỡ quỹ tín dụng đen tại Quảng Bình hồi năm 2013. (Hình: Người Lao Ðộng)

Ðiều đáng nói là một trong những người đầu mối chủ chốt tham gia lập đường dây tín dụng đen này là bà Nguyễn Thị Thu Lý (30 tuổi), trú phường Quảng Thuận, thị xã Ba Ðồn, là cán bộ trung tâm giao dịch một cửa liên thông thuộc ủy ban thị xã Ba Ðồn. Sau khi vỡ nợ, bà Lý đã xin nghỉ phép, không đến cơ quan làm việc.
Nhiều người bị “sập bẫy” đường dây này gồm có các tiểu thương, chủ doanh nghiệp. Ðặc biệt, trong đó nhiều nông dân ở huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Ðồn đã cầm cố giấy chứng nhận sở hữu nhà đất để tham gia nhằm được hưởng lãi suất cao.

Tin cho hay, trước khi vỡ nợ, gia đình bà Lý có cuộc sống khá vương giả trong vùng với hai xe hơi đời mới, nhà cửa khang trang.

Trước đó, sau gần 2 năm điều tra, tháng 5, 2013, tòa án tỉnh Quảng Bình cũng đã xét xử vụ vỡ tín dụng đen được xem là lớn nhất tỉnh Quảng Bình vào thời điểm đó, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Lần này vụ việc có số tiền lớn hơn rất nhiều. (Tr.N)

12-01-2015 4:07:50 PM

Nỗi bẽ bàng bị động của Người hùng Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cách đây 2 tháng, khi ông Putin quyết định lao vào cuộc chiến ở Syria với những cuộc không kích mạnh mẽ, nhiều nhà bình luận khen ông đã có một quyết định cao mưu, chủ động làm thay đổi cán cân lực lượng ở Trung Đông, cho thấy Nga đang trở lại trên lĩnh vực ngoại giao cũng như quân sự trong tư thế một cường quốc đáng nể. Nhiều người ca tụng nước cờ cao tay của người hùng Putin đã làm quên đi cơn khủng hoảng ở Ukraine và việc xâm chiếm bán đảo Crimea – hai sự kiện đã làm cho Nga bị thế giới trừng phạt.
Trên báo Pháp Le Monde hồi đó (ngày 26/8/2015) đã có lời bình rằng Hoa Kỳ và phương Tây bị thua một ván cờ, bị động lúng túng đối phó khi nước cờ cao của Putin đã làm thay đổi cục diện, xáo trộn các lá bài trên mặt trận Syria. Lực lượng quân sự Nga được phô trương tại hải cảng quân sự Latakia nước sâu và căn cứ quân sự Hmeymim gần đó, với lực lượng không quân và hải quân hiện đại, như nhiều phi đoàn Su-24, tên lửa phòng không và tuần dương hạm Moskva. Nước Nga đã trở lại Trung Đông với thế mạnh của một cường quốc.

Thế của Tổng thống Syria al- Assad đang thua to, bỗng nhiên được Putin ứng cứu bằng hàng trăm cuộc oanh kích và hàng trăm tên lửa phóng đi từ biển Caspian tập trung đánh vào các lực lượng nổi dậy chống al-Assad, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nhắm vào các mục tiêu của IS (Nhà nước Hồi giáo) đang bị liên minh các nước phương Tây cùng các nước Ả-rập tấn công.
Nhược điểm của ông Putin là đã đến quá muộn, khi al-Assad - bạn đồng minh hiếm hoi - đã bị mất nhiều vùng đất rộng lớn, bị mất hết uy thế do gây nên nhiều vụ tàn sát dân thường. Ông Putin cũng đã chậm chân vì IS đã chiếm được một vùng lãnh thổ rất rộng - 1/3 diện tích Syria và 1/4 diện tích Iraq - thực hiện chính sách giết người man rợ, chuyên chặt đầu tù binh và con tin, trở thành kẻ thù chính của toàn thế giới.
Nước cờ đã tưởng là cao tay của ông Putin hóa ra là nước cờ quá thấp, trái khoáy. Cho đến khi máy bay hàng không dân dụng của Nga bị IS đặt bom làm chết hơn 200 thường dân Nga, ông Putin mới tỉnh ra đôi chút, buộc phải coi IS thực sự là kẻ thù của mình để tập trung các cuộc không kích vào nhóm cuồng chiến man rợ này, nhưng ông Putin không chịu buông bỏ al-Assad, vẫn chơi trò 2 mang, tỏ ra thiếu viễn kiến, thiếu sự bén nhạy của một sỹ quan tình báo lão luyện. Ông còn tiếp đón al-Assad tại Moscow một cách rất thân tình. Sau khi chuyển sang tập trung đánh vào IS, ông Putin vẫn còn tiếc rẻ, tiếp tục đi theo lối mòn cũ, giả dối cam kết với Hoa Kỳ và Liên Âu sẽ tập trung không kích mạnh hơn các cơ sở của IS, nhưng vẫn dành một tỷ lệ cao các cuộc oanh kích đánh phá các nhóm nổi dậy chống al-Assad, trong đó có các nhóm người gốc Thổ ở phía Tây Bắc Syria, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Và tai nạn không bất ngờ đã xảy ra. Theo loan báo của Thổ Nhĩ Kỳ, một máy bay Sukhoi Su-24 của Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và đã bị máy bay F-16 của Thổ bắn hạ. Ông Putin lên án Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng chiếc Su-24 không hề vi phạm không phận Thổ, và tố cáo Thổ cố tình «đâm sau lưng» Nga. Ông Putin rất cay khi Tổng thống Barack Obama khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có quyền chính đáng bảo vệ không phận quốc gia, đồng thời kêu gọi 2 bên tránh leo thang đối đầu. Liên Âu cũng có lập trường tương tự. Mối liên lạc quân sự Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bị cắt đứt, nhưng 2 bên đều thấy không thể căng thẳng thêm.
Ông Putin thêm bẽ bàng vì 1 trong 2 phi công từ chiếc Su-24 nhảy dù ra bị thiệt mạng. Hai trực thăng Mi-8 của Nga đến cấp cứu thì một bị bắn rơi, 1 người lái trúng đạn, gây ra một tổn thất kép cho phía Nga trong vụ này. Phía nổi dậy người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nói thẳng ra rằng nếu như ông Putin giữ lời hứa tập trung không kích IS là kẻ thù chung, từ bỏ chủ trương đánh phá các nhóm người Syria và người Thổ Nhĩ Kỳ, xem họ là đồng minh cùng chống al- Assad, thì đã không thể xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy.
Họ đã nói trúng tim đen của người hùng Putin, vì ông vẫn còn giữ ảo vọng duy trì al-Assad bằng mọi giá, vì là bạn hiếm, cánh hẩu mua nhiều vũ khí Nga và còn để Nga sử dụng lâu dài những căn cứ hải quân nước sâu và căn cứ quân sự ở Latakia - là những căn cứ quý hiếm ở Trung Đông. Chính do những tính toán như trên mà ông Putin ở trong tình trạng bất an, và hay bị bất ngờ.
Sau các cuộc khủng bố lớn của nhóm IS ở Paris ngày 13/11, chúng còn dọa sẽ gây sự ngay ở Nga và ở các nước Hồi giáo láng giềng của Nga ; đã có vài trăm người ở các nuớc này sang Syria để được nhồi sọ tôn giáo và huấn luyện khủng bố, ông Putin buộc phải tỏ quyết tâm tham gia mạnh mẽ hành động nhằm tiêu diệt IS - kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại. Ông khẳng định lập trường này trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande ở Moscow ngày 26/11 vừa qua, tuyên bố Nga sẽ đẩy mạnh các cuộc không kích, nhận sự phân công chung là không quân và tên lửa Nga sẽ đánh mạnh hơn vào các mỏ dầu và nhất là các đoàn xe quân sự, xe bồn to chở dầu của bọn IS, giáng mạnh vào nền kinh tế tài chính của chúng, đồng thời thỏa thuận sẽ cùng nhau trao đổi thông tin quân sự và tình báo rộng rãi, kịp thời giữa các nước tham gia trận chiến diệt IS.
Đó là con đường duy nhất để khôi phục uy tín của nước Nga, hòa nhập với thế giới hiện đại. Thực tế đã mở mắt thêm cho người hùng Putin về tình hình thực tiễn ở Trung Đông.

Tìm cách khôi phục tư thế cường quốc hàng đầu bằng những tính toán riêng tư thiển cận theo chủ nghĩa Đại Nga chỉ là lặp lại những ảo tưởng lạc lõng của các Nga hoàng xa xưa và của các hoàng đế CS Stalin và Lenin trước đây.
Lời hứa trên đây của ông Putin còn phải được chứng minh ngay trong hành động trong những ngày sắp tới ở Trung Đông.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Giới trẻ Philippines phát động sáng kiến ‘ra đảo biểu tình’ ở Biển Đông

Người Philippines biểu tình chống Trung Quốc tại khu tài chính của thành phố Makati, phía đông Manila, ngày 12/11/2015.
Người Philippines biểu tình chống Trung Quốc tại khu tài chính của thành phố Makati, phía đông Manila, ngày 12/11/2015.
VOA-01.12.2015
Một nhóm tình nguyện viên trẻ Philippines có sáng kiến tổ chức biểu tình tại nhóm đảo Kalayaan (thuộc quần đảo Trường Sa) mà Philippines tuyên bố chủ quyền vào ngày thứ Ba (1/12), bất chấp sự phản đối của các giới chức quân sự và quốc phòng nước này.
Nhóm Kalayaan Atin Ito bắt đầu hành trình trên biển của họ trễ một ngày so với dự kiến vì một số thành viên của nhóm từ khu vực Visayas đến trễ do thời tiết xấu.
“Chuyến bay của một số tình nguyện viên bị hủy bỏ vì điều kiện thời tiết xấu ở Visayas. Chúng tôi phải điều chỉnh lại lịch trình. Chúng tôi sẽ đợi đầy đủ các thành viên cho tới thứ Ba”, Mariel Ipan, một thành viên của nhóm cho biết.
Nhóm trẻ tình nguyện Philippines đã lên kế hoạch “ra đảo biểu tình” từ vài tháng trước, bất chấp sự phản đối của một số giới chức quân sự và quốc phòng rằng chuyến đi “quá nguy hiểm” và rằng nó có thể ảnh hưởng đến vụ kiện trọng tài đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc.
Kế hoạch ban đầu của nhóm là ra đảo biểu tình trong 1 tháng (từ 30/11 – 30/12).
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã yêu cầu nhóm Kalayaan Atin Ito không tiến hành chuyến đi này vì hai lý do: thời tiết xấu ngoài biển và vụ kiện trọng tài.
Philippines đang tiến hành vụ kiện chống yêu sách chủ quyền với đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye.
Lực lượng vũ trang Philippines cho biết họ đã cố ngăn cản các tình nguyện viên vì họ không có trách nhiệm và thời gian để chuẩn bị các công tác đảm bảo an ninh cho hành trình của nhóm bạn trẻ này.
Đại tá Restituto Padilla, phát ngôn viên của Lực lượng vũ trang Philippines, nói quân đội sẽ chỉ giám sát hành trình qua liên lạc vô tuyến với sự giúp đỡ của Cảnh sát biển Philippines.
“Họ phải tự lo liệu… Chúng tôi chỉ theo dõi họ, Lực lượng vũ trang Philippines không trực tiếp tham gia vì chúng tôi đã nói với họ là nên có những hoạt động khác thay thế tốt hơn để biểu đạt sự ủng hộ của họ thay vì đi ra đó”, ông Padilla nói.
Trước đó, nhóm Kalayaan Atin Ito cho biết có 10.000 tình nguyện viên (chủ yếu là sinh viên) từ 81 tỉnh thành của Philippines sẽ tham gia vào cuộc biểu tình kéo dài 1 tháng này.
Tuy nhiên, nhóm gặp một số trở ngại trong việc gây quỹ và hỗ trợ cho hành trình cũng như cuộc biểu tình ước tính cần ít nhất là 1 tỷ peso (hơn 21 triệu USD).
Ông Padilla cho biết ông nhận được thông tin là các bạn trẻ sẽ thuê 81 tàu (đại diện cho 81 tỉnh thành của Philippines) để đến Kalayaan, một đô thị thuộc tỉnh Palawan, để biểu tình.
“Đây không phải là thời điểm tốt để du hành. Biển rất động, đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu họ xem xét thực hiện các hoạt động thay thế khác”, ông Padilla nói thêm.
Thị trưởng của thị trấn Kalayaan cũng phản đối chuyến đi vì lý do tương tự. Ông Eugenio Bito-onon nói:
“Thật sự là rất mạo hiểm, đặc biệt là tháng 12 khi thời tiết rất xấu”.

Bất chấp những ngăn cản trên, nhóm trẻ Philippines, với thủ lĩnh là cựu phiến quân và thuyền trưởng Nicanor Faeldon, vẫn cương quyết thực hiện chuyến đi.
Abg Faeldon cho biết chuyến đi nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân Philippines về tầm quan trọng của sự đoàn kết và hợp tác trong việc giành lại phần lãnh thổ đã bị Trung Quốc chiếm giữ.
Một bản trẻ tên là Ipan nói: “Chúng tôi lạc quan là Bộ Quốc phòng và Lực lượng vũ trang Philippines sẽ hiểu và dần dần ủng hộ hành trình của chúng tôi vì đây là sự hỗ trợ cho những nỗ lực của chính phủ nhằm khẳng định chủ quyền trên vùng biển của chúng tôi.”
Cô Ipan nói thêm: “Hành trình vẫn được tiến hành. Không có luật nào cấm chúng tôi đấu tranh cho quyền lợi của mình một cách ôn hòa và trong phạm vi luật pháp cả. Đây là thời điểm để chúng tôi đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Đây là trận đánh cho toàn thể nhân dân Philippines.”
Cô Ipan cho biết nhóm sẽ tuân thủ những lời khuyên của các giới chức quân sự và địa phương.
“Chúng tôi sẽ tuân thủ theo số lượng người cho phép lưu lại ở thành phố tự trị Kalayaan vì đó là lời khuyên của thị trưởng Eugenio Bito-onon”.
Nguồn: Politiko Luzon, Coconuts Manila, inquirer.net

Phải thận trọng trong việc cho phép trường kinh doanh đào tạo ngành y

Thời gian qua, thông tin về Trường Đại học tư thục Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được cấp phép đào tạo ngành y đa khoa và dược học trình độ Đại học hệ chính quy đã gây xôn xao dư luận. Đã xuất hiện rất nhiều tranh cãi gay gắt, trong đó số người không đồng ý dường như đang áp đảo.
Tại sao trường kinh doanh dạy y học?
Việc một trường đại học kinh doanh và công nghệ lại mở ngành đào tạo y dược thật là một sự kiện vô tiền khoáng hậu mà gần như không thấy có ở các nước khác trên thế giới. Ở các nước, thường thì các ngành đặc biệt như y dược, sư phạm, luật học sẽ gom thành một khối đào tạo chung.
Mục tiêu của việc này là các chuyên ngành (cùng nằm trong trường y) có thể hỗ trợ nhau về cơ sở vật chất, hạ tầng, giảng viên, tư liệu,… Điều này vừa giúp sinh viên có thể học trong môi trường có điều kiện tốt, vừa không gây lãng phí đầu tư hạ tầng.
Việc để trường kinh doanh, công nghệ dạy y dược không những lãng phí về mặt đầu tư vì các ngành không hỗ trợ được cho nhau, mà còn tạo ra một môi trường hỗn tạp không có lợi cho việc đào tạo ngành y, vốn cần có một văn hóa sư phạm riêng để tạo ra những bác sĩ, dược sĩ vừa có tài, vừa có tâm. Mặt khác, dù lãnh đạo Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết trường này đủ điều kiện đào tạo ngành y, các phản ánh của báo chí và giới chuyên gia vẫn đặt ra quá nhiều nghi vấn cần được làm rõ về hạ tầng, năng lực chuyên môn và cam kết chất lượng đào tạo của trường khi mở ngành y dược.
Xin hãy thử tưởng tượng rằng, việc đầu tư hạ tầng 80 tỉ cùng liên kết với một số bệnh viện, vài chục giảng viên là có thể mở ngành y – một ngành học được xem là danh giá tại Việt Nam mà nhu cầu vào học chưa bao giờ thiếu nhưng đầu ra chưa thật sự đáp ứng hết nhu cầu xã hội – thì quyết định cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ mở ngành y sẽ là một khởi đầu màu mỡ cho hàng loạt những người mong muốn kinh doanh từ ngành học này. Thử tưởng tượng rồi hàng loạt các trường kinh doanh khác cũng mở ngành y, như sư phạm, luật, thậm chí là bách khoa, công nghệ thông tin…hễ có đủ tiền để đầu tư là được mở ngành y thì rõ ràng là bất ổn.
Phải cân nhắc hệ lụy
Có rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra, đòi hỏi nhà chức trách phải cân nhắc tối đa trước khi chính thức cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ tuyển sinh ngành y. Thứ nhất, đó là chất lượng đào tạo. Một nguyên tắc tối thiểu trong việc đầu tư là kinh phí mở dự án/mở ngành đào tạo thì không khó, nhưng để duy trì các hoạt động đảm bảo hoạt động cho ngành không phải dễ, thậm chí khó gấp hai, gấp ba lần.
Con số vài chục tỷ để đầu tư hạ tầng chỉ là khởi đầu. Làm sao bảo đảm khi tiến hành hoạt động, số tiền bảo trì và phát triển hệ thống hạ tầng có thể đủ để ngành đào tạo một cách tốt nhất. Hay như việc ghi tên vài chục giảng viên vào danh sách giảng viên của trường thì không khó, nhưng làm sao cam đoan các giảng viên sẽ làm việc toàn tâm toàn ý cho trường này, nhất là khi số lượng giảng viên cam kết làm việc lâu dài tại trường (ngành y đòi hỏi 6 năm đào tạo) hiện vẫn chưa chắc chắn. Đó là chưa nói đến việc số lượng giảng viên cơ hữu, có uy tín, kinh nghiệm và vững chuyên môn có thể giảng dạy hiện vẫn là một vấn đề nan giải của ngành y nói chung. Nói một cách dễ hiểu, tạo ra thì dễ nhưng việc duy trì vận hành để có sản phẩm tốt thì không dễ và cần phải xem xét.
Mặt khác, việc trường kinh doanh đào tạo ngành y liệu có mang lại sự an tâm cho người dân, những người sẽ trực tiếp sử dụng dịch vụ y tế. Một tâm lý chung, sinh viên y của trường y chắc chắn sẽ giỏi hơn, hay ít nhất có đầy đủ điều kiện hơn để có thể trở thành một bác sĩ hoàn thiện hơn so với sinh viên y của trường kinh doanh. Có vẻ vô lý, nhưng ngay cả cái tên “kinh doanh” và “y dược” cũng là hai từ không có ý nghĩa làm tăng giá trị cho nhau, mà trái lại chính thương hiệu “kinh doanh” làm giảm đi đáng kể uy tín của ngành y dược. Không ít người lo ngại rằng thế hệ bác sĩ tốt nhiệp từ trường kinh doanh sẽ khó xin được việc nơi xuất thân của mình; nhất là hiện nay dư luận không có dấu hiệu ủng hộ, thậm chí còn phản ứng trước chủ trương trường kinh doanh đào tạo ngành y.
Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Ông bà xưa có câu “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, có nghĩa là nên tập trung vào một lĩnh vực hơn là việc lấn sân qua những ngành vốn không phải thế mạnh bản thân. Trong kinh tế học, người ta chứng minh rằng nếu giữa các thực thể có thể bù đắp và hỗ trợ cho nhau về lợi thế so sánh thì hiệu quả sẽ tốt nhất. Khi hợp tác hay liên kết với nhau, người ta cũng chỉ chọn lĩnh vực mình mạnh nhất để phát huy sức mạnh và hiệu quả.
Đó là lý do nhà nước nên có sự cân nhắc trong quản lý đào tạo. Một trường đại học chỉ nên tập trung vào một nhóm ngành nhất định, hạn chế sự lấn sân không cần thiết như kiểu kinh doanh lại đào tạo ngành y, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam, tuy vẫn thiếu y bác sĩ nhưng sẽ cần hơn những bác sĩ giỏi tay nghề, chứ không phải cứ hễ là bác sĩ thì đều có thể làm việc và cống hiến.
Việc phân ngành trước nay ở Việt Nam vốn cũng đang theo xu hướng của nhiều nước trên thế giới, gồm khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhóm ngành kỹ thuật-công nghệ, y dược. Vậy nên đừng phá vỡ cấu trúc này một cách tùy tiện để tạo nên một xu hướng đào tạo ngành y tại nhiều trường đại học. Điều đó sẽ không chỉ làm mất niềm tin của nhiều người về hình ảnh bác sĩ, mà còn tạo ra những rủi ro không cần thiết trong ngành y vì khó có thể kiểm soát và đảm bảo chất lượng đào tạo.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.