Monday, October 21, 2019

Có gì phải ngạc nhiên ?


Ngô Trường An|

Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên vì độ cao lan can ở tầng 8 của bộ GD cao tới ngực người lớn, vậy tại sao ông thứ trưởng Lê Hải An rớt xuống đất, dẫn đến tử vong?
Thú thật với các vị, sau ngày “giải phóng” khoảng 1 năm thì cảm giác ngạc nhiên của tôi không còn nữa. Bởi, cán bộ từ ngoài Bắc vào dạy cho tôi về CNXH mà nơi đó, con người thích làm bao nhiêu thì làm, muốn hưởng bao nhiêu cũng có. Họ nói về tấm gương anh hùng cách mạng như: Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn khẩu pháo nặng hàng tấn khi bị lao xuống dốc; anh La Văn Cầu lấy lưỡi lê cắt cánh tay mình cho khỏi vướng để chiến đấu tiếp, vì cánh tay anh đã gãy lìa do lãnh nguyên một băng đạn của địch; anh Nguyễn Văn Trổi bị trói vào cột, nhưng anh vẫn đưa tay giật phắt tấm băng đen bịt mắt và hô HCM muôn năm trước khi bị bắn; đồng chí Phạm Tuân ém máy bay trong mây, chờ máy bay địch đến là xông ra…..
Tôi không còn cảm xúc ngạc nhiên khi họ nói Miền Bắc giải phóng Miền Nam! Nhưng sau khi “được” giải phóng thì người Miền Nam lâm vào cảnh đói, đói và đói. Và hằng ngày, người Miền Nam chứng kiến từng đoàn xe nối đuôi chở bộ đội về Bắc, trên các chuyến xe ấy chất đầy hàng hóa của miền nam….
Cho đến mãi tận bây giờ thì chẳng còn gì để ngạc nhiên nữa. Khi mà, lãnh đạo, đảng viên lương 3 cọc, 3 đồng nhưng họ sở hữu hàng chục lô đất cả trăm tỷ, con cái du học trời Tây. Cán bộ chạy xe ôm, buôn chổi đót cũng xây được biệt phủ, lâu đài nguy nga. Còn người dân thì cứ té ngã va đầu vào dùi cui công an dẫn đến tử vong. Lãnh đạo cấp cao chết mà không biết bịnh gì…..
Hôm nay, ông thứ trưởng bộ dục rơi từ trên lầu cao xuống đất tử vong. Dù lan can của tầng lầu đó cao 1,3m hay cao 3,1m thì ông vẫn rớt được, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.
Điều đặc biệt ở xã hội chúng ra đang tồn tại là: điều gì nó cũng có thể xảy ra. Thành thử, không hơi đâu mà ngạc nhiên mãi thế!

Người Nhật / Người Lào & Người Việt

Ai mơ ước người Việt được như người Nhật thì cứ việc. Tui tỉnh táo và thực tế hơn, mơ ước dân mình được như… dân Lào. (Hồng Hải)
Từ Paris, nhà báo Từ Thức vừa kể cho độc giả một câu chuyện (làm quà) về xứ Anh Đào:
Loạng quạng, đánh rơi cái ví (portefeuille), trong đó có thẻ kiểm tra (ID/ carte d’identité), carte bleue (credit card), 250 Euros và một số tiền Nhật mới đổi. Ra bót cảnh sát đầu đường. Nhân viên cảnh sát có vẻ mừng rỡ vì có việc làm. Thường thường, cảnh sát Nhật ngồi buồn tênh, đi ra đi vào, không có ai thưa gởi gì, không có ẩu đả, ăn trộm, ăn cướp, ăn cắp, lừa đảo. Thỉnh thoảng vớ được một bà già té xỉu, chở tới bệnh viện. Hay đưa một ông cụ qua đường (đưa thực, không phải dìu ông già trước máy quay phim, quay phim xong đá đít ông già) hay chỉ lối cho một du khách tới một địa chỉ không có tên đường. Một ông cảnh sát mở computer, coi danh sách những đồ vật lượm được trong thành phố. Một bà gọi điện thoại tới phi trường. Người thứ ba đứng coi, sẵn sàng phụ tá 2 đồng nghiệp. Họ hơi thất vọng vì không tìm thấy gì, khuyên nên trở lại buổi chiều. Chiều, trở lại, họ đã tìm được cái ví. Có người lượm được dưới ghế một xe bus, đưa cho tài xế. Giấy tờ, tiền bạc còn y nguyên. Xứ sở gì kỳ cục.
Tôi vốn tính hiếu kỳ lại đang vô cùng rảnh rỗi nên nghe qua câu chuyện (“kỳ cục”) như thế thì không khỏi “động lòng bốn phương,”  muốn thực hiện ngay một chuyến “Đông Du” cho biết đó biết đây. Ngặt nỗi, lần đi lần khó mà đi Nhật thì e khó ở được lâu vì giá sinh hoạt dường như không rẻ. Phòng trọ bình dân, nghe đâu, cũng cỡ 50/70 U.S.A dollars một đêm, chứ không thể ít hơn.
Với túi tiền cạn cợt của tôi, có lẽ, chỉ ở được dăm hôm rồi lại phải lủi thủi quay về. Mà về nhà với vợ thì ai mà không sợ. Bởi thế, thay vì đến Nhật, tôi quyết định qua Lào. Ở xứ sở này thì thuê một cái bungalow (free wifi, phòng tắm riêng, no A/C nhưng quạt máy chạy vù vù) chỉ phải trả 5 hay 7 đô là hết mức. Với một nghìn Mỹ Kim thì có thể ở chơi đến đôi ba tháng.
Tôi đã “chơi” kiểu đó đôi ba lần rồi nhưng vẫn chưa thấy ngán. Lần này tôi quyết định ghé Nam Lào, xem hết rừng núi thác ghềnh của Si Phan Don (ສີ່ພັນດອນ, 4000 Islands) cho mãn nhãn. Hoá ra Bốn Ngàn Đảo là cái tên hơi nặng tính thậm xưng. Thiên hạ cứ gọi thế nghe cho nó đã miệng, chứ thực sự cả quần đảo này chỉ vài nơi có đông đảo dân cư tụ tập (Don Det, Don Khone, Don Khong …) kỳ dư đều là những doi, giồng hay cồn cát nhỏ. Chả có ma nào trên đó cả vì chúng bé tí teo, và vào mùa lũ thì hầu hết đều chìm trong sóng nước.
Bởi ham vui nên tôi tắp vào Don Det trước vì nghe tiếng đây là nơi ưa chuộng của những cô cậu Tây Ba Lô thích sống đời nhộn nhịp. Tiếng thế thôi chứ một đám du khách ngoại quốc, bất kể thành phần, không thể khiến cho hòn đảo này mất đi vẻ hiền lành và an bình cố hữu.
Thì cũng hàng quán, rượu bia, âm nhạc nhưng tuyệt nhiên không ồn ào hay náo động. Dòng sông Mê Kong hiền hoà và tính nết hiền lành, chân chất của cư dân địa phương quả là có sức “lan toả” và “cảm hoá” đến độ diệu kỳ. Chả vị khách lạ nào có đủ trơ tráo để quấy động quan cảnh thiên nhiên thuần khiết, và nếp sống an bình ở nơi đây cả.
Có lẽ cũng không nơi đâu mà cảnh hoàng hôn trên sông êm đềm, và diễm ảo như ở chốn này. Chiều qua rồi là cả hòn đảo nhỏ chìm đắm trong bóng đêm tĩnh lặng, chỉ  còn có tiếng nước sông âm thầm, nhỏ nhẹ, khe khẽ cuốn trôi.
Sáng, trong lúc cà phê thuốc lá, con gái của bà chủ trọ “gợi ý” tôi nên đi xem cá dolphin. Đi thì đi, tôi gật đầu dù biết rõ rằng loài cá heo sông này sắp tuyệt chủng đến nơi (vì những công tình thủy điện, và nguồn nước ô nhiễm từ phía thượng nguồn) nên cơ may gặp được vài chú irrawaddy ở Si Phan Don mong manh còn hơn như khói nữa.
Tôi đồng ý chỉ vì điểm khởi hành nằm ở bến sông (có tên trên bản đồ là French Port, một di tích từ thời thuộc địa) thuộc làng Ban Hang Khon. Từ đây, có thể nhìn thấy nương khoai rẫy bắp và nghe được tiếng gà gáy (xao xác) bên thôn ổ của nước láng giềng – Cambodia. Quê nhà, xem ra, cũng chả còn bao xa. Tuy thế, nếu về lần dò về bằng thuyền đò (có lẽ) cũng phải mất đến vài ba tháng – dù sông nước xuôi dòng.
Sau một lúc ngẩn ngơ, tôi nói với người tài xế xe tuk tuk là mình chỉ muốn đi vòng vòng đảo chơi thôi. Khỏi cần ghé qua thác ghềnh gì ráo vì tôi đã có dịp đến cả rồi. Chúng tôi băng qua một khu rừng tre thưa. Chú tài – thỉnh thoảng – lại chạy chậm hẳn lại, cúi nhặt những nhánh tre rơi khá lớn và vất vào bìa rừng.
Không cần lời giải thích, tôi cũng hiểu rằng những ngạnh tre nhọn có thể làm lủng lốp xe của bất cứ ai vô ý. Chú em còn trẻ măng, nụ cười thường trực trên khuôn mặt ngây ngô rám nắng. Thằng bé chưa chắc đã có cơ hội cắp sách đến trường một ngày nào nhưng thái độ vị tha và tinh thần trách nhiệm khiến tôi cảm động. Không dưng mà chợt nghĩ đến những “đạo quân đinh tặc” trên khắp mọi nẻo đường ở đất nước mình, cùng với một tiếng thở dài – cố nén!
Sau Don Det, tôi qua Don Khone. Hai hòn đảo con con được nối liền bằng một chiếc cầu bê tông nhỏ hẹp không tên nên thiên hạ gọi (đại) là French Bridge. Hoang dại và tĩnh lặng hơn cô em song sinh nằm kề, Done Khone chỉ có nhà cửa với dăm ba hàng quán (lưa thưa) nằm dưới những hàng dừa dọc theo dòng sông êm ả và kiều diễm.
Tôi đặt phòng trước qua internet nên khi đến nơi mới biết là nhà trọ nằm ở bên này đường, không tiếp giáp với mé sông, và cũng chả có một người khách nào khác cả. Chủ nhân cũng ở cách đó hơi xa. Càng vắng thì càng tốt.
Cho đến khi thức giấc giữa đêm khuya, tôi mới chợt nhận ra là mình đang trơ trọi một mình – giữa một dẫy bungalow trống lốc – trên một hòn đảo lạ (rồi) tự nhiên cảm thấy hơi bị bất an. Đợi mặt trời vừa ló dạng là tôi lặng lẽ quẩy ba lô đi chỗ khác liền, sau khi để lại một số tiền tip khá hậu hĩnh – như một lời tạ lỗi cho thái độ (“sao ra đi mà không bảo gì nhau”) không mấy lịch thiệp của mình.
Guest house tiếp theo cũng vắng nhưng ít nhất cũng có thêm một hai người khách, an toàn hơn thấy rõ. Tôi chỉ vừa xong ly cà phê và điếu thuốc đầu ngày thì chủ nhân của nhà trọ cũ xuất hiện với nụ cười hiền, và nét mặt tươi vui hớn hở chứ chả có vẻ chi là phật lòng hay phật ý cả. Bà lấy trong túi ra 50.000 kips (được bọc trong gói ny long cẩn thận, chắc là tờ giấy bạc tôi để lại hồi sáng sớm cho người dọn phòng) và nói rằng vì tôi bỏ quên tiền nên vội mang trả lại.
Tôi cười khổ và cảm thấy xấu hổ vì cái cảm giác bất an của mình đêm trước. Trộm cắp, cướp bóc, và “bất an” đều do tôi tưởng tượng mà ra chứ không hề có trong tâm thức của người dân ở chốn này. Thảo nào mà cả tuần qua tôi chả thấy bóng dáng cảnh sát, công an, trật tự hay dân phòng gì ráo trọi. Cờ quạt, biểu ngữ, bích chương, loa phường, và hình ảnh lãnh tụ cũng khỏi có luôn. Ở đây, lỡ mà bị mất ví thì không thật không biết phải trình báo với ai, và chắc cũng khỏi cần vì thế nào người nhặt được mang đến tận nơi trả lại.
Thật là chả bù cho cái phần quê hương (“đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”) của mình – nơi mà nhà báo Từ Thức vừa có những lời khuyên dành cho du khách, như sau:
  • Nếu ăn tiệm, thấy ngon, đừng khen. Người ta sẽ tăng giá gấp hai.
  • Mua hàng, phải trả giá. Trả giá bao nhiêu cũng hớ. Nhưng nên an ủi: Có người còn hớ hơn mình!
  • Để quên iPhone hay ví tiền, đừng quay trở lại, hỏi có ai lượm được không. Bạn đang ở VN, không ở Nhật.
  • Đi đường, chỉ nên đeo nhẫn hay đồ trang sức giả. Có thể bị mất ngón tay, nhưng không mất nhẫn… thật.
  • Khi có người hỏi: có biết bác Hồ không, đừng kể lể những điều bạn biết về ông Hồ qua Wikipedia. Khổ lắm, biết rồi, nói mãi. Người ta chỉ nhắc khéo bạn đã quên chi tiền.
Sao cùng là nạn nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản mà người Lào và người Việt lại khác nhau đến thế, hả Giời?

Ban Dân vận làm việc gì?


Nguyễn Đình Cống|

Hỏi gì mà ngu thế. Ban Dân vận của Đảng làm việc vận động nhân dân đi theo Đảng chứ còn gì nữa. Nhưng tại sao phải vận động khi Đảng đã nắm chắc chính quyền? Phải chăng không vận động thì dân sẽ không theo hoặc chống lại?
Khi đang hoạt động bí mật, Đảng cần tuyên truyền vận động để lôi kéo nhân dân, còn khi Đảng đã nắm chắc chính quyền, thực hành thống trị như bây giờ thì việc Dân vận chẳng qua là tuyên truyền, theo dõi, kìm kẹp.
Đảng đã thực hành toàn trị, có việc gì muốn dân làm thì biến nó thành luật pháp. Hơn nữa nếu thực sự cần vận động nhân dân làm việc gì đó đột xuất thì đã có hệ thống chính quyền và Mặt trận Tổ quốc. Hình như trước đây Ban Dân vận và Mặt trận là một tổ chức, đến năm 1981 mới tách ra thành hai. Hỏi rằng hai tổ chức này có dẫm đạp lên nhau hay không?
Về dân vận, ngày 15 tháng 10 năm 1949, tờ Sự thật đăng bài báo của Hồ Chí Minh với 4 mục: (1) Nước ta là nước dân chủ; (2) Dân vận là gì?; (3) Ai phụ trách dân vận?; (4) Dân vận phải thế nào?
Tuyên truyền của Đảng ca ngợi bài báo hết lời, cho rằng “Đó là cương lĩnh dân vận của Đảng cộng sản Việt Nam, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần thiết trong mọi giai đoạn cách mạng”.
Tôi đã nghiên cứu bài báo, phát hiện ra mâu thuẫn giữa mục 1 và 3 mục còn lại.
Ở mục 1 cho rằng Dân là chủ, có mọi quyền hành. Ở các mục sau xem dân như những người kém trình độ, cần được dạy bảo và tìm cách huy động tối đa lực lượng của dân để phục vụ cho Đảng. Không bàn gì đến vấn đề quan trọng nhất là “Lập Quyền Dân”.
Hiện nay Ban Dân vận Trung ương, ngoài văn phòng và một Tạp chí còn có 6 vụ và 2 cơ quan đại diện. Có một trưởng và 5 phó ban, có trên 30 vụ trưởng, vụ phó hoặc tương đương (số cán bộ và nhân viên chắc phải đến trên trăm).
Ban Dân vận ở các tỉnh thành quận huyện cứ theo quy mô của Trung ương mà phát triển, tổng số cán bộ, nhân viên có lẽ đến nhiều ngàn.
Đã có Mặt trận TQ, lại lập thêm Ban Dân vận. Thế là thể hiện tư tưởng trọng dân và tin dân hay là nghi ngờ, coi thường hoặc đề phòng dân? Hình như các đảng cầm quyền ở các nước dân chủ không nơi nào có tổ chức tương tự.
Để tỏ ra Dân vận là quan trọng nên Đảng cần có một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác này. Hiện tại là bà Trương Thị Mai. Tôi đã theo dõi xem bà Mai làm Dân vận như thế nào. Thấy rằng bà đi hết nơi nọ đến nơi kia, nói ra những lời tưởng là hay ho, nhưng hàm chứa thái độ ban ơn và coi thường dân.
Ngay khái niệm “Dân vận” đã hàm ý coi thường dân. Phải vận động dân vì cho rằng mình hiểu biết, giỏi giang, còn dân kém cỏi. Sự kiêu ngạo cộng sản, tự cho mình là hay, là giỏi, là làm thầy thiên hạ, là có công lớn với dân tộc. Đảng tự xưng là Đội tiên phong, là tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, là đạt từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và bắt nhân dân ghi ơn, nhớ ơn, tôn thờ.
Về công khai, Đảng nói: Chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân, nhưng thực tế Chính quyền là của Đảng, họ đã dùng sức mạnh, thủ đoạn để cướp Quyền Dân.
Một phát ngôn của bà Trương Thị Mai, được nhiều đài, báo ca ngợi là: “Các cấp ủy Đảng cần đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong việc tham gia giám sát chính quyền”.
Mới nghe qua tưởng là hay, phân tích kỹ mới thấy thái độ ngạo mạn, coi thường Dân. Đáng lẽ phải tôn trọng quyền làm chủ của Dân thì người ta đem lợi ích ra để làm mồi. Mà giám sát chính quyền là nghĩa vụ, là trách nhiệm chứ lợi ích gì? Mà tại sao lại chỉ tham gia, tham gia với ai?
Quyền quan trọng nhất của nhân dân là bầu cử người đại diện. Quyền đó đã bị Đảng lợi dụng để bày ra trò dân chủ giả hiệu. Đảng chủ trương nắm chắc 100% công tác cán bộ, nhân dân chỉ đóng vai trò bung xung.
Tuyên truyền Dân vận, nhưng phải chăng chỉ là trò dối trá, ngụy biện?
Tại Đại hội 13 nên thảo luận việc giải tán nhiều ban bệ của Đảng, trong đó có Ban Dân vận./.

Việt Nam tiếp tục vay nợ nhiều hơn để trả nợ, chi tiêu

Plastic phế thải được thu gom và chở đi bán cho công ty tái chế ở ngoại ô Hà Nội hồi giữa Tháng 10-2019. (Hình: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)
HÀ NỘI 21-10 (NV) .- Chế độ Hà Nội vẫn không thoát khỏi cái vòng kim cô nợ công ngày càng lớn hơn trước khi trù tính vay nợ nhiều hơn năm ngoái để “đảo nợ”.
“Ngân khố quốc gia thâm hụt, chi thường xuyên bộ máy ngày càng tăng, nợ bảo hiểm xã hội… buộc năm 2020, Chính phủ phải đề xuất Quốc hội cho vay thêm hơn 495,000 tỉ đồng (khoảng $19 tỉ 678 triệu USD) để chi tiêu.” Báo Thanh Niên hôm Thứ Hai 21/10 dẫn một bản báo cáo của nhà cầm quyền trung ương đề nghị xin quốc hội thông qua khoản vay mới để đảng và nhà nước CS kéo dài sự sống.
Bản tin của tờ Thanh Niên liệt kê số thâm thủng khổng lồ cần được bù đắp bằng cách phát hành công trái nhiều hơn trước, với “nhiệm vụ huy động vốn vay cân đối ngân sách trung ương năm 2020 là 459,500 tỉ đồng; đáng chú ý một số khoản: bù đắp bội chi ngân sách trung ương là hơn 217,000 tỉ đồng (khoảng $9 tỉ 331 triệu USD), trả nợ gốc của ngân sách trung ương hơn 217,000 tỉ đồng (khoảng $9 tỉ 331 triệu USD), vay để nhận nợ bảo hiểm xã hội 9,100 tỉ đồng…”
Trong khóa họp cuối năm ngoái, quốc hội của chế độ đã thông qua khoản vay để bù đắp bội chi ngân sách cho năm 2019 là 425,000 tỉ đồng (khoảng $18 tỉ 275 triệu USD), tức vay nhiều hơn tài khóa trước $1 tỉ 403 triệu USD. Năm 2019 đã phải bán công trái, tức vay nợ công, 363,000 tỉ đồng, năm 2017 là 240,000 tỉ đồng. Thâm thủng ngân sách CSVN ngày càng phình ra lớn hơn vì không có nhiều khả năng giảm thiểu nợ gốc nên vẫn chỉ vay nhiều hơn để “đảo nợ”.
Những nguy hiểm của chủ trương vay nợ để “đảo nợ”, một cách trì hoãn trả nợ gốc bằng cách vay tiền năm sau nhiều hơn năm trước, từng được các chuyên gia kinh tế tài chính cảnh cáo nhiều lần trong những năm qua. Dù vậy, Hà Nội không làm theo các khuyến cáo.
Tại kỳ họp trước, Vietnamnet ngày 17/6/2019 thuật lại là “Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Ngân sách Trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ; bên cạnh đó ứng trước dự toán ngân sách trung ương lớn (hết 2017 là 86,339 tỷ đồng) có xu hướng tăng tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau…”
Cũng vào dịp Tháng Sáu vừa qua, khi bình luận về nợ công của chế độ Hà Nội ngày một phình ra lớn hơn, ông Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia từng là Viện trưởng Viên quản lý kinh tế trung ương, đã khuyến cáo nhà cầm quyền CSVN “phải cắt giảm chi thường xuyên” (nuôi bộ máy cai trị) và phải “tinh giản bộ máy” tức loại bỏ đám cán bộ đảng viên con ông cháu cha ăn bám trong guồng máy cai trị.
Năm nào cũng thấy nhà nước Hà Nội họp hành về “tinh giản biên chế” nhưng không thấy bao nhiêu nhúc nhích.(TN)

Quốc hội CSVN họp, đề cập vấn đề Biển Đông

Hình ảnh tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện cạnh tàu cá Việt Nam vào hồi giữa tháng Chín gần quần đảo Trường Sa (Hình: BBC do ngư dân Quảng Ngãi cung cấp)
HÀ NỘI 21-10 (NV) .- Tình hình Biển Đông được đề cập trong cuộc họp quốc hội CSVN khóa họp cuối năm khai diễn hôm Thứ Hai 21/10 nhưng không biết sẽ có ra một nghị quyết gì không hay chỉ “nghe vậy biết vậy”.
Trong khi dân chúng vẫn ngong ngóng các tin tức về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, mở đầu khóa họp, bà chủ tịch quốc hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân thấy đọc bài diễn văn khai mạc trong đó có nói đến nghị trình bàn thảo về Biển Đông. Sau đó, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói “những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng”.
Tuy vậy, vẫn chỉ đấu tranh chính trị vòng quanh để “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” chứ không thấy ông nói gì đến một hành động chống lại Trung Quốc vì người ta hiểu khả năng quá giới hạn của lực lượng biển Việt Nam.
Dư luận không rõ mức độ bàn luận của quốc hội CSVN về Biển Đông sẽ dẫn đến một thứ nghị quyết lên án Trung Quốc và nhà cầm quyền CSVN phải thi hành những biện pháp như thế nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia hay không. Hoặc chỉ là những lời nói suông để tuyên truyền.
Cuộc họp quốc hội kỳ này diễn ra khi lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư CSVN đang lo đối phó với các hoạt động khiêu khích và quấy rối của đoàn tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt gần 4 tháng qua.
Chỉ thấy báo đài trong nước nói ở kỳ họp này Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác “xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác”. Bên cạnh đó là “xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác”, theo tờ GDVN.
Cũng thấy nhắc trong đó vụ “bỏ phiếu kín” vào ngày áp chót khóa họp, miễn nhiệm bà “đại biểu quốc hội” Nguyễn Thị Kim Tiến khỏi cái ghế bộ trưởng y tế dù nhiệm kỳ của bà ta mãi tới gần giữa năm 2021 mới hết.
Mấy ngày trước, ông tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc họp báo giải thích là bà Tiến đã tới tuổi nghỉ hưu và cũng lại được giao cho làm “Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương”. Nhưng tháng trước, người ta thấy báo chí trong nước đề cập đến “hàng loạt sai phạm” nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Y tế khiến người ta thấy vụ “miễn nhiệm” bà Tiến không giản dị như ông Phúc nói.
Thông tấn xã CSVN hôm Thứ Hai 21/10/2019 đưa tin và rất nhiều hình ảnh về sự kiện đoàn “đại biểu quốc hội” đến thăm lăng ông Hồ trước khi ngồi vào họp quốc hội khóa cuối năm, dự trù kéo dài vỏn vẹn 28 ngày. Không thấy có mặt ông Nguyễn Phú Trọng, “đại biểu nhân dân” chóp bu đúng ra phải dẫn đầu.
Khác với các nước dân chủ thật sự, đại biểu quốc hội do dân chúng trực tiếp bầu lên để làm luật và giám sát chính quyền, quốc hội CSVN đều là các đảng viên cốt cán của đảng, do đảng cài cắm làm “đại biểu nhân dân” qua các kỳ bầu cử do đảng độc diễn xưa nay không hề đổi “đảng cử dân bầu”. Các “đại biểu quốc hội” lại cũng chính là các kẻ nắm các chức vụ quan trọng trong chính quyền.
Vì vậy, báo chí quốc tế gọi quốc hội CSVN là “con dấu cao su” (rubber stamp) chỉ giơ tay hay bấm nút “nhất trí” biểu quyết theo lệnh đảng. Từ tổng bí thư đảng trở xuống đều là “đại biểu quốc hội”. Sau khi ông chủ tịch nước Trần Đại Quang chết vì bạo bệnh tháng 9-2018, ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nắm luôn cái ghế chủ tịch nước. (TN)

Người Việt Nam ăn mặn và bia rượu quá độ

Người Việt Nam đua nhau uống trong một ngày đại hội bia ở Hà Nội. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Người Việt Nam ăn mặn quá đáng và lạm dụng bia rượu quá độ, không tốt cho sức khỏe, theo một bản phúc trình của LHQ phối hợp với nhà cầm quyền CSVN công bố gần đây.
Báo Asean Post ở Kuala Lumpur hôm Chủ Nhật thuật lại một cuộc hội thảo ở Hà Nội diễn ra hồi tuần trước, cũng đã thấy một hai báo trong nước như Infonet đưa tin. Trong đó người ta thấy ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, dẫn lại các con số thống kê của cơ quan Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), kêu rằng “Hơn nửa dân số trưởng thành (57%) ăn thiếu rau và trái cây, mỗi người Việt tiêu thụ từ 9.4 gam muối mỗi ngày, cao gấp 2 lần khuyến cáo của WHO, và thứ 10 ở Châu Á và thứ 29 trên thế giới về tỉ lệ uống rượu bia,” báo điện tử Infonet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cho hay.
Trước đây, người ta chỉ thấy Việt Nam nổi tiếng tiêu thụ bia rượu hàng đầu khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Bây giờ, những công bố mới cho biết thêm là người Việt Nam tiêu thụ quá nhiều chất bột và chất mặn vào cơ thể.
Hồi Tháng Năm, 2019, tạp chí y khoa Lancet ở Anh Quốc công bố bản nghiên cứu và được một số báo chí quốc tế như Asia Times, Forbes thuật lại, cho hay tình trạng tiêu thụ bia rượu trên thế giới đang trên đà gia tăng. Đứng đầu một biểu đồ về tỉ lệ gia tăng tiêu thụ bia rượu của Lancer là Việt Nam rồi mới đến Ấn Độ và Nhật Bản.
Biểu đồ diễn tả người Việt Nam lạm dụng ăn mặn và uống rượu ngày càng nhiều hơn. (Hình: Asean Post)
Theo Lancet, năm 2017, người Việt Nam tiêu thụ 8.9 lít rượu, gia tăng 89.4% so với năm 2010. Người Ấn Độ tiêu thụ 5.9 lít, gia tăng 37.2% trong khi người Nhật uống 7.9 lít một năm nhưng chỉ gia tăng 11.3% bởi truyền thống uống bia rượu nhiều những năm trước đó.
Một dẫn chứng về thói quen ăn quá mặn và chất bột của người Việt Nam được chứng minh qua một đồ biểu về tiêu thụ mì gói, quá cao so với khuyến cáo của cơ quan y tế quốc tế WHO. Theo đó, năm 2017, người Việt Nam tiêu thụ 5.06 tỷ gói mì, năm sau 2018, ăn tới 5.2 tỷ gói mì. Mì gói, ngoài tinh bột, tỷ lệ muối chiếm từ 50% đến hơn 70% cũng với chất mỡ béo rất cao.
Việt Nam xếp hạng 5 trên thế giới về tiêu thụ mì gói, sau Trung Quốc (40.25 tỷ gói), Indonesia (12.540 tỷ gói), Ấn Độ (6.06 tỷ gói) Nhật Bản (5.780 tỷ gói). Tuy nhiên, tính ra, nếu chỉ kể dân số 95 triệu đầu người vào năm 2018, trung bình một người Việt Nam ăn gần 55 gói mì/năm, cao hơn quốc gia dẫn đầu về lượng tiêu thụ mì gói là Trung Quốc (31 gói), Indonesia (46.4 gói), Nhật Bản (45.8 gói).
Cho nên, sản xuất mì gói là một kỹ nghệ béo bở với hơn 50 công ty lớn nhỏ tranh nhau sản xuất mì ăn liền. Trong đó, theo báo Zing, 70% thị phần thuộc về công ty Acecook Việt Nam, MasanMSN-1.3% và Asia Food.
“Thương hiệu Acecook Việt Nam vẫn luôn dẫn đầu thị phần, chiếm khoảng 50% ở thành thị và 43% trên cả nước. Trong khi các sản phẩm của Acecook Việt Nam chiếm lĩnh thị trường đô thị, sản phẩm của Masan và Asia Food lại dẫn đầu ở khu vực nông thôn, với tổng thị phần là 60%.” Zing viết.
Vì người ta lấy bia rượu làm vui, Việt Nam có cả trăm công ty lớn nhỏ sản xuất rượu bia. Các công ty ngoại quốc nổi tiếng thế giới đến tranh giành thị trường với các hãng bia rượu quốc doanh và kinh tài đảng đoàn.
Theo trang mạng brandsvietnam.com, có 4 “ông lớn” phân chia “thống trị” thị phần hơn 4 tỷ lít bia tiêu thụ (thống kê 2018 là 4.2 tỷ lít) là Sabeco, Habeco, Carlsberg Việt Nam (chủ yếu đến từ Nhà máy Bia Huế, nằm ở miền Trung) và công ty TNHH Bia Heineken Việt Nam.
Tháng Sáu 2019, Quốc Hội CSVN đã thông qua luật “Phòng chống tác hại của rượu, bia” lấy cớ bia rượu là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh đến nguyên nhân trực tiếp của 30 loại bệnh bên cạnh tai nạn xe cộ chết người dồn dập. Trong đó không ít những vụ do say rượu lái xe. Tai nạn xe cộ vẫn không thấy giảm và cũng không thấy có dấu hiệu giảm tiêu thụ bia rượu.
Tờ báo Asean Post dẫn ý kiến của Bác Sĩ Trương Đình Bắc, phó cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng, khuyến cáo người ta phải giảm bớt một nửa lượng muối ăn vào người hàng ngày để tránh nguy cơ gia tăng các loại bệnh tim mạch, suy thận, thấp khớp và ung thư bao tử.
Dù cũng đã từng được báo động về các nguy hại của lạm dụng bia rượu, ăn mặn nhưng có vẻ tất cả đều không mấy ai thèm để ý. Từ những hệ quả đó, ảnh hưởng sâu xa và nghiêm trọng đến cả nền kinh tế về lâu về dài sẽ khó tránh khỏi. (TN)

Xe hơi Trung Quốc bán tại Việt Nam cài bản đồ ‘lưỡi bò’

Hình ảnh xe Trung Quốc có bản đồ "đường lưỡi bò" được bán tại thị trường Việt Nam vừa lan truyền trên mạng xã hội. (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Xe hơi Trung Quốc bán tại thị trường Việt Nam có ứng dụng bản đồ hướng dẫn lái xe để tránh lạc đường (navigation system) lại có hình ảnh Biển Đông với các vạch hình “lưỡi bò.”
Bắc Kinh lợi dụng tất cả mọi hình thức và cơ hội để tuyên truyền phần lớn Biển Đông là của Trung Quốc. Sách giáo khoa, hộ chiếu, phim ảnh, áo thun… bất cứ cái gì có thể tận dụng là họ làm hết.
Hôm Thứ Bảy, tờ Tuổi Trẻ cho hay “Ngày 19 Tháng Mười, công ty Kylin-GX668 có trụ sở chính trên đường Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh, Hải Phòng) – nhập khẩu và phân phối các mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam như Haima, Geely, Zotye và Baic – đã có thông tin thừa nhận có xuất hiện ‘đường lưỡi bò’ trong bản đồ ôtô mà họ phân phối.”
Công ty vừa kể nhìn nhận “sơ suất trong quá trình kiểm tra” nên đã để xảy ra tình trạng trên và “xin nhận khuyết điểm, xin lỗi khách hàng.” Đồng thời, theo tờ Tuổi Trẻ “doanh nghiệp trên cam kết gỡ bỏ ứng dụng Navigation có ‘đường lưỡi bò’ trên các lô hàng sắp tới được phân phối tại Việt Nam.”
Mới ngày Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, công ty khai thác du lịch quốc doanh “Lữ hành Saigontourist” bị phạt hành chính 50 triệu đồng vì “phát hành ấn phẩm du lịch có in bản đồ ‘đường lưỡi bò’ thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia để giới thiệu khách, ấn phẩm xuất bản ‘hình ảnh Trương Gia Giới’ thuộc diện nhập khẩu không kinh doanh,” tờ Tuổi Trẻ kể.
Một tuần trước, báo chí trong nước ngày 14 Tháng Mười, 2019 đưa tin với sự sửng sốt, phim hoạt họa dành cho trẻ em, nhưng trong đó có hình ảnh Biển Đông với những cái vạch nối lại thành hình “lưỡi bò” làm dư luận phẫn nộ, bị bắt ngừng chiếu tại Việt Nam sau khi đã chiếu được 10 ngày. Lệnh bắt ngừng chiếu chỉ được thi hành khi khán giả điện ảnh tố cáo trên mạng xã hội.
Phim hoạt họa có tên Mỹ là “Abominable,” tại Việt Nam tên được sửa lại là “Everest – Người Tuyết Bé Nhỏ” chính thức bị rút khỏi các rạp chiếu tại Việt Nam, từ tối 13 Tháng Mười, 2019. Phim này đã được Cục Điện Ảnh thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông kiểm duyệt và cho phép phát hành chiếu khắp nơi tại Việt Nam.
Có hình ảnh Biển Đông với hình “lưỡi bò” chỉ vì phim đó do hãng DreamWorks của Mỹ hợp tác sản xuất với công ty Pearl của Trung Quốc.
Năm ngoái, phim “Điệp Vụ Biển Đỏ” của Trung Quốc chiếu tại Việt Nam đã bị ngừng chiếu sau khi bị tố cáo là “vô trách nhiệm,” trong đó có “cài cắm nội dung thông tin bất lợi cho chủ quyền biển đảo Việt Nam.” Cục Điện Ảnh CSVN ra một thông báo nói sẽ “rút kinh nghiệm” vào ngày 24 Tháng Tư, 2018. Đến nay lại tái diễn với phim hoạt họa “Everest – Người Tuyết Bé Nhỏ” rồi tiếp theo tài liệu quảng cáo du lịch, bản đồ hướng dẫn lái xe, cái gì cũng đều bị Trung Quốc tận dụng để tuyên truyền.
Theo một bài phân tích của tạp chí Forbes hôm Thứ Bảy, 19 Tháng Mười, 2019, vùng Biển Đông rộng lớn vừa là hải lộ huyết mạch với 5 ngàn tỷ đô la hàng hóa vận chuyển thông thương hàng năm, lại có trữ lượng 50 triệu tỉ mét khối khí đốt và 12 triệu tỉ thùng dầu bên cạnh tài nguyên thủy sản là các động cơ thúc đẩy Bắc Kinh nổi lòng tham muốn cướp hết, bất kể quyền lợi và chủ quyền của các nước nhỏ phía nam.
Với sự phản đối của Việt Nam, Malaysia, Philippines, cuộc chiến bản đồ “lưỡi bò” sẽ còn tiếp tục trong những năm tới đây. (TN)

Bí thư Thành Ủy mơ mộng biến Sài Gòn thành ‘trung tâm tài chính Châu Á’

Ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn cùng Phó Thủ Tướng CSVN Vũ Đức Đam tại Diễn Ðàn Kinh Tế Sài Gòn năm 2019. (Hình: Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Nếu Sài Gòn trở thành trung tâm tài chính thì đất nước sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Ngoài các lợi thế về vị trí địa lý, chính sách hỗ trợ, quyết tâm của lãnh đạo, Sài Gòn còn phải là nơi có điều kiện sống không thua nơi khác,” báo InfoNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn.
Các báo nhà nước cũng đăng hình ông Nhân cùng Phó Thủ Tướng CSVN Vũ Đức Đam đang phát biểu chỉ đạo tại Diễn Ðàn Kinh Tế Sài Gòn năm 2019 với chủ đề “Phát triển Sài Gòn trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.”
Để tuyên truyền theo “định hướng” này, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn: “Ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, lãnh đạo thành phố đã có khát vọng biến nơi này trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong chín ngành dịch vụ chủ yếu của Sài Gòn và từ năm 1998, Sở Giao Dịch Chứng Khoán Sài Gòn đã được thành lập, dù biết rõ việc trở thành trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp.”
Tiến Sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại Học Fulbright Việt Nam cũng nói tại sự kiện nêu trên rằng Sài Gòn “hoàn toàn có những điều kiện, bệ đỡ trở thành một trung tâm tài chính tuy chỉ chiếm 9.36% dân số và 0.6% diện tích, nhưng đóng góp 14% xuất khẩu, tạo ra 24% GDP cả nước, 27% số thu ngân sách, chiếm 14.1% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước…”
“Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện tại, kinh tế Sài Gòn có thể vượt Đài Bắc trong 15-20 năm tới. Vấn đề then chốt là Sài Gòn phải giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài,” ông Tự Anh được báo Zing trích lời.
Tuy vậy, trái với những tuyên bố hồ hởi và nhận định lạc quan của giới chức CSVN và một số chuyên gia “phát biểu đúng định hướng,” cộng đồng mạng dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của mục tiêu về mục tiêu biến Sài Gòn thành trung tâm tài chính của Châu Á.
Luật Sư Lê Công Định bình luận trên trang cá nhân: “Cả hội nghị chỉ bàn những chuyện ‘ruồi bu’ bên ngoài, chưa thấy ai đề cập thẳng vấn nạn cốt lõi bên trong là gì. Vậy giải pháp ở đâu? Ở một quốc gia mà luật pháp thảm thương từ lập pháp, hành pháp, nhất là tư pháp, như nước Việt Cộng hiện nay, làm sao có được một trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á? Rule of law [pháp quyền] là nền tảng của mọi phát triển kinh tế và xã hội, thiếu nó thì khoan bàn đến những đề tài hoa mỹ khác. Hãy nhìn Hồng Kông và Singapore trong 5 thập kỷ qua để tự hiểu vì sao. Mặt khác, có trung tâm tài chính nào trên thế giới này nằm trong một nền kinh tế mang danh ‘thị trường định hướng XHCN’ lú lẫn không?” (T.K.)

Em trai Phạm Nhật Vượng nhẹ tội ‘nhờ làm công đức nhiều’ cho ‘Phật giáo quốc doanh’


Ông Phạm Nhật Vũ (thứ hai, trái qua) trong một lần đưa cả trăm nhân viên AVG đến tu tập tại tổ đình Viên Minh ở Hà Nội. (Hình: Phatgiao.org.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong thương vụ Mobifone mua AVG, ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Công Ty Cổ Phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) và là em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bị cơ quan điều tra xác định hưởng lợi hơn 5,800 tỷ đồng ($250.7 triệu) nhưng thoát tội.
Trong lúc cả hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao truy tố với cáo buộc “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ,” ông Vũ chỉ bị truy tố về tội đưa hối lộ vì đã “lại quả” cho hai cựu bộ trưởng và lãnh đạo MobiFone hàng triệu đô la.
Tờ Tuổi Trẻ giải thích: “Ông Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, ông Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận. Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương có đơn đề nghị xem xét cho ông Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.”
“Với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, Viện Kiểm Sát cho rằng cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định của Bộ Luật Hình Sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ của bị can Phạm Nhật Vũ,” tờ báo cho biết.
Trước khi bị bắt hồi Tháng Tư, 2019, ông Vũ được công luận biết đến với pháp danh “cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ, phó ban thường trực Ban Truyền Thông Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”
Một bản tin đăng trên trang web của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hồi Tháng Giêng, 2014 cho biết: “Cư sĩ Từ Vân Phạm Nhật Vũ đưa gần 100 cán bộ công nhân viên AVG về dự đàn lễ quy y tại chùa Ráng – tổ đình Viên Minh ở Phú Xuyên, Hà Nội. Mỗi cán bộ, công nhân viên AVG và các bà con cô bác thân hữu của họ đã vô cùng xúc động và tự hào được nhận điệp quy y. Từ nay, đã có pháp danh, chính thức trở thành đệ tử Phật, đặc biệt từng thành viên sẽ ý thức về bổn phận, trách nhiệm của Phật tử.”
Báo Thanh Niên hôm 20 Tháng Mười dẫn cáo trạng viết: “Tại thời điểm thương vụ chuyển nhượng cổ phần được tiến hành, giá trị tài sản của AVG dựa trên các báo cáo kiểm toán xác định khoảng 3,103 tỷ đồng ($134.1 triệu), sau khi trừ đi các khoản nợ phải trả thì giá trị tài sản ròng của AVG chỉ còn lại khoảng 1,970 tỷ đồng ($85.1 triệu). Ngoài ra, AVG còn bị thua lỗ kéo dài trong nhiều năm… Vì mong muốn bán AVG giá cao, nên Phạm Nhật Vũ đã đưa ra các thông tin thổi phồng giá trị doanh nghiệp. Ông Vũ đã gọi cho ông Nguyễn Bắc Son tổng cộng 85 cuộc điện thoại, 206 tin nhắn để ông này chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện mua cổ phần.”
Theo VietNamNet, ông Phạm Nhật Vũ sinh năm 1972, quê tại Hải Phòng. Ông từng sống, kinh doanh tại Đông Âu trong suốt thập niên 1990 và đầu những năm 2000. Sau đó, ông Vũ trở về Việt Nam và bắt đầu kinh doanh bất động sản với một số dự án tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông Vũ nổi lên từ năm 2004, bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền và thành lập AVG hồi năm 2008. (T.K.)

Saturday, October 5, 2019

Chính quyền nâng đường không hợp lý, dân lo nhà biến thành hầm nước

Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng mỗi khi có mưa hay triều cường. (Hình: Kiến Thức)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều người dân ở hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, tỏ ra không đồng tình và lo lắng các con hẻm, nhà ở có thể sẽ biến thành hầm chứa nước một khi chính quyền nâng cao tuyến đường này để chống ngập.
Hôm 3 Tháng Mười, 2019, sau khi nhà chức trách cho biết sẽ nâng 500 mét đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn, đang bị lún lên cao hơn hiện nay từ 0.5 mét đến 1.2 mét nhằm “bảo đảm yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên.” Bên cạnh đó, về tổng thể, gần 3.2 cây số con đường này cũng sẽ được “nâng cấp, sửa chữa và cải tạo, cùng lúc với việc cải tạo hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh…”
Theo báo Zing, dự án nâng và sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh tiêu tốn ngân sách gần 473 tỷ đồng ($20.4 triệu), được thi công trong 14 tháng và sẽ khởi công vào ngày 5 Tháng Mười. Điều này không làm người dân vui mừng mà còn lo lắng.
Bà Trần Thị Tư (81 tuổi, ở đoạn gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh), lo lắng cho biết hồi đầu Tháng Chín vừa qua, cán bộ phường 22 (quận Bình Thạnh) cùng vài nhân viên khảo sát đến kiểm tra hiện trạng căn nhà của bà để làm cơ sở bồi thường nếu xảy ra lún, nứt trong lúc thi công.
“Họ nói đoạn trước nhà tôi nâng cao khoảng 70 cm để chống ngập. Nâng chừng đó thì vỉa hè chỉ cao đến bậc tam cấp. Tuy tôi không phải nâng nền nhà như nhiều hàng xóm, nhưng sau này tái diễn ngập thì chết,” bà Tư nói.
Đoạn trước tòa nhà The Manor được nâng cao 1.2 mét để chống ngập. (Hình: Zing)
Sát bên cạnh, nhà bà Huỳnh Thị Ngọc Châu cao hơn mặt đường. Gia đình bà Châu vừa nâng nền nhà gần một mét, nhưng đến nay chỉ còn 30 cm. Cũng như nhiều người khác, bà Châu chưa biết được nhà mình thời gian tới sẽ thấp hơn mặt đường bao nhiêu.
“Tôi hy vọng đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập chứ đừng như mấy lần trước, đường nâng xong nhà vẫn ngập,” bà Châu nói.
Theo chủ đầu tư, mặt đường đoạn trước tòa nhà The Manor là rốn ngập của tuyến đường này được nâng cao nhất (1.2 mét) sẽ giúp xe cộ không bị chết máy, nhưng có thể sẽ khiến nước tràn vào nhà dân.
Bà Cao Kim Tào (ngụ hẻm 113 Võ Duy Ninh, cạnh tòa nhà The Manor), cho rằng nâng đường thêm 1.2 mét là quá cao, việc này sẽ khiến nước mưa từ ngoài đường tràn vào trong hẻm. Người dân trong hẻm đã chứng kiến cảnh nước ngập lênh láng suốt một ngày mới rút, nên khi nghe tới việc nâng đường họ lại thấy bất an.
“Nâng khoảng 70-80 cm là vừa, vì khi đó nền đường ngang với trong hẻm. Chứ nâng cao cả mét, nước tràn vào nhà thì người dân sống chung với ngập,” bà Tào phân tích.
Nói với báo Đất Việt, Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học Lê Huy Bá, cựu viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường, đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản Lý Dự Án Đầu Tư Xây Dựng Các Công Trình Giao Thông Sài Gòn, phải khảo sát địa chất khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, cũng như mức độ chênh lệch giữa mặt đường và nhà dân.
Theo ông Bá, thành phố Sài Gòn là đô thị nền đất yếu, riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên mặt phẳng nghiêng, trên nền một dòng sông cổ. Do đó, đất ở khu vực này cứ chuội dần và lún xuống.
“Không thể làm chắp vá, tốn tiền, chạy theo cái vòng luẩn quẩn mà đường lún vẫn hoàn lún, mà cứ nâng mãi thì biết đến khi nào mới xong,” ông Bá bất bình nói.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết “sẽ xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để khắc phục tình trạng đường cao hơn nhà, giúp người dân đi lại dễ dàng.”
Chưa hết, đường Nguyễn Hữu Cảnh đang tiếp nhận hàng chục ngàn xe cộ lưu thông mỗi ngày, nhất là đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng và Lê Thánh Tôn là “điểm đen” về ùn tắc. Vào giờ cao điểm, cảnh kẹt xe xếp dài hàng trăm mét thường xuyên diễn ra và chắc chắn trong thời gian tới khi thi công dự án, tình trạng kẹt xe sẽ còn trầm trọng hơn. (Tr.N)

Tàu Trung Cộng không cứu, còn ép ngư dân Việt Nam ký giấy ‘đánh bắt vi phạm chủ quyền’

Tàu cá Qna 90569 TS gặp nạn trên biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc từ chối cấp cứu đã được một tàu cá Việt Nam đưa về bờ an toàn hôm 2 Tháng Mười, 2019. (Hình: Thanh Niên)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – “Phía tàu Trung Quốc bắt ép chúng tôi phải ký vào giấy vi phạm vùng biển của họ. Trong khi đó, vùng biển tàu cá thả trôi vẫn thuộc vùng biển Việt Nam,” thuyền trưởng tàu cá QNa – 90569 TS vừa thoát nạn bất bình cho biết.
Kể với báo Thanh Niên ngày 5 Tháng Mười, 2019, ông Phan Bá Tín (47 tuổi, ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành), thuyền trưởng tàu cá QNa – 90569 TS, cho biết thời điểm tàu gặp nạn và trả trôi gần đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc này xuất hiện một tàu Trung Cộng tiếp cận và nói nếu có yêu cầu thì họ sẽ dắt vào neo đậu tại khu vực đảo Bạch Quy cho an toàn. Tuy nhiên, theo quan sát của ngư dân thì khu vực tàu Trung Cộng định dắt tàu cá Việt Nam vào là rất cạn, thực chất khu vực này không hề an toàn như họ nói.
“Nếu tàu mà neo đậu tại khu vực như tàu Trung Quốc yêu cầu thì sẽ rất nguy hiểm, bởi neo đậu khu vực đó chỉ cần một cơn sóng đánh là tàu sẽ vỡ hết rồi chìm ngay nên chúng tôi không chấp nhận lời đề nghị từ họ,” ông Tín kể.
Cũng theo ông Tín, sau khi tàu kia bỏ đi thì có một tàu Trung Cộng khác tiếp tục đến và tiếp cận tàu đang bị nạn. “Chúng bước lên tàu, chúng bắt 12 ngư dân chúng tôi dồn về hết lên mũi tàu. Chúng yêu cầu đề máy để khám xét xem có phải hư hay không. Chưa dừng lại, chúng còn yêu cầu mở hết hầm lên để khám xét có cá hay không,” ông Tín nhớ lại.
“Sau khi kiểm tra hết mọi thứ trên tàu, bọn chúng cáo buộc chúng tôi đánh bắt vi phạm chủ quyền vùng biển của Trung Quốc rồi bắt ép ký vào một tờ giấy với nội dung ‘đánh bắt vi phạm vùng biển của Trung Quốc.’ Chúng tôi trả lời lại là tàu bị nạn nên thả trôi đến đây chứ không hề đánh bắt, nhưng chúng vẫn ép buộc phải ký vào giấy đó nên đành chấp nhận. Trong khi đó, vùng biển tàu thả trôi vẫn thuộc quần đảo Hoàng Sa, vùng biển Việt Nam,” ông Tín bất bình nói.
Các ngư dân trên tàu gặp nạn kể lại sự việc bị tàu Trung Quốc ép ký vào giấy “vi phạm chủ quyền lãnh thổ.” (Hình: Thanh Niên)
Theo ông Tín, việc bị ép ký giấy “vi phạm chủ quyền vùng biển” đã được các ngư dân báo lại cho đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Cảng Kỳ Hà hôm 4 Tháng Mười. Tuy nhiên, khi báo Thanh Niên liên lạc với Ủy Ban Nhân Dân xã Tam Quang, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã chỉ xác nhận tàu về bờ, còn việc ngư dân bị ép ký giấy vi phạm thì chưa biết.
Ngư dân Phạm Văn Kiên (55 tuổi, ở thôn An Hải Tây) người đi trên chuyến tàu gặp nạn trở về vẫn chưa hết bàng hoàng cho hay, thời điểm hai tàu Trung Cộng tiếp cận hầu hết ngư dân ai cũng lo sợ. Lo sợ rằng sẽ bị đánh đập cũng như cướp tài sản trên tàu.
“Trước đây, tàu cá ở Quảng Nam cũng đã từng bị tàu Trung Quốc húc hư hỏng rồi cướp đi nhiều tài sản nên nghĩ đến việc đó ngư dân chúng tôi ai cũng rất bất an. Nhưng lần này thay vì họ đánh đập, cướp tài sản như những tàu khác thì họ lại ép chúng tôi ký giấy ‘đánh bắt vi phạm vùng biển của Trung Quốc,’” ông Kiên ngao ngán nói.
Trước đó, chiều 1 Tháng Mười, 2019, Văn Phòng Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố, Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn, thuộc Cục Cứu Hộ Cứu Nạn, Bộ Quốc Phòng, cho biết 12 ngư dân cùng tàu cá QNa 90569 TS gặp nạn trên biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc từ chối cứu hộ đã được một tàu cá khác giúp và đang kéo vào bờ.
Báo Thanh Niên cho hay, tàu cá do anh Phan Bá Tín làm thuyền trưởng, cùng 11 ngư dân đang hành nghề lưới vây cách đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 27 hải lý đã bị gãy trục láp, phải thả trôi trên biển từ 9 giờ tối ngày 25 Tháng Chín.
Theo đề nghị của Cục Lãnh Sự Bộ Ngoại Giao, trong ngày 29 Tháng Chín, phía Trung Quốc đã cử một tàu cứu nạn đến khu vực đảo Bạch Quy để cứu hộ tàu cá QNa 90569 TS đang gặp nạn trên biển.
Tuy nhiên khi đến nơi, lực lượng cứu nạn Trung Quốc cho rằng“ tàu QNa 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn,” rồi giới thiệu thông tin cơ quan cứu hộ tàu của Trung Quốc và cho biết “nếu muốn được hỗ trợ phải trả tiền theo thỏa thuận.” Sau đó, phía Trung Quốc cũng thông báo cho giới hữu trách Việt Nam hiện có một tàu cá khác đi cùng tàu QNa 90569 TS nhưng không nói rõ số hiệu tàu.
Trước tình huống này, Văn Phòng Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố, Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn đã phải chỉ đạo các cơ quan hữu trách xác minh thông tin về tàu cá đi cùng, và nhờ hỗ trợ để kéo tàu cá QNa 90569 TS về bờ. (Tr.N)

Nhiều hãng lớn bỏ Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư

Một nhà máy sản xuất của Samsung tại tỉnh Bắc Ninh. (Hình: Nhà Đầu Tư)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Rời Trung Quốc sang Việt Nam là chiến lược của nhiều công ty công nghệ khác, vì Trung Quốc đang bị mất lợi thế “công xưởng của toàn cầu.”
Báo VietNamNet ngày 5 Tháng Mười, 2019, dẫn tin từ Reuters, cho biết nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ điện tử đã ào ạt rời khỏi Trung Quốc khi vấp phải những khó khăn cạnh tranh trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt hơn.
Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên thay thế nhờ vào vị trí gần với Trung Quốc, giúp thuận lợi cho việc cung ứng linh kiện dễ dàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó chi phí lao động thấp, tay nghề công nhân khá cao cũng là một yếu tố quan trọng để các hãng công nghệ cân nhắc, lựa chọn Việt Nam làm nơi sản xuất các sản phẩm của mình.
Tin cho biết, sau khi đình chỉ một nhà máy vào cuối năm 2018, mới đây Tập Đoàn Samsung Electronics của Nam Hàn đã chính thức ngừng sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc. Việc đóng cửa diễn ra sau khi hãng này cắt giảm sản xuất tại nhà máy ở thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông) hồi Tháng Sáu, 2019, với lý do chi phí lao động tăng và suy thoái kinh tế tại quốc gia này.
Theo ông Park Sung-Soon, một nhà phân tích tại Cape Investment & Securities, người dân Trung Quốc thường mua điện thoại thông minh giá rẻ từ các thương hiệu nội địa, nếu chọn hàng cao cấp, thì họ lại chọn iPhone của Apple (Mỹ) hoặc Huawei. Do vậy, Samsung “có rất ít hy vọng để tăng trưởng doanh số tại Trung Quốc sau thời gian sụt giảm liên tục.”
Tương tự, Hãng Sony (Nhật Bản) cũng cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh ở Bắc Kinh, chuyển sản xuất mặt hàng này sang Thái Lan.
Theo tờ Nikkei Asian Review, tuy hãng Apple vẫn sản xuất các sản phẩm lớn tại Trung Quốc, nhưng họ cũng đang dự phòng kế hoạch cho những điểm sản xuất mới ngoài Trung Quốc.
Trước mắt, Goertek một trong những đối tác sản xuất tai nghe chính cho Apple sẽ đầu tư vào nhà máy sản xuất tai nghe AirPods (tai nghe không dây) thế hệ mới nhất của Apple tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, một sản phẩm mà từ trước đến nay được sản xuất ở Trung Quốc.
Tập Đoàn Foxconn đang mở rộng đầu tư, sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh (Hình: BizLIVE)
Hiện Goertek có hai nhà máy lắp ráp tại Khu Công Nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam). Trong thời gian gần đây, Goertek Việt Nam liên tục đăng tin tuyển công nhân để chuẩn bị cho dây chuyền lắp ráp AirPods mới nhất của Apple.
Trong khi đó, theo Bloomberg nhiều hãng công nghệ lớn khác cũng đang cân nhắc chuyển nhà máy sản xuất của mình từ Trung Quốc về Việt Nam, để tránh việc sản phẩm bị đánh thuế nhập cảng vào Mỹ khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn.
Chẳng hạn, hãng Inventec sản xuất máy tính HP và Dell dự định chuyển 30% công suất sản xuất máy tính xách tay ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Google cũng đang chuyển sản xuất điện thoại Pixel, thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ năm tại Mỹ sang Việt Nam, sớm nhất là vào mùa Thu này.
Ngoài ra, Google cũng có kế hoạch chuyển sản xuất phần lớn lượng phần cứng cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hãng Compal cũng bắt đầu sản xuất thiết bị kết nối mạng tại Việt Nam và cho biết có thể sẽ sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác tại đây.
Cũng theo tin VietNamNet, Tập Đoàn Foxconn Việt Nam đang nghiên cứu và xem xét đầu tư dự án Nhà Máy Lắp Ráp Linh Kiện Màn Hình Tivi tại Khu Công Nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam), với quy mô nhà xưởng rộng 10 hécta, có 3,000 công nhân, tổng mức đầu tư giai đoạn một là $40 triệu. (Tr.N)