Thursday, May 18, 2017

Kẻ sĩ thời nay

Huy Phương - VOA/18/05/2017
Ông Nguyễn Thiện Nhân. (REUTERS/Kham)
Các đơn vị quân đội VNCH trước đây có câu khẩu hiệu: “Nhìn quân phục biết tư cách” và ở mỗi lối ra cổng đơn vị đều có một tấm gương lớn cho quân nhân soi bóng trước khi rời đơn vị. Các giới chức cao cấp Cộng Sản thời này không có quân phục, nhưng cứ nhìn thái độ của các vị này mỗi khi có chuyện dao động như đổi ghế, lên xuống vì phe nhóm, thời cuộc thì nhân dân thấy rõ tư cách của các ông này ra sao?
Dư luận trong mấy tuần qua ồn ào quanh chuyện cái ghế Bí Thư Thành Ủy Saigon. Chúng ta cũng biết cái ghế Bí Thư này quan trọng như thế nào (bên cạnh đó UBND thành phố là đồ bỏ). Bí thư Thành ủy Saigon - TP Hồ Chí Minh - là chức vụ đứng đầu Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng Sản tại Sài Gòn. Đây là một trong những chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống chính trị tại Việt Nam, vì vậy Bí thư Thành ủy Saigon theo thông lệ phải có chân trong Bộ Chính trị đảng CSVN.
Lâu nay, chiếc ghế Bí Thư này là cái bàn đạp được sắp đặt để đưa những nhân vật giữ chức vụ này lên hàng cao cấp hơn. Bằng chứng là trừ những bất trắc phe phái, sau khi giữ chức bí thư, hai người phải về hưu như Võ Trần Chí và Lê Thanh Hải, trong khi một Bí Thư thì thành Bộ trưởng Công An (Mai Chí Thọ), hai lên chức Chủ Tịch Nước (Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang).
Với chức vụ trọng yếu như vậy, lại được giao cho Đinh La Thăng, người bị các sai phạm từ 2009 đến 2015, mà theo báo chí trong nước, gồm thiếu trách nhiệm khi lãnh đạo Hội đồng quản trị Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN), thất thoát vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, mà chủ yếu là do việc góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank), mất 800 tỷ đồng. Đinh La Thăng nhận chức vụ này dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ Tướng hai tháng trước khi Dũng ra đi.
Điều đáng nói là thái độ của hai vị, người vừa bị đuổi việc, kẻ mới được lên chức, Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân, thay chỗ Thăng.
Sau khi khen ngợi lấy lệ nhân vật kế vị là Nguyễn Thiện Nhân, Đinh La Thăng cũng gửi lời cảm ơn đến nhân dân, Đảng bộ và chính quyền Saigon theo cung cách xã giao. Đinh La Thăng thú nhận về những sai phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, “tự kiểm điểm,” nhận trách nhiệm của người đứng đầu về những khuyết điểm của tập đoàn.
Biết lỗi tày trời ra như thế mà còn dám nhận chức Bí Thư Thành Uỷ Saigon, và trong hơn một năm với chức vụ này, Đinh La Thăng tỏ ra chủ quan, huyên hoang, và tự phụ. Trong thời gian mới đây, chỉ mới dẹp sạch vài khoảng lòng lề đường, Đinh La Thăng đã vội vã tuyên bố, ít nhất là vùng Quận 1 Saigon, sẽ là một Singapore tương lai. Nhân gian hiện nay có thành ngữ “lạc quan phát ớn” để nói về những trường hợp này.
Nhân ngày “Thầy Thuốc Việt Nam,” Đinh La Thăng nói rằng Saigon “sẽ thành lập một tổ chuyên gia đầu ngành y tế để nghiên cứu thành lập đề án phấn đấu để có một đơn vị có thể giành được giải thưởng Nobel về y học trong tương lai,” và vội vã kết luận: “Tất cả chúng ta ngồi ở đây sẽ là người quyết định có hay không có giải thưởng Nobel Y Học!” Điên cuồng và say thuốc như thế là cùng.
Nhưng khi biết số phận mình đã tạm thời được giải quyết, ra khỏi Bộ Chính Trị, về giữ chức Phó Ban Kinh Tế Trung Ương, còn tương lai chưa biết ra sao, thì Đinh La Thăng “nhũn như con chi chi,” để lộ sự sợ hãi, ca ngợi Đảng hết lời: “Quyết định thi hành kỷ luật của Ban chấp hành trung ương đối với tôi là có lý có tình, thể hiện sự đoàn kết, tập trung, thống nhất cao trong Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương và cũng đã tạo điều kiện để tôi có cơ hội khắc phục, sửa chữa khuyết điểm!”
Thăng cũng cho biết đã xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân, xin lỗi Tổng Bí Thư, Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương, nói chung là xin lỗi … “cả nhà.” Chỉ thấy cách Đinh La Thăng nói lời xin lỗi, cám ơn mà cũng phải chúi đầu vào tờ giấy viết sẵn, thì cũng thấy trình độ “uyên bác” dường nào!
Trong khi đó, Nguyễn Thiện Nhân, người mới, tuy ở trong Bộ Chính Trị, có văn bằng tốt nghiệp ở Mỹ, Đức, nhưng từng thất bại trong vai trò Bộ Trưởng Giáo Dục, được giao cho một chức vụ có tính cách nghi lễ vòng ngoài là Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc gần 4 năm nay.
Được đảng cất nhắc vào chức Bí Thư Thành Ủy Saigon, Nguyễn Thiện Nhân như người chết đi sống lại. Cái cách Nhân nhận chức mới nó phản ánh “phong cách trí thức” của thời này ở Việt Nam. Việc trước tiên cần làm là tỏ lòng trung thành với Đảng, là hương đèn khấn vái trước bàn thờ Hồ Chí Minh. Cử chỉ này bình dân, không khác chi người mới trúng số đề, van vái trước bàn thờ Ông Địa và xin cúng tạ một nải chuối hay ra khấn khứa mấy ông Táo dưới gốc cây đa đầu làng. Chưa lúc nào thứ văn hóa khấn vái, sì sụp, xin xỏ lại thịnh hành như hiện nay.
Chúng tôi không muốn đặt đến vấn đề chống tham nhũng hay thay đổi phe cánh hiện nay ở Việt Nam, nhưng thấy tình cảnh, người đi, kẻ đến, tư cách “cùng mình” như Đinh La Thăng và Nguyễn Thiện Nhân mà chán ngán sự đời, thương cho kẻ sĩ ngày nay. Cuối cùng chỉ có thằng dân là khốn khổ chịu thiệt!

Chính phủ thừa nhận biển miền Trung vẫn nhiễm độc từ Formosa

Theo VOA-19/05/2017
Cá bị cho là nhiễm độc tại một cơ sở đông lạnh ở Hà Tĩnh hồi tháng 4 năm nay, 1 năm sau thảm họa môi trường biển do công ty Đài Loan Formosa gây ra.Cá bị cho là nhiễm độc tại một cơ sở đông lạnh ở Hà Tĩnh hồi tháng 4 năm nay, 1 năm sau thảm họa môi trường biển do công ty Đài Loan Formosa gây ra.
Mặc dù bộ trưởng Trần Hồng Hà từng tuyên bố “biển miền Trung đã an toàn”, chính phủ Việt Nam quyết định tiếp tục ngưng khai thác hải sản tầng đáy khu vực biển miền Trung bị nhiễm độc vì chất thải của công ty Formosa.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đưa ra yêu cầu này hôm 17/5 tại cuộc họp của Ban chỉ đạo nhằm khắc phục sự cố và ổn định đời sống cũng như kinh doanh cho người dân 4 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất từng xảy ra ở Việt Nam.
"Năm ngoái họ nói là biển sạch và an toàn nhưng năm nay họ lại nói là trong tầm 20 hải lý tính từ bờ biển trở ra là không nên đánh (bắt hải sản) vẫn chứng tỏ rằng những phát ngôn của họ chỉ phục vụ cho ý đồ chính trị của họ muốn dẹp tan dư luận khi mà dư luận người ta đang bùng sôi và phẫn nộ về chuyện đó."Nguyễn Chí Tuyến, nhà hoạt động dân chủ
 Động thái này càng làm nhiều người nghi ngờ sự an toàn của vùng biển nơi mà người đứng đầu Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam từng xuống tắm và ăn hải sản để chứng minh biển đã an toàn.
Trong một lần trả lời chất vấn trước quốc hội ngày 16/11 năm ngoái, bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định “toàn bộ mọi hoạt động có thể tiến hành bình thường” trên khu vực biển mà ông cho là đã an toàn. Ông còn nói thêm rằng “toàn bộ hải sản biển miền Trung đều an toàn.”
Tờ Tuổi Trẻ tường thuật rằng tại cuộc họp ở Hà Nội hôm 17/5, phó thủ tướng Bình “yêu cầu các tỉnh tiếp tục vận động ngư dân không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, cho đến khi bộ Y tế có kết luận về an toàn thực phẩm đánh bắt tại khu vực này.”
Nhận xét về sự mâu thuẫn trong các phát ngôn của giới lãnh đạo nhà nước Việt Nam, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến nói: ​"Năm ngoái họ nói là biển sạch và an toàn nhưng năm nay họ lại nói là trong tầm 20 hải lý tính từ bờ biển trở ra là không nên đánh (bắt hải sản) vẫn chứng tỏ rằng những phát ngôn của họ chỉ phục vụ cho ý đồ chính trị của họ muốn dẹp tan dư luận khi mà dư luận người ta đang bùng sôi và phẫn nộ về chuyện đó. Họ dùng những lời lẽ đó để làm dịu dư luận đi thôi chứ thực ra biển vẫn còn là ô nhiễm."
Vết nước màu đỏ tại Vũng Áng. Nhiều người ghi ngờ rằng đây là dải chất độc trôi nổi trên biển từ chất thải của Formosa (Facebook Danlambao)
Vết nước màu đỏ tại Vũng Áng. Nhiều người ghi ngờ rằng đây là dải chất độc trôi nổi trên biển từ chất thải của Formosa (Facebook Danlambao)
Dưới góc độ một người dân, anh Tuyến cho rằng “khu vực biển bị nhiễm độc như vậy không thể nào ngày 1 ngày 2 mà có thể giải quyết được và biển không thể nào tự làm sạch như tuyên bố của các quan chức và những tuyên truyền trên báo đài và các phương tiện truyền thông đại chúng.”
Chuyên gia môi trường Lê Xuân Lan nói dân cần được thông tin minh bạch và những giải thích rõ ràng hơn từ chính phủ. ​"Bộ Tài nguyên Môi trường phải có trách nhiệm trả lời những câu hỏi. Bây giờ anh nói anh cấm khai thác hải sản ở tầng đáy, thì là tại sao? Thì cái đó phải là bộ Tài nguyên Môi trường trả lời để cho người dân biết những thông tin đó. Tại sao vẫn cấm những loại đó? Nó vẫn còn mức độ nguy hiểm thì cấm?
Mặc dù dân chúng đã trở lại tắm biển và ăn hải sản ở khu vực này nhưng giảng viên Đại học Tài Nguyên Môi Trường Lê Xuân Lan nói khách du lịch nước ngoài vẫn không tin vào sự an toàn của nơi này. ​"Người nước ngoài đến Việt Nam, kể cả Việt Kiều về, cũng vẫn còn rất sợ. Họ còn sợ cả không dám xuống biển tắm. Như vậy rõ ràng vấn đề môi trường chưa có mức độ tin cậy cao cho nên nó đưa ra những nghi ngờ như vậy."
Mặc dù chưa có trường hợp nhiễm độc hải sản nào được chính thức công bố từ vụ việc này nhưng một chuyên gia luật của Mỹ cách đây 1 tuần cảnh báo về nguy cơ hải sản Việt Nam nhập vào Mỹ có thể bị nhiễm độc từ vụ xả thải Formosa. Năm ngoái, một nhóm nhà hoạt động Mỹ gốc Việt gửi 1 thỉnh nguyện thư tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) để thúc giục cơ quan này xét nghiệm và điều tra toàn bộ hải sản nhập từ Việt Nam.
Đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200km để nộp đơn kiện Formosa, ngày 14/02/2017. (Ảnh Tin Mừng cho Người nghèo)Đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200km để nộp đơn kiện Formosa, ngày 14/02/2017. (Ảnh Tin Mừng cho Người nghèo)
Không hài lòng với cách giải quyết thảm họa môi trường này, người dân ở trong nước vẫn tiếp tục biểu tình và đấu tranh đòi chính quyền đóng cửa nhà máy Formosa cũng như đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân. Theo anh Tuyến, một người theo dõi tình hình đấu tranh của dân trước thảm họa môi trường Formosa, bồi thường không thỏa đáng là nguyên nhân của làn sóng đấu tranh của người dân miền Trung trong những tháng qua.
"Có thông tin bồi thường tiền nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tức là sau hơn 1 năm, thì nhiều người dân thuộc huyện được hỗ trợ số tiền đó người ta vẫn chưa nhận được hoặc nhận với số tiền rất ít ỏi. Chính vì vậy mà người dân liên tiếp trong Hà Tĩnh và Nghệ An đi đòi quyền lợi đó. Người ta yêu cầu đòi minh bạch chuyện đó," theo anh Tuyến.
Formosa đã thực hiện cam kết với chính phủ Việt Nam, bồi thường 500 triệu đô la cho nạn nhân, đồng thời đầu tư thêm 1 tỷ đô la vào liên doanh thép tại Việt Nam trước khi hoạt động của nhà máy Formosa - Hà Tĩnh khởi sự lại vào tháng sau. Đưa Formosa vào vận hành là một trong ba giải pháp chính mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Việt Nam vừa đề xuất nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng (GDP) 6,7% của năm 2017. Ngày khởi sự đã bị trì hoãn vì các cuộc biểu tình của dân chúng miền Trung.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói “chính quyền sẽ bất chấp hậu quả để chạy theo GDP” và trong các điều kiện đó, sẽ tiếp tục xảy ra mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân. ​"Họ vẫn cứ để cho Formosa thì khi mà Formosa đi vào hoạt động luyện kim như thế thì chắc chắn với công nghệ lạc hậu nó sẽ tiếp tục xảy ra những sự cố tiếp theo và nó không thể nào đảm bảo đạt tiêu chuẩn để thải ra môi trường như họ công bố được. Và sự xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương cũng như chính quyền trung ương chắc chắc sẽ gia tăng chứ nó không thể giảm đi được."

Công an ‘nhan nhản’ trong ‘kế hoạch bảo vệ Formosa’

Theo VOA-18/05/2017Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)
Lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, có buổi họp, để bàn về “công tác bảo đảm an ninh trật tự” khi lò cao số 1 của Formosa được vận hành. Buổi họp diễn ra chiều 17/5, tại Hà Tĩnh.
Trong khi đó, một thợ lặn ở Hà Tĩnh nói với VOA rằng “bây giờ công an nhan nhản” và ông không thể tin được người lạ nào ở đây vì “công an [mật] còn nhiều hơn dân.”
Tại buổi họp được đưa tin trên trang mạng của Công an tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Đại tá Lê Văn Sao, cựu Phó cục trưởng Cục Tham mưu an ninh của Tổng cục An ninh, thông báo về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn tỉnh và đặc biệt là tại khu kinh tế Vũng Áng sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển.
Lãnh đạo công an Hà Tĩnh nói công tác an ninh tại đây đã được bảo đảm, với sự cộng tác của các lực lượng chức năng và “hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở”.
Đại tá Lê Văn Sao yêu cầu Công ty Fomosa “làm tốt công tác quản lý cán bộ”, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào Formosa, yêu cầu công nhân cam kết không tham gia biểu tình, tụ tập; các nhà thầu cho Formosa phải trả lương cho công nhân đúng hạn để không xảy ra đình công, lãn công.
Phía Formosa cũng cam kết thực hiện các phương án bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh. Trong buổi họp chiều 17/5, công an tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công ty Fomosa “làm tốt công tác quản lý cán bộ”, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào Formosa.
Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh. Trong buổi họp chiều 17/5, công an tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công ty Fomosa “làm tốt công tác quản lý cán bộ”, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào Formosa.
Kể từ sau khi xảy ra thảm họa môi trường Fomosa, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại địa phương và nhiều tỉnh, thành khác.
Các cuộc biểu tình gần đây của người dân ở tỉnh Nghệ An, nơi không được xem là nạn nhân của Formosa, đã dẫn đến những vụ bắt giữ, đánh đập và truy nã những người tham gia.
Anh Phan Cường, một thợ lặn ở Hà Tĩnh đã phải bỏ nghề vì thảm họa Formosa, cho VOA biết tình hình an ninh ở khu vực nhà máy Formosa được thắt chặt. Ngoài những hàng rào thép gai, rào chắn kiên cố quanh nhà máy, anh Cường cho biết trong khu vực còn được cài lực lượng công an mật.
“Bây giờ công an về đây với lại công an mật. Chừ bây giờ mình ra đường gặp người lạ mình không thể tin được đấy là người dân bình thường hay là công an. Nói chung, nó đóng [vai] đủ nhiều kiểu. Nó đi bán bánh, đi rao thế nọ thế kia. Khi dân hỏi thì nó nói nó đi bán bánh trôi. Bây giờ công an nhan nhản. Trong khu vực này bây giờ công an nhiều hơn dân”.
Anh Cường cho biết anh và những nạn nhân khác của Formosa đã phải bỏ nghề để tìm việc làm khác kiếm sống, trong khi những người không có cơ hội việc làm khác vẫn phải đi đánh cá dù biết rằng cá vẫn còn nhiễm độc và số tiền kiếm được cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
“Chứ bây giờ kêu cũng không biết kêu ai, mà đợi cũng không biết đợi tới khi nào nữa. Formosa thì vẫn làm, vẫn xả. Cá thì vẫn có cá chết. Khói thì ngày đêm vẫn xả. Vô tư thế!”
Anh Cường cho biết mỗi khi người dân phẫn uất tổ chức biểu tình, thì lập tức có hàng trăm, hàng ngàn cảnh sát, an ninh đổ về bao vây khu vực. Nhưng người thợ lặn mất việc này khẳng định “Nếu người dân đã đứng lên biểu tình, thì bao nhiêu cảnh sát cơ động cũng không đủ.”

Liệu ông Thăng có thoát được ‘quy trình 5 bước’?

Theo VOA-19/05/2017 Phạm Chí DũngĐinh La Thăng trong lần tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ. (State Department photo/ Public Domain)Đinh La Thăng trong lần tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ. (State Department photo/ Public Domain)
Đinh La Thăng - người vẫn còn “trung ủy” sau khi mất “chính ủy” - sẽ được “hạ cánh mềm” hay phải “hạ cánh cứng” - là một dấu hỏi lớn mà nhiều giới trong xã hội Việt Nam đang đặc biệt chú ý. Tò mò có, hả hê có, thương hại cũng có, hoặc cũng muốn biết bàn cờ chính trị nội bộ xoay chuyển theo hướng nào…
Buổi sáng Sài Gòn
Buổi sáng thứ Tư ngày 10/5/2017. Sài Gòn nắng nhẹ và đang vào mùa mưa. Các ủy viên bộ chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân đã không dự buổi kết thúc của Hội nghị trung ương 5, mà lại có mặt ở Thành ủy TP.HCM cách Hà Nội gần hai ngàn cây số.
Đi cùng với họ là Đinh La Thăng, gương mặt đã mất hẳn vẻ tự tin cùng những câu “sấm” bán trời không văn tự, vừa bị 90% ủy viên trung ương nhất trí “cách” khỏi Bộ Chính trị.
Suốt cả tháng trời trước buổi sáng Sài Gòn ấy, người ta không nhận ra Bí thư TP.HCM ồn ào hiện diện trên mặt báo chí như dĩ vãng gần. Cũng có tin cho biết ông Thăng thực ra đã được “điều” ra Hà Nội cả tháng trước khi Hội nghị trung ương 5 diễn ra.
Trong buổi sáng Sài Gòn ngày 10 tháng Năm năm nay, mọi chuyện đã diễn ra hết sức suôn sẻ và chóng vánh: thay mặt “tứ trụ”, bà Kim Ngân trao quyết định điều động làm bí thư thành ủy TP.HCM cho “người cũ” là Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời đưa quyết định cho “người mới” là Đinh La Thăng nhận nhiệm vụ Phó trưởng ban tại Ban kinh tế trung ương.
Ngay khi đó đã phát ra một tiếng thở phào: Đinh La Thăng thoát tội rồi!
Những người bênh vực hoặc có thiện cảm với Đinh La Thăng không phải hiếm, bằng vào những ấn tượng mà ông Thăng đã tạo được nơi họ bằng một lối phát ngôn mạnh miệng hiếm muộn trong Bộ Chính trị. Không ít người đã chúc mừng “anh Thăng hạ cánh an toàn”.
Nhưng chỉ ba ngày sau, công luận lại một lần nữa ồn ào như ong vỡ tổ. Nguyễn Phú Trọng - người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 - đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn “hình sự ta đang làm”.
Chỉ đến lúc này, những người chúc mừng quá sớm mới chợt nhận ra một tín hiệu là lạ: tại sao có quá nhiều bộ ngành, ban đảng và ban chỉ đạo mà Tổng bí thư Trọng chỉ chọn đúng Ban kinh tế trung ương để cho Thăng về làm cấp phó?
Cái lồng
Cái cách điều động của Nguyễn Phú Trọng đối với Đinh La Thăng lại rất mạnh và nhanh: thậm chí không có được vài hôm chia tay “đồng bào đồng chí miền Nam”, chỉ một ngày sau cái buổi sáng bùi ngùi ôm lấy Phó bí thư thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Thăng đã phải có mặt ở Hà Nội để nhận bó hoa tươi thắm của Ban Kinh tế trung ương.
Ban Kinh tế trung ương ấy lại đang sở hữu một nhân vật đặc biệt mang chức trưởng ban: cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - từng một thời được xem là cánh tay mặt của “anh Ba Dũng”.
Hình như “ông giáo làng” Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chơi một đòn thâm nho. Bây giờ thì ai nhìn vào Ban kinh tế trung ương cũng hiểu ra rằng đó là nơi để “nhốt quyền lực vào lồng” - cụm từ mà theo một tác giả thì Tổng bí thư Trọng đã mượn của Tập Cận Bình Trung Quốc và rất sính dùng.
Trong thực tế công tác nhân sự ở Việt Nam, có không ít ban chỉ đạo về những lĩnh vực nào đó đã trở thành cái rốn để nhồi nhét những nhân vật hoặc bị thất sủng, hoặc chờ về hưu, hoặc bị kỷ luật.
Nhưng Ban Kinh tế trung ương thậm chí còn có thể phải rước lấy một thân phận tồi tệ hơn cả các ban chỉ đạo trên: trong xu thế tinh gọn hóa bộ máy và tiến tới nhất thể hóa giữa hai khối đảng và chính quyền vào cuối năm 2017, sang năm 2018, người ta hoàn toàn có thể sáp nhập ban bị xem là “yếu” này với một vài bộ ngành bên chính phủ; hoặc tồi tệ hơn thì giải tán “cái lồng” đó.
Để khi đó, nói như dân gian, cả Trưởng ban Nguyễn Văn Bình và Phó ban Đinh La Thăng đều không còn mảnh đất cắm dùi.
Tuy vậy, khả năng ban bị giải tán và nhân sự đương nhiên mất ghế vẫn còn là “hạ cánh mềm”. Còn với cách nói nửa úp nửa mở “sẽ còn nữa” của Tổng bí thư Trọng, không ai trong hai nhân vật Thăng và Bình được hiểu là sẽ hoàn toàn an toàn để nghỉ ngơi an dưỡng mà chẳng phải lo đến “hậu sự”.
Quy trình 5 bước?
“Hậu sự” ấy lại quá mong manh. Nếu đúng như một lối nói úp mở khác gần đây của cây viết Huy Đức - người đã tung ra đến 3 bài trước Hội nghị trung ương 4 vào tháng 10/2016 để “đánh” Đinh La Thăng, cùng hăm he sẽ phanh phui đến cùng cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những hồ sơ về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt lên bàn Hội nghị trung ương 5 để phục vụ cho việc kỷ luật ông Thăng mới chỉ là “những mẩu con con”, trong khi một mớ hồ sơ dày gấp nhiều lần đang được sở hữu bởi “cơ quan chức năng”.
Mà như vậy, quy trình xử lý đảng và xử lý chính quyền chỉ là “chuyện nhỏ”. Chuyện ghê gớm hơn hẳn mới là quy trình tố tụng hình sự. Có nghĩa là Đinh La Thăng, đến một lúc nào đó, sẽ phải đối diện với các cơ quan điều tra pháp luật. Việc đối mặt này cũng là bước 2, sau bước 1 bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất chức bí thư thành ủy TP.HCM.
Ở bước 2, nếu không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng sẽ chắc chắn phải “ra tòa” một lần nữa. “Tòa án” vẫn lại là Ban chấp hành trung ương. Nhưng thay vì chỉ bỏ phiếu kỷ luật như lần trước, các ủy viên trung ương sẽ phải bấm bụng quyết định để ông Thăng không còn là “đồng đảng” của mình theo ý chỉ của Bộ Chính trị.
Nếu mất cả chức ủy viên trung ương, Đinh La Thăng sẽ phải đối mặt với một nỗi nguy hiểm lớn hơn - bước 3. Vào lúc này và nếu lại không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng còn có thể bị tước cả đảng tịch, tức bị khai trừ khỏi đảng “vinh quang và đời đời bất diệt”, sau đó đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội.
Đó chính là một tiền đề của quy trình tố tụng hình sự: một quan chức đã bị khai trừ đảng và mất ghế đại biểu quốc hội thì đương nhiên không còn “quyền bất khả xâm phạm”. Để khi đó, cơ quan điều tra pháp luật có thể “tùy nghi xâm phạm” - tức sang bước 4.
Trong trường hợp tồi tệ, Đinh La Thăng Việt Nam có thể trở thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
Năm 2012, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, “đúng quy trình”, bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân.
Bước 5, cũng là khả năng tồi tệ nhất đối với Đinh La Thăng, là như vậy. Tức nếu ai đó quên bẵng hứa hẹn “đánh người chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”, ông Thăng có thể sẽ bị bắt để điều tra về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một lô lốc vụ việc khác mà bên đảng không bỏ qua. Và nếu vận may vẫn không một chút an ủi, ông sẽ phải đối diện với một tòa án thật sự chứ không còn nằm trong ngoặc kép.
Cùng với những “người quen cũ” của ông…
Khi đó, chỉ còn cầu trời cho vận may cuối cùng: án treo.
Nhưng ngoài cái án kỷ luật đảng đã nhận, 4 bước còn lại vẫn chỉ là giả thiết ở thì tương lai. Có lẽ đã đến lúc ông Thăng cần một chút xác tín tôn giáo để cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi…

Hải sản nguy hiểm từ hai phía

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2017-05-18  
Cá dùng để làm chả cá ở Lý Sơn.
Cá dùng để làm chả cá ở Lý Sơn.  RFA photo
Bài tường tình này xem như một lời cảnh báo sau những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến cách mà người ta xử lý hải sản, gồm tôm, cá, cua, ghẹ, mực, nghêu… và cả rong biển, mực biển. Dường như sự nguy hiểm của các loại thực phẩm liên quan đến hải sản đều bắt nguồn từ hai phía gồm môi trường biển hiện tại và trách nhiệm của người bán hải sản. Trong đó, vấn đề trách nhiệm của người bán hải sản cần đặt lên hàng đầu và cần phải có điều chỉnh kịp thời nếu như họ không muốn gián tiếp giết chết đồng loại của mình.
Cách xử lý của người chế biến và bán hải sản ra sao?
Một người không muốn nêu tên, từng là nhà buôn các loại hải sản ở miền Trung Việt Nam chia sẻ: “Cái người Việt Nam mình bây giờ chịu cảnh chết chậm, bởi con cá nó mới nhiễm độc, nó chưa chết thì mình đánh lưới về ăn. Biển độc vài chục năm mà mới có một năm thì làm sao mà hết độc. Con cá nó đánh về thì mình mua ăn chứ thực ra nói không độc là không đúng… Chính quyền nói là hết độc nhưng chính quyền nói thì làm sao mình tin được! Người mình dù sao cũng thành dân  nhược tiểu rồi, cứ ăn từ từ rồi ngấm từ từ, đến khi đổ bệnh chết thì cứ nghĩ mình bị bệnh khác chết chứ đâu có nghĩ là mình bị nhiễm độc”.
Người này chia sẻ thêm là hiện nay, hầu như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại hải sản hoàn toàn không có. Nếu may mắn lắm thì các cơ sở sản xuất có sự quản lý của ngành vệ sinh an toàn thực phẩm và hơn hết là cơ sở đó có nhiều người lao động, xuất hàng cho nước ngoài mới hi vọng đảm bảo khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Còn lại, hầu như người Việt nói chung và chiếm số đông là ít quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuyện ruồi nhặng bâu vào thực phẩm, ướp lạnh quá lâu, để bị hôi thối rồi dùng chất hóa học tẩy là chuyện rất bình thường của các cơ sở chế biến thực phẩm nói chung và hải sản nói riêng.
Đặc biệt, khi mà cơn gió thị trường nặng mùi Trung Quốc kéo qua Việt Nam thì mọi chuyện trở nên đảo lộn. Người này đưa ra nhận xét trên và giải thích thêm là bởi hầu hết từ nông dân cho đến ngư dân, thương nhân Việt Nam khi bước vào sới đấu với dòng hàng hóa từ Trung Quốc đều phải chấp nhận một luật chơi chung, đó là giá cực rẻ, màu mè cực bắt mắt và vệ sinh hay chất lượng thì có các loại hóa chất hỗ trợ. Muốn có mùi thơm thì dùng hóa chất, muốn ngọt, ngon thì dùng đường hóa học, muốn sạch thì dùng thuốc tẩy, cứ như vậy mà sản xuất, mua bán…
phoirongbien-400.jpg
Phơi rong biển trên đường lộ. RFA photo
Với kinh nghiệm buôn hàng hải sản lâu năm và từng tận mắt chứng kiến các loại cá để ruồi nhặng bâu đen đúa trước khi xay thành chả cá, người này khẳng định hầu hết các loại chả cá trên thị trường đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và người này chua chát nói thêm là hình như cái bao tử của số đông người Việt đã quen chịu đựng với tất cả các loại thực phẩm nguy hiểm nên dường như ít thấy người nào bị ngộ động vì chả cá, mà có khi ngộ độc rồi cũng không biết mình ngộ độc vì thứ gì.
Đó mới chỉ riêng chả cá, món phổ thông, dễ xài nhất Việt Nam, hiện tại, vấn đề an toàn vệ sinh cho cây rong biển cũng đáng bàn, đặc biệt là ở huyện đảo Lý Sơn, khu du lịch được cho là còn nguyên sơ và an toàn về môi trường biển. Hầu như các điểm thu gom và xử lý rong biển đều có vấn đề. Điều này chúng tôi từng chứng kiến một người đàn ông đi nhặt rong biển, tập trung vào một chỗ bên cạnh đống rác, sau đó mang về nhà phơi trên đường bê tông, xe cộ qua lại cán lên hàng trăm bận tạo thành một bánh rong biển mỏng dính. Khi lấy rong trở về, người ta phải dùng xẻng nạo từng mảng và rửa qua nước lạnh, sau đó xử lý bằng hóa chất tẩy trắng tinh, và phơi khô một lần nữa bán ra thị trường.
Lý giải cho việc phơi dưới đường bê tông để xe cán qua lại rồi mới tẩy trắng thay vì rửa sạch rồi phơi ngay từ đầu, một người chuyên cung cấp rong biển, không muốn nêu tên, nói rằng nếu để nguyên rong biển mà không chần qua bánh xe khi phơi thì hàm lượng mùi gây tanh và màu đen không thể nhả ra khỏi thân rong, người ta buộc phải mượn bánh xe và nhiệt độ của đường bê tông để làm cho rong vừa khô vừa vỡ những gì có màu đen, sau đó mới tẩy được, mới có loại rong biển trắng tinh, mới cạnh tranh nổi với các loại rong biển nhập từ Trung Quốc.
Lại thêm chuyện vì cạnh tranh với Trung Quôc! Và có vẻ như người làm rong biển rất hồn nhiên trong chuyện xử lý trắng cây rong, họ cũng không hay biết chất mà họ đang dùng tẩy rong là chất độc hại.
Độc từ biển
quangngai-400.jpg
Đi thu nhặt rong biển ven bờ ở Lý Sơn, Quảng Ngãi. RFA photo
Chuyện độc từ biển thì có vẻ như ai cũng biết, nhưng nếu nói rằng những món gỏi rong biển quen thuộc ở các làng du lịch trong bữa cơm trưa, cơm tối đều có thể là những thứ độc hại thì ai cũng ngạc nhiên. Nhưng có một sự thật là hầu hết rong biển đều có vấn đề bởi cho đến thời điểm hiện tại, ít có ai dám khẳng định rong biển được lấy từ nguồn nước sạch, từ vị trí biển không nhiễm độc.
Ông Một, ngư dân ở Quảng Ngãi, chia sẻ: “Làm răng nó đủ an toàn được, vì cống xả Formosa thì nó xả thẳng ra biển mà, Nhật 30 năm sau nó còn vớt cá bỏ, mình mới một năm thì làm sao hết độc? Riêng cây rong biển thì không bao giờ hết độc, bởi các ống xả thành phố đều đưa ra sông, biển, mà rong và biển là loại hấp thụ chất bẩn nhanh nhất, cây rong biển phơi khô trên mặt đường rồi sau đó đem xử lý hóa học thì không thể nói là sạch được, an toàn được. Rau trồng thì đất mình cũng nhiễm độc, các loại phân bón háo học và thuốc trừ sâu đều nhiễm vào đất và đất của mình thì nhiễm kim loại hết. Nói chung thì khó mà có cây rau sạch được. Nhật họ qua V iệt Nam thuê đất trồng rau ở Lâm Đồng cũng phải xử lý đất cho sạch rồi mới dám trồng. Chỉ có người Việt Nam là sống trên những nơi gần cống rãnh, môi trường ô nhiễm vẫn thấy vui vẻ hạnh phúc thôi…!”.
Ông Một cho biết thời gian biển miền Trung bị nhiễm độc, ngoài các loài tôm, cá, mực, cua, ghẹ… bị chết, rong biển cũng chết hàng loạt và tự đứt gốc trôi nổi trên mặt biển. Dòng hải lưu và hướng gió mùa khô chuyển từ Bắc vào Nam, rong biển cũng trôi nổi theo chiều này, thường thì rong biển ở Hà Tĩnh sẽ xuất hiện ở bờ biển Huế và rong biển ở Huế lại trôi nổi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Điều này sẽ gây ra ngộ nhận về nguồn gốc rong biển và không ít rong biển từ vùng biển nhiễm độc đang trôi nổi trên thị trường.
Có thể nói rằng hiện tại, vấn đề hải sản nhiễm độc trôi nỗi trên thị trường đang là câu chuyện đau đầu của người Việt Nam, cùng với vấn đề này là thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và các loại thực phẩm, hải sản trong nước được xử lý một cách thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói cho cùng, chợ và cửa hàng vốn là nơi cung cấp nguồn thực phẩm, lương thực cho con người. Nhưng với tình trạng con người thiếu trách nhiệm trong vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện tại, mỗi cái chợ đều trở thành nơi phát tán độc hại và với đà này, khoảng cách giữa chợ và nghĩa địa đang ngày càng thêm xích lại gần hơn!

Bị qui là phản động, nhưng không đương nhiên bị truy tố?

Kính Hòa, phóng viên RFA 2017-05-18  
Image may contain: one or more people and outdoor
Công an ngăn chặn người biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội ngày 13/5/2014.  AFP photo
Tháng 5 năm 2017, một người hoạt động xã hội dân sự ở Nghệ An là ông Hoàng Đức Bình bị bắt tạm giam. Ngoài lý do cáo buộc ông Bình là hoạt động tuyên truyền chống phá nhà nước, tờ báo mạng Công Lý của Tòa án nhân dân tối cao còn cáo buộc ông Bình có dính líu đến những tổ chức phản động mang màu sắc chính trị như NoU, Liên đoàn lao động Việt, …. trong khi các tổ chức này chỉ là những tổ chức hoạt động xã hội dân sự.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao bị qui kết là phản động, mà trong thực tế những tổ chức này và những thành viên vẫn hoạt động công khai?
Dùng từ ngữ chính trị, phản động để bôi xấu
Trong hai tuần lễ đầu tháng năm, năm 2017, ngoài ông Hoàng Đức Bình bị bắt tạm giam còn có hai người hoạt động xã hội nữa bị nhà cầm quyền Việt Nam truy nã là ông Bạch Hồng Quyền ở Hà Nội, và ông Thái Văn Dung ở Nghệ An.
Trong đó ông Bạch Hồng Quyền bị truy nã về tội gây rối, còn ông Thái Văn Dung bị truy nã về tội không chấp hành án sau khi ra tù. Ông Thái Văn Dung bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế vào năm 2013 với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.
Đảng độc tài thì họ không muốn mất đi cái vai trò quyền lực của họ. Họ tìm cách ngăn chận và nói xấu.
- Ông Lê Thăng Long
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người hoạt động xã hội dân sự nhận xét về những từ ngữ mà nhà cầm quyền dùng để chỉ những cá nhân hoạt động dân sự và những tổ chức của họ:
“Đó là một cái trò chơi về ngôn từ mà bảy tám chục năm nay người Việt Nam đã bị nhồi sọ. Tôi hay dùng cái thuật ngữ là cảnh sát tư tưởng, là cái bộ phận mà nó giám sát đầu óc con người, nó tẩy não người.”
Trong những nhóm mà báo chí Việt Nam gán cho là có màu sắc chính trị, hoặc đôi khi gọi là phản động có nhóm NoU. Nhóm này được hình thành từ những hoạt động phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam. NoU có nghĩa là không chấp nhận đường ranh giới hình chữ U, còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc tự tuyên bố chiếm 90% diện tích biển Đông. Ngoài ra nhóm NoU cũng có những hoạt động từ thiện như trợ giúp người nghèo ở vùng núi, hay là cứu trợ nạn nhân bão lụt.
Một thành viên của tổ chức NoU ở Hà Nội là kỹ sư Nguyễn Lân Thắng cho biết tại sao những từ ngữ như là hoạt động chính trị, hay là phản động được dùng để chỉ trích, hoặc qui tội cho các nhóm hoạt động dân sự:
“Đấy, vấn đề nó là ở chỗ đấy, họ tìm một căn cứ mơ hồ nào đó, giống như từ trước đến nay họ thường hay có một cái bài là đổ cho tổ chức Việt Tân chẳng hạn. Làm cho không ai biết đấy là đâu, chỉ biết là phản động thế này thế kia. Người ta luôn có một lý do, một con ngáo ộp, để hợp thức hóa những việc làm phi pháp.”
Theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn thì có thể có hai lý do mà báo chí và bộ máy tuyên truyền của đảng dùng những từ ngữ xấu để gán ghép cho các tổ chức dân sự: thứ nhất là họ không ý thức được việc làm của những tổ chức dân sự đó là những việc làm cần thiết để giúp đỡ người dân mà nhà nước không làm được, thứ hai, hoặc là đó là thói quen trấn áp của nhà cầm quyền.
Ông Phạm Chí Dũng đề cập đến hoạt động của những người vừa bị bắt hoặc truy tố như Bạch Hồng Quyền, Hoàng Đức Bình là đấu tranh vì môi trường, đòi đóng cửa nhà máy Formosa, tổ chức gây ra thảm họa môi trường Vũng Áng vào tháng tư năm 2016.
Đàn áp nhưng không thể truy tố chính trị
Có một câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan tuyên truyền của đảng nói rằng một số tổ chức dân sự là phản động nhưng tại sao lại không truy tố và bắt giam tất cả thành viên của các tổ chức đó?
Ngoài ra Việt Nam còn tuyên bố là không cầm giữ những tù nhân chính trị, mà chỉ bắt giữ những người phạm tội lật đổ nhà nước hay gây rối trật tự xã hội mà thôi.
3c23fd8d-f6bd-42d2-bc75-7352497dfbc1-400.jpg
Hoàng Đức Bình (trái) đã bị bắt và Bạch Hồng Quyền đang bị truy nã do lên tiếng về vụ Formosa. RFA
Vậy tại sao báo chí Việt Nam lại cáo buộc những người bị bắt và truy tố là có những hoạt động liên quan đến chính trị?
Ông Lê Thăng Long, một cựu tù nhân chính trị, từng hoạt động trong tổ chức Con đường Việt Nam, một tổ chức chủ trương đấu tranh bất bạo động để dân chủ hóa xã hội Việt Nam, nói:
Thực tế là trong thời gian qua những tổ chức đó, người ta hoạt động công khai, người ta không buộc tội được họ, vì họ hết sức chuẩn mực và đúng luật pháp, đúng cái lẽ phải chung của loài người. Đảng độc tài thì họ không muốn mất đi cái vai trò quyền lực của họ. Họ tìm cách ngăn chận và nói xấu.”
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bổ sung là những tổ chức xã hội dân sự như là NoU, Con đường Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt, … nếu có đấu tranh thì đều dùng phương thức hoạt động bất bạo động, được thế giới chấp nhận, nên vì thế nhà cầm quyền chỉ có cách là bôi xấu họ:
“Nhà cầm quyền thực hiện một chính sách là kềm chế và sử dụng phản tuyên truyền của chính quyền để nói xấu những tổ chức này, làm cho những tổ chức này không có đất hoạt động, hoặc giảm ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân.”
Đàn áp thì đàn áp nhưng mà vẫn sợ, sợ một cái công đoàn Công giáo khổng lồ, không chỉ là ở Vinh đâu, mà cả ở những nơi khác họ hiệp thông với Vinh.
- Nhà báo Phạm Chí Dũng
Trong những diễn biến chính trị xã hội tại bốn tỉnh miền Trung trong hai tuần lễ đầu tháng năm, với nhiều cuộc biểu tình vì môi trường, chống Formosa bị đàn áp, có ông Thái Văn Dung bị truy nã, nhưng ông không bỏ trốn, và cho đến giữa tháng năm, ông vẫn tự do không bị bắt.
Ông Nguyễn Lân Thắng giải thích sự không nhất quán đó:
“Thật ra họ cũng có rất nhiều bộ phận, rất nhiều cấp độ khác nhau, theo vùng miền cũng như là theo các kênh tổ chức của họ, cho nên là họ cũng không có một kế sách nhất quán, trong việc tuyên truyền, cũng như là trấn áp.”
Ngoài ra trong lúc những cuộc biểu tình vì môi trường chống Formosa diễn ra ở Hà Tĩnh và Nghệ An bị đàn áp, thì một đoàn vận động quốc tế các vấn đề nhân quyền và môi trường của Giáo phận Vinh, cũng là địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lại được phép lên đường sang châu Âu.
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận xét:
“Đàn áp thì đàn áp nhưng mà vẫn sợ, sợ một cái công đoàn Công giáo khổng lồ, không chỉ là ở Vinh đâu, mà cả ở những nơi khác họ hiệp thông với Vinh. Trước mắt là Vinh, 500 ngàn giáo dân và vài trăm linh mục. Mà ở Vinh thì tinh thần họ rất cao, họ kết thành một khối, mà khi người Công giáo kết thành một khối thì họ có thể trở thành một lực lượng.”
Ông Phạm Chí Dũng cũng đưa ra nhận xét là vì lý do bị áp lực quốc tế, nên nếu so sánh với 10 năm trước, thì số vụ bắt bớ những nhà hoạt động dân sự, hay bất đồng chính kiến đã giảm hẳn. Nhà cầm quyền chỉ dùng những tội danh có tính chất hình sự để bắt tạm giam, hay truy tố họ. Nhưng song song đó, trong việc tuyên truyền, nhà cầm quyền lại gán cho họ tội phản động chính trị, chỉ để bôi xấu.
Nhưng theo ông Nguyễn Lân Thắng, biện pháp tuyên truyền này có thể có tác dụng ngược, vì nó giúp cho dân chúng biết nhiều hơn đến những nhà hoạt động xã hội dân sự và tổ chức của họ.

Tránh hải sản tầng đáy, ngư dân sống bằng gì?

Lan Hương, phóng viên RFA 2017-05-18  
Ngư dân kéo thuyền lên bờ biển Thọ Quang, Đà Nẵng ngày 29/9/2013.
Ngư dân kéo thuyền lên bờ biển Thọ Quang, Đà Nẵng ngày 29/9/2013.  AFP photo
Vừa rồi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khuyến cáo ngư dân 4 tỉnh miền Trung không nên đánh bắt hải sản ở tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, giải thích rằng vì ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Một số nhà khoa học nói rằng họ không đồng ý về tính an toàn của khoảng cách 20 hải lý mà Phó Thủ Tướng Việt Nam đưa ra, vì những cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy chất độc trong nước thải của Formosa có thể ảnh hưởng tới 70 hải lý.
Hải sản còn độc
Từ tháng 9 năm ngoái, Bộ Y Tế Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo, nói rằng những sinh vật tầng đáy như ghẹ, tôm, ốc mực, bạch tuộc, cua đá trong phạm vi 20 hải lý trở về bờ vẫn chứa phenol, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hôm 17/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc lại khuyến cáo này tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho bốn tỉnh bị ảnh hưởng, là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tiến Sỹ Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nói rằng theo số liệu chính thức của giới chuyên gia khoa học nghiên cứu thì những chất độc trong nước thải của Formosa có thể kéo 70 hải lý. Theo quan điểm của ông, con số 20 hải lý được đưa ra là dựa vào đặc tính nghề cá của Việt Nam:
Để nói 20 hải lý đã đủ rộng để bao quát chất độc tầng đáy hay chưa là rất khó. Nhưng nghề cá thủ công ven bờ của Việt Nam người ta không ra quá 20 hải lý, tức là khoảng 40 cây số, người ta không ra xa được. Công cụ khai thác cũng chỉ tới độ sâu 50-100m thôi.
Trong khi đó, giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng con số 20 hải lý chỉ mang tính chất tương đối, các vùng biển khác nhau có thể yêu cầu con số an toàn khác nhau. Nhưng theo ông, khoảng cách an toàn nhất là:
Khoảng 25 hải lý là người dân nên tránh hải sản tầng đáy. 20 hải lý cũng được nhưng không phải là con số an toàn tuyệt đối. Rộng hay hẹp phụ thuộc vào địa hình từng nơi, rồi phụ thuộc vào song triều, hải lưu, hệ thực vật,…
Làm sao tránh cá tầng đáy?
Năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) từng nói với báo chí rằng hải sản ven bờ ở tầng nổi là an toàn do đặc tính sinh học hay di chuyển.
Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại hải sản tầng đáy có thể di chuyển lên tầng nổi và người dân có thể nhầm lẫn dẫn đến nguy hiểm khi ăn phải.
Giáo sư Lê Huy Bá nhận định:
Tầng đáy và tầng mặt có sự phân định không rõ. Sinh vật tầng đáy nhưng ngoi lên tầng mặt là thành ở tầng mặt thôi. Thường những con cá lớn, ăn tạp và khả năng chịu áp suất lớn sống ở tầng đáy. Nhưng nói như vậy cũng chỉ mang tính tương đối thôi chứ không phân biệt được hết.
000_Hkg2509325-400.jpg
Tàu cá về cảng Đà Nẵng. Ảnh chụp ngày 23/6/2009. AFP photo
Trong khi đó ông Nguyễn Tác An lại cho rằng chuyện nhầm lẫn khó xảy ra vì sinh vật tầng đáy thường chỉ cố định ở tầng đáy:
Sinh vật nổi là loài di cư tức là sống ở ngoài khơi hoặc ở vùng khác đến theo thức ăn nổi. Còn sinh vật đáy là sinh vật ăn đáy và thường định cư ở đó. Nếu nói sinh vật tầng đáy có thể lên tầng nổi là không đúng với khái niệm phân biệt trong nghề cá.
Viện nghiên cứu hải sản trước đó cũng lập ra danh sách 154 loại hải sản thường gặp sống ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ này. Tuy nhiên rất nhiều ý kiến bình luận trên mạng nói rằng làm sao người dân có thể nhớ hết được danh sách dài ngoằng như vậy. Một số khác nói rằng danh sách bao phủ gần như toàn bộ các loài hải sản ngư dân thường bắt được. Như vậy người dân còn gì để ăn.
Trước đó tiến sĩ Nguyễn Tác An cũng từng nói với báo Người Lao động các chất độc từ nước thải của Formosa sẽ kết tủa, lắng xuống đáy và tồn  tại ở đấy đến khi có dịp gì đó sẽ lại bùng lên. Những chất độc này tồn tại rất lâu, nguy hiểm, không đơn giản vài tháng vài năm là hết.
Trong cuộc trao đổi ngắn với đài RFA chiều 18/5, tiến sĩ Nguyễn Tác An phân tích thêm rằng để nói chính xác sẽ mất bao nhiêu thời gian các chất độc tầng đáy tiêu tan là rất khó vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
Tầng đáy và tầng mặt có sự phân định không rõ. Sinh vật tầng đáy nhưng ngoi lên tầng mặt là thành ở tầng mặt thôi.
- Giáo sư Lê Huy Bá 
Nó phụ thuộc vào các chất độc bị thải ra, điều kiện động lực học ở đó và khả năng tự làm sạch của vùng biển đó. Nhưng thông thường các nước như Nhật Bản chẳng hạn họ bị ô nhiễm công nghiệp 60 năm nay họ vẫn chưa giải quyết xong.
Ông nói rằng có thể một đời người cũng không đủ thời gian để hệ sinh thái tầng đáy có thể khôi phục. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc vùng biển nhiệt đới, lại có hệ thống cường lực chạy rất mạnh tạo ra khả năng tự làm sạch rất lớn vì nhiệt độ rất nóng, khác với các nước ở ôn đới, hàn đới. Ông đánh giá:
Những sự cố sinh thái này giống như chén nước mình đã đổ ra đất rồi, đến bao giờ mới lấy lại được. Nhưng vì thiên nhiên có cơ chế tái phục hồi, nhưng đòi hỏi thời gian lâu. Vùng biển Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho rằng cần khuyến cáo người dân cẩn thận khi sử dụng hải sản hay sinh hoạt trên biển những khi nguồn động lực ở tầng đáy thay đổi như mưa bão chẳng hạn. Các hiện tượng này có thể làm khuấy động các chất độc ở tầng đáy lên tầng nổi.
Thảm họa môi trường Formosa xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái làm cá, hải sản chết hàng loạt nổi trắng bờ biển 4 tỉnh Bắc trung bộ, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế.
Các nhà khoa học phân tích rằng hiện tượng cá chết chỉ là phần nổi của tảng băng, điều nguy hiểm hơn là hệ sinh thái tầng đáy bị hỏng. Trong khi đó, đến 90% môi trường biển là sinh vật đáy.

Việt Nam thất thu vì 15 thiên đường thuế

RFA 2017-05-18  
Image may contain: 1 person, night
Một bé gái mồ côi ở xã Bản Don, tỉnh Đắk Lắk.  AFP photo
Các nước phát triển bao gồm cả Việt Nam mỗi năm bị thất thu 100 tỷ USD vì các thiên đường thuế. Số tiền này có thể giúp 124 triệu trẻ em đang bỏ học được đến trường, và cứu sống 6 triệu trẻ em.
Tổ chức Oxfam vừa công bố danh sách 15 thiên đường thuế ngày 18/5 tại Hà Nội, trong danh sách có Hồng Kông, Singapore, Hà Lan…
Theo Oxfam, các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện các hoạt động tránh thuế bằng cách mở chi nhánh tại các thiên đường thuế này, và chi khoản lớn để vận động hành lang giảm thuế.
Trong khi đó các nước phát triển thực hiện ưu đãi thuế có hại, thậm chí giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 0% và tăng thuế lũy thoái như thuế giá trị gia tăng để bù đắp thất thu. Điều này làm tăng gánh nặng thuế với những người yếu thế.
Báo cáo tài khoản quốc gia của bộ Y tế Việt Nam cho thấy năm 2014 cứ 2 đồng chi cho y tế thì gần 1 đồng được trả từ túi người dân. Điều này khiến 600.000 hộ gia đình trên mức trung bình trở thành nghèo đói sau khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Công an kéo về dày đặc bảo vệ Formosa vận hành thử lò cao số 1

Công an kéo về dày đặc bảo vệ Formosa vận hành thử lò cao số 1
Nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đang điều động các lực lượng công an và quân đội kéo đến khu vực nhà máy thép của công ty Formosa, để chuẩn bị cho nhà máy này vận hành lò cao số 1.
Đài VOA hôm Thứ Năm 18/05 dẫn lời một thợ lặn ở Hà Tĩnh cho hay công an xuất hiện nhan nhản, và công an mật còn nhiều hơn người dân. Theo trang mạng của công an tỉnh Hà Tĩnh, giám đốc công an tỉnh là Đại tá Lê Văn Sao tuyên bố công tác an ninh tại khu kinh tế Vũng Áng đã được bảo đảm. Viên đại tá này còn yêu cầu công ty Formosa làm tốt phần của họ, là kiểm soát chặt chẽ người ra vào nhà máy. Ông Sao còn đề nghị Formosa phải yêu cầu công nhân cam kết không tham gia biểu tình, và các nhà thầu cho Formosa phải trả lương cho công nhân đúng hạn để không xảy ra đình công.
Kể từ sau khi xảy ra thảm họa môi trường biển miền Trung do Fomosa gây ra, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại địa phương và các tỉnh thành trên khắp nước Việt Nam. Những cuộc biểu tình và khiếu kiện gần đây của người dân ở tỉnh Nghệ An, nơi không được nhà cầm quyền CSVN xem là nạn nhân của Formosa, đã dẫn đến những vụ bắt giữ, đánh đập và truy nã những người tham gia.
Cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN chỉ mới trả 40% của tổng số tiền bồi thường 500 triệu Mỹ kim mà Formosa đã trả. Nhà cầm quyền CSVN hoàn toà

Viết cho những người không cùng niềm tin tôn giáo!

Hoàng Phúc - Chào bạn, người không cùng niềm tin tôn giáo!

Chưa bao giờ tôi thấy đề tài người Công giáo lại tràn ngập trên các phương tiện truyền thông như mấy ngày nay, nhất là những sự kiện liên quan đến Fomosa. Nào là các linh mục kích động biểu tình. Nào là giáo dân bao vây ủy ban. Nhiều và còn nhiều đề tài như vậy. Lần mò một số bài viết và đọc sơ qua những bình luận của các bạn trên facebook, tôi không khỏi giật mình vì lời lẽ xúc phạm, nếu không muốn nói là tục tĩu mà các bạn dành cho đạo Công Giáo. Tất nhiên, không phải tất cả các bạn vì nhiều người còn có văn hóa, có giáo dục khi biết tôn trọng đạo Công giáo. Nhiều người còn hiểu biết khi cùng lên tiếng với những người Công giáo.

Các bạn ạ!

Có khi nào các bạn đặt câu hỏi tại sao lại là người Công giáo đứng lên đấu tranh mà không phải là một tôn giáo khác không? Có khi nào các bạn nghĩ việc đấu tranh như vậy là vì lợi ích chung của đất nước, của giống nòi mai sau không? Tôi dám chắc rằng các bạn không hiểu điều đó. Vì rằng nếu các bạn hiểu thì các bạn đã không xúc phạm đến đạo Công giáo, đến người Công giáo và các bạn đã cùng nói lên tiếng nói sự thật với người Công giáo. Các bạn thử nghĩ xem các linh mục, giáo dân đấu tranh như vậy thì được lợi gì cho riêng họ! Không được gì. Hoàn toàn không. Nếu có thì đó chỉ là sự xúc phạm của các bạn, sự đánh đập của công an hoặc sự xuyên tạc, đấu tố của các tổ chức. Các linh mục, giáo dân chấp nhận điều đó để người dân có tiếng nói, để môi trường trong lành, để con cháu họ và con cháu các bạn sống khỏe mạnh trong một xã hội công bằng. Các bạn nên nhớ đạo Công giáo không cổ xúy bạo lực. Cho nên các linh mục, giáo dân lên tiếng, đấu tranh trong ôn hòa. Họ bị đánh đập nhưng không chống trả lại.

Các bạn thử nhìn lại xem. Fomosa và quan tham đã làm gì cho đất nước này. Chúng đã làm cho biển đẹp hơn, đã làm cho không khí trong lành hơn, đã làm cho người dân Việt Nam hạnh phúc hơn Nhật Bản, Hàn Quốc chăng? Hay chúng đã tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm? Không. Chúng đã xả hàng tấn chất độc xuống biển, nhả hàng ngàn mét khối khí độc vào không khí, đã nuốt hàng tỉ đồng vào túi riêng. Vậy chúng ta hãy im lặng sao? Chúng ta hãy ngoan ngoãn để nhìn đất nước Việt Nam tàn tạ sao? Các bạn không đấu tranh, không lên tiếng thì tại sao người Công giáo đấu tranh, lên tiếng dùm các bạn, các bạn lại xúc phạm!

Tôi đọc được một bình luận lịch sự nhất của một người trong các bạn rằng: “Tại vì sự lên tiếng của mấy người mà giá mực từ 450.000-500.000 đồng/kg giờ chỉ còn 100.000 đồng/kg. Mấy người hãy im lặng đi để chúng tôi còn kiếm gạo nuôi con nữa.” Thì ra các bạn chỉ biết nghĩ trước mắt. Các bạn chỉ biết ăn xổi ở thì. Chúng tôi không lên tiếng để các bạn kiếm tiền chữa trị ung thư sau này hả? Chúng tôi không lên tiếng để bọn quan tham cứ lộng hành lấy hết tiền thuế của các bạn sao? Các bạn hãy mạnh dạn lên tiếng để tiếng nói của các bạn được thốt ra, để quyền con người của các bạn được thực thi.

Các bạn ạ!

Có thể các bạn rất ghét đạo Công giáo, vì dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa các bạn đã được học về đạo Công giáo như một thứ thuốc phiện mê hoặc người dân. Các bạn biết đấy chúng ta là một đất nước Cộng sản, tức là một đất nước vô thần, cho nên đạo Công giáo là tôn giáo độc thần, được xem như là một cái gai trong mắt những người cầm quyền vô thần. Hơn nữa, giáo lý đạo Công giáo dạy rằng hãy lên tiếng cho sự thật, chớ làm chứng dối. Vì thế mà người Công giáo luôn đứng lên để bảo vệ cho sự thật, cho những bất công. Do đó, họ sẽ không ngần ngại khi tìm những thủ đoạn để kìm hãm, để xuyên tạc đạo Công giáo và người Công giáo. Tuy nhiên, như Napôlêô đã nói: “Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Hội Thánh Công giáo vẫn tồn tại!”

Bạn thân mến!

Đức Phật đã từng dạy: “Điều con không muốn người ta làm cho con thì con cũng đừng làm cho người ta như vậy”. Nếu bạn muốn người Công giáo tôn trọng bạn thì bạn cũng hãy tôn trọng người Công giáo. Và để hiểu hơn về những hành động của người Công giáo thì ít nhất các bạn hãy học hỏi về đạo Công giáo trước đã rồi hãy bình luận.

Thân mến


Hoàng Phúc

Ps: Hãy tỏ ra là người có văn hóa ngay trong những lời bình luận.

Vietcombank lại chơi bẩn người đấu tranh

 

Nguyễn Tường Thụy (Danlambao) - Theo thông tin từ Facebook Bạch Hồng Quyền, tài khoản mang tên anh đã bị khóa rút tiền, người chuyển tiền vào tài khoản thì được nhưng rút ra thì không được. Chúng tôi có hỏi chuyện cô Bùi Hương Giang là vợ của Bạch Hồng Quyền, cô cho biết khi check tài khoản của Quyền thấy có vấn đề nên cô trực tiếp đến ngân hàng kiểm tra. Khi cô thử gửi tiền vào tài khoản thì được nhưng hỏi lại thì nhân viên ngân hàng cho biết tài khoản này chỉ gửi tiền vào được thôi chứ không rút ra được. Khi cô Giang hỏi tại sao thì nhân viên ngân hàng nói có lệnh như thế, không giải thích được.

Facebook Bạch Hồng Quyền cho biết thêm tài khoản của anh Hoàng Bình cũng ở Vietcombank mới có người bạn chuyển một số tiền khá lớn nhờ anh giúp cho người dân đi khiếu kiện Formosa, giờ ngân hàng Vietcombank cũng đã khoá của anh.
Đây không phải là lần đầu, Vietcombank chơi bẩn người đấu tranh. Vào cuối năm 2011, Vietcombank đã từng nghe lệnh công an, không cho Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang rút tiền từ tài khoản của ông. Đi lại mãi ông cũng nản. Cho đến Tháng 5/2015, ông mới than phiền chuyện này với một số anh em hoạt động gần gũi. Sau đó chúng tôi cùng ông đến Phòng Giao dịch của Vietcombank 448-450, Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội phản đối mạnh mẽ và liên tục, viết bài lên án, tổ chức biểu tình thì họ mới chịu trả tiền cho ông.
Việc Ngân hàng tự ý khóa tài khoản của khách hàng trong khi khách hàng không hề vi phạm qui định của ngành mà chỉ nghe lệnh công an, không cần phân tích, ai cũng biết là việc làm vô luật. Không chỉ riêng ngành ngân hàng, các tổ chức kinh tế khác như viễn thông, điện, nước, các nhà xe, hãng taxi… cũng đã từng theo lệnh công an cắt dịch vụ đối với những người hoạt động xã hội độc lập trong khuôn khổ pháp luật. Rõ ràng là công an đã can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh tế.
Về nguyên tắc, các đơn vị kinh tế có thể cự tuyệt yêu cầu vô lý của công an để giữ uy tín đối với khách hàng. Tuy nhiên, ít có (nếu không nói là không) một giám đốc nào dũng cảm làm điều đó vì họ sợ những sự trả thù vặt từ phía công an, đặc biệt là sợ mất ghế. Ngoài ra, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp cũng bị công an gây áp lực tương tự, đuổi sinh viên, kỷ luật sinh viên theo lệnh của công an, mặc dù các em không hề vi phạm qui chế của nhà trường. Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp HCM ra quyết định đuổi học sinh viên Nguyễn Phương Uyên là một ví dụ.
Nói gì thì nói, những giám đốc, tổng giám đốc, hiệu trưởng… nói trên đều thuộc loại hèn kém, chấp nhận tiếng xấu chứ không dám cưỡng lại lệnh của công an. Tuy nhiên ở xã hội này chắc chắn còn rất nhiều người thà về vườn còn hơn là làm những việc xấu xa, trái với đạo lý.

Phong tỏa tài khoản cả hai chiều đã là một cái sai không thể chấp nhận. Còn chỉ chặn đầu rút tiền nhưng lại nhận tiền vào tài khoản của nạn nhân là một sự khốn nạn, đểu cáng. Nếu ngân hàng Vietcombank tiếp tục không cho rút tiền từ tài khoản của Bạch Hồng Quyền, Hoàng Bình, chắc chắn sẽ có một cơn bão tẩy chay trên mạng, ảnh hưởng lập tức đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Vụ tẩy chay hãng taixi Mai Linh hồi Tháng 10/2016 khi hãng này từ chối chở dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa đi kiện, hẳn ông Tổng Giám đốc Vietcombank còn nhớ.
Ảnh: Biểu tình trước Phòng Giao dịch của Vietcombank 448-450, Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, phản đối Vietcombank quỵt tiền khách hàng.

17/5/2017

Nguyễn Tường Thuỵ
danlambaovn.blogspot.com