Wednesday, December 28, 2016

Nguyễn Phú Trọng chống Mác xít

Ngô Nhân Dụng -27-12-2016
Những người quen nói tiếng Việt cảm thấy có điều gì “không ổn” khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng nói ba chữ “tự diễn biến.” Người Việt dùng chữ “tự” đứng trước một động từ, chẳng hạn chiếc “xe hơi tự lái” mà công ty Uber đang muốn thử. Chiếc xe không cần tài xế mà vẫn đón khách, đưa khách, nó tự lái lấy, tránh không đụng ai, và đi đến đúng địa chỉ người khách muốn.
Nhưng “diễn biến” không phải là một động từ. Hai chữ “diễn biến” là một danh từ, với các động từ tương ứng là biến, là biến đổi, chuyển biến, biến hóa, vân vân. Tiếng Việt Nam không nói “tự diễn biến,” cũng như không nói “tự xe hơi.” Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng cứ nói “tự diễn biến, tự chuyển hóa,” nói đi nói lại mấy năm nay mà các đảng viên cộng sản không ai dám mách ông tổng bí thư rằng ông nói như vậy là không đúng tiếng Việt. Chắc người Tàu họ nói như vậy, rồi ông bắt chước, tin tưởng các “đồng chí anh em” nói gì đều đúng văn phạm.
Người Tầu cộng sản bắt đầu với khẩu hiệu “chống diễn biến hòa bình.” Khi học tập về cuộc sụp đổ của chế độ cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu, lúc đầu họ coi đó là do tình báo Mỹ CIA gây ra. Mỹ không tấn công, không gây được những cuộc nổi dậy trong các nước cộng sản, nhưng chế độ cứ thế mà tan rã từng mảnh một. Họ gọi đó là “diễn biến hòa bình,” hô hào các đảng viên phải chống. Hô hào một thời gian rồi, họ nhận thấy rằng chính quyền Mỹ hoặc CIA không phải là đầu mối đáng lo nhất, mà chính các đảng viên cộng sản muốn thay đổi mới thật sự đe dọa quyền hành của giới lãnh đạo. Thế là họ quay mũi dùi qua chính các đảng viên, những người có cái đầu đang tự thay đổi. Bên Tầu bèn phát động phong trào chống tình trạng đảng viên cộng sản tự thay đổi và muốn chế độ thay đổi! Bắc Kinh đi trước, Hà Nội bèn theo bén gót.
Trong hội nghị ngày 9 tháng 12 năm 2016 vừa qua, ông Trọng nêu ra “điểm mới” trong Nghị quyết cho cán bộ toàn quốc học tập, nói rằng nó “chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó.” Hiện tượng “suy thoái đạo đức” trong đám cán bộ là chuyện không có gì mới. Càng lên cao càng hư, các trò hư hỏng càng lớn, cả nước đã biết từ… nửa thế kỷ nay rồi; không thể nói là mới được. Có lẽ điều mới được đảng cộng sản nhấn mạnh trong nghị quyết là hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa.” Ông Trọng yêu cầu các cán bộ cảnh giác.
Tiến Sĩ Âu Dương Thệ, sống ở nước Đức, có lần đã nhận xét “rõ ràng là Nguyễn Phú Trọng đụng vào đâu thì hỏng đó!” Ông Âu Dương Thệ kết luận rằng để ông Trọng ngồi cái ghế lãnh đạo “càng lâu càng nguy hiểm!”
Nhưng “nói hỏng” tiếng Việt là chuyện nhỏ! Ông Trọng “hỏng” lớn hơn nữa, là khi hô hào đảng viên chống tự diễn biến, ông đã chống cả ông Karl Marx! Tức là chính ngài Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đang tự chuyển hóa! Một người chống Mác xít “càng ngồi lâu càng nguy hiểm” cho chính đảng Cộng sản!
Một điều ông Karl Marx luôn luôn nhấn mạnh là thế giới thay đổi, xã hội loài người luôn luôn thay đổi. Ý tưởng này thực ra loài người đã biết mấy ngàn năm trước, Phật Thích Ca dậy tính chất vô thường của mọi hiện tượng, các triết gia Hy Lạp hay Kinh Dịch của người Trung Hoa đều nói như vậy. Karl Marx chỉ đánh bóng tư tưởng đó bằng biện chứng pháp của Hegel, quay ngược đầu lý thuyết đó với niềm tin duy vật. Nhưng ai học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Karl Marx đều nhớ một điều: Xã hội luôn luôn thay đổi. Lịch sử là cuộc chuyển hóa của loài người, một diễn biến không ngừng.
Bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa,” ông đã phủ nhận nền tảng của lý thuyết Mác xít!
Lý do vì ông Trọng đã học tập Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình, khi họ rút tỉa bài học Liên bang Xô viết sụp đổ. Trong một bài diễn văn năm 2013, sau khi lên chức Tổng bí thư, họ Tập giải thích sự thất bại của cộng sản Nga là do “Những lý tưởng và niềm tin của họ đã lung lay. Cuối cùng, trong một đêm, ‘ngọn cờ lãnh đạo’ đã gẫy đổ. Đó là một bài học sâu xa cho chúng ta (cộng sản Trung Quốc).”
Nhưng họ Tập đã nhìn khiếm diện, chỉ trông thấy sự sụp đổ của niềm tin vào ý thức hệ Mác Lê Nin, coi đó là nguyên nhân chính. Trong thực tế, sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là do những người đang hưởng thụ nhiều nhất đã hoàn toàn bất lực trước cảnh kinh tế suy đồi, khiến cho quyền lợi của chính họ cũng suy giảm.
Trong thập niên 1980, hệ thống cai quản nước Nga từ thời Lenin và Stalin đã khô héo, sơ cứng, bất lực trước các vấn đề nhỏ nhất như cả hệ thống vận chuyển nông sản từ đồng quê lên thành phố không biết làm sao cho nó chạy được! Một phái đoàn của chính phủ Liên Xô qua thăm London, nước Anh, để nghiên cứu về hoạt động của thị trường. Họ được mời tới quan sát khu chợ rau buổi sáng. Họ nhìn thấy cảnh các nhà nông lũ lượt lái xe đem rau, trái cây tới chợ; cảnh những nhà buôn sỉ đem xe tải tới chở hàng rồi chạy đi phân phối, chỉ trong một tiếng đồng hồ mọi hàng hóa được đưa tới đã biến đi đâu hết! Phái đoàn Nga phải hỏi người hướng dẫn: “Ủy ban phân phối của các ông hữu hiệu quá! Làm cách nào được như vậy?” Vì trong cùng thời gian đó, những đống khoai tây, bắp, lúc mì, trái cây đang nằm ụ tại nhiều nhà ga ở nước Nga, đến lúc ung thối vẫn chưa được chuyển đi!
Những người cầm đầu cộng sản Nga thấy phải thay đổi. Nhưng họ cũng bất lực. Vì trong đám những cán bộ, đảng viên đang nắm quyền, đa số thấy rằng nếu thay đổi thì chính họ sẽ mất những lợi lộc và quyền hành đang được hưởng. Khối người đó cưỡng lại đến cùng mọi cải tổ. Gorbachev thất bại vì ông ta muốn thay đổi từ trên xuống, thay đổi cái đầu và cơ chế. Ông không bắt đầu từ những phạm vi hẹp, trong lãnh vực kinh tế, trên từng mảnh đất nhỏ nông thôn, cho nông dân được tự do làm ăn cho chính họ hưởng, như Đặng Tiểu Bình làm ở bên Tàu.
Đặng Tiểu Bình biết xã hội Trung Hoa thay đổi nên đối phó với chương trình cải tổ kinh tế. Nhưng kinh tế thay đổi thì dần dần cách sống của con người cũng đổi, tương quan giữa người này với người kia cũng đổi. Sau 30 năm, nước Tàu đã thay đổi. Không cần ông Karl Marx nói, ai cũng có thể nhận ra điều đó. Nhưng những người tự xưng là học trò của Karl Marx lại không thấy và không chấp nhận sự thay đổi thì đúng là họ đang chống lại ông thầy Marx!
Khi hô hoán, kêu gọi các đảng viên chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa,” chính ông Nguyễn Phú Trọng đang từ chối giáo điều căn bản của Marx, chính ông đang tự chuyển hóa! Tiến sĩ Âu Dương Thệ nói ông Trọng “càng ngồi lâu càng nguy hiểm,” là muốn nói đến mối nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam. Nhưng chính cái đảng Cộng Sản của ông cũng lâm nguy vì đến người cầm đầu đảng cũng phản lại lý thuyết Mác xít!”
Nếu áp dụng những bài học về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Karl Marx, thì trước hết ông Nguyễn Phú Trọng phải nhận ra những mâu thuẫn cùng cực trong nước Việt Nam và trong cả đảng Cộng Sản của ông.
Trong nước, mâu thuẫn giai cấp đã trầm trọng. Những người dân thuộc giai cấp bị trị, bị bóc lột, bị đè nén từ bao năm qua, trước đổi mới và sau đổi mới, họ không thể cúi đầu khuất phục mãi mãi. Trong đảng cộng sản, các cán bộ nắm quyền chỉ lo giành nhau những đồng đô la thất đức, kèn cựa nhau từng đồng, hàng ngày. Những diễn viên trong các màn đấu đá như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, cho tới những cuộc chạy trốn ngoạn mục của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng, chỉ là cảnh nổi lên trên cho mọi người trông hấy. Bên trong đảng cộng sản còn hàng ngàn những cuộc đấu đá ngầm nằm dưới mặt nước, chỉ chờ ngày nổi lên, như tiếng súng Yên Bái cho thấy.
Đứng trước những mâu thuẫn nặng nề, giải pháp tốt nhất cho đảng Cộng Sản và cho nước Việt Nam là “Minh bạch, Công khai!” Khi tất cả các mâu thuẫn được phơi bày trước mắt mọi người, thì ai cũng có thể kết luận người nào đúng, người nào sai. Khi xã hội sống minh bạch, công khai, thì người ta có thể đòi một sống trong công bằng, bình an trong luật pháp.
Nhưng không ai hy vọng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chấp nhận minh bạch, công khai. Vì ông vừa mới bắt các cán bộ học tập Nghị Quyết Trung Ương 4 Khóa XII. Một điều quan trọng của nghị quyết này là cấm đoán mọi “sự phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật.” họ vạch ra những hiện tượng “lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng;… thổi phồng mặt trái của xã hội;… bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của đảng.”
Tóm lại, đảng cộng sản muốn ngăn cấm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng một cách tàn bạo hơn. Cứ như vậy, các mâu thuẫn sẽ tiếp tục được che đậy, chỉ chờ ngày bùng nổ!
Ông Karl Marx dưới mồ chắc phải khóc. Bọn học trò của ông từ Kim Jong Un, Tập Cận Bình đến Nguyễn Phú Trọng đều chống Mác xít!

2016: Những đại án chưa thể khép


 
Năm 2016 đã bước qua, những sự kiện lớn lao như lũ lụt, nhân tai thủy điện, thảm họa môi trường Formosa… đã át tất cả mọi thứ, tràn ngập sự quan tâm của dân chúng. Thế nhưng bản ghi nhớ của năm, vẫn còn những câu chuyện về tù đày, oan khiên đang hằn vào con người cần phải được nhắc lại. Đó là những ghi chép về Việt Nam với phần tối đen, vật vã trên hành trình đòi quyền làm người và sự công chính.
Có những số phận treo lơ lửng chờ cái chết, khản giọng kêu oan, và có cả những vụ án tưởng là đã được minh oan, nhưng rồi sự trí trá trong bồi thường. nhận sai của chính quyền từng địa phương khiến họ lại tiếp tục trở thành nạn nhân. 2016 khép lại, nhưng những câu chuyện như vậy vẫn còn tiếp diễn.
Những đại án này, nhắc cho chúng ta nhớ, rằng vài vụ án được đưa ra ánh sáng, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rằng đâu đó trong các nhà lao, việc đánh đập bức cung, nhục hình vẫn tiếp diễn và vẫn có những con người đang đau đớn gào thét đòi công lý trong lằn ranh của sự sống và cái chết.
Huỳnh Văn Nén
Là vụ án tốn nhiều giấy mực của báo chí, và chấn động dư luận. Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan. Gần 17 năm ngồi tù, cuối năm 2015, ông được minh oan và trả tự do. Trước tòa, ông Nén khai là đã bị điều tra viên Cao Văn Hùng bức cung tra khảo, nhục hình để ép nhận tội. Theo luật sư Phạm Công Út, sau khi ra tù, kết quả giám định tâm thần từ Bệnh viện tâm thần Trung Ương 2 (Đồng Nai) cho thấy ông Huỳnh Văn Nén bị rối loạn cảm xúc không biệt định 21%. Cùng với các tổn thương về gan, mắt... thì tổng tổn thương trên cơ thể ông Nén được xác định 63%.  Mất tất cả, kể cả sức lao động, nên Luật sư yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng. Nhưng Tòa án Tỉnh Bình Thuận nói chỉ bồi thường 2,6 tỉ đồng với lý do ông Nén phải cung cấp đủ các hóa đơn, chứng minh thiệt hại.

Hàn Đức Long
Ông Hàn Đức Long từng bị Công an tỉnh Bắc Giang cáo buộc các tội danh giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và 4 lần bị tuyên án tử hình. Sau một thời gian dài nỗ lực kêu oan của luật sư, đặc biệt với công sức của luật sư Ngô Ngọc Trai, Ngày 20/12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tuyên bố trả tự do cho ông Hàn Đức Long sau 11 năm giam giữ với những phần tra khảo, bị buộc phải diễn tập các hành động giết người cho khớp với cáo trạng.  Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Tại phiên xử và trong suốt thời gian bị bắt, ông Long liên tục khóc và kêu oan trước tòa.

Trần Văn Thêm
Ông Trần Văn Thêm, 81 tuổi, chịu án oan tử hình từ hơn 40 năm, đã được nhà chức trách xin lỗi, sau khi ông được minh oan và trả tự do vào ngày 11/8/2016. Khi hồ sơ được giở lại, người ta nhìn thấy các chứng cứ để buộc tội ông Thêm hết sức lỏng lẻo và tùy tiện. Dù bị đánh đập, hành hạ liên tục để ép cung, ông Thêm vẫn thà chết chứ không nhận tội giết người cướp cửa. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy nạn lạm quyền, bức cung phổ biến nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Luật sư Nguyễn Văn Hòa, người đại diện cho ông Thêm đang đòi bồi thường cho ông số tiền hơn 12 tỉ đồng.
Nguyễn Thanh Chấn
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn xảy ra giữa tháng 8/2003, khi có một phụ nữ bị hiếp dâm và giết chết. Ông Chấn bị bắt vì bị cho là nghi can và các cuộc điều tra nhanh chóng trong ngục tối bằng roi, gậy và nắm đấm mang lại kết quả là Tòa án tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn mức án tù chung thân do giết người “có tính chất côn đồ”. Điều đáng nói, thủ phạm gây ra án oan cho ông Hàn Đức Long và ông Nguyễn Thanh Chấn đều là Kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Giang, cùng là tên Đặng Thế Vinh. Chính vì “bài bản” chung của Vinh, đã khiến có tình tiết tại tất cả các phiên tòa, cả hai ông Chấn và Long đều một mực kêu oan và tố bị các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình để nhận tội và ép làm các việc như viết đơn tự thú, thực nghiệm hiện trường theo ý đồ của điều tra viên. Luật sư Nguyễn Đức Biền, người bào chữa cho ông Chấn nói mức đòi bồi thường mà gia đình đưa ra là 9.3 tỉ đồng.
Nguyễn Văn Chưởng
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là một trong 5 vụ án nghiêm trọng của năm 2015, có dấu hiệu oan sai rõ, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng lên tiếng chất vấn Chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao vào ngày 13/3/2015. Luật sư Hoàng Văn Quánh, người bào chữa cho anh Nguyễn Văn Chưởng (Sinh năm 1983) đã đưa ra chứng cứ rằng khi vụ án giết người xảy ra, Chưởng đang ở nơi cách đó hàng chục cây số. Thế nhưng công an điều tra dựa vào đó, kết luận rằng Chưởng ở xa vì “là người chủ mưu”. Cho đến nay Nguyễn Văn Chưởng vẫn đang kêu oan chống án tử hình, thậm chí viết thư bằng máu gửi đến công luận. Từ trại giam Trần Phú ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.
“Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…”.
“Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.
Hồ Duy Hải
Là một số phận mong manh trước án tử hình, trước một ngày thi hành án (ngày 4.12.2014) tử tù Hồ Duy Hải (sinh năm 1985) đã được Chủ tịch Nước ký quyết định tạm hoãn thi hành án, để làm rõ những tình tiết có dấu hiệu oan sai mà báo chí đề cập. Tại phiên thảo luận ngày 20.3 về án oan sai, đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất khẳng định rằng vụ án Hồ Duy Hải có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm xem xét lại, cụ thể là mọi chứng cứ kết tội Hải giết người đều là giả, thậm chí dấu vân tay thủ phạm cũng không khớp. Thế nhưng vẫn có một áp lực kỳ lạ nào đó muốn đưa Hồ Duy Hải vào cửa tử. Ngày 1 tháng 6/2016, báo Tuổi Trẻ còn lật lại vụ án này và viết rằng “Sau 18 tháng được tạm hoãn thi hành án tử hình, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào trả lời chính thức về số phận của người tử tù này ra sao”. Luật sư Trần Hồng Phong - người bào chữa cho Hồ Duy Hải - cũng khẳng định ông đã gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án bởi nhiều tình tiết bất thường chưa được làm rõ.
Bà Nguyễn Thị Rưỡi - cô Hồ Duy Hải nói rằng: “Dư luận xôn xao rằng, Hồ Duy Hải cháu nhà tôi là chết thay cho con một quan chức hay một đại gia nào đó. Thông tin này được phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay đã nói cho tôi”. Còn Mẹ của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan nói những tin tức mà bà biết trong suốt 7 năm đi kêu oan cho con ““Có người viết thư mật cấm các nhà báo không được viết về vụ Hồ Duy Hải.” Bà kể rằng ” Nguyên phó giám đốc Công an Tp.HCM “cũng bức xúc và nói với các nhà báo rằng ‘tử hình dễ thế sao”.
(Tổng hợp tư liệu từ Zing, VnExpress, Đời sống Pháp luật, Infonet, luatkhoa, Lao Động, Tuổi Trẻ…)

Khi nhà báo phải làm đúng ý đảng

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-12-28  
Các phóng viên tham dự một cuộc họp báo về các hoạt động tìm kiếm người mất tích chuyến bay Malaysia Airlines 370 ở đảo Phú Quốc vào ngày 12 Tháng 3 năm 2014.
 Các phóng viên tham dự một cuộc họp báo về các hoạt động tìm kiếm người mất tích chuyến bay Malaysia Airlines 370 ở đảo Phú Quốc vào ngày 12 Tháng 3 năm 2014.  AFP photo
Hội Nhà Báo Việt Nam hôm 16 tháng 12 công bố 10 qui định đạo đức nghề nghiệp mà người làm báo phải cam kết và có trách nhiệm thực hiện, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2017.
Qui định mâu thuẫn với đạo đức nhà báo
Buổi họp báo chiều ngày 16 tháng 12 do Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức để thông báo chương trình hành động của hội đối với Nghị Quyết Trung Ương IV khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng  chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đây cũng là dịp để Hội Nhà Báo Việt Nam công bố 10 điều qui định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó điều thứ nhất là trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa dưới  sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều thứ mười của bản qui định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là phải cam kết thực hiện những qui định đã nêu ra vì đó là bổn phận, nguyên tắc hành nghề, lương tâm và trách nhiệm của báo chí trong nước.
Đây là những qui định về đạo đức nghề nghiệp mà xem ra lại mâu thuẫn với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, là nhận xét của ông Trần Ngọc Quang, nay là một nhà báo độc lập, từng làm cho báo của Bộ Y Tế và báo đảng thuộc tình đảng bộ Phú Yên:
Làm báo theo cái lối o bế như vậy nó mâu thuẫn với đạo đức nghề nghiệp, làm báo là những cái cần ăng ten của xã hội, phải dự báo được cho toàn xã hội những cái nhạy cảm nhất.
- Ông Trần Ngọc Quang
Cái này là qui định của một hội nhà báo đang ăn lương của đảng cộng sản. Làm báo theo cái lối o bế như vậy nó mâu thuẫn với đạo đức nghề nghiệp, làm báo là những cái cần ăng ten của xã hội, phải dự báo được cho toàn xã hội những cái nhạy cảm nhất. Đó là sự phát hiện của tất cả những cái gì mà nó trái với đạo lý, trái với chân lý. Còn  nếu cứ làm theo một cách chỉ đạo, làm báo theo cái lối đó thì tất cả đều qua kiểm duyệt hết. Hội Nhà Báo Việt Nam nằm trong một số những tổ chức mà đảng lập ra, làm báo mà lại là đảng viên cộng sản thì đấy là việc họ qui định với họ. Người ta không thích nghe nói thẳng nói thật vì nó trật lỗ tai, nói thẳng với đảng góp ý với đảng thì đảng không nghe, đấy là bi kịch của một đất nước.
Đối với ông Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân Đội Nhân Dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, những điều bó buộc như làm báo vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội qui, qui chế của cơ quan báo chí nơi công tác, không xuyên tạc, không gây chia rẽ kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc vân vân... mà Hội Nhà Báo Việt Nam công bố, cũng quá nặng tính tuyên truyền hơn là những qui định hay nguyên tắc nghề nghiệp:
Không có gì mới, bởi vì trong các trường dạy làm bào của đảng người làm báo phải tuân thủ đường lối chính sách của đảng rồi mới đi vào tu nghiệp tức là đi vào chuyên môn. Thế còn bây giờ họ gắn với cái “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” thì lại còn đi ngược với chủ nghĩa Mác. Trong khi triết học Mác nói tự thân vận động là nỗ lực chủ quan của mỗi con người, là cần thiết trong cuộc sống con người và rõ ràng là tư tưởng thì không thể cố định được mà phải có diễn biến, con người sống là phải có chuyển hóa, chuyển đổi, đổi mới.
Không cho cá nhân tự thân để mà đưa ra một cách sống hay một lối sống hay cách diễn đạt tư tưởng gì cả mà cứ phải áp đặt từ trên xuống dưới, đưa vào một khuôn phép chung chung theo tôi rất vô nghĩa. Một nhà báo luôn luôn phải tôn trọng sự thật, phản ánh đúng sự thật khách quan, đúng thực tế cuộc sống. Cái thứ hai nhà báo phải có quan điểm tư tưởng để tự chủ nêu ra những vấn đề mà không chịu sự áp đặt náo khác. Đó là quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do hành nghề của nhà báo. Định hướng, áp đặt là vi phạm nguyên tắc của báo chí mà chính đảng cũng đã vạch ra tức là phát huy tự do tư tưởng.
Không thể kiểm soát báo mạng
Nhà báo Bùi Văn Bồng còn chỉ trích rằng những qui định đạo đức nghề nghiệp mà Hội Nhà Báo Việt Nam nêu ra qua Luật Báo Chí 2016 đang khoanh hẹp dần tự do của người làm báo, đưa người làm báo vào một cái rọ quản lý tư tưởng không hơn không kém.
000_Hkg10138671-400.jpg
Người dân sử dụng điện thoại cầm tay, iPad lướt web trong một quán cà phê ở Hà Nội ngày 23 tháng bảy năm 2014. AFP photo
Không ngạc nhiên mà chỉ thấy buồn cười là suy nghĩ của nhà báo Võ Văn Tạo, từng cộng tác với nhiều tờ báo lớn trong nước như Tuổi Trẻ, Thương Mại, Nông Thôn Ngày Nay, VietnamNet, Lao Động, Kinh Tế Sài Gòn, hiện nay là thành viên của Văn Đoàn Độc Lập, một tổ chức xã hội dân sự trong nước:
Ở các nước khác tiêu chuẩn đầu tiên và cốt lõi của nghề báo là trung thực, khách quan, công bằng. Việt Nam thì khác, buộc phải trung thành với đảng với chủ nghĩa  xã hội, những cái thứ mà lâu nay nó đã cũ rích rồi. không hợp với xu thế phát triển của nhân loại  văn minh. Điểm lại thì hệ thống cộng sản bao giờ cũng coi trọng công tác tuyên truyền, báo chí theo quan niệm của đảng chỉ là công cụ tuyên truyền của đảng thôi chứ không phải là báo chí theo chuẩn mực chung của thế giới được. Thế thì tại sao phải ra những qui định trong lúc này?
Những năm gần đây, mặc dù bị kềm kẹp như thế, nhưng đội ngũ anh em làm báo cũng cố gắng vùng vẫy trong mức độ nào đó, khi có điều kiện thì người ta cũng cố gắng làm cái gì mà lương tâm người ta nghĩ là tốt. Những bài báo đó có thể không đúng ý đảng nhưng nếu xét về mặt chuyên nghiệp về mặt ích nước lợi dân thì  có.
Qui chế này cũng chỉ là điều vớt vát, bây giờ công nghệ thông tin đã thay đổi rồi, hệ thống báo viết báo giấy còn tồn tại mấy trăm tờ như vậy là gánh nặng cho ngân sách thôi.
- ÔngTrần Ngọc Quang
Trước tình hình đó thì họ rất hoảng hốt và tôi nghĩ việc ban hành 10 qui định về đạo đức của người làm báo Việt Nam nhằm mục đích một lần nữa xiết chặt công tác tuyên truyền nhằm bảo vệ vị trí độc tôn của đảng cộng sản đang cai trị đất nước lâu dài.
Báo chí trong nước đưa tin 10 qui định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được thống nhất và đồng loạt thông qua trong hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Hành Hội Nhà Báo Việt Nam ngày 15 tháng Mười Hai, tiếp đó được Hội Nhà Báo Công Bố trong buổi họp ngày 16 với quyết định phải học tập, quán triệt và thực hiện. Theo nhà báo độc lập Trần Ngọc Quang, ban hành là một chuyện, thành công hay không lại là một chuyện khác vì công nghệ thông tin đã thay đổi nhiều:
Qui chế này cũng chỉ là điều vớt vát, bây giờ công nghệ thông tin đã thay đổi rồi, hệ thống báo viết báo giấy còn tồn tại mấy trăm tờ như vậy là gánh nặng cho ngân sách thôi. Bây giờ người ta đọc báo mạng, có trình độ hay không có trình độ, cầm điện thoại là có thể đọc báo rồi. Kiểm soát báo mạng là khó, cả một hệ thống kỹ thuật để kiểm soát báo mạng là không kiểm soát được.
Được biết  Ban Kiểm Tra Hội Nhà Báo Việt Nam là đơn vị có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai và thực hiện 10 qui định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, sẽ có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2017 tới đây.

Ông thủ tướng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"!?

Bạn đọc Danlambao - Trong những ngày qua, ông thủ tướng nổi danh với biệt danh Ma dzê in và cờ lờ mờ vờ đã có 2 phát biểu rất cờ lờ mờ về cái thể chế mà ông và đảng của ông áp đặt lên đầu nhân dân.

Ngày 26/12 tại hội nghị tổng kết 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông ta phát biểu: "Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý". (1)

Khách quan mà hiểu thì hiểu và hiểu một cách bình dân lời ông thủ tướng kiêm Uỷ viên bộ chính trị của đảng là: chế độ cộng sản là do đảng ta nghĩ ra mà sao lại sợ nó! Nó... phản động thì dẹp nó đi, chạy theo nó làm gì!

Ông Thủ tướng thật là phản động! Theo tinh thần của TBT đảng thì Thủ tướng đang "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"!

Lại chợt nhớ đến một phát biểu khác cũng mới đây của thủ tướng: Vân Đồn là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” (2)

À thì ra! phương thức của Thủ tướng - thay vì cho cái thể chế phản động, ngăn chận sự phát triển "ai cũng sợ nó" vào thùng rác thì ông đem vào casino Vân Đồn đánh cược. Nói cho cùng thì thể chế của ông thủ tướng và tập thể bầy đàn đảng ông đúng là một ván bài trong đó vốn liếng là dân tộc Việt Nam đã bị đem ra đánh cược từ thời Hồ Chí Minh mà.

29.12.2016



__________________________________


Ghế ít mà đít nhiều khiến cộng sản đang tự phân hóa và hoá thành phân

Dân Đen (Danlambao) - Sáng ngày 28/12/2016, Ủy ban Kiểm tra trung ương cộng sản đã công bố quyết định “kỷ luật khiển trách” Trần Công Chánh - bí thư tỉnh ủy Hậu Giang vì liên quan đến việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh (hiện đang trốn tại nước ngoài); đồng thời “kỷ luật cảnh cáo” Huỳnh Minh Chắc - nguyên ủy viên trung ương đảng, nguyên bí thư tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015. Cũng trong ngày 28/12/2016 ủy ban này đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, liên quan đến vụ bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng (26 tuổi) vào chức phó vụ trưởng vụ kinh tế của ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Từ những quyết định trên cho thấy nội bộ cộng sản đang có sự phân hóa nghiêm trọng về nhân sự.

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn đi nước ngoài đã khiến Nguyễn Phú Trọng bất an, liên tục chỉ đạo cấp dưới bằng mọi giá phải bắt bằng được con ruồi xanh họ Trịnh. Trịnh Xuân Thanh từng nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong hệ thống đảng cộng sản sau thời gian tu nghiệp và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức trở về. Thanh có cha là Trịnh Xuân Giới, từng làm hiệu trưởng trường Đoàn Trung ương, Phó trưởng ban Dân vận của đảng cộng sản, hiện đang là chủ tịch của một công ty TNHH. Em trai là Trịnh Xuân Tuấn hiện đang nắm chức tổng giám đốc Công ty cổ phần Dầu khí Sông Hồng thuộc Bộ xây dựng... Có thể nói Thanh là một nhân vật có gốc gác lớn trong bộ máy cộng sản. 

Vũ Minh Hoàng không phải là con trong một gia đình có chức quyền của cộng sản, tuy nhiên Hoàng lại là cháu của một đại tá, phó giám đốc công an tỉnh Bắc Ninh. Giống như Thanh, Hoàng là một nhân vật trẻ tuổi nhưng được đào tạo bài bản tại nước ngoài và có “tiềm năng” nên được lãnh đạo ban chỉ đạo Tây Nam Bộ ký quyết định ngày 04/06/2014 nhận vào làm việc không qua tuyển dụng. Tiếp đến ngày 15/01/2016 Hoàng tiếp tục được đề bạt làm vụ phó vụ kinh tế sau đó được bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ. Có thể kết luận hai nhân vật trên đều thuộc thành phần con ông cháu cha đã và đang gây “sóng gió” trong bộ máy cai trị của cộng sản. 

Sau đại hội đảng lần thứ 12 của cộng sản, nhiều vụ thanh toán nội bộ đã xảy ra, tuy nhiên ban tuyên giáo vẫn luôn cố tìm cách bưng bít và lèo lái dư luận về những vụ việc này. Hẳn chúng ta còn nhớ vụ án thanh toán bằng súng ở Yên Bái đã gây ra cái chết đối với bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND và chi cục trưởng chi cục kiểm lâm. Rồi đến vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông - Hà Nội khiến 13 quan chức của cộng sản tử vong. Tiếp đến là vụ nổ lớn ở trụ sở công an tỉnh Đăk Lăk đã làm thương vong 6 cán bộ công an của tỉnh... Tuy nhiên tất cả các vụ án này đều được báo chí cộng sản “kết luận” do mâu thuẫn cá nhân hay do tai nạn khi đang làm “nhiệm vụ”, không liên quan đến chính trị. 

Những vụ việc trên cho thấy sự đấu đá, tranh giành những chiếc ghế quyền lực trong bộ máy cộng sản ngày càng trở nên gay cấn và hết sức nguy hiểm. Bất cứ nhân vật quyền lực nào của cộng sản cũng có thể trở thành mục tiêu của những vụ “tai nạn” để rồi sau đó sẽ bổ nhiệm nhân sự mới trong hệ thống đảng trị. Từ chiếc ghế tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng cho đến chức vụ bộ trưởng của Vũ Huy Hoàng (đã về hưu nhưng vẫn bị kỷ luật cách chức) hay như vị trí bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND Hà Tĩnh của Võ Kim Cự... đều có thể đem đến quyền lực, lợi ích và tiền bạc, nhưng cũng luôn tiềm ẩn nguy hiểm bởi sự tranh giành từ những đồng chí cộng sản bên cạnh mình.

Lịch sử cộng sản Việt Nam đã từng có những vụ thanh trừng đối thủ như vụ thủ tướng Võ Văn Kiệt bị ám sát trong quá trình chữa bệnh tại Singapore, để rồi sau khi chết một ngày thì báo chí tại Việt Nam mới được phép đưa tin. Nguyễn Bá Thanh từ vị trí bí thư thành phố Đà Nẵng được phân nhiệm làm Trưởng ban Nội chính trung ương một thời gian thì “phải’ đi nước ngoài “chữa bệnh lạ”. Sau đó chính khách họ Nguyễn cũng đã nói lời vĩnh biệt đảng cộng sản sau những ngày được báo chí “ấp ủ” thông tin về tình trạng sức khỏe... Và rồi đến chức vụ bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã và đang gây ra rất nhiều tranh cãi xung quanh việc vị bộ trưởng này còn sống hay đã chết. Vụ ám sát bằng súng xảy ra tại một bệnh viện bên Pháp mà báo chí Đức đưa tin là sao? Phùng Quang Thanh xuất hiện trên truyền hình là thật hay chỉ là một “diễn viên” đóng thế?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tỏ ra hết sức quan ngại vấn đề “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong đảng, thậm chí còn xem đó là một cuộc chiến liên quan đến vận mệnh của đảng và chế độ. Nguyễn Phú Trọng còn đề cập những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của đảng viên. Xem đây là cuộc chiến hết sức cam go nhưng vẫn lo ngại những tiêu cực này bị lợi dụng để bôi nhọ, kích động chống phá đảng. 

Xâu chuỗi sơ bộ những vụ việc trên có thể nhận thấy sự lo sợ của Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn có cơ sở. Chiếc ghế của Trọng đang rung lắc bởi dư chấn trong vụ Trịnh Xuân Thanh cũng như lời hứa sẽ ra đi sau nửa nhiệm kỳ tái đắc cử. Đây là cơ hội cho những đối thủ đồng chí tìm cách tiến nhanh, tiến mạnh để có được chiếc ghế quyền lực. Vì thế nội bộ cộng sản trong thời gian tới có thể sẽ xảy ra những vụ thanh toán dưới nhiều hình thức và thủ đoạn. 

Dân gian có câu “ghế ít mà đít thì nhiều”. Vì vậy cuộc chiến giành ghế trong đảng cộng sản chắc chắn sẽ phơi bày bản chất say mê quyền lực, thủ đoạn nham hiểm và bộ mặt thật của các quan chức cộng sản. Nói cách khác, những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực sẽ làm cho đảng viên cộng sản phân hóa thành phân dưới mắt nhìn của mọi người dân.

29.12.2016


Thủ tướng tốt ghê!: “Tết này, các đồng chí không phải đi thăm nữa”

Tư nghèo (Danlambao) - "Truyền thống" các quan nhỏ xếp hàng như xả lũ để "được" biếu xén cho các quan trung, các quan trung lụm khụm khiêng cả đống mênh mông tiền dân đến để cúng cho các quan lớn đã là truyền thống cách mạng vô sản của đảng nhiều năm nay. Tình trạng "tự diễn biến" và hợp đồng tác chiến để cùng nhau "tự thoái hoá" này càng ngày càng lộ liễu và trắng trợn khiến đảng vinh quang mất mặt bầu cua quá nhiều với thiên hạ.

Trước tình trạng "Dân rất chú ý", Nguyễn Xuân Phúc đã dặn dò đàn em rằng:“Tết này, các đồng chí không phải đi thăm nữa.”

Chữ "phải" cần được in đậm để làm sâu sắc xấu cái ý của thủ tướng rằng: trước đây là phải bây giờ thì hết còn phải phải.

Giờ mới biết, chuyện quà cáp bao năm nay đâu phải là vì tình đồng rận dưới háng yêu mến đồng chí trên nách gì đâu. "Phải" à nghe.

Thủ tướng cũng nhấn tới nhấn lui và nhấn lút cán rằng: “Không phải chỉ các đồng chí ở miền Nam đâu mà cả miền Bắc nữa”, cứ như là sợ các đảng viên bên kia vĩ tuyến 17 chơi không công bằng, xếp hàng đi chúc tết anh cả Lú đã nhiều quyền nhưng ít tiền (hơn) các đồng chí "lợi ích" trong Nam.

Qua lời thủ thỉ của thủ tướng: “Kinh nghiệm ở địa phương cho thấy, Tết nhất là lo ngay ngáy quà Tết biếu Trung ương. Không tới thì băn khoăn, tới thì xếp hàng khổ cực. Làm được vấn đề này thì nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí”... mới biết rằng làm đồng chí với nhau thiệt là khổ hơn rận; mới hình dung được quanh cảnh của đám con cháu sống chiến đấu và học tập theo gương Hồ Chí Minh đã như thế nào khi phải xếp hàng cả một lũ mấy ngàn tên để lấy lòng mấy trăm tên đồng chí Trung Ương. Từ ông thủ tướng ta mới biết "trung ương" đảng ta hồi đó tới giờ "ăn" tết phát tài như thế nào. 

Hỏi nhỏ đồng chí thủ tướng nghe, trong nhiều năm qua, từ thời thủ tướng làm phó cho ba Ếch cho đến... tết năm ngoái, có bao nhiêu đồng rận đã phải vượt qua băn khoăn, xếp hàng khổ cực để góp phần cho đồng chí Xuân Phúc có một... mùa xuân đại thắng lợi!?

Tuy nhiên, bỏ qua những màn mị dân, đạo đức giả của thủ tướng và nhiều đồng chí "thứ gì cũng ăn" khác đang tuyên bố không biếu xén, hối lộ vào dịp tết này - vấn đề đặt ra là pháp luật ở đâu? Những hành vi lợi dụng ngày Tết, lễ lạc để biếu xén và nhận biếu xén bởi các quan chức là hành vi hối lộ. Nếu luật của cộng sản VN có ngăn cấm thì đem ra truy tố và xử. Nếu không thì cứ... thoải mái và xếp hàng khổ cực. Đất nước rừng rú gì mà toàn những thứ dặn dò mị dân, không tuân theo một thể thống luật pháp gì cả.

“Tết này, các đồng chí không phải đi thăm nữa” (*)

Nhưng nếu đi thăm và thăm vợ của đồng chí thì sao? Có luật nào cấm không thưa ông thủ tướng!?

29.12.2016



_________________________________

Bạo lực không làm ta khuất phục

Nguyễn Hồ Nhật Thành - "Anh ơi, công an đứng ngoài đập cửa đòi kiểm tra"- Đây là lời nhắn của bạn trẻ đang tham gia chương trình đào tạo nhà hoạt động xã hội trẻ do tôi quản lý. Ngay lập tức, tôi chạy đến gần khu vực các bạn ở để theo dõi tình hình, vừa ngồi trong quán cà phê được 15 phút thì bất ngờ tôi bị một nhóm hơn 10 người tấn công từ phía sau, tay tôi bị bẻ ngược ra sau cùng lúc với những đòn đánh đá liên hồi vào đầu, ngực và lưng. Một kẻ cao lớn rút súng ra chỉa vào màng tang bên phải đầu tôi, xoáy sâu khẩu súng trên tay và nói: "Mày mà chống cự là tao bắn mày, ĐM mày dám đào tạo hả!". Tiếp đó anh ta đập đầu tôi vào mặt bàn và lôi ra, lấy một cái áo khoát trùm kín mặt tôi lại và đưa lên xe chở đi. Đó là vào lúc 15h30 ngày 26/12/2016.

Họ đưa tôi đến một đồn công an phường, vì bị trùm kín mặt nên tôi không biết là phường nào. Sau khi họ thả ra vào nửa đêm cùng ngày thì tôi mới biết đó là công an phường Tân Mỹ, quận 7.

Nhân viên an ninh tên Bình, người luôn theo dõi tôi từ năm 2011, kể từ những cuộc biểu tình chống sự bành trướng Trung Quốc mà tôi tham gia, cũng là thời điểm khiến tôi thay đổi nhận thức của tôi về tình hình đất nước. Bình nhận bàn giao tôi từ tay nhóm đã bắt cóc tôi về đây và đưa tôi lên lầu 2 cùng với hai thanh niên trong dáng vẻ côn đồ, lăm le cây gậy làm bằng nhựa dẻo, loại hung khí đánh người gây nội thương mà không để lại nhiều vết tích bên ngoài. Tôi đoán chắc đây cũng một trong nhóm hơn 10 người đánh hội đồng tôi lúc nãy.

Bình ra vẻ quan tâm hỏi han về sức khỏe, gia đình tôi. Theo phép lịch sự tôi cũng trả lời, khi tôi im lặng trước những câu hỏi lãng xẹt thì tên côn đồ cầm cây nhựa dẻo đưa lên tỏ vẻ hăm họa sẽ đánh nếu tôi không nói. Máu nóng trong người tôi trỗi dậy, tôi nhìn thẳng vào mặt tên côn đồ đang hăm dọa và nhấn mạnh giọng nói theo ngôn ngữ của họ: "Tao thích thì tao nói, còn đéo thích thì tao sẽ im lặng, mày ngon thì đánh tao đi, loại tụi mày chỉ được cái ăn hôi đánh hội đồng. Nếu bản lĩnh thì mày với tao đánh tay đôi!". Sau đó, hai tên côn đồ bị đuổi ra ngoài, hai an ninh khác vào phòng tỏ vẻ xoa dịu. Vậy là dùng tính cương trong những tình huống này là hợp lý, từ đây tôi giành lại thế chủ động trong hoàn cảnh này, ít nhất là làm chủ cái miệng của mình.

Một nhân viên an ninh khác vào phòng, người này xưng tên là Đại, có thể thuộc Bộ công an vì theo Bình nói thì vụ đào tạo này của tôi Bộ trực tiếp chỉ đạo. Ngay từ đầu Đại đã phủ đầu bằng cách chụp mũ bằng giọng điệu rằng tôi nhận tiền từ các "thế lực thù địch nước ngoài" nhằm âm mưu xây dựng lực lượng để lật đổ chế độ. Đại nói liên hồi tầm 20 phút trong khi tôi vẫn giữ quyền im lặng. Sau cùng Đại nài nỉ tôi nói về quan điểm của mình sau những gì Đại trình bày về nhận định đối với tôi của Bộ công an qua lời diễn giải của Đại. Lúc này, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc nói.

Tôi mở đầu bằng việc hỏi Đại có gia đình chưa?

Có rồi - Đại trả lời.

Vậy anh có con chưa? - Tôi hỏi tiếp.

Có một đứa - Đại trả lời.

Tôi cũng có một đứa con giống anh, và tôi không muốn tương lai của con tôi phải sống trong tình trạng xã hội như tôi đang sống. Tôi muốn tương lai của con tôi phải sống trong một môi trường bình đẳng và tự do, nơi mà mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục và công việc bằng nhau mà không phải bị phân biệt bởi sự giàu nghèo, bởi quan hệ, bởi lý lịch gia đình. Tôi nghĩ anh cũng muốn như vậy mà phải không? Đại hơi lựng khựng một lúc và không trả lời.

Đất nước này phải thay đổi tốt hơn, đó là điều chắc chắn. Anh muốn sự thay đổi đó sẽ diễn ra trong hòa bình hay bạo động và hỗn loạn? Tôi không chờ anh trả lời và tiếp tục nói, hơn ai hết tôi thực sự muốn sự thay đổi của đất nước mình diễn ra trong hòa bình, không ai muốn đi chống phá đất nước của tổ tiên, của nơi mình sinh ra như các anh thường quy chụp. Và đó là những lý do chính khiến tôi muốn hoạt động, tôi muốn góp chút sức mình vào sự thay đổi xã hội thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức mà tôi đã trải qua với những người quan tâm và muốn hành động. Đây là việc đào tạo những kiến thức nền tảng về lịch sử, hiến pháp, pháp luật và dân quyền chứ đâu phải huấn luyện bắn súng hay ôm bom đâu mà mấy anh phải lo? Với lại, hạng tép riu thân thế không có như tôi thì làm gì ảo tưởng đến mức có thể lật đổ được một chế độ với lực lượng hùng hậu công an và quân đội với vũ khí bạo động trong tay? Các anh ảo tưởng về tôi quá rồi!

Đại nói rằng đó không phải là bản chất vấn đề. Bản chất vấn đề là tôi đã làm sai luật. Tôi nhấn mạnh rằng tôi không hề sai luật, đó là quyền tự do hội họp và học tập được quy định trong phần Dân quyền được ghi trong hiến pháp. Lỗi là do quốc hội của các anh đã không luật hóa và thi hành. Nếu anh nói tôi sai thì tôi sai ở đâu, luật nào? Việc tôi âm thầm hoạt động đào tạo chẳng qua là vì sợ các anh phá hoại thôi. Như tôi đã từng thực hiện chương trình Khơi Nguồn Tri Thức vào đầu năm 2012 bị các anh phá không thương tiếc.

Thấy không còn gì để nói với tôi nên Đại nói ngang rằng mày không muốn sống đất nước này thì mày đi đi chứ đừng làm tay sai bán nước, chống phá đất nước. Tôi nhìn thẳng mặt Đại và nói: Tại sao tôi phải đi? Đây là nhà tôi, là đất nước tôi, và tôi sẽ sống chết ở đây, tôi phải được tự do trên đất nước của mình!

Không khí trở nên căng thẳng thì tôi chốt lại một câu cuối rằng đó là tất cả những quan điểm của tôi để các anh hiểu rõ, còn từ giờ phút này trở đi tôi sẽ im lặng, nếu các anh muốn bắt giam, cầm tù thì cứ việc lập hồ sơ rồi tự làm án.

Tôi bắt đầu ngồi thiền và thinh lặng.

Đến 11h30 tối thì Bình yêu cầu tôi đứng dậy đi, tôi tưởng sẽ đưa về Bộ nhưng không phải, họ để tôi về nhà. Trước khi về thì một an ninh cầm điện thoại quay phim và hỏi tôi tự về được không. Tôi trả lời được nhưng trong lòng gợi lên một điều gì hơi bất an, vì tôi biết họ sẽ không đơn giản thả ra như vậy.

Tôi đứng đón taxi hơn 30 phút, đúng 12h lên xe, định lấy điện thoại liên lạc báo cho bạn bè biết để an tâm mới phát hiện là điện thoại không mở nguồn được. Sáng hôm sau đi sửa thì mới biết là điện thoại tôi bị ngâm nước rất lâu đến nổi pin nở phình ra. Có lẽ họ thù vặt vì không xâm nhập được điện thoại tôi nên phá hoại cho bỏ tức.

Ngồi trên taxi tôi vẫn cảm nhận được điều xấu gì đó đang đến. Xe đi đến đoạn đường Nguyễn Văn Linh, khu vực Phú Mỹ Hưng thì có một thanh niên đi xe máy Air Black lên đánh võng trước đầu xe buộc xe phải chạy chậm lại. Đến đoạn đèn đỏ thì một nhóm gần 20 người đi trên 10 xe máy áp sát vào taxi, 5 xe máy dàn hàng ngang để chặn người đi đường từ xa, 5 xe còn lại đến gần xe taxi đập cửa yêu cầu taxi mở cửa và lao vào tấn công tôi. Họ lôi tôi ra khỏi xe và đánh đập hội đồng. Lúc này tôi chỉ kịp ôm đầu và mặt để bảo vệ phần chính và đành chịu những đòn hiểm của họ vào phần ngực và lưng. Họ đánh tôi trong khoảng 10 phút đến khi tôi nằm giữa đường mới bỏ đi. Tôi ngồi dậy nhìn trong đoàn người đi qua thì thấy hai công an sắc phục và dân phòng lướt ngang như không có chuyện gì. Tôi đã rướm nước mắt, không phải vì đau, mà vì đây là thực trạng cai trị bằng bạo lực của chế độ này mà cả ngày hôm nay tôi đã trực tiếp trải nghiệm.

Ngay lúc này, tôi biết tôi sẽ còn phải nổ lực nhiều hơn để tương lai không còn những tình trạng tương tự với những người quan tâm đến tình hình đất nước và mong muốn hoạt động để thay đổi xã hội như tôi.

Tôi đã định im lặng không viết về điều này vì ngại nhiều người sẽ sợ hãi như điều mà nhà cầm quyền này muốn thông qua việc khủng bố tinh thần tôi bằng bạo lực. Cũng như trường hợp đã im lặng khi nhóm chúng tôi bị nhóm côn đồ có bảo kê của công an tấn công, đánh đập ở ga Nha Trang khi đi thăm gia đình nhà hoạt động Mẹ Nấm với cảnh báo "đừng đến Nha Trang". Nhưng tôi nghĩ, tôi cần phải viết, phải nói về tình trạng dùng bạo lực để trấn áp nhằm tiêu diệt những hy vọng tích cực nhất nhằm vào những người muốn hoạt động cho một xã hội tự do hơn. Đây là thực trạng chúng ta cần nhìn rõ, chấp nhận trả giá để phá lằn ranh do nhà cầm quyền này tạo ra nhằm nô lệ hóa con người. Và bạo lực, chắc chắn sẽ không làm chúng ta khuất phục!

Sài Gòn ngày 28/12/2016


Những điều nghịch lý trong xã hội Việt Nam

Huy Phương (Danlambao) - Chủ nghĩa cộng sản chủ trương ủng hộ thiết lập xã hội phi nhà nước, không giai cấp, bình đẳng, dựa trên sự sở hữu chung và điều khiển chung đối với các phương tiện sản xuất. Nhiều người tưởng tượng ra đó là một ngôi nhà lớn, mọi người đều mặc đồng phục, ăn uống và hưởng tiện nghi giống nhau, thức dậy ra đồng (nông) hay vào nhà máy (công) theo tiếng kẻng, buổi tối cùng vào ngôi “nhà nguyện chung” đọc kinh (học tập giáo điều Cộng Sản,) và chỉ được ăn cơm hay đi ngủ khi có tiếng kẻng báo. Trong đó, ai có khả năng thì làm theo khả năng, nhưng được hưởng đủ tiện nghi theo nhu cầu của mình. Đất, nhà là của nhà nước, không ai có của cải tư hữu, con trâu, cái cày... đều là tài sản xã hội chủ nghĩa. Hơn hết, ở đó mọi người đều sống vì mình, và mình cũng sống vì mọi người. Toàn là những chuyện láo toét!

Đó là thiên đường được vẽ ra bởi những người Cộng Sản, và nếu chủ nghĩa này thành công, thì đây quả thực là một thảm hoạ cho loài người, và trái đất thành một nhà tù khổng lồ như trong một trại súc vật (tên một tác phẩm tiếng Anh trong nguyên bản là Animal Farm) của nhà văn Anh sinh tại Ấn Độ tên là George Orwell (1903-1950), mà trong đó con heo Napoleon luôn luôn đúng, nghĩa là chủ nghĩa Cộng Sản và những tên lãnh đạo chóp bu luôn luôn đúng, không bao giờ sai. 

Từ 60 năm nay, vô phúc cho dân tộc Việt Nam đã chịu nạn Cộng Sản và đã thấy rõ hơn một dân tộc nào hết thế nào là chủ nghĩa Cộng Sản và những thứ đã sản sinh ra từ nó. Nó khác xa những gì dân lành Việt Nam đã lầm tưởng vì nghe theo. 

Xã hội Cộng Sản là một xã hội không những bất bình đẳng, mà trong đó cảnh người bóc lột người được coi như chuyện thường ngày. 

Trong xã hội Việt Nam, ngay cả từ thời Pháp thuộc, bạn cũng công nhận người chết mà phải bó chiếu mang đi ngoài đường, chỉ có thể là những kẻ khốn cùng, những người ăn mày, chết nằm ngoài đường, coi như kẻ vô thừa nhận mới lâm cảnh bần cùng như thế. Bá Kiến chết đi còn có hòm chứ Chí Phèo thì có mà bó chiếu, không nhà không cửa, không thân thích họ hàng, không nghề không nghiệp, không một đồng xu dính túi. 

Nhưng vào cái thời đại “đang lên” của cái xứ sở còn ôm lá cờ búa liềm và chân dung Hồ Chí Minh này, một đất nước “chưa bao giờ đẹp như hôm nay,” “uy tín lên cao như hôm nay” lại còn cảnh người chết không hòm, không xe, phải bó chiếu mang về nhà. Một ở Sơn La được chở trên xe gắn máy, xác chết lòi cả chân ra, một ở Hoà Bình được hai người khiêng tòn teng chạy bộ về nhà. 

Sau khi quanh quẩn giải thích và đổ trách nhiệm cho gia đình người chết, giám đốc bệnh viện Lạc Sơn, Hoà Bình còn giải thích thêm là, vì, rằng, bởi “...việc cuộn chiếu và khiêng thi thể được người dân vùng cao Hòa Bình áp dụng nhiều năm qua, gần đây phương tiện, đường sá tốt hơn, hình ảnh này cũng ít dần.” 

Riêng tại Sơn La, nổi tiếng từ đầu với hình ảnh xác chết bó chiếu chở sau yên xe gắn máy, đã là nơi “Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La vừa ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc," tổng đầu tư đến 1.400 tỷ đồng (khoảng 70 triệu đô la.) Đây là công trình đặt tại quảng trường Tây Bắc trung tâm thành phố Sơn La, diện tích khoảng 10-15 hecta, theo báo trong nước. Tượng đài gồm có đền thờ Hồ Chí Minh với một bức tượng cao từ 5-8 m; đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ; bảo tàng; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20.000 người... Câu hỏi là dân Sơn La được hưởng lợi gì qua việc xây lên một bức tượng như thế? 

Trong dân chúng thì đói nghèo, chết không hòm chôn, mà các cấp lãnh đạo Cộng Sản chủ trương “có làm có ăn” nêu những lý do dựng lại hình tượng rệu rã, lấy lý do đó là do lòng dân mong muốn:“Công trình tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu". 

Theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 101 tượng đài Hồ Chí Minh được xây trong khuôn viên, trụ sở cơ quan, đơn vị; 31 tượng ở trung tâm hành chính, chính trị. Ngoài ra bây giờ cho đến năm 2030 Việt Nam có đề án xây thêm 14 tượng đài ở các tỉnh, trong đó có tượng đài “Bác Hồ với thanh niên xung phong ở tỉnh Bắc Kạn;” “tượng đài Bác Hồ với nông dân ở Thái Bình;” “tượng Nguyễn Tất Thành và cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Bình Định...” Trong đó có 14 địa phương đưa tay xin xây tượng đài Hồ Chí Minh gồm có: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Thật là khốn nạn cho cái đất nước khốn khổ này!

Một tượng đài như Sơn La ước tính ngốn khoảng 70 triệu đô la, trong khi đó theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục thống kê, trong tháng 9 năm 2016, cả nước có hơn 251.000 gia đình thiếu đói, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu đói tăng so với cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán và tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng tại một số khu vực, đặc biệt là ở các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Phần và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Nếu tính đến giai đoạn 2016-2020 thì tỷ lệ gia đình nghèo ước tính chiếm khoảng 10,4%. 

Trong khi có khoảng 17 triệu lao động Việt Nam có thu nhập dưới 150.00 đô la một tháng, thì không ít quan chức nhà nước, hoặc tuồn tài sản đứng tên con, bằng đồng lương công chức Nhà nước lại xây được biệt thự hàng chục tỷ đồng. Trong cái xã hội đó, có người mò trong đống rác, nhặt bao ny-lông để đổi từng lon gạo, có kẻ tổ chức đám cưới con, thuê bao ca sĩ hát cả mấy nghìn đô la, đúng là kẻ ăn không hết, người làm không ra. 

Trong khi lương một giáo viên khoảng ba triệu đồng VN một tháng, mà bà mẹ một ca sĩ bạc nợ nần lên đến 22 tỷ, rồi một ca sĩ khác hứng chịu trả nợ cho số tiền 22 tỷ này. Câu hỏi là ca sĩ dù là “siêu sao” đi nữa, mỗi tuần họ kiếm được bao nhiêu, tiêu bao nhiêu tiền, và còn phải trả nợ cho bà mẹ bao nhiêu nữa. Sao người Việt Nam, hôm nay đang sống dưới chế độ này thừa dư tiền bạc đến thế, trong khi có những con người nghèo kiết xác? 

Quốc tang tại Việt Nam là nghi thức tang lễ cao nhất ở Việt Nam, được hiểu là cả nước để tang. Nghi lễ quốc tang là đặc biệt được quy định trong văn bản pháp lý của nhà nước. Hiện nay, Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định tổ chức lễ tang cán bộ công viên chức và một số văn bản nhà nước khác có quy định về quốc tang. 

Cũng theo nghị định này, cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức lễ quốc tang: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khi bầy đàn 4 vị trên đây chưa chết, Việt Nam lại hô hào “để tang đồng chí Fidel Castro với nghi thức quốc tang” cho một anh bá vơ tận Cuba, không liên quan gì đến nhân dân Việt Nam mà chỉ liên hệ đến đảng Cộng Sản Việt Nam qua một vài lần thăm viếng và bán máu tử tù lấy tiền trong thời gian xâm lược Miền Nam. 

Năm 2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố ngày quốc tang, và treo cờ rủ trong ba ngày tới để tưởng nhớ 12 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố một tòa tạp chí biếm họa. Tháng 6- 2016, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quốc tang sau vụ tấn công khủng bố tại sân bay Ataturk tại thành phố Istanbul, làm ít nhất 41 người thiệt mạng và hơn 140 người khác bị thương. Tháng 11-2016, Tổng thống Brazil Michel Temer vừa tuyên bố, nước này sẽ tổ chức quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ máy bay rơi tại Colombia. 

Còn 100 người bị chết trong các trận lụt và xả lũ mới đây tại Việt Nam, họ không phải là con người của đất nước này hay sao? “Con người là vốn quý,” nhưng trong xã hội này, mạng người dân đảng xem như cỏ rác! Đừng quên là Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có chủ trương "Đồng ý tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm hoạ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân. Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể về các trường hợp này." 

Trong một xã hội mệnh danh là một xã hội bình đẳng, không có cảnh người bóc lột người, nhưng có cảnh bệnh viện một giường nằm ba bệnh nhân, trong khi mỗi tỉnh đều có cơ quan gọi là Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Tỉnh Uỷ, Thành ủy để chăm lo sức khoẻ cho cán bộ đảng cấp cao. 

Cũng trong xã hội này cán bộ đảng cấp cao như Vũ Huy Hoàng ẵm cả tỉ đô nhưng chỉ bị cảnh cáo suông, khi hai thanh niêncướp bánh mì trị giá 45.000 đồng, đối diện 10 năm tù! 

Pháp luật chỉ dành riêng cho lũ dân đen, cán bộ đảng viên có luật pháp riêng. Dân thường giết người vào tù, công an giết người vô tội. 

Bài báo này chỉ có tính cách tiêu biểu, sơ lược, bức tranh xã hội dưới chế độ Cộng sản có muôn vàn điều nghịch lý bất công, trầm trọng khác.

29.12.2016