Tuesday, November 17, 2015

Úc cần sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á để đương đầu với Trung Quốc

Việt Hà, RFA 2015-11-17 
obama_turnbull-622.jpg
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp nhau tại Manila hôm 17/11/2015, trước thềm Thượng đỉnh APEC. AFP photo
Trước những tham vọng của Trung Quốc trong việc khống chế Biển Đông, nhiều nước trong khu vực đã công khai bày tỏ quan ngại, và đều trông mong vào sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực với hy vọng kiềm chế Trung Quốc.
Tiếp tục loạt bài phỏng vấn về an ninh khu vực và căng thẳng Biển Đông trước thềm thượng đỉnh Đông Á, Đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc học viện Quốc phòng Úc. Giáo sư Carl Thayer sẽ nói về vai trò của Úc tại khu vực trước sự trỗi dậy đáng lo ngại của Trung Quốc và hợp tác Úc - Mỹ.
Trước hết nói về vấn đề Biển Đông và Trung Quốc tại thượng đỉnh Đông Á sắp diễn ra từ ngày 21 đến 22 tháng 11 tại Malaysia, giáo sư Carl Thayer cho biết:
“Bởi vì Trung quốc cho xây dựng các đảo nhân tạo và Hoa Kỳ phản ứng với vấn đề tự do hang hải nên những thượng đỉnh cuối năm nay bao gồm thượng đỉnh Đông Á và thượng đỉnh  ASEAN với các đối tác sẽ chứng kiến vấn đề biển Đông lại được hâm nóng…
Liên quan đến thượng đỉnh Đông Á, ngay từ trước khi Mỹ tham gia thượng đỉnh này thì họ đã có nghị trình, theo đó vấn đề biển Đông chỉ được đề cập trong các cuộc gặp riêng giữa lãnh đạo các nước nhưng không thể được đề cập đến trong tuyên bố chung của thượng đỉnh…
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì trong thượng đỉnh lần này vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập đến và Trung Quốc sẽ chống lại và cố gắng làm như Hoa Kỳ là người làm mất ổn định trong khu vực.”

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Việt Hà: Thưa Giáo sư, có thông tin nói rằng Úc đang xem xét cho tàu tham gia việc tuần tra trên biển Đông. Theo ông, với những diễn biến gần đây trên Biển Đông, mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Úc hiện nay thế nào?
GS Carl Thayer: 60% hàng hóa của Australia phải đi qua đường biển và đi qua Biển Đông, ngay cả trước khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo thì Australia vẫn luôn có lợi ích quan trọng tại đây và muốn đảm bảo tự do hang  hải và an ninh qua khu vực này.
Bất cứ những xung đột nào tại đây cũng làm cho chi phí bảo hiểm tăng cao và làm gián đoạn thương mại cho Australia.
Australia cũng có nghĩa vụ theo như thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA) với Singapore và Malaysia mà theo đó các nước tham gia thỏa thuận này phải hỏi ý kiến nhau và giúp đỡ nhau khi họ gặp những đe dọa về quốc phòng, nhưng chỉ giới hạn với bán đảo Singapore và Malaysia.  Tuy nhiên những cuộc diễn tập của FPDA đã được thực hiện trên biển Đông.
Và cuối cùng là về phía chính phủ Úc, ngay khi nhậm chức thì Thủ tướng mới của Úc cũng đã nói là hành động của Trung QUốc là phản tác dụng.
Chính phủ của Thủ tướng Úc trước và chính phủ Úc  hiện tại đều tin vào tự do hàng hải và luật quốc tế, luôn ủng hộ ASEAN trong vấn đề này, gần như tương đồng với chính sách của Hoa Kỳ là mọi tranh chấp phải được giải quyết hòa bình theo luật quốc tế. Tàu và máy bay quân sự của Australia vẫn đi qua khu vực này thường xuyên.
thayer-vietha-622.jpg
GS Carl Thayer trong một lần đến thăm và trả lời phỏng vấn RFA trước đây.
Vài năm trước thì máy bay, tàu của Australia có gặp một số khó khăn với Trung Quốc khi đi qua đây và Australia đã ngay lập tức đã lên tiếng về lập trường của mình và quyền tự do hang hải và sau đó thì không gặp vấn đề gì với Trung Quốc nữa.
Thực tế thì khi tàu của Mỹ đi qua biển Đông thì Australia đang diễn tập bắn đạn thật với Trung Quốc và đã có thông báo công khai là khi tàu của Australia đi về lại Australia thì sẽ đi qua biển Đông nhưng không gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng vì đó là sự xúc  phạm.
Nhưng trong cuộc gặp cấp Bộ trưởng giữa Mỹ và Australia vào năm nay tổ chức ở Boston, phía Hoa Kỳ đã đề nghị một cách không chính thức Úc tham gia vào hoạt động tuần tra trên biển Đông với Mỹ. Australia vẫn duy trì lập trường về tự do hang hải và có thể thực hiện các hoạt động này trong một lúc nào đó do chính Australia lựa chọn nhưng rất có thể là sẽ không nói gì và cứ thế làm.
Vào lúc này, tuần tra chung với Mỹ là không được đặt ra. Nhật Bản cũng đang xem xét vấn đề này.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về quan hệ giữa Trung Quốc và Úc vào lúc này?
GS Carl Thayer:  Cũng giống như là với Mỹ, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn của Australia. Australia đồng thời cũng là đồng minh của Mỹ cho nên có tranh luận là Australia nên có hai chính sách, một trong số đó là chính sách về kinh tế với Trung Quốc nhưng điều này không còn quá lớn vào lúc này khi kinh tế Trung quốc phát triển chậm lại và do đó nhu cầu về quặng sắt nhập từ Úc giảm, và nhập than của Úc cũng giảm vì Trung Quốc đang tìm cách giảm lượng khí thải.
Thứ hai nữa là chúng tôi cũng muốn Trung Quốc tham gia và chúng tôi vẫn đang làm vậy. Ngoài ra có một vấn đề khác nữa cũng ít người biết vì nó cũng nhỏ thôi nhưng quan trọng đó là thủy quân lục chiến Mỹ định kỳ đến Darwin của Úc, có một số nhỏ trong đó tham gia cùng quân của Úc và Trung Quốc để thực hiện các cuộc diễn tập sống còn tại miền bắc Úc.
Cho nên Úc cũng có suy nghĩ giống như Mỹ là không muốn biến Trung Quốc thành kẻ thù nhưng sẽ kháng cự lại nếu Trung Quốc có hành động gây hấn và không chơi theo luận chơi. Australia giống Mỹ là cố gắng tham gia với Trung Quốc, nói chuyện với lãnh đạo quân đội Trung Quốc để họ có hành động giống như các cường quốc biển khác.

Vai trò cần thiết của Mỹ

Việt HàCó những lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hành quân sự hóa những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông. Câu hỏi bây giờ là bao giờ mà thôi. Vậy một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây lấp các đảo và tiến hành quân sự hóa khu vực, mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông với Úc sẽ thế nào?
GS Carl Thayer: Không có bất cứ việc gì mà Mỹ đang làm có thể ngăn cản được Trung Quốc củng cố sự hiện diện của họ ở 7 đảo nhân tạo tại biển Đông. Không có gì có thể ngăn cản được việc Trung Quốc từng bước đưa vào các thiết bị quân sự như rada tầm xa, tên lửa chống tàu, tên lửa chống máy bay, đưa tàu vào khu vực này, kết nối các thiết bị với nhau để Trung Quốc có thể có được thông tin ngay lập tức về các hoạt động quân sự tại đây.
Vị trí của Trung Quốc có thể gây sức ép lên đồng minh của Mỹ là Philippines. Họ đã gây khó khăn cho tàu của Philippine hoạt động trong vùng nước của chính Philippines.
Cho nên từng chút từng chút một Trung Quốc sẽ gây sức ép lên Malaysia, Indonesia, Việt Nam để các nước này không gây khó khăn cho Trung Quốc mà làm suy yếu vị thế của Mỹ và của cả Australia. Australia hoạt động hiệu quả nhất khi có Mỹ và Nhật Bản.
Thứ hai nữa là Trung Quốc sẽ có thể kiểm soát đường đi lại của hàng hóa qua Biển Đông. Trung Quốc chưa can thiệp vào tuyến đường này vì thực sự nếu Trung Quốc làm thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhưng Australia và cả những bên không liên quan sẽ bị ảnh hưởng nếu có bất cứ xung đột nào nổ ra tại đây vì nó ảnh hưởng đến đường đi của hang hóa qua đây. Các tàu chở hàng sẽ phải chuyển hướng và đi đường dài hơn để đến đích của mình.
Điều quan trọng nhất là phải giữ Hoa Kỳ tham gia vào khu vực mà không rút lui, và thấy là những cam kết của Hoa Kỳ phải được chứng minh bằng hành động.
Như giáo sư Joseph Nye Harvard, nguyên Thứ trưởng quốc phòng Mỹ nói thì Hoa Kỳ cung cấp khí Oxy cho an ninh. Chúng ta không cảm thấy điều này vì Hoa Kỳ vẫn ở đó và chúng ta vẫn hưởng khí oxy bình thường, nhưng khi họ không còn ở đó thì chúng ta sẽ cảm thấy ngay. Và vì vậy Australia muốn Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp oxy cho an ninh khu vực.

Làm thế nào để giúp Việt Nam, Philippines?

Việt Hà: Xin ông cho biết là Australia có thể làm gì để giúp các nước như Việt Nam và Philippines trong việc đối phó với sức ép từ Trung Quốc?
GS Carl Thayer: Thứ nhất đóng góp của Australia là làm cho Australia mạnh để có khả năng để tự vệ và đóng góp cho các đồng minh và có thể hoạt động cùng Hoa Kỳ, có nghĩa là duy trì vũ khí quốc phòng ở tiêu chuẩn cao. Điều này rất quan trọng với Australia và cả với Nhật bản. Australia có chương trình hợp tác quốc phòng.
Australia không giàu khi so sánh về độ lớn của nền kinh tế với Nhật bản hay Mỹ.  Nhưng Australia đã cung cấp tàu đã qua sử dụng cho Philippines và đó là điều mà Nhật cũng đã làm qua vốn ODA…
Nhưng sự giúp đỡ của Australia lớn ở mặt nhân sự. Kể từ khi quan hệ quốc  phòng bắt đầu vào năm 1999 Australia đã đào tạo hơn 2000 nhân sự quốc phòng cho Việt Nam, nhiều hơn bất kể nước nào trên thế giới trong cùng quãng thời gian như Ấn Độ, Nga là những nước cũng giúp đào tào nhân sự quốc phòng cho Việt Nam.
Australia giúp đào tạo về tiếng Anh cho sĩ quan Việt Nam để họ có thể dự các khóa học ở Australia và các nước khác trên thế giới và hiểu được những gì đang diễn ra trong các đối thoại..… tất nhiên là tàu của Australia cũng ghé thăm Việt Nam, và có những trao đổi ở mức thấp với Việt Nam. Nhưng chúng ta phải đặt mọi thứ trong điều kiện là Việt Nam vẫn chưa tiến hành các cuộc tập trận với bất cứ nước nào.
Với Philippines, Australia cũng gửi một số lượng nhỏ quân đến tập trận cùng Philippines và Mỹ trong năm nay. Cả Australia và Philippine đều ký hiệp ước với Mỹ và mọi người đều không để ý nhưng khi đọc các hiệp ước đồng mình với mỹ thì đoạn quan trọng nói về cam kết của Mỹ thì từng chữ một của hai hiệp ước đều giống nhau.
Cho nên điều mà Australia có thể nói với Philippines là một liên minh thì anh cần phải tự biết giúp mình. Có nghĩa là tự hiện đại hóa, đầu tư tiền vào quân đội của mình vì mục đích phòng vệ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, tức là làm cho chính mình trở nên hữu ích trong mối quan hệ đồng mình thay vì đòi hỏi Mỹ làm toàn những việc nặng.
Việt HàXin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này!

Nỗi mặc cảm và bạo lực tràn lan

VietTuSaiGon — 11/17/2015 - 11:13 
Con người trở nên dữ tợn bởi con người đã quá sợ hãi. Con người trở nên bạo lực và man rợ bởi chưa bao giờ con người trở nên mặc cảm như hiện tại. Chính nỗi mặc cảm và sợ hãi đã làm cho con người không còn nghĩ được gì khác ngoài bạo lực.
Và đáng sợ nhất là chúng ta đang sống trong một đất nước mà nỗi mặc cảm và sự sợ hãi đã chi phối từng tế bào, chi phối từ người dân thấp cổ bé miệng cho đến hệ thống chóp bu chính trị. Và đằng sau sự mặc cảm, nỗi sợ hãi này sẽ là gì?
Để giải quyết câu hỏi trên, thiết nghĩ cũng nên đặt lại câu hỏi: Vì sao người Việt, nhất là giới trẻ trở nên dữ tợn? Vì sao người Việt sống mặc cảm nặng nề? Và vì sao nói rằng hệ thống công quyền Việt Nam là một hệ thống mặc cảm?
Trước tiên, phải nhìn thấy vấn đề tuổi trẻ Việt Nam trở nên dữ tợn là vấn đề có thật. Tuổi trẻ Việt Nam ở đây xin hiểu là đa phần, là xu hướng chung của giới trẻ chứ không phải là toàn bộ tuổi trẻ Việt Nam đều dữ tợn. Nhưng số đông với tính hiếu chiến, sẵn sàng xông vào đánh nhau vì một lý do thậm chí không phải là lý do đang là chuyện khá hot của tuổi trẻ bây giờ.
Và phải nói cho chính xác chuyện này nữa, phần đông, rất đông tuổi trẻ Việt Nam sợ công an. Sợ chứ không phải nể, bởi họ luôn biết rằng đụng phải công an thì nguy cơ chết chóc, nguy hiểm cho tính mạng là thấy trước mắt, chính vì vậy họ sợ phải đụng đến công an.
Và hầu như số đông tuổi trẻ không bao giờ quan tâm đến chính trị, thậm chí không quan  tâm cả nghệ thuật, văn chương. Vấn đề quan tâm lớn nhất của họ là làm sao để có tiền, dể mua chiếc điện thoại xịn, mua chiếc xe xịn, khá nữa thì mua miếng đất để dành. Chỉ có tuổi trẻ mới dám bất chấp luân lý, đạo đức để đứng ra cho vay nặng lãi, làm cò, bảo kê quán xá…
Điều này, dù muốn hay không muốn thì nó vẫn lột tả được cái xã hội mà những người trẻ đang sống. Một xã hội mang đậm bản chất mông muội, không có phương hướng bởi xã hội không tôn trọng pháp luật, không có pháp luật để tôn trọng, mạnh ai nấy lấn, mạnh ai nấy thắng, cá lớn nuốt cá bé.
Gần thì ông hàng xóm đông con uy hiếp bà hàng xóm góa bụa bằng cách này hay cách khác, lấn ông hàng xóm yếu thế hơn mình bằng kiểu này kiểu nọ. Xa hơn một chút thì chính cái kẻ mạnh trong xóm đó lại bị một kẻ khác mạnh hơn uy hiếp.
Những tay bảo kê, cho vay nặng lãi, sa tặc, lâm tặc và các loại tặc khác chỉ uy hiếp được những kẻ yếu để kiếm ăn, bù vào, bọn họ lại bị công an uy hiếp để kiếm ăn trên chính sự liều lĩnh của họ.
Trên một chút, các sếp công an lại uy hiếp đám lính lác, hằng năm cấp dưới phải chung chi, quà cáp cho cấp trên… Thế rồi cấp trên lại chunbg chi, quà cáp cho cấp trên nữa, cứ thế mà chung lên, chung mãi đến chóng mặt.
Bởi chung qui không có một điểm chung để nhìn, không có một hệ thống nguyên tắc chung để tuân thủ. Ví dụ như khi con người biết tôn trọng pháp luật bởi trên đất nước của họ có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, có những qui chuẩn đạo đức đã được luật hóa và có những nguyên tắc hành xử  nhằm giữ những giá định đạo đức thông qua pháp luật…
Co` như vậy thì người ta sẽ không hành xử tùy tiện bởi người ta tin vào đạo đức, pháp luật và căn cứ trên đó để hành xử. Giả sử một người nào đó bị xâm hại bản thân, họ tin rằng pháp luật sẽ mang lại sự công bằng cho họ và họ nhờ đến tòa án, công an, chính quyền, bởi đây là những người mang lại sự công bằng và an ninh cho họ.
Nhưng, ở Việt Nam, nhờ đến chính quyền bất kì việc gì còn khổ hơn nhờ những kẻ ăn vạ. Chuyện bé xé cho to để vòi vĩnh. Chuyện cần gấp nhưng gọi điện thoại báo khẩn từ thứ bảy mà đến thứ hai mới thấy ló mặt đến để phán vài câu không đâu vào đâu. Riêng chủ nhật thì bọn họ đã tính toán để mà ăn phía nào cho dày, đè phía nào cho nặng.
Công an cũng vậy, đụng đến họ thì tốn tiền gấp bội so với thuê giang hồ đến giải quyết, giang hồ giải quyết vừa nhanh, vừa gọn mà lại không mè nheo lâu dài như công an. Ví dụ như có người bị kẻ khác uy hiếp, anh/chị ta chỉ cần nhờ một tay giang hồ đủ máu mặt đến để hoặc là cho kẻ ăn hiếp kia một bài học, hoặc là đe nạt kẻ cậy mạnh hiếp yếu. Gã giang hồ này làm rất nhanh gọn, nói rõ giá tiền trước khi làm hoặc trong trường hợp gấp quá thì gã làm trước tính tiền sau nhưng giá cũng không bao giờ bằng nửa giá phải chung chi cho công an. Đó là sự thật.
Với kiểu sống không có pháp luật, kẻ mạnh hiếp người yếu, quan chức hiếp dân đen đã tồn tại quá lâu trên đất nước này đã đẩy người dân đến chỗ sợ hãi tột cùng và mặc cảm tột cùng. Khi con người rơi vào trạng thái mặc cảm và sợ hãi tột cùng, phản ứng rất tự nhiên sẽ là tự phát huy bản năng cắn xé để tồn tại. Bất kì chuyện gì cũng đều được nói chuyện bằng bạo lực, bởi chỉ có bạo lực mạnh nhất mới tồn tại được trong xã hội đầy rẫy bạo lực.
Và hình ảnh những đứa trẻ bạo lực đường phố, học sinh bạo lực học đường, người lớn bạo lực với bất chấp chung quanh dòm ngó, công an bạo lực với người biểu tình… Mọi thứ đều có nguy cơ biến thành bạo lực và chết chóc… Điều này chỉ cho thấy rằng xã hội Việt Nam đã rơi vào trạng thái mặc cảm đến tận gốc rễ.
Kẻ mặc cảm nặng nề nhất trong xã hội này không phải là người dân thấp cổ bé miệng mà chính là hệ thống chóp bu quyền lực trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu nhìn bề ngoài họ sang trọng, hùng dũng bao nhiêu thì bên trong của họ lại chứa nỗi sợ hãi và mặc cảm từ nhiều phía. Họ thừa mặc cảm bởi tự thấy khả năng cũng như kiến thức của họ đã quá lạc hậu, không đuổi kịp thế giới tiến bộ, đặc biệt là không đuổi kịp tuổi trẻ.
Họ sợ hãi bởi vì xét về căn để, họ không có gì đủ mạnh để lãnh đạo đất nước ngoài sự cố chấp và khư khư những thứ lý thuyết mù mờ mà bản thân họ cũng không đủ tin cậy, khư khư ôm một cái xác chết để thần thánh hóa, để tự ma mị lẫn nhau mà cùng hưởng lộc, chia chác quyền lực. Nhưng họ cũng quá biết là họ không hề có quyền lực thực sự trong lòng nhân dân, quyền lực là do họ tự dựng lên và tự ép nhân dân vào chỗ phải nghe, phải tin, phải sùng bái họ.
Và trên hết là họ vẫn là những con người nhược tiểu so với đàn anh Cộng sản Trung Quốc, họ vừa phải trí trá với phương Tây để tồn tại, lại vừa phải khúm núm với đàn anh Trung Quốc để giữ độc tài, họ chưa bao giờ là một chủ thể độc lập. Chính vì không bao giờ có được độc lập nên họ chưa bao giờ đối xử một cách độc lập cũng như để cho ai đó có được độc lập. Đó là một thứ hiệu ứng dây chuyền trong tâm  lý mặc cảm. Càng mặc cảm, người ta càng đối xử lạnh nhạt, tệ hại và tàn nhẫn với nhau!
Với một đất nước luôn nặng tâm lý nhược tiểu và mặc cảm, từ hệ thống lãnh đạo trung ương xuống địa phương, từ quan chức cho đến thường dân, từ kẻ giang hồ cho đến trí thức đều mang nặng nỗi mặc cảm như vậy thì e rằng khó mà tiến bộ được. Nếu không muốn nói đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ tự hủy hoại lẫn nhau, kẻ ngoại xâm không cần tốn viên đạn nào vẫn có được một lãnh thổ trống trơn, lạnh lùng và chết chóc.
Đây là chuyện chắc chắn phải xảy ra nếu như chế độ Cộng sản độc tài tiếp tục tồn tại và con người tiếp tục quằn quại trong vũng lầy bạo lực, mặc cảm và nhược tiểu như đang thấy!

Cái giá của dân chủ nhân quyền.

Canhco11/16/2015 - 15:29  
Nước Pháp và cả thế giới một lần nữa chấn động bởi bọn khủng bố không biết tanh máu người. Một trăm hai mươi chín thân xác gục xuống dưới những viên AK47 tàn bạo nhắc nhở loài người một sự thật luôn đi kèm với đời sống bất cứ ở nước nào trên thế giới này: không bao giờ có hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại.
Những viên đạn làm cháy lên các viên đạn khác khắp nơi, từ Iraq tới Yemen cho tới Syria hay Afganistan. Chiến dịch săn đuổi khủng bố tổng lực của Pháp và Mỹ không làm cho người ta yên tâm hơn mà trái lại câu hỏi bén như dao vẫn làm cho chính phủ các nước dân chủ mất ăn mất ngủ: liệu chính sách mở cửa cho người tỵ nạn có giúp làm cho bọn khủng bố thêm đất đai để tiếp tục giết hại chính người mở cửa cho chúng tràn vào?
Phương Tây vẫn không ngừng lớn tiếng tranh đấu cho những con người khốn khổ vì chiến tranh, vì bất công đày đọa. Phương Tây không mở cửa sẽ bị chính người dân của họ phản đối và những phản đối ấy kéo theo các phản ứng dây chuyền khác của kẻ chống người bênh. Ngay cả việc nghe lén điện thoại vì lý do an ninh cũng bị phản ứng dữ dội và sinh ra con quái vật Snowden, đẩy sự chống đối việc nghe lén lên tới đỉnh điểm.
Người Pháp có thể đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu vụ bắn giết nữa xảy ra trên đất nước này khi mà sự căm thù của bọn Nhà nước Hồi giáo ngày một tăng cao tỷ lệ thuận với những chuyến không kích vào sào huyệt của chúng.
Chúng ở ngay nước Pháp, dưới chân tháp Eiffel, dưới những trạm xe điện ngầm và ngay cả trong Vương cung thánh đường Notredam de Paris. Người dân Paris nếu được hỏi có nên cô lập tất cả các sắc dân từ các vùng có quân khủng bố đang sinh sống tại Pháp hay không thì chắc chắn câu trả lời sẽ là không. Bởi, bọn chúng không đại diện cho tất cả các sắc dân mang cùng tôn giáo hay quốc tịch với chúng. Nạn nhân của chúng là những tấm lòng đã mở ra gói chúng vào trong và họ không hề tin rằng một hôm nào đó những con rắn cõng kinh Coran trên lưng ngoác rộng miệng ra cắn vào chính người nuôi dưỡng chúng.
Đặc điểm của sự mâu thuẩn này không bao giờ có lời giải đáp toàn vẹn cũng như bất cứ giải pháp nào nhằm chống lại những con người đang tỵ nạn trong lòng nước Pháp đều sẽ làm dấy lên hỗn loạn. Nhân quyền sẽ được mang ra và đấy cũng là cái cớ cho bọn khủng bố tận dụng chống lại hệ thống dân chủ của Tây phương: Nhân quyền bị chà đạp vì nhân danh bảo vệ cho người dân chính quốc, sẽ là câu slogan khiến giới tả khuynh nắm chặt trong tay như bùa, và lá bùa ấy vừa làm cho nước Pháp được vinh danh vừa tưới thêm máu người dân lên dân chủ, nhân quyền vốn là ánh sáng dẫn đường cho dân tộc Pháp.
Nhân quyền càng thắm máu thì giá trị của nó lại càng tăng cao.
Ý thức nhân quyền của công dân trong các nước dân chủ thực sự có vượt qua được cuộc chiến với khủng bố IS hay không cón phải chờ thời gian trả lời. Sự mệt mỏi vì bị tấn công trường kỳ có thể làm biến dạng cách mà các chính phủ tôn trọng nhân quyền nhưng chắc chắn sẽ không vì vậy mà biến thái hay méo mó như những chính phủ độc tài vẫn áp dụng cho người dân của họ. Nhân quyền vẫn sẽ là thước đo cho từng biện pháp đối phó với khủng bố kể cả phải cô lập một cộng đồng, một khuynh hướng cũng phải không được bất cẩn với hai chữ nhân quyền.
Thế giới phương Tây có lúng túng cách nào vẫn có thể đối phó với khủng bố được bởi ý thức của từng người dân và sự tôn trọng sự đóng góp của họ trong tinh thần dân chủ. Lo ngại việc khủng bố trà trộn vào dân chúng, vào các cộng đồng hồi giáo dù có làm cho dân chúng sợ hãi nhưng sẽ không làm cho họ phản ứng như đối với kẻ thù. Lý do là họ đang sống chung với những cộng đồng có cùng lo âu như họ và không ai nỡ mang xiềng xích vây bủa làng xóm mà mình biết chắc là lương thiện như mình.
Chỉ có độc tài mới cho rằng mọi biện pháp đều cần thiết, kể cả việc chà đạp nhân quyền hay dân chủ cũng tốt miễn là đạt được mục đích cuối cùng.
Khủng bố tại các nước cộng sản như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Việt Nam đều mang dạng thức chà đạp nhân quyền để đạt mục đích được rêu rao là giữ gìn an ninh công cộng. Những cái chết âm thầm trong trại giam, những con người bị lôi sềnh sệch tại Tây Tạng, Tân Cương hay Hà Nội đều giống nhau vì họ tranh đấu cho nhân quyền, cho quyền làm người phổ quát mà ai cũng được quyền hưởng. Họ tập trung vì bất cứ lý do gì cũng được xem như chống lại nhà nước và vì vậy nhà nước dùng biện pháp khủng bố lên tinh thần họ để gìn giữ an ninh cho đám đông mà nhà nước cho là cần phải được bảo vệ.
Đám đông mỗi nơi một khác nhưng tại Việt Nam mọi đám đông đều được nhìn như nhau, được định nghĩa là tụ tập với hàm ý xấu và do đó cách đối phó không khác gì nhau.
Anh đi biểu tình chống Trung Quốc hay chỉ là dự định đi biểu tình chống lại công an không công bằng với những luật sư nạn nhân của côn đồ đều giống nhau. Luật Sư Trần Vũ Hải không khác với kỹ sư Trần Bang, một người bị khủng bố bê bết máu trên mặt một người bị khủng bố bê bết vết nhơ giả dối trên hồ sơ hành nghề. Hai cách khủng bố không chết ai ấy nhưng lại có tác dụng như IS trong lòng Paris: làm cho người dân Việt Nam tê cứng trong sợ hãi.
Cái giá của dân chủ nhân quyền không bao giờ là nhỏ và cách ứng xử của người dân mỗi nước vì vậy cũng khác nhau. Pháp thừa hưởng dân chủ nhân quyền đầy đủ và công dân của Xanh Trắng Đỏ sẽ tỉnh táo nhưng không khoan nhượng với IS. Trong khi đó, người dân Việt sẵn lòng im lặng khi bị khủng bố bởi họ  nằm trong chiếc kén kiên cố của những chú nhộng không bao giờ thành bướm, và những con nhộng ấy không hề có cảm giác chiếc kén của mình ngày một nhỏ hơn bởi chính sách đàn áp của chính quyền mỗi ngày một căng phồng ra.

Liệu có sự kiện 911 lần thứ hai?

Cát Linh, phóng viên RFA 2015-11-17  
000_Par8332012
 Một người phụ nữ ngồi trước nến và hoa ở Nice hôm 16/11/2015, tưởng nhớ những nạn nhân vụ khủng bố hôm 13/11/2015.  AFP photo
Khi thế giới chưa kịp quên đi vụ xả súng tấn công trụ sở của tuần báo trào phúng Charlie Hebdo vào ngày 7 tháng 1 năm 2015 ở Paris, Pháp thì vào hôm Thứ Sáu, ngày 13 tuần qua, cả thế giới rúng động trước một loạt vụ khủng bố bắn giết xảy ra tại thủ đô Paris của nước Pháp.
Thủ đô Paris tráng lệ, trái tim của nước Pháp, tình yêu và niềm kiêu hãnh của người Pháp rúng động hoàn toàn sau các tiếng nổ từ hai vụ đánh bom và hàng loạt vụ nổ súng giết người vào chiều Thứ Sáu, ngày 13 tháng 11 năm 2015.
Nước Pháp để quốc tang trong ba ngày.
Cả thế giới cùng hướng về Paris và chia sẻ nỗi đau với toàn dân nước Pháp.
Xen lẫn với sự bàng hoàng và có cả căm phẫn, không ít người đã liên tưởng vụ thảm sát này với sự kiện 911 của nước Mỹ 14 năm trước. Nước Mỹ sau đó đã tăng cường thắt chặt hàng rào an ninh, ngay cả khi kẻ đứng đầu và chủ mưu vụ tấn công 911 là Osama Bin Laden đã bị bắn chết.
Giờ đây, thảm kịch ghê gớm vừa xảy ra ở Paris, sau cuộc nổ súng tấn công trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo vào đầu năm nay, đã chứng minh rằng khủng bố có thể diễn ra ở bất cứ lúc nào và nơi nào trên thế giới. Và hoàn toàn cũng có thể xảy ra lần thứ hai.
Chính từ những điều này, mà những người Việt ở Mỹ, những người quan tâm đến tình hình thế giới đều giật mình nghĩ rằng có hay không có một sự kiện 911 lần thứ hai ở Mỹ?
Những người dân thường: Có thể và không thể
“Có thể xảy ra, nếu mà an ninh của Mỹ không thắt chặt.”
Đó là ý kiến của ông Ray Trần, ở Florida, người từng đi lính cho quân đội Mỹ. Và ông còn nói thêm rằng theo ông, những người gây ra hành động khủng bố ấy không nhất thiết phải là những người di dân từ Trung Đông, mà có thể là những người được đào tạo ngay trong nước Mỹ.
“Bắt đầu có những người trong nước Mỹ, gọi là ‘home grown terrorist’ (thành phần khủng bố được đào tạo bên trong nước), cuồng tín quá nên có thể sẽ xảy ra nữa.”
Có rất nhiều người Việt ở Mỹ những ngày qua dõi theo thảm kịch kinh hoàng của nước Pháp qua những kênh truyền thông quen thuộc như internet, facebook. Họ theo dõi vì họ muốn biết chuyển biến của nước Pháp ra sao sau cái đêm Thứ sáu ngày 13 đó. Và dù không phải là những người cần phải lo về chính trị, hoà bình thế giới, nhưng họ cũng vẫn lo lắng và muốn biết nơi nào trên trái đất sẽ mục tiêu kế tiếp của những vụ khủng bố đó.
Một trong những người ấy là Thành Nguyễn, sống ở Maryland. Do tính chất công việc không cho phép anh có nhiều thời gian xem tivi mỗi ngày, cho nên, những gì biết được, nghe được phần nhiều là từ internet.
“Xem ở trên mạng. Nó nói Pháp xong rồi nó sẽ làm tiếp đến Anh và Mỹ đó mà.”
Thế nhưng, khi hỏi liệu có tin rằng những hành động khủng bố như ở Pháp ấy sẽ thực hiện được một lần nữa ở Mỹ, sau sự kiện 911 hay không, thì người này cho rằng ISIS, (cách gọi nhằm chỉ những người thực hiện các vụ tấn công khủng bố) sẽ không làm được.
“Em nghĩ chắc là không làm được. Vì em nghĩ chưa đủ lực để thực hiện như vụ 911. 911 là đã được lên kế hoạch lâu lắm rồi, và Mỹ không đề phòng. Bây giờ đã đề cao cảnh giác quá rồi nên sẽ hơi khó.”
Cũng từ những thông tin có được trên facebook, Trinie Nguyễn, sinh viên Đại học Northeast Ohio Medical University cho biết cô nghĩ rằng những vụ khủng bố như ở Pháp vừa qua sẽ xảy ra ở những nước khác chứ không phải ở Mỹ.
“Em thấy trên facebook. Thì ai nói cũng được. nhưng em không biết có căn cứ gì không vì không có trên báo chí hay đài gì không.”
Và rất đơn giản, cô nghĩ rằng nước Mỹ sẽ không phải là mục tiêu kế tiếp của ISIS vì nước Mỹ biết cách phòng tránh.
“Mỹ đánh rồi nên chắc không quay lại làm một trận khủng bố nặng nề như vậy. Mình bị rồi thì mình phòng ngừa, mình tránh.”
Ý của cô sinh viên cho rằng nước Mỹ đã hứng chịu một thảm kịch 911 rồi thì sẽ có những biện pháp thắt chặt an ninh, sẽ cẩn thận hơn không để cho thành phần khủng bố có thể thực hiện một lần nữa kế hoạch tấn công của mình.
Vấn đề di dân và tình trạng kỳ thị Hồi giáo
Một ý kiến khác về khả năng của cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ được đưa ra từ ông Nghĩa Bùi, kỹ sư người Mỹ gốc Việt hiện sống ở Texas. Ông nhìn nhận sự việc có phần mang tính chính trị, khi cho rằng cơ hội để ISIS thực hiện một cuộc tấn công thứ hai vào nước Mỹ là rất khó xảy ra.
“Mỗi một nước có một cách phòng vệ an ninh khác nhau, bên trong hệ thống cảnh sát cũng khác nhau. Nói về ISIS từ bên Iraq, Syria qua thì họ thâm nhập vào các nước Âu Châu dễ hơn thâm nhập qua Mỹ. Trừ phi mà làn sóng những người di cư từ Syria mà Mỹ cho vô nhiều mà không thanh lọc cẩn thận thì có thể vô được. Cho nên, nếu chỉ nói riêng về nhóm ISIS thì cái cơ hội xâm nhập vào Mỹ thì sẽ thấp hơn các nước Âu Châu.”
Theo ông Nghĩa, hệ thống an ninh của Mỹ đã nghiêm ngặt hơn rất nhiều từ sau sự kiện 911. Cho nên, nhóm người từ Syria nếu muốn thâm nhập vào Mỹ thì không phải là chuyện dễ dàng.
Nhà báo Đỗ Dzũng, từ California thì cho biết không ai có thể nói rằng sẽ không có một sự kiện 911 thứ hai ở Mỹ. Ông nhấn mạnh đó là “sự kỳ thị sắc tộc Hồi giáo”.
“Có thể chứ. Không phải chỉ từ bây giờ mà từ rất lâu rồi. Lúc nào cũng có thể xảy ra hết. Nhớ lại vụ 911 ngày xưa, chúng ta thấy nó không phải là một quốc gia, mà là nhiều quốc gia. Lúc đó nhiều quốc gia nhưng mà những người hồi giáo, những người theo Osama Bin Laden như Afghanistan, Iran, Iraq, Pakistan …Mỹ cũng khó đánh nhưng cuối cùng Mỹ triệt được đầu não là Osama Bin Laden. Nhưng ISIS này là khác, ISIS này là sự tức giận của người Hồi giáo đối với những chính sách của các nước Tây phương đã làm đối với các nước vùng Ả Rập, vùng Trung Đông.”
Vấn đề gọi là “kỳ thị người Hồi giáo” mà nhà báo Đỗ Dzũng nhắc đến trong phần trên được ông Nghĩa Bùi cho rằng chính là “nguồn gốc của mọi vấn đề”. Và ông nói thêm rằng bên Mỹ khác rất nhiều so với bên Pháp nếu nói về tình trạng kỳ thị người Hồi giáo. Đây cũng là lý do mà ông cho rằng khả năng xảy ra một vụ tấn công nổ súng ở Mỹ như đã xảy ra ở Paris là rất ít.
“Bên Pháp thì cái vấn đề kỳ thị với người Ả Rập cao lắm. Đã từ lâu rồi, ngay Paris, có những quận, khu vực mà toàn là dân Ả Rập thôi. Người Việt mình bên Paris, ai cũng nhắc nhau là đi đâu thì đi chứ đừng đi qua khu đó. Người Tây cũng ghét lắm cho nên họ đẻ ra nhưng luật rất kỳ cục mà không có nước nào khác ở Âu Châu có như cấm mang những áo trùm mặt.”
Chính những điều này mà theo ông Nghĩa, bên trong xã hội Pháp bây giờ, sự xung đột kỳ thị giữa người Pháp và người Ả Rập là rất lớn và thật sự đã có từ lâu đời.
Khi bài viết này gửi đến quí vị thì nguồn tin mới nhất được hãng thông tấn Reuters cho biết những người Hồi giáo lên tiếng rằng thủ đô Washington sẽ là mục tiêu kế tiếp và họ sẽ tấn công vào bất cứ quốc gia nào can thiệp vào những vụ thả bom ở Syria.
Xin mượn lời một đồng nghiệp của tôi trong Đài Á Châu Tự Do để kết thúc chương trình này.
“Khi nghe và đối diện những điều này, mới chợt thấy rằng những giận hờn, ghen ghét ngày thường thật là nhỏ nhoi. Tất cả những gì chúng ta cần trong cuộc sống này, là sự bình yên.”

Ngư dân kể chuyện bị tàu TQ phá lưới

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ 2015-11-17  
anh_2
 Ngư dân Đào Ngọc Đức chỉ những tấm lưới bị phá nát. Photo courtesy of songmoi.vn
Tàu cá ĐNa 90370 TS của ngư dân Đào Ngọc Đức, ngụ tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bị nhiều tàu Trung Quốc phá lưới ngay trong Vịnh Bắc Bộ thuộc Việt Nam.
Sau khi trở về được một ngày, vào chiều ngày 17 tháng 11, anh Đào Ngọc Đức kể lại sự việc với Gia Minh, Đài Á Châu Tự Do.
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Vừa rồi tôi đánh cá ở ngay tọa độ 17.50. 38’ bắc, 107.56’ độ kinh đông. Lúc đó thấy có mấy chiếc tàu Kiểm ngư của Việt Nam, không có tàu bè gì (của Trung Quốc) hết nên mình làm. Không may vào lúc 12 khuya ngày 14 tây, tức mồng 3 âm lịch thì bị. Thấy họ xuống quá, mình không biết làm gì nên đi đuổi. Đuổi hết hai chiếc này thì đến hai chiếc khác. Họ nhiều quá: đôi ba trăm chiếc và loạt tàu như nhau, không khác gì hết.
Gia Minh: Tàu của họ có số hiệu không?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Có số hiệu nhưng lúc đó mình không quan sát được. Mình lo giàn lưới của mình để làm nghề vì nhiều tiền quá. Mình hoảng quá chạy đuồi họ thì có hai chiếc khác đi vào. Họ vô và ‘mang, mắc’ lưới của mình. Có 4 chiếc kiểm ngư của Việt Nam.
Gia Minh: Bốn chiếc kiểm ngư của Việt Nam có giúp được gì không?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Kiểm ngư Việt Nam chẳng giúp gì được. Tàu kiểm ngư của mình nhỏ quá. Tàu của họ là loại ngày trước làm một loạt để chạy qua Phi; còn tàu của mình nhỏ chỉ chạy theo thôi chứ không làm được gì cả.
Gia Minh: Tàu của anh chỉ một mình hay có tàu bạn nữa?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Có, 5 anh em đi năm chiếc nhưng không làm được gì họ hết. Tàu giã của họ đi cặp đôi. Họ cả hằng trăm chiếc mà mình chỉ có 4 chiếc thì làm gì.
Gia Minh: Giàn lưới của anh thế nào, bị phá ra làm sao?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Giã cào của họ đi qua và cáp làm đứt, rồi lôi đi đứt hết. Tôi đưa xuống 240 tấm mà giờ chỉ còn một trăm mấy chục tấm thôi.
Gia Minh: Khi họ chạy ngang phá như thế có loa báo gì không?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Không, chỉ có Việt Nam loa báo họ nhưng họ không đi; cứ làm lì luôn, đâu làm gì được!
Gia Minh: Theo tọa độ đó là vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Vùng biển của Việt Nam. Ban ngày mình đuổi thì họ đi ra, còn ban đêm họ canh 12, 1, 2 giờ là vô. Ban ngày có cảnh sát Việt Nam canh gác đuổi thì họ đi ra.
Gia Minh: Sau khi bị phá lưới có báo cho kiểm ngư thế nào và đi về ra sao?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Mình biết số tàu Kiểm ngư thôi; chứ lúc đó hoảng quá không biết gì, lo đi về. Nếu biết mà lấy điện thoại ra quay rồi đem về thì có bằng chứng. Nói chung về có lấy số của tàu Kiểm ngư Việt Nam làm bằng chứng cũng đỡ.
Mà về báo cho Biên Phòng họ cũng nói này nói nọ nên cũng mệt mỏi. (Tôi) cũng nhờ chính quyền, anh em nhà báo… họ nói lên để được ( giúp) đồng nào mà làm lưới thêm để đi lại, chứ giờ chẳng biết đường nào!
Gia Minh: Tính tổng thiệt hại thế nào?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Tổng thiệt hại hết 300 triệu. Đợt đầu năm 2014 tôi cũng bị một đợt 120 tấm rồi, trị giá 7 triệu một tấm. Rồi vay mượn làm lại, nay bị thêm lần nữa. Đợt năm 2014 cũng làm đơn mà cũng không nghe Nhà nước nói chi cả. Đợt nay lại bị Trung Quốc cũng lên báo cho Biên Phòng, và nhà báo nhưng không biết có làm được không! Giờ tàu đậu ở nhà, chứ lưới chải, tiền bạc đâu nữa để sắm mà đi làm.
Gia Minh: Đợt này đã đánh bắt được gì chưa?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Dự trù đi 15 ngày mà mới có 5 ngày, còn mấy ngày chạy rồi.
Gia Minh: Trong 5 ngày đánh bắt được gì?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Được mấy tạ, về lỗ phí tổn!
Gia Minh: Tàu của anh đánh bắt loại hải sản gì?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Cá thu, cá ngừ đại dương.
Gia Minh: Tại sao không đi xuống phía dưới mà đi lên Vịnh Bắc Bộ?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Tùy theo mùa. Ăn tết xong thì đi xuống, mùa khác đi ra Hoàng Sa, còn mùa này thì lên Vịnh Bắc Bộ.
Gia Minh: Anh làm nghề biển được bao lâu rồi?
Ngư dân Đào Ngọc Đức: Được ba mươi mấy năm rồi; từ lớp sáu nghỉ học là đi làm nghề biển. Tôi từng ra Hoàng Sa, Trường Sa, đảo nào cũng lội tới. Nhưng từ xưa đến giờ chưa thấy đợt tàu nào như đợt này.
Hồi xưa đi câu mực 6-7 tháng là đi khơi, và đi qua Phi, ở Hoàng Sa, Trường Sa, qua Mã lai…Nhưng thấy đi lâu nên sang nghề này 15-17 ngày là về nhà thôi. Bắt đầu nghề này từ năm 2013 và sang đầu năm 2014 là bị. Làm nghề này vốn cao nhưng đi làm cũng không ra chi rồi bị hoạn nạn.
Vùng tôi ở thì xưa nay không ai làm nghề này, tôi làm đầu tiên rồi mấy người nữa bắt chước làm. Trong Phú Yên họ đi câu cá ngừ đại dương, còn ở đây thà lưới, nhưng lâu lâu mới có một con ( cá ngừ đại dương), chủ yếu cá thu, cá ngừ nhỏ loại 5,7-10 ký đó.
Gia Minh: Trước hết xin chia buồn và chào anh.

Hàng trăm công nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai

(NLĐO)- Hàng trăm công nhân cả nam và nữ của một công ty chuyên sản xuất, buôn bán giày da trên địa bàn TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã phải nhập viện vì bị ngộ độc thực phẩm chiều 17-11.
Khoảng 18 giờ, hơn 100 công nhân của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất Chánh Ích (đóng tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) đã được chở ồ ạt đến bệnh viện KCN Long Bình Tân. Ngay sau đó, các công nhân được chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để cấp cứu.
Hơn 100 công nhân phải nhập viện, gần 70 người phải tiếp tục ở lại chăm sóc sứ khỏe
Hơn 100 công nhân phải nhập viện, gần 70 người phải tiếp tục ở lại chăm sóc sức khỏe
Theo thông tin ban đầu, đến 21 giờ, trong số hơn 100 công nhân, có 67 người vẫn đang trong tình trạng ảnh hưởng nặng về sức khỏe phải ở lại bệnh viện để điều trị, số còn lại khỏe hơn đã được về nhà.
Các công nhân cho biết, vào cuối buổi chiều, sau khi ăn cơm chiều tại công ty (trong đó có món trứng hấp, canh rau má) để chuẩn bị vào ca, gần 200 công nhân của một dây chuyền tại công ty đã đồng loạt bị đau bụng, chóng mặt, buồn nôn và nhiều người đã ngất xỉu.
Công nhân ào ạt vào nhập viện
Công nhân ào ạt vào nhập viện
“Thức ăn do công ty tự nấu, có dấu hiệu đã bị thiu, một số công nhân đã đi phản ánh lên lãnh đạo còn đa số vẫn ăn để chuẩn bị vào làm thì bị đau bụng, chóng mặt, buồn nôn”, một số công nhân cho biết.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, bước đầu xác định nguyên nhân công nhân đau bụng, buồn nôn, ngất xỉu là do ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai cũng đã lấy mẫu thức ăn đưa đi phân tích, xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Các bác sĩ cho biết bước đầu xác định các công nhân đã bị ngộ độc thực phẩm
Các bác sĩ cho biết bước đầu xác định các công nhân đã bị ngộ độc thực phẩm
Một quản lý của công ty có mặt tại bệnh viện cho biết, ngay khi xảy ra sự việc công ty lập tức huy động xe và nhờ sự hỗ trợ của các bên để lo an toàn sức khỏe cho công nhân.
Công ty Chánh Ích có hơn 500 công nhân, vốn đầu tư từ Đài Loan.
17/11/2015 23:28
Tin-ảnh: X.Hoàng

Thi công kiểu…nham nhở

Theo NLĐO-17/11/2015 22:28

Thi công nhưng không có giấy phép, không tái lập mặt bằng hoặc tái lập không đúng quy định… đang xảy ra tại nhiều công trình giao thông ở TP HCM

Qua ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều tuyến đường ở TP HCM bị đào xới vô tội vạ nhưng việc tái lập
mặt bằng lại thực hiện cẩu thả, khiến mặt đường lồi lõm. Thậm chí, nhiều trường hợp còn sai phạm nghiêm trọng khi thi công trong phạm vi đất dành cho người đi bộ nhưng lại không có giấy phép.
Tái lập cho có
Đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) được đào lên để thi công hệ thống chiếu sáng công cộng, công trình do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi thi công xong, đơn vị này không tái lập mặt bằng theo đúng hiện trạng ban đầu khiến mặt đường bị lồi lõm, xuất hiện nhiều vết rãnh kéo dài.
Ngày 17-11, chúng tôi có mặt tại giao lộ Nguyễn Kiệm - hẻm 729 (phường 3, quận Gò Vấp), chứng kiến mặt đường bị hằn sâu, chạy dọc theo vị trí thi công trước đó hàng chục mét khiến xe máy dễ bị trượt bánh khi lưu thông. Gần đó là nhiều nắp hố ga nhô cao hơn mặt đường khoảng 5 cm, gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Đơn vị thi công tái lập mặt bằng đường Nguyễn Khoái (quận 4, TP HCM) rất cẩu thả Ảnh: Sỹ Đông
Đơn vị thi công tái lập mặt bằng đường Nguyễn Khoái (quận 4, TP HCM) rất cẩu thả Ảnh: Sỹ Đông
Hơn một tháng qua, đường Nguyễn Khoái (quận 4) bị đào lên để lắp đặt cống thoát nước ngầm nhưng sau khi làm xong, đơn vị thi công tái lập mặt bằng một cách cẩu thả, không đúng hiện trạng ban đầu. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt đường được đơn vị tái lập bằng bê-tông nhựa mỏng nên lún xuống, tạo thành các rãnh sâu. Người đi xe máy qua những vị trí này tay lái thường loạng choạng, dễ bị lạc sang một bên.
“Tuyến đường này mới làm mà bị cày xới lên hết lần này tới lần khác. Các công trình không đồng bộ nên bị đào lên rồi lấp xuống, trông rất phản cảm” - ông Nguyễn Văn Khoa (ngụ đường Nguyễn Khoái) ngán ngẩm. Cách đó không xa, đường Đoàn Văn Bơ (phường 14, quận 4) cũng bị đào lên nhưng tái lập mặt bằng ẩu khiến các phui đào bị lún xuống, nước đọng lại lâu ngày bốc mùi hôi thối.
Cùng chung cảnh ngộ, đơn vị thi công tại các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Lê Thánh Tôn (quận 1) để lắp đặt cáp điện thuộc công trình “Ngầm hóa lưới điện trung hạ thế trên các tuyến đường xung quanh Công viên 23-9”; đường Hoàng Văn Thụ và Phan Đình Phùng (đoạn gần ngã tư Phú Nhuận, quận Phú Nhuận) cũng tái lập mặt bằng không đúng hiện trạng trước khi thi công.
Nhiều vi phạm
Đại diện Đội Thanh tra giao thông (TTGT) số 3, thuộc Thanh tra Sở GTVT TP HCM cho biết từ ngày 1 đến 15-11 đã lập biên bản xử lý hành chính 24 doanh nghiệp, xử phạt 108 triệu đồng vì các lỗi liên quan đến thi công, san lấp mặt bằng sau khi thi công.
Cụ thể, ngày 4-11, sau khi kiểm tra tại địa chỉ từ 61-63, khu vực Bình Quới, quận Bình Thạnh, TTGT đã phát hiện Công ty Cổ phần 479 Chi nhánh TP thi công trong phạm vi đất dành cho đường bộ nhưng không có giấy phép. Đội TTGT số 3 đã lập biên bản xử phạt hành chính công ty này 8 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 5-11, Đội TTGT số 3 lập biên bản xử phạt hành chính Công ty Tư vấn xây dựng điện Thiên Ân vì không hoàn trả mặt bằng theo nguyên trạng sau khi thi công xong đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận).
Ngoài ra, Đội TTGT số 3 cũng đã xử phạt Công ty CP Cấp nước Gia Định 4 lần với số tiền 16 triệu đồng; đình chỉ thi công một số công trình ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường xung quanh Công viên 23-9, đường Phạm Ngọc Thạch và công trình nâng cấp, mở rộng cầu Kinh Thanh Đa; xử phạt Công ty TNHH Hoàng Nguyên do không tái lập mặt bằng theo nguyên trạng khi thi công công trình duy tu hệ thống chiếu sáng công cộng đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận).
“Chúng tôi đã đề nghị các chủ đầu tư và nhà thầu, đơn vị thi công bảo đảm vệ sinh môi trường quanh khu vực thi công, tái lập các phui đào theo nguyên trạng, gia cố rào chắn công trình…” - đại diện Đội TTGT số 3 nói.
Theo Sở GTVT TP HCM, các đơn vị thi công thường vi phạm những lỗi sau: Không hoàn trả mặt bằng theo nguyên trạng; không treo biển báo thông tin công trình hoặc có nhưng không đầy đủ; không thu dọn rào chắn, phương tiện, vật tư… gây ảnh hưởng đến giao thông.

Phạt vi phạm hơn 5,3 tỉ đồng
Ông Đàm Phan Phát - Đội trưởng Đội TTGT số 1, Thanh tra Sở GTVT TP HCM - cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị đã kiểm tra và xử phạt 751 vụ sai phạm trong thi công (có những đơn vị vi phạm nhiều lần) với tổng số tiền hơn 5,3 tỉ đồng. Trong đó, xử phạt bổ sung và đình chỉ thi công có thời hạn 123 trường hợp.

GIA MINH - THÀNH ĐỒNG - SỸ ĐÔNG

Việt Nam: ‘Người tham nhũng xử lý người chống’

Theo BBC-17 tháng 11 2015 

Image copyrightOther
Image captionDân biểu Nghĩa nói "Cử tri rất cần những cam kết có thể kiểm chứng và xử lý được trách nhiệm về sau" đối với tham nhũng.
Một đại biểu Quốc hội nói tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã đề ra và đề nghị Thủ tướng cho biết những cam kết và giải pháp của chính phủ.
Trong phần chất vấn dành cho Thủ tướng tại phiên sáng ngày 17/11 tại Quốc hội, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa từ Tp HCM đề nghị Thủ tướng Dũng "giải thích thêm cho cử tri về việc này".
“Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã đề ra. Tham nhũng ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối luật pháp và khi đó người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại.
“Cử tri rất cần những cam kết có thể kiểm chứng và xử lý được trách nhiệm về sau,” ông Nghĩa nói.
Tại phiên chất vấn này Luật sư Nghĩa cũng cảnh báo điều ông gọi là “Nền kinh tế Việt Nam có xu hướng phụ thuộc sâu vào nền kinh tế Trung Quốc, ở hầu hết các lĩnh vực và đe dọa chủ quyền kinh tế của đất nước”.
“Ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới, Trung Quốc nổi tiếng mang đồng tiền đi trước chi phối về chính trị. Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc ít nhất cho trong thời điểm này, " ông Nghĩa nói.
Lý do, theo ông Nghĩa là vì "Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa tiếp tục chiếm nhiều hơn."
“Nếu nhận viện trợ vay ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì liệu sau này kiện đòi lãnh thổ được không?
Image copyrightReuters Kham
Image captionDân biểu Nghĩa mô tả Trung Quốc nổi tiếng mang đồng tiền đi trước chi phối về chính trị.
“Nếu trưng cầu ý dân tôi nghĩ đa số dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ và vay tiền Trung Quốc,và cũng bởi còn nhiều nguồn khác để vay,” dân biểu từ Tp HCM đề nghị.
Trong phần đặt câu hỏi, dân biểu Nghĩa nói ông nhân đây chất vấn Bộ Công thương, Thanh tra Nhà nước và Kiểm toán của Chính phủ về thực trạng "thất thoát và lãng phí" của nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ và một số nhà máy khác mà báo chí đã đăng.
“Tôi xin nói là những lãng phí và thất thoát vài ba nhà máy như thế này đã hơn một tỉ đôla rồi.
“Vậy mà chúng ta lại cố gắng đi vay 3 tỉ đôla mà trong khi luật chúng ta chưa cho phép.
“Nhà máy gang tháp Thái Nguyên làm 10 năm chưa xong, mỗi tháng mất 20-30 tỉ đồng tiền lãi thì có nghĩa là chẳng những nó chôn ở đấy mà nó tiếp tục mất. Vậy chúng tôi đề nghị các bộ trưởng cho biết giải pháp gấp chứ không thể để thiệt hại thêm,” dân biểu Nghĩa phát biểu.

Cựu cán bộ an ninh bị tù vì Facebook

Theo BBC-9 giờ trước 

Image copyrightAFP
Image captionSau khi đăng tải thông cáo "Tối mật" trên Facebook, cán bộ an ninh bị phạt tù
Cựu cán bộ an ninh Phạm Thanh Trung bị tòa án TPHCM phạt ba năm tù vì tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" vì đăng văn bản "Tối mật" lên Facebook - Báo Người Lao Động tường thuật phiên tòa ngày 17/11 cho biết.
Trang tin Vnexpress trong nước dẫn lại nội dung cáo trạng nói khi được giao photo nội dung thông báo về bảo vệ an ninh cho diễu binh kỷ niệm ngày 30/4, ông Trung đã photo thêm và giữ lại một bản.
Một Facebook có tên "An Pham" được cho là tài khoản mạng xã hội của cán bộ an ninh này, đã gửi nội dung văn bản "vào hai tài khoản trên facebook Việt Tân" - Vnexpress tường thuật.
Vietnamnet nói hai tài khoản nhận "Thông báo số 05" có tính chất "Tối mật" này là "facebook Việt Tân và Hoàng Lương Lưu"
Ông Phạm Thanh Trung tốt nghiệp trường Trung học An ninh nhân dân 2, công tác tại Đội tham mưu – Công an quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Trung được Vnexpress dẫn lời giải thích là do bức xúc cá nhân với Ban chỉ huy đội Tham mưu nên mới có hành vi "bột phát", "tức thời".

Tham nhũng, ma tuý đông gấp bội ‘đối lập’?

Theo BBC-3 giờ trước 

Image copyrightHOANG DINH NAM AFP Getty Images
Image captionHình chụp Tướng Trần Đại Quang khi phát biểu trong cuộc họp cấp bộ trưởng hợp tác phòng chống ma túy tại tiểu vùng Sông Mekong, tổ chức tại Hà Nội hồi 5/2015
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết trong hơn ba năm qua, Bộ này đã “bắt xử lý’ gần 300.000 người trong diện đối tượng hình sự, 45 nghìn tội phạm kinh tế, gần 2.000 tham nhũng nhưng chỉ xác định có 350 đối tượng ‘lập hội chống đối’.
Các báo Việt Nam hôm 16/11 đã trích hàng loạt con số tổng kết hoạt động của Bộ Công an do Đại tướng Quang trình bày trả lời việc thực hiện nghị quyết Quốc hội trong giai đoạn từ tháng 6/2012 đến nay.
Trong thời gian đó, Bộ Công an Việt Nam đã giải quyết
“150.000 vụ án hình sự, bắt xử lý gần 290.000 đối tượng,”
“46.170 vụ tội phạm kinh tế, 45.000 đối tượng, trong đó có 1.145 vụ với 1.930 đối tượng tham nhũng,”
“43.000 vụ ma tuý, thu giữ gần 3 tấn heroin, hơn 1 tấn ma túy tổng hợp...”
Riêng con số người lập hội nhóm “chống đối nhân danh dân chủ nhân quyền” mà Tướng Quang nêu ra chỉ có:
“60 hội, nhóm với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành.”
Nhưng dù con số chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số tham nhũng, tội phạm hình sự, ma tuý, báo chí Việt Nam lại nhấn mạnh đến góc độ an ninh chính trị của các hội đoàn này mà không nêu tên họ là ai.
VietnamNet viết:
“Trước tình hình trên, Bộ Công an đã tập trung lực lượng, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.”
Bài báo cũng khen ngợi Bộ Công an “ngăn chặn kịp thời hoạt động của số đối tượng chống đối trong nước kích động, lôi kéo quần chúng tụ tập tuần hành, biểu tình chống Đảng”.