Monday, November 27, 2017

Đưa tin về thảm họa Formosa, Nguyễn Văn Hóa bị CSVN bí mật kết án 7 năm tù

Đưa tin về thảm họa Formosa, Nguyễn Văn Hóa bị CSVN bí mật kết án 7 năm tù
TNLT Nguyễn Văn Hóa tại Tòa án Hà Tĩnh. (Ảnh: VietnamNet)
Sáng 27.11.2017, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa đã bị tòa án Hà Tĩnh kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế trong một phiên tòa bí mật không có luật sư bào chữa theo khoản 1 điều 88 bộ luật hình sự “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995, quê xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Quê anh là một trong những bốn tỉnh miền Trung đã chịu hậu quả trực tiếp và nặng nề nhất do thảm họa môi trường do Formosa xả độc ra biển.
Hóa dấn thân mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền thông để cho cả thế giới biết đến những cuộc biểu tình đòi công lý của nạn nhân Formosa qua những hình ảnh được anh ghi lại với flycam.
Anh Hóa bị an ninh cộng sản bắt cóc ngày 11/1/2017 khi đang đi trên đường. Anh bị công an vu cáo Hóa tàng trữ ma túy trong người rồi bắt anh. Tuy nhiên, mãi đến 12 ngày sau khi bắt Nguyễn Văn Hóa, công an Hà Tĩnh mới thông báo cho gia đình anh biết.
Trước tòa án hôm nay, Hóa bị quy tội vì những lý do liên quan đến thảm họa Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Tờ VietnamNet tưởng thuật lại như sau: “Từ năm 2013, Nguyễn Văn Hóa đã lập trang Facebook “Nguyễn Văn Hóa (Maria Luygonjaga) để chia sẻ, phát tán các bài viết, video, hình ảnh có nội dung kích động, xuyên tạc sự thật, tuyên truyền các luận điệu phản động, trái với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mục đích nhằm kích động người dân tụ tập biểu tình sau sự cố môi trường biển và tình hình lũ lụt trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Còn Báo Hà Tĩnh viết rằng: “Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển và lũ lụt trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Nguyễn Văn Hóa đã trực tiếp bố trí, dàn xếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn và đăng tải lên mạng xã hội”.
7 năm tù và 3 năm quản chế vì đưa tin về thảm họa Formosa và hậu quả đem lại cho người dân, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam càng chứng tỏ họ là đồng lõa của Formosa và là kẻ thù của người dân Việt Nam.
Tâm Ngọc / SBTN

2 công an bị bắt giam trong vụ người dân chết trong đồn công an ở Phan Rang – Tháp Chàm

2 công an bị bắt giam trong vụ người dân chết trong đồn công an ở Phan Rang – Tháp Chàm
Công an tỉnh Ninh Thuận hôm Thứ Sáu cho biết cơ quan điều tra viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố bị can và bắt tạm giam hai công an viên của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là Hồ Bá Đồng và Ngô Văn Sáng về tội dùng nhục hình.
Ngoài ra còn có ba công an viên khác cũng bị khởi tố với tội danh tương tự nhưng cho tại ngoại, là Nguyễn Phạm Việt Hà, Trần Đức Lâm và Vũ Trọng Cường. Các công an viên này đã bị cách hết mọi chức vụ và cấp bậc vì liên quan đến cái chết của anh Võ Tấn Minh, 26 tuổi, tại nhà tạm giam của công an thành phố Phan Rang – Tháp Chàm vào ngày 8 tháng 9.
Theo truyền thông trong nước, anh Minh bị công an tỉnh Ninh Thuận bắt giữ hồi cuối tháng 4 do nghi ngờ vận chuyển heroin.
Vào ngày vừa kể, anh Minh được di lý về công an Phan Rang – Tháp Chàm. Ngay trong buổi chiều hôm đó, anh Minh được tìm thấy tử vong trong nhà tạm giam. Công an Phan Rang – Tháp Chàm nói trong nhà tạm giam của họ đã xảy ra một vụ đánh nhau, và anh Võ Tấn Minh bị đánh trọng thương đến chết. Nhưng gia đình nghi ngờ anh Minh đã bị tra tấn, vì thi thể có nhiều vết bầm cho thấy rõ nạn nhân đã bị trói.
Trước vụ này hai tháng, vào ngày 6 tháng 7, tại nhà tạm giam của công an Phan Rang – Tháp Chàm cũng đã xảy ra vụ người dân chết mờ ám. Nạn nhân, anh Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, được cho là dùng áo dài tay “tự thắt cổ”.
    Nạn nhân Võ Tấn Minh (Ảnh: RFA)
Huy Lam/SBTN

Khí thải của Formosa vượt chuẩn trong khi vận hành thử nghiệm

Khí thải của Formosa vượt chuẩn trong khi vận hành thử nghiệm
Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường Cộng Sản Việt Nam vào chiều Thứ Bảy thông báo, một số chỉ số khí thải của nhà máy thép Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh vượt chuẩn nhiều lần trong cuộc vận hành thử nghiệm.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật, thông cáo chính thức của Bộ Tài Nguyên nói rằng các thông số khí thải cao hơn so với quy chuẩn của Việt Nam “ở một số thời điểm”. Bộ này xác định vẫn đang giám sát chặt chẽ và thường xuyên việc phát thải của Formosa trong giai đoạn nhà máy này vận hành thử nghiệm.
Theo thông cáo từ Bộ Tài Nguyên, thông số SO2 và NOx trong khí thải của xưởng thiêu kết Formosa đã vài lần đo được cao hơn so với quy chuẩn. Tổ giám sát của bộ đã nhắc lại cam kết của Formosa đầu tư trên 100 triệu Mỹ kim để lắp đặt thiết bị khử SO2 và NOx của xưởng thiêu kết. Tuy nhiên, việc lắp đặt được dự trù đến tháng 6 năm 2019 mới hoàn tất.
Trong thời gian chưa có các thiết bị này, giới chức Bộ Tài Nguyên nói Formosa phải kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, bảo đảm sử dụng nguyên liệu và nhiên liệu sạch để không xả thải chất ô nhiễm ra môi trường. Bộ này cũng đồng thời phủ nhận việc xây dựng quy chuẩn quốc gia mới chỉ để hợp thức hóa cho Formosa.
Nhà máy thép của tập đoàn Đài Loan Formosa ở khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, vào tháng 6 năm 2016 đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển, khiến hải sản chết hàng loạt dọc theo nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam. Những hậu quả của thảm họa này vẫn còn kéo dài đến nay.
Huy Lam/SBTN

Bị đuổi việc liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Hồ Ngọc Thắng kiện cơ quan di trú và tị nạn Đức

Bị đuổi việc liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Hồ Ngọc Thắng kiện cơ quan di trú và tị nạn Đức
Một Việt kiều Đức thân cộng, người từng viết bài trên báo Nhân Dân trong nước cố vấn cho nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam rằng chính phủ Đức rồi sẽ quên lãng vụ Trịnh Xuân Thanh, đang đâm đơn kiện Cơ Quan Di Trú Và Tị Nạn Đức BAMF sau khi bị cơ quan này sa thải hồi cuối tháng 8.
Theo tờ Thờibáo.de của người Việt ở Đức, ông Hồ Ngọc Thắng đã kiện BAMF ra Tòa Án Lao Động Geraer. Ông Thắng không phải là một giới chức của BAMF mà chỉ là một nhân viên bình thường. Theo tờ Thờibáo.de, sau 26 năm làm việc tại đây, mức lương tháng của ông vào khoảng vài ngàn euro. Nay đột nhiên ông không còn nhận được đồng lương nào và đang đi tìm việc như khoảng 2.5 triệu người Đức thất nghiệp.
Trước khi BAMF sa thải ông Hồ Ngọc Thắng, báo chí Đức nêu nghi vấn ông này có thể đã lợi dụng vị trí của mình tại cơ quan di trú và tị nạn để đưa ra những “chỉ dẫn” giúp nhóm mật vụ Cộng Sản Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi tháng 7. Đài phát thanh Làn Sóng Đức hồi tháng 8 còn mô tả ông Thắng là một người “ban ngày thì làm việc trong cơ quan Đức, ban đêm thì hoạt động phục vụ cho Đảng Cộng Sản Việt Nam”.
Ngay sau khi xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Thắng có bài viết mang tựa đề “Quan hệ ngoại giao Đức-Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh?” Trong đó ông bác bỏ vụ bắt cóc, nhưng lại “trấn an” nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam là mọi chuyện rắc rối ở Đức sẽ “chìm trong sự lãng quên”.
Ông Hồ Ngọc Thắng còn là tác giả của bài viết mang tựa đề “Nền dân chủ phương Tây và sự khủng hoảng niềm tin” đăng trên báo Nhân Dân năm 2015. Vì bài viết này, ban biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Việt Nam, đã trao cho ông Hồ Ngọc Thắng một tấm bằng chứng nhận bài viết đoạt “Giải A”.
Hiện nay trên mạng đang lan truyền một ảnh chụp tấm bằng khen được lộng kiếng được cho là treo trong nhà ông Hồ Ngọc Thắng.
Ảnh: Thờibáo.de
Huy Lam/SBTN

Dân Sài Gòn phẫn nộ vây trường mẫu giáo bạo hành trẻ em

Phụ huynh phẫn nộ bao vây cổng trường mẫu giáo Mầm Xanh.( Hình:Báo Bưu Điện Việt Nam)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Từ phản ảnh của người dân, tình trạng các bảo mẫu đày đọa dã man các trẻ mầm non tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở phường Hiệp Thành, quận 12, đã bị phanh phui.
Chiều 26 Tháng Mười Một, hàng trăm người dân và những người có con em đang gửi học ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở phường Hiệp Thành, quận 12, đã vây kín trước cổng trường giận dữ đòi “ xử lý” chủ cơ sở và các bảo mẫu đã hành hạ trẻ em.
Cùng lúc, công an quận 12 cùng đơn vị chức năng địa phương đã đến cơ sở mẫu giáo tư thục Mầm Xanh, phường Hiệp Thành, để làm việc về việc bạo hành trẻ em của chủ cơ sở và các bảo mẫu sau khi báo chí phản ánh.
Bước đầu, công an mời bà Phạm Thị Mỹ Linh (40 tuổi), quê Lâm Đồng, chủ cơ sở và hai “bảo mẫu” là bà Quỳnh và bà Đào (đều hơn 20 tuổi) về trụ sở phường Hiệp Thành làm việc. Chính quyền địa phương cũng đã dán trước cổng bảng thông báo đình chỉ hoạt động cơ sở giữ trẻ này, đề nghị phụ huynh sắp xếp gửi trẻ ở những nơi khác. Báo Infonet loan tin.
Theo video clip của Báo Tuổi Trẻ, sự việc xảy ra tại cơ sở giữ trẻ Mầm Xanh. Tại đây có từ 30-40 cháu dược gửi học, với chi phí gửi trẻ là 1.25 triệu đồng/tháng/em. Đa phần những người gửi con tại đây là công nhân sống quanh khu vực.
Bảo mẫu cầm dao “đét” một cái vào đầu bé trai trong bữa ăn. (Hình: Báo Tuổi Trẻ cắt từ clip)
Trong đoạn video được ghi lại, các cháu bé tại đây nhiều lần bị những “cô giáo” dùng đủ các thứ như dép, cây, vá múc canh, muỗng, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà… đánh đập vào đầu, vả vào mặt hay đấm vào lưng, thậm chí họ còn dùng dao to bản lên hăm dọa,”đét” vào đầu… mặc cho các cháu khóc thét vì đau đớn, sợ hãi.
Để lừa các phụ huynh là mình chăm sóc các cháu chu đáo, bảo mẫu Quỳnh cho biết, quần áo mang theo hằng ngày của các bé dù sạch nhưng cũng được xả ướt để phụ huynh nghĩ rằng các cô đã thay quần áo, che giấu việc các bé phải ngồi bô mỗi ngày.
Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, phó chủ tịch quận 12 cho biết, cơ sở này được cấp phép hoạt động, đến nay phường Hiệp Thành chưa nhận được phản ảnh của người dân về sự việc nêu trên. (Tr.N)

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam tồi tệ ‘đẳng cấp thế giới’

Người đi xe gắn máy ở Hà Nội phải bịt mũi khi di chuyển trên đường phố để tránh khói, bụi ở khu vực Ngã Tư Sở. Hà Nội được coi là một trong những thành phố có không khí ô nhiễm nhất Đông Nam Á. (Hình: Linh Pham/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Không chỉ có không khí ô nhiễm hàng đầu khu vực Đông Nam Á, các thành phố lớn của Việt Nam đang tiến dần đến mức tồi tệ như Bắc Kinh, tức ô nhiễm “đẳng cấp thế giới.”
Tờ Thanh Niên hôm Chủ Nhật 26 Tháng Mười Một, 2017 dẫn thuật một tài liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nói tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội trong những năm gần đây liên tục tăng mức tồi tệ.
Các số liệu nghiên cứu, phân tích thường được sử dụng từ nguồn quan trắc của đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam. Với những gì được ghi nhận, người ta thấy “Hà Nội đang đứng trước nguy cơ lọt vào nhóm các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, ngang với Bắc Kinh bên Trung Quốc.”
Tờ Thanh Niên căn cứ vào nội dung của bức thư Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mới gửi cho nhân viên của mình ở Hà Nội. Bức thư cảnh báo: “Hiện tại, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Tình trạng chất lượng không khí ở Hà Nội hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới; thậm chí có khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới như Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ulaanbaatar (Mông Cổ).”
Từ năm 2016, những số liệu quan trắc này từ trạm quan trắc môi trường tại trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội được Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) theo dõi và phân tích.
Kết quả phân tích cho thấy: “Trong quý 1, 2017, tại Hà Nội có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5, loại bụi trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet nên dễ xâm nhập vào túi phổi) cao hơn so với mức 50 µg/m3 – Quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Còn nếu so với mức 25 µg/m3 theo khuyến cáo của WHO, thì số ngày không khí Hà Nội vượt chuẩn đến 78/90 ngày. Đáng chú ý, có ngày trong giai đoạn này nồng độ PM2.5 vượt chuẩn WHO đến 10 lần.”
Không chỉ Hà Nội là ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thành phố Sài Gòn “đang có nguy cơ gia tăng ô nhiễm không khí. Trong quý 1, 2017, có 6 ngày vượt quy chuẩn quốc gia, tương ứng 78 ngày vượt chuẩn WHO; Mức AQI (chỉ số chất lượng không khí) trung bình quý tăng từ 91.2 lên 100.,8; tương ứng nồng độ bụi PM2.5 trung bình tăng từ 30.72 lên 35.8 µg/m3. Còn trong quý 3, 2017, có 1 ngày vượt quy chuẩn quốc gia và 39 ngày vượt chuẩn WHO.”
Nguồn tin nói rằng nếu phân tích dữ liệu theo giờ, có 87 giờ có nồng độ PM2.5 vượt quá quy chuẩn Việt Nam và 810 giờ đối với chuẩn WHO. Tại Sài Gòn, chất lượng không khí trong quý 3, 2017 không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Số giờ trong nhóm không tốt cho sức khỏe là 13.6% so với 14.8% trong cùng kỳ năm 2016.
Trước kết quả của WHO, quan chức cầm đầu Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường, Sở Tài Nguyên – Môi Trường thành phố Hà Nội, chỉ kêu rằng: “Trạm quan trắc đặt tại đại sứ quán Mỹ là trạm cảm biến và cách tính AQI của Mỹ khác và cao hơn nhiều so với cách tính theo hướng dẫn của Việt Nam.”
Một số bản ước tính hồi nam ngoái cho thấy khoảng 40 ngàn người Việt Nam chết mỗi năm vì môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng.
Ngay từ năm ngoái, ngày 5 Tháng Mười, 2016, tại chí World Bulletin dựa vào chỉ số “Real-time Air Quality Index” do tòa đại sứ Mỹ cung cấp đã cho hay mức độ không khí ô nhiễm của thành phố Hà Nội tồi tệ thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có thành phố Varanasi của Ấn Độ.
Ngày 21 Tháng Bảy, 2017 , Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Hà Nội công bố “hiện trạng môi trường quốc gia từ 2012-2016” công nhận “môi trường ở hầu hết các đô thị đều bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng chục triệu người mỗi ngày.”
Khí thải từ một lượng xe gắn máy hàng triệu chiếc cài vào nhau trên các đường phố, nhà máy nhiệt điện than, cũng như các nhà máy khác không trang bị đầy đủ bộ phận sàng lọc khí thải là các nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật và chết sớm.
“Mỗi năm có hàng chục nghìn người mắc các bệnh về hô hấp do ô nhiễm không khí. Trong đó, số người bị bệnh đường hô hấp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đồng Nai, Hải Phòng… cao hơn các đô thị khác. Đặc biệt, các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao như bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư… Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 Sài Gòn, số ca trẻ em có bệnh lý hô hấp chiếm 40 – 50% số ca nhập viện.” – Một viên chức Bộ Tài Nguyên – Môi Trường báo động như thế nhưng không thấy có giải pháp nào cụ thể được đưa ra để đối phó. (TN)

Cần Thơ muốn dùng ngân sách bù lỗ hàng không ế ẩm

Một chuyến bay thử nghiệm đến Cảng Hàng Không Quốc Tế Cần Thơ. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Báo Người Lao Động hôm 26 Tháng Mười Một cho hay, thành phố Cần Thơ đề xuất trợ giúp cho các hãng hàng không khi đường bay mới mở đến Cảng Hàng Không của thành phố này bị lỗ.
Hiện nay, Cảng Hàng Không Quốc Tế Cần Thơ hiện có các đường bay trong nước đến và đi từ Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng. Ngoài ra là đường bay thuê bao theo chuyến đến Đà Lạt, Nha Trang và các tuyến quốc tế đến Đài Bắc (Đài Loan) và Bangkok (Thái Lan) tùy vào thời điểm lễ tết trong năm.
Văn bản của nhà cầm quyền thành phố Cần Thơ cho biết: “Đến nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar Pacific… chưa thể mở thêm các đường bay mới đến Cảng Hàng Không Quốc Tế Cần Thơ do trong năm đầu khai thác, khả năng lỗ về tài chính là rất lớn do người dân Cần Thơ chưa biết nhiều về đường bay mới, việc quảng bá cho đường bay mới phải có thời gian và phải thực hiện liên tục.”
Cũng theo văn bản này, “mức trợ giúp tối đa đối với đường bay nội địa bị lỗ không vượt quá 5 tỉ đồng ($220,000) và đường bay quốc tế bị lỗ không vượt quá 8 tỉ đồng ($352,000).” Tiền trợ giúp các hãng bay được truyền thông Việt Nam ghi nhận là chi từ ngân sách. Dự kiến đề xuất nêu trên sẽ được Hội Đồng Nhân Dân thành phố Cần Thơ thông qua tại kỳ họp vào Tháng Mười Hai.
Theo báo Pháp Luật, sân bay Cần Thơ có năng lực phục vụ 3-5 triệu lượt hành khách/năm, lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 5,000 tấn ước tính năm 2017, hành khách chỉ đạt hơn 612,000 lượt. Lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển mới chỉ chiếm khoảng 20% công suất thiết kế của sân bay Cần Thơ.
Thật ra, việc Cần Thơ đề xuất dùng tiền ngân sách bù lỗ cho các hãng bay đã râm ran trong dư luận từ hồi Tháng Năm. Báo Thanh Niên ở thời điểm đó dẫn lời ông Phạm Sanh, một chuyên gia về giao thông đô thị: “Cần phải xem lại hiệu quả việc đầu tư các sân bay trong thời gian qua. Việc các tỉnh đầu tư sân bay ồ ạt xuất phát từ tâm lý “người khác có gì thì mình có đó.”
Trên thế giới, thông thường trong cự ly 400km, người ta thường đi lại bằng ô tô, phương tiện cao tốc. Trong khi đó, Sài Gòn và Cần Thơ chỉ cách nhau 200km. Nếu xây sân bay, đó thường là các sân bay quân sự, sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, cứu thương. Phải chăng có lợi ích nhóm trong đầu tư sân bay nên chỗ nào cũng muốn đầu tư? Bộ Giao Thông Vận Tải là cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm thẩm định và xem xét quy hoạch hệ thống sân bay, không nên để tình trạng đầu tư tràn lan thất thoát tiền thuế của dân.”
Nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động bình luận: “Nếu tôi nhớ không nhầm thì Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trong 100 ngày đầu có tuyên bố ‘tiết kiệm từng đồng thuế của dân!’ Câu chuyện Cần Thơ xin lấy ngân sách bù lỗ cho các hãng hàng không đang đi đúng cái bài xưa nay vẫn được các bác nhà ta lải nhải để bao biện cho doanh nghiệp nhà nước ‘đảm bảo nhiệm vụ an sinh xã hội!’ Đây sẽ là cơ hội để thủ tướng thể hiện trách nhiệm trước tiền thuế của dân. Rồi đến chuyện bù lỗ bằng thuế của những người có khi cả đời chả biết máy bay nó nằm dọc hay nằm ngang. Thế mà người ta cũng nghĩ ra được! Đúng là đỉnh cao trí tuệ.” (T.K.)

Làm giả bằng cấp, hiệu phó trường cao đẳng Hải Phòng bị bắt

Ông Mai Xuân Minh tại buổi lễ nhận quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng. (Hình:Báo Người Lao Động)
NAM ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Nghi ngờ một ông hiệu phó trường cao đẳng nghề Công Nghiệp Hải Phòng làm giả bằng cấp, chứng chỉ, công an tỉnh Nam Định đã bắt giam và khởi tố.
Ngày 26 Tháng Mười Một, ông Vũ Đức Huần, hiệu trưởng trường cao đẳng Công Nghiệp Hải Phòng, xác nhận với Báo Người Lao Động cho biết, công an tỉnh Nam Định đã tiến hành bắt giam và khám xét nơi làm việc của ông Mai Xuân Minh, phó hiệu trưởng trường cao đẳng Công Nghiệp Hải Phòng về tội “Giả mạo trong công tác.”
Trước đó, công an tỉnh Nam Định đã nhiều lần triệu tập ông Minh cùng một số cán bộ, giáo viên của nhà trường để “làm rõ việc tổ chức liên kết đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tại tỉnh Nam Định.”
Theo ông Huần, việc liên kết đào tạo nhà trường giao toàn bộ cho ông Minh phụ trách. Những sai phạm trong quá trình công tác của ông Minh, ông Huần không nắm được mà phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.
Tin cho biết, ông Minh là trưởng phòng đào tạo, được chủ tịch thành phố Hải Phòng bổ nhiệm phó hiệu trưởng từ Tháng Chín, 2016, thời hạn là 5 năm.
Liên quan vụ việc trên, cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Nam Định cũng đã triệu tập một số người để tra xét. (Tr.N)

Luật Sư Võ An Đôn bị khai trừ trước phiên tòa phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm

Luật Sư Võ An Đôn và thân chủ, dân oan Cấn Thị Thêu (hiện vẫn đang trong tù). (Hình: Facebook Đôn An Võ)
PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Giới luật sư Việt Nam hôm 26 Tháng Mười Một xôn xao trước tin Luật Sư Võ An Đôn bị Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư của tỉnh này.
Luật Sư Nguyễn Khả Thành, người xác nhận tin này, cho hay, quyết định của Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên có hiệu lực kể từ ngày ký (hôm 26 Tháng Mười Một, với tỷ lệ phiếu thuận là 66.66%. Điều đó có nghĩa là ông Đôn không thể xuất hiện với tư cách một trong các luật sư được cấp phép bào chữa cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm trong phiên tòa phúc thẩm 30 Tháng Mười Một tại Tòa Án Nhân Dân Nha Trang. Ông Thành nói: “Có người vui cũng có kẻ buồn. Có lẽ Luật Sư Đôn đã dự báo trước chuyện này.”
Báo Pháp Luật hôm 26 Tháng Mười Một tường thuật: “Theo Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên, lý do kỷ luật là ông Võ An Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt; nói xấu giới luật sư, các cơ quan tố tụng, đảng, nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của đảng, nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và giới luật sư Việt Nam. Dù Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên đã nhiều lần họp nhắc nhở nhưng ông Đôn không thừa nhận sai phạm, không khắc phục.”
Tên tuổi của Luật Sư Võ An Đôn được biết đến qua những vụ bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu, một trong những dân oan Dương Nội và các nhà hoạt động khác bị cáo buộc Điều 88, 258…
Ông cũng là một trong các luật sư được cấp phép bào chữa cho bà Như Quỳnh trong phiên sơ thẩm và phúc thẩm.
Hồi Tháng Tám, ông từng cho biết mình bị Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên đe dọa kỷ luật và tước thẻ hành nghề do những phát ngôn trên mạng xã hội và trả lời báo đài nước ngoài “nhưng vì lương tâm nên vẫn phải phát biểu.”
Vài ngày trước khi bị xóa tên khỏi Đoàn Luật Sư tỉnh Phú Yên, ông Đôn gây tranh cãi trên mạng xã hội khi cho biết: “Hôm tôi vào Trạm Giam Công An tỉnh Khánh Hòa thăm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Mẹ Nấm tiết lộ: Luật Sư Hà Huy Sơn (người cũng được cấp phép bào chữa cho bà Quỳnh) vào trại giam thăm và chuyển thông điệp từ phía Cơ Quan An Ninh rằng ‘Nếu tại phiên tòa phúc thẩm Mẹ Nấm nhận tội và từ chối hai luật sư miền Nam bào chữa, thì sẽ được giảm án rất nhiều’ (Hai luật sư miền Nam ở đây là tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành). Tôi đã khuyên Mẹ Nấm: ‘Nếu em cho rằng mình vô tội thì một mực kêu oan từ đầu đến cuối; nếu em nhận tội thì xem như công việc đấu tranh của em vô nghĩa; đây là lời khuyên của anh, còn việc em nhận tội hay không là do em tự quyết định.’ Mẹ Nấm trả lời: ‘Dù em có bị phạt tù 15 năm hay 20 năm thì em cũng không nhận tội.’”
Hồi tháng trước, ông Đôn viết trên trang cá nhân: “Tôi nói ra sự thật với tấm lòng mong muốn cho nghề luật sư ở Việt Nam được tốt đẹp hơn, để công lý và công bằng đến với mọi người. Sau khi tôi viết nhiều bài về đề tài luật sư chạy án, đồng nghiệp ở khắp nơi ném đá dữ dội, họ chửi, họ nguyền rủa, họ nói tôi là kẻ phản bội, nói xấu luật sư và sẽ bị Đoàn Luật Sư tỉnh nhà đưa ra kỷ luật. Tôi biết trước việc này sẽ xảy ra nhưng phải nói, vì nếu tôi không nói thì lương tâm tôi cắn rứt không chịu được. Nếu tôi bị kỷ luật rút thẻ luật sư thì tôi vẫn không hối hận việc mình đã nói. Đoàn Luật Sư phải hiểu rõ nói thật thì khác nói xấu: nói thật là nói ra những điều có thật mọi người đều biết, còn nói xấu là chuyện không nói có!” (T.K.)