Saturday, November 11, 2023

Đại dịch Covid-19 và bài học “chuyển bại thành thắng” của Thủ tướng Chính?

 

Một trong những thảm họa của người Việt Nam trong những năm gần đây, có lẽ là đại dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tổng số người tử vong do dịch Covid-19 lên tới con số 43.178 người. Đó là chưa kể tới hàng triệu người lao động mất việc làm do chính sách phong tỏa cực đoan.

Điều đáng nói là, cách thức điều hành chống dịch vô trách nhiệm và thiếu khoa học của Chính phủ, đã phát sinh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi của các tổ chức cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Vậy mà, báo Chính phủ ngày 29/10 giật title: “Thủ tướng: Tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam một lần nữa được khẳng định”. Bài báo cho biết, sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trực tuyến với các địa phương.

>>> (Hình 01: Thủ tướng: Tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam một lần nữa được khẳng định)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch, một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực.”

Phát ngôn này cho thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố, Việt Nam đã chống dịch Covid.19 thành công.

Dư luận xã hội bất ngờ với tuyên bố của Thủ tướng Chính, và thấy rằng, tuyên bố này hoàn toàn đi ngược với thực tế và kết quả về chống dịch Covid-19 vừa qua.

Trên thực tế, trong hơn năm tháng cao điểm của đại dịch, tính từ tháng 4 đến hết tháng 9/2021, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, để phòng chống dịch Covid-19.

Từ việc truy vết, rồi đưa những người phơi nhiễm virus Covid-19 đi cách ly và điều trị tập trung, là một chính sách sai lầm tai hại nhất. Bởi vì, tại sao đã là cách ly lại còn tập trung?

Nghĩa là, đưa những người nhiễm và không nhiễm virus vào ở tập trung, khiến cho xảy ra tình trạng lây chéo, và số người nhiễm bệnh tăng lên nhanh chóng. Điều này đã làm cho hệ thống y tế bị quá tải, người bệnh không được chăm sóc chu đáo, từ đó dẫn tới tình trạng tử vong tăng cao.

Đó là chưa kể tới việc toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh bình thường ở các bệnh viện, đối với các bệnh không liên quan đến Covid-19, hoàn toàn bị tê liệt, không thể hoạt động.

Chưa kể tới việc, từ đầu tháng 5/2021, Chính phủ đưa ra các quyết định “giãn cách xã hội”, mà thực chất là phong tỏa từng khu vực hoặc toàn bộ. Điều đó đã khiến tất cả các cửa hàng, các chợ truyền thống buộc phải đóng cửa. Trong nhiều tuần, các gia đình ở khu vực nguy cơ cao (vùng đỏ) không được phép đi mua thực phẩm và cũng không được nhận tiếp tế. Sau đó, mỗi hộ gia đình chỉ được phép ra đường 1-2 lần/ tuần để mua thực phẩm trong các siêu thị.

Chính sách cực đoan và sai lầm đó đã khiến cho người dân hết sức lao đao, trong điều kiện nguồn thu nhập quá mức hạn hẹp, do không có việc làm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến hết quý 3/2021, có hơn 28,2 triệu người bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… do tác động của dịch Covid-19.

Mất việc làm và không được hỗ trợ kịp thời, dẫn tới hệ quả là hàng triệu người lao động phải vượt vòng “phong tỏa”, tháo chạy khỏi các thành phố lớn, đổ về quê. Vẫn theo Tổng cục Thống kê, thời điểm tháng 9/2021, đã có khoảng 1,3 triệu lao động ở phía Nam phải về quê, vì cuộc sống ở thành phố và các khu công nghiệp quá khó khăn.

Nghiêm trọng hơn, phải kể tới việc các quan chức nhà nước đã lợi dụng dịch bệnh để “móc túi” dân, thông qua những vụ án như chuyến bay giải cứu, hay chính sách “xét nghiệm thần tốc trên diện rộng” để tiêu thụ kit test giả của Công ty Việt Á.

Trong vụ Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an công bố, đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, và cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Nhà báo Nguyễn Thông, trong status “Thành ngữ mới: Thành công tốt đẹp”, đăng trên trang Facebook cá nhân, cho rằng:

“Những người Cộng sản vô thần và duy ý chí chỉ tin vào chính họ. Với họ, chỉ có đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nếu thất bại, họ có cách (nhất là bằng tuyên truyền) chuyển bại thành thắng, họ là chỉ nhấn mạnh, ca ngợi, tung hô thành công, đồng thời lờ đi, ỉm đi những thất bại.

Ngày trước, khi họ nói “thành công tốt đẹp”, thì dân tin, còn nay nhân dân hiểu rằng, bên trong cái thành công tốt đẹp luôn chứa đầy ung nhọt, có thể vỡ ra bất cứ lúc nào.”

Cho nên, công luận thấy rằng, chẳng có gì là bất ngờ, khi Thủ tướng Chính khẳng định, con số số 43.178 người người tử vong trong Đại dịch Covid-19 là một thành công./.

Trà My – Thoibao.de

https://thoibao.de/blog/2023/11/11/dai-dich-covid-19-va-bai-hoc-chuyen-bai-thanh-thang-cua-thu-tuong-chinh

Nhà cháu chả dại!

Bình luận của Thảo Quả
2023.11.11

 Nhà cháu chả dại!

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 20/8/2021-AFP

Liên tiếp từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 10, điện thoại tôi nhận được cả thảy 5 tin nhắn xin tiền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nội dung nói nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Mặt trận kêu gọi ủng hộ làm nhà cho người nghèo của tỉnh Điện Biên bằng cách chuyển khoản tới Quỹ Vì người nghèo Trung ương, số tài khoản XXX.

Gớm chửa! Nhà cháu chả dại, nhá!

Mới hôm nọ đây, chính các bác khoe đang còn đến ngót 1.000 tỷ đồng trong Quỹ phòng chống dịch COVID. Tiền này cũng là xin dân và doanh nghiệp mà có. Giờ dịch hết rồi, mà tiền còn nhiều thế cơ chứ áy náy ghê. Yêu cầu Trung ương cho ý kiến xem nên làm gì với đống tiền.

(Hỏi ý kiến Trung ương giả vờ thế thôi chứ các bác đã có chủ định sẵn: để đấy chờ bao giờ có dịch mới thì… lấy ra tiêu!)

Các bác giỏi thật! Cũng với mấy cái tin nhắn thế thôi mà trong dịch các bác xin được gần 18.000 tỷ. 18 ngàn tỷ đấy. Trung ương xin được khoảng 2.900 tỷ, địa phương trên 15.000 tỷ, tính chung cả tiền mặt lẫn hiện vật.

Xài bét nhè, cuối cùng vẫn dư những 1.000 tỷ.

Ăn tranh của lợn

Nhà cháu nhớ, trong mấy tháng cao điểm dịch ở TP HCM ấy, chúng cháu chưa bao giờ phải khổ sở cùng cực, khổ sở một cách vô lý đến thế.

Để hạn chế người dân ra đường tiếp xúc nhiều, các bác cho tổ dân phố đến tận nhà phát phiếu đi chợ tuần 2-3 lần. Nhưng dân chỉ được đến mua tại những siêu thị cụ thể được chỉ định.

Nhà cháu già yếu, hàng ngày chỉ lọ mọ ra chợ hay mấy cái siêu thị thực phẩm be bé gần nhà, còn đi đâu xa cứ phải xe ôm với taxi trực chỉ. Các bác bắt mua thực phẩm ở siêu thị cách nhà cháu đến tận 5 cây số, trong khi xe ôm đã bị cấm không cho chạy. Cháu đi bằng cách nào với hai cái chân viêm khớp? Đi bộ thì làm sao vác về gạo, dầu ăn, nước tương nước mắm, toàn thứ nặng? Đặt hàng siêu thị giao tận nhà thì ngồi đến khi chủ nghĩa xã hội thành công cũng chỉ thấy cái nút tròn quay quay báo hiệu mạng nghẽn không thể vào được.

Nhưng cái khó ló cái khôn, dân ta vốn xoay trở rất tài. Ngay lập tức có rất nhiều điểm bán thực phẩm tự phát mọc ra khắp các chung cư, hẻm hóc, ngã tư ngã năm. Cái gì cũng có, từ trứng đến tôm tươi, thịt heo, thịt gà, thịt bò, cá đồng… nhưng bán chạy nhất là rau xanh.

Trời ơi chấp hành chủ trương của Nhà nước núp kín trong nhà trốn dịch thì ăn cơm với nước mắm cũng được, nhưng thiếu rau xanh thì gay lắm. Nhà đông người cũng thường chỉ có một cái tủ lạnh, giờ tuần đi chợ 2 lần không thể trữ đủ rau xanh. Hỏi người quen người biết, ai cũng lúng túng cười cái sự ông Táo (bón) mặt dày ở lì với mọi người cả tháng.

Nên, thiếu thịt cá vài ngày cũng được, nhưng phải mua bằng được rau xanh. Vậy là gần như lần đầu tiên sau thời kỳ bao cấp khốn khổ, dân thành phố lại được nếm mùi những mớ rau muống kỳ thú. Nó là loại rau muống ruộng hoặc rau muống bè trôi nổi trên những mặt nước đáng nghi ngờ về vệ sinh, cọng nhỏ téo, dài ngoằng ngoẵng đến cả hơn nửa thước và dai ngoanh ngoách. Ngày thường, nó là rau để băm ra cho lợn gà ăn. Nay người phải ăn tranh của lợn mà còn chẳng có.

Su su, xúp lơ, bắp cải, cà rốt, bí bầu… những thứ có thể để dành vài ngày được thì đèo đẹt, héo quắt, vàng úa, sâu sia…

Nhưng trong dịch thì tất cả đều thành nhân sâm, giá đội lên mấy chục ngàn đồng một ký, mà phải canh me, giành giật nhau mới mua được một ít.

Có bữa ông chú hàng xóm hớn hở gõ cửa nhà tôi, dúi cho một bó rau cải thìa con đã hơi úa vàng: “Nhà ở bên kia người ta mua làm từ thiện, phát mỗi nhà một miếng. Ăn đỡ đi ha, có còn hơn không”.

Chúng tôi nhìn nhau nửa cười nửa mếu. Mếu vì tình cảnh của mình, nhưng còn vì chỉ cách trung tâm thành phố có mười mấy cây số thôi, hàng cánh đồng rau xanh của nông dân bị bỏ cho chết khô. Cách xa hơn nữa thì rau quả Đà Lạt chết rục. Vườn cây ăn trái miền Tây trái rụng đầy gốc, quăng bỏ ngập mương. Cá tôm, heo, gà vịt lớn hết cỡ, chết già trong chuồng, trong ao. Hàng hóa không thể chở đi bán, nông dân, thương lái khóc rũ.

Mà tất cả thảm cảnh đó đều do chính sách mỗi địa phương là một pháo đài chống dịch, nội bất xuất ngoại bất nhập, nên mạng lưới hàng hóa bị thắt nghẹt, trở lại đêm trường bao cấp kinh hoàng.

Nói cho rạch ròi, rất nhiều phường trong thành phố cũng chạy đôn đáo lo được gạo, thực phẩm, rau xanh cứu trợ cho dân đói. Nhưng không phải từ nguồn quỹ do dân góp chống dịch, mà do phường nào tranh thủ xin được nhiều doanh nghiệp hay các mạnh thường quân thì có cho dân thế thôi.

Doanh nghiệp càng khóc thét. Họ phải bỏ ra cả núi tiền để lo sinh hoạt, mua lều, chăn gối cho công nhân ngủ (cách ly) ngay tại nhà máy, tiền test COVID mấy ngày một lần... Hàng hóa ứ tắc, nhưng vẫn phải sản xuất cầm chừng vì không biết tình hình dịch thế nào.

Nhưng, dân ta còn tốt lắm. Nói cách khác, là còn ngây thơ lắm.

Hăng hái góp quỹ Phòng chống COVID này đã đủ đâu. Còn phấn khởi nhiệt tình góp cả Quỹ vắc xin nữa cơ.

000_9JB2QH.jpg
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở Hà Nội hôm 2/8/2023. AFP

“Tiền trong dân còn nhiều lắm”

Quả thật như quan bác nào đã dạy thật chí lý: Tiền trong dân còn nhiều lắm (cứ xin đi các bác).

Quỹ phòng chống COVID dư gần ngàn tỷ. Quỹ vắc xin, tính đến 17h ngày 08/6/2023 thì xin được gần 11.000 tỷ, đến nay còn dư hơn 3.000 tỷ.

Úi chà lúc ấy dân ta góp tiền cho các quỹ mới hăng chứ! Báo chí liên tiếp đưa tin cụ già trút hết tiền tiết kiệm và mua quan tài đến góp cho quỹ. Em bé đập ống heo. Công chức viên chức (bị buộc) góp một ngày lương. Cộng đồng người Việt hải ngoại sống ở khắp các nước đều gởi tiền về. Trên các mạng xã hội xuất hiện một trend mới: bà con post màn hình chụp tài khoản đã góp quỹ COVID lên. Việc làm (vốn cao thượng) ấy lan tỏa nhanh dễ sợ. Rất nhiều người trông thấy bạn bè đã góp quỹ thì trong lòng cũng rạo rực, lập tức cũng trích tiền góp quỹ. Góp xong cũng thấy nhẹ lòng, ấm áp trong tim, vì đã làm một việc tốt.

Tiền về ào ạt như nước sông Đà. Các bác cảm động quá. Như truyền thống, các bác nghĩ ngay ra cho nó một cái tên rưng rưng: “Quỹ của lòng dân”.

Chẳng phải của lòng em

Vầng, đúng thế. Em có kinh nghiệm và quan sát cách xài các quỹ xin tiền dân rồi, nên mặc cho con lũ yêu nước trào lên khắp mọi hướng, em cương quyết không góp vào đấy đồng nào.

Mà em góp trực tiếp cho các bác sĩ đang điều trị COVID ở bệnh viện dã chiến những nơi khó khăn. Họ thiếu khẩu trang y tế, thiếu găng tay, thiếu đồ bảo hộ đạt chuẩn. Góp như thế yên tâm hơn hẳn về việc đồng tiền công sức của mình được sử dụng đúng chỗ, thật sự có giá trị giúp người.

Nhưng số tiền người dân góp trực tiếp cho các bệnh viện vẫn không thể đủ. Trong dịch, vẫn có những bệnh viện thậm chí các khoản tiền nhỏ xíu như mua sổ sách, bút bi để ghi chép cũng bị cắt giảm. Bác sĩ phải tự bỏ tiền mua khẩu trang, thậm chí phải hấp lại để dùng tiếp.

Không thể tính được nhưng rất nhiều người dân mắc bệnh hoặc chết trong đại dịch cũng phải nhờ các tổ chức thiện nguyện cung cấp thuốc, bình ô xy, chi phí mua quan tài và mai táng.

Cho đến cách đây mấy tháng, nhân viên y tế TP HCM mới được nhận tiền hỗ trợ chống dịch từ tận gần hai năm trước.

Tại sao trong những thời điểm khó khăn tận cùng như vậy, Quỹ phòng chống dịch COVID của nhà nước không lấy tiền (đi xin của dân) ra để mua gạo, rau, thực phẩm, khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, quan tài… cho nhân viên y tế và những người dân mắc bệnh, ốm chết? Mà cứ để cho đến nay dư cả ngàn tỷ, rồi bà Phó chủ tịch Mặt trận thỏ thẻ nói thôi mang về, chờ bao giờ dịch tiếp thì lấy ra xài?

000_9L96G3.jpg
Công an kiểm tra giấy đi đường ở Hà Nội hôm 18/8/2021 khi TP phong toả vì dịch COVID-19. AFP

Khôn như thế, quê em đầy!

Quay lại việc Mặt trận lại đi xin tiền dân để làm nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên.

Năm 2004, vụ án rút ruột tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ gây rúng động cả nước.

Chỉ vài tuần sau lễ khánh thành, tường bao khuôn viên tượng đài bị đổ sập, mặt sân nứt chi chít. Hai tháng sau lễ khánh thành, rỉ bắt đầu xuất hiện khắp nơi trên thân tượng, biến màu đồng đỏ (theo thiết kế) thành đồng xanh, đồng xám, rồi đồng đen thui.

Gây rúng động là vì những kẻ phạm tội dám ăn chặn một công trình không những là biểu tượng thiêng liêng của tỉnh Điện Biên mà còn của cả nước. Rúng động còn vì dính chàm nguyên một dàn cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm của tỉnh Điện Biên và liên quan, gồm Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin kiêm Trưởng Ban quản lý dự án + nguyên giám đốc công ty Mỹ thuật Trung ương, dính đến cả Phó chủ tịch tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ký duyệt các văn bản. 98 tấn đồng bị rút ruột khỏi tượng đài Chiến thắng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 6 tỷ đồng. Số tiền đưa hối lộ là khoảng 500 triệu đồng.

(Mở ngoặc một chút chỗ này. Nhìn lại những con số trên, so sánh với con số đưa hối lộ gần 226 tỷ đồng trong đại án giải cứu người Việt ở nước ngoài trong dịch COVID vừa qua mới càng thấy rõ sự nghiệp tham nhũng ở Việt Nam đã tiến những bước rất dài, chỉ số tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Năm sau đều cao hơn năm trước!)

Thời điểm các quan chức Điện Biên và một số thuộc Trung ương gặm nhấm tượng đài Chiến thắng, trong cả nước chỉ còn bốn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%. Điện Biên là một trong bốn tỉnh ấy.

Trong hai năm 2003-2004, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của cả nước khoảng 484.000 đồng. Nhưng vùng Tây Bắc (nơi có tỉnh Điện Biên) chỉ đạt gần 266.000 đồng, thấp nhất toàn quốc (Báo cáo tình hình kinh tế xã hội từ năm 2002 đến 2010 của Tổng cục Thống kê).

Số tiền trung bình do Trung ương hỗ trợ để xây nhà Đoàn kết tặng các hộ nghèo vào thời điểm đó khoảng năm triệu đồng/căn. Như vậy tính riêng số tiền các quan chức Điện Biên rút ruột của Nhà nước trong vụ tượng đài Chiến thắng thì đã có thể xây 1.200 căn nhà đoàn kết cho hộ nghèo. Nói cách khác, nếu buộc được bọn họ phải trả lại toàn bộ số tiền đã tham nhũng thì ngân sách không bị thiệt hại khoản đó. Bù qua sớt lại là có thêm một khoản để dùng cho những việc khác, ví dụ hỗ trợ xây nhà cho người nghèo chẳng hạn.

Xin đừng lôi những lý do như tiền ngân sách khoản nào ra khoản đó nên không thể lấy khoản nọ bù khoản kia! Túi tiền của Trung ương dù chia ra bao nhiêu khoản mục đi nữa thì tổng cộng vẫn chỉ là một túi. Nếu nó hụt, Trung ương hoặc phải kiếm thêm bù vào, hoặc phải cắt giảm một số khoản đã dự tính. Quyền điều phối nằm trong tay Trung ương cả.

Kiếm thêm thì dễ nhất là tăng thuế, phí và đặt thêm các khoản thuế, phí mới.

Nhà nước đã tính đến việc tăng hàng loạt sắc thuế đến năm 2030 và bổ sung thu thuế với nhà ở.

Nói cách khác, dân đen Việt Nam vốn đã một đời quần quật cày cuốc mới hy vọng đủ ăn, ước mơ và tầm nhìn không điều gì khác ngoài được no bụng mỗi ngày thì sắp tới, nhờ ơn các tấm gương tham nhũng sáng chói, sẽ phải lao động hăng say hơn nữa để vẫn đạt được (mấp mé) mục tiêu ấy.

Tiền không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi

Nó chỉ chạy từ túi người này sang túi người khác.

Trong 10 năm từ 2013 đến 2023, tổng số tài sản tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước được tính vào khoảng 176.000 tỷ đồng. Mới thu hồi được 61.000 tỷ (34,7%). Số còn lại hơn 100.000 tỷ có thể vĩnh viễn mất trắng vào bụng bọn quan tham (Báo cáo chống tham nhũng lãng phí 10 năm 2012-2022).

Nếu các bác chống tham nhũng thật sự chứ không phải chống bằng khẩu hiệu hô hào, nếu không bị tham nhũng làm mất đi chừng ấy tiền thì túi tiền Trung ương vẫn rủng rỉnh lắm. Tha hồ chi cho tất cả những khoản quan trọng như xây nhà cho người nghèo chẳng hạn. Mà chẳng phải nhờ đến Mặt trận suốt ngày này đến tháng nọ đi xin tiền dân.

Nên thôi, cháu xin. Cái túi của chúng cháu vốn yếu đuối mong manh lắm rồi, không thể để những lời đường mật khiến vài đồng trong đấy lại chạy việt dã sang túi các bác nữa được.

___________

Tham khảo:

https://www.gso.gov.vn/su-kien/2019/03/thong-cao-bao-chi-ve-ket-qua-so-bo-khao-sat-muc-song-ho-gia-dinh-nam-2004/

https://tuoitre.vn/tuong-dai-dien-bien-phu-tat-ca-cung-au-thanh-ra-noi-nay-43573.htm

https://vnexpress.net/5-nguoi-bi-bat-trong-vu-xay-dung-tuong-dai-dien-bien-phu-2085783.html

https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/tin-tuc/tinh-dien-bien-khong-phat-hien-tham-nhung-trong-cac-co-quan-to-chuc-199089.html

https://nhandan.vn/bat-chu-tich-uy-ban-mat-tran-to-quoc-viet-nam-thanh-pho-bien-hoa-post687913.html

https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/03/Muc05_thunhap-1.pdf

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ky-luat-truong-phong-de-nghi-xem-xet-quyet-dinh-doi-voi-giam-doc-so-chu-tich-mttq-tinh-119230908122514581.htm

https://tuoitre.vn/xet-xu-vu-rut-ruot-tuong-dai-chien-thang-dien-bien-phu-370808.htm

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nghe đài địch (Kỳ 1)

 Nguyễn Thọ-11-11-2023


Một cô bạn nhắn tin cho tôi: Hôm nọ em có nghe một kênh Youtube đọc bài của anh nhưng họ nhầm anh với ông Trần Văn Thọ ở Nhật Bản.

Khổ thân tôi, hết bị nhầm với tay nhà văn Thọ “Muối” ít tóc, giờ lại bị nhầm với ông giáo sư Thọ tóc dài ở Nhật.

– Em tưởng anh vẫn theo dõi kênh đó, nhiều người xem lắm mà.

– Từ bé anh đã được giáo dục là không nghe đài địch, chỉ đọc và nghe báo ta.

Lúc bé tôi ở ngay trong cơ quan Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đây vốn cái ổ nghe đài địch của đảng. Ở đó có những cô chú chỉ nghe các đài Mỹ, Anh, Pháp, Vatican, Sài Gòn… để lấy tin. Hơn thế nữa cơ quan còn có nguồn cung cấp trực tiếp từ các hãng thông tấn “đế quốc”: UPI, AP, AFP, Reuters.

Sách báo từ Sài Gòn cũng được cung cấp qua đường Hong Kong hay Cao Miên. Từ đó các ban biên tập tạo ra các bản tin đóng dấu “Mật – Không phổ biến” để cung cấp cho các cán bộ trung, cao cấp. Ba tôi phụ trách khâu phát hành của VNTTX nên có thể nói, tôi bơi trong các nguồn tin “xấu, độc hại” này.

Tôi hiểu là chúng độc hại vì thỉnh thoảng chi đoàn thanh niên họp ở ngay nhà ăn tập thể, trước cửa nhà tôi nên hay nghe các cô chú nói về việc chống nghe đài địch, chống hủ hóa tư tưởng.

Giờ nghĩ lại thấy đúng là dở hơi: Trong một cơ quan sống bằng nghe đài địch mà lại cấm nhau nghe đài địch. Cấm thế quái nào được. Đến thằng bé con chẳng hiểu gì về chính trị như tôi mà còn thích đọc nữa là các cô chú có hiểu biết, có ngoại ngữ.

Tất nhiên tôi thích xem báo Tây chỉ vì tò mò, chỉ vì các hình ảnh đẹp, các bà đầm đẹp. Còn nghe BBC thì tôi khoái nhất các bài “do Đỗ Văn dịch thuật” với những cái tên gọi rất vui tai mà tôi hay mang đến trường đố bọn bạn. Ví dụ: “Hung Gia Lợi và Bảo Gia Lợi” (Hungary và Bulgary), “Tây Bá Lợi Á” (Siberia) hay “Đội túc cầu Ba – Tây” (đội bóng đá Brazil) v.v…

Tất nhiên đa số bọn trẻ không biết các danh từ này vì thời đó ít người có máy thu tốt để bắt được “đài địch”. Có thằng con nhà có máu mặt, được nghe đài địch nên biết các tên gọi này. Nhưng nó chỉ rỉ tai nói thầm với tôi để khỏi phải công khai là đã nghe “đài địch”. Tôi là con ông thông tấn nên cóc biết sợ.

Giờ đây tình thế đã thoáng hơn, máy thu thanh, TV là chuyện vặt, internet xả láng. Ai muốn kiếm tiền cũng tự làm kênh TV Youtube, giới thiệu từ cách làm bẫy chuột đến tuyên truyền cho Nga, bênh Ukraine, chửi ông Bẩy-đần hay dìm hàng Vinfast v.v… Cái quan niệm “địch – ta” bây giờ cũng lẫn lộn. Ngày xưa Nga, Trung Quốc là ta, Mỹ, Anh Pháp là địch. Nay Trung Quốc tuy là bạn lớn, nhưng sẽ là địch trong các vấn đề lãnh thổ. Kể cả Nga, nếu bênh Trung Quốc ở biển Đông cũng là địch nốt. Thế rồi Nga đánh Ukraine, ta lại bênh Nga, coi Ukraine là “nửa địch”. Nửa có lẽ vì Ukraine định đi theo phương Tây. Mà Phương Tây chỉ là địch khi nói đến nhân quyền. Còn vác cả tàu sân bay vào Việt Nam vẫn được hoan nghênh. Mới nghe hơi “bạn” đưa nhà máy chip vào nhà mình, cả nước đã mừng như vớ được vàng.

Chịu! Ngày xưa mình bé tý chỉ thoáng một cái là biết đâu ta, đâu địch. Giờ thấy rối như canh hẹ.

Được cái bây giờ xã hội đã cởi mở hơn. Ngày xưa cán bộ VNTTX làm nghề nghe đài địch vẫn bị nhắc nhở về việc “nghe đài địch”. Nay thì cán bộ các cơ quan chức năng chống tham nhũng, chống hủ hóa vẫn tham nhũng, hủ hóa tư tưởng thoải mái. Ta đánh ta là thế. Còn chuyện thế giới để địch đánh nhau.

Thông tin thoải mái như vậy mà hôm rồi tôi mới được nghe rằng TTXVN vẫn làm ra bản tin “mật” để cung cấp cho các cán bộ cao cấp. Liệu bản tin đó có mật, có thật hơn những gì dân đen vẫn đọc trên mạng thì không biết. Nhưng nó cần được duy trì để phân biệt cán bộ, như cái bệnh viện Thống Nhất, Viên quân y 108 hay cái nhà tang lễ phố Trần Thánh Tông vậy. Cái này thì ta hơn địch rõ ràng.

***

Năm 1967, tôi mới 16 tuổi, đã xuất ngoại sang CHCD Đức học nghề. Đây là thiên đường nghe đài địch, vì có thể nghe radio và xem truyền hình Tây Đức một cách dễ dàng. Chính phủ CHDC Đức cũng cấm dân nghe, xem đài địch. Nhưng cấm thế nào được trong một xứ sở mà nhà nào cũng có radio hay TV. Đã thế đài địch lại ở sát biên giới, thậm chí phát từ Tây Berlin, lọt thỏm trong lãnh thổ CHDC Đức.

Người ta đành hạn chế bằng việc tháo các kênh tần số của “đài địch” ra khỏi các máy thu hình công cộng (máy nhà dân thì vô phương). Nhà trường cấp cho chúng tôi một cái TV to đùng để trong phòng câu lạc bộ. Nhưng các thanh tần số để bắt ba kênh truyền hình phương tây (ARD, ZDF và SFB) đã bị tháo mất. Có nghĩa là cái TV đó có 12 nấc để chọn 12 kênh thì chỉ có 9 nấc làm việc để bắt TV Đông Đức.

Cái thằng nghiện đài địch như tôi (không phải nghiện vì tin tức, mà vì đàn bà đẹp) khó chịu, bức bách lắm. Trước khi đi Đức, chúng tôi được giáo huấn là TV Tây Đức toàn chuyện dâm ô. Tuổi dậy thì làm sao chịu nổi. Chúng tôi bị một cổ hai tròng: Chế độ hạn chế TV Tây đức của nước bạn và lệnh cấm nghe, xem đài địch của Đại sứ quán.

Nhưng vì máu quá nên tôi rủ lão Mai Đen cùng phòng bỏ tiền ra mua cái TV cũ của người dân để xem TV địch. Sau bao nhiêu vất vả, chịu bao nhiêu dèm pha, bị các anh chị đảng viên phê bình. Chúng tôi vừa mất tiền vừa vỡ mộng. Hóa ra TV bên Tây Đức đứng đắn hơn bên Đông. Cái váy Mini bên đó cũng dài hơn bên Đông 2cm. Lúc đó tôi nghĩ mà tức mấy cha tuyên huấn bên Tây.

Dân Đông Đức vốn theo đạo Tin Lành nên cởi mở hơn trong chuyện hôn nhân. Phụ nữ Đông Đức dưới chế độ XHCN được bình đẳng hơn so với đồng giới ở phía Tây, nơi mà chồng đi làm kiếm tiền, vợ chỉ ở nhà nuôi con. Phụ nữ tự tin hơn thì ham muốn cũng dễ được thể hiện. Chính vì vậy mà phim Đông Đức có nhiều cảnh giường chiếu hơn phim Tây. Các đảng cộng sản Đông Âu không kỷ luật nhau vì tội “trai gái”. Bên Đông Đức người ta tắm truồng thoải mái, khiến khách du lịch Tây Đức đi qua phải đỏ mặt, nhắm mắt.

Chuyện mua máy để xem trộm TV tây Đức của tôi xin đọc ở đây.

(Còn tiếp)

Di sản thế giới hay ao làng? (Kỳ 2)

 Nguyễn Thông-11-11-2023

Dự án khu đô thị 10B tại TP.Cẩm Phả uy hiếp môi trường Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

Tiếp theo kỳ 1

Dù vùng bảo vệ 1 hay bảo vệ 2 thì cũng phải bảo vệ nghiêm ngặt, đúng như khái niệm, tên gọi “bảo vệ”. Theo quy định của chính phủ, vịnh Hạ Long là vùng cốt lõi, bảo vệ 1; còn những chỗ bên ngoài, nhất là khu vực tiếp giáp, gọi là vùng đệm, bảo vệ 2. Chỗ biển đảo lô nhô thuộc phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả bị đổ đất đá làm cho nham nhở biến dạng chính là vùng đệm, bảo vệ 2.

Muốn thay đổi nó phải có ý kiến từ chính phủ, được duyệt từ cấp trung ương, chứ chính quyền tỉnh Quảng Ninh không có quyền. Nếu đám Quảng Ninh tự ý cho phép, là xé rào, làm bậy, cần bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí khởi tố, truy tố. Khi bị lôi ra trước công luận lại còn đòi sửa “luật”, sửa nghị định của chính phủ để cái sai được tồn tại bất hợp pháp. Nếu trung ương cho phép, chỉ đạo, bật đèn xanh, đồng ý vụ này, thì trung ương cũng có tội, còn khởi tố hay không thì tùy “lò”.

Di sản đặc biệt “biển đảo quê hương”, khu vực di tích danh thắng quốc gia mà từ trên xuống dưới coi như cái vũng trâu đằm, chỗ con rồng lộn chứ hạ long hạ liếc chi. Đừng có cãi. Nó phá sờ sờ ra đó hơn cả năm rồi chứ có phải dấm dúi trong buồng đâu mà không thấy. Phạt 125 triệu đồng có khác gì gãi ngứa một con thú hung dữ đang say ăn đất, có khác chi bật đèn xanh mở đường cho nó rằng chúng mày cứ làm đi, không sao đâu.

Khi nào chính phủ ra nghị quyết điều chỉnh (nói thẳng là thu hẹp lại) vùng đệm của di sản, được quốc hội thông qua, thì việc phá hoại, làm tổn thương di sản mới không bị trừng trị. Cứ kiểu “tiền trảm hậu tấu” hoặc chả thèm tấu thế này, chả mấy lúc vịnh Hạ Long sẽ co lại như miếng da lừa, thành cái ao làng, mỗi họ mỗi nhà lấn một tí, rồi mấy thứ “bằng cấp” do U nét bán cho sẽ thành giấy lộn. Tôi bảo thật. Di sản chả mấy chốc mà tan hoang. Ai cố cãi thì hãy coi lại mấy cái ảnh chụp ở khu 10B Quang Hanh, Cẩm Phả, giữa “biển trời bao la, đẹp như gấm hoa” thế, tự dưng quây lên những dãy nhà nghễu nghện như chọc vào mắt thì nó còn ra thể thống gì.

Vụ phá này, đừng lo nó phá môi trường bởi bây giờ với khoa học và công nghệ hiện đại người ta có rất nhiều cách vừa tồn tại vừa bảo vệ môi trường, mà nghiêm trọng nhất, khốn kiếp nhất là phá cảnh quan đang được cả nước gìn giữ, tự hào, bảo vệ.

Xứ ta có hơn 3.200 cây số bờ biển (chưa kể phần bao quanh các hòn đảo). Việc mở rộng lãnh thổ về phía biển theo tác động tự nhiên đã diễn ra từ bao đời, do trời chứ không phải con người. Những vùng cửa sông dễ thấy nhất. Phù sa từ thượng nguồn đã tạo biết bao vùng đất mới ven biển. Nhớ hồi học phổ thông có câu thơ “Cuồn cuộn ngang trời một dòng sông đỏ/ Phù sa phù sa ôi sức sống mênh mông” (lâu quá của ai quên mất rồi, hình như Thái Giang).

Làng tôi (ở huyện Kiến Thụy, đất Hải tần phòng thủ, gọi tắt là Hải Phòng) theo đường chim bay cách biển chưa tới chục cây số. Hồi còn bé, thập niên 50 – 60, tôi thường lần mò tới chỗ người nhớn đào giếng, trong đó có giếng nhà tôi đào năm 1965, thấy cứ sâu khoảng 6 – 7m móc lên tinh những vỏ sò vỏ hến. Thày tôi bảo, xa xưa chỗ quê mình là biển. Sách giáo khoa cũng dạy vậy. Bu tôi kể, hồi năm 1955 đất Phòng quê tôi bị trận bão biển lớn, sóng thần ập sâu vào đất liền mấy cây số, vỡ đê, nước ngập tới gần cầu Rào. Kể lại để biết rằng đất đã mở ra phía biển nhiều lắm.

Nói đâu xa, chỗ cống Rộc, đầm Vươn (nổi danh vụ cưỡng chế tháng 2.2012) ở Tiên Lãng hơn 2/3 thế kỷ trước chỉ là biển chứ đâu phải đất đai để gây bao hệ lụy phẫn nộ đau buồn. Năm 1969, bọn học trò lớp 8 chúng tôi kéo nhau từ huyện Kiến Thụy qua xã Vinh Quang quê Vươn giúp dân gặt cói, đồng cói bát ngát khi ấy bây giờ là chỗ trung tâm xã. Nghe kể bộ phim “Người về đồng cói” khá nổi tiếng có cô Thanh Loan xinh đẹp đóng, cũng trên thực địa xã này.

(Còn tiếp)