Tuesday, February 12, 2019

Đất nước có bao giờ như thế này chưa?

Theo VOA-Mạnh Kim/13/02/2019
Hình minh họa.

Chỉ vài tuần trước và sau Tết mà dòng thời sự Việt Nam đã tiếp tục “chảy siết” với vô số vụ việc khiến không khỏi cười ra nước mắt…
Đất nước có bao giờ diễn như thế này chưa?
Đầu tiên là bức ảnh Chủ tịch nước-Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi chúc Tết và lì xì công nhân vệ sinh vào tối 4-2-2019 (30 Tết) tại đường Thanh Niên (Hà Nội). Hành động “đẹp” và “đầy tính nhân văn” này đã nhanh chóng bị nghi ngờ là ngụy dựng, một màn diễn kém chất lượng được dựng tồi bởi đạo diễn dỏm. Điều khiến dư luận… hể hả là cô “nhân viên môi trường” nhận bao lì xì của ông Trọng lại trông giống như một nhân vật mà chỉ hai ngày trước đó đã đến Đội cảnh sát giao thông số 14 thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội nhận lại cái ví bị mất, một hình ảnh thể hiện “nghĩa cử cao đẹp” và “đạo đức liêm khiết” của ngành công an. Mãi đến ngày 12-2, tờ VTC News mới đăng bài “Sự thật về cô gái xuất hiện trong hai bức ảnh dậy sóng dân mạng trước Tết Nguyên đán”. Bài báo cho biết cô gái nhận lại ví bị mất tên là Ngô Nhã Phương, trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, “một nửa sự thật” còn lại - tức danh tánh, chỗ ở và tông tích thật của cô “nhân viên môi trường” - thì vẫn còn nằm trong diện “bí mật đời tư” “chưa được công bố”! 
Liên quan chuyện “diễn”, vài năm gần đây, ngành công an sử dụng rất mạnh “ảnh hưởng truyền thông” để xây dựng hình ảnh và gầy dựng uy tín sau vô số “mất mát” và “tổn thất” uy tín trước những vụ “nhấc chân va chạm” người dân một cách thô bạo và phản cảm. Những cảnh đưa cụ già qua đường, đỡ cụ già ngã té, đưa cụ già chai nước suối liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông… Vấn đề ở chỗ các “đồng chí” làm tuồng kém quá. Các “đồng chí” lý ra nên được đào tạo vài khóa vỡ lòng về kỹ năng diễn xuất lẫn kỹ thuật “xây dựng kịch bản”. Hầu như tập phim ngắn nào của các “đồng chí” cũng trở thành “bom tấn” trên mạng và được khán giả nhiệt liệt… chỉ trích. Ngôn ngữ của “hệ thống đảng” thường nhắc đến từ “thực chất”, “đi vào thực chất”, “hành động thực chất”… nhưng các “đồng chí” thay vì “thực chất” vai trò của mình thì lại biến mình thành kẻ xấu dưới mắt người dân rồi sau đó lại diễn vai người tốt một cách rất không “thực chất”. Đất nước này cần công an tốt, công an không hối lộ, công an không làm chết dân trong đồn. Đất nước này không cần công an có “nghiệp vụ” “đóng phim”. Mà nói cho hết thì không chỉ công an. Diễn đang là “xu hướng”. Gần như mọi ngành và mọi nhân vật chính quyền đều diễn cả, từ trồng cây, đến cày ruộng, từ vỗ về thiếu nhi đến chăm lo người nghèo. Tại sao “xu hướng” diễn lại “thịnh hành”? Vì “thực chất” kém quá nên phải diễn, dù diễn dở, diễn gượng, bất chấp diễn bị “lộ” là... diễn!
Đất nước có bao giờ nhảm như thế này chưa?
“Bắt đầu mùa lễ hội: Tôi tắm mình trong dòng suối nhân văn” – phát biểu của tiến sĩ Trần Hữu Sơn, phó chủ tịch thường trực Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (VOV, 6-2-2019). Nói đến lễ hội, đất nước không “tắm” nổi trong “dòng suối nhân văn”. “Nhân văn” nào ở đây? Lễ hội bây giờ là dịp buôn thần bán thánh, là dịp phơi bày các hành vi kém văn hóa, là thời điểm để người ta thể hiện bản năng sống còn, và cả “niềm tin”. Ngày 3-2-2019, dư luận đã “choáng” với bài báo VietnamNet: “Dân ơn Đảng! Đảng ơn Dân!”. “Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam?... Không biết tự thời nào, người dân, thành thói quen, cất lời là “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Được mùa, sắm thêm con trâu cày, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có con đỗ đại học, có công ăn việc làm, “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Sinh thêm con, đẻ thêm cháu, cũng không quên “ơn Đảng, ơn Chính phủ”. Có thêm cây cầu, đoạn đường, con đập, mái trường, người dân cởi lòng ngợi ca Đảng, “Đảng tốt thật”… Bài báo viết. Tuy nhiên, khi đất nước “hân hoan bước vào mùa lễ hội” thì mới thấy, với dân, chẳng có Đảng nào ở đây. Người ta mê ông Thần Tài; bứt lông lợn để “lấy hên”, đập nhau vỡ đầu để giành “phết”; giật manh chiếu ở sân đình với ước vọng sinh con trai… Phó giáo sư-tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân còn cho biết, “Có người lợi dụng lễ hội để ẩu đả, trả thù…”.
Lễ hội còn cho thấy một sự xả tràn ẩn uất xã hội, những ẩn uất dồn nén được dịp “mở van” hết cỡ, tương tự sự “vỡ òa” của chiến thắng bóng đá. Như bóng đá, lễ hội cũng được làm rùm beng, để người dân quên đi những thực trạng đất nước. Lễ hội là lá bài mị dân. Tuy nhiên, cũng từ lễ hội người ta mới thấy khái niệm niềm tin đang khủng hoảng như thế nào. Người dân đang tin gì? Điều gì mới thật sự đáng gọi là “niềm tin” và “một bộ phận không nhỏ người dân” đang tin vào lông lợn, vào thần linh, hay tin vào chính quyền, vào “ơn Đảng”? 
Đất nước có bao giờ loạn như thế này không?
Ngày 10-1-2019, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV với nội dung cấm hai xe mang biển số 51A-558.50 và 51G-772.56 được phép chạy trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, với lý do “hai phương tiện này đã có hành vi cố tình dừng xe ở trước trạm thu phí, không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trạm, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực”. Dư luận phản ứng dữ dội trước quyết định này và giới luật sư cũng cho biết đây là một quyết định phạm luật. Có bao nhiêu điều trái khuấy phạm luật diễn ra hàng ngày ở Việt Nam và có bao nhiêu chuyện phạm luật được diễn dịch bằng những lấp liếm chẳng hạn vụ hai công an An Giang nhậu xỉn đánh dân vào ngày 6-2-2019 (mùng hai Tết) đã được miêu tả là “trên tay có cầm một vật giống gậy sắt” (Đất Việt 12-2-2019)? Đất nước có bao giờ loạn đến mức này? Điều đáng nói là bi kịch loạn trong xã hội Việt Nam sẽ không kết thúc. Điều đáng nói nhất là chẳng ai biết đất nước sẽ tiến đến đâu nhưng mọi người đều có thể hình dung nó lùi như thế nào…

Khi VEC tự cho mình là nhà nước

 Theo VOA-Mặc Lâm/12/02/2019
Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy hồi năm ngoái. Ngay BOT này bắt đầu thu phí lại nhưng giảm giá vé và kéo dài thời hạn khai thác.
 Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy hồi năm ngoái. Ngay BOT này bắt đầu thu phí lại nhưng giảm giá vé và kéo dài thời hạn khai thác.
Mạng xã hội Việt Nam trong những ngày đầu năm bị lôi cuốn theo những tin tức về vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, tiếp theo đó là một loạt câu hỏi liên quan đến số tiền thu được và nghĩa vụ thuế của công ty với nhà nước. Từ vụ cướp này người dân thấy rõ mức thu vô lý của một BOT trên lưng họ và dư luận bàn tán không dứt về tình trạng khai gian thu nhập của các đại gia chủ các BOT bẩn trên toàn quốc.
Câu chuyện chưa ngã ngũ thì một tin khác xuất hiện trên báo chí làm cho dư luận căm phẫn hơn cả việc BOT gian lận, đó là bản tin VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý, khai thác. Nguyên nhân hai phương tiện bị cấm có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019. VEC cho rằng những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
VEC là chữ viết tắt của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Vietnam Expressway Corporation). Nó là một doanh nghiệp chuyên môn đầu tư vào các dự án đường cao tốc và tranh thầu các BOT (viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao). Chính phủ kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho chính quyền sở tại.
VEC là một Tổng công ty chuyên môn vào lãnh vực đó, và khi nó tự ý “từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tuyến cao tốc do đơn vị quản lý” thì người dân bắt đầu tự hỏi liệu quyết định mà nó đưa ra có hợp pháp hay không? Và dựa vào tiêu chuẩn pháp lý nào nó có quyền cấm người dân vận hành trên đất nước của mình trong khi chính bản thân nó không phải là một cơ quan quản lý giao thông có quyền hạn xử phạt những phương tiện vi phạm pháp luật?
Ông Nguyễn Viết Tân, giám đốc VEC là người ký quyết định này và còn tuyên bố với báo chí rằng mọi quyết định của VEC đều hợp pháp.
Cụm từ “Từ chối phục vụ” chỉ là uyển ngữ, nó che bớt đi sự lộng hành của một doanh nghiệp đang nắm giữ huyết mạch lưu thông tại Việt Nam, thay vì nói “Cấm lưu hành” có vẻ công an quá nó chuyển sang “từ chối” cho dễ nghe hơn giống như trước đây nó từng sử dụng “thu giá” thay vì “thu phí”. Cách nói của những chủ nhân ông đường nhựa nắm giữ phương tiện giao thông của người dân qua hành vi thu phí cao một cách bất hợp pháp.
“BOT bẩn” là cụm từ rất chính xác khi mô tả những trạm thu phí do doanh nghiệp câu kết với chính quyền địa phương nhằm móc túi dân chúng một cách hợp pháp. Đã có phát hiện nhiều chủ tịch Ủy ban của địa phương có cổ phần trong các BOT, nơi họ có quyền sinh sát. Những nhóm lợi ích từ lâu nhắm tới các BOT như những bầu sữa vô tận khi mà mọi phản ứng của dân chúng đều bị chính quyền đứng phía sau hành hung bằng các hình thức côn đồ, lưu manh sẵn sàng đàn áp người dân nếu họ chống lại BOT bẩn. Hai chiếc xe bị VEC cấm lưu hành trên các tuyến đường thuộc quyền thu phí của nó đã từng có hành động công khai chống lại việc thu phí quá giới hạn và tài xế hai chiếc xe này chống lại bằng cách bất hợp tác.
VEC dù có lớn đến cỡ nào cũng chì là một doanh nghiệp, nó có quan hệ với khách hàng là những người sử dụng con đường mà nó đặt trạm thu phí cũng chỉ là quan hệ dân sự. Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV của Nguyễn Viết Tân ký vào ngày 10.1.2019 không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý, nó chỉ làm cho sự căm phẫn của người dân dày thêm khi họ đã chịu đựng những chèn ép qua các mức thu lệ phí hút máu không thua gì cá mập của các BOT bẩn trên khắp nước.
VEC không phải là cơ quan quản lý đường cao tốc mà chỉ là đơn vị khai thác, đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc, VEC không có chức năng và thẩm quyền quản lý Nhà nước nhất là việc xử phạt vi phạm.
Xét về hành vi, Nguyễn Viết Tân có thể vi phạm pháp luật khi tự ý cấm đoán người dân trong khi chức năng của ông ta chỉ là giám đốc doanh nghiệp. Người dân có quyền lưu thông trên bất cứ con đường nào miễn là họ đóng thuế hay phí đầy đủ cho phương tiện của họ, mọi hành động chống đối lại các hành xử thô bạo của một BOT bẩn nếu có tranh chấp thì cơ quan pháp luật như tòa án mới có quyền đưa ra quyết định cấm hay không cấm tùy theo trường hợp. Nguyễn Viết Tân đã lộng hành ký quyết định xử phạt người dân trong khi một doanh nghiệp chỉ có thể hành xử đối với nhân viên dưới quyền của nó mà thôi.
Nguyễn Viết Tân có thể đang “vận động” báo chí bênh vực cho hành vi phạm pháp của ông ta qua những nghị định từng được chính phủ ký có liên quan đến các cung đường có BOT nhưng tới giờ phút này mạng xã hội vẫn nóng bỏng trong đề tài này vì thế khó lòng có tờ báo nào dám đi ngược lại với hành động phi pháp của Nguyễn Viết Tân khi ông ta tưởng có thể vượt lên trên pháp luật bằng đồng tiền mà công ty ông ta có được từ từng đồng bạc cơ cực của người dân.
Quyết định của một đơn vị không có chức năng nhà nước lại xâm phạm quyền tự do đi lại của người dân nếu không được xử lý thì rồi đây sẽ có những quyết định khác theo sau do các nhóm lợi ích nghĩ ra để đẩy người dân vào đường cùng. Khi lưng đã bị đẩy vào tường hành động tất yếu là người ta sẽ phản ứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đến lúc ấy sẽ còn nhiều đề tài hay ho cho báo chí lẫn mạng xã hội.
(Đến tối ngày 12 tháng Hai, giờ Việt Nam, báo chí trong nước bắt đầu đưa tin, rằng lãnh đạo VEC cho biết vụ “từ chối phục vụ vĩnh viễn” “mới chỉ là đề xuất, không đủ cơ sở thực hiện.”)

Thấy gì từ chuyện kẹt xe sau Tết

Theo VOA-Trân Văn/12/02/2019 
Xe cộ một buổi tối tháng 11 ở Sài Gòn, dọc sông Sài Gòn.
Xe cộ một buổi tối tháng 11 ở Sài Gòn, dọc sông Sài Gòn.
Có lẽ còn lâu dư luận mới nguội sau khi hình ảnh và những thông tin liên quan đến chuyện người – xe kẹt cứng trên nhiều con đường theo hướng từ đồng bằng sông Cửu Long đến TP.HCM, đặc biệt là tại “cửa” vào Sài Gòn, tràn lan cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức.
Đã có rất nhiều người so sánh tổng chiều dài cao tốc ở miền Bắc, miền Trung (khoảng 2.400 cây số), với tổng chiều dài cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long (vỏn vẹn 40 km), để chỉ ra sự chênh lệch rất lớn về tiện nghi hạ tầng của các khu vực. Miền Nam làm bao nhiêu nộp bấy nhiêu để nuôi các vùng, miền khác nhưng chỉ được hưởng sái (1).
Tất nhiên không phải tự nhiên mà thiên hạ đồng thanh cho rằng, TP.HCM nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam Việt Nam nói chung bị xem là bò, không may rơi vào tay chủ bò là thứ vừa vô nhân, vừa thiển cận, chỉ biết vắt cho kiệt cả sức lẫn sữa bò mà không cho ăn, không cho nghỉ ngơi.
Đừng nghĩ thế, nói thế mà thêm… tội!
Cho dù kinh tế èo uột, hạ tầng miền Trung, đặc biệt là miền Bắc vẫn tốt hơn hẳn, dẫu ở miền Trung, miền Bắc, nhiều con đường ngốn hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác rồi để đó, thậm chí không thiếu những con đường làm xong chỉ để thả trâu, bò (2) nhưng ai dám bảo dân miền Trung, miền Bắc thoát kiếp làm… bò và được chủ bò nương tay?
Bế tắc về sinh kế, cư dân đồng bằng sông Cửu Long lũ lượt bỏ xứ, đổ về TP.HCM kiếm sống thì dân miền Trung, miền Bắc cũng thế, thậm chí họ còn lũ lượt thế chấp nhà cửa, ruộng vườn để được đi làm mướn bên ngoài Việt Nam, kể cả Lào, Trung Quốc. Miền Trung, miền Bắc đâu có thiếu những ngôi làng chỉ còn người già, trẻ con.
Ở đâu thì đầu tư vào hạ tầng, thực hiện dự án cũng nhân danh phát triển nhưng có nơi nào kinh tế - xã hội tạo ra cơm no, áo ấm, an lành cho số đông? Thực thi “công bằng” ở miền Nam thế nào thì màu sắc “dân chủ” ở miền Trung, diện mạo “văn minh” ở miền Bắc cũng thế. Dưới sự lãnh đạo “tài tình, sáng suốt” của đảng CSVN, làm gì có dân miền nào may mắn, hạnh phúc hơn dân những miền khác!
Chỉ bày tỏ sự bất bình, đòi đối xử công bằng, yêu cầu giảm chỉ tiêu đóng góp cho công khố đối với TP.HCM nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung để có thể tái đầu tư vào hạ tầng, gia tăng phúc lợi công cộng giống như dặm nền để phát triển tốt hơn, như nhiều người vẫn nghĩ, vẫn nói trước nay là thêm… tội!
Từ cuối năm 2017 – thời điểm Quốc hội Việt Nam “nhất trí” thông qua “Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM” – dẫu quyền hạn trong quản trị điều hành (tự quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự quyết về chủ trương đầu tư các dự án vốn thuộc thẩm quyền chính phủ, tự quyết về một số loại thuế - phí, được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do điều chỉnh chính sách thu, được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán công sản,…) được nới rộng (3), có nhiều tiền hơn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền TP.HCM đã làm được gì ngoài Quyết định xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch”, trị giá 1.508 tỉ đồng, tại Thủ Thiêm, Quyết định xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” (diện tích 27 héc ta, ngoài quảng trường, còn có Cột cờ tổ quốc, Công viên lưu niệm 63 tỉnh – thành phố, Nhà Trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà sàn và ao cá Bác Hồ), trị giá 2.000 tỉ, cũng tại Thủ Thiêm (4), San phẳng khu dân cư Lộc Hưng ở Tân Bình?..
Lấy gì bảo đảm giảm nghĩa vụ đóng góp, đầu tư mạnh mẽ hơn cho TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long sẽ giải quyết được các vấn nạn kinh tế - xã hội càng ngày càng trầm kha? Ai dám khẳng định công thổ, công sản sẽ được mua bán sòng phẳng, sử dụng hợp pháp, hợp lý, không có chấm mút, chia chác, những cao tốc sẽ được xây dựng không có hố, ổ, những trạm BOT tận thu như ở miền Trung, miền Bắc?..
***
Với những đặc điểm như đã biết của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, sau tiến trình lựa chọn – quy hoạch – bổ nhiệm làm cán bộ chủ chốt vốn rất nhất quán từ trung ương đến địa phương, ai dám tin những đảng viên cộng sản ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trí tuệ, tử tế, tự trọng, sạch sẽ hơn các đồng chí của họ ở miền Trung, miền Bắc?
Nếu nhìn những vấn nạn kinh tế - xã hội ở TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, trong đó có tình trạng kẹt cứng, không thể di chuyển, tiến chẳng được mà thoái cũng chẳng xong sau đợt nghỉ Tết âm lịch,… hoàn toàn chỉ vì đối xử chưa công bằng, đầu tư chưa hợp lý, giống như các cơ quan truyền thông chính thức đang biện giải (5) thì chỉ thêm… tội, một thứ tội tổ tông, chính mình dẫu không hề phạm tội nhưng vì lỗi của ông cha, nên mình mang, con mình mang, cháu mình mang!
Chú thích

“Anh cướp”

Nguyễn Tường Thụy Theo RFA-2019-02-12   
Hình minh họa. Tài xế phản đối một trạm thu phí BOT
Hình minh họa. Tài xế phản đối một trạm thu phí BOT-Courtesy of Facebook
Lần đầu tiên, thấy dân mạng “trân trọng” gọi cướp bằng... anh. Chuyện bề ngoài có vẻ vui vui nhưng ngẫm ra lại vừa buồn, vừa chua cay. Đó là vụ hai tên cướp đột nhập vào phòng kế toán Trạm thu phí Dầu Giây khoắng đi 2,22 tỉ đồng hôm mùng 4 tết, giữa ban ngày. Không biết con số này đã bao gồm 80 triệu đồng hai tên cướp đánh rơi ở hiện trường chưa, nếu chưa thì số tiền bị cướp là 2,3 tỉ..
Con số hơn 2 tỉ làm dư luận giật mình. Người ta tính ra, mới tiền thu phí BOT của 1 ca đã là 2 tỉ (hào phóng bỏ qua con số lẻ) thì 1 ngày 3 ca phải là 6 tỉ, rồi từ đó tính ra 1 tháng, 1 năm riêng trạm này thu là bao nhiêu. Người nhà BOT giải thích không phải vậy mà số tiền ấy của nhiều ca dồn lại. Tất nhiên giải thích thì cứ giải thích, còn tin hay không lại là chuyện khác, nó phụ thuộc về độ tin cậy của dư luận đối với nhà BOT mà tin nhà BOT có lẽ chỉ là người thần kinh có vấn đề.
Vụ cướp này làm cho cư dân mạng hả hê, không phải vì bắt được kẻ gian mà vì lòi ra số tiền thu phí BOT khủng như thế nào. Dân mạng vốn vui tính, hài hước nên gọi hai tên cướp bằng... anh. Người đề nghị ân xá, người đề nghị thưởng công, thậm chí có người còn đề nghị phong... anh hùng cho hai “anh cướp”.
Chứ không à. Vì ngoài các “anh” thì còn ai tìm ra con số thực thu của BOT là bao nhiêu. Dựa vào báo cáo ư? Không ai điên mà tin vào báo cáo. Thanh tra ư? Không phải thanh tra không có trình độ mà tìm đâu ra thanh tra nào vượt qua được cám dỗ của đồng tiền. Vì vậy mới có câu: “Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì/ Cứ có phong bì là nó thanh kiu”.
Ví dụ, với khối tài sản đồ sộ của nguyên tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, chẳng có thanh tra nào kết luận được trong đó có 1 đồng tham nhũng, đành chỉ biết đến lời giải thích của ông ta là “tôi lao động đến thối cả móng tay”. Hay biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng chỉ biết do “buôn chổi đót” mà có. Có thể nhắc thêm ông Nguyễn Sĩ Kỷ, Phó ban nội chính tỉnh ủy Đăk Lăk kể lể rất bi thương rằng để xây được biệt thự phải chạy xe ôm, nuôi heo nuôi gà...
Không chỉ các “anh cướp” có công tìm ra BOT nhiều tiền như thế nào mà cả các “anh trộm” cũng có công phát hiện ra sự giàu có của quan chức.
Không chỉ các “anh cướp” có công tìm ra BOT nhiều tiền như thế nào mà cả các “anh trộm” cũng có công phát hiện ra sự giàu có của quan chức. Càng ngày, càng có nhiều vụ trộm viếng thăm nhà quan chức lấy đi hàng tỉ đồng tiền mặt mỗi vụ. Quan chức ở đây đủ mặt: cán bộ tòa án, viện kiểm sát, công an, chủ tịch ủy ban các cấp... Ngay cả nhà ông Nguyễn Thế Thảo, lúc đương kim chủ tịch Hà Nội, trộm cũng không bỏ qua. Không phải trộm thương dân thường hay có mối thù giai cấp với quan chức mà đơn giản là nhà quan chức mới lắm tiền. Điều này không ai có thể bác bỏ. Vì vậy, có quan chức mất trộm không dám báo hoặc khai bớt đi số tài sản bị mất.
Trở lại vụ cướp đột nhập vào trạm BOT Dầu Giây. Từ mấy năm nay, BOT là nỗi nhức nhối của xã hội. Đi đường cao tốc phải trả phí là lẽ thường nhưng anh em lái xe bức xúc ở chỗ, vị trí đặt trạm nhập nhằng, đi đường quốc lộ cũng bị thu phí, thu phí quá cao, hoặc hoàn vốn rồi vẫn tiếp tục thu phí. Vì vậy mới xảy ra “chiến tranh tiền lẻ” gay gắt, quyết liệt và dai dẳng, mà khởi đầu là BOT Cai Lậy vào nửa cuối năm 2017. Được biết, cả nước có tới 17 trạm đặt sai vị trí trên tổng số 67 trạm đang thu phí trên cả nước. Chẳng oan ức gì khi người ta gọi BOT là trạm hút máu dân.
Một tài xế phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy bị bắt giữ
Một tài xế phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy bị bắt giữ năm 2017Courtesy of FB Bạn Hữu Đường Xa
Nếu chỉ đơn giản là thu phí BOT để hoàn vốn đã bỏ ra thì chẳng ai nói. Vấn đề là gian lận trong việc thu phí. Không có gì dễ thu, thu tùy tiện và thoải mái như thu phí BOT. Không có chuyện chậm trễ, xin khất như thu thuế lại còn được tùy ý định giá. Tuy nhiên, cái lợi trong việc kéo dài thời gian thu hồi vốn là thứ lợi gần như chẳng mất gì ngoài việc mất công thu phí. Đây là cái lợi do ăn không của xã hội. Vì vậy, nhà BOT tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian thu hồi vốn.
Cách duy nhất để kéo dài thơi gian thu hồi vốn là khai gian doanh thu. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có lần cho biết có tuyến đường BOT nhà đầu tư nói 1 ngày thu 1 tỷ đồng tiền phí nhưng dư luận phản ánh thực tế số tiền tới 3 - 4 tỷ đồng.
Chỉ cần lấy con số cận dưới là 3 tỉ, thì việc thu 3 khai 1 đã làm cho thời gian thu hồi vốn kéo dài ra gấp 3. Nói cách khác, nếu một BOT do khai gian mà được phép thu phí trong vòng 20 năm, thì trên thực tế chỉ cần chưa đến 7 năm đã thu hồi đủ. 14 năm còn lại là ăn không của xã hội, mà trực tiếp là anh em lái xe.
Vì vậy, cư dân mạng gọi vụ cướp BOT Dầu Giây sáng mùng 4 tết Kỷ Hợi là cháy nhà ra mặt... BOT. Hai “anh cướp” trong vụ này được cư dân mạng “tôn vinh” một cách sâu cay là vì thế.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Ân xá Quốc tế: Tuyển thí sinh sư phạm cao trên 1m50 là “việc làm vô cùng phản giáo dục”!

RFA-2019-02-12 
Hình minh họa. Học sinh một trường cấp ba ở Hà Nội hôm 4/10/2016
  Hình minh họa. Học sinh một trường cấp ba ở Hà Nội hôm 4/10/2016-AFP
“Việc loại bỏ thí sinh dựa trên hình thể chứ không phải trí tuệ, là việc làm vô cùng phản giáo dục, trớ trêu thay đây lại là quy định nhắm tới các đối tượng muốn trở thành giáo viên,” đại diện tổ chức Ân xá Quốc tế nói trong thông cáo gửi Đài Á Châu Tự Do.
Hôm 12/2/2019, mạng báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường này đã có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên trong năm 2019.
Theo đó, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên.
Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.
Thông tin này lập tức vấp phải phản ứng của dư luận vì cho rằng quy định của trường này phân biệt đối xử và vi phạm quyền con người.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở 2 nước Campuchia và Việt Nam thì “không chỉ học sinh ở TPHCM bị ảnh hưởng bởi quyết định này, mà toàn bộ thí sinh ở miền nam đều sẽ chịu ảnh hưởng, bởi ai cũng biết rằng học sinh ở các tỉnh lân cận, thậm chí cả ở miền Trung đều muốn thi đậu vào trường sư phạm TPHCM một khi muốn theo đuổi nghề giáo.”
Ông Sơn cho biết thêm:
Việc nhắm đến khác biệt về mặt hình thể (thấp dưới 1m50) và loại bỏ quyền được học hành của họ, là hành vi vi phạm nhân quyền kép, thứ nhất nó mang tính phân biệt đối xử và thứ hai nó tước đoạt quyền tiếp cận dịch vụ công (giáo dục đại học) của những bạn có chiều cao không đủ 1m50”.
Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế có mục đích bảo vệ tất cả quyền con người này thì các thí sinh bị ảnh hưởng bởi quy định của trường “đào tạo thầy, cô giáo” ở TPHCM có “quyền khiếu nại, thậm chí kiện trường đại học sư phạm TPHCM bởi đây là một quy định vi phạm pháp luật”.
“Tôi cho rằng bộ giáo dục và đào tạo cần phải can thiệp và loại bỏ quy định này ngay lập tức. Và người ban hành quy định này phải chịu trách nhiệm,” ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Hồi tháng 7/2018, mạng báo Công an TPHCM dẫn thông tin từ Trung Quốc cho hay, một nữ nữ sinh viên tiếng Anh năm cuối của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây đã được thông báo không được cấp bằng chỉ vì thiếu... chiều cao.
Theo thông tin này, không chỉ riêng tỉnh Thiểm Tây mà còn nhiều tỉnh khác ở Trung Quốc, nam giới phải cao hơn 1m55 và nữ giới trên 1m50 mới được cấp bằng sư phạm.

Lúng túng của Công an trong quản lý khách nước ngoài

Trung Khang, RFA-2019-02-12 
Du khách nước ngoài tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
  Du khách nước ngoài tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.AFP
Tại hội thảo báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, Bộ Công an đề xuất các khách sạn phải nối mạng với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.Liệu đề xuất này có cần thiết, trong khi các khách sạn vẫn phải đăng ký tạm trú cho khách?

Không cần thiết

Cụ thể, Bộ Công an cho rằng, để quản lý được người nước ngoài vi phạm pháp luật cư trú ở Việt Nam, thì ngoài việc bổ sung quy định "buộc xuất cảnh" với người nước ngoài hết thời hạn tạm trú nhưng không chịu xuất cảnh, Bộ Công an đã đề xuất nhà chức trách cần có chế tài xử phạt với hành vi khách sạn không nối mạng internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Anh Thuận Phong, một hướng dẫn viên du lịch nhận xét:
Quản lý của Việt Nam thì đã khá phiền phức, ví dụ như chuyện tạm trú tạm vắng, tới khách sạn thì họ yêu cầu đưa chứng minh thư đối với người trong nước, còn người nước ngoài thì hộ chiếu, có chỗ thì họ photo lại, có chỗ thì họ mượn rồi hôm sau họ mới đưa lại.
-Nguyễn Văn Mỹ
“Có lẽ là họ muốn kiểm soát khách kỹ hơn, nó cũng là một cái cản trở, nếu họ biết thì tôi nghĩ khách họ sẽ bực mình và không hài lòng.”
Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/2 nhận định:
“Việc nối mạng thì tôi chưa rõ, nhưng quản lý của Việt Nam thì đã khá phiền phức, ví dụ như chuyện tạm trú tạm vắng, tới khách sạn thì họ yêu cầu đưa chứng minh thư đối với người trong nước, còn người nước ngoài thì hộ chiếu, có chỗ thì họ photo lại, có chỗ thì họ mượn rồi hôm sau họ mới đưa lại. Những thủ tục này thì tôi cho là không cần thiết.”
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, khi dẫn khách du lịch đi nhiều nước thì thủ tục của các nước khá đơn giản, khách sạn chỉ yêu cầu hộ chiếu của hướng dẫn viên để photo, chứ họ không đòi hỏi giấy tờ của tất cả các khách.
Anh Thuận Phong nói thêm:
“Dĩ nhiên là cái xứ của mình bao giờ thủ tục cũng rườm rà phức tạp hơn người ta. Ví dụ như dẫn khách ra nước ngoài, có bao giờ khách sạn bên đó đòi hỏi passport của khách đâu, mình chỉ cần đưa họ danh sách có đầy đủ tên họ, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, số visa là ok. Họ không giữ gì hết. Nhưng bên Việt Nam thì luật lệ như vậy, bắt buộc phải xuất trình giấy tờ, do chế độ của mình nên bắt buộc phải có một số bó buộc đối với khách như vậy.”
Khách sạn Novotel ở Phú Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây.
Khách sạn Novotel ở Phú Quốc, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Còn Luật sư Hà Huy Sơn thì cho rằng, việc này có hai mặt, thứ nhất về mặt bảo đảm trật tự an ninh thì cũng là một điều tốt. Nhưng cái thứ hai là cơ quan công an sử dụng thông tin này có xâm phạm đến quyền riêng tư của công dân hay của khách du lịch hay không thì đó cũng là một vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên ông cho biết luật từ trước đến giờ đã bắt buộc đăng ký tạm trú rồi:
“Luật liên quan tạm trú tạm vắng thì vẫn có hiệu lực, các khách sạn vẫn phải đăng ký tạm trú tạm vắng với công an ở phường ở địa phương. Việc vi phạm liên quan nhân thân, hay quyền riêng tư cũng có khả năng xảy ra, chỉ khi nào xảy ra rồi mới đặt trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà cụ thể là phía cơ quan công an. Theo ý kiến của tôi thì mình cũng chưa có gì để có thể nói trước được.”

"Đừng làm khác người ta"

Theo quy định tại Điều 33 Luật nhập cảnh xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với công an địa phương nơi có cơ sở lưu trú.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ thì cho rằng có một cái gì đó khó hiểu ở đây, Việt Nam được mệnh danh là đất nước ổn định chính trị, rất là an ninh. Nhưng những chuyện thủ tục như vậy làm cho người ta nghĩ rằng tình hình an ninh rất là xấu nên phải quản lý kiểu đó. Ông nói tiếp:
“Còn chuyện khách sạn phải nối mạng với cơ quan công an, thì tôi cũng mới nghe và chưa hình dung ra. Nhưng tôi nghĩ làm sao nên bớt các thủ tục hành chính mà anh em thường nói đùa với nhau là ‘hành là chính’ càng nhiều càng tốt. Tức là mình đừng làm khác người ta đi, mình đừng làm cho người ta thấy đất nước mình nhìn đâu cũng thấy là toàn thành phần xấu nên mình phải làm như thế.”
Mình đừng làm khác người ta đi, mình đừng làm cho người ta thấy đất nước mình nhìn đâu cũng thấy là toàn thành phần xấu nên mình phải làm như thế.
-Nguyễn Văn Mỹ
Theo Bộ Công an, việc đề xuất các khách sạn phải nối mạng với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, nhằm tăng cường quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, để ngăn chặn các trường hợp người nước ngoài có các hoạt động như lừa đảo, cướp tài sản, trộm cắp, trốn truy nã, làm giả thẻ ATM... Những người này trốn tại Việt Nam và xé bỏ hộ chiếu, khai báo quanh co về quốc tịch...
Tuy không rõ ý đồ thật sự của Bộ Công an trong việc đề xuất các khách sạn phải nối mạng với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, nhưng những người nước ngoài phạm tội như Bộ Công an nêu lên khi trốn tại Việt Nam thì không ai dại gì lưu trú tại khách sạn có hệ thống quản lý hoàn chỉnh. Đa phần họ đến từ Châu Phi, thuê nhà trọ hay thuê nhà dân. Thay vì đòi hỏi quản lý như vậy, ông Nguyễn Văn Mỹ đưa ra đề nghị:
“Theo tôi biết Việt Nam không có cái danh sách đen, tức là black list, mà nước nào cũng có. Đó là danh sách các nước mà du khách đến từ nước đó, qua đây mang theo rất nhiều vấn nạn, thậm chí họ bỏ trốn ở lại Việt Nam, những nước ở Châu Phi chẳng hạn, thì nên có danh sách để hạn chế thành phần này vào Việt Nam. Theo tôi biết khách vào dạng này rất đông, họ vứt luôn hộ chiếu và ở lại Việt Nam, theo con số không chính thức thì ở Sài Gòn có hàng ngàn người Tây Ba Lô dạng này, họ trốn họ ở lại, thành phố phải lo nhiều thứ, vì họ làm rất nhiều nghề tầm bậy, kể cả lừa đảo, làm xã hội rối ren.”
Ngoài ra, ông Mỹ cũng đề nghị nên đơn giản hóa các thủ tục, ngoài việc cấp visa tại chỗ đối với cửa khẩu hàng không thì nên cấp luôn tại cửa khẩu đường bộ.
Theo ông, có nhiều thủ tục gây khó khăn cho ngành du lịch vì hiện nay ở Việt Nam có sự khác biệt trong quản lý, cửa khẩu hàng không thì Cục Xuất Nhập Cảnh thuộc Bộ Công an quản lý. Nhưng nếu đường bộ và đường thủy thì lại trực thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng thuộc Bộ Quốc Phòng. Nên hiện nay, thủ tục cho khách du lịch đường biển vào Việt Nam rất khó và phức tạp. Vì vậy ông đề nghị nên thống nhất một cơ quan quản lý thì sẽ đồng bộ hơn.

Biến tướng lễ hội Tết cổ truyền

 RFA-2019-02-12   
Người Việt cầu nguyện tại Văn Miếu ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 2 năm 2019.
Người Việt cầu nguyện tại Văn Miếu ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 2 năm 2019.AFP

Cầu may hay mê tín?

Theo số liệu trong sách Tập tục người đời của Phan Cẩm Thượng tổng hợp từ các website nghiên cứu về lễ hội, tính đến năm 2009 Việt Nam đã có 7.966 lễ hội.
Trên các trang báo mạng, hầu như ngày nào cũng cập nhật những bài viết, video cảnh người chen lấn, xô đẩy nhau để tham gia lễ hội cầu may như xoa tiền vào chùa Đồng trên núi Yên Tử, hay xoa tiền lên các tượng Phật chùa Bái Đính, hoặc đuổi bắt và bứt lông lợn trong lễ hội “ông cầu” ở Phú Thọ, thấm tiền vào máu lợn mới bị chém ở Bắc Ninh…
Các lễ hội sau này có khuynh hướng thương mại. Ban tổ chức thì thương mại, người đi lễ thì cầu lợi theo kiểu cầu lợi thực dụng chứ không phải cầu mong canh “tĩnh” cho tâm tính, tâm hồn.  - Nhà báo Vỹ Đặng
Gần đây nhất, trong lễ hội Đúc Bụt ở tỉnh Vĩnh Phúc vào sáng ngày 12/2, hàng trăm thanh niên xã Đồng Tĩnh đã giành giựt nhau những mảnh chiếu với niềm tin ai cướp được chiếc chiếu có bó mạ xanh trên đầu thì vợ chồng năm đó sẽ sinh hạ con trai.
Nhận xét về việc này, bạn Bảo Ngọc đang ở Sài Gòn cho biết mặc dù những lợi ích này đều không có cơ sở khoa học, nhưng vẫn được nhiều người tham gia vì:
“Một số người thì a dua (hùa) theo, một số người thì người ta bế tắc trong chuyên gì đó, cần niềm tin ở tinh thần, còn một số người mù quáng nghĩ đó là thiệt thì người ta làm. Người ta cứ làm thôi, đôi khi không hiểu làm để làm gì, nhưng cứ thấy người ta làm thì mình làm. Người Việt Nam hay đi theo số đông mà.”
Nhận xét thực trạng lễ hội hiện nay dưới góc nhìn cá nhân, ông Đặng Vỹ, một cựu nhà báo ở Việt Nam trong email trao đổi với Đài Á Châu Tự Do lại cho rằng:
“Các lễ hội sau này có khuynh hướng thương mại. Ban tổ chức thì thương mại, người đi lễ thì cầu lợi theo kiểu cầu lợi thực dụng chứ không phải cầu mong canh “tĩnh” cho tâm tính, tâm hồn. Các hoạt động về sau thiên về thỏa mãn bản năng, thú tính. Hình như người Việt bị đè nén nhiều về mặt thống trị, không biết làm sao giải tỏa, nên các hoạt động lễ hội hay gì đó có đám đông là họ hành động theo khuynh hướng phải làm gì đó để giải phóng, giải tỏa, hả hê. Không đánh lại được kẻ mạnh thì quay qua hành kẻ yếu để giải tỏa, nên mới quay qua hành hạ “súc vât” là kẻ yếu.”
Lễ hội Vật cầu. Ảnh chụp ngày 9/2/2019.
Lễ hội Vật cầu. Ảnh chụp ngày 9/2/2019. AFP
Theo tác giả Phan Cẩm Thượng viết trong sách Tập tục người đời, lễ hội là một hoạt động quy tụ con người, kết nối họ trong một cội nguồn văn hóa, đưa họ trở về với quá khứ và san bằng các khoảng cách… nếu không là sự thăng hoa văn hóa, lễ hội có thể là sự quá khích của một cộng đồng, khi mà con người cất lý trí cá nhân của mình hòa vào đám đông.”
Trích dẫn từ những nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các nhà quan sát, Tiến sĩ Hán – Nôm Nguyễn Xuân Diện đánh giá rằng đang có vấn đề loạn tâm linh ở Việt Nam hiện nay:
“Loạn tâm linh này xuất phát từ việc loạn lòng tin nên vào mỗi dịp đầu xuân thì lợi dụng tâm thế bất an của xã hội như vậy, những người kinh doanh những khu du lịch hay những đền chùa tâm linh bịa đặt ra những trò khiến người dân mê muội và cứ làm theo. Tưởng rằng như thế đem lại may mắn, lợi lộc cho họ, nhưng thực chất đấy là niềm tin mù quáng.”
Vẫn theo Tiến sĩ Diện, do người dân vừa loạn tâm linh vừa rối loạn niềm tin và mất phương hướng như vậy nên người ta bị cuốn theo những lễ hội này theo phản xạ không có ý thức.

Hóa vàng

Bên cạnh việc đi chùa tham gia lễ hội, dâng lễ mong bình an, tục hóa vàng đang ngày càng mạnh mẽ và phổ biến nhiều hơn.
Báo mạng Nghệ An ngày 12/2 có bài viết cho thấy mỗi ngày trong dịp Tết Kỷ Hợi tại đền thờ quan Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng, tỉnh Hà Tĩnh, người dân đã hóa vàng cả ngàn con ngựa giấy, cao từ 1-3 mét với mức giá từ 300-500.000 đồng/con.
Loạn tâm linh này xuất phát từ việc loạn lòng tin nên vào mỗi dịp đầu xuân thì lợi dụng tâm thế bất an của xã hội như vậy, những người kinh doanh những khu du lịch hay những đền chùa tâm linh bịa đặt ra những trò khiến người dân mê muội và cứ làm theo.  - TS. Nguyễn Xuân Diện
Theo thống kê chính thức từ truyền thông Việt Nam được báo Nghệ An trích lại, mỗi năm người dân chi khoảng 5.000 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã.
Vào ngày 22 tháng 2 năm ngoái, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra công văn số 31, đề nghị các Phật tử loại bỏ thủ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nguồn gốc việc đốt vàng mã có từ Trung Quốc được truyền sang Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ thời Đường ở bên Trung Quốc người ta đã không chấp nhận và bài xích việc đốt vàng mã này rồi, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa bỏ được và ngày càng đốt nhiều thêm:
“Ban ra như vậy và Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tiếng hay như vậy nhưng thực ra không thể thực hiện được, không có chế tài nào để thực hiện, không phải là văn bản gì mà người Phật tử tuân thủ. Bởi vì người ta đến chùa bây giờ không phải tìm kiếm chút tĩnh tại trong tâm hồn hoặc niềm mong ước, lời cầu khấn một cách trong sáng, mà người ta đến với bàn thờ Phật và những ngôi chùa Phật bây giờ với tinh thần cầu cạnh, cầu cúng quyết liệt. Và với niềm tin mê lầm như vậy, nên Giáo hội Phật giáo không thể nào cấm được việc đốt vàng mã, ngay cả ở trong chùa cũng thế.”
Vẫn theo ông, mỗi một ngôi chùa thường có điện thờ mẫu, diễn ra nghi lễ lên đồng. Trong những cuộc lên đồng bao giờ cũng đốt vàng mã với số lượng lớn, nhiều khi một lễ cúng có thể đốt hết nửa tỷ đồng tiền vàng mã.
Trong cuộc họp thường trực chính phủ về tình hình Tết nguyên đán Kỷ Hợi, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết công tác tổ chức cho nhân dân vui xuân đã diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm.
Nhiều ý kiến Đài Á Châu Tự Do ghi nhận được cho rằng nếu chính phủ Hà Nội vẫn chưa thể kiểm soát được tình hình biến tướng của lễ hội như hiện nay, thì mục tiêu an toàn, tiết kiệm được đề ra sẽ khó mà hoàn thành.
Hay theo như nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng việc biến tướng lễ hội trong những năm gần đây rất phát triển và sẽ còn phát triển hơn nữa đối với cuộc sống đang có nhiều bất trắc và mất lòng tin nơi trần thế như hiện nay ở Việt Nam, khắp tất cả từ trong nam tới ngoài bắc.

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bị nhóm lợi ích trì hoãn?

Kính Hòa RFA-2019-02-11  
Sân golf nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 4 năm 2015. (Ảnh minh họa)
Sân golf nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 4 năm 2015. (Ảnh minh họa)-AP
Báo chí Việt Nam những ngày sau Tết gọi sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) là một chảo lửa để chỉ cảnh kẹt xe liên tục tại sân bay này.
Những thông tin chính thức còn nói đến việc máy bay phải lượn vòng nhiều lần để chờ đáp, vì số lượng chuyến bay đi và đến Tân Sơn Nhất ngày càng nhiều.
Kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã được đưa ra từ lâu, nhưng giới báo chí trong nước đặt câu hỏi là tại sau kế hoạch đó vẫn không được thực hiện?
Quyết định cao cấp nhất liên quan đến việc mở rộng sân bay TSN được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú đưa ra vào tháng tư 2017, đồng ý cho mở rộng sân bay về cả hai hướng Bắc và Nam của sân bay này.
Trước đó người ta chỉ nói đến việc mở rộng sân bay TSN về phía Nam, vì phía Bắc là một sân golf do quân đội quản lý.
Tuy nhiên việc quân đội cản trở việc mở rộng sân bay lại được báo chính công khai chỉ trích, cho nên sau đó đã dẫn đến quyết định của Bộ Quốc phòng Việt Nam là sẵn sàng trao đất lại cho sân bay TSN khi cần. Điều đó đã dẫn đến quyết định ký điều chỉnh việc mở rộng sân bay TSN của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng tại sao gần hai năm đã trôi qua mà không thấy việc mở rộng này được bắt đầu?
Tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại một lần nữa chuyện mở rộng sân bay TSN về cả hai hướng bắc và nam. Đến cuối năm 2018, văn phòng của ông Nguyễn Xuân Phúc lại ra công văn thúc giục các bên có liên quan tiến hành việc mở rộng sân bay TSN.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát độc lập tại Sài Gòn, theo dõi rất kỹ những diễn tiến xung quanh việc mở rộng sân bay TSN cho đài RFA biết:
Đất thì có sẵn rồi, vấn đề là có muốn mở rộng hay không? Có tiền mở rộng hay không?  Quả bóng hiện nay nằm trong chân Bộ Quốc phòng. Tôi cho rằng đây là một sự chậm trễ rất cố ý. Kể từ tháng 5/2017 đến nay, chính phủ đã chỉ đạo nhưng mọi việc dậm chân tại chỗ.”
Đó là nói về phần mở rộng về phía bắc, liên quan đến khu đất hiện do Bộ Quốc phòng quản lý.
Còn phần mở rộng về phía Nam ,theo ông Phạm Chí Dũng sẽ phải giải tỏa rất nhiều khu dân cư tốn rất nhiều tiền.
Từ năm 2017 đến nay Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải, và cả những nhóm lợi ích tìm cách câu giờ để tiến hành xây dựng sân bay Long Thành.
-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho đài RFA biết rằng ông không nắm chi tiết về kế hoạch mở rộng sân bay TSN, nhưng ông cũng cho rằng vấn đề tiền vốn để đầu tư vào kế hoạch này là một vấn đề quan trọng.
Nhưng lý do quan trọng nhất cản trở việc mở rộng sân bay TSN, theo ông Phạm Chí Dũng, là sự tồn tại của một đại dự án tên gọi là sân bay Long Thành.
Dự án này nằm cách Sài Gòn vài chục ây số, được xem sẽ là sân bay quốc tế chính cho khu vực phía Nam. Dự án này được quyết định từ tận năm 2005, tức là cách đây gần 15 năm.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định về sự liên quan giữa đại dự án sân bay Long Thành và việc sân bay TSN không được mở rộng:
Đây là nguyên nhân thâm sâu nhất, tôi cho rằng từ năm 2017 đến nay Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải, và cả những nhóm lợi ích tìm cách câu giờ để tiến hành xây dựng sân bay Long Thành. Khi xây dựng sân bay Long Thành rồi thì sẽ không mở rộng sân bay TSN nữa.”
Ông Phạm Chí Dũng nói thêm rằng khi đó, những khoảnh đất hiện nay là sân golf sẽ được sử dụng thương mại đem lại rất nhiều lợi nhuận cho Bộ Quốc phòng cũng như các nhóm lợi ích.
Nhưng việc khởi động đại dự án sân bay Long Thành không hề dễ dàng.
Đã có rất nhiều chỉ trích từ giới chuyên gia cho rằng đại dự án này quá tốn kém. Số vốn được tính toán hiện nay cho dự án này là 5.4 tỉ đô la Mỹ, theo báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 11/2/2019. Và theo một số chuyên gia, thời gian khởi công đại dự án này có khả năng bị lùi lại 5 năm, và khi đó số vốn đầu tư có khả năng tăng lên đến 10 tỉ đô la Mỹ.
Ông Phạm Chí Dũng cho rằng dù tốn kém như vậy nhưng đại dự án Long Thành cũng được đề ra vì hai lý do, thứ nhất là giới qui hoạch Việt Nam trước đây dự tính là sẽ có vốn viện trợ phát triển với lãi suất ưu đãi của nước ngoài (ODA) nhưng hiện nay vốn đó không còn nữa. Lý do thứ hai là các nhóm lợi ích muốn đưa ra dự án này để đẩy giá đất xung quanh khu vực Long Thành, mà họ đã chiếm dụng lên cao.
Hành lang phía trước sân bay Tân Sơn Nhất.
Hành lang phía trước sân bay Tân Sơn Nhất. Photo: RFA
Theo ghi nhận của báo chí Việt Nam, vào tháng 7/2018, trong một buổi làm việc tổng kết một giai đoạn dài dùng vốn ODA ưu đãi, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh cho biết, những đồng vốn ưu đãi về lãi suất đó sẽ không còn nữa.
Cũng theo báo chí Việt Nam ghi nhận, vào tháng 8/2017, giá đất tại Long Thành đã tăng đến 60%.
Tuy vậy theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc xây mới sân bay Long Thành và mở rộng sân bay TSN đều là những chuyện phải làm. Ông nói với đài RFA:
Theo tôi thì trước nhất nên mở rộng sân bay TSN, tận dụng những phương tiện của sân bay TSN đến mức tối đa, trên cơ sở đó dần dần tiến đến việc xây dựng sân bay Long Thành. Tình hình hiện nay là thiếu vốn thì khó mà xây dựng được sân bay Long Thành.”
Như vậy câu hỏi do giới báo chí Việt Nam đặt ra tại sao không mở rộng sân bay TSN có thể được trả lời dễ dàng rằng hiện không có vốn để thực hiện. Bên cạnh đó, việc trì hoãn này cũng có thể do những nhóm lợi ích không muốn mở rộng TSN, để hòng chiếm cứ những khoảnh đất vàng tại đây.
Tình hình hiện nay là thiếu vốn thì khó mà xây dựng được sân bay Long Thành.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Theo thông tin của báo chí Việt Nam, sự tăng trưởng của riêng các hãng hàng không Việt Nam hiện nay đã là 8-10%, sự tăng trưởng này sẽ đè nặng lên sân bay TSN, làm cho nó càng quá tải hơn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lo ngại thêm rằng sắp tới đây việc hợp tác hàng không với Hoa Kỳ thành hiện thực thì sân bay TSN sẽ đón nhận một áp lực rất lớn.
Như vậy hình ảnh chảo lửa mà báo chí Việt Nam dùng để tả cảnh sân bay TSN, được hứa hẹn không chỉ là những hình ảnh trong ngày Tết mà sẽ là thường trực ở thành phố Sài Gòn lớn nhất nước này.

VEC-Sự lộng hành vô pháp


Nguyen Ngoc Chu|

Đầu năm, đọc tin ông Nguyễn Viết Tân – Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC), quyết định cấm vĩnh viễn đối với 2 phương tiện biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác, mà máu sôi lên toàn thân. Một sự lộng hành vô pháp.

  1. Đất làm đường trên toàn quốc không phải đất nhà riêng ông Nguyễn Viết Tân nên ông không thể cấm người dân đi trên đất đó.
  2. Người dân có quyền bắt ông cuốn con đường mà ông làm đưa về cất ở nhà ông, để lại đất cho dân đi, không đi trên con đường ông làm. Dân sẽ làm lại con đường khác trên đất của dân.
  3. Nếu đất nước này, làng xã nào cũng có quyền cấm vĩnh viễn các phương tiện giao thông đi vào các con đường qua địa phương thì ông Tân chỉ có mà đứng mãi một chỗ trong nhà ông.
  4. Người dân vi phạm các luật giao thông chỉ có thể xử phạt hành chính bằng tiền hay các hình phạt chiếu theo luật pháp, chứ không thể cấm người ta lưu thông theo quyết định của một cá nhân hay công ty.
  5. Không phải vi phạm, mà người dân phản đối trạm thu phí BOT của VEC, vì các trạm thu phí BOT của VEC là những tên cướp trắng trợn tàn bạo. Đừng chụp mũ vi phạm quy định của VEC để trả thù.
  6. Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 quy định từ chối phục vụ đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác – là một tờ giấy lộn vi phạm pháp luật, cần phải xé bỏ ném vào sọt rác. Đến Hiến pháp của Liên bang CHXHCN Xô Viết còn bị xé bỏ, huống chi là quyết định của VEC.
  7. Đất nước này ai cũng có quyền: Cấm đi lại, Cấm chơi thể thao, Cấm ghi hình, Cấm ăn uống, Cấm hít thở không khí … thì con người sống để làm gì? và tồn tại Nhà nước để làm gì?
  8. Các nhà làm luật ở Việt Nam đâu rồi? Các luật sư đâu rồi? Ông bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đâu rồi? Giá trị công dân Việt Nam bèo bọt đến thế này ư?

Chủ tịch nước, Tổng bí thư công việc của ông là gì?


Ai cũng biết Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng rất bận rộn nên hỏi công việc của ông là gì có vẻ thừa thãi. Rõ ràng ông là người bận rộn nhất trong bộ tam, bởi ông đảm nhiệm hai vai thì trách nhiệm gánh vác cũng phải nặng nề hơn gấp đôi so với bà Ngân hay ông Phúc.
Với vai trò Tổng bí thư ông đang vật lộn với cái khẩu hiệu Chủ nghĩa Xã hội thôi cũng không còn thời giờ đâu mà lo việc khác, đặc biệt nhất là lúc này khi mà người anh em Venezuela đang bị bao vây và cái hố Chủ nghĩa Xã hội rõ to trước mắt không phương tránh né.
Với vai trò Chủ tịch nước ông đang cật lực lo lắng cho chị em hốt rác trên đường phố mà báo chí ưu ái đặt cho cái tên hết sức trong lành là “bảo vệ môi trường”. Ông bận cách nào thì bận đầu năm mới cũng lì xì cho các chị các mợ đang thực hành cái nghề nhỏ bé và hèn mọn nhất của xã hội, và trong cách hành xử này ông Chủ tịch nước xứng đáng được khen ngợi hơn những vị khác như ông Thủ tướng hay bà Chủ tịch Quốc hội, bởi hai người này không nhận thức được giới công nhân là cội rễ của giai cấp bị bóc lột trong xã hội tư bản nhưng trong xã hội chủ nghĩa thì họ được thăm viếng, vinh danh bởi một Chủ tịch nước muôn phần kính mến.
Chỉ có điều…
Thiên hạ phát hiện ông đang lừa họ vì người chụp hình toe toét cười bên ông khi nhận phong bì không phải công nhân hốt rác mà là một cô gái từng đóng vai người mất bóp được công an đội CSGT số 14 trả lại. Cô gái tên Ngô Nhã Phương trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Ông có thể bị bọn cố vấn PR đánh lừa nhưng ông giả vờ không biết. Với độ tuổi vượt qua cổ lai hy vô lẽ ông không phân biệt được một chiếc thùng rác mới toanh cùng với hai cô bé chụp hình chung đậm mùi nước hoa Channel lại là công nhân vệ sinh?
Ông cũng không quên viết thư thăm hỏi cô giáo hồi còn dạy tiểu học của ông và bức thư này tuy là thư cá nhân, chưa kịp dán tem gửi đi thì đã bị báo chí lề phải loan tải. Mạng xã hội theo đuôi báo quốc doanh đăng lại nguyên văn bức thư cùng những nhận xét rất ư chính xác tuy không kém hài hước: Người viết thư không giữ được sự kính trọng đối với cô giáo của mình khi đặt tên Nguyễn Phú Trọng một cách lấc cấc trên góc trái bức thư, nơi dành cho tên đơn vị của một công văn nhà nước. Ông Chủ tịch nước lâu quá không viết thư tay nên có quên chi tiết này cũng không đến nỗi bị bầm dập bởi các facebooker quá khích, chắc bực bội quá ông làm thơ cho mọi người thấy khả năng của ông dù gì thì cũng tốt nghiệp bộ môn văn trong ngôi trường nổi tiếng nhất Việt Nam chứ nào phải tay mơ…
Trong vai trò Tổng bí thư ông có những vần thơ đầy tính đảng và người đảng viên nào cũng hãnh diện khi ông đại diện cho họ làm những câu thơ tuyệt tác để ca tụng đảng. Tuy nhiên có lẽ do lớn tuổi nên ông hơi bị…quên khi bài thơ mới nhất của ông vô tình…đạo ý tưởng của bài thơ khác cũng của….ông trước đây, khi tới thăm một tập đoàn nổi tiếng và cũng đầy tai tiếng.
Bài thơ thứ nhất viết rằng:  
Lần này lại đến “Phương Đông”
Tình xưa nghĩa cũ mặn nồng “Mường Thanh”
Cố lên các chị các anh
Quê hương vẫy gọi sử xanh lưu truyền.
Còn bài thứ hai có nguyên cụm từ đạp lên bài thơ thứ nhất như sau:
Chúng ta đã nói là làm
Đã đi là đến đã bàn là thông
Đã quyết là phải một lòng
Quê hương vẫy gọi đảng mong dân chờ
Hay thật, nhưng ai nói ngã nói nghiêng gì thì kẻ viết bài này vẫn trân trọng cụm từ “Quê hương vẫy gọi” vì nó làm ta liên tưởng đến rất nhiều hình ảnh. Chẳng hạn như trước đây nhà nước đại diện quê hương vẫy gọi các anh bộ đội lên đường ra mặt trận phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Chẳng hạn như đảng từng nhân danh quê hương vẫy gọi người dân miền Bắc đóng vàng cho cách mạng nổi lên tiêu diệt quân thù. Chẳng hạn như đảng và nhà nước đang nhân danh quê hương tiếp tục vẫy gọi Việt kiều gửi tiền về để xây dựng đất nước…cùng hàng trăm chuyện vẫy gọi “danh giá” khác.
Nhưng khi bài thơ của ông Tổng bí thư xuất hiện người dân nhận ra sự “vẫy gọi” nào cũng đều dối trá và lừa lọng. Nhà nước đại diện cho quê hương vẫy gọi bộ đội ra chiến trường biên giới phía Bắc, hy sinh thân xác mình bởi mũi súng của quân thù nhưng bù lại là chạy trốn trách nhiệm đối với những liệt sĩ ấy bằng sự từ chối chấp nhận một giai đoạn lịch sử đau thương với Trung Quốc.
Nhà nước cũng đại diện quê hương vẫy gọi người dân đóng vàng giúp cho kháng chiến và kết quả là bà Cát Hanh Long cùng nhiều người khác nữa đã bị giết chết sau khi đóng hết tài sản của mình cho nhà nước.
Nhà nước cũng đại diện quê hương vẫy gọi đồng bào hải ngoại gửi tiền về giúp nước trong khi số tiền 18 tỷ đô la hàng năm nhận được như muối bỏ biển trước lòng tham không đáy của đảng cầm quyền. Họ cũng vẫy gọi trí thức nước ngoài về giúp nước nhưng sau một thời gian, đa số trong những trí thức ngây thơ này nhận được sự vẫy tay rất ê chề và họ bị tống cổ ra khỏi cái quê hương mà nhà nước lợi dụng để…vẫy gọi.
Ông Trọng nói ngay ra rất thành thật khi sử dụng cụm từ vẫy gọi bởi ông là người tích cực nhất đang vẫy gọi cả nước theo ông tiến tới Xã hội Chủ nghĩa một cách triệt để mặc dù không biết hình dạng của cái Chủ nghĩa Xã hội ấy nó như thế nào.
Lạ chưa, cái hình dạng ấy đang lộ rõ mồn một tại đất nước Venezuela sao ông không lấy ra làm “bằng chứng” cho sự vẫy gọi của mình? Nó là sự sụp đổ không phương cứu vãn của cả một hệ thống kinh tế chỉ huy theo Chủ nghĩa Xã hội. Nó là hình ảnh chết đói hàng loạt của người dân khi đất nước được lãnh đạo bằng những cái đầu chứa đầy ảo tưởng về Chủ nghia Xã hội. Nó là sự phản ứng tất yếu của người dân Venezuela trước sự “vẫy gọi” của tên độc tài Chavez cũng như Maduro nhằm đưa Venezuela tiến lên Chủ nghĩa Xã hội như chính bản thân ông và đảng Cộng sản Việt Nam đang…vẫy gọi chúng tôi hôm nay.

Ngày đầu năm: Bàn chuyện cúng bái của dân và mồ mả của lãnh đạo CSVN


Tác giả: Quê Hương
Những ngày đầu năm là những ngày người dân Việt đổ đi khắp chốn để cầu khấn lễ bái để cả năm được an lành, sức khỏe và thịnh vượng. Khắp các chùa chiền từ Yên Tử, Chùa Hương đến Bái Đính rồi đền Trần, đâu đâu cũng đông nghịt người, chen lấn xô đẩy nhau đến ngất xỉu, rồi nạn “chặt chém khách” diễn ra nhan nhản. Dân biết, quan biết, Đảng biết mà không thể hoặc không làm gì để mọi việc trở nên tốt đẹp hơn. Rồi hết năm này qua năm khác, đến hẹn lại lên, nạn “hội hè chùa chiền” khiến nhức nhối dư luận và tạo ra một hình ảnh vô cùng xấu xí mông muội về Việt Nam đối với thế giới văn minh.
Tại sao lại như vậy nhỉ? Quyền thờ phụng, hành hương là quyền của dân và là tự do của dân. Nhưng dân thì không thể nào đứng ra tổ chức các lễ hội, các nghi thức chùa triền, phân bổ luồng giao thông, thu phí, đảm bảo trật tự được. Đó là công việc của chính quyền và chỉ của chính quyền mà thôi. Ở một đất nước chỉ đề cao tính chính danh của Đảng Cộng Sản, đề cao vai trò của Hồ Chí Minh như một vị thần thánh của dân tộc và tôn thờ chủ nghĩa vô thần thì tại sao, chính quyền lại để người dân mông muội thờ cúng rồi hành hương theo kiểu này, khiến tốn kém cho nhân dân, chưa kể mất mạng người vì các tai nạn khác nhau.
Vấn đề là Đảng có lợi từ những hoạt động thờ cúng mông muội ấy. Bởi họ thu được rất nhiều thuế và phí. Từ phí thu tiền tàu xe trên đường, đến phí thăm quan du lịch, phí bán sớ ấn lệnh đến tiền cho thuê ki ốt bán hàng, tiền cho thuê bãi trông giữ xe, tiền cho phép đăng kí các loại dịch vụ tàu thuyền … Dân các địa phương cũng có chút tiền dịch vụ kiếm sống nhưng số tiền đó chỉ là muỗi so với tiền mà chính quyền và các công ty sân sau của các quan chức chính quyền kiếm chác được. Thiệt hại nhất vẫn chính là người dân. Thay vì được đi hành hương một cách văn minh và có tổ chức, họ phải tham gia vào những hành trình hành xác và nhiều lúc tiền mất tật mang. Nhưng chẳng biết kêu ai.
Nếu như trước đây, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam trừ Hồ Chí Minh, đều được đưa vào chôn tại nghĩa trang Mai Dịch thì nay kể từ năm 2013 khi Võ Nguyên Giáp chết, ông chọn khu vực ven biển Vũng Chùa, Đảo Yến rộng tới 10 hecta làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Ông Nguyễn Bá Thanh được an táng tại quê nhà xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Quảng Nam cũng vài ngàn mét vuông, gần đây nhất là trường hợp của chủ tịch nước Trần Đại Quang với khu lăng mộ cũng 3 – 4 hécta ở quê nhà tại Ninh Bình. Đấy là chưa kể hồi tháng 5/2017, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho phê duyệt quy hoạch chi tiết nghĩa trang dành cho cán bộ cấp cao của ĐCS VN rộng 120 ha tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội với kinh phí khủng là 1400 tỷ đồng.Một phần của nạn chùa chiền đầu năm cũng chính tại bản chất nói một đằng làm một nẻo của chính quyền cộng sản Việt Nam. Điều này khiến cho người dân mất lòng tin và chỉ biết trông chờ vào một thế lực siêu nhiên nào đó để che chở cho mình. Một Đảng luôn đề cao sự lãnh đạo của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa duy vật biện chứng nhưng các quan chức cao nhất Việt Nam lại xây cho mình những lăng mộ to gấp hàng chục, hàng trăm lần các vua chúa thời phong kiến để thờ cùng thì bảo sao dân tin vào chủ nghĩa cộng sản lừa dối ấy.
Ở một đất nước mà Đảng Cộng Sản luôn ủng hộ sự vô thần, tôn thờ chủ nghĩa duy vật biện chứng hay còn gọi là chủ nghĩa xã hội thì các lãnh đạo Cộng sản cần gì phải chăm chút cho mộ phần của mình (để thờ cúng) để làm gì, sao không hỏa táng như dân thường vẫn làm??? Trong khi đấy, dân đen ở nhiều nơi còn bị cướp đất, không có đất trồng trọt sinh sống, chứ nói gì đến chuyện có đất mà chôn mới cất.
Nói như thế mới thấy cái lăng của ông Hồ Chí Minh thật là khốn nạn.
Chỉ vì noi gương và học tập theo ông ấy mà lăng tẩm đền đài của các quan chức lớn nhỏ cứ mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi. Và có lẽ cũng chỉ vì nó mà dân cứ phải đi thắp hương cúng bái tứ tung mọi nơi mà giờ này Việt Nam vẫn như con tàu mất lái đi mãi mà chả biết bến bờ Chủ Nghĩa Xã Hội nằm ở đâu. Và đã đến lúc phải phá bỏ thứ Chủ Nghĩa Xã Hội điên rồ này cùng với Chủ Nghĩa Lăng Mộ cổ hủ, đã làm khổ dân ta mấy chục năm qua!