Saturday, August 13, 2016

Biển Đông: Trung Quốc tự ‘thúc đẩy’ việc hình thành liên minh chống mình

Không ảnh chụp đảo nhân tạo Subi với những cấu trúc mới, trong đó có các hangar để phi cơ. Sự hung hăng của Trung Quốc chưa có điểm dừng. (Hình: CSIS)
Không ảnh chụp đảo nhân tạo Subi với những cấu trúc mới, trong đó có các hangar để phi cơ. Sự hung hăng của Trung Quốc chưa có điểm dừng. (Hình: CSIS)
BẮC KINH (NV) – Những tuyên bố và hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông lẫn biển Hoa Đông đã góp phần hữu hiệu trong việc củng cố và phát triển một liên minh chống Trung Quốc.
Bằng chứng mới nhất về một liên minh chống Trung Quốc với phạm vi đã vượt ra bên ngoài khu vực Đông Nam Á là Nhật quyết định tăng số lượng tùy viên quân sự từ một thành hai tại cả Việt Nam lẫn Philippines.
Quyết định vừa kể được xem như một cách cảnh cáo Trung Quốc. Sư hung hăng của Trung Quốc trong cả ngôn từ lẫn hành động khiến Nhật quyết định gia tăng hợp tác quốc phòng với Việt Nam và Philippines.
Trước đây, hợp tác về an ninh-quốc phòng giữa Nhật với Việt Nam và Philippines chỉ được mở rộng qua các tuyên bố, thêm viện trợ, thăm viếng nhiều lần hơn và thường xuyên hơn. Nay, việc gia tăng các tùy viên quân sự đồng nghĩa với việc gia tăng thu thập-chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện các kế hoạch hành động theo hướng chặt chẽ hơn.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm song phương về an ninh khu vực và hợp tác thực thi luật pháp trên biển, diễn ra hồi cuối tuần này giữa ông Fumio Kishida – ngoại trưởng Nhật và ông Perfecto Yasay – ngoại trưởng Philippines, cả hai đã công khai hối thúc Trung Quốc thực thi ngay những hành động nhằm bảo đảm rằng, an ninh trên biển và luật pháp quốc tế sẽ được tôn trọng vô điều kiện.
Ngoại trưởng Philippines nói thêm, cả Philippines lẫn Nhật Bản đều đã trải qua chuyện bị Trung Quốc dùng vũ lực để hù dọa, khiêu khích nhằm áp đặt đòi hỏi vô lý về chủ quyền tại Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Ông Yasay khẳng định, những hành động đó của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế đòi buộc tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, phải dùng những biện pháp ôn hòa khi có yêu sách về chủ quyền.
Ngoại trưởng Nhật hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines nâng cao năng lực giám sát, thực thi luật pháp trên biển. Theo ông Kishida, cuối tháng này, Nhật sẽ giao cho Philippines những tàu tuần tra mà Nhật đã từng hứa sẽ viện trợ cho Philippines.
Cần nhắc lại rằng, trong hai tuần đầu tháng 8, Úc hai lần khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra tại Biển Đông sau khi các viên chức ngoại giao Trung Quốc bảo rằng, việc Úc tham gia bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Đông là “thiếu khôn ngoan.” Các cuộc tuần tra tại Biển Đông là sự thách thức Trung Quốc và chắc chắn Trung Quốc sẽ trả đũa thích đáng.
Tuần trước, Pháp cũng mới lên tiếng đáp lại những tuyên bố và hành động hung hăng của Trung Quốc để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền bất khả tranh biên” ở Biển Đông, bằng tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tuần tra tại Biển Đông và hối thúc 27 quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu sớm liên kết để cùng thực hiện những cuộc tuần tra như vậy nếu Liên Hiệp Châu Âu muốn duy trì trật tự thế giới, loại bỏ các rủi ro đối với quyền tự do lưu thông. Ông Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, nhắc Liên Hiệp Châu Âu rằng, quyền tự do lưu thông là điều có ý nghĩa sống còn đối với mọi nền kinh tế và khẳng định nếu cộng đồng quốc tế để mất quyền tự do lưu thông tại Biển Đông thì có thể sẽ xuất hiện những rắc rối tương tự như ở Bắc Băng Dương hoặc Địa Trung Hải.
Đáng lưu ý là Trung Quốc vẫn không bận tâm đến những dấu hiệu bất lợi cho mình đang xuất hiện càng ngày càng nhiều.
Trước tin Việt Nam bài bố các giàn hỏa tiễn trên năm hòn đảo mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa, hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc đồng loạt nhận định Việt Nam đã phạm một “sai lầm nghiêm trọng.” Hệ thống này còn khuyên Việt Nam nên ôn lại các bài học lịch sử để luôn nhớ rằng, Trung Quốc chưa bao giờ thất bại trong các cuộc xung đột Trung-Việt!
Hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc cũng vừa dùng giọng điệu trịch thượng như vậy để dạy dỗ Ấn, sau khi có tin ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn sẽ thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm mười năm Ấn-Việt thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược.”
Theo hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc thì Ấn nên tránh xa vấn đề biển Đông nếu không muốn đối diện với những rắc rối không cần thiết! Hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc nhắc Ấn rằng Trung Quốc hiện là thị trường nhập cảng lớn thứ hai trên thế giới và nếu Ấn không xử sự đúng đắn thì các doanh nghiệp Ấn khó mà tìm được đường vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc đã từng dùng chiêu này với Úc nhưng hiệu quả không như mong đợi. Người ta tin Ấn cũng không muốn ngoan ngoãn như Trung Quốc đang chỉ dạy. (G.Đ)

Tại sao họ thành người thô lỗ?

Theo Người Việt-12-08-2016
Ngô Nhân Dụng
Nha hang tu choi khach Trung Quoc: Khong noi thang nhung...
Tấm biển không tiếp khách Trung Quốc được treo tại nhà hàng Ngọc Quý (Thanh Khê, Đà Nẵng):ảnh : BáođấtViệt
Quán Ngọc Quý ở Ðà Nẵng phải tìm cách từ chối khéo các du khách Trung Quốc; nhưng đó không phải là một trường hợp hiếm hoi. Những du khách này đã nổi tiếng khắp thế giới khi họ tràn ra ngoài lục địa đi “tham quan” thế giới. Năm ngoái có 120 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, tăng 12% so với năm 2014. Họ chi tiêu 104 triệu đô la Mỹ, tăng 17%. Nơi tiếp đón số du khách này nhiều nhất là Nam Hàn. Một địa điểm được nhiều người thăm viếng là Ðại Học Ewha. Ngôi trường “Lê Hoa Nữ Ðại” này do các nhà truyền giáo Mỹ thành lập từ năm 1886, hiện nay là đại học lớn nhất thế giới dành riêng cho phụ nữ, và cảnh trí rất đẹp.
Nhưng các du khách Trung Hoa đã để lại cho ngôi trường nhiều ấn tượng xấu. Họ coi trường học cũng giống bất cứ điểm du lịch nào khác, họ đi lại khắp nơi, cười nói, chụp ảnh kỷ niệm. Họ vào cả thư viện, ngó ngắm chưa đã còn chụp hình dù các sinh viên đang cắm cúi ngồi đọc sách hay làm bài. Sinh viên than phiền, nhà trường phải bàn nhau tìm cách đối phó. Họ dựng một bảng cáo thị ngoài cửa: “Ðây là lối ra vào dành cho học sinh và nhân viên. Quý vị ‘nhân sĩ’ người ngoài xin dùng lối đi khác.” Ngoài chữ Hàn Quốc, tấm bảng còn viết thêm chữ Hán, du khách Tàu đọc chắc cũng cảm thấy hài lòng vì được gọi chung là nhân sĩ.
Nhưng không riêng các du khách người Tàu mới có thói quen chụp hình. Một lần chúng tôi đi dạo trong thành phố Seattle ở Mỹ, một người bạn tôi mở máy hình chụp lia lịa. Bỗng nhiên một bà xuất hiện, níu áo anh hỏi: “Tại sao anh chụp hình những người vô gia cư? Anh có xin phép họ không? Anh đã xâm phạm cuộc sống riêng của họ! Anh còn chụp nữa tôi sẽ báo cảnh sát!” Anh bạn tôi phải giải thích, nói rằng anh chụp đủ các góc cạnh trên đường đi, những người homeless cũng giống như những người khác, anh không để ý. Nói vậy, nhưng chúng tôi cũng nhận được một bài học nhớ đời. Phải chú ý đến cách cư xử khi đi ngoài đường!
Một lần khác, tôi đi thăm nước Israel. Tại Bethleem, tới một nơi người ta bảo đó là chỗ máng cỏ đặt Chúa Giê Su khi mới ra đời. Du khách đủ các quốc tịch chen chúc nhau trong cái phòng chật hẹp, nhiều người cũng chụp hình kỷ niệm. Một bà trong đoàn chúng tôi nằm nghiêng bên chỗ máng cỏ nhỏ bé, ngẩng đầu lên cười cho ông chồng chụp hình. Chưa đủ, bà còn xoay mình, ngó và nhoẻn miệng cười theo cách khác. Xong, bà ngồi dậy, lại kêu chụp thêm nhiều kiểu ngồi nữa. Bà chiếm chỗ lâu quá đến nỗi một du khách nổi giận, ông ta nói lớn bằng tiếng Anh: “Get out! Chinese!” (Ði chỗ khác, người Tàu!) Một chuyện ít khi xảy ra khi người Việt bị nhận lầm là người Tàu: Không ai trong đoàn cải chính rằng chúng tôi không phải người Tàu, chúng tôi là Con Rồng Cháu Tiên!
Kể chuyện trên để thấy rằng nhiều khi trong đám đông người Việt mình cũng có những hành vi thiếu văn minh, kém lịch sự, có thể coi là thiếu học, lỗ mãng. Nhưng người Trung Quốc ở lục địa hiện nay bị mang tiếng nhiều nhất. Mỗi năm nước Tàu gửi hàng trăm triệu người đi chơi khắp nơi. Chỉ cần một thiểu số, dưới mươi triệu người, không biết cách cư xử, ăn ở lỗ mãng, cũng đủ làm xấu mặt cả một dân tộc với bốn ngàn năm văn hiến.
Chính người Trung Hoa cũng lấy làm xấu hổ khi thế giới nhìn mình bằng con mắt nghi ngờ, lo tránh xa để khỏi bị xúc phạm vì những hành vi lỗ mãng. Một cuộc nghiên cứu dư luận của nhật báo South China Morning Post ở Hồng Kông đặt câu hỏi: “Tại sao nhiều dân Hồng Kông không thích người Tàu lục địa?” Phần lớn câu trả lời là “Vì hành vi của các du khách Tàu.” Vì vậy, một ký giả báo này đã viết một bài với tựa đề: “Tại sao du khách Trung Hoa thô lỗ?” (Why are Chinese tourists so rude?)
Bài báo viết năm 2013, năm ngoái còn được viết thêm, mở đầu bằng nhận xét về “một số đồng bào” (some compatriots) của ký giả: “Người ta thấy họ hay xô đẩy giành giật, ồn ào, thiếu lễ độ, vô trật tự, và ở đâu cũng thấy họ có mặt.” (They are seen as pushy, loud, impolite, unruly, and they are everywhere). Những bản tin về hành vi thô lỗ của du khách Tàu thường được độc giả tờ báo “đọc nhiều nhất;” và có khi hàng tháng sau vẫn được lên bảng “10 bài đọc nhiều nhất,” chứng tỏ dân Hương Cảng cũng thấy những du khách đó quả là thô lỗ! Vì vậy ký giả này đã phỏng vấn hỏi lý do, với nhiều chuyên gia nghiên cứu du lịch cùng các người hướng dẫn, tất cả đều là người Trung Hoa.
Một nhà nghiên cứu ở Hong Kong Polytechnic University nói rằng hầu hết các du khách “xấu” này không hề có ý làm một người “xấu” hay là làm “du khách” nên mới xấu. Họ thiếu học, cư xử đúng theo cách xưa nay họ vẫn cư xử. Nói cách khác, họ chỉ cư xử như người Tàu! Nói “hầu hết” bởi vì nhiều du khách Tàu không cư xử như vậy, vì họ là những người có học. Trong thời Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) ở bên Tàu, không trường học nào mở cửa, nhiều du khách lớn tuổi hoàn toàn không được đi học! Bây giờ họ làm ăn khá giả, có tiền đi chơi, nhưng vẫn là những người vô học, thô lỗ.
Hôm trước, Người Việt mới đưa lên mạng bản tin có tựa đề “Giành bàn ăn, hướng dẫn viên Trung Quốc giết người ở Phi Châu.” Anh ta rút dao đâm người, chỉ vì hai vợ chồng này không chịu nhường chỗ ngồi trong quán ăn, ở một điểm du lịch sang trọng, đắt tiền. Mà hai nạn nhân cũng là người Tàu, chắc cũng là du khách cả. Hung thủ là hướng dẫn viên du lịch thì chắc còn trẻ, lớn lên sau thời Cách Mạng Văn Hóa, chắc có được đi học, có thể tốt nghiệp đại học. Cho nên không phải chỉ những người ít học mới có hành vi lỗ mãng, hung bạo.
Hành vi thô lỗ có thể là do tâm trạng hãnh tiến của những người “mới giầu.” Một chuyên viên du lịch người Trung Hoa nhận xét: “Mình không thể nói chuyện phải chăng với những du khách này. Họ nghĩ khi có tiền thì họ muốn làm gì cũng được. Những người này ít học nên họ không quan tâm đến những luật lệ và phong tục của người nước khác.”
Tuy nhiên, thiếu giáo dục và làm giầu nhanh không phải là nguyên nhân chính khiến cho hàng triệu người Trung Hoa trong lục địa có hành vi, cử chỉ lỗ mãng khi ra nước ngoài. Nhà nghiên cứu ở Ðại Học Hong Kong Polytechnic còn nhìn thấy đằng sau đám đông thô lỗ đó là một xã hội đặc biệt, mà có lẽ trong mấy ngàn năm nước Tàu chưa trải qua, cho tới nửa thế kỷ gần đây.
Nguyên nhân lớn là những du khách này chưa bao giờ sống trong một xã hội dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp. Sống trong nước, họ đã tập thói quen “qua mặt luật lệ,” càng làm được nhiều điều trái luật thì càng chứng tỏ mình giỏi, mình đáng mặt “Hảo Hán!” Khi ra ngoại quốc họ vẫn sống theo thói quen đó.
Người dân ở đâu cũng không thích chính quyền, có thái độ chống quyền hành. Nhưng ở các nước tự do, dân chủ, người ta biết chính quyền cũng tôn trọng luật pháp. Dân chống chính quyền, cũng chống đối trong vòng pháp luật.
Ở những nước độc tài, dân biết người cầm quyền chỉ đặt ra luật pháp có lợi cho họ. Có luật lệ tức là có cớ để đè nén dân và cơ hội để bòn rút. Nhiều người dân thấy vi phạm luật lệ tức là mình giỏi! Kể cả luật đi đường! Ở một nước dân chủ tự do, người lái xe đến ngã tư thấy đèn đỏ thì ngừng, dù đi vào lúc 2 giờ sáng, chung quanh không thấy xe nào cả. Họ thản nhiên coi đó là một bổn phận công dân, chứng tỏ mình lương thiện. Trong một xứ độc tài đảng trị thì khác, ai vượt đèn đỏ, qua mặt được cảnh sát, thì coi như đã chứng tỏ mình không sợ, mình không thua gì các quan, mình ngang hàng với nhà nước!
Trong một nước độc tài Cộng Sản, người ta trông thấy cảnh người nhà nước bất chấp luật pháp. Có luật pháp xứ nào mà đi tới đâu cũng phải “bôi trơn” mới xong việc? Có xã hội pháp trị nào mà vô nhà thương là phải hối lộ các bác sĩ, y tá, ngoài tiền chữa bệnh? Có xứ nào mà học sinh phải hối lộ thầy, cô giáo ngay từ khi vào lớp mẫu giáo? Cứ sống như vậy thì mọi người sẽ tập thói quen nhìn cuộc đời như cả một tấn kịch giả dối. Luật lệ đặt ra là để bọn thống trị dè nén và bóc lột mình. Cả cuộc đời là một cuộc chạy đua, mỗi người hãy biết lo lấy phận mình, đừng trông nhờ vào luật pháp và xã hội! Ai phá rào mới là anh hùng!
Ở những nước tự do dân chủ người dân nhìn những “của công” thấy đó là “của mình.” Họ tự nhiên tôn trọng và muốn bảo vệ các nơi công cộng, từ đường sá, công viên, bãi biển, sân banh, hồ bơi cho tới cây cối trồng bên đường, và cả những cây cột đèn. Tinh thần công dân được nuôi dưỡng vì người ta biết đó là của chung, xây dựng lên do tiền thuế mình đóng góp. Sống dưới chế độ độc tài chuyên chế người dân không nghĩ như vậy. Họ coi người cầm quyền là thù địch, là bọn cướp ngày. Cho nên, cái gì bọn chúng muốn bảo vệ thì mình cứ việc phá!
Một lý do khác có thể giải thích tình trạng một số du khách người Tàu lục địa lỗ mãng, giành giựt, ích kỷ, là chế độ Cộng Sản đã phá bỏ cả nền luân lý dựa trên Khổng Giáo. Người Trung Hoa sống ở Ðài Loan, Singapore, Hồng Kông, hay ở các nước khác, vẫn còn dạy con cháu bằng các quy tắc luân lý đã có từ ngàn năm; họ không lỗ mãng và ích kỷ như vậy. Những nước Á Ðông như Nam Hàn, Nhật Bản, vẫn giáo dục trẻ em bằng luân lý Khổng Giáo; họ vẫn biết cách sống hòa mục, lịch sự và được người nước khác kính trọng.
Muốn chấm dứt cảnh du khách ra nước ngoài làm xấu hổ cho cả nước, thì phải thay đổi toàn diện và triệt để. Người Trung Hoa thường nói: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn,” hoặc “Thượng hành, hạ hiệu,” trên làm, dưới bắt chước theo. Người Việt có câu: Nhà dột từ nóc dột xuống. Muốn thay đổi, phải sửa từ cái nóc. Phải xóa bỏ chế độ độc tài đảng trị. Khi người dân được sống tự do, dần dần người ta sẽ tập thói quen tự trọng. Các nhà hàng, quán ăn ở nước ta sẽ không phải viết cáo thị: Không tiếp người Trung Quốc! Và các hàng bách hóa ở Nhật không phải niêm yết lời khuyên bằng tiếng Việt: Không được trộm cắp!

Bộ Ngoại Giao Mỹ: Tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn ảm đạm



Hòa Thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, trước ngôi chùa mà chính quyền Việt Nam liên tục dọa đập bỏ. (Hình: Phạm Lê Vương Các)
Hòa Thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, trước ngôi chùa mà chính quyền Việt Nam liên tục dọa đập bỏ. (Hình: Phạm Lê Vương Các)
HÀ NỘI (NV) – Bộ Ngoại Giao Mỹ vừa công bố bản “Báo cáo về tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015” trong đó liệt kê hàng loạt những vấn đề đáng ngại về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Giống như hiến pháp của nhiều quốc gia khác, hiến pháp của Việt Nam cũng minh định công dân có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo chỉ dựa trên những qui định nằm ngoài hiến pháp và nhân danh “an ninh quốc gia” để đặt định đủ thứ hạn chế.
Cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn giành quyền xem xét – công nhận các cộng đồng tín ngưỡng có phải là “tổ chức tôn giáo” hay không. Tại Việt Nam hiện có 38 cộng đồng tín ngưỡng, theo 14 tôn giáo được công nhận là “tổ chức tôn giáo.” Hai trong số 38 cộng đồng tín ngưỡng “chưa được công nhận hoàn toàn!”
Ngay cả khi đã được công nhận, các tổ chức tôn giáo vẫn phải xin phép trong nhiều hoạt động. Các hoạt động liên quan tới giáo dục, y tế vẫn bị hạn chế.
Thành viên của những cộng đồng tín ngưỡng không được công nhận là “tổ chức tôn giáo” thường xuyên bị sách nhiễu, bao gồm hạn chế đi lại, hành hung, giam giũ ngắn hạn hoặc dài hạn, phạt tù,…
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ còn lưu ý rằng, cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo không đồng nhất giữa các tôn giáo, giữa các khu vực, đặc biệt khắc nghiệt đối với những tín đồ là người thiểu số cư trú tại Tây Bắc, Tây Nguyên. Hai khu vực vừa kể là nơi xảy ra nhiều vụ hành hung, phá hủy tài sản, bắt giữ chỉ vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì viên chức một số tỉnh đã công khai đàn áp hoạt động tín ngưỡng của các nhóm tôn giáo không chấp nhận để chính quyền Việt Nam áp đặt sự quản lý về nhân sự lãnh đạo, đào tạo. Ở nhiều tỉnh, việc thực hiện các thủ tục nhằm được công nhận là “tổ chức tôn giáo” chỉ dậm chân tại chỗ.
Tín đồ của các tổ chức tôn giáo được chính quyền “công nhận” không thể sinh hoạt chung trong những hoạt động thuần túy tôn giáo do các tổ chức tôn giáo “không được chính quyền công nhận” tổ chức cho dù có cùng tín ngưỡng (Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo).
Nhà thờ Thủ Thiêm, chùa Liên Trì ở quận 2, Sài Gòn đã được nêu ra như ví dụ cho tình trạng trạng cơ sở tín ngưỡng của các tôn giáo vẫn bị đe dọa bởi những “quy hoạch” bất kể tính chất của nó.
Báo cáo về tự do tôn giáo toàn cầu năm 2015 cho biết, khi gặp gỡ các viên chức chính quyền Việt Nam, cả tổng thống lẫn ngoại trưởng Hoa Kỳ đều đã từng kêu gọi tiếp tục cải thiện tự do tôn giáo ở Việt Nam. Các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn đang hối thúc chính quyền Việt Nam để các tổ chức tôn giáo đã được công nhận hoạt động tự do hơn và tôn trọng các cộng đồng tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cao Đài, Hòa Hảo,… chưa “đăng ký hoạt động.” (G.Đ)

Bị bộ trưởng cách chức, một năm sau lại ngồi ghế cũ

Ông Phạm Tuấn Anh (trái) lúc nhận quyết định bổ nhiệm vào tháng 2, 2014 (Hình: Báo An Ninh Tiền Tệ)
Ông Phạm Tuấn Anh (trái) lúc nhận quyết định bổ nhiệm vào tháng 2, 2014 (Hình: Báo An Ninh Tiền Tệ)
HÀ NỘI (NV) – Một ông phó tổng giám đốc một cơ quan nhà nước bị bộ trưởng cách chức vì “sai quy định” bổ nhiệm cán bộ nhưng hơn một năm sau về ngồi lại ghế cũ.
Theo tờ An Ninh Tiền Tệ, ông Phạm Tuấn Anh, người đã bị ông Đinh La Thăng khi còn làm bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải cách chức đã quay lại giữ vị trí phó tổng giám đốc tại tổng công ty Bảo Đảm An Toàn Hàng Hải Miền Nam.
Theo nguồn tin trên, từ tháng 7, 2015, ông Phạm Tuấn Anh “có tên trong báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của tổng công ty Bảo Đảm An Toàn Hàng Hải Miền Nam với chức danh phó tổng giám đốc. Trước đó, ông Phạm Tuấn Anh từng được bổ nhiệm giữ chức vụ trên hồi tháng 2, 2014.”
Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh làm phó tổng giám đốc là “vượt thẩm quyền và trái quy định hiện hành về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ” là lý do để ông Đinh La Thăng cách chức.
Để chứng minh, nguồn tin dẫn “Khoản 2 và Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 80/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5, 2004 của thủ tướng chính phủ về quy định số lượng phó tổng giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty nhà nước không thuộc hạng đặc biệt; doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty mẹ được bố trí tối đa 4 phó tổng giám đốc. Tuy nhiên, trước thời điểm bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh giữ chức Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Bảo Đảm An Toàn Hàng Hải Miền Nam đã có 4 phó tổng nên đã đủ số lượng theo quy định.”
Tháng 4, 2014, ông Đinh La Thăng, khi còn là bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, đã yêu cầu tổng công ty Bảo Đảm An Toàn Hàng Hải Miền Nam thu hồi quyết định bổ nhiệm sai quy định đối với ông Phạm Tuấn Anh. Vì lệnh này, ông Phạm Tuấn Anh được bổ nhiệm làm giám đốc cảng vụ hàng hải Vũng Tàu. Nhưng chỉ hơn một năm sau, khi ông ông Phạm Tuấn Anh đã trở lại chức vụ từng bị bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải cách chức.
Ông Đinh La Thăng lọt vào được Bộ Chính Trị và được cử làm bí thư thành ủy Sài Gòn, nhường cái ghế bộ trưởng Giao Thông Vận Tải lại cho ông Trương Quang Nghĩa từ tháng 4, 2016 theo sự sắp xếp nhân sự của phe nhóm ông Nguyễn Phú Trọng.
Điều đáng ngạc nhiên là việc phục hồi chức vụ cũ cho ông Phạm Tuấn Anh xảy ra khi ông Đinh La Thăng vẫn còn là bộ trưởng. Chẳng lẽ ông không được báo cáo gì về chuyện này? Hoặc những ông cầm đầu Bảo Đảm An Toàn Hàng Hải Miền Nam chỉ làm qua chuyện ban đầu cho ông Thăng thấy rồi sau đó, lặng lẽ phục hồi chức vụ cho ông Phạm Tuấn Anh? Nếu không có cái dù rất tốt, liệu ông ta được như thế không?
Để người ta có thể hiểu được lý do tại sao có chuyện bất chấp luật lệ, quy định của nhà nước xảy ra như vậy, tờ An Ninh Tiền Tệ cho hay: “Ông Phạm Tuấn Anh là con trai ông Phạm Đình Vận, nguyên tổng giám đốc tổng công ty Bảo Đảm An Toàn Hàng Hải Miền Nam. Ông Tuấn Anh cũng được biết đến là cháu ruột của đương kim tổng giám đốc tổng công ty Bảo Đảm An Toàn Hàng Hải Miền Nam Phạm Quốc Súy.”
Việc bổ nhiệm, cắt đặt nhân sự trong guồng máy công quyền, đảng đoàn tại Việt Nam từng được dân gian truyền tụng qua câu: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ” hiện trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Giữa tháng trước, ngày 18 tháng 7, 2016, báo chí đưa tin chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Hải và bà Hoàng Thị Yến giữ chức phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, trong khi sở này đã có 8 phó giám đốc. Báo chí và dư luận cho rằng việc bổ nhiệm là trái với quy định hiện hành.
Giữa tháng 9 năm ngoái, báo chí tại Việt Nam ồn ào với tin bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với bí thư huyện ủy.

Con trai ông nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Lê Thanh Nghị cũng như con của các quan chức chóp bu khác trong hệ thống đảng và chính quyền CSVN được cài cắm vào những chức vụ mà nếu không có thế lực, có nằm mơ cũng không leo lên được. (TN)

Cả ngàn gia đình ở Sài Gòn ‘sống chung với ngập’ suốt 10 năm

Nước ngập sâu tại một con hẻm trên đường Chiến Lược, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Nước ngập sâu tại một con hẻm trên đường Chiến Lược, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
SÀI GÒN (NV) – Hơn 10 năm qua, người dân ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, sống vất vả vì ngập nước trong mùa mưa và “dài cổ” chờ đợi các công trình chống ngập cho khu vực này.
Theo mô tả của phóng viên báo Tuổi Trẻ, ngày 12 tháng 8, cứ mỗi khi có mưa là hàng ngàn gia đình sống dọc con đường mang tên Chiến Lược, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân ngập trong biển nước và rác. Nước đen hơn cả nhựa đường, bốc mùi hôi thối khó chịu. Tình trạng “cứ mưa là ngập” này đã diễn ra hơn 10 năm ở khu vực này, tuy nhiên đến nay ngập vẫn hoàn ngập.
Phải sống chung với ngập, người dân cũng đã có nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn, nhà nào cũng có gác, cứ bắt đầu mùa mưa lại dọn dẹp những đồ đạc quan trọng đưa lên cao, hết mưa lại mang xuống. Nhiều nhà xây nền cao, nước ngập vào còn dùng xô, chậu tát ra, nhưng với nhiều nhà có nền thấp khi nước ngập gần cả mét thì người trong nhà chỉ còn cách lên gác ngồi nhìn nước chảy, không chạy đâu cho thoát được. Đặc biệt mỗi nhà còn sắm cây cào để cào bùn.
Vào mùa mưa, học sinh khu vực này đi học người nhà phải cõng từ hẻm ra đường chính rồi mới chở đi, học xong lại cõng về, mưa lớn ngập quá thì nghỉ học luôn. Nhà ai có con nhỏ đều phải cho lên gác nhốt hết ở trong nhà.
Sau nhiều phản ánh của người dân, năm 2013-2014, ủy ban thành phố Sài Gòn đưa phương án cải tạo rạch Ông Búp và làm cống hộp để thoát nước cho khu vực này. Tuy nhiên, đến nay tình trạng ngập ở đây vẫn chưa được giải quyết, cống hộp đến giờ vẫn chưa thấy làm. Người dân không biết phải kéo dài cảnh sống chung với ngập này đến bao giờ?

Ông Nguyễn Minh Nhựt, phó chủ tịch quận Bình Tân cho biết, quận đã tháo dỡ 37 cống bắc ngang rạch Ông Búp trên toàn tuyến kênh với số tiền đầu tư hơn 14 tỉ đồng nhằm khơi thông dòng chảy, rút ngắn thời gian nước ngập so với trước đây. Song, để chấm dứt tình trạng ngập nước tại khu vực đường Chiến Lược phải thực hiện dự án lớn cải tạo kênh Liên Xã – rạch Ông Búp. (Tr.N)

Đắk Lắk: Sinh tại bệnh viện, mẹ con sản phụ tử vong bất thường

- Sản phụ Liên có dấu hiệu chuyển dạ được người thân đưa lên Bệnh viện Đa khoa Cao Nguyên chờ sinh trong đêm. Đến sáng ngày hôm sau, sản phụ lâm vào nguy kịch, sau đó được chuyển viện và tử vong.

Chiều ngày 13/8, bác sĩ Lý Ngọc Anh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xác nhận, đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra nguyên nhân khiến 2 mẹ con sản phụ Phan Thị Liên (28 tuổi, trú xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) tử vong khi nhập viện chờ sinh.
bệnh viện, Tây Nguyên, sản phụ, mẹ con, tử vong, người nhà, bác sỹ, Đắk Lắk
Bệnh viện Đa khoa Cao Nguyên nơi sản phụ Liên nhập viện chờ sinh
Theo đó, sản phụ Liên được vào Bệnh viện Đa khoa Cao Nguyên chờ sinh vào lúc 22 giờ 30 phút, ngày 12/8.
Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, sản phụ Liên được chẩn đoán đang mang thai tuần thứ 37, tình trạng sức khỏe tỉnh táo, tim thai bình thường. Tuy nhiên, thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ. Do bệnh nhân chưa chuyển dạ nên các y, bác sỹ bệnh viện chưa cho mổ và vẫn tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Đến khoảng 5 giờ 30 sáng 13/8, người nhà bệnh nhân báo chị Liên đau bụng dữ dội, mặt tím tái, có dấu hiệu khó thở. Các bác sĩ tiến hành cho thở oxy để cấp cứu. Đến 6 giờ 30, chị Liên có dấu hiệu thở yếu, mạch lúc có lúc không nên bệnh viện quyết định chuyển thai phụ lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để cấp cứu.
bệnh viện, Tây Nguyên, sản phụ, mẹ con, tử vong, người nhà, bác sỹ, Đắk Lắk
Người nhà nạn nhân bức xúc kể lại sự việc
Bác sĩ Bùi Trường Phong – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, sản phụ Phan Thị Liên nhập viện cấp cứu trong tình trạng mạch bằng không, huyết áp bằng không. Sau khi thăm khám, bệnh viện xác định sản phụ đã tử vong cả mẹ lẫn con.
Cũng theo bác sĩ Phong, dấu hiệu ban đầu, sản phụ tử vong nghi do thuyên tắc ối. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể cần phải chờ cơ quan chức năng mổ khám nghiệm tử thi và họp Hội đồng y khoa mới xác định cụ thể được.
Về phía gia đình nạn nhân, sau khi xảy ra sự việc đã tỏ ra bức xúc và đang làm đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.
Theo anh Phạm Quốc Duy (31 tuổi, chồng chị Liên), khi nhập viện, chị Liên sức khỏe bình thường, vẫn đi lại nói chuyện với người nhà. Sau khi thăm khám, bác sĩ thông báo chị Liên đã mở một phân và bảo có thể sáng ngày hôm sau mới sinh nên cho về phòng nằm chờ. Tuy nhiên, sáng hôm sau bệnh viện kêu người nhà vào làm thủ tục chuyển viện vì sức khỏe thai phụ diễn biến xấu khiến gia đình ai cũng bất ngờ.
Theo bà Ngô Thị Long (53 tuổi, bác sản phụ Liên), khi nghe thông báo của bệnh viện, bà mở cửa chạy vào phòng cấp cứu thì thấy chị Liên trong tình trạng tím tái. Thấy vậy, bà Long có quát bác sĩ: “cháu tôi nguy kịch sao không báo cho người nhà” thì được bác sĩ trả lời “đang bận cấp cứu không báo được”.
“Bác sĩ còn nói rằng, sản phụ vẫn bình thường và đang làm thủ tục mổ, gia đình yên tâm. Đến nước cuối, cháu tôi nguy kịch họ mới nói làm thủ tục chuyển viện khiến cả mẹ lẫn con tử vong oan uổng”- bà Long bức xúc kể lại.
13/08/2016  19:49 
Trùng Dương

Nhiều người bị tấn công khi đến điều tra nhà máy xả thải nguy hại tại thôn Ninh Ích

CTV Danlambao - Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng một số người hoạt động tại Nha Trang vừa bị tấn công khi đang trên đường đến thôn Ninh Ích (xã Ninh An, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà) để tìm hiểu thông tin về cuộc biểu tình bảo vệ môi trường của người dân nơi đây.

Vụ việc xảy ra vào trưa ngày 13/8/2016 – đúng một ngày sau khi xảy ra cuộc đàn áp dã man của hàng trăm công an Khánh Hoà đối với người dân địa phương.

3 người đi chung với blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh gồm: Biện Đình Luật, Tôn Nữ Khiêm Cung và Nguyễn Bá Vinh cũng đều bị hành hung, đập phá điện thoại.

Trước đó, trên đường đi, blogger này đã bị nhiều an ninh thường phục bao vây và theo dõi. Trong số này, cô nhận ra một viên an ninh tên Nguyên, cán bộ PA88 công an tỉnh Khánh Hoà.

Trong bản tin khẩn cấp gửi đi trên facebook, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết:

“Một nhóm côn đồ đi trên xe Exciter đã bịt kín bảng số, tấn công 4 chị em chúng tôi: Biện Đình Luật Tôn Nữ Khiêm Cung Nguyễn Bá Vinh 

Chúng cố tình đạp tôi và Luật xuống đường, giật ba lô, giỏ xách ném xuống nước, đập nát và cướp luôn điện thoại của Cung.

Vừa đạp vào người tôi vừa đập nát điện thoại tôi chúng vừa gầm gừ:

- Ai cho phép mày chụp hình quay phim công ty tao?

Cung và Vinh đi sau cũng bị tấn công vì chúng thấy Cung cầm điện thoại nên đã giựt đứt túi xách và cướp luôn điện thoại của Cung”.

Hiện trường vụ tấn công

Được biết, mục đích chuyến đi lần này là để tìm hiểu vụ việc người dân thôn Ninh Ích biểu tình phản đối Công ty Môi trường Khánh Hoà xả chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh của người dân địa phương: Mỗi lần nhà máy đốt rác là khói, bụi trắng bám đầy mái tôn, nền nhà người dân. Không chỉ vậy, khi hít phải khói, bụi từ nhà máy thải ra người dân thấy khó chịu, nhức đầu, mẩn ngứa. Xe chở rác qua khu dân cư thì bốc mùi hôi thôi không chịu nổi.

Do quá phẫn nộ, người dân nơi đây đã liên tục biểu tình chặn xe nhằm yêu cầu nhà máy đóng cửa và dời đi nơi khác.


Để bảo kê cho công ty này, hôm 12/8/2016, nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm công an đã kéo đến đàn áp, đánh đập dã man người dân nơi đây. 

Video phổ biến trên mạng xã hội cho thấy lực lượng công an ra tay hết sức tàn bạo. Nhiều phụ nữ cũng bị đánh đập gây thương tích và phải nhập viện. Thậm chí, cả trẻ em cũng bị xịt hơi cay…

Để có thể sai khiến cả lực lượng CA hùng hậu đối đầu với nhân dân, chắc chắn sau lưng nhà máy này phải có một thế lực ghê gớm nào đó chống lưng.

Trên facebook cá nhân, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhận định:

"Sự cố chúng tôi gặp phải khi trên đường về rõ ràng không phải là tình cờ. 

Và đương nhiên, chuyện này chỉ làm chị em chúng tôi thêm vững tin vào việc mình làm và cảm thấy khinh bỉ bọn hèn hạ."

Việt Nam sẽ đi về đâu trên bàn cờ chính trị hôm nay

Lư Văn Bảy (Danlambao) - Có quá nhiều điều để cho chúng ta suy nghĩ về những việc làm mà các nhà lãnh đạo ĐCSVN đã thực hiện cho đất nước và nhân dân kể từ khi ông Hồ chí Minh du nhập chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam. Từ lúc cướp chính quyền của chính phủ lâm thời của thủ tướng Trần Trọng Kim ngày 19/8/1945 cho đến ông HCM đọc bảng tuyên ngôn độc lập với những quyền tự do căn bản của con người được quy định trong hiến pháp của Hoa Kỳ năm 1776 và của Pháp năm 1789 trước toàn dân và quốc tế, một nhà nước liên hiệp các đảng phái và một hiến pháp đa đảng cũng được hình thành năm 1946.

Nhưng rồi những áng mây ảm đạm đã đưa đất nước đi vào đen tối khi mà hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 ông Hồ chí Minh đã ký với Pháp và chấp thuận cho quân đội Pháp trở lại VN lần thứ 2, các đảng phái chống Pháp đã từ từ bị Pháp và lực lượng Việt Minh của ông tiêu diệt như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Đại Việt, Dân Xã Đảng v.v... Cuộc chiến chống Pháp cũng được ông HCM phát động trong toàn dân, giai đoạn này Pháp đã bắt đầu sa lầy tại Đông Dương và trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc chiến tranh giữa Việt Nam với Pháp khiến cho hàng chục ngàn chiến sĩ phải hy sinh thật là đáng tiếc bởi vì, nếu không có trận đánh Điện Biên Phủ thì Pháp cũng bắt buộc phải trao trả độc lập cho Việt Nam như Campuchia và Lào thôi. Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954 chia đôi 2 miền đất nước, miền Bắc VN theo chủ nghĩa cộng sản nhận viện trợ của Liên sô và Trung cộng, miền Nam VN theo chủ nghĩa tư bản của nền dân chủ đa nguyên nhận viện trợ của Hoa Kỳ, vĩ tuyến 17 bên dòng sông Bến Hải là ranh giới tạm thời giữa 2 miền để chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng rồi chiến tranh vẫn xảy ra vì chủ trương giải phóng miền Nam bằng vũ lực của ông HCM với sự viện trợ dồi dào của Liên sô và Trung cộng, nhân dân miền Bắc đã thực sự sống trong địa ngục trần gian khi mà cuộc cải cách ruộng đất long trời lỡ đất đã lấy đi sinh mạng của gần 200 ngàn người dân được đảng ban cho tội danh địa chủ bóc lột, cường hào ác bá, những hình ảnh cha con, chồng vợ đấu tố lẫn nhau đã làm đảo lộn cả một nền đạo lý nghìn đời của dân tộc và cuối cùng những giọt nước mắt của ông HCM trước toàn dân cũng dễ dàng được nhân dân miền Bắc chấp nhận và dồn hết mọi khả năng, sức lực cùng vật chất của mình để giải phóng miền Nam. Công bằng để nhận định là với nền dân chủ đa nguyên lúc đó của miền Nam tuy còn non trẻ, nhưng cuộc sống và sự tự do hưởng thụ của nhân dân miền Nam đã vượt quá xa nhân dân miền Bắc XHCN, miền Nam giàu có và tự do hơn miền Bắc điều này đã quá rõ ràng cho nên đâu cần sự giải phóng của miền Bắc nghèo hơn mình. Trước 1975 miền Nam VN cũng được mệnh danh là con rồng Đông Nam Á. 

Còn nếu viện dẫn lý do Mỹ xâm lăng miền Nam VN thì lại càng sai bởi vì, quân đội Hoa Kỳ là đồng minh của miền Nam VNCH chỉ có mặt tại miền Nam VN theo lời yêu cầu của chính phủ VNCH năm 1965. Thời gian từ 1954 khi chia đôi đất nước đến 1965 là chưa có một bóng dáng người lính Hoa Kỳ nào tại miền Nam VN cả. Nếu không có đoàn quân giải phóng miền Nam của miền Bắc vào gây chiến thì sẽ không bao giờ có bóng dáng của quân đội Hoa Kỳ hay của bất cứ quốc gia nào khác có mặt tại miền Nam VN, đây là sự thật mà bất cứ ai cũng đều biết. Bàn cờ chính trị của các siêu cường và quyền lợi đổi chác cùng chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ khiến Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam VNCH không thương tiếc. Hiệp định hòa bình Ba Lê ngày 27/1/1973 chỉ là cái cớ để cho Hoa Kỳ rút quân trong danh dự, ngoại trưởng Kissinger là tác nhân chính để Quốc Hội Hoa Kỳ cắt đứt hoàn toàn viện trợ cho miền Nam VN. Chiêu bài chống Mỹ cứu nước của CSBV lại tiếp tục lỗi thời khi sau ngày ký hiệp định Ba Lê 1973 cũng không còn một người lính Mỹ nào hiện diện tại miền Nam VN. Hiệp định Ba Lê quy định 2 bên miền Nam VN là Việt Nam Cộng Hòa và chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa miền Nam VN ngưng bắn, không lấn chiếm lẫn nhau để Ủy Ban Quốc Tế kiểm soát đình chiến tiến hành thành lập chính phủ 3 thành phần và tổ chức tổng tuyển cử cho nhân dân miền Nam tự do chọn lựa người lãnh đạo đất nước, tất cả các quân đội nào không thuộc của 2 bên miền Nam VN đều phải rút ra khỏi miền Nam VN. Quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh của VNCH đã rút hết nhưng chỉ có quân đội miền Bắc VN chẳng những không rút mà còn tăng cường dồn hết sức mạnh vào giải phóng miền Nam không qua con đường bầu cử như hiệp định đã quy định. Hoa Kỳ đã thực sự phản bội quân dân miền Nam VN khi không có phản ứng mà còn cúp hoàn toàn viện trợ để dẫn đến ngày 30/4/1975 bi thảm nhất trong lịch sử dân tộc.

Nhưng càng bi thảm hơn khi mà sau 41 năm thống nhất, đất nước ngày nay lại thua cả Campuchia và Lào. Nợ công đụng trần bình quân đầu người tính từ em bé mới sinh ra cho đến người già sắp chết cũng đều mang món nợ gần 30 triệu đồng. Kinh tế, giáo dục, y tế cho đến giao thông... đã và đang đi xuống trầm trọng, tài nguyên thiên nhiên đang bị tàn phá nặng, hậu quả việc xã chất độc của tập đoàn Formosa đã khiến cho hàng triệu nhân dân miền Trung phải tán gia bại sản, hàng trăm ngàn tấn cá chết không biết đi về đâu khi mà nước mắm cũng được làm từ cá chết, những hầm chứa bùn bỏ của việc khai thác bauxit Tây Nguyên là trái bom nổ chậm trên đầu nhân dân vùng cao nguyên, hàng hóa độc hại của Tàu cộng đang tràn ngập thị trường, bệnh viện quá tải bệnh nhân, riêng bệnh ung thư thì VN đứng đầu thế giới, môi trường thì vẫn tiếp tục bị ô nhiễm nặng, các công trình dự án và đền bù giải tỏa không thỏa đáng khiến cho dân oan càng ngày càng đông trên khắp miền đất nước, người bạn vàng phương bắc thì luôn luôn tìm cách xâm chiếm dần đất nước, luôn luôn tìm cách tiêu diệt dần sức khỏe của nhân dân, thành phần giàu có trong xã hội đều quy tụ vào giới lãnh đạo có chức có quyền cùng các giai cấp ăn theo để hưởng lợi gây nên tình trạng tham ô, tham nhũng trong guồng máy cầm quyền hầu như bất trị khiến cho vị ĐBQH Lê văn Lai trước khi về hưu đã đứng giữa hội trường nhắc nhở và mong muốn đồng nghiệp của mình còn ở lại phải ưu tiên chống giặc ngoại xâm là Trung quốc và giặc nội xâm là tham nhũng. 

Ngày 12/7/2016 tòa trọng tài quốc tế PCA đã ra phán quyết phủ nhận hoàn toàn sự hiện diện của Tàu cộng tại biển Đông, Phillippine đã thắng, thế giới đang phản đối và đang liên kết để cô lập và trừng trị Tàu cộng không công nhận phán quyết của PCA, đây là thời cơ ngàn năm có một để VN kiện Tàu cộng ra tòa án QT hầu lấy lại biển đảo mà Tàu cộng đã ngang nhiên chiếm giữ. hật là một nghịch lý khó tin nhưng lại có thật cho các nhà lãnh đạo ĐCSVN chẳng những không thưa Tàu cộng mà còn xiết chặt tình bạn hữu nghị đời đời bền vững thêm lên, những cuộc biểu tình ở trong nước chống kẻ thù Tàu cộng đều bị lực lượng công an, an ninh, dân phòng và bọn côn đồ mặc thường phục thẳng tay đàn áp, đánh đập, mặc dù nhà cầm quyền vẫn thường xuyên tuyên bố bằng miệng phản đối hành động xâm lược của Tàu cộng. Những cái thiêng liêng nhất của Tổ Quốc đang được các nhà lãnh đạo ĐCSVN đem ra đổi chác bằng hòa bình và tình hữu nghị.

Bằng chứng dã tâm thôn tính VN của Tàu cộng đã được chính văn kiện sự thật về quan hệ VN - TQ trong 30 năm của bộ ngoại giao VN công bố ngày 4/10/1979 sau khi Tàu cộng xua quân xâm lược 6 tỉnh phía Bắc tháng 2/1979 như sau: Họ Mao nói "Nước ta và nhân dân VN có mối hận thù dân tộc hàng ngàn năm nay. Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ. Ngược lại, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho họ ở trong tình trạng không mạnh không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng như hiện nay. Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần chúng ta phải chuẩn bị họ trở thành của chúng ta". Còn Tập cận Bình thì nói "Cách chiếm VN khôn ngoan nhất là làm sao cho lớp trẻ bên đó mù dần rồi mù hẳn lịch sử dân tộc họ. Việc này giao đặc trách cho tình báo Hoa nam ".

Tình trạng VN ngày nay đang đi đúng với kịch bản mà Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình của Tàu cộng đã đề ra. Thử hỏi trong suốt thời gian qua những cuộc viếng thăm lẫn nhau cùng những cái bắt tay, ôm nhau nồng thắm của TBT Nguyễn phú Trọng và các nhà lãnh đạo VN với Tàu cộng, những công trình dự án đầu tư từ Tàu cộng, VN được những gì trên thực tế ngoài những lời nói vu vơ và viển vông của Tập cận Bình cùng các tay khác của Tàu cộng?. Học sinh, sinh viên VN bây giờ được mấy em nhớ và rành về lịch sử của tiền nhân đánh đuổi giặc Tàu thuở xưa. Có thể nói vì miếng cơm manh áo mà cái sợ, cái hèn và bảo thủ quyền lợi cá nhân đã ăn sâu vào tiềm thức của đại đa số nhân dân VN, cũng có thể các phong trào đấu tranh cho một nền tự do, dân chủ, nhân quyền thực sự cho VN vẫn chưa đủ mạnh để cho nhà cầm quyền CSVN quay đầu. Nhưng nếu nhìn về khía cạnh những gì đang xảy ra cho bọn Tàu cộng và VN thì chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho đất nước trong thời gian không xa, VN sẽ thực sự có tự do, dân chủ và nhân quyền.

Tàu cộng đang bị thế giới lên án vì ngoan cố không chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài QT PCA, tiếp tục gia tăng sự hiện diện tại biển Đông. Tập cận Bình lại còn san bằng tu viện Phật học của Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, những nguyên nhân ác này chắc chắn Tàu cộng sẽ bị trừng trị như Afganistan trước đây đã phá bỏ tượng Phật Thích Ca trên 2000 năm và sau đó đã bị Hoa kỳ và các nước xóa sổ chính quyền Taliban của Afganistan. Tàu cộng đang đi theo vết chân của Afganistan, cộng thêm thiên tai, bất ổn trong nội bộ và sự nổi dậy của các dân tộc bị trị cùng với chính nhân dân Tàu. 

Chiến tranh bắt buộc phải xảy ra vì Tàu cộng không thể nào lùi bước, chiến thắng nghiêng về ai thì khỏi phải bàn. TBT Nguyễn phú Trọng và các nhà lãnh đạo đất nước VN nên suy nghĩ lại về những chủ trương và hành động của Tàu cộng đã và đang đối xử với đất nước và nhân dân mình, đừng vì trung thành với ý thức hệ và quyền lợi riêng để đất nước và dân tộc mình phải tan nát vì đứng chung chiến hào với kẻ thù thì tội lỗi này muôn đời cũng không sao rửa sạch. Phải mạnh dạn thoát Trung, thưa Tàu cộng ra tòa án QT và liên minh quân sự với các nước để tạo sức mạnh đối đầu với kẻ thù Tàu cộng là việc cần phải làm ngay trước khi quá muộn.


Thị Tiến phán đúng quá

Hạ Trắng (Danlambao) - “Người dân thì cứ vào bệnh viện là thấy sợ, sợ từ ông bảo vệ”(*). Đấy là kết luận của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đấy nhá. Chứ một dân thường mà phát biểu câu ấy, coi chừng bị gán mác “xuyên tạc”, hoặc “nói xấu chế độ” như chơi. Bà Tiến phát biểu như thế trong “hội nghị tăng cường dịch vụ thuê khoán ngoài tại các bệnh viện”, diễn ra chiều 12/8 tại Hà Nội.

Sống dưới sự “lãnh đạo tài tình của đảng”, thằng dân nào mà dám không sợ? Tài tình đến nỗi, đảng cộng sản Việt Nam đã biến cả một dân tộc có quá khứ anh hùng thành một dân tộc hèn yếu và chìm trong sợ hãi. Nói như Blogger Vũ Đông Hà, thì Sợ hãi đã trở thành “căn bệnh ung thư và di truyền”... “Gần 60 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam, bầy vi trùng sợ hãi đã đục khoét vào từng phế phủ của dân tộc Việt Nam. Sợ đảng, sợ cán bộ, sợ lẫn nhau và sợ ngay cả ý tưởng độc lập của chính mình. Nỗi sợ bám theo năm tháng làm cho người ta phải tự đánh mất chính mình để có thể yên thân sống.”

Thôi, trừ hết những nỗi sợ khác đi, gói gọn cái nỗi sợ liên quan đến bệnh viện thôi, cho khỏi lan man dài dòng. Chao ơi! Gói gọn xong thấy rợn cả người. Hình ảnh cô gái bị cưa nhầm chân cứ ám ảnh trong đầu. Nói dại, nếu một ngày nào đó không may mình bị làm sao phải vào viện, thì… À không sợ, có cách rồi. Trước khi vào phòng bệnh sẽ nói người nhà mang theo giấy bút, viết sẵn ghi chú rồi dán vào từng bộ phận cơ thể để bác sĩ biết mà phân biệt, tránh nhầm lẫn. Ví dụ mẩu giấy viết chữ “chân trái” thì dán vào chân trái, giấy viết chữ “chân phải” thì dán vào chân phải. Cứ thế lần lượt cho các bộ phận khác như tay trái, tay phải, mắt trái, mắt phải, tai trái, tai phải, mũi, miệng, đầu, mông v.v…, chỗ nào cũng ghi chú hết. Khắp người khi ấy biến thành cuốn bách khoa toàn thư về bộ phận cơ thể con người luôn. Đấy, cứ thế thì làm sao mà bác sĩ mổ nhầm được. 

Ờ, nhưng nếu không liên quan đến cưa chặt, mổ máy mà lại là tiêm thuốc thì sao? Hàng loạt trẻ em đã tử vong vì tiêm vác- xin còn gì. Hic, thế này thì hết cách rồi.

Cơ mà để đến được với những nỗi sợ trên, tức là đã vào đến giai đoạn chữa bệnh, thì phải trải qua các nỗi sợ khác nữa. Sợ gương mặt lạnh như tiền, hoặc thái độ quát mắng, nạt nộ của người bảo vệ. Sợ cả lúc làm thủ tục khám chữa bệnh ở bộ phận hướng dẫn. Làm sao phải có đủ tiền để đút lót rồi mới lọt vào vòng sợ hãi tiếp theo, tức là “được” điều trị. Sợ phải chen chúc trong phòng bệnh, sợ nằm la liệt ngoài hành lang. Sợ đang điều trị thì bị đuổi về vì hết tiền. Sợ bác sĩ không nhiệt tình chữa trị. Sợ bị quát mắng, bắt bẻ, vòi vĩnh… Sợ không dám lên án hoặc tố cáo trước sai phạm của bác sĩ trong quá trình điều trị. Sợ lây các bệnh truyền nhiễm khác trong lúc nằm viện hoặc chăm sóc bệnh nhân. Sợ không khỏi bệnh. Sợ chết. Đủ thứ sợ.

Nhưng đừng tưởng chỉ có bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mới sợ đâu nhé. Bà Bộ trưởng còn sợ hơn ấy chứ. Đây này, “Những người có điều kiện sẽ ra nước ngoài chữa trị dẫn đến chảy máu ngoại tệ”.

Cho nên phải làm thế nào để dân chúng không được ra nước ngoài chữa bệnh. Chết cũng phải chữa trị trong nước. Cứ vậy đã, rồi ngoại tệ trong túi bọn dân, nghĩ cách khoắng sau.



Tôi không sợ đâu và tôi tha thứ cho các anh

Tôn Nữ Khiêm Cung - Sống mười tám năm đầu trong vòng tay và sự giáo dục của cha mẹ, chưa từng bị đòn roi một lần. Sống thêm hai năm không mất lòng ai nên chưa từng bị ai đối xử tệ bạc một lần. 

Vậy mà hôm nay mình bị lôi từ trên xe máy nằm ngã xuống dưới đất và vây quanh bởi bốn người-đàn-ông đánh đập. Mà một trong số đó, đang cầm mã tấu.

Chỉ vì mình "dám chụp hình công ty của họ", như họ đã nói.

Mình la hét rất nhiều để tìm một sự quan tâm từ những người đi đường nhưng đáp trả mình là sự im lặng. Điện thoại bị cướp, giỏ xách thì bị giật đứt và quăng xuống dưới nước. Anh chị mình đều bị tương tự.

Hôm qua, an ninh Khánh Hòa đàn áp hàng trăm người dân vì biểu tình yêu cầu nhà máy xử lý chất thải độc hại ra khỏi khu dân cư. Và bây giờ có một nhóm côn đồ nào đó tấn công những ai quan tâm đến chuyện họ làm. 

Đất nước này là như vậy đấy.
...

Tôi không sợ đâu.
Và, tôi tha thứ cho các anh.

Tôn Nữ Khiêm Cung


Facebooker Tôn Nữ Khiêm Cung: Sơn hà nguy biến - xin đừng vô cảm

Biển chết, bố thất nghiệp, con thất học

Vì Dân - Chú Trần Văn Hạn, ngư dân tại Vũng Áng kể về cuộc sống của gia đình từ khi Formosa xả thải đến nay.

- Gia đình không biết làm nghề gì mà sống suốt 4 tháng nay.
- Đã vay mượn hơn 10 triệu để chi tiêu cho sinh hoạt gia đình.
- Không biết làm sao để trả nợ.
- Không xoay sở được tiền cho con cái ăn học.
- Dự định sẽ dẫn con trai cả vào Nam đi làm thuê, chứ làm ngư dân không được nữa!

Ước mong duy nhất của người ngư dân này là "Formosa phải trả lại biển sạch và cút khỏi Việt Nam!"

Bồi thường 5 triệu đồng/thuyền. Nhà nào có thuyền thì có tiền. Nhà nào không thuyền thì chết đói sao?

5 triệu/ thuyền mà nuôi được 10 thành viên trong một gia đình trong suốt 4 tháng nay sao?

Chẳng lẽ tất cả ngư dân miền Trung phải bỏ biển lên bờ. Đi làm thuê làm mướn mới vừa lòng hả dạ các quan chức chính phủ Việt Nam hay sao?

Rồi thì tương lai những đứa trẻ miền biển này sẽ ra sao?

Bỏ học đi làm thuê hết sao?