Wednesday, June 7, 2017

‘Muốn té xỉu’ khi về Việt Nam xài số điện thoại ở Mỹ

Ngọc Lan/Người Việt  07-06- 2017
Ông Hòa Nguyễn, cư dân Westminster, cùng hóa đơn điện thoại tăng hơn $500.00 so với bình thường. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Nhận được hóa đơn điện thoại Tháng Năm, 2017, với số tiền tăng thêm hơn $500 so với mức bình thường, ông Hòa Nguyễn muốn “té xỉu.”
Mang lý do vì sao bị tính tiền “kinh khủng” như vậy đến tòa soạn Người Việt, ông Hòa chỉ muốn “cảnh báo” mọi người hãy cẩn thận khi mang điện thoại từ Mỹ về Việt Nam sử dụng.
‘Cứ nghĩ là dùng Viber gọi thì không trả tiền’
Giữa Tháng Tư, vợ ông Hòa, cư dân thành phố Wesmtminster, về Việt Nam thăm người em đang bị bệnh nặng. Để tiện việc liên lạc, vợ ông cầm theo chiếc điện thoại mà bà vẫn dùng hằng ngày qua mạng T-mobile.
“Vợ tôi nghĩ rằng khi về bển, tải ứng dụng Viber xuống rồi dùng Viber gọi qua internet thì sẽ không phải trả tiền,” ông Hòa kể.
(Viber là một ứng dụng di động cho phép gửi các tin nhắn và gọi miễn phí đến bất cứ người dùng Viber nào. Dĩ nhiên, muốn dùng Viber phải có internet – tức chữ ‘data’ trong hóa đơn T-mobile.)
Nghĩ vậy, nên vợ ông Hòa “hoàn toàn yên tâm” khi gọi và nhận một số cuộc gọi từ các nơi vào số điện thoại của bà. Tổng cộng thời gian các cuộc gọi đến gọi đi là 83 phút.
Chỉ đến khi nhận hóa đơn điện thoại tháng này, ông Hòa mới “tá hỏa” khi thấy “trung bình mỗi tháng tôi trả $175 cho T-mobile, nhưng ‘bill’ tháng này lên đến hơn $700.”
Ra là, 83 phút gọi đi gọi về từ Việt Nam của vợ ông Hòa không miễn phí như bà nghĩ, mà tất cả đều bị tính vào cước phí gọi “roaming” và lệ phí cho mỗi phút gọi này là $5.99
“Ngạc nhiên, tôi gọi cho T-mobile hỏi thì được trả lời là cái phone vợ tôi dùng line của T-mobile, nhưng khi cầm về Việt Nam xài thì do T-mobile có hợp đồng với hãng Viettel ở Việt Nam, và hợp đồng này cho phép những ai đang dùng internet (data) của T-mobile sẽ tự động chuyển sang internet của Viettel và họ tính mình tiền ‘roaming’,” ông Hòa giải thích lại.
“Data roaming” hay nói một cách đơn giản là “roaming”, tức là tính năng cho phép điện thoại của bạn vào được mạng (online) khi bạn đi đến những nơi mà công ty điện thoại của bạn không phủ sóng tới, bằng cách tự chuyển sang “dùng nhờ” sóng của nhà cung cấp mạng (internet) khác.
Trong trường hợp này, T-mobile chưa có sóng ở Việt Nam, nên khách hàng dùng “data” của T-mobile, khi mang điện thoại về Việt Nam, sẽ tự động mượn sóng của Viettel để dùng. Khách hàng sẽ phải trả tiền “roaming” này với giá tùy theo hợp đồng của T-mobile với nhà cung cấp mạng ở mỗi nước khác nhau.
'Muốn té xỉu' khi về Việt Nam xài số điện thoại ở MỹDùng số điện thoại ở Mỹ mang về Việt Nam dùng sẽ bị tính tiền “roaming” rất cao. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Hiểu nhầm hoặc không hiểu khi sử dụng ‘data’ của điện thoại
Trường hợp bị tính tiền rất nhiều do hiểu nhầm là mình “đang sử dụng Viber, mà Viber thì ‘free’” như cách nghĩ của vợ ông Hòa không phải là cá biệt.
Cũng chính ông Hòa kể, “Mới đây bạn tôi cũng bị khi cầm điện thoại T-mobile đi du lịch ở vùng Caribbean. Bạn tôi nói chỉ mở lên coi tin nhắn thôi thì tất cả ‘roaming’ và hết phải trả gần $400 tiền ‘bill’.”
Vợ ông Hòa và bạn ông đều bị nhầm hoặc có thể không hiểu rõ việc sử dụng internet từ điện thoại di động.
Ngày nay, các điện thoại thông minh “smart phone” đều có tính năng “roaming.” Tùy theo thuê bao mà khách hàng chọn khi sử dụng các hãng điện thoại tại Mỹ, cụ thể trong trường hợp này là T-mobile, mà “data roaming” có thể bị tính tiền nhiều hay ít ở những tiểu bang, những quốc gia khác nhau.
Denise, một nhân viên “chăm sóc khách hàng” (customer service) của T-mobile, cho biết, “Do Việt Nam chưa có sóng của T-mobile, cho nên nếu khách hàng muốn dùng số điện thoại của T-mobile ở Việt Nam thì sẽ phải trả $5.99 cho mỗi phút nghe hay gọi, 20 cents cho mỗi tin nhắn gửi đi hay nhận đến, và $15.00 cho mỗi megabyte khi vào mang xem email hay lướt web.”
Về trường hợp như vợ ông Hòa “nghĩ rằng mình đang dùng Viber khi ở Việt Nam,” Denise giải thích, “Chúng tôi không còn hợp đồng với công ty điện thoại ở Việt Nam, vì vậy bạn sẽ không thể truy cập dữ liệu để sử dụng Viber từ điện thoại của bạn được.”
“Viber sẽ không xài được khi không có internet,” Denise nói thêm.
Về Việt Nam mà muốn có internet cho chính số điện thoại đang xài ở Mỹ thì chỉ có “roaming.”
Nghĩa là, thật sự vợ ông Hòa hoàn toàn dùng “roaming” mà không hề biết.
Cô Tâm Nguyễn ở Santa Ana cũng có kinh nghiệm chút ít về điều này. Cô kể, “Hồi Tháng Ba, khi vừa về đến Sài Gòn, ra khỏi phi trường, mở điện thoại ra thấy có hai tin nhắn và hai cái ‘voice message.’ Tôi mở ra xem và nghe. Còn đang vui vui vì sao mình có thể nhận và nghe tin nhắn từ Mỹ, tôi thử bấm số gọi luôn cho ông chồng. Chồng tôi bắt phone và nói ngay, ‘Em đang gọi bằng roaming đó, họ tính tiền nhiều lắm đó.’ Rồi ổng kêu tôi ‘turn off’ chức năng ‘roaming’ trên điện thoại, bảo mua cái sim ở Việt Nam thay vào rồi hãy gọi lại.”
Cô Tâm cho biết, “Chỉ vậy thôi mà khi nhận bill, thấy bị tính thêm $6.79, tức là 1 phút gọi roaming $5.99, 2 tin nhắn và 2 voice message mỗi cái 20 cents.”
Dù sao thì cô Tâm Nguyễn vẫn “may mắn” hơn vợ ông Hòa và bạn của ông khi có chồng cô biết và chỉ cô cách tắt đi chức năng “roaming” để không “đau bụng” khi nhìn thấy hóa đơn điện thoại tăng lên vài trăm đồng, thậm chí có người lên đến vài ngàn đô la.
Hãy mua thẻ điện thoại địa phương để dùng
Ông Hòa cho biết, “Tôi gọi lên hãng T-mobile cả bốn, năm lần, yêu cầu nói chuyện luôn với người quản lý để ‘ca bài ca con cá’ nhưng mà họ nói số tiền gần $500 đó mình phải trả chứ không được giảm bớt gì hết. Tuy nhiên, họ không bắt mình trả liền một lần mà cho trả trong tám, chín tháng.”
“Tôi muốn nói lên điều này cho mọi người biết là khi sử dụng điện thoại thì phải cẩn thận, nhất là khi mang về Việt Nam, không thôi phải tiền như vậy thì rất vô duyên. Muốn gọi Viber thì hãy mua một thẻ, một sim điện thoại ở Việt Nam thay vào để xài, dùng internet ở Việt Nam rồi gọi qua Viber, đừng mang theo điện thoại có ‘roaming’ như vậy,” ông Hòa nhắn nhủ.
Kinh nghiệm của ông Hòa cũng là lời gợi ý của Denise, nhân viên chăm sóc khách hàng của T-Mobile.
Denise giải thích, “Khi bạn vẫn để ‘sim card’ của T-mobile trong điện thoại và tắt chức năng ‘roaming’ thì điện thoại của bạn không sử dụng được ở Việt Nam vì chúng tôi không phủ sóng ở đó.”
Trả lời cho câu hỏi của phóng viên Người Việt, “Làm sao để có thể sử dụng điện thoại gọi và vào xem email, coi tin tức khi về Việt Nam mà không phải trả nhiều tiền?”, Denise khuyên, “Hãy ‘unlock’ điện thoại của bạn trước khi đi. Khi điện thoại đã ‘unlock’ rồi thì bạn hãy mua một cái ‘sim card’ ở nơi bạn đến để dùng. Đó là lựa chọn tốt nhất.”

Việt Nam nhờ Nhật ‘bồi dưỡng’ cho ‘lãnh đạo cấp chiến lược’

Theo Người Việt-07-06-2017

Việt Nam nhờ Nhật “bồi dưỡng” cho “lãnh đạo cấp chiến lược” có lẽ là thông tin đáng chú ý nhất về cuộc họp báo diễn ra sau khi ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật, hội đàm với ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam, tại Tokyo, Nhật, hôm 6 Tháng Sáu.

Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe (phải) tiếp đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo ngày 6 Tháng Sáu. (Hình: Kim Kyung-Hoon/AP)
Trước đây, việc “bồi dưỡng” cho viên chức lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” luôn do hệ thống các trường đảng tại Việt Nam đảm trách. Thỉnh thoảng, Việt Nam gom các viên chức lãnh đạo, kể cả lãnh đạo quân đội, công an thành đoàn, gửi cho Trung Quốc “bồi dưỡng.”


Bồi dưỡng các viên chức lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” về quản lý giờ là một trong những thỏa thuận liên quan đến hợp tác Việt-Nhật và thuộc lĩnh vực “phát triển nguồn nhân lực.”

Tường thuật về cuộc họp báo vừa kể, báo chí Việt Nam và quốc tế chỉ chú trọng đến chuyện, trong năm tài khóa 2016, Nhật sẽ dành cho Việt Nam khoản vay ưu đãi để thực hiện các dự án phát triển (ODA) trị giá 100.3 tỷ yên, tương đương $912 triệu và yếu tố thỏa thuận vay đã được hai bên ký kết trong cùng ngày.

Việt Nam sẽ dùng khoản vay vừa kể thực hiện bốn dự án: (1) Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải. (2) Quản lý nước ở Bến Tre. (3) Cải tạo hệ thống thoát nước và giải quyết nước thải thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, giai đoạn 1. (4) Phát triển hạ tầng của khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, giai đoạn 2.

Nếu đối chiếu thông tin về ODA mà ông Abe và ông Phúc công bố sau cuộc hội đàm, với thông tin về ODA mà ông Abe từng loan báo khi thăm Việt Nam hồi giữa Tháng Giêng năm nay thì khoản ODA mà Nhật hứa sẽ cho Việt Nam vay trong năm tài khóa 2016, với mức Nhật vừa chính thức cho vay giảm khoảng 23 tỷ yên.

Cách nay khoảng sáu tháng, sau khi hội đàm với thủ tướng Việt Nam tại Hà Nội, thủ tướng Nhật hứa sẽ cho Việt Nam vay đến 123 tỷ yên (xấp xỉ $1.05 tỷ).

Nhật và Việt Nam không cho biết tại sao số tiền Việt Nam được vay thấp hơn mức Nhật đã hứa hẹn cách nay nửa năm.

Cần nhắc lại rằng, Nhật hiện là một trong ba chủ nợ lớn nhất của Việt Nam. Từ 2001 đến 2015, nợ của Việt Nam đối với Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) tăng 20.3 lần (từ 7.5 ngàn tỷ đồng thành 151.1 ngàn tỷ đồng), nợ Ngân Hàng Thế Giới (WB) tăng 11.5 lần (từ 23.9 ngàn tỷ đồng tăng thành 274.2 ngàn tỷ đồng), nợ Nhật tăng 6.8 lần (từ 35.9 ngàn tỷ đồng tăng thành 243.9 ngàn tỷ đồng).

Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật thêm, trong năm tài khóa 2016, ngoài cho vay ưu đãi, Nhật còn viện trợ 2.93 tỷ yên, tương đương $26.6 triệu để Việt Nam thực hiện các dự án liên quan đến phòng chống thiên tai và phát triển nguồn nhân lực: Vận hành các hồ chứa nước khi xảy ra tình huống khẩn cấp, quản lý lũ bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện, học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS) 2017 và 2018.

Cũng theo thông tấn xã, hai quốc gia sẽ ưu tiên cho hợp tác phát triển hạ tầng phẩm chất cao (Nhật hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy chuẩn cho cảng biển cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020, hợp tác thực hiện dự án cao tốc theo hình thức hợp tác đối tác công tư – PPP), năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đào tạo nhân lực (Nhật giúp Việt Nam đào tạo 800 thạc sĩ, tiến sĩ trong vòng năm năm), hợp tác phát triển kinh tế, thương mại…

Trong hàng loạt nội dung liên quan đến hợp tác-phát triển đó, lần đầu tiên người ta thấy Việt Nam chính thức đề nghị một quốc gia tư bản “bồi dưỡng” cho viên chức lãnh đạo các cấp về quản lý, đặc biệt là viên chức cấp chiến lược.

Nhật và Việt Nam còn tái khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn đa phương như Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), APEC, Diễn Đàn Hợp Tác Á-Âu (ASEM), Liên Hiệp Quốc.

Đối với vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định sẽ cùng theo đuổi việc bảo vệ hòa bình, an ninh, an toàn và tự do lưu thông, chống những hành động đơn phương (quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng) tạo thêm phức tạp trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp ôn hòa, tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Việt Nam: Chia để Trị.

Quang Nguyên-05-06-2017
(VNTB) - Lịch sử đã chứng minh, thể chế chính trị xây dựng sức mạnh của mình để cai trị dân theo cách thức ấy không thể tồn tại lâu dài và luôn luôn lãnh nhận kết thúc bi thảm.


Thời Pháp thuộc, đế quốc Pháp chia Việt Nam thành tam kỳ, Bắc Kỳ (Tonkin) Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine), mỗi kỳ bị đặt dưới 1 chế độ cai trị khác nhau nhằm "CHIA ĐỂ TRỊ”, diviser pour mieux régner, một phương sách thâu tóm và duy trì quyền lực. Đến khi Cộng Sản nắm chính quyền, họ rập theo chính sách của Pháp, tiếp tục chia rẽ để cai trị. Sự chia rẽ này khốc liệt,  tinh vi, sâu sắc, đi đến kiệt cùng  hơn sự phân chia  của Pháp. Cho đến nay đảng Cộng Sản đã thành công đáng kể trong việc đẩy sự phân hóa dân tộc, xã hội, chính trị, kinh tế đến mức cao nhất trong lịch sử nước ta.

Việt Nam dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản có thể được vẽ nên thế này: Một ngôi sao ở trung tâm, ngôi sao quyền lực, là đảng, hay nói rõ hơn là những người lãnh đạo đảng, được bảo vê một cách vững chắc  bởi một vòng tròn ở phía ngoài, Vạn Lý Trường Thành, công an, quân đội trung thành tuyệt đối với đảng. Ngoài cùng, ngoài vòng tròn bảo vệ đảng đó, là dân chúng. Dân chúng lại bị chia ra làm nhiều nhóm, nhiều thành phần giai cấp, nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó bị trộn lẫn tác nhân gây chia rẽ của đảng cài cắm vào.


Ngôi Sao Trung Tâm

Ngôi sao trung tâm trong xã hội VN, theo cách nói và  tuyển chọn của đảng, tập trung những thành phần ưu tú  nhất, nhiều khả năng nổi trội nhất trong các đảng viên ưu tú. Đảng viên, như bản điều lệ đảng quy đinh, là những người ưu tú trong nhân dân, có lối sống lành mạnh. Không ưu tú, không có lối sống lành mạnh không thể trở thành đảng viên. Chỉ khoảng 4 triệu người ưu tú và có lối sống lành mạnh vượt trên 90 triệu người Việt khác được tuyển chọn thành đảng viên đảng CSVN. Không may mắn, vì một lý do gì đó, người bị cho ra khỏi đảng, hay tự ý từ bỏ đảng, bị đảng gọi là thành phần suy thoái, có tội với đảng và tống trả lại thành phần ‘quần chúng nhân dân’; nói cách khác, dân ‘dâng’ lên đảng các thành phần ưu tú nhất và nhận lại các cặn bã của đảng, dể cho các cặn bã của đảng này trở lại hòa tan vào môi trường nhân dân cùng một chất lượng. Trong số 4 triệu người ưu tú, vượt trội trên toàn dân, có vài trăm người cực kỳ ưu tú, có tố chất tuyệt vời, có cống hiến lớn lao cho đảng, có công với cách mạng, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, được chọn lựa, trở nên những người trên trước, nằm trong ngôi sao quyền lực lãnh đạo toàn đảng, toàn dân. Họ chia nhau nắm giữ tất cả các vị trí cao nhất, then chốt trong các lãnh vực  xã hội, kinh tế, chính trị v..v. Tính từ “tuyệt đối, triệt để, toàn diện” luôn luôn được áp dụng trong ngôi sao quyền lực này: quyền lực tuyệt đối, trung thành tuyệt đối, hành động triệt để, lãnh đạo toàn diện…


Vạn Lý Trường Thành Công An, Quân Đội

Để củng cố quyền lực, bảo đảm sự cai trị, đảng CS VN xây dựng lực lượng công an, an ninh, một thứ vạn lý trường thành, bảo vệ họ. Sự quan trọng sống chết của bức vạn lý trường thành, “thanh gươm và lá chắn”, này như tay chân, như da, như thịt  bảo vệ óc não, lục phủ ngũ tạng của đảng, như xương để giữ cho cơ thể đảng đứng vững. Hàng ngũ an ninh, công an của đảng dược lọc lựa kỹ càng từ những gia đình, dòng họ đảng viên. Phải là con đảng viên, phải chứng minh được cha ông họ đã thuộc về đảng và chính họ, con cháu của đảng, sẽ mãi là con cháu đảng, tuyệt đối trung thành với đảng. Họ thoát thai cả nghĩa đen và nghĩa bóng từ đảng, từ vài đời đảng viên, không phải từ nhân dân. Họ là của đảng, và đảng là họ. Còn đảng còn họ. Họ cần phải đỏ, đỏ trước đã, sống chết với đảng, một mức cao hơn các đảng viên thường, họ “đã tuyệt đối, còn tuyệt đối hơn nữa”(sic) trung thành với đảng, tuân lệnh đảng. Họ là thành phần được tách bạch riêng ra để  phục vụ và bảo vệ đảng, cũng là phục vụ và bảo vệ chính họ và bộ máy vận hành bức vạn lý trường thành,  không phải bảo vệ nhân dân. Bảo vệ đảng là trách nhiệm, niềm tin và hạnh phúc của công an, an ninh. Họ đối lập với quần chúng nhân dân, đối tượng ngoài đảng, thoái đảng, mà lúc nào đảng cũng ngay ngáy lo ngại đi ngược lại đường lối đảng, thậm chí sẵn sàng lật đổ chính quyền. Đảng là chủ nhân ông của đất nước, của đám cừu nhân dân. Hình ảnh cảnh sát cơ động minh họa phần nào nhiệm vụ của công an, an ninh, với dùi cui, sùng phóng lựu, hơi cay và khiên chắn, (không đeo bảng tên), giữ sự tách biệt một bên là dân chúng bị áp bức và bên kia là quyền lợi đảng phải bảo vệ.

Bên cạnh lực lượng an ninh, công an là quân đội. Quân đội, cần nhân lực lớn, không được tuyển dụng lọc lõi như công an, an ninh. Quân đội phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của hệ thống đảng. Các cấp chỉ huy đều là đảng viên. Quân đội phải trung thành với đảng, bảo vệ đảng, Nhà Nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt đối với quân đội.

Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng bí thư đảng kiêm nhiệm, thể hiện vai trò nhất quán đảng Cộng sản Việt Nam chỉ huy tuyệt đối, trực tiếp quân đội. Sự lãnh đạo của đảng đối với quân đội nhân dân Việt Nam được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức đảng.

Sự việc Tổng Bí thư đảng kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương cùng với Chủ tịch nước, Thủ Tướng chính phủ cùng tham gia Đảng ủy Công an Trung ương thể hiện quyết tâm kiểm soát, nắm vững quyền lực và sự trung thành của hai lực lượng võ trang khổng lồ, bao trùm trên toàn dân, toàn lãnh thổ này.

Đảng ban phát cho đám tay chân những quyền lợi thừa mứa lấy từ dân chúng, quỹ đi vay của ngoại quốc, rút ruột từ các dự án, công trình lớn, nhỏ, để mặc sự lộng hành của quan chứ địa phương, an ninh, công an, quân đội chiếm dụng đất đai của công, của tư. Những vụ việc gọi là tham nhũng được đưa ra tòa là những vụ chẳng đặng đừng, hoặc không thể che giấu, không thể xử lý nội bộ, hoặc muốn vuốt mặt, một phần muốn như lấy lại phần nào ‘lòng tin’ của dân, của đảng viên cấp thấp với đảng.


Dân Chúng

Song song với sự tự ý tách mình ra khỏi dân chúng, độc tôn, nắm hết quyền lực, thâu tóm mọi đặc quyền, đặc lợi, để cai trị, đảng CSVN hết sức tìm mọi cách tách rời quần chúng nhân dân ra với nhau.

Vớt hết tất cả các thành-phần-ưu-tú-đỏ về phần mình, đảng Cộng Sản coi nhân dân còn lại như một dân tộc khác, có ngôn ngữ, phong tục và tập quán riêng. Các khác biệt này cần phải được đảng đồng hóa. Tiếng nói của dân phải là tiếng nói của đảng. Nhiều ban bệ trong đảng được dựng nên, hệ thống truyền thông hoàn toàn nằm trong tay đảng, để dạy dân, định hướng, bắt buộc  dân phải nói  ngôn ngữ của đảng, thậm chí dùng sức mạnh bắt người dân phải tin vào họ. Tôn giáo, trong giáo điều cộng sản, bị coi là kẻ thù chủ nghĩa, lực cản đà tiến của xã hội chủ nghĩa. Tôn giáo là ma túy cần phải loại bỏ. Gây chia rẽ, đối nghịch giữa các tôn giáo, giữa người dân không cùng tôn giáo với tôn giáo khác, gây chia rẽ ngay trong nội bộ từng tôn giáo là mục tiêu không mệt mỏi, không ngơi nghỉ của đảng hầu đi đến phá tan sự tin tưởng, kính trọng lẫn nhau của người các tôn giáo, dẫn đến bẻ gẫy từng tôn giáo, tiêu diệt hoàn toàn các tôn giáo.

Luôn lo sợ âm mưu lật đổ chính quyền tiềm tàng trong quần chúng, nhân dân, đảng ngăn chận và phá tan nguyện vọng chính đáng của người dân đòi hỏi thực thi quyền lợi dân sinh, dân chủ, tự do mà đảng xét không phù hợp với lợi ích của đảng. Đảng ngăn chận, tiêu diệt  các hội đoàn, đoàn thể phát sinh từ nhu cầu thực tế của dân. Các hội đoàn, công đoàn tay chân ngoại vi của đảng được chính phủ thành lập và điều khiển. Luật lệ của đảng phải trên hết, tòa án trong tay đảng. Tòa án của đảng xử nhân dân theo quyết định của đảng, theo luật lệ của đảng. Những người có công với đảng được quyền miễn trừ tư pháp.

Khi người dân tỉnh ngộ, khi quyền lợi của dân bị xâm phạm, khi tự do của dân bị tước đoạt, lòng tin người dân không còn nữa, đảng và chính quyền không ngần ngại bắt dân phải vào khuôn khổ. họ xử dụng võ lực với dân, Họ đe dọa, theo dõi, bắt cóc, giam cầm, “cách ly” người tranh đấu cho sự đoàn kết toàn dân, cho quyền sống và sự tự do của dân tộc. Khả năng trấn áp của họ lên tới đỉnh cao của sự tàn bạo và gian dối, xử dụng  cả côn đồ giả danh công an, công an giả danh côn đồ đánh đập dân chúng; thậm chí họ bị nghi ngờ không ngần ngại giết người ngay trong trại tạm giam, khi đang lấy khẩu cung.

Dân không tin vào đảng, đảng quyết làm cho dân sợ để phải phục tùng. Họ đối xử với dân như với loài vật, dùng roi vọt, chuồng trại, hăm dọa để cai tri dân. Sự lừa dối kèm theo bạo lực là hai vũ khí được họ xử dụng nhuần nhuyễn cùng một lúc.

Lợi dụng bản tính của nhiều người chất phác, nhẹ dạ, cả tin,  đớn hèn sau bao nhiêu năm sống trong nô lệ, hết làm nô lệ cho thực dân, đến chịu cúi đầu  làm nô lệ cho ngay người đồng bào, bị chi phối vì những nhu cầu vật chất nhỏ nhoi trước mắt, thích bị lừa bịp, sẵn lòng để bị lừa bịp, tìm hạnh phúc nhỏ nhoi trong bùn sình gian dối, đảng dễ dàng tìm ra  người phục vụ cho cái lý tưởng cộng sản viển vông, không tưởng.

Như đã nói trên, cho đến nay đảng Cộng Sản Việt Nam đã thành công đáng kể trong việc đẩy sự phân hóa dân tộc, xã hội, chính trị, kinh tế đến mức cao nhất trong lịch sử nước ta. Những thành công này không bảo đảm sự tồn tại lâu dài, lại càng không thể nói đến ‘muôn năm’của đảng. Áp dụng chính sách chia để trị, sử dụng các biện pháp đàn áp, ngăn cấm, lừa dối, mỵ dân để cai trị đã có từ ngàn xưa.

Nhưng lịch sử đã chứng minh, thể chế chính trị xây dựng sức mạnh của mình để cai trị dân theo cách thức ấy không thể tồn tại lâu dài và luôn luôn lãnh nhận kết thúc bi thảm.

--------------------------

* Bài viết trên mục Diễn đàn thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bên trong sân golf Tân Sơn Nhất có gì?

Tuổi Trẻ-08-06-2017
TTO - Trong thành phố có một sân bay. Trong sân bay có một sân golf. Trong sân golf... có gì?
Bên trong sân golf Tân Sơn Nhất có gì?
Khách chơi golf trong khi máy bay lên xuống liên tục tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Sân bay Tân Sơn Nhất chật chội, quá tải nặng nề. Trong khi đó sân golf trong sân bay lại thênh thang. Phóng viên Tuổi Trẻ tìm cách vào sân golf đang "nổi tiếng" này để tìm hiểu nhiều chuyện...
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đã có đại biểu Quốc hội đề nghị thu hồi sân golf để mở rộng sân bay này. Nhưng hiện muốn vào sân golf cũng không hề đơn giản.
Tiếp cận vài lần chúng tôi mới vào được bên trong sân golf có quy mô lên tới 157ha, được chủ đầu tư quảng cáo đạt tiêu chuẩn quốc tế và là “Điểm đến mới - giá trị mới”.
Không phải 
ai cũng được vào
Mỗi lần máy bay cất cánh và hạ cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, không khó để nhìn thấy một khu đất bạt ngàn có nhiều mảng xanh ngay sát đường băng. Ở giữa khu đất ấy có một “tòa lâu đài” hoành tráng.
Mất gần hai tháng chúng tôi mới được đặt chân lên các thảm cỏ mịn của sân golf Tân Sơn Nhất. Ban đầu đi cùng một giám đốc ngành xây dựng, vừa mon men ra sân golf, một nam thanh niên mặc đồng phục đã mời lên xe điện chở ra ngoài. Thuyết phục cho đứng từ xa “xem sếp đánh golf”, người này kiên quyết: “Đây là khu vực sân bay, không phải ai cũng vào được!”. Xin chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm cũng không được vì đây là... khu vực quân sự!
Trong khi đó, trang web của sân golf Tân Sơn Nhất quảng cáo công khai dịch vụ tham quan, giá vé 540.000-640.000 đồng/người tùy ngày. Một tuần sau chúng tôi quay lại.
Đến quầy lễ tân trong tòa nhà có biển hiệu “Sân golf Tân Sơn Nhất” hỏi mua vé tham quan, các nữ nhân viên ngơ ngác nhìn nhau vì... không biết ai bán vé. Sau một hồi gọi điện hỏi các bộ phận liên quan, nhân viên kiên quyết yêu cầu “phải gọi điện đặt trước”.
Tuy nhiên, dù gọi điện đặt trước, chúng tôi cũng không thể vào trong sân golf.
Cuối cùng, chỉ khi một nhóm doanh nhân Hàn Quốc đã đặt lịch chơi cho đi theo để mang vác bao gậy, chúng tôi mới vào được sân.
Theo các caddy (nhân viên phục vụ sân golf), sân golf này có khoảng 70% khách là người nước ngoài, nhiều nhất là người 
Hàn Quốc.
Bên trong sân golf Tân Sơn Nhất có gì?
Ảnh vệ tinh vị trí sân golf Tân Sơn Nhất. Ảnh nhỏ là quy hoạch khu biệt thự, căn hộ, khách sạn... trên trang web của sân golf Tân Sơn Nhất - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Đại công trình 
hoành tráng
Cổng chính sân golf Tân Sơn Nhất nằm trên đường Tân Sơn, được xây dựng hoành tráng, uy nghi, có nhân viên bảo vệ canh gác.
Cụm sân golf này có tới bốn sân A, B, C và D, mỗi sân có 9 lỗ, tổng cộng 36 lỗ. Duy chỉ có một phần sân A nằm phía đường Quang Trung, Q.Gò Vấp; ba sân còn lại bố trí sát với sân bay. Riêng toàn bộ sân C nằm sát hàng rào cây xanh ngăn cách giữa đường băng cất cánh, hạ cánh của sân bay 
Tân Sơn Nhất.
Từ cổng sân golf đi vào một đoạn sẽ thấy tòa nhà lộng lẫy, nguy nga như cung điện nằm phía bên phải. Tòa nhà này được xây dựng theo phong cách bán cổ điển với diện tích lên tới 12.700m2.
Đây là tòa nhà CLB Golf, nhà hàng A La Cart, trung tâm hội nghị tiệc cưới Him Lam Palace - được quảng cáo là nhà hàng tiệc cưới 4 sao duy nhất nằm trong sân golf, có sức chứa 2.000 người và có cả bãi đáp trực thăng riêng. Khung cảnh trong sân golf rộng rãi đến thênh thang. Riêng bãi đỗ xe rộng tới 2.050m2, đủ chỗ cho 361 ôtô và 500 xe máy.
Khi đặt chân lên các thảm cỏ sân golf Tân Sơn Nhất, không khó để cảm nhận đây là loại cỏ cao cấp hơn nhiều so với cỏ ở các sân bóng đá hàng đầu VN. Tìm hiểu kỹ mới biết sân golf này sử dụng hai loại cỏ gồm Paspalum Platinum và TifEagle, chỉ có ở các sân golf và sân bóng đá đẳng cấp quốc tế. Ngay các hố cát trên sân golf dùng toàn cát trắng rất đẹp. Các nhân viên tiết lộ cát được chở từ miền Trung về rất công phu.
Theo tìm hiểu, sân golf Tân Sơn Nhất mở cửa cho khách đánh từ sáng đến 22h đêm. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm tay golf đến đây chơi và đều phải đặt lịch từ trước. Số caddy làm việc tại đây cũng lên đến hàng trăm người.
Khoảng 2/3 khách chơi golf là người nước ngoài. Chỉ cần đáp máy bay tới sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có xe đón đến sân golf, rất gần.
Các doanh nhân nhận xét sân golf Tân Sơn Nhất không chỉ hoành tráng, thiết kế đẹp mà có khung cảnh “độc” và lạ. Đó là cảnh máy bay liên tục cất cánh và hạ cánh. Các sân B, C và D nằm gần đường băng nên người chơi nghe rất rõ tiếng động cơ máy bay gầm rú khi cất cánh.
Nhiều khách đánh golf nói rất thích cảm giác âm thanh này. Cảnh các tay golf đứng trên thảm cỏ mịn như nhung vụt gậy, hậu cảnh là những chiếc máy bay to lớn sơn xanh, đỏ, trắng vút lên khỏi đường băng không phải sân golf nào cũng có.
Hôm đó được ngắm hàng chục chiếc máy bay cất cánh ngay sát hàng rào sân golf, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa của từ “Best view” (khung cảnh đẹp nhất) mà các doanh nhân Hàn Quốc nói khi bước vào sân golf Tân Sơn Nhất.
Bên trong sân golf Tân Sơn Nhất có gì?
Tòa nhà hoành tráng này là Câu lạc bộ golf, Him Lam Palace Tân Sơn Nhất và nhà hàng Him Lam - Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Sân golf "mở" duy nhất trong nội thành TP.HCM
Sân golf Tân Sơn Nhất được khai trương tháng 8-2015 cùng với trung tâm hội nghị tiệc cưới Him Lam Palace. Sân golf này được thiết kế bởi Công ty Nelson&Haworth Golf Course Architects - là nhà thiết kế sân golf hàng đầu thế giới.
Trang web của sân golf Tân Sơn Nhất tự giới thiệu: “Sân golf tọa lạc ngay liền kề với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và là sân golf 'mở' duy nhất nằm trong khu vực nội thành TP.HCM”.

Sân golf không chỉ có... sân golf

Tuổi Trẻ-08-06-2017

TTO - Trong khi nhiều người đề nghị thu hồi sân golf để "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất, thì theo những tư liệu dự án này, những biệt thự, nhà hàng, khu căn hộ, khách sạn sẽ lần lượt mọc lên trong sân golf...
Sân golf không chỉ có... sân golf
Bản công bố thông tin để đấu giá cổ phần Công ty cổ phần đầu tư Long Biên, trong đó khẳng định sân golf sẽ có cả biệt thự, căn hộ, trường học...
Bộ Quốc phòng 
nói không...
Cụ thể, tại văn bản gửi Ban Dân nguyện của Quốc hội, UBND TP.HCM và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào ngày 22-4-2014, bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó là ông Phùng Quang Thanh cho biết dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất được triển khai theo quy định hiện hành, phù hợp quy hoạch sân golf VN đến năm 2020.
Chủ trương đầu tư đã được xem xét cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở đề nghị của 8 bộ, ngành gồm: Xây dựng, TN&MT, GTVT, Tài chính, KH&ĐT, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban TDTT quốc gia. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép đầu tư.
Văn bản này khẳng định: “Trong khu vực sân golf không có các nhà hàng, khách sạn. Dù dự án đã được duyệt nhưng Bộ Quốc phòng không cho phép triển khai”.
... Doanh nghiệp 
nói một nẻo
Tuy nhiên, theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần tại Công ty CP đầu tư Long Biên (chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất) ngày 24-7-2014, tức sau thời điểm Bộ Quốc phòng trình báo cáo kể trên khoảng ba tháng, doanh nghiệp lại công khai nội dung khác hẳn.
Bản công bố này nói rõ tại sân golf Tân Sơn Nhất, ngoài sân golf 36 lỗ, công ty còn tính toán làm khu biệt thự, khu căn hộ cao cấp, khu trường học và khách sạn cao cấp... với tổng vốn đầu tư dự kiến là 5.443 tỉ đồng.
Thời gian khai thác toàn dự án là 50 năm. Diện tích đất dành cho các khu nhà ở cho thuê trong sân golf này là 124.519m2.
Không chỉ vậy, trên trang web hiện nay của Công ty CP đầu tư Long Biên giới thiệu về sân golf Tân Sơn Nhất cũng ghi rõ ngoài nhà hàng Him Lam tiêu chuẩn 4 sao, trung tâm hội nghị tiệc cưới Him Lam Palace, sẽ có hàng loạt biệt thự cao cấp, căn hộ và khách sạn...
Theo tính toán được nêu trong bản công bố thông tin ngày 24-7-2014, giá cho thuê căn hộ tại khu vực sân golf lên tới 30 USD/m2/tháng; biệt thự là 50 USD/m2. Giá khách sạn khoảng 2,1 triệu đồng/phòng.
Trường học tiêu chuẩn quốc tế học phí 5 triệu đồng/tháng đối với nhà trẻ và 10 triệu đồng/tháng đối với cấp I và cấp II...
Sẽ dành gần 10ha xây khách sạn, biệt thự...
Khi công bố công tin về dự án này, Công ty CP đầu tư Long Biên đã viện dẫn quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 18-4-2011 của UBND Q.Tân Bình về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, diện tích đất sân golf và các công trình phụ trợ tại sân golf Tân Sơn Nhất là 132ha; đất xây dựng khách sạn 5 sao, nhà hàng, TDTT, trường học xấp xỉ 7ha; đất khu nhà ở, cho thuê (gồm biệt thự và căn hộ) là 9,75ha.
Nghĩa là khi hình thành dự án, những ông chủ sân golf đã xác định: sân golf Tân Sơn Nhất không chỉ là sân golf!

TP.HCM sắp 'cho thuê vỉa hè để nộp ngân sách'

Theo BBC-7 tháng 6 2017 

vỉa hèBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionHầu hết các vỉa hè tại TP.Hồ Chí Minh đều bị chiếm dụng làm bãi giữ xe
Một luật sư bình luận rằng đề án thu phí sử dụng vỉa hè tại TP.HCM khiến dư luận hiểu chiến dịch giải cứu vỉa hè trước đây không phải là vì "mỹ quan đô thị".
Theo dự thảo, giá cho thuê vỉa hè tại quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng.
Các quận 3, 4, 5… và cả huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ có mức giá cho thuê thấp hơn.
Chế độ thu phí sẽ được niêm yết công khai tại điểm thu và công khai trên trang thông tin điện tử của các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí. 100% số phí thu được vào Ngân sách Nhà nước, theo Tuổi Trẻ hôm 7/6.
Hồi tháng 5/2017, Truyền hình Việt Nam xác nhận văn bản cho thuê vỉa hè quận 1, TP Hồ Chí Minh là có thật, động thái này diễn ra hai tháng sau chiến dịch giải cứu vỉa hè cho người đi bộ gây tranh cãi vì những màn đập phá "quyết liệt".
Trước đó, ảnh chụp 'Giấy phép sử dụng tạm vỉa hè' có đóng dấu và chữ ký của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 cấp cho một quán cà phê trên địa bàn quận khiến công luận xôn xao.
Hôm 7/6, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: "Về phương diện pháp lý, tôi nghĩ Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh vẫn cần căn nhắc lại mục đích cho thuê vỉa hè, lòng đường."
"Dù khoản 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ cho phép Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, lề đường vào mục đích khác."
"Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ủy ban Nhân dân được phép sử dụng một phần lòng đường, lề đường cho mục đích kinh doanh ăn uống, dịch vụ…"
Chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ khởi đầu từ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
"Theo nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì chỉ sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè cho các mục đích: Tuyên truyền chủ trương chính sách của đảng, nhà nước; Tổ chức đám tang, đám cưới; Trông giữ xe phục vụ đám tang, đám cưới, hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội...; Trung chuyển vật liệu, phế liệu, rác thải; và trông, giữ xe có thu phí."
"Do đó, nếu Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để kinh doanh (trừ kinh doanh trông, giữ xe) là trái luật." "Chưa kể Nghị định 100/2013/NĐ-CP chỉ cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè với thời gian tương ứng với sự kiện diễn ra nhưng không được quá 30 ngày."

'Trái luật'

"Còn đơn giá sử dụng vỉa hè, lòng đường mà đề án đưa ra là tính theo tháng, nên đương nhiên được hiểu sử dụng lòng đường, vỉa hè là dài hạn."
"Nếu xét về bản chất thì đây được hiểu là sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè là dài hạn chứ không phải là tạm thời như luật giao thông đường bộ cho phép."
Luật sư cũng phân tích thêm: "Về phương diện xã hội, nếu Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh thông qua đề án này thì sẽ dẫn đến các hệ lụy."
"Dư luận sẽ nhìn nhận mục đích thực sự của chiến dịch giải cứu vỉa hè của thành phố trước đây không phải là vì trật tự, mỹ quan đô thị mà là chỉ là một động thái nhằm buộc người dân phải thuê vỉa hè từ chính quyền, nếu họ muốn sử dụng vỉa hè để kinh doanh."
vỉa hèBản quyền hình ảnhZING
Image captionLực lượng chức năng phá bậc tam cấp của khách sạn New World ở TP.HCM hồi tháng 3/2017
"Bên cạnh đó, việc này sẽ tạo ra cơ chế xin cho. Một người bạn tôi kể rằng, để được quận cho phép sử dụng vỉa hè thì ngoài số tiền phí chính thức phải nộp, họ còn phải chung chi thêm một khoản tiền để được thuê vỉa hè."
"Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ lạm dụng việc này để lấy vỉa hè, lòng đường cho thuê vào mục đích kinh doanh dài hạn để thu tiền."
"Điều này gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị mà chính quyền không thể dẹp bỏ được vì họ được chính quyền cho thuê địa điểm để kinh doanh."
Đề cập về mục đích cho thuê vỉa hè "để nộp ngân sách", ông Thanh Sơn nói: "Chỉ khi nào phí cho thuê vỉa hè, lòng đường có trong dự toán thu ngân sách của thành phố thì lúc đó nó mới được xem là ngân sách nhà nước."
"Do hiện tại Hội đồng Nhân dân thành phố chưa có nghị quyết nào thông qua mức phí cho thuê vỉa hè nên việc thu phí của Ủy ban Nhân dân các cấp nếu có đều là trái luật. Mà đã là trái luật thì phải trả lại tiền cho người dân."
Hồi tháng 2/2017, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 gây tranh cãi với phát ngôn muốn biết quận 1 thành 'Singapore thu nhỏ' và nếu không làm được mục tiêu này thì sẽ "cởi áo về vườn".