Hàng trăm dân oan Thủ Thiêm đang tập trung biểu tình tại Hà Nội trong tuần này, để tố cáo các nhóm lợi ích ở thành phố Sài Gòn chiếm đất của họ vượt mức quy hoạch.
Người dân oan Thủ Thiêm cho biết, qua việc thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhà cầm quyền quận 2, thành phố Sài Gòn đã cưỡng chiếm và giải tỏa 150% diện tích quy hoạch.
Người dân oan Thủ Thiêm xác định, không có cái gọi là bản đồ quy hoạch 930 hécta trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo họ, nếu không có bản đồ quy hoạch, thì việc ủy ban nhân dân quận 2 thu hồi nhà đất trong các khu vực đó là bất hợp pháp.
Người dân oan cho biết, khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ được phê duyệt với quy mô gồm 5 phường là Thủ thiêm, An Lợi Đông, một phần của mỗi phường An khánh, Bình An và Bình Khánh. Nhưng nhà cầm quyền thành phố lại tùy tiện lấy thêm khu phố 5 và 6 phường An Khánh, khu phố 1 phường Bình An, khu phố 1 và 2 phường Bình Khánh, và mở rộng ra thêm ba phường Cát Lái, An Phú và Thạnh Mỹ Lợi.
Người dân Thủ Thiêm xem vụ chiếm thêm hơn 50% diện tích đất quy hoạch là hành động cướp đất của dân.
Hơn 100 gia đình bị thu hồi nhà đất thuộc kế hoạch này cho hay, đến nay họ đã sẵn sàng cho việc khiếu kiện kéo dài ngay tại thủ đô Hà Nội.
Dân oan Thủ Thiêm từ nay sẽ gia nhập đội ngũ những đoàn dân oan, khiếu kiện dài hạn đến từ mọi miền đất nước.
“Viết blog không phải là một tội ác!”, Văn Bút Hoa Kỳ, tức PEN America, đưa ra tuyên bố này trong một thư ngỏ đăng trên trang mạng của họ hôm Thứ Tư 25/10, trong cùng ngày nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam kết án nhà hoạt động sinh viên và blogger Phan Kim Khánh 6 năm tù giam và 4 năm quản chế.
Văn Bút Hoa Kỳ gọi bản án là “thêm một ví dụ đáng kinh ngạc nữa về việc Việt Nam không ngừng hình sự hóa quyền tự do ngôn luận”.
Phan Kim Khánh, 24 tuổi, sinh viên năm thứ tư khoa quốc tế trường Đại học Thái Nguyên, bị kết án về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự của chế độ. Các cáo buộc bắt nguồn từ hoạt động của Khánh gồm hai trang blog Báo Tham Nhũng và Tuần Việt Nam, cũng như một số trang Facebook và YouTube có liên quan. P
hát biểu trước tòa, Khánh thừa nhận điều hành các diễn đàn truyền thông xã hội, nhưng nêu nghi vấn làm thế nào viết blog về đề tài tham nhũng có thể cấu thành một tội phạm.
Trong thư ngỏ của Văn Bút Hoa Kỳ, ông James Tager, quản trị viên cao cấp của Các Chương Trình Biểu Đạt Tự Do nói rằng: “Đây là một ví dụ rõ ràng về một blogger Việt Nam bị trừng phạt vì sự biểu đạt tự do của mình. Viết blog không phải là một tội ác, bất chấp các nỗ lực liên tục của Việt Nam nhằm coi đó là một tội ác. Phan Kim Khánh phải được trả tự do ngay lập tức, và chính phủ Việt Nam nên công nhận rằng Điều 88 hoàn toàn không phù hợp với các cam kết quốc tế liên quan đến quyền tự do ngôn luận”.
Văn Bút Hoa Kỳ trước đây đã nêu mối quan tâm đối với các blogger Việt Nam bao gồm Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thuý, và Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Tổ chức đại diện cho người cầm bút ở Hoa Kỳ tự nhận có “sứ mạng đoàn kết những người viết và và các đồng minh của họ để vinh danh sự biểu đạt sáng tạo và bảo vệ các quyền tự do giúp đưa đến điều này”.
Dư luận trong nước đang xôn xao với những đoạn phim của phóng viên báo Thanh Niên quay được hàng chục vụ cảnh sát giao thông đường thủy đi “gom tiền” các chủ sà lan trên sông Đồng Nai.
Công an tỉnh Đồng Nai cố gắng chống chế khi giải thích rằng, các nhóm cảnh sát giao thông đi ca nô cập vào các sà lan để “tuyên truyền về an toàn đi lại trong mùa mưa bão”. Tuy nhiên, báo Thanh Niên dẫn lời nhiều chủ ghe nói rằng: “Làm gì có tuyên truyền, đi ‘gom tiền’ là chính”.
Hôm Thứ Tư, Thượng tá Nguyễn Văn Quang, phó phòng cảnh sát giao thông đường thủy Đồng Nai, cho biết 2 tổ tuần tra, gồm 6 viên chức đi trên 2 ca nô, đã bị tạm đình chỉ công việc để điều tra. Trong cùng ngày, ông Nguyễn Phan Trong, phó chánh thanh tra Sở Giao Thông Vận Tải Đồng Nai, cho biết 7 nhân viên thanh tra giao thông có liên quan cũng bị tạm đình chỉ công việc. Mặc dù Thượng tá Quang nói phòng cảnh sát giao thông có kế hoạch tuyên truyền để nhắc nhở các chủ sà lan “bảo đảm an toàn đi lại trong mùa mưa bão”, nhưng ông không đưa ra được văn bản cho một kế hoạch như vậy. Những đoạn phim cho thấy quang cảnh lặp đi lặp lại, trong đó một chiếc ca nô ghé sát sà lan, rồi chủ sà lan đưa ra một tập giấy hay một cuộn giấy nhỏ cho một viên chức, rồi chiếc ca nô phóng đi.
Trước những cảnh quay rõ ràng, dư luận cho rằng lời giải thích của công an Đồng Nai về cái gọi là hoạt động “tuyên truyền” đã trở nên một lời nói dối trắng trợn và hài hước.
Theo một thông tin mới đây được công bố trong báo cáo của nhà cầm quyền gửi quốc hội CSVN ngày 25 tháng 10, trung bình mỗi người dân Việt Nam hiện gánh khoảng 30 triệu đồng nợ công (1,500 Mỹ Kim), và con số này sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm nay.
Theo đó, đến cuối năm 2016 nợ công của Việt Nam là 2.8 triệu tỷ đồng, bằng 63.6% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2017, nợ công sẽ tăng lên 3.1 triệu tỷ đồng nhưng so với GDP lại giảm xuống còn 62.6%. Đến cuối năm 2018, nợ công sẽ là 63.9% GDP.
Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận mức trả nợ khá cao và đang có xu hướng tăng lên. Điều này gây áp lực cho việc bố trí nguồn trả nợ từ ngân sách nhà nước.
Theo thông tin trong nước, sang năm, nhà cầm quyền sẽ vay nợ mới để trả nợ gốc hơn 146,700 tỷ đồng, vay nước ngoài về cho vay lại 40,000 tỷ đồng và vay bù đắp bội chi khoảng 195,000 tỷ đồng. Trong báo cáo, nhà cầm quyền CSVN khẳng định là vay để đầu tư chứ không vay cho chi thường xuyên. Đồng thời, cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát nợ công trong thời gian tới, như giao cho doanh nghiệp tự vay tự trả trong giới hạn được chính quyền cho phép, hay huy động nhà tài trợ và sử dụng vốn ODA.
Một điều đáng chú ý là cách tính nợ công của CSVN không theo thông lệ quốc tế, là phải tính luôn những món nợ của các doanh nghiệp do nhà nước đứng ra bảo lãnh. Nếu tính theo cách tính của quốc tế, thì món nợ trên vai mỗi người Việt Nam không chỉ là USD 1,500, mà còn cao hơn rất nhiều.
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Mười cho hay, Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu kiểm tra khăn Khaisilk “Made in China” sau khi ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu lụa đình đám Việt Nam, thú nhận việc nhập lụa Trung Quốc về dán mác Khaisilk suốt 30 năm qua.
Khaisilk từ nhiều năm nay được biết đến là thương hiệu lụa tơ tằm hàng đầu Việt Nam, mỗi chiếc khăn kích cỡ 50 x 50 cm được bán với giá 644,000 đồng (khoảng $28.3). Ông Hoàng Khải, tự Khải Silk, được biết tiếng là doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh địa ốc đến nhà hàng và mới mở quán phở “ông Khải” theo hướng làm nhượng quyền thương hiệu.
Báo điện tử VTC News hôm 13 Tháng Mười cho hay ông Khải sẽ làm giám khảo khách mời trong mùa đầu reality show Shark Tank Việt Nam về giới start-up phát sóng trên kênh truyền hình VTV3 từ ngày 4 Tháng Mười Một.
Theo báo Tuổi Trẻ, Bộ Trưởng Tuấn Anh đề nghị Cục Quản Lý Thị Trường cùng Cục Cạnh Tranh và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng kiểm tra, làm rõ việc các cửa hàng Khaisilk bán khăn vừa có mác “Made in Việt Nam” vừa “Made in China” và “nếu có dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái thì phải báo cáo bộ trưởng trước ngày 28 Tháng Mười.”
Chiều 26 Tháng Mười, các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cửa hàng Khaisilk ở phố Hàng Gai, Hà Nội, lập tức bị cơ quan chức năng đến kiểm tra và thu giữ một số sản phẩm.
Báo điện tử Zing hôm 25 Tháng Mười dẫn lời ông Hoàng Khải nói “đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu do ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái, không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.”
“Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa,” ông nói thêm.
Vụ việc vỡ lở mấy hôm trước khi một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết trên mạng xã hội rằng họ mua sản phẩm trong cửa hàng Khaisilk trên phố Hàng Gai để làm quà tặng đối tác thì phát hiện một chiếc khăn gắn hai nhãn mác khác nhau, vừa “Khaisilk Made in Vietnam” vừa “Made in China.”
Nhà báo Nguyễn Thanh Nhã, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, viết trên Facebook: “Trả lời phỏng vấn của tôi, ông Khải nói nhiều về đạo đức, triết lý kinh doanh, rằng nền tảng làm thước đo giá trị cho doanh nghiệp là sự thật thà, sang trọng, đẳng cấp và đẹp. Giữa một rừng đại gia phá làng, phá xóm làm dự án thì cái ông bán lụa, bán phở và kinh doanh nhà hàng này xem ra ổn nhất. Thế rồi hôm nay, Khải Silk bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam như đưa thêm nhát bào làm xói mòn đến tận cùng lòng tin trên đất nước đầy giả trá, lọc lừa này.”
Blogger Nguyễn Ngọc Long cho rằng vụ ông Khải xin lỗi khách hàng là: “Lừa đảo thì trả lời trước pháp luật thôi chứ xin lỗi gì! Có lỗi đâu mà xin, không hiểu?”
Còn doanh nhân Lâm Minh Chánh, cựu phó tổng giám đốc Dai-Ichi Life Việt Nam, cựu tổng giám đốc Chứng Khoán Đại Việt, nhận định: “Tôi mà như ông, thì tiền lời, và cơ nghiệp dựng lên từ việc buôn lậu này, tôi sẽ hiến 80% cho những tổ chức từ thiện. Chính xác thì không phải là hiến mà là ‘trả lại’ xã hội.” (T.K.)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hàng trăm cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cùng các lực lượng phối hợp được trang bị như đi đánh trận đã có mặt tại khu vực trạm BOT Biên Hòa trong ngày đầu thu phí trở lại.
Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 26 Tháng Mười, trạm BOT (dự án giao thông được nhà đầu tư ứng tiền trước để làm công trình rồi mới thu phí) tuyến tránh thành phố Biên Hòa, đặt trên quốc lộ 1, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, đã chính thức thu phí trở lại sau 20 ngày tạm ngưng vì bị người dân phản đối.
Theo báo Thanh Niên, mặc dù 9 giờ sáng mới bắt đầu thu phí nhưng từ sáng sớm, lực lượng cả trăm người từ cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông, công an xã, dân phòng… cùng nhiều xe chuyên dụng đã có mặt tại khu vực trạm thu phí để “bảo đảm an ninh.”
Tại một số điểm giao, lực lượng cảnh sát chốt trực để “phòng ngừa trường hợp tắc nghẽn do tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm sẽ điều tiết xe qua các đường khác, tránh vỡ trận.”
Nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Kim, phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Hôm nay lực lượng chức năng có mặt tại đây chủ yếu là giữ trật tự tuyên truyền, nhắc nhở tài xế không nên gây cản trở, ùn tắc giao thông thông qua việc dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.”
Công ty Đồng Thuận, chủ đầu tư trạm BOT Biên Hòa, cũng bố trí nhân viên, hai bàn làm việc ở lề đường cách trạm thu phí khoảng 100 mét để thu tiền lẻ. Theo đó, giá vé giảm từ 10,000 đến 40,000 đồng tương ứng với từng nhóm xe khác nhau so với mức giá trước đó.
Trước đó báo chí Việt Nam rầm rộ đưa tin, sau nhiều lần dùng tiền lẻ mua vé qua trạm, ngày 5 Tháng Mười, nhiều tài xế dừng xe trong trạm BOT Biên Hòa khiến giao thông trên quốc lộ 1 tê liệt. Để bảo đảm giao thông thông suốt theo quy định, trạm thu phí này đã xả trạm từ 3 giờ chiều cùng ngày cho đến nay.
Để “dằn mặt,” công an huyện Trảng Bom gửi giấy mời các tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm lên làm việc.
Đề cập về những lùm sùm quanh trạm BOT Biên Hòa, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên, bình luận trên Facebook: “Tôi cứ nói thẳng, công an, cảnh sát cơ động, mật vụ mật thám… ăn lương từ tiền thuế của dân, xe cộ chuyên dụng sắm từ tiền thuế của dân là để phục vụ dân chứ không phải để phục vụ mấy thằng BOT trấn lột nhá, không phải để đe dọa dân nhá. Làm vậy coi sao được.”
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết trên Facebook: “Con gái của ông Thượng Tá Võ Đình Thường (phó trưởng Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ, Đường Sắt, Công An tỉnh Đồng Nai) là bà Võ Minh Thúy tham gia đầu tư làm BOT Biên Hòa. Khi các tài xế phản đối vị trí đặt trạm BOT này của con ông bằng cách trả tiền lẻ, ông Thường ký ngay giấy mời hàng chục tài xế trả tiền lẻ lên làm việc với mục đích như ông nói là để ‘nhắc nhở,’ ‘giáo dục.’”
Trong một diễn biến khác, báo Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Mười cho hay, tân Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể (người vừa rời ghế bí thư Tỉnh Ủy Sóc Trăng) nói rằng BOT sẽ là “vấn đề ưu tiên hàng đầu trên cương vị mới.”
Ông Thể khẳng định BOT là “chủ trương đúng, đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội là huy động phát triển hạ tầng, tuy nhiên, các dự án BOT hiện còn những vấn đề cần điều chỉnh mà nguyên nhân như Quốc Hội cũng xác định là luật pháp chưa hoàn chỉnh, quá trình thực hiện còn mới mẻ.”
Dịp này, một số cư dân mạng nhắc lại chuyện ông Thể khi còn làm thứ trưởng Giao Thông Vận Tải từng ký công văn hỏa tốc hồi Tháng Mười Một, 2013, về việc triển khai trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang là một trong những điểm nóng của phong trào phản đối bằng cách trả tiền lẻ của cánh tài xế thời gian qua. (Tr.N, T.K.)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chi gần 10,000 tỷ đồng (hơn $440 triệu) để “đầu tư cho việc nạo vét, giải quyết ô nhiễm, xây dựng các hệ thống chế biến nước thải cho kênh Ba Bò” chỉ dài hơn 6 cây số, nhưng đến nay nó càng thêm ô nhiễm đến nỗi dân không thể chịu nổi.
Theo báo Tuổi Trẻ, thời gian gần đây, người dân sống dọc hai bên bờ kênh Ba Bò lại tiếp tục than phiền dòng kênh bốc mùi hôi nồng nặc, nổi đầy bọt trắng chảy thẳng ra sông Sài Gòn.
Người dân sống gần đó cho biết tình trạng ô nhiễm tại kênh Ba Bò diễn ra từ nhiều năm nay, sau mỗi cơn mưa, mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều người phải dọn nhà đi nơi khác tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước đây, kênh Ba Bò đã bị ô nhiễm rất nặng. Năm 2008, khi tỉnh Bình Dương và Sài Gòn cùng triển khai dự án nạo vét, xây dựng bờ kè thì tình trạng ô nhiễm “giảm đến 80%,” nhưng sau đó tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Theo báo Người Lao Động, Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Dương cho biết mỗi ngày kênh Ba Bò nhận khoảng 20,000 khối nước thải, trong đó có khoảng 15,000 khối là từ hai khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2. Còn lại là nước thải từ khu dân thuộc thị xã Thuận An, Dĩ An và Quân Đoàn 4.
“Có dấu hiệu một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 xả lén nước thải chưa qua chế biến ra kênh nhưng cơ quan chức năng chưa phát hiện được,” ông Nguyễn Hồng Nguyên, phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Dương, nói.
Sau khi bị người dân phản ứng, ngày 6 Tháng Mười vừa qua, lãnh đạo ở Sài Gòn và tỉnh Bình Dương họp bàn “tiếp tục giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò giai đoạn 2017-2018.”
Tuy nhiên, điều chắc chắn rằng, ô nhiễm kênh Ba Bò chưa giải quyết được ngay, bởi vì công ty Đại Nam, Thanh Lễ, chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 cho biết “đang xây dựng các nhà máy chế biến nước thải đến Tháng Mười, 2018 mới hoàn thành.” Quân Đoàn 4 cũng nêu khó khăn về kinh phí khi xây dựng công trình chế biến nước thải sinh hoạt của hộ dân, kho bãi do mình cho thuê.
Hiện người dân đặt câu hỏi, đối với hiệu quả của dự án có xứng đáng với đồng vốn hơn 10,000 tỷ đồng đã bỏ ra hay chưa? Và phải chi bao nhiêu ngàn tỷ đồng nữa mới làm sạch được con kênh “ngốn tiền” này? (Tr.N)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Để lấy đất khai thác nước khoáng, xây nhà hàng, hồ tắm… làm khu vui chơi, một công ty du lịch ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, đã đào hàng chục ngôi mộ rồi mang sang lén chôn trộm trong trang trại của người dân.
Theo báo Lao Động, trung tuần Tháng Mười mới đây, công ty nước khoáng và du lịch Sơn Kim đã đào, cất bốc 29 ngôi mộ trong phần đất của mình, rồi lén đem chôn vào khu đất rừng của gia đình ông Lê Hữu Hạnh, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Phát hiện sự việc, ông Hạnh đã làm đơn trình báo gửi lên Ủy Ban Nhân Dân xã Sơn Kim 1, yêu cầu công ty này di dời các ngôi mộ ra khỏi khu vực đất của mình.
Ông Trần Văn Hải, chủ tịch xã Sơn Kim 1, cho biết: “Công ty Sơn Kim di dời 29 ngôi mộ không báo cáo lên chính quyền địa phương, tự ý mang vào chôn tại khu đất riêng của dân là vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh.”
“Ủy ban xã đã mời lãnh đạo công ty lên làm việc, lập biên bản buộc phải di chuyển các ngôi mộ đã tự ý chôn ra khỏi đất ông Hạnh, mang đến chôn ở khu vực nghĩa địa gần nhất. Thời hạn từ nay đến 15 Tháng Mười Một phải thực hiện xong,” ông nói.
Tin cho biết, sau khi sự việc bị phát hiện, người dân địa phương rất bất bình, kêu gọi tẩy chay vì cho rằng, để lấy đất mở rộng kinh doanh nhà hàng, ngâm tắm suối nước nóng, massage… và khai thác nguồn nước khoáng “bị ô nhiễm bởi các ngôi mộ” có sẵn từ lâu, chủ doanh nghiệp Kim Sơn đã âm thầm phá bỏ hàng chục ngôi mộ, bất chấp tín ngưỡng, đạo lý. (Tr.N)