Sunday, June 19, 2016

Gần một tấn heo sữa chảy dịch sắp vào nhà hàng ở Sài Gòn

Heo sữa được vận chuyển từ miền Trung vào Sài Gòn bằng xe khách, để đưa vào các nhà hàng, đã bốc mùi hôi thối, nhiều con nổi đốm đỏ nghi nhiễm bệnh.

gan-mot-tan-heo-sua-chay-dich-sap-vao-nha-hang-o-sai-gon
Heo sữa bị phát hiện ở quận Tân Bình. Ảnh: Duy Hiếu
Ngày 17/6, Công an quận Tân Bình (TP HCM) phối hợp với Trạm thú y bắt quả tang ông Trần Quang (40 tuổi, quê Quảng Ngãi) và Lưu Hoàng Thanh (40 tuổi) vận chuyển 220 kg heo sữa đã giết mổ về một căn nhà tại hẻm 270B Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình).
Hai người đàn ông thừa nhận heo sữa được thu mua ở các tỉnh miền Trung, vận chuyển bằng ôtô vào bến xe An Sương, sau đó tập kết về căn nhà này để chuẩn bị giao cho các nhà hàng. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 972 kg heo sữa đã làm sẵn chứa trong các thùng xốp, tủ cấp đông.
gan-mot-tan-heo-sua-chay-dich-sap-vao-nha-hang-o-sai-gon-1
Heo rỉ dịch, nổi đốm đỏ, đen nghi nhiễm bệnh. Ảnh: Duy Hiếu
Tất cả số heo trên đều không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, chảy dịch và bốc mùi hôi. Trong đó có nhiều con nổi đốm đen, đỏ có dấu hiệu bệnh.
Lực lượng chức năng tạm giữ tất cả số heo trên, lấy mẫu xét nghiệm để tiếp tục điều tra làm rõ. 
Trước đó, ngày 16/6, Chi cục Thú ý cùng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP HCM phát hiện cơ sở của ông Nguyễn Đa Vít tại quận Tân Bình buôn bán thịt động vật không rõ nguồn gốc, không giấy tờ kiểm dịch. Tổng lô hàng khoảng 727 kg, trị giá hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt ông này dùng tiệm Internet của mình để ngụy trang.
gan-mot-tan-heo-sua-chay-dich-sap-vao-nha-hang-o-sai-gon-2
Hơn chục thùng xốp chứa thịt không rõ nguồn gốc ở Tân Bình. Ảnh: Duy Hiếu
Lực lượng chức năng không xác định được loại thịt ông Vít buôn bán là gì. Số thịt này được ông Vít giao cho các quán ăn vỉa hè, xe bánh mì...
Ông Đa Vít từng bị xử phạt nhưng sau đó dời địa điểm để tiếp tục kinh doanh thực phẩm bẩn.
Duy Hiếu-17/6/2016 | 19:02
Theo Vnexpress

Việt Nam: Khó có hy vọng ‘con cha’ xử ‘cháu ông’

HÀ NỘI (NV) - Ông Trịnh Xuân Thanh không còn là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang và Bộ Công Thương đang kiểm tra lại việc điều động - bổ nhiệm cán bộ nhưng dân chúng không tin mà chỉ thêm ngao ngán. 

Tháng 11 năm 2015, ông Vũ Huy Hoàng lúc đó vẫn là bộ trưởng Công Thương, tặng hoa chúc mừng ông Phan Đăng Tuất, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Kiêm Tổng Giám Đốc Sabeco được rút về làm một vụ trưởng ở Bộ Công Thương. (Hình: Dân Trí)

Cuối tuần qua, ông Trịnh Xuân Thanh “cáo bệnh” nên khi đại biểu Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Hậu Giang khóa mới họp phiên đầu tiên, họ không bầu ông ta làm phó chủ tịch tỉnh trở lại.

Ông Thanh không bị cách chức mà tự vạch ra một con đường để rút lui êm thấm.

Ông Thanh, 50 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đại học kiến trúc năm 1990, ông Thanh sang Đông Âu “làm ăn.” Năm 1995, ông Thanh quay về Việt Nam và năm 1996 được bổ nhiệm làm lãnh đạo một công ty của “Ban Chấp Hành Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.”

Đến năm 2000, ông Thanh chuyển qua làm phó giám đốc Chi Nhánh Hà Nội của Tổng Công Ty Sông Hồng, sau đó được đề bạt làm phó tổng giám đốc rồi làm tổng giám đốc của Tổng Công Ty Sông Hồng cho đến năm 2007, ông Thanh chuyển qua Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC).

Năm 2010, PVC được vinh danh là một trong mười “Sao vàng Đất Việt.” Giữa năm 2013, người ta phát giác PVC thua lỗ 3,200 tỷ đồng! Ông Thanh lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của PVC đột nhiên được rút khỏi PVC để về làm trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung.

 Vài tháng sau, vào đầu năm 2014, thủ tướng Việt Nam chỉ đạo điều tra - xử lý các sai phạm khiến PVC thua lỗ nghiêm trọng, nhiều thuộc cấp của ông Thanh bị tống giam, còn ông Thanh thì quay trở về Hà Nội làm... chánh văn phòng Ban Cán Sự Đảng của Bộ Công Thương.

Năm 2015, ông Thanh được “luân chuyển” về tỉnh Hậu Giang. “Luân chuyển” là bước khởi đầu của tiến trình chuẩn bị cho việc bổ nhiệm các viên chức đã được lựa chọn trước để đảm nhận những chức vụ cao hơn và quan trọng hơn (từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam gọi tiến trình lựa chọn trước về nhân sự lãnh đạo từ trung ương đến địa phương là “quy hoạch cán bộ”).

Trong trường hợp của ông Thanh, “luân chuyển” từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang là bước khởi đầu để trở thành một trong các viên chức lãnh đạo chính quyền Việt Nam.

Tháng trước, ông Thanh trở thành “bia” cho báo chí “bắn” vì tiêu lòn với công an Hậu Giang, kiếm một biển số loại chỉ dành cho công xa, gắn lên xe riêng để được ưu tiên trong chuyện đi lại. Áp lực của dư luận đã khiến ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN yêu cầu phải điều tra về những vấn đề có liên quan đến ông Thanh.

Trong khi những thắc mắc về việc điều động, bổ nhiệm cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh chưa được trả lời thì mới có thêm những thắc mắc nữa về ông Vũ Quang Hải, 30 tuổi, con trai ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương Việt Nam, vừa nghỉ hưu hồi tháng 4 vừa qua.

Tuần trước, Hiệp Hội Các Nhà Đầu Tư Tài Chính Việt Nam - thường được gọi tắt là VAFI, đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương giải thích tại sao bộ này lại bổ nhiệm ông Hải làm thành viên Hội Đồng Quản Trị, kiểm soát phần vốn của nhà nước (90%) tại Tổng Công Ty Bia Rượu Nước Giải Khát Sài Gòn - thường được gọi tắt là Sabeco. Vì là thành viên Hội Đồng Quản Trị nên ông Hải được sắp đặt để đảm nhận vai trò phó tổng giám đốc của Sabeco.

VAFI vạch ra nhiều điểm bất thường trong con đường thăng tiến của ông Hải. Năm 24 tuổi dù không hề có kinh nghiệm quản lý - điều hành, ông Hải vẫn được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Tổng Công Ty Đầu Tư Tài Chính của Công Đoàn Ngành Dầu Khí Việt Nam - một trong những doanh nghiệp do cha của ông chỉ đạo. Trong hai năm làm tổng giám đốc của doanh nghiệp vừa kể, ông Hải tạo ra khoản lỗ khoảng 200 tỷ đồng.

Sau đó, ông Hải được Bộ Công Thương rút về làm cục phó Cục Xúc Tiến Thương Mại và chỉ một năm sau, ông được đưa về Sabeco. VAFI thắc mắc, Bộ Công Thương căn cứ vào đâu để đưa một người như ông Hải về Sabeco.

Sau khi VAFI chất vấn, một vài tờ báo Việt Nam tiết lộ, trước khi “điều động” ông Hải về Sabeco. Ông Hoàng - cha ông Hải đã điều động ông Võ Thanh Hà, thư ký của mình về làm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Sabeco!

Ông Hoàng phân trần việc điều động ông Hà - thư ký riêng của mình và ông Hải - con trai của mình về Sabeco là do ông Phan Đăng Tuất, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc Sabeco gửi công văn xin hỗ trợ nhân sự cho Sabeco trước khi ông Tuất rời khỏi Sabeco và công văn nêu đích danh ông Hà, ông Hải.

Trước đó, đa số dân chúng chỉ biết ông Hải là con ông Hoàng. Khi chuyện này trở thành lùm xùm, dân chúng có cơ hội biết thêm ông Hà là con ông Võ Hồng Phúc, cựu bộ trưởng Kế Hoạch - Đầu Tư. Ông Phan Đăng Tuất, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc Sabeco, nhân vật xin ông Hà và ông Hải về Sabeco (nơi thu nhập của mỗi viên chức lãnh đạo khoảng 1.5 tỷ đồng/năm), không phải thế chỗ cho ông Tuất và một số nhân vật khác của Sabeco nghỉ hưu mà là để họ... lên làm lãnh đạo Bộ Công Thương. Rời Sabeco, ông Tuất trở thành vụ trưởng chỉ đạo Ban Đổi Mới và Phát Triển Doanh Nghiệp, dưới quyền ông Hoàng!

Ông Tuất cũng thuộc loại có gốc gác. Ông là em ruột của sui gia với ông Nguyễn Tấn Dũng, người chỉ mới rời chức thủ tướng Việt Nam hồi tháng trước.

Sự phẫn nộ của dân chúng đã khiến ông Trần Tuấn Anh, tân bộ trưởng Công Thương phải chỉ đạo kiểm tra lại việc điều động - bổ nhiệm cán bộ. Ông Trần Tuấn Anh cũng là một “Thái tử Đảng.” Cha ông Anh là ông Trần Đức Lương, cựu chủ tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!
Thật ra chuyện các viên chức lãnh đạo đảng, lãnh đạo chính quyền từ trung ương đến phường, xã sử dụng “quy hoạch cán bộ” để sắp đặt con cháu, thân nhân kế nhiệm mình đã trở thành bình thường. Không phải tới bây giờ dân chúng, báo giới mới phản ứng.

Những phản ứng trước đó đều chẳng tới đâu vì kết quả các cuộc kiểm tra đều giống nhau: Đó là việc sắp đặt nhân sự luôn luôn “đúng quy trình.”


So với trước, sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ, các băng nhóm đang thao túng hệ thống công quyền Việt Nam không còn khoanh gọn trong phạm vi một ngành hay một địa phương mà đan xen chằng chịt giữa nhiều ngành, nhiều cấp. (G.Đ)

19-06-2016 2:00:09 PM 

Hàng trăm nhà hư hại vì giông lốc ở An Giang

LONG XUYÊN (NV) - Hàng trăm căn nhà đã bị thiệt hại nặng khi mưa kéo dài kèm giông, lốc đêm 18 tháng 6, rạng sáng 19 tháng 6 tại thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Gần 300 nhà dân bị sập, tốc mái vì lốc xoáy . Nhà cửa của người dân bị tốc mái và sập. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo tin báo Dân Trí, vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 18 tháng 6, 2016, “những cơn gió lốc nổi lên cuồn cuộn, càn quét tất cả các khu phố, phường, xã thuộc thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Ở những nơi cơn lốc đi qua, nhà cửa và cây cối đều bị cuốn phăng, thậm chí nhiều nhà bị tốc mái, gió lốc cuốn bay xa hàng trăm mét.”

Nguồn tin nói giông lốc xảy ra vào đêm tối đã khiến người dân hoảng loạn, bỏ chạy tứ tung để thoát thân. Tuy nhiên, nguồn tin nói, rất may không có thiệt hại về người.

Theo tờ Dân Trí thuật lời ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển tỉnh An Giang cho biết, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất là thành phố Long Xuyên với 446 căn bị thiệt hại, trong đó có 36 căn bị sập hoàn toàn, 143 căn nhà bị tốc mái 100%, 248 tốc mái một phần. Huyện Thoại Sơn có 270 căn nhà bị thiệt hại, trong đó có 17 căn sập hoàn toàn.

Giữa tháng 4, một trận lốc xoáy chỉ diễn ra trong vòng 10 phút chiều 17 tháng 4, 2016, đã làm 320 ngôi nhà tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế tốc mái, thiệt hại khoảng 3.8 tỷ đồng, theo tờ Tuổi Trẻ tường thuật.

 Cũng ngày này, tờ Tuổi Trẻ còn nói rằng một trận mưa đá kèm lốc xoáy xảy ra tại huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai đã làm cho 50 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn. (TN)

19-06-2016 3:03:58 PM 

Đằng sau ‘ngư dân mất tích và thương vong trên biển’ là gì?

Theo NGười Việt- 19-06-2016 3:41:40 PM 
Phạm Chí Dũng
Tình cảm bất ngờ

“Hơn 4,000 tàu cá Việt Nam gặp nạn với hơn 2,300 ngư dân thương vong, mất tích trên biển chỉ trong hơn hai năm qua” - vào đầu Tháng Sáu, một quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới ngư dân - ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, đột biến bày tỏ mối quan tâm qua một phát ngôn trên mặt báo chí.

Tình cảm quan tâm được coi là chưa từng có này bất chợt phát lộ chỉ ít ngày sau chuyến công du Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama và món quà bất ngờ của người Mỹ về dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với chính quyền Việt Nam. Cùng lúc, báo chí quốc tế ồn ào tin tức về khả năng tàu sân bay Mỹ có thể tiếp cận càng quân sự Cam Ranh của Việt Nam không chỉ một lần mỗi năm - một nguyên tắc trong “Sách Trắng” của quân đội nhân dân nước này.

Điểm nhấn khá kỳ quặc là cùng với mối quan tâm đột xuất về tình cảm đánh bắt xa bờ của ngư dân, không phải những quan chức áo quần lượt là của Bộ Ngoại Giao mà vẫn là công chức Vũ Văn Tám khi cho rằng “cần phải thiết lập đường dây nóng giữa các quốc gia trong khu vực” để bảo vệ ngư dân, và Việt Nam hiện đã lập một đường dây với Philippines, nhưng muốn có thêm với Thái Lan, Cambodia, Brunei, Malaysia và Indonesia.
Vì sao lại có mối quan tâm hiếm có trên?

Phải chăng chính thể Việt Nam nổi tiếng về trạng thái đu dây chính trị bắt đầu thành tâm lo lắng cho số phận của “ngư dân bám biển hải quân bám bờ,” hay bức bối bởi động cơ nào khác?

Vì sao?

Nếu là thành tâm, vì sao sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào án ngữ ở Biển Đông năm 2014 và khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt phải chịu cảnh nằm bờ treo niêu, lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam lại không có động tác gì để hộ tống ngư dân ra khơi như cách người Philippines và người Nhật đã làm đúng thiên chức “quân với dân như cá với nước?”

Không những tư thế “bám bờ” vẫn kiên định một cách phủ phục đến khó tưởng tượng, những hứa hẹn của chính phủ “cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt” từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải. Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại. Bị giới ngân hàng chỉ biết “còn đảng còn tiền” bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn. Kế hoạch “đóng tàu sắt” của Việt Nam cho tới nay có thể xem như bị phá sản, ngược lại với thực tế hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Quốc được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông.

Và nếu là thành tâm, vì sao đã nửa năm sau khi ngư dân Trương Đình Bảy bị “tàu lạ” giết chết trên biển, chính quyền Việt Nam vẫn không hề đoái hoài đến việc tìm ra thủ phạm? Tất cả những gì được coi là “sẽ điều tra làm rõ” của các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn là không công bố được bất kỳ manh mối nào về kẻ thủ ác, vẫn cấm khẩu đến mức đáy lương tâm.

Cần nhắc lại, vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết xảy ra ở khu vực Trường Sa vào tháng Mười Một, 2015, hai tuần sau vụ một tàu Trung Quốc chĩa súng AK vào tàu hải quân Việt Nam.

Một khả năng rất lớn là những kẻ trên “tàu lạ” gây ra cái chết của ngư dân Trương Đình Bảy chính là người Trung Quốc, cho dù một tờ báo nhà nước đã mau mắn đưa tin rằng ngư dân Việt nhận thấy những người lạ mặc quần áo giống người Philippines. Khi đó, chính Đà Nẵng lại phát hiện ra bằng chứng đầu tiên: “tàu lạ” bắn giết ngư dân Việt treo cờ Trung Quốc.

Chưa hết, chỉ một ngày sau khi Việt Nam tổ chức kỷ niệm sự kiện 17 Tháng Hai, thời điểm nổ ra cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam, vào ngày 18 Tháng Hai, một tàu cá của ngư dân Quảng Bình bị “tàu lạ” thả neo làm chìm khiến ba ngư dân mất tích gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Thế nhưng cho tới nay đã không có bất cứ cuộc điều tra nào của các cơ quan chức năng Việt Nam để “làm rõ” kẻ nào là thủ phạm.

Đến giữa Tháng Sáu, lại một tàu cá của ngư dân Việt bị “tàu lạ” húc chìm khiến một ngư dân rơi xuống biển mất tích. Nhưng đòn đánh hiểm này không phải xảy ra xa tít ngoài Biển Đông mà cách Côn Đảo không xa.
Rõ ràng từ cuối năm 2015 đến nay, quan hệ Việt - Trung đã “nồng ấm” thấy rõ. Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt... chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì về sau này, chuyện tàu Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt không còn là quá hiếm.

Chưa bao giờ trong lịch sử 41 năm kể từ ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” ngư dân Việt lại lâm vào cảnh khốn cùng như những thời khắc này. Mất biển xa để đánh cá, nhưng ngay cả biển gần cũng bị trở nên tang thương bởi vụ “cá chết Formosa.” 


“Bảo vệ sự bình yên của vùng biển quê hương”

Giờ đây, ở vào thế phải đối mặt với mối nguy hiểm rất cận kề của pháo phòng không và tên lửa đất đối không Trung Quốc đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam không còn cách nào khác là phải tìm cách liên minh với người Mỹ - chỗ dựa duy nhất về mặt quân sự, cũng như tìm mối đồng cảm từ những quốc gia trong khối ASEAN. Đó hẳn là nguồn cơn vì sao giới quan chức Việt “bỗng dưng” quan tâm đến tình trạng hiểm nguy của ngư dân, để từ đó đưa ra mục tiêu “bảo vệ ngư dân” và có thể sẽ bắt đầu đưa tàu hải quân cùng tuần tra với tàu chiến các nước trong khu vực lẫn tàu tuần tra của Mỹ ở khu vực Biển Đông.

Cần nhắc lại, vào Tháng Hai, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang buộc phải ngả hơn về Hoa Kỳ, trong lúc xa rời hơn quỹ đạo Bắc Kinh. Trước sự kiện một tàu quân sự Mỹ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và bị phía Trung Quốc lên án dữ dội, phía Việt Nam đã lần đầu tiên tỏ ra “can đảm” khi tuyên bố sự kiện này là “Tàu Mỹ đi qua vô hại.”

Cũng vào Tháng Hai, cuộc diễn tập quân sự chung giữa Nhật và Việt Nam đã kết thúc tại Đà Nẵng. Tin tức về cuộc tập trận chung này chỉ được phát ra bởi hãng tin Kyodo của Nhật. Hãng tin này cho biết lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) và hải quân Việt Nam đã có đợt tập dượt chung ba ngày từ 16 - 18 Tháng Hai ngoài khơi Đà Nẵng. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Kịch bản có thể diễn ra vào những tháng tới là trên danh nghĩa “bảo vệ ngư dân,” một số tàu chiến của hải quân và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiến hành tuần tra biển cùng với các “đồng minh” người Nhật và người Philippines. Hoặc nếu khả quan hơn, Việt Nam sẽ cùng tuần tra với các tàu chiến của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ để “bảo vệ sự bình yên của vùng biển quê hương.”

Nam California vinh danh QLVNCH nhân ngày 19 Tháng Sáu

Nguyên Huy/Người Việt
2016 5:02:34 PM 

WESTMINSTER, California (NV) - Trưa hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Sáu, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, đông đảo cựu quân nhân QLVNCH tề chỉnh trong những bộ quân phục của binh chủng mình trước năm 1975, đã tổ chức kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu.

Tuổi trẻ Việt Nam choàng hoa vinh danh người lính VNCH. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Buổi lễ kỷ niệm cũng là để cho những cựu chiến sĩ VNCH tưởng nhớ lại một thời liệt oanh giữ nước và nhắc nhở nhau rằng trách nhiệm vẫn còn đối với tổ quốc và dân tộc.

Cùng đến chia sẻ một thởi liệt oanh với các cựu chiến sĩ là các bạn trẻ của các tổ chức như Thanh Niên Cao Đài, Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, các gia đình Phật Tử và Đoàn Thanh Niên Công Giáo, tổ chức Hậu Duệ Thủy Quân Lục Chiến.

Hai ban đại diện cộng đồng người Việt ở Nam California cũng có mặt cùng với một số đồng hương trong các đoàn thể ái hữu.

Chủ tọa buổi lễ là cựu Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu.

Phát biểu trong dịp này, vị chủ tọa nhắc đến tinh thần của người lính VNCH đã vững mạnh không chỉ khi còn cầm súng chống Cộng Sản mà cả khi không còn cầm súng, phải lưu lạc khắp nơi trên các vùng đất tự do để tiếp tục cuộc chiến đấu trên mọi lãnh vực mà Cộng Sản rất sợ hãi gọi là “diễn biến hòa bình.”

Không khí chợt nhộn nhịp hẳn lên khi hai vị chủ tịch cộng đồng được mời lên phát biểu ý kiến.

Kỹ sư Trương Ngãi Vinh, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam California, và Nghị Viên Garden Grove Phát Bùi, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, đã cùng đứng bên nhau, sau khi bầy tỏ lòng ngưỡng phục sự hy sinh của QLVNCH.

Một lần nữa, họ cũng bày tỏ quyết tâm đoàn kết và thống nhất lại để chỉ còn một ban đại diện duy nhất.
Chưa dứt lời thì tiếng vỗ tay của toàn thể người tham dự đã nồng nhiệt vang lên khích lệ khiến buổi sáng mùa Hè ở Nam California đang nóng bức bỗng dưng chợt mát.

Tiễn chân hai vị chủ tịch khỏi sân khấu, MC Nguyễn Văn Hùng trong Gia Đình Mũ Đỏ đã lưu luyến nhắc nhở: “Hai năm rồi chúng tôi cứ chờ đợi để khi tổ chức Ngày Quân Lực, Ngày Quốc Hận chỉ phải đạt một giấy mời duy nhất đến cộng đồng mà thôi mà cứ chờ đợi hoài. Hy vọng điều này sẽ diễn ra vào năm tới.”

Năm nay, hình như ban tổ chức không mời các quan khách Việt Mỹ nên thấy vắng những bài diễn văn của các vị dân cử, vắng những bằng tưởng lục, vắng những lời lẽ ca tụng. 

Hai đại diện tuổi trẻ Nam California hứa hẹn tiếp nói dòng máu anh hùng của QLVNCH. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Trên hàng ghế đầu, bên cạnh vị chủ tọa buổi lễ là những cựu quân nhân chủ tịch hay cố vấn của các tổ chức cựu quân nhân, cảnh sát quốc gia trong những bộ quân phục tề chỉnh nghiêm trang theo dõi buổi lễ.

Trọng tâm của buổi lễ Ngày Quân Lực năm nay, ban tổ chức muốn nhấn mạnh đến sự tiếp nối của thế hệ hậu duệ đang ngày càng tham gia tích cực vào những sinh hoạt đấu tranh của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản.

Phát biểu khi được mời lên sân khấu, hai bạn trẻ thuộc hai tổ chức Thanh Niên Cao Đài và Đoàn Thanh Niên Phan bội Châu đã bày tỏ cảm tưởng của tuổi trẻ hôm nay với Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu.

Trước hết, các bạn trẻ có cái nhìn bi thảm về Việt Nam từ những thực tế đấu tố trong cải cách ruộng đất, áp dụng chính sách ngu dân để dễ bề cai trị, bán nước buôn dân qua sự lệ thuộc vào Bắc phương...

Hai bạn trẻ nói: “Đây là chỗ sai lầm của nhà cầm quyền Cộng Sản khi họ để lộ bản chất xấu xa hèn với giặc, ác với dân cho cả thế giới nhìn thấy thì ngược lại chính họ đã tự đề cao chính quyền miền Nam và QLVNCH.”

Nhìn lại VNCH, các bạn trẻ đã thấy “VNCH trước 1975 chủ trương xây dựng đất nước trên căn bản dân giầu nước mạnh còn QLVNCH thì luôn xông pha tuyến đầu để bảo vệ miền Nam thân yêu, sẵn sàng hy sinh mạng sống với tinh thần trách nhiệm của người quân nhân để hậu phương được yên bình làm ăn sinh sống.”

Đại diện các bạn trẻ cũng đưa ra một so sánh giữa QLVNCH và quân đội Cộng Sản, một bên thì bào vệ dân, còn một bên thì đàn áp đánh đập người dân yêu nước để bảo vệ cho đảng Việt gian, ăn cướp, đang làm đất nước tan hoang.

Kết thúc bài diễn văn, các bạn trẻ đã cất cao lời hứa: “Các cô chú bác hãy yên tâm, chúng con sẽ tiếp nối dòng máu anh hùng của QLVNCH để giải thể chế độ Cộng Sản.”

Bài diễn văn chấm dứt, các bạn trẻ đem những vòng hoa chiến thắng đến choàng lên tất cả các cựu quân nhân mặc quân phục. Hình ảnh tiếp đón những đoàn quân chiến thắng trở về ngày nào bỗng diễn ra mãnh liệt trong con mắt của người tham dự.

Trong suốt buổi lễ là một chương trình văn nghệ “hòa đồng” đầy ý nghĩa và mang đậm mầu sắc quân dân khi ban Tù Ca Xuân Điềm phối hợp cùng các cựu chiến binh trong nhiều quân binh chủng của QLVNCH trình diễn thật ngoạn mục những khúc ca hùng tráng như bài“Ta Là Lính,” ta chưa từng giải ngũ và cũng không là tái ngũ.

Tuy không đông như một vài năm đầu sau khi có chương trình HO với những cuộc duyệt binh làm sống lại một thời oanh liệt của QLVNCH, nhưng tổ chức Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu năm nay vẫn luôn là một sinh hoạt không thể quên lãng được hàng năm, để người lính VNCH thực sự vẫn là những người lính còn đang chiến đấu.

Dòng nhạc lính theo thời gian

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-06-19  
VANCT061916.jpg
Hình minh họa cho ca khúc Cho người vào cuộc chiến do danh ca Thanh Thúy trình bày.  Screen capture
Trong giai đoạn của những năm 1954 đến 1975, có những ca khúc được sáng tác để nói lên hình ảnh và cuộc đời của những người lính. Rộng hơn nữa là hình ảnh chung cho các gia đình miền Nam thời đó. Bởi vì hầu như gia đình cũng có ít nhất một người thân vào quân ngũ.
Trong số những thanh niên lên đường tòng quân ấy, có rất nhiều người lính “tay súng, tay đàn”. Đó là Nguyễn Văn Đông, Trần Duy Đức, Song Ngọc, Lam Phương, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh… qua dòng nhạc lính, họ kể lại lý tưởng của một thế hệ tuổi trẻ, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, tình bạn, và đôi khi là cả bi kịch của thân phận con người do chiến tranh. Và thế hệ ca sĩ thời ấy như Thanh Thuý, Hoàng Oanh, Mai Lệ Huyền, Trung Chỉnh, Duy Khánh… đã rất thành công khi thực hiện những ca khúc này.
“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca:
"Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà"
Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao
Nhưng giữa già tôi có thấy gì đâu?...”(Rừng lá thấp)
Rừng lá thấp là ca khúc được ca/nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh sáng tác trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến tranh 1968. Có người cho rằng đây là món quà và nỗi thương tiếc, sự vinh danh mà nhạc sĩ dành cho người bạn của mình, đại uý Vũ Mạnh Trường, người đã tử trận tại cầu Bình Lợi cửa ngõ vô Sài Gòn.
Đây là một trong hàng ngàn ca khúc được ra đời trong thời điểm mà người lính là hình ảnh được khắc họa rất nhiều trong tất cả lĩnh vực thơ, văn, hội hoạ, nhiếp ảnh, và đặc biệt là âm nhạc. Hình ảnh đó đi theo với chiều dài cuộc chiến như hình với bóng, trên khắp mọi nẻo đường đất nước.
Khi ấy, cuộc đời của người lính, sự đợi chờ của những gia đình có mẹ mong con, vợ mong chồng, cùng với những giây phút khốc liệt của chiến tranh là đề tài bất tận cho người sáng tác. Dòng nhạc lính được biết đến trong thời kỳ đó như một tấm gương phản chiếu trung thực, gần gũi, và rõ nét nhất về một thế hệ tuổi trẻ.
Sáng tác của những người tay súng, tay đàn ấy chân thật, gần gũi và “đời thường” như chính cuộc đời của họ, cuộc đời người lính.
“Mẹ ơi . . . biên cương giờ đây
Trời không . . . mưa nhưng nhiều mây
Nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
Nghe . . . gió rung cây đổ lá vàng
Sương xuống mênh mang…” (Nửa đêm  biên giới)
Lúc đó, nói theo cách nói của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên:
“Ta hỏng tú tài
Ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi
Ta đợi ngày đi…”
Lý tưởng
Đối với những người trai trẻ thời đại ấy, họ xem việc khoác áo lính là trả nợ tang bồng với núi sông, là niềm kiêu hãnh khi được bước những bước chân hành quân vào con đường chiến chinh. Họ tạm biệt gia đình, tạm biệt mẹ cha, tạm biệt người thương để dấn thân vào cuộc sống mới đầy hứng thú và nhiều ý nghĩa trong tháng năm dài khói lửa chiến tranh.
nhat_truong_tran_thien_thanh_1.jpg
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một trong những nhạc sĩ tay súng tay đàn.
“Cùng trang cùng lứa chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương độc hành
Vui chung cuộc hành trình phong sương chưa lần bước ba tháng dài được là bao
Hỏi em em lại khóc bàn tay xin níu lại xin thời gian chưa qua mau…” (Giã biệt Sài Gòn)
Nhạc lính được dùng để chuyển tải hình ảnh của những cuộc đời luôn “ngược xuôi theo đường mây” và vương màu khói súng, Những cuộc đời vừa đúng đôi mươi phải xa biệt đô thành, “vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh”
“Thôi nhé tôi đi... áo vương bụi đường
Nhớ đêm phố phường... người ơi lúc đèn buông
Đừng ngăn gió vào thu... để rơi lá vàng khô
Reo khúc quân hành... đưa tiễn người chinh phu
Đêm... đêm ngắm trăng khuya
Nghe gió bay về...
Ôm súng cầm canh... trông sao trời lấp lánh
Tưởng về đôi mắt... cố nhân chiều xưa…” (Chiều thương đô thị)
Nhạc sĩ Hoài Linh đã sáng tác Chiều thương đô thị để tặng cho người bạn của mình, nhạc sĩ Song Ngọc lên đường tòng quân vào năm 19 tuổi.
Hiện lên trong những ca khúc viết về người lính là hình ảnh của người nghệ sĩ lãng mạn mang khí chất oai hùng, là tinh thần của người trai đang ở lứa tuổi đẹp nhất đời người. Người trai trả nợ tang bồng với núi sông bằng ước mơ bay cao, bay xa bên dãy Ngân Hà, xem chuyện đời nhẹ như những chuyến bay.
“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền
Người trai đi viết câu chuyện Một Chuyến Bay Đêm
Cánh Bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ xưa lại nhớ, lúc mình còn thơ
Nhìn trời cao mà reo mà mơ ước như diều để níu áo Hằng Nga ngồi bên dãy Ngân Hà…” (Một chuyến bay đêm)
Tình bạn
Họ là những người trai trẻ đến từ bốn phương. Mang cùng một lý tưởng, họ gặp nhau nơi chiến trường. Tiếng gọi anh, tôi thân thiết như anh em cùng một mẹ. Những đêm tiền đồn, bao nhiêu câu chuyện được kể cho nhau nghe, không bao giờ hết.
“Vùng cao nguyên đất đỏ, trời lạnh với sương mù
Thương mến anh vượt đường xa đến đây
Mưa vẫn bay mà lòng anh vẫn say
Diệt thù bên rừng sâu khi bên suối vắng đêm thâu
Gặp anh trong phút này là mừng trong phút này
Khi chiến tranh còn gây thêm máu lửa
Thì mộng mơ xin trả hết cho đời
Quê hương này còn mãi mãi nhờ anh…”
Tình đồng đội trong ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương chân thành và đơn giản như thế. Có lẽ cũng là người lính, nên ông hiểu lắm về những gian khổ cũng như giá trị của tình bằng hữu giữa những tháng ngày trên sa trường.
Nhạc sĩ Hoài Linh cũng thế. Tình bạn trong dòng nhạc lính của ông được xây dựng trong những tháng ngày xông pha. Tuy mỗi người rồi sẽ một nơi, nhưng dưới bầu trời bao la của miền đất Mẹ, ông và đồng đội vẫn là một thôi.
“Mình có ba người
Mà kiếp sống buông trôi
Đứa này ở ven trời
Thì đứa khác ra khơi,
Hợp xong lại tan
Trong giây lát xa không đành
Thế mới thương đời lính
Đường phố khuya rồi
Chênh chếch bóng trăng soi
Uống cạn hết ly này
Ghi nhớ mãi đêm nay
Mình ba người tuy không gian
Chia làm muôn lối
Nhưng là một thôi…” (Chúng mình 3 đứa)
Tình yêu
Dòng nhạc lính của những người nhạc sĩ ấy còn chính là những bản nhạc tình. Và cũng là nhạc quê hương. Trên những con đường hành quân khắp bốn vùng chiến thuật, sự xa cách, nhớ mong, ngay cả niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu được họ ghi lại trong trang nhật ký của nhạc khúc.
ns-tranduyduc.jpg
Nhạc sĩ Trần Duy Đức.
“Từ KBC giá lạnh rừng sâu
Anh gởi lời thăm về em yêu dấu
Qua bao ngày chúng mình xa nhau
Chắc em để phấn son nhạt mầu
Và buồn trong cả giấc chiêm bao.
Đừng buồn em ơi! Nếu hiểu được anh
Đây miền rừng xanh bụi vương áo lính
Khi quê mình khói lửa điêu linh
Nhớ em nhiều biết làm sao thôi
Đành vùi chôn khỏa lấp chữ tình...”
Viết từ KBC của Mạc Phong Linh và Hoàng Minh là tiếng nói của những người lính vì lý tưởng mà cởi bỏ áo thư sinh, giã biệt học đường, để lại sau lưng tình yêu riêng của mình. Và cũng chính dòng nhạc lính là nơi nói lên tiếng lòng của những người ở lại, chung thuỷ đợi chờ “Cho người vào cuộc chiến”.
“Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh
Theo tiếng gọi lên đường
Anh đi vì đất nước khổ đau
Anh đi ... anh quên thân mình
Em vì anh tóc bới chẳng lược cài
Thôi điểm trang, má phấn chẳng cần dồi
Xa phồn hoa với những chiều dập dìu
Cho anh vững lòng ... anh đi
Đêm rồi lại đêm, một bóng đơn côi
Em nhớ người phương trời
Tâm tư chẳng biết nói cùng ai
Đơn sơ... em ghi đôi dòng
Mong người đi giữa súng đạn chập chùng
Xin hiểu cho giữa cát bụi thị thành
Bao giờ em cũng vẫn bền một lòng
Thương anh suốt đời ... Anh ơi!...” (Cho người vào cuộc chiến)
Đã hơn 40 năm, những nhạc sĩ tay súng tay đàn ấy, có những người đã xa rời cõi tạm. Có lẽ họ cũng đã mang theo mình dấu ấn của một đời lính oai hùng, những tháng ngày cùng đồng đội xông pha vì lý tưởng. Thế nhưng, dòng nhạc lính, nhân chứng cho một thời cuộc của đất nước, tiếng nói chung cho một thế hệ thì mãi mãi sẽ là dấu ấn của một nền văn hoá âm nhạc Việt Nam.

Dự đoán lạnh sống lưng về Trung Quốc

Theo Baotintuc-19/06/2016 19:01
Ảnh minh họa: AFP
Ngày 15/6 vừa qua, tỉ giá tham chiếu giữa đồng nhân dân tệ (NDT) và đồng USD đã rớt xuống dưới ngưỡng 6,6 NDT/USD, là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Trong một bài viết đăng trên tài khoản của mình ở trang sina.com (Trung Quốc), chuyên gia phân tích tài chính Dương Quốc Anh cho biết sau khoảng 5 tháng miễn cưỡng duy trì, cuối cùng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải thối lui, khiến đồng NDT thất thủ ở ngưỡng 6,6 NDT/USD.

Bước thối lui của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát đi tín hiệu quan trọng rằng đồng NDT một lần nữa sẽ bước vào xu thế phá giá với dự đoán bảo thủ là trong 3 năm, đồng NDT sẽ phá giá ít nhất là 16%, rồi bước vào “thời đại 8.0”, nghĩa là 8 NDT đổi 1 USD.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là tới cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã bỏ ra 2.370 tỷ  NDT để mua các tài sản ngoại tệ (vì không phải là thị trường tiền tệ tự do, cho nên, tất cả nguồn vốn nước ngoài sau khi vào Trung Quốc đều phải đổi ra NDT), giảm 11% so với mức 2.670 tỷ NDT của cùng kỳ năm 2015.

Đây là mức sụt giảm tương đối đáng lo ngại , càng làm rõ hơn tình trạng suy giảm của kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc.

Thống kê cho thấy trong tháng 5/2016, kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn 3.100 tỷ USD, giảm 900 tỷ USD so với mức 4.000 tỷ USD của hai năm trước, tương đương mức giảm là 23%.

Nếu tốc độ sụt giảm như vậy tiếp tục, trong 3 năm nữa, kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn 1.000 tỷ USD, nghĩa là trong 3 năm giảm từ mức tương đương 50% GDP trước đây xuống còn 10% GDP.

Theo chuyên gia Dương Quốc Anh, là một nước lớn mới nổi lại tạo dựng quá nhiều kẻ địch, một khi dự trữ ngoại tệ giảm xuống chỉ còn tương đương 10% GDP, Trung Quốc chỉ còn 2 con đường.

Một là trở thành “thuộc địa mới” của các nước phát triển, mất hoàn toàn quyền tự chủ về kinh tế.

Hai là trở lại với tình trạng bế quan tỏa cảng của 200 năm trước, giống như Triều Tiên ngày nay.

Bởi vì dự trữ ngoại tệ tiếp tục giảm mạnh trong khi kinh tế trong nước không ổn định, một khi dính đòn tấn công tài chính từ các nước phát triển, các “tử huyệt” của Trung Quốc sẽ bộc lộ hoàn toàn.

Tới khi đó, đừng nói tới việc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, kinh tế Trung Quốc thậm chí sẽ quay về với thời điểm 20 năm về trước.

Các nước như Malaysia, Thái Lan đều rơi vào tình trạng như vậy khi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bùng nổ.

Hoàng Hà

Hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận tại Biển Đông

 Tú Anh 
Theo RFI-19-06-2016 12:54 
media
 Chiến đấu cơ F/A Hornet-18 và E-2D Hawkeye trên hàng không mẫu hạm John C. Stennis, ngày 15/06/2016. REUTERS/Nobuhiro Kubo
Hai hàng không mẫu hạm Mỹ cùng với 140 máy bay và 12.000 thủy quân bắt đầu cuộc tập trận tấn công ở ngoài khơi Philippines, trong một hành động được xem là để bảo vệ đồng minh trước sức mạnh đe dọa của Trung Quốc tại biển Đông.
Theo tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình dương và chính phủ Manila, cuộc tập trận khai diễn vào hôm nay 19/06/2016 ngoài khơi Philippines với mục đích « bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, trên vùng biển và bầu trời khu vực ».
Hai hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan tiến hành thao dợt theo dõi và tấn công vào mục tiêu từ xa, phối hợp với hoạt động của 12.000 thủy quân, 140 máy bay và nhiều chiến hạm khác. Một tướng Mỹ là Phó đề đốc Marcus Hitchcock, chỉ huy trưởng không đoàn chiến đấu cơ khẳng định là không một hải quân nước nào có thể tập trung sức mạnh hùng hậu như thế. Phó đề đốc John Alexender cho biết đây là cơ hội « để các đơn vị tác chiến phối hợp hành quân trong một vùng biển có tranh chấp ».
Trong khuôn khổ chương trình cải tiến và tăng cường quân lực bảo vệ biển đảo của Philippines, phát ngôn viên bộ quốc phòng Philippines Peter Galvez tuyên bố các cuộc tập trận hỗn hợp do Mỹ thực hiện chứng tỏ « quyết tâm » của Hoa Kỳ thực hiện lời hứa bảo vệ đồng minh Philipines mà chủ quyền quốc gia đang bị hăm dọa. 
Philipines đang chờ phán quyết của Toà Trọng Tài Quốc Tế trong vụ kiện Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Nhật Bản: Biểu tình phản đối căn cứ Mỹ ở Okinawa

Khánh Bình 
Theo RFI-19-06-2016 16:17 
media
Hàng chục ngàn dân Okinawa biểu tình phản đối căn cứ quân sự Mỹ. Kyodo/via REUTERS
 Hôm nay, 19/06/2016, hàng chục ngàn người dân đảo Okinawa, Nhật Bản đã xuống đường biểu tình phản đối sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ trên hòn đảo này. Người dân đảo này ngày càng cảm thấy khó chịu trước những rắc rối tái diễn thường xuyên do các binh sĩ Mỹ gây ra.
Theo các nhà tổ chức, ước tính có khoảng 65 000 người đã tụ tập tại một sân vận động ở Naha, trung tâm hành chính tỉnh Okinawa dưới ánh nắng chói chang, bày tỏ sự giận dữ về một vụ án mạng và một tai nạn do một nhân viên và một sĩ quan Thủy quân lục chiến gây ra dưới tác động của rượu. Nạn nhân là một thiếu nữ, cô Rina Shimabukuro, 20 tuổi đã bị cưỡng hiếp và sát hại hồi cuối tháng 4 vừa qua. 
Một cuộc biểu tình khác, quy tụ chừng 3.000 người cũng đồng thời diễn ra ở bên ngoài toà nhà quốc hội ở Tokyo với những dòng chữ như "Không có căn cứ quân sự, không có cưỡng hiếp ở Okinawa". 
Theo AFP, cuộc biểu tình này còn nhằm mục đích ngăn chặn dự án di dời các cơ sở quân sự Mỹ hiện đang đóng tại trung tâm thành phố Futenma về vùng duyên hải Henoko, ít đông dân hơn, nhưng lại gặp phải sự phản đối của chính quyền tỉnh Okinawa, do thống đốc Takeshi Onaga dẫn đầu, yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các khu căn cứ của Mỹ ra khỏi khu vực. 
Việc phản đối căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa đã có từ lâu, kể từ sau vụ một bé gái 12 tuổi bị ba binh sĩ Mỹ bắt cóc và cưỡng hiếp năm 1995. Washington lúc bấy giờ cam kết tăng cường các biện pháp kỷ luật đối với các đội quân. Việc di dời căn cứ cũng gặp nhiều khó khăn do việc thay đổi các dân biểu địa phương và chính phủ, cũng như một phần phản đối mạnh mẽ của người dân tại Okinawa vốn dĩ không muốn thấy các căn cứ quân Mỹ nữa. 

Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có anh hùng?

DLV (Danlambao) - Những gì xảy ra trong thời gian vài năm gần đây cho thấy một cách hết sức minh bạch và nhất quán rằng cái gọi là "Quân Đội Nhân Dân Việt Nam" là một lực lượng vũ trang bất tài và hèn. Những gì báo chí cộng sản tuyên truyền về quân đội của họ trong quá khứ chỉ là những dối trá và mị dân.

Chiếc chiến đấu cơ SU-30MK2 được cho là hiện đại nhất của lực lượng không quân CSVN vừa bị mất tích hôm 14/6, rất có thể do Trung Cộng bắn rớt. Hai viên phi công lái SU thì một bị thương, một bị chết trên biển. Cho đến nay chiếc chiến đấu cơ vẫn còn mất tích. Nhưng đây không phải là lần đầu SU gặp nạn. Năm 2006 và 2009, hai chiếc SU30 cũng bị rớt và phi công đều tử nạn. Năm ngoái lại thêm 2 chiếc SU đâm vào nhau ở Bình Thuận gây tử vong cho tất cả phi công trên máy bay. Tính đến nay, cộng sản Việt Nam đã mất 5 chiếc chiến đấu cơ SU và hàng chục viên phi công tử nạn.

Một sự kiện đáng chú ý trong vụ tai nạn vừa qua là phi cơ cứu nạn được điều đi tìm chiến đấu cơ mất tích cũng bị... mất tích. Đến nay thì chúng ta đã rõ, chiếc máy bay cứu nạn CASA-212 bị bẹp dúm, giống như bị va chạm với một vật nào đó trên không hay dưới biển. Tất cả 9 người trên máy bay cứu nạn đều mất tích và có lẽ không ai còn sống.

Cả hai máy bay chỉ bay gần bờ, chứ không bay ra biển xa. Cả hai máy bay bị nạn ngay trong thời điểm Trung Cộng đang tập trận ở Biển Đông. Do đó, nghi ngờ về bàn tay của Trung Cộng dạy cho đàn em CSVN một bài học là rất đáng suy nghĩ.

Nhưng qua các tai nạn trước đây và tai nạn mới đây chúng ta thấy rõ sự bất tài của lực lượng không quân và hải quân CSVN. Họ không tìm được phi công mất tích dù với thiết bị được mô tả là "hiện đại". Người tìm ra viên phi công mất tích là một ngư dân. Nếu không có ngư dân đó thì chưa biết số phận của viên phi công sẽ ra sao. Nhưng chúng ta cũng chẳng hy vọng gì vào lực lượng hải quân CSVN vì chỉ cần nhìn những con tàu cũ kỹ và rỉ sét đến thảm thương thì biết chúng chẳng làm nên trò trống gì.

Xin đừng biện minh rằng vì VN còn nghèo nên không có tiền mua tàu mới. Trong thực tế CSVN đã mua 30 chiếc SU-30 của Nga, mỗi chiếc giá lên đến 50 triệu USD. CSVN còn huênh hoang tuyên bố rằng đã đóng được tàu hải quân hiện đại. Họ thậm chí còn tuyên bố có khả năng sản xuất máy bay! Thế nhưng trong thực tế thì không phải như thế, mà đó chỉ là những dự án để bòn rút tiền của dân chúng. Quân đội CSVN chỉ lo làm ăn chứ không phải lo bảo vệ dân và đất nước. Vì chú tâm làm ăn nên sĩ quan quân đội CSVN cũng giàu theo. Hãy nhìn căn biệt thự của viên phi công bị mất tích thì sẽ biết quân đội CSVN ngày nay không nghèo chút nào cả. Ngược lại, họ rất giàu vì họ biết "làm dự án".

CSVN thường hay huênh hoang rằng quân đội của họ "bách chiến bách thắng". Nhưng trong thực tế thì trăm trận đánh là trăm trận thua. Thua thê thảm. Trận Gạc Ma năm 1988, quân đội CSVN chỉ làm bia để hải quân Trung Cộng bắn giết. Thật sự là làm bia cho Trung Cộng. Trận biên giới năm 1979, quân đội CSVN bị Trung Cộng dạy cho một bài học để đời mà sau này họ không dám đụng với "người anh cả" của họ nữa.

Sau trận chiến biên giới 1979 chúng ta đã thấy Việt Nam mất đất về tay Trung Cộng. Chẳng những mất lãnh thổ đã là một sự nhục nhã, mà quân đội CSVN cũng không thực thi được cuộc hành quân nào để tìm đồng đội mất tích hoặc bị Trung Cộng giết. Sau trận biên giới năm 1979, quân đội CSVN bị sa lầy ở Kampuchea và lại bị quân của Pol Pot gây cho những thiệt hại hết sức nặng nề. Quân đội CSVN chỉ vào Pnom Pench khi quân Pol Pot đã rút lui.

Xa hơn nữa, khi đánh nhau với quân đội Pháp, Hoa Kỳ hay quân đội VNCH, quân đội CSVN cũng chẳng có thành tích gì đáng nói. Trận Điện Biên Phủ thực chất là trận chiến của tướng Trung Cộng Trần Canh dùng lính Việt Nam để đạt mục tiêu chính trị của Trung Cộng. Trong những trận đánh sòng phẳng, quân đội CSVN chỉ toàn thua. Trận Đông Hà năm 1972 là một trường hợp tiêu biểu về sự bất tài của quân đội CSVN.

Tuy nhiên, quân đội CSVN có một đặc điểm mà quân đội khác khó có được. Đó là sự cuồng tín chính trị. Trước khi ra trận họ đã được tiêm vào đầu óc những tuyên truyền dối trá và sẵn sàng xả thân vì "Bác" vì "đảng" của họ. Họ bị xiềng xích cùng với súng và bắt buộc phải tử thủ chứ không có lựa chọn rút lui. Nói đơn giản hơn, quân đội CSVN là một lực lượng bị nhồi sọ và những con chốt cho cấp chỉ huy của họ nướng.

Tướng lãnh CSVN rất nổi danh về tài nướng quân. Từ Võ Nguyên Giáp đến những nhân vật đàn em như Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, tất cả đều giỏi một chiến thuật mà các tướng khác không thể nào có được. Đó là tài nướng quân. Người nổi danh nướng quân là Võ Nguyên Giáp, nướng quân từ thời Điện Biên Phủ. Đại tướng Westmoreland của Hoa Kỳ từng nhận xét rằng "Giáp được đào tạo đánh trận với đơn vị nhỏ, chiến thuật du kích, nhưng ông muốn tiến hành cuộc chiến ở mức đại đơn vị và gây thiệt hại khủng khiếp cho binh lính của ông ấy. Chính ông ta xác nhận, vào đầu năm 1969, ông hy sinh một nửa triệu binh sĩ. Chính ông ta báo cáo như vậy. Sự không đếm xỉa đến mạng sống con người có thể đã làm cho ông ta là một kẻ thù ghê gớm, nhưng điều đó không làm nên một thiên tài quân sự. Sĩ quan chỉ huy Mỹ thí quân như thế e rằng sẽ khó tại chức hơn một vài tuần."

Truyền thống nướng quân của CSVN kéo dài đến trận chiến biên giới Tây Nam với Kampuchea. Trong trận đó, CSVN xua dân quân đi trước quân đội chính quy. Dân quân dạo đó chỉ mới được huấn luyện vài ba tuần, biết cầm súng và nả đạn, chứ chẳng biết trận gì khác. Đó chính là lý do tại sao Việt Nam đã mất hàng vạn thanh niên trong trận chiến biên giới Tây Nam vào năm 1979-1980. Họ đẩy thanh niên miền Nam vào chỗ chết. Đó cũng là một cái tội lớn của CSVN đối với dân tộc.

Cả Trung Cộng và Nga Sô đều xem thường quân đội CSVN như là những người học trò ngờ nghệch. Báo chí CSVN tuyên truyền rằng lính của họ đã thay đổi tên lửa của Nga Sô để bắn hạ máy bay Hoa Kỳ vào năm 1972. Câu chuyện lưu truyền hàng mấy thập kỷ đến bây giờ thì đó chỉ là một... huyền thoại. Viên sĩ quan người Nga tên là Yury Trushyekin tiết lộ với báo chí Nga rằng lính CSVN học rất chậm và toàn bắn hụt. Có hôm lính CSVN bắn 12 quả tên lửa mà chẳng trúng quả nào! Đến quả cuối cùng thì viên sĩ quan Nga phải đích thân bắn và hạ được máy bay của John McCain. Tướng Trung Cộng chẳng xem tướng lãnh CSVN ra gì. Họ dám tuyên bố rằng có thể đánh hạ quân đội CSVN trong vòng 24 giờ.

Báo chí cộng sản VN tô vẽ quân đội của họ là một lực lượng vũ trang hùng mạnh trên thế giới, chỉ đứng sau những cường quốc như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Trung Cộng. Nhưng chỉ cần nhìn vào tàu chiến và chiến đấu cơ và cách điều khiển các thiết bị đó chúng ta sẽ thấy quân đội CSVN rất yếu kém. Tướng lãnh CSVN chỉ là những kẻ bất tài không có kinh nghiệm chiến trận, nhưng giỏi mua quan bán chức. Tiêu biểu cho loại tướng này là Nguyễn Chí Vịnh, là một kẻ bất tài nhưng nhờ lòn cuối tốt nên đeo lon tướng.

Biểu tượng sức mạnh của một quân đội có khi thể hiện quan quân phục. Nhưng nhìn vào quân phục không quân CSVN chúng ta thấy đó là một đội quân lai căng và nhếch nhác. Cũng không ngạc nhiên vì quân đội CSVN là do Trung Cộng huấn luyện và dạy dỗ nên phải mặc quân phục Trung Cộng thôi.

CSVN gắn cái mác "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" cho quân đội của họ. Nhưng trong thực tế nếu bình tâm suy nghĩ và nhận xét thì chúng ta sẽ thấy sự thật bẽ bàng. Họ vượt qua khó khăn bằng hy sinh và nướng quân chứ không phải bằng trí tuệ. Họ chẳng đánh thắng ai cả. Chính vì thế mà trong thời nay họ không dám đương đầu với quân Trung Cộng trên biển và không có khả năng bảo vệ ngư dân.

19/6/2016