Thursday, August 6, 2015

Hoa Kỳ: ‘Không chấp nhận giới hạn hải, không hành ở Biển Ðông’

KUALA LUMPUR, Malaysia (AFP) - Hoa Kỳ hôm Thứ Năm cảnh cáo rằng sẽ không chấp nhận các hành động nhằm kiểm soát hải hành và không hành ở vùng Biển Ðông, trong lúc các quốc gia Ðông Nam Á tranh luận về việc đòi hỏi Trung Quốc ngưng xây các đảo nhân tạo.

 
Một tàu hải giám của Trung Quốc và một tàu vận tải của Philippine đang xem xét nhau trên vùng Biển Ðông. (Hình: Jay Directo/AFP/Getty Images)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry, cho hay trong cuộc họp thượng đỉnh của các quốc gia vùng Ðông Nam Á rằng việc tự do hải và không hành ở khu vực chiến lược quan trọng này là một “quyền nội tại.”

“Tôi muốn nói rõ: Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các giới hạn về tự do hải hành và không hành hay các việc sử dụng hợp pháp khác trong vùng biển này,” ông cho báo chí hay tại Kuala Lumpur, sau khi tham dự cuộc họp có nhiều tranh cãi về vấn đề này.

Trung Quốc đã tạo sự lo ngại khi xây dựng các đảo nhân tạo và thành lập các căn cứ quân sự, những điều mà các quốc gia láng giềng cáo buộc là vi phạm thỏa thuận sẽ không có hành động khiêu khích trong khu vực.

Cuộc tranh chấp đã gây nhiều căng thẳng tại cuộc họp ở Malaysia, có sự tham dự của 10 quốc gia khối ASEAN và đại diện của hơn một chục quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn và Hoa Kỳ.

Bắc Kinh cho hay họ có chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Ðông, khu vực có hải lộ trọng yếu của thế giới và cũng có lượng dự trữ dầu hỏa và khí đốt lớn lao. (V.Giang)

08-06-2015 5:03:20 PM

Ðiện Biên: Dân liều mình qua sông bằng cầu nghiêng, gãy

ÐIỆN BIÊN (NV) - Do lũ làm đường liên xã bị sạt lở, phải đi 5 cây số mới có cầu ra quốc lộ 6 để đi tiếp các nơi, nên nhiều người dân vẫn liều mạng đi qua các cây cầu đã bị lũ hất nghiêng hay gãy đổ.

Theo báo Lao Ðộng, rạng sáng 1 tháng 8, 2015, tại huyện Tuần Giáo đã xảy ra nhiều trận lũ ống, lũ quét ảnh hưởng tới toàn bộ 19 xã, thị trấn làm 4 người bị thương, hàng chục nhà dân tại khu vực khối Tân Tiến, Huổi Củ, bản Ðông... trở nên tan hoang do con đập ngăn hồ đầu nguồn suối Huổi Củ bị vỡ, khiến lũ quét tràn xuống nhà dân gây ngập lụt và cuốn trôi nhiều tài sản, cầu đường.


Người dân ở các huyện miền núi tỉnh Ðiện Biên vẫn phải liều mình qua lại những chiếc cầu nghiêng như thế này. (Hình báo Lao Ðộng)

Tại huyện Mường Tè, tỉnh lộ 127 đi các xã Mường Mô, Nậm Chà, Can Hồ đất đá sạt từ taluy đổ xuống lấp nhiều đoạn đường gây tắc nghẽn cục bộ. Tuyến đường giao thông từ thị trấn đi các xã Mường Tè, Vàng San, Pa Vệ Sủ sạt lở một số điểm gây ách tắc giao thông.

“Trận lũ vừa qua đã cuốn trôi một cầu treo tại huyện Mường Ảng, một cầu treo tại huyện Tuần Giáo bị hỏng trụ, 3 cầu trong huyện Ðiện Biên cũng bị gẫy đổ. Trong những ngày tới khi nước rút, tỉnh sẽ cho sửa chữa để nối lại giao thông cho người dân,” ông Nguyễn Văn Ðịnh, phó chánh văn phòng tỉnh Ðiện Biên cho biết.

Cụ thể, cầu treo Bản Hiệu vắt qua suối Nậm Hua nối hai xã Chiềng Ðông và Chiềng Sinh của huyện Tuần Giáo là con đường chính của hàng trăm hộ dân ra quốc lộ 6 đã bị lũ cuốn trôi đường dẫn, làm trụ cầu trơ móng, mặt cầu bị nghiêng. Tuy nhiên, do đường liên xã cũng bị sạt lở vì nước lũ, phải đi 5 cây số sang bản Cộng mới có cầu ra quốc lộ 6 nên nhiều người dân bất chấp nguy hiểm vẫn đi lại trên cầu này.

Có việc gấp cần lên huyện, bà Tà Thị Nính (51 tuổi), ở bản Phang phải nhờ người thân đi xe máy đón ở bên kia chiếc cầu nghiêng. Còn mình vừa bước rón rén, vừa bám thành cầu khá sợ nhưng vẫn phải liều, vì chỉ có đường này mới gần, đường sang bản khác lầy lội, xe máy cũng không đi lại được.

Nằm cạnh trung tâm thành phố Ðiện Biên, xã biên giới Thanh Luông cũng có nhiều cây cầu bị hư hại nặng. Ðường trong xã được treo nhiều biển cấm xe hơi, xe máy đi lại vào bản Bánh và bản Ló do cầu đã bị lũ cuốn.

Trong khi đó, nước lũ kéo theo rác từ thượng nguồn đổ về làm cầu bê tông dài hơn 10 mét vắt qua suối Hoa Pe gẫy gục. Song, nhiều người dân chờ lúc nước rút vẫn liều mạng qua lại do đường vào xóm Thanh Ðông bị chia cắt, hoặc phải đi vòng hơn 2 cây số qua các bản lân cận để ra quốc lộ 6, trong lúc chờ khắc phục. (Tr.N)

08-06-2015 2:57:20 PM

Xây đê bít đường dân sinh

Theo NLĐO-06/08/2015 21:24

Bức xúc về việc bít đường dân sinh tồn tại hàng chục năm qua của hà thầu thi công đê sông Hà Thanh (đoạn thuộc thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), nhiều người dân địa phương đã phản ánh vụ việc đến các cơ quan chức năng.

Theo trình bày của hơn 130 hộ dân nơi đây, từ bao đời nay, hằng ngày họ theo đường dân sinh để đến cánh đồng Hóc Công thuộc thôn Cảnh An 1 canh tác. Khoảng một tháng qua, nhà thầu thi công tuyến đê sông Hà Thanhđã lấp lối đi trên khiến người dân địa phương gặp nhiều khó khăn mỗi khi ra đồng và đưa gia súc đến khu chăn nuôi. Hiện nay, muốn ra đồng, người dân phải leo qua con đê có độ dốc rất cao.
“Hơn 10 năm trước, khi xây dựng đê sông Hà Thanh, chính quyền vẫn chừa một đường dân sinh để người dân đi lại. Chẳng hiểu vì lý do gì trong đợt xây dựng đê lần này, nhà thầu lại bít đường dân sinh trên” - ông Nguyễn Văn Tố, một người dân địa phương, bất bình.
 Do bị lấp đường dân sinh nên hằng ngày người dân và gia súc xã Phước Thành phải leo qua đê dốc dựng đứng để ra đồng
Do bị lấp đường dân sinh nên hằng ngày người dân và gia súc xã Phước Thành phải leo qua đê dốc dựng đứng để ra đồng
 Ông Nguyễn Hữu Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành - đơn vị thi công đoạn đê sông Hà Thanh, cho biết việc xây dựng được công ty ông thực hiện đúng theo hồ sơ tư vấn thiết kế. Bởi vậy, muốn trả lại lối đi cho dân như trước đây thì phải được sự đồng ý của chủ đầu tư và cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, nhằm hạn chế tình trạng xâm thực của dòng sông Hà Thanh, bảo vệ diện tích đất canh tác cũng như tài sản, tính mạng của người dân địa phương, các ngành chức năng đã cho xây dựng 1 km đê sông Hà Thanh thuộc địa bàn thôn Cảnh An 1. “Khi nhà thầu xây xong phần thân đê, chính quyền địa phương nhận được phản ánh của người dân về việc đường dân sinh bị bít. Nhận thấy bức xúc của người dân có cơ sở nên chúng tôi đang làm tờ trình đề nghị các ngành chức năng liên quan xem xét, điều chỉnh thiết kế để trả lại lối đi cho người dân địa phương” - ông Đạt kiến nghị.
 Bài và ảnh: Đức Anh

Đua nhau dựng tượng đài

Theo NLĐO-06/08/2015 21:52

Việc đua làm tượng đài na ná nhau, tỉnh làm sau to hơn tỉnh làm trước được hiểu như hệ lụy của lối tư duy thi đua, bệnh thành tích…

Thống kê của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT- DL) cho thấy hiện cả nước có 360 công trình tượng đài. Số lượng tượng đài có thể sẽ tăng lên nhiều trong thời gian tới bởi các địa phương đang đua nhau xin làm.
Phải to mới chịu!
Trước khi HĐND tỉnh Sơn La thông qua nghị quyết xây tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” gắn với các công trình khác ngốn vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng, nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Điện Biên… cũng xây những tượng đài trăm tỉ, chục tỉ đồng. Tại hội thảo về quy hoạch tượng đài được Bộ VH-TT-DL tổ chức mới đây, chỉ riêng tượng đài Bác Hồ, ít nhất có thêm 58 đề xuất xin dựng trong thời gian tới.
Nhận xét về xu hướng thích hoành tráng, một đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng đó là hội chứng của bệnh thành tích. Ở một số tỉnh nghèo, miền núi xa xôi, dù cuộc sống người dân còn khó khăn nhưng cũng đòi to, hoành tráng như thành phố lớn, cho rằng nghèo mà làm được to mới có giá trị. Nó giống như xây nhà, nhà sau cao hơn nhà trước một ít mới chịu.
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội) tuy không hoành tráng nhưng vẫn được đánh giá tốt
 Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội) tuy không hoành tráng nhưng vẫn được đánh giá tốt Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
 Từ thực tiễn xây dựng tượng đài ở Việt Nam, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhận xét:  “Tôi đi nhiều nước châu Âu, Mỹ và các nước lân cận thì thấy tượng vĩ nhân họ làm nhỏ thôi. Quan trọng nhất là không gian kết nối. Còn chúng ta nghĩ vĩ nhân thì tượng phải lớn”. PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhận xét: “Tượng đài ở các nước luôn đem đến những cảm xúc, gợi mở sự lắng đọng, suy tư. Với tượng đài ở Việt Nam, hầu hết đều là những khối lớn, hoành tráng nhưng rất ít hồn”.
To và tốn chưa hẳn tốt
Thời gian qua, không ít công trình tượng đài quy mô lớn, đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng sau khi đưa vào sử dụng thì xuống cấp, hư hỏng, gây phản ứng trong dư luận. Tháng 5-2015, tượng đài 25 tỉ đồng ở Đông Triều, Quảng Ninh bị sét đánh vỡ chóp sau khi khánh thành 10 tháng, chưa được khắc phục. Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ trị giá 411 tỉ đồng ở Quảng Nam, chỉ sau hơn 1 tuần khánh thành đã bong tróc gạch lát nền. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên khánh thành chưa lâu đã bị nứt, lún sụt… hư hỏng, thậm chí những người thiết kế, thi công tượng đài này đã phải ra tòa vì công trình bị rút ruột, chất lượng kém.
Có lẽ công trình Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại đường Bắc Sơn (Hà Nội) của KTS Lê Hiệp là một trong những ngoại lệ làm tượng đô thị tuy không hoành tráng nhưng vẫn thành công. Năm 1992, TP Hà Nội đã mở một cuộc thi thiết kế đài liệt sĩ Bắc Sơn, phương án của KTS Lê Hiệp dù xếp thứ hai nhưng vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn. KTS Lê Hiệp chia sẻ công trình của ông rất giản dị nhưng được người dân ủng hộ vì có tính giá trị nghệ thuật cao, thể hiện được ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Cũng theo KTS Lê Hiệp, dù được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn nhưng ngay cả khi hoàn thành, công trình vẫn vấp phải những luồng dư luận trái chiều. Nhiều người bóng gió gọi bằng những cái tên mỉa mai như lô-cốt, cái ghế đẩu…
Do bệnh thành tích
KTS Thân Hồng Linh, Công ty Tư vấn Xây dựng dân dụng Việt Nam (Bộ Xây dựng), cho rằng các đồ án kiến trúc quy hoạch luôn luôn phải giải quyết, thiết lập các không gian kiến trúc dành cho quảng trường, cây xanh công viên nhưng không vì thế mà coi tượng đài và quảng trường là yếu tố không thể thiếu của quy hoạch kiến trúc đô thị. Việc các tỉnh đua làm tượng đài na ná nhau, tỉnh làm sau to hơn tỉnh làm trước được hiểu như hệ lụy của lối tư duy thi đua, bệnh thành tích của một số vị lãnh đạo địa phương. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, đánh giá việc đem đánh đồng giá trị của tượng đài, công trình với quy mô là suy nghĩ rất sơ đẳng.
Cũng theo ông Vi Kiến Thành, các công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có tượng đài phục vụ đời sống nhân dân, chưa bao giờ là nhu cầu đặt hàng của ngành mỹ thuật. Tất cả các yêu cầu đó đều xuất phát từ địa phương, tức là khi địa phương có nhu cầu thì ngành mỹ thuật tham gia để thực hiện về mặt chuyên môn cho các công trình. “Tuy nhiên, có những việc mà không phải giới chuyên môn, giới mỹ thuật, giới kiến trúc có thể quyết định được hình thức nghệ thuật của tác phẩm mà còn nhiều yếu tố khác” - ông Thành nói.
Theo quy định, tham gia hội đồng mỹ thuật để thẩm định các đề án xây dựng tượng đài phải là những họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư có uy tín, chuyên môn cao theo tỉ lệ: 2/3 là các nhà chuyên môn mỹ thuật, 1/3 là các nhà quản lý. Tuy nhiên, quy định này hầu như đã bị phớt lờ bởi tại nhiều địa phương, phần đông thành viên trong hội đồng lại là đại diện các sở như: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Giao thông Vận tải... Theo KTS Lê Hiệp, với những thành viên ngoài chuyên môn như thế, khó tránh khỏi những điều không hay, phức tạp khi thiết kế, xây dựng công trình tượng đài mà ở đó, sự hoành tráng lấn át giá trị nhân văn của công trình.

Biểu hiện của tư tưởng nhiệm kỳ
Ông Vi Kiến Thành cho rằng xu hướng của khá nhiều người trong xã hội hiện nay là thích to, thích lập kỷ lục, hoành tráng. Thậm chí, đó là biểu hiện của tư tưởng nhiệm kỳ, các vị lãnh đạo luôn muốn làm một công trình hoành tráng để đời, để nhân dân có thể ghi nhớ nhiệm kỳ đó đã xây dựng được một tượng đài to lớn...
 Yến Anh

Tác hại đáng sợ của thịt lợn “bẩn” nhiều người vẫn ăn hàng ngày

Theo GiadinhNet-06/08/2015 08:23
Thịt lợn là thực phẩm chủ yếu trong các bữa cơm của gia đình. Tuy nhiên, hiện nay "thịt lợn bẩn" đang được bày bán tràn lan, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn. Điều đáng sợ là họ không lường hết được hậu quả của nó lên sức khỏe người dùng.

Đáng sợ khi ăn phải thịt lợn tiêm thuốc ngủ

Tình trạng tiêm các loại thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ hiện rất phổ biến, chủ yếu tập trung ở các lò giết mổ heo lậu. Mới đây, chỉ trong vòng một tháng qua, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 2 vụ tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. Mục đích của việc tiêm thuốc an thần là để heo mệt mỏi, không kêu la trong quá trình vận chuyển, ngoài ra còn khiến thịt heo mềm, đẹp, các thớ thịt căng mọng, trong lượng nặng hơn, thương lái sẽ nhiều lợi nhuận hơn nên họ đã không từ thủ đoạn với lối kinh doanh này.

Điều đáng sợ là thuốc an thần thường được lái buôn sử dụng là acepromazine, loại thuốc trước đây thường sử dụng cho con người nhằm trị giảm đau, căng thẳng, lo lắng... Ngoài ra, nó còn được sử dụng kèm các thuốc gây mê toàn thân trong ca phẫu thuật. Tuy nhiên, do khả năng bài thải chậm và độc tính cao nên hiện nay thuốc chỉ được sử dụng trong lĩnh vực thú y. Do đó loại thuốc này không cho phép sử dụng trước khi giết mổ, nếu đã sử dụng phải có thời gian để thuốc đào thải hết (5 - 7 ngày sau khi tiêm).

thịt lợn, lợn chết, gây hại

Theo chuyên gia, người sử dụng sản phẩm có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt... và nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận.

Hậu họa khi ăn thịt ướp muối diêm, hàn the

Để giữ được miếng thịt để lâu bắt mắt, thương lái không ngần ngại đánh lừa người tiêu dùng bằng cách ướp muối diêm và hàn the để tạo màu cho thịt, làm thức ăn giòn hơn, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Miếng thịt sau khi ướp hàn the sẽ se lại, và có màu sắc đẹp như thịt mới vừa được mổ và có thể giữ tươi 3 ngày ở nhiệt độ thường. Nếu cho vào tủ lạnh, có thể giữ được cả tháng và bỏ ra rã đông, thịt vẫn tươi nguyên như mới. Tuy nhiên, nếu dùng dao xẻ bên trong, thịt có màu trắng hơn, không có mùi ôi. Khi dùng ngón tay ấn vào, thịt ứa ra nhiều nước trắng đục.

Việc dùng thường xuyên thực phẩm chứa hàn the sẽ gây ung thư, hoặc một số bệnh khác cho cơ thể.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, muối diêm được phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản thịt, ướp thịt nhưng với một lượng cho phép. Nhưng nếu lạm dụng và vượt quá ngưỡng cho phép, khi vào cơ thể người, nó tham gia phản ứng khử ở dạ dày và đường ruột do tác dụng của các men tiêu hóa, gây phản ứng và tạo ra chất làm mất khả năng vận chuyển ô xy và một số phản ứng khác. Việc này kéo dài lâu, sẽ dẫn đến tử vong.
Cách nhận biết thịt lợn không bơm tẩm hóa chất
Để tránh mua phải thịt lợn tiêm thuốc ngủ, ướp hóa chất, người tiêu dùng cần nắm chắc một số đặc điểm sau:
- Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt lợn đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.
- Thịt lợn tươi ngon khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Cắt miếng thịt ra, bên trong không có màu trắng đục.
- Khi chế biến thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.
- Người tiêu dùng cũng nên mua thịt lợn ở những cơ sở uy tín, có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng của cơ quan chức năng.

Bệnh nhân đau chân trái, BS mổ... chân phải

 - Chẩn đoán bé trai 6 tuổi bị u nang hoạt dịch khoeo chân trái, bác sỹ BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long yêu cầu gia đình cho con nhập viện phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật, gia đình phát hoảng khi thấy con mình bị mổ nhầm chân… phải.
Chẩn đoán một đằng, chữa một nẻo
Ngày 5/8, tiếp xúc với PV, anh Lê Quốc Dũng, ngụ xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) phản ánh: sáng 27/7, anh đưa con trai là Lê Quốc Hào (6 tuổi) đến BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long thăm khám vì bị đau ở khoeo chân trái.
phẫu thuật, vĩnh long, bác sĩ, khiếu nại
Anh Lê Quốc Dũng bức xúc trao đổi với PV việc bác sỹ tự ý mổ chân con mình mà không thông báo
Tại đây, các bác sỹ (BS) của khoa Ngoại – BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long xác định bé Hào bị u nang hoạt dịch khoeo chân trái, chỉ định phẫu thuật và yêu cầu gia đình cho cháu bé nhập viện.
Đến 10 giờ sáng ngày 28/7, bé Hào được BS Bùi Vĩnh Phúc cùng ê-kíp trực tiếp phẫu thuật.
“Do ca phẫu thuật kéo dài nên tôi chạy về nhà lấy đồ lên cho con. Khoảng 1 giờ chiều, mẹ vợ thông báo ca mổ đã xong. Thế nhưng bà cho biết Hào vẫn khóc kêu đau chân phải. Lúc này tôi thấy lạ nên hỏi lại: “Sao mổ chân trái mà cháu kêu đau chân phải? Mẹ tôi trả lời rằng: “Hào nó mổ chân phải chứ không phải chân trái” – anh Dũng kể.
Lúc này, anh Dũng chạy xe lên bệnh viện thì phát hiện con mình bị BS mổ nhầm chân, không đúng như chỉ định ban đầu.
Gia đình anh Dũng cho rằng các BS tắc trách nên tìm đến lãnh đạo khoa Ngoại, yêu cầu được xem hồ sơ bệnh án. Trong hồ sơ thể hiện chỉ định phẫu thuật chân trái mà không ghi chân phải.
Sau khi gia đình anh Dũng phản ánh, các BS tại khoa Ngoại hẹn gia đình sáng ngày hôm sau (29/7) lên viện để giải thích rõ ràng. Khi tiếp xúc với gia đình, phía bệnh viện quả quyết rằng, chân phải của bé cũng có nang và nặng hơn chân trái nên họ tiến hành mổ luôn(?!)
phẫu thuật, vĩnh long, bác sĩ, khiếu nại
BS tự ý mổ chân phải bé Hào không thông báo gia đình
“Cách giải thích là không thỏa đáng vì trước đó BS thông báo cháu chỉ bị chân trái. Vậy tại sao khi vào phòng mổ lại nói là chân phải nặng hơn? Hơn nữa, việc phẫu thuật ít nhất phải có ký nhận của gia đình nhưng bệnh viện tự ý mổ là sao?” – anh Dũng bức xúc.
Chị Nguyễn Thị Tố Uyên (28 tuổi, mẹ bé Hào) nói thêm: “Hiện tại gia đình đang rất lo lắng cho sức khỏe của cháu Hào, nhất là thời gian nhập học đang đến cận kề”.
Sẽ kỷ luật bác sỹ tự ý mổ chân bệnh nhân
Theo anh Dũng, sau khi gia đình khiếu nại, phía bệnh viện đã cử BS Hồ Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc, gặp gia đình giải thích. Trong buổi làm việc, người đại diện bệnh viện cho rằng, chân phải của bé Hào cũng có nang hoạt dịch nên việc phẫu thuật là không sai.
Thiếu sót duy nhất của kíp trực là không thông báo cho gia đình. Do đó, phía bệnh viện sẽ không bồi thường bất cứ khoản phí nào (?)
phẫu thuật, vĩnh long, bác sĩ, khiếu nại
Ông Nguyễn Thành Nhôm – GĐ BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long
Bà Nguyễn Thị Cận (63 tuổi, bà ngoại bé Hào) bức xúc: “Từ đầu đến cuối, họ luôn khẳng định mình không sai. Chỉ có BS phẫu thuật là thiếu sót vì không báo trước cho gia đình. Vậy nhưng, khi gia đình yêu cầu họ làm cam kết, nếu bé Hào có biến chứng, bệnh viện phải chịu trách nhiệm nhưng họ quyết không chấp nhận”.
Sáng 6/8, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thành Nhôm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long cho biết, cả 2 chân của bé Hào đều có u nang hoạt dịch khoeo.
BS Phúc tiến hành phẫu thuật cũng không sai. Tuy nhiên, việc BS Phúc phát hiện ra chân phải bé có u nang lớn hơn, tự ý phẫu thuật ngay mà không giải thích là thiếu sót.
“Khi giải thích tại hội đồng, BS Phúc cho biết là do khi vào phẫu thuật mới phát hiện ra sự việc. Do đang trong phòng phẫu thuật vô trùng nên BS tiến hành làm ngay mà không ra báo người nhà vì sợ vi khuẩn có thể lọt vào, ảnh hưởng tới ca phẫu thuật” - ông Nhôm thông tin.
phẫu thuật, vĩnh long, bác sĩ, khiếu nại
Giấy ra viện của bé Hào sau khi phẫu thuật sai chỉ định ban đầu
Cũng theo vị giám đốc này, việc không giải thích và có những phản ứng lại của BS Phúc với người nhà bệnh nhân là thiếu tế nhị. Phía bệnh viện sẽ làm việc và sẽ lập Hội đồng có hình thức kỷ luật với BS này.
“Làm người BS mà tự ý phẫu thuật bệnh nhân rồi không báo cáo Ban giám đốc bệnh viện và người nhà bệnh nhân là không thể chấp nhận được. Thời gian tới sẽ có hình thức kỷ luật BS Phúc” – ông Nhôm khẳng định.
07/08/2015 02:00
Minh Tuấn – Quốc Huy

Do cưỡng chế đất, bắt cha mẹ nay công an bắt luôn con trai 15 tuổi

RFA-2015-08-06

Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, con của ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Thị Kim Hương bị công an bắt vào lúc 16 giờ ngày 6 tháng 8, 2015
Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, con của ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Thị Kim Hương bị công an bắt vào lúc 16 giờ ngày 6 tháng 8, 2015-Screenshot

Vào chiều hôm nay, thứ năm 6 tháng 8 năm 2015, cho biết vào lúc 16 giờ công an đã bắt cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, tại nhà của một người cậu của Tuấn ở xã Hộ Hải thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn là con trưởng của anh Nguyễn Trung Can và chị Mai Thị Kim Hương, gia đình dân oan huyện Thạnh Hoá tỉnh Long An, hai vợ chồng đã bị bắt sau khi cưỡng chế vào ngày 14/4/2015.

Công an áp giải Tuấn về Phan Rang, Tháp Chàm, trước khi đưa cháu về công an tỉnh Long An, nơi cả gia đình cháu Tuấn đang bị giam giữ từ ngày 14 tháng 4 năm 2015.

Tuấn  đối diện với bản án từ 2 tới 7 năm với cáo buộc tấn công người thi hành công vụ khi công an và dân phòng tấn công vào nhà của em tại Long An vào ngày 14 tháng 4 vừa qua.

Vợ Việt kiều bị bắt ở Việt Nam: Công an 'ép cung'

NHA TRANG, Việt Nam (NV) - Có dấu hiệu “ép cung” trong vụ bắt ông Bùi Văn Tánh ký giấy nhận tội “cướp ghe, vượt biển ra nước ngoài” từ 25 năm trước, theo lời kể của người nhà đương sự.


Ông Bùi Văn Tánh, Việt kiều về nước mới biết “bị truy nã 25 năm” và bị bắt. (Hình: baokhanhhoa.com.vn)

Như tin nhật báo Người Việt đã đưa, ông Bùi Văn Tánh, Việt kiều sống tại Mỹ, vừa về thăm quê hương thì bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ về hành vi “cướp ghe, vượt biển ra nước ngoài” từ 25 năm trước.

Chiều Thứ Tư, 5 Tháng Tám, phóng viên Người Việt đã liên lạc được với chị Phượng Đặng, là vợ của ông Tánh, hiện đang sống tại Houston, Texas, để tìm hiểu thêm một số thông tin liên quan đến sự việc này.

Theo lời chị Phượng, vào lúc 11 giờ trưa Thứ Hai, 3 Tháng Tám, chị nhận được điện thoại ông Tánh gọi cho biết “vừa mới được thả ra sau khi bị công an phường và tỉnh giữ mười mấy tiếng.”

“Chồng tôi kể hôm đó đang ngồi ở nhà ăn cơm thì công an tới mời lên phường để trình báo visa từ Mỹ về, kiểu như ở Mỹ về thì phải ra phường khai báo. Anh ấy theo họ lên phường thì họ giữ passport luôn và ép cung anh. Họ nói nếu anh không khai, không nhận tội thì không cho về. Anh nói họ làm dữ lắm. Sau mấy tiếng ở phường, anh nói anh chỉ đi vượt biên không có cướp tàu gì thì họ đưa anh lên công an tỉnh,” vợ ông Tánh thuật lại.

Cũng theo lời chị Phượng, “Khi đó họ đưa anh vô phòng và làm dữ lắm, đá bàn, hăm he muốn đánh anh. Chồng tôi kể họ ép anh phải ký nhận tội lấy tàu, nếu không ký thì nhốt anh luôn. Mà thực sự thì năm đó anh đi đông người lắm, người ta tổ chức anh đi thôi chứ đâu có lấy tàu ai đâu. Trong khi anh chỉ muốn về nhà ngay để được ở gần ông già vì ông già sắp mất, nếu bị nhốt ở đây mà ông già gần tắt thở thì làm sao chăm sóc ông được, thế nên anh sợ quá anh ký để được về.”

Chị Phượng nói, “Hiện giờ anh Tánh được về nhà rồi, nhưng công an không cho ra khỏi vùng Nha Trang, và họ giữ passport, không trả lại.”

Chị Phượng, 44 tuổi, hiện làm thợ may tại nhà, cho biết lý do ông Tánh về thăm nhà là vì “ba chồng tôi sắp mất, má thì bệnh nặng.”

“Cách đây hơn 5 năm, chồng tôi đã về thăm nhà một lần rồi, vì gia đình ba má và anh chị em anh còn ở bên đó. Lần trước về cũng ở đó, không có chuyện gì hết. Lần này thì lại bị bắt,” chị kể.

Chị cho biết gia đình ông Tánh đang tìm luật sư giúp đỡ, đồng thời cũng đã báo lên tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn.

“Tòa tổng lãnh sự nói nếu trong trường hợp mình không nhận tội thì cho dù công an không trả passport thì tổng lãnh sự vẫn có thể cấp passport cho về Mỹ. Nhưng vì anh Tánh đã ký tên nhận tội hình sự thì bên tổng lãnh sự không nhúng tay vô được. Nhưng nếu họ nhốt anh nữa thì tổng lãnh sự sẽ ra giúp,” chị Phượng cho biết.

Nhật báo Người Việt có gọi về cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam để tìm hiểu, nhưng không ai chịu cho biết thông tin cụ thể.

Ban đầu, phóng viên gọi cho tòa đại sứ ở Hà Nội thì họ nói vì sự việc xảy ra ở Nha Trang, nên trách nhiệm thuộc tòa tổng lãnh sự ở Sài Gòn.

Khi gọi đến nơi này, một nữ nhân viên nói tiếng Việt cho biết, “Chúng tôi chưa liên lạc được gia đình. Và chúng tôi không thể tiết lộ thông tin gì hơn. Đọc báo có nghe nói vụ ông Tánh bị bắt, có được gia đình báo, nhưng phía Việt Nam chưa báo gì cả.”

Khi phóng viên hỏi tên và chức vụ, nữ nhân viên này không chịu nói.

Khi được yêu cầu nói chuyện với giới chức cao hơn, nữ nhân viên này cho biết tất cả đi họp, không ai tiếp được.

Sau đó, cô này cho một số điện thoại khác. Khi gọi đến, lại có một phụ nữ khác trả lời điện thoại và cho biết không thể trả lời được và cũng không cho biết danh tánh.

Khi được yêu cầu nói chuyện với cấp trên, phụ nữ này chuyển điện thoại cho một người khác. Người này là đàn ông, nói rằng, “Em chỉ làm ở tổng đài không biết ai để chuyển vào.”

Rồi người đàn ông này cúp điện thoại.

Trả lời thêm câu hỏi của phóng viên về việc “gia đình ở Việt Nam và ông Tánh có biết gì về lệnh truy nã ông Tánh không,” chị Phượng cho rằng, “Không ai biết gì hết. Mà nghĩ cũng lạ, nếu họ có lệnh truy nã thì làm sao họ cấp visa cho anh về? Mà nếu có thì ngay từ lần đầu về đã phải bị bắt rồi chứ? Mà anh Tánh đi từ năm 1981 nhưng sao thấy nói lệnh truy nã năm 1990?”

Người vợ nói như muốn khóc, “Chồng tôi nhát lắm, trong người anh không khỏe, nên tụi nó hù là anh sợ rồi. Hồi xưa giờ có bao giờ dính dáng gì đến cảnh sát công an gì đâu, nên anh sợ lắm. Ở bên đó, bây giờ nghe nói anh nằm một chỗ thôi, không biết đến khi nào mới trở lại Mỹ được, giống như vô thời hạn. Chỉ còn biết chờ mướn luật sư xem sao.”

“Cộng đồng có thể giúp được gì cho chồng tôi trở về không? Mình ở bên này không biết bên đó họ làm gì, gia đình cũng chẳng quen biết ai để mà chỉ đường đi nước bước thế nào,” người vợ nói với giọng đầy lo âu.

Chị Phượng cũng cho biết thêm ông Tánh làm nghề sửa xe hơi, và không biết chữ nhiều “vì hồi xưa ở quê, chỉ học hết lớp 1 thôi.”

Chị Phượng cho phóng viên Người Việt số điện thoại để liên lạc với ông Tánh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, khi phóng viên gọi đến thì được biết cha ông Tánh “đang hấp hối, gia đình lu bu quá, sẽ nói chuyện thêm sau.”
08-05- 2015 8:36:47 PM
Ngọc Lan/Người Việt
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

Biết thay đổi mới là khôn ngoan

Theo Người Việt-08-05-2015 3:01:04 PM
Lê Mạnh Hùng

Tháng Tám là tháng mà trong giới báo chí gọi là tháng của những chuyện lẩm cẩm (silly stories) bởi vì trong tháng này hầu như không có chuyện nào quan trọng xảy ra khiến cho báo chí phải kiếm những chuyện vớ vẩn để thế vào. Nhưng tháng tám năm nay tại Anh chưa đến nỗi tệ như vậy.

Trước hết là vụ dân di dân - “lậu” nhưng hầu như công khai - tại Calais, công nhiên vượt hàng rào kẽm gai đầu đường hầm qua biển nối liền Anh với Pháp để tìm cách nhảy lên xe hỏa sang Anh. Vụ này đã làm ồn lên một đợt tranh luận gay gắt về chính sách di dân và tị nạn chính trị của chính phủ ông David Cameron. Cũng liên quan đến chuyện di dân và nhập cảnh là chuyện chính phủ Anh không cho ông Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc và cũng là một nhà bất đồng chính kiến đã bị Trung Quốc bắt và cuối cùng phải thả ra vì áp lực quốc tế, chiếu khán nhập cảnh vào Anh.

Đầu tuần này chính phủ Anh tuyên bố đem bán 5% cổ phần của chính phủ trong ngân hàng RBS (Royal Bank of Scotland). Số cổ phần này chính phủ Anh có được khi cứu ngân hàng này khỏi phá sản nhân trong cuộc Đại Suy Thoái. Vụ bán này có thể chẳng gây ra tai tiếng gì, nhưng bỗng nhiên trở thành vấn đề khi người dân và báo chí thấy rằng chính phủ đã bán ra với một giá rẻ mạt làm lỗ cho công quỹ khoảng một tỷ bảng Anh. Điều đáng chú ý là bất chấp những chỉ trích của báo chí cũng như của những chuyên gia, chính phủ Anh vẫn kiên quyết không thay đổi thái độ

Thời còn trẻ đang đi học ở đại học, tôi được các ông thầy dạy là phương pháp khoa học đòi hỏi mình phải khách quan và khi một thí nghiệm cho thấy giả thuyết mình đưa ra không đúng thì mình phải thay đổi giả thuyết đó cho phù hợp với sự thật mới. Về sau càng lớn lên càng thấy rằng đó là một chuyện hiếm có.

Tôi được đọc một số tài liệu về tâm lý xã hội học cho thấy chúng ta, ai cũng có khuynh hướng diễn tả những chuyện xảy ra, bất kể bản chất của chúng là chuyện gì như là chứng minh sự chính xác của những gì chúng ta vẫn coi là đúng. Và điều đó đúng cho cả những nhà trí thức trong tháp ngà đại học cũng như những khán giả của Fox News. Công trình nghiên cứu của John Joannidis đã cho thấy không phải thí nghiệm khoa học nào cũng có thể lập lại và cho cùng một kết quả.

Các công trình nghiên cứu về tâm lý học cho thấy nói chung người ta có thể tiên đoán một cách chính xác lập trường của một người Mỹ về phá thai nếu ta biết người đó nghĩ gì về thay đổi khí hậu và ngược lại. Tương tự như vậy, những ai quan tâm đến vấn đề bất công kinh tế thông thường cũng ủng hộ việc kiểm soát kinh doanh và sở hữu vũ khí trong lúc những người không quan tâm đến chuyện bất công kinh tế thường chống lại việc kiểm soát vũ khí. Tại sao lại có một tương quan mật thiết như vậy giữa những vấn đề hầu như không có quan hệ gì với nhau cả? Đó là vì ý kiến của người ta về mọi vần đề nay càng ngày càng dựa vào việc người ta thuộc vào tầng lớp chính kiến nào trong xã hội và càng ngày càng ít dựa vào việc suy xét các dữ kiện.

Thế nhưng may mắn cũng còn có những người vẫn cón cố gắng dựa vào những sự kiện khách quan để xác định quan điểm của mình. Nhà kinh tế học nổi tiếng của Anh John Maynard Keynes vẫn thường được dẫn lời đã trả lời một người chỉ trích mình là, “Khi sự kiện thay đổi, tôi thay đổi. Thế còn ngài thì sao?” Giống như nhiều câu nói được gán cho ông câu này có vẻ không phải là câu mà ông thực sự đã nói ra. Nguồn gốc nguyên thủy của nó là trong một bài viết của ông Paul Samuelson (một nhà kinh tế được giải thưởng Nobel và chưa chắc đã chính tai nghe) và câu nói đó là “Khi các thông tin thay đổi, tôi thay đổi kết luận.”

Có một khác biệt tế nhị nhưng quan trọng giữa hai câu “sự kiện” và “thông tin”. “Sự kiện” chỉ ra một cái gì khách quan mà ai cũng có thể thấy; trong khi “thông tin” nói đến một cái gì chủ quan, kiến thức của người nói về những sự kiện tương ứng với vấn đề. Nó đòi hỏi một sự rộng rãi về tâm lý nhiều hơn để có thể chấp nhận rằng những thông tin mới đòi hỏi một kết luận khác cho cùng một vấn đề hơn là việc chấp nhận rằng những vấn đề khác nhau đòi hỏi những giải pháp khác nhau.

Nhưng ông Keynes có lẽ còn nên nói một cách hay hơn nữa, “Ngay cả khi những dữ kiện không thay đổi, tôi đôi khi cũng thay đổi ý kiến.” Lịch sử cuộc đời của ông cho thấy rằng ông quả thực đã không cảm thấy xấu hổ gì khi làm như vậy. Và ông đã viết như vậy khi viết bài điếu văn cho một nhà kinh tế nổi tiếng khác, Alfred Marshall. Alfred Marshall có khuyết điểm là ngần ngại không chịu công nhận là mình sai. Và Keynes viết, “Không có gì đáng xấu hổ khi đôi khi mình sai.”

Chấp nhận rằng mình không biết, chấp nhận rằng đôi khi mình sai là một dấu hiệu không phải là của ngu dốt mà là thông minh. Một thành tựu cao hơn nữa của trí thông minh cũng còn được diễn tả bởi Scott Fitzgerald, “Dấu hiệu của một trí thông minh hạng nhất là khả năng có thể giữ hai ý tưởng trái ngược nhau trong đầu mà vẫn giữ được khả năng suy luận.”

Chỉ tiếc là giới chính trị Anh bây giờ không ai giữ được cái điều đó. Không những họ không dám nhận mình là sai, họ cũng không chịu thay đổi khi dữ kiện hay thông tin thay đổi.

Câu chuyện về 4 người thợ đào giếng suốt đêm cứu em bé 7 tuổi

Hàng trăm lời bình luận "Thật tuyệt vời", cùng hàng ngàn lời cảm ơn đã được gửi đến cho những "anh hùng" đã cứu cháu bé bị rơi xuống giếng trong bức ảnh đang được cư dân mạng truyền tay nhau.
Hãy tin rằng cuộc đời này vẫn luôn luôn còn những điều tốt đẹp! - Đó chính là thông điệp mà bức ảnh đang được cư dân mạng truyền tay nhau trong suốt buổi tối hôm nay.
Trong tấm hình là một người đàn ông dính đầy bùn đất, nhễ nhại mồ hôi, dáng vẻ đầy mệt mỏi đang cầm trên tay một chai nước suối uống từng ngụm nước - nhưng với những gì anh cùng những người khác đã làm, sau khi xem xong bức ảnh, ai cũng gọi anh là anh hùng!
Bức ảnh cùng câu chuyện cảm động này đang được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. (Ảnh: Phước Tuấn).
Bức ảnh này được đăng trên Facebook có tên Nguyễn Quỳnh Hương, cùng những dòng chia sẻ của riêng Facebook-er này về câu chuyện 4 người thợ đào giếng đã vật vã suốt đêm để cứu em bé 7 tuổi chẳng may bị lọt xuống khe giếng. Trong điều kiện hết sức khó khăn và hiểm trở, khi em bé có thể bị rơi xuống độ sâu 80m bất cứ lúc nào, những người thợ đào giếng này đã phải hết sức cẩn trọng và khéo léo khi vừa trấn an tinh thần cháu bé, giữ cho bé tỉnh táo để không buông ống thở, vừa chiến đấu với đống đất mềm nhão để hố giếng không bị sụt lở...  May mắn thay, cuối cùng cháu bé cũng đã được trao về tay mẹ an toàn.
Dù không khoác lên mình bất kỳ một thứ đồ đắt tiền nào, cũng chẳng hề chải chuốt gọn ghẽ, nhưng người đàn ông mình trần, lấm lem bùn đất trong bức ảnh vẫn đẹp một cách kỳ lạ - vẻ đẹp của tình người lấp lánh giữa cuộc sống những tưởng luôn tối tăm và chật hẹp. Hàng trăm lời bình luận "Thật tuyệt vời", cùng hàng ngàn lời cảm ơn đã được gửi đến cho những "anh hùng" được nhắc tới trong câu chuyện kia. Niềm tin về tình người tốt đẹp giữa cuộc đời lại một lần nữa được thắp lên khiến cư dân mạng lay động.
Chúng tôi xin phép được trích dẫn nguyên văn dòng status của Facebook Nguyễn Quỳnh Hương:
"Hôm nay, người hùng của mình đây.
4 người thợ đào giếng ở Thuận An Bình Dương, đã chiến đấu suốt đêm qua để cứu bé gái 7 tuổi bị lọt dưới khe giếng. Cô bé bị kẹt ở độ sâu 13 m, có thể tiếp tục rơi xuống cuối khe hở sâu 80 m. Trong địa hình khó, đất mềm chảy, những người thợ phải làm sao để hố giếng không bị sụt lở đất. Họ vừa đào vừa thay phiên nhau trò chuyện để bé đỡ hoảng sợ hoặc không thể ngủ, vì có thể bé buông ống thở nguy hiểm cho tính mạng ở khu vực ít ôxy, và đội cứu hộ khó xác định được vị trí của bé. Đến rạng sáng, họ đã đưa được em bé lên mặt đất và trao em cho mẹ. Khi em bé vào bệnh viện để hồi sức thì học thu gom vật dụng đi về nhà. Nước mắt lem má và nụ cười không thể rạng rỡ hơn trên gương mặt những người đàn ông lấm láp bùn đất ấy.
Có bao nhiêu con người tử tế, bao hành vi đáng cảm động li ti như thế vẫn diễn ra hàng ngày, đan dệt với khốn nạn, tham lam và vô lương – như những mắt sợi tất nhiên làm nên miếng vải mang tên Cuộc Sống. Nhưng may sao, những thứ đáng để chúng ta chảy nước mắt vẫn luôn là Con Người.
Cô bé 7 tuổi giỏi quá. Dù con chịu đói khát, buồn ngủ, kiệt sức và hoảng sợ, vẫn biết phối hợp với đội cứu hộ. Hình như bản năng ở phút sinh tồn là cái Phao mà ông Trời luôn nhớ quẳng xuống cho ai xứng đáng."
Cho đến hiện tại, chỉ sau vài tiếng đăng tải, khoảnh khắc đắt giá được chụp lại này đã thu hút hơn 68 ngàn lượt like, 4,7 ngàn lời bình luận cùng hơn 2 ngàn lượt chia sẻ. Và con số này tin chắc sẽ chưa dừng lại ở đó. Có lẽ vào lúc này, những cái like hay chia sẻ đã vượt ra cả sự đồng cảm và cảm phục cho những người đàn ông rất dũng cảm kia, hơn thế nữa, nó còn là một cách để lan truyền câu chuyện quá đỗi đẹp đẽ này cho tất cả cùng biết đến - và để hiểu một điều hơn bao giờ hết: tình người vẫn luôn cháy, dù cuộc sống này có ra sao!
Bên cạnh đó, rất nhiều những bức ảnh đẹp về cuộc giải cứu ngoạn mục này đã được cư dân mạng truyền tay nhau trong suốt ngày hôm qua. Hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự cảm phục, ngưỡng mộ những "người anh hùng" đời thường, đã xả thân hết mình để giải cứu em bé 7 tuổi. Những giọt mồ hôi, gương mặt thấm mệt mỏi và bùn đất bám đầy trên da.. là những hình ảnh tuyệt đẹp về tình người, về lòng nhân ái và sự dũng cảm. Đây chắc chắn sẽ là một trong những sự kiện còn được các bạn trẻ nhắc đến nhiều sau này, bởi tình yêu thương giữa người với người sẽ luôn luôn là nguồn cảm hứng lớn nhất để chúng ta sống đẹp hơn mỗi ngày.
Những hình ảnh tuyệt đẹp về các "anh hùng" trong cuộc giải cứu đêm qua. (Ảnh: Như Phú)
Bé Tú Anh (7 tuổi), ngụ tại Bình Dương. Cô bé cùng nhóm bạn ra bãi đất trống gần nhà chơi và bất ngờ bị rơi xuống khe đường ống giếng khoan có đường kính khoảng 40cm. Nghe thấy tiếng kêu khóc, cầu cứu, gia đình và người thân vội chạy đến nhưng không thể kéo Tú Anh lên khỏi mặt đất.
Nhờ sự giúp đỡ của một đội thợ đào giếng, bé Tú Anh đã được giải cứu sau 9 tiếng bị mắc kẹt dưới đường ống giếng khoan. Do bị mắc kẹt dưới giếng nhiều giờ, thế nên lực lượng chức năng đã phải đưa oxy và nước uống xuống trước, đồng thời liên tục trờ chuyện để trấn an tinh thần bé gái.
Ngày 6 Tháng 8, 2015 | 08:15 AM
Theo Thùy Dung (Kenh14.vn/Trí thức trẻ)

Ý kiến: Hãy xây tượng đài trong lòng dân

Tượng đài Hồ Chí Minh ở Sài Gòn
Trên mạng xã hội Facebook và trên truyền thông cả trong và ngoài nước đều đang “nóng” lên với “quần thể dự án” 1.400 tỷ ở Sơn La, trong đó xây tượng đài cụ Hồ 'chỉ có' 200 tỷ.

Lá bùa hết thiêng

Cả quần thể dự án với điểm nhấn là tượng đài cụ Hồ tốn 1.400 tỷ rõ ràng vẫn chưa thể nào so sánh với những dự án “trên mây” khác như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 11.277 tỷ đồng.
Thế nhưng, trên mạng xã hội, người dân phản đối chuyện quần thể dự án xây tượng cụ Hồ còn quyết liệt hơn xây bảo tàng nhiều.
Tại sao như vậy?
Câu trả lời là một thông điệp không thể rõ ràng hơn của người dân đến nhà cầm quyền: không thể tiếp tục đem một người đã mất ra để làm lá bùa hộ mệnh, bào chữa cho tính chính danh của đảng cầm quyền.
Thậm chí có cả những thanh niên chưa bao giờ lên tiếng công khai về các vấn đề quốc gia như cậu Lê Nam cũng đứng ra chụp ảnh với tấm bảng phản đối dự án dựng tượng cụ, và đến thời điểm tôi viết bài này đã thu hút 156 ngàn lượt Likes, 12 000 bình luận và 26 ngàn lượt chia sẻ trên trang Facebook của bạn đó.
Con số này sẽ còn tăng lên theo thời gian. Cậu Lê Nam bây giờ đã được biết đến không thua gì một ngôi sao ca nhạc hoặc một diễn viên nổi tiếng.
Tượng đặt trong Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội
Khó có ai trong giới dân chủ, với cùng một hành động chụp ảnh như vậy có thể đạt tới con số đó. Sức hút của những gương mặt mới thật mãnh liệt.
Rõ ràng rằng giới trẻ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung không thể nào im lặng được nữa. Nó cũng cho thấy “dân trí” người dân không hề thấp, và người dân không hề thờ ơ với chính trị.
Một bức hình và thông điệp của Lê Nam đã nói thay cho biết bao nhiêu người muốn là “công dân” nhưng vẫn đang chịu thân phận “thần dân”.

Gốc rễ vấn đề

Đã có nhiều trí thức khác, thậm chí cả những tên tuổi lừng lẫy toàn cầu như GS Ngô Bảo Châu cũng đã lên tiếng về các dự án “trời ơi đất hỡi” khác như bôxit Tây Nguyên, thế nhưng kết quả đạt được vẫn là đảng cầm quyền tiếp tục làm dự án, bất chấp mọi cảnh báo đã thành sự thật về thua lỗ, tàn phá môi trường, lao động từ Trung Quốc tràn vào...
Tượng đài Hồ Chí Minh ở Tuyên Quang
Chuyện xây quần thể dự án với điểm nhấn là tượng đài cụ Hồ này cũng vậy.
Giữa lúc ngân sách quốc gia bội chi hơn 100 ngàn tỷ (4,5 tỷ USD), Bộ Tài chính đang muốn vay 30.000 tỷ từ Ngân hàng Nhà nước, 95.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, và còn muốn vay thêm nữa để chi tiêu, giữa lúc dân sinh đang khốn khó với hạn hán rồi bão lụt, thậm chí còn phải giành nhau từng gói mì tôm, đảng cầm quyền đủ can đảm để đưa ra dự án xây tượng đài chỉ với một lời biện minh đầy cảm tính của ông Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Sơn La:
“Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc thì không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân:
“Số tiền này đủ để xây toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỉ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, ngày 5/8, nhà cầm quyền đã cho họp báo lại và cho rằng có sự “hiểu nhầm”, rằng chi phí cho riêng tượng đài “chỉ có” 200 tỷ, thế nhưng điều đó chỉ nói lên rằng nhà cầm quyền vẫn quyết tâm thực hiện dự án tới cùng.
Tượng đài Hồ Chí MInh ở Cần Thơ
Tại sao đảng cầm quyền có thể bất chấp ý chí và nguyện vọng của nhân dân?
Bởi vì họ độc quyền nhà nước, độc quyền chính trị. Các vị trí lãnh đạo đều do cơ cấu, quy hoạch của một nhóm nhỏ trong giới lãnh đạo cộng sản, không phải do dân bầu. Người dân hoàn toàn không có tiếng nói ở những vấn đề quốc gia.
Dân bị mất quyền làm chủ đã dẫn đến chuyện giới cầm quyền tha hồ làm những dự án chỉ có lợi cho một số ít người nhưng đem lại gánh nặng nợ cho tất cả mọi người dân.
Đảng cầm quyền đang làm chuyện mà họ lên án ở các nước tư bản: Dân chủ tư sản chỉ đem lại lợi ích và quyền lực cho một thiểu số người giàu có.
Như thế, “dân chủ tập trung” không hề khá hơn “dân chủ tư sản” theo định nghĩa của các nhà lý luận cộng sản.

Tượng đài dân chủ

Ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, Karl Marx và Engels cho rằng, dân chủ là hình thái biểu hiện của quyền lực nhà nước mà nhân dân phải tổ chức và kiểm soát được.
Lê-nin lại nhấn mạnh sự tham gia của quần chúng vào công việc quản lý nhà nước.
Lê-nin được dựng tượng ở nhiều nơi tại các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây. Trong hình là bức tượng đặt tại Quảng trường Lê-nin ở Donest, đông Ukraine
Trong tác phẩm nổi tiếng Dân Vận (năm 1949), ngay ở phần mở đầu tác phẩm, cụ Hồ đã viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích thuộc về dân. Bao nhiêu quyền đều là của dân. Quyền hành và lực lượng là ở nơi dân.”
Nếu thật sự tôn sùng Karl Marx, Engels, Lenin và cụ Hồ thì hãy làm theo những lời các cụ ấy nói, đừng dựng lên những tượng đài bê tông vô hồn, vô nghĩa, vô ích nữa, hãy dựng lên những tượng đài trong lòng dân bằng việc thực sự tôn trọng quyền làm chủ của người dân.
Đó mới thực sự là những tượng đài bền vững với thời gian, vì 'nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ'.
“Nhân dân làm chủ” không thể chỉ nói miệng suông được, nó phải được thể chế hóa qua pháp luật chuẩn mực bắt đầu từ bản hiến pháp dân chủ của toàn dân, đảm bảo không tổ chức nào được độc quyền nhà nước, đứng trên luật pháp.

Tuy nhiên, tượng Lê-nin cũng bị giật đổ ở nhiều nơi

Cùng nhau ủng hộ

Như trên đã nói, một cá nhân phi thường như GS Ngô Bảo Châu không thể giải quyết được vấn đề, vì đây là vấn đề độc quyền chính trị của giới lãnh đạo cộng sản, là một vấn đề mang tầm vóc quốc gia.
Đã ở tầm quốc gia thì vấn đề chỉ có thể giải quyết khi có sự tham gia của rất đông người, những con người - công dân bình thường cùng chủ động bắt tay nhau đồng nhất hậu thuẫn cho Việt Nam có được 'nhân dân làm chủ, pháp luật chuẩn mực'.
Những đảng viên cộng sản yêu nước, có tư duy dân chủ, có tinh thần dân tộc, không chấp nhận bất công xã hội, cũng cần chủ động tham gia ngay vào công cuộc cải tổ này, thúc đẩy giới lãnh đạo của đảng cộng sản phải thực thi Dân chủ, Công bằng, Văn minh.
Tư duy trông chờ để có được minh quân, quan thanh liêm hay một anh hùng nào đó xuất hiện sẽ chỉ đẩy tiếp đất nước vào con đường độc tài, vì đó là tư duy phong kiến, thụ động. Không thể xây dựng một thể chế dân chủ, công bằng, văn minh với tư duy đó.
Riêng với giới lãnh đạo cộng sản, trước thông điệp hết sức rõ ràng của người dân qua việc phản đối quyết liệt quần thể dự án có tượng đài cụ Hồ, nên cân nhắc và chọn con đường tốt đẹp nhất cho chính họ và cho cả đất nước, đó là con đường cùng phối hợp với mọi thành phần trong xã hội để cải tổ dân chủ.
Vì cải tổ không phải để lật đổ, mà để tránh sự sụp đổ đầy đau đớn cho đất nước này, cho dân tộc này, và cho chính đảng cầm quyền.
Do đó, hậu thuẫn cho công cuộc “phối hợp cải tổ” là trách nhiệm chung của mọi người, kể cả đảng viên cộng sản.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một nhà vận động dân chủ, cựu tù nhân lương tâm, hiện sống tại Sài Gòn.