Thursday, September 3, 2015

Trung Quốc sẽ chiếm trọn biển Đông vào năm 2017

Theo RFI-Tú Anh
Ngày 31-08-2015 14:08
media
Công trường của Trung Quốc bồi đắp đảo Đá Châu Viên (Cuarteron) nơi có tranh chấp trong Trường Sa - Biển Đông, được chụp từ vệ tinh.@epa

Bắc Kinh đã thực hiện xong giai đoạn một trong chiến lược biến Biển Đông thành ao nhà. Thái độ do dự của các nước liên can từ Hoa Kỳ, Úc cho đến các thành viên Đông Nam Á tạo cơ hội bằng vàng cho Tập Cận Bình tiến sang giai đoạn hai trong 2 năm tới. Trên đây là nhận định của nhiều chuyên gia quân sự được Fairfax Media tổng hợp và phân tích.

Với các đảo nhân tạo đã được thực hiện gần xong, Trung Quốc đã chiến thắng « trận thứ nhất » trong chiến lược khống chế Biển Đông. Ít ai có khả năng ngăn chận Trung Quốc chiến thắng luôn giai đoạn hai. Hoa Kỳ cũng như đồng minh Úc trong khu vực, tuy lên án Bắc Kinh có « hành động phi pháp » đe dọa an ninh hàng hải, hàng không nhưng cho đến nay hai nước này vẫn do dự, ngập ngừng. Trên đây là hai nhận định của các nguồn tin quốc phòng cao cấp của Úc.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng vào năm 2017, khi các đảo nhân tạo trong vùng Hoàng Sa và Trường Sa hoàn tất với quân cảng, phi trường thì Trung Quốc sẽ đưa ra-đa, đại bác, máy bay chiến đấu ra tận nơi để mở rộng vùng can thiệp đến tận những nơi xa xôi nhất của Biển Đông.

Tháng 5 năm nay, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố mạnh : một là kêu gọi Trung Quốc phải chấm dứt đắp đảo lấn biển và hai là Mỹ không công nhận « không phận, hải phận » của các đảo nhân tạo này.

Lập trường cứng rắn của bộ trưởng Mỹ đã được đồng nhiệm Úc Kevin Andrews ủng hộ mạnh mẽ . Hai chuyến bay được thực hiện sau đó bay ngang một số đảo đang được Trung Quốc bồi đắp. Một chuyến có phóng viên đài truyền hình CNN và một chuyến có tư lệnh hạm đội 7, đô đốc Scott Swift. Trên thực tế, theo kiểm chứng của Fairefax Media, hai chuyến bay này đều nằm ngoài khoảng cách 12 hải lý chứ không bay ngang như một số báo chí đưa tin.

Trong khi Hoa Kỳ và đồng minh Úc « vật lộn » với những không ảnh và bản đồ cũ, tranh luận đâu là những nơi đe dọa an ninh hàng không hàng hải, thì hàng ngày hạm đội tàu công binh của Trung Quốc gia cố, nới rộng một phi đạo thứ hai dài 3 km trên bãi đá Subi Reef cho những phi cơ vận tải lớn nhất của « Giải phóng quân » hạ cánh.

Trong khi Mỹ và các đồng minh nói và làm không đi đôi với nhau thì Trung Quốc thừa sức và rộng thời gian để hoàn tất căn cứ quân sự tiền phương ở Biển Đông trước khi chủ tịch Tập Cận Bình sang gặp tổng thống Mỹ Barack Obama trong hai tuần tới đây (trung tuần tháng 9). Hình ảnh vệ tinh cho thấy 90% số tàu công binh hoạt động ở Trường Sa đã rút đi trong những tuần lễ gần đây.

Một nhân tố khác xuất phát từ quan điểm muốn giữ « nguyên trạng » của tây phương càng thuận lợi cho kế hoạch lấn chiếm của Trung Quốc. Các nhà chiến lược cho rằng thương thuyền và máy bay tây phương có thể chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc mặc dù những yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông là không có cơ sở theo luật quốc tế. Theo những nhà chiến lược trên, quyền tự do hàng hải không bị chiến lược quân sự hóa Biển Đông ảnh hưởng đến. Trung Quốc biết khai thác tâm lý này khi tuyên bố trấn an :" luôn tôn trọng quyền tự do giao thông trên biển « Nam hải ».

Câu hỏi đặt ra là vì sao từ nay đến ít nhất là cho hết năm 2017 là thời gian rất thuận lợi cho Trung Quốc hoàn tất kế hoạch làm chủ Biển Đông.

Có hai lý do : Một là Hoa Kỳ bước vào mùa tranh cử bầu cử tổng thống và phải chờ đến đầu năm 2017 mới có một chính phủ mới ở Washington. Lý do thứ hai là tình hình nội bộ Đông Nam Á. Trong bối cảnh các thành viên không đoàn kết với nhau trước tham vọng của Trung Quốc, năm 2017 là năm nước Lào, mà chế độ đã bị Bắc Kinh mua chuộc, làm chủ tịch luân phiên Hiệp hội ASEAN.

Tuy nhiên, một số viên chức Mỹ và Úc lại đưa ra kết luận ngược lại là Trung Quốc chỉ thắng về chiến thuật nhưng sẽ thua to về chiến lược. Tức là các quốc gia trong vùng sẽ đoàn kết chặt chẽ với nhau và với Hoa Kỳ hơn

Bóp méo lịch sử, Trung Quốc diễn binh để xưng tụng « đảng cộng sản thắng Nhật »


Theo RFI-Thụy My
Ngày 03-09-2015 17:4


mediaTập Cận Bình và lãnh đạo các nước trên khán đài danh dự chứng kiến diễn binh, 03/09/2015.REUTERS/Andy Wong/Pool
Các tài liệu chính thức phân phát cho báo chí nhân dịp diễn binh mô tả đảng Cộng sản là tổ chức « lãnh đạo » phong trào kháng chiến Trung Hoa, và cuộc du kích chiến mà đảng tiến hành chính là « cuộc chiến chủ yếu chống lại quân Nhật ». Nhưng thực ra đại đa số các trận đánh quy ước lớn là do các lực lượng liên minh Quốc dân đảng của Thống chế Tưởng Giới Thạch - kẻ thù không đội trời chung của phe cộng sản - tổ chức.





Tuy gia đình mình từng tích cực tham gia cuộc chiến đẩy lùi quân Nhật ra khỏi Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến, nhưng khi nhắc đến cuộc diễn binh vĩ đại ngày hôm nay 03/09/2015 tại Bắc Kinh, TT Chen, người thợ làm bánh ngọt lại cảm thấy nghẹn lời.
« Tôi không coi cuộc diễn binh này là để chứng tỏ lòng ái quốc, mà là một sự phô trương vô học »- người thợ 69 tuổi nói. Cha và các cậu, chú của ông đều là các nhân vật cấp cao phục vụ trong chính phủ và quân đội Quốc dân đảng đã từng chiến đấu với quân Nhật.
Trên toàn quốc, các màn ảnh xi-nê và truyền hình tràn ngập những hình ảnh quân xâm lăng Nhật, vào lúc gần đến dịp diễn binh – điểm nhấn ngoạn mục của buổi lễ mà chế độ cộng sản tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng đồng minh.
Người hùng không thể tranh cãi của « Ngày Chiến thắng » vừa được tuyên bố và vô số phim ảnh truyền hình cũng như điện ảnh nói về đề tài này, chính là bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đảng tự khoe khoang đã làm nên một chiến thắng mà chủ yếu là do xương máu của những chiến binh từ các tổ chức khác.
Khoảng 15 đến 20 triệu người Trung Hoa đã thiệt mạng trong tám năm trời (1937-1945) bị chiếm đóng và chiến đấu với quân phiệt Nhật Bản có trang bị tốt hơn, lại phạm nhiều tội ác chiến tranh, vẫn còn gây thù hận cho đến bây giờ.
Vai trò bị che lấp của Quốc dân đảng
Các tài liệu chính thức phân phát cho báo chí nhân dịp diễn binh mô tả ĐCSTQ là tổ chức « lãnh đạo » phong trào kháng chiến Trung Hoa, và cuộc du kích chiến mà đảng tiến hành chính là « cuộc chiến chủ yếu chống lại quân Nhật ».
Nhưng « đại đa số các trận đánh quy ước lớn là do các lực lượng liên minh Quốc dân đảng của Thống chế Tưởng Giới Thạch - kẻ thù không đội trời chung của phe cộng sản - tổ chức ». Rana Mitter, nhà sử học chuyên nghiên cứu về thời kỳ này tại trường đại học Oxford, phản đối. Và « sự hỗ trợ quốc tế của phe đồng minh là nhân tố quyết định cho chiến thắng » - ông nhấn mạnh.
Một sự thật được những người ở cấp cao nhất trong phe cộng sản thời đó công nhận. Lý Nam Ương (Li Nanyang), con gái của Lý Nhuệ (Li Rui), cựu thư ký của Mao Trạch Đông, năm nay 98 tuổi, trong tuần này cũng xác nhận với hãng tin Pháp AFP : « Theo lời kể của cha tôi, rõ ràng là cuộc chiến chống Nhật không phải do đảng Cộng sản lãnh đạo ».
Ông Lý Nhuệ từng nằm gai nếm mật, ẩn náu với Mao tại căn cứ địa của phe cộng sản ở Diên An (Yan’an) thuộc miền bắc Trung Quốc. Bà Lý Nam Ương khẳng định cha mình « chẳng làm gì cả trong việc tấn công trực diện vào quân Nhật ».
Đảng Cộng sản Trung Quốc, luôn kiểm duyệt tất cả tranh luận công khai về lịch sử, nhân dịp này đã đặt hàng một số lượng lớn phim truyện, phim tài liệu và các tác phẩm ca ngợi vai trò của những người cộng sản.
Dù vậy hôm thứ Ba 1/9 vừa rồi, ông Tập Cận Bình trước một chính khách Đài Loan đến thăm, đã nhìn nhận rằng hai phe Quốc dân đảng và Cộng sản đã « hợp tác và có liên lạc với nhau »trong cuộc chiến, « cả hai phe đã đóng góp đáng kể cho chiến thắng ».
Đó là những sự thật « luôn ít được công chúng Trung Quốc hiện nay biết đến ». Chang Li, nhà sử học Đài Loan thuộc Academia Sinica lấy làm tiếc.
Vương miện cho Tập Cận Bình ?
Cuộc diễn binh hôm nay nhằm củng cố tính chính danh của ĐCSTQ « qua việc nhào nặn nên ý tưởng là không có đảng Cộng sản, sẽ không có một nước Trung Quốc tân tiến ngày nay ». Ông Lâm Hòa Lập (Willy Lam), chuyên gia về Trung Quốc của trường đại học Hồng Kông nhận xét.
Ông khẳng định : « Tập Cận Bình và đảng Cộng sản muốn chiếm đoạt lấy vinh dự đã chiến thắng quân Nhật, cho dù một dấu hỏi rất lớn vẫn treo lơ lửng trên mưu đồ này ».
Lâm Hòa Lập phân tích : « Một cuộc diễn binh là một lề thói chính trị đã được bắt rễ vững chắc. Một khi người lãnh tụ tối cao mới không tổ chức duyệt binh để đứng ở vị trí cao nhất, ông ta không thể trở thành nhân vật số một không tranh cãi được ». Chuyên gia này cho rằng cuộc diễn binh hôm nay là « chiếc vương miện » gắn lên đầu ông hoàng đế đỏ, lên cầm quyền năm 2012.
Sau chiến thắng năm 1945, hai phe Quốc Cộng đã lao vào cuộc nội chiến, và nhờ được Liên Xô giúp đỡ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được quyền lực vào năm 1949, khiến phe Quốc dân đảng phải chạy sang Đài Loan. Đài Bắc mới đây đã lên án cuộc diễn binh ở Bắc Kinh là một sự bóp méo lịch sử.
Người thợ làm bánh TT Chen đến Đài Loan năm mới lên ba tuổi cùng với gia đình, vốn là một trong bốn đại gia tộc của chính quyền Quốc dân đảng. Cách đây hơn chục năm, ông quay lại Hoa lục và mở tiệm bánh ngọt tại Bắc Kinh. Cũng giống như các cửa hàng khác ở thủ đô Trung Quốc, ông phải đóng cửa tiệm trong thời gian duyệt binh. Đối với ông, « tất cả những thứ đó chỉ để phục vụ cho tuyên truyền cộng sản ».

Hàng trăm vụ phá rừng, cán bộ kiểm lâm chỉ bị 'cảnh cáo'

NGHỆ AN (NV) - Ðể “lâm tặc” phá rừng gần 470 vụ, song Hạt Kiểm Lâm huyện Con Cuông chỉ kỷ luật bằng cách hạ bậc lương một cán bộ, hai cán bộ khác bị cảnh cáo, khiển trách.

Báo Dân Trí cho hay, trước tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng gây xôn xao dư luận, xảy ra ở một số huyện miền núi của tỉnh trong thời gian qua, mới đây lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với ngành kiểm lâm, để xem xét và xử lý.


Lâm tặc triệt hạ 3 cây sa mu tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong. (Hình: Dân Trí)

Theo thống kê, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 468 vụ vi phạm phá rừng, trong đó một số vụ phá rừng lớn như: Vụ phá rừng phòng hộ, với tổng khối lượng 23.07 mét khối, xảy ra vào ngày 7 tháng 7, tại Tiểu Khu 1002, huyện Thanh Chương, nơi có đường vành đai tuần tra của đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy.

Tại huyện Con Cuông, “lâm tặc” đã sử dụng máy móc để phá rừng diễn ra gần cả một năm nhưng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng không hề hay biết.

Tiếp đến, vụ “lâm tặc” đốn hạ 3 cây sa mu dầu thuộc loại quý hiếm, được xếp vào nhóm 2A, có đường kính từ 1-2.7mét, xảy ra tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong vào tháng 7, 2015. Tại hiện trường, các giới chức thu giữ được hơn 200 mét khối gỗ đã bị triệt hạ. Tại hiện trường, các giới chức thu giữ được hơn 200 mét khối gỗ đã bị triệt hạ.

Trong khi lãnh đạo tỉnh Nghệ An đang họp xử lý các vụ việc, thì mới đây vào ngày 28 tháng 8, Hạt Kiểm Lâm Pù Hoạt phát hiện nhóm “lâm tặc” đang khai thác gỗ trái phép ở khoảnh 9, tiểu khu 59 Pù Hoạt, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, thu giữ hơn 12 mét khối gỗ Vàng Tâm tang vật được xẻ thành tấm, xẻ ra cây có đường kính ở gốc là 1.4mét. Ðồng thời lực lượng chức năng liên ngành đã bắt giữ 3 người.

Sau khi lắng nghe giải trình của đại diện các sở, ngành tham gia dự họp, ông Hoàng Viết Ðường, phó chủ tịch tỉnh Nghệ An đã lệnh cho Chi Cục Kiểm Lâm tiến hành rà soát và xử lý bằng cách đưa ra khỏi ngành những cán bộ kiểm lâm vi phạm.

Thế nhưng, chỉ có Hạt Kiểm Lâm huyện Con Cuông đã tổ chức kiểm điểm, xét kỷ luật đối với các cán bộ liên quan trong việc để rừng bị phá trái phép bằng cách hạ bậc lương một cán bộ, còn hai cán bộ khác bị cảnh cáo, khiển trách. Trong khi các hạt kiểm lâm còn lại “không có cán bộ vi phạm” (Tr.N)
09-03-2015 4:56:34 PM

Yêu cầu báo cáo vụ công an xã bắn người bị còng tay

PHƯƠNG LOAN - Thứ Năm, ngày 3/9/2015 - 17:28
(PLO) - VKSND Tối cao vừa có công văn yêu cầu VKSND tỉnh Cà Mau kiểm tra lại vụ “Công an xã bắn người bị còng tay: Người bị bắn vô tội”, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 7, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26-8-2015 có bài Hai lần được tuyên trắng án
Theo đó, ngày 19-2-2013, anh Huỳnh Nhật Quang (huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bị Công an TP Cà Mau khởi tố và bắt tạm giam 15 ngày về tội chống người thi hành công vụ. 
Tháng 4-2015, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm vụ án đã tuyên anh Quang không phạm tội, đồng thời đề nghị VKSND TP Cà Mau xem lại quyết định không khởi tố hành vi bắn người trong lúc còng tay đối với công an xã. Bản án này đã bị VKSND TP Cà Mau kháng nghị, yêu cầu tuyên anh Quang phạm tội. 
Vết thương của anh Quang do phó Công an xã Tắc Vân gây nên. Ảnh: TRẦN VŨ
Ngày 25-8-2015, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, đã bác kháng nghị và tuyên anh Quang vô tội. Theo tòa phúc thẩm, hành động bắn người bị còng tay của công an viên Dương Trí Dũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần xem xét khởi tố. Việc anh Quang chửi đổng sau lưng công an là không đúng, nhưng cáo buộc Quang chống người thi hành công vụ cũng không hợp lý. 
Bởi lẽ, lúc anh Quang chửi đổng, tổ công an xã Tắc Vân đã thực thi công vụ xong và bỏ đi. Tổ công an quay lại hạch hỏi giấy tờ Quang vì tức câu chửi đổng của Quang chứ lúc bấy giờ Quang không vi phạm gì và công an cũng không đủ chứng cứ thể hiện đang thực thi nhiệm vụ.
Như vậy sau hơn hai năm bị khởi tố, điều tra, anh Quang đã được xác nhận bị khởi tố và truy tố oan. 
 
Theo hồ sơ, khoảng 24 giờ đêm 4-2-2013, tại khu vực Cầu Đút trên tuyến quốc lộ 1A (thuộc xã Tắc Vân, TP Cà Mau), công an xã này kiểm tra giấy tờ của một người bạn của Quang do anh này không đội mũ bảo hiểm. Quang đi cùng đường nên tấp xe vào xem và lên tiếng xin xe cho bạn vì có quen biết nhưng không được giải quyết.
Khi các công an xã làm xong nhiệm vụ và bỏ đi thì Quang chửi đổng với theo. Một công an viên nghe được nên đã báo với ông Dương Trí Dũng, phó công an xã, người trong đội xử lý. Ông Dũng và các công an viên lập tức quay lại và sau một lúc giằng co, vật nhau thì Quang bị còng và bị bắt đưa về trụ sở Công an xã Tắc Vân. Tại đây, trong lúc bị còng tay, Quang đã bị ông Dũng dùng súng ngắn bắn đạn cao su bắn một phát vào má phải, gây thương tích 8%.

PHƯƠNG LOAN 

Phát hiện thi thể cán bộ công an dưới cống sâu 2m

Công an huyện Yên Sơn (tỉnh Sơn La) đang điều tra vụ việc, một chiếc xe máy và thi thể một cán bộ công an tỉnh Sơn La được phát hiện dưới cống sâu khoảng 2m ven Quốc lộ 6.

Chiếc xe máy cùng thi thể anh Q được người dân địa phương phát hiện dưới cống thoát nước ven Quốc lộ 6.
 
Theo thông tin từ Ban An toàn Giao thông tỉnh Sơn La, trước đó khoảng 7h50 ngày 2.9, Công an huyện Yên Châu nhận được tin báo, người dân phát hiện một xe máy mang biển số 26G1 và thi thể một nam thanh niên dưới cống ven Quốc lộ 6 (đoạn qua Km 229+50 thuộc địa phận bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu). 
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Yên Châu và cơ quan chức năng đã khám nghiệm tử thi và điều tra xác minh.
Danh tính nạn nhân được xác định là anh Lê Văn Q (SN 1991, trú tại tiểu khu 68, thị trấn Mộc Châu, Sơn La).
Trao đổi với PV sáng 3.9, lãnh đạo Công an huyện Yên Châu cho biết, anh Q là cán bộ thuộc lực lượng Công an tỉnh Sơn La. Điều tra ban đầu xác định đây là vụ tai nạn giao thông.
Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được Công an huyện Yên Châu tiếp tục điều tra, làm rõ.
 
Theo Xuân Lực (Dân Việt)

Tàu chiến TQ xuất hiện gần hải phận Mỹ

Theo BBC-3 tháng 9 2015
Image copyrightGetty
Image captionNăm tàu hải quân Trung Quốc đã được nhìn thấy ngoài khơi bang Alaska
Năm tàu chiến thuộc hải quân Trung Quốc hiện đang có mặt trên Biển Bering, ngoài khơi bang Alaska, giới chức Hoa Kỳ xác nhận.
Đây được cho là lần đầu tiên các tàu chiến Trung Quốc được nhìn thấy trong khu vực.
Nhà chức trách cho biết họ đang theo dõi các tàu này, nhưng cũng nói chúng đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tỏ ra quả quyết hơn trong lập trường về vấn đề tranh chấp trên biển với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Giới chức quốc phòng Hoa Kỳ đã phát hiện ra ba tàu chiến Trung Quốc, một tàu chở hàng và một tàu lưỡng cư đang hướng đến Quần đảo Aleutian, vốn nằm dưới sự kiểm soát của cả Nga và Hoa Kỳ, báo Wall Street Journal đưa tin.
Vị trí nơi các tàu này được nhìn thấy cách không xa nơi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang viếng thăm trong một phần chuyến công du ba ngày tại Alaska để kêu gọi nâng cao nhận thức về tác động của tình trạng thay đổi khí hậu đối với bang này.
"Chúng tôi biết rằng năm tàu chiến của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân đang hoạt động trên Biển Bering (PLAN). Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy tàu chiến của PLAN trên Biển Bering", Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Bill Urbano nói với BBC hôm 2/9.
"Chúng tôi tôn trọng quyền tự do vận hành các tàu quân sự trên vùng biển quốc tế, theo luật pháp quốc tế", ông nói.
Một quan chức khác nói với báo Wall Street Journal rằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ không "cho rằng hoạt động của các tàu này là mang tính đe dọa".

'Bước tiến lớn'

Ôgn Peter Dutton, giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc, gọi đây là một bước tiến lớn trong hoạt động của tàu chiến Trung Quốc.
Tuy nhiên ông nói với BBC: "đây không phải là điều ngạc nhiên, vì nước này đang liên tục tìm cách mở rộng sự hiện diện ở vùng Á Âu".
"Họ đã có nhiều cuộc tập trận chung với Nga trên vùng Địa Trung Hải và trên Biển Nhật Bản ... Họ có lợi ích ở vùng biển phía bắc và vì vậy, việc nhìn thấy các tàu chiến của nước này ngoài khơi bang Alaska là bước cách mạng tiếp theo theo hướng này".
Ông Patrick Cronin, từ Trung tâm Nghiên cứu Nền An ninh Mới của Hoa Kỳ, cũng đồng ý với nhận định trên và cho rằng "đây là một phần của lập trường trong sáu năm qua, trong lúc Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn trên biển".
Trung Quốc muốn thay đổi luật biển quốc tế theo hướng có lợi hơn cho nước này, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi nhiều nước đang có tranh chấp chủ quyền, ông Cronin nói.
Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay trong nỗ lực nhằm hiện đại hóa quân đội, bao gồm việc chế tạo máy bay tàng hình và tên lửa chống vệ tinh, động thái đang gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các đồng mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 4/9 đã dự lễ duyệt binh quy mô lớn ở Bắc Kinh nhằm kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Trung Quốc trước Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến.

Những tin bị xóa về duyệt binh TQ

Theo BBC-3 giờ trước
Image copyrightXINHUA
Image captionCác lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào - trước lễ duyệt binh
Lễ duyệt binh hôm 3/9 tại Bắc Kinh, mà Trung Quốc gọi là để “kỷ niệm 70 năm Thắng lợi Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và Chiến thắng Phát xít của thế giới”, được kiểm soát chặt chẽ.
Nhưng trên truyền thông xã hội Trung Quốc, lại có câu chuyện khác.
Các công dân mạng trên trang Weibo đã đùa cợt, đăng nhiều hình châm biếm và chê các lãnh đạo mặt lạnh tanh.
Giới kiểm duyệt cũng nhanh chóng xóa bài để giữ đúng “kịch bản”.
Một số bài đăng được ghi lại nhờ Cedric Sam, sống ở Hong Kong, và Weiboscope, một dự án của Đại học Hong Kong muốn theo dõi những nội dung bị xóa trên Weibo.
Một chủ đề được ưa chuộng là Chủ tịch Tập Cận Bịnh, người duyệt đoàn quân trên xe ô tô.
Người dùng Weibo, Diuz, đăng ảnh đồ chơi gấu Winnie the Pooh. Dù không chú thích, nhưng hàng ngàn người hiểu ngay. Bài này được chia sẻ 65.000 lần trước khi bị xóa, theo Weiboscope.
Từ 2013, ông Tập được gắn liền với chú gấu này, sau khi dân mạng thấy hình ông đi bộ cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama, trông giống gấu Pooh và cọp Tigger.
Gương mặt lạnh tanh của ông Tập cũng trở thành chủ đề diễu nhại.
Người dùng tên hiệu Buyuesangw trên Weibo đăng hình ông Tập với dòng chữ: “Tâm hồn tôi mệt quá.”
Một người khác lại đăng hình: “Nóng quá, tôi muốn chết đây.”
Một chủ đề được đặc biệt quan tâm là sự xuất hiện của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Một người đăng hình ông Giang, bình phẩm: “Tin lớn nhất ngày hôm nay.”
Một hình khác nổi lên là cảnh một cụ già thương xót ông Tập, vốn có biệt danh “Tập Đại Đại”.
Một phụ đề ghi: “Bắc Kinh nóng quá, bà thương Tập Đại Đại.”
Nhưng cũng có những mẩu tin trên Weibo, chủ yếu từ Đài Loan, cáo buộc Bắc Kinh bóp méo lịch sử.
Trong đó có tuyên bố của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, nói Quốc Dân Đảng, đã đóng vai trò chính đánh đuổi Nhật trong Thế chiến Hai, cộng thêm tấm ảnh Tưởng Giới Thạch, lãnh đạo Quốc Dân Đảng.
Một người trên Weibo, Visionanimal, đăng ảnh và viết: “Kính chào người hùng thực sự của nhân dân Trung Quốc!”

Việt Nam: ‘Chính sách ân xá không công bằng’

Theo BBC-3 tháng 9 2015
Image captionDân biểu Lowenthal thăm Việt Nam trong năm nay và gặp một số nhà đấu tranh dân chủ trong đó có cựu tù chính trị Nguyễn Tiến Trung.
Một Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ gửi thư tới Chủ tịch nước Việt trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.
Bức thư đề ngày 2/9/2015 của Dân Biểu Alan Lowenthal gửi tới Chủ tịch Trương Tấn Sang kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương lâm nhân dịp Quốc khánh.
Lá thư mở đầu bằng việc đề cập tới việc ân xá hơn 18,000 tù nhân để chào mừng “Kỷ Niệm 70 Năm Ngày Quốc Khánh.
“Tôi vô cùng thất vọng khi thấy không có một nhà hoạt động chính trị hoặc tù nhân lương âm nào có tên trong số những tù nhân được nhận ân xá.
“Thật là đáng xấu hổ khi những công dân Việt Nam đã chọn thực thi những quyền căn bản của họ như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lập hội sẽ phải tiếp tục bị giam cầm bởi Chính Phủ Việt Nam trong khi đó những người đã bị kết án tội phạm hình sự thì được nhận ân xá.
“Đây là một chính sách không công bằng và coi thường quyền con người của công dân Việt Nam,” Dân biểu Lowenthal viết.
Tên của các tù nhân lương tâm được nêu trong thư này gồm Mục Sư Nguyễn Công Chính, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, nhạc sĩ Việt Khang, blogger Tạ Phong Tần và Trần Huỳnh Duy Thức, nhà đấu tranh dân oan Trần Thị Thúy, và những nhà hoạt động trẻ như Đinh Nguyên Kha, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, và Nguyễn Đặng Minh Mẫn.
“Nếu Việt Nam muốn xây dựng quan hệ với cộng đồng quốc tế và nhận được quy chế thương mại thuận lợi qua Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì chính quyền Việt Nam cần phải chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc tôn trọng các định mức và giá trị con người của quốc tế.
“Việt Nam không thể tiếp tục bắt giữ và giam cầm những công dân của mình chỉ vì họ thực thi những quyền căn bản của họ trong khi chính quyền tiếp tục tuyên bố tôn trọng nhân quyền,” ông Lowenthal viết.

'Không có pho-mát'

Image copyrightBBC World Service
Image captionDân Biểu Alan Lowenthal (thứ hai từ trái sang) cùng các dân biểu khác và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam gặp mặt cộng đồng người Việt tại California hồi hè năm nay.
Việt Nam luôn khẳng định không có tù nhân lương tâm mà chỉ bắt giam và xét xử những người vi phạm pháp luật.
Trong bài ‘Hà Nội mua ảnh hưởng ở Washington’ thế nào, nhà báo Mỹ Greg Rushford đề cập tới tình tiết liên quan tới tù nhân lương tâm và quan hệ Mỹ Việt.
“Vào ngày 24/03/2015, Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh tham gia với tư cách khách mời bàn tròn thảo luận tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).
“Ông Vinh tỏ ra bất bình khi bị cựu tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ hỏi rằng bao giờ Việt Nam ngưng bỏ tù những công dân mà tội của họ chỉ là chỉ trích Đảng Cộng sản.
“Ông Vinh khó chịu và trả lời rằng Việt Nam không có tù nhân chính trị và đã tránh nhìn vào mắt ông Vũ.
“Khẳng định rằng Việt Nam không có tù nhân chính trị giống như nói rằng ở Pháp không có pho-mát,” tác giả Rushford so sánh.
Cũng tại CSIS, sau cuộc gặp với Tổng thống Obama ở Tòa Bạch Ốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc bài diễn văn .
“Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người.”
“Bảo vệ và tăng cường quyền con người là mục tiêu chính của chính phủ Việt Nam," ông Trọng nói tại CSIS.
Image copyrightBBC World Service

Người Anh kêu gọi từ bỏ kế hoạch dựng tượng Hồ Chí Minh

Những bức tượng Hồ Chí Minh tại một xưởng sản xuất tư nhân ở Sài Gòn.
Những bức tượng Hồ Chí Minh tại một xưởng sản xuất tư nhân ở Sài Gòn.
VOA-03.09.2015
Việc hội đồng thị trấn Newhaven, Sessex, Anh chấp nhận kế hoạch của Đại sứ quán Việt Nam định dựng một bức tượng mới nhìn ra bến cảng đã gây tranh cãi tại cả địa phương lẫn trên mạng trực tuyến.

Dân biểu địa phương Maria Caulfied đã kêu gọi từ bỏ kế hoạch dựng bức tượng Hồ Chí Minh, và gọi ông là “một nhà độc tài cộng sản quá cố đã gây ra hàng trăm ngàn cái chết".

Bà nói: “Một bức tượng khi thị trấn đang có nhu cầu tái thiết không phải cách tốt nhất để tiêu tiền, bất kể nguồn tiền đó đến từ đâu”.

Bà Caulfied đã nhận được nhiều lời khiếu nại của cư dân địa phương về kế hoạch dựng tượng để ghi nhớ việc ông Hồ Chí Minh đã từng làm việc trong nhà bếp trên phà Newhaven trong khoảng thời gian vào năm 1911.

Cư dân thị trấn Seaford, phía Tây thành phố Sussex, Rosemary Atrill, đã viết thư cho bà Caulfied: “Tôi không hiểu tại sao một đất nước như chúng ta, một nền dân chủ tự do, sẽ dựng lên một bức tượng tưởng niệm Hồ Chí Minh ở vị trí nổi bật như vậy”.

Bà Atrill viết,“Một vấn đề khác là, liệu Hồ Chí Minh có phải người chúng ta nên tưởng niệm? Những nơi duy nhất dựng tượng để tưởng niệm ông là những nước cộng sản”.

Hàng chục bài đăng trên trang facebook của dân biểu Maria Caulfied đồng tình với cảm tưởng này, với những từ ngữ như “kỳ quái”, “quá đáng”, “một sự ô nhục”.

Năm 2013, Đại sứ quán Việt Nam đã tặng viện bảo tàng thị trấn Newhaven một bức tượng Hồ Chí Minh.

Ông Tony Helyar, phụ trách bảo tàng Newhaven, nơi trưng bày bức tượng, cho biết: “Tôi nghĩ rằng nếu bạn nói chuyện với bất cứ ai trong số những người Newhaven, họ sẽ nghĩ rằng bất cứ điều gì giúp thúc đẩy thị trấn sẽ là một điều tốt. Mặc dù, nếu nhìn vào đó, ông ấy khó lòng là một nhân cách lớn”.

Tháng Tư vừa qua, sinh viên đại học Sussex đã được mời tham gia thiết kế bức tượng.

Một phát ngôn viên đại học cho biết: "Tôi biết Đại sứ quán đã nhận được 6 bản thiết kế, bây giờ là quyết định của họ, và nó sẽ là một đóng góp của chính phủ Việt Nam đối với thị trấn Newhaven”.

Hiện Đại sứ quán Việt Nam chưa có bình luận nào về việc này.
Theo The Argus, Daily Mail