Monday, July 25, 2016

Bỉ ổi tận cùng: Quan chức Hà Tĩnh mút vú tượng đài lịch sử!

Những ngày gần đây, dư luận xã hội Việt Nam đang trút sự khinh bỉ tột cùng khi một bức ảnh “không còn gì để nói” được tung lên mạng.

Trong bức ảnh này, một người đàn ông đã bắc thang trèo lên tượng đài Nàng Biang và thản nhiên làm động tác tru miệng mút vú trên ngực bức tượng.
Thông thường, hành động leo trèo như thế đã cho thấy hành vi xâm phạm tượng đài văn hóa. Nhưng hành vi bỉ ổi hơn nhiều là biểu hiện dâm dật không thèm che giấu của “con đực”. 
“Con đực” trên là ai?
Theo phát hiện của dư luận xã hội, người mút vú tượng đài Nàng Biang là ông Phan Tuấn Anh, đang công tác tại UBND huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. 
Còn người tự hào tung tấm ảnh này trên mạng xã hội lại là ông Trần Lê - Chánh văn phòng UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Nhưng sau hành vi cực kỳ bỉ ổi trên, hai “con đực” này đã chỉ phải nhận hình thức “phê bình” mà không phải chịu bất cứ động tác kỷ luật thích đáng nào.
Vụ việc mạo phạm công khai đầy tính dâm dật trên lại xảy ra vào thời gian mà giới lãnh đạo Hà Tĩnh đang bị truy trách nhiệm để cho Tập đoàn Formosa Vũng Áng xả thải khiến cá chết trắng 4 tỉnh miền Trung.
Kể từ thời điểm cá chết vào tháng 4/2016, cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ quan chức Hà Tĩnh nào phải đối mặt với trách nhiệm hình sự. Ngay cả cựu bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự - nhân vật đã thản nhiên cấp phép cho Formosa đến 70 năm như một hành động vi luật trầm trọng, vẫn thản nhiên khẳng định với báo chí “Tôi không có gì sai”.
Còn số tiền còm cõi mà giới quan chức chính phủ hứa hẹn “sẽ hỗ trợ” cho ngư dân vùng cá chết đã chỉ đến tay ngư dân sau vài ba tháng, trong đó có những dấu hiệu bị ăn chặn bớt xén…
Hai hành vi “tiếp tay cho Formosa” và “ mút vú tượng đài lịch sử” – tuy hoàn toàn khác biệt về khách thể, nhưng lại được gây ra bởi cùng một chủ thể là giới quan chức Hà Tĩnh. Để qua đó, người dân lại có thêm một bằng chứng hiện hình về não trạng giới quan chức - vốn đã quá quen với lối sinh hoạt “tăng 2, tăng 3” - không chỉ vô cảm mà còn vô tâm với lớp dân đen thấp cổ bé họng đến thế nào.
Quan chức cấp thấp đã vậy, còn lớp quan chức cấp cao liệu có đỡ “đực” hơn?
Sẽ không quá để cho rằng bức ảnh “quan chức mút vút Nàng Biang” có thể trở thành một sự lột tả đối với bản chất một chế độ hiện hành. 
26-07-2016
Lê Dung / SBTN

Người đưa Formosa vào Việt Nam trở thành ủy viên Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội

Một cựu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, người bị coi là có trách nhiệm liên quan đến vụ xả chất thải gây thảm họa môi trường của công ty Formosa, vừa mới được phê chuẩn là thành viên Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội CSVN.
Đại biểu Quốc Hội CSVN Võ Kim Cự (Ảnh: thanhtra.com)

Truyền thông trong nước đưa tin ông Võ Kim Cự, người được cho là đã đưa Formosa vào Việt Nam, được chọn vào danh sách tổng kết nhân sự của các ủy ban và hội đồng của Quốc Hội hôm Thứ Hai 25/07.
Ông Cự tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính kế toán, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Dự án nhà máy luyện thép của công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã được thông qua dưới thời ông Cự làm bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch ủy ban tỉnh Hà Tĩnh.
Dư luận trong nước mấy hôm nay nổi sóng, sau khi ông Cự lần đầu tiên lên tiếng liên quan đến tiến trình cấp phép cho công ty Formosa, sau nhiều tháng im lặng, trong lúc cả nước đối đầu với cuộc thảm họa môi trường do việc xả thải của công ty Formosa gây ra.
Viện dẫn cùng lý do được rất nhiều quan chức Cộng Sản Việt Nam gần đây, ông Cự nói rằng việc cấp phép cho Formosa đã diễn ra "đúng quy trình".
Trả lời báo chí bên lề cuộc họp Quốc Hội sáng Thứ Hai 25/07, ông Cự không giải thích thẳng tại sao chỉ trong 6 tháng một dự án lớn như Formosa lại được cấp phép. Ông nói: "Nhanh chậm không quan trọng bằng chất lượng của hội đồng thẩm định".
Ông Cự đồng thời nhìn nhận "có một phần trách nhiệm" trong vụ chôn cất rác thải bừa bãi của Formosa, nhưng chung quy ông đổ lỗi cho các cơ quan, bộ ngành trung ương và cả văn phòng thủ tướng đã tham gia "quy trình" cấp phép cho Formosa.
Cũng trong cuộc phỏng vấn hôm Thứ Hai, ông Cự nhấn mạnh là đã không có bất kỳ giai đoạn nào bị bỏ qua. Ông cho biết theo các văn bản lưu trữ thì "chưa có bộ nào không đồng ý Formosa", cho thấy đây là quyết định chung của cả chế độ.
07/25/2016 - 12:10
Huy Lam / SBTN

Sóng gió từ Bắc Kinh đến Biển Đông và nỗi nhục Việt Nam

Vũ Thạch-25-07-2016
(VNTB) - Đối với người Việt Nam, điều đáng nhục là Bắc Kinh càng né đụng độ với các nước khác thì càng gia tăng ức hiếp Việt Nam - một nước cứ nhất định đứng ngoài liên minh ngăn chận TQ xâm lược. 


Khi sấm sét đả hổ diệt ruồi tuần tự đốn ngã từng cây đại thụ như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hi Lai, ... ở thượng tầng lãnh đạo đảng CSTQ, bộ máy tuyên truyền đưa lên hình ảnh đoàn kết sắt thép của bộ ba: Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn. Những xôn xao trước đó về sự khác biệt lý lịch và phe phái giữa ông Tập và ông Lý - một tiến thân nhờ có nhân thân "thái tử đảng", một phải phấn đấu lên từng bậc thang của Đoàn Thanh niên Cộng sản - hầu như đã im bặt. Thủ tướng Lý Khắc Cường có vẻ như đã an phận; bỏ hẳn chủ ý từ thời Đặng Tiểu Bình về nhu cầu cân bằng quyền lực ở 2 vị trí cao nhất nước; và để mặc cho ông Tập thu gom quyền lực, ngoại trừ lãnh vực kinh tế.

Nhưng nay lãnh vực kinh tế cũng đang từng bước bị tước khỏi tay họ Lý. Ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực bằng cách lập ra các ủy ban cho từng lãnh vực điều hành quốc gia vượt trên mọi bộ, ban, ngành. Hầu hết các ban này do chính ông Tập Cận Bình đứng đầu và trực tiếp điều động. Về kinh tế, giới quan sát quốc tế được biết hiện có một ủy ban bao gồm khoảng 6 người. Ủy ban này không chỉ bắt đầu lẳng lặng lấn vào lãnh vực kinh tế mà còn công khai chỉ trích các chính sách kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

- Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2015. Sau 4 lần cho phá giá đồng Nhân dân tệ vẫn không ngăn được mức độ tuột dốc của thị trường chứng khoán TQ, các lời lẽ đổ tội cho thủ tướng bắt đầu xuất hiện giữa vòng cán bộ cao cấp. Và kể từ đầu năm 2016 đến nay, phe ông Tập liên tục tăng dần nhịp độ tấn công.

- Vào tháng 5-2016, xuất hiện trên trang đầu Báo Nhân Dân bài phỏng vấn dài với "một nhân vật có thẩm quyền" nhưng lại ẩn danh. Nhân vật này chỉ trích nặng nề chính sách dựa biện pháp cung cấp tín dụng (gần 700 tỉ mỹ kim) của thủ tướng để đẩy tăng trưởng kinh tế quí đầu 2016. Những ai quen thuộc với tình trạng kiểm soát báo chí tại TQ, đặc biệt là cơ quan ngôn luận của đảng - báo Nhân Dân, đều biết loại bài bản này chỉ có thể phát xuất từ ủy ban của ông Tập. Thủ tướng Lý Khắc Cường không được biện minh cho mình trên báo Nhân Dân, mà chỉ gỡ gạc yếu ớt bằng cách đưa vào một bản tin trên các báo đài khác một câu gần như khẩu hiệu: "thủ tướng nhẫn nhịn vì đất nước".

- Ngày 4 - 7 - 2016, tại cuộc họp Hội Đồng Nhà Nước họ Tập và họ Lý cùng lúc ra lệnh trái chiều về kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình gởi một công văn để đọc lên tại cuộc họp, yêu cầu phải "làm mạnh hơn, tốt hơn, lớn hơn" khu vực kinh tế quốc doanh với vai trò chủ đạo của Đảng CSTQ. Nhưng cũng trong cuộc họp này, Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu, nhấn mạnh "phải giảm thiểu" các công ty quốc doanh và cải thiện các công ty này theo "các qui luật thị trường".

- Đến giữa tháng 7 - 2016, ông Tập Cận Bình cho triệu tập 1 cuộc họp với gần 30 chục chuyên gia kinh tế hàng đầu quốc gia nhưng không mời ông Lý Khắc Cường, người trách nhiệm kinh tế cao nhất. Hai ngày sau đó, ông Lý gỡ gạc bằng một cuộc hội thảo bàn tròn với một nhóm kinh tế gia khác.

Tình hình đối đầu đã căng đến độ nhiều nguồn tin cho biết Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ bị thay thế trong đợt xốc lại nhân sự vào năm tới. Nhưng hệ quả đã thấy ngay trước mắt là dàn lãnh đạo các bộ phận điều phối kinh tế quốc gia cũng các bí thư tỉnh ủy đều án binh bất động chờ xem gió thổi theo chiều nào. Không ai muốn mình bị đem ra làm dê tế thần.

Câu hỏi được giới phân tích quốc tế đặt ra là những sóng gió như thế tại Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình Biển Đông? Điều được nhiều người đồng ý là viễn cảnh họ Tập phát động cùng lúc 2 cuộc chiến - tại Trung Nam Hải và tại Biển Đông - có xác suất xảy ra thấp.

Thật vậy, bên cạnh những phát biểu hùng hổ bề ngoài của vài quan chức và tướng tá quân đội, người ta thấy Bắc Kinh đã có những hành động mang tính thụt lùi như sau.

Trong bản trả lời chính thức chỉ vài ngày sau phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực (PCA), do Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân công bố, điều mà giới phân tích quốc tế đặc biệt chú ý là sự vắng bóng của cụm từ "đường 9 đoạn". Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ nhắc đến chủ quyền của TQ tại các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và 2 bãi cạn của Philippines. Nghĩa là chuyển từ chủ quyền biển sang chủ quyền đất.

Mục tiêu của thủ thuật này là:

1- Bắc Kinh cố giảm thiểu tác động quá lớn của phán quyết PCA bằng cách chứng tỏ phán quyết đó không liên hệ đến tình hình nữa. Tòa này xét xử chiếu theo bộ luật biển UNCLOS nhưng nay Bắc Kinh không còn tranh chấp về vùng biển nữa mà chỉ tranh chấp chủ quyền các đảo.

2- Bắc Kinh cũng hy vọng với thủ thuật tạo áp suất thật lớn bao trùm cả vùng biển "lưỡi bò", rồi nay chuyển sang chỉ muốn các đảo, thế giới sẽ cảm thấy "nhẹ nhõm" và chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của họ cho yên chuyện.

3- Nhưng quan trọng hơn nữa, Bắc Kinh kỳ vọng các cường quốc như Mỹ, Pháp sẽ kéo quân về, không quan tâm đến Biển Đông nữa một khi đường hàng hải không còn bị đe dọa.

Và để trang điểm cho thủ thuật này, Bắc Kinh còn cho rút một số dàn hỏa tiễn lưu động ra khỏi một vài căn cứ trên các đảo.

Nhưng điều mà Tập Cận Bình chịu thừa nhận là ông đã mất sạch uy tín đối với thế giới kể từ chuyến sang Mỹ năm ngoái. Khi đứng cạnh Tổng thống Mỹ trước sự chứng kiến của giới truyền thông quốc tế, họ Tập tuyên bố sẽ ngưng ngay các công trình xây cất trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thực tế qua các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tiến độ xây dựng đã tăng tốc gấp đôi, ngay cả gấp ba, với nhiều thiết bị quân sự được cài đặt, kể cả các đường băng cho phi cơ vận tải và tiêm kích.

Nay ai cũng biết chiêu trò xuống thang của Bắc Kinh, dù có được thực hiện, chỉ mang tính ngắn hạn. Ngay sau đập dẹp xong đối thủ mới nhất là Lý Khắc Cường, họ Tập sẽ trở lại gây hấn tại biển Đông. Và từ các đảo, TQ sẽ lại phùng lên đòi áp đặt Vùng Nhận diện Phòng không, và rồi lại trở lại chuyện chủ quyền biển. Các hạm đội Mỹ không thể cứ chạy đi chạy về được. Chính vì thế mà chẳng có quốc gia nào thay đổi vị trí trước các biến chiêu của Bắc Kinh.

Đối với người Việt Nam, điều đáng nhục là Bắc Kinh càng né đụng độ với các nước khác thì càng gia tăng ức hiếp Việt Nam - một nước cứ nhất định đứng ngoài liên minh ngăn chận TQ xâm lược. Lãnh đạo Hà Nội không chỉ không dám kiện TQ như Philippines; không dám có hành động gì ngay cả khi 2 phi cơ quân sự bị bắn rơi; mà nay chính Chủ tịch Quốc hội, tức một trong tứ trụ, còn phê phán cả các phản đối TQ bằng lời nói. Không có chỉ dấu gì cho thấy nhóm lãnh đạo vừa lên ngôi dám thay đổi, dám đặt chủ quyền đất nước lên trên nỗ lo sợ mất ghế cai trị của họ.

Tiếng kêu cứu từ các nữ tu Dòng Thánh Phaolo Hà Nội - Phần I

07/25/2016 - 01:35 

Chính quyền sinh ra từ cướp đoạt và bạo lực
Chuyện nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chiếm cướp đất đai, tài sản là chuyện trở thành cơm bữa và là "thói quen" ở Việt Nam từ khi đảng Cộng sản cướp chính quyền.
Không chỉ là giai đoạn gần đây, mà ngay từ khi mới cướp được chính quyền, điều đó đã trở thành bản chất hành xử của một nhà nước được xây dựng trên họng súng.
Bắt đầu bằng cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) "long trời, lở đất" vì sự tàn bạo và bạo ngược đến mức cùng cực. Cuộc CCRĐ bắt đầu từ những năm tháng non trẻ từ khi cướp được chính quyền Tháng 8/1945, đã bước đầu phá bỏ tận căn những mối quan hệ sản xuất cũng như nếp văn hóa truyền thống tốt đẹp sống bằng tình yêu thương và trách nhiệm xã hội có từ ngàn đời người dân Việt Nam xây đắp.
Kể từ đó, bằng nhiều cách với những hình thức khác nhau, những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam từng bước tiến hành những cuộc cưỡng bức, cướp bóc tài sản người dân bằng mọi hình thức dưới sự lãnh đạo của họ.
Những cuộc "cải cách", "cải tạo công thương nghiệp" ở miền Bắc, rồi "đánh tư sản mại bản" ở miền Nam sau này, đều theo một chủ trương nhất quán và không khoan nhượng đối với tài sản, vật chất của cải của người dân.
Đối tượng của những vụ cướp bóc, bắt đầu từ ruộng đất của "giai cấp phong kiến bóc lột" - theo ngôn ngữ và cách gọi của Đảng Cộng sản, ruộng đất bị cướp đoạt về tay người cày, rồi dần dần chui vào miệng túi của nhà nước bằng các phong trào Hợp tác xã nông nghiệp. Tiếp theo là các nhà tư bản trong nước dần dần bị tiêu diệt nhằm xóa bỏ tàn dư của "kinh tế tư bản chủ nghĩa". Sau ngày chế độ Việt Nam Cộng hòa bị sụp đổ, Đảng CSVN tiến hành cuộc cướp đoạt tại miền Nam bằng chiến dịch "Đánh tư sản" sau những năm 1975.
Tất cả đều được tiến hành với những mỹ từ "tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng" là: Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng về khoa học kỹ thuật và Cách mạng về tư tưởng văn hóa.
Sau gần nửa thế kỷ tiến hành "Cách mạng" với nhiều "thắng lợi rực rỡ", có lẽ điều mà nhà cầm quyền CSVN đạt được rõ ràng nhất, thắng lợi nhất là đưa đất nước từ chỗ "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu" thành một đất nước tiêu điều và trơ trọi, tài nguyên khoáng sản bị khai thác theo kiểu tận diệt, bán lỗ để ăn. Cuộc cách mạng đó cũng thành công ở chỗ biến một xã hội có truyền thống yêu nước, xây dựng xã hội chung thành một xã hội vô cảm, khiếp nhược trước kẻ thù, đạo đức suy đồi đến tận cùng.
Kết quả là nền kinh tế kiệt quệ, đất nước tan hoang, hàng triệu người dân chịu hậu quả của chính sách "vĩ đại" này, đất nước ngập chìm trong nợ nần và tụt hậu. Hệ thống đạo đức xã hội bị xóa bỏ tận căn.
Tình trạng đất nước hiện nay có thể tổng kết được bằng những ngôn từ ai oán: Trong ngoài lục đục, trên dưới không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán.
Và điều hiển nhiên là với thế đứng như vậy, nạn ngoại xâm đã sừng sững trước mắt, cơ đồ đất nước bị đe dọa nghiêm trọng, lãnh thổ Tổ Quốc đã và đang tiếp tục bị xâm lăng. Khốn nạn thay, những kẻ cầm quyền đã biểu lộ sự hèn hạ khiếp nhược ra mặt trước kẻ thù xâm lăng.
Trong khi đó, hệ thống cầm quyền ngày càng vĩ đại về số lượng và mạt rệp về phẩm chất cũng như hiệu quả. Phe nhóm lãnh đạo chỉ lo trấn lột, chiếm cướp của dân tộc, của nhân dân làm của riêng mình.
Những hành động của nhà cầm quyền CSVN thời gian qua, đã chứng tỏ điều người dân Việt đúc kết dành cho họ: Hèn với giặc, hung hãn với dân.
Để thực hiện thành công những "công trình vĩ đại" đó, không thể nói đến việc thi hành chính sách tiêu diệt tôn giáo ở Việt Nam.
Cuộc "cách mạng xóa bỏ tôn giáo"
Về tôn giáo, đây là một đối tượng không khoan nhượng của Đảng Cộng sản xuyên suốt trong quá trình "cách mạng" bởi nó chịu tác động trực tiếp và sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lenin vô thần. Đó là đối tượng trực tiếp trong "Cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa".
Nếu như cuộc "Cách mạng về quan hệ sản xuất" được tiến hành bằng những phong trào cướp đoạt tập thể, cướp đoạt tinh vi và cướp đoạt có vũ trang, thì cuộc "Cách mạng văn hóa và tư tưởng" được tiến hành bằng nhiều biện pháp khắc nghiệt, từ trắng trợn đến tinh vi.
 Đây là cuộc "cách mạng" mang đẫm tính cách rừng rú và cưỡng bức, dối trá  bởi bên ngoài, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên, nhà cầm quyền CSVN tuyên bố "Người dân được tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng", những tài sản của các tôn giáo được nhà nước bảo hộ.
Trên thực tế, các tôn giáo ngay từ những ngày đầu bị đánh phá tơi bời nhằm xóa trắng phần tâm linh của người dân, chỉ mục đích là biến họ thành đàn cừu ngoan ngoãn đi theo Đảng mà tụng niệm cái gọi là "Chủ nghĩa Mác - Lenin" lấy bạo lực làm đầu.
Nhiều đền chùa, miếu mạo... của người dân bị đập phá bằng mọi cách. Nhiều nơi như vùng Nghệ Tĩnh, hệ thống chùa chiền bị phá hoại bằng sạch.
Song song với chiến dịch phá bỏ đền chùa, tiêu diệt Phật giáo thì nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện một chính sách khá tinh vi và tàn bạo đối với người công giáo Việt Nam.  Bởi Giáo hội Công giáo Việt Nam, đến thời kỳ Cộng sản nắm quyền, đã trải qua nhiều biến cố lịch sử đau thương, bị bách hại hết sức điêu linh dưới thời phong kiến. Do vậy sức phản kháng và tính tổ chức của Giáo hội Công giáo rất chặt chẽ vào khá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, dù mạnh mẽ đến đâu, thì dưới họng súng của người Cộng sản, hàng loạt nhà thờ vẫn bị phá hoại, đất đai bị chiếm cướp trắng trợn. Các tu viện, chủng viện đào tạo các chức sắc tôn giáo bị đóng cửa.
Điều rất hài hước là qua một quá trình mấy chục năm nhà nước luôn kêu gào "bảo hộ quyền tự do tôn giáo cũng như tài sản hợp pháp của tôn giáo" thì cho đến hiện nay, những thập niên đầu của thế kỷ 21, giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn còn bị cướp chiếm, mượn không trả, chia chác... 2.500 cơ sở tôn giáo của mình.
Dòng Thánh Phaolo Hà Nội là một trong các trường hợp đó.
Dòng Thánh Phaolo Hà Nội trong cuộc cưỡng bức
Dòng Thánh Phao Lô thành Chatres tại có mặt tại Việt Nam từ năm 1860. Riêng tại Hà Nội, năm 1883 đã có cộng đòan đầu tiên của Dòng Thánh Phaolo Hà Nội. Như vậy là cho đến nay, Dòng Thánh Phaolo Hà Nội đã có 133 năm có mặt xây dựng và trưởng thành ở đây, gấp đôi số tuổi của nhà nước Cộng sản tại Việt Nam tại miền Bắc và gấp ba lần chế độ Cộng sản trong cả nước.
Cơ sở của Dòng Thánh Phaolo Hà Nội đã được bỏ tiền ra mua từ những năm 1883 là rất rộng lớn nhằm phục vụ người dân. Cơ sở Dòng được xác định bởi 3 mặt đường: Rollaandes, Jaureguiberry, Carreau. Ngày này tương ứng là Đường Hai Bà Trưng, Quang Trung và Lý Thường Kiệt.
Tài sản và đất đai của Dòng Thánh Phaolo Hà Nội được cấp bằng khoán điền thổ số 494, tờ 94, cuốn số 3, tại Hồ sơ Điền thổ Hà Nội - Đồng Khánh ngày 23/9/1949.
Thế rồi những người Cộng sản cướp được chính quyền và tiến hành "bảo hộ"  tài sản của tôn giáo theo cách của họ.
Ngay sau khi về đến Hà Nội tháng 10/1954, chỉ hơn hai tháng sau, ngày 31/12/1954 chính phủ Hồ Chí Minh đã tiến hành cho Viện Vi trùng học Việt Nam đến thuê một ngôi nhà của Dòng có trả tiền trong thời hạn 2 năm.
Văn bản ký kết giữa hai bên với giấy trắng, mực đen hẳn hoi và đóng dấu cẩn thận bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Kể từ đây, con sói đã bắt đầu gửi được một chân vào nhà dòng.
Hết thời hạn 2 năm, Viện Vi trùng học Việt Nam không cần thêm ý kiến nào mà cứ vậy sử dụng mà cũng chẳng trả tiền thuê nhà.
Thế rồi con cáo vào chiếm cả cái hang cách ngang nhiên. Hẳn nhiên đằng sau nó là cả hệ thống chính trị, chính quyền với chủ trương không khoan nhượng với tôn giáo.
Với nhóm nữ tu bé nhỏ, việc một nhà nước đầy súng đạn đến dọa nạt là chuyện vô cùng hệ trọng và sợ hãi. Họ đã kêu cứu nhiều năm theo đúng "quy định của pháp luật". Nhưng hỡi ôi, cái gọi là luật pháp chỉ dành cho giai cấp thống trị chuyên cướp đoạt này thì việc kêu cứu của họ chỉ là tiếng cuốc gọi hè như hàng vạn tiếng kêu khác trên đất nước này.
Và các nữ tu bắt đầu một chương dài sống trong đe dọa, tủi nhục và luôn là miếng mồi của nhà cầm quyền cộng sản đối với số đất đai, tài sản mà họ đã và đang là chủ sở hữu.
(Còn nữa)
Hà Nội, ngày 25/7/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Thăm hai biểu tượng của phong trào dân chủ ở Huế

— 07/25/2016 - 17:51 
Hội BBTT thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi ngày 21/7/2016
Ở Huế có hai linh mục nổi tiếng là cha Tađêô Nguyễn Văn Lý và Phêrô Phan Văn Lợi. Cả hai ông đều là những linh mục đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, xét về thành tích đi tù thì cha Lý “hoành tráng” hơn, còn cha Lợi chỉ có nhõn… 7 năm.
7 năm tù mà chưa là “cái đinh” gì so với cha Lý, đủ biết ông “ra tù, vô khám” tới mức như thế nào. Ông đi tù 4 lần với tổng cộng 21 năm ngoài ra được “khuyến tù” 14 năm quản chế. Đó là tính thời gian ở tù, còn nếu cứ xét theo tòa án tuyên thì còn nhiều hơn nữa. Có vụ án ông bị khởi tố bởi rất nhiều tội danh cùng lúc: "phá hoại chính sách đoàn kết”, "tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCNVN", "không chấp hành án". “Sự nghiệp” đi tù của ông bắt đầu từ năm 31 tuổi, khi vừa sang chế độ mới được 2 năm. Nói thế để biết ông rất “có duyên” đi tù dưới chế độ cộng sản. Nếu “giải phóng” miền Nam sớm hơn thì chắc ông cũng đi tù sớm hơn nữa.
Linh mục Nguyễn Văn Lý là một trong những người sáng lập Phong trào 8406, tiền thân của Đảng Thăng Tiến ra đời 5 tháng sau đó. Cùng với linh mục Nguyễn Văn Lý, nhiều người trong khối 8406 bị bắt tù như Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Công Chính, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Anh Kim…
Ông là nhân vật bị công an bịt miệng trong trong bức ảnh nổi tiếng cắt từ video ở phiên toà ngày 30/3/2007 tại Huế. Tại phiên tòa này, ông đạp vào vành móng ngựa hô: “Đả đảo cộng sản Việt Nam”. Bức ảnh nhanh chóng được lan truyền đi khắp thế giới như một biểu tượng đáng xấu hổ của nền tư pháp Việt Nam. 
Ông là biểu tượng nổi bật về tinh thần bất khuất trong cuộc đấu tranh giành lại tự do, dân chủ ở Việt Nam. Theo Wikipedia thì “tờ The Wall Street Journal, trong một bài xã luận, đã nhắc đến Linh mục Nguyễn Văn Lý như một trong những người xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007 hơn Al Gore” (Al Gore là phó tổng thống Mỹ dưới thời Bill Clinton được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007).
Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trong phiên tòa ngày 30/3/2007
Ở Huế, Linh mục Phan Văn Lợi là người rất gần gũi với Linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông là người đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền rất kiên định.
Ông vào Tiểu chủng viện từ năm 1961 khi mới 10 tuổi, vào đại chủng viện năm 1969 và hoàn tất chương trình năm vào năm 1976. Ngày 21-5-1981, tại Sơn Tây, ông được Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận (đang bị quản thúc tại giáo xứ Giang Xá, giáo phận Sơn Tây) truyền chức linh mục trong bí mật. Cũng năm 1981, ông bị kết án 4 tù vì sáng tác vở kịch ngắn “Dâng con cho mẹ” mang nội dung nói xấu chế độ. Hết 4 năm, ông bị giam tiếp 3 năm nữa thành 7 năm vì nhà cầm quyền phát hiện ra ông là một linh mục chịu chức không có phép nhà nước, được cho là thụ phong linh mục chui. Ông nhiều lần bị công an gọi đi thẩm vấn vì in ấn, viết và phổ biến nhiều tài liệu được cho là phản động. Với nhà cầm quyền, ông được coi là “cứng đầu”, “vô phương cải tạo”.
Linh mục Phan Văn Lợi còn làm thơ. Thơ ông bi tráng, uất nghẹn thể hiện cuộc đời gian khổ, cay nghiệt mà ông nếm trải, đồng thời, ông luôn luôn gửi gắm tâm nguyện của mình cho Thiên Chúa, luôn theo đuổi cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho quyền sống của con người. 
Để hiểu thêm về cuộc đời hoạt động đầy gian khổ và bi kịch của cha Lợi, mời bạn đọc xem bài VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI LINH MỤC PHAN VĂN LỢI
Dù chưa gặp nhưng tôi và cha Lợi đã biết nhau qua những hoạt động và qua các bài viết. Tôi và cha Lợi thường xuyên liên lạc với nhau qua Internet. Tôi với ông còn là thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Ông hay động viên, cổ vũ tôi mỗi khi tôi viết được bài nào mà ông tâm đắc. Tôi cũng hoạt động trong Hội Bầu bí tương thân nên ông thường nhờ tôi chuyển hộ quà tới các gia đình tù nhân lương tâm.
Có điều này không phải ai cũng biết. Linh mục Phan Văn Lợi là người soạn thảo nhiều bản lên tiếng hoặc tuyên bố chung của các tổ chức xã hội dân sự mỗi khi có sự kiện chính trị, xã hội lớn. Những bản tuyên bố do ông soạn, kịp thời, lời lẽ đanh thép, mạnh mẽ, đi thẳng vào bản chất của sự việc mà không hề né tránh. 
*
Bàn bạc, nêu ý tưởng đã từ lâu, Hội Bầu bí tương thân chúng tôi lần này quyết định đi Huế thực hiện một số công việc đồng thời thăm cha Lý và cha Lợi. Chúng tôi dự định đến Nhà Chung thăm cha Lý rồi sau đó thăm cha Lợi tại nhà riêng. Nhưng khi vào đến sân Nhà Chung, chúng tôi đã thấy cha Lợi đứng trước cửa phòng làm việc của cha Lý tươi cười vẫy gọi. Ông ôm chặt lấy từng người chúng tôi như thể đón người thân yêu nhất từ lâu không gặp. Khi gặp ông, thấy ông trẻ hơn rất nhiều so với xem hình ông trên mạng (năm nay ông 65 tuổi). Ông luôn luôn tươi cười, phong cách còn nhanh nhẹn, khỏe khoắn lắm.
Phòng làm việc của cha Lý bài trí đơn giản, phần lớn là sách về giáo lý, ngoài ra có những cuốn từ điển khá đồ sộ. Chúng tôi vào phòng, thấy bên trong cha Lý đang trả lời phỏng vấn của một hãng truyền thông nào đó. Chúng tôi đứng ngoài nghe rõ mồn một. Giọng ông khúc chiết, mạch lạc, không hề vấp váp hay có những âm tiết thừa như thể ông đang đọc sách vậy. Ngồi với Cha Lợi chừng 5 phút thì thấy ông xin phép kết thúc phỏng vấn ra tiếp khách.
Thấy chúng tôi, ông vui mừng lắm. Nhìn ông, tôi không thấy gì khác so với hình dung qua ảnh chụp ngày ông ra tù cách đây đúng 2 tháng. Ông đi lại khá vất vả, dáng lòng khòng, chân run rẩy bước từng bước nặng nhọc nhưng mặt thì tươi với cặp mắt sáng. Trong chiếc áo cộc tay màu trắng, ông toát lên một phong thái ung dung, tự tại. Ông bắt tay từng người, rồi chợt reo lên khi chúng tôi giới thiệu Ngô Duy Quyền là chồng Lê Thị Công Nhân - người bạn chiến đấu trong khối 8406 và Đảng Thăng Tiến ngay từ những ngày đầu tiên với ông.
Thỉnh thoảng, có những giáo dân vào gặp cha có việc, đồng thời thông báo đang có sự theo dõi từ bên ngoài. Chúng tôi biết, vào gặp cha Lý ở Huế là một việc mạo hiểm vì ngoài sự nguy hiểm đối với nhà cầm quyền, cha còn đang thời gian quản chế. Ngay tại Hà Nội, chúng tôi đã từng bị sách nhiễu khi đến thăm Phạm Văn Trội trong thời gian anh bị quản chế. Đã có tới 3 đoàn bị cưỡng bức về công an phường Chương Dương, thậm chí có người bị đánh trọng thương phải cấp cứu ở bệnh viện như trường hợp anh Huỳnh Ngọc Tuấn.
Trong khoảng 2 giờ, câu chuyện xoay quanh những vấn đề về dân chủ, nhân quyền mà Linh mục Nguyễn Văn Lý quan tâm. Ông trăn trở, làm thế nào để chuyển hóa đất nước theo hướng dân chủ bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động. Ông không tán thành bạo lực vì sẽ gây tổn thất rất lớn trong khi nhà cầm quyền còn đủ mạnh để dập tắt mọi sự chống đối. Ông cùng chúng tôi đánh giá về phong trào đấu tranh hiện nay. Ông cũng quan tâm đến các góc nhìn của giới đấu tranh đối với Đảng Việt Tân. 
Nói chuyện với cha Lý, chúng tôi phát hiện ra rằng, ông còn có tính cách khôi hài, dí dỏm mà sâu sắc. Mặc dù vào tù ra tội, cuộc đời đầy trầm luân cay đắng nhưng trong câu chuyện, ông không hề nói tới sự hận thù. 
Câu chuyện chắc hẳn sẽ kéo dài nếu tôi không để ý cha Lý có cuộc hẹn vào lúc 11 giờ. Chúng tôi tặng quà cho hai ông đồng thời cũng nhận lại những món quà ân nghĩa. Cuộc chia tay thật là bịn rịn. Tôi chỉ tiếc sao bây giờ mới gặp hai ông mà không thể sớm hơn, như thời gian cha Lý được tạm hoãn thi hành án về chữa bệnh chẳng hạn? 
Chiều hôm đó, khi chúng tôi đang trên tàu ra Hà Nội rồi, cha Lý gọi điện hỏi chúng tôi có bị làm sao không. Thì ra, sau khi chúng tôi thăm ông rồi ra về, có một người anh em cảm tình đến gặp ông, nhưng bị bắt đi luôn, vì thế ông lo lắng cho chúng tôi. Chúng tôi nhủ nhau, thế là mình may mắn. Và rủi có bị bắt ở Huế thì có sao đâu, đây là điều chúng tôi đã tính từ trước khi đến Huế. 
Nơi đây, phong trào dân chủ còn yếu nhưng xuất hiện hai vị linh mục kiên cường, mạnh mẽ, uy vũ không thể khuất phục, điều đó thật quý. Tất nhiên ở Huế, không chỉ có hai ông. Với Cha Lý, khi ra tù lần gây nhất, ông đã 70 tuổi. Không biết rồi với tuổi này, họ còn bắt ông đi tù nữa không nhưng tôi hiểu, nếu điều ấy lại xảy ra, ông vẫn sẵn sàng.
24/7/2016

“Đóng góp” đầu tiên của bà Ngân.

 Canhco07/25/2016 - 12:51

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa 14 khi trả lời báo chí lần đầu tiên trong tư cách Chủ tịch đã làm cho dân chúng thất vọng. Thất vọng vì lập luận, vì thói quen cũ mòn của người cộng sản và vì sự thiển cận quen thuộc của một cán bộ ăn cơm Đảng quá lâu, tuy ngồi ở vị trí nào thì sự sợ hãi và ơn Đảng đã trở thành hồn cốt khiến bà không thể nói khác, dù một chút, so với những người đi trước trong căn nhà Quốc hội.
Có hai điều quan trọng nhất hiện nay là tình hình Biển Đông, sau vụ Trung Quốc thua kiện Philippines, và vụ án Formosa, cái đinh cắm vào vùng đất miền Trung có khả năng làm cho cả nước sẽ trở thành bệnh nhân Tetanus, uốn ván.
Về Biển Đông, trả lời báo chí bà nói: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình”.
Có hai vấn đề trong câu trả lời: thứ nhất bà né tránh ý nghĩa thật của câu hỏi tập trung về các nguy hiểm khi Việt Nam mất dần biển đảo vào tay Trung Quốc qua các bồi đắp nhân tạo, cấm hành nghề và sát thương ngư dân Việt Nam. Bà dùng cụm từ “Bảo vệ hòa bình” để né tránh sự thật, thay vì dùng từ “xâm lược” mà cả nước đều biết.
Bà không cần phải bảo vệ “hòa bình”, mà điều cần phải bảo vệ là đất nước, là lãnh thổ, là biển đảo đã được gầy dựng bằng xương máu tổ tiên. Hòa bình chỉ là uyển ngữ mà Đảng này ra lệnh cho chính phủ và quốc hội phải nói vào bất cứ lúc nào đất nước bị bọn Trung Quốc tàn hại, xâm chiếm.
Hoàng Sa và Trường Sa không cần sử dụng hai chữ “hòa bình”, chúng cần dùng từ chính xác là “đòi lại”.
Vì không dám đòi, cả tập đoàn của bà rón rén dùng hai chữ “hòa bình” khi nói chuyện với Trung Quốc, và với những ai không rón rén như bà cùng với hơn hai trăm Ủy viên Trung ương cộng với 500 khuôn mặt đần độn tại quốc hội sẽ bị cho là kích động, là làm hại đại cục, là phá hoại sự tận tụy của Đảng đã và đang âm thầm tranh đấu đòi lại chủ quyền cho đất nước.
Bà nói trong niềm tim mù lòa rằng chỉ có Đảng của bà đang phục vụ là đúng và mọi thành phần khác trong xã hội là sai lầm, là phá hỏng kế hoạch nhịn nhục qua ải của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hãy thẳng thắn một lần đi, bà sẽ bớt kiêu ngạo. Kiêu ngạo không thích hợp với giọng nói tương đối nhỏ nhẹ và dịu dàng của dân Bến Tre đâu, kể cả kiêu ngạo cộng sản.
Thứ hai, khi bà cho rằng “một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình”.
“Làm gì cho đất nước” là cụm từ thú vị nhất mà người dân chúng tôi muốn hỏi ngược lại cho bà và những người đang nắm chặt quyền hành từ bao năm nay.
Xin lưu ý cho bà biết, mỗi công dân trong một đất nước đều đã đóng góp ngay từ lúc vừa biết đi học. Những chữ cái đầu tiên là đóng góp thiết thực nhất cho tiến trình xây dựng và bảo vệ cũng như phát triển quốc gia. Đi học không phải để làm quan mà để tự nâng cao dân trí của một công dân, đó không phải là đóng góp sao?
Qua thời gian, nếu là nông dân, những hạt gạo bà đang ăn là đóng góp cho xã hội mà không cần phải lên tiếng tranh luận. Cũng vậy, mọi thành phần trong cộng đồng của một quốc gia đều góp tay vào hình thành đất nước ấy bằng những hành động thiết thực nhất. Không ai trong họ lên tiếng ca ngợi sự đóng góp của mình. Chỉ có đảng của bà mới mạnh miệng khoe khoang về sự đóng góp của nó bằng xương máu người khác.
Những con cá được bắt từ Biển Đông là đóng góp của người ngư dân. Những hạt muối của diêm dân không những chỉ phục vụ dinh dưỡng cho con người mà nó còn phải được xem là đóng góp của xã hội. Hỏi những câu đại loại như bà hỏi trước cửa Quốc hội là phỉ báng người dân, là làm nhơ nhuốc hai chữ quốc hội. Bởi, vừa ăn lương của dân phát cho lại vặn vẹo người đổ mồ hôi cho những đồng lương ấy.
Chúng tôi không cần chứng minh rằng đã làm gì cho đất nước mà chính bà và những người đang điều hành đất nước này phải trình báo với chúng tôi là đã làm gì để cho đất nước tan hoang như hiện nay.
Chúng tôi, những “Tổ chức, cá nhân” mà bà nói là những trí thức không được lên tiếng trước quốc hội hay trên báo chí như bà. Họ là những người dân bình thường nhưng đau đớn vì tổ quốc bị hiếp đáp, xâm lăng. Họ là những người nói hộ cho ngư dân bỏ thây ngoài biển để cho bà và Đảng của bà còn có chút gì đó bám víu vào cái gọi là chủ quyền biển đảo. Bởi nếu họ không ra Hoàng Sa đánh cá thì ai sẽ nhắc cho thế giới biết Hoàng Sa từng là của Việt Nam khi cả chế độ của bà theo chủ trương nhỏ nhẹ rất “hòa bình”?
Họ, những người bị bà cho là kích động ấy không bị ràng buộc gì với Đảng Cộng sản Trung Quốc nên trong phát biểu của họ đầy chất lửa. Họ không cam tâm nhìn đất nước mất dần vào tay ngoại bang, thật khác xa với bà và đồng sự, chỉ thấy đồng nhân dân tệ lấp lánh qua từng dự án, từng cái lót tay êm ái.
Nếu không êm ái thì làm sao bà lại cam lòng nghe theo chỉ thị của ông Trọng để làm điều khuất tất ngay những ngày đầu tiên tại thềm quốc hội?
Báo chí hỏi bà vụ Formosa bà trả lời như thế này:
Về việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) kiến nghị Quốc hội lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa gây sự cố môi trường biển, bà Kim Ngân nói hiện chưa có chủ trương lập ủy ban lâm thời.
“Đây là vấn đề rất lớn, Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm điều tra sớm. Bộ Chính trị cũng đã nhiều lần nghe báo cáo về vấn đề này. Quốc hội chưa lập ủy ban lâm thời nhưng chúng tôi sẽ giám sát rất chặt chẽ, tiếp tục theo dõi quá trình giải quyết”.
Bà lừa đã lừa gạt người dân vì trước đó 1 ngày, khi trả lời báo chí tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 vào ngày 22 tháng 7 năm 2016 chính bà đã phê chuẩn cho ông Võ Kim Cự, người đích thân cho phép  Formosa vào Vũng Áng được hoạt động 70 năm, trở thành thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Làm sao Quốc hội điều tra khi phê chuẩn nghi phạm lớn nhất của Formosa vào Ủy ban kinh tế, vốn có quyền phủ quyết, hay ít ra lèo lái mọi điều tra có liên quan đến mình?
Có phải bà đang tự tát vào mặt bà hay là đang tát vào mặt nhân dân cả nước?
Việc làm này của bà phải chăng là đã “làm gì đó cho tổ quốc” và do đó từ đây bà có quyền tiếp tục câu hỏi rất “kinh điển” cho bất cứ ai, kể cả những người trong quốc hội nếu ngứa miệng hỏi điều phải quấy?
Kể cũng không lạ khi bà cho rằng Luật Biểu tình cần phải xem xét cẩn thận mặc dù đã gần 70 năm vẫn còn nằm trong ngăn kéo quốc hội, bà nói “Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn”
Điều này bà tiên đoán rất đúng, bởi nếu không chận nó thì e rằng cuộc biểu tình lớn nhất Việt Nam sẽ nổ ra trước cửa Quốc hội vì chính những “đóng góp” của bà đấy, bà Chủ tịch Quốc hội ạ.

Dân Sài Gòn bì bõm lội nước đen

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2016-07-25  
000_Hkg294984.jpg
 Nước ngập cả thành phố sau cơn mưa lớn từ cả chục năm trước.  AFP photo
Nếu như người Nghệ An chui vào hang đá để tránh nóng, người Hà Nội vác can đi xin nước sạch, ngư dân miền Trung thiếu nước mắm, người miền Tây lao đao vì hạn mặn thì hiện tại, nhiều người ở Sài Gòn đang bì bõm với những con nước đen. Tình trạng nâng cấp đường sá rồi lấp đường vào nhà dân, thi công không tính trước lối thoát nước đang làm cho nhiều nơi ở Sài Gòn trở thành hồ bẩn mỗi khi mưa kéo đến.
Nước ngập tới bàn thờ
Ông Ngư, một cư dân quận 12 Sài Gòn chia sẻ: “Về phía quận 12, quận 6 rồi Bình Thạnh cũng có. Về phía quận 12 thì nó xây đường nâng cao lên 2 mét so với mặt đường cũ. Mỗi khi mưa là nó tràn vào nhà. Phải chịu chứ, dân cũng phản ánh nhiều. Đường cao quá thì mưa xuống nước ngập vào nhà chứ đi đâu nữa. Mà toàn nhà lầu không à. Như nhà cấp 4 còn nâng nhà lên được chứ giờ đổ tấm rồi thì làm gì được nữa. Khổ lắm, khó chịu lắm, như đang ngủ, mưa mình đâu biết, dậy thì nước vào đầy nhà rồi, lội luôn.”
Theo ông Ngư, tháng trước, gia đình ông đã tốn rất nhiều tiền cho việc thuốc men. Bởi sau cơn mưa, nước ngập lên đến đầu gối. Cả nhà ông đều đi làm và không lường trước được mưa lớn nên đồ đạc trong nhà trôi lềnh bềnh. Lội nước cả quãng đường về nhà, rồi cố gắng chặn đê, tát nước ra khỏi nhà… Vợ chồng ông cùng hai đứa con đều bị mẩn ngứa. Tội nhất là đứa út con ông, vết thương ở chân trước đó của nó bị nhiễm trùng nên sưng tấy lên, nghỉ học cả tuần lễ.
Ảnh hưởng nhiều, nhưng người ta bất chấp. Công an đến và người ta cứ làm, họ bảo là chưa đụng vào tường của mình là được.
- Ông Ngư, quận Bình Thạnh
Hiện tại, ông đã mua được mấy tấm chắn, chỉ cần nhìn trời và nghe dự báo thời tiết, nếu trời sắp có mưa, ông sẽ bịt kín phía trước nhà mình lại để ngăn nước vào nhà. Bởi theo ông, hệ thống thoát nước của Sài Gòn đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây, nếu trời mưa lớn lắm thì nước chỉ ngập khoảng 2 đến 3 tiếng là rút. Nhưng hiện tại, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, cơn ngập có thể kéo dài đến cả ngày chưa rút. Đã đến lúc ông phải tập quen dần. Và ông cũng tập làm quen với cảnh nước ngập tới bàn thờ mỗi khi mưa lớn.
Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Ngư, ông Mỹ, sống ở quận Bình Thạnh chia sẻ: “Tôi đang đợi câu trả lời của ông Đinh La Thăng, của chính quyền về vụ việc này. Nhưng câu trả lời của họ chưa thỏa đáng. Ảnh hưởng nhiều, nhưng người ta bất chấp. Công an đến và người ta cứ làm, họ bảo là chưa đụng vào tường của mình là được.”
Theo ông Mỹ, với tình trạng làm đường như hiện tại của các đơn vị thi công. Chỉ ngủ một đêm tới sáng, khi mở cửa ra đường, đã thành một bức tường xây ngay trước cửa nhà mình, người dân không còn cách nào khác ngoài việc tự xây hoặc kiếm một cái cầu thang để đi lên đi xuống. Giữa một thành phố như Sài Gòn, việc vào nhà mình đã tốn thời gian như thế là lấy đâu ra thời gian để chạy cơm từng bữa.
Ông Mỹ cũng nói thêm rằng, người Sài Gòn sẽ không phải đối mặt với tình trạng nước ngập úng như hiện tại nếu người ta biết quy hoạch hơn. Kể từ khi các công trình lớn như đô thị Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, khu đô thị dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, khu dân cư Bàu Cát Tân Bình hay các con đường mới sữa hoàn thành, những đoạn ao hồ, kênh rạch đã biến mất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước tràn vào nhà dân bởi không có lối thoát nào khác. Không ai lại có kiểu quy hoạch theo kiểu nhét cơm vào miệng cóc rồi bịt đít nó lại như thế bao giờ.
Tìm giải pháp
loithoatnuocosaigon-.jpg
Một lối thoát nước ở Sài Gòn. RFA photo
Một kỹ sư xây dựng thi công tuyến đường Kinh Dương Vương, Sài Gòn chia sẻ: “Nguyên nhân chính là do ban đầu hệ thống thoát nước đã không tốt rồi. Mưa một trận là không thoát nước rồi. Việc tính toán không tốt, đường kính ống không đạt chuẩn trên mật độ dân số. Như ở nước ngoài thì đường ống người ta chui vào đi được, nhưng ở Việt Nam thì nếu con chuột cống chui vào, ăn no rồi thì hết chui ra được. Nó sai hệ thống, không cải thiện được vì trước đó đã chấp vá rồi. Như những quận trước đây cơ sở hạ tầng không tốt, mấy ông quy hoạch vẫn cho làm nhà bình thường, rồi nối ống thoát, chấp vá… nên quá tải thôi.”
Theo ông, chuyện cơn mưa vào hôm Thứ Bảy tuần trước khiến toàn bộ cư dân ở tuyến đường này sống chung với lũ bẩn đã được ông dự đoán trước. Bởi ở Sài Gòn hiện tai, nếu muốn đường khô thì nhà dân phải chịu ngập hoặc ngược lại, không còn cách lựa chọn nào khác.
Ông này cho hay, việc nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đội số tiền từ 66,820 tỷ đồng vào năm ngoái lên 74,350 tỷ đồng vào tháng 6 năm nay để có thể giải quyết nạn ngập úng ở thành phố này là có lý của họ. Nhiều công trình chưa thi công vào năm ngoái, năm nay đã hoàn thành, và hệ thống thoát nước cũ kỹ, chưa đồng bộ, cộng thêm Sài Gòn vừa thay đổi một số chức danh sau cuộc bầu cử khóa 13 vừa rồi, có thể là nguyên nhân.
Liên quan đến nguyên nhân và giải pháp của vấn nạn trên, theo thông tin từ Trung tâm điều hành chống ngập thành phố Sài Gòn, vào đầu tháng 6, Trung tâm này đã đề xuất với ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn nguồn vốn để chống ngập giai đoạn 2016-2020 lên tới 74.350 tỷ đồng. Trước mắt, từ nay đến 2018, thành phố sẽ tu chỉnh hệ thống thoát nước và khắc phục 18/37 điểm ngập do mưa, ở trung tâm 8 điểm, ngoại vi 10 điểm. Và để khắc phục cơ bản tình trạng ngập do triều trong lưu vực 550km2 gồm 9 điểm ngập do triều.
Nguyên nhân chính là do ban đầu hệ thống thoát nước đã không tốt rồi...Việc tính toán không tốt, đường kính ống không đạt chuẩn trên mật độ dân số.
- Một kỹ sư xây dựng 
Từ nay đến năm 2020, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước yêu cầu thành phố triển khai một số dự án chính để chống ngập gồm: Hoàn thành hợp phần “Xây dựng năng lực quản lý tích hợp rủi ro ngập nước đô thị” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Triển khai dự án Trung tâm Điều hành khẩn cấp EOC - hệ thống phòng, chống ngập Sài Gòn; dự án hệ thống quan trắc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, các kênh rạch trên địa bàn thành phố và dự án giám sát hệ thống thoát nước lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm để xây dựng hệ thống radar quan trắc…
Trong một hội thảo về chống ngập cho thành phố đã diễn ra cách đây không lâu, giới chức Sài Gòn đã trả lời nguyên nhân ngập lụt trong thành phố là do hệ thống thoát nước cũ kỹ, triều cường ngày một cao hơn và thành phố có dấu hiệu sụt lún. Nhưng giải pháp để chống ngập thì vẫn chưa có giải pháp cụ thể bởi mọi vấn đề đều xoay quanh kinh phí.
Vị kỹ sư xây dựng này kết luận, chống ngập ở Sài Gòn, ngoài tiền lực, vật lực và trí lực, thứ cần thiết nhất lại là tâm lực. Nếu không đủ tâm lực, nguy cơ ngập nặng về sau sẽ là khó lường. Bởi yếu tố dân sinh hiện tại vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nếu không muốn nói là bị bỏ lơ trong vấn đề chống ngập, tình trạng xây mặt đường cao hơn nhà dân là một điển hình về dân sinh bị bỏ lơ trong chống ngập ở Sài Gòn.

Việt Nam cân nhắc đề nghị cho vay hơn 300 triệu USD của Trung Quốc

RFA 2016-07-25  
000_Hkg4148975.jpg
Ảnh minh họa.  AFP PHOTO
Việt Nam cân nhắc về đề nghị của Trung Quốc cho vay hơn 300 triệu USD đối với dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Truyền thông trong nước hôm nay, 25 tháng 7 cho biết Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính của Việt Nam đang cân nhắc một cách thận trọng về lời hứa cho vay 304,6 triệu USD của Trung Quốc đối với dự án đường cao tốc dài 96 km với tổng kinh phí dự kiến khoảng 382 triệu USD.
Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay này là hợp lý vì đây là dự án quan trọng và cấp bách. Tuy nhiên, theo Bộ Tài Chính thì cần phải tính toán lại để so sánh với các nguồn vay khác có chi phí rẻ hơn cũng như chất lượng và công nghệ tốt hơn để giảm rủi ro cho dự án.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra ý kiến cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để có thể đạt được điều kiện vay ưu đãi nhiều hơn nữa so với đề xuất của Trung Quốc và không áp dụng hình thức tổng thầu EPC của nhà thầu Trung Quốc, bao gồm hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình.