Monday, March 30, 2015

Xả 30 triệu m3 nước, chỉ báo trước 1 giờ

30/03/2015 23:25

Chỉ trong vòng 2 giờ từ khi thông báo thủy điện xả lũ, hàng trăm hecta lúa ở các cánh đồng hạ du sông Bồ trắng xóa nước. Lãnh đạo đài khí tượng thủy văn khẳng định thủy điện xả với lưu lượng quá lớn

Đến ngày 30-3, đã 4 ngày đêm kể từ khi cơn lũ bất ngờ ập về nhưng cánh đồng lúa ở các xã Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng An và thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn ngập nước. Theo ông Hoàng Vọng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, hiện chưa thể thống kê được thiệt hại về lúa do huyện đang tập trung cứu 232 ha lúa bằng biện pháp tập trung bơm tiêu úng. Trong đó, 213 ha có khả năng cứu được nhưng sẽ giảm 30%-40% năng suất, số còn lại có nguy cơ mất trắng.
Muốn cứu lúa nhưng bó tay
Ông Vọng cho biết 7 giờ ngày 27-3, ông nhận được tin từ cấp trên về việc thủy điện Hương Điền (ở thượng nguồn sông Bồ) sẽ xả lũ. 9 giờ thì nước đã tràn trắng đồng, làng xóm ở vùng hạ du. “Sáng đó, chúng tôi chuẩn bị đi triển khai phòng chống hạn nhưng đùng một cái thì nhận được tin xả lũ. Họ xả lớn quá, nước về mạnh như sóng thần khiến nhiều tuyến đê bao vỡ, Tỉnh lộ 4B cũng tràn nước. Chúng tôi nhanh chóng triển khai cứu lúa nhưng nước như thế thì bó tay” - ông Vọng nói.
 Những cánh đồng lúa ở hạ du sông Bồ trắng xóa vì thủy điện xả lũ
Những cánh đồng lúa ở hạ du sông Bồ trắng xóa vì thủy điện xả lũ
 Ông Nguyễn Ngọc Quy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sịa 1 (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền), cho biết ngay cả cơn lũ lịch sử năm 1999 phải 2 ngày sau mới ngập nhưng vừa qua chỉ 2 giờ đã trắng đồng thì biết thủy điện xả lũ mạnh như thế nào rồi. “Sáng đó, chúng tôi ra cứu lúa mà chẳng làm được gì” - ông Quy nhận xét và cho biết nước về mạnh khiến tuyến đê bao đồng với hơn 100 ha lúa của HTX bị ngập nặng, đến nay vẫn phải bơm tiêu úng.
Trong ngày thủy điện Hương Điền xả lũ, tại vùng hạ du huyện Quảng Điền có 800 ha lúa và 32 ha hoa màu bị ngập. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết dù lường trước được thiệt hại ở hạ du nhưng vẫn phải xả nước ở hồ thủy điện Hương Điền nhằm tránh nguy cơ vỡ đập.
Ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định quy trình xả lũ là đúng. Lượng mưa trong hai ngày 26 và 27-3 ở thượng nguồn sông Bồ gần 380 mm, trong chuỗi thủy văn ghi nhận hơn 50 năm qua tại tỉnh này chưa có trường hợp như thế này xảy ra vào cuối tháng 3. Đặc biệt, từ đêm 26 đến 7 giờ ngày 27-3, lưu lượng nước về hồ Hương Điền từ 1.700-1.800 m3/giây với trên 80 triệu m3, trong khi hồ chỉ giữ được 50 triệu m3 nên buộc phải xả 30 triệu m3 về hạ du.
Theo đó, vào sáng 27-3, hồ xả 15 triệu m3 với lưu lượng trung bình khoảng 600 m3/giây, chiều và tối cùng ngày là 15 triệu m3. “Chúng tôi phải giữ nước trong hồ từ 1 giờ ngày 27 đến 6 giờ cùng ngày mới xả để hạn chế thiệt hại cho dân. Vì quá khẩn cấp nên lúc 5 giờ, chúng tôi đã trực tiếp điện thoại cho lãnh đạo huyện, thông báo 6 giờ xả lũ để họ triển khai ứng phó. Việc xả lũ đã giúp giữ hơn 50 triệu m3 nước về hạ du, nếu không thì cả 80 triệu m3 đổ về và hạ du nguy ngập hơn” - ông Thành trần tình.
Cũng theo ông Thành, vấn đề là do mưa bất thường, xảy ra ban đêm nên tình hình khẩn cấp, đột biến. Nếu có quy trình vận hành liên hồ chứa vào mùa kiệt nước thì chẳng thể áp dụng được. “Nếu dự báo khí tượng thủy văn tốt, dự báo trước một ngày với lượng mưa bao nhiêu, vào thời điểm nào, chúng tôi điều tiết xả nước trong hồ trước khi lũ về thì chẳng gây thiệt hại được” - ông Thành nói và cho hay sẽ tìm cách đề nghị tỉnh hỗ trợ người dân. Đối với thủy điện Hương Điền thì chỉ có thể kêu gọi họ hỗ trợ được chừng nào hay chừng đó chứ không thể yêu cầu đền bù vì quy trình đúng, các số liệu đều rõ ràng.
Nói dự báo kém là không chính xác!
Trong khi đó, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định đợt mưa vừa qua có chút bất thường so với số liệu nhiều năm nhưng cơ quan này vẫn dự báo được. Các bản tin dự báo thời tiết từ đêm 24 đến ngày 26-3, đài này dự báo tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to, sáng 27-3 đã có bản tin cảnh báo lũ và đều gửi cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm  cứu nạn của tỉnh. “Chúng tôi chỉ dự báo được như vậy theo mặt định lượng chứ không thể dự báo chính xác lượng mưa theo mặt định tính nên chưa thể có bản tin cảnh báo lũ vào ngày 26-3. Vấn đề này các nước tiên tiến cũng chịu thôi” - ông Hòa khẳng định.
Theo ông Hòa, việc cơ quan chức năng nói bất ngờ về lượng mưa và buộc phải xả lũ tại hồ Hương Điền do dự báo thời tiết kém là không chính xác. Tại trạm quan trắc Phú Ốc trên sông Bồ vào 6 giờ ngày 27-3, mực nước mới 1,2 m nhưng 12 giờ cùng ngày đã lên tới 2,76 m, cho thấy việc xả lũ rất lớn. Với lưu vực 700 km2 của sông Bồ, trong trường hợp không có hồ thủy điện thì lưu lượng nước sẽ đổ về tự nhiên theo tốc độ chậm nên kịp điều tiết. Lũ ở Quảng Điền là do thủy điện xả với lưu lượng quá lớn, nước về mạnh nên trở tay không kịp.
Ông Phan Thanh Hùng khẳng định theo quy định phải thông báo cho chính quyền và người dân hạ du trước 6 giờ mới được xả lũ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và văn bản, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, ở đợt xả lũ vừa rồi, do tính khẩn cấp, trường hợp bất thường nên ông trực tiếp điện thoại thông báo cho chủ tịch UBND các huyện trước 1 giờ. “Chúng tôi nhận thông tin nước về hồ quá lớn từ chủ hồ Hương Điền chỉ cách 2 giờ trước khi quyết định xả lũ về hạ du. Đây là trường hợp quá bất ngờ nên không kịp trở tay” - ông Hùng nói.

Bên nào sai phải chịu trách nhiệm
Ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Bộ Công Thương), cho biết việc xả lũ ở thủy điện Hương Điền đã được phía thủy điện thông báo cho cơ quan chức năng của địa phương. Trước thông tin nhiều lãnh đạo xã ở địa phương này không nhận được tin, ông Quân cho rằng theo quy trình xả lũ, nếu có hành động xả lũ không đúng quy trình thì bên nào sai phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của địa phương là phải xem xét cụ thể việc để xảy ra xả lũ gây ngập lụt giữa mùa khô. Nếu thủy điện không tuân thủ quy trình xả lũ thì ngoài việc địa phương - nơi đặt thủy điện - có quyền xem xét, truy cứu trách nhiệm thì Bộ Công Thương cũng sẽ có ý kiến. Ph.Nhung

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Philippines mạnh mẽ đáp trả Trung Quốc về Biển Đông

MANILA, Philippines (AFP) - Chính phủ Philippines hôm Thứ Bảy mạnh mẽ đáp trả chỉ trích của Bắc Kinh về hành động của mình ở vùng Biển Đông, nói rằng những điều đó hoàn toàn không thể sánh với nỗ lực xây dựng đảo lớn lao mà Trung Quốc đang tiến hành ở khu vực này.


Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino III (phải), được Zhao Jianhua, đại sứ Trung Quốc tại Phi đón chào ngay sau bà phát biểu tại Phòng Thương Mãi Trung-Phi ở Pasay, Manilla hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Ba. (Hình: AP Photo/Bullit Marquez)

Manila cũng nói rằng việc Bắc Kinh cáo buộc là Philippines “có thái độ đạo đức giả” sẽ không đánh lạc hướng được dư luận về các hành động của Trung Quốc, vốn đang tạo sự căng thẳng trong khu vực.

Phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Philippines, ông Charles Jose, là đáp trả mới nhất trong cuộc đấu khẩu ngày càng trầm trọng về Biển Đông, cũng là nơi các quốc gia như Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.

“Phía Philippines có thể có các hành động cần thiết để bảo trì và sửa chữa các cơ sở đã có trong vùng Biển Tây Philippines... nhưng không thể nào so sánh với nỗ lực khổng lồ của Trung Quốc trong việc xây dựng đảo, vốn không chỉ vi phạm luật quốc tế mà còn tạo thêm căng thẳng không cần thiết,” bản thông cáo nói.

“Biển Tây Philippines” là từ ngữ Manila dùng để chỉ khu vực trong vùng Biển Đông nơi có sự hiện diện của các đơn vị quân đội Philippines và thường dân trên một số đảo.

Philippines trong thời gian gần đây đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng mở rộng một số đảo ở vùng Biển Đông để có thể đặt căn cứ quân sự bao gồm cả các phi đạo.

Ngoại Trưởng Albert del Rosario cho hay Philippines sẽ tái tục việc xây cất các cơ sở của họ trong vùng, khiến nữ phát ngôn viên Trung Quốc Hua Chunying lên tiếng chỉ trích hôm Thứ Sáu.

“Điều này không chỉ vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc mà còn cho thấy bản chất giả nhân nghĩa của Philippines,” Hua nói.

Đáp lại, Philippines cho hay, “Các phát biểu mới đây của Trung Quốc...sẽ không đánh lạc hướng chú ý của dư luận về vấn đề chính trong vùng Biển Đông là khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc, cũng như thái độ ngang ngược như đã thấy qua chương trình lớn lao nhằm mở rộng đảo.”

Lên tiếng về cuộc đấu khẩu này, Tổng Thống Philippines Benigno Aquino xác nhận sự hậu thuẫn dành cho Ngoại Trưởng del Rosario, theo lời nữ phát ngôn viên Abigail Valte của ông Aquino hôm Thứ Bảy.

Bà Valte cũng nói rằng bất cứ hành động tu bổ cơ sở nào của Philippines cũng không vi phạm thỏa thuận về cách hành xử ở Biển Đông, được ký giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN năm 2002.

Bà Valte đồng thời nhấn mạnh rằng Philippines đã xác định rõ ràng lập trường của mình trong đơn kiện trước tòa án Liên Hiệp Quốc Tháng Ba năm 2014, trong đó nói rằng việc Trung Quốc coi 70% vùng Biển Đông là của họ là điều bất hợp pháp.

Tòa án Liên Hiệp Quốc dự trù sẽ đưa ra phán quyết vào đầu năm tới về đơn kiện của Manila. (V.Giang)

03-30- 2015 3:23:31 PM

Nông dân Việt Nam làm gì cũng 'mạt'

SÀI GÒN (NV) - Nhiều nông dân từng vay mượn để mua bò sữa nhằm thay đổi sinh kế nay đang rao bán bò sữa theo giá bò thịt vì sữa bò không có chỗ tiêu thụ. 


Nông dân huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng lọc sữa bò để mang đi bán dạo. (Hình: Tuổi Trẻ)


Đó là thông tin do ông Trần Trường Sơn, phó chủ tịch Hội Nông Dân Sài Gòn cung cấp. Ông Sơn cho biết thêm, riêng tại Củ Chi đã có 322 gia đình nông dân không ký được hợp đồng bán sữa cho các công ty mua sữa như Vinamilk và Friesland Campina. Cũng vì vậy sữa bò tươi do họ vắt ra phải đổ bò.

Điều tương tự đã từng xảy ra ở Lâm Đồng. Do thấy nuôi bò sữa có thu nhập ổn định, ít rủi ro hơn trồng trọt. Nhiều gia đình nông dân ở Đà Lạt đã vay tiền mua bò để nuôi lấy sữa bán cho công ty Dalat Milk. Cuối cùng, vì mỗi ngày, công ty Dalat Milk chỉ có khả năng tiêu thụ khoảng 6.5 tấn sữa bò tươi, trong khi lượng sữa mà nông dân tỉnh Lâm Đồng vắt được lên tới 9 tấn/ngày nên hồi trung tuần tháng giêng năm nay, mỗi ngày, nông dân tỉnh Lâm Đồng phải đổ bỏ vài tấn sữa.

Vào thời điểm đó, đại diện Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Lâm Đồng thừa nhận đã không “kiểm soát số lượng bò sữa, khiến số lượng đàn bò tăng quá nhanh, lượng sữa tươi thu được vượt qua khả năng thu mua của các công ty chế biến sữa” và làm nông dân điêu đứng.

Cuối tuần qua, khoảng 30 gia đình nuôi bò sữa ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã kéo đến công ty Dalat Milk đòi công ty này thanh toán tiền mua sữa. công ty Dalat Milk xác nhận họ đang thiếu nông dân nuôi bò sữa ở huyện Đơn Dương khoảng 4 tỉ đồng. Tổng giám đốc công ty Dalat Milk phân trần, họ đang bị các đại lý phân phối sữa thiếu khoảng 10 tỷ đồng nên chưa có khả năng trả tiền sữa cho nông dân.

Nếu những công ty như Dalat Milk phá sản, sẽ có hàng trăm gia đình nông dân nuôi bò sữa ở Lâm Đồng phá sản theo. Ngày 22 tháng 1, 2015, nhiều báo trong đó có tờ Kiến Thức đưa tin một số nông dân ở Lâm Đồng đã đổ sữa bò ra đường và ngay trước cửa công ty thu mua sữa vì bán không được.

Tuy trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng, số lượng trẻ không được uống đủ lượng sữa cần thiết để phát triển thể lực rất lớn nhưng chế độ Hà Nội không bận tâm đến điều đó. Họ cũng chẳng để ý đến việc phát triển các nhà máy chế biến sữa hoặc hỗ trợ những nhà máy này nhằm tạo thêm việc làm, mở thêm sinh kế cho nông dân. Trong khi đó, theo các thống kê về xuất nhập cảng, mỗi năm, Việt Nam phải chi hàng tỷ Mỹ kim để nhập cảng nông sản.

Với một chính quyền vận hành theo kiểu như vậy, nông dân Việt Nam càng ngày càng mạt trong việc loay hoay tìm sinh kế để tồn tại và không có con đường này dẫn đến thịnh vượng.

Năm ngoái, nông dân Việt Nam nhiều nơi khóc ròng vì cao su không có đầu ra nên phải chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng cà phê, hạt tiêu. Trước đó bảy năm, họ đã từng đốn bó cà phê, điều để trồng cao su vì trồng cà phê và điều mà bị lỗ nặng.

Tuy nhiên năm ngoái không chỉ có chuyện đốn bỏ cao su. Vào tháng 3 năm ngoái, hàng trăm ngàn tấn dưa hấu của nông dân miền Tây trở thành rác vì thương nhân Trung Quốc không còn mua dưa hấu với số lượng lớn như năm trước đó.

Đến tháng 8 năm 2014, nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận phải đem thanh long cho bò ăn vì việc xuất cảng thanh long gặp trở ngại. Tháng 12 năm ngoái, cà chua ở Lâm Đồng, bí đỏ ở Khánh Hòa cũng rơi vào tình trạng tương tự... (G.Đ)

03-30- 2015 3:20:51 PM

Công nhân tiếp tục đình công, chính quyền bối rối

SÀI GÒN (NV) - Cuộc đình công của 90, 000 công nhân công ty Pouyuen vẫn còn đang tiếp tục. Sang đến ngày 30 tháng 3, công nhân vẫn đến công ty nhưng chỉ tuần hành trong khuôn viên chứ không làm việc.


Công nhân công ty Pouyuen vẫn còn đình công. (Hình: Báo Lao Động)

Công ty Pouyuen (vốn đầu tư 100% Đài Loan), có nhà máy chuyên sản xuất giày da trong Khu Công Nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài Gòn. Lần đầu tiên, người ta thấy công nhân lao động tại Việt Nam đình công chống lại luật lệ và chính sách của nhà cầm quyền, không phải chỉ đình công đòi tăng lương hay cải thiện chế độ làm việc.

Hôm 26 tháng 3-2015, sau khi nghe “tuyên truyền” về Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới, khoảng 30 công nhân của xưởng D3 đã kéo qua xưởng D4 tắt đèn và 500 công nhân ở đó đồng loạt ngưng làm việc. Đến chiều 26 tháng 3, 2015 có thêm 700 công nhân ngưng làm việc và sang ngày hôm sau, con số công nhân ngưng làm việc đã tăng lên khoảng 90,000 (tờ Pháp Luật TP.HCM cho biết số công nhân tham gia đình công là 83,000, tờ Lao Động thì xác định là gần 90,000,...).

Trước đây, Luật Bảo Hiểm Xã Hội ban hành năm 2006 cho phép tất cả những công nhân đã làm việc được một năm, nếu mất việc hoặc nghỉ việc, không thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, vẫn có quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.

Năm ngoái, Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới. Theo đó, những công nhân chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm mà mất việc hoặc nghỉ việc sẽ không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào. Trợ cấp bảo hiểm xã hội chỉ được phát khi họ đến tuổi nghỉ hưu.

Đó cũng là lý do dẫn đến cuộc đình công vừa kể. Những công nhân tham gia đình công yêu cầu duy trì quy định của luật cũ bởi khi mất việc họ cần phải sống.

Sau khi đình công xảy ra, ông Nguyễn Văn Khải, phó chủ tịch Liên Đoàn Lao Động thành phố Sài Gòn, nói với tờ Pháp Luật TP.HCM, rằng cơ quan của ông đã gửi “báo cáo nhanh” về cuộc đình công cho các “cơ quan chức năng.”

Đó là chuyện duy nhất mà cơ quan đại diện quyền lợi, nguyện vọng cho giai cấp công nhân ở Sài Gòn đã làm.

Còn ông Điều Bá Được, trưởng ban Chính Sách của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, giải thích, việc hưởng trợ cấp một lần khi mất việc hoặc nghỉ việc chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi quy định mới nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động khi về già (có thể nhận lương hưu mỗi tháng cho tới chết).

Tuy nhiên “lợi ích lâu dài” mà ông Được đề cập có thể chẳng bao giờ có.

Do hàng loạt sai lầm trong việc hoạch định chính sách lao động và an sinh xã hội, Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam có thể sẽ chỉ duy trì được 19 năm nữa. Theo tính toán do chính Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam công bố hồi tháng 9 năm ngoái thì Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam sẽ thâm thủng vào năm 2020 và “vỡ” vào năm 2034.

Nói cách khác, nếu không được nhận trợ cấp Bảo Hiểm Xã Hội một lần khi thất nghiệp hoặc nghỉ việc theo Luật Bảo Hiểm Xã Hội cũ mà chờ đến lúc đủ 55 tuổi vào năm 2035, công nhân Việt Nam sẽ... chẳng có đồng nào khi đến tuổi nghỉ hưu.

Hồi tháng 8 năm 2013, trong một báo cáo về nợ nần của chính quyền Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, nếu tính nợ công theo chủ nợ, chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội 5% trên tổng nợ vào lúc đó. Đó là một trong những lý do góp phần làm Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam “vỡ.”

Đến tháng 9 năm ngoái, theo thống kê do Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam loan báo thì chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam 303 tỷ đồng.

Lý do chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam là vì lẽ ra phải đóng tiền bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công chức, chính phủ Việt Nam không đóng nhưng Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam vẫn phải trả lương hưu cho cán bộ, công chức nghỉ hưu. Lương hưu của cán bộ, công chức nghỉ hưu cao hơn nhiều lần so với những giới khác.

Có một điểm đáng lưu ý là nếu tất cả những người có đi làm, trước nay vẫn bị trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội cùng nhận ra điều này, chắc chắc số lượng đình công, biểu tình phản đối sẽ không chỉ có 90,000 và không chỉ có công nhân.

Tin mới nhất cho biết, đại diện Liên Đoàn Lao Động quận Bình Tân không thuyết phục được 90,000 công nhân công ty Pouyuen ngưng đình công. Đến chiều thứ hai, một viên thứ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội đã bay vào Sài Gòn kêu gọi công nhân quay lại làm việc.

Cơ quan Bảo Hiểm Xã Hội của thành phố Sài Gòn thì phát hành một thông báo, nhấn mạnh, đến đầu năm 2016, Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới mới có hiệu lực. Từ nay đến đó, việc trả trợ cấp ngay khi công nhân thất nghiệp hoặc nghỉ việc vẫn được duy trì theo luật cũ. (G.Đ)
03-30 2015 3:58:37 PM

Market Vectors Vietnam ETF bị rút gần sạch tiền sau tuần tháo chạy không thương tiếc

Chỉ trong 6 phiên vừa qua, nhà đầu tư đã rút tổng cộng tới 52.48 triệu USD

Nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi Market Vectors Vietnam ETF trong tuần rổ danh mục mới của quỹ ETF này chính thức bắt đầu giao dịch từ 23-27/03 với mức rút ròng lên tới 34.70 triệu USD, tiếp nối mức thất thoát gần 20 triệu USD trong tuần liền trước.

Chi tiết về sự dịch chuyển của dòng vốn tại Market Vectors Vietnam ETF trong tuần qua, nhà đầu tư đã rút mạnh 14.98 triệu USD khỏi quỹ ETF này trong ngày thứ Hai trước khi “nghỉ xả hơi” vào ngày thứ Ba. Tiếp đó vào các ngày từ thứ Tư đến thứ Sáu, lượng tiền tại quỹ ETF do Van Eck Global quản lý tiếp tục “bốc hơi” thêm lần lượt 1.74 triệu USD, 6.03 triệu USD và 11.94 triệu USD.
Do đó, số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành trong tuần qua tiếp tục giảm mạnh 2 triệu đơn vị, từ 26.8 triệu xuống 24.8 triệu.
Như vậy, chỉ trong 6 phiên vừa qua, nhà đầu tư đã rút tổng cộng tới 52.48 triệu USD khỏi Market Vectors Vietnam ETF.
Với làn sóng rút vốn “không thương tiếc” này, tổng lượng tiền mà Market Vectors Vietnam ETF thu hút được từ đầu năm đến nay chỉ còn 6.52 triệu USD, bằng xấp xỉ 1/12 so với mức 78.07 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái (từ ngày 01/01-27/03/2014).
Theo số liệu của ETF.COM, đây là lần đầu tiên trong 6 năm, nhà đầu tư rút vốn mạnh khỏi Market Vectors Vietnam ETF trong quý đầu năm. Trong 5 năm trước đó, dòng vốn liên tục chảy mạnh vào quỹ ETF này vào các tháng đầu năm.
Xu hướng rót/rút vốn trong tuần 23-27/03 ở quỹ Market Vectors Vietnam ETF
Nguồn: IndexUniverse
Xu hướng rót/rút vốn từ đầu năm đến nay tại Market Vectors Vietnam ETF
Nguồn: IndexUniverse
Tổng tài sản ròng, NAV và giá ccq tiếp tục trượt dốc
Tại ngày 27/03, Market Vectors Vietnam ETF có tổng tài sản ròng 423.1 triệu USD, giảm mạnh so mức 457.3 triệu USD tại ngày 23/03.
Giá trị tài sản ròng (N.A.V) tại ngày 27/03 là 17.06 USD/ccq, tiếp tục giảm so với mức 17.62 USD/ccq tại ngày 23/03. Cùng kỳ, giá chứng chỉ quỹ giảm từ 17.61 USD/ccq xuống 17.10 USD/ccq.
Tính chung từ đầu năm đến ngày 27/03, N.A.V đã giảm 9.5% trong khi giá chứng chỉ quỹ sụt mạnh 11%. Tại ngày 27/03, Market Vectors Vietnam ETF giao dịch với premium 0.04 USD, tương ứng tỷ lệ 0.23%.
Diễn biến giá và N.A.V tuần qua của Market Vectors Vietnam ETF
Nguồn: Van Eck Global
Diễn biến của Market Vectors Vietnam ETF trong 5 phiên giao dịch tuần qua
Nguồn: CNN Money

Phước Phạm (Theo IndexUniverse)

Công dân hoạt động nhân quyền bị cản trở

Hòa Ái, RFA
2015-03-30
duc-hanoi032915-622.jpg
Phái đoàn Nghị sĩ Đức gặp gỡ các tổ chức Xã hội Dân sự Việt Nam hôm 30/3/2015, nhân dịp đến Hà Nội tham dự Đại hội đồng Liên Minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132.Photo: RFA

Trong những ngày vừa qua, một số những người hoạt động tại Việt Nam liên tiếp bị cơ quan chức năng ngăn trở bằng các biện pháp như câu lưu, cản trở đi lại.

Đại hội đồng Liên Minh Nghị viện Thế giới

Một sự kiện được chính quyền Hà Nội hãnh diện tổ chức trong những ngày này từ tối 28 tháng 3 cho đến ngày 1 tháng tư là Đại hội đồng Liên Minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132- gọi tắt IPU.

Đại biểu của một số đoàn ngoài việc tham dự các phiên họp do chính quyền VN tổ chức còn có những cuộc gặp đại diện một số tổ chức dân sự trong nước.

Tuy vậy, một số cá nhân bị cơ quan chức năng gây trở ngại, ngăn cản không cho gặp gỡ các nghị viên quốc tế.

Vào sáng ngày 30 tháng 3, bà Trần Thị Nga, thành viên Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, bị bắt tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội.

Bà Nga kể lại vụ việc với đài RFA ngay sau khi được thả ra sau khoảng 2 tiếng đồng hồ rằng bà và đứa con nhỏ vừa bước xuống xe tại bến xe thì lập tức bị nhiều công an mật vụ mặc thường phục bắt lên xe có biển số xanh trước sự chứng kiến của 4 công an mặc sắc phục.

"Họ không hề nói được là Nga phạm tội gì, phạm lỗi gì. Họ chỉ đe dọa sẽ giết, sẽ đánh."Bà Trần Thị Nga

Trên xe có 5 người, 1 tài xế và trong số 4 người người còn lại có 1 nhân viên an ninh quen mặt tên Công. Bà Nga nói lại những gì xảy ra khi bà bị an ninh bắt cóc từ lúc 9:30 sáng hôm Thứ Hai, 30/3:

“Ba tên: một tên Công ngồi đằng trước mặt của Nga để khống chế không chế chân tay; một tên ngồi đằng sau khống chế đầu với bịt mồm Nga và một tên ngồi bên cạnh tay phải cũng khống chế chân với tay để cho tên ngồi bên cạnh nữa với vào đánh đập và đấm thẳng vào mặt. Cú đấm đau nhất là cú đấm vào sống mũi của Nga. Khi máu trong mồm của Nga phun ra vào mặt tên Công với tất cả những tên công an đấy thì tên bịt mồm và đè cổ Nga sợ quá đã bỏ tay ra. Nga hỏi ‘các người cho tôi biết tôi phạm tội gì? Tại sao bắt bớ, đánh đập rồi bắt cóc? Bây giờ uống máu của mẹ con tôi như thế này?’. Tuyệt nhiên họ không thể trả lời Nga phạm tội gì”.


Các nhà hoạt động dân sự Việt Nam tham dự cuộc gặp tại Đại sứ quán Đức ở Hà Nội hôm 30/3/2015.

Khi bị chở đến đồn Công an TP. Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam, bà Nga còn bị đánh vào đầu từ phía sau. Bà bị giữ lại và bị quay phim chụp hình nhưng trong suốt thời gian ở đồn Công an bà không hề được biết nguyên nhân vì sao bị bắt cóc như vậy. Bà Nga nói thêm:

“Họ không hề nói được là Nga phạm tội gì, phạm lỗi gì. Họ chỉ đe dọa sẽ giết, sẽ đánh. Và họ sĩ nhục Nga ‘mày là cái loại thế này thế kia, mày chỉ đi bám đít ngoại bang’. Và có một điều hết sức đặc biệt là khi họ đưa Nga tới Công an TP. Phủ Lý ngày hôm nay, lúc họ mở cửa xe ra thì Nga đã nhìn thấy hung thủ dùng hung khí, dùng gậy đánh gãy chân Nga hôm 25/5. Hôm nay hắn ta có mặt ở ở Công an TP. Phủ Lý”.

Bà Trần Thị Nga được thả ra trong cùng ngày vào khoảng 5 giờ chiều sau khi một nhóm 7-8 người đàn ông và 1 người đàn bà đè ngửa ra để lau các vết máu trên mặt rồi 2 mẹ con bị đẩy ra đường.

Nhiều người bị cản trở, ngăn chận

Trước đó vào sáng ngày 28/3 nhiều thành viên của Hội cựu Tù nhân lương tâm đã bị an ninh chặn đứng, sách nhiễu và có người bị giam giữ khi chuẩn bị đến Hà Nội để trao kiến nghị.

Ông Phạm Bá Hải, điều phối viên của Hội nói với Biên tập viên Mặc Lâm vụ việc xảy ra từ chiều 28/3 đối với cá nhân mình:

"Khi tôi bước ra khỏi nhà thì thấy có hai an ninh tới trao đổi và họ có nói là lệnh ở trên yêu cầu tôi không được ra Hà Nội vào ngày mai.Ô." Phạm Bá Hải

“Khoảng trên 6 giờ có người gọi tôi bên ngoài nhà khi tôi bước ra thì thấy có hai an ninh tới trao đổi và họ có nói là lệnh ở trên yêu cầu tôi không được ra Hà Nội vào ngày mai. Tôi có nói với họ cuộc đi gặp gỡ đại biểu nghị viện các nước, họ là khách mời chính thức của chính quyền VN, cuộc gặp gỡ này là cần thiết và tôi có quyền được đi. An ninh nói là có lịnh cấm và sau đó sáng sớm hôm sau khi tôi dắt xe ra khỏi nhà để ra sân bay Tân Sơn Nhất thì họ chạy theo rất đông, lực lượng các cấp của thành phố, quận, huyện, xã họ quây chung quanh và hy vọng tôi sẽ quay về nhà mà nếu tôi phản đối thì họ cũng mời tôi để làm việc.”

Tại Nha Trang, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng với người bạn Võ Trường Thiện bị công an bắt khi trên đường ra phi trường để bay đến Hà Nội hôm 28/3.

2 ngày sau khi bị bắt, Blogger Mẹ Nấm chia sẻ trên trang Facebook rằng qua vụ việc bị công an bắt cóc mới nhất chị nhận ra thật là nguy hiểm khi lực lượng công an xem việc chặn giữ bắt người là chuyện bình thường.

Trường hợp anh Lý Quang Sơn, thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập “Cơm cho Dân oan” bị nhiều an ninh đánh thức vào tối 28/3, bắt đưa lên xe biển số xanh chở về quê ở TP. Nam Định và đưa vào một nhà nghỉ.


Khung cảnh bên trong sân Đại sứ quán Đức hôm 30/3/2015.

Anh Lý Quang Sơn cho biết lý đo bị bắt cóc là vì cơ quan chức năng muốn triệu tập để làm việc. Dù được cơm nước đầy đủ, không bị gây áp lực tinh thần, không bị bắt ép ký biên bản nhưng anh Sơn cho rằng cách hành xử của chính quyền đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Anh Lý Quang Sơn chia sẻ:

“Thực ra em nghĩ họ đưa em về Nam Định để tránh 3 việc: thứ nhất là tránh việc em tham giam diễu hành cây xanh sáng Chủ nhật vừa qua; thứ hai là tránh việc có thể em đi gặp một số quan chức ở IPU đang diễn ra ở VN; thứ ba là đưa em về thành phố Nam Định để tránh các anh em khác đến đòi người”.

Trường hợp ông Nguyễn Hồ Nhật Thành ở Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM thì lại bị giam lỏng từ chiều Thứ Bảy, 28/3 cho đến tối Thứ Hai và tình trạng này không biết bao giờ chấm dứt.

Nói qua điện thoại với Hòa Ái, ông Thành cho biết có nhiều dân phòng, an ninh, công an tập trung ở dưới khu chung cư nơi ông cư ngụ. Và lúc nào cũng có 2 nhân viên túc trực ở thang máy lầu 5, ngăn cản không cho ông và người thân trong gia đình ra khõi nhà.

Trong tình trạng bức bí suốt hơn 48 giờ đồng hồ, ông Thành đã treo băng rôn ghi “Phản đối công an xâm phạm quyền đi lại của người dân” ngay ban công. Ban Quản lý và Quản trị của chung cư đến yêu cầu ông Thành phải tháo biểu ngữ xuống. Ông Thành cho biết thêm:

“Họ có nói phải tháo xuống nhưng mình ra điều kiện khi nào họ rút đi hết thì mình mới tháo. Nếu họ vẫn còn ở đó thì mình vẫn treo và thậm chí ngày mai mình sẽ treo một cái bảng lớn hơn với nội dung mạnh hơn nội dung phản đối, có thể là nội dung đả đảo, nếu họ vẫn tiếp diễn tình trạng này đối với mình”.

Sáng hôm 30/3, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền IPU-132 thông qua Dự thảo Nghị quyết được soạn thảo từ IPU-131.

Dự thảo Nghị quyết này khẳng định quyền con người và xem quyền con người phải là yếu tố căn bản của cuộc sống. Luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn luôn lấy quyền con người làm trung tâm.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/activists-abducted-in-vietnam-ha-03302015140837.html/audio-cong-dan-hoat-dong-nhan-quyen-bi-can-tro

Công dân thủ đô là như thế


Bùi Tín
Theo VOA-31.03.2015
Vấn đề «cây tặc» ở thủ đô Hà Nội đang làm xôn xao dự luận trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Những quan chức của chính quyền Hà Nội đang lo đối phó với công luận.

Mở đầu năm mới, nhân dân thủ đô đã ở thế chủ động tấn công, chỉ rõ những yếu kém của chính quyền, dồn nhà cầm quyền vào thế chống đỡ bị động, bảo vệ cuộc sống của 6.700 cây trồng lâu năm quý giá, bảo vệ môi trường sống, lá phổi tự nhiên của mình.

Trong vụ «cây tặc» này, chính quyền tự nhận là “của dân, do dân, vì dân” đã lộ rõ bản chất coi thường nhân dân, phi nhân tính của mình. Đó là khi phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tuyên bố «việc chặt cây ở thủ đô không cần hỏi ý kiến của dân”, khi Phó Giám đốc sở Xây dựng giải thích rằng «chỉ đốn hạ những cây bị sâu bệnh hay nguy hiểm cho việc giao thông công cộng», khi Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo phớt lờ không trả lời 21 câu hỏi của các nhà báo thủ đô. Ngay sau đó họ hối hả chặt phăng 2.000 cây cổ thụ, phần lớn không hề bị sâu mọt, mưu toan làm chuyện đã rồi trong thời gian ngắn nhất.

Công dân thủ đô đã lập tức xuống đường. Ngày 20/3, ngày 21/3 ngày 22/3, ngày càng đông, ở nhiều nơi cùng một lúc. Thư hỏa tốc của một số trí thức thủ đô gửi đến chính quyền, thành ủy; điện thoại chất vấn tới tấp gọi đến Ủy ban, Thành ủy, Sở Xây dựng. Một cuộc họp tự phát của công dân thủ đô về bảo vệ cây xanh, ngăn chặn cuộc tàn sát cây cổ thụ, hủy hoại môi trường được triệu tập hỏa tốc. Các nghệ sỹ thủ đô lên tiếng, những cuộc hòa nhạc của nhạc sỹ thủ đô diễn ra dưới tán cây xanh, hàng loạt biểu ngữ cầm tay được vẽ ra, nhân bản, tán phát. Hình các em bé thủ đô ôm những thân cây cụt đầu khóc mếu, trên FaceBook một công dân thủ đô nêu ý định thu gom 6.700 chữ ký để bảo vệ 6.700 cây ở thủ đô, chỉ vài giờ sau đã đạt con số 10.000 và hôm sau lên đế 20 ngàn, gấp 3 lần yêu cầu. Có 2 phụ nữ thủ đô đã trèo lên cây cổ thụ đã bị vạch vôi nghĩa là bị tuyên án tử hình, leo lên cao khi máy cưa được đưa đến, nhất định không xuống, thế là máy cưa phải chuồn thẳng. Một số nhà báo thủ đô đã đi điều tra rộng, lên tận Lào Cai, Yên Bái nơi ươm cây giống, tìm đến tận bãi kho giữ cây bị đốn để chụp ảnh, điều tra, nói và viết có bằng chứng, nhằm tố cáo đây là một âm mưu tham nhũng lớn nhằm mục đích tư lợi.

Công dân thủ đô đã thắng một cách nhanh chóng, gọn gàng. Cuộc tàn sát cây xanh đã phải dừng lại. Chính quyền đã phải mở một cuộc thanh tra, điều tra. Cuộc thanh tra điều tra có thể dẫn đến việc thành án do phạm Luật để đưa ra xét xử. Cuộc đấu tranh còn tiếp tục.

Bí thư thành ủy Hà Nội có trách nhiệm rõ trong vụ này buộc phải tuyên bố yêu cầu quan chức Hà Nội trả lời đầy đủ cho 21 câu hỏi đã được đặt ra trong cuộc họp báo. Cũng như trước đó, Giám đốc Công an thủ đô đã phải lên tiếng phủ nhận những kẻ bày chuyện múa hát phá đám cuộc tưởng niệm 64 chiến sỹ VN hy sinh ở đảo Gạc Ma là của Công an hay Tuyên giáo thành phố, còn khẳng định rằng đội ngũ «dư luận viên» của Đảng CS và chính quyền không bao giờ xuống đường phá đám các cuộc biểu tình, lại còn ca ngợi những người dự tưởng niệm trước tượng Lý Thái Tổ là công dân thủ đô yêu nước. Công dân thủ đô hãy ghi nhận lời Giám đốc Công an thành phố, từ nay nhân dân xuống đường biểu tình ôn hòa, kẻ nào ngăn chặn phá đám đều không phải là người của Công an hay Tuyên giáo thành ủy, họ là kẻ phá hoại xã hội dân sự, là kẻ phạm pháp. Họ là những kẻ «cầm đèn chạy trước ô tô», «kẻ nhanh nhẩu lập công với đảng, nhưng lại bị vô thừa nhận», như nhiều nhà báo tự do nhận định, thật tội nghiệp, bẽ bàng cho họ.

Rõ ràng công dân thủ đô đầu năm 2015 đã có một bước thức tỉnh đáng kể. Công dân thủ đô đã tỏ ra xứng đáng là công dân mũi nhọn của cả nước, bước đầu làm gương dẫn đầu công dân cả nước, làm ngòi nổ cho cuộc đấu tranh của toàn dân.

Trí thức thủ đô, nghệ sỹ thủ đô, phụ nữ thủ đô, thanh niên thủ đô, nhà báo thủ đô, thiếu nhi thủ đô…hãy tự hào, khiêm tốn nhận rõ vị trí trung tâm của mình, vai trò tiền phong của mình để đi đầu, lôi cuốn công dân cả nước vào cuộc đấu tranh đòi quyền sống, dân chủ, tự do, nhân quyền đang mở rộng và có nhiều triển vọng.

Rồi đây cuộc đấu tranh của toàn dân sẽ bước vào tình thế quyết liệt, khi các văn kiện Đại hội XII của Đảng CS được đưa ra thảo luận từ Đại hội đảng bộ cơ sở trở lên và lấy ý kiến của mọi công dân. Các văn kiện ấy cho đến nay vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị cả loài người lên án, kiên trì chủ nghĩa CS và chủ nghĩa xã hội mơ hồ có hại, kiên trì chế độ độc đảng tệ hại kéo dài, kiên trì nền kinh tế lấy quốc doanh làm chủ đạo đang tàn phá nền kinh tế quốc dân. 4 gông xiềng chính trị khủng khiếp này còn nguy hiểm, tệ hại gấp bội phần việc tàn phá cây xanh, tàn phá môi trường sống của toàn dân ta. Tuy các quan điểm ấy nằm trong văn kiện của Đảng CS, thảo luận quyết định trong các cuộc họp của Đảng CS, nhưng lại là gông cùm xiềng xích đối với mỗi công dân, mỗi gia đình vì Đảng CS vẫn tự nhận là lực lượng độc nhất lãnh đạo toàn diện thường xuyên của đất nước.

Môi trường tự nhiên với dưỡng khí do cây xanh mang lại là điều kiện sống của thủ đô Việt Nam.

Môi trường chính trị tự do dân chủ do quyền con người được tôn trọng là điều kiện sống, phát triển, hạnh phúc của đất nước Việt Nam. Nhất định chúng ta có đủ sức để dành lại quyền sống tự do, chỉ cần chung một ý chí, với nhiều sáng kiến sinh động, như cuộc đấu tranh bảo vệ cây xanh giữa thủ đô đã chỉ rõ.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ai giải phóng ai?

Ai giải phóng ai?
Huy Vũ
2015-03-29
mien-bac-vn-truoc-75-413.jpg
Một anh bộ đội miền Bắc đứng gác bên này dòng sông Bến Hải trước năm 1975- Files photo

Ngày 30-04-1975 được Cộng Sản Bắc Việt rêu rao là ngày họ “giải phóng” dân chúng miền Nam khỏi sự “kìm kẹp” của Mỹ-Ngụy. Tới nay đã 40 năm trôi qua, ta thử nhìn lại xem ngày này: Ai giải phóng ai?

Để có câu trả lời khách quan cho câu hỏi này, có lẽ trước hết ta nên đi tìm định nghĩa của động từ “giải phóng”, sau đó điểm qua cảm nghĩ và nhận thức về cuộc sống vật chất và tinh thần của dân chúng hai miền Nam - Bắc vào thập niên 1970 của một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, cán binh v.v… là những người đã được đào tạo và hun đúc dưới mái trường XHCN khi họ có dịp vào miền Nam thăm viếng, công tác, hay sinh sống sau ngày 30-04-1975.

Qua một vài cuốn tự điển Việt-Việt, động từ “giải phóng” có thể được định nghĩa như sau: Bằng cách này hay cách khác làm cho hay giúp cho một số người nào đó thoát ra khỏi một tình trạng xấu xa tồi tệ. Nói khác đi, nếu đưa một đối tượng từ một tình trạng tốt đẹp sang một tình trạng tồi tệ, thì không thể gọi là “giải phóng” được.

Qua một số bài trên mạng, ta thấy một số tác giả đã bày tỏ quan điểm của họ về đề tài này:

Thư của một cựu “giải phóng quân”

Trong phần đầu thư, anh “cựu giải phóng quân” đã cho biết là anh ta đang tự giác “Ngụy Quân Hóa và Mỹ Cút Hóa” với lý do như sau:

“Ngụy-quân hóa vì cái gì của Ngụy tôi cũng thích, như nhạc Ngụy, sách Ngụy, nói chung là thượng vàng hạ cám gì của Ngụy đều... hiện đại. Mỹ-cút hóa là con cháu tôi bây giờ học tiếng Mỹ thay vì tiếng Nga, như đảng đã bái bai Kinh Tế Tập Trung đói meo chạy theo Kinh Tế Thị Trường béo bở, bỏ đồng Rúp ông Liên Xô để úp mặt vào đồng Đô “đế quốc” Mỹ…

“Mỹ-cút hóa vì con gái rượu của Thủ tướng Dũng thiếu gì con trai của các nhà lão thành Cách Mạng gạ gẫm cưa kéo mà cứ một hai “em chả, em chả”, cứ nằng nặc đòi lấy bằng được thằng con Ngụy đã cút theo Mỹ ngày Mỹ cút; Mỹ-cút hóa đến nỗi mấy đứa cháu tôi bây giờ mừng sinh nhật cũng hát bài Hép-Pi-Bớt-Đê (Happy Birth Day), hễ mở miệng là Ô Kê Ô Gà! Ra phố thì cứ đòi uống Cô Ca, ăn thì Mạc-Đá-Nồ (McDonald), Bơ-Gơ-Kinh (Burger King), Ken-Tơ-Ky-Phờ-Rai-Trích-Cần (Kentucky Fried Chicken)... con quan CS chỉ toàn muốn du học Mỹ Tư Bản....”


Sau đó anh CGPQ còn tỏ ra khâm phục và ca tụng quân dân miền Nam:

“Chả dấu gì Anh, sau khi thống nhất đất nước, tôi khoái Miền Nam của anh quá xá rồi xin chọn nơi này làm quê hương luôn đó anh.

“…. nhờ ở lại Miền Nam, sống giữa đồng bào Miền Nam mà tôi đã chuyển biến từ sai lầm đáng tiếc căm thù khinh bỉ Ngụy thành khoái cụ tỷ Ngụy, bái phục văn hóa “đồi trụy” Ngụy, và nhất là Quân đội Miền Nam các anh có anh hùng Ngụy... Văn Thà, trong khi Thủ tướng Miền Bắc của chúng tôi tự cho mình là chân chính lại ký công hàm bán nước, dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho Tàu cộng…”

Phần cuối thư anh kết luận:

“….nhờ chiếm được Miền Nam mà Miền Bắc được giải phóng, sông có thể cạn núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy nay đã hiển nhiên không thể chối cãi.”

Nhà báo Huy Đức, tác giả “Bên Thắng Cuộc”:

Trong phần “Mấy lời của Tác Giả” cuốn “Bên Thắng Cuộc” HĐ cho biết sau ngày 30-04-1975 qua hình ảnh xe đò Phi Long từ miền Nam chạy ra Bắc đã khiến HĐ nhận ra được rằng dường như ở miền Nam có mức sống văn minh, phong phú và đa dạng:

“Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật giản đơn: mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe, cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra, con búp bê nhựa biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn.”

“Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh được các anh bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ chúng tôi biết một thế giời văn chương gần gũi hơn Rừng Thẳm Tuyết Dầy, Thép Đã Tôi Thế Đấy. Những chiếc máy Akai, radio cassette, được những người hàng xóm tập kết mang ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ, nhớ em, chứ không chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.”

Phan Huy, một thi nhân nổi tiếng ở miền Bắc:

Trong phần đầu bài “Cảm Tạ Miền Nam, PH viết:

“Tôi đã vào một xứ sở thần tiên
Nếp sống văn minh, dân khí dịu hiền
Cơm áo no lành, con người hạnh phúc.


Tôi đã ngạc nhiên với lòng thán phục
Mở mắt to nhìn nửa nước anh em
Mà đảng bảo là bị lũ nguỵ quyền
Áp bức, đoạ đày, đói ăn, khát uống.


Trước mắt tôi, một Miền Nam sinh động
Đất nước con người dân chủ tự do
Tôi đã khóc ròng đứng giữa thủ đô
Giận đảng giận đoàn bao năm phỉnh gạt.”

PH cũng đã mô tả cuộc sống ở miền Bắc cộng sản vô cùng tồi tệ:

“Sinh ra lớn lên sau bức màn sắt
Tôi chẳng biết gì ngoài bác, đảng "kính yêu"
Xã hội sơ khai, tẩy não, một chiều
Con người nói năng như là chim vẹt.


Mở miệng ra là: "Nhờ ơn bác đảng
Chế độ ta ưu việt nhất hành tinh
Đuốc soi đường chủ nghĩa Mac Lenin
Tiến nhanh tiến mạnh lên thiên đường vô sản.


Hai mươi mốt năm trên đường cách mạng
Xã hội thụt lùi người kéo thay trâu
Cuộc sống xuống thang tính bằng tem phiếu
Nhân phẩm con người chẳng khác bèo dâu.”

 Trong phần cuối bài thơ, PH kết luận, ngày 30-04-1975 là ngày miền Nam đã giúp cho nhân dân miền Bắc thấy được bộ mặt gian trá và độc ác của bè lũ cộng sản:

“Cảm tạ Miền Nam phá màn u tối
Để tôi được nhìn ánh sáng văn minh
Biết được nhân quyền, tự do dân chủ
Mà đảng từ lâu bưng bít dân mình.

Cảm tạ Miền Nam khai đường chỉ lối
Đưa tôi trở về tổ quốc thiêng liêng
Của Hùng Vương, quốc tổ giống Rồng Tiên
Chớ không là Cac Mac và Le nin ngoại tộc.

Cảm tạ Miền nam mở lòng khai sáng
Đưa tôi hội nhập cùng thế giới năm châu
Mà trước đây tôi có biết gì đâu
Ngoài Trung quốc và Liên xô đại vĩ

Cảm tạ Miền Nam đã một thời làm chiến sĩ
Chống lại Cộng nô cuồng vọng xâm lăng
Hầu giúp cả nước thoát bầy ác quỷ

Dù không thành công cũng đã thành danh.”

Trong một bài thơ khác “Tâm sự một đảng viên” PH cho biết sở dĩ ông theo đảng cộng sản là vì quá tin vào lời tuyên truyền của họ:

“Rằng đảng ta ưu việt nhất hành tinh

Đường ta đi, chủ nghĩa Mac Lê nin

Là nhân phẩm, là lương tri thời đại.”

“Rằng tại Miền Nam, ngụy quyền bách hại

Dìm nhân dân dưới áp bức bạo tàn

Khắp nơi nơi cảnh đói rách cơ hàn

Đang rên siết kêu than cần giải phóng.”

Khi vào tới miền Nam, ông nhận ra rằng, đời sống của ngươi miền Nam hoàn toàn khác hẳn so với lời tuyên truyền của bác và đảng:

“Đến Sài Gòn, tưởng say men chiến thắng

Nào ngờ đâu sụp đổ cả niềm tin

Khi điêu ngoa dối trá hiện nguyên hình

Trước thành phố tự do và nhân bản.”


Sau khi đã nhận ra đời sống thật sự của nhân dân miền Nam và sự gian trá, phỉnh gạt của bác Hồ và đảng Cộng, PH cảm thấy hổ thẹn với lương tâm và  đã khóc:

“Trên đường về, đất trời như sụp đổ

Tôi thấy mình tội lỗi với Miền Nam

Tôi thấy mình hổ thẹn với lương tâm

Tôi đã khóc, cho mình và đất nước.”

Tiến sĩ Lê Hiển Dương, nguyên hiệu trường Đại Học Đồng Tháp:

Vào ngày 30-04-1975, ông Dương còn là sinh viên của trường đại học sư phạm Vinh và sau đó ông được cho vào miền Nam với nhiệm vụ:

“…mang ‘ánh sáng’ văn hóa vào cho đồng bào miền Nam ruột thịt bao năm qua sống trong u tồi lầm than vì cứ liên miên bị Ngụy kềm Mỹ kẹp chứ đâu có học hành gì?”


Khi tới Thị trấn Cao Lãnh để nhận nhiệm sở, ông được cho ở tại khách sạn Thiên Lợi và đây là cảm nhận của ông khi sống trong khách sạn này:

“Chúng tôi đi từ choáng ngợp này đến choáng ngợp khác, bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi biết được thế nào là “Khách Sạn”, biết được thế nào là lavabo là hố xí tự hoại, bởi cả thành phố Vinh, cả tỉnh Nghệ An chúng tôi hay thậm chí cả miền Bắc XHCN lúc bấy giờ chỉ sử dụng hố xí lộ thiên, để còn dùng nguồn “phân Bắc” này để canh tác, để tăng gia sản xuất theo sáng kiến kinh nghiệm cấp nhà nước của đại tướng Nguyễn Chí Thanh...”

“Thậm chí ở xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên quê tôi lúc bấy giờ còn có cả những vụ án các tập đoàn viên, các hợp tác xã viên can tội trộm cắp phân bắc từ các hố xí của láng giềng để nộp cho hợp tác xã…”


Miền Bắc trước 1975

Từ nhận thức về mức sống cách biệt giửa hai miền Nam và Bắc, cùng những sự việc đã liên tiếp xẩy ra ở miền Nam sau ngày 30-04-1975, đã buộc ông Dương suy nghĩ:

“Tôi bắt đầu nghi ngờ với cụm từ “giải phóng miền nam” … Rồi những trận đổi tiền để đánh tư sản, rồi nhiều nhà cửa của đồng bào bị tịch biên, rồi hàng triệu đồng bào bắt đầu bỏ nước ra đi, nhiều giáo sinh của trường chúng tôi cũng vắng dần theo làn sóng đi tìm tự do đó… tôi bắt đầu hiểu đích thực ý nghĩa của cụm từ “giải phóng miền Nam” và bắt đầu cảm thấy xấu hổ cho bao nhiêu năm sống trong niềm ảo vọng mù quáng của bản thân… mà dù ở chừng mực nào cũng được xem là thành phần trí thức trong xã hội…”

Châu Hiển Lý (bộ đội tập kết)

Trong bài “Cả Nước Đã Bị Lừa” ông Châu Hiển Lý đã nhận định vế “chiến thắng 30 tháng 04” của đảng cộng sản Việt Nam như sau:

“Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát, về mọi mặt. "Tính hơn hẳn" của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc.”

Phần cuối bài ông Lý viết:

“Người dân chẳng còn một tí ti lòng tin vào bất cứ trò ma giáo nào mà chính phủ bé, chính phủ lớn, chính phủ gần, chính phủ xa đưa ra nữa. Họ nhìn vào ngôi nhà to tướng của ông chủ tịch xã, chú công an khu vực, bà thẩm phán, ông chánh án, bác hải quan, chị quản lý thị trường, kể cả các vị “đại biểu của dân” ở các cơ quan lập pháp “vừa đá bóng vừa thổi còi" mà kết luận: "Tất cả đều là lừa bịp!”

Sau cùng ông kết luận:

“Do đó XHCN sẽ được đánh giá như một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử VN. Con, cháu, chút, chít chúng ta nhắc lại nó như một thời kỳ ... đồ đểu ! vết nhơ muôn đời của nhân loại.”


Nhà báo Trần Quang Thành

Trong “Hồi Ức 30/4 của người Việt tại Đông Âu.” TQT, cựu phóng viên đài phát thanh Tiếng Nói và Truyền Hình cộng sản Việt Nam:

“Nhìn lại 40 năm cuộc chiến gọi là chống Mỹ cứu nước nhưng thực tế nó lại là một cuộc chiến về ý thức hệ của những người Cộng sản lừa dối nhân dân ta, thực tế nó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Những người chóp bu của Cộng sản đã lừa dối nhân dân Việt Nam và lừa dối cả nhân dân toàn thế giới. Họ kích động tinh thần dân tộc của người dân miền Bắc là: miền Bắc là tiền đồn phía Đông Nam Á của phe Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng thực chất bây giờ chúng ta mới hiểu đây là một cuộc chiến của những người Cộng sản Việt Nam tay sai cho 2 nước Cộng sản là Nga sô và Trung Cộng để mà thực hiện ý thức hệ Cộng sản bành trướng trên toàn thế giới  chứ không phải là một cuộc chiến tranh Vệ quốc như họ từng tuyền truyền là chống Mỹ xâm lược. Tôi thấy đó là một sự lừa dối và phản bội.»

Nhà văn Dương Thu Hương

Mới đây phóng viên Tường An, đài Á Châu Tự Do, đã có trao đổi với  nhà văn Dương Thu Hương về hồi ức của bà về ngày 30-04-1975:

PVTA: Thưa bà, cách đây đã lâu, trong một bài viết, bà có nói ngày 30/4, vào đến miền Nam bà đã ngồi trên vỉa hè và khóc. Nhân đây bà có thể giải thích về những giọt nước mắt ngày 30/4, 40 năm về trước không ạ ?

Bà DTH: Vào miền Nam tôi khóc vì sao? Là bởi vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ. Rất nhiều dân tộc văn minh bị tiêu diệt bởi một chế độ man rợ hơn, bởi vì họ hung hăng hơn. Họ (phía bên thua cuộc) có thể văn minh hơn về văn hoá nhưng họ kém về phương diện tổ chức quân sự.

Tóm lại qua cảm nghĩ và nhận thức của các nhân vật trên đây, người ta có thể có được những kết luận sau đây:

-      Nhân dân miền Nam có tự do, dân chủ và no ấm.

-      Nhân dân miền Bắc nghèo khó và phải kéo cày thay trâu và nhân phẩm ngang hàng với bèo dâu.

-      Nhờ giải phóng miền Nam, nhân dân miền Bắc thấy được ánh sáng văn minh và trở về quốc gia dân tộc.

-      Nhờ “giải phóng miền Nam” mà người dân miền Bắc biết về thế giới văn minh và hội nhập vào thế giới này.

-      Đời sống của người dân miền Bắc vào thập niên 1970 thê thảm và lạc hậu đến nỗi người dân phải tranh giành nhau từng cục “phân bắc” để nộp cho hợp tác xã.

-      Xã hội chủ nghĩa là một xã hội tồi tệ và được phơi bày rõ rệt qua sự nghèo khổ của nhân dân miền Bắc và là một thời đen tối nhất trong lịch xử Việt Nam.

-      Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thực chất chỉ là cuộc chiến của những người cộng sản Việt Nam làm tay sai cho Nga Sô và Trung Quốc.

-      Chế độ miền Bắc là một chế độ man rợ.

-      Chế độ miền Nam là một chế độ văn minh.

Tóm lại, qua những kết luận trên đây thiết tưởng cũng tạm đủ cho người ta thấy rõ là, ngày 30-04-1975 không thể gọi là ngày miền Bắc cộng sản giải phóng miền Nam tự do được, mà phải gọi ngược lại là ngày miền Nam đã giải phóng miền Bắc ra khỏi sự kìm kẹp, giam hãm và đô hộ của đảng Cộng Sản Việt Nam. Đồng thời cũng đã giúp nhân dân miền Bắc nhận ra được rằng, chế độ cộng sản là chế độ man rợ, chẳng những đã chọc thủng con ngươi của họ, mà còn đâm thủng luôn cả màng nhĩ của họ nữa, khiến họ không nghe được và không thấy được những xã hội văn minh và tiến bộ ở thế giới bên ngoài. Do đó, họ đang bị đảng Cộng Sản Việt Nam giam hãm, kìm kẹp và đọa đày trong một “nhà tù khổng lồ” song vẫn cứ tưởng là đang sống hạnh phúc tuyệt vời trong “thiên đường cộng sản văn minh nhất hành tinh”.

Một học sinh nhập viện vì bị đánh hội đồng

(TNO) Đó là em P.H.T.P, học sinh lớp 10C4 Trường THPT Lê Anh Xuân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).


P. đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Khoa Chiến

P. bị một nhóm 4 học sinh cùng trường bất ngờ xông vào đánh đập trong giờ ra chơi buổi sáng 28.3 khiến gia đình phải đưa đi nhập viện vào chiều cùng ngày.
Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) chẩn đoán em bị chấn thương phần gáy sau đầu và sưng mắt.

Ngày 30.3, tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên Online, ông Lê Phước Vang, Phó hiệu trưởng trường THPT Lê Anh Xuân xác nhận vụ việc này.

Theo ông Vang, Ban giám hiệu chỉ biết vụ việc sau khi được phụ huynh em P. phản ánh. Ngay sau đó, trường đã tìm hiểu qua em P. và các học sinh cùng lớp. Bước đầu, trường nghi vấn 4 học sinh đánh P. đang học lớp 12 tại trường. Tuy nhiên, qua làm việc, các học sinh này chưa nhận.

"Nhà trường sẽ tìm cho ra thủ phạm vụ này, nếu không ra, sẽ nhờ cơ quan thực thi pháp luật can thiệp, để có biện pháp xử lý thỏa đáng", ông Vang nói.
30/03/2015 20:17
Khoa Chiến

Băng rôn tại Việt Nam: Chính tác giả cũng không hiểu muốn nói gì

LẠNG SƠN (NV) - Một tấm băng rôn treo trên đường phố tại thành phố Lạng Sơn với một hàng chữ không ai hiểu tuyên truyền cho cái gì, kể cả tác giả.


Tấm băng rôn có hàng chữ không ai hiểu ý nghĩa hay chủ đích tuyên truyền ở thành phố Lạng Sơn. (Hình: Dân Trí)

“Để có hai miếng bít tết cần 15,000 lít nước” là tấm băng rôn treo ở đường Lê Lợi, thuộc phường Vĩnh Trại thành phố Lạng Sơn, được một số tờ báo như Đất Việt, Dân Trí, Người Đưa Tin đề cập hôm Thứ Bảy.

Theo tờ Đất Việt, hàng chữ vừa kể trên “khiến nhiều người đi đường và người dân địa phương khi đọc đều tỏ ra băn khoăn, vì không hiểu nội dung tuyên truyền là gì”, theo tờ Đất Việt. Thậm chí, như tờ Người Đưa Tin nói, có người cho đó là “công thức sản xuất và nấu ăn bít tết đúng quy chuẩn”.

Theo tờ Người Đưa Tin, thuật lại lời của một số cư dân phường Vĩnh Trại thì “Dòng chữ này đã xuất hiện hơn một tuần nay nhưng ai nhìn cũng không hiểu ý nghĩa tuyên truyền của nó là gì. Có người nói là công thức nấu món bít tết, có người lại cho rằng họ nói phét vì để làm hai miếng bít tết cần gì đến 15,000 lít nước, thậm chí, nhiều người không biết món bít tết là cái gì mà liên quan đến nước”.

Một người dân khác cho hay: “Dải băng rôn này thu hút sự chú ý của những ai đi qua đoạn đường này. Có người không tin còn kéo nhau đến xem và bàn luận. Có hôm, mải để ý đọc nội dung lạ trên đường, không ít người tự ngã xe vì không để ý phía trước”.

Báo Người Đưa Tin kể tiếp: “Để có hai miếng bít tết cần 15,000 lít nước” cũng thu hút sự chú ý của nhiều học sinh nhỏ. Nhiều em cũng cho rằng đó là công thức nấu ăn đúng khoa học của món bít tết. Một số thắc mắc và hỏi phụ huynh về ý nghĩa khẩu hiệu nhưng cha mẹ của các em cũng chịu bó tay vì không biết nói thế nào cho con”.

Trên tờ NĐT, ông Hà Ngọc Minh (Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa – Sở VH-TT-DL Lạng Sơn) nhìn nhận: “Nhìn vào nội dung thì khó hiểu thật, bản thân tôi cũng không thể giải thích được thông điệp muốn truyền tải là gì. Nếu nhìn vào thì chắc cũng chỉ nghĩ là cách sản xuất bít tết hoặc sự tiêu tốn nước trong hoạt động sản xuất thực phẩm.”

Rồi ông tự nhìn nhận “Để xảy ra vụ việc khó hiểu này cũng một phần lỗi do chúng tôi không kiểm soát chặt chẽ, còn buông lỏng trong việc quản lý tuyên truyền”.

Sau đó, nguồn gốc của chiếc băng rôn “lạ” được xác định là từ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Lạng Sơn. Một cán bộ phòng TN-MT Lạng Sơn giải thích trên tờ NĐT: “Chiếc băng rôn này là do cơ quan tôi treo theo văn bản chỉ đạo của Sở TN-MT Lạng Sơn về tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày nước thế giới 2015”.

Ông này giải thích, trong văn bản có đưa ra 8 thông điệp tuyên truyền trong đó có câu “Để có hai miếng bít tết cần 15,000 lít nước”. Ông thú nhận “Bản thân tôi khi đọc cũng không hiểu nội dung tuyên truyền này là gì” rồi hứa hẹn “sẽ rút kinh nghiệm trong những lần sau”.


Băng rôn tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình ở huyện Vũ Thư, Thái Bình. (Hình: Đất việt)

Trên các mạng xã hội, người ta truyền đi rất nhiều hình ảnh về các tấm băng rôn có nội dung buồn cười, sai chính tả, văn phạm, nội dung tuyên truyền một đàng thực tế một nẻo.

Chẳng hạn băng rôn tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích các cặp vợ chồng chỉ nên có tối đa 2 con của nhà cầm quyền huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình: “Mỗi gia đình có hai con vợ chồng hạnh phúc”.

Vì thiếu dấu phẩy sau chữ “con” cùng cách xuống dòng bất hợp lý, nội dung tuyên truyền đã bị nhiều người hiểu lầm thành: “Mỗi gia đình có hai con vợ. Chồng hạnh phúc”.


Băng rôn tuyên truyền sỉ nhục “người ít học”. (Hình: Người Đưa Tin)

Hồi đầu Tháng Giêng vừa qua, ngày 4/1/2015 cư dân thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tỏ ra tức giận khi nhìn thấy hàng loạt băng rôn in câu khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học" treo trên nhiều tuyến đường chính. Ngày hôm sau thì nhà cầm quyền địa phương phải gỡ bỏ. (TN)
03-29- 2015 4:38:19 PM

Hàng ngàn công nhân Công ty PouYuen tiếp tục đình công

Sáng 31.3.2015











FB https://www.facebook.com/quyenconnguoi?fref=photo

Vào lúc 9h30 sáng nay 31/3, khoảng 2000 Công nhân của Công ty TNHH Lạc Tỷ và trên 1000 Công nhân của Công ty Cổ phần Giày An Lạc, tọa lạc trên đường Tên Lửa, quận Bình Tân đã bắt đầu đình công để phản đối quy định mới về BHXH.


 Công nhân tụ tập trước Công ty giày Lạc Tỷ. Ảnh: Phan Cường
TP.HCM: Kẹt xe, ùn tắc nghiêm trọng trên Quốc lộ 1A do đình công
 Tuyến đường QL1A thuộc quận Bình Tân bị tê liệt nhiều giờ liền. Ảnh: Phan Cường
TP.HCM: Kẹt xe, ùn tắc nghiêm trọng trên Quốc lộ 1A do đình công
 Giăng băng rôn, kéo đoàn, kẹt cứng trên QL1A. Ảnh: Phan Cường






(TNO) Sáng 30.3, hàng ngàn công nhân Công ty PouYuen (quận Bình Tân, TP.HCM) tiếp tục đình công. 








Hàng ngàn công nhân Công ty PouYuen tiếp tục đình công - ảnh 1
Hàng ngàn công nhân đã tổ chức tuần hành ngay trong khuôn viên Công ty PouYuen, sau đó kéo ra khu vực cầu vượt trước công ty để tiếp tục tuần hành, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực này

Ghi nhận của PV Thanh Niên Online tại Công ty PouYuen, sáng 30.3, hàng ngàn công nhân vẫn vào công ty làm việc, nhưng không mở điện, không làm việc..

Sự việc trở nên nghiêm trọng khi đại diện lao động quận Bình Tân gặp gỡ, giải thích nhưng không được công nhân chấp nhận

Hàng ngàn công nhân đã tổ chức tuần hành ngay trong khuôn viên Công ty

PouYuen, sau đó kéo ra khu vực cầu vượt trước công ty để tiếp tục tuần hành, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực này.

Đến 10 giờ 40, các cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường vẫn chưa thể giải tỏa tắc nghẽn, trong khi công nhân tham gia tuần hành ngày càng đông

Ghi nhận trực tiếp của PV Thanh Niên Online  tại hiện trường, một số công ty khác trong Khu công nghiệp Tân Tạo cũng đã quyết định cho công nhân tạm nghỉ trong ngày hôm nay.

Hàng ngàn công nhân Công ty PouYuen tiếp tục đình công - ảnh 2

Hàng ngàn công nhân Công ty PouYuen tiếp tục đình công - ảnh 3

Hàng ngàn công nhân Công ty PouYuen tiếp tục đình công - ảnh 4
Đến 10 giờ 40 ngày 30.3, sự việc vẫn chưa được giải quyết

30/03/2015 10:53
Tin, ảnh: Trung Hiếu

Những người muốn ‘vùi chôn’ thương binh VNCH

Hiện nay cộng đồng người Việt tị nạn trên thế giới, không phải chỉ có hằng trăm mà hằng nghìn tổ chức và cá nhân đứng ra quyên góp tiền để giúp cho thương binh VNCH ở quê nhà.

Qui mô nhất ở Hoa Kỳ có Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh-VNCH, với sự yểm trợ nhiệt tình của Trung Tâm Asia và đài SBTN, đã tổ chức 8 lần đại nhạc hội ngoài trời, gây quỹ giúp thương binh. Ngoài ra, còn có Bác Sĩ Phạm Minh Hiển ở Pháp với các hoạt động gây quỹ yểm trợ các thương binh, Hội Bạn Thương Phế Binh VNCH Nam Úc với Bác Sĩ Ngô Anh Tuấn và nhiều tổ chức thiện nguyện khác mà chúng tôi không có đủ thông tin để trình bày ở đây.



Hình chụp tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. (Hình: website Namrom64)

Khiêm nhường hơn chúng ta đã có những Foundation nhỏ như Dương Lạc Foundation ở San José mỗi năm giúp được cho thương binh vài chục nghìn đồng. Chúng ta cũng không thiếu những gia đình hảo tâm, tự nguyện trực tiếp giúp cho một vài thương binh vào các dịp Lễ Tết.

Ở trong nước những năm gần đây, các đoàn thể tôn giáo cũng bắt đầu “không biết sợ” khi tập họp một số thương binh VNCH lại để phát quà hay khám bệnh, quan tâm đến đời sống và sức khỏe của anh em đã hy sinh một phần thân thể của mình trong cuộc đấu tranh chống Cộng Sản xâm lăng.

Ngoài những tổ chức phát quà từ thiện, Hòa Thượng Thích Không Tánh còn tổ chức những buổi gặp gỡ gọi là “Tri ân Quý Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa” (TPB-VNCH). Khi các cơ quan tôn giáo “không biết sợ” thì chính quyền Cộng Sản bắt e dè. Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết ông cùng các chức sắc Phật Giáo, Cao Đài, Tin Lành, đã bị giới chức trách tỉnh Thừa Thiên Huế trục xuất khỏi địa bàn tỉnh lúc nửa đêm 14 tháng 3, 2015 với lý do mơ hồ là, “Nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên có quyền trục xuất người ra khỏi tỉnh.”

Cũng trong chiến dịch “Tri Ân,” Dòng Chúa Cứu Thế Saigon trong thời gian qua đã nhiều lần tổ chức những buổi khám bệnh, dùng cơm, phát quà, tổ chức mổ mắt cho thương binh VNCH gọi là để chia xẻ, nâng đỡ tinh thần và vật chất cho anh em.

Những nhà hảo tâm ở hải ngoại của chúng ta không phải là nhưng người làm việc không suy nghĩ, cẩu thả, trong việc kiểm soát hồ sơ của các thương binh. Phần lớn họ là cựu quân nhân hay có gia đình liên hệ đến cuộc chiến, có kiến thức về quân sự và hiểu biết về tình trạng của những thương binh VNCH.

Số thương binh miền Nam còn quá nhiều, dù sự giúp đỡ của chúng ta, từ các cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại, có cố gắng bao nhiêu chăng đi nữa, cũng chỉ mang lại cho anh em thương binh, một món quà an ủi khiêm nhường, chứ không hề nuôi sống được ai.

Cũng có thể một thương binh ở Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của nhiều nguồn, cũng có những thương binh, khi tình cờ được một du khách thăm hỏi, đã trả lời chưa hề nhận được sự giúp đỡ của bất cứ ai.

Sở dĩ chúng tôi phải nói dài dòng như vậy là vì chuyện thương binh VNCH là chuyện “việc thật, người thật.” Thương binh VNCH là những người còn sống, có thể tiếp xúc được, có giấy tờ chứng minh lai lịch, không phải là những bóng ma hư ảo, mà các cơ quan thiện nguyện đã hết lòng vì thương binh, phải đốt vàng mã, hay “đô la âm phủ” về cho họ.

Gần đây có một số người chủ trương và tung tin, “Thương binh VNCH chết hết rồi, bốn mươi năm qua, giờ đây còn có ai là thương phế binh nữa! Đó chỉ là thương binh giả, thương binh ma và thương binh Việt Cộng!”

Ngồi trước mặt tôi là một nhân vật có chút tiếng tăm trong cộng đồng, một cựu quân nhân. Anh nói thẳng với tôi, vẫn ý trên, và kết luận, “Bây giờ không còn ai là thương phế binh VNCH nữa!”

Tôi hỏi lại anh, “Anh và tôi đều cựu quân nhân được may mắn sang đây! Năm nay anh đã 73 tuổi và tôi gần 79. Anh và tôi còn sống, vì sao những thương binh cùng lứa tuổi anh với tôi lại phải chết hết. Không phải vì họ nghèo, tuyệt vọng mà bốn mươi năm nay. không còn ai hiện diện trên trái đất này!

Có những người thương binh miền Nam trẻ nhất, 18 tuổi, mới nhập ngũ đầu tháng 4, 1975, bị thương tật, cộng với 40 năm nay, họ chỉ mới 58 tuổi, còn trẻ hơn anh 15 tuổi, nhỏ hơn tôi 21 tuổi. Tôi và anh còn sống sờ sờ ra đây, sao anh bắt họ phải chết!”

Một phụ nữ tôi không biết mặt, đã điện thoại nói với tôi, “Tôi sợ các thương phế binh mà các anh giúp đỡ là thương phế binh ma và thương binh Việt Cộng!” và cũng trở lại điệp khúc, “Giờ này làm gì còn thương phế binh VNCH!”

Tôi không trách người đàn bà này, có thể bà không biết nhiều về quân đội hay có liên hệ gì với cuộc chiến đã đổ bao nhiêu xương máu vừa qua, nhưng tôi không chấp nhận người đồng ngũ với tôi đã tàn nhẫn phủ nhận sự sống còn của hơn 10,000 hay hơn thế nữa, người thương phế binh VNCH vẫn còn hiện diện nơi quê nhà của chúng ta.

Tôi cay đắng cho đây là thái độ muốn “vùi chôn” anh em thương phế binh của chúng ta.

Quên đi rồi, có nghĩa là phủi tay, không có trách nhiệm gì nữa, không mất đi một đồng bạc nào vì cái ý nghĩ, “Giờ này làm gì còn thương phế binh VNCH!”

Tôi nghĩ viên cựu sĩ quan này, người vẫn còn thường thích mặc áo trận trong các dịp lễ lạt, không lẽ không còn một người lính dưới quyền nào sống sót đang ở Việt Nam? Có chăng thì ông cũng phủ nhận sự sống đó. Nhận họ còn sống, có nghĩa là còn nhận lấy trách nhiệm với anh em đồng đội của mình. “Vùi chôn” họ có nghĩa là quay mặt với những sự thật, với nỗi khổ đau có thật của “bạn bè” mình.

Chỉ cần gõ cửa một cơ quan thiện nguyện, đưa ra một tên người và một số quân, mà ông ta nghĩ rằng là “ma” để xem hồ sơ, và nếu cần tiếp xúc qua điện thoại, để gặp người thương binh bên kia đường dây ở Việt Nam. Có nhiều người hành động theo cảm tính, và định kiến, mà không cần nghe, cần thấy những điều gì gọi là sự thật.

Cuối tháng 4, 1975, quân đội miền Nam đã bị bức tử. Cộng Sản cũng không bao giờ muốn nhắc đến mấy tiếng Việt Nam Cộng Hòa. Chuyện người Việt trên cả thế giới giúp thương phế binh VNCH cũng là điều chính phủ Cộng Sản Việt Nam không hề muốn. Tôi chưa vội trách họ, những người vẫn coi chúng ta là kẻ thù. Tôi trách những người đã từng cầm súng như những anh em thương binh của chúng ta, và những kẻ hoàn toàn không có kiến thức, đang muốn “vùi chôn” những người vốn đang dở chết, dở sống!


Theo Người Việt-03-29-2015 2:23:45 PM
Tạp ghi Huy Phương

Đà Nẵng: Những biến cố lịch sử

(Trình bày tại San Jose ngày 29-3-2015)

Địa danh Đà Nẵng 

Địa danh Đà Nẵng gốc từ tiếng Chiêm (Chàm, Chăm), có thể có trước khi người Việt đến Đà Nẵng. Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân tặng vua Đại Việt hai châu Ô và Ri (hay Lý) trong phần sính lễ đám cưới với công chúa Huyền Trân. Hai châu nầy ngày nay tương đương với vùng đất từ Quảng Trị vào đến quận Điện Bàn, trong đó có Đà Nẵng.

Trong sách Ô châu cận lục, Dương Văn An viết năm 1555 rằng tại Đà Nẵng, có đền thờ Nguyễn Phục, một công thần bị chết oan khi vua Lê Thánh Tông nam chinh đánh Chiêm Thành năm 1471. (Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Bùi Lương dịch, Sài Gòn: Nxb. Văn Hóa Á Châu, 1961, tr. 73.) Đà Nẵng có đền thờ Nguyễn Phục năm 1471 thì địa danh Đà Nẵng phải có trước đó. 

Trong tiếng Chiêm, có ba chữ liên hệ đến địa danh Đà Nẵng. Đó là đarăk (bờ biển, bãi biển), đanăk (sông lớn), đanăng (bến sông, bến tàu). (Nguyễn Hy Vọng, Từ điển ngồn gốc tiếng Việt, California: Nxb. Đất Việt, 2014, tr. 362.) 

Đà Nẵng, chiến công đầu tiên 

Đà Nẵng đi vào lịch sử lần đầu tiên trong trận chống đánh liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng đầu tiên ngày 1-9-1858 do phó đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy. “Tai nghe súng nổ cái đùng,/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng anh ơi.”(ca dao) Quân Pháp chiếm các đồn ven biển, nhưng bị quân Việt do Nguyễn Tri Phương chỉ huy, chận đứng. Genouilly để lại lực lượng giữ các đồn đã chiếm ở Đà Nẵng, rồi kéo quân vào đánh Gia Định. (Vũng Thùng là Đà Nẵng.)

Tuy chiếm được thành Gia Định, nhưng Genouilly lại phải trở ra Đà Nẵng vì quân Pháp ở Đà Nẵng bị quân Việt uy hiếp và đẩy lui. Ngày 7 và 8-5-1859, Genouilly tấn công lần nữa nhưng Đà Nẵng vẫn đứng vững. Lúc đó, Genouilly bị bệnh phải về Pháp, phó để đốc Joseph Page lên thay từ 1-11-1859. 

Ngày 18-11-1859, Page tấn công đồn Chơn Sảng, phía nam chân đèo Hải Vân. Tuy Pháp chiếm được Chơn Sảng, nhưng một trung tá Pháp bị tử thương, và quân Pháp bị chận đường ra Huế. Sau trận nầy, Page được lệnh rút hết quân Pháp vào Sài Gòn. Về phía Việt Nam, dầu bị thiệt hại khá nặng, Đà Nẵng vẫn đứng vững, chận đứng được đợt tấn công đầu tiên của quân Pháp. 

Đà Nẵng, nhiều lần đổi chủ

* Pháp bảo hộ Việt Nam năm 1884. Bốn năm sau, Pháp áp lực vua Đồng Khánh ký sắc dụ ngày 26 tháng 8 năm mậu tý (1-10-1888), nhượng ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa. Pháp trực tiếp cai trị Đà Nẵng theo luật lệ Pháp. Khi mới đến nước ta, các giáo sĩ Âu Châu gọi Đà Nẵng là Touron, Turon, Touraon. Từ nay người Pháp gọi Đà Nẵng là Tourane.

* Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập ngày 11-3. Đà Nẵng trở về với chính quyền Việt và vị thị trưởng đầu tiên được chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm là Nguyễn Khoa Phong. 

* Cũng trong năm 1945, Việt Minh cộng sản cướp chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị. Việt Minh đổi Đà Nẵng thành Thành phố Thái Phiên. Tuy nhiên văn hóa Việt Nam không có thói quen dùng tên danh nhân đặt tên thành phố, nên dân chúng vẫn dùng tên Đà Nẵng.

* Tháng 11-1946, Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, rồi từ đó mở đường ra Huế. Đà Nẵng trở lại chế độ do Pháp trực trị cho đến năm 1949. 

* Quốc trưởng Bảo Đại thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam sau hiệp địnhÉlysée ngày 8-3-1949. Đà Nẵng do chính quyền Việt Nam điều khiển. Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, Đà Nẵng nằm dưới vĩ tuyến 17, vẫn thuộc về chính thể Quốc Gia Việt Nam. Đà Nẵng không thay đổi, ngoại trừ dân số Đà Nẵng tăng vọt bất thường sau năm 1954 vì đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, đến lập cư tại Đà Nẵng. 

Quân Mỹ vào Đà Nẵng

Từ năm 1954, Hoa Kỳ viện trợ và gởi chuyên viên đến giúp QGVN rồi VNCH, nhưng không gởi lực lượng chiến đấu trên bộ. Ngày 2-8-1964 xảy ra biến cố Vịnh Bắc Việt: khu trục hạm Maddox (Hoa Kỳ) tuần thám bờ biển BVN, trong hải phận quốc tế, đến phía đông bắc đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), thì bị ba ngư lôi đĩnh BVN tấn công. Không quân Hoa Kỳ liền trả đũa, oanh tạc sâu vào lãnh thổ BVN. Ngày 7-8-1964, quốc hội Hoa Kỳ thông qua “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”, giao cho tổng thống Hoa Kỳ dùng tất cả các biện pháp cần thiết để đánh trả, nghĩa là cho phép ông có thể đưa quân sang Việt Nam chiến đấu.

Do hoạt động của Không quân Hoa Kỳ càng ngày càng gia tăng, phi trường Đà Nẵng được dùng làm nơi xuất phát các phi cơ bay đi oanh tạc Bắc Việt Nam (BVN). Theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Maxwell Taylor vận động với thủ tướng Phan Huy Quát và hai bên Việt Mỹ thỏa thuận miệng để cho Hoa Kỳ đưa hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mỹ đến Đà Nẵng. 

Ngày 8-3-1965, tiểu đoàn 9 TQLC Mỹ đổ bộ đầu tiên vào bãi biển Nam Ô, phía tây Đà Nẵng. Từ đó quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Cũng từ đó xã hội Việt Nam thay đổi lớn lao vì sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Đà Nẵng, những cuộc biểu tình 

Tại Đà Nẵng, trong cuộc biểu tình ngày 25-8-1964 chống Hiến Chương Vũng Tàu của trung tướng Nguyễn Khánh, xảy ra xô xát giữa đoàn biểu tình gồm hàng ngàn Phật tử một bên, với tự vệ làng Thanh Bồ một bên. Làng Thanh Bồ gồm đa số tín đồ Ky Tô giáo di cư, gần bờ biển Thanh Bình. Kết quả làm 11 người chết, 42 người bị thương. (Chính Đạo, Tôn giáo và chính trị: Phật giáo 1963-1967, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 119.)

Một cuộc biểu tình sôi động khác tại Đà Nẵng kéo dài nhiều ngày khi trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật bị Hội đồng Quân lực cất chức ngày 11-3-1966. Hôm sau, 12-3, cuộc biểu tình bộc phát tại Đà Nẵng, rồi lan ra Huế ngày 13-3. Lúc đó, thị trưởng Đà Nẵng (bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn) và tư lệnh Đặc khu Quảng Đà (đại tá Đàm Quang Yêu) tuyên bố ly khai với chính phủ trung ương, làm cho tình hình thêm rối loạn. 

Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ gởi ra Đà Nẵng 3 tiểu đoàn TQLC do đại tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy, 1 tiểu đoàn Nhảy Dù và 1 biệt đoàn Cảnh sát Dã chiến. (Biệt đoàn CSDC khoảng 1,000 người.) Quân chính phủ bị lực lượng ly khai chận ở phi trường. Lực lượng ly khai gồm tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân, 1 trung đoàn của Sư đoàn 1 và 1 trung đoàn của Sư đoàn 2. Khu trục cơ của chính phủ xuất hiện trên không phận Đà Nẵng, đe dọa quân ly khai, thì tướng Lewis Walt, tư lệnh TQLC Hoa Kỳ tại Vùng I phản đối. (Nguồn tin từ cựu đại tá Trần Minh Công.)

Sau những cuộc thương thuyết tại Sài Gòn, cũng như tại Đà Nẵng, phía quân ly khai rút lui, thì ngày 15-5-1966, quân chính phủ chiếm Bộ tư lệnh Quân đoàn I. Khi lực lượng Nhảy dù, TQLC và CSDC xuất hiện ở Đà Nẵng, lực lượng ly khai yếu thế dần. Ngày 23-5-1966, nhóm ly khai tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng (trên đường Ông Ích Khiêm) hạ khí giới. Thị trưởng Mẫn bị bắt. Đại tá Yêu cũng bị bắt ngày 25-5-1966. Đà Nẵng trở lại ổn định dần dần. Sau khi một số tướng lãnh thay đổi nhau, thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Sư đoàn II BB, lên nhận chức tư lệnh QĐ I ngày 31-5-1966.

Đà Nẵng trong tết Mậu Thân

Tối giao thừa giữa hai năm Đinh Mùi và Mậu Thân, tức tối 29 rạng 30-1-1968, quân cộng sản (CS) pháo kích vào phi trường Non Nước và phi trường Đà Nẵng. Sau 3 giờ sáng mồng 1 Tết (30-1-1968), CS đột nhập bộ Tư lệnh QĐI ở Đà Nẵng (gần phi trường). Các đợt tấn công nầy bị đẩy lui tức khắc. Quân CS còn tìm cách tấn công bộ chỉ huy Đặc khu Quảng Đà ở góc hai đường Độc Lập và Thống Nhất. Cộng sản cũng không thành công. Cộng sản còn sách động dân chúng tập họp trước chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng trên đường Ông Ích Khiêm, liền bị giải tán ngay. 

Tuy ít bị thiệt hại, nhưng Đà Nẵng vẫn bị xáo trộn vì đồng bào từ Quảng Trị, Huế và Tam Kỳ, Hội An đến tỵ nạn đông đảo. Sau khi CS bị đẩy lui, có nhiều đồng bào muốn ở lại Đà Nẵng sinh sống. Vì vậy sau cuộc tấn công Mậu Thân của CS, dân số Đà Nẵng tăng vọt vì chiến tranh.

Trong cuộc chiến “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, Đà Nẵng không bị tấn công. Chỉ có đồng bào các tỉnh lân cận chạy đến tỵ nạn. 

Đà Nẵng và trận Hoàng Sa (19-1-1974) 

Trận Hoàng Sa diễn ra ngày 19-1-1974. Ở đây chỉ xin nhắc lại rằng khi tình hình Hoàng Sa căng thẳng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có mặt ở Đà Nẵng. Tư lệnh Vùng I Duyên hải (V1DH), phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trực tiếp trình bày tình hình với tổng thống Thiệu tại Bộ tư lệnh V1DH ở Sơn Chà ngày 17-1-1974. Tổng thống Thiệu liền viết tay tại chỗ chỉ thị cách đối phó cho tư lệnh V1DH. Trận đánh không thành công, nhưng Hải quân VNCH đã ghi lại một trang sử chống ngoại xâm anh dũng vẻ vang.

Nhân đây, cũng xin thêm một tài liệu về Hoàng Sa: Năm 1949, Trung Cộng (TC) chiếm lục địa Trung Hoa. Trung Hoa Quốc Dân Đảng (THQDĐ) di tản qua Đài Loan. Sau đó, TC đánh đảo Hải Nam. Quân THQDĐ ở Hải Nam chạy xuống đảo Bạch Long Vỹ, gần Hải Phòng. Lúc đó, Bạch Long Vỹ thuộc QGVN. Sau hiệp định Genève (20-7-1954}, Bạch Long Vỹ ở phía bắc vĩ tuyến 17, thuộc CSVN. Năm 1955, TC lấy cớ dẹp quân THQDĐ, tấn công Bạch Long Vỹ. Cuộc thương thuyết giữa BVN và TC đi đến thỏa thuận rằng TC giao Bạch Long Vỹ cho BVN năm 1957, và ngược lại BVN giao Hoàng Sa cho TC.(1) Bạch Long Vỹ là hòn đảo Việt Nam. Thế mà CSVN không đủ sức bảo vệ để TC cướp giựt, rồi phải trao đổi bằng một đảo khác. Sau đó, Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958 chính thức công khai xác nhận lại việc giao Hoàng Sa và Trường Sa cho TC. Từ đó, TC dần dần thôn tính Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây nhất, ngoại trưởng TC Vương Nghị tuyên bố trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 8-3-2015 rằng TC xây thêm đảo ở Trường Sa không xâm phạm lãnh thổ của nước khác mà chỉ “xây dựng trong chính sân nhà của mình”. Cả thế giới phản đối, trừ CSVN. Bộ Ngoại giao CSVN còn hủy bỏ cuộc họp báo thường kỳ sau đó vì sợ bị chất vấn.

Đà Nẵng ngày 29-3-1975 

Sau hiệp định Paris (27-1-1973), trong khi Hoa Kỳ rút quân, cắt giảm viện trợ cho NVN, thì Liên Xô tăng viện trợ gấp 4 lần cho BVN. Quân CS mở nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ, chiếm Phước Long (thuộc Quân khu III) vào đầu tháng 1-1975, rồi đánh Ban Mê Thuột, Pleiku tháng 3-1975 (thuộc Quân khu II). Quân đoàn II VNCH rút lui thất bại. 

Tại Quân khu I, ngày 23-3-1975, CS pháo kích vào Huế. Dân chúng hoang mang, kiếm cách di tản. Tối 25-3, trung tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh cho SĐ I BB, các lữ đoàn TQLC và các đơn vị chung quanh Huế rút về Đà Nẵng. Ngày hôm sau (26-3), CS làm chủ Huế. Đường bộ từ Huế vào Đà Nẵng bị cắt đứt.

Quân đội VNCH và dân chúng di tản từ Huế vào Đà Nẵng bằng đường biển. Cộng sản pháo kích các địa điểm tập trung quân, các cửa biển, nhất là Cửa Thuận (Huế) và cửa Tư Hiền (Cầu Hai). Hỗn loạn xảy ra. Cuộc triệt thoái chỉ đem về Đà Nẵng được 1/3 tổng số quân. 

Tại phía nam QK I, CS chiếm hai quận Tiên Phước và Hậu Đức tỉnh Quảng Tín cùng một lần vào ngày 10-3-1975. Trung tướng Trưởng ra lệnh di tản các quận Sơn Trà và Trà Bồng, cũng như các tiền đồn ở xa Quảng Ngãi. Ngày 24-3-1975, CS chiếm Tam Kỳ. Hôm sau (25-5), trước áp lực của CS, tướng Trưởng ra lệnh SĐ 2 BB và tiểu khu Quảng Ngãi di tản ra Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) ngoài Biển Đông. Từ Chu Lai, ngày 25-4, các đơn vị VNCH cũng được di tản và khoảng 7,000 binh sĩ về tới Đà Nẵng.

Ngày 27-3, các đơn vị quân đội VNCH ở bắc và nam QK I hầu như tập trung hết về Đà Nẵng. Chiều 28-3, tiểu khu Quảng Nam ở Hội An, gần Đà Nẵng thất thủ. Tối hôm đó (28-3), trung tướng Trưởng liên lạc với tổng thống Thiệu và được lệnh di tản. Sau cuộc điện đàm, trung tướng Trưởng liền ra lệnh triệt thoái khỏi Đà Nẵng. 

Tối 28-3-1975, chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh SĐ 1 BB bị tử nạn máy bay. Sáng 29-3-1975, từ căn cứ Non Nước, trung tướng Trưởng lên được chiến hạm HQ 402, rồi chuyển qua HQ 404 để xuôi nam. Ngoài trung tướng Trưởng, các tướng lãnh cuối cùng rời Đà Nẵng sáng 29-3 là thiếu tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh SĐTQLC, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh Hải quân V1DH, chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, tư lệnh Sư đoàn I Không quân, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, tư lệnh SĐ 3 BB. 

Trong lúc đó, ngày 27-3, nhiều cánh quân CS bao vây Đà Nẵng, các chiến xa CS xuất hiện. Ngày 28-3, CS siết chặt vòng vây, pháo kích vào phi trường, bộ Tư lệnh SĐ 3 (ở Hòa Khánh, Quảng Nam, gần Đà Nẵng), hải cảng Tiên Sa (tức Sơn Trà), bộ Tư lệnh TQLC ở Non Nước, bộ Tư lệnh V1DH. Quân CS tràn vào thành phố Đà Nẵng sáng 29-3-1975. Quân khu I lọt vào tay CS. 

Đà Nẵng sau 30-4-1975 

Sau ngày 30-4-1975, CSVN sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam thành tỉnh QN-ĐN. Đà Nẵng trở thành tỉnh lỵ của tỉnh nầy. Cũng như trên toàn quốc, CS bắt sĩ quan, công chức cao cấp đi tù cải tạo dài hạn không tuyên án, thi hành chính sách kinh tế chỉ huy, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản, cướp các cơ sở kinh tế tư nhân bằng kế hoạch công tư hợp doanh, xua đuổi dân chúng đi kinh tế mới để cướp nhà…

Từ 1-1-1997, CSVN tách riêng Đà Nẵng và đặt trực thuộc trung ương. Vào đầu những năm 2000, Đà Nẵng phát triển mạnh mẻ. Đặc biệt hai viên tổng bí thư đảng CS kiêm chủ tịch nước TC là Giang Trạch Dân (ngày 28-2-2002) và Hồ Cẩm Đào (ngày 15-11-2006) đều đến thăm Đà Nẵng. Từ đó, hai câu hỏi cần được đặt ra: TC mưu tính gì đàng sau hai cuộc viếng thăm bất thường nầy? Phải chăng hai cuộc viếng thăm nầy liên hệ đến việc nhà nước trung ương CSVN hậu thuẫn cho sự phát triển Đà Nẵng? Nếu trung ương CSVN không đồng ý, thì chắc chắn Đà Nẵng không được phép phát triển.

Kết luận 

Sơ lược những sự kiện trên đây cho thấy Đà Nẵng giữ một vị trí chiến lược quan trọng tại miền Trung nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Chẳng những Pháp, mà cả đến Tàu cũng dòm ngó Đà Nẵng.

Khi đất nước bị chia hai năm 1954, Đà Nẵng là tiền đồn canh chừng và ngăn chận CS Bắc Việt Nam. Năm 1968, CS chiếm Huế. Đà Nẵng đứng vững và tiếp ứng giải cứu Huế. Năm 1972, CS chiếm Quảng Trị, đe dọa Huế, Đà Nẵng trở thành hậu phương cho quân đội VNCH tiến ra đẩy lui quân CS. Năm 1975, khi Đà Nẵng bị lọt vào tay CS thì các tỉnh miềm Trung không còn đứng vững.

Tuy giới lãnh đạo VNCH chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự thất bại, nhưng số phận đất nước chúng ta đã bị các cường quốc chi phối theo đường lối chính trị giai đoạn của họ trong chiến tranh lạnh toàn cầu. Tệ hại nhất là CSVN cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, chỉ vì tham vọng độc tài toàn trị, nên mới gây ra chiến tranh trong 30 năm dài. Ngày nay CSVN còn âm mưu bán nước cho TC để duy trì địa vị.

Kể từ ngày 29-3-1975, những người có điều kiện và phương tiện rời Đà Nẵng, thoát khỏi chế độ CS. Người Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam nói chung, dầu đi ra nước ngoài, vẫn luôn luôn mang theo trái tim Việt Nam và quyết tâm tiếp tục tranh đấu nhằm quang phục quê hương. Lần nầy, không còn súng đạn, không còn cách nào khác hơn, thì người Việt chúng ta tranh đấu bằng chính trị bất bạo động.

Cuộc tranh đấu bất bạo động bảo vệ dân quyền và nhân quyền do Phan Châu Trinh khởi xướng từ đầu thế kỷ 20, nay ứng dụng trở lại trong trào lưu dân chủ hóa toàn cầu, không phải là không có kết quả. Có hai sự kiện chúng ta cần chú ý về kết quả tranh đấu bất bạo động:

Thứ nhứt, một trong những tác nhân mạnh mẽ khiến chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách, rút quân khỏi Việt Nam là phong trào phản chiến bất bạo động và truyền thông Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ không thất bại trên chiến trường, nhưng đã thua từ trên đất Mỹ.

Thứ hai, xin mọi người thử nhớ lại xem. Khi ra đi năm 1975, mấy ai nghĩ rằng dưới chế độ CS độc tài sắt máu, Việt Nam lại thay đổi như ngày nay? Sự thay đổi nầy không phải tự nhiên mà có. Nếu người Việt hải ngoại không bám sát tình hình Việt Nam, nếu người Việt hải ngoại không vận động liên tục khắp năm châu, đánh động dư luận thế giới, áp lực về mọi mặt (chính trị, kinh tế, viện trợ…) và yểm trợ anh chị em trong nước đòi hỏi dân chủ, thì CSVN vốn bảo thủ, ngoan cố, tham quyền cố vị, đời nào CSVN chịu mở cửa dần dần từ năm 1985? 

Ngày nay, nếu chúng ta tận dụng sức mạnh của các phương tiện truyền thông tân tiến, kiên nhẫn vận động bất bạo động, như Phan Châu Trinh trước đây, đòi hỏi dân quyền, nhân quyền, vận động dân khí tức tinh thần dân chúng, ủng hộ các phong trào dân chủ quốc nội, vạch trần tội phản quốc của CSVN, chắc chắn sẽ đưa đến những thay đổi mới hoặc nhân dân Việt Nam trong nước sẽ vùng lên giải thể chế độ CS. 

Trong khi đó, ở trong nước, càng ngày CSVN càng phơi bày bản chất gian manh, tham nhũng, bán nước nên dân chúng không còn sợ hãi như trước đây. Dân khí tức tinh thần dân chúng đang trổi dậy, nhất là với sự hỗ trợ của người Việt hải ngoại và dư luận thế giới. Những vụ dân oan khiếu kiện, những bloggers đòi hỏi dân chủ, những cuộc biểu tình chống TC, tuy hiện nay chỉ là những đóm lửa nhỏ đơn lẻ, nhưng sẽ đến lúc có thể làm bùng lên thành cuộc cách mạng dân chủ, nếu tâm lý quần chúng được chuẩn bị đầy đủ hơn và sẵn sàng cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi. 

Xin mọi người, hãy ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất những cuộc tranh đấu bất bạo động hiện nay ở trong nước để giải thể chế độ CS, thoát khỏi cảnh lệ thuộc TC. Cuộc vận động chính trị bất bạo động là một tiến trình lâu dài. Xin hãy kiên nhẫn liên tục vận động, vì lịch sử cho thấy rằng chính nghĩa dân tộc, tự do, dân chủ chắc chắn sẽ tất thắng.

(San Jose, 29-3-2015)