Thursday, May 11, 2017

Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt, ai ưu thế?

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA_11/05/2017
Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)

Một nguồn tin khả tín cho biết kỳ Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt sắp diễn ra, có thể vào tháng Năm hoặc tháng Sáu năm 2017. Nhưng vào lần này, Hà Nội không còn nắm thế chủ động về thời gian, địa điểm và các điều kiện trả treo nhân quyền để đổi lấy lợi ích thương mại và ngoại giao như nhiều lần trước đây trước Washington.
Mặc kệ Việt Nam!
Thông tin về Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt xuất hiện sau chuyến đi Mỹ gặp Ngoại trưởng Rex Tillerson của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh vào cuối tháng 4/2017, với hai kết quả đáng chú ý nhất: Washington chuyển thư của Tổng thống Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chứ không phải Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thăm Hoa Kỳ; phía Mỹ không có một từ nào đề cập với Phạm Bình Minh về hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ - nhu cầu quá thiết thân được giới chóp bu Việt Nam đặt lên ưu tiên hàng đầu trong chính sách đu dây chính trị và làm tất cả để giữ được “sự tồn vong của chế độ”, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội tụ khá nhiều dấu hiệu khủng hoảng.
Chuyến đi của Phạm Bình Minh lại là bước tiếp nối của động tác công khai gợi ý “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng đi thăm Mỹ” được trang facebook của Chính phủ Việt Nam “bắn” lên mạng xã hội vào đầu tháng 3/2017, trong bối cảnh mà khác hẳn với thời tiền nhiệm Obama, Trump chưa có bất cứ biểu hiện gì tỏ ra quan tâm đến vấn đề Việt Nam. Trong lúc thậm chí còn không nhắc đến Cam Ranh, Trump lại ưu ái xếp Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại” mà đã khiến Mỹ phải nhập siêu lớn cùng đe dọa những biện pháp “sẽ xử lý những nước này”.
Giới chóp bu Việt Nam - thường được dung dưỡng bởi tệ sĩ diện tự tôn “Mỹ cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Mỹ” và thói trả treo nhân quyền, hẳn đã phải chịu hai lần choáng váng và thất vọng. Lần thứ nhất là cái cách mà Donald Trump đã vượt qua Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà đã khiến sai lệch rất cơ bản dự đoán của Hà Nội về một đối thủ “dễ biết và dễ chơi” sau Obama. Còn lần thứ hai có thể giống như tâm thế bất cần của Trump: mặc kệ Việt Nam!
Bóng đuổi hình
Trò chơi hình và bóng lại tiếp diễn, nhưng theo cách ngược lại. Nếu chỉ nửa năm trước vẫn còn là tâm trạng một nước Mỹ chủ xướng chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương và do đó đặc biệt cần lôi kéo Việt Nam vào vòng cung đồng minh của mình, thì nay chính sách đó lại trở nên không mấy dứt khoát để khiến Việt Nam lại cần đến Mỹ hơn bao giờ hết, nhất là làm sao để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm để bù đắp cho hơn 50 tỷ USD Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc cứ sau 12 tháng.
Cái thế tương quan khá chênh biệt trên đã làm cho giới chuyên gia phân tích chính trị dự đoán rằng thể nào cũng có một nội dung tranh luận về nhân quyền tại Việt Nam trong cuộc gặp Tillerson - Phạm Bình Minh tại Washington. Rốt cuộc, câu chuyện này đã xảy ra đúng như thế.
Sau chuyến “tiền trạm” Mỹ, Phạm Bình Minh trở về Việt Nam, chuyển thư của Trump mời Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ vào cuối tháng 5/2017 chứ không phải vào đầu tháng 5/2017 như một thông tin xuất hiện trước đó, nhưng không đả động gì về Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ. Cùng khi đó, bối cảnh chính trị - xã hội Việt Nam lần đầu tiên nổ ra cuộc khủng hoảng mang tên Đồng Tâm, một nhà hoạt động xã hội là Lê Mỹ Hạnh bị nhiều “côn đồ công vụ” xông vào tận nơi tạm trú tại Sài Gòn đánh đập dã man, một người bán đồ chay là Nguyễn Hữu Tấn bị công an tỉnh Vĩnh Long bắt giam nhưng ông Tấn bất ngờ chết thảm bởi một vết cắt rất dài và sâu qua vòng cổ…
Cũng bởi thế, nội hàm của cuộc đối thoại nhân quyền song phương sắp diễn ra dường như nghiêng về cụm từ “Mỹ - Việt” chứ không phải “Việt - Mỹ” như trước đây.
Việt Nam có “tái hòa nhập” CPC?
Lịch sử của các kỳ đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ vẫn thường khá trắc trở và luôn bị biến dạng ngay sau cái bắt tay kết thúc một kỳ họp.
Vào cuối năm 2016, Tom Malinowsky - Trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, lao động và nhân quyền và cũng là trưởng đoàn đàm phán nhân quyền của Mỹ, đã không có cơ hội để lặp lại lời mỉa mai đến não ruột của chính ông vào giữa năm 2015 tại Hà Nội “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt một chục người này để thế vào”. Cuối năm 2016 và đầu năm 2017 lại là khoảng thời gian mà công an Việt Nam bắt bớ người bất đồng chính kiến với số lượng lớn, khiến phía Mỹ quá thất vọng mà không thể tiến hành đối thoại nhân quyền với Hà Nội.
Vào cuối năm 2012, cũng đã không có đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ nào. Trước tình trạng chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng và phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc, phía Mỹ đã ngưng vô thời hạn đàm phán nhân quyền. Cuộc đối thoại này chỉ được khơi lại bằng vai trò của Dan Bayer - người tiền nhiệm của Malinowsky - vào gần giữa năm 2013 trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp Obama - Trương Tấn Sang tại Washington với nhu cầu thiết thân của giới lãnh đạo Việt Nam là Hiệp định TPP.
Còn giờ đây, lâu đài cát mang tên “TTP Vietnam” sụp đổ thảm hại. Mơ mộng cũng bởi thế chỉ còn vương lại dấu ấn của nỗi hoang tưởng siêu hình học.
Trong khi đó, lại đang diễn ra một làn sóng khẩn cấp từ Ủy hội Tự do tôn giáo Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế về đòi hỏi đưa Việt Nam vào lại Danh sách CPC (các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo). 10 năm trước, vào năm 2007, Việt Nam đã được Mỹ đưa ra khỏi và được tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng sau đó Việt Nam bắt bớ trở lại rất nhiều người bất đồng trong suốt giai đoạn 2008 - 2012 và những năm sau đó.
Thành thật mà nói, khả năng cuộc vận động đưa Việt Nam vào lại CPC đã mạnh hẳn lên từ năm 2016 và gia tăng hẳn xác suất thành công, cho tới thời điểm này có thể lên đến 60%. Cuộc vận động này sẽ hướng đến Quốc hội Hoa Kỳ, bao gồm Hạ nghị viện và Thượng nghị viện, và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ rất nhiệt tình của Vietnam Caucus (Nhóm làm việc về Việt Nam) trong nghị viện Mỹ. Nếu Quốc hội Mỹ quyết định xếp lịch và bỏ phiếu để đưa Việt Nam vào lại CPC, cho dù hành pháp Trump có muốn làm nhẹ bớt cũng sẽ khó. Huống chi Trump lại đang dường như muốn để cho Quốc hội Mỹ tự quyết định những vấn đề thuộc về nhân quyền Việt Nam.
Hậu quả của việc Việt Nam vào lại CPC có lẽ không cần phải giải thích nhiều: về thực chất, đây là một cơ chế chế tài, đặc biệt là chế tài về thương mại. Cơ chế này sẽ khiến con đường để Việt Nam tiếp cận Hiệp định thương mại song phương với Mỹ là chông gai hơn hẳn hiện thời, nếu không nói là vô vọng.
Chưa kể một hoạt động chế tài khác: Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn Cầu mà Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2016 và Tổng thống Obama ký ban hành ngay sau đó, nhiều khả năng được triển khai trong năm 2017, sẽ cấm một số quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng, kể cả thân nhân những quan chức này, được nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời tài sản của số quan chức này nằm trong phạm vi can thiệp của Mỹ sẽ bị đóng băng…
Nguyễn Xuân Phúc được gì ở Mỹ?
Cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt trong thời gian tới có ý nghĩa rất quan trọng - như một lối thoát cho những quan chức Việt muốn tìm một lối thoát về phương Tây, chứ không phải Trung Quốc.
Cũng rất có thể, cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt trong thời gian tới là một cơ sở quan trọng để phía Mỹ quyết định sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5/2017 theo cách nào và cho ra kết quả nhiều hay ít.
Tuy nhiên và trái ngược với não trạng thường rất chủ quan của giới chóp bu Việt Nam, không khí từ phía Mỹ trước cuộc đối thoại nhân quyền sắp diễn ra được biết là cứng rắn hơn nhiều so với trước đây.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ người Mỹ đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền. Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, bản chất đó sẽ không bao giờ thay đổi.
Bằng chứng rõ nhất là trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của nền hành pháp Obama, chính sách mềm mỏng có phần thái quá của Mỹ rốt cuộc đã chỉ giúp Mỹ và giới dân chủ nhân quyền Việt Nam đạt được một số thành tích rất khiêm tốn. Hậu quả quá dễ thấy là vào bất kỳ thời gian nào mà quan hệ Việt - Mỹ trở nên lạnh nhạt, mà gần nhất là khoảng thời gian cuối năm 2016 - đầu năm 2017, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Còn bây giờ là một thời kỳ khác. Khác rất nhiều. “Gói cải thiện nhân quyền” mà Mỹ và Tây Âu đang đặt ra với Việt Nam, bao gồm nhiều yêu cầu về cải cách luật (tự do tôn giáo, tự do lập hội, biểu tình, tự do báo chí), công nhận xã hội dân sự, thả tù nhân lương tâm, chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ người bất đồng… không phải là để nhận được lời hứa suông của Hà Nội nhưng chẳng làm gì như bao nhiêu lần trước, mà cần dựa trên một lộ trình thực hiện các điều kiện nhân quyền trong năm 2017 và trong ít nhất hai năm sau đó (2018 - 2019), với từng nội dung cụ thể và được kiểm chứng, giám sát bởi quốc tế trong suốt chiều dài thực hiện lộ trình đó.
Liệu chân trời dân chủ cho Việt Nam có bắt đầu hé rạng từ cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt sắp tới?

Vụ Đinh La Thăng, một ‘đại án tí hon’

 Bùi Tín 
Theo VOA-11/05/2017
Đinh La Thăng trong một lần "quạt" nhà thầu Trung Quốc.

Ông Nguyễn Phú Trọng có thể hài lòng hể hả về xử xong vụ án Đinh La Thăng. Phong trào chống tham nhũng của ông ghi thêm một ‘’chiến công’’ nổi bật. Một Ủy Viên Bộ Chính Trị mất chức. Một Bí Thư Thành Ủy của thành phố lớn nhất nước bị cảnh cảo, thay thế, chứng tỏ chế độ này có nền tư pháp công minh chính trực ‘’đến thế là cùng!‘’
Nhưng còn có nhiều vấn đề cần bàn cãi và nhiều câu hỏi còn tồn tại.
Ông Thăng vẫn còn là Ủy Viên Ban Chấp Hành TƯ Đảng ư? Được điều về làm ‘’Phó Ban Kinh Tế TW Đảng’’ nữa. Quyền lực vẫn còn lớn. Vậy thế là kỷ luật nghiêm ư?
Tại sao một cán bộ của Đảng phạm pháp nặng nề như thế lại không bị đem ra truy tố và xét xử công khai bởi Viện Kiểm Sát và tại Tòa Án theo đúng Luật. Lẽ ra ông Thăng phải bị khai trừ ra khỏi Đảng và phải ra trước Tòa Án như một công dân, có bản luận tội, có luật sư bào chữa, được trình bày rõ trường hợp của mình, có buổi tranh luận công khai đầy đủ, để đi đến kết luận và tuyên án đàng hoàng của tập thể Hội Đồng Xét Xử. Một vụ trọng án như thế liên quan đến nhiều nhân chứng, phải xử vài tuần lễ, có khi vài tháng mới có thể xét đúng người đúng tội, đúng luật.
Kết luận Tòa Án phải quyết định thu hồi tài sản phạm pháp, như ‘’tiền bạc, nhà cửa, đất đai, chứng khoán, tiền gửi ngân hàng… sung vào công quỹ, để phần nào bù lại số tiền của đất nước, của nhân dân đã bị thất thoát.
Vậy là xét về mặt Hiến Pháp và Luật Pháp, vụ án Đinh La Thăng vi phạm lụat pháp nặng nề chỉ bị xét theo kỷ luật Đảng, coi đảng viên là công dân đặc biệt, đứng ngoài pháp luật. Ngay trong việc xử kỷ luật này cũng tiến hành luộm thuộm, chớp nhoáng, độc đoán, theo ý kiến của Tổng Bí Thư, các Ủy Viên Bộ Chính Trị gật theo, rồi cuộc họp TƯ gật theo, với tỷ lệ gần 100%. Một vụ án không có ai luận tội, kết luận vì không có buổi xét kỷ luật nào. Nó diễn ra trong nháy mắt, chỉ bằng giơ tay biểu quyết.
Một vụ đại án dính đến tài sản hàng trăm tỷ thất thoát mà Bộ Trưởng Tư Pháp, Viện Kiểm Sát, Tòa Án Tối Cao phải đứng ngoài lề, buộc phải câm lặng, thật là một nét son đỏ chót rất khó coi trên mặt ngài Tổng Bí Thư.
Một trò hề 100% chống tham nhũng.
Một trò hề vụng về điển hình về lời khoe thi hành kỷ luật Đảng nghiêm minh và đổi mới ngành Tư Pháp tiến bộ.
Ông Trọng cố làm ra vẻ kiên quyết chống tham nhũng, nhưng để lộ ra nhiều sơ hở vụng về.
Đây chỉ là trò dơ cao đánh khẽ, dơ roi rất cao nhưng đánh rất nhẹ, chỉ như phủi bụi, vì tội phạm nghiêm trọng là thế vẫn đàng hoàng là Ủy Viên Trung Ương Đảng, nay còn là ‘’Phó Ban Kinh Tế TƯ,’’ một cán bộ cấp cao trong một Ban hệ trọng đối với nền kinh tế.
Chiếu theo Luật phòng chống tham nhũng, tham nhũng trên 1 tỷ đồng là có thể nhận án tử hình vì đó là tiền thu nhập vài chục năm một lao động.
Đất nước có 2 nền tư pháp với tốc độ khác hẳn nhau là như thế.
Một cho dân đen, trong đó có các nhà dân chủ yêu nước, thương dân, các chiến sỹ dân chủ kiên cường, như Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi Minh Hằng… rên xiết trong tù dài dài, và một tư pháp riêng cho những tên tội phạm đáng tội tử hình vẫn ung dung hưởng thụ không chút lo ngại vì là đảng viên cấp cao có thế lực phe cánh.
Vậy mà trên báo Nhân Dân hôm nay vẫn còn trưng khẩu hiệu ‘’Đổi mới Tư Pháp, Áp dụng Tư Pháp,‘’ thật mỉa mai và khôi hài, nói một đằng làm một nẻo.
Những Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc từng bị tuyên án tử hình trong đại án Vinalines có thể kêu ‘’oan’’ vì họ cũng là cán bộ cao cấp của Đảng sao lại không được Đảng ưu đãi như Đinh La Thăng, hạ cánh êm, an toàn.
Để xem sau vụ án Đinh La Thăng mang tính ‘’giơ rất cao đánh rất nhẹ,’’ ông Cả Trọng sẽ lãnh đạo việc xét xử 12 vụ đại án, phần lớn dính đến các ngân hàng quốc doanh hiện đang chờ giải quyết trong thời gian tới ra sao.

Vay tiền giặc rước giặc vào nhà?

Lê Anh Hùng 
Theo VOA-11/05/2017
Quốc lộ 4A nối cửa khẩu Hùng Quốc (Trà Lĩnh), Cao Bằng với thị trấn biên giới Đồng Đăng, Lạng Sơn. (Hình: Lê Anh Hùng)

Đối với các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, Trung Quốc luôn được coi là một quốc gia “4 tốt”, với mối bang giao được định hướng theo “16 chữ vàng”. Tuy nhiên, trong mắt công chúng Việt Nam, hai chữ Trung Quốc lại mang một ý nghĩa nhạy cảm đặc biệt. Và điều này bắt nguồn từ lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua của người Việt.
Chính vì thế, trong khi lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đang sốt sắng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao các bộ tham mưu để vay 300 triệu USD từ Trung Quốc nhằm sớm làm đường cao tốc từ thị trấn biên giới Đồng Đăng, Lạng Sơn đến cửa khẩu Trà Lĩnh (còn gọi là Hùng Quốc), Cao Bằng thì người Việt trong và ngoài nước lại dõi theo với một tâm trạng đầy quan ngại.
Nhà văn Phạm Viết Đào, một blogger từng đăng nhiều tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979-1990, nhận định về vụ việc này:
Trong cuộc chiến tranh 1979, Cao Bằng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Thị xã Cao Bằng gần như thành bình địa không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn… Thậm chí ngay sáng 17/2/1979, xe tăng Trung Quốc bất thần xuất hiện tại Cao Bằng không biết vào từ ngả nào?
Có một nguồn tin cho biết: Trung Quốc đã đào sẵn những đường hầm xuyên núi để giấu xe tăng trong đó. Đúng giờ khởi sự chỉ cho bộc phá nổ phá cửa là xe tăng bò ra. Nhiều bà con Cao Bằng đã bị ăn đạn của quân Trung Quốc vì tưởng xe tăng ta.
Chiều 16/2/1979, tướng Đàm Quang Trung còn nói ở xã Quang Lang, huyện Hạ Lang rằng: “Có cho kẹo Trung Quốc cũng không dám đánh ta.”
Trong thời gian “tu nghiệp 258” [ở tù vì bị kết tội theo Điều 258 – LAH], chủ blog có ở chung với một tu nghiệp viên quê ở Cao Bằng. Anh ta bị bắt vì tội gián điệp, bán bí mật quân sự cho Trung Quốc, bị phạt 20 năm tù… Anh này cho biết: Sở dĩ thị xã Cao Bằng bị phá hủy nhanh vì trước đó các công trình lớn, đường sá, cầu cống do Trung Quốc giúp ta xây dựng họ đã cho gài trong đó nhiều mìn, thuốc nổ. Ngày 17/2/1979 họ chỉ nối kíp là cầu cồng, trụ sở làm việc nổ tung.
Bây giờ Cao Bằng lại định vay 300 triệu USD của Trung Quốc để làm đường; chắc chưa quên những gì đã xảy ra trong năm 1979?! Trung Quốc đã gạ Quảng Ninh vay nhung đã bị từ chối rồi mà.
Theo thông lệ, khi Trung Quốc cho Việt Nam vay ưu đãi, họ sẽ được quyền chỉ định nhà thầu thực hiện dự án. Và cũng theo lệ thường, các nhà thầu “made in China” này sẽ mang sang Việt Nam từ cái đinh ốc cho đến cả đội quân “công nhân” hùng hậu, sẵn sàng “lập xóm, lập phố” tại những địa bàn mà tuyến đường đi qua.
Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là ngày 22/3/2015, VOA từng đưa tin là một tháng trước đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã ngưng một dự án xây đường của chính quyền một thành phố nằm gần biên giới với Việt Nam vì lo ngại nó có thể được sử dụng làm đường tắt cho một “cuộc xâm lược của Việt Nam”.
Trong khi đó, Cao Bằng và Lạng Sơn là 2 trong số 6 hướng tấn công chính của Trung Quốc trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam từ 17/2 – 16/3/1979 (bao gồm Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu). Vì thế, tuyến đường Trà Lĩnh - Đồng Đăng lại càng nhạy cảm về mặt an ninh quốc phòng. Ngoài ra, nó còn tạo điều kiện cho cuộc xâm lăng kinh tế đến từ phương bắc, góp phần bóp chết nền sản xuất trong nước bằng các sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ (một phần là nhờ được Bắc Kinh khuyến khích, trợ cấp) và độc hại.
Trung Quốc chưa bao giờ thực tâm giúp Việt Nam phát triển. Ngay trong những ngày tháng mặn nồng nhất của mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, khi cuộc chiến Pháp - Việt mới kết thúc, họ đã lợi dụng việc Việt Nam nhờ vẽ bản đồ để lấn chiếm đất đai biên giới của Việt Nam. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi từ hàng ngàn năm nay, họ còn luôn nuôi khát vọng cháy bỏng là thôn tính dải đất phương Nam.
Việc nhà cầm quyền Việt Nam vay tiền Trung Quốc làm đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vì thế chẳng khác nào rước giặc vào nhà, “rước voi về dày mả tổ”.

Việt Nam: Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc vô hiệu lực

RFA 2017-05-11  
Tàu đánh cá của Trung Quốc nằm bến tại cảng cá thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, ngày 1 tháng 5 năm 2017.
 Tàu đánh cá của Trung Quốc nằm bến tại cảng cá thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, ngày 1 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vào ngày 10 tháng 5 ra thông cáo khẳng định lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc áp dụng trên vùng Biển Đông từ ngày 1 tháng 5 đến 16 tháng 8 là không có giá trị.
Cơ quan quản lý nghề cá của Trung Quốc mới đây ra thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn đối với tất cả các nghề trừ nghề câu từ 12 giờ ngày 1 tháng 5 đến 12 giờ ngày 16 tháng 8 trên các vùng biển bao gồm, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc ở phía đông đường phân vịnh Bắc Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân về thông báo mới của Trung Quốc. Bộ cũng yêu cầu các tỉnh động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam.
Kể từ năm 1999 năm nào Trung Quốc, vào dịp hè, cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên một phạm vi rộng ở khu vực biển Đông là khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước châu Á khác trong đó có Việt Nam. Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống ngoài quần đảo Hoàng Sa trong dịp này cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị tàu chấp pháp của Trung Quốc xua đuổi, bắt và tịch thu hải sản.
Trong một diễn tiến khác, ngày 10 tháng 5 tàu cảnh sát biển Việt Nam đang ở thăm hữu nghị tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, tổ chức Ngày Mở Cửa để tiếp xúc với người dân địa phương.
Trang tin của đài phát thanh Trung Quốc hôm 10 tháng 5 cho biết trong Ngày Mở Cửa, đã có hơn 100 người dân địa phương Hải khẩu lên tàu tham quan, tiếp xúc gần gũi với các thủy thủ Việt Nam.
Tàu Cảnh sát biển 8004 rời việt Nam lên đường sang thăm Trung Quốc hôm 8 tháng 5 theo lời mời của Cảnh sát biển Trung Quốc. Đây là chuyến thăm hữu nghị đầu tiên của tàu cảnh sát biển Việt Nam đến một quốc gia khác. Báo Quân Đội Nhân Dân cho biết chuyến thăm của tàu đến Trung Quốc giúp tạo không khí thân thiện và hữu nghị giữa hai lực lượng và giảm nguy cơ va chạm xung đột trên các vùng biển của Việt Nam.

Thiên tai gây tổn thất nặng cho Việt Nam

RFA 2017-05-11  
Ngập lụt ở một ngôi làng huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày 16 tháng 10 năm 2016.
Ngập lụt ở một ngôi làng huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngày 16 tháng 10 năm 2016.  AFP
Trong năm 2016, Việt Nam bị thiệt hại 1,7 tỉ đô la vì thiên tai.
Đó là số liệu được nêu ra trong ngày 11 tháng 5 nhân dịp Hội nghị của Liên minh nghị viện thế giới về biến đổi khí hậu được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều thiên tai xảy ra trên cả nước trong năm qua như băng giá trên miền núi, bão lụt ở miền Trung, nhiễm mặn ở vùng Tây Nam Bộ.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, nói rằng nếu không có gì thay đổi thì đến cuối thế kỷ 21, Việt Nam sẽ mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% đồng bằng sông Hồng bị ngập nước. Và có khoảng 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, với tổn thất là 10% tổng sản phẩm nội địa.
Bà Ngân nói thêm là Quốc hội Việt Nam nhất trí với mục đích của Liên minh nghị viên thế giới trong kỳ hợp lần này là thảo luận các mục tiêu để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cuộc họp về Sơn Trà cấm cửa báo chí

Bán đảo Sơn Trà.
Bán đảo Sơn Trà.  AFP photo
Một cuộc họp giữa Tổng cục du lịch và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về qui hoạch bán đảo Sơn Trà sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng thay vì ở Hà Nội như dự kiến.
Tuy nhiên báo chí không được tham gia cuộc họp này.
Ông Hà Văn Siêu, Tổng cục phó Tổng cục du lịch nói với một số nhà báo rằng do thời gian ngắn nên không mời báo chí.
Trước đây cuộc họp này dự định tổ chức ở Hà Nội, nhưng Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng từ chối vì cho rằng trong cuộc họp không mời các tổ chức hiểu rõ tình hình Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, như là Hiệp hội Du Lịch, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Đà Nẵng,…
Tuy nhiên ông Hà Văn Siêu cho biết Tổng cục du lịch đã đồng ý chuyển cuộc họp vào Đà Nẵng nhưng vẫn không có các thành phần tham dự như ông Vinh đề nghị.

Vừa qua nhiều công trình xây cất trái phép đã bị phát hiện tại bán đảo Sơn Trà, làm cho dư luận lên tiếng không đồng tình, cho rằng bán đảo Sơn Trà, một khu vực quan trọng về quân sự và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị xâm hại.

“Tàu lạ” xả chất thải đen cả một vùng biển Thanh Hóa – Nghệ An

“Tàu lạ” xả chất thải đen cả một vùng biển Thanh Hóa – Nghệ An
Theo bản tin của tờ Dân Trí, ngày 3 tháng 05, người dân xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai phản ánh về hiện tượng một số tàu, không biết từ đâu đến, đã đổ bùn thải xuống vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Theo bản tin của tờ Dân Trí, người dân địa phương phát hiện 2 tàu với dung tích khoảng 300 m3 đang đổ bùn thải xuống vùng biển xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (Thành Hóa), cách địa phận vùng biển xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) khoảng 250 – 300m và cách địa phận xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khoảng 150m. Khoảng 9 giờ rưỡi cùng ngày, có thêm một tàu khác tới vùng biển trên để xả chất thải. Theo phản ánh của người dân địa phương, các tàu đã xả bùn, đất được một tuần nay. Mỗi ngày có khoảng 7 – 10 lượt tàu đến khu vực biển này đổ thải. Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và hoạt động sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của địa phương, khiến nhiều gia đình xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai hết sức lo lắng và nổi giận.
Tường Thắng / SBTN

Hải sản chết đồng loạt ở Kiên Giang

Một bãi nuôi nghêu ở Mũi Ông cọp, xã Dương Hòa, thị xã Hà Tiên – gần như nghêu đã chết sạch. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Càng ngày, phạm vi các loại cá, nghêu, sò… phơi thây càng rộng. Tính đến 11 tháng 5, chiều dài đoạn bờ biển bị ô nhiễm khiến các loại hải sản đồng loạt chết đã lên tới 30 cây số.
Đó là điều mà ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vừa xác nhận với báo giới.

Báo chí Việt Nam cho biết, hiện tượng các loại hải sản đồng loạt chết xuất hiện vào ngày 7 tháng 5.
Vào thời điểm đó, người ta thấy xác các loại cá sống ở tầng nước mặt như: cá bống, cá sơn, cá suốt… tấp vào bờ. Kế đó các loại hải sản sống ở tầng nước sát đáy biển như: cua, ghẹ, lịch, tôm tích,… cũng chết. Tuy nhiên đáng ngại nhất và gây thiệt hại lớn nhất là: nghêu, sò,… sống vùi trong cát sát bờ biển cũng chết.
Trong một phóng sự đăng ngày 11 tháng 5, tờ Tuổi Trẻ mô tả, xác nghêu, sò trắng xóa đoạn bờ biển chạy dọc quốc lộ 80, mùi tanh lan khắp bãi biển. Nhiều sạp chuyên buôn bán hải sản tươi sống dọc quốc lộ 80 đã đóng cửa. Tình trạng hải sản chết hàng loạt đã lan từ phường Tô Châu thuộc thị xã Hà Tiên đến xã Bình An thuộc huyện Kiên Lương.
Đoạn bờ biển vừa kể là nơi dân chúng Kiên Giang kiếm sống bằng việc nuôi nghêu, sò và các loại cá (bóp, bống mú,…) trong lồng. Hải sản chết hàng loạt như thế sẽ có hàng ngàn gia đình phá sản, hàng chục ngàn người mất kế sinh nhai.
Ông Chung Sỹ, người có 4 lồng với 1.200 con cá bống mú, 500 con cá bóp ở ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, bảo với tờ Tuổi Trẻ, cả tuần nay nước biển đột nhiên từ xanh trong, thành xanh đục, có pha vàng nhạt. Theo ông Sỹ thì chưa bao giờ ông thấy nước biển có màu như thế.
Giống như giai đoạn đầu của thảm họa cá chết trắng bờ biển miền Trung hồi tháng 4 năm ngoái, chính quyền huyện Kiên GIang vẫn chưa làm gì cả.
Các viên chức cấp xã, cấp huyện như ông Lý Thái Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hà Tiên, chỉ khuyến cáo dân chúng thiêu hủy, không mua bán các loại hải sản và tìm vùng nước sạch để chuyển những lồng nuôi hải sản đến đó.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, thông báo đã cử các cơ quan chuyên môn đi “nắm tình hình”. Chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Kiên Giang lấy mẩu nước gửi đi kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân và hứa “sẽ thông báo ngay khi có kết quả”.
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ thì ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, khuyến cáo báo chí, các thông tin về nguyên nhân khiến các loại hải sản đồng loạt chết đều là phỏng đoán. Trước khi tìm ra nguyên nhân chính xác, báo chí phải hết sức thận trọng trong thông tin, tránh làm dư luận hoang mang không cần thiết. (G.Đ)

Tướng công an Bến Tre chiếm lối thoát hiểm khu dân cư làm của riêng

Cổng rào và nhà xe của tướng công an Hồ Quốc Việt chiếm một phần lối thoát hiểm công cộng trong nhiều năm qua. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn) 
BẾN TRE (NV) – Nguyên giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, bị đoàn thanh tra kết luận đã chiếm lối thoát hiểm của khu dân cư “có mục đích tư lợi” trong nhiều năm qua, bị dân tố cáo nhưng chính quyền địa phương làm ngơ.
Theo Báo Pháp Luật Sài Gòn, ngày 11 Tháng Năm, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương về Bến Tre làm việc các vụ việc nổi cộm tại tỉnh này, trong đó có vụ ông thiếu tướng Hồ Quốc Việt, nguyên giám đốc Công an tỉnh này, bị tố chiếm đất công khi xây nhà, tạo dư luận xấu.
Trước đó, nhiều hộ dân khiếu nại ông Việt xây biệt thự hơn 800 mét vuông ở phường 7, thành phố Bến Tre, ngay cạnh trụ sở công an tỉnh, sát vách với Công an phưòng 7 đã bao lấn thêm một phần lối thoát hiểm của khu dân cư.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre kiểm tra, xác định khu đất trên quy hoạch cho các cán bộ công an và ông Việt đã gom tổng cộng sáu lô đất nền, mỗi lô 100 mét vuông từ năm thuộc cấp. Trong quá trình xây khu biệt thự, ông Việt còn lấn chiếm thêm đất công  hơn 20 mét vuông.
Thế nhưng, việc chiếm đoạt trên lại được Sở Xây dựng tham mưu cho ủy ban tỉnh hợp thức hóa phần đất công lấn chiếm này cho ông Việt “để làm nhà ở”. Một phần diện tích còn lại của lối thoát hiểm phía sau giao cho Công an phường 7 quản lý, sử dụng.
Ủy ban Kiểm tra xác định, ông Việt xây biệt thự từ Tháng Tư, 2012 nhưng đến giữa Tháng Bảy, 2012 mới có quyết định giao đất. Đến Tháng Hai, 2013, ngôi biệt thự hoàn thành ông Việt mới làm các thủ tục để hợp thức hóa và Ủy ban thành phố Bến Tre cấp giấy.
“Việc làm trên của ông Việt là vi phạm, bởi không ai xây cất nhà khi chưa có chủ quyền. Vấn đề này thuộc phạm vi trách nhiệm của ủy ban thành phố Bến Tre”, Báo Pháp Luật Sài Gòn dẫn kết luận từ văn bản.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre xác định, ông Việt xây dựng nhà ở khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai. Dù ông Việt đã bị kiểm điểm nhưng phần đất công lấn chiếm ông vẫn đang sử dụng nên dư luận không đồng tình, người dân tiếp tục có đơn khiếu nại lên cấp cao hơn.
Tháng Bảy, 2015, sau khi kiểm tra, xác minh, Thanh tra Bộ Công an có thông báo kết luận sự vụ, theo đó: “Ông Việt mua gom năm nền nhà xây biệt thự khi chưa có quyết định giao đất của công an tỉnh là vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Ông Việt sau đó còn lấn chiếm đường thoát hiểm của khu dân cư, rồi ký công văn gửi Phòng Tài nguyên thành phố Bến Tre, đề nghị sáp nhập phần chiếm đoạt này nhập vào đất của gia đình mình là có mục đích tư lợi…”.Đến nay, phần đất bao chiếm vẫn tiếp tục bị ông Việt sử dụng.
Nói với truyền thông Việt Nam, ông Cao Văn Trọng, chủ tịch tỉnh Bến Tre, cho biết, đoàn công tác đã có chỉ đạo, sắp tới sẽ giải quyết vụ này theo hướng buộc ông Việt phải giải tỏa các công trình xây dựng, trả lại đất công. (Tr.N)

‘Diệt chuột không làm vỡ bình’ qua vụ Ðinh La Thăng

Ông Ðinh La Thăng sau khi bị đẩy ra khỏi Bộ Chính Trị, mất ghế bí thư Thành Ủy Sài Gòn về làm phó Ban Kinh Tế Trung Ương dù bị cáo buộc nhiều tội. (Hình: AFP/Getty Images)
SÀI GÒN (NV) – Truyền thông “lề trái” nhìn thấy trò “diệt chuột không làm vỡ bình” của Bộ Chính Trị đảng CSVN qua vụ “trị tội” một thành viên cấp cao trong nhóm chóp bu kiểu “giơ cao đánh khẽ.”
Trong một quyết định nhanh chóng ngay trong ngày họp cuối cùng của Trung Ương Ðảng, Bộ Chính Trị CSVN “phân công” ông Nguyễn Thiện Nhân, 64 tuổi, từ vị trí chủ tịch “Mặt Trận Tổ Quốc,” một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN, vào Sài Gòn thay thế cho ông Ðinh La Thăng mới bị “kỷ luật” về nhiều tội xảy ra khi còn cầm đầu Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam.
Việc ông Ðinh La Thăng bị đẩy ra khỏi Bộ Chính Trị CSVN sau màn họp kết tội của Trung Ương Ðảng hồi tuần qua dẫn đến mất ghế bí thư Thành Ủy Sài Gòn được dư luận nhìn thấy không tránh khỏi. Người ta chỉ không biết ai sẽ thay thế ngoài những lời đồn đoán.
Cái làm nhiều người ngạc nhiên là ông Ðinh La Thăng từng bị nhiều báo chính thống của chế độ đăng tải nhiều bài viết kể ra các quyết định sai trái hoặc ngay tại công ty mẹ “Tập Ðoàn Dầu Khí” hoặc tại các công ty con, lại bị “kỷ luật” đi làm “tham mưu kinh tế.”
Ông Ðinh La Thăng nếu bị xét xử “đúng người đúng tội” theo kiểu nói tuyên truyền thường thấy trên báo chí CSVN thì phải đi tù, nhưng lại không mất ghế ở ủy viên Trung Ương đảng. Ðiều này chứng tỏ luật lệ của đảng và chế độ “dân chủ đến thế là cùng” như lời ông Nguyễn Phú Trọng từng tấm tắc tự ca ngợi, được áp dụng tùy tiện.
Nếu không tùy tiện kiểu giơ cao đánh khẽ trong trường hợp trị tội một ủy viên Bộ Chính Trị tham nhũng và làm trái luật dẫn đến thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng, ông Ðinh La Thăng đã không cảm ơn mà phát biểu trong buổi bàn giao cái ghế bí thư Thành Ủy Sài Gòn là: “Quyết định kỷ luật tôi là có lý, có tình.”
Ông Thăng đã bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương hài rất nhiều tội rất nghiêm trọng được quy định trong điều 165 Bộ Luật Hình Sự CSVN về “Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và điều 285 về“Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.” Với hai loại tội này nếu bị lôi ra tòa, bản án có thể đến 20 năm tù.
Thay vì bị giao cho công an điều tra, ông Ðinh La Thăng lại được “phân công” về trung ương làm “phó trưởng BAN KINH TẾ Trung Ương.” Ðã gây thiệt hại cả tỉ đô la vì đưa ra các quyết định bất chấp quy định, luật lệ của nhà nước dẫn đến mắt trắng những số tiền lớn tại Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam mà lại được “điều” đi làm phó ban của cái cơ quan có nhiệm vụ “tham mưu” cho đảng và nhà nước về các chính sách kinh tế là chuyện khôi hài đen.
Bởi vậy, facebooker Lê Nguyễn Hương Trà bình luận rằng, “Bị kỷ luật cảnh cáo, thôi chức vì quản lý yếu kém kinh tế xong hốt đưa về nắm ban kinh tế, nghe… sai sai sao á ha. Nghe nói là… không còn ghế nào trống, chia hết òi. Ðưa anh về mần đây để ép xin nghỉ hưu non luôn, ném chuột không để vỡ bình.”
Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng “chủ trương ‘diệt chuột nhưng không để vỡ bình’ của ông Trọng đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Ðinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuột bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình.”
Theo ông Chênh, “Tất cả những thất thoát, thua lỗ, thiệt hại to lớn ở dầu khí, ở Vinaline, Vinashin, EVN, than khoáng sản, bô xít Tây Nguyên, thép Thái Nguyên, đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, Formosa thải độc… đều nằm dưới thời điều hành của ông Nguyễn Tấn Dũng được lãnh đạo toàn diện và sâu sắc bởi các ông Nông Ðúc Mạnh và Nguyễn Phú Trọng. Ai chủ trương các quả đấm thép, ai đưa bô xít và formosa vào, ai chủ trương đầu tư dầu khí qua Venezuela?.. Những câu hỏi như vậy sẽ kéo dài dằng dặc.”
Ông Chênh tin rằng, “Những Trịnh Xuân Thanh, Ðinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự mắc tội một thì các ông kể trên phải mắc tội mười. Ai ruồi ai hổ, ai chuột ai bình đã hiện ra quá rõ” mà “tóm lại vở kịch đả hổ diệt ruồi theo kiểu Tập Cận Bình, phiên bản Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc win-win. Chỉ có nhân dân mãi làm khán giả và bị thất bại thảm hại.”
Nhà báo độc lập Huy Ðức lưu ý các lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính Trị của chế độ là “tuần trước, khi còn ở trong Bộ Chính Trị, muốn ‘chuyển hồ sơ (Ðinh La Thăng) cho cơ quan điều tra,’ những người xử lý anh cần phải có đủ phiếu ở trung ương. Giờ đây, chỉ cần Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị là đã có thể làm việc đó.”
Theo Huy Ðức, “Khác với những người đang ‘thương vay, khóc mướn,’ Ðinh La Thăng tính toán chiến lược hơn. Anh ấy biết rõ ‘cơ quan chức năng’ có lượng tài liệu gấp nhiều lần ‘mấy mẩu con con’ mà Ủy Ban Kiểm Tra công bố. Việc ‘chui’ vào Bộ Chính Trị một năm, một trăm ngày trước đây; những giọt nước mắt trình bày hoàn cảnh gia đình trong phiên họp ‘luận tội’ của trung ương hôm Chủ Nhật và lời xin lỗi gửi tới cả cá nhân tổng bí thư sáng nay đều nằm trong những nỗ lực tìm nơi trú ẩn. Ðây chỉ mới là quy trình chính trị. Bỏ qua lòng kiêu hãnh mà Ðinh La Thăng vẫn xây dựng trước ‘đám đông,’ việc anh làm bây giờ là làm sao tránh được quy trình (tố tụng) tư pháp.”
Việc ông Ðinh La Thăng có bị chuyển hồ sơ cho công an điều tra và khởi tố hay không, là câu hỏi rất lớn, sợ vỡ cái “bình.” (TN)

Công an ‘thi đua’ đánh dân

Ông Chiến – nạn nhân mới nhất của thói công an bạo hành đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Các vụ công an hành hung dân chúng tiếp tục xảy ra trên khắp Việt Nam. Dường như với công an Việt Nam, lạm dụng vũ lực đã trở thành thói quen, không thể cải sửa.
Trong ngày 10 tháng 5, báo chí Việt Nam tường thuật ít nhất ba vụ công an đánh dân. Ba vụ này có nhiều tình tiết khiến người ta cạn lời.
Vụ thứ nhất là trường hợp ông Vũ Văn Chiến, ngụ tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 8 tháng 5, ông Chiến bị công an huyện đến nhà bắt với cáo buộc “cố ý gây thương tích”. Vợ ông Chiến cho biết, ông Chiến có xung đột với hàng xóm hồi… năm ngoái. Đến sáng 10 tháng 5, vợ ông Chiến nhận được tin ông đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại Đắk Lắk…
Vợ ông Chiến bảo rằng, bà chỉ biết công an đưa ông Chiến vào bệnh viện cấp cứu. Trên người có nhiều vết bầm tím nhưng nặng nhất là não bị chấn thương và đã được giải phẫu nhưng công an không thèm giải thích tại sao dù bà những thân nhân khác đòi phải được biết lý do.
Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện này bảo với tờ Tuổi Trẻ rằng, ông Chiến được công an đưa vào bệnh viện vì có máu tụ ở não, tai sưng lớn thành cục
Một viên đại tá là Trưởng Công an huyện Krông Búk xác nhận công an huyện này đã bắt ông Chiến nhưng sau đó đem ông đi gửi tại nhà tạm giam của Công an thị xã Buôn Hồ, cũng vì vậy, trách nhiệm thuộc Công an thị xã Buôn Hồ. Lãnh đạo Công an thị xã Buôn Hồ thì tuyên bố, hiện tại, chưa thể cung cấp cấp thông tin cho báo giới.
Cũng trong ngày 10 tháng 5, thiếu tá Nguyễn Ích Hiếu, Trưởng Công an xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, khẳng định ông ta không hề đánh ông Tạ Văn Thông. Ông Thông bảo với báo giới rằng, đầu, mặt sưng húp, thân thể có nhiều vết bầm vì ông Thông tự đập đầu vào tường, đập mặt vào cạnh bàn ghế…
Tối 9 tháng 5, thấy một chiếc xe hai bánh gắn máy nằm chỏng chơ bên vệ đường, ông Thông và một người bạn đã dắt chiếc xe này tới giao cho công an xã. Do chủ xe đã báo với công an về việc xe bị đánh cắp, công an xã đã giữ ông Thông lại tra hỏi xem ông có phải là… thủ phạm hay không?!
Ông Phạm Văn Thắng – bạn ông Thông khẳng định ông sẵn sàng làm chứng vì tận mắt chứng kiến ông Hiếu đánh ông Thông bằng cả tay lẫn chân. Ông Thắng nói thêm, ngoài ông còn có ba công an trong xã cùng chứng kiến vụ hành hung này. Thấy ông Hiếu đánh đập ông Thông quá dã man, ông Thắng đã gọi điện thoại báo cho gia đình ông Thông. Khi họ tới thì ông Thông đã rũ xuống…
Trong ngày 10 tháng 5, VTC News đưa tin, Bí thư huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa hứa, “nếu” thương tích của ông Văn Đức Nguyên, 66 tuổi trầm trọng thì sẽ đề nghị truy tố ông Trần Văn Tín, Trưởng Công an xã Phong Xuân. Cách nay hai tháng, hôm 13 tháng 3, ông Nguyên được ông Tín vời đến, buộc tường trình về những tình tiết có liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai dính tới ông Nguyện. Khi phát gíac ông Nguyên đang dùng điện thoại ghi âm buổi làm việc, ông Tín đã nắm tóc người đáng tuổi cha mình, liên tục đập đầu ông Nguyên xuống mặt bàn khiến đầu, mặt ông Nguyên bê bết máu.
Tuy ông Tín đã cam kết bồi thường cho ông Nguyên 53,8 triệu đồng nhưng chuyện chưa êm vì ông Nguyên cương quyết đòi hệ thống công quyền phải xử lý một kẻ càn rỡ như ông Tín. (G.Đ)

Dân Nghệ An phải ‘tự nguyện’ nộp tiền mới được làm giấy khai sinh cho con

Ông Trần Khắc Đạt và phiếu thu “tự nguyện” đóng tiền để được cấp giấy khai sinh cho con thứ ba. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Để được làm thủ tục khai sinh cho con, nhiều gia đình ở thành phố Vinh, phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng cho cán bộ dân số theo “chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình” của địa phương.
Ngày 9 Tháng Năm, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Khắc Đạt (33 tuổi, ngụ phường Vinh Tân, thành phố Vinh) cho biết vừa “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng cho cán bộ dân số của phường để làm thủ tục xin cấp giấy khai sinh cho con thứ ba.
Báo này cho hay, hôm 8 Tháng Năm, ông Đạt mang giấy chứng sinh đến ủy ban phường Vinh Tân để làm thủ tục cấp giấy khai sinh cho con thì cán bộ dân số thông báo về quy định “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng mới được nhận giấy khai sinh.
Cho rằng từ trước đến nay không có quy định xử phạt việc sinh con thứ ba và thủ tục cấp giấy khai sinh không phải mất phí nên ông yêu cầu cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình phường làm rõ.
“Họ đưa tôi ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, trong đó có nội dung tự nguyện đóng ít nhất 2 triệu đồng. Do sợ mất thời gian đi lại nên tôi đã đóng tiền để được cấp giấy khai sinh cho con,” ông nói.
Khi ông đưa câu chuyện lên mạng xã hội, thì nhận được sự đồng cảm của nhiều người gặp tình cảnh tương tự. Cụ thể, ông L.A.Đ. (phường Hà Huy Tập), ông Đ.A.H. (phường Đội Cung)… cũng phản ảnh trước đó gia đình các ông phải “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng vào “quỹ dân số kế hoạch hóa gia đình” thì cán bộ tư pháp hộ tịch phường mới cấp giấy khai sinh cho con.
Nói với báo Tuổi Trẻ, bà Dương Thị Bích Ngọc, cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình phường Vinh Tân, cho biết hằng năm phường đều cho người dân ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình vì tỉ lệ sinh con thứ ba của xã còn cao.
Theo đó, trong bản cam kết có nội dung, gia đình nào vi phạm chính sách dân số, thì “tự nguyện đóng phí ít nhất 2 triệu đồng” cho ban dân số, kế hoạch hóa gia đình địa phương.
“Chúng tôi thu của người dân trên tinh thần tự nguyện chứ không hề ép buộc, cũng không có chuyện phải đóng tiền mới được làm giấy khai sinh. Năm 2016, chúng tôi thu được hơn 50 triệu đồng tiền này,” bà giải thích.
“Đây không phải là hình thức phạt nhưng trên thực tế có khó khăn và mâu thuẫn, chúng tôi chỉ thực hiện theo nhiệm vụ trên giao cho nên phải ràng buộc với cán bộ tư pháp, hộ tịch để dễ quản lý,” bà nói.
Trong khi đó, bà Kiều Thị Huệ, trưởng phòng Hành Chính Tư Pháp, Sở Tư Pháp Nghệ An, cho biết thủ tục cấp giấy khai sinh cho trẻ không tính lệ phí và cán bộ tư pháp hộ tịch giải quyết cấp giấy khai sinh trong một ngày. Trường hợp cần xác minh không quá năm ngày làm việc. (Tr.N)

Thanh niên cuồng đảng bị côn an đánh gãy sống mũi, vỡ xoang mặt và chấn thương đầu cổ

 


CTV Danlambao - Trưa ngày 10/5, một nhóm công an đang trong tình trạng say xỉn đã cùng nhau hành hung dã man một nam thanh niên tại phường Long Bình Tân, Biên Hòa, Đồng Nai.

Theo tìm hiểu của CTV Danlambao thì nam thanh niên bị đánh là Phạm Thái Dương (ngụ ở Biên Hà, Đồng Nai) - người từng viết những lời thô tục để ủng hộ, cổ súy việc nhón Phan Hùng sử dụng bạo lực hành hung chị Lê Mỹ Hạnh, từng lên tiếng chửi rủa thậm tệ những người đấu tranh đòi nhân quyền cho Việt Nam. Đồng thời, Dương cũng luôn bày tỏ quan điểm tin tưởng vào hệ thống công an, pháp luật, nhà nước cộng sản Việt Nam.



Tuy nhiên, đến khi bị nhóm công an vô cớ hành hung dã man thì nam thanh niên "cuồng đảng" "cuồng bác" này phải thừa nhận: “Tất cả những người đánh em đều là công an phường, mặc thường phục, nhậu xỉn... Trong đám CA này có cả CA mặc sắc phục.”

Trên trang facebook cá nhân của mình, Dương nói về sự việc:

"Tôi chưa bao giờ vi phạm pháp luật, vậy mà hôm nay bị chính những người thực thi đánh dã man!

Tôi đi cùng vợ đi làm về nhà buổi trưa, gặp mấy người nhậu say chặn đường xe tôi, sau đó đập xe tôi nói tôi cố ý tông chết họ, rồi họ gọi thêm mấy người nữa ở đám ma gần đó ra đánh hội đồng tôi, trong đó có cả CA mặc quân phục!

Hiện tại bác sĩ thông báo tôi bị gãy sống mũi, vỡ xoang mặt và chấn thương đầu cổ, đang nằm theo dõi, nếu tiên lượng xấu sẽ chuyển viện Chợ Rẫy!

Tuy bị chính CA đánh nhưng tôi vẫn 1 lòng tin vào Luật Pháp Việt Nam, những kẻ đánh tôi chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, làm hoen ố lực lượng CAND.

Tôi sẽ kiện tới cùng và tôi tin sẽ được pháp luật bảo vệ!"

Phạm Thái Dương bị đánh gãy sống mũi, vỡ toang mặt

Sau khi clip Phạm Thái Dương bị công an đánh được tung lên thì hầu hết cộng đồng Facebook đều tỏ ra thương hại và đặt một câu hỏi: liệu sau vụ này có làm Phạm Thái Dương "sáng mắt, sáng lòng"?

Sau đây, CTV Danlambao xin trích dẫn 1 số phản ứng của người dân khi biết được tin Dương bị côn an đánh:

Nhà báo Huỳnh Ngọc ChênhLúc chúng tôi đấu tranh đòi quyền làm người thì bạn dè bỉu chúng tôi, bao biện cho kẻ ác, và còn hơn thế nữa, bạn hoan hô bọn thủ ác trong vụ băng côn đồ Phan Sơn Hùng đánh phụ nữ. Nay chính bạn bị kẻ ác ấy cướp đi quyền làm người. 

Hy vọng sau chuyện nầy bạn sẽ hiểu ra ở Việt Nam, quyền làm người bị chà đạp đến múc nào. Chuyện xảy ra với bạn không là hiện tượng đơn lẻ.

Nhưng dù bạn hiểu ra hay không hiểu thì chúng tôi vẫn luôn luôn đứng cạnh hỗ trợ bạn trong việc đấu tranh cho quyền làm người của chính bạn.

Nhà báo Đoan TrangPhạm Thái Dương, một trong các fan của côn đồ Phan Sơn Hùng và là người nồng nhiệt cổ vũ bạo lực, vừa bị công an đánh.

Nói một cách dư luận viên thì sẽ là kiểu như sau: "Chắc phải làm gì sai người ta mới đánh cho chứ. Gì thì gì, trông thằng này ngông nghênh, ngứa mắt bỏ mẹ, đánh là đúng. Em là em ủng hộ anh em công an thi hành pháp luật, trừng trị mấy thằng mất dạy như thằng Thái Dương này. Oánh cho nó sml đi anh em ơi!".

Xin nhắc lại là đây là nói một cách dư luận viên nhé.

Mình viết vậy để các dư luận viên hoặc những ai có tư duy kiểu dư luận viên hiểu cảm giác và cảm xúc của những người bình thường sẽ như thế nào khi nghe các bạn reo hò cổ vũ bạo lực, biến nạn nhân thành thủ phạm và tranh thủ chửi rủa họ.

Bạn gái Huỳnh Hoa thì mỉa mai: "Anh này hình như hôm trước ủng hộ Phan Hùng đánh người ta thì hôm nay anh đã bị côn an đánh. Karma chưa bao giờ đến nhanh như thế, chúc anh sớm tìm được công lý nhé. Hihi anh còn ví người ta như chó thì cũng mong lần này công lý đc thực thi để anh không phải là chó nha."

Facebook Sự ThậtAnh ta là Phạm Thái Dương, từng lên tiếng chửi rủa thậm tệ những người lên tiếng đòi quyền làm người, anh bảo "vậy trước giờ là chó ah". Nay anh đã bị chính những người mặc sắc phục đánh tơi tả như chó mà không biết lý do. Đấy... là quyền mọi người đang nói đến đấy.

Không biết sau sự tình này... anh sẽ như thế nào. Nhưng dù sau tôi cũng chúc anh tìm lại được "sự minh bạch" ở đất của các bác cộng sản.

Tất Phương NguyễnCậu bé tin vào đảng đã bị đảng "dập" te tua.

Cũng may trong mấy clip này mà không có công an thì dám đổ thừa là "phản động" đánh lắm đó nghen.

Facebook Chieu NguyenDù gì thì tui coi hình anh nầy tui cũng đau lòng xót dạ. Ba mẹ anh ta thấy hình nầy sẽ đau đớn lắm.

Bị đánh vậy mà vẫn còn sắc son tin tưởng pháp Luật của Đảng. Ngu hết thuốc chữa!

Anh Hoàng Thanh Lưu thì tỏ ra khoái chí với tuyên bố của Dương: Khà khà... khoái nhất câu này của DLV chính quy Phạm Thái Dương:

"Tuy bị chính CA đánh nhưng tôi vẫn 1 lòng tin vào Luật Pháp Việt Nam, những kẻ đánh tôi chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, làm hoen ố lực lượng CAND.

Tôi sẽ kiện tới cùng và tôi tin sẽ được pháp luật bảo vệ!"

Vâng, chúng ta hãy chờ xem, liệu pháp luật cộng sản có bảo vệ được công lý cho Phạm Thái Dương?

Qua sự việc này, Dư Luận Viên cuồng đảng hãy nhớ rằng: trong chế độ côn an trị như hiện nay thì lương dân, người hoạt động xã hội hay kẻ bưng bô "yêu chế độ" đều đã và đang trở thành nạn nhân của lực lượng này. Khi công lý là diễn viên hài, pháp luật là công cụ để cai trị thì sức khỏe, tính mạng người dân đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

11/5/2017