Sunday, October 25, 2015

'Sống hạnh phúc, chết bình an'

Theo Người Việt-10-25- 2015 2:09:01 PM Tạp ghi Huy Phương

Sau khi ông bác họ tôi chết được ít lâu, gia đình muốn lợp lại mái nhà. Khi người ta gỡ mái tranh cũ mang đi, họ tìm thấy ba lượng vàng được gói cẩn thận trong một miếng vải đỏ, nhét trong mái tranh. Người con trưởng, bỗng nhớ những giờ phút sắp ra đi của ông cụ thân sinh, lúc không còn cử động và nói năng được, nhưng đôi mắt ông cứ đăm đăm nhìn lên mái nhà, nơi mà ông giấu mấy lượng vàng.

Tôi cũng nhớ lại, sau năm 1975, hồi đi tù Cộng Sản, ngày được lệnh đổi tiền, nhiều anh sĩ quan đang bị tập trung, đã xin phép quản giáo cho về nhà, vì những người này lỡ giấu tiền trong bộ salon ở phòng khách hay ở một góc hẻm nào trong nhà, mà không cho vợ biết, và cứ nghĩ rằng mình đi tù một hai tuần rồi sẽ được về nhà.
Đến tuổi này rồi, bạn có giấu của cải, tiền bạc ở chỗ nào, con rơi con rớt ở đâu, xin “thành thật khai báo” kẻo không còn kịp nữa.

Quả tình là không ai biết mình sẽ giã từ cuộc đời này vào lúc nào, kể cả những bệnh nhân ung thư đến thời kỳ cuối, đã được bác sĩ thông báo ngày chết. Mới vài ngày trước đây thôi, người bạn trẻ của tôi đang khỏe mạnh, nói nói cười cười, thế mà hôm nay, qua một cuộc phẫu thuật tim, thông thường sau vài ba tiếng đồng hồ sẽ tỉnh lại, anh đã không bao giờ mở mắt ra để nhìn cuộc đời này nữa. Cũng trong lúc này tôi có những người bạn nằm trong “nursing home” đã trên 10 năm dài, có người phải dùng thức ăn lỏng bơm thẳng vào dạ dày, có người đôi mắt đã hư, chỉ còn nhận ra người quen qua tiếng nói.

Nghĩ cho cùng, cái chết là tất yếu, nhưng ai biết được bao giờ mình sẽ chết? Và cũng vì không ai biết trước được ngày mình chết, nên mỗi người đều đi tìm cho mình một cách sống.

Ví như loài người trên trái đất này đến tuổi 60 tất cả đều phải chết, thì không còn ai phải sửa soạn hay dành dụm cho mình để lo cho những ngày chưa chết. Chính vì cái điều mà người ta thường gọi là số mệnh, cuộc sống lâu mau của mỗi người đã làm nên, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Khoa tử vi cũng không giải thích được cuộc đời của hai người song sinh, cùng cha mẹ, chào đời trong một giờ, một ngày, một năm, một tháng giống nhau.

Có ai bỏ lại được mọi sự lo lắng lại cho cuộc đời này để thanh thản ra đi.

Phải chăng vì sự lo, sợ cung tần mỹ nữ sẽ không trung thành với mình hay ích kỷ muốn mang theo những vật sở hữu của mình, mà vua Khang Hy (1654-1722) đã “chôn theo” mình toàn bộ 48 phi tần của ông.

Có người chết đi, “yêu mình” đến nỗi lo sợ sự nghiệp của mình không ai nhớ đến, nên lo đúc tượng mình khi còn sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn than khóc vì cuộc đời vốn đã bất hạnh của mình, sợ rồi khi mình nằm xuống, “không có nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”

Nguyễn Du cũng ngậm ngùi “bất tri tam bách dư niên hậu, thiện hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Làm chính trị cũng lo lắng chuyện dở dang, bất thành: -“Tôi chết thì trả thù cho tôi!”

Nhà văn Võ Phiến trước khi qua đời cũng băn khoăn: - “Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi không, hả anh?” (Nguyễn Hưng Quốc, 1 Tháng Mười, 2015)

Thì ra, trước khi qua đời, ai cũng có cái lo, mỗi người lo một cách.

Chết rồi, có người chẳng muốn thiêu vì sợ nóng, nhưng cũng có người không muốn chôn, vì nằm đó, mà chẳng có đứa con nào viếng thăm, “thì buồn chết được!” Chết thì hẳn đã chết rồi, mà người chết rồi làm sao biết buồn nữa! Có người đã lớn tuổi, đau ốm quanh năm, muốn về Việt Nam thăm bà con một chuyến, nhưng bắt các con hứa, nếu lỡ có mệnh hệ nào, thì các con nhớ mang cha trở lại Mỹ. Có người ở tù Cộng Sản năm bảy năm, sang được Mỹ, bây giờ chết lại đòi mang quan tài về Việt Nam. Như vậy, chết vẫn chưa là hết, chết cũng còn nằm trong kế hoạch, chương trình, sau khi nắp quan tài được đậy lại.

Có những cái chết mang lại thương tiếc cho tất cả mọi người, có những tấm lòng và công việc của những người chết mà không ai có, không ai thay thế được, nhưng trái lại, có những người sống lâu, bị người đời nguyền rủa. Trong những cái “chẳng khoái ư!” của ông Lâm Ngữ Đường, tác giả kể chuyện ông Kim Thánh Thán, sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong làng vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Thoạt đầu, tôi trộm nghĩ, đã là con người với nhau, thằng xảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng hóa ra bất nhân! Nhưng nghĩ lại, nếu mình không là nạn nhân, không là người chịu đựng những nỗi khổ đau trầm luân của người trong cuộc, thì không thể thông cảm với cái “vui” khi thấy người khác chết! Một con người hay một chế độ cũng vậy!

Sống bao lâu là đủ, chết lúc nào là vừa?

Phải chăng câu trả lời còn tùy theo sự sống của mỗi người.

Lợi ích của cây đa, cây đề là còn cho con người bóng mát, chứ không phải là nơi người ta gửi những cái ông bình vôi sứt mẻ để tạo ra một hình ảnh tôn kính quá đáng. Chúng ta chọn hình ảnh người tướng lãnh chết giữa trận tiền hay sống tàn tạ, chết già nua trong sự quên lãng của mọi người. Đối với một người lính, chúng ta chọn giữa cái chết hay sự sống dần dần phai nhạt?

Chưa có ai từ cõi chết trở lại cõi sống để mô tả cho con người biết cái chết, cũng không có bằng chứng khoa học về ý thức sự sống sau cái chết của một sinh vật, nhưng hầu hết tôn giáo đều cho rằng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một sự sai lầm.
Nhưng có một điều chúng ta ai cũng phải nghĩ đến là có sinh thì có diệt, có sống tất phải có cái chết!

“Chẳng ai sống đời đời, kiếp kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, anh em nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống...” “Thi nhân, riêng mình, nào phải viết bài thơ trường cửu. Hoa nở rồi tàn. Và, ai đó đã cài hoa lên áo, cũng chẳng cần khóc thương mãi mãi làm gì. Đấy, anh em, nhớ kỹ điều đó, và vui lên mà sống.” (Rabindranath Tagore - Đỗ Khánh Hoan dịch)

Alan Phan là một doanh nhân nổi tiếng, từng tổ chức và hoàn tất chuyển giao 18,000 xe lăn tại Việt Nam và Indonesia, vừa qua đời, tạm khép lại giấc mơ ông đang ấp ủ cho quê nhà: “20 triệu máy tính cho trẻ em Việt Nam.” Tuy vậy, chỉ ba tháng trước khi ra đi, cảm nhận được những bất trắc của cuộc đời, Alan Phan đã bình thản nhận mình “rất bình an với những gì mình đã có, đã mất, đã thua, đã thắng, nghĩa là cái chuyện nó đã xảy ra rồi, thế thôi.”

Trên mọi sự, ông đã không những “forget” mà còn “forgive!”

(Nhân ngày tiễn đưa Tiễn Sĩ Alan Phan, 25 Tháng Mười Một, 2010)

Ăn hối lộ 11 tỷ đồng, 6 cán bộ đường sắt ra tòa

HÀ NỘI (NV) - Sáng 26 Tháng Mười, tòa án thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án các quan chức thuộc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam nhận hối lộ 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng từ nhà thầu Nhật Bản.



Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi
triển khai từ năm 2013. (Hình: Tuổi Trẻ)


Theo tờ Tuổi Trẻ, 6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù gồm các ông: Phạm Hải Bằng (46 tuổi), phó giám đốc Ban Quản Lý Các Dự Án Đường Sắt (RPMU) thuộc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam; Nguyễn Nam Thái (38 tuổi), trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU; Trần Văn Lục (57 tuổi), giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông (51 tuổi), phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam; Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi), giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy (50 tuổi), phó giám đốc RPMU.

Vụ án bắt nguồn từ Tháng Ba, 2014, khi báo The Yomiuri Shimbun, Nhật Bản đưa tin Công Ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (JTC) chi 80 triệu Yen cho các cán bộ thuộc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam.
Ngay sau đó, chính phủ CSVN giao Bộ Công An phối hợp Viện Kiểm Sát Tối Cao, Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Ngoại Giao chủ động xác minh và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Tối Cao, năm 2008, Bộ Giao Thông Vận Tải có quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam giao RPMU làm chủ đầu tư quản lý dự án.

Tháng Chín, 2009, RPMU ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án với liên doanh do Công Ty JTC đứng đầu. Hợp đồng tư vấn sau đó đã được điều chỉnh nâng tổng giá trị lên 3.6 tỷ Yen và 236 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Phạm Hải Bằng nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án và được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ. Thực tế, JTC đã hỗ trợ khoảng 11 tỷ đồng.

Trong số đó, ông Bằng quản lý sử dụng 4.8 tỷ đồng. Số tiền này các bị cáo khai đã sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại, nghỉ mát, thưởng lễ cho nhân viên, hỗ trợ công đoàn..., nhưng không mở sổ sách theo dõi việc sử dụng tiền, không báo cáo Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam.

Cáo trạng xác định, “Các cán bộ RPMU đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA.” Hiện do phía Nhật Bản xử lý nhà thầu JTC nên đã làm ngưng trệ việc thực hiện dự án. (Tr.N)

10-25-2015 1:42:45 PM 

Việt Nam kiệt quệ về tài chính

Theo NgườiViệt-10-25-1:59:15 PM 
Ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư của chính quyền Việt Nam, đã tạt một gáo nước lạnh vào báo cáo mà chính phủ Việt Nam vừa trình bày trước Quốc Hội. 




Chính phủ Việt Nam muốn phát hành lượng trái phiếu trị giá ba tỷ Mỹ kim trên
thị trường quốc tế để “tái cơ cấu các khoản nợ trong nước.” (Hình: TBKTSG)

Trong khi chính phủ Việt Nam báo cáo với Quốc Hội rằng, mức thu cho ngân sách sẽ cao hơn dự kiến khoảng 61,000 tỷ đồng thì ông Vinh khẳng định, con số đó chỉ để... nghe cho vui. Số thu trên thực tế thấp hơn nhiều so với mức dự thu và lý do khiến mức thu cho ngân sách tăng chỉ là “nghiệp vụ.”

Ông Vinh giải thích cặn kẽ những “yếu tố nghiệp vụ” khiến nguồn thu “tăng.” Đó là mức giải ngân các khoản vay để phát triển tăng, tiền bán đất tăng và tính luôn tiền... xổ số kiến thiết. Trước đây, những khoản này không được tính như những nguồn thu cho ngân sách nhưng nay thì cộng hết và nhờ vậy khiến mức thu cho ngân sách... cao hơn dự kiến.

Đáng lưu ý là ông Vinh cảnh báo, trong khi số thu tuyệt đối (số thực) của ngân sách là 255,750 tỷ thì các địa phương đã giữ lại 131,200 tỷ đồng, thực thu của chính quyền trung ương chỉ còn 154,000 tỷ đồng, trừ đi các khoản phải chi hiện chỉ còn 45,000 tỷ đồng để phân bổ. Ông Vinh nhấn mạnh, nếu phải trả nợ thì gần như không còn tiền để làm gì cả.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội, “tỏ ra bất ngờ” sau khi nghe ý kiến của ông Vinh. Ông Hùng nhận xét, ngân sách như thế thì làm sao đạt được mục tiêu “phát triển bền vững” cho giai đoạn 2016-2020! Đã vậy khi vay lại vay ngắn hạn, “chưa vay đã trả” thì lấy gì để “cân đối!”

Cũng theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì ông Bùi Đức Thụ, thành viên Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội, tiết lộ, ngân sách cạn kiệt nhưng bội chi vẫn tăng, tạo áp lực lớn lên chuyện nợ nần. Tỷ trọng bội chi có giảm nhưng số tuyệt đối đã tăng từ 226,000 tỷ đồng/năm lên 254,000 tỷ đồng/năm. Năm 2015 Việt Nam chỉ trả nợ được 150,000 tỷ đồng nhưng lại vay 311,000 tỷ đồng. Tính ra khối lượng vay lớn gấp đôi khối lượng trả. Theo ông Thụ, năm tới, tình trạng vừa kể sẽ tái diễn.

Có lẽ cần nhắc lại rằng, hồi cuối năm 2013, ông Vinh từng cảnh báo với Quốc Hội rằng, “kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn đào củ mài để ăn.” Khi ấy, ông Vinh từng nhấn mạnh “vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan.” Lãnh đạo chính quyền các địa phương mạnh tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện những dự án đó, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

Thực trạng đó là lý do nhiều năm nay, chi cho đầu tư phát triển giảm chưa từng thấy trong lịch sử, nhiều công trình dở dang, trong khi không đầu tư cho phát triển thì không thể phát triển và chính quyền Việt Nam đang loanh quanh trong vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra.

Cách nay vài tháng, sau khi khảo sát về phân cấp tài khóa tại Việt Nam, Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho biết, kế hoạch chi tiêu của chính quyền địa phương không đáng tin cậy vì có sự chênh lệch lớn giữa dự chi và thực chi. Đặc biệt là những khoản thực chi cho đầu tư hạ tầng thường cao hơn 50% so với dự chi. Vượt xa hướng dẫn rằng, mọi thứ chỉ có thể xem là tốt nếu mức độ chênh lệch giữa dự chi và thực chi không nên quá 5%.

WB nhận định, tình trạng vừa kể là do phía hành pháp được phép thay đổi dự chi, không cần phía lập pháp - đại diện cho dân chúng xem xét và phê duyệt. Tình trạng này diễn ra ngay cả ở cấp cao nhất. Năm 2013, Quốc Hội từng ấn định, bội chi không được vượt quá 5.3% GDP nhưng đến hết năm 2013, chính phủ vẫn để cho bội chi lên tới 6.6% GDP.

Trước đây, Dự Luật Ngân Sách Nhà Nước từng có một điều nhằm xác định trách nhiệm của những người phê duyệt, cho phép sử dụng ngân sách sai nguyên tắc. Tuy nhiên gần đây, khi Quốc Hội bỏ phiếu thông qua dự luật này, điều vừa kể đã bị gạt bỏ. Theo tiết lộ của một viên chức lãnh đạo Quốc Hội thì sở dĩ cơ quan này phải gạt bỏ điều vừa kể bởi có rất nhiều viên chức trong hệ thống chính quyền phản đối, với lý do, cho phép truy cứu trách nhiệm những người phê duyệt, cho phép sử dụng ngân sách sai nguyên tắc là một kiểu “trói” họ!

Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, e ngại trước tình trạng nợ nần tăng vọt, ngân sách liên tục bội chi, Quốc Hội đã ban hành một nghị quyết, yêu cầu, từ 2015, chính phủ không được phát hành trái phiếu có kỳ hạn dưới năm năm và phải giảm mức vay đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ).

Tuy nhiên hồi giữa tháng này, bộ trưởng Tài Chính Việt Nam cảnh cáo, từ đầu năm đến nay, việc bán trái phiếu kỳ hạn năm năm hết sức khó khăn. Đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã bán được chỉ mới khoảng 51% kế hoạch của cả năm. Nếu không “đa dạng hóa kỳ hạn” (thực chất là cho phép tiếp tục bán trái phiếu ngắn hạn) thì sẽ không kiếm đủ tiền để chi tiêu và thực hiện các mục tiêu do chính Quốc Hội Việt Nam đề ra.

Mặt khác, dẫu Luật Quản Lý Nợ Công không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để lấy tiền trả các khoản vay trong nước nhưng vì tình thế như vừa kể, gần như chắc chắn tại kỳ họp lần này, Quốc Hội vừa nới lỏng cơ chế cho phép vay vốn bằng trái phiếu (phát hành lượng trái phiếu trị giá $3 tỷ trên thị trường quốc tế vào năm 2017 để “tái cơ cấu các khoản nợ”), vừa cho phép bán trái phiếu ngắn hạn. (G.Đ.)

‘Di tích quốc gia’ Yên Tử bị tàn phá, chính quyền làm ngơ

QUẢNG NINH (NV) - Đơn vị đang khai thác cáp treo đã đập một kiến trúc cổ ngay tại vùng cốt lõi của “di tích quốc gia đặc biệt” Yên Tử, để “xây nhà văn hóa công ty.” Thế nhưng chính quyền sở tại lại làm ngơ.


Công trường xây dựng không phép ở ngay vùng lõi của “di tích quốc
gia đặc biệt” Yên Tử. (Hình: Thanh Niên)
Ông Thanh, đại điện của công ty Tùng Lâm, đơn vị khai thác cáp treo Yên Tử, biện minh: “Đập xây nhà văn hóa công ty để vào ngày đầu tháng, ngày rằm có chỗ làm lễ vái Tam Tổ Trúc Lâm. Trước đây, diện tích chỉ đủ cho khoảng mấy chục người. Công ty lại hơn trăm người, mỗi một lần làm lễ vẫn phải ngồi hết ra ngoài.”

Ông Thanh cũng cho biết, việc xây mới này hiện chưa được cấp phép. “Phải xin phép chứ. Chúng tôi đang vừa xin phép vừa làm cho kịp mùa lễ hội tết,” ông Thanh nói. Trong khi đó, ông Vũ Đức Yêm, trưởng Ban Quản Lý Di Tích và Rừng Quốc Gia Yên Tử, khẳng định: “Công ty Tùng Lâm xin phép sửa chữa thôi.”

Trên thực tế, công ty này mới chỉ gởi đơn xin phép Ban Quản Lý Di Tích Yên Tử và thành phố Uông Bí. Song chưa hề có giấy phép, phía công ty đã tự động đập kiến trúc cũ đi để xây nhà mới.

Ông Yêm cho biết thêm, ban quản lý của ông không có trách nhiệm xin phép hộ công ty này. Là đơn vị quản lý nhà nước, ông chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện mà thôi. “Phía Tùng Lâm họ làm đơn xin nâng cấp. Có nghĩa là điểm văn hóa đó trước kia đã có. Giờ họ làm đơn xin nâng cấp có diện tích lớn hơn kiến trúc cũ cho phù hợp với cảnh quan và kiến trúc bây giờ. Thế thì họ cũng đã có công văn phúc trình với thành phố và ban quản lý. Và thành phố cũng đã có công văn hướng dẫn họ thực hiện theo các quy định. Tuy nhiên, sau đó họ lại vừa, làm vừa triển khai quy định đấy nên họ bị sai. Nên thành phố và ban đã vào lập biên bản, đình chỉ,” ông Yêm nói.

Tin cho hay, đây không phải lần đầu công ty Tùng Lâm có cách làm việc kiểu “tiền trảm hậu tấu” như vậy. Hồi cuối năm 2009, theo thống kê của Sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch Quảng Ninh, công ty này đã tiến hành xây dựng tới 9 điểm ở Yên Tử mà không hề được cấp phép. Suối Giải Oan cũng bị dựng cầu, kè đá không phép. Thậm chí, vào thời điểm đó, cơ quan chức năng cho biết còn chưa nhận được bản quy hoạch, thiết kế nào do Tùng Lâm phúc trình.

Việc xây dựng trái phép kéo dài, lặp đi lặp lại của công ty Tùng Lâm cho thấy, ý thức pháp luật kém của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ban Quản Lý Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt Yên Tử và các cấp quản lý cao hơn ở tỉnh Quảng Ninh và cả Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch.

Chiều 24 Tháng Mười, phóng viên Thanh Niên liên lạc với ông Nguyễn Thế Hùng, cục trưởng Cục Di Sản, về các vấn đề liên quan tới Yên Tử nhưng chưa liên lạc được.

Trong khi đó, ông Hồ Chí Đức, phó giám đốc Sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch Quảng Ninh, chỉ hứa... sẽ cho kiểm tra thêm. Đồng thời cho rằng, sau khi xây xong có thể công ty Tùng Lâm hoàn thiện hồ sơ để xin được cấp phép nên các công trình xây dựng trái phép sẽ được phép tồn tại!

Còn ông Phạm Tuấn Đạt, phó chủ tịch thành phố Uông Bí, thì lấy lý do bận tham dự một chương trình liên hoan lớn của tỉnh nên sẽ rà soát, xem xét lại vấn đề này và thông tin lại sớm!

Sự yếu kém trong quản lý này lại được đặt trong bối cảnh hiện Quảng Ninh đang dần dần hiện thực hóa việc làm hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho Yên Tử. Ngày 23 Tháng Chín, 2014, website của Trung Tâm Di Sản Thế Giới UNESCO đã đăng tải hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới. (Tr.N)

10-25- 2015 1:30:09 PM 

'Cuộc chiến truyền thông' trước hội nghị 13

TS. Phạm Chí Dũng 
Gửi cho BBC từ Sài Gòn 
7 giờ trước
Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú TrọngImage copyrightAP
Image captionĐảng Cộng sản Việt Nam có thể sẽ cần tới một hai hội nghị trung ương nữa để thống nhất vấn đề các ghế lãnh đạo 'tứ trụ', theo tác giả.
Sau Hội nghị trung ương lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, rất có thể mọi việc vẫn còn nằm phía trước, và dường như tương quan lực lượng vẫn đang là 50/50.
Nếu hội nghị trung ương 13 chứa đựng nội dung bỏ phiếu cho ‘tứ trụ’, ai giành phiếu cao hơn sẽ là câu hỏi sống chết.
Khác hoàn toàn với hình ảnh mặt hồ không gợn sóng tại hội nghị trung ương 11 vào giữa năm 2015, Hội nghị trung ương 12 của Đảng CSVN khai tỏa vào tháng 10/2015 đã đạt tới tiêu chí tiêu biểu của thông tin nhiễu loạn.
Trước, trong và sau hội nghị này, các ‘fan hâm mộ’ của Thủ tướng chính phủ lẫn phe đảng liên tiếp 'dội bom' vào nhau khiến dư luận không biết đâu mà lần.

Hai bờ đối nghịch

Có lẽ khó ai có thể hình dung được nhân vật được quan tâm nhất trong chính trường Việt Nam - ông Nguyễn Tấn Dũng, đương kim Thủ tướng - sẽ tiếp tục đường danh nghiệp của mình như thế nào – tổng bí thư, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, hoặc sẽ trở thành một ‘thái thượng hòa’ buông rèm nhiếp chính theo một nghĩa nào đấy.
Tuy nhiên, chi tiết khá rõ cho tới giờ là Hội nghị trung ương 12 đã chưa thể ‘gút’ được các nhân sự cao cấp nằm trong ‘bộ tứ’. Vì thế, đảng cầm quyền còn cần đến hội nghị 13, có thể diễn ra vào tháng Mười Hai tới, thậm chí cần cả hội nghị 14 - được coi là ‘đại hội trù bị’ ngay trước đại hội chính thức lần thứ 12 diễn ra vào đầu năm 2016.
Tuy vấn đề nhân sự cao cấp chưa giải quyết được, nhưng ngay sau Hội nghị 12 đã xuất hiện vài bài viết được tung lên mạng xã hội, cho rằng có 3 phương án nhân sự cho ‘tứ trụ’ đã được Bộ chính trị phổ biến để lấy ý kiến các ủy viên trung ương đảng. Trong đó có đến hai phương án mà ông Nguyễn Tấn Dũng được xếp vào vị trí tổng bí thư.
Nhưng một số tin tức lại cho rằng tại hội nghị 12, các ủy viên trung ương đảng chỉ được tổ chức lấy ý kiến thăm dò về nhân sự các thành viên (cũ và mới) trong Bộ chính trị và chủ yếu là thông qua tiêu chí ‘đặc biệt’ về nhân sự cao cấp mà tác giả là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chứ chưa có cuộc bỏ phiếu nào về ‘tứ trụ’.
Một bài viết được cho là xuất phát từ bên đảng đã đánh giá thực lực của Thủ tướng Dũng trong Ban chấp hành trung ương hiện thời chỉ còn 3 phần, so với 7 phần trước đây; và hiện có tới 13 người trong Bộ chính trị dưới cờ ông Trọng - hoàn toàn trái ngược với cách nhìn của phe ủng hộ thủ tướng khi cho rằng ông Dũng vẫn đang ở thế ‘thượng phong’.
Image copyrightGetty
Image captionChủ đề nhân sự lãnh đạo Đảng và nhà nước sau Đại hội Đảng lần thứ 12 vẫn nằm ở trung tâm sự quan tâm của dư luận Việt Nam hiện nay.
Cuộc đấu truyền thông cũng bởi thế đang ngày càng căng thẳng và khốc liệt. Tuy nhiên cho tới nay và vẫn theo ‘truyền thống’, cuộc chiến này chỉ diễn ra trên mặt trận duy nhất là mạng xã hội, hay còn được gọi là ‘lề trái’, trong khi toàn bộ 800 tờ báo nhà nước im thin thít.
Với phần lớn tổng biên tập chịu sự chi phối và can thiệp trực tiếp từ Ban Tuyên giáo trung ương lẫn các ban tuyên giáo cấp tỉnh thành, tâm tư dễ hiểu nhưng khó được cảm thông là đa số tổng biên tập đều quyến luyến cái ghế của mình khi đại hội đảng lần thứ 12 cùng công tác tổ chức đang đến rất gần.

Cán cân 50/50?

Thời đại bùng nổ Internet đã tiếp thêm sinh lực cho cuộc đấu đạt đến tiêu chí không khoan nhượng trong nội bộ đảng. Hiển nhiên bên nào mạnh hơn về truyền thông, bên đó sẽ nắm ưu thế tạo ra tác động chi phối về tâm lý đối với người bỏ phiếu.
Trong lúc bên đảng vẫn lúng túng chậm lụt trước mạng xã hội mà chỉ biết trông chờ vào những ‘cơ quan ngôn luận’ như báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân, những người ủng hộ Thủ tướng Dũng lại nhanh nhạy và sáng tạo hơn hẳn với hàng loạt bài viết ca ngợi ông Dũng không tiếc lời.
Những bài viết này lại được gửi đến những trang mạng xã hội có số đông người truy cập như Dân Luận, Tin Tức Hàng Ngày, Ba Sàm, Dân Làm Báo…, cùng vài blog cá nhân khác như một ý thức muốn ‘vận dụng linh hoạt’ mạng xã hội như một công cụ để loan tải ý đồ tranh đấu nội bộ, cho dù những trang này đã và vẫn đang bị chính quyền, công an Việt Nam lên án hoặc ‘thế lực thù địch’ hoặc ‘phản động’.
Trong lúc một số bài viết luôn khẳng định ưu thế vượt trội của một trong hai bên, thậm chí còn có tin đồn về việc TBT Trọng giới thiệu Thủ tướng Dũng làm tổng bí thư khóa 12 tới, việc phân tích và đối sánh các bài viết này với nhau lại là một trò chơi giải phương trình toán học không kém thú vị.
Ngày 20/10/2015, trên trang BBC xuất hiện bài viết của tác giả khá quen thuộcNguyễn An Dân – người từng có nhiều bài viết được cho là công khai ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – với câu kết ‘mong là lần này Ban Chấp hành Trung ương có quyết định sáng suốt và đúng đắn, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước và dân tộc trong khúc ngoặt quan trọng này’.
Việc tổng hợp các thông tin cho thấy sau Hội nghị trung ương 12, rất có thể mọi việc vẫn còn nằm phía trước, và dường như tương quan lực lượng vẫn đang là 50/50.

Câu hỏi sống chết

Image copyrightGetty
Image captionLãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, theo dự kiến sẽ tới thăm chính thức Việt Nam trong tháng 11/2015.
Một khi vẫn chưa có gì chứng tỏ một bên nào đó vượt hẳn so với bên kia, tình trạng giằng co này lại phụ thuộc một phần vào các chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tập Cận Bình và Obama.
Nhưng phương trình đối ngoại của đảng Cộng sản Việt Nam giờ đây lại trở nên ‘đồng chí’ hơn là hai khuynh hướng tách bạch ‘hướng Mỹ’ và ‘hướng Trung’ trước đây. Nếu sau vụ việc giàn khoan HD 981 của Trung Quốc vỗ mặt giới lãnh đạo Hà Nội vào giữa năm 2014 mà đã tạo nguồn cơn cho chủ thuyết ‘dần thoát Trung’ trong phần lớn nội bộ đảng cho đến giờ này, người ta có thể hình dung rằng giữa hai ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ tổng bí thư đại hội 12 là TBT Trọng và Thủ tướng Dũng ít nhất cũng không quá cách biệt: điểm đến xứ Cờ Hoa.
Một năm sau vụ Giàn khoan HD-981, Tổng bí thư Trọng đi Washington và đã được đón tiếp bằng cờ và hoa đúng nghĩa. Hai món quà của ông Trọng đáp lễ cũng ý nghĩa không kém: chính thể độc tài Việt Nam chấp nhận định chế Công đoàn độc lập và sau đó chấp nhận cả thực tồn của Xã hội dân sự, dù mới chỉ trên phương diện nguyên tắc.
Tiếp tới, người Hà Nội ngó sang dinh thủ tướng xem ông sẽ ‘cải cách thể chế’ ra sao như đã hứa hẹn quá nhiều lần nhưng vẫn chưa có manh mối gì xác minh.
Những ngày gần đây, ở Hà Nội cũng đang nổi lên dư luận về tình trạng ‘thất sủng’ của những quan chức Việt tốt nghiệp từ Trung Quốc, trong khi giới chức đồng bào nhưng tu nghiệp ở Hoa Kỳ lại có cơ hội được ngẩng mặt hơn.
Nếu xét từ biểu hiện bề nổi ấy, chẳng có quá nhiều lý do để lo ngại rằng chuyến thăm của Tập Cận Bình sẽ khiến đảo lộn chính trường Việt trước đại hội 12, mà ngay trước mắt là Hội nghị trung ương 13.
Chỉ còn ẩn số về chuyến thăm của Obama sẽ có lợi cho ai…?
Công tác giải phương trình nhiều ẩn số, về cơ bản sẽ thuộc về giới chính khách Việt và các nhóm lợi ích trong nước.
Nếu hội nghị 13 chứa đựng nội dung bỏ phiếu cho ‘tứ trụ’, ai giành phiếu cao hơn sẽ là câu hỏi sống chết.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà quan sát và nhà báo độc lập đang sinh sống ở Sài Gòn.

'Đừng đem sai lầm sửa chữa sai lầm'

Th.S Nguyễn Tiến Trung

 Gửi cho BBC từ Sài Gòn 

7 giờ trước 

Image copyrightThanhNienOnline
Image captionViệt Nam đã đang tiến hành nhiều cuộc 'đối thoại quốc phòng' với Trung Quốc thời gian gần đây.
Căng thẳng trên biển Đông đang leo thang từng ngày với việc Trung Quốc đang hoàn thành việc xây dựng ba sân bay và các cơ sở quân sự tại các đảo nhân tạo thuộc Trường Sa.
Một năm trước đó, Trung Quốc cũng đã xây xong sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Các công trình quân sự này uy hiếp trực tiếp đến chủ quyền Việt Nam cả trên biển và đất liền và cũng chứng tỏ Trung Cộng quyết tâm nuốt trọn biển Đông.
Gần đây, Tập Cận Bình trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama đã tái khẳng định Trung Quốc có cái gọi là "chủ quyền" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam "từ thời cổ đại”.

Lãnh đạo run sợ?

Trong hoàn cảnh chủ quyền lãnh hải quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng bởi anh bạn “4 tốt”, “16 chữ vàng” của đảng cộng sản Việt Nam, ngày 19/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đề nghị với Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc Cảnh Huệ Xương hợp tác để bảo vệ “an ninh chính trị” của mỗi nước.
Và ngay tại Quốc hội, ngày 22/10, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tuyên bố:
“Trong nước ổn định, Đảng, nhân dân đoàn kết thì không ai có thể can thiệp. Còn nếu để xảy ra điểm nóng, khủng bố và phải dùng công an, quân đội trấn áp thì bên ngoài sẽ lấy cớ để cô lập chính trị, chia rẽ nội bộ.”
"Như vậy nội bộ mất ổn định, bên ngoài sẽ thừa cơ lật đổ chế độ. Mất đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất”.
Năm 1990, sau khi chế độ chuyên chính gọi là xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, do quá sợ hãi, các lãnh đạo đảng cộng sản lúc đó đã quyết định cầu thân với Trung Cộng bằng cách ký mật nghị Thành Đô nhằm tìm kiếm sự bảo trợ cho chế độ.
Nội dung hiệp nghị này đã được báo chí Trung Cộng tiết lộ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành 'một khu tự trị' thuộc Trung Quốc, một số nguồn nói. Thế nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa hề lên tiếng công khai bác bỏ tiết lộ này.
Đến bây giờ, qua việc tiếp tục ký kết hợp tác với Trung Quốc nhằm bảo vệ “an ninh chính trị”, bóng ma sụp đổ của những năm cuối thập kỷ 90 đang quay trở lại ám ảnh nhà cầm quyền.
Trong chương trình sách giáo khoa lịch sử, đảng cộng sản phê phán đường lối của cụ Phan Bội Châu dựa vào Nhật để chống Pháp là “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Image copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Image captionTướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh rối loạn nội bộ có thể dẫn tới để mất biển đảo vào tay nước ngoài, theo tác giả.
Thế mà bây giờ các lãnh đạo đảng cộng sản lại dựa vào Trung Cộng, kẻ đang xâm lược đất nước để duy trì chế độ. Hành động đó có thể được miêu tả bằng từ ngữ gì đây: “rước voi về giày mả tổ” hay “cõng rắn cắn gà nhà”?

Lý do sợ hãi

Thứ nhất, ngân sách quốc gia đang trống rỗng, dẫn đến chuyện “trả nợ không được thì sụp đổ” như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mới xác nhận.
Ngày 22/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói:
“Năng lực tài chính thực chỉ còn lại 45.000 tỉ đồng, rất nhỏ bé trong khi nhu cầu của các Bộ Giao thông, Bộ Nông nghiệp, các địa phương còn rất nhiều…
"Con số 45.000 tỉ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”.
Thứ hai, mâu thuẫn ngay trong nội bộ đảng cộng sản chưa bao giờ gay gắt và lộ rõ như bây giờ.
Lần đầu tiên đại hội đảng bộ đảng cộng sản tại Sài Gòn và Hà Nội được cho là đã không thể bầu ra bí thư, phải đợi Bộ Chính trị khóa sau 'chỉ định', một việc không hề được quy định trong Điều lệ đảng cộng sản.
Thứ ba, trong nước bất ổn, bất công xã hội lan rộng vì tham nhũng hoành hành, bắt người cướp đất trái phép, đảng cộng sản độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật khiến lòng dân bất mãn.
Chính ông Nguyễn Sinh Hùng cũng công nhận đây là chế độ “muốn bắt ai thì bắt”.

Loay hoay mâu thuẫn

Ngày 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Đổi mới nhưng không được chệch hướng”.
Thế nhưng đã qua bao mùa đại hội, đảng cộng sản Việt Nam vẫn đang nợ người dân một lời giải thích khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng tuyên bố: “Chúng ta đi mà không rõ đi đâu”. Rõ ràng rằng các lãnh đạo đảng cộng sản đang mâu thuẫn vì không biết đi hướng nào trong kinh tế nhưng lại sợ “chệch hướng”.
Tương tự, nhà cầm quyền đã hô hào khẩu hiệu “dân chủ, công bằng, văn minh” hàng chục năm nay nhưng hành động thực tế thì lại mâu thuẫn khi tạo dựng một xã hội “đảng chủ” bất công.
Image copyrightAP
Image captionHải quân Trung Quốc gần đây có nhiều hoạt động 'phô trương sức mạnh và răn đe' ở khu vực, theo giới quan sát.
Cũng chính vì mâu thuẫn về mặt chính trị nên lúc nào cũng sợ bị dân biểu tình lật đổ.
Như trên đã nói, Trung Cộng đang uy hiếp an ninh, chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tàu cá ngư dân miền Trung liên tục bị tàu Trung Cộng tấn công, nghĩa là chính họ kẻ thù với người dân Việt Nam về mặt quân sự.
Tuy nhiên, Trung Cộng và các lãnh đạo đảng cộng sản lại là đồng minh về chính trị. Nhà cầm quyền bị mắc kẹt khi vừa là đồng minh, vừa là kẻ thù với Trung Cộng.

Sai lầm sửa sai lầm?

Để giải quyết tình trạng ngân sách cạn kiệt, nhà cầm quyền lại quyết định đi vay 3 tỷ USD từ quốc tế để đảo nợ. Nguyên nhân chính là hệ thống chính trị đảng - chính phủ - mặt trận chồng chéo, tốn kém lại không được giải quyết.
Nhưng để giải quyết xung đột xã hội nghiêm trọng, làm sao ông Phùng Quang Thanh lại đề xuất giải pháp đem “quân đội nhân dân”, “công an nhân dân” để trấn áp “nhân dân”, liên minh với Trung Cộng, đối thủ đang đe dọa xâm lăng trên Biển Đông, để bảo vệ “an ninh chính trị”?
Chính vì thế, câu nói “tai tiếng” của ông Bộ trưởng Quốc phòng rằng “Mất đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất” đang gây phản ứng dữ dội trong cộng đồng mạng.
Cần nhắc lại cho 'Phùng tướng quân' nhớ rằng ngày 14/3/1988, hải quân Trung Cộng dễ dàng đánh chiếm đảo Gạc Ma và ra tay thảm sát 64 người lính hải quân Việt Nam. Tướng Lê Mã Lương đã tiết lộ “một đồng chí lãnh đạo cấp cao” ra lệnh không cho chiến sỹ Việt Nam nổ súng bảo vệ đất nước.
Qua đó để khẳng định, khi đảng cộng sản còn, chế độ còn thì biển đảo Việt Nam vẫn liên tục mất, chưa kể Hiệp định biên giới và Hiệp định vịnh Bắc Bộ với Trung Cộng cũng gây hoài nghi và lên án trong cộng đồng.
Do đó, giải pháp và ngụy biện của ông Phùng Quang Thanh sẽ càng chứng minh câu vè của dân gian về năng lực lãnh đạo của đảng cộng sản: “Sai đâu sửa đó, sửa đâu sai đó, sai đó sửa đâu”.

Nhìn ra khu vực

Image copyrightXinhua
Image captionCác đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông.
Thử nhìn xem các nước trong khu vực cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ.
Không lãnh đạo nước nào ở đó lại lo sợ bị dân biểu tình lật đổ, sợ đảng cầm quyền và dân không đoàn kết, sợ bị Trung Cộng ghét.
Lý do là vì các nước đó theo thể chế dân chủ, dân bầu ra người cầm quyền, tất cả đều đoàn kết theo đúng luật pháp chuẩn mực của quốc gia, không ai đứng trên pháp luật nên cả nước đồng tâm cùng nhau chống ngoại xâm.
Như thế, chỉ cần các lãnh đạo đảng cộng sản chính trực với dân, không mâu thuẫn nữa, thực sự thi hành “dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm tạo dựng một nhà nước cộng hòa chính danh, do nhân dân làm chủ, để bầu ra các lãnh đạo chính trực, quản trị quốc gia bằng pháp luật chuẩn mực.
Khi đó cả nước sẽ đoàn kết để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong thời gian đất nước Việt Nam dân chủ đang tập trung phát triển kinh tế, rất cần thiết phải liên minh với các quốc gia dân chủ, giàu mạnh, văn minh trên thế giới và khu vực để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Úc, Ấn Độ v.v...

Lời giải nan đề

Cơ hội đang cạn dần với nhà cầm quyền khi ngân sách trống rỗng, Trung Cộng ráo riết tiến hành bành trướng, mâu thuẫn nội bộ giữa các phe phái trong đảng cộng sản nghiêm trọng, người dân và cả đảng viên cộng sản bình thường đang bất mãn trước bất công xã hội.
Nguy cơ chiến tranh và bạo loạn xã hội đang hiển hiện. Nếu các lãnh đạo và đảng viên cộng sản tiến bộ không tận dụng được cơ hội cuối cùng này, không “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” thì các lực lượng khác sẽ nắm.
Cựu trung tá quân đội Trần Anh Kim đã thành lập “Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ” và đã bị bắt, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức cũng đang bị bắt vì thành lập “nhóm nghiên cứu Chấn”, và rất nhiều người khác nữa cũng đang bị giam cầm một cách bất công.
Thế nhưng lịch sử có quy luật của nó, các chế độ chuyên chính, chuyên chế đi trái lại lợi ích nhân dân, dân tộc, Tổ quốc trong lịch sử đều tiêu vong, đảng cộng sản cũng không là ngoại lệ. Hãy thức tỉnh trước khi quá muộn.
Hãy noi gương Tổng thống De Klerk của Nam Phi, chủ động tiến hành dân chủ hóa, bắt tay cùng Nelson Mandela để đưa cả dân tộc cùng đi tới.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một nhà vận động cho dân chủ hóa và nhân quyền ở Việt Nam, cựu tù nhân chính trị, đang sinh sống ở Sài Gòn.