Thursday, January 23, 2014

Lãnh đạo CSVN là người Việt hay người Tầu?


VRNs (24.01.2014) – Washington DC, USA – Lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã hành động ngược với quyền lợi của Tổ quốc về Quần đảo Hòang Sa nên có nghi vấn trong nhân dân muốn biết họ là người Việt hay người Tầu?
Sau đây là những lý do đã gây ra thắc mắc:
Thứ nhất: Nếu họ là người Việt thì tại sao họ lại cấm Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa tổ chức “Chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa”, dự trù diễn ra vào lúc 19h00 ngày 18.01.2014 tại Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng?
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòang Sa, ông Đặng Công Ngữ, đã phải hủy bỏ vào giờ chót vì chính quyền Trung ương ở Hà Nội sợ đụng chạm đến Trung Cộng.
Theo một số tài liệu thì Hà Nội không muốn truy điệu và tri ân 74 chiến sỹ của Việt nam Cộng Hòa đã hy sinh khi chống lại cuộc cưỡng chiếm Hòang Sa của quân Trung Cộng ngày 19.01.1974 vì sợ bị Bắc Kinh lên án “lật lọng”. Lý do: Trung Cộng đã nắm được bằng chứng từ năm 1956 chính quyền Cộng sản Việt Nam lúc ấy là Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa đã “lỡ mồm” thừa nhận Hòang Sa và Trường Sa (Trung Cộng gọi là Tây Sa và Nam Sa) là của Trung Cộng!
Bách Khoa tòan thư viết: “Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 15 tháng 6 năm 1956, tức khi đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ung Văn Khiêm đã nói với đại biện lâm thời của lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam, Lý Chí Dân, rằng: “Căn cứ vào tư liệu của phía Việt Nam, về mặt lịch sử thì quần đảo Tây Sa  Nam Sa nên là một phần lãnh thổ của Trung Quốc”.
Ai cũng biết vào thời điểm năm 1956 hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam. Vậy Ung Văn Khiêm có quyền gì và đã căn cứ vào đâu mà ăn nói qùang xiên như thế để gây họa cho Việt Nam bây giờ?
Thứ hai: Tại sao nhà nước CSVN không biện giải nổi mỗi khi Trung Cộng trưng ra các Tài liệu:
-Công hàm ngày 14.09.1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhìn nhận chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa.
-Bản đồ của Cục Đo đạc & Bản đồ VN (của miền Bắc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa,VNDCCH) từ 1964 đã ghi Tây Sa và Nam Sa là tên của Trung Cộng gọi hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa
-Tuyên bố ngày 09.05.1965 của chính phủ VNDCCH nhìn nhận “một phần của lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quần đảo Tây Sa của Trung Quốc nằm trong “vùng chiến sự” của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
Phía CSVN lúng túng vì họ biết đã lỡ “há miệng mắc quai” và không dám minh bạch với nhân dân mỗi khi cò ai muốn tìm hiểu cho ra nhẽ. Một số báo của đảng, tiêu biểu như báo Đại Đòan Kết của Mặt trận Tổ Quốc, ít viên chức ngọai giao và một vài Đại biểu Quốc hội có kiến thức về lịch sử như Đại biểu, sử gia Dương Trung Quốc thì cũng chỉ đưa ra những lập luận “bảo hòang hơn vua”, không soi sáng được tận nguồn gốc của những hành động và lời nói đã “tác hại nghiêm trọng” cho chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam.
Thứ ba: Tại sao trước 24 giờ kỷ niệm 40 năm trận chiến chống Trung Cộng ở Hòang Sa ngày 19.01.2014 của Hải quân VNCH thì Ban Tuyến giáo Trung ương của đảng CSVN đã ra lệnh cho tất cả các báo phải “ngưng” không được đăng thêm bài nói về về Hòang Sa nữa. Lệnh ngưng này là chỉ thị của Bộ Chính trị đảng CSVN hay áp lực từ Trung Cộng?
Trước lệnh này, một số báo “không thuộc dòng chính thống của đảng” như Thanh Niên, Giáo dục Việt Nam, ViệtNamNet, Tuổi Trẻ ..v.v… đã đăng nhiều bài nói về lịch sử trận chiến Hòang Sa và ca tụng sự hy sinh bảo vệ Tổ Quốc của các chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa.
Hàng ngàn độc giả, trí thức và dân thường kể cả nguyên Giám đốc Học viện Hải quân – Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 và nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Tiến sỹ Trần Công Trục đã lên tiếng yêu cầu Nhà nước phải “trân trọng và phải tôn vinh tinh thần yêu nước và hy sinh của những người lính VNCH chống ngoại xâm”.  Nhà nước lặng thinh.
Các báo “chính ngạch” gồm Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Dân Vận, Quốc phòng Tòan Dân v.v… đều không đả động gì đến biến cố Hòang Sa!
Như vậy là đảng CSVN đã “không cùng đồng hành vì chính nghĩa với dân tộc”. Họ đã chống lại nguyện vọng muốn bảo vệ Tổ quốc của dân và làm nhụt chí đấu tranh, yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam.
Thứ bốn: Vậy thì có lẽ không cần phải thắc mắc tại sao Công an Hà Nội đã có những hành động “thiếu văn hoá” và “không có giáo dục của Thánh hiền Việt Nam” khi họ bầy trò “cắt đá thi công gỉa vờ” và mở loa phóng thanh cực mạnh để phá buổi lễ tưởng niệm 40 năm Hòang Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm và ngăn cản người dân tri ân 74 Chiến sỹ VNCH tại Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội ngày 19.01.2014.
Trong số trên 400 Công an có anh Nguyễn Tuấn Khiên, phó đồn Công an phường Tràng Tiền đã gỉa làm công nhân cầm máy cắt đá xiên xẹo cốt làm bụt mù để đuổi người dân ra khỏi khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ. Nhưng liệu anh có biết cấp chỉ huy của anh đã chủ mưu làm cho anh xấu mặt hay anh đã cố ý hành động để giúp cho Trung Cộng bảo vệ lập luận chủ quyền Hòang-Trường Sa là của họ?
Bằng chứng về anh “công nhân đội nón cối” tên Khiên này đã được Blogger Nguyễn Lân Thắng cho biết: “Lại thêm một phát hiện: Đồng chí cầm máy cắt đội mũ cối không phải là công nhân… đồng chí ấy tên là Nguyễn Tuấn Khiên, phó đồn công an phường Tràng Tiền… điện thoại của đồng chí ấy là: +849120998888″.
Trường hợp anh Công an Khiên và những Công an vác loa đi quanh la hét vào mặt người dân, kể cả vào mặt một nữ Nhà báo nước ngòai khi bà muốn phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Quang A có phải bị lên án là họ đã “bôi nhọ” văn hóa Việt Nam để làm lợi cho Trung Cộng hay phải lôi các cấp chỉ huy của họ ra trước “tòa án lương tâm” để trả lời cho hành động của mình?
Hãy nghe một số trí thức của Thủ đô Hà Nội ghi lại “trò phá đám rẻ tiền” cuộc truy điệu yêu nước như sau:
Tiến sỹ Đào Tiến Thi:Ngó vào “công trình đang thi công” thì chỉ thấy mấy anh thợ đang xẻ đá. Những hòn đá nhỏ, có hòn chỉ lớn hơn nắm tay một chút và chẳng rõ xẻ như thế để làm gì. (Cho đến cuối buổi, khi người đi mít tinh đã về thì cuộc “thi công” cũng ngừng luôn và mấy cục đá xẻ lung tung đó càng tố cáo cái trò lố không che đậy được ai)…..
…Tôi nói nỗi buồn đau lớn nhất của tôi là nghĩ về dân tộc Việt Nam, từ một dân tộc anh hùng, hôm nay đã trở thành một dân tộc hèn nhát…”
140124Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: “Một tốp thợ đá đang chia nhau ngồi lầm lỳ cưa xẻ những phiến đá lớn nhỏ xung quanh tượng đài (mà chốc sau, khi đã vãn cuộc tôi đi quanh nhìn ngó mới biết các phiến đá họ cưa chỉ là cưa để lấy bụi nên ném vương vãi khắp nơi, hằn sâu lằn ngang lằn dọc như những chú chó đá há miệng cười trong truyện cổ tích, đến là khôi hài). Thì ra đám bụi bốc lên rất cao che mờ cả bức tượng mà vừa đến đầu đường tôi cứ tưởng là khói hương nghi ngút, chính là đám bụi đá do những người thợ đá “hành nghề không đúng lúc” này đây. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau: một mưu kế đáng gọi là “kịp thời” nhưng cũng đáng gọi là “cùng kế” của đám bộ máy chức năng, cốt để cản trở buổi lễ mà họ cầm chắc là sẽ rất xúc động – mà sự xúc động của lòng dân thì chính là điều bất lợi với nhà cầm quyền nếu nó được tổ chức trọng thể”.
Tiến Sỹ Nguyễn Quang A: “Chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt do công an (tôi tin những người mặc thường phục hôm đó cũng là công an mặc thường phục để che mắt thiên hạ) gây ra trong buổi tưởng niệm 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, nhưng tôi đã không nhắc đến sự kiện đau lòng và ô nhục vào buổi sáng đó trong bữa cơm tối với phó thủ tướng Vương quốc Bỉ, một giáo sư về luật hiến pháp và nhân quyền…”
Nhà giáo Phạm Tòan của nhóm Cánh Buồm: “Thấy cái anh gọi loa đó cứ quanh quẩn gần bên, tôi nói đùa, “anh là người Tàu phải không? Quảng Đông hay Quảng Tây?” Mọi người cười ồ lên. Anh ta đi sang nhóm bên cạnh tôi. Nghe có tiếng người hỏi anh ta, “hôm nay anh được trả mấy trăm?” Có anh còn rút ra tờ năm trăm ngàn giơ trước mặt anh ta nữa. Không nghe thấy lời nói đùa, chỉ thấy tiếng cười rộ”.
Song song với sự tức giận và khinh bỉ việc làm của Chính quyền, người dân Hà Nội đã nói thay cho hàng triệu người khác vào sáng ngày 19.01.2014 trước Tượng đài Lý Thái Tổ bằng những khẩu hiệu và lời hô yêu nước, tri ân các chiến sỹ của cả 2 bên chiến tuyến đã bỏ mình vì Tổ quốc.
Hãy đọc:
Không được bán Hòang Sa”
“Đả đảo Trung quốc xâm lược-Hòang Sa-Việt Nam-Trường Sa-Việt Nam -Đả đảo tay sai bán nước. Đả đảo tay sai Tầu”.
“Đả đảo bọn bán nước!”.
“Tẩy chay 16 chữ vàng & bốn tốt”.
Hàng chục bó hoa trắng có hàng chữ “Hòang Sa-Việt Nam” đã được dựng dưới chân Tượng Vua Lý Thá Tổ trong khi hàng trăm người dân và dân oan từ các nởi đổ về đã hô to với những cánh tay vung lên trời cao “ Hoàng Sa-Việt Nam—Trường Sa-Việt Nam!”
Các biểu ngữ lớn nhỏ bầy tỏ lòng biết ơn các chiến sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc và chống “tay sai Trung Cộng” cũng đã được dương cao, mặc cho những tiếng loa hò hét phá phách của Công an:
“Tưởng nhớ những người con yêu của Tổ Quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Trung quốc xâm lược tại biên giới phía Bắc-Biên giới Tây Nam, tại Hoàng Sa & Trường Sa”
Phong trào dân oan tri ân các anh Trường Sa-Hòang Sa
“Tổ Quốc Ghi Công-Đời đời nhớ ơn các Anh hung bảo vệ Hòang Sa 19.1.1975-Hình Trung tá Ngụy Văn Thà, Hạm trường HQ-10 Nhật Tảo”.
“Sang Năm Tới Hòang Sa
Như vậy khi người dân đã đứng về phía đối lập với Chính quyền để nói lên những điều biết ơn những con dân nước Việt đã nắm xuống cho mình được sống và Tổ quốc được trường tồn thì tại sao Lãnh đạo của đảng CSVN lại ngăn cấm dân chống ngọai xâm để làm lợi cho ngọai bang?
Đó là lý do tại sao Việt Nam không dám kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế đã xâm chiếm biển đảo của mình như Chính phủ Phi Luật Tân đã làm, phải không?
Cả cái Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nước có 500 Đại biểu mà không thấy ai dám “đứng về phía dân” xuống đường đòi lại biển đảo và truy ơn những liệt sỹ đã bỏ mình trong các cuộc chiến chống Tầu xâm lược thì họ đại diện cho dân ta hay dân Trung Cộng?
Như thế thì liệu đã qúa muộn chưa để nghi vấn về Quốc tịch của Lãnh đạo, hay ta cần phải làm cuộc giải phẫu để xem máu họ thuộc dòng giống nào?
Phạm Trần

Còng lưng “săn tiền” thưởng Tết

 Trong bộn bề của những nhu cầu tối thiểu mà ngày Tết phải có, hàng ngàn người lao động tự do đang cố kiếm những đồng tiền cuối cùng để sắm Tết... 


Để có tiền lo Tết, anh Nguyễn Văn Thế (39 tuổi ở Triệu Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội được 4 năm) phải vác những bao tải có trọng lượng hơn một tạ lên tầng 3 chợ Đồng Xuân. 
Người phụ nữ  quê  Tiên Lữ, Hưng Yên đang vác hàng tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội để kiếm 100.000 đồng/ngày mang về lo Tết.   
Không “may mắn” như những người mẫu kiếm bạc triệu trên sàn diễn, anh Nguyễn Đức Viễn (19 tuổi ở Hà Nội), công nhân tổ cống 7, Xí nghiệp Thoát nước số 1 đang còng lưng vét từng xô bùn dưới lòng cống để có được tiền thưởng Tết.   
 Trên hành trình gian nan để kiếm tiền tiêu Tết, người phụ nữ này đã bị tai nạn và đang được người qua đường giúp đỡ. 
Anh Hoàng Quốc Hội (Bắc Quang, Hà Giang) làm khoan cắt bê tông, san nền. Lĩnh tiền lương Tết này anh sẽ mua quà về quê cho có ý nghĩa- anh Hội chia sẻ. 
Chị Nguyễn Thị Hoa (Mỹ Đức, Hà Nội), đẩy xe bán ngô luộc, khoai lang nướng. Chị chỉ ra Hà Nội bán hàng mấy tháng mùa đông. Hằng ngày, chị bán từ 3 giờ chiều đến 3 giờ sáng. 
Bà Đinh Thị Ngọc (61 tuổi ở Ý Yên, Nam Định) thu nhặt từng nghìn lẻ qua chén nước chè trên đường Trần Nhân Tông. Bà đang ăn sáng bằng cơm nguội để dành tiền cho ngày Tết. 
Trần Hải

Người Việt thích nói dối

Cuộc đời ngắn ngủi của chú bé từng được mệnh danh "thần đồng bóng đá" dưới cái tên giả Lê Thế Vọng ở Gia Lai khiến người ta rơi nước mắt.

 
Một phó giám đốc Sở giáo dục TP.HCM tuyên bố: "Không đâu chăm lo mầm non tốt như nước ta", trong khi thực tế thì...
Em chỉ là nạn nhân của trò nói dối giữa người lớn với nhau, một trò chơi mệt mỏi và tai họa mà lạ thay, dường như người Việt rất thích.
Một cô gái 20 tuổi, bỗng dưng thành "doanh nhân sở hữu nghìn tỷ", khoe giải Ngôi sao kinh doanh, lãnh đạo xuất sắc Châu Á-Thái Bình Dương 2013, mà theo báo chí, đây là giải không ai biết ở Myanmar.
"Tự hào" vì là người Việt Nam duy nhất được mời dự Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình và thanh niên toàn cầu diễn ra tại Hoa Kỳ vào tháng 8.2014 - hội nghị mà cứ đúng tuổi và đóng 700 USD thì đi dự. Thông tin đi giảng dạy cho sinh viên khắp nơi té ra là đăng đàn nói về kinh doanh đa cấp.
Ở nhiều khu phố, rác ngập dưới chân tấm bảng "Khu phố văn hóa".
Một bộ trưởng giáo dục hô hào "Nói không với bệnh thành tích" nhưng, cứ đến cuối năm, giáo viên lại phải bò ra "cấy" điểm ma cho học sinh, để đảm bảo tỷ lệ lên lớp luôn luôn"đạt chỉ tiêu", như Phòng đã cam kết với Sở, Sở cam kết với Bộ.
Bắt học sinh gom giấy vụn làm Kế hoạch nhỏ nhưng Bộ in cả tấn sách tham khảo, sổ báo giảng, sổ dự giờ, giáo án, sổ điểm, sổ họp... buộc trường mua cho giáo viên, mỗi người khệ nệ ôm về cả chồng dày hơn gang tay. Mỗi quyển sổ to dày, cả năm cố lắm mỗi giáo viên xài hết chừng vài chục trang. Chẳng sao, giấy còn thì bán giấy vụn...
Công an thì "không có mại dâm ở Đồ Sơn".
Truyền hình làm phóng sự về chuyến đi biển đầu xuân của ngư dân thì dí ống kính sát vào đống sò, thế là một ít sò con con lên ti vi chất ngất như quả đồi.
"Nghệ sĩ" thì hô sang Hollywood đóng phim với các ngôi sao thế giới, trong khi chỉ lướt qua màn ảnh vài giây.
Một phó giám đốc Sở giáo dục TP.HCM tuyên bố: "Không đâu chăm lo mầm non tốt như nước ta".
Báo cáo tổng kết hô "GDP tăng, sản lượng lương thực tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách vượt trội, hoàn thành vượt mức xóa đói giảm nghèo, năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay", nhưng giáp tết 15 tỉnh vác rá lên trung ương xin gạo...
Thói dối trá giống như được bú cùng sữa mẹ, ngấm sâu lan tỏa khắp mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi lĩnh vực.
Người lớn đua nhau nói dối. Trẻ con cũng thế: Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục thực hiện năm 2008, tỷ lệ nối dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%.
Trong đời sống, có câu tục ngữ được hết đời nọ đến nọ kia thi nhau trích đi trích lại để khuyên răn, khuyến khích lối sống dối trá: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hay "Nói ngọt lọt đến xương".
Ô hay, sếp làm sai, nhân viên góp ý mà bảo phải góp cho vừa lòng sếp thì nói kiểu gì đây? Nói ngọt cách nào đây? Hay là "phê bình thẳng thắn" kiểu "Anh có khuyết điểm lớn là ham làm việc, không chịu giữ gìn sức khỏe"?
Mới hơn thì có "Mắt không thấy lòng không đau". Trong các diễn đàn hôn nhân - gia đình, những người vợ rất thích dùng câu này để tự an ủi và trấn an nhau khi chồng ngoại tình.
Giao thông hỗn loạn thì tự an ủi "đã chuyển biến lớn", trộm cướp như rươi thì phê "ý thức tự bảo vệ của người dân không cao", thức ăn nhiễm độc tràn ngập thị trường thì lên án "người tiêu dùng chưa thông thái".
Thẳng thắn thì bị chê thô, vụng. Uốn lưỡi thì được khen khôn khéo, giỏi giao tiếp, tế nhị...
Nói dối chằng chịt từ dưới lên trên, dọc ngang ngang dọc, trong gia đình, trong công sở, nơi kinh doanh, trong thực hiện luật... Ai cũng nói dối nhưng ai cũng tỏ ra mình thật thà. Ai cũng biết mười mươi đối phương đang nói dối nhưng ai cũng tỏ ra hoàn toàn tin cậy.
Để được lợi cho mình, nhiều người sẵn sàng nói con chó thành con mèo, để khi quyền lợi cá nhân bị đe dọa, họ lại sẵn sàng nói con mèo thành con chó.
Một xã hội thật kỳ lạ! Một thứ "văn hóa" thời thượng thật quái dị!
Vì sao như vậy?
Nói dối là hành vi tâm lý của con người, ở đâu, thời nào, chủng tộc nào cũng có. Trong một số trường hợp đặc biệt, nói dối có thể là cần thiết, ví dụ bác sĩ nói với người bệnh nan y hoặc thập tử nhất sinh.
Trong xã hội, người ta đổ cho việc nói dối leo lẻo là vì bệnh thành tích.
Vậy, ai là người tạo nên căn bệnh thành tích? Ai ngồi vẽ ra những con số chỉ tiêu bất chấp thực tế cùng lúc đe nẹt, dọa phạt nếu không đạt?
Bịa xạo mà được thưởng, nói thật bị đòn, thì ai dại gì nói thật?
Điều này đúng từ gia đình, nhóm, đến toàn xã hội.
Nhiều người Việt Nam khi chuyển sang môi trường khác, như sinh sống ở nước ngoài hoặc làm việc trong nhóm nhỏ, thú thật rằng họ phải tập bỏ thói quen nói dối nếu không muốn gặp khó khăn trong công việc và bị khinh thường. Nghĩa là, nói dối, "làm láo, báo cáo hay" không phải là thuộc tính của người Việt. Nó chỉ là một căn bệnh mắc phải cho phù hợp với môi trường sống. Khi môi trường sống thay đổi, căn bệnh ấy có thể giảm hoặc biến mất.
Ai chịu trách nhiệm về môi trường sống của chúng ta, ngoài chính chúng ta?
Hoàng Xuân

Nữ bị can chết khi tạm giam: Gia đình khiếu nại.

TT - Ông Trần Ngọc Long và bà Nguyễn Thị Thanh Liễu là cha mẹ của chị Trần Thị Hải Yến (sinh năm 1982, quê ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vừa có đơn khiếu nại về các quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên liên quan đến cái chết của chị Yến.

Theo đó, ngày 11-12-2013 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên có thông báo về việc không khởi tố hình sự việc chị Yến chết trong nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An chiều 7-10-2013. Theo thông báo trên: “Lúc 17g30 ngày 7-10, khi đang bị tạm giam trong buồng giam 3A khu A nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An, Trần Thị Hải Yến đã dùng áo sơmi màu trắng dài tay quấn lại thành sợi dây buộc vào cánh cửa buồng giam treo cổ tự tử. Kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Phú Yên kết luận nguyên nhân Trần Thị Hải Yến chết là do ngạt cơ học”. Công an Phú Yên xác định không có hành vi phạm tội trong cái chết của chị Yến nên đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Sau khi nhận được thông báo trên, ông Long, bà Liễu đã có đơn khiếu nại gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên không thống nhất với nội dung thông báo trên. Ngày 3-1, đại tá Nguyễn Nhất Tâm - phó giám đốc Công an Phú Yên, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Phú Yên - ký quyết định giải quyết khiếu nại, nêu rõ: giữ nguyên bản kết luận điều tra về cái chết của chị Yến và quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên. Không đồng ý, ông Long, bà Liễu tiếp tục có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Ban Nội chính trung ương và các cơ quan tố tụng ở tỉnh Phú Yên.
Theo cha mẹ chị Yến, đến ngày 22-1 họ chưa nhận được kết luận giám định pháp y, kết luận điều tra cái chết cũng như quyết định về không khởi tố vụ án liên quan đến cái chết của chị Yến. “Khi tham gia cùng đoàn khám nghiệm tử thi Yến, con rể tôi là Phan Trường Sơn đã yêu cầu ghi rõ là “có vết bầm trên mặt bên trái và bên phải, một vết bầm trên trán, vết bầm ở môi trên và môi dưới, phía sau đỉnh đầu có một vết sưng to nhô lên, cửa mình có ra máu, đôi bàn chân có vết trầy xước và bầm”. Đoàn khám nghiệm đã thống nhất ghi các dấu vết trên và cùng ký vào biên bản. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên chỉ nói chung chung là Yến chết do ngạt cơ học vì treo cổ tự tử mà không nói rõ nguyên nhân nào, cơ chế nào dẫn đến các vết thương trên người con tôi như khi khám nghiệm thi thể đã thấy rõ. Liệu những vết thương này có dẫn đến chết người hay không?” - ông Long bức xúc.
Chiều 22-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Nhất Tâm cho biết: “Xác định của cơ quan điều tra là cô Yến chết do ngạt cơ học, đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của cô ấy. Qua điều tra thì thấy không có ai tác động, đầu độc hay bức tử cô Yến, xác định không có tội phạm nên không khởi tố vụ án hình sự”. Khi được hỏi vì sao không thông báo hoặc giải thích cho gia đình chị Yến biết nguyên nhân trên người chị có những vết thương như khi khám nghiệm tử thi, ông Tâm nói: “Vì gia đình cô Yến không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên nên những nội dung này sẽ được Viện KSND tỉnh Phú Yên trả lời”.
Như tin đã đưa, tối 3-3-2012 sau khi cãi vã với gia đình chị Yến, ông N.T.D., hàng xóm với gia đình chị Yến, bị thương ở phần đầu, được giám định tỉ lệ thương tật 12% (2% vĩnh viễn). Chị Yến bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy An xác định là người đã ném viên gạch gây ra vết thương cho ông D. và bị bắt tạm giam ngày 15-1-2013. Ngày 19-3-2013, TAND huyện Tuy An tuyên phạt chị Yến 30 tháng tù. Ngày 1-7, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng quá trình điều tra cấp sơ thẩm có nhiều sai sót. Đầu giờ chiều 7-10, cơ quan điều tra tống đạt quyết định gia hạn tạm giam 2 tháng đối với chị Yến, đến hơn 17g cùng ngày thì phát hiện chị treo cổ trong nhà tạm giữ.
DUY THANH

Xử án cảnh sát cơ động dùng súng đi cướp sòng bạc

Một cảnh sát trật tự, cơ động Công an quận 6, TP HCM đã dùng súng đi cướp tài sản của các con bạc, hậu quả làm một người bị thương.

Ngày 23-1, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Ngô Thanh Tuấn (SN 1986, công tác tại Đội Cảnh sát Trật tự-Cơ động Công an quận 6) và Cao Tuấn Minh (SN 1974, nhạc sĩ) cùng mức án 8 năm tù về hai tội cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Băng cướp do nguyên cảnh sát trật tự, cơ động cầm đầu tại tòa
Băng cướp do nguyên cảnh sát trật tự, cơ động cầm đầu tại tòa
 
Liên quan đến vụ án, 9 bị cáo khác bị phạt từ 6 tháng tù đến 6 năm tù về các tội che giấu tội phạm và cướp tài sản. Ngoài ra, tòa còn tuyên phạt Nguyễn Việt Anh (SN 1984, nguyên chiến sĩ Công an quận 6) về tội tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Theo cáo trạng, Tuấn và Minh bàn bạc kế hoạch dùng súng đi chiếm đoạt tiền trên chiếu bạc của những người đánh bạc trong dịp Tết. Tuấn cùng các bạn giả cảnh sát hình sự rảo quanh các tuyến đường ở quận 5, quận 10 và Bình Tân để tìm các sòng bạc ập vào hốt tiền.
Tổng cộng, nhóm này đã thực hiện được 6 vụ, chiếm đoạt của nhiều người tổng cộng 21,4 triệu đồng, chia nhau tiêu xài. Đặc biệt, trong vụ cướp sòng bài xảy ra vào trưa 13-2-2013, trên đường Cao Đạt (quận 5) trong lúc chiếm đoạt tiền của các con bạc, Tuấn đã nổ súng làm một người bị thương, tỷ lệ thương tích là 2 %. Những người chơi bài đã phản kháng, bắt giữvị công an này khi Tuấn đang lấy 2,5 triệu đồng bỏ vào bóp.
Về khẩu súng, Tuấn khai mượn của bị cáo Việt Anh, chỉ cầm dọa các con bạc để họ đưa tiền. Trong vụ cướp trưa 13-2, Tuấn đã nổ chỉ thiên cho các con bạc sợ, tuy nhiên đạn bay làm bị thương một người.
Theo Phạm Dũng

Cảnh sát giao thông không có thưởng Tết,

"Chúng tôi làm gì có thưởng Tết. Khẳng định là không có. Trực Tết cũng như ngày thường theo đúng quy định của Bộ Tài chính là được 100 nghìn đồng/người/ca".

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (CSGTĐBĐS) đã chia sẻ với Đất Việt như vậy vào chiều 23 Tết (ngày 23/1/2014).
Theo Thiếu tướng Tuyên, những ngày giáp Tết này lượng xe rất lớn. Cho nên lực lượng cảnh sát phải tham gia chống ùn tắc, đề phòng tai nạn, chống xe quay vòng đón trả khách không đúng quy định.
"Nhất là trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch phía Nam nên lượng xe rất đông. Lực lượng CSGT phải tăng cường để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn", ông Tuyên cho biết.
Theo Thiếu tướng Tuyên, không chỉ trước trong mà cả sau Tết  anh em cảnh sát giao thông cũng phải tập trung vào tuyến này hết sức vất vả, thậm chí là kéo dài xuống tận Hà Nam vì tài xế tìm mọi cách đối phó với công an.
Khi được hỏi về sự đối mặt với hiểm nguy vì những chiếc xe tải, xe khách vi phạm cố tình chạy có thể gây mất an toàn cho chiến sĩ cảnh sát, Thiếu tướng Tuyên cho biết: "Khi tài xế đi ẩu, cố tình chạy trốn, phía lực lượng cũng phải thông báo cho anh em hết sức cảnh giác, bảo vệ mình là chính. Phải tập huấn cho anh em biết để phòng tránh nguy hiểm".
Được biết vào mỗi dịp Tết, lực lượng cảnh sát chia ca trực 100%, nhưng Thiếu tướng Tuyên cũng chia sẻ: "Anh em không có tiền để thưởng Tết, còn làm đêm thì chỉ được 100 nghìn/ca như ngày thường. Tôi xin khẳng định là không có thưởng Tết", ông Tuyến nói.
Trước những phương tiện như thế này CSGT quá nhỏ bé, nhất là khi đêm về nên họ phải đối mặt với hiểm nguy để làm nhiệm vụ
Trước những phương tiện như thế này CSGT quá nhỏ bé, nhất là khi đêm về nên họ phải đối mặt với hiểm nguy để làm nhiệm vụ
Mới đây, khi Chính phủ họp cho ý kiến về sử dụng khoản tiền phạt của CSGT, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, năm 2013, số tiền phạt CSGT thu được là hơn 2.000 tỷ đồng, cần có cơ chế tiếp tục bồi dưỡng cho cảnh sát làm việc trong ngày nghỉ, ngoài giờ...
Trước đây, 70% tiền thu phạt được trích cho công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, 30% còn lại cho thanh tra giao thông, ủy ban an toàn giao thông địa phương... nhưng theo quy định mới, từ ngày 1/7/2013 toàn bộ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính phải nộp vào ngân sách nhà nước. Do đó, ông Thăng đề nghị Bộ Tài chính sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho hay, do thiếu lực lượng tuần tra nên nếu chia bình quân, mỗi cảnh sát giao thông phải phụ trách 70 km quốc lộ.
"Đứng một chỗ không được, cảnh sát phải tuần tra rất căng thẳng. Nhiều khi dự luận hiểu không rõ, tưởng phạt nhiều cảnh sát giao thông được nhưng số tiền này, theo quy định phải nộp về Bộ Tài chính. Mỗi ca trực anh em cũng chỉ đủ mua thêm cái bánh mỳ", Bộ trưởng Quang giải thích.
Theo người đứng đầu ngành công an, hiện nay có nhiều tỉnh phạt nhiều nhưng thu ít; trong khi Hà Nội, TP HCM phạt rất nhiều, có những năm mấy trăm tỷ đồng nhưng chi phí không đến. "Nếu chuyển tiền phạt về Bộ Công an cân đối, điều hòa sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng, Chính phủ quan tâm xử lý", ông Quang đề xuất.
Bộ trưởng Quang gợi ý cách chia: nếu cảnh sát nào có ca trực, phải đi tuần tra, kiểm soát thì được bồi dưỡng, làm vậy sẽ giảm được bớt tiêu cực. Phần tiền còn lại sẽ thực hiện theo cơ chế khoán mua xăng xe, điện thoại, trang bị thêm camera, xe tuần tra... phục vụ kiểm soát giao thông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đang nghiên cứu theo hướng số tiền phạt nêu trên vẫn để lại địa phương 30%, còn 70% đưa lên Trung ương và chi cho công an.
Còn một vị đứng đầu lực lượng Cảnh sát giao thông cho biết căn cứ vào Nghị định 137 mới đây, "mỗi ca trực đêm của chiến sĩ được thêm 100.000 đồng, số tiền này chưa đủ để mua nước lọc".
Cảnh sát giao thông vất vả để chặn xe vi phạm
Tờ Tiền Phong dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (CSGTĐBĐS), tại nhiều điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, CSGT vẫn phải lập chốt để điều tiết giao thông, hướng dẫn, xử lý vi phạm, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thời gian đứng chốt của CSGT không quá 90 phút.
“Việc CSGT lập chốt kiểm tra cố định dẫn tới tình trạng các phương tiện giao thông thông báo cho nhau biết địa điểm đó có CSGT kiểm tra nên lưu thông đúng tốc độ khi đi qua chốt, nhưng sau khi qua chốt là lập tức phóng nhanh, giành đường vượt ẩu”, Thiếu tướng Tuyên cho biết.
Ông Đỗ Mạnh Ninh, Đội Trưởng, Đội CSGT số 8 Phòng CSGT Công an Hà Nội phụ trách tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng chia sẻ: Theo quy định, trên 1 tuyến đường chỉ có 1 tổ công tác của lực lượng CSGT. Đội chỉ thành lập 1 tổ tuần tra kiểm tra lưu động trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Ngoài ra Đội cũng phối hợp với CSGT dẫn đoàn và Thanh tra giao thông xử lý các phương tiện quá tải. Ông Ninh khẳng định, cán bộ của ông không đứng xử lý vi phạm giao thông tại 1 điểm quá 90 phút. Tuy nhiên trên thực tế tại tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, có từ 3 đến 4 chốt CSGT.
Tại chốt cuối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, CSGT dừng cả chục phương tiện một lúc. Vào buổi tối, các phương tiện, đặc biệt là xe tải lưu thông chiều Cầu Giẽ - Pháp Vân cứ nhìn thấy tín hiệu đèn chớp của lực lượng CSGT là nối đuôi nhau dừng để trình “thủ tục”.
Việc này đã khiến tình trạng giao thông bị ùn tắc và nguy hiểm cho người giam gia giao thông. Năm 2013, trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 4.623 trường hợp vi phạm; nộp kho bạc nhà nước hơn 3,6 tỷ đồng.
Phương Nguyên

Phó giám đốc trốn truy nã đi buôn lậu

Thứ ba, 21/1/2014
 Trở về từ Trung Quốc, nữ Phó Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân đã chọn một khách sạn sang trọng ở Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng để nghỉ ngơi, đón Tết. Nhưng ở chưa ấm thân thì thị đã bị bắt giữa lúc đang say giấc nồng. Vậy là kế hoạch “làm kinh tế” một thời gian rồi ra đầu thú của thị bị phá sản.
Thụt két 6,5 tỷ đồng vì vay nặng lãi
Như chúng tôi đã phản ánh, đêm 16-1, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP Đà Nẵng và Ninh Bình đã bất ngờ ập vào một khách sạn trên địa bàn Ngũ Hành Sơn bắt đối tượng truy nã đặc biệt toàn quốc Phạm Thị Thanh Thủy (1983, trú Yên Khánh, Ninh Bình), nguyên Phó Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Khánh Hòa thuộc H. Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Khi bị bắt Thủy tỏ ra bàng hoàng không thể ngờ rằng khả năng “hóa trang” khá kín của mình vậy mà vẫn bị lật tẩy.
Đối tượng kể về quá trình trốn chạy.
Sau 6 năm về làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân Khánh Hòa, Thủy đã leo lên được chức Phó Giám đốc. Với quyền lực trong tay, việc rút két chi tiêu những việc cá nhân hoàn toàn trong tầm tay của thị. Cũng vì vậy mà năm 2008, khi quen biết với “các chị” làm dịch vụ cầm đồ trên địa bàn, Thủy đã được “các chị” dụ dỗ góp vốn làm ăn với viễn cảnh đầu tư vào lĩnh vực cầm đồ sẽ có lợi nhuận khủng. Nghe “các chị” múa mép, mắt Thủy sáng lên, vì còn trẻ, vì ham giàu, lại có quyền lực trong tay nên Thủy đã quyết định góp vốn làm ăn.
Lúc đầu là một vài trăm triệu, sau đó “các chị” lại khuyên Thủy nên góp tiền tỷ để đầu tư vào một Cty xây dựng thì mới giàu nhanh được. Thủy lại rút tiền của Quỹ cùng “các chị” làm ăn lớn. Nhưng hỡi ơi, việc kiếm tiền đâu có dễ như Thủy nghĩ. Khi vay mượn bên ngoài lãi mẹ đẻ lãi con không cầm cự được, Thủy đành đi vay nặng lãi để xoay xở. Nhưng dính vào các vòng vay nặng lãi thì khó mà “ngóc đầu” lên được. “Đói ăn vụng, túng làm liều”, thế là Thủy nhắm mắt đưa chân rút thêm tiền tỷ của quỹ đi trả nợ vay nặng lãi. Tới khi số tiền Thủy thụt két lên khoảng 6,5 tỷ đồng, tự biết mình không còn khả năng xoay xở để trả nợ nên sớm muộn cũng bị truy tố trước pháp luật, Thủy liền đánh bài cao chạy xa bay để thoát tội. Ngay sau đó Thủy bị truy nã toàn quốc dạng đặc biệt vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".
Quyết định truy nã năm 2011 của cơ quan CA.
Từ bồi bàn tới buôn lậu
Rời cố đô Hoa Lư, Thủy bắt một xe khách chạy thẳng vào phố biển Đà Nẵng với suy nghĩ đây là “miền đất hứa”, rất dễ sống như người ta thường kể. Tất nhiên, để chuẩn bị cho hành trình chạy trốn, Thủy đã làm cho mình một CMND giả mang tên Trần Thị Hương (1983, trú Nho Quan, Ninh Bình). Với CMND giả đã thay tên đổi họ, Thủy coi đó như tấm giấy thông hành để có thể đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà không sợ bị phát hiện. Đáp chuyến xe đêm xuống Đà thành, Thủy chọn khu vực Sơn Trà, thuê một căn phòng trọ nhỏ trong kiệt ngoằn ngoèo và mang CMND giả đi xin việc.
Sau nhiều ngày tìm việc bất thành, số tiền ít ỏi mang theo cũng cạn dần, cuối cùng, Thủy được một quán nhậu nhận vào làm bồi bàn. Làm được một thời gian, khi đã có đồng ra đồng vào đủ để trụ được ở Đà Nẵng thì Thủy bắt đầu thấy chán. Công việc thì quá mệt mỏi, đồng lương bèo bọt, trong khi dù gì Thủy cũng từng là “sếp lớn”, cái khát vọng làm giàu vẫn đang hừng hực. Nghĩ thế, Thủy bỏ làm ở quán nhậu, chuyển nghề làm tai mui heo trộn mang ra chợ bán. Cái công việc này chẳng lệ thuộc vào ai lại có đồng ra đồng vào liên tục. Nhưng được một thời gian Thủy lại chán, vì làm tai mui heo trộn biết khi nào giàu nổi. Lúc này, ý nghĩ xuất ngoại làm giàu nhen nhóm trong đầu Thủy. Nghĩ là làm, đầu năm 2013, Thủy trốn sang Trung Quốc làm thống kê sổ sách cho một bà chủ người Việt buôn bán vải vóc.
Trong suốt 1 năm qua với công việc này Thủy đã tích góp được khoảng 50 triệu đồng và thị đã dành số tiền này mua một chiếc xe 3 bánh để vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho các đối tượng khác vận chuyển bằng đường tiểu ngạch về Việt Nam. Thủy giãi bày: Đã nhiều lần em muốn ra đầu thú nhưng mà nghĩ lại con mới có 7 tuổi, mình đi tù thì ai nuôi con nên em cố gắng đi làm kinh tế thêm vài năm nữa rồi sẽ đầu thú. Từ hồi em trốn đi mấy năm trời mới gửi về được cho con 5 triệu đồng, mà cũng phải nhờ người khác gửi về. Mỗi lần nói chuyện với nó em phải dùng sim rác, mấy năm rồi chưa một lần gặp con, em rất nhớ nó.
Chứng minh thư giả đối tượng dùng làm “giấy thông hành”.
“Mời” về quê đón Tết
Sau một năm trốn truy nã làm ăn cũng được coi là thành công bên xứ người, Thủy đã lên kế hoạch làm ăn năm tới rất khả quan. Để tự thưởng cho mình, Thủy đã quyết định chi tiền về Đà Nẵng để ăn Tết cổ truyền. Thủy đã bỏ ra 10 triệu đồng thuê khách sạn ở hơn một tháng trời để đón Tết. Nhưng nào ngờ mới ở chưa được 10 ngày, cũng chưa kịp đón cái Tết ở Đà thành như dự định thì Thủy đã bị bắt. Thượng tá Huỳnh Văn Bình - Phó trưởng Phòng CSTNTP CATP Đà Nẵng cho biết, ngay khi nhận được thông tin đối tượng đang ở Đà Nẵng, hàng chục TS đã được tung xuống các địa bàn để truy tìm.
Phần lớn các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn đã được “xới” tung với quyết tâm phải bắt bằng được đối tượng truy nã đặc biệt này. Bên cạnh đó, một tổ công tác cũng được cử chốt ở các bến xe, bến tàu hòng chặn đường trốn của đối tượng. Rất nhanh chóng, trong 2 đêm trắng, các TS đã tìm ra tung tích của đối tượng. 1 giờ 30 ngày 16-1, khi ập vào khách sạn bắt đối tượng, lúc đầu Thủy còn chống chế đưa ra CMND giả, bảo các anh bắt nhầm người rồi. Nhưng chỉ bằng vài biện pháp nghiệp vụ khéo léo của các TS, đối tượng đã phải nhận tội. Vậy là sau gần 800 ngày lẩn trốn, cuối cùng Thủy cũng được “mời” về quê Ninh Bình đón Tết cổ truyền.
Thành Nam

Bãi gửi xe “chém” khách giữa Thủ đô: Ai “chống lưng“?



Trụ sở các cơ quan quận Cầu Giấy (Hà Nội) trở thành bãi gửi xe ngang nhiên "chặt chém" khách, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?

Lâu nay, sân trụ sở các cơ quan của Quận Cầu Giấy nằm ngay trước cổng chợ Xanh đã bị một số người "hô biến" thành bãi gửi xe với mức giá vượt quy định của UBND TP Hà Nội.
Theo quy định mới có hiệu lực từ 2/1 vừa qua, tại Hà Nội, mức thu phí với xe máy (bên ngoài các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại) ban ngày là 3.000 đồng/lượt (tăng 1.000 đồng so với mức cũ), ban đêm là 5.000 đồng/lượt (tăng 2.000 đồng).
Ông Nguyễn Hoàng Giáp. Ảnh: M.Q. 
Thế nhưng, từ nhiều năm nay, sân Trụ sở các cơ quan của quận Cầu Giấy không những bị “hô biến” thành bãi gửi xe trái phép mà ở nơi đây, người ta còn thỏa sức ngang nhiên “chặt chém” khách với giá vé khoảng 10.000 đồng/xe/lần gửi.
Những ngày cận Tết, do nhu cầu tới chợ Nhà Xanh mua sắm của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên không ngừng tăng cao trong khi các bãi gửi xe “tự phát” ở quanh khu vực này luôn trong tình trạng quá tải nên giá vé trông xe ở sân trụ sở các cơ quan của Quận Cầu Giấy đã bị đẩy lên gấp đôi – thành 20.000 đồng.
Tình trạng này diễn ra từ lâu nhưng không thấy sự can thiệp của bất kỳ cơ quan chức năng nào.
Gần đây nhất, sau khi báo chí phản ánh thực trạng này, dư luận đã dậy sóng phẫn nộ khiến chiều 22/1, bãi gửi xe ở khu vực trên “bỗng nhiên” biến mất trong khi chỉ vài giờ trước đó, bãi gửi xe này ở trong tình trạng quá tải. Nhiều người dân ở đây nhận định "chỉ dẹp tạm vài bữa cho yên rồi đâu lại vào đó thôi'.
Để truy đến cùng trách nhiệm của các bên có liên quan, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hoàng Giáp – Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội.
Ông Giáp cho biết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ yếu quản lý các điểm trông giữ xe trên địa bàn liên quan tới trật tự vỉa hè, lòng đường còn các điểm kinh doanh trong phạm vi đất của các cơ quan, doanh nghiệp thì chủ các cơ quan, doanh nghiệp đó phải thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Liên quan tới giá vé gửi xe có cơ quan quản lý về giá thực hiện, quản lý còn lực lượng thanh tra của Sở chỉ tập trung xử lý các vi phạm trong việc sử dụng vỉa hè, lòng đường.
“Để tồn tại các điểm vi phạm như thế thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác”, ông Giáp nhấn mạnh.
Theo VTC News

Dân mách với Bộ trưởng Y tế việc bị bác sĩ mắng



Một bệnh nhân cao tuổi đã vừa khóc vừa kể với Bộ trưởng việc mình bị bác sĩ (BS) ở một BV tuyến dưới mắng ra sao.

Sáng 23/1, gặp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra công tác khám chữa bệnh và hoạt động đường dây nóng tại bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội). Khi Bộ trưởng tới thăm phòng khám Tim mạch tại khoa Khám bệnh, Bộ trưởng đã hỏi bà Chu Tuyết Nhung (60 tuổi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) “Vì sao bác đi khám vượt tuyến lên BV Bạch Mai mà không khám ở BV Bắc Giang quê mình?”
Bà Nhung kể: "Ngày 10/1, tôi bị đau đầu rất nhiều, sốt nên đi khám tại BV Bắc Giang và được BS chỉ định nhập viện điều trị ở Khoa Tim mạch thần kinh. Nằm ở khoa mấy ngày được nhân viên y tế đến tiêm nhưng tôi cũng không biết họ tiêm thuốc gì. Trong 2 ngày cuối tuần, tôi cũng không được ai khám.
Đến gần trưa ngày thứ 2, tức là 13/1, có một BS nữ đến khám và yêu cầu điều dưỡng đo huyết áp cho tôi. Lúc đó tôi chỉ thấy bảo huyết áp 140. Lúc này tôi mới kể bệnh cho BS là đau đầu, sốt cao và mệt lắm. BS hỏi tôi “Người nhà bà đâu?”, tôi có trả lời “ Người nhà không có đây”. Lúc này BS nói xơi xơi với tôi rằng “Không có người nhà ở đây thì không tiêm nữa, nhỡ tiêm mà bà chết ra đấy thì chết chúng tôi”.
Tôi gọi người nhà đến thì BS bảo: “Bà không có bệnh gì, huyết áp chỉ hơi cao một chút”. Nghe vậy, tôi có nói: “Lúc được đo, huyết áp tôi giảm vì trước đó tôi đã uống thuốc hạ huyết áp. Nếu ở đây không chữa, xin chuyển cho tôi được lên Hà Nội”. Thấy vậy, chị BS gắt gỏng lại “Bà không có bệnh gì cả, tôi cắt kháng sinh rồi, cho bà ra viện, không phải chuyển lên Hà Nội”. Thế nhưng sau đó khi ra viện, tôi vẫn đau đầu nhiều nên đã vượt tuyến lên BV Bạch Mai để khám.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã hỏi lại vì sao bà Nhung không phản ánh sự việc đến đường dây nóng của BV thì bệnh nhân này cho biết không biết đến đường dây nóng để gọi. Bộ trưởng đã trả lời trấn an: “Bác cứ gọi cho đường dây nóng để được giải quyết. Còn bây giờ bác bình tĩnh, chờ khám. Bình tĩnh lại cũng giúp giảm huyết áp”.
 Bộ trưởng Y tế đang tiếp xúc với người dân.
Sau khi nói chuyện với bệnh nhân Nhung, Bộ trưởng cũng đã dành thời gian thăm hỏi và lắng nghe ý kiến khác của bệnh nhân chia sẻ. Bộ trưởng nhận định khoa Khám bệnh BV Bạch Mai đã có nhiều cải tiến trong khâu đón tiếp, làm thủ tục và bệnh nhân không phải chờ lâu nữa.
PGS- TS Nguyễn Quốc Anh, GĐ BV Bạch Mai cho biết thêm: “Trong những ngày Tết, tại BV còn nhiều bệnh nhân phải ở lại BV chữa bệnh. Vì thế, BV đã sẵn sàng các kế hoạch trực Tết Nguyên Đán và chăm sóc điều trị cho những bệnh nhân phải ăn Tết viện. Trong 4 ngày Tết, BV sẽ miễn phí các suất ăn cho bệnh nhân nội trú”.
Tại BV Việt Đức, làm việc với Bộ trưởng, PGS – TS Nguyễn Tiến Quyết, GĐ BV cho hay: “Tại đây, ngày Tết là ngày vất vả nhất đối với các bác sĩ vì lượng cấp cứu vì tai nạn giao thông cũng như tai nạn khác rất nhiều. Năm nay, tai nạn giao thông có giảm nhưng tai nạn lao động và tai nạn thương tích do đâm chém lại tăng lên.
Tết Giáp Ngọ 2014, BV đã cử gần 300 cán bộ nhân viên y tế trực Tết, chuẩn bị các cơ số thuốc đầy đủ để dùng cho cả 1 tháng sau Tết.
Trở lại trường hợp bệnh nhân Chu Tuyết Nhung, chiều 23/1, trả lời báo giới, ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đã yêu cầu GĐ BV đa khoa Bắc Giang làm rõ sự việc được phản ánh và báo cáo Bộ Y tế phương án xử lý.
Minh Khuê