Saturday, September 21, 2019

Dân chúng Đồng Nai khổ vì thủy điện Trị An xả lũ

Nhiều nhà dân ngập nặng vì lũ về bất ngờ. (Hình: Người Đưa Tin)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Mưa lớn cùng lúc hồ thủy điện Trị An tăng lượng xả lũ xuống hạ nguồn đã làm nhiều nơi ở huyện Trảng Bom ngập nặng, người dân phải bỏ nhà dùng thuyền di tản.
Trong đêm 18 và ngày 19 Tháng Chín, 2019, hồ thủy điện Trị An tăng lượng xả qua tràn từ 150 khối/ giây lên 300 khối/giây. Cùng lúc, hồ chứa Sông Mây cũng xả lũ “theo quy trình” khiến cho một phần ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) bị ngập nặng, buộc người dân địa phương phải khổ sở di tản tìm nơi ở tạm.
Theo báo VNExpress, ngày 19 Tháng Chín, tại xã Bắc Sơn, nơi được xem là khu trũng nhất của huyện Trảng Bom, nước lên rất nhanh làm gần trăm ngôi nhà bị ngập hơn một mét, đường giao thông bị chia cắt, buộc người dân phải dùng thuyền di tản. Đặc biệt, hàng chục hécta hồ nuôi cá nước ngọt bị nhấn chìm, người nuôi cá trắng tay.
Ông Lê Mạnh Hùng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), cho biết khu vực bị ngập có diện tích khoảng 150 hécta, thuộc một phần ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, giáp ranh với xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). “Hiện mực nước vẫn còn cao.Thiệt hại cây trồng, thủy sản vẫn chưa thể thống kê,” ông Hùng nói.
Lực lượng cấp cứu giúp người dân di tản. (Hình: Người Đưa Tin)
Ông Hoàng, một người dân ở xã Vĩnh Tân, cho biết mưa lớn nhiều ngày cùng với nước lũ đổ về đã khiến cho khu vực bị ngập nặng. Do cứ nghĩ năm nay sẽ không bị  ngập, phần lớn người dân chủ quan không phòng bị nên giờ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
“Trắng tay. Nước ngập đã hai ngày rồi và càng lúc càng ngập ngập nặng. Tự nhiên nước đổ ùa về khiến cho dân không kịp trở tay, vì không ai nghĩ sẽ xảy ra tình trạng ngập lụt nên không nhà nào phòng bị,” ông Hoàng nói.
Trong khi đó, tại phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa cũng xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, với nhiều nơi ngập hơn một mét. Trường Trung Học Cơ Sở Phước Tân đã phải cho học sinh nghỉ học. Ngoài ra, dòng nước chảy xiết đã cuốn đi nhiều cây trồng, gây hư hỏng đồ đạc, đặc biệt là các thiết bị điện tử do không kịp chuyển đi.
Liên quan đến mưa lũ, lực lượng hữu trách thành phố Biên Hòa cho biết đã tìm thấy thi thể ông Châu Sang (50 tuổi, quê An Giang) bị nước lũ cuốn trôi xuống một con suối trong lúc băng qua cầu dân sinh ở khu phố Tân Cang, phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa).
Theo báo Tuổi Trẻ, sau trận mưa lớn hôm 18 Tháng Chín, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh và mạnh tràn qua cầu dân sinh bắt qua con suối nhỏ ở khu phố Tân Cang, phường Phước Tân. Khoảng 8 giờ tối cùng ngày, ông Sang đi làm phụ hồ về băng ngang cầu này thì bị nước cuốn trôi xuống suối.
Nhận được tin báo, lực lượng cứu nạn đã đến hiện trường tìm kiếm. Đến trưa ngày 19 Tháng Chín thì phát hiện và vớt được xe gắn máy của ông Sang bên dưới lòng suối, đoạn gần chân cầu dân sinh. Sau đó vài tiếng, thi thể ông Sang được tìm thấy cách cầu khoảng một cây số.
Như vậy, tính từ đầu năm 2019 đến nay, riêng tại thành phố Biên Hòa đã có ba người dân bị nước lũ cuốn xuống các con suối gây thiệt mạng.
Tin từ báo VNExpress cho biết, hôm nay ngày 20 Tháng Chín, Nhà Máy Thủy Điện Trị An và hồ thủy lợi Sông Mây lại thông báo tăng lượng xả lũ. Trong đó, thủy điện Trị An xả tràn 460 khối/giây. Cùng với lượng nước qua tua bin (turbine) điện 860 khối/giây, sẽ nâng tổng lượng nước đổ về hạ lưu sông Đồng Nai hơn 1,300 khối/giây. Dự đoán những ngày tới, khi mực nước thượng nguồn đổ về càng tăng thì lượng xả nước sẽ cao hơn, người dân vẫn còn khổ dài ngày. (Tr.N)

Một bà bóp hạ bộ công an, bị cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’

Cảnh xô xát giữa công an viên và bà Nguyễn Thị Hồng. (Hình chụp qua màn hình)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 21 Tháng Chín, Facebook được cho là gỡ bỏ một đoạn video clip nhận được hàng ngàn lượt like và hơn 2,000 lượt share cho thấy một công an viên phường 15, quận 8, gô cổ, đấm đá túi bụi một người dân và sau đó bị bà này thò tay bóp “chỗ hiểm” để chống cự. Lúc xảy ra sự việc, viên công an vẫn đang mặc đồng phục của ngành.
Đoạn video gốc do một Facebooker post lên được 2 giờ trước khi bị xóa.
Nhiều cư dân mạng tỏ vẻ hả hê khi thấy người đàn bà trong clip đã có đòn phản kháng “hiệu quả” trước sự trấn áp của công an. Tuy vậy, hàng loạt dư luận viên với avatar để hình cờ đỏ cho rằng đoạn clip “dàn dựng” và công an viên chỉ “tự vệ” trước hành vi của bà kia.
Báo Thanh Niên hôm 21 Tháng Chín tường thuật: “Khoảng 12 giờ 45 phút ngày 20 Tháng Chín, tổ công tác của công an phường 15, quận 8, tới căn nhà 149/11/4 Lưu Hữu Phước để mời một người vừa mới ra tù ở đây lên trụ sở làm việc. Thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Hồng, 47 tuổi, cùng chồng là ông Trần Quốc Tú đang nhậu trong nhà. Nghe lời qua tiếng lại, bà Hồng bước ra và tưởng công an đến bắt chồng bà nên chửi: ‘Bắt gì mà bắt, người ta nhậu trong nhà mà cũng bắt nữa hả?’”
Tờ báo dẫn lời một người đại diện ẩn danh của Công An quận 8: “Bà Hồng sau đó chửi bới và dùng tay trái bóp vào hạ bộ của một cán bộ công an. Sau nhiều lần kêu bỏ ra nhưng không được, cán bộ công an có dùng tay đánh bà Hồng. Chúng tôi đang củng cố hồ sơ để xử lý vợ chồng bà Hồng về hành vi ‘chống người thi hành công vụ.’”
Báo Thanh Niên còn dẫn nguồn tin từ công an cáo buộc bà Hồng “dương tính với ma túy, từng có một tiền án về tội cướp giật tài sản.”
Lâu nay, mạng xã hội xuất hiện nhiều cáo buộc về việc công an tùy tiện trấn áp, hành hung người dân từ nhà họ đến đồn công an. Tuy vậy, nếu không có clip quay tại hiện trường làm bằng chứng, những người tố cáo dễ bị khép tội vu khống và bị công an “mời làm việc.”
Trong một diễn biến khác, hồi trung tuần Tháng Tám xảy ra vụ bà Lê Thị Hiền, đại úy công an “đại náo” phi trường Tân Sơn Nhất khi bị nhân viên quầy làm thủ tục khước từ mang theo hành lý quá cân. Trong đoạn clip được lan truyền trên mạng ở thời điểm đó, bà Hiền liên tục chửi thề, tru tréo khi bị nhân viên an ninh phi trường tra tay vào còng với cáo buộc “gây rối nơi công cộng.”
Luật Sư Võ An Đôn ở Phú Yên bình luận trên trang cá nhân: “Chỉ có công an viên mới biết đau hay sao? Trong khi hàng giờ, hàng ngày, người dân Việt Nam bị công an viên mời làm việc, bị còng tay, còng chân; bị tra tấn, đánh đập đến chết mà chẳng dám la lên một tiếng. Thử hỏi, tuy cùng là người với nhau nhưng chỉ có công an mới biết đau, còn người dân thì không biết đau khi bị còng tay, còng chân, tra tấn, đánh đập?” (T.K.)

Đánh, bắn người dân bị thương, công an Hà Tĩnh còn vu vạ ngược lại

Công An thị xã Kỳ Anh đến giải vây cho đồng đội đánh người. (Hình: Thanh Niên)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Lãnh đạo Công An thị xã Kỳ Anh khẳng định công an nổ súng để giải vây cho hai cán bộ bị côn đồ tấn công. Tuy nhiên, một thanh niên bị thương khẳng định mình bị công an dùng súng bắn bị thương ở chân.
Sự việc xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút tối ngày 20 Tháng Chín, 2019, tại quán karaoke Quy Quy ở phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) giữa hai nhóm thanh niên, trong đó một nhóm là công an thị xã Kỳ Anh.
Theo báo Hà Tĩnh: “Khi đó, Trung Úy Nguyễn Trường Giang, cán bộ Đội Điều Tra Tội Phạm Về Trật Tự Xã Hội và Thượng Sĩ Nguyễn Văn Sơn, cán bộ Đội Tổng Hợp, cùng nhóm bạn đang hát karaoke thì bị 20 người ập vào tấn công. Nhận tin báo, Công An thị xã Kỳ Anh điều hàng chục cán bộ tới quán karaoke, nổ súng cảnh cáo để giải vây cho đồng nghiệp. Đến lúc này, nhóm đối thủ mới chịu dừng lại và rời khỏi hiện trường. Hậu quả, hai cán bộ công an và một thanh niên bị thương phải nhập viện điều trị.”
Nói với Thanh Niên, Thượng Tá Ngô Đức Ninh, trưởng Công An thị xã Kỳ Anh, cho rằng “sự việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, không liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.” Theo ông Ninh, một thanh niên trong nhóm côn đồ đuổi đánh hai cán bộ của đơn vị “bị té ngã nên bị thương ở vùng mặt.”
Anh NNH nói rằng vết thương tại chân do súng bắn.(Hình: Tiền Phong)
“Sáng ngày 21 Tháng Chín, đơn vị đã triệu tập một số người trong nhóm thanh niên vây đánh hai cán bộ bị thương phải nhập viện điều trị để điều tra làm rõ,” ông Ninh cho biết.
Tuy nhiên, báo Tiền Phong dẫn lời kể của anh NNH (34 tuổi, trú tại thị xã Kỳ Anh), người trong nhóm thanh niên xô xát với hai cán bộ công an, cho biết khi anh và mọi người đến quán hát karaoke thì nghe mọi người hô hoán đánh nhau.
“Khi tôi chạy ra đã thấy em trai bị đánh nên lao đến can ngăn thì liền bị nhiều người đánh ngất tại chỗ và nghe tiếng súng nổ. Hiện trên người tôi có vết súng bắn tại chân và vùng mặt bị chấn thương,” anh NNH nói.
Lãnh đạo Khoa Mắt Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh, xác nhận “bệnh nhân NNH nhập viện khi được băng bó tại chân và phía vùng mắt.” (Tr.N)

Người Trung Quốc ‘nắm’ nhiều lô đất ở Khánh Hòa

Khách Sạn Sheraton Nha Trang đã về tay người Trung Quốc quản lý. (Hình: Tân Kỷ)
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Không chỉ ở Đà Nẵng, người Trung Quốc cũng đã dùng hình thức mua cổ phần, góp vốn với người Việt để rồi sau đó nhận “chuyển nhượng lại” nhiều khu đất đẹp ở thị xã Ninh Hòa, Cam Ranh, Vạn Ninh…
Báo Người Lao Động ngày 21 Tháng Chín, 2019, cho biết người ngoại quốc, trong đó có nhiều người Trung Quốc “có dấu hiệu gom đất ở Khánh Hòa thông qua người Việt đứng tên.”
Theo đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra. Qua đó phát hiện năm vị trí đất “có yếu tố người ngoại quốc” gồm hai khu đất ở huyện Vạn Ninh, hai khu đất ở thành phố Cam Ranh và một khu đất ở thị xã Ninh Hòa.
Nói với báo Người Lao Động, Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Khánh Hòa cho biết riêng khu đất có yếu tố người ngoại quốc ở thị xã Ninh Hòa, Thanh Tra sở đã xử phạt 15 triệu đồng ($645) đối với Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thương Mại và Dịch Vụ Du Lịch Sơn Hải về hành vi “Cho thuê tài sản,” đồng thời yêu cầu chấm dứt việc cho thuê “không đúng quy định” này.
Mới đây, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Khánh Hòa xác nhận Công Ty Cổ Phần Địa Ốc Du Lịch Đông Hải, chủ đầu tư Khách Sạn Sheraton Nha Trang đã thay đổi chủ sở hữu. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật là ông Christophe Jean Francois Lajus (quốc tịch Pháp, sống ở Trung Quốc) đã được thay thế bởi ông Kelly Yin Hong Wong (quốc tịch Trung Quốc). Ông Wong nắm luôn chức tổng giám đốc công ty.
Khi báo chí đặt vấn đề “có hay không người Trung Quốc mượn người Việt đứng tên mua đất, lập dự án, sau đó người Việt thoái vốn?” Đại diện sở này né tránh và chỉ nói ngắn gọn không rõ ràng: “Việc đầu tư liên quan đến yếu tố ngoại quốc hiện chưa có.”
Luật Sư Lê Cao, Đoàn Luật Sư Đà Nẵng, cho biết theo quy định của Luật Đất Đai 2013, Luật Nhà Ở 2014 của Việt Nam, người ngoại quốc không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Nếu có thì giới hạn là căn hộ chung cư hoặc nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép bán cho người ngoại quốc.
Việc người Trung Quốc bỏ tiền ra nhờ người Việt mua đất, sau đó dùng “chiêu” góp vốn vào doanh nghiệp (có người Trung Quốc góp vốn) để hợp thức hóa quyền sử dụng đất là một hình thức “lách luật, nguy hiểm,” bởi doanh nghiệp đó do người Trung Quốc đứng tên trên lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, nếu chính quyền quản lý không tốt có thể dẫn đến việc họ dùng phần đất đó vào những hoạt động phi pháp.
“Trước đây, nếu người Trung Quốc chỉ đơn thuần nhờ người Việt Nam đứng tên thì chưa nguy hiểm lắm, nếu bị phát hiện thì các giao dịch nhờ đứng tên vô hiệu. Nhưng với hình thức góp vốn bằng đất, rồi họ có quyền sở hữu vốn góp là quyền sử dụng đất đó thì quyền năng đối với tài sản là đất rất lớn, nếu không kiểm soát được các hoạt động liên quan thì sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập,” Luật Sư Cao cảnh báo. (Tr.N)

Bí thư Khánh Hòa ‘cao tay’ xin nghỉ hưu sớm trước khi bị kỷ luật

Ông Lê Thanh Quang từng bị cáo buộc "gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.” (Hình: Tuổi Trẻ)
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Hôm 21 Tháng Chín, ông Lê Thanh Quang, 59 tuổi, ủy viên Trung Ương Đảng, bí thư Tỉnh Ủy Khánh Hòa, làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi với lý do “mắc bệnh phải điều trị lâu dài, sức khỏe không đảm bảo công tác.”
Cụ thể căn bệnh của ông Quang là gì thì không được các báo nhà nước tiết lộ.
Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Quang: “Tôi còn phải uống thuốc vài năm nữa. Những chất kích thích như rượu, trà, cà phê và thuốc lá thì tôi đã bỏ hẳn. Giờ tôi tập trung tĩnh dưỡng, tập luyện, ăn uống, thuốc thang theo đúng phác đồ bác sĩ cho.”
Hồi cuối Tháng Tám, 2019, các báo nhà nước đồng loạt đăng tải một thông báo của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương: “Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy Khánh Hòa và Ban Cán Sự Đảng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của đảng, pháp luật của nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế,… gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.”
Thông báo cũng nêu thêm rằng ông Lê Thanh Quang “phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy Khánh Hòa.”
Ông Quang ngồi ghế bí thư từ năm 2010 đến nay trong bối cảnh thành phố Nha Trang, Cam Ranh, được ghi nhận đang từng bước trở thành địa bàn hoạt động của người Trung Quốc, với ngày càng nhiều vụ họ qua gom mua đất và thuê người Việt đứng tên hoặc làm lao động chui.
Liên quan đến tình trạng này, báo Người Lao Động hôm 21 Tháng Chín cho hay: “Nhà chức trách tỉnh Khánh Hòa phát hiện 5 khu đất ‘có yếu tố người nước ngoài’ gồm hai khu đất ở huyện Vạn Ninh, hai khu đất ở thành phố Cam Ranh và một khu đất ở thị xã Ninh Hòa. Công an tỉnh Khánh Hòa, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cam Ranh và huyện Vạn Ninh đã tiến hành xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Trong vụ này, Công Ty Thương Mại và Dịch Vụ Du Lịch Sơn Hải bị xử phạt 15 triệu đồng ($645) về hành vi ‘Cho thuê tài sản không đúng quy định.’”
Cùng thời điểm, trang web của VTV-đài truyền hình Việt Nam đưa cáo buộc: “Nhiều người nước ngoài còn tạm trú dài hạn, núp bóng ở Nha Trang để thực hiện nhiều hành vi phạm pháp như: đánh bạc online hay tội phạm công nghệ cao. Điều đáng lo ngại là những tội phạm người nước ngoài đang có dấu hiệu gia tăng. Trong khi đó, quy định về quản lý người nước ngoài đã có nhưng vẫn tồn tại khá nhiều lỗ hổng. Tại một khách sạn ở thành phố Nha Trang, hàng chục người Trung Quốc đã thuê toàn bộ khách sạn để tạm trú dài hạn…”
Trước các cáo buộc đang nhắm vào mình và nguy cơ bị kỷ luật, ông Quang giãi bày trên tờ Tuổi Trẻ: “Trong quá trình làm việc trước đây, đoàn Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương có quan điểm của họ, [lãnh đạo] tỉnh [Khánh Hòa] có quan điểm của tỉnh, nhưng thường thì những quan điểm này ít khi gặp nhau.” (T.K.)

Công ty địa ốc Alibaba lừa đảo hàng ngàn người, thu hơn trăm triệu đô

Công an bắt giữ ông Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Địa ốc Alibaba. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cơ quan điều tra bước đầu xác định có 6,700 người là nạn nhân của Công Ty Cổ Phần Địa Ốc Alibaba, với số tiền giao dịch hơn $107 triệu Mỹ kim.
Chiều 20 Tháng Chín, 2019, nhiều xe cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông… trang bị vũ trang ập đến căn nhà cao tầng là chi nhánh Công Ty Cổ Phần Địa Ốc Alibaba ở đường số 5, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức (thành phố Sài Gòn). Các cảnh sát trang bị súng bao vây, phong tỏa bên ngoài, nhiều lực lượng khác tiến vào trong thực hiện việc khám xét.
Theo báo VNExpress, cơ quan điều tra cũng triệu tập bà Huỳnh Thị Ngọc Như, phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại và đào tạo của Công Ty Cổ Phần Địa Ốc Alibaba (công ty Alibaba) để đối chiếu, làm rõ một số vấn đề.
Động thái này được Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng-Kinh Tế-Buôn Lậu Công An Sài Gòn đưa ra trong tiến trình mở rộng điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại công ty Alibaba. Nhà chức trách bước đầu xác định có hơn 6,700 nạn nhân giao dịch tại 40 dự án “ma” của công ty này với số tiền lên đến hơn 2,500 tỷ đồng ($107.5 triệu). Trong đó, ông Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi), chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Địa ốc Alibaba, được cho là có vai trò cầm đầu, chỉ đạo em trai là ông Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi), tổng giám đốc công ty này dùng danh nghĩa cá nhân để nhận chuyển nhượng, thu gom lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai…
Khách hàng nộp đơn tố cáo công ty Alibaba. (Hình: Thanh Niên)
Tiếp đó, ông Lĩnh đã dùng pháp nhân công ty Alibaba và các công ty con lập hàng chục dự án “ma,” quảng cáo rầm rộ rồi phân lô trên giấy bán trái luật, hoặc huy động vốn của hàng ngàn khách hàng.
Điển hình như tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tám khu đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm với hơn 70 hécta do các cá nhân đứng tên sở hữu đã được ủy quyền cho công ty con của công ty Alibaba.
Hay tất cả 29 dự án bất động sản với gần 80 hécta tại tỉnh Đồng Nai của công ty Alibaba tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc đều làm “lậu.” Các địa phương đã cắm bảng hiệu cảnh báo người dân biết phòng tránh từ nhiều năm nay.
Cũng trong sáng ngày 20 Tháng Chín, hàng trăm người đã đến trụ sở Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng-Kinh Tế-Buôn Lậu Công An Sài Gòn ở quận 10, nhận là nạn nhân của công ty Alibaba. Các nạn nhân mang theo hợp đồng, giấy chuyển tiền và các tài liệu thể hiện đã giao dịch với công ty này. Cơ quan điều tra phải huy động cán bộ, kê thêm ba bàn tròn lớn ngay cổng ra vào để hướng dẫn người dân trình báo.
Đến cuối ngày 20 Tháng Chín, 2019, Công An Sài Gòn hoàn tất công tác khám xét hai chi nhánh thuộc công ty Alibaba. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
Theo báo Thanh Niên, trước đó chiều ngày 18 Tháng Chín, gần chục xe của Công An Sài Gòn bất ngờ ập đến tòa nhà 8 tầng là trụ sở công ty Alibaba tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Rất đông cảnh sát cơ động trang bị súng bao vây, phong tỏa các lối ra vào công ty bắt giữ hai anh em ông Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Sau nhiều giờ khám xét các trụ sở và chi nhánh của công ty này, giới hữu trách đã thu giữ một lượng lớn tài liệu, đồ vật, tiền, vàng, tài sản… được cho là tang chứng, vật chứng vụ án. Công an phải dùng đến năm xe hơi mới chở hết về cơ quan điều tra.
Hiện, Công An Sài Gòn đang phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu… mở rộng vụ án, xem xét trách nhiệm một số công ty liên quan đến công ty Aliababa trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền trái phép.
Ngoài ra, công an các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận cũng đang điều tra làm rõ tội “Vi phạm quy định về sử dụng đất đai, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của công ty Alibaba và chi nhánh của công ty này tại các tỉnh nói trên. (Tr.N)

Dân mạng phẫn nộ vì CSVN im thin thít trước hành vi ‘đểu cáng, dã tâm của Trung Cộng’

Bản tin tiếng Việt về phát ngôn của ông Cảnh Sảng trên fanpage Đài Phát Thanh Quốc Tế Trung Quốc. (Hình chụp qua màn hình)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 20 Tháng Chín, mạng xã hội tràn ngập sự phẫn nộ xen lẫn bất mãn của người dân Việt Nam xoay quanh phát ngôn mới nhất của ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSTQ: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển lân cận của bãi Tư Chính. Điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý.”
“Từ Tháng Năm, 2019, phía Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí đơn phương tại bãi Tư Chính, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Trung Quốc… Phía Việt Nam cần chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm đơn phương của mình để trả lại sự bình yên cho vùng biển liên quan!”
Đáng lưu ý, không rõ vì lý do gì Bộ Ngoại Giao CSVN lại đột ngột hủy cuộc họp báo thường kỳ hôm 19 Tháng Chín, theo dự trù là diễn ra vào mỗi chiều thứ Năm hàng tuần để người phát ngôn trả lời các câu hỏi của giới phóng viên trong và ngoài nước. Nếu cuộc họp báo này được tổ chức thì có lẽ câu hỏi chính nhắm vào bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN là phản ứng về lời của ông Cảnh Sảng.
Bên cạnh đó, gần như tất cả các báo nhà nước ở Việt Nam cũng “né” tường thuật phát ngôn “tố ngược” CSVN của ông Cảnh Sảng, ngoại trừ báo điện tử Giáo Dục Việt Nam dè dặt dẫn lại một câu trong bài “Trung Quốc ngụy biện về việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam” đăng hôm 20 Tháng Chín: “Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có cái gọi là “quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển phụ cận bãi Vạn An [Tư Chính] thuộc quần đảo Nam Sa [Trường Sa].”
Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu, người có hơn 100,000 lượt follow, chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân: “Lãnh đạo Việt Nam còn chờ gì nữa mà không khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế? Còn mơ màng hy vọng vào tình hữu nghị với thằng anh cùng lý tưởng, rằng chúng sẽ không tiếp tục xâm lược sao?… Đất nước này có yếu kém, không có khả năng tự bảo vệ một phần là do quan chức tham nhũng kinh hoàng, không có lý tưởng đưa đất nước đi lên. Đến một con đường cao tốc Bắc-Nam còn không có ngân sách thực hiện, phải dựa dẫm nhà đầu tư nước ngoài cơ mà.”
“Tư tưởng thì hạn hẹp, người dân có xuống đường biểu thị sự phẫn nộ với ngoại xâm thì cấm đoán, đánh đập hay chụp mũ vớ vẩn. Trung Cộng nó quan sát cả đấy, không hay ho gì những hành động đàn áp người biểu tình đâu. Nó biết ta yếu và nó cũng biết chính quyền hèn khi đàn áp dân đấy,” theo Facebook Chau Doan.
Cùng thời điểm, phóng viên ảnh Nguyễn Sơn của AP trú tại Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhà cầm quyền Trung Cộng có đểu cáng, dã tâm với ta không? Tất nhiên là có, và trong hàng ngàn năm nay. Đểu cáng, dã tâm nên mới có các cuộc xâm lăng, đô hộ, mới có cướp biển đảo, lấn từng mét đất biên giới. Đểu cáng dã tâm nên mới có chuyện thu mua móng trâu bò giá cao, mua rễ cây hoa màu… để phá hoại nông nghiệp. Nên mới có máy móc thiết bị, dự án kém chất lượng đi theo các khoản vay ODA vào. Nhưng, các nước láng giềng khác họ cũng vẫn đối mặt với những dã tâm, đểu cáng tương tự mà lại bị ảnh hưởng ít hơn vì sao?! Nga, Bắc Hàn, Mông Cổ, Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Myanmar, Lào… có bị phụ thuộc, o ép, lũng đoạn đến mức nghiêm trọng thế không? Ngạn ngữ cổ Ả Rập có câu ‘Không thể nào lừa đảo được người lương thiện’. Nôm na là ‘mình có thế nào, người ta mới thế.’” (T.K.)