Sunday, August 23, 2015

‘Trung thành với Tổ Quốc’: Ý thức hệ mới cho lực lượng vũ trang Việt Nam?

Theo Người Việt-08-23-2015 1:40:07 PM
Phạm Chí Dũng
Lịch sử không thể bất biến và càng không vĩnh viễn cho tư tưởng độc trị giáo điều. Khác với thời gian trước đây, năm 2015 đang chứng kiến một sự đổi thay vừa kín đáo vừa lộ diện trong khối lực lượng vũ trang Việt Nam, ít ra trên phương diện chữ nghĩa và quan niệm - điều mà ở Trung Quốc hiện thời có nằm mơ cũng không thấy.
Công an tiên phong trong “phụng sự Tổ Quốc?”
Ngày Một Tháng Bảy, 2015 đánh dấu một nốt thăng thầm lặng trong chính trường Việt Nam: tại Đại Hội Thi Đua Quyết Thắng Toàn Quân lần thứ IX và trùng với sự kiện Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh bị xem là “mất tích,” lần đầu tiên một nhân vật trong “tứ trụ triều đình Việt Nam” là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra khái niệm quân đội “trung thành với dân tộc và Hiến Pháp,” mặc dù có thêm bổ đề quân đội nhân dân Việt Nam cần “nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.”
Điểm rất đáng chú ý là với phát biểu này, Thủ Tướng Dũng đặt “dân tộc” lên vị trí đầu tiên, khác với ưu tiên “phải trung với Đảng” luôn được đặt một cách tuyệt đối ở tiền phương trong các bài diễn văn, nghị quyết và trong hệ thống tuyên truyền của khối đảng lẫn giới tuyên giáo trước đây.
Đầu Tháng Tám, 2015, thêm một lần nữa Thủ Tướng Dũng nêu ra một quan niệm rất đáng chú ý: “Lực lượng công an nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân, với Đảng và nhà nước.”
Phát biểu trên xuất hiện trong bối cảnh Đại Hội Thi Đua Vì An Ninh Tổ Quốc lần VII do Bộ Công An tổ chức. Cũng thêm một lần nữa, “từ ‘Tổ Quốc’ được đặt trước sáo ngữ ‘phải trung thành với đảng.’”
Sau bản thông điệp đầu năm 2014 với nội dung đáng lưu tâm nhất về “nắm chắc ngọn cờ dân chủ,” có thể cho rằng việc hoán đổi vị trí trong yêu cầu lực lượng vũ trang “phải trung thành với Tổ Quốc và nhân dân” là một sự thay đổi đáng kể về não trạng của một bộ phận trong giới lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam, dù chỉ mới trên phương diện lý thuyết. Tuy nhiên thay đổi này có thể mang tính tham khảo khi xuất phát từ chính Thủ Tướng Dũng - đang được xem là người có ảnh hưởng chi phối mạnh mẽ đối với Bộ Công An.
Chỉ ít ngày sau khi dự Đại Hội Thi Đua Vì An Ninh Tổ Quốc tại Bộ Công An, ông Nguyễn Tấn Dũng đã trao huân chương quân công hạng nhất cho hai nhân vật quan trọng của bộ này là Đại Tướng Bộ Trưởng Trần Đại Quang và Thượng Tướng Thứ Trưởng Tô Lâm.
Mới đây, báo An Ninh Thế Giới thuộc Bộ Công An còn rút tít “Phụng sự Tổ Quốc” khi tường thuật về sự hiện diện của Thủ Tướng Dũng nhân một sự kiện tại bộ này.
Cần bổ túc, tại Đại Hội Thi Đua Quyết Thắng Toàn Quân vào đầu Tháng Bảy, 2015, Thủ Tướng Dũng đã xuất hiện bên cạnh Thượng Tướng Đỗ Bá Tỵ - thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Vào thời điểm đó, bất chợt nổi lên một số dư luận với cả những thông tin được cho rằng xuất phát từ “nội bộ,” cho rằng Thứ Trưởng Đỗ Bá Tỵ là nhân vật có triển vọng nhất để thay thế Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh, đặc biệt nếu ông Thanh “có mệnh hệ gì.”
Tuy nhiên đến cuối Tháng Bảy và sang Tháng Tám thì Tướng Phùng Quang Thanh bất ngờ xuất hiện trở lại. Thoạt đầu chỉ là gương mặt đờ đẫn cùng trống vắng phát ngôn tại chương trình “Khát vọng đoàn tụ” được tổ chức tại Hội Trường Bộ Quốc Phòng - nơi đã thình lình vang lên “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc vào lúc Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang hãnh tiến lên sân khấu. Nhưng sau đó, tướng Thanh lại liên tục xuất hiện, sinh khí hơn hẳn và còn được “báo nhà” quân đội nhân dân phát tin trang trọng, trong các cuộc họp “triển khai nghị quyết chính phủ,” “triển khai chỉ thị 46 của Bộ chính trị...” đến mức một số dư luận Việt Nam đang cho rằng với cung cách tái xuất có vẻ thực chất như vậy, những đồn đoán về sự thay đổi lớn ở Bộ Quốc Phòng và “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nắm được quân đội” thật ra chưa đáng tin cậy và tương quan có thể vẫn trong thế giằng co.
Điều chỉnh ý thức hệ?
Trong một không gian khác và ở một thái cực khác, tại buổi làm việc ngày 12 Tháng Tám với Thường Vụ Quân Ủy Trung Ương về dự thảo văn kiện và công tác chuẩn bị nhân sự Đại Hội Đại Biểu Đảng Bộ Quân Đội lần thứ X, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng kiên nhẫn nhắc lại “Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân.”
Cụm từ “trung thành với đảng” lại được hoán đổi sang vị trí đầu tiên của khẩu hiệu.
Buổi làm việc trên cũng có mặt Tướng Phùng Quang Thanh, được báo Quân Đội Nhân Dân giới thiệu là “phó bí thư Quân Ủy Trung Ương.”
Sự khác nhau không chỉ về vị trí khẩu ngữ mà cả cách hiểu về bản chất vấn đề đang làm nên một sự khác biệt lớn giữa hai nhân vật cùng trong “tứ trụ” - tổng bí thư và thủ tướng.
Trên bình diện khách quan, trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều dư luận trong trí thức và nhân dân cho rằng đã đến lúc lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, phải thể hiện lòng trung thành với Tổ Quốc và nhân dân, thay vì bị chi phối quá nhiều bởi ý thức hệ chính trị độc đảng.
Sau việc một lực lượng quân đội được huy động để cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào đầu năm 2012, hoặc một số trường hợp quân đội được sử dụng như “dịch vụ hỗ trợ thi công” cho chủ đầu tư tại Cần Thơ và những địa phương khác, đa số ý kiến của giới tướng lĩnh quân sự về hưu và cả đương chức đã mạnh mẽ nói “không” với hình ảnh quân đội bị biến thành công cụ của nhóm lợi ích, nhưng lại không có bất cứ hành động đủ can đảm nào trước biển tặc Bắc Kinh.
Một trong những hình ảnh tiêu biểu và tiên phong trong công cuộc vận động “quân đội trung thành với Tổ Quốc” là phong trào Kiến Nghị 72 của giới trí thức Việt Nam, xuất hiện vào đầu năm 2013, với những yêu cầu sắc nét và dứt khoát về việc Đảng Cộng Sản cần hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp về cơ chế một đảng duy nhất và xóa bỏ tư tưởng “quân đội phải trung thành với đảng.”
Sau hai phát biểu liên tục với đặc thù hoán đổi vị trí “trung thành” về lực lượng vũ trang của Thủ Tướng Dũng, dường như cuộc vận động của phong trào dân chủ trong nước đã bước đầu có kết quả. Nếu ngay cả một vài thế lực chính trị mấu chốt như bên chính phủ cũng có vẻ quá mệt mỏi với vòng kim cô giáo điều về tư tưởng chính trị, hầu như chính khách nào cũng có thể nhận ra một tư duy then chốt: với tâm lý và tính khí dễ bị mê hoặc của đại đa số dân chúng và trí thức Việt Nam, chỉ cần giới lãnh đạo thay đổi một ít quan điểm, quan niệm có tính cởi nới hơn, thì triển vọng giành phiếu bầu của họ, mà ngay trước mắt là đại hội đảng bộ cấp tỉnh thành vào Tháng Chín-Mười, 2015, có thể xem là sáng láng.
Cũng có thể, hiện tượng “trung thành với Tổ Quốc” của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và kéo theo một bộ phận trong giới công an, dù mới chỉ trên bình diện phát ngôn và truyền thông, sẽ làm nên một sự khác biệt với một luồng tin tức gần đây cho rằng “sẽ không có sự thay đổi lớn về tư tưởng tại Đại Hội Đảng lần thứ 12.”
Đại Hội Đảng 12 đang vùn vụt lao đến, khi chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa. Nếu không có thay đổi nào, mọi chuyện càng lao nhanh vào đường cụt.
Nhưng phải thay đổi cái gì và theo cách nào? Điều đó phụ thuộc vào người muốn “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” hay nhân vật vừa được “phía Mỹ tiếp ta rất trân trọng” sau cuộc gặp với Obama tại Phòng Bầu Dục?
Hay cả hai?

Rồi có một ngày...

Tôi thường nghe những câu hỏi trăn trở của những người tị nạn Cộng Sản bỏ nước ra đi:
- Liệu năm nay Việt Nam có gì thay đổi không?
- Bao giờ thì Việt Nam không còn Cộng Sản?



(Hình minh họa: Andreas Altwein/AFP/Getty Images)
Hầu hết những người Việt bỏ đất nước từ những ngày cuối cùng của Tháng Tư, 1975, khi Cộng Sản tràn vào Sài Gòn, đã nói với tôi rằng, họ chỉ trở lại Việt Nam khi không còn chế độ Cộng Sản trên quê hương nữa. Một vài vị lớn tuổi “gần đất xa trời” an ủi với nhau rằng, “có lẽ ta đâu mãi thế này” và mong được sống thêm vài năm nữa, để nhìn ngày tàn của chế độ Cộng Sản.
Nhưng bao giờ thì chế độ Cộng Sản sụp đổ?
Năm năm? Mười năm? Mười lăm năm? Và bây giờ 40 năm đã trôi qua!
Mà khi Việt Nam không còn Cộng Sản nữa thì đất nước này sẽ ra sao?
Cũng khó tưởng tượng ra có một cuộc thay đổi êm ái, đảng cầm quyền ra đi, tổ chức bầu cử tự do, các cơ chế hoàn toàn thay đổi, Hiến Pháp được viết lại, Việt Nam có đa đảng. Nhiều người còn mang ảo tưởng lạ lùng là “hải ngoại” sẽ được Bộ Chính Trị Đảng CSVN mời về “bàn giao” trong êm thấm trong khi họ lặng lẽ cuốn gói ra đi, và những “chủ tịch,” “thủ tướng,” và “quốc trưởng” ở đây sẽ về nhậm chức mà không cần đổ một giọt máu, kiểu nói “bất chiến tự nhiên thành” và dưới cái quan niệm sẽ được cường quốc này, đất nước nọ “bật đèn xanh...”
Nếu có một cuộc cách mạng thật sự đúng nghĩa bùng nổ, thì cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng Sản ở Việt Nam phải là một cuộc cách mạng đổ máu tàn khốc nhất trong lịch sử. Bốn mươi năm qua, chế độ Cộng Sản này đã gây bao nhiêu thảm họa, tai ương cho miền Nam và đối với miền Bắc là 70 năm. Chẳng ai là không có mối thù với Cộng Sản, từ thời Việt Minh cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Bao nhiêu thủ đoạn tù đày, kỳ thị, đánh tư sản, đổi tiền, đày đọa người dân rời bỏ thành phố hay đuổi họ xuống tàu ra biển.
Chẳng có gia đình nào tránh khỏi đau khổ, tù đày, chia lìa, chết chóc hay bần cùng. Ngay trong thời đại “tự do,” “hạnh phúc,” liệu những gia đình nạn nhân Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế chiếm đất, những mẹ con như gia đình bà Phạm Thị Lài trần truồng bị kéo lê trên nền đất, những phụ nữ như bà Lê Thị Trâm bị xe xúc chèn lên thân, cũng như gia đình có thân nhân chết mờ ám trong đồn công an, hàng triệu nạn nhân của chế độ công an trị, có bằng lòng một cuộc chuyển quyền êm ái không?
Cho thuận lẽ nhân quả ở đời sẽ có một cách mạng “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu?”
Nhưng thành phần nào sẽ cầm đầu cuộc cách mạng này, và đừng có ảo tưởng là sẽ có một lực lượng ngoại nhập phát xuất từ Mỹ, từ Úc hay từ... Tàu.
Tuy vậy cũng sẽ không có chuyện biển máu với 3 triệu đảng viên Cộng Sản Việt Nam bị đem ra bắn bỏ, bị tịch thu tài sản, bị lùa vào các trại tù, hoặc đẩy chạy sang Tàu. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có một cuộc thay đổi, Cộng Sản không còn là đảng cầm quyền và Việt Nam sẽ trở thành một đất nước có chế độ đa đảng. Nhưng vào thời điểm đảng Cộng Sản không còn nữa, Việt Nam sẽ ra sao?
Cũng như sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, ở Việt Nam cũng sẽ có rất đông đảo, hàng triệu người đã vứt thẻ đảng và ra khỏi đảng. Trừ một số đảng viên đã chuẩn bị “hạ cánh” với bất động sản, tiền ngân hàng hay cơ sở kinh doanh ở Mỹ, Úc, Canada... nhưng 3 triệu đảng viên Cộng Sản với châm ngôn “đảng còn ta còn” và tổng cộng các lực lượng an ninh đủ loại với ít nhất là 6.9 triệu người (theo Giáo Sư Carl Thayer) với khẩu hiệu “công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình” sẽ là một vấn nạn khó xử cho xã hội mới, một khi “mất đảng,” nhưng chúng nhất quyết chưa chịu “mất mình.”
Người viết không có khả năng phân tích tình hình chính trị Việt Nam sau khi không còn đảng Cộng Sản cầm quyền hay chuyện kinh tế của Việt Nam thời hậu Cộng Sản, nhưng cứ nghĩ đến cái đất nước tan hoang, sau 40 năm cai trị của đảng này, thì cái giấc mơ nghĩ đến một ngày nào đất nước hết Cộng Sản, cũng chẳng phải là một giấc mơ tốt đẹp.
Có thể Cộng Sản sẽ để lại cho đất nước những cái cầu tráng lệ, những xa lộ tối tân, những con tàu “siêu tốc,” những cái tháp truyền hình đi vào kỷ lục, những lâu đài kiến trúc đẹp đẽ, những sân bay hiện đại và dai dẳng những món nợ con cháu trả mấy đời không hết. Và những vạn dặm rừng, nghìn vuông đất cho thuê chưa lấy lại được, nhưng cũng không đau xót bằng hằng triệu con người mất cả niềm tin vào tương lai, lòng người ly tán, đạo lý suy đồi.
Muốn xây dựng lại xã hội phải xây dựng con người, mà xây dựng một con người phải mất bao nhiêu năm?
Hồ Chí Minh sao chép câu “Bách niên thụ nhân” của Quản Trọng bên Tàu, nhưng với hạt giống vốn bể nát, thối tha của người khác đã vứt đi lượm đem về, gieo trồng trên đám đất đai chai lỳ toàn trị, bón bằng những thứ phân bón tha hóa, xấu xa, dối trá; tưới bằng thứ nước dơ bẩn của bạo lực, cường quyền, thì cây không có trái, hoa không dám nở, mà chỉ sinh sản ra một loài cỏ dại. (*)
Một xã hội mà chủ động mãi dâm còn tuổi vị thành niên, khi bị công an bắt còn xin về đi thi trung học phổ thông. Một xã hội mà một thanh niên chỉ mới 22 tuổi cắt cổ sáu người mà vẫn có giấc ngủ yên lành. Một xã hội có những đứa trẻ 14 tuổi đi bán dâm trong khi đã mang thai bốn tháng. Một xã hội mà thanh niên lớn lên không có nhà máy, chỉ toan tính chạy vạy tìm cách ra nước ngoài làm thuê, ở mướn. Một xã hội mà thiếu nữ nông thôn lớn lên không có một thời yêu đương, thơ mộng, bỏ ruộng vườn, lăm le đi khỏi mướt kiếm một tấm chồng, hay kể cả chuyện bán thân, miễn có một đời sống no đủ. Một xã hội mà sinh viên, người mẫu sẵn sàng lên giường vì đồng đô la. Một xã hội mà người ác, kẻ tham được bảo vệ, người làm điều xấu không biết nhục, kẻ trung trực, ngay thẳng thì bị đọa đày.
Liệu có một vị cứu tinh dân tộc nào xuất hiện trong giai đoạn này để cứu nước, độ dân không? Nước Nhật sau hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagazaki, và cả trận sóng thần xảy ra năm 2011, đã đứng dậy tái thiết, khắc phục hậu quả của những thảm họa chiến tranh và thiên tai, nhờ tinh thần và phẩm chất truyền thống của dân tộc Nhật. Nhưng với “thảm họa dân trí, đạo đức” mà chế độ Cộng Sản để lại cho Việt Nam, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, mà chúng ta thường gọi là một trận hồng thủy, mà những điều tốt đẹp, đạo đức của dân tộc đã bị băng hoại, cuốn trôi, chúng ta làm cách nào để xây dựng lại đất nước này?
Bao giờ thì có thay đổi, bao giờ thì không còn Cộng Sản? Đây chính là những nỗi trăn trở của cả dân tộc, nhưng là những chuyện khó khăn bắt đầu chứ không phải là những điều kết thúc tốt đẹp mà chúng ta vẫn thường mơ ước! Đó chính là nỗi thống khổ của Việt Nam, và còn khổ đến bao giờ.

(*) “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là trùng độc, sinh sôi, nảy nở, trên rác rưởi cuộc đời.” (Dalai Latma)
Theo Người Việt-08-23- 2015 2:03:25 PM
Tạp ghi Huy Phương

Việt Nam: Buôn lậu ngà voi nay tính bằng tấn

ĐÀ NẴNG (NV) - Công an Việt Nam và biên phòng Đà Nẵng vừa phát giác một vụ buôn lậu hai tấn ngà voi. Chỉ trong một tuần có hai vụ buôn lậu ngà voi, số lượng đến cả tấn bị phát giác.

Công an Việt Nam và biên phòng Đà Nẵng đang kiểm tra số ngà voi giấu trong ba container chứa gỗ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo báo chí Việt Nam thì chiều 21 Tháng Tám, 2015, hai lực lượng vừa kể tiến hành kiểm tra ba container đang để tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Trên giấy tờ, đây là ba container chứa gỗ được gửi từ Nigieria đến Việt Nam cho một công ty có trụ sở đặt tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có tới 60 túi ngà voi, tổng trọng lượng lên tới hai tấn được giấu kỹ sau hàng ngàn thanh gỗ. Tuy nhiên doanh nghiệp được gửi ba container này phủ nhận họ là chủ lô hàng.

Trước đó đúng một tuần, hôm 14 Tháng Tám, hải quan và công an Việt Nam từng khám phá khoảng một tấn vừa ngà voi, vừa sừng tê giấu trong hai container chứa đá cẩm thạch, được gửi từ Mozambique đến cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng cho một doanh nghiệp có tên là Vạn An. Trụ sở của công ty Vạn An cũng tọa lạc tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Chưa rõ hai vụ buôn lậu ngà voi vừa kể có liên quan đến nhau hay không. Tuy nhiên có thể khẳng định, ngà voi và sừng tê vẫn tiếp tục ồ ạt chảy vào Việt Nam với số lượng càng ngày càng lớn. Từ vài ký lên tới vài chục ký rồi hàng tạ và gần đây là hàng tấn. Hôm 12 Tháng Tám, 2015, hải quan và công an Việt Nam phát giác một lô hàng chứa 100 ký ngà voi và năm ký sừng tê được mang vào Việt Nam bằng đường hàng không. Đây là lô hàng do hai người Việt vận chuyển từ Châu Phi qua Nam Hàn rồi tiếp tục được đưa từ Nam Hàn về phi cảng Nội Bài ở Hà Nội.

Với số lượng ngà voi và sừng tê như vừa kể, báo chí Việt Nam xem vụ buôn lậu này là “kỷ lục.” Tuy nhiên “kỷ lục” vừa kể liên tục bị các container gửi về cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng phá vỡ. Ngà voi và sừng tê nằm trong danh mục mà cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận là cấm mua bán, xuất cảng, nhập cảng, nhằm bảo vệ những loại động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Có một công ước quốc tế riêng về vấn đề này, vẫn được gọi tắt là CITES. Việt Nam là một thành viên của CITES. Tuy nhiên trong thập niên vừa qua, các tổ chức bảo vệ hoang dã trên thế giới liên tục bày tỏ sự lo ngại về việc Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ cả ngà voi lẫn sừng tê.

Để loại trừ việc mua bán ngà voi và sừng tê, giữ cho voi và tê giác không tuyệt chủng, CITES đề nghị các quốc gia thành viên không tổ chức đấu giá ngà voi và sừng tê đã tịch thu từ các vụ buôn lậu. Đáp ứng đề nghị này, nhiều quốc gia đã tổ chức tiêu hủy ngà voi và sừng tê. Riêng Việt Nam thì không. Khi xét xứ các vụ buôn lậu ngà voi và sừng tê, đến nay, hệ thống tòa án Việt Nam vẫn tuyên bố sung công toàn bố số ngà voi và sừng tê đã tịch thu được.

Về nguyên tắc, số ngà voi và sừng tê đã được hệ thống tòa án tuyên bố sung công phải do Cục Quản Lý Công Sản của Bộ Tài Chính Việt Nam quản lý nhưng hồi cuối năm 2013, một viên của cơ quan này tiết lộ với tờ Tuổi Trẻ, số ngà voi được tuyên bố sung công khoảng 25 tấn nhưng Bộ Tài Chính Việt Nam không gom về được. 25 tấn ngà voi đó đang nằm rải rác trong kho của nhiều ngành như hải quan, công an, thi hành án... thuộc nhiều cấp và không ai rõ chúng còn đủ hay không. (G.Đ)
08-23-2015 3:18:29 PM

VN thu gần 100 bộ quân phục Mỹ nhập lậu

Theo BBC-23 tháng 8 2015
Quân phục quân đội Mỹ (ảnh minh họa)
Quân phục quân đội Mỹ (ảnh minh họa)
Báo chí tại Việt Nam đưa tin, hôm 23/8, gần 100 bộ quân trang quân phục gồm quần áo có phù hiệu các loại binh chủng khác nhau của quân đội Hoa Kỳ, đã bị tịch thu tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Một đoạn video được đăng trên trang điện tử báo An ninh Thủ đô cho thấy các loại quân phục của quân đội Mỹ được đóng trong các thùng hàng bị mở kiểm tra hải quan tại cửa khẩu sân bay.
Báo An ninh Thủ đô trích thuật tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, thuộc Cục hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết lô hàng này đã được nhập trái phép qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây là loại mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quyết định của Bộ Quốc Phòng Việt Nam và hiện đang được lực lượng hải quan lập biên bản tạm giữ và phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ mục đích nhập vào Việt Nam.
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được trích thuật đưa ra thông tin rằng lô hàng do hành khách có tên T.V.H vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam.
Theo Chi cục Hải quan được Vnexpress trích dẫn cho biết đây là một phần của chiến dịch nhằm "đảm bảo an ninh, trật tự dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam 2/9" và Chi cục này đã "triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn các loại hàng hóa, tài liệu phản động, vũ khí, quân trang quân dụng... vận chuyển trái phép qua đường hàng không".
Được biết cũng nằm trong chiến dịch này, hôm 31/7, họ đã bắt giữ lô vũ khí gồm 94 khẩu súng ngắn quân dụng và 472 băng đạn chưa qua sử dụng có xuất xứ từ Cộng hòa Séc được đưa về Việt Nam qua đường hàng không.
Tuy nhiên theo ANTĐ điện tử đưa tin thì "lô vũ khí quân dụng nói trên là do một đơn vị đặc nhiệm của Nhà nước Singapore mua, nhập về để trang bị cho công tác bảo vệ chính khách nhưng bị chuyển nhầm đến Việt Nam" do các thủ tục xuất, nhập hải quan.
Báo này cho biết thêm phía Singapore hiện đang "trong quá trình liên hệ để giải quyết vụ việc".

Người Việt ở Thái vẫn chọn mảnh đất này bất chấp bạo động, nổ bom

Hình chụp ở khu vực đền Erawan, người Việt gọi là phật 4 mặt.
Hình chụp ở khu vực đền Erawan, người Việt gọi là phật 4 mặt.
Trà Mi-VOA
24.08.2015
Vụ nổ bom hôm 17/8 tại thủ đô Thái Lan gây thiệt mạng trên 20 người, làm bị thương hàng trăm người khác, và khiến cả thế giới phải bàng hoàng, sửng sốt trước hành động khủng bố tàn sát này.

Trong chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay, ba bạn trẻ Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Thái sẽ chia sẻ với chúng ta cảm nghĩ của họ về những gì họ đang cùng người dân Thái trải qua, tình hình an ninh và ổn định chính trị của đất nước mến khách này, và những việc họ có thể làm để góp tay giúp người dân Thái vượt qua cơn hoạn nạn.

Ngọc Hưng: Em đang sống gần khu vực xảy ra nổ bom, cách đền thờ khoảng gần 1 cây số. Em đến Thái Lan để làm việc và đầu tư. Em qua lại Thái Lan hơn 10 năm nhưng ở hẳn lại đây khoảng 4 năm.

Nhung: Mình du học Thái 5 năm. Học xong, mình quyết định làm việc và định cư tại Bangkok. Hiện tại mình là phiên dịch viên trong sân bay.

Tâm: Cách đây 2 năm, mình sang Thái bắt đầu học tiếng Thái. Hiện mình không sống thường xuyên ở đây, cứ 1-2 tháng mình sang Thái một chuyến vì chuyện buôn bán. Vụ nổ bom vừa rồi xảy ra sau khi mình mới sang đúng 1 ngày. Chiều hôm đó mình đang đi chơi khu đó. Đến 3 giờ mệt quá mình về. Mình ở gần khu đền đó khoảng 2-3 cây số.

"Việt Nam mình hiện tại chưa được tiến bộ như ở Thái Lan. Mình lựa chọn Thái vì sau khi du học ở đây mình học được rất nhiều điều tuyệt vời hơn là ở đất nước của mình, nên mình quyết định dừng chân ở đây."-Nhung, hướng dẫn viên du lịch.

Trà Mi: Các bạn đến đây học hành, làm việc, và mua bán. Tại sao các bạn chọn Thái Lan là nơi dừng chân của mình?

Ngọc Hưng: Bản thân là một hướng dẫn viên du lịch, trong rất nhiều nước đã đi em thấy Thái Lan là đất nước hiền lành. Thấy cuộc sống ở đây gần gũi, thoải mái, nên em quyết định qua Thái.

Tâm: Mình thấy người Thái cực kỳ dễ mến, gần gũi, quá tuyệt vời. Họ rất ý thức về mọi mặt trong đời sống.

Nhung: Việt Nam mình hiện tại chưa được tiến bộ như ở Thái Lan. Mình lựa chọn Thái vì sau khi du học ở đây mình học được rất nhiều điều tuyệt vời hơn là ở đất nước của mình, nên mình quyết định dừng chân ở đây.

Ngọc Hưng: Tới Thái Lan ngay từ lúc đặt chân tới sân bay, họ rất vui vẻ, niềm nở, lịch sự. Mình qua đây làm ăn sinh sống với mong muốn thay đổi một môi trường sống khác. Từ những người thấp nhất trong xã hội Thái như xe ôm cho tới cảnh sát, họ đều giúp đỡ mình hết mình.

Tâm: Mình thấy nhiều du khách tới Thái đều bảo là người Thái thân thiện.

Trà Mi: Đó là những nét đẹp quyến rũ đó còn có những nét chưa đẹp mà người ta biết về Thái Lan như tình hình bất ổn chính trị, rối loạn an ninh chẳng hạn như các vụ đánh bom. Với vụ đánh bom khiến cả thế giới chú ý như vừa qua, nét đẹp của Thái Lan trong ánh mắt các bạn giờ đây có bị ảnh hưởng không?

Nhung: Qua đây từ 2008 thấy Thái Lan cũng có một thời rất là xáo trộn nhưng rồi họ vượt qua mạnh mẽ. Nhung muốn sống ở đây nên luôn hy vọng nơi này sẽ bình yên trở lại. Mình không thấy thất vọng về đất nước Thái Lan.

Ngọc Hưng: Một vài người làm nên những chuyện xấu đó mà cho dù ở bất kỳ nước nào cũng không thể chấp nhận được. Sáng nay, em có đến ngôi đền nơi nổ bom, họ đã quét dọn lại sạch sẽ và đón du khách. Cũng có rất nhiều du khách đến sáng nay chứng tỏ người ta cũng thông cảm, chia sẻ.

Bức tượng thần Brahma bị hư hại từ vụ nổ chết người tại đền Erawan ở Bangkok, Thái Lan, ngày 20 tháng 8, 2015.
Bức tượng thần Brahma bị hư hại từ vụ nổ chết người tại đền Erawan ở Bangkok, Thái Lan, ngày 20 tháng 8, 2015.

Trà Mi: Tình hình an ninh-chính trị Thái có làm cho các bạn lo ngại không?

Tâm: Sáng nay mình cũng đến một số chùa của Thái, mình thấy rất nhiều khách du lịch tới đó. Mình thấy lòng tin của khách du lịch đối với nước Thái không lay chuyển là mấy. Như mình đây, chuyện xảy ra như vậy mà mình không cảm thấy sợ.

Ngọc Hưng: Khi tiếng nổ xảy ra, mình nhìn thấy người ta phản ứng rất nhanh. Trong khu em ở họ chạy tới hỗ trợ rất nhanh kể cả cảnh sát lẫn xe ôm. Có những người không phải trách nhiệm của họ mà họ vẫn làm thì em thấy đây là một đất nước đáng để sống.

"Mình thấy thật ra không phải là Việt Nam yên bình đâu. Ở Thái, bạn có thể cầm hai tay 2 smart phone đi ngoài đường mà cũng chẳng bị sao hết, chứ ở Việt Nam bạn có dám hé ra một tí xíu không? Sẽ bị giật mất liền...Ở Việt Nam chỉ cần sơ hở một chút là bị giật liền chứ đừng nói là bỏ quên. Không phải mình nói xấu đâu. Mình nói về độ yên tâm, về sự ổn định trong cuộc sống."-Tâm, người Việt ở Thái Lan.

Trà Mi: Nổ bom cũng là chuyện hy hữu và có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào. Nhưng ở Thái Lan người ta nghe nói nhiều đến các cuộc biểu tình chính trị và đảo chính, vốn là những yếu tố có thể làm cho đời sống người dân bị ảnh hưởng, bất an. Môi trường chính trị Thái Lan có là niềm trăn trở của các bạn không?

Nhung: Thái Lan họ đã ngã biết bao nhiêu lần nhưng họ đã đứng lên mạnh mẽ, hồi phục rất nhanh. Đôi khi mình cũng thấy sợ nhưng không cần thiết phải bỏ cuộc.

Trà Mi: Có ý kiến nhận xét rằng so với Thái, Việt Nam được ưu điểm về mặt bình yên chính trị, không xáo trộn. Các bạn chia sẻ điều này thế nào?

Tâm: Mình thấy thật ra không phải là Việt Nam yên bình đâu. Ở Thái, bạn có thể cầm hai tay 2 smart phone đi ngoài đường mà cũng chẳng bị sao hết, chứ ở Việt Nam bạn có dám hé ra một tí xíu không? Sẽ bị giật mất liền. Ở Thái này, mình có thể quên điện thoại hay bất cứ thứ gì rồi sau đó quay lại lấy không sao hết. Mình đã bị rất nhiều lần rồi. Ở Việt Nam chỉ cần sơ hở một chút là bị giật liền chứ đừng nói là bỏ quên. Không phải mình nói xấu đâu. Mình nói về độ yên tâm, về sự ổn định trong cuộc sống.

Trà Mi: Nói về sự an ninh lớn hơn, đó là an ninh chính trị. Một quốc gia an ninh xáo trộn thì người dân không thể sống yên ổn được. Các bạn thấy sao?

Ngọc Hưng: Ở những nước tư bản, những nước tự do, họ tranh đua để đáp ứng quyền lợi cho người dân. Họ tranh đua để cố gắng làm cho tốt hơn. Biểu tình xảy ra cũng ảnh hưởng tới kinh tế, đời sống nhưng cái đó còn trong tầm kiểm soát của chính phủ Thái. Cho nên, họ vẫn có thể ổn định làm cho người nước ngoài như mình chẳng những sinh sống mà còn đầu tư vào Thái Lan.

Một người đàn ông đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ bom tại một buổi lễ ở đền Erawan.
Một người đàn ông đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ bom tại một buổi lễ ở đền Erawan.

​Trà Mi: Có người cho rằng cũng vì tự do quá nên càng dễ xảy ra bất ổn. Các bạn nghĩ sao?

Nhung: Cũng giống như nuôi dạy một đứa trẻ vậy. Tới tuổi dậy thì, con cái ở Việt Nam thường bị cha mẹ cấm đoán. Những đứa như vậy khi có cơ hội thoát ra khỏi cái vòng đó nó càng hư dễ hơn nữa. Cho nên, cho con tự do hơn để nó tự có ý thức thì tốt hơn là quan điểm ép buộc như hồi xưa.

Trà Mi: Giữa hai kiểu chính trị và an ninh của Việt Nam và Thái Lan, các bạn chọn kiểu nào?

Ngọc Hưng: Nói là muốn sống ở Thái Lan thì đó chính là câu trả lời.
Trà Mi: Tình hình hiện nay ở Thái ra sao sau vụ đánh bom?

Tâm: Hôm nay mình đi rất nhiều nơi, thấy mọi sự đã đi vào ổn định rồi.
Trà Mi: Là một tiểu thương mua bán qua lại giữa Việt Nam và Thái Lan, vụ nổ bom ảnh hưởng tới công việc làm ăn của chị Tâm ra sao?

Tâm: Mặt hàng của mình về du lịch nên cũng bị ảnh hưởng vì có một số mặt hàng người ta ngưng đặt.

Trà Mi: Chị Nhung ở sân bay chị thấy tình hình thế nào?

Nhung: Trong mấy ngày này là khách đông nhất, khách ùa nhau đi về vì họ cũng sợ ảnh hưởng.

Ngọc Hưng: Em làm trong ngành du lịch thấy khách lúc đầu cũng hoang mang, nhưng hôm qua và hôm nay cũng có rất nhiều đoàn từ Việt Nam sang.

Trà Mi: Ngay trung tâm Bangkok người Việt mình đông không?

Ngọc Hưng: Du học sinh cũng nhiều, khách du lịch cũng nhiều, người qua đây mưu sinh cũng nhiều hoặc là buôn bán hoặc là làm cho người Thái. Cũng có những nhà đầu tư Việt Nam ở đây, thậm chí trong ngành du lịch cũng có rất nhiều người Việt đầu tư có tiếng tại Bangkok.

Trà Mi: Với những người Việt có ý định sang Thái lúc này hoặc trong tương lai gần, các bạn có lời khuyên nào cho họ?

Ngọc Hưng: Em cũng có một số khách chuẩn bị qua. Trong số này, 10 khách hàng thì chỉ có 1 người cancel thôi. Mình cũng nói với họ là không có chuyện gì cả đừng lo lắng vì trong thời điểm này các địa điểm du lịch là những nơi được chính phủ Thái tăng cường an ninh.

Trà Mi: Từ tai nạn kinh hoàng này, các bạn muốn chia sẻ điều gì với người dân Thái. Các bạn có thể làm gì để giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn này?

Ngọc Hưng: Có những bạn sinh viên đến các bệnh viện làm tình nguyện viên và hiến máu nhân đạo. Đó là một cách chia sẻ, giúp đỡ trực tiếp. Như mình cũng có lên Facebook chia sẻ và cập nhật thông tin cho tất cả mọi người. Mình cũng có thông báo trên đó là nếu người Việt nào cần sự giúp đỡ, thông dịch thì có thể liên lạc mình bất kỳ lúc nào. Bà xã của mình cũng đi hiến máu với hy vọng có thể giúp cứu sống một vài nạn nhân.

Nhung : Mình mong đất nước Thái Lan sớm bình yên trở lại và cũng cầu mong là những chuyện này không còn xảy ra nữa.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã chia sẻ với người dân Thái Lan lúc này và chia sẻ với người Việt khắp nơi về câu chuyện ở Thái Lan ngày hôm nay.

Pháp trở lại Việt Nam

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Thế chiến thứ hai bùng nổ ngày 3-9-1939. Đức tràn chiến xa tấn công Pháp tháng 5-1940. Thủ tướng Pháp Paul Reynaud, mới cầm quyền ngày 23-3-1940, liền từ chức ngày 16-6-1940. Thống chế Henri Philippe Pétain lên thay, đứng ra điều đình với Đức. Pétain ký hiệp định đình chiến với Đức tại Compiègne ngày 22-6-1940, giao cho Đức khoảng 3/5 nước Pháp ở phía bắc. Từ ngày 2-7-1940, chính phủ Pétain dời đô đến Vichy, quận hạt Allier, vùng Auvergne, miền trung nước Pháp, nên thường được gọi là chính phủ Vichy.

Thiếu tướng Charles de Gaulle, thứ trưởng bộ Quốc phòng (từ ngày 5-6-1940) trong chính phủ của thủ tướng Paul Reynaud, bỏ qua Anh. De Gaulle lên đài phát thanh London ngày 18-6-1940, kêu gọi dân chúng thuộc địa Pháp tiếp tục chiến đấu chống Đức. De Gaulle vận động và thành lập Comité National Français (Uỷ Ban Quốc Gia Pháp) tại London ngày 24-9-1941. 

Vì bị Nhật tấn công ở Pearl Harbor (Honolulu, Hawaii) ngày 7-12-1941, Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật ngày 8-12-1941, rồi tuyên chiến với đồng minh của Nhật là Đức, Ý ngày 11-12-1941. Hoa Kỳ thừa nhận UBQG Pháp ngày 9-7-1942, cắt đứt ngoại giao với chính phủ Pétain. 

1. Pháp chủ trương trở lại Việt Nam

Charles de Gaulle qua các thuộc địa Pháp ở Phi Châu hoạt động. Ngày 3-6-1943, Uỷ Ban Giải Phóng Quốc Gia Pháp (UBGPQGP) (Comité Français de la Libération Nationale) được thành lập tại Alger (Algérie). Ủy ban bầu hai tướng Charles de Gaulle và Henri Giraud làm đồng chủ tịch, lãnh đạo kháng chiến Pháp.

Lúc đó, quân đội Nhật đã xâm nhập và thao túng Đông Dương từ 1940, tuy vẫn để nhà cầm quyền bảo hộ Pháp tồn tại. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là đô đốc Jean Decoux, thuộc quyền của chính phủ Pétain thân Đức. 

Sau ba tháng thành lập, UBGPQGP chống Đức và chống Pétain, cử tướng René Blaizot phụ trách Đạo quân Viễn chinh Viễn đông (Corps Expéditionnaire d’Extrême-Orient) vào tháng 9-1943, nhắm đến mặt trận Đông Dương. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 145.) Tuy nhiên, mọi việc phải đợi đến sau khi giải phóng xong nước Pháp ra khỏi tay Đức Quốc Xã. 

Ngày 8-12-1943, cũng từ Alger, UBGPQG Pháp ra thông báo về chính sách đối với các nước Đông Dương, có đoạn như sau: 

“... Với các dân tộc đã biết xác định cùng một lúc tình cảm yêu nước và ý thức trách nhiệm chính trị của mình, nước Pháp đồng ý ban hành, trong lòng cộng đồng Pháp, một quy chế chính trị mới mà, trong khuôn khổ của tổ chức liên bang, những quyền tự do của các nước khác nhau trong Liên hiệp sẽ được nới rộng và xác lập; tính chất tự do rộng rãi của các chế độ sẽ được nhấn mạnh mà không mất dấu hiệu của nền văn minh và truyền thống Đông Dương; những người Đông Dương, cuối cùng, có thể nhận làm bất cứ công việc gì và chức vụ nào của Nhà nước.

Cùng với sự cải cách quy chế chính trị nầy, sẽ có một cuộc cải cách quy chế kinh tế của cả Liên hiệp mà, trên căn bản tự trị về quan thuế và thuế khóa, sẽ bảo đảm sự phồn thịnh của Liên hiệp và góp phần vào sự phồn thịnh của các nước lân bang...” (Philippe Devillers, Paris Saigon Hanoi, Paris: Gallimard-Julliard, 1988,tr. 23.)

Ngày 1-2-1944, De Gaulle ra lệnh cho tướng René Blaizot thành lập Lực lượng Viễn chinh Pháp tại Viễn đông (F.E.F.E.O = Forces Expéditionnaires Françaises d'Extrême-Orient), gồm 2 lữ đoàn thuộc địa là Madagascar và Cameroun, và một đơn vị khinh binh ứng chiến (Corps Léger d'intervention). Đạo quân F.E.F.E.O được đặt dưới Bộ Chỉ huy Đồng minh tối cao Đông Nam Á do đô đốc người Anh là bá tước Louis Mountbatten điều khiển. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952sđd. tr. 145.)

Trong cuộc họp của UBGPQG Pháp do De Gaulle chủ trì tại Brazzaville ở Congo, được xem là thủ phủ của Pháp tại Phi Châu, từ 30-1 đến 8-2-1944, để thảo luận về các vấn đề thuộc địa sau thế chiến thứ hai, bản tuyên bố vào cuối Hội nghị có đoạn viết: 

“Các mục đích của sự nghiệp thực dân mà nước Pháp thực hiện tại các thuộc địa đã loại bỏ ý định tự trị, mọi khả năng tiến hóa ngoài khuôn khổ đế quốc Pháp: cơ cấu một chính phủ tự trị có thể có tại các thuộc địa dù cho còn lâu mới được thực hiện, phải bị loại trừ.” (Hoàng Hiển, Vua Duy Tân, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1996, tr. 90.)

Ngày 24-8-1944, trung tướng Philippe Leclerc de Hautelocque (gọi tắt là Leclerc) dẫn quân giải phóng Paris. Chính phủ Vichy của thống chế Pétain sụp đổ. Charles de Gaulle trở về thủ đô Pháp, lập chính phủ lâm thời ngày 10-9-1944. (De Gaulle làm thủ tướng lâm thời đến ngày 20-1-1946 thì từ chức. Chủ tịch quốc hội là Félix Gouin được cử lên thay ngày 24-1-1946.)

Ngày 13-9-1944, chính phủ lâm thời Pháp quyết định chuyển gấp hai sư đoàn cho tướng René Blaizot. Ngày 26-10-1944, tướng Blaizot đến đặt bản doanh tại Kandy (Tích Lan = Ceylon tức Sri Lanka từ 1972), thành lập lực lượng viễn chinh Á Châu. Nơi đây Hoa Kỳ và Anh lập bộ chỉ huy Đồng minh tối cao Đông Nam Á (Supreme Allied Commander South East Asia Theatre) năm 1943, do đô đốc Louis Mountbatten đứng đầu. Pháp muốn nhờ Anh và Hoa Kỳ trang bị và chuyên chở quân sự sang Đông Dương, nhưng hai nước nầy đang lo việc phản công chống quân Nhật, vì lúc đó Nhật còn chiến đấu ở Á Châu. 

Tiếp đó, ngày 9-3-1945 Nhật lật đổ nhà cầm quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương, chủ trương để cho Việt Nam độc lập. Vua Bảo Đại công bố bản Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3, làm cho De Gaulle rất tức giận. Gần nửa tháng sau, ngày 24-3-1945 thủ tướng De Gaulle tuyên bố về vấn đề Đông Dương như sau:

“Liên bang Đông Dương sẽ hợp cùng với nước Pháp và các thành phần khác trong cộng đồng thành Liên Hiệp Pháp, mà nước Pháp sẽ đại diện để đảm trách những quyền lợi ở bên ngoài. Đông Dương sẽ được hưởng nền tự do riêng trong Liên Hiệp nầy.

Những người thuộc quốc tịch liên bang Đông Dương sẽ là công dân Đông Dương và công dân Liên Hiệp Pháp. Với tư cách nầy, họ sẽ được giữ một cách công bằng theo khả năng mọi chức vụ và công việc liên bang ở Đông Dương cũng như trong Liên Hiệp Pháp, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, nguồn gốc.

Những điều kiện theo đó Liên bang Đông Dương sẽ tham gia vào các cơ chế Liên Hiệp Pháp, cũng như quy chế công dân Liên Hiệp Pháp, sẽ được ấn định bởi Hội đồng lập hiến.” (Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, Le salut: 1944-1946, Paris: Plon, 1959, tr. 439.) 

Đức đầu hàng Đồng minh ngày 7-5-1945. Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô họp thượng đỉnh tại Potsdam (Đức) ngày 17-7-1945. Pháp không được tham dự, nhưng Paris biết ngay nội dung của tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945 của Anh, Hoa Kỳ và Trung Hoa gởi cho Nhật về việc giải giới quân đội Nhật tại Đông Dương. Ngày 11-8-1945, bộ Ngoại giao Pháp gởi thư cho Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Trung Hoa đề nghị giao việc giải giới quân đội Nhật tại Đông Dương cho Pháp. (Chính Đạo,Việt Nam niên biểu, tập A, Houston: Nxb. Văn Hóa: 1996, tr. 241.)

Sau đó, thủ tướng Charles De Gaulle qua Hoa Kỳ thương thuyết với tổng thống Harry Truman trong hai ngày 22 và 24-8-1945. Tổng thống Truman nhận chức thay thế tổng thống Franklin Roosevelt từ trần ngày 12-4-1945. Harry Truman từ bỏ chủ trương International Trusteeship ở Đông Dương của Roosevelt. Trước khi rời Hoa Kỳ, De Gaulle tuyên bố sẽ thiết lập một chế độ mới tại Đông Dương gồm cả người bản xứ và kiều dân Pháp, do một đại diện của chính phủ Pháp chủ trì, sẽ có một nghị viện và một nền kinh tế tự do. Quân đội Pháp sẽ giải giới quân đội Nhật ở Đông Dương. (Chính Đạo, sđd. tr. 250). 

Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ đưa đề nghị ngày 28-8 rằng Anh sẽ giải giới quân Nhật trên toàn cõi Đông Dương, hoặc Pháp nhận lễ đầu hàng của quân Nhật ở miền nam vĩ tuyến 16, còn các tướng lãnh Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 làm lễ đầu hàng ở Trung Hoa. Hai ngày sau (30-8), ngoại trưởng Hoa Kỳ trả lời rằng không thể đi ngược lại quyết định trong tối hậu thư Potsdam, nhưng Pháp có thể dàn xếp riêng với Anh và Trung Hoa. (Chính Đạo, sđd. tt. 248, 250, 252, 254.)

Lúc đó, chiến tranh vừa chấm dứt ở Âu Châu. Hoa Kỳ cần sự hợp tác của Anh và Pháp để thực hiện các kế hoạch hậu chiến, nên Hoa Kỳ uyển chuyển với Pháp, không cản trở việc Pháp kiếm cách trở lại Đông Dương. Hoa Kỳ chuyển trách nhiệm về phía Anh và Trung Hoa. 

Có thể do sự mềm dẻo của chính phủ Hoa Kỳ, các thương thuyền Hoa Kỳ đã chở từ 14,000 đến 24,000 quân Pháp đến Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 12-1945. (Patricia K. Lane, “Éléments sur la mise en oeuvre de la politique américaine envers l'Indochine, 1940-1945”, đăng trong Les Cahiers de l'Institut D'Histoire Du Temps Présent, Paris: Charles-Robert Ageron và Philippe Devillers chủ biên, số 34, tháng 6-1996, tr. 33.)

2. Pháp gởi quân qua Đông Dương

Thủ tướng Charles de Gaulle cử tướng Leclerc làm chỉ huy lực lượng lục quân Pháp ở Đông Dương ngày 16-8-1945. Hôm sau 17-8-1945, De Gaulle ký nghị định thành lập chức cao uỷ Pháp tại Đông Dương (Haut-commissaire de France pour l'Indochine), có quyền hạn của một toàn quyền kiêm chỉ huy hải lục không quân Pháp ở Đông Dương. Ông cử người cộng sự thân tín là đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu, gốc linh mục Ky-Tô giáo La-Mã, giữ chức vụ nầy. 

Ngày 17-8, Leclerc rời Paris qua Đông Dương. Trên đường đi, Leclerc ghé Kandy (Tích Lan) ngày 22-8 theo lời mời của đô đốc Louis Mountbatten, chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh ở Đông Nam Á. Trong cuộc gặp gỡ, bá tước Mountbatten cho Leclerc biết rõ nội dung tối hậu thư Potsdam. 

Mountbatten cho biết hy vọng thủ tướng De Gaulle, đang viếng thăm Hoa Kỳ (từ 22-8-1945), có thể sẽ thuyết phục tổng thống Harry Truman xem xét lại các thỏa ước và hy vọng Truman sẽ áp lực với Tưởng Giới Thạch, để giao cho Pháp việc giải giới quân Nhật. Leclerc liền điện về cho chính phủ Pháp, nhưng quyết định Potsdam vẫn không được sửa đổi. (Philippe Devillers, sđd. tt. 149-150.)

Leclerc yêu cầu chính phủ Pháp gởi ngay quân sang Đông Dương. Tuy nhiên Pháp thiếu phương tiện chuyên chở. Lelerc phải nhờ đến Anh và Hoa Kỳ. Mountbatten tận tình giúp máy bay, tàu đổ bộ, nhiên liệu, vũ khí, thiết bị thay thế, thuốc men, thực phẩm... 

Trước khi quân đội Nhật Bản chính thức tuyên bố đầu hàng (14-8-1945), bộ chỉ huy Pháp ở Calcutta (Ấn Độ) ra lệnh cho người Pháp nhảy dù xuống Đông Dương ngày 13-8-1945, kể cả những nhân viên dân sự. Nhiều toán người Pháp được thả xuống ở Bắc và Trung Kỳ. Đa số bị giết hoặc bị bắt giam. 

Tối 22 rạng 23-8-1945, Pierre Messmer, uỷ viên Cộng Hòa Pháp ở Bắc Kỳ và hai đồng sự là Brancourt (dược sĩ, đại úy) và Marmot (trung sĩ truyền tin) nhảy dù xuống gần Phúc Yên, bị bắt cả toán. (Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, California: University of California Press, Berkely, 1980, tr. 260.) Về sau Messner trốn thoát được một cách khó khăn. (Philippe Devillers, sđd. tr. 150.)

Từ Côn Minh hay Kunming (Vân Nam, Trung Hoa), một người Pháp khác là trung tá hải quân Blanchar, nhảy dù xuống Hải Phòng ngày 16-8, đi lên Hà Nội ngày 22-8 bằng đường bộ. Blanchar cùng bốn đồng đội bị quân Nhật bắt, và chuyển đến Hà Nội ngày 23-8-1945. 

Hôm trước (22-8), Jean Sainteny, trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Trung Hoa (trở thành ủy viên Cộng Hòa Pháp ỏ Bắc Kỳ từ 2-10-1945 thế Messner), cùng bốn đồng đội được A. Patti, thiếu tá tình báo nhóm O.S.S. 202 (Hoa Kỳ), đưa từ Côn Minh đến phi trường Gia Lâm (Hà Nội) trên chiếc Dakota của Không lực Hoa Kỳ. 

Jean Sainteny vào ở dinh toàn quyền Pháp cũ, liên lạc với giới dân sự Pháp, tìm cách nhận lại những tù binh chiến tranh Pháp bị quân Nhật bắt. Ngày 27-8-1945, Võ Nguyên Giáp, đại diện Uỷ ban Giải phóng của Việt Minh, đến thăm xã giao, nhưng sau đó, Sainteny cùng đồng đội bị giam lỏng trong dinh toàn quyền dưới sự kiểm soát của người Nhật, không liên lạc được với ai cả. (Philippe Devillers,sđd.tr. 151.)

Ngày 29-8-1945, Leclerc đáp máy bay qua Nhật, đại diện Pháp, ký vào hiệp ước đầu hàng của Nhật ngày 2-9-1945 trên chiến hạm Missouri, thả neo trong vịnh Đông Kinh (Tokyo). Chỉ huy trưởng lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật Bản, tướng Douglas Mac-Arthur đã nói với Leclerc: “Nếu tôi được khuyên ngài, thì ngài hãy đem theo [qua Đông Dương] nhiều quân sĩ, nhiều nữa, càng nhiều theo sức ngài.” (Nguyên văn lời của Mac-Arthur: “Bring troops, more troops, as many as you can.”). (Philippe Devillers, sđd. tr. 150.)

Như thế, rõ ràng cả Hoa Kỳ và Anh đều khuyến khích và tạo điều kiện cho Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương. 

(Toronto, 23-08-2015)